CÁC BẬC TIỀN BỐI CỦA PHONG TRÀO KHAI SÁNG
Khai sáng là cuộc vận động chỉ cho mọi người thấy phải đấu tranh giành lấy tự do, đấu tranh để thoát khỏi xiềng xích phong kiến ngu muội. Phong trào khai sáng của châu Âu ở thế kỷ 17, 18 là một cuộc vận động giải phóng tư tưởng lớn lao, và cũng là bước chuẩn bị tư tưởng quan trọng của cuộc cách mạng tư sản. Dưới đây là sự tích của một nhà tư tưởng khai sáng.
Vào một ngày nọ của những năm 60 thế kỷ XVIII, một trạm bưu điện ở Pháp khi sắp xếp bưu kiện phát hiện thấy một bức thư rất kỳ lạ. Trên bì thư chỉ viết:
“Kính gửi vị vua của các nhà thơ, nhà triết học của nhân dân, vị thần hộ mệnh của châu Âu, người phát ngôn của tổ quốc, sử gia của quốc vương, người ca ngợi các vị anh hùng, người giám định cao nhất các việc làm thanh cao, người bảo vệ nghệ thuật, con người quí trọng nhân tài, con người rất hiểu bản thân, con người luôn lên án mọi sự hãm hại, kẻ đối đầu với sự tôn sùng tôn giáo một cách mù quáng, cứu tinh của những kẻ bị áp bức, người cha hiền của những trẻ mồ côi, tấm gương cho kẻ giầu sang học tập, chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hình mẫu về con nuôi thánh thiện”.
Bì thư không ghi họ tên và địa chỉ người nhận. Nên đưa cho ai đây?
“Nhất định là ông ấy! Chỉ ông ấy mới xứng đáng với những danh hiệu cao quí đó, Người nhân viên bưu điện phát hiện ra bức thư khẳng định như vậy. Anh ta gửi ngay bức thư đó cho một thi nhân, một triết gia, và một sử gia nổi tiếng – đó là Vônte. Quả nhiên, bức thư đưa đúng người nhận.
Vônte tại sao được nhân dân Pháp tôn sùng như vậy? Đó là vì ông đã làm rất nhiều việc tốt.
Thời đó, nước Pháp là một nước phong kiến chuyên chế, quyền lực của Giáo hội Thiên chúa giáo rất lớn, thống trị và áp bức dân chúng rất tàn khốc về mọi mặt. Năm 1762, ở Tulu xảy ra một vụ án tôn giáo rất vô nhân đạo: Có một tín đồ Tân giáo tên là Kara, con trai ông ta vì nợ nần không trả được nên tự sát. Giáo hội Thiên chúa giáo vu cáo Kara trước tòa án là con trai ông ta vì muốn cải đạo theo Thiên chúa giáo nên bị ông ta giết chết. Tòa án của chính quyền phong kiến đương nhiên đứng về phía Giáo hội, bắt cả nhà Kara, dùng cực hình tra tấn họ, kết án tử hình Kara. Hôm xử tử Kara, bọn đao phủ trước tiên dùng gậy sắt đánh gãy hai cánh tay, xương sườn và hai chân Kara, sau đó buộc ông sau xe ngựa kéo lê trên đường cho đến chết, cuối cùng dùng lửa đốt xác ông thành tro.
Gia đình Kara có người trốn sang được Giơnevơ kể với mọi người về nỗi oan của họ. Vônte biết được chuyện đó bèn tiến hành một cuộc điều tra rất kỹ lưỡng, kết quả đúng là một vụ hãm hại tôn giáo rất nghiêm trọng.
“Tôi phải tố cáo với cả châu Âu!” Vônte rất xúc động nói vậy. Ông gửi bản báo cáo điều tra của mình về vụ án oan đó cho rất nhiều nước ở châu Âu. Thế là dư luận cả châu Âu náo động, đua nhau chỉ trích gay gắt tòa án Tulu. Chính phủ Pháp lúc đầu muốn chối tội, nhưng trước một sự thật rành rành nên gần 4 năm sau buộc phải công khai sửa sai, khôi phục danh dự cho Kara, trả tự do cho thân nhân của ông. Từ đó Vônte được gọi là “ân nhân của Kara”, được nhân dân Pháp rất kính trọng. Sau này, Vônte đã nhiều năm đấu tranh để minh oan cho Xinvanh, Raban v.v. chết vì bị hãm hại, cuối cùng họ đã được phục hồi danh dự. Vì vậy nhân dân Pháp vô cùng yêu mến vị học giả và thi nhân nêu cao chính nghĩa này.
Vậy tại sao Vônte lại chống đối quyết liệt chính phủ phong kiến và giáo hội phản động như vậy? Đó là vì ông cũng đã từng bị bọn chúng hãm hại.
“Vônte” chỉ là bí danh, tên thật của ông là Phrăngxoa Mari Arue, sinh năm 1694 trong một gia đình trung lưu ở Pari. Năm 23 tuổi, ông viết một bài châm biếm cung đình phong kiến hoang dâm vô đạo, kết quả bị chính phủ bắt bỏ tù 11 tháng ở ngục Basti. Ngục Basti quả là địa ngục trần gian! Chỉ cần bước vào cái pháo đài tối tăm này đã nghe thấy tiếng roi da đánh người và những tiếng kêu thảm thiết. Hàng dãy “tù nhân” thịt da tơi tả nằm rên rỉ trên mặt đất ẩm ướt. Đối với các “chính trị phạm” chống chính phủ phong kiến, chống Giáo hội còn bị đối xử tàn khốc gập bội, họ bị giam vào những chiếc cũi suốt ngày không thấy ánh sáng mặt trời. Chỉ bị giam vài năm tóc đã bạc trắng, người ốm yếu suy nhược dần dần rồi chết. Aruê tận mắt chứng kiến tội ác đẫm máu của vương triều phong kiến càng làm tăng thêm ý nghĩ phản kháng của ông. Ở trong tù ông đã viết vở kịch “Êđíp” châm biếm thói vô liêm sỉ bẩn thỉu của quí tộc. Sau khi ông ra tù, vở kịch được công diễn ở Pari, được mọi người rất hoan nghênh. Những việc làm xấu xa của bọn quí tộc nêu trong vở kịch giống hệt những việc làm của Nhiếp chính vương nước Pháp, nên Aruê lại bị hãm hại một lần nữa, chẳng những bị lũ con em quí tộc đánh cho một trận nhừ tử, mà còn bị giam vào ngục Basti lần thứ hai. Sau khi ra tù, ông bị trục xuất khỏi Pháp buộc phải xa quê hương sống lưu vong ở Anh. Từ đó ông lấy bí danh là “Vônte”, chuyên viết bài chống chính phủ phong kiến Pháp.
Trong thời gian ở Anh, Vônte khảo sát chế độ chính trị nước Anh sau cách mạng tư sản, nghiên cứu triết học duy vật và vật lý học Niutơn. Sau khi về nước, ông viết cuốn “Thông tin triết học”, phê phán gay gắt tính chất phản động của chế độ phong kiến Pháp và Giáo hội, ông cho rằng con người sinh ra phải được tự do và bình đẳng. Thế là ông lại rước họa lớn vào thân, sách của ông bị đốt sạch, bản thân bị trục xuất một lần nữa. Từ đó, ông ẩn cư ở nhà một người bạn văn ở biên giới Pháp và Hà Lan suốt 15 năm. Trong thời gian đó ông viết khá nhiều thơ ca, kịch và tác phẩm triết học tuyên truyền cho tự do bình đẳng.
Đúng lúc đó lại xảy ra một chuyện lạ. Hoàng thái tử nước Phổ là Frêđêrich nhiều lần viết thư cho Vônte tỏ ý rất sùng bái ông. Vônte nghĩ, ông ta là người tốt, bèn kết bạn thư từ đi lại với ông ta. Về sau, thái tử nước Phổ lên làm quốc vương, cử đặc sứ đến mời Vônte sang Phổ. Nghe được tin đó, quốc vương Pháp lập tức sai người triệu Vônte về nước, phong cho ông làm sử quan của hoàng gia, còn phong cho ông làm viện sĩ của Học viện Phrăng. Nhưng, Vônte bất mãn với nền chính trị chuyên chế của nước Pháp, ít lâu sau ông rời Pari, nhận lời mời đến Béclin.
Lẽ ra, quốc vương Phổ rất tôn trọng Vônte mới phải, nhưng thực ra không như vậy. Quốc vương Phổ là một quân nhân ôm ấp nhiều tham vọng. Đối nội ông ta thực hiện lối cai trị cảnh sát, chuyên chế, đối ngoại thì bành trướng bằng vũ lực, mục đích mời Vônte tới chỉ là nhằm khoác lên người chiếc áo “tiến bộ” .Trong khi Vônte tới Phổ là để tuyên truyền chủ trương tự do bình đẳng, như vậy hai người sao có thể hợp với nhau được?
Một hôm, quốc vương Frêđêrích nói toẹt ra là: “Đối với ta, Vônte chỉ là một trái cam, vắt hết nước rồi ta sẽ vứt bỏ ông ta như vứt rác mà thôi”. Vônte nghe được tin đó, biết mình ở lại sẽ nguy đến tính mạng lập tức rời Phổ sang ở Thụy Sĩ.
Chỗ ông ở cách Pháp không xa, ở đó Vônte lãnh đạo nhân dân Pháp đấu tranh giành tự do. Vụ minh oan cho Kara cũng bắt đầu từ nơi này. Năm 1773 vua Pháp Lui 15 chết, Vônte trở về quê hương với biết bao vinh dự lớn lao, ông tạ thế tháng 5 năm đó.
Năm 1870, nhân dân Pari dựng tượng đồng để tưởng nhớ ông, trên tấm bia khắc dòng chữ: “Người dạy chúng ta đi tới tự do”.
Những nhà tư tưởng khai sáng cùng thời với Vônte còn có Môngtexkiơ, Rutxô và Điđơrô. Điđơrô chủ biên cuốn “Bách khoa toàn thư”, tuyên truyền tư tưởng duy vật. Môngtexkiơ nêu lên chủ trương xóa bỏ chế độ chuyên chế phong kiến, thay vào đó bằng chế độ tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau, đặt nền tảng cho chế độ chính trị của nhà nước tư bản ngày nay. Trong tác phẩm “Khế ước xã hội” của mình, Rutxô chỉ ra rằng: chế độ chuyên chế bạo quân là phi pháp, chính quyền dân chủ ra đời là tất yếu, phải dùng bạo lực để tiêu diệt chế độ chuyên chế. Chủ trương chính trị của họ là vũ khí tư tưởng sắc bén của cuộc cách mạng tư sản.
ĐÁNH CHIẾM NGỤC BASTI
– Đến ngục Basti!
– Đến ngục Basti!
Sáng sớm ngày 14 tháng 7 năm 1789, hàng ngàn hàng vạn nhân dân Pari gồm công nhân, dân nghèo, thợ thủ công vô cùng phẫn nộ ào ào kéo đến ngục Basti. Họ người thì cầm súng kíp, kẻ vác rìu, người thì mang giáo, kẻ lại kéo đại bác. “Xông lên!” Đám đông như làn sóng biển ào ạt đổ dồn về phía trước. Cuộc đại cách mạng tư sản Pháp long trời lở đất đã bắt đầu.
Từ lúc “Hội nghị ba đẳng cấp” họp ngày 5 tháng 5, nhân dân Pari lo lắng không yên lòng.
Nước Pháp phong kiến chia dân trong nước làm 3 đẳng cấp. Đẳng cấp thứ nhất là tăng lữ, đẳng cấp thứ hai là quí tộc, đẳng cấp thứ ba là bình dân. Hội nghị vừa bắt đầu, quốc vương đã giở trò trong vấn đề biểu quyết, chủ trương mỗi đẳng cấp một phiếu, tiếp đó kéo đại biểu của đẳng cấp thứ nhất, thứ hai ra ngoài hội trường họp riêng rẽ, bỏ mặc đại biểu của đẳng cấp thứ ba ở hội trường suốt cả 5 tuần lễ với ý đồ dùng thủ đoạn hai phiếu chọi một, buộc đẳng cấp thứ ba phải nghe theo.
Đại biểu của đẳng cấp thứ ba chủ yếu là các nhà tư sản và trí thức, có luật sư, nhà công thương, nhà ngân hàng, nhà văn v.v. Họ đòi hỏi thay đổi nền chính trị phong kiến chuyên chế của nước Pháp, giành quyền tự do, do đó được đông đảo nhân dân Pari ủng hộ. Ngày 17 tháng 6, các đại biểu của đẳng cấp thứ ba lâu nay bị gạt ra ngoài không nhẫn nhịn được nữa, công khai tự tuyên bố là Hội nghị Quốc dân, đại diện cho toàn thể nhân dân Pháp thảo luận những việc lớn của quốc gia. Việc làm đó của họ khiến quốc vương Pháp rất lo sợ. Ngày 21, nhà vua ra lệnh huy động quân cảnh bao vây hội trường, cấm không cho Hội nghị Quốc dân hội.
Hôm đó trời u ám đầy mây. Các đại biểu đứng trong gió táp giận dữ phản đối. Đột nhiên có đại biểu đề nghị:
– Không có hội trường, chúng ta đến sân quần vợt!
– Được đấy. Đến sân quần vợt!
Các đại biểu của đẳng cấp thứ ba xếp hàng nghiêm chỉnh tiến vào sân quần vợt, không có chỗ ngồi, họ đứng. Mọi người nhất trí cử Baiy một người đức cao vọng trọng làm chủ tịch Hội nghị Quốc dân.
Đứng trên một chiếc bàn, Baiy dơ cao tay phải xúc động hô:
– Chúng tôi xin thề!
Các đại biểu của đẳng cấp thứ ba vây xung quanh, mặt hướng về Baiy, dơ cao cánh tay phải đồng thanh hô to:
– Chúng tôi xin thề!
– Không định ra được Hiến pháp, Hội nghị Quốc dân quyết không giải tán. – Baiy thề tiếp.
– Không định ra được Hiến pháp, Hội nghị Quốc dân quyết không giải tán!
Toàn thể đại biểu nhắc lại lời thề trang nghiêm đó.
Đúng lúc đó những ánh chớp lóe sáng trên bầu trời. “Ầm! Ầm! Ầm!” tiếng sấm nổ vang rung cả mặt đất, dường như đất trời cũng hưởng ứng cuộc cách mạng tư sản này vậy. Để chế định một bản Hiến pháp phản ánh được chế độ nhà nước tư sản, Hội nghị Quốc dân quyết định ngày mồng 9 tháng 7 đổi tên thành “Hội nghị lập hiến”, công khai chống đối quốc vương. Những đại biểu vốn trước đây ở đẳng cấp thứ nhất, thứ hai có khuynh hướng dân chủ cũng đua nhau tham gia Hội nghị Lập hiến. Như vậy âm mưu phá hoại và chia rẽ Hội nghị ba đẳng cấp của quốc vương bị đập tan hoàn toàn.
Vua Lui 16 thẹn quá hóa giận bèn điều động một lực lượng lớn quân đội đến Pari và Vecxay, mưu toan dùng vũ lực để giải tán Hội nghị Lập hiến. Ngày 12 tháng 7, biết được tin đó nhân dân Pari lập tức xuống đường biểu tình thị uy.
Hơn một vạn dân thành phố kéo đến tụ tập ở vườn hoa trước cung điện Roayan. Một thanh niên nhảy lên một chiếc bàn, rút súng lục trong thắt lưng ra dơ cao nói:
– Hỡi các công dân, không được chậm trễ một phút nào! Tối nay bọn lính đánh thuê Thụy Sĩ và Đức sẽ đến giết chúng ta! Chúng ta chỉ có một con đường sống là cầm lấy vũ khí!
– Đúng, hãy cầm lấy vũ khí! – Dân chúng đồng thanh hô lớn. Họ thống nhất với nhau là dùng lá cây màu xanh làm dấu hiệu của quân khởi nghĩa. Anh thanh niên kia ngắt một lá cây dẻ giắt lên đầu. Mọi người dua nhau ngắt lá, chỉ một loáng lá cây dẻ trong vườn hoa đã bị ngắt trụi.
Đoàn biểu tình đi đến quảng trường Văngđôm thì gặp một đội kỵ binh đi tuần tới. Quần chúng hô to: “Hoan nghênh các bạn đến tham gia biểu tình!” Đội kỵ binh quả nhiên hòa vào đoàn biểu tình, trở thành đội bảo vệ cho đoàn, Trên đường đi, dân chúng tham gia ngày càng đông. Một toán quân Đức xông tới chuẩn bị giải tán đoàn biểu tình, rút cuộc bị một trận mưa đá của quần chúng đánh lui. Đoàn biểu tình rầm rộ tiến thẳng đến quảng trường Lu-i 15.
Đội long kỵ binh của quốc vương phái đến đã đuổi kịp đoàn biểu tình. Chúng cưỡi trên những con ngựa cao to, tay cầm đại đao mặc sức đâm chém dân chúng tay không tấc sắt. Dân chúng bỏ chạy tán loạn, chúng đuổi theo chém giết, chỉ trong chốc lát máu chảy đầy mặt đất, xác người nằm ngổn ngang, nhân dân vô tội bị tàn sát vô cùng dã man.
“Bính boong! Bính boong! . . .” Sáng sớm ngày 13 tháng 7, tiếng chuông báo động của thành phố Pari vang lên, nhân dân mang rìu, đoản đao tập trung nhau lại. Họ đã rút được bài học qua cuộc tàn sát đẫm máu hôm trước là cách mạng phải cầm lấy vũ khí. Họ nhanh chóng xông vào kho vũ khí đạn dược của bọn thống trị phong kiến, cướp được mấy vạn khẩu súng và mươi khẩu đại bác, chính thức đứng lên khởi nghĩa vũ trang. Kể cũng lạ, bọn long kỵ binh hôm trước còn hung hăng chém giết dân chúng trong tay không tấc sắt, hôm nay vừa thấy dân chúng có súng ống đã sợ hãi ôm đầu lủi trốn, không còn có gan chống lại. Rất nhiều binh sĩ đồng tình với cách mạng theo nhau đến tham gia quân khởi nghĩa. Chỉ trong một ngày, quân cách mạng đã kiểm soát cả thành phố Pari. Các đại biểu của Hội nghị Lập hiến liên lạc với khắp nơi, chuẩn bị trên cơ sở của cuộc khởi nghĩa, xây dựng một đội quân tự vệ quốc dân.
Đêm hôm đó, cả thành phố Pari lửa sáng rực, tiếng búa rèn sắt “chí cha chí chát” vang lên khắp nơi, mọi người đều say sưa rèn giáo mác. Sáng sớm hôm sau khi thu thập vũ khí mới rèn được mới hay là chỉ trong một đêm đã rèn được đến 5 vạn giáo mác.
Ngày 14 tháng 7, cuộc khởi nghĩa Pari đã đạt tới cao trào.
– Đại bác! Đại bác! – Nhiều nghĩa quân nhìn về góc đông nam thành phố Pari tỏ vẻ cảnh giác.
Góc đông nam sừng sững một pháo đài khổng lồ – ngục Basti. Nhà tù này chuyên giam “chính trị phạm” chống đối quốc vương và quí tộc, là bộ máy khủng bố đàn áp nhân dân của Lu-i 16. Trên pháo đài có 8 tháp pháo cao to, mỗi một lỗ châu mai có một khẩu đại bác cỡ lớn. Những lỗ châu mai như những con mắt của thú dữ long lên sòng sọc nhìn xuống nhân dân cách mạng Pari.
Đột nhiên một nghĩa quân hô lớn:
– Chiếm lấy ngục Basti!
– Chiếm lấy nó! – Mấy vạn nghĩa quân hăng hái xông đến ngục Basti.
Viên tư lệnh coi giữ ngục Basti thấy tình hình bất lợi, vội ra lệnh:
– Kéo cầu treo lên!
Binh lính vội kéo cầu treo ngăn không cho dân chúng kéo vào. Xung quanh ngục Basti có một con hào rộng 25m, phải qua cầu treo mới ra vào được, không có con đường nào khác.
Bị chặn lại ở bên ngoài, mọi người bàn nhau rất sôi nổi. Một anh thợ mộc nói:
– Mau mang thang tới, dùng thang mà vượt qua hào.
Một thợ xây bảo:
– Đúng đấy! Qua được hào, dựng thang lên có thể trèo lên pháo đài.
Mọi người tán thành. Chẳng mấy chốc thang được chở đến, mọi người chuẩn bị tấn công.
Viên tư lệnh nhà ngục thấy dân chúng mang thang đánh thành tới sợ toát mồ hôi, tay run run chỉ binh lính quát to:
– Đồ chết dẫm, còn không nổ súng à, bắn đi cho tao.
Bọn lính lập tức giương súng. “Pằng! Pằng!”- đạn bắn xối xả ra ngoài. Một toán dân chúng trúng đạn ngã lăn ra đất, cuộc tấn công bị khựng lại.
Đang lúc gay cấn thì đại bác được kéo đến. Nghĩa quân reo hò ầm ĩ, Các pháo thủ nạp đạn nã liên tục vào ngục Basti.
Oàng! Oàng! Một trái đại bác nã trúng dây cầu treo, chỉ nghe thấy “phựt” một tiếng rất to. Dây treo dứt, cầu treo rơi xuống.
– Xông lên! – Quần chúng khởi nghĩa hăng hái xốc tới, loáng một cái đã vượt qua cầu treo xông vào ngục Basti.
Viên tư lệnh biết tình thế đã nguy ngập, vội vàng đốt một bó đuốc chạy thẳng đến kho thuốc súng: Hắn định phóng hỏa làm nổ tung cả ngục Basti. Binh lính đều là bọn nhát gan, sợ bản thân cùng đi đời với pháo đài, vội kéo viên tư lệnh lại không cho phóng hỏa. Vừa lúc đó quân khởi nghĩa kịp xông đến, bắt tại trận viên tư lệnh và xử tử luôn.
– Tự do muôn năm! – Quân khởi nghĩa hò reo vang trời.
– Tự do muôn năm! Quân khởi nghĩa tưng bừng nhảy múa rung chuyển cả mặt đất.
Sau 4 giờ kịch chiến, tòa pháo đài ngoan cố của phong kiến cuối cùng bị hạ. Từ đây, cuộc cách mạng tư sản Pháp đã sang một trang mới.
Tiếp đó, quân khởi nghĩa phá huỷ hoàn toàn ngục Basti để tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt chế độ chuyên chế phong kiến. Ngục Basti, biểu tượng của tội ác phong kiến, từ đó không còn tồn tại trên trái đất này. Ngày nay, nơi mà chúng ta nhìn thấy khi đến Pari là quảng trường Basti do nhân dân cách mạng xây dựng nên.
Để kỷ niệm thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh chống phong kiến của nhân dân cách mạng, nhân dân Pháp lấy ngày 14 tháng 7, ngày hạ ngục Basti, làm Ngày quốc khánh của mình.
SỰ RA ĐỜI CỦA BÀI “MÁCXÂYE”
Bạn có biết bài quốc ca của Pháp không? Quốc ca của Pháp là bài Mácxâye. Đó là bài ca chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược, ra đời sớm nhất vào năm 1792, thời điểm nghiêm trọng khi hai nước Áo, Phổ vũ trang xâm lược nước Pháp. Quá trình ra đời bài hát đã phản ánh bước đường gian khổ và phức tạp của cách mạng tư sản Pháp.
Sau khi đánh chiếm ngục Basti, Hội nghị Lập hiến thể theo nguyện vọng của quần chúng cách mạng Pháp, ngày 27 tháng 8 năm 1789 công bố “Tuyên ngôn nhân quyền”, nêu lên khẩu hiệu của cách mạng tư sản “tự do, bình đẳng, bác ái”, xóa bỏ chế độ đẳng cấp phong kiến. Quốc vương Pháp và các nước châu Âu lo sợ và căm giận đến xương tủy. Thế là, chúng trong ngoài câu kết với nhau, vạch kế hoạch vũ trang can thiệp.
Đêm 20 tháng 6 năm 1791, một chiếc xe ngựa xuất phát từ Pari phóng lên biên giới phía bắc. Ngày hôm sau chiếc xe tới một thành phố nhỏ ở biên giới.
– Hộ chiếu? – Lính biên phòng ngăn xe lại.
– Người Nga. – Một trung niên ở trong xe dùng tiếng Pháp trả lời. Ông ta rút ra hai quyển hộ chiếu, một của ông ta và một của vợ.
Lính biên phòng xem kỹ hai quyển hộ chiếu, đều do Đại sứ quán Nga cấp. Nhưng nhìn diện mạo của hai người thì không giống người Nga nên anh đâm nghi ngờ. Anh ta quan sát kỹ lại đôi vợ chồng này, đột nhiên nghĩ ra:
– Quốc vương, vương hậu. Đúng là họ.
– Đúng rồi, đúng rồi! Người bên cạnh cũng nhận ra. Hai quyển hộ chiếu này hóa ra là giả, nhà vua và hoàng hậu định trốn ra nước ngoài, dựa vào lực lượng vũ trang của nước ngoài để đàn áp cách mạng.
– Giải chúng về Pari! – Quần chúng vô cùng tức giận đã giải họ quay trở về Pari. Âm mưu trốn ra nước ngoài của Lu-i 16 đã phá sản.
Hoàng đế Áo và quốc vương Phổ được tin giãy nảy lên, vội cho ra một tuyên bố chung kêu “gọi quốc vương các nước châu Âu liên kết lại, dùng vũ lực can thiệp vào cách mạng Pháp.
Lưỡi đao đồ tể của ngoại bang đã vung lên.
Đúng vào lúc gay go đó, Lu-i 16 và hoàng hậu lại giở trò thò lò sáu mặt, chồng thi công khai tuyên bố. “Nhất định phải bảo vệ cách mạng Pháp, tôi ra lệnh tuyên chiến với hai nước Áo, Phổ; Vợ thì bí mật viết thư cho anh là Hoàng đế nước Áo, mật báo kế hoạch tác chiến của quân Pháp. Tháng 4 năm 1792 chiến tranh bùng nổ, liên quân Áo – Phổ biết trước thế trận của quân Pháp, tấn công vào chỗ sơ hở, chỉ trong mấy ngày đã đánh đến vùng phụ cận của Pari.
Cách mạng tư sản Pháp lâm nguy. Cả nước Pháp nơi nơi thành lập các đội nghĩa quân rầm rập tiến về mặt trận Pari chống địch.
Khi đó đội nghĩa quân của thị trấn Đietuari bang Strasbua đã được thành lập. Ông thị trưởng quyết định tổ chức một buổi lễ tuyên thệ trước khi xuất quân. Ông nghĩ, hội thề thì phải có một bài ca chiến đấu để khích lệ tinh thần binh sĩ, nhưng giao cho ai sáng tác bài ca ấy đây? Ông tìm được một chiến sĩ nghĩa quân trẻ tên là Rugiê Đờ Lisiơ.
– Anh Lislơ này, nghe nói anh biết làm thơ, sáng tác bài hát có phải không? – Ông thị trưởng hỏi.
– Tôi có làm. – Anh chiến sĩ trẻ đáp.
– Anh có thể làm một bài ca chiến đấu thể hiện tinh thần yêu nước được không?
– Để chống lại bọn xâm lược Áo – Phổ, tôi cố thử xem sao.
– Rất tốt, tôi lệnh cho anh một đêm phải làm xong, ngày mai khi xuất phát sẽ hát.
– Vâng, tôi nhất định làm được.
Nhận lệnh, trong lòng Lislơ rất xúc động. Ý chí bảo vệ Tổ quốc như ngọn lửa bốc cháy trong lòng anh. Suốt đêm đó anh vừa sáng tác nhạc vừa viết lời ca cho đến sáng.
Sáng sớm hôm sau, lễ tuyên thệ được tổ chức rất long trọng. Với chất giọng nam cao trong trẻo, Lislơ đã hát vang một bài ca chiến đấu vô cùng hùng tráng. Đại ý lời ca như sau:
Hãy đứng lên, những người con của Tổ quốc!
Ngày vinh quang đã tới.
Kẻ chuyên chế đang chống lại chúng ta,
Chúng kéo lê ngọn cờ đẫm máu.
Nghe thấy chăng, trên ruộng đồng của chúng ta,
Những tiếng gầm rống của quân can thiệp hung tàn.
Chúng đang xông tới trước mặt chúng ta,
Tàn sát vợ con chúng ta.
Hỡi các công dân! Hãy cầm lấy vũ khí, tổ chức thành hàng ngũ chiến đấu!
Tiến lên! Tiến lên!
Hãy để cho dòng máu tanh hôi của kẻ xâm lược
Tưới cho đồng ruộng của chúng ta…
Các chiến sĩ nghĩa quân nghe xong rất xúc động, có người nghiến răng nghiến lợi, nắm chặt hai bàn tay, có người hai hàng nước mắt ròng ròng, thảy đều quyết tâm chiến đấu chống bọn xâm lược đến cùng.
– Bài ca chiến đấu này có hay không? – Ông thị trưởng hỏi.
– Rất hay! – Các chiến sĩ nghĩa quân đồng thanh đáp.
– Thế thì đặt cho nó cái tên đi!
Mọi người thảo luận rất sôi nổi. Cuối cùng nhất trí cho rằng nghĩa quân chiến đấu là để chống lại kẻ xâm lược, tiến quân tới sông Ranh, nên đặt tên cho bài hát là “Bài ca chiến đấu của đoàn quân sông Ranh”. Tên bài hát cứ thế truyền đi trong hàng ngũ nghĩa quân.
Đúng khi đó, cách mạng phát triển sang một giai đoạn mới.
Những thất bại liên tiếp ngoài mặt trận khiến mọi người phải đặt câu hỏi: Tại sao liên quân Áo – Phổ lại tiến quân thuận lợi như vậy? Nhất định trong nội bộ có gián điệp! Quần chúng cách mạng dần dần thấy rõ trò ma giáo của Lu-i 16, quyết tâm bắt ông ta. Sáng sớm tinh mơ mồng 9 tháng 8, tiếng chuông báo động đổ hồi trên thành phố, quần chúng cách mạng kết hợp với nghĩa quân các nơi tới đã xông vào hoàng cung bắt Lu-i 16 và hoàng hậu. Tiếp đó nghĩa quân xử tử một số khá đông bọn phản cách mạng. Sĩ khí của nghĩa quân lên mạnh.
Củng cố được hậu phương, nghĩa quân từ các nơi đến nhận lệnh xuất kích. Trên đường tiến quân, các chiến sĩ nghĩa quân từ Mác xây đến hát vang “Bài ca chiến đấu của đội quân sông Ranh”, hùng dũng tiến lên. Các chiến sĩ nghĩa quân từ các nơi khác đến nghe bài hát rất xúc động, cũng đua nhau học bài hát đó. Từ đó, mọi người gọi “Bài ca chiến đấu của đội quân sông Ranh” là “hành khúc Mácxâye”.
Ngày 20 tháng 9, nghĩa quân Pháp quyết chiến với quân Phổ ở Vanmi, quân Pháp toàn thắng. Đây là thắng lợi đầu tiên của Pháp khi phản kích bọn xâm lược, cũng là bước ngoặt của quân Pháp chuyển từ thế thủ sang thế công. Ngay hôm sau, Hội nghị Quốc dân được triệu tập, quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, lập nên chính thể cộng hòa. Ngày 22 tháng 9 năm 1792, Hội nghị Quốc dân tuyên bố chính thức thành lập nước Cộng hòa Pháp. Năm 1795, để kỷ niệm những cống hiến xuất sắc của nghĩa quân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để làm cho mọi người mãi mãi ghi nhớ bước đường gian khổ xây dựng nước Cộng hòa, Hội nghị Quốc dân thông qua nghị quyết lấy bài “mácxâye” làm quốc ca của nước Cộng hòa Pháp.
PHÁI TẢ VÀ PHÁI HỮU
Trong thuật ngữ chính trị hiện đại, “phái tả” thường là từ đồng nghĩa với “phái cấp tiến” hoặc “phái cách mạng”, còn “phái hữu” thường là từ đồng nghĩa “phái bảo thủ” hoặc “phái ngoan cổ”. Thực ra, trong nghị viện châu Âu ngay từ thế kỷ 18 đã dùng hai từ này, có điều nghĩa của hai từ này không hoàn toàn giống ngày nay mà thôi.
Sau khi bắt giam quốc vương, thành lập nền cộng hòa, Hội nghị Quốc dân trở thành cơ quan lãnh đạo cao nhất của cả nước. Khi hội nghị họp tình hình diễn ra như sau:
Đảng chấp chính ngồi bên phải. Vì họ đại bộ phận là đại biểu giai cấp tư sản từ tỉnh Girôngđơ tới nên mọi người gọi họ là phái Girôngđanh.
Đảng không cầm quyền ngồi bên trái. Vì họ thường xuyên họp ở các nhà thờ các thánh mọi người gọi họ là phái Giacôbanh.
Phái Girôngđanh nắm quyền là do quốc vương chỉ định, nên thái độ chính trị của họ rất bảo thủ. Phái Giacôbanh hình thành trong cách mạng, thái độ chính trị cấp tiến. Vì chỗ ngồi của họ một phái ở bên phải một phái ở bên trái nên mọi người gọi họ là phái hữu và phái tả.
Tổng số người của cả hai phái tả và hữu chưa tới 114 thành viên Hội nghị Quốc dân. Các thành viên Hội nghị quốc dân ngồi ở giữa chiếm 314. Những người này thường là thấy phái nào mạnh thì ngả theo phái đó. Mọi người gọi họ là phái trung gian.
Hai phái tả, hữu thường xuyên đấu tranh với nhau, nổi bật nhất là chuyện xử trí quốc vương ra sao.
Từ tháng 8 năm 1792 sau khi bắt quốc vương Lu-i 16, phái tả nhiều lần đưa ra Hội nghị quốc dân vấn đề xét xử quốc vương. Phái hữu thì nói “quốc vương là thần thánh không được động chạm đến”, “Hội nghị quốc dân không có quyền xét xử quốc vương” v.v. để ngăn cản việc xét xử. Khi phái tả vạch tội của Lu-i 16 đối với cách mạng, chủ trương cần phải xử tử thì phái hữu lại đánh lạc mục tiêu, công khai chửi bới thủ lĩnh của phái tả, nói rằng Rôbetxpie là “tên độc tài” rằng Mara là “kẻ cổ xuý cho độc tài” v.v. Điều đó đã bộc lộ rõ ý đồ thực sự của phái hữu là chống không muốn tiến hành cách mạng đến cùng.
Điều thực sự làm cho phái hữu hoàn toàn thất bại là việc phát hiện ra chiếc két bảo hiểm bí mật.
Khi quốc vương vừa mới bị bắt giam, người ta tiến hành thanh tra kinh phí và giấy tờ sổ sách của hoàng gia, đã phát hiện một tập thư từ trong đống văn kiện; mở ra xem thì toàn là thư của Lu-i 16 viết cho bọn quí tộc Pháp chạy trốn ở nước ngoài. Lời lẽ trong thư thể hiện rất rõ ý định của bọn quí tộc đó là chủ động “mời” quân đội Áo, Phổ tấn công nước Pháp, còn Lu-i 16 thì tuyên bố rõ ràng mình muốn “trở lại nắm quyền”.
Đến tháng 11, người ta lại tìm thấy một chiếc két bảo hiểm bí mật giấu sau bức ván tường của hoàng cung. Trong két chứa toàn thư từ và kế hoạch của quốc vương nhằm mua chuộc các lãnh tụ quần chúng, cấu kết với quí tộc, mưu toan trở lại ngôi báu. Bộ mặt thật phản quốc và chống cách mạng của Lu-i 16 hoàn toàn lộ rõ.
Tối ngày 15 tháng 1 năm 1793, đại sảnh của Hội nghị Quốc dân đèn sáng trưng. Hội nghị Quốc dân sẽ biểu quyết vấn đề xét xử Lu-i 16 ở đây. Từng tốp từng tốp dân Pari kéo vào hội trường để dự thính. Phương pháp biểu quyết lần này là phương pháp thường được dùng thời đó, được gọi là. “gọi tên biểu quyết”. Chủ tịch Hội nghị lần lượt gọi tên từng nghị sĩ (hơn 700 nghị sĩ) lên phát biểu ý kiến.
Cuộc biểu quyết đã bắt đầu, chủ tịch Hội nghị gọi từng người lên phát biểu ý kiến:
– Ngài Mara!
Một học giả trung niên khoảng 50 tuổi từ chỗ ngồi bên trái đứng dậy. Ông bước những bước mạnh mẽ đi lên bục nói chuyện, phát biểu những lời làm xúc động lòng người. Ông nói:
– Chúng ta muốn cứu Tổ quốc, muốn bảo đảm hạnh phúc của nhân dân, phải chặt đầu tên bạo chúa! Tôi đề nghị xử tử Lu-i 16.
– Ngài Rôbetxpie!
Một vị luật sư trẻ hơn 30 tuổi, từ phía bên trái đứng dậy, sải bước đi lên bục, phát biểu ý kiến với lời lẽ chứa đầy triết lý. Ông nói:
– Tôi không thể chà đạp chân lý và chính nghĩa, còn tính mạng của tên bạo chúa quan trọng hơn người công dân bình thường. Tôi không thể làm hoen ố trí tuệ mà cứu vớt một con người phạm những tội ác tày trời, lý đương nhiên phải chết. Tôi bỏ phiếu tán thành xử tử.
Chủ tịch Hội nghị tiếp tục gọi các nghị sĩ lên phát biểu. Các nghị sĩ ngồi bên trái đều nói: “Xử tử”, các nghị sĩ ngồi bên phải người thì nói “phải đi đày”, người thì bảo “bỏ tù”, nhưng đại đa số không dám công khai nói “vô tội”, vì tội ác của Lu-i 16 rõ rành rành, phái hữu không cách nào gỡ tội được cho ông ta.
Cuộc biểu quyết diễn ra hai ngày ba đêm, chủ tịch Hội nghị công bố kết quả biểu quyết: tuyệt đại đa số nghị sĩ tán thành xử tử.
Ngày 21 tháng 1 năm 1793 là ngày quốc vương Pháp Lu-i l6 lên đoạn đầu đài. Hôm đó mưa như trút nước, 3.000 lính vũ trang canh gác, Lu-i 16 được xe ngựa chở từ nhà tù ra, đi đúng 1 tiếng đến quảng trường Cách mạng Pari. Nhân dân thành phố đứng vây kín quảng trường chứng kiến tên quốc vương phản quốc chống cách mạng đền tội.
Lu-i 16 thất thểu xuống xe, từng bước một bước lên thềm đoạn đầu đài. Một linh mục đã đứng sẵn ở đó. Lu-i 16 quì sụp xuống trước mặt linh mục, cầu nguyện lần cuối cùng. Vị linh mục một tay làm dấu thánh giá trước ngực, một tay xoa đầu Lu-i chậm rãi nói:
– Con trai của thánh tông đồ Lu-i lên gặp Chúa đi!
Những người hành hình lập tức trói hai tay Lu-i đưa lên đoạn đầu đài. Tên quốc vương ngoan cố còn muốn dãy dụa lần cuối cùng, ngoạc mồm kêu:
– Ta vô tội…
Đúng lúc đó, tiếng trống hành hình vang lên:
– Tùng! Tùng! Tùng!
Ba người chấp sự đặt Lu-i vào đoạn đầu đài, rồi mở máy chém. 10 giờ 10 phút, rưỡi dao rơi phập xuống, tên vua phong kiến luôn tác oai tác quái đầu đã lìa khỏi xác!
Ít lâu sau hoàng hậu cũng bị xử tử.
Quốc vương và hoàng hậu bị xử tử là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Pháp, cũng là thắng lợi vĩ đại của phái tả Pháp. Nhưng phái hữu cầm quyền lại phản kích điên cuồng. Ngoài mặt trận, tướng lĩnh của phái hữu công khai đầu hàng giặc, đưa chiến tranh tới gần biên giới Pháp. Ở trong nước, phái hữu lập ra “ủy ban 12 người” chuyên hãm hại và giết phái tả. Trong tình đó, phái tả buộc phải tự vệ. Tối 31 tháng 5, cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ. Theo đề nghị của phái tả, Hội nghị Quốc dân ra lệnh bắt những thành viên chủ yếu của phái hữu, tổ chức lại chính phủ, do phái tả – phái Giacôbanh chấp chính: Trong thời kỳ Giacôbanh nắm chính quyền, về đối ngoại đã đánh lui được cuộc tấn công của liên quân châu Âu, về đối nội đã trấn áp được các hoạt động của bọn phản cách mạng, đưa cuộc cách mạng tư sản Pháp tiến lên một giai đoạn mới.
CUỘC ĐẢO CHÍNH THÁNG NÓNG
Cách mạng có thắng lợi, cũng có thất bại. Trong lịch sử cách mạng Pháp, thất bại lớn nhất phải kể đến “Cuộc đảo chính tháng Nóng”.
Cuộc đảo chính này xảy ra ngày 27 tháng 7 năm 1794, đối chiếu với lịch Cộng hòa Pháp là mồng 9 tháng Nóng năm thứ hai Cộng hòa, nên người ta gọi là “Cuộc đảo chính Tháng Nóng”.
Kể từ tháng 6 năm 1793 phái Giacôbanh chấp chính đến khi đó, cuộc cách mạng tư sản giành được những thắng lợi rực rỡ chưa từng có. Nhưng sau ngày mồng 9 tháng Nóng, diện mạo của cách mạng đổi thay về cơ bản!
Hội nghị Quốc dân theo thường lệ họp vào buổi chiều. Song, 11 giờ trưa hôm đó đã có rất nhiều đại biểu tới hội trường Họ đi đi lại lại ở hành lang và đưa mắt cho nhau. Một đại biểu khuôn mặt xương xương đến trước mặt một đại biểu người béo phì, bắt tay ông ta nói: “Chờ xem, phái hữu mới là những người dũng cảm!” Lúc đó, mấy người phía bên đi tới, mỉm cười gian xảo gật đầu với họ, tỏ ý ủng hộ phái hữu.
Quá 12 trưa một chút, Chủ tịch Hội nghị tuyên bố họp. Rôbexpie, lãnh tụ của phái Giacôbanh chấp chính ngồi ở hàng ghế đầu chính giữa, đối diện bàn chủ tịch, chăm chú nghe các đại biểu phát biểu.
– Tôi phải vén toang tấm màn đen ra! – Một đại biểu nhảy lên diễn đàn. Ông ta gân cổ lên la hét ra sức công kích, chĩa mũi nhọn vào phía Giacôbanh.
– Đả đảo những kẻ cầm quyền tàn bạo! – Lại một đại biểu tót lên diễn đàn, phì nước bọt tung tóe, dùng những lời ác độc công kích Rôbexpie.
– Bắt lấy Rôbexpie! – Hai đại biểu hùa nhau cùng hét lên. Hội trường náo loạn.
– Tôi xin phát biểu! – Rôbetxpie trịnh trọng đứng lên. Nhưng ông vừa định bước lên diễn đàn, thì “Reng! Reng! Reng!” Chủ tịch Hội nghị rung mạnh chuông tỏ ý không cho ông phát biểu.
Rôbexpie trở về chỗ ngồi. Ông thật không dám tin vào tai, mắt mình nữa. Hôm qua, cũng chính ở phòng họp này, toàn thể đại biểu còn chăm chú lắng nghe ông phát biểu, báo cáo về việc trấn áp bọn phản cách mạng. Tại sao chỉ qua một đêm, tình hình đã hoàn toàn thay đổi, lãnh tụ của đảng chấp chính lại thành tù nhân bị xét xử!
Bắt lấy hắn! Bắt lấy hắn! – Hội trường lại ồn lên.
Các đại biểu của phái Giacôbanh vô cùng tức giận, lần lượt đứng dậy đòi phát biểu, nhưng đều bị chủ tịch rung chuông không cho phép.
– Chủ tịch của những tên sát nhân, lần cuối cùng tôi xin phát biểu. – Rôbexpie thét lên.
“Reng! Reng! Reng!” Chủ tịch Hội nghị ra sức lắc chuông.
– Bắt lấy Rôbexpie! – Tiếng hò hét điên cuồng lại vang lên trong hội trường.
– Bây giờ biểu quyết. . . Xong, thông qua! – Lời chủ tịch chưa dứt, một toán hiến binh đã xông vào bắt Rôbexpie. Cùng bị bắt với Rôbexpie còn có em trai ông và mấy lãnh tụ khác của phái Giacôbanh.
– Nước cộng hòa thế là hết! Bọn kẻ cướp đã thắng! – Khi bị giải ra khỏi hội trường, Rôbexpie xúc động hét to. Lúc đó là 5 giờ rưỡi chiều ngày 27 tháng 7 năm 1794.
Rôbexpie, một con người suốt đời sống liêm khiết, hết lòng vì việc chung, đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Pháp, tại sao lại gặp sự bất hạnh như vậy? Chính ông cùng với các nhà cách mạng đã sáng lập ra cơ quan cách mạng cao nhất của nước Pháp – Hội nghị Quốc dân, nhưng nay ông lại bị chính cơ quan đó bắt. Rút cục là vì sao?
Muốn hiểu vì sao phải kể lại từ đầu.
Macximiliêng Rôbexpie sinh năm 1758 ở thành phố Ara miền bắc nước Pháp. Thời trung học, ông rất thích đọc các trước tác của Rutxô, kiên quyết ủng hộ thuyết vô thần và học thuyết dân chủ tự do nêu trong sách. Vì thế, ông đã lặn lội tìm đến thăm nhà tư tưởng nổi tiếng đó. Sau đó, Rôbexpie làm luật sư và quan tòa, vì pháp luật của vương quốc Pháp động một tí là xử tử người, ông rất không hài lòng bèn từ chức quan tòa.
Mùa xuân năm 1789, Rôbexpie 31 tuổi được bầu làm đại biểu Hội nghị ba đẳng cấp, từ đó bước vào chính trường nước Pháp. Ông là một chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, ông nổi tiếng vì kiên quyết đấu tranh, sống giản dị, mọi người ca ngợi ông là “con người không thể biến chất”. Mỗi khi chàng thanh niên tầm thước thanh tú, ăn mặc gọn gàng này xuất hiện ở câu lạc bộ Giacôbanh đều được vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt.
Phái Giacôbanh là hạt nhân phái tả của cách mạng tư sản Pháp thời đó. Trong cuộc đấu tranh phế bỏ quốc vương, trong cuộc đấu tranh với phái hữu (phái Girôngđanh), trong cuộc đấu tranh đập tan cuộc vũ trang chống cách mạng của kẻ thù trong và ngoài nước, nội bộ của họ rất đoàn kết. Song, sau khi họ giành được thắng lợi, trở thành đảng cầm quyền, thì nội bộ lại chia rẽ.
Phái Giacôbanh có 3 lãnh tụ kiệt xuất: Đăntôn, Mara và Rôbexpie. Vì chủ trương thỏa hiệp và ôn hòa, Đăntôn bị Rôbexpie xử tử. Mara bị nữ đặc vụ của phái Girôngđanh ám sát chết, chỉ còn lại một mình Rôbetxpie. Lực lượng cách mạng bị yếu đi, tạo điều kiện cho phái hữu có cơ hội ngóc đầu dậy, thế là xuất hiện cuộc đảo chính tháng Nóng.
Rôbexpie bị bắt giam chưa đầy một tiếng, khoảng hơn 6 giờ tối quần chúng cách mạng đã xông vào nhà tù, đưa Rôbexpie về tòa thị chính. Hệt như đón tiếp các chiến sĩ chiến thắng trở về, phái Giacôbanh hô to các khẩu hiệu: “Rôbetxpia muôn năm “Tiêu diệt bọn phản quốc Đến hơn 8 giờ tối, các lãnh tụ của phái Giacôbanh vừa bị bắt tất cả trở về tòa Thị chính. Trên quảng trường tòa Thị chính tụ tập rất đông quần chúng có vũ trang. Nếu khi đó Rôbexpie lập tức tổ chức khởi nghĩa có thể vẫn còn có hy vọng thắng lợi, nhưng ông do dự, mãi đến 12 giờ rưỡi đêm ông vẫn chưa quyết định. Quần chúng bỏ về nhà, Rôbexpie đã bỏ lỡ thời cơ.
Lực lượng phản cách mạng nhanh chóng được tổ chức lại. Khoảng nữa đêm, chủ tịch Hội nghị quốc dân ra lệnh cho thủ lĩnh lực lượng vũ trang của hắn: “Lập tức xuất phát, trước khi trời sáng phải mang đầu của bọn phản loạn về!” Hai giờ sáng, chúng đã bao vây kín tòa Thị chính. Một tên hiến binh xông vào đầu tiên, nổ một phát súng trúng vào cằm Rôbexpie. Rôbexpie mặt đầy máu lại bị bắt giam cùng với 22 chiến hữu.
Chiều ngày hôm sau, chẳng cần qua xét xử Rôbexpie và các chiến hữu bị đưa Lên đoạn đầu đàn. Ba chiếc xe chở tử tù từ từ lăn bánh dưới ánh chiều tà. Bọn hiến binh chĩa lưỡi lê vào Rôbexpie mình bị trọng thương. Đầu Rôbexpie quấn một miếng vải vấy máu, nhưng ông vẫn quan sát xung quanh với ánh mắt nghiêm trang. Đúng 5 giờ, Rôbexpie và các chiến hữu bị giải lên đoạn đầu đài.
“Cuộc đảo chính tháng Nóng” kết thúc nền chuyên chính cách mạng của phái dân chủ tư sản – phái Giacôbanh, đồng thời cũng đánh dấu bước chuyển biến ngược dòng của cách mạng tư sản Pháp.