Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Văn Hóa Carôlin

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

VĂN HÓA CARÔLIN

– Đây ai cần tri thức, xin lấy trên tay tôi!

– Này bà con, xin chớ chỉ coi hàng hóa, hãy tới mà lấy tri thức!

Giữa một cái chợ ồn ào trên bờ biển phía nam Frăng có hai người Scốtlen đang luôn miệng rao hàng. Thấy họ thành thật chào mời, mọi người xúm đông lại xem.

Một ông lão thấy trên hai tay họ chẳng có thứ gì, nghi hoặc hỏi:

– Tri thức ở đâu? Nó là thứ quái quỉ gì?

Người Scốtlen giọng nghiêm túc:

– Tri thức nó ở trong đầu óc tôi. Nó nhìn chẳng thấy, sờ không được, nhưng nếu ông có được nó sẽ hữu ích hơn nhiều các thứ hàng hóa.

Ông lão cười xòa:

– Ồ! Thì ra vậy! Tôi chẳng cần cái thứ đó.

Hồi thế kỷ thứ VIII, truyền thống văn hóa của Hy Lạp, Rôma cổ đại đã bị mai một cùng với sự suy tàn của thành thị. Sách vở có từ thời Rôma lưu giữ lại được, từ sau thế kỷ V, VI đã bị mất dần mất mòn, do đó dân chúng Frăng hầu như đều mù chữ. Kể cả rất nhiều quan đại thần danh giá trong triều đình Đại đế Sáclơmanhơ một chữ cũng không biết. Cho nên mọi người chẳng bao giờ nghe nói đến hai chữ “tri thức”. Trước mặt hai người Scốtlen, đám người cười ồ lên một lúc rồi bỏ đi.

Thế nhưng chuyện đó lại lọt đến tai Sáclơmanhơ. Ông lập tức truyền lệnh cho gọi hai người vào gặp.

Sáclơmanhơ giọng ôn hòa hỏi:

– Ta nghe nói các người mang tri thức đến?

Người Scốtlen lễ phép:

– Quả như vậy, thưa Bệ hạ. Hai chúng tôi đều có tri thức, và vui lòng nhân danh Chúa, truyền lại cho những ai muốn tìm kiếm nó.

– Các ngươi đòi lấy thứ gì?

– Ôi! Tâu Bệ hạ, chúng thần không cần thứ gì cả, chỉ cần một nơi thích hợp để dạy học và có một số người thông minh đến học là được rồi!

Câu trả lời của người Scốtlen khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Sáclơmanhơ từ khi lên ngôi vua đã cảm thấy sâu sắc nhân tài phục vụ cho đế quốc quá ít ỏi, từng ra lệnh cho giáo hội và nhà thờ mở trường dạy học, thành lập học viện cả ở trong Hoàng cung, cho mời các tăng lữ học giả tới dạy học. Bản thân ông đến tuổi thành niên cũng mới học văn hóa. Năm 774, khi viễn chinh Italia, ông đã đưa vị học giả nổi tiếng Pie và một số giáo sĩ có học thức về để giúp ông trông nom trường học. Nhờ Pie mà ông đã học được văn pháp, biết được tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh. Sau này, ông còn học được ở học giả nổi tiếng người Anh Ancun về tu từ học, thuật biện luận và thiên văn học v.v. Thấy có người tự nguyện đến giúp công việc giáo dục, Sáclơmanhơ trong lòng rất vui, hạ lệnh chọn trong số con em những nhà quyền quí, những gia đình bậc trung và cả những nhà nghèo một số trẻ em nam để theo học, cung cấp cho chúng nhà ở và vật dụng sinh hoạt, cho xây dựng một ngôi trường. Sau đó, ông lại mải đi chinh chiến.

Một thời gian sau, Sáclơmanhơ quay trở về cho gọi tất cả đám trò nhỏ tới, đích thân kiểm tra sự học hành của chúng. Ông nhận thấy những đứa trẻ xuất thân từ các gia đình loại trung và nghèo học hành rất tốt, còn lũ trẻ con nhà giầu học hành chẳng ra sao. Kiểm tra hết một lượt, Sáclơmanhơ cho gọi những đứa trẻ học hành chăm chỉ đến bên, thân mật nói với chúng:

– Các con của ta, vì các con đã cố gắng thi hành mệnh lệnh của ta nên chẳng những được sự yêu mến của ta mà còn học được nhiều kiến thức. Nếu các con cứ tiếp tục học như vậy, ta sẽ cho các con làm giáo chủ cai quản các khu và những tu viện đẹp đẽ để các con mãi mãi được sung sướng.

Tiếp đó, ông quay sang nhìn đám học trò lười biếng với ánh mắt giận dữ rồi quát với giọng vang như sấm dậy:

Còn lũ bay, những cậu ấm con quan, những công tử bột quen sống trong giầu sang sung sướng hãy nghe đây! Các ngươi ỷ vào thân phận danh giá và của cải, bỏ ngoài tai mệnh lệnh của ta mong muốn các ngươi tiến bộ, chỉ ham mê chơi bời lêu lổng, chỉ thích chê chén đua đòi! – Ông ngẩng cao đầu, vẻ uy nghiêm – Nói có Chúa chứng giám, ta khinh bỉ cái thân phận quyền quí và bộ áo quần sang trọng của các ngươi. Ta thề, trừ phi các ngươi cố gắng học hành, sửa chữa thói xấu đã mắc, nếu không các ngươi mãi mãi không bao giờ nhận được sự ưu ái của Sáclơmanhơ này.

Sáclơmanhơ nói sao làm vậy. Ông thường đưa các thanh niên nghèo học giỏi đến làm giáo sĩ ở các nhà thờ, có cơ hội thì cất nhắc họ.

Một lần, có người tâu với ông vị giáo chủ của một giáo khu nọ đã chết. Nghe xong, Sáclơmanhơ hỏi:

– Khi ông ta sắp chết, có quyên góp được gì để cứu rỗi linh hồn của mình?

Người nọ thưa, vị giáo chủ đó rất nghèo, chỉ quyên hiến được hai bảng bạc. Sáclơmanhơ nghe xong rất không vui. Vừa lúc đó, một giáo sĩ trẻ bước vào tâu với ông rằng, nếu anh kế nhiệm chức vị của giáo chủ này, chắc chắn sẽ có thể quyên góp được rất nhiều. Sáclơmanhơ ngẩng đầu nhìn, thì ra người giáo sĩ trẻ này chính là đứa trẻ nghèo chăm học hồi nào.

Biết tin, rất nhiều vị quan lại quyền quí lũ lượt kéo vào cung xin Sáclơmanhơ giao chức giáo chủ cho mình. Cả Hoàng hậu cũng muốn Sáclơmanhơ nhường cho một giáo sĩ rất mực trung thành với bà chức vụ đó.

Sáclơmanhơ cân nhắc mãi, cuối cùng đã từ chối lời thỉnh cầu của các quan lại và Hoàng hậu, bổ nhiệm người giáo sĩ trẻ làm giáo chủ, nhưng nghiêm khắc dặn dò anh ta:

– Ngươi nhất định phải làm đúng lời hứa của mình, có nhiều cống hiến cho ta!

Thế là người giáo sĩ trẻ tuổi nọ được phong làm giáo chủ.

Sáclơmanhơ từ nhỏ trưởng thành lên trong các tổ chức tôn giáo, nhiệt thành và tin tưởng vào Kitô giáo. Lúc đầu, ông không đóng ở một nơi cố định, thường lưu động khắp nơi trong nước. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Sáclơmanhơ bèn định đô ở (ElaSapenCax-La-Chapelle). Nhiều cung điện và giáo đường đã được xây dựng ở đây. Những công trình kiến trúc thật nguy nga lộng lẫy, nhiều chỗ được giát vàng giát bạc, cửa chính cửa bên đều đúc bằng đồng kiên cố. Tất cả những cột đá cẩm thạch được chuyển từ những vùng Rôma xa xôi tới. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, người ta thường thấy Sáclơmanhơ tới nhà thờ đọc kinh vào sáng sớm, lúc chiều tà, thậm chí cả ban đêm. Cùng với việc xây dựng cung điện, giáo đường, các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc cũng phát triển theo. Những nhà thờ cung điện ở (Ela Sapen) còn được bảo tồn cho tới ngày nay.

Trong 46 năm Đại đế Sáclơmanhơ trị vì, văn hóa giáo dục của Frăng phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với mấy thế kỷ trước. Có điều, nền văn hóa giáo dục đó bị giáo hội lũng đoạn, ngoài tăng lữ giáo sĩ ra, số người được tiếp thu giáo dục hết sức hiếm hoi. Nội dung giáo dục cũng chỉ nhằm phục vụ cho tôn giáo. Tu từ học cốt để bồi dưỡng tài hùng biện khi giảng giáo lý, lô gích học đặt ra nhằm cung cấp phương pháp suy luận hình thức bảo vệ những lý luận thần học, nội dung âm nhạc toàn những thánh ca, thiên văn học chỉ dùng để tính toán những ngày lễ tôn giáo và đoán quẻ chiêm tinh. Sáclơmanhơ còn cho người thu thập và sao chép nhiều bản thảo viết bằng tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp, nhưng chẳng hiểu gì về nội dung của những bản sao. Tuy nhiên việc làm này cũng lưu lại cho hậu thế nhiều trước tác của các tác giả cổ điển.

Vì vương triều do Đại đế Sáclơmanhơ trị vì gọi là vương triều Carôlin, cho nên các nhà sử học sau này gọi nền văn hóa thời Sáclơmanhơ là “văn hóa Carôlin”.

MÔHAMÉT

Vào một ngày hạ tuần tháng 1 năm 630, một đoàn chiến binh muslim cưỡi trên những con ngựa Arập lực lưỡng, đầu quấn khăn trắng rộng bản, tay cầm kiếm sắc, xông vào thành Mecca nằm ở phía tây bán đảo Arập.

– Tiến quân đến đền thờ Kaaba! – Thủ lĩnh muslim vung gươm hô lớn.

Các chiến binh vừa hô vừa nhằm hướng ngôi đền lớn xốc tới.

– Tiêu diệt tà đạo? – Viên thủ lĩnh một lần nữa hô vang.

Các chiến binh ào ào nhảy xuống ngựa, xông vào ngôi đền, đập phá toàn bộ 360 pho tượng.

– Chân lý đã về? Tà đạo đã bị tiêu diệt! Tà đạo nhất định phải bị tiêu diệt! – Viên thủ lĩnh lần thứ ba hô vang. Tiếp đó ông ta hôn lên tảng đá đen khảm trên bức tường đá trong ngôi đền.

Các chiến binh nét mặt hân hoan vì thắng lợi, từng người một hứng khởi bước tới trước khối huyền thạch, đặt môi lên hôn.

Ngôi đền Kaaba là ngôi đền cổ hùng vĩ nhất trong thành Mecca, nó là trung tâm của đa thần giáo cổ xưa của người Arập. Huyền thạch là một khối thiên thạch màu đen, là vật tôn sùng truyền thống của người Arập. Kể từ khi Môhamét sáng lập ra đạo Islam, người Arập phần lớn đều cải giáo theo đạo Islam, trở thành muslim (tiếng Arập có nghĩa là “kẻ vâng lệnh). Đạo Islam chỉ thờ có một thần, tên của vị thần đó là “Ala”. Những tín đồ của đạo này cho rằng, “Ala” là chúa tể đã sáng tạo ra vạn vật trong vũ trụ, “Ala” còn được gọi là “Chân chúa”.

Ngôi đền Kaaba lần này rơi vào tay muslim gióng hồi chuông cáo chung cho đa thần giáo của người Arập, cũng đánh dấu cho việc đạo Islam, một thứ độc thần giáo mới, đã được xác lập trên bán đảo Arập.

Vị thủ lĩnh của các chiến binh muslim đó chính là Môhamét người sáng lập ra đạo Islam.

Môhamét sinh năm 570 trong một gia đình quí tộc phá sản ở Mecca, mồ côi cha trước khi ra đời, năm lên 6 tuổi lại mất mẹ, từ nhỏ do người chú nuôi dưỡng. Hơn 10 tuổi, Môhamét đã theo lái buôn qua lại vùng Palétxtin, Xyri, từng đến nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới, tiếp xúc với giáo lý của độc thần giáo là đạo Do Thái và đạo Kitô, hai tôn giáo có chung một nguồn gốc. Năm 25 tuổi, Môhamét kết hôn với một quả phụ giầu có ở Mecca. Từ đó, vừa có tiền lại có địa vị, ông trở thành một người rất có tiếng tăm ở Mecca.

Ngoại ô thành Mecca có ngọn núi Xira. Trên ngọn núi này có một cái hang rất nhỏ vừa đủ cho một người ở. Môhamét thường đến ẩn cư trong chiếc hang này và suốt ngày đêm ông lao tâm khổ tứ. Ông hoài nghi hiện thực, muốn tìm tòi chân lý, lòng lúc nào cũng phiền muộn. Rồi một ngày kia, ở trong hang ông đột nhiên nghe thấy một giọng nói như ra lệnh cho ông: “Con phải nhân danh ta, tuyên đọc. . .”

Ôi! Có phải Thánh Ala đã gợi ý cho ta? – Môhamét sung sướng reo lên.

Từ đó Môhamét tuyên bố với mọi người: Ông là Thiên Sứ của Thánh Ala. Sau này, đạo Islam gọi cái đêm hôm đó là “Đêm cao quý”.

“Thánh Ala độc nhất vô nhị, là đấng toàn năng, là người sáng tạo ra vũ trụ. Rồi đây ắt có một ngày phán quyết, phàm những người tuân theo ý chỉ của Thánh Ala sẽ được lên thiên đường hưởng phúc, những người làm trái với ý chỉ của Thánh Ala sẽ phải đầy xuống địa ngục chịu tội…” Môhamét đi khắp nơi truyền bá cho mọi người về giáo lý của tôn giáo mới do ông sáng lập ra đạo Islam, nhiều người Arập đã theo ông.

Giáo lý cơ bản của đạo Islam là lòng tin vào Thánh Ala, sức mạnh của Thánh là vô tận, ý muốn của Thánh là muốn cứu vớt loài người ra khỏi mọi đau khổ. Đạo Islam còn tuyên truyền lòng tin và sự tôn thờ nhà tiên tri Môhamét, lòng tin vào Kinh Côran, vào việc hồi sinh của người đã chết, vào sự sắp xếp tiền định, vào sự đền bù và trừng phạt ở thế giới bên kia. Tín đồ đạo Islam phải thực hiện “5 điều răn”: 1- Hàng ngày phải cầu nguyện Thượng đế (5 lần 1 ngày); 2- Phải cứu giúp, bố thí cho kẻ nghèo; 3- Trong tháng Ramađan tháng 9 theo lịch tôn giáo) các tín đồ phải nhịn ăn từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối (trừ trẻ em dước 10 tuổi, các cụ già và phụ nữ có thai); 4- Trong đời, ít nhất phải một lần hành hương về thánh địa Mecca; 5- Cấm uống rượu, ăn thịt lợn và những động vật chết tự nhiên. Đạo Islam cấm tín đồ sống độc thân và không cấm đoán chế độ đa thê.

Hoạt động truyền giáo của Môhamét vấp phải sự phản đối của thế lực quí tộc Arập lúc bấy giờ, thậm chí có nhiều người muốn sát hại ông. Một đêm tháng 7 năm 622, Môhamét đem theo các tín đồ trốn khỏi Mecca, chạy đến thành Mêđina. Từ đó, Môhamét lấy Mêđina làm căn cứ địa, tổ chức đấu tranh vũ trang 8 năm sau, Môhamét dùng vũ lực tấn công thành Mecca, thống nhất đại bộ phận bán đảo Arập, thành lập chính quyền tôn giáo. Lịch của đạo Islam hiện nay lấy ngày 16 tháng 7, tức ngày thứ hai sau khi Môhamét đến Mecca, làm ngày bắt đầu năm mới.

10 năm sau, Môhamét dẫn một đoàn hành hương khổng lồ về đất thánh Mecca. Đây là một nghi lễ của các tín đồ đạo Islam bái yết Đất Thánh. Sau khi đã tiến hành hàng loạt các nghi thức tế lễ chung quanh đền thờ Kaaba, Môhamêt đứng trên quảng trường nói chuyện với các tm đồ.

“… Hỡi các bằng hữu! Hãy lắng nghe lời của ta và khắc sâu vào trái tim. Các bạn phải nhớ rằng, các muslim đều là anh em của nhau, mọi người đều là đồng bào. Do đó, mọi thứ của người anh em khác, nếu không được sự đồng ý của họ mà cứ chiếm làm của riêng thì đó là việc làm phi pháp đối với bất cứ ai trong chúng ta…”

Các muslim có mặt trên quảng trường đều chăm chú lắng nghe những lời răn dạy của Môhamét. Mọi người biết rằng, Môhamét “xuất thân từ đứa trẻ mồ côi, luật pháp do ông định ra đặc biệt quan tâm đến cô nhi, nô lệ, những kẻ yếu hèn và những người lao động bị áp bức. Rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến cuộc sống khắc khổ, thanh bạch của Môhamét – lãnh tụ tôn giáo và nhà nước của họ: sống trong một căn nhà nhỏ làm bằng đất, tự mình may vá quần áo. Tín đồ của ông có thể tới nhà thăm ông bất cứ lúc nào. Còn trong trận mạc, Môhamét là một người chỉ huy luôn luôn đi trước hàng quân, một chiến binh không sợ hy sinh.

Sau chuyến hành hương Mecca, trở về Mêđina được ít lâu thì Môhamét ngả bệnh qua đời. Những người muslim gọi chuyến đi đó là “cuộc hành hương từ biệt”. Theo giáo qui, những tín đồ Islam coi chuyến hành hương về đền thờ Kaaba ở thành Mecca là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời. Cho tới nay, những muslim trên toàn thế giới vẫn giữ tập tục hành hương về thánh địa Mecca.

Công lao lớn nhất của cuộc đời Môhamét là đã dùng niềm tin tôn giáo để thống nhất tất cả các bộ lạc Arập thành một dân tộc lớn mạnh. Những lời nói của ông được các đệ tử soạn thành “Kinh Côran” – cuốn kinh nhật tụng của đạo Islam. “Côran” là tiếng Arập, có nghĩa là “đọc”. Lăng mộ của Môhamét xây ở Đền Tiên tri thành Mêđina, bởi thế Mêđina cũng là trung tâm các chuyến hành hương của những muslim.

ĐẾ QUỐC ARẬP

Môhamét tạ thế không lâu, người kế thừa ông bắt đầu bành trướng lãnh thổ ra chung quanh. Đầu tiên là cuộc chiến tranh với đế quốc Đông Rôma để cướp Xyri. Mùa thu năm 633, trên một vùng đất trũng nằm ở phía nam Biển Chết đã diễn ra trận tao ngộ chiến đầu tiên giữa quân viễn chinh Arập với quân Đông Rôma. Trước đạo kỵ binh Arập dũng mãnh thiện chiến, quân Đông Rôma thất bại thảm hại bị đánh tơi tả không còn mảnh giáp. Hoàng đế Đông Rôma Hêracliút nổi trận lôi đình, cử người em trai mang đại quân đến tiếp viện, đánh lui được quân Arập.

Arập lập tức cử đại tướng Khalít được mệnh danh “Thanh kiếm của Ala”, mang đại quân đánh thẳng vào Đông Rôma. Mục đích chuyến ra quân lần này không chỉ nhằm cứu viện quân lính Arập mà còn muốn nhanh chóng đoạt lấy Xyri, một tỉnh giầu có nhất của Đông Rôma. Khalít đã thực hiện một hành động rất táo bạo, đích thân chỉ huy một lực lượng đột kích vượt qua sa mạc đánh thẳng vào Đamat- thủ phủ Xyri, từ phía sau bao vây quân Đông Rôma.

Muốn vượt qua sa mạc, trước hết phải đi ngang qua thành Hinla của Irắc. Với một khoản lễ lớn 6 vạn đồng vàng, Khalít đến gõ cửa và đã mở toang được cánh cổng vào địa bàn đạo Islam. Không mất một mũi tên một người lính, Khalít dễ dàng tiến vào bán đảo Arập, đặt chân lên lưu vực Lưỡng Hà.

Tháng 3 năm 634, Khalít tiến quân vào sa mạc. Trước đó, ông chọn 800 chiến binh mạnh khỏe tinh nhuệ, ra lệnh cho họ tất cả phải cưỡi lạc đà, chỉ mang theo một ít ngựa. Mỗi con ngựa chỉ đèo hai chiếc túi da lớn bên trong chứa đầy nước.

– Thưa Tướng quân, kỵ binh của Thánh Ala chúng ta chỉ cưỡi ngựa, nay chúng ta chỉ có mấy con ngựa thế này thì đánh trận thế nào? – Một viên chỉ huy nói với giọng nghi hoặc.

– Chỉ có lạc đà mới xuyên qua được sa mạc. Thánh Ala sẽ phù hộ cho chúng ta. – Khalít nói dứt khoát.

Lạc đà đi quá chậm. Việc binh cốt ở thần tốc, thưa Tướng quân!

– Tất cả phải tuân theo sự bố trí của ta – Khalít hạ lệnh xuất phát.

Đoàn kỵ binh chậm chạp hành quân trên sa mạc nóng bỏng, được nửa ngày thì vừa đói vừa khát mà sa mạc vẫn mênh mông vời vợi.

– Ngừng lại nghỉ! – Khalít ra lệnh – giết 10 con lạc đà làm bữa ăn trưa. Nước trong túi gùi trên lưng ngựa đủ để chúng ta uống. – Thưa Tướng quân! Ngựa cũng cần uống nước mà sa mạc thì chẳng có giọt nước nào! – Viên chỉ huy nọ lại lẩm bẩm.

– Đồ ngốc! Trong dạ dầy lạc đà chẳng có bao nhiêu nước là gì! – Khalít vừa cười vừa nói.

– Ôi!- Viên quan chỉ huy lúc này mới vỡ lẽ. Thịt lạc đà có thể ăn thay cơm; dạ dầy lạc đà quá to, nước chứa trong đó có thể dùng cho ngựa uống. Quả đúng thế thật, nếu mang theo nhiều ngựa, kiếm đâu ra nước?

Ba bốn ngày trôi qua, lạc đà đã bị giết mấy chục con, nước mang theo trên lưng ngựa cũng đã dùng hết ánh nắng mặt trời chiếu trên những cồn cát, hắt lên thứ ánh sáng chói mắt, các chiến binh nóng vã mồ hôi, những cặp môi khô nẻ nứt toác ra mà vẫn không có nước để uống: Mọi người đều lo lắng.

– Mau đi tìm cây xương rồng. Rễ giống cây này có nước – Khalít hạ lệnh.

Dưới cái nóng như thiêu như đốt, các chiến binh chia nhau đi tìm cây, nhưng sa mạc mênh mông, tìm giống cây này ở đâu bây giờ?

– Đây rồi? – Tận mãi xa tít, một chiến binh la lên. Một số chiến binh khác nghe thấy liền chạy tới ngồi thụp xuống bên gốc cây đào bới.

– Cát đã hơi ẩm! – Khi đào tới lớp cát nằm rất sâu, một chiến binh vui mừng reo lên.

Mọi người ra sức đào tiếp, nước từ dưới lớp cát thấm lên.

Thánh Ala đã phù hộ! – Các chiến binh sung sướng hò vang.

Năm ngày sau, toàn đội vượt qua được sa mạc. Hành quân tiếp 13 ngày nữa, cuối cùng họ đã tới dưới chân thành Đamát. Một trận tập kích bất ngờ đã khiến quân Đông Rôma rụng rời chân tay, bị đánh tan tác. Đồn lũy khắp nơi bị quân Arập tấn công. Khalít tập hợp tất cả các cánh quân Arập, tổ chức bao vây chặt thủ phủ Đamát của Xyri. Đến tháng 3 năm 635, cuộc bao vây kéo dài đã mấy tháng, thành Irắc một phen náo loạn. Dân chúng trăm họ kéo đến nhà thờ Kitô giáo.

– Trình đức cha, phải có cách gì chứ ạ!

– Trình đức cha, Hoàng đế Rôma cướp bóc vơ vét người Xyri chúng tôi, thuế má bày ra trăm thứ, lại còn bắt trai tráng, thu lương thực, quả thật không sao sống nổi nửa, chi bằng cứ để cho người Arập vào thành.

– Trình đức cha, xin người hãy tới gặp nói chuyện với người Arập.

Sáng hôm sau, đại giáo chủ đứng trên cổng thành Irắc nói với quân Arập rằng ông muốn nói chuyện với Khalít. Khalít bước tới trước cổng thành.

– Tướng quân Khalít, thắng lợi của ngài đã kề trước mắt. Chúng ta hãy ký kết một hòa ước! – Vị đại giáo chủ nói vọng từ trên cổng thành xuống.

– Mang giấy bút ra? – Khalít đồng ý.

Giấy bút được ném xuống, Khalít cắm cúi viết, Viết xong, ông cuộn tờ giấy lại rồi ném trả đối phương.

Đại giáo chủ mở ra xem, thì ra là nội dung của hòa ước. Khalít viết:

“Nhân danh Thánh Ala chí nhân chí thiện, Khalít hứa với toàn thể cư dân Đamát: sau khi vào thành sẽ bảo hộ tính mạng, tài sản và nhà thờ của các người. Toàn bộ thành quách được giữ nguyên vẹn, muslim quyết không ở trong nhà của các người. Điều chúng ta mang lại cho các người là sự bảo hộ của Thánh Ala là sự bảo hộ của Đấng “Tiên tri” (chỉ Môhamét) và của Calipha (quốc vương) chỉ cần các người nộp đủ thuế đinh, các người nhất định sẽ được hưởng sung sướng”.

Điều kiện như vậy là quá rộng rãi. Thuế đinh một năm chỉ phải nộp một đina tiền vàng và một bao tiểu mạch, ít nhiều lần so với thuế má phải đóng cho Hoàng đế Rôma. Dân chúng trong thành đều muốn giảng hòa với người ARập. Đêm hôm sau, đại giáo chủ sai người lẻn đến trại của Khalít báo ông biết dân chúng trong thành sẵn sàng nghênh đón người Arập và cho hay: “Quân Rôma đã lấy đá lấp cổng thành Babu, phải dùng thang mới leo vào được”.

Khalít cho người kiếm về hai chiếc thang, rồi cử một số chiến binh leo vào để mở cổng thành. Thế là kỵ binh Arập rầm rập tiến vào thành Đamat.

Hoàng đế Đông Rôma Hêracliút không cam chịu thất bại bèn huy động 20 vạn đại quân, giao cho em trai thống lĩnh tiến xuống Đamat. Thấy quân địch người đông thế mạnh, Khalít nhanh chóng rút khỏi Đamat, tập kết quân đội của mình ở vùng sông Ianmok – chi lưu của sông Gióocđan, được tất cả 24.000 chiến binh muslim.

Tháng 8 năm 636, trận quyết chiến bắt đầu. Quân Đông Rôma với binh lực đông gấp 10 lần hung hăng xông tới chém giết, Nhưng Khalít vẫn bình tĩnh nói với dân chúng Ianmok:

– Ta trả lại cho các người xuất thuế đinh, vì chúng ta chưa có thời gian bảo hộ các người. Các người hãy tự nghĩ lấy cách!

– Chúng tôi thích muslim – Dân chúng địa phương nói – Chúng tôi không thể chịu nổi sự làm nhục của Hoàng đế Rôma nữa? Chúng tôi phải bảo vệ thành phố của chúng tôi, quyết không để quân Hêracliút tiến vào!

Được dân chúng ủng hộ, Khalít tổ chức phản kích. Quân Đông Rôma phần lớn là nô lệ bị bắt đi. Bọn chỉ huy sợ họ chạy trốn, thậm chí đã dùng xích sắt xâu họ lại để đưa ra chiến trường. Binh lính như vậy chắc chắn chưa đánh đã tan. Mới đánh nhau được vài ngày, quân Đông Rôma đã bị tiêu diệt hơn 7 vạn người, cả người em trai của Hoàng đế Hêracliút cũng không bảo toàn được tính mạng.

Hoàng đế Hêracliút lại một phen thất bại thảm hại, sợ phát run lên, tháo chạy về Cônstantinôpôlit. Khi vượt qua được thung lũng trên biên giới Xyri, ông ta buồn bã rên rỉ:

– Ôi! Tạm biệt Xyri, mảnh giang sơn gấm vóc tươi đẹp nhường này đã rơi vào tay kẻ thù!

Sau khi chiếm được toàn bộ Xyri, kỵ binh Arập vẫn rong ruổi tiến lên.

Năm 638, chiếm Giêrusalem – một thành phố quan trọng ở Trung Đông.

Năm 642, chiếm toàn bộ Iran, chinh phục Ai Cập.

Năm 645, chinh phục Libi ở Bắc Phi.

Đến năm 661, đế quốc Arập chính thức thành lập, định đô ở Đamat. Sau đó, tiến sang phía đông đánh chiếm Cabun (Apganixtan ngày nay) và Xamakhan (Trung Á Liên Xô cũ), tiến sang phía tây chinh phục Cáctagô (Tuynidi ngày nay) và Tây Gốt (Tây Ban Nha ngày nay).

Đế quốc Arập là một đế quốc lớn lấy đạo Islam làm tôn chỉ, tây bắt đầu từ Đại Tây Dương, đông đến tận Pamia, tiếp giáp với lãnh thổ nhà Đường của Trung Quốc thời bấy giờ. Đạo Islam cuối cùng đã trở thành một tôn giáo lớn có tính chất thế giới. Tín đồ của tôn giáo này có mặt ở khắp ba châu Âu Á Phi. Nhiều dân tộc ở Trung Đông, Ai Cập, Bắc Phi dần dần hòa nhập với người Arập, trở thành thành viên của đại gia đình Arập. Nền văn hóa Arập cổ xưa hấp thụ những thành quả huy hoàng của cổ Ai Cập, cổ Babilon, cổ Ba Tư, dung hợp với nhau để phát triển, đã tạo ra nền văn minh Arập mới mẻ, rực rỡ nhiều sắc mầu.

HÀNH HƯƠNG VỀ MECCA

Tại Mecca, vùng đất ngọn nguồn của đạo Islam, cứ vào tháng 12 theo lịch giáo hội, đều có hàng ngàn hàng vạn tín đồ tới vùng đất thánh này tham gia lễ hành hương quy mô lớn, mỗi năm một lần.

Tín đồ Islam giáo đến từ các nước khác nhau khắp nơi trên thế giới một khi đã tới đây, dù tiếng nói khác nhau, vẫn cất lên lời nói giống nhau cùng ra sức hô to:

– Thánh Ala! Ala!

Họ như lớp lớp sóng biển tràn về quảng trường chính tại “Đền Cấm” ở Mecca, đổ xô đến tòa nhà cổ hình vuông ở giữa quảng trường. Nhiều người xúc động trào những giọt nước mắt nóng hổi, rất nhiều người vui sướng quá giơ cả hai tay reo hò.

Đám người đi bộ càng đi càng nhanh. Mấy vạn thậm chí mười mấy vạn người rảo bước đi vòng quanh tòa nhà vuông, chỉ trong khoảnh khắc đã hình thành một vòng người xoay tròn theo ngược chiều kim đồng hồ quanh tòa nhà trung tâm này. Họ đi như điên dại cứ xoay tròn xoay tròn mãi.

Chiều tối, đèn nến trong “Đền Cấm” thắp sáng trưng và vòng người vẫn cứ quay, cuộc lễ hành hương ở Mecca đã bước vào cao trào.

Công trình kiến trúc cổ này chính là “Thánh Thất” linh thiêng nhất của Islam giáo, vốn có tên là “Kaba” (tiếng Arập có nghĩa là “hình khối”). Nghe nói nhà tiên tri Abraham và con trai Ismaen đã xây dựng nên tòa đền cổ này. Đây là một tòa nhà hình vuông xây bằng đá, cao tới 50 mét, góc đông nam có gắn một tảng đá đen – đá huyền vũ, tương truyền là di vật của đấng tiên tri này.

Thánh Thất nằm ở trung tâm quảng trường. Bao quanh là “Đền Cấm”, ngôi đền thanh khiết thiêng liêng nhất của Islam giáo. Chung quanh Đền Cấm, còn xây đựng bảy ngọn tháp cao vút tượng trưng cho bảy ngày trong tuần lễ. Từ trên núi cao nhìn xuống, Đền Cấm giống như một hình vuông khổng lồ nằm giữa các trái núi, mà trung tâm của hình vuông đó chính là Thánh Thất.

Theo giáo luật của Islam giáo, Đền Cấm chỉ mở cửa cho người muslim (tiếng Arập chỉ tín đồ Islam giáo), không phải muslim, tức những người không theo Islam giáo nhất loạt không được phép vào trong.

Đền Cấm là kết tinh rực rỡ của văn hóa Arập, là tuyệt phàm của nghệ thuật Islam. Cửa lớn ở Đền Cấm được làm bằng vàng, trên mặt chạm khắc những hình vẽ tinh tế, lại có các tấm rèm thêu che phủ, trang trí đẹp, màu sắc hài hòa. Đặc điểm của điêu khắc Islam là không đục hình người và muông thú, chỉ chạm khắc cây cối và các hình vẽ kỷ hà. Công việc chạm khắc rất tinh tế, hoa văn đa dạng, xứng đáng là kỳ tích trên thế giới.

– Alahô – akhơba!

– Alahô – akhơba!

Tiếng người hô vang phía ngoài cửa lớn Đền Cấm. Hàng vạn, hàng vạn người muslim đang chờ để được vào. Ngoài đó chốc chốc lại vang lên tiếng hô như sấm dậy. Họ đồng thanh “Alahô – akhơba!” (Tiếng Arập “Allah’akbar”, có nghĩa là “Đức chân thánh vĩ đại nhất”).

Đám đông tín đồ sau khi bái vọng Thánh Thất lại như nước triều rút ra khỏi Đền Cấm. Đám đông tín đồ ở ngoài cửa lại như nước triều dâng tràn vào sân chính Đền Cấm, chạy vòng quanh Thánh Thất cùng hô to:

– Chúng con đã đến!

Thánh Ala, chúng con vâng mệnh đã, đến!

Islam giáo đưa ra năm “điều răn”, quy định cho các tín đồ phải tuân theo. Đó là:

– Đức tin, tín ngưỡng. Hàng ngày vào sáng sớm và chiều tối, mọi tín đồ phải bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Thánh Ala Môhamét làm người sáng lập ra Islam giáo.

– Lễ bái. Quỳ hướng về Thánh địa Mecca và cầu nguyện năm lần trong một ngày.

– Từ thiện. Luôn làm công việc từ thiện và giúp đỡ cộng đồng Islam giáo.

– Ăn chay hay Trai giới. Nhịn ăn từ sáng sớm cho đến tối trong tháng Ramađan (tháng 9 theo lịch Islam).

– Hành hương. Tín đồ hành hương đến Thánh địa Mecca xem như cuộc hành hương trở về với cội nguồn.

Năm điều răn trên đây như là “cương lĩnh” phải thực hiện. Hành hương là cương lĩnh thứ năm. Mỗi một muslim không phân biệt nam nữ, không kể tuổi tác, chẳng quản xa gần, chỉ cần thân thể khỏe mạnh, có thể tự lo lộ phí mà không ảnh hưởng tới đời sống của gia đình, ít nhất một lần trong đời hành hương đến được Thánh địa Mecca. Hành hương có hai loại. Một loại gọi là Lễ Chầu lớn, một loại gọi là Lễ Chầu nhỏ. Lễ Chầu lớn tổ chức vào tháng 12 theo lịch Islam giáo, là cuộc hành hương đại quy mô của người muslim trên toàn thế giới. Còn Lễ Chầu nhỏ thì tổ chức vào lúc nào cũng được.

Quá trình Lễ Chầu lớn diễn ra như sau:

Những người hành hương phải đến Thánh địa Mecca trước ngày 9 tháng 12 theo lịch Islam giáo. Trước hết đến lễ chầu ở Đền Cấm, chạy đàn bảy vòng quanh Thánh Thất ở giữa sân Đền Cấm, nếu hôn được vào tảng đá đen thì coi như một vinh dự lớn lao. Nhưng Lễ Chầu lớn là một hoạt động tập thể của mười mấy vạn con người, nên chỉ sờ được vào tảng đá đen cũng đã là một dịp may hiếm có, vì vậy số đông người chỉ còn cách giơ hai tay huơ về phía tảng đá đen mà reo hò.

Sau khi chạy vòng quanh Thánh Thất, các tín đồ đi đi lại lại bảy lần quãng đường giữa hai trái núi nhỏ Sapha và Macva ở gần đấy. Đây chính là đoạn đường mà bà Aga vợ của Abraham đã đi đi lại lại tìm nguồn nước cho con trai Ismaen, bây giờ các tín đồ phải nghiêm túc làm theo. Sau đó cùng đến giếng “giọt nước” để uống nước. Có người trước đó đã mang theo chai lọ lấy nước ở Thánh Địa đưa về cho bạn bè và người nhà chia nhau uống.

Sau khi đã đi lại bảy lần giữa hai trái núi, mọi người lại trở về trước Thánh thất. Khi mặt trời rời khỏi đường Tý ngọ tuyến, các tín đồ tự động xếp thành hàng, gập mình quỳ lạy theo tiếng hô trầm bổng hướng dẫn cho mỗi động tác. Ngày mồng 9 tháng 12 lịch Islam là “Ngày lễ đứng” ngày Môhamét nói chuyện lần cuối cùng. Những người hành hương phải vội rời Mecca đi đến vùng núi Arafát cách thành phố 25 km về phía đông, đứng ngay ngắn lặng lẽ cầu nguyện tại nơi mà năm đó Môhamét ngồi trên lưng lạc đà nói lời từ biệt. Những người muslim không phân biệt gái trai già trẻ, cũng không kể sang hèn đều phải “hành quân cấp tốc” đến vùng đồi trọc núi hoang khô cằn nóng nực này.

Cầu nguyện xong, mọi người lại từ vùng núi Arafát đi đến Mêna. Thời gian đến Mêna phải là ngày 10 tháng 12, tức ngày thứ hai sau “Ngày lễ đứng”, cho nên một lần nữa phải “hành quân cấp tốc” tới Mêna là Thánh Địa ở phía đông Mecca. Trên đường đến Mêna, tín đồ phải ném đá xuống khe núi Agơba. Ở đây có một cột đá tượng trưng cho “ma quỷ”, những người muslim ném đá rào rào vào cây cột đá, biểu thị suốt đời chiến đấu với cái ác.

Cuối cùng là giết dê mổ bò tại Mêna. Ngày 10 tháng 12 lịch Islam giáo là ngày “Lễ Kunpang” (lễ giết súc vật). Theo quy định của Islam giáo, trong điều kiện kinh tế cho phép, mỗi người giết một con dê hoặc bảy người giết chung một con bò. Thịt đem chia thành ba phần: một phần đem biếu họ hàng bạn bè, một phần cứu tế người nghèo khổ, phần còn lại giành cho bản thân.

Sau lễ giết súc vật, mọi người lại phải đi gấp về Mecca trước ngày 12 tháng 12 để kết thúc Lễ Chầu lớn. Vì vậy, những người muslim lại phải “hành quân cấp tốc, lần thứ ba.

Những người tham gia hành hương nhất loạt không mặc quần áo thường ngày mà chỉ dùng hai mảnh vải trắng quấn quanh người để tỏ ý không phân biệt giàu nghèo, đều bình đẳng như nhau. Trong thời gian hành hương, không được cãi nhau, không được kết hôn, không được giết súc vật (tới lễ giết súc vật mới được giết) , không săn bắn không phạt cỏ, không chặt cây, để biểu thị lòng sùng kính. Những người hành hương đến Mecca phải tham gia hàng loạt những hoạt động phức tạp như trên mới được gọi là “Haji”, một danh hiệu tôn giáo.

Hơn ngàn năm nay, từ phía tây sa mạc Sahara ở Châu Phi tới các nước phía đông bên bờ Thái Bình Dương, những người muslim kết bạn với nhau hành hương về Mecca. Không ít người trên đường đi đã bỏ mạng vì gặp nạn hoặc ốm đau trở thành những người “tử vì đạo” cũng rất nhiều người đã được nhận danh hiệu tôn giáo “Haji”.

LỊCH ISLAM GIÁO

Dương lịch sớm nhất trên thế giới là do người Cổ Ai Cập sáng tạo ra. Còn âm lịch sớm nhất trên thế giới là do người Cổ Babilon và tổ tiên người Trung Quốc sáng tạo ra. Thế kỷ XVIII tr. CN, âm lịch sử dụng ở Cổ Babilon và âm lịch sử dụng dưới thời nhà Hạ ở Trung Quốc (Thế kỷ XXI đến thế kỷ XVI tr.CN) rất giống nhau,đều cứ cách hai đến ba năm lại thêm một tháng nhuận để cho tương ứng với thời gian trái đất quay một vòng quanh mặt trời. Về mặt ghi năm thì loại âm lịch này có thể nói là hoàn toàn giống với dương lịch. Vì vậy người ta mới gọi âm lịch của Cổ Babilon và lịch nhà Hạ Trung Quốc là “âm-dương lịch”.

Vậy thì trên thế giới có thứ lịch nào thuần thúy là âm lịch không?

Có đấy! Đó chính là lịch Islam giáo do Môhamet sáng tạo ra (còn gọi là lịch Musunman, người Trung Quốc trước đây gọi là “Lịch Hồi”), một thứ lịch thuần túy là âm lịch. Lịch này không tương ứng với thời gian trái đất quay một vòng quanh mặt trời.

Ta hãy xem hai ngày theo lịch ghi dưới đây.

Ngày mở đầu năm đầu tiên của lịch Islam giáo, là ngày 16 tháng 7 năm 622 sau CN tức là ngày thứ hai Môhamét tiến vào Mêđina, Ta thấy ngày mở đầu của lịch Islam giáo so với ngày mở đầu dương lịch (Công lịch) chậm mất sáu tháng rưỡi.

Khalipha tiến quân vào thành Đamat là ngày 16 tháng 1 năm 14 theo lịch Islam giáo, tức ngày 11 tháng 3 năm 635 theo dương lịch. Tháng 1 theo lịch Islam giáo so với tháng 1 dương lịch chỉ chậm mất hơn một tháng.

Mới chỉ cách nhau 13 năm, mà tháng 1 của lịch Islam giáo đã từ mùa hè nóng nực biến thành những ngày đầu xuân hãy còn giá lạnh.

Lịch Islam giáo tính năm như thế nào? Lịch này lấy một lần trăng tròn làm một tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày, 12 tháng là một năm. Mỗi tháng bình quân có 29 ngày rưỡi. Nhưng thời gian trăng tròn khuyết lại là hơn 29 ngày rưỡi, cho nên cứ cách hai đến ba năm lại có thêm một ngày nhuận. Như vậy, năm bình thường theo lịch Islam giáo có 354 ngày, năm nhuận là 355 ngày, so với thời gian thực tế trái đất quay một vòng quanh mặt trời là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây thì thiếu mất khoảng 1l ngày, Do đó cách tính năm theo lịch Islam giáo rất không khớp với dương lịch (công lịch), cũng không giống với Âm lịch dùng ở Trung Quốc lịch nhà Hạ). Ví như từ năm mở đầu cho lịch Islam giáo tức năm 622 công lịch) đến năm 1931, công lịch và lịch nhà Hạ đều đã trải qua 1310 năm, còn lịch Islam giáo vì mỗi năm thiếu khoảng 11 ngày, cho nên đã trải qua 1350 năm, so với công lịch và lịch nhà Hạ thì đã tăng thêm vừa chẵn 40 năm.

Chính vì lịch Islam giáo thuần túy là âm lịch cho nên nó không có liên quan với bốn mùa. Ví như nói ngày Nguyên đán theo lịch Islam giáo năm nay là vào mùa hạ thì 8 năm sau ngày Nguyên đán theo lịch Islam giáo lại rơi vào mùa xuân, 16 năm sau lại thuộc mùa đông, còn 24 năm sau nữa, ngày Nguyên đán theo lịch Islam giáo lại chuyển sang mùa thu.

Để phân biệt bốn mùa, tiện cho công việc cấy trồng và thu hoạch nông sản, người Arập lại sáng tạo ra một loại dương lịch. Loại lịch này lấy ngày “xuân phân” (21 hoặc 22 tháng 3 Công lịch) làm ngày mở đầu cho một năm, năm thường là 365 ngày, năm nhuận là 366 ngày. Nhưng loại dương lịch Arập này chỉ dùng để tính toán thời gian canh tác chứ không dùng để tính năm.

Chọn tập
Bình luận