ĐÁCUYN KHẢO SÁT TRÁI ĐẤT
Đácuyn là tên người, nhưng cũng là tên một loại bọ cánh cứng. Bọ cánh cứng làm sao lại mang tên người? Đây là một câu chuyện rất lý thú.
Một sinh viên bóc một lớp vỏ cây già, thấy hai con bọ cánh cứng rất kỳ lạ bèn đưa hai tay ra chộp lấy. Đột nhiên, lại nhẩy ra một con nữa, anh ta đút ngay một con vào miệng để bắt con thứ ba. Con trong miệng không chịu được, tiết ra một độc tố cay sè làm tê cả lưỡi chàng sinh viên ấy.
Chàng sinh viên ấy là Đácuyn. Để kỷ niệm việc ông phát hiện ra loại bọ cánh cứng hiếm có ấy, liền đặt tên cho nó là “Đácuyn”.
Sác lơ Đácuyn sinh năm 1809 ở Anh. Cha là một bác sĩ nổi tiếng, rất mong con trai mình sau này cũng trở thành bác sĩ. Nhưng, Đácuyn từ khi học trung học đã suốt ngày thích săn bắn, nuôi chó và bắt chuột. Sau khi vào đại học y khoa, lại suốt ngày đi thu thập tiêu bản động thực vật. Người cha không biết làm thế nào, đành đưa ông vào Viện thần học, bắt ông ngày ngày học thần học, đọc “Thánh kinh”. Nhưng, Đácuyn lại thường xuyên trốn ra ngoài đồng đi tìm tiêu bản. Câu chuyện trên đã xẩy ra vào lúc Đácuyn học đại học.
Năm 1831, Đácuyn tốt nghiệp đại học. Theo chuyên ngành học, ông có thể vào giáo hội làm mục sư. Tuy nhiên, ông không muốn làm mục sư có đãi ngộ cao. Để được nghiên cứu động thực vật, ông nhờ người tiến cử với tư cách “nhà vạn vật học”, tự lo chi phí lên tầu khảo sát hải quân “Bâygơn”, chấp nhận gian nan vất vả để tiến hành khảo sát trái đất.
– Ào! Ào! Một cơn sóng xô đến, con tầu tròng trành lên xuống trong sóng biển. Đácuyn lần đầu tiên đi biển, say sóng ghê gớm, ăn thứ gì cũng nôn ra hết, bụng cồn cào. Người thủy thủ tốt bụng khuyên ông đi nằm nghỉ. Nhưng Đácuyn lại cầm một tấm lưới loạng choạng đi lên boong, mắc tấm lưới vào dưới đuôi tàu để bắt động vật nhỏ trong biển cả. Sau đó, ông lại vào trong khoang làm tiêu bản những động vật này và ghi chép lại. Ông vừa viết vừa lấy tay trái bóp bóp bụng.
– Thưa ông Đacuyn, thuyền Trưởng mời ông lên boong! – Một thủy thủ vào thông báo.
Đácuyn say sóng nôn nao, vẫn gắng gượng lảo đảo leo lên.
– Đây là bụi tro gì vậy? – Thuyền trưởng nắm một vốc bụi tro trong bàn tay, hỏi Đácuyn.
– Tro dung nham. – Đácuyn xem rồi trả lời dứt khoát. Tiếp đó, ông hỏi lại thuyền trưởng:
– Ở đâu ra thế?
– Gió tây nam mạnh, đã thổi nó vào cột buồm.
– Ồ, chắc chắn là từ Nam Mỹ rồi. – Đácuyn ngừng giây lát nói tiếp với giọng kiên quyết – Để tôi lấy thêm ít nữa. Nói xong ông leo ngay lên cột buồm.
Thuyền trưởng sợ toát cả mồ hôi. Đang trên biển cả, trèo lên cột buồm là chuyện cực kỳ nguy hiểm. Huống hồ Đácuyn lần đầu tiên đi biển, lại đang bị say sóng! Ông ra lệnh ngay cho một thượng úy đứng bên – Anh cũng leo lên đi, bảo vệ cho ông ta.
Với một nghị lực phi thường, Đác-uyn đã leo được lên đỉnh một buồm, lấy thêm một ít tro dung nham, lại leo xuống và đi thẳng vào phòng làm việc của mình.
Khi thuyền trưởng tới phòng làm việc của Đác-uyn, đã thấy ông đang dùng kính hiển vi quan sát rất kỹ tro dung nham, miệng nói:
– Ông đến mà xem này, có rất nhiều động vật nhỏ! Bị bay từ Nam Mỹ tới đấy… – Một tay ông vẫn ôm chặt bụng.
Tháng 1 năm 1832 , tầu đậu lại ở đảo Santiagô trong quần đảo Vécđơ trong Đại Tây Dương. Các thủy thủ đều đi khảo sát luồng đi của nước biển. Đác-uyn cùng với người giúp việc Kowentơn vai đeo ba-lô, tay cầm búa địa chất, leo lên núi thu thập tiêu bản nham thạch.
Dọc đường, Đácuyn đập lấy các loại đá bỏ vào ba-lô, có loại kết tinh mầu đen, mầu trắng, có loại ở giữa có chùm hoa văn… mầu sắc thật đa dạng!
– Thưa ông Đácuyn, những thứ đá lung tung thế này, rút cục dùng làm gì ạ? – Người giúp việc tò mò hỏi.
– Anh xem, đá có tầng có lớp, trong mỗi lớp đá có vỏ sò và xương của động vật sống trong biển, nó cho chúng ta biết những sinh vật sống ở các niên đại khác nhau đấy! – Đác-uyn nhẫn nại giải thích – Dứt khoát không được bỏ sót những tư liệu có giá trị!
Người giúp việc khâm phục tinh thần hiếu học của Đác-uyn, vui vẻ giúp ông thu thập hóa thạch các loài động vật. Đêm đêm, ông dán nhãn lên các mảnh đá đã thu lượm, và ghi quá trình thu lượm.
Cuối tháng 2 năm 1832, tầu Bâygơn tới Bra-sin, Đácuyn lên bờ khảo sát. Ông đi khắp rừng rậm nhiệt đới không một dấu chân người, dũng cảm luồn qua rắn độc và mãnh thú. Có khi đi dưới mặt trời nóng bỏng, cũng có lúc gội mưa, cuối cùng đã thu thập được rất nhiều hóa thạch cổ sinh vật.
Một lần, ông đi vào một ngọn núi sâu, thấy mấy con ong vàng vây quanh một con nhện, đốt cho con nhện chết đi rồi đẻ trứng vào người con nhện.
– Ồ? Anh đến mà xem này, – Ông vui vẻ gọi người giúp việc lại – Anh thấy chưa, con nhện này sẽ nhanh chóng trở thành món điểm tâm của con ong vàng nhỏ đấy!
Người giúp việc rất đỗi ngạc nhiên thấy cách nuôi ấu trùng đặc biệt này của lũ ong vàng.
Lại một lần khác, Đácuyn đi tới một vùng sa mạc lớn. Ông hỏi người địa phương:
– Ở đây có động thực vật gì đặc biệt không?
Người đó nghĩ một tý rồi bảo:
– Đà điểu ở đây rất kỳ lạ, bao giờ chim cái cũng đẻ trứng tập thể, rồi để chim đực ấp, những con chim cái ấy lại đến chỗ khác đẻ trứng tập thể.
Thế là Đác-uyn và người giúp việc lại đi sâu vào sa mạc mênh mông, bỏ ra mấy ngày liền để quan sát tình hình đà điểu đẻ trứng. Rồi một hôm, Đácuyn vui vẻ nói với người giúp việc:
– Anh thấy không, đà điểu cái ba ngày đẻ một quả trứng, một lần đẻ liền 10 quả, tổng cộng mất hơn một tháng. Ở đây trời nóng, sau hơn một tháng thì trứng sẽ thối mất, có phải không nào? Cho nên, chúng đẻ tập thể, để chim đực luân phiên ấp trứng.
Vậy là Đácuyn đã làm tăng thêm rất nhiều tri thức sinh vật mà người xưa chưa biết.
Bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới rất nhiều. Có một thứ “sốt” người Châu Âu chưa thấy bao giờ, ai bị bệnh này, chỉ trong ba bốn ngày là chết. Chưa đầy nữa năm, đã có ba thủy thủ chết. Có người khuyên Đácuyn không nên một mình đi khảo sát, nhưng Đácuyn một việc làm lớn lao mới.
– Thưa thuyền trưởng, tôi muốn leo lên dãy núi Anđet, xin ngài phê chuẩn cho! – Đácuyn đã suy nghĩ kỹ rồi mới đưa ra dự định của mình.
Thuyền Trưởng nghe xong lắc đầu bảo:
– Dãy núi này liên miên kéo dài cả 5500 dặm Anh (khoảng 8800 cây số) kia! Đỉnh cao nhất tới 22.800 thước Anh (khoảng 7000 mét), ông làm thế nào mà xông vào đấy được?
– Tôi xưa nay chưa bao giờ đi theo vết chân của bất cứ ai cả, tôi muốn đi con đường chưa có ai đi qua? – Đác-uyn nắm chặt tay lại một cách kiên quyết, tỏ rõ quyết tâm của mình.
Thuyền trưởng cảm động trước nhiệt tình của Đác-uyn, cử cho ông hai người dẫn đường, mười con lừa và một con ngựa, tổ chức thành một đoàn leo núi.
Khi họ leo lên cao hơn 4000 mét, Đác-uyn phát hiện thấy nhiều hóa thạch của sò. Sò là động vật sống dưới đáy biển, làm sao lại có thể lên tới núi cao được?
Đácuyn suy nghĩ mãi, cuối cùng đã hiểu nguyên nhân sò lên núi cao. Ông xúc động nói:
– Nhìn này, vùng núi cao như thế này, bao nhiêu vạn năm trước, hóa ra là vùng biển cả!
Leo cao lên nữa, khí hậu ngày càng lạnh, không khí ngày càng loãng. Cứ mỗi bước, lại thở hồng hộc. Nhưng khổ nhất là thức ăn nấu không chín, đun mãi, nước thì nóng đấy, nhưng khoai tây vẫn sống nguyên, chỉ một lát nước bay hơi cạn hết. Họ phải chịu đựng những gian khổ không thể tưởng tượng nổi để leo lên được đỉnh cao nhất của dẫy Anđét.
– Ồ! Núi tuyết đẹp quá, mi đã ở dưới chân ta rồi! – Đácuyn sung sướng ngắm nhìn đất trời xanh mênh mang. Rồi ông lấy sổ tay, ghi lại những phát hiện mới. Hóa ra, hai bên dẫy núi, chủng loại thực vật không giống nhau; dù cho cùng một loại thì hình dáng cũng khác nhau rất xa. Vì sao chúng lại có sự khác nhau rõ rệt như vậy nhỉ? Một giả thiết lý luận mới chợt lóe lên trong đầu Đácuyn: giống vật không phải sinh ra rồi là không biến đổi, mà là biến đổi tương ứng với sự khác nhau của điều kiện khách quan!
Một lần, Đácuyn tới ven biển, phát hiện ra một hố xương động vật cổ xưa. Sau khi đào lên, thu được xương cốt của chín loài động vật cổ không còn tồn tại trên thế giới nữa. Đácuyn phấn khởi đặt tên cho những động vật cổ này: thú lớn, thú đen lớn, thú có giáp cứng, thú răng mòn, thú bốn chân răng thưa, thú da dầy, thú răng mũi tên. . .
– Ồ, thật kỳ lạ! – Khi quan sát kỹ loài thú răng mũi tên, Đácuyn thấy rằng nó giống động vật trên đất liền, còn vị trí của mắt, mũi, tai lại giống động vật dưới nước – Rút cục do nguyên nhân gì thế nhỉ? – Một dấu hỏi lớn xuất hiện trong suy nghĩ của Đácuyn: Sinh vật mới đã sản sinh như thế nào trên thế giới?
Vấn đề này đã được giải đáp khi ông khảo sát quần đảo Carapagôs trong Thái Bình Dương.
Vào mùa thu năm 1835, Đacuyn khảo sát từng hòn đảo ở quần đảo này, bắt về rất nhiều chim lưỡi ngược. Nhưng, chim lưỡi ngược ở các đảo lại có đặc điểm riêng, có con mỏ lớn, có con mỏ nhỏ, có con mỏ tù, có con mỏ nhọn…
– Thưa ông Đácuyn. – Thuyền Trưởng đến phòng làm việc của ông, cười bảo – Ông nuôi nhiều chim giống nhau thế này để làm gì?
Đácuyn lắc đầu:
– Đều khác nhau, nhưng biến hóa từ cùng một loài.
Thuyền Trưởng là một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo, nghe nói vậy tỏ ra không tán thành, giọng nghiêm nghị:
– Mọi thứ đều do Chúa sáng tạo ra, những thứ Chúa đã sáng tạo ra đều không biến đổi Ông không được nói như vậy!
Khi ấy, quan niệm của Đácuyn đã rõ ràng. Ông nói rất tin tưởng:
– Thưa ông thuyền trưởng, tổ tiên của những giống chim này đều ở đại lục Nam Mỹ. Do nhiều nguyên nhân đặc biệt, chẳng hạn như bay theo chiều gió, được chim lớn đưa tới, trôi nổi theo các mảnh gỗ, mà đã đến các đảo khác nhau. Quanh đảo là nước, chúng không bay đi được, liền sinh sống trên các đảo, lâu ngày vì hoàn cảnh môi trường khác nhau, nên đã có sự biến dị về chủng loại.
– Ông nói gì thế?
– Biến dị về chủng loại! Nghĩa là nói, để thích ứng với môi trường, sinh vật đã có rất nhiều biến dị, qua di truyền và chọn lựa tự nhiên, dần dần hình thành chủng loại mới.
– Lẽ nào ông không tin muôn vật là do Chúa sáng tạo ra hay sao?
– Tôi tin Chúa, càng tin vào chân lý hơn…
Trong chuyến đi khảo sát quanh trái đất năm năm, Đácuyn đã thu thập được rất nhiều tiêu bản. Sau khi về nước, lại tiến hành thực nghiệm gần 20 năm, đọc hàng nghìn loại sách về sinh vật, kể cả “Tề dân yếu thuật” – tác phẩm nông nghiệp cổ đại Trung Quốc, cuối cùng vào năm 1859, ông đã viết “Nguồn gốc các loài”, tác phẩm tiến hóa luận mang ý nghĩa vạch thời đại. Sau đó, ông lại viết “Biến dị của động thực vật nuôi trồng trong gia đình”, “Nguồn gốc loài người, những tác phẩm quan trọng này là những cống hiến lớn lao cho văn minh loài người. Thuyết tiến luận của ông là một trong ba phát hiện lớn của khoa học tự nhiên thế kỷ XIX (hai phát hiện khác là Định luật bảo toàn và biến đổi năng lượng, Học thuyết tế bào), tiêu biểu cho trình độ cao nhất của sự phát triển khoa học lúc đó.
Năm 1882, Đác-uyn qua đời. Ông để lại một danh ngôn cho toàn thế giới: “Đối với khoa học, người kiên trì tất sẽ thành công”!
NÔBEN
Hàng năm vào lúc 4 giờ 30 phút chiều ngày 10 tháng 12, tại phòng hòa nhạc Stốckhôm thủ đô vương quốc Thụy Điển, đều cử hành buổi lễ lớn với tầm vóc thế giới.
Trong tiếng nhạc rộn rã, thành viên Hội đồng giải thưởng tháp tùng người được giải Nôben, bước vào phòng họp. Chủ tịch Hội đồng giới thiệu thành tựu khoa học hoặc văn học của người được giải bằng tiếng Thụy Điển, người được giải đáp lại bằng tiếng nước mình, sau đó trao bằng danh dự và huy chương vàng. Kiểu dáng bằng danh dự khác nhau. Hoa văn và hình vẽ, được vẽ theo đặc trưng thành quả của từng người. Mặt trước huy chương vàng là chân dung chạm nổi Nôben, kèm theo ngày tháng năm sinh và mất của ông, đúc bằng chữ số La mã. Mặt sau khắc họ tên người được giải và năm được giải. Mặt này còn khắc một câu ca ngợi: “Nhân vật nhân từ và vĩ đại biết nhường nào, người đời ngưỡng mộ những cống hiến và phát hiện của ông, đã giúp cho đời sống trí tuệ của con người ngày thêm dồi dào”. Nếu là giải thưởng vật lý hoặc hóa học, thì mặt sau huy chương còn có thêm tượng chạm nổi nữ thần Esut. Thánh mẫu tay cầm chiếc kèn lệnh tượng trưng cho của cải và trí tuệ, đang nhẹ nhàng vén tấm mạng che mặt của nữ thần như muốn nói lên, văn minh loài người không ngừng phát triển. Sau khi trao giải, Quốc vương Thụy Điển đích thân đọc diễn văn, chúc mừng những người được giải. Lễ trao giải thưởng đến đây kết thúc.
Ngày hôm sau, những người được giải nhận một khoản tiền thưởng lớn, để khuyến khích thành tựu xuất sắc của họ.
Vì sao cứ phải tổ chức buổi lễ long trọng này tại Stốckhôm? Vì đây là nơi Nôben chào đời ngày 21 tháng 10 năm 1833. Vì sao cứ phải trao giải thưởng vào 4 giờ chiều ngày 10 tháng 12? Vì đây là thời điểm Nôben tạ thế tại Italia năm 1896. Giải thưởng Nôben được lập ra theo di chúc của Anfrêt Nôben. Ông đã có nhiều phát minh về máy móc và hóa học, tổng cộng có 129 bản quyền quyền phát minh sáng chế, phát minh nổi bật nhất là thuốc nổ.
Nói tới thuốc nổ, người ta sẽ nghĩ ngay tới cảnh tàn khốc máu đổ đầu rơi trong chiến tranh. Kỳ thực, Nôben phát minh ra thuốc nổ vốn là để mang lại hạnh phúc cho loài người.
Cha của Nôben là một kỹ sư cơ khí Thụy Điển, do một trận cháy, cả nhà không còn gì cả, đành phải lang thang phiêu bạt khắp nơi, đã lần lượt đến nước Nga và nhiều quốc gia khác. Nôben con bôn ba theo cha, thấy thợ thuyền dùng choòng thép đục phá đá ở vùng núi non hoang vu. Để khai thông được một tuyến đường sắt hoặc đường bộ, phải mất không biết bao nhiêu là công sức lao động gian khổ! Ông nghĩ, làm sao phát minh ra được một thứ gì đó mà chỉ trong chốc lát xẻ bạt được núi lớn thì tốt biết mấy!
Trong xưởng của cha Nôben, thường xuyên làm thử nghiệm kíp nổ và thuốc nổ, điều đó khiến Nôben con rất hứng thú. Năm 17 tuổi, người cha cho ông đến một nhà máy cơ khí ở Mỹ làm thợ học việc hai năm. Sau khi về Thụy Điển, Nôben càng thích thú công việc phát minh thuốc nổ. Chỉ có mấy năm, đã cùng cha và anh trai phát minh ra loại thuốc nổ thể lỏng. Sức nổ của loại thuốc này rất mạnh người ta gọi nó là “dầu nổ Nôben”, thịnh hành khắp thế giới.
Thuốc nổ thể lỏng rất dễ nổ. Một lần, một đoàn tầu hỏa ở San Fransisco nước Mỹ, khi vận chuyển loại thuốc nổ này, chỉ vì bị xóc mạnh mà toàn bộ đoàn tầu bị phá hủy tan tành. Một lần khác, con tầu lớn “Ơrôpa” chở loại thuốc nổ này, khi chạy trên Đại Tây Dương, vì sóng lớn tròng trành mà cũng gây ra nổ, tầu chìm nghỉm xuống đáy biển sâu. Thế là, cả thế giới đều sợ “dầu nổ Nôben”. Rất nhiều Chính phủ không cho phép nhập khẩu, nhiều công ty vận tải từ chối chuyên chở thứ thể lỏng đáng sợ này.
“Làm thế nào để thuốc nổ chuyên chở được an toàn?” Nôben không chịu nản lòng, tiếp tục thực nghiệm. Ngày 3 tháng 9 năm 1864, một tai nạn đã xẩy ra? Chỉ nghe “Oàng” một tiếng nổ lớn, gạch vụn ngói bay tán loạn khắp nơi, khói đặc đen sì cuốn cuộn bốc lên, phòng thực nghiệm của Nôben tan thành tro. Mọi người chạy tới hiện trường thì thấy máu vung vãi khắp nơi, năm nhân viên làm việc chết ngay tại chỗ, trong đó có một người là em trai Nôben. Cha Nôben từ đó trở thành người tàn phế bán thân bất toại. May mắn hôm đó Nôben không có mặt ở hiện trường, nên thoát chết.
Đang lúc Nôben gặp rất nhiều khó khăn, thì một cảnh sát vũ trang đã đến tận nhà, Nôben lịch sự mời vào nhà.
– Thưa ông Nôben, đây là bức thư chính phủ gửi cho ông. – Người cảnh sát đưa bức công hàm.
– Mời ngồi, xin mời ông ngồi! – Nôben giọng khách khí.
– Thôi khỏi! Mời ông ký nhận cho.
– Tôi ký ngay, tôi ký ngay – Nôben vừa nói, vừa ký vào giấy nhận. Sau đó, mở lá thư ra xem thấy viết:
“Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, chính phủ quyết định, Nôben phải thôi ngay việc thử nghiệm chất nổ, bằng không sẽ truy cứu trách nhiệm theo pháp luật!
– Xin chờ cho một chút, thưa ông cảnh sát, thuốc nổ này nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân mà! – Nôben xem xong giọng vui vẻ biện hộ cho mình, nhưng khi ấy viên cảnh sát đã đi mất tăm rồi.
Trước thực tế nghiêm khắc ấy, làm thế nào bây giờ? Nôben tiếp tục phấn đấu vượt mọi khó khăn.
Được bạn bè giúp đỡ, Nôben thuê một chiếc thuyền lớn, tiến hành làm thực nghiệm ở trên hồ Maralen gần thủ đô Thụy Điển. Qua mấy trăm lần thất bại, sống trên thuyền suốt bốn năm trời, tới mùa thu năm 1867, thí nghiệm của Nôben đã thành công lớn. Ông để thuốc nổ thể lỏng thấm vào một loại đất si-lic. Như vậy, dù cho gặp nhiệt độ hoặc ma sát, chấn động nhất định, thuốc nổ cũng khó có thể nổ được. Đây chính là thuốc nổ thể rắn, chuyên chở an toàn, xuất hiện đầu tiên trên thế giới – loại thuốc nổ màu vàng. Từ đó, việc xẻ núi làm đường, việc đào đường hầm, khoan giếng mỏ, không còn phải dùng sức người đục từng nhát búa nữa.
Để phát minh ra loại thuốc nổ có sức công phá mạnh hơn, Nôben đẩy mạnh hơn nữa việc thử nghiệm. Một lần, ông tự tay đốt dây dẫn lửa trong phòng thực nghiệm, hai mắt nhìn chằm chằm vào tia lửa từ từ lan ra, đứng sừng sửng quan sát. Sắp rồi! Sắp đến rồi! Tia lửa đã cháy đến gần sát khối thuốc nổ, tim ông đập “thình! Thình!”, nhưng đôi mắt vẫn dán vào khối thuốc nổ. Đến lúc rồi “Oang?” tiếng nổ như sấm làm rung chuyển cả mặt đất, khói đặc tuôn ra ngoài phòng thực nghiệm. Nghe thấy tiếng nổ, mọi người chạy đến, họ cuống quít cả lên, tất cả đã kinh hãi kêu lớn:
“Nôben nguy rồi!” “Nôben nguy rồi!”.
Đột nhiên, một người trung niên mình đầy máu me lồm cồm bò dậy. Ông ngoan cường xông ra khỏi đám khói đen, hai tay giơ cao hô lớn:
– Tôi thành công rồi! Tôi thành công rồi!
Ông chính là người phát minh ra thuốc nổ mà mọi người tôn kính – Nôben.
Năm 1875, Nôben phát minh ra loại thuốc nổ dạng keo có sức nổ mạnh hơn. Năm 1887, Nôben lại phát minh ra thuốc nổ vừa mạnh hơn, vừa không có khói, thuốc nổ không khói. Thuốc nổ này chính là loại chúng ta đang dùng rộng rãi ngày nay.
Để nghiên cứu thuốc nổ, Nôben đã cống hiến cả đời mình. Ông không có vợ con. Lúc lâm chung, điều ông thấy đáng tiếc duy nhất là, thuốc nổ ông phát minh ra đã bị bọn thống trị phản động dùng làm vũ khí giết người và vũ khí chiến tranh. Vì vậy, trong di chúc ông đã dặn lại rằng, gửi hết 2 triệu bảng Anh – tiền thưởng và tiền bản quyền hơn 100 phát minh của ông vào ngân hàng, và lấy lãi hàng năm làm tiền thưởng, trao cho những người có thành tích xuất sắc nhất về các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh vật, y học, văn học và hòa bình. Bốn giải thưởng đầu trao tại thủ đô Thụy Điển, Stốckhôn; giải thưởng hòa bình trao tại thủ đô Nauy, Ôslô. Sau đó, lại thêm “giải thưởng kinh tế” cũng trao tại Thụy Điển. Đấy là lai lịch giải thưởng Nôben một năm trao một lần.
VIỆC TÌM RA VI TRÙNG VÀ VIRÚT
Năm 1865, một trận dịch về tằm đáng sợ lan tràn ở Châu Âu Tằm đang khỏe mạnh, chỉ một đêm chết hàng loạt. Rất nhiều nông dân Pháp sống bằng nghề nuôi tằm, đứng trước nguy cơ phá sản. Họ liên danh viết một lá thư gửi cho một giáo sư sinh vật học tại Đại học sư phạm Pari, xin ông tìm cách giúp đỡ.
Giáo sư lập tức đến ngay hiện trường miền nam nước Pháp để điều tra. Ông quên ăn quên ngủ, làm việc thâu đêm suốt sáng mấy ngày đêm liền, quan sát kỹ càng những con tằm bị bệnh và những lá dâu chúng đã ăn.
– Đây chính là nguyên nhân gây bệnh! – Giáo sư kinh ngạc kêu lên. Hóa ra, dưới kính hiển vi, ở những con tằm bị bệnh và lá dâu có những hạt nhỏ hình bầu dục. Những hạt nhỏ này sống, chúng sinh sản rất nhanh. Có chúng, tằm sẽ ốm và chết. Giáo sư lập tức bảo với nông dân đem đốt hết những tằm ốm và lá dâu chúng đã ăn. Vậy là, nạn dịch tằm làm Châu Âu hốt hoảng, đã được khống chế.
Vị giáo sư ấy tên là Pastơ sinh năm 1822 tại Pháp, là một nhà vi sinh vật học và hóa học kiệt xuất. Suốt đời ông đã có những cống hiến vẻ vang cho sức khỏe của loài người và nghiên cứu vi sinh vật.
Qua nghiên cứu bệnh tằm, Pastơ đã tìm ra đầu tiên vi sinh vật gây bệnh, và đặt cho nó cái tên là “vi trùng”.
Làm thế nào để ngăn chặn bệnh tằm lây lan truyền nhiễm? Pastơ mang những con tằm bị bệnh về phòng thực nghiệm Pari nghiên cứu. Sau hai năm, ông đã thành công. Phương pháp rất đơn giản: chọc chết những con ngài cái đã đẻ hết trứng, cho nước vào nghiền thành hồ, đặt dưới kính hiển vi quan sát. Tằm có vi trùng gây bệnh, thì đốt hết trứng nó đã đẻ ra; tằm không có bệnh, thì giữ trứng chúng lại. Dùng trứng tằm không có bệnh để sinh sản, bệnh tằm sẽ không lây lan truyền nhiễm nữa.
Từ đó, Pastơ bắt đầu nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh cho con người, kết quả đã tìm ra nhiều loại vi trùng gây bệnh. Để ngăn chặn vi trùng gây bệnh lây lan truyền nhiễm, ông đã tuyên truyền phổ biến cho các bác sĩ cách khử trùng nhiệt độ cao. Hiện nay, các dụng cụ chữa bệnh sử dụng tại các bệnh viện của chúng ta đều sử dụng cách hấp, cách luộc ở nhiệt độ cao. Đấy chính là cách khử trùng Pastơ đã phát hiện, bảo đảm vô trùng, an toàn đáng tin cậy. Để kỷ niệm thành tích của ông, người ta gọi phương pháp này là “Cách khử trùng Pastơ”.
Năm 1880, ở nông thôn Pháp xảy ra chuyện gà nuôi chết hàng loạt, nguyên nhân do dịch gà lây lan khắp nơi. Làm thế nào để gà không mắc bệnh truyền nhiễm? Trong khi mọi người đang lo lắng, thì Pastơ gửi lên viện khoa học một bản báo cáo: Cách miễn dịch bệnh truyền nhiễm.
Thì ra, Pastơ đã sớm nghiên cứu vi trùng gây bệnh dịch của gà. Lúc đầu, ông tiêm dịch của chất nuôi dưỡng vi trùng gây bệnh vào thân gà, gà chết ngay hôm ấy. Sau ông để thứ dịch vi trùng ấy mấy tuần rồi mới tiêm, gà không chết. Sau nhiều lần thực nghiệm, Pastơ đã nhận ra, vi trùng gây bệnh để một thời gian, thì không những độc tính giảm đi, mà còn có hiệu quả chống được bệnh. Thế là, ông đã chế tạo ra vắc xin chống bệnh gà toi, sau khi tiêm, tăng cường được sức đề kháng của gà, ngăn chặn được dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
Tiếp đó, ông lại dùng phương pháp này chế tạo vắc xin bệnh nhiệt thân cừu. Nhưng, sau khi ông tiêm vắc xin này cho cừu, thì thấy bốn chân nó run rẩy, đổ máu mũi, khó thở rồi chết rất nhanh.
“Vắc xin này không được rồi! Làm thế nào đây? Pastơ băn khoăn suy nghĩ mãi. Ông đào mộ chôn cừu lên, quan sát rất kỹ đất trong huyệt, cuối cùng tìm thấy một điều kỳ lạ : mặc dù cừu đã chết được mấy năm, độc tính của bào tử vi trùng nhiệt thán vẫn rất mạnh! – Tăng nhiệt độ lên thử xem. – Pastơ suy nghĩ. Và ông đã thử dùng nhiệt độ cao nuôi cấy vắc xin vi trùng bệnh nhiệt thán, kết quả đã thành công.
Nắm được phương pháp chế tạo vắc xin, Pastơ bắt đầu nghiên cứu vi trùng gây bệnh cho con người. Tại viện nghiên cứu, ông tổ chức cho học trò và những người giúp việc thử nghiệm rộng rãi, chế tạo vắc xin bệnh thương hàn, ỉa chẩy, bạch hầu, dịch hạch, đã ngăn chặn được nhiều bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, chúng ta đang tiêm phòng hàng năm, chính là dùng phương pháp miễn dịch này, và đó chính là phát minh của giáo sư Pastơ!
Chó dại cắn người, người sẽ mắc chứng “sợ nước”. Người mắc bệnh này, nghe tiếng nước chẩy là sợ, thấy nước thì run lên, toàn thân co giật và chết rất nhanh. Bệnh này do chó dại cắn gây ra, người ta gọi là “bệnh chó dại”.
Dưới ống kính hiển vi, Pastơ quan sát kỹ dịch não của chó dại, không thấy vi trùng gây bệnh, nhưng tiêm dịch tủy của chó dại vào chó thường, thì chó thường ốm chết. “Chà loại vi trùng gây bệnh này còn nhỏ hơn cả vi trùng. Pastơ kinh ngạc kêu lên.
Người ta gọi sinh vật gây bệnh nhỏ hơn cả vi trùng này là “vi rút”.
Chữa bệnh chó dại thế nào đây? Pastơ lấy não chó dại vừa mới chết ra, treo vào trong một bình sạch sẽ cho khô đi, sau 14 ngày, cho nước vào nghiền thành hồ, tiêm cho chó bình thường, kết quả không thấy phát bệnh. Ngày hôm sau, lấy dịch tủy 13 ngày trước tiêm cho con chó ấy, cũng không phát bệnh. Cứ thế hàng ngày thay đổi tới ngày thứ 14, tiêm dịch não tuỷ của con chó dại vừa mới chết vào con chó bình thường, con chó này vẫn bình thường. – Loại vắc xin chữa bệnh chó dại đã ra đời!
Thành quả này sau khi đăng báo, một phụ nữ bế đứa con 9 tuổi đến gặp Pastơ.
– Thưa giáo sư, cứu con tôi với! Hôm kia, chó dại đã cắn cháu mười mấy chỗ, cháu chết đến nơi rồi. . . – Người mẹ nói, nước mắt đầm đìa.
Pastơ rất thông cảm, xoa xoa tay nói:
– Tôi chỉ mới thử nghiệm ở chó thôi, chưa chữa cho người! Làm sao dám làm? Ngài hãy thử nghiệm cho con tôi đi. Cầu xin ngài, thưa giáo sư? Người mẹ thành khẩn van xin.
– Vâng, tôi sẽ cố hết sức mình. – Nói rồi, Pastơ lấy dịch tuỷ của con chó dại 14 ngày trước ra.
Tiêm một mũi, chú bé ngủ rất ngon. Ngày thứ hai, tiêm dịch não tuỷ của con chó dại 13 ngày trước, chú bé vẫn rất khỏe. Qua đi từng ngày, dịch tủy ngày một mới hơn, sức khỏe chú bé ngày một khá hơn. Tới ngày thứ 14, dịch tủy não chó dại mới nhất được tiêm vào người chú bé, chú bé ngủ ngay. Tuy nhiên, Pastơ lại suốt đêm không sao ngủ được: “Đây là dịch thể có độc tính rất lớn, đứa trẻ liệu có chịu đựng nổi không? Nếu chú bé chết, mình thật sự phụ lòng người mẹ. Trời tờ mờ sáng, Pastơ đã đến bên giường chú bé. “Ha ha!” Chú bé đang chơi đùa, Pastơ cười sung sướng.
– Thành công rồi!
Pastơ được nhân dân toàn thế giới tôn kính như một vị thần y. Chú bé này tên là Master. Sau khi trưởng thành, anh tự nguyện làm người gác cổng cho viện nghiên cứu Pastơ. Từ lúc trẻ tới khi già, Master đã trông coi Viện nghiên cứu này hơn nữa thế kỷ.
Trong Thế chiến thứ hai, quân xâm lược Đức định phá huỷ ngôi mộ của Pastơ ở Pari. Khi ấy Master đã 78 tuổi, ông kiên quyết bảo vệ mộ, kết quả là đã hy sinh tính mạng cho việc giữ gìn ngôi mộ Pastơ.
Phát xít Đức vì sao căm thù nhà khoa học đã qua đời gần nữa thế kỷ như vậy! Nguyên nhân chính, Pastơ là một người yêu nước vĩ đại. Lúc sinh thời ông đã từng nói những lời lẽ hào hùng thế này:
Khoa học đương nhiên không có biên giới quốc gia, nhưng nhà khoa học thì có quốc gia. Phải cống hiến tất cả công việc của mình cho đất nước mình!
NGƯỜI CÔDẮC ĐẾN HẮC LONG GIANG
Mé đông chỗ gặp nhau của sông Usuri và Hắc Long Giang, có một thành phố tên là Khabarốpskơ. Thành phố này vốn tên là Bôli, thuộc về Trung Quốc. Năm 1860 sau khi ký “Hiệp ước Bắc Kinh”, mới bị nước Nga Sa hoàng cắt mất.
Nghe tên thành phố “Khabarốpskơ”, sẽ khiến người ta nghĩ tới một nhân vật có tên là “Khabarốp”. Khabarốp là ai vậy? Ông là thủ lĩnh “đội quân viễn chinh” Côdắc nước Nga thế kỷ XVII.
Khabarốp “viễn chinh” là chuyện như thế nào? Chuyện này phải kể từ mùa xuân năm 1649.
Từ sau khi Bôyakốp “thám hiểm” lưu vực Hắc Long Giang, vị Trưởng quan nước Nga đóng ở Yakut đã báo cáo với Sa hoàng đề nghị cử quân đội đến chiếm lĩnh vùng này. Nhưng, quân đội và kinh phí của vị Trưởng quan này đều rất ít. Đang lúc lúng túng thì có người chủ động tìm đến, xin được “tự bỏ tiền” tổ chức một đội “quân viễn chinh” đi chinh phục Hắc Long Giang.
– Ông ta là ai vậy? – Trưởng quan Yakut hỏi phó quan.
– Ông ta là Khabarốp, một đại phú thương có tiếng ở Sibêri. – Phó quan trả lời.
– Làm sao ông ta lắm tiền thế?
– Ông ta ấy à, vốn là một dân làm muối Nga ở Châu Âu, nghèo kiết xác. Mười mấy năm trước, đến Sibêri buôn bán da thú, lương thực, phút chốc trở nên giàu sụ.
– Giàu sụ hả? – Trưởng quan đột nhiên vui hẳn. Ta thích kẻ nam nhi có tinh thần tiến thủ.
– Thưa Trưởng quan, ông ta còn một chuyện nữa. . . – Phó quan ấp a ấp úng – Năm kia ông ta phạm tội ăn cướp, bị tù hai năm, vừa mới ra tù xong!
– Cũng chẳng sao cả? Trưởng quan đứng dậy lớn tiếng nói – Ta thích loại người dám mạo hiểm này, mau gọi ông ta vào!
Bước vào là một người trung niên, đội mũ da chóp nhọn, râu ria xồm xoàm, hai con mắt “đảo” liên tục. Người đó móc trong túi áo khoác ra một tập giấy, trình lên:
– Tiểu dân Khabarốp đã thảo ra kế hoạch chinh phục Hắc Long Giang, xin Trưởng quan phê duyệt.
– Mời ngồi – Trưởng quan nhận bản “kế hoạch”, mở ngay ra đọc.
– Thưa Trưởng quan, tiểu dân có việc muốn bẩm.
– Việc gì?
– Tuyến tiến quân của ngài Bôyakốp lần trước không đúng. Tiểu dân đã tìm được một đường tắt, chỉ cần Trưởng quan phê chuẩn là tiểu dân có thể trực tiếp đi chinh phục những người chưa thần phục Sa hoàng ở phía nam dẫy núi Ngoại Hưng An.
– Anh có bao nhiêu người và ngựa?
– Mộ được 150 người. Chi phí cho quân viễn chinh, gồm lương thực, thuyền bè, vũ khí, đạn dược, do tiểu dân gánh chịu cả còn da thú cống nạp nơi chinh phục, tiểu dân dâng hết cho Sa hoàng và Trưởng quan.
– Được! Ta phê chuẩn kế hoạch nhỏ của anh. – Trưởng quan Yakut nghĩ bụng, đây là vụ làm ăn có lãi.
Tháng 3 năm 1649, Khabarốp dẫn 70 người Côdắc tuyển mộ được, từ sông Lêna kéo thuyền đi qua sông Ôlêcma, cuối tháng 1 năm 1650 vượt qua dẫy núi Ngoại Hưng An, tiến vào bờ sông Hắc Long Giang. Dọc bờ sông Hắc Long Giang có năm khu trại của người Đawô, khu trại ở chính giữa tên là Akơsa.
– Ồ! Làm sao chẳng có ai cả nhỉ? – Khabarốp tìm khắp ba khu trại, không thấy một người Đawô nào. Hóa ra khi cư dân địa phương biết bọn xâm lược Nga là “lũ quỷ ác ăn thịt người” đã bỏ chạy hết.
– Báo cáo, bắt được một bà cụ già. – Đám Côdắc giải đến một bà già Đawô tóc bạc phơ.
– Người của chúng mày đi đâu cả rồi? – Khabarốp giận dữ hỏi.
– Không biết. – Bà cụ trả lời.
Khabarốp lộ rõ bộ mặt ác quỷ, hầm hầm quát:
– Dùng cực hình, hỏa thiêu mụ ta!
Bà cụ bị trói vào cây, củi đã cháy đùng đùng, dưới chân mà vẫn còn bị đám lính đánh rất dã man bằng gậy.
– Ta là thần dân Đại Thanh, Trung Quốc có mấy triệu quân, có cả đại thương và đại pháo, Hoàng thượng nhất định sẽ cử người tới đây trừng trị bọn cướp chúng mày! – Bà cụ lớn tiếng nguyền rủa Khabarốp.
– Ủa? Hóa ra họ có cả đại pháo – Khabarốp ngoảnh nhìn đám quân của mình, tất cả chỉ có 70 tên, tự lượng sức không đủ, liền giao cho bảo người trợ thủ là Xtêphanốp chỉ huy 50 người ở lại Akơsa, còn mình thì quay trở lại Yakut.
Tháng 6 năm 1650, Khabarốp dâng lên trưởng quan Yakut, mẫu giống lúa tiểu mạch sinh trưởng ở vùng Hắc Long Giang, da thú ăn cướp được, thêm một tấm bản đồ ven bờ Hắc Long Giang do anh ta tự vẽ, nhờ ông chuyển lên cho Sa Hoàng.
– Thưa Trưởng quan, chính mắt tôi nhìn thấy ở Hắc Long Giang có ruộng đồng rộng lớn, bãi chăn nuôi và rừng rậm sản xuất nhiều lương thực, da thú, giầu có tươi đẹp hơn cả Sibêri. Nếu có một đội quân 6000 người, nhất định chinh phục được Hắc Long Giang.
– Anh chiêu mộ binh lính đi – Trưởng quan Yakut là kẻ chấp hành trung thành chính sách bành trướng của Sa hoàng, dĩ nhiên đồng ý với lời thỉnh cầu của Khabarốp.
Khabarốp bỏ ra một tháng trời, chỉ chiêu mộ được 117 người Côdắc. Trưởng quan Yakut cho anh ta 21 lính Nga Sa hoàng. Tháng 7 năm 1650, Khabarốp dẫn 138 người và 3 khẩu đại bác, “viễn chinh” dải bờ sông Hắc Long Giang lần thứ hai.
– Ta cho anh hai chỉ lệnh. – Lúc sắp lên đường, Trưởng quan Yakut lấy ra hai phong thư nói với Khabarốp – Một là cho anh, anh dứt khoát phải làm cho cư dân địa phương thần phục Sa hoàng, cứ việc sử dụng vũ lực. Một nữa là gửi cho Hoàng đế Trung Quốc, yêu cầu ông ta quy thuận nước Nga, mãi mãi làm tôi tớ Sa hoàng!
– Rõ! – Khabarốp đứng nghiêm, ủng da đập mạnh kêu đánh “rốp”. Thì ra, anh ta đã là một sĩ quan Nga.
Tháng 9 năm 1650, Khabarốp xâm nhập lần thứ hai vào khu trại Akơsa. Tù trưởng Đawô chỉ huy cư dân kiên quyết chống lại bằng cung tên. Nhưng, vũ khí của họ quá lạc hậu, dưới làn đạn mãnh liệt của người Nga, hàng loạt chiến binh đã hy sinh. Chống lại được từ trưa tới chiều, khu trại Akơsa đã bị Cô dắc chiếm lĩnh.
– Giết hết tất cả nam giới, còn nữ giới thì bắt bằng hết! – Khabarốp ra lệnh.
Hơn 100 Côdắc xông vào khắp nơi chém giết đốt phá, máu nhuốm đỏ bờ sông Hắc Long Giang. Đêm hôm ấy, Khabarốp định cưỡng hiếp vợ tù Trưởng Đawô bị bắt sống, nhưng bị cự tuyệt, hắn liền bóp cổ chết bà ta.
Khabarốp dò ra biết được, tại bờ sông Hắc Long Giang chỗ cửa sông Sungari (nay là sông Chêya), có chín khu trại Đawô. Vội vã cử người trở về báo cáo với Trưởng quan Yakut, xin tăng thêm viện binh. Cấp trên lập tức cử thêm 136 lính, chi viện cho Khabarốp, và đem thêm một lá thư cho Hoàng đế Trung Quốc. Trong thư viết: Binh lực Nga hùng mạnh, các người đâu phải địch thủ, mong đừng để Sa hoàng phải tức giận, phải lập tức tận lực cống dâng vàng, bạc, lụa hoa, đá quý, da thú. Nhưng, bọn xâm lược mải quấy phá khắp nơi, lá thư ấy không đến được Bắc Kinh, tên lính cầm thư đã bị cư dân địa phương tiêu diệt.
Bọn Khabarốp không chờ được viện binh, đành đơn độc kéo bọn thủ hạ Côdắc theo dọc sông tiến xuống sang phía đông, suốt dọc đường đốt sạch nhà cửa xóm làng. Chạng vạng tối ngày l6 tháng 6 năm 1651, bọn chúng xông vào khu trại Quêcuta. Tù trưởng Quêcuta chỉ huy thanh niên trai tráng đánh chặn trên bờ sông Hắc Long Giang không để quân xâm lược lên bờ. Khabarốp hạ lệnh nổ súng, bắn chết tại chỗ 12 người Đawô. Quân xâm lược sau khi lên bờ, bắt người Đawô phải đầu hàng ngay và cống nộp da thú cho Sa hoàng. Tù trưởng Quecuta nghiêm khắc trả lời:
– Chúng ta tiến cống cho đức Vua Thuận Trị, đâu có thứ phải tiến cống cho chúng mày?
Nói rồi, ông vẫy tay về phía sau, một loạt tên bắn tới chặn quân Nga vào trại. Quân xâm lược nã pháo suốt một đêm, phá vỡ một mảng lớn tường thành, Sáng sớm hôm sau, chúng lọt vào được bên trong, chém giết bừa bãi, giết chết 661 cư dân Trung Quốc, bắt đi 361 phụ nữ và trẻ em, toàn trại chỉ còn 15 người thoát chết. Những phụ nữ Đawô bị bắt, bọn Côdắc mang “chia nhau” và làm nhục.
Quân Côdắc tiếp tục theo dọc sông tiến xuống phía đông, đến làng Tôlga, cư dân địa phương đang ăn uống vui vẻ. Khabarốp hạ lệnh tập kích bất ngờ, bắt tù trưởng và 270 cư dân nam nữ.
– Lấy lửa thiêu đi! Lấy roi đánh đi! – Khabarốp ra lệnh sử dụng cực hình đối với tù trưởng Tôlga – Mau đem da chồn đến cống nạp ngay!
Tù trưởng Tôlga trước mặt quân địch tỏ ra không chút nao núng. Ông căm thù nguyền rủa:
Đã rơi vào tay chúng mày, chỉ có một cái chết thôi, cứ chặt đầu ta đi!
– Đốt làng! – Khabarốp ra lệnh thiêu hủy làng xóm rồi dẫn tù trưởng Tôlga tiếp tục xâm phạm hạ lưu Hắc Long Giang. Vị tù trưởng này kiên quyết không chịu làm tù binh, đã dùng kiếm tự sát.
Ngày 5 tháng 10, Khabarốp xâm nhập cửa sông Tùng Hoa, lại chém giết dã man. Ngày 10, đến làng Utrala, nơi cư trú của người Hơtrơ, và hạ doanh trại qua đông tại đây. Cư dân địa phương cử người đến báo cáo với chính phủ nhà Thanh.
Ngày 4 tháng 4 năm 1652, quân đội Trung Quốc dưới sự chỉ huy của quan Chương Kinh tên là Hải Sắc, tấn công vào doanh trại của quân Cô dắc. “Ùng!” “Oàng!” Pháo của Trung Quốc nã vào doanh trại quân địch,tiêu diệt tại chỗ 10 tên, làm bị thương 78 tên, Khabarốp cũng bị thương, máu me đầm đìa. Đúng lúc đó, quân Trung Quốc xông vào doanh trại.
– Thượng đế! Cứu mạng! Khabarốp người quấn đầy băng, bỏ trại chạy trốn.
– Phải bắt sống! Bắt sống lấy nó – Hải Sác chủ trương không giết Khabarốp. Thế là, Khabarốp đã có dịp trốn thoát.
Mùa đông năm 1652, Khabarốp lại đến cướp xóm làng Trung Quốc ở bờ sông Hắc Long Giang, thủ đoạn của bọn chúng càng tàn bạo hơn. Tại làng Fêyaka, chúng đã dùng dao sả đôi người tù trưởng bị bắt.
Mùa xuân năm 1653, Khabarốp quay trở lại cướp bóc ở vùng thượng lưu sông Hắc Long Giang. Khi ấy, vì có mâu thuẫn với trưởng quan do Sa hoàng cử đến, Khabarốp bị cách mọi chức vụ, giải về Matscơva.
Nhưng, Khabarốp về đến Matscơva, lại được chính phủ Nga nhiệt liệt khen ngợi, được Sa hoàng phong cho tước hiệu quý tộc, ban cho mấy làng ở huyện Ilimskơ, để thưởng “công lao” đã “viễn chinh” lưu vực Hắc Long Giang.
Sau khi Khabarốp về rồi, trợ thủ là Stêpanốp tiếp tục chém giết đốt phá cư dân Trung Quốc. Năm 1658, chính phủ Thanh cử đại binh đến đánh dẹp, Stêpanốp bị bắn chết tại trận. Năm sau, quân đội Trung Quốc thu phục được toàn bộ khu trại Akơsa.
HIỆP ƯỚC NECSINSKƠ
Dòng sông Sinka (Shilka) lặng lẽ, êm đềm, hôm ấy bỗng náo nhiệt hẳn. Khi mặt trời nhô lên trên thảo nguyên, một đoàn quan chức nhà Thanh Trung Quốc, trong sự hộ tống của 300 vệ binh, lên canô, qua sông Sinka, đặt chân lên bờ bên kia. Đúng lúc đó, cổng thành Necsinkơ (Nerchinsk) bờ bên mở rộng, một đoàn quan chức Nga cưỡi ngựa, cũng do 300 vệ binh hộ tống tiến ra đón tiếp, dẫn đầu là đội quân nhạc, vừa đi vừa tấu tiến hành khúc. Khoảng giữa sông Sinka và thành Necsinskơ, dựng lên một lều bạt lớn để làm nơi đàm phán của hai phía Trung – Nga. Trưởng phái đoàn Nga Gôlôvin thấy sứ đoàn Trung Quốc tiến đến, liền xuống ngựa, đứng nghiêm cúi chào. Trưởng phái đoàn Trung Quốc Sách Ngạc Đồ vội bước nhanh hơn, hai tay chắp lại, cúi người đáp lễ. Rồi sứ thần hai bên tiến vào phòng họp. 600 vệ binh hai phía Trung – Nga, cầm gươm, đao, phủ, việt, xếp hàng đứng cảnh giới bên ngoài lều bạt. Tại cổng thành Necsinskơ và bên bờ sông Sinka, mỗi bên đều có 500 quân canh gác, bảo đảm an toàn cho phòng họp, xem ra cuộc hội đàm này vô cùng quan trọng.
Chính phủ Sa hoàng vì sao lại phải đàm phán với chính phủ Mãn Thanh? Chuyện cũng khá dài.
Ngay năm bọn xâm lược Stêpanốp bị tiêu diệt, thì một đội quân Sa hoàng nữa xâm nhập vùng Hắc Long Giang. Lần này chúng không đến từ Yakut, mà lấy Iênisêisk trên sông Iênisêi làm trung tâm, tiến sang hướng đông vượt qua hồ Baikan xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc. Ít lâu sau, chúng xây dựng thành lũy tại đây, tức là thành Necsinskơ. Và quân Nga đã lấy Necsinskơ làm căn cứ, xâm nhập vào Akơsa.
Năm 1682, quân Nga gây ra vụ tàn sát thê thảm ở Akơsa.
Vốn là, trong bọn xâm lược người Nga này có một giáo sĩ đã xây dựng một nhà thờ với tên “Chúa cứu thế nhân từ” ở ngoại ô thành Akơsa. Một hôm, quân Nga dụ dỗ 20 người thợ săn Trung Quốc vào trong nhà thờ rồi thiêu chết họ, cướp sạch ngựa và của cải. Tiếp đó, 124 tên lính Nga chia thành hai cánh đi tiếp xuống hạ lưu Hắc Long Giang, chém giết cư dân các dân tộc ở Feyaka. Tình hình vùng Hắc Long Giang đột nhiên trở nên căng thẳng.
Hoàng đế Khang Hy, thân chinh đến thăm vùng Đông Bắc. Một mặt ông dặn dò cư dân địa phương tăng cường đề phòng, mặt khác hai lần cử người đến Necsinskơ, tỏ ý sẵn sàng giải quyết tranh chấp giữa hai bên bằng phương thức hòa bình. Nhưng nước Nga Sa hoàng cứ làm theo ý mình, quyết định thành lập khu cai trị ở Akơsa, chính thức sáp nhập vùng Hắc Long Giang vào lãnh thổ nước Nga. Trong hai năm 1683, 1684, họ lại xâm nhập Trung Quốc, và bổ nhiệm Tônpuchin làm trưởng quan thứ nhất đến Akơsa chủ trì kế hoạch này.
Chính phủ Mãn Thanh không thể chịu dựng được nữa, quyết định dùng vũ lực để tự bảo vệ. Ngày 23 tháng 6 năm 1685, ba nghìn đại quân dưới sự thống lĩnh của quan Đô thống Bành Xuân, chia thành hai đường thủy, bộ tới thành Akơsa.
“Vút!” một mũi tên bắn vào thành Akơsa mang theo lá thư gửi Tônpuchin, trưởng quan quân Nga. Thư viết bằng ba thứ tiếng Mãn, Mông, Nga, cảnh cáo quân Nga hãy mau chóng rút về nước, để tránh xẩy ra chiến tranh. Nhưng, quân Nga từ chối trả lời.
Sớm tinh mơ ngày 25, một cánh quân Nga đi bè gỗ đến tăng viện cho Akơsa. Binh lính Trung Quốc anh dũng chiến đấu, leo lên bè gỗ tiêu diệt hết quân xâm lược, ngay tối đó vây chặt Akơsa. Sáng 26, quân Trung Quốc chất ba đống củi lớn bên thành, chuẩn bị thiêu trụi tòa thành bằng gỗ này. Tônpuchin bị dồn vào đường cùng, đích thân ra khỏi thành xin giảng hòa.
Bành Xuân tỏ ra vô cùng khoan dung, nói với họ:
– Muốn về nước có thể mang theo tất cả lương thực, lừa, ngựa.
Tônpuchin không ngờ chính phủ Trung Quốc lại khoan dung đến như vậy, liền quỳ xuống vờ vịt khóc lóc nói:
– Trưởng quan Trung Quốc có lòng khoan hồng, tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn, từ nay sẽ mãi mãi không bao giờ tới Akơsa nữa!
– Sẵn sàng biến can qua thành lụa ngọc, hai nước bình yên vô sự. – Bành Xuân một lần nữa bầy tỏ thiện chí của phía Trung Quốc.
600 tên Côdắc do Tônpuchin chỉ huy rút khỏi Necsinskơ. Nhưng, có 45 tên không muốn trở về. Chúng thấy thiện chí của Trung Quốc, muốn ở lại Trung Quốc. Bành Xuân chấp nhận thỉnh cầu của chúng. Từ đó Akơsa không còn quân xâm lược Nga nữa, quân đội Trung Quốc cũng rút về Ái Huy (nay là Ái Huy, Hắc Long Giang).
Nhưng, quân đội Nga Sa hoàng bội tín bội nghĩa. Thấy quân đội Trung Quốc đã rút đi, Tônpuchin lại chỉ huy binh mã tiến vào Akơsa. Lần này, chúng đắp tường thành bằng đất khá cao, lắp đặt đại bác, trong thành còn xây dựng kho súng đạn, lương thực, cố thủ suốt mùa đông. Mùa xuân năm sau, 300 quân Nga ra khỏi thành cướp phá, giết 30 lính Trung Quốc, gây ra chiến tranh mới.
Ngày 18 tháng 7 năm 1686, 2000 lính Trung Quốc dưới sự chỉ huy của tướng Tát Bố Tố ở Hắc Long Giang, bao vây chặt Akơsa, lệnh cho Tônpuchin đầu hàng ngay lập tức.
– Phá vây! – Tônpuchin gào thét trong thành. Quân Nga liên tiếp xông ra, nhưng đều bị quân lính Trung Quốc chặn lại.
– Nã pháo vào thành – Phía Trung Quốc bắn đầu pháo kích. Doanh trại quân Nga liên tiếp bị trúng đạn. “Oàng” một tiếng, bộ tư lệnh quân Nga bị phá hủy. Tônpuchin trúng đạn gẫy một đùi, lát sau thì toi mạng.
Binh lính Trung Quốc đắp nhiều ụ đất ngoài thành, vây chặt Akơsa. Không những người Nga không thể ra khỏi thành, mà nguồn nước cũng bị cắt. Mùa đông lạnh giá đã đến, thành bị vây hãm, đói rét và bệnh hoại huyết hoành hành, quân Nga chết dân chết mòn. 826 lính Nga, chết chỉ còn hơn 150 tên, tới mùa xuân năm sau, chỉ còn lại 66 tên!
Sa hoàng ở Matscơva không còn cách nào khác, cuối cùng đành phải chấp nhận đề nghị hòa bình của Trung Quốc, phái sứ giả đến Bắc Kinh xin đàm phán. Hoàng đế Khang Hy đồng ý. Ông lập tức ra lệnh binh lính Trung Quốc rút khỏi Akơsa, cử thầy thuốc đến chữa bệnh cho quân Nga, tạo điều kiện tốt đẹp cho việc đàm phán.
Ngày 22 tháng 8 năm 1689, sứ thần hai nước Trung Nga tiến hành đàm phán tại Necsinskơ. Để tỏ rõ thiện chí, phía Trung Quốc ra sức nhượng bộ. Cuối cùng hai phía thỏa thuận: Hai nước lấy sông Iếccuna, sông Gorpisi và dẫy núi Ngoại Hưng An làm đường ranh giới; phía Trung Quốc đồng ý vùng Necsinskơ là lãnh thổ nước Nga, phía Nga đồng ý rút khỏi thành Akơsa, hai bên “hòa bình hữu nghị mãi mãi”.
Ngày 7 tháng 9, “Hiệp ước Necsinskơ” chính thức ký kết: Hai nước đều chuẩn bị văn bản bằng tiếng La-tinh, ngoài ra phía Nga chuẩn bị thêm văn bản bằng tiếng Nga, Trung Quốc chuẩn bị văn bản tiếng Mãn. Gôlôvin và Sách Ngạc Đồ đại diện Chính phủ hai nước ký tên và đóng dấu.
“Hiệp ước Necsinskơ” là hiệp ước bình đẳng đầu tiên ký kết giữa hai nước Trung Nga. Hiệp ước này về mặt pháp luật đã khẳng định lưu vực Hắc Long Giang và lưu vực sông Usuri (kể cả đảo Kuyê) lãnh thổ của Trung Quốc, từ đó đặt cơ sở cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước.