Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Trịnh Thành Công Đánh Đuổi Giặc Hồng Mao

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 TRỊNH THÀNH CÔNG ĐÁNH ĐUỔI GIẶC HỒNG MAO

Một ngày tháng 4 năm 1661, trong một vịnh cảng của đảo Kim Môn tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, san sát những chiến thuyền, có tới mấy trăm chiếc, trên thuyền tinh kỳ phấp phới, những cánh buồm to nhỏ cùng kéo lên. Trên cột buồm chiếc thuyền lớn nhất treo một lá cờ đại hình chữ nhật có viền chung quanh, nổi bật 11 chữ lớn “Đại Minh Chiêu Thảo Đại tướng quân Quốc tính Thành Công”.

Giữa trưa, một thân binh phất lá cờ lệnh, bước tới mũi thuyền hô lớn:

– Lệnh Đại tướng quân: giờ tốt đã tới, lập tức ra khơi!

– Tuân lệnh, lập tức ra khơi! Hơn 100 tướng lĩnh đã sớm đợi lệnh trên thuyền, đồng thanh hô to hưởng ứng. Thủy thủ nhanh chóng cởi dây neo đẩy mái chèo, cho thuyền rời bờ đảo: Chỉ trong chốc lát, hơn 300 chiến thuyền chở hơn hai vạn tướng sĩ, dàn thành đội hình chỉnh tề, rầm rộ rẽ làn sóng dữ tiến ra eo biển Đài Loan.

Vị “Quốc tính Thành Công” là ai vậy? Vì sao ông lại thống lĩnh đại quân vượt eo biển Đài Loan?

“Quốc tính Thành Công” là Trịnh Thành Công, một tướng lĩnh yêu nước nổi tiếng cuối đời nhà Minh, Trung Quốc. Ông vốn tên Trịnh Sâm, người Phúc Kiến, 15 tuổi đi thi đỗ tú tài, 21 tuổi tới học ở Quốc tử giám Nam Kinh (Trường Đại học thời phong kiến Trung Quốc). Vì ông trẻ tuổi có tài, rất được Hoàng đế yêu mến, ban cho ông họ của hoàng đế – Chu, đổi tên là Thành Công. Đây là nguyên do của “Quốc tính Thành Công”; về sau người ta tôn kính gọi ông là “Cụ Quốc tính”.

Sau khi quân Thanh vào biên ải, Trịnh Thành Công đã dấy binh tuyên thệ chống quân Thanh ngay tại quê hương Phúc Kiến, xây dựng một đội quân thủy lục gồm mấy trăm chiến. thuyền và hơn 10 vạn binh lính. Đáng tiếc ông xuất quân thất lợi, bị thua ở ngoại thành Nam Kinh, phải lui về Hạ Môn. Và ông quyết định tiến quân đông chinh, thu phục đảo Đài Loan, đã bị quân xâm lược Hà Lan chiếm đóng đã lâu.

Khi ấy, Hà Lan là nước tư bản mới trỗi dậy ở Châu Âu, có hạm đội lớn mạnh nhất thế giới, trọng tải thương thuyền chiếm 3/4 cả Châu Âu, nổi tiếng là “Người đánh xe ngựa trên biển”. Năm 1602, sau khi thành lập Công ty liên hợp Đông Ấn Độ Hà Lan, lấy đảo Java làm căn cứ, đã bành trướng cướp đoạt, xâm lược lãnh thổ các nước khác ở mọi nơi.

Tháng 10 năm 1623, Hà Lan đem quân tới Đài Loan xây dựng đồn luỹ, sau đó chính phủ triều đình nhà Minh Trung Quốc cho thuyền đến tuần tra, họ mới buộc phải phá dỡ đi, nhưng ít lâu sau lại xây lại. Sau mười mấy năm xâm chiếm cướp đoạt, họ dường như đã chiếm tất cả đất đai ở miền nam Đài Loan; năm 1642, họ lại đánh đuổi hết người Tây Ban Nha vốn từ lâu xâm chiếm miền bắc Đài Loan, độc chiếm toàn đảo Đài Loan. Bọn thực dân Hà Lan gây ra không biết bao nhiêu tội ác ở Đài Loan, nhân dân các dân tộc Đài Loan vô cùng căm giận, mọi người gọi chúng là “Quỷ Hồng mao”. Hơn 30 năm qua, nhân dân địa phương liên tục đấu tranh với lũ quỷ Hồng mao. Vì vậy trận đánh thu phục Đài Loan của Trịnh Thành Công, xua đuổi quỷ Hồng mao, cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc ở Đài Loan.

Bình minh ngày 29 tháng 4, đoàn thuyền của Trịnh Thành Công đã đến bên ngoài cảng Lộc Nhĩ Môn của Đài Loan.

Lộc Nhĩ Môn hiện nay ở phía tây cảng An Bình của thành phố Đài Nam, thường ngày nước biển rất nông, khi thủy triều lên cũng chỉ sâu một trượng bốn năm thước thôi, thủy triều xuống sâu không tới một trượng. Luồng thuyền chạy vừa quanh co vừa hẹp, chỉ đủ cho hai thuyền vào ra thôi, dưới mặt nước lại nhiều mỏm đá ngầm và bãi cát rộng, sơ ý một chút thuyền sẽ xô vào đá ngầm hoặc mắc cạn. Cho nên quân xâm lược Hà Lan không bố phòng ở đây, mà tập trung chủ lực tại thành Đài Loan, thành Xích Khảm lân cận và trên các đảo phụ cận. Chúng không thể nào ngờ được là đoàn chiến thuyền của Trịnh Thành Công lại đi theo luồng Lộc Nhĩ Môn này!

Qua dân chài lưới ở đây, Trịnh Thành Công đã nắm được, cứ vào mồng một, mười sáu âm lịch là ngày mực nước thủy triều ở Lộc Nhĩ Môn cao nhất; cho nên đã bố trí thời gian tiến vào cảng là ngày mồng một tháng tư âm lịch.

Trưa hôm ấy, thủy triều bên ngoài Lộc Nhĩ Môn quả nhiên dâng cao hơn ngày thường tới mấy thước. Trịnh Thành Công lập tức hạ lệnh đoàn thuyền vào cảng. Chỉ một lát sau, đoàn thuyền đã qua được cửa khẩu, tiến vào gần sát thành Xích Khảm. Sau khi đổ quân lên bờ, lập tức xây dựng ngay trận địa trên bãi, đồng thời chia thành hai mũi thủy bộ, tấn công quân thực dân Hà Lan.

Binh lực quân Hà Lan ở Đài Loan tổng cộng khoảng 2000 tên, phần lớn đóng ở thành Đài Loan, chỉ có khoảng ba, bốn trăm tên ở thành Xích Khảm. Hải quân cũng chỉ có hai chiến thuyền, bốn xà-lan và một thuyền thông tin. Có điều chúng tự cho rằng thuyền tốt vũ khí mạnh, thành lũy kiên cố, nên rất khinh thường quân của Trịnh Thành Công. Thấy quân Trịnh Thành Công tiến đánh, bèn chia thành hai cánh thủy bộ chống trả.

Thân binh báo cáo với Trịnh Thành Công:

Bẩm đại tướng quân, quỷ Hồng mao đã cho tầu sắt xuất kích, lúc này đang nã pháo vào quân ta?

Trịnh Thành Công ra lệnh:

Truyền cho thủy quân sử dụng hỏa pháo thuyền lớn bắn, thuyền nhỏ bủa vây, hỏa thuyền chuẩn bị sẵn sàng.

Tầu sắt là công cụ đắc lực xưng hùng xưng bá trên biển của quân xâm lược Hà Lan, thân tầu rất to, hỏa lực rất mạnh. Chiến thuyền của Trịnh Thành Công có lớn có nhỏ, tác chiến linh hoạt, khéo léo tránh hỏa lực của tầu sắt, và liên tiếp bắn vào tầu sắt. Chẳng mấy lúc, tầu sắt bị bắn chìm. Ngay sau đó, chiến thuyền của Trịnh Thành Công lại vây đánh các chiến thuyền khác của quân địch.

– Cho hỏa thuyền xuất kích! – Trịnh Thành Công ra lệnh.

Lệnh vừa ban ra, từng chiếc hỏa thuyền một lao lên như bay xông thẳng vào chiến thuyền Hà Lan. Hỏa thuyền thân nhỏ chạy nhanh, hành động mau lẹ, trên thuyền chất đầy vật dễ cháy đã tẩm dầu và thuốc nổ, loáng một cái đã phi tới bên tầu Hà Lan. Thủy binh chờ cho thuyền áp sát tầu địch, nhanh chóng châm lửa ngòi nổ, rồi từng người nhẩy xuống biển bơi trở về.

“Oàng! Oàng! Oàng!” Sau một loạt tiếng nổ, chiến thuyền Hà Lan bốc cháy đùng đùng, trong khi đó thuyền Trịnh Thành Công lại liên tiếp nã pháo, toàn bộ tầu địch cái thì cháy, cái thì chìm, chỉ còn lại chiếc tầu thông tin chạy trốn về đảo Java báo tin khẩn cấp.

Lại nói về cánh quân đánh bộ, Tướng Hà Lan trấn giữ thành Xích Khảm cho hơn 200 lính xuất kích. Quân Hà Lan bắn liên tiếp ba loạt đạn, quân Trịnh nhanh chóng bắn trả, đạn như mưa xối xả bắn vào quân địch. Sau một đợt ác chiến, quân xâm lược bị chết 118 tên, đám còn lại lốc nhốc rút vào thành Xích Khảm.

Tướng Hà Lan trấn giữ thành Xích Khảm thấy tình hình nguy khốn, lập tức cử người đưa thư tới cấp báo cho Tổng đốc trấn thủ ở thành Đài Loan. Trong thư viết hai câu: “Quân Trung Quốc như từ trên trời xuống! Chúng tôi rất nguy khốn”.

Hạ thành Xích Khảm thế nào đây? Nhân dân địa phương hiến kế cho Trịnh Thành Công: “Trong thành Xích Khảm không có nguồn nước, nước ăn uống đều lấy từ suối trên núi dẫn vào thành. Nếu chặn dòng suối thì quỷ Hồng mao chỉ trong ba ngày là phải đầu hàng”.

Trịnh Thành Công dùng theo kế này. Quả nhiên, ngày thứ ba quân giặc đầu hàng.

Thu phục thành Xích Khảm rồi, đại quân Trịnh Thành Công vây đánh thành Đài Loan ngay. Thành Đài Loan là tổng hành dinh của quân xâm lược Hà Lan. Qua nhiều năm trấn giữ, đã xây dựng thành một dinh lũy vô cùng kiên cố. Chu vi thành dài 276 trượng, cao hơn 3 trượng, có hai lớp tường thành, gạch xây bằng cháo gạo nếp trộn với nước đường. Trên thành bố trí 20 khẩu đại bác nặng hàng nghìn cân, trong vòng mấy trăm mét có thể bắn vào bất cứ nơi nào. Chung quanh thành còn có đồn bốt và hào bảo vệ – Cho nên dù tấn công theo hướng nào, cũng không tránh được hỏa pháo của chúng, việc đánh thành nhất thời chưa chắc đã được.

Trịnh Thành Công thấy chỉ tấn công bằng vũ lực không được, liền cùng các tướng lĩnh bàn bạc tam kế sách hay. Có người nói, xây dựng thành lũy lô cốt ở ngoài thành, để quân lính tránh được hỏa lực của địch, chờ thời cơ tấn công có người nói, có thể áp dụng cách vây hãm lâu dài, trong thành cạn lương hết nước, nhất định địch sẽ phải ra ngoài lấy nước và cướp lương thực, khi ấy sẽ đánh chúng ở ngoài thành; lâu dần rồi chúng cũng phải đầu hàng.

Thành Thành Công thấy những chủ ý này rất hay, liền bắt đầu xây dựng thành lũy, chuẩn bị vây hãm lâu dài, đồng thời nhiều lần cử người đến khuyên dụ Tổng đốc Hà Lan đầu hàng. Nào ngờ tên này cực kỳ ngoan cố, hắn cho rằng chỉ cần cố thủ chờ tiếp viện, quân Trung Quốc sẽ tự rút lui.

Công ty Đông Ấn Độ Hà Lan trên đảo Java nhận được báo cáo khẩn cấp, quả nhiên phái hai đội quân tiếp viện. Đội viện quân thứ nhất khi tới biển Đài Loan, thấy mấy trăm chiến thuyền Trịnh Thành Công ở đấy, không dám lên bờ mà lùi về ngay. Thủ lĩnh đội viện quân thứ hai không hề có chút kinh nghiệm chiến đấu nào, chỉ có nửa số thuyền áp sát vào được bờ của thành Đài Loan, nhưng mấy ngày sau cũng đành lủi về Java.

Sau chín tháng vây hãm, Trịnh Thành Công chuyển sang tấn công toàn diện. Tháng 1 năm 1662, ông tập trung tất cả binh lực ở Đài Loan, xây dựng thêm ba pháo đài, bố trí 28 khẩu đại bác, đào thêm chiến hào. Địa thế ba pháo đài rất cao, đại bác có thể bắn vào mọi cứ điểm của thành Đài Loan.

Con đường bày ra trước mắt viên Tổng đốc Đài Loan: đánh lui cuộc tấn công của quân Trịnh thì không có lực lượng, cố thủ chờ viện binh thì vô vọng, liều lĩnh xông ra thì bị tiêu diệt hết, lối thoát duy nhất là dâng thành đầu hàng.

Ngày 1 tháng 2 năm 1662, ông ta dẫn một đám tàn binh bại tướng, bỏ mũ cúi đầu chào Trịnh Thành Công, dâng biểu đầu hàng, rồi lủi thủi rời khỏi Đài Loan. Đảo Đài Loan bị giặc Hồng mao chiếm đóng 37 năm cuối cùng đã trở về với Trung Quốc.

Bạn đã đọc “Truyện người khổng lồ” chưa? Đọc bộ tiểu thuyết Pháp thế kỷ XVI này, nó sẽ giúp bạn nhìn thấy sự đen tối của giáo hội và sự thối nát của giáo dục thời trung cổ, nhìn thấy mong muốn được giải phóng cá tính của những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Văn hoá phục hưng. Trách chi bộ sách này sau khi ra đời đã được rất ưa chuộng, lượng tiêu thụ trong hai tháng đã vượt cả lượng tiêu thụ trong chín năm của “Kinh Thánh” – Hơn 400 năm nay, bộ sách đã được tái bản hơn 200 lần bằng những thứ tiếng khác nhau.

“Truyện người khổng lồ” gồm năm tập, tập thứ nhất kể câu chuyện lý thú như thế này:

Con trai Quốc vương ra đời, nó chui ra từ lỗ tai mẹ.

Thằng bé vừa ra khỏi bụng mẹ đã kêu tướng lên:

Khát quá! Khát quá! Khát quá!

Tiếng nó gào vang to như tiếng chuông lớn, làm bốn bề sợ hãi.

Quốc vương đang rượu chè vui vẻ, nghe thấy tiếng gào ghê người của cậu con trai, buột miệng nói: “Gacgăngchuya!” có nghĩa là “họng to ghê quá!”, thế là chú bé được đặt tên là Gacgăngchuya (Gacgăngchuya).

Gacgăngchuya thân hình khổng lồ, cằm dưới dầy tới 18 ngấn ăn khỏe kinh khủng. Mỗi ngày phải uống sữa của hơn 17000 con bò cái. Một chiếc sơ-mi phải dùng 1700 mét vải, một đôi đế giầy phải dùng 1100 tấm da bò, chiếc kiềng đeo cổ nặng 5800 ki-lô.

Đến tuổi đi học, quốc vương mời một đại tiến sĩ ngụy biện học về dạy Gacgăngchuya. Vị đại tiến sĩ này dạy cho Gacgăngchuya học chữ cái vuông, phải bỏ ra năm năm ba tháng, Gacgăngchuya học rất chăm chỉ, nhưng ngày một dốt đi.

Một lần, Quốc vương để Gacgăngchuya gặp một đứa trẻ nước láng giềng, chú bé kia được một thầy giỏi dạy dỗ, chỉ mới học có hai năm, nhưng khi trò chuyện với Gacgăngchuya lại tỏ ra rất thông minh ranh lợi, còn Gacgăngchuya đã học tới mười mấy năm vẫn ngu si dốt nát, chẳng đối đáp được câu nào, cuối cùng khóc rống lên như con bò già. Quốc vương vô cùng tức giận, duổi ngay ông thầy giáo cũ đi, để con trai theo học ông thầy giỏi nọ.

Thầy giáo mới đưa Gacgăngchuya tới Pari để mở rộng tầm mắt. Gacgăngchuya thấy người Pari ngu xuẩn đáng ghét, cứ lẽo đẽo theo mình suốt. Thế là cậu ta gác một chân lên Nhà thờ Đức Bà Pari, nơi hàng triệu người thành kính lễ bái, cưỡi hẳn lên nóc nhà thờ rồi “tè” xuống, phút chốc làm chết đuối hơn 20 vạn người, lại còn lấy luôn hai chiếc chuông lớn nặng tới 2 vạn ki-lô, buộc vào cổ con ngựa của mình làm nhạc ngựa.

Thầy giáo mới buông lỏng cho Gacgăngchuya mấy ngày rồi mời một danh y kê cho cậu ta một đơn thuốc để cậu uống, mong trừ bỏ được tất cả những cặn bã cũ còn đọng lại trong đầu óc. Sau đó ông dạy cậu học những tri thức khoa học, còn đưa cậu đi săn bắn, bơi lội, tập thể dục thể thao, để cậu dần dần trở thành một thái tử sáng suốt.

Đúng vào lúc Gacgăngchuya đang miệt mài học hành thì Tổ quốc cậu bị nước khác xâm lược, cậu vội vã trở về tham gia chiến tranh vệ quốc. Trên đường về cậu kết bạn với một tu sĩ tên là Giôn. Ông Giôn này tuy là một thầy tu, nhưng tư tưởng mới mẻ, yêu tự do, lại anh dũng quả cảm, có kiến thức tốt, khác hẳn các tăng lữ khác. Gacgăngchuya rất khâm phục ông, trở thành bạn thân với nhau.

Được tu sĩ Giôn giúp đỡ, Gacgăngchuya chỉ huy quân đội đánh bại quân xâm lược. Để đền ơn Giôn, Gacgăngchuya quyết định cho ông làm viện trưởng một tu viện, nhưng Giôn đã từ chối và trả rời thẳng thắn:

– Bản thân tôi chẳng quản nổi mình, thì còn quản lý được ai nữa? Nếu như ông thấy tôi có chút công lao giúp ông thì đề nghị ông xây dựng cho một tu viện theo kế hoạch của tôi.

Gacgăngchuya vui vẻ đồng ý thỏa mãn yêu cầu của Giôn, cắm cho ông một mảnh đất, và nói:

– Việc đầu tiên, dứt khoát không được xây tường bao quanh, vì các tu viện khác đều cửa đóng then cài vô cùng thâm nghiêm”.

Giôn nói:

– Đương nhiên rồi. Tất cả những nơi có tường vây trước rào chắn sau, đều nẩy sinh nhiều chuyện xì xào, đố kỵ ghen ghét và đấu đá tranh giành nhau. Tu viện của tôi sẽ phế bỏ quy định làm giáo sĩ suốt đời, dù nam hay nữ, vào tu viện, rồi vẫn được phép ra vào tự do theo ý nguyện bản thân, ra vào lúc nào cũng được, không ép buộc. Họ có thể kết hôn một cách quang minh chính đại, tự do làm giầu, có cách sống của riêng mình.

Gacgăngchuya hoàn toàn tán thành ý kiến Giôn và bổ sung thêm:

– Tu sĩ vào tu viện, có thể sống theo ý nguyện và chủ trương tự do của bản thân, họ thích ngủ dậy lúc nào thì dậy lúc ấy, các việc khác như ăn, uống, làm việc, ngủ ngáy, hoàn toàn thoải mái theo ý mình.

Cuối cùng họ xây dựng một quy tắc chế độ, chỉ có độc một điều: “Muốn gì cũng được, làm theo ý mình”.

Tu viện mới nhanh chóng xây dựng xong. Trong đó có thư viện, sân vận động, bãi tập bắn, rạp hát. . .

Các tu sĩ có thể đường hoàng học tập, tham gia biểu diễn văn nghệ, chơi bóng, bơi lội, ra ngoài săn bắn.

Kết quả là, nam nữ tu sĩ vào tu viện này, người nào cũng biết đọc, biết viết, biết hát, biết chơi các nhạc cụ, nói được năm sáu thứ tiếng. Họ can đảm, tử tế lịch sự trong sạch, hoạt bát; nam giỏi sử dụng vũ khí, nữ giỏi nghề thủ công may vá; khi rời tu viện để lấy nhau, cả hai cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời vẫn hòa thuận như ngày đầu tiên mới yêu nhau. . .

Đây là nội dung chính câu chuyện tập một của “Truyện người khổng lồ”.

Rõ ràng cuốn tiểu thuyết đã chống lại thần quyền và mê tín, cái mà xã hội phong kiến và trụ cột của xã hội ấy là giáo hội Thiên chúa đang ra sức tuyên truyền, chủ trương của cuốn sách là nhân quyền và khoa học mà giai cấp tư sản mới trỗi dậy đang tôn sùng. Thời ấy là một sự tiến bộ.

Mũi nhọn tiểu thuyết chĩa thẳng vào giáo hội Thiên chúa, nhưng tác giả cuốn sách lại chính là tu sĩ của giáo hội Thiên chúa. Ông tên là Frăngxoa Rabơle.

Rabơle sinh năm 1494 trong một gia đình luật sư miền trung nước Pháp – Thời thơ ấu, ông sống tự do vui vẻ ở điền trang của cha. Hơn 10 tuổi, được đưa vào học ở một trường của giáo hội, suốt ngày tiếp thu một nền giáo dục tôn giáo khô khan tẻ nhạt, về sau lại vào tu viện làm tu sĩ.

Cuộc đời tu sĩ trong tu viện kín cổng cao tường còn tù hãm khô khan tẻ nhạt hơn cả khi học ở trường giáo hội. Đọc kinh, cúng lễ, ăn uống, một lô những giới luật quy tắc, khiến cho Rabơle vốn đã hoạt bát lanh lợi cảm thấy khó chịu. Ông nhìn rõ cái đen tối và nhàm chán của cuộc sống này, liên tiếp đổi tới hai tu viện, đồng thời bắt đầu học tiếng Hy Lạp để đọc các sách về nền văn hóa cổ đại.

Tu viện khi đó phản đối tinh thần tự do nghiên cứu, cho rằng học tiếng Hy Lạp là để tâm vào nền văn hóa cổ đại dị giáo tà thuyết. Cho nên người chủ trì tu viện ra lệnh thu giữ sách Rabơle đang học. Rabơle không chịu nổi nữa, lại đổi tới một tu viện khác.

Người chủ trì tu viện mới là một giáo chủ, chỗ quen biết cũ của Rabơle, bản thân cũng là một nhà nhân văn học, thích tư tưởng mới. Ông để Rabơle làm thư ký, cùng ông đi kiểm tra các giáo khu. Trong thời gian này, Rabơle quen biết khá nhiều học giả, đã học các môn tu từ học, lịch sử tôn giáo, triết học, toán học, phápluật, âm nhạc, thiên văn, khảo cổ, trở thành người vô cùng uyên bác.

Ba năm sau, Rabơle rời khỏi tu viện. Với tư cách linh mục, ông đi chu du khắp nữa nước Pháp. Chuyến du lịch dài ngày này, đã chuẩn bị về mặt tư tưởng và tư liệu cho ông viết “Truyện người khổng lồ” sau này.

Năm 1530, Rabơle trở về Pari, vào một trường đại học để học y học, khi ấy ông đã 36 tuổi. Điều khiến người ta kinh ngạc là chỉ trong hai tháng, ông đã nhận được văn bằng tốt nghiệp, giành được học vị cử nhân. Về sau, ông làm thầy thuốc, hành nghề ở Lyon.

Tháng 8 năm 1532, trong hiệu sách Lyon bỗng xuất hiện một cuốn tiểu thuyết vô cùng kỳ lạ, với cái tên là “Truyền kỳ về Păngtagruyen (Pantagruel) khổng lồ”, tác giả ký tên Nadiê. Tiểu thuyết nhanh chóng bán hết ngay. Nadiê chính là Rabơle giầu tinh thần phê phán. Một năm sau, vẫn với bút danh trên, xuất bản tập thứ hai “Gacgăngchuya” (Gargantua) (về sau khi xuất bản cả bộ, thì “Gacgăngchuya” là tập một).

Hai tập tiểu thuyết này sau khi xuất bản, một mặt được giai cấp tư sản thành thị và nhân dân tầng lớp dưới trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng mặt khác lại bị giáo hội và quý tộc cực kỳ căm ghét, ít lâu sau, tòa án Pari tuyên bố hai tập sách này là sách cấm.

Năm 1535, Rabơle rời Lyon, ba lần đi du lịch Rôma. Hai năm sau, ông lại đến Pari học y, ít lâu sau giành được học vị thạc sĩ và tiến sĩ. Ông hành nghề y ở chung quanh Pari, khá có uy tín, đời sống được bảo đảm. Nhưng ông không quên viết tập ba của cuốn tiểu thuyết.

Tập ba nhanh chóng viết xong, nhưng làm thế nào để xuất bản được bây giờ? Qua cố gắng từ nhiều phía, cuối cùng đã tranh thủ được giấy phép phát hành đặc biệt của Quốc vương để bảo đảm chắc chắn, đã đưa thêm một bài thơ kính tặng Hoàng hậu vào đầu tập. Tập thứ ba được xuất bản vào năm 1545, và ký họ tên thật của tác giả.

Nào ngờ ít lâu sau Quốc vương qua đời, giáo hội và quý tộc lại cùng nhau đả kích tập tiểu thuyết này. Cuối cùng Quốc hội Pari phán quyết, tiểu thuyết lại một lần nữa bị liệt vào sách cấm. Người xuất bản bị hỏa thiêu, Rabơle phải trốn ra nước ngoài. Cho tới năm 1550, Quốc vương mới sinh con trai, có người bảo Rabơle làm một bài thơ chúc mừng, và ông được phép trở về Tổ quốc.

Sau khi Rabơle trở về Tổ quốc, buộc lại phải vào làm việc trong thế giới tôn giáo, làm linh mục ở hai nhà thờ nhỏ. Ngoài việc thi hành chức trách tôn giáo, chữa bệnh cho người nghèo, giảng dạy ở trường học ra, ông hoàn thành tập bốn, tập năm của cuốn tiểu thuyết. Năm tập này cộng lại lấy tên là “Truyện người khổng lồ”, thời gian phải mất 20 năm mới xong.

Ngày 9 tháng 4 năm 1553, Rabơle tạ thế tại Pari. Lúc lâm chung ông cười lớn và nói:

– Kéo màn lại thôi, tuồng diễn xong rồi!

Đầu năm 1605, trên văn đàn Tây Ban Nha xuất hiện một cuốn tiểu thuyết tên là “Đôn Kihôtê”. Cuốn sách vừa ra đời đã thu hút được các bậc nhân sĩ trong xã hội. Xuất bản lần đầu, chỉ trong mấy tuần đã bán hết veo, năm ấy đã in đến bốn lần.

“Đôn Kihôtê” vì sao lại hấp dẫn người ta đến thế”. Xin đọc một trích đoạn trong đó:

Đôn Kihôtê là một quý tộc nhỏ, thân hình gẫy gò, gương mặt buồn rầu. Ông đọc tiểu thuyết kỵ sĩ, đâm ra tâm thần mê mẩn, quyết tâm làm như các kỵ sĩ, đi cải tạo xã hội bằng phương thức giúp kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Sau này quả nhiên ông cưỡi một con ngựa gầy, mặc bộ áo giáp cũ, tay cầm lá chắn, giáo dài, đem theo một nông dân tên là Săngxô cưỡi lừa làm người hầu. Họ ra đi mạo hiểm khắp nơi.

Một hôm, hai thầy trò nhìn thấy ba bốn mươi chiếc cối xay gió trên một cánh đồng. Đôn Kihôtê bảo người hầu:

– Này, mày có trông thấy hơn 30 người khổng lồ đáng sợ kia không? Ta phải đến đánh nhau với chúng, cướp hết mọi thứ của chúng. Đây là trận chiến đấu hợp pháp, tiêu diệt chúng là hết lòng vì Thượng đế!

Săngxô bảo:

Đấy không phải người khổng lồ, mà là cối xay gió! Những thứ trông như cánh tay kia là cánh quạt, để gió thổi vào làm quay cối xay.

Đôn Kihôtê bảo:

– Hà, mày không dám mạo hiểm! Nếu mày sợ thì đứng đấy mà cầu nguyện đi, ta quyết phải sống mái với chúng!

Nói rồi ông thúc ngựa lao thẳng lên phía trước, vào gần sát rồi vẫn không nhìn rõ là thứ gì cả, miệng hét lên:

– Mi muốn trốn chạy à, lũ ác ôn đê tiện này! Kẻ tấn công chúng mày bây giờ, chỉ là kỵ sĩ đơn thương độc mã !

Khi ấy một trận gió nổi lên, cánh quạt trên cối xay gió bắt đầu quay. Đôn Kihôtê vừa gào thét, vừa lấy lá chắn che thân, cầm chắc giáo dài, xông vào tấn công cối xay gió thứ nhất. “Người khổng lồ” chưa bị ông đâm ngã, thì ngọn giáo dài đã gẫy thành mấy đoạn, cả người lẫn ngựa văng ra xa. Săng-xô vội vã đến cứu Đôn Kihôtê đang nằm thẳng cẳng trên mặt đất…”

Đoạn chuyện này chứng tỏ Đôn Kihôtê một lòng một dạ muốn diệt kẻ tàn bạo cứu giúp người yếu đuối theo cách làm nghĩa hiệp của kỵ sĩ, cải tạo hiện thực nhưng lại thoát ly thực tế, gần như hoang tưởng, mất hết lý tính, cho rằng khắp nơi chỗ nào cũng là bọn yêu ma quỷ quái cả, đấu tranh không biết lượng sức mình, vì thế gây ra lắm chuyện nực cười.

Những hành động ngớ ngẩn như thế của Đôn Kihôtê, tiểu thuyết kể ra rất nhiều, rất nhiều. Thí dụ, ông nhìn quán trọ thành ra pháo đài; gái điếm thành công chúa, phạm nhân thành quý tộc, chậu đồng thành mũ sắt, thậm chí nhìn hai đàn cừu thành hai đội quân đánh nhau, bất chấp hết thẩy xông vào chém giết, kết quả thì dĩ nhiên là húc đầu vào tường, bươu đầu đổ máu. Lòng tốt của ông không những làm hại người khác, mà bản thân ông cũng khốn khổ. Tới đâu cũng bị người ta giễu cợt, chê cười. Nhưng ông vẫn mê muội không tỉnh, tới tận” lúc dường như sắp chết mới được người ta khiêng về nhà. Trước lúc chết, ông mới tỉnh ngộ, chửi bới thậm tệ tiểu thuyết kỵ sĩ, còn lập di chúc không cho phép đứa cháu gái ngoại, người thừa kế độc nhất của mình, lấy người đã đọc tiểu thuyết kỵ sĩ, nếu không nó sẽ không được hưởng tài sản của ông để lại.

Kỳ thực, mục tiêu đả kích của cuốn tiểu thuyết “Đôn Kihôtê”, không chỉ là tiểu thuyết kỵ sĩ mọi người đã mê mẩn lúc đó, mà là chế độ kỵ sĩ sắp sửa suy tàn được thống trị phong kiến ra sức bảo vệ. Sức mạnh châm biếm của cuốn sách quá lớn, đến nỗi sau khi xuất bản, ở Tây Ban Nha không còn xuất hiện thêm một cuốn tiểu thuyết kỵ sĩ nào nữa. Người ta cứ nhìn thấy một con ngựa gầy là diễu cợt ngay: “Trông kìa, đấy chính là ngựa Đôn Kihôtê cưỡi đấy!”

Tác giả cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn đó là Sécvăngtes, nhà văn quan trọng vào bậc nhất thời văn hoá phục hưng Châu Âu.

Sécvăngtes sinh năm 1547 trong một gia đình quý tộc sa sút miền trung Tây Ban Nha. Cha là bác sĩ ngoại khoa bất đắc chí, từng phải ra tòa vì thiếu nợ. Do kinh tế gia đình không khấm khá, Sécvăngtes chỉ học trung học. Nhưng ông rất ham đọc sách, có khi thấy tờ báo rách nát trên đường phố cũng nhặt lên đọc.

Năm 22 tuổi, Sécvăngtes đến Italia, nơi khởi nguồn của Văn hoá phục hưng Châu Âu, làm người hầu cho một Hồng y giáo chủ. Vậy là ông có dịp tới rất nhiều thành phố nổi tiếng của Italia, tiếp xúc với nhiều văn nhân học giả, đồng thời có điều kiện đọc kho sách phong phú của chủ.

Năm 1571, hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập khu vực Địa Trung Hải, Tây Ban Nha và nước Cộng hòa Vơnisơ tổ chức hạm đội liên hợp chống lại. Sécvăngtes trẻ tuổi với lòng yêu nước chân thành, đã nhiệt tình tham gia quân đội Tây Ban Nha đóng ở Italia.

Ngày 7 tháng 10 năm ấy, xẩy ra trận hải chiến Lêpantô nổi tiếng. Trong trận hải chiến này, Sécvăngtes là lính trên một chiến hạm Tây Ban Nha. Không may, hôm ấy anh sốt cao, thuyền Trưởng và mọi người khuyên anh nên nghỉ ngơi trong khoang tầu, anh kiên quyết không chịu, vẫn dũng cảm chiến đấu trên boong. Trận hải chiến ấy, hạm đội liên hợp giành được toàn thắng, Sécvăngtes bị thương nặng ở ngực và tay trái, kết quả là phải cắt bỏ tay trái, suốt mùa đông phải nằm viện. Về sau, anh lại chuyển sang một liên đội khác.

Hạ tuần tháng 9 năm 1575, Sécvăngtes nhiều lần lập chiến công, đã đem một giấy tiến cử của thống soái hạm đội xin với quốc vương đề bạt ông làm sĩ quan, từ nơi đóng quân đi tầu quân sự “Mặt trời” trở về Tây Ban Nha. Tầu nhổ neo lên đường, hôm sau thì bị ba chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Chiến đấu rất ác liệt, nhưng tầu đã bị bắt sống, Sécvăngtes bị người Thổ Nhĩ Kỳ đưa sang Aniêri. Vì trên người ông có giấy tiến cử, người Thổ Nhĩ Kỳ cho ông là nhân vật quan trọng, đã đòi một khoản tiền chuộc rất lớn.

Sécvăngtes bị tù đầy, và cũng như các tù binh khác phải làm nô lệ vô cùng cực nhục. Ông không cam tâm nhẫn nhục để dân tộc khác nô dịch, đã năm lần tổ chức bạn tù trốn về Tổ quốc, nhưng không may đều thất bại. Có một lần, ông đã để mười mấy người chuẩn bị trốn chạy ẩn tránh trong một hang núi, tìm mọi cách cung cấp lương thực cho họ, thời gian dài tới nữa năm, cuối cùng vì có người tố giác, bị người Thổ Nhĩ Kỳ bắt được. Ông đã đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm.

Qua năm năm sống tù đầy, Sécvăngtes mới được bạn bè thân hữu góp tiền chuộc ông về. Nhưng người anh hùng yêu nước này không được Quốc vương trọng dụng. Quốc vương chỉ cử ông đi làm một số công vụ tạm thời. Sécvăngtes sống nghèo khổ, chỉ sống dựa vào tiền viết văn.

Năm 1587, Sécvăngtes mới xin được một chức nhân viên thu thuế. Một lần, ông đến thu thuế một nơi đang mất mùa đói kém. Nhân dân ở đây ăn đã không đủ, lấy đâu ra tiền nộp thuế? Nhưng, trong kho của một thầy dòng nhà thờ lớn địa phương, chất đầy lúa mì. Sécvăngtes biết chuyện đó, liền ra lệnh trưng thu số lúa mì, để gán vào số thuế nhân dân phải nộp. Việc này làm giáo hội rất tức giận, lập tức đuổi Sécvăngtes ra khỏi giáo hội. Thời đó, đuổi ra khỏi giáo hội là hình phạt nặng nhất trong giáo hội, không có giáo tịch thì không được làm nhân viên trong cơ quan nhà nước.

Từ đó về sau, tai họa và bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu Sécvăngtes. Bọn quyền quý và giáo hội liên tiếp vu cáo và hãm hại ông, đã mấy lần tống ông vào tù. Năm 1605, một thanh niên quý tộc phóng đãng bị giết ở gần nhà Sécvăngtes, nhà cầm quyền đã thẩm vấn cả nhà ông vì đã nghi ngờ gia đình ông là tội phạm.

Trong môi trường sống đen tối, bi thảm này, Sécvăngtes đã tích lũy được vốn sống phong phú, viết thành tập một tiểu thuyết (Đôn Kihôtê” bất hủ, khiến ông trở nên nổi tiếng. Khi ấy ông đã 58 tuổi.

Mũi nhọn của tập một “Đôn Kihôtê” chĩa thẳng vào quý tộc phong kiến và giáo hội Thiên Chúa thối nát phản động, vạch trần bộ mặt giả dối của chế độ phong kiến Tây Ban Nha trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức và tập tục, vì vậy thế lực phong kiến vô cùng căm giận Sécvăngtes, nhiều văn nhân bảo vệ lợi ích quý tộc phong kiến cũng rất ghen ghét và thù hằn ông, thế là xẩy ra việc lạ đời là có người ngụy tạo tập hai “Đôn Kihôtê”.

Hóa ra sau khi Sécvăngtes cho xuất bản tập một “Đôn Kihôtê”, ông chưa viết ngay tập hai mà quay sang sáng tác thơ ca, kịch bản và tiểu thuyết ngắn, cho tới khi ông viết đến chương 59 của tập hai thì đã là năm 1614 rồi.

Đúng vào năm ấy, có người đã giả danh xuất bản tập hai “Đôn Kihôtê”. Tập hai này, hoàn toàn khác hẳn tập một của Sécvăngtes, đã đứng trên lập trường của giáo hội và quý tộc phong kiến mô tả Đôn Kihôtê thành một kẻ điên khùng, Săngxô thì thành một kẻ ngốc nghếch tham ăn lắm lời. Nó bóp méo chủ đề của nguyên tác, biến tác phẩm thành một thứ hài kịch tẻ nhạt.

Sécvăngtes cảm thấy đây là sự bôi nhọ vô cùng lớn đối với ông: Ông lúc đó tuy đã 67 tuổi và mắc bệnh phù thũng, nhưng vì quá phẫn nộ nên đã gắng sức viết thật nhanh tập hai để phản đối kẻ đã nặn ra cuốn sách giả. Chỉ trong một năm, tập hai “Đôn Kihôtê” đã được ra đời.

Có điều, người đời sau vẫn cám ơn sự xuất hiện cuốn sách giả ấy. Nếu không có nó kích thích, người đời có lẽ không được thấy tập hai “Đôn Kihôtê” hoàn chỉnh. Vì năm sau, tức là vào ngày 23 tháng 4 năm 1616, Sécvăngtes đã qua đời. Ông ra đi cùng một ngày với nhà viết kịch lớn của nước Anh, Sếchxpia.

Giáo hội Thiên chúa căm thù đến tận xương tủy Sécvăngtes, không dựng bia mộ cho ông. Tuy nhiên, nhân dân không bao giờ quên nhà văn lỗi lạc này. Sau khi ông qua đời hơn 200 năm, người ta đã dựng bia kỷ niệm ông ở Madrit thủ đô Tây Ban Nha; tượng Đôn Kihôtê và Săngxô cùng đứng sừng sững trên quảng trường thành phố này.

– Vêga, em làm sao thế? Sao chỉ lắc đầu quầy quậy thế hả? – Bôsơ 10 tuổi cảm thấy lạ lùng hỏi.

Chú bé có tên là Vêga đó mới lên 5. Chú đang lắc lư đầu nhìn lên ráng mây hồng ở phía đông, miệng lẩm bẩm gì đó, thấy có người gọi, thì như bừng tỉnh.

– Bôsơ thân yêu. Em đang ngâm thơ. Anh thấy không, ráng mây hồng sao mà đẹp thế!

Bôsơ cười khanh khách bảo:

– Em còn chưa biết viết, thì ngâm thơ gì kia chứ!

Vêga nói rất nghiêm túc:

– Bôsơ anh có sẵn sàng ghi lại thơ em ngâm không? Em sẽ trả ơn anh.

– Cố nhiên là được! Em trả ơn anh cái gì nào?

Vêga lấy trong túi ra một chiếc bánh mì kẹp bơ, bẻ đôi ra đưa cho Bôsơ một nữa và bảo:

– Đây là bữa sáng của em, cho anh một nửa, được không nào?

Bôsơ cầm lấy bánh, vui vẻ ghi lại những câu thơ của Vêga.

Em bé 5 tuổi đã làm thơ này là Lopơ đơ Vêga Cácpiô nhà soạn kịch vĩ đại của Tây Ban Nha thời Văn hoá phục hưng sau này. Cả đời ông đã sáng tác gần 2000 vở kịch, số lượng sáng tác nhiều như vậy quả là hiếm có trong lịch sử văn học, cho nên được người ta ca ngợi là “Cha đẻ của hài kịch Tây Ban Nha”.

Vêga sinh ngày 25 tháng 11 năm 1562 tại Mađrit, thủ đô Tây Ban Nha. Ông nội vốn là nông dân bình thường. Cha ông vì làm nghề thủ công thêu kim tuyến cung cấp cho cung đình, giành dụm được ít tiền, gia đình bắt đầu trở nên khấm khá, sau lại kết hôn với con gái một quý tộc nên được mang hàm quý tộc.

Ngay khi còn ấu thơ Vêga đã có bẩm tính thông minh, 5 tuổi đã học đọc thơ ca truyền kỳ và tác phẩm tiếng La-tinh; lúc 10 tuổi đã bắt đầu sáng tác và phiên dịch kịch bản. Về sau ông làm người tùy tùng cho một giáo chủ, viết vở hài kịch 3 màn đầu tiên rất mới lạ vào lúc ấy, khi trình diễn được quần chúng hoan nghênh. Từ đó, ông sáng tác rất nhiều và trong rất nhiều năm, trên panô đường phố chỉ thấy có tên ông. Kịch bản của ông dường như ngày nào cũng trình diễn trên sân khấu.

Vở hài kịch ba màn của ông có những tình tiết chân thực, những xung đột căng thẳng, âm nhạc tuyệt diệt, vũ đạo mê hồn. Trước khi diễn nội dung chính, có lời giáo đầu giới thiệu nội dung vở kịch với khán giả, hoặc biểu diễn ca hát. Giữa mỗi màn có xen vào một số kịch ngắn hoặc vũ đạo không liên quan gì với vở kịch chính; sau khi kết thúc màn ba, lại trình diễn thêm một đoạn hoạt kê hoặc vũ đạo, mới coi là biểu diễn xong. Khi ấy đã có rạp hát cố định, nhưng thông thường là dùng sân các nhà hoặc một đoạn phố cụt được sửa lại. Sân khấu có bối cảnh, nhưng không có phông màn, hành lang hai bên sân hoặc cửa sổ thì làm ghế lô cho quý tộc, nhân dân thường thì đứng ngoài sân để xem.

Năm 1588, Vêga tham gia “Hạm đội vô địch” của Tây Ban Nha đánh nhau với nước Anh. “Hạm đội vô địch” bị tiêu diệt, Vêga trôi dạt lênh đênh trên biển mấy tháng trời, suýt thì làm mồi cho cá. Nhưng trong lúc hiểm nguy thập tử nhất sinh ấy, ông vẫn không quên sáng tác và đã cấu tứ một bài thơ trữ tình dài.

Vêga tư duy mẫn tiệp, tốc độ sáng tác hơn người. Một lần, ông cùng viết một vở kịch ba màn với một nhà viết hài kịch nổi tiếng. Hai người thỏa thuận: Trong hai ngày mỗi người viết một màn, ngày thứ ba cùng viết màn ba, mỗi người 8 trang.

Hết hai ngày, mỗi người đều viết xong một màn. Ngày thứ ba chuẩn bị viết chung màn ba. Nhà viết hài kịch nọ tự biết về kỹ xảo mình không bằng Vêga, cho nên muốn vượt Vêga về tốc độ, hai giờ đêm ông ta đã dậy viết, kéo một mạch đến 11 giờ trưa, viết xong tám trang bản thảo.

Viết xong nhà viết hài kịch rất phấn khởi đi tìm Vêga, thấy ông ta đang nhàn nhã chăm sóc một cây ô-liu, bèn hỏi:

– Thưa ông Vêga, ông lại có hứng thú chơi cây cảnh kia à, tiến triển của màn ba thế nào rồi?

– Ồ, – Vêga trả rời rất thản nhiên – Hôm nay 5 giờ tôi bắt đầu làm việc, 10 giờ thì viết xong. Tôi ăn một chút thịt muối, rồi lại viết xong lá thư 50 câu ba vần, tưới vườn hoa một lượt, tôi đang rất mệt.

Nói xong, Vêga đưa ra tám trang bản thảo và lá thư cho nhà viết hài kịch xem.

– Kỳ tích, thật là kỳ tích – Nhà viết hài kịch vô cùng kinh ngạc.

Tác phẩm kịch tiêu biểu của Vêga là vở “Làng Dương Tuyền” sáng tác vào năm 1612 – 1613. Đây là một vở kịch lịch sử được cải biên từ một cuộc khởi nghĩa nông dân xẩy ra ở Tây Ban Nha nữa sau thế kỷ XV.

Làng Dương Tuyền là một làng nhỏ ở Tây Ban Nha. Đội kỵ sĩ ở đây thường xuyên tác oai tác quái, làm ô nhục phụ nữ. Một lần, một tên trong đội đã gây ra tội ác ấy, cô gái không thể chịu dựng nổi, liền hô hoán kêu gọi mọi người vùng lên chống lại. Thế là nông dân tụ tập lại, giết chết tên khốn nạn. Về sau, dân cư làng Dương Tuyền kể cả phụ nữ, trẻ em đều cầm vũ khí chống lại bọn áp bức.

Đầu thế kỷ XV, để làm suy yếu quý tộc phong kiến, thống nhất toàn quốc. Quốc vương Tây Ban Nha đã từng ban bố pháp lệnh cho phép thành phố làng mạc có quyền khởi nghĩa chống lại lãnh chúa. Những tên lính trong đội kỵ sĩ độc ác xấu xa ấy lại đã từng tham gia đấu tranh chống lại Quốc vương. Vậy mà sau khi sự việc này xẩy ra, Quốc vương vẫn ra lệnh khảo tra nông dân, bắt họ nộp hung thủ. Nông dân khởi nghĩa đoàn kết chặt chẽ, dứt khoát không nộp hung thủ, trả rời rằng:

– Đây là cả làng Vương Tuyền làm!

Cuối cùng Quốc vương đành phải ra lệnh thả những người nông dân đã bị bắt.

Kịch bản này của Vêga đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân chống lại áp bức phong kiến, giành lấy quyền lợi tự do, là một tác phẩm vĩ đại giầu tinh thần dân chủ. Cho tới thời gian Thế chiến thứ hai, nhân dân Tây Ban Nha vẫn thường xuyên trình diễn để cổ vũ cuộc đấu tranh chống phát xít.

Vêga tuy đã viết gần 2000 kịch bản, nhưng phần lớn không được lưu truyền lại. Khi ông 42 tuổi, người ta bắt đầu xuất bản tập đầu tác phẩm kịch của ông, sau đó lần lượt ra tám tập, tới tập thứ chín mới do chính ông giám sát in ấn, khi đó ông đã 55 tuổi. Tới lúc 63 tuổi, tất cả đã ra được 20 tập. Năm 1635, Vêga từ giã cõi đời, hưởng thọ 73 tuổi. Sau khi ông mất, con rể ông lại ra tiếp 5 tập nữa. Trong 25 tập kịch bản này, chỉ bao gồm 462 loại kịch bản và 48 loại kịch ngắn tôn giáo của Vêga, còn hơn 1000 kịch bản khác đều không được lưu truyền lại.

Vêga tôn sùng tôn giáo, cuối đời trở thành linh mục, còn làm cả thành viên của tòa án xét xử tôn giáo. Điều đó chứng tỏ, tuy ông là con người tiên tiến thời đó, nhưng vẫn không rời bỏ được truyền thống Thiên chúa giáo phong kiến. Tuy nhiên, tác phẩm của ông vẫn phản ánh được đặc trưng của Văn hoá phục hưng Tây Ban Nha, thể hiện được thiên hướng của ông đối với chủ nghĩa nhân văn, vì thế ông xứng đáng là “Cha đẻ của hài kịch Tây Ban Nha”.

Năm 1587, một thanh niên trán cao, để râu ngắn đến Luân Đôn. Anh đơn độc một mình, không có bạn bè người thân nào ở đây cả, một mình lang thang trên đường phố Luân Đôn. Một ít tiền mang theo từ quê nhà tới đây sắp dùng hết rồi mà vẫn chẳng tìm được việc làm, trong lòng như có lửa đốt!

Một hôm, anh theo bờ nam sông Thêm đi ra ngoại ô, tới rạp hát ở đó xem kịch giải khuây. Xem xong ra về, bất ngờ gặp một người bạn học hồi còn thuở nhỏ.

– Ồ, có phải Uyliam Sêchxpia đấy không? Ông đến Luân Đôn rồi đấy à? Sống có khá không? – Người bạn học vui mừng hỏi.

Sêchxpia nắm chặt tay bạn, cười buồn bã:

– Ôi, chuyện dài lắm. Chín năm trước cha tôi tuyên bố phá sản rồi, tôi đành bỏ học đi buôn bán vặt giúp cha. Sau khi lấy vợ, lại đẻ liền ba đứa, cuộc sống chật vật lắm, đành phải tới đây cầu vận may, nhưng ở đây cũng chẳng kiếm được việc làm gì cả!

Người bạn cũ thấy tiếc cho cảnh ngộ của ông, rồi bỗng nhiên hỏi:

– Việc làm thuê thì cũng có đấy, chỉ có điều hơi thấp hèn, tài hoa như ông anh, thật sự là không xứng đáng.

Sêchxpia vội hỏi luôn:

– Công việc gì thế? Tôi làm việc gì cũng được mà!

– Làm việc vặt ở rạp hát, hầu hạ các thân sĩ đến xem hát, giữ ngựa cho họ vân vân, có điều. . .

– Tôi làm! Tôi làm được mà! – Sêchxpia ngắt lời bạn – Như vậy lại còn được xem kịch nữa. Ông biết rồi đấy, tôi ham xem kịch lắm mà!

Thế là chàng thanh niên 23 tuổi này đã đến làm việc lặt vặt ở rạp hát.

Hồi Sêchxpia còn nhỏ, đoàn kịch Nữ hoàng tiếng tăm nhất Luân Đôn đã đến quê hương ông biểu diễn, về sau hàng năm đều có mấy đoàn kịch tới biểu diễn lưu động. Ông kinh ngạc nhận thấy, chỉ có mấy diễn viên trên một sân khấu nhỏ mà đã tái hiện được cuộc sống cổ đại và hiện thực, thật là thần kỳ quá. Vì vậy, ông thường xuyên cùng các bạn nhỏ của mình bắt chước các nhân vật và mô phỏng các tình tiết để diễn lại. Ông biết, muốn làm một nhà soạn kịch phải có kiến thức nhiều mặt, nên đã say mê học các môn văn học, lịch sử, triết học, còn tự học cả tiếng Hy Lạp, tiếng La-tinh. Giờ đây tuy làm linh tinh ở rạp hát, nhưng rút cục ông đã gắn bó với rạp hát rồi. Vì vậy, hễ có dịp là ông lại ngó vào sân khấu xem diễn kịch.

Trên thực tế, các rạp hát cố định ở Luân Đôn khi ấy cũng mới chỉ có hơn mười năm lịch sử thôi, hơn nữa theo quyết định của Tòa Thị chính, nhất loạt đặt ở ngoại ô. Nói là rạp hát, nhưng thực ra chỉ là một cái lán rộng, không có mái, cũng chẳng có thiết bị ra hồn nào. Diễn kịch vào ban ngày, chẳng có thiết bị chiếu sáng. Một số rạp tương đối lớn thì phía trước là chỗ ngồi chính, chung quanh có ba tầng ghế lô, tất cả chứa được trên 1500 người.

Sân khấu khi ấy rất đặc biệt, có sàn trong và sàn ngoài. Sàn ngoài thì vẽ các cảnh cánh đồng, quảng trường, phố xá trong thành, đại sảnh cung điện vân vân. . . , từ lúc mở màn tới lúc kết thúc đều diễn ra trước khán giả, không có màn che ngăn cách. Nếu trong vở diễn có người “chết”, thì sẽ xuất hiện những người chẳng có liên quan gì đến vở kịch, nhưng được ra lệnh khiêng “người chết” đi. Sàn trong chia thành hai lớp trên và dưới, lớp dưới dùng màn ngăn cách ra, để thể hiện các cảnh nhà đóng cửa, nhà hầm.v.v. Lớp trên để chỉ phòng ngủ, sân thượng, thành lầu v.v. . . Diễn viên đều là nam giới, vai nữ trong kịch đều do trẻ con đóng.

Sêchxpia vốn đã yêu thích kịch, lại thông minh hiếu học bây giờ thường xuyên được xem kịch, nên nhanh chóng nắm được kiến thức về kịch. Có khi thiếu diễn viên, ông cũng tạm thời lên sân khấu đóng kịch. Một diễn viên nổi tiếng thấy ông rất có tài diễn kịch, liền chính thức mời ông sắm vai phụ. Thế là ông đã có cơ hội nâng cao tài năng nghệ thuật của mình trong biểu diễn thực tế.

Khi ấy, các đoàn kịch Luân Đôn có nhu cầu rất bức xúc về kịch bản. Vì một vở kịch nếu không được khán giả hoan nghênh, diễn một lần là phải thôi ngay, phải đổi vở kịch mới. Năm 27 tuổi, Sêchxpia đã thử viết ba vở trong đó kịch bản “Hăng ri VI”, kết quả được khán giả hoan nghênh. Từ đó, ông đã vững chân trong giới sân khấu Luân Đôn.

Năm 1595, Sêchxpia viết xong vở “Rômêô và Juyliét”. Đây là một vở bi kịch nổi tiếng. Câu chuyện như sau:

Tại một thành phố nọ ở nước Italia, có hai gia đình quý tộc đời đời thù địch nhau, một gia đình là Môngteghiu, một gia đình là Capiulet.

Một lần, người con một của gia đình Môngteghiu là Rômêô đã mạo hiểm, đeo mặt nạ đến nhà Capiulet tham dự vũ hội hóa trang, làm quen với người con gái một của nhà Capiulet là Juyliét. Hai người yêu nhau, tình yêu sét đánh. Được sự giúp đỡ của một linh mục, hai người bí mật tổ chức lễ cưới.

Đúng vào lúc ấy, hai nhà lại xẩy ra thù hằn chém giết nhau. Người anh họ Juyliét đã thách đấu. Trong trận thách đấu, Rômêô đã đâm chết anh họ Juyliét, và bị đầy đi biệt xứ. Ít lâu sau, cha Juyliét hứa gả nàng cho một thanh niên quý tộc.

Juyliét chung thủy với tình yêu của Rômêô, thà chết không chịu tái giá, liền tìm đến linh mục nhờ tìm cách giúp đỡ. Linh mục cho nàng uống một loại thuốc ngủ kéo dài, giả vờ như đã chết, đồng thời cho người đi thông báo cho Rômêô nhanh chóng về ngay. Nào ngờ, người đưa thư không kịp thời đưa thư đến, còn Rômêô nghe được tin Juyliét đã chết, vội vã trở về, và uống thuốc độc tự tử ngay cạnh Juyliét vờ chết. Juyliét tỉnh lại, thấy Rômêô đã chết, liền dùng dao găm kết liễu đời mình. Bi kịch này đã làm xúc động sâu sắc cả hai gia đình, và đã xóa bỏ được hận thù truyền kiếp của họ.

Để giành được tự do yêu đương, cả hai bên nam nữ đều bị chế độ phong kiến bức hại chết. Tuy nhiên, cái chết của họ đã đem lại hòa hiếu cho hai gia đình. Trong vở bi kịch này, Sêchxpia đã thể hiện được tư tưởng mới dứt khoát sẽ chiến thắng chế độ cũ. Điều đó là một tiến bộ của thời ấy.

Năm sau, Sêchxpia nhận được tin đứa con thứ hai chết, ông trở về quê hương đã xa cách 10 năm. Khi ấy ông 32 tuổi. Cũng vào năm ấy, ông hoàn thành vở “Người lái buôn thành Vơnidơ” nổi tiếng.

“Người lái buôn Vơnidơ là một hài kịch châm biếm xã hội. Nội dung câu chuyện như sau:

Vơnidơ có một lái buôn phá sản, tên là Antôniô. Để giúp đỡ một người bạn lấy vợ, ông đã vay tiền của một người cho vay lãi cắt cổ tên là Sailốc. Sailốc đưa ra một điều kiện vô cùng ngặt nghèo: Nếu đến hạn không trả tiền, thì sẽ xẻo một cân thịt Antôniô để trừ nợ.

Thời hạn đã đến, Antôniô không trả được nợ. Sailốc yêu cầu quan tòa xẻo thịt theo điều khoản quy định. Vợ chưa cưới của bạn Antôniô là Porxia, cô đã có một chủ ý thông minh. Cô đóng giả luật sư, nêu ra trong phiên tòa rằng, theo điều khoản quy định, Sailốc chỉ được xẻo một cân thịt, nếu ông ta xẻo nhiều hơn, hoặc ít hơn, chẩy máu hoặc làm hại đến tính mạng Antôniô, thì ông ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Kết quả, Sailốc thua kiện.

Vở hài kịch đã châm biếm bọn cho vay nặng lãi tàn nhẫn, tham lam, phanh phui cái xấu xa của sự chèn ép đấu đá trong nội bộ giai cấp tư sản, thể hiện mâu thuẫn giữa tư bản thương mại và tư bản cho vay nặng lãi ở thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản. Trong vở kịch, Sailốc được miêu tả đặc biệt sống động, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Từ đó, “Sailốc” trở thành một từ chỉ kẻ bủn xỉn và kẻ bóc lột.

Năm 1599, Luân Đôn xây xong Nhà hát Hoàn cầu sang trọng. Khi ấy, Sêchxpia đã giầu có, ông không những viết kịch bản, làm diễn viên, mà còn là cổ đông của Nhà hát này. Hai năm sau, Nhà hát này đã trình diễn vở bi kịch “Hamlét” nổi tiếng nhất của Sêchxpia. Nội dung câu chuyện như sau:

Hoàng tử Đan Mạch Hamlét trong thời gian học đại học ở nước ngoài, thì chú chàng đã đầu độc giết chết cha chàng, cướp ngôi vua và chiếm luôn mẹ chàng. Hamlét sau khi về nước, hồn ma của cha nói với chàng sự việc mình bị hãm hại, muốn con trả thù cho mình.

Để báo thù, Hamlét đã giả điên giả dại, tìm cơ hội để tìm hiểu sự thật. Một lần, chàng gọi một bạn kịch đến diễn một vở kịch cũ âm mưu giết anh để cướp ngôi, đưa vào đó thăm dò chú mình. Quả nhiên trong lúc diễn kịch, chú chàng thần kinh căng thẳng, mặt mày biến sắc, điều đó chứng thực tội ác của người chú ruột.

Hamlét quyết tâm giết chú để trả thù. Nhưng chàng đã giết nhầm một vị đại thần, cha người yêu của mình. Người chú nhân đó đẩy Hamlét sang nước Anh để vua Anh giết chàng. Trên đường đi Ham-lét tìm cách trốn về Đan Mạch. Về đến nhà chàng mới biết, người yêu của chàng vì cha chết, người yêu lại phải đi xa, tinh thần hoảng loạn đã nhẩy xuống sông tự vẫn. Chuyện đó khiến chàng cực kỳ đau khổ chẳng thiết sống nữa.

Người chú sợ Hamlét tiếp tục báo thù, liền xúi giục con trai vị đại thần đấu gươm với Hamlét, kết quả cả hai đều bị gươm có thuốc độc đâm trúng. Trước khi sắp chết, Hamlét dốc hết sức lực đâm chết người chú, thế là đã báo thù được cho cha.

Vở bi kịch này muốn ám chỉ hiện thực nước Anh thời đó. Người chú hoang dâm vô sỉ, gian ác hiểm độc, đại diện cho thế lực phong kiến phản động thối nát. Hamlét yêu đời, chống lại tà ác nhưng lại yếu đuối bất lực, nhu nhược thiếu quyết đoán, là nhân vật đại diện cho giai cấp tư sản mới trỗi dậy và có tư tưởng tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Hành động phục thù của Hamlét, thể hiện nguyện vọng mãnh liệt của người đại diện cho tư tưởng mới muốn phá bỏ sự trói buộc của thế lực phong kiến.

Bốn năm sau đó, Sêchxpia lại liên tiếp viết “Ôtenlô”, “Vua Lia” và “Mácbet”. Ba vở này cùng với “Hamlét” được coi là bốn vở bi kịch lớn của Sêcxpia, giữ vị trí quan trọng trong sáng tác kịch của Sêchxpia.

Đầu năm 1616, một nhà viết kịch nổi tiếng của nước Anh tới thăm Sêchxpia. Sêchxpia mừng quá đã uống hơi nhiều rượu, kết quả là bị ốm, từ đó nằm liệt giường không dậy được. Và cuối cùng, vào ngày 23 tháng 4 năm ấy, ông đã từ giã cõi đời, ngày ấy cũng là ngày sinh thứ 54 của ông.

Sêchxpia để lại cho đời sau 37 vở kịch, một tập thơ 14 dòng và hai tập thơ tự sự dài Ông là nhà viết kịch vĩ đại thời Văn hoá phục hưng ở nước Anh. Kịch bản của ông tới nay vẫn được các nước trên thế giới trình diễn, có quốc gia hàng năm vào ngày sinh nhật ông, đã tổ chức trình diễn kỷ niệm những kịch bản của Sêchxpia.

Chọn tập
Bình luận