Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Nước Đức – “Tấm Áo Trăm Miếng Vá”

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

NƯỚC ĐỨC – “TẤM ÁO TRĂM MIẾNG VÁ”

Bên bờ sông Ranh, một con đường lớn chạy suốt từ đông nam lên tây bắc. Mấy chiếc xe ngựa chở hàng chầm chậm lăn bánh trên đường.

– Đứng lại! Kiểm tra hàng hóa!

Chiếc xe vừa đi qua một căn nhà nhỏ bên đường, hai nhân viên có vũ trang chạy ra ngăn chiếc xe lại. Thì ra đó là một trạm gác và hai nhân viên đó chặn xe để thu thuế.

Người lái buôn từ trên xe bước xuống, lễ phép nói:

– Thưa các ngài! Trên đường chúng tôi đã nộp thuế tới mấy lần rồi!

– Không được! Vẫn phải nộp!

Người lái buôn tươi cười rút ra một tập hóa đơn:

– Ngài xem! Ở đây đã có tới 11 tờ hóa đơn rồi! Nhân viên thu thuế chẳng thèm nhìn vào hóa đơn, tỏ vẻ khó chịu:

– Những thứ đó là của các nước chư hầu khác! Đi qua địa phận chúng tôi là phải nộp thuế cho lãnh chúa chúng tôi!

Không còn cách nào khác, người lái buôn đành phải rút ví, vẻ mặt đau khổ:

– Từ Main đến Côn ngắn chỉ có một đoạn đường mà tôi đã phải nộp thuế 12 lần rồi!

– Ồ! Ông đi Côn à? Phía trước còn phải qua đất của một lãnh chúa nữa đấy!

– Gã nhân viên nhận xâu tiền, vừa gõ canh canh vào xâu tiền vừa lẩm bẩn – Thế là may cho ông rồi, trên đường bao nhiêu là trạm gác bảo vệ cho ông. . . Hì hì, nếu gặp bọn kỵ sĩ thì cả xe lẫn hàng đều sẽ là của chúng! Và chưa biết chừng, cả cái mạng của ông nửa đấy!

Từ Main đến Kôn, một chặng đường khoảng 200 kilômét mà có tới 13 trạm thu thuế của các nước chư hầu. Với tình trạng chia năm xẻ bẩy như vậy, nền công thương nghiệp của nước Đức liệu có phát triển được thuận lợi? Thêm vào đó, bọn thống trị các nước chư hầu đua nhau sống xa hoa dâm dật, ra sức vơ vét bóc lột nông dân, thợ mỏ, những người làm nghề thủ công và dân nghèo thành thị, cuộc sống của họ khốn khổ hết chỗ nói, ấy là chưa kể khắp nơi còn bị cướp bóc bởi những kẻ xưng danh kỵ sĩ mà thực chất là bọn trộm cướp. Đâu là lối thoát cho cuộc sống của những người dân?

Trên đây là hình ảnh nước Đức thế kỷ 15, 16.

Nước Đức khác với nước Anh, nước Pháp. Từ thế kỷ XV, nước Anh và nước Pháp đã xây dựng một quốc gia thống nhất, còn nước Đức vẫn gồm nhiều nước chư hầu, chia nhau cát cứ một phương, mỗi vùng một kiểu. Các chư hầu ở nước Đức đại thể gồm các kiểu sau đây: thứ nhất là tuyển hầu, thế lực lớn nhất, có thể được chọn làm hoàng đế nước Đức. Có 7 nước tuyển hầu. Một kiểu khác là đại chư hầu, có hơn 10 nước. Một kiểu nửa là tiểu chư hầu, có hơn 200 nước. Cộng các chư hầu lại có tới khoảng 300 nước, vì vậy người dân nước Đức thời ấy nói rằng một năm có bao nhiêu ngày thì nước Đức có bấy nhiêu nước chư hầu. Ngoài ra còn có các lãnh địa kỵ sĩ độc lập, mỗi nhà một hộ và một lãnh địa riêng, số lượng tính ra cũng hơn 1000 gia đình như thế. Cuộc sống đài các của bọn quý tộc các nước chư hầu dựa từ nguồn bóc lột nhân dân trong lãnh địa của mình; còn bọn kỵ sĩ thì không có nghề nghiệp, đất đai ít, để có cuộc sống xa hoa chúng phải đi cướp bóc.

Đế quốc Đức thời đó tên gọi đầy đủ là “Đế quốc Rôma thần thánh của dân tộc Đức, có cương vực rất rộng, bao gồm Đức, Tiệp Khắc, Hunggari, Áo, Thụy Sĩ, Hà Lan, Lucxămbua, Bỉ, miền Đông nước Pháp, miền Tây và miền Đông bắc Hà Lan ngày nay. Hoàng đế Saclơ vốn là cháu ngoại của Quốc vương Tây Ban Nha, ông lại được kế vị cả ngôi vua Tây Ban Nha, do đó thuộc bản đồ đế quốc Đức còn bao gồm cả Tây Ban Nha và thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ cùng với miền Nam nước Italia và Xixin ở Địa Trung Hải. Cũng vì vậy mà hoàng đế Đức được gọi là vị vua “mặt trời không bao giờ lặn trên xứ sở của mình. Nhưng hoàng đế Saclơ nhờ hối lộ quốc vương các nước tuyển hầu để lên ngôi, nên thực ra quyền hành có hạn, nội bộ các nước chư hầu vẫn chia rẽ, mỗi nước cát cứ một phương, tạo nên tình trạng chia năm xẻ bảy.

Tình trạng đó càng có lợi cho sự khống chế của Giáo hoàng Rôma đối với đế quốc Đức. Ruộng đất của Giáo hội chiếm 1/3 ruộng đất cả nước, rất nhiều giáo chủ trở thành chư hầu. Trong 7 nước tuyển hầu đã có 3 vị hầu vương là giáo chủ.

Để tăng cường sự bóc lột đối với nông dân Đức, Giáo hội đã đặt ra cái gọi là “Thuế 1 phần 10”, nghĩa là bất kỳ nông dân sản xuất được thứ gì đều phải nộp 1 phần 10 cho Giáo hội. Mà danh mục “thuế 1 phần 10” thì nhiều lắm? Có “thuế 1 phần 10 lớn” thu 1 phần 10 ngũ cốc; “Thuế 1 phần 10 nhỏ” thu 1 phần 10 rau xanh; “Thuế 1 phần 10 máu” thu 1 phần 10 gia cầm; “Thuế 1 phần 10 rượu” thu 1 phần 10 rượu vang; “Thuế 1 phần 10 cỏ” thu 1 phần 10 cỏ dùng trong chăn nuôi; “Thuế 1 phần 10 khai hoang” thu 1 phần 10 đất khai hoang v.v. . . Nhiều vị giáo chủ trong Giáo hội thậm chí còn trắng trợn nói rằng: “Nước Đức là con bò sữa của Giáo hoàng”. Nếu Giáo hoàng cần tiền chỉ cần “vắt” ở nhân dân Đức là đủ.

Để tăng cường áp bức nhân dân Đức, Giáo hoàng còn đặt ra “Luật dị đoan”, thiết lập những “Tòa án dị đoan”. Gián điệp, mật thám nhan nhản khắp nơi. Hễ những ai bị Giáo hội nghi kỵ đều bị kết tội là “những phần tử dị đoan”, bị bắt bớ và tra tấn; hàng ngàn người đã bị thiêu sống. Độc ác hơn nữa, những người bị Giáo hội quy là “phần tử dị đoan” thì tài sản của họ đều mất hết cho người tố giác. Thế là bọn gián điệp và bọn mật thám tha hồ tác oai tác quái, thừa cơ phát tài.

Nhân dân Đức bất bình trước cảnh Tổ quốc bị chia năm xẻ bảy, càng bất mãn trước hai tầng áp bức và bóc lột của bọn phong kiến chư hầu và Giáo hội. Một phong trào cải cách tôn giáo rầm rộ và một cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân đã bùng lên như một ngọn núi lửa trên đất Đức.

Năm 1493, ở vùng Andát tây nam nước Đức (nay là miền Đông nước Pháp) đã xuất hiện một tổ chức bí mật. Lá cờ của tổ chức này rất đặc biệt, nó hình tam giác, chính giữa vẽ một chiếc giầy cỏ – giầy nông dân thường đi – với sợi dây giầy uốn lượn kéo dài ra tận góc cờ. Mọi người đều gọi tổ chức đó là “Hội Giầy”.

“Hội Giầy” phải chăng là của những người thợ đóng giầy? Không. Thành viên của Hội chủ yếu là nông dân ở nông thôn, có cả những dân nghèo thành thị, họ đều đi giày. Hai chữ “Hội Giầy” chỉ có nghĩa là Hội của những người đi giầy.

Như vậy, lẽ nào lại có người không đi giầy? Đúng như vậy. Thời đó ở nước Đức, bọn vương hầu, quý tộc, nhà giàu và tặng lữ cao cấp đều đi ủng cao cổ; chỉ có nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị mới đi giày cổ ngắn. “Hội Giầy” dùng hình ảnh chiếc giầy rơm làm biểu trưng cho tổ chức của mình để chứng tỏ rằng họ chống đối lại bọn quý tộc đi ủng cao cổ. Bữa nay, “Hội Giầy” họp. Một hội viên phát biểu:

– Thưa những người anh em! Chúng ta bị bọn quý tộc và Giáo hội bóc lột không còn đường sống nữa. Lãnh chúa đã thu tô tới 40% những gì chúng ta thu hoạch được, Giáo hội thu tiếp “thuế 1 phần 10”; gần đây chúng lại tăng “thuế đầu người”, người già trẻ em, ai cũng phải nộp. Thử hỏi làm sao chúng ta sống nổi!

Không để cho người bạn phát biểu hết, một hội viên khác là dân nghèo thành thị đứng dậy nói tiếp:

– Còn nữa, còn nữa! Gần đây lại thêm “thuế chiến tranh”! Bọn vương hầu cát cứ mỗi đứa một phương, xưng hùng xưng bá, đánh lộn lẫn nhau, giết người chúng ta, lại còn bắt chúng ta nộp tiền, thật là phi lý!

Các hội viên có mặt đều sục sôi căm giận.

Một nông dân quần áo rách rưới đứng phắt dậy, vung nắm đấm:

– Thật là phi lý! Đất đai của chúng ta Giáo hội chiếm hết, chúng ta chỉ còn cách đi làm tôi tớ cho bọn nhà giàu, nhưng chúng lại bắt chúng ta phải nộp “tiền bảo hiểm đầy tớ”, tôi kiếm đâu ra tiền, thật không sống nổi nữa!

Một nông dân khác nói to:

– Không thể sống được! Không thể sống được! Nhưng chết liệu có xong? Có người chết, người sống phải nộp “thuế tử vong”! Đúng là chúng ta đang sống dở chết dở!

Tất cả các hội viên đều căm phẫn la lên: “Làm thế nào đây? Làm thế nào đây!”.

Ai ai cũng đang nghĩ đến một việc.

Một hội viên đứng dậy, giọng vang như sấm:

– Chúng ta phải đoàn kết lại, liều một phen với bọn quý tộc và giáo hội!

“Phải liều một phen!” Mọi người đồng thanh hét lên.

Họ bí mật bàn tính chuyện võ trang khởi nghĩa. Họ định sau khi khởi nghĩa sẽ đưa ra hai yêu sách với bọn quý tộc và Giáo hội: một là xóa bỏ sưu cao thuế nặng, hai là thủ tiêu tòa án Giáo hội. Nhưng trước ngày khởi sự, kế hoạch của họ bị bại lộ. Nhiều thủ lĩnh của Hội Giầy bị bắt. Tòa án Giáo hội đã xử họ bằng những hình phạt vô cùng tàn khốc: cắt tai, cắt mũi, móc mắt, chặt tay, chặt đầu, thiêu sống, dùng kìm nung đỏ kẹp vào người, dùng 4 ngựa để phanh thây.

Năm 1502, tại Patăng ở phía đông Anđát, các hội viên Hội Giầy lại âm mưu khởi nghĩa một lần nữa. Lần này họ rút được bài học xương máu của lần trước, cương lĩnh chính trị rõ ràng hơn, hàng ngũ lớn mạnh hơn, số người đã lên tới hơn 7000.

Nhưng một việc đã xẩy ra một ngày trước khi họ tấn công vào thành phố Brucxa.

Trong giáo đường vẫn tĩnh lặng. Một nghĩa quân đang cầu Chúa trong phòng sám hối, miệng lầm rầm khấn.

Giọng đức Cha từ phòng bên vọng sang:

– Này con, trong lòng con đang nghĩ gì vậy? Con hãy nói to lên!

Con chiên nghĩa quân thưa:

Con đang cầu xin Chúa vì một việc bí mật.

Đức Cha dụ dỗ:

– Này con, Chúa rất hiền từ, Người sẽ khoan dung tha thứ cho tất cả mọi lỗi lầm của con, con hãy nói ra những điều trong lòng con đi!

Con chiên nghĩa quân đang quỳ trên đất, cuối cùng đã thổ lộ hết những điều thầm kín trong lòng mình:

– Lạy Chúa lòng lành, ngày mai chúng con sẽ tấn công thành phố Brucxa, xin Người hãy cho phép chúng con dùng dao dùng súng!

Đức Cha giả nhân giả nghĩa khoát tay:

– Này con, con hãy về đi, con sẽ được bình yên vô sự.

Anh ta vừa rời khỏi giáo đường thì Đức cha đi cáo giác ngay với nhà cầm quyền. Kết quả là cuộc khởi nghĩa lại một lần nữa bị đàn áp, máu đỏ tràn ngập nước Đức.

Những hội viên “Hội Giầy” còn lại lại thành lập một tổ chức có tên “Kônrát nghèo”. Ở nông thôn Đức rất nhiều nông dân mang tên Kônrát, đồng thời chữ Kônrát còn có nghĩa là “chẳng còn cách nào khác”. Vì vậy, “Kônrát nghèo” là tổ chức của những người nghèo khổ và chẳng còn cách nào khác.

Mùa xuân năm 1514, những người “Kônrát nghèo” vùng Svaben (miền Nam nước Đức) đã khởi nghĩa. Hàng nghìn nông dân với đoản kiếm, xà mâu, cuốc cào trong tay đã bao vây Phủ công tước, nơi ở của lãnh chúa địa phương.

“Gọi Công tước ra đây!”

“Gọi Công tước ra đây!”

Tên Công tước rúc trong tháp canh, thỉnh thoảng thò đầu qua lỗ châu mai quan sát, mặt hắn tái nhợt, tay chân run rẩy. Trong tay hắn vẫn còn một số quân, lúc đầu hắn định nổ súng trấn áp, nhưng khi nhìn thấy đội ngũ nông dân khí thế dũng mãnh, hắn không còn dám ho he.

“Nếu không ra chúng tao sẽ tấn công?”

“Phóng lửa đốt đi! Thiêu cháy tên khát máu kia?”

Tiếng người ở ngoài thành náo động, trong thành im lặng như tờ. Công tước đang lâm vào thế bí.

Từ trên tháp canh bỗng vọng xuống giọng khàn khàn của Công tước:

– Thưa bà con, thưa bà con. Các ông bà vất vả quá! Tôi hoan nghênh các ông các bà. Tất cả mọi việc đều có thể thương lượng! Xin các ông các bà cử đại diện đứng ra đàm phán. Tôi xin đáp ứng yêu cầu của các ông các bà. Nhất định là như vậy.

Quân khởi nghĩa cử 10 đại biểu đi đàm phán.

Tên Công tước tỏ vẻ nhũn nhặn, dỏng tai nghe những điều kiện phía nghĩa quân nêu ra.

– Hãy xóa bỏ đặc quyền của Giáo hội, đem ruộng đất của Giáo hội chúa cho nông dân cấy cày!

– Tôi đồng ý.

– Phế bỏ Tòa án Giáo hội!

– Tôi đồng ý.

– Nếu ông đáp ứng những điều kiện ấy thì ông phải ký.

– Tôi sẽ ký.

– Bao giờ thực hiện?

– Thế thì. . . thế thì phải họp Nghị viện tỉnh đã. Chỉ cần nghị viện đồng ý phương án đó là thi hành ngay.

– Ông đang lừa chúng tôi hả!

– Không dám, không dám. Đích thân tôi sẽ đến họp và chắc chắn những điều kiện của các ông các bà sẽ được chấp nhận.

Đàm phán diễn ra thuận lợi một cách bất ngờ. Công tước nhận lời triệu tập Nghị viện tỉnh để giải quyết những yêu cầu của nông dân. Đội quân nông dân tản mát ra về.

Nhưng đó chỉ là kế hoãn binh của lão Công tước. Chờ cho nông dân rời khỏi tòa thành, tên Công tước nham hiểm lập tức cho người đi gọi lính cứu viện. Ngày hôm sau, khi những người nông dân đang ngủ thì bọn phản động có vũ trang đã ập đến. Máu của những người nông dân lại một lần nữa nhuốm đỏ giòng sông Ranh.

Khởi nghĩa đã thất bại hết lần này đến lần khác. Nền thống trị phản động đã khiến ngày càng nhiều người hơn đứng lên chống lại. Công nhân, những người thợ thủ công, tầng lớp trung sản ở thành thị, thậm chí cả những kỵ sĩ ở nông thôn bị phá sản đều dần dà tham gia hàng ngũ nghĩa quân. Cuộc chiến tranh của nông dân Đức có tính chất toàn quốc đã chín muồi!

Đã mấy ngày nay, quảng trường trước Nhà thờ lớn đặc biệt ồn ào náo nhiệt. Nghe nói Giáo hoàng Rôma cử đến đây một nhân vật cỡ lớn, lại còn bán nhiều “đồ thánh” kỳ lạ!

Trên quảng trường đã được dựng lên một giá chữ thập bằng gỗ, treo một lá “cờ thánh”, phía dưới là bốn tua cờ phấp phới bay trong gió. Bên cạnh giá chữ thập là một chiếc bàn dài, trên bày rất nhiều “đồ thánh”.

– Ai “thỉnh” “xương Thánh”! 10 tiền vàng một khúc! – Một cha cố đang rao to, tay cầm một mẩu xương bé tẹo – Đây là xương các thánh tông đồ của Chúa Giêsu.

Ai “thỉnh” về sẽ được lên Thiên đàng!

Mấy bác nông dân nhìn và lắc đầu, nói nhỏ với nhau:

Đắt quá!

Lão cha cố nghe được liền giải thích:

– Không đâu! Này con của ta, đây không phải là mua bán, mà là “thỉnh” xương Thánh. Đây là sự thử thách lòng trung thành của con chiên! Ồ! Đúng vậy, ở đây có cốt của hai vị Thánh Mathiu và Pie. Nào, ai cần “thỉnh” thì 5 tiền vàng một khúc. – Lão lại giơ lên hai mẩu xương, chao đi chao lại.

Mấy bác nông dân lại lắc đầu rồi bỏ đi. Được một đoạn khá xa, họ thì thào với nhau:

– Chắc chắn là của giả…

– Đồ Thánh đây, đồ Thánh đây! – Lão cha cố lại cầm lên một chiếc phiếu rách – Đây là chiếc đệm cỏ Đức mẹ Maria đã nằm, Chúa cứu thế Giêsu đã được sinh ra trên chiếc đệm này Chỉ 3 tiền vàng là có thể “thỉnh” về. Con chiên nào cần hãy đến đây!

Mấy người thợ mỏ đứng nhìn, không nói năng gì.

Lão cha cố lại vừa la, vừa rút ra mấy chiếc lông:

– Còn nữa! Còn nữa! Đây là lông cánh của Thiên sứ, một tiền vàng một chiếc!

Những người thợ mỏ bỏ đi, chỉ nghe thấy họ nói:

– Thật là đê tiện, định dùng cả những đồ cũ nát để lừa đảo lấy tiền!

Khuôn mặt lão cha cố biến sắc, hai mép trễ xuống. Bỗng lão mở mắt và thay đổi nét mặt, lão cố cười, thái độ trở nên rất cung kính.

Trước cửa Nhà thờ xuất hiện một Hồng y giáo chủ, theo sau còn có một vị giáo chủ và hai thầy tu nữa. Hai thầy tu khiêng một chiếc thùng tròn, phía trên có một cái lỗ nhỏ, dùng làm thùng đựng tiền. Vị giáo chủ ngồi xuống bên cạnh thùng đựng tiền, trong tay cầm một tiệp giấy, đó là những “phiếu chuộc tội”.

Hồng y giáo chủ đứng giữa bậc thềm, ho lên một tiếng và bắt đầu diễn thuyết với đám đông người hiếu kỳ tụ tập trên quảng trường:

– Hỡi các con! Chúa bao giờ cũng nhân từ. Người luôn luôn có mặt giữa thế gian này. Người đã phái chúng tôi đến đây để chuộc tội cho các con. Đúng thế, tội của các con lớn lắm, sau này sẽ phải xuống địa ngục chịu khổ đó. Đám người tò mò dần dần tụ tập lại, họ muốn nhìn rõ nhân vật được Giáo hoàng Rôma cử đến.

– Hỡi những người có tội! Hãy rút tiền ra. . . – Hồng y giáo chủ lại ho một tiếng và lặp lại – Các con! Chúa bao giờ cũng nhân từ. Bất kỳ người nào, bất kỳ phạm tội lớn thế nào, cứ bỏ tiền ra mua những “phiếu chuộc tội” này đều được Chúa cứu rỗi cho tất cả mọi tội lỗi của các con.

Trong đám đông có tiếng thì thào:

– Lẽ nào điều đó là sự thật.

Hồng y Giáo chủ đảo mắt nhìn về phía có tiếng nói, cố ý ưỡn ngực, tiếp tục nói to hơn:

Hỡi các con! Chúa là người nhân từ nhất. Các con hãy đến trước thùng tiền kia, bỏ những đồng vàng mua “phiếu chuộc tội” vào trong đó. Các con nghe tiếng đồng tiền “keng” lên một tiếng, ấy là linh hồn người có tội đã có thể được lên Thiên đường.

Lại một người nữa trong đám đông tò mò hỏi:

– Chẳng lẽ những tên giết người, bọn trộm cắp, những kẻ mưu giết cha, giết anh,cứ bỏ tiền ra mua “phiếu chuộc tội” cũng có thể được lên Thiên đường!

Đúng vậy, đúng vậy. Chúa là người nhân từ nhất. Bất kỳ tội lớn như thế nào, giết người, cướp của, mưu sát cha anh. . . đều được tha thứ? Giáo hoàng quy định: tội giết người bỏ ra 7 đồng tiền vàng, tội cướp phá nhà thờ 9 đồng tiền vàng, mưu sát cha mẹ hoặc anh chị em bỏ ra 4 đồng tiền vàng là có thể được xá tội! Mau bỏ những đồng tiền vàng mua “phiếu chuộc tội” vào chiếc thùng kia, nghe thấy tiếng “lanh canh” ấy là linh hồn có thể được lên Thiên đường!

– Nói xằng nói bậy! Đúng là trò lừa đảo để kiếm tiền? – Lại có người trong đám đông thốt lên. Rất nhiều người lục tục rời khỏi quảng trường.

Sự việc trên đây xảy ra vào năm 1517. Vị hồng y giáo chủ kia được Giáo hoàng Rôma cử sang nước Đức với sứ mệnh tiêu thụ những lá “phiếu chuộc tội”, bởi vì lúc này Giáo hoàng Rôma đang cần tiền để xây dựng Nhà thờ lớn Xanh Pie ở Italia.

Đây là một ví dụ về sự công khai bóc lột của Giáo hội. Thực tế, sự bóc lột của Giáo hội ở Đức còn tàn nhẫn hơn thế nữa. Họ lợi dụng mọi thứ đặc quyền để vơ vét tiền của, mỗi năm họ lấy đi từ nước Đức ba mươi vạn đồng tiền vàng trong khi hoàng đế Đức chỉ thu được hơn một vạn đồng tiền vàng thuế của dân. Sự bóc lột của Giáo hoàng ở Đức nhiều gấp 21 lần hoàng đế Đức, vậy mà Giáo hoàng còn nghĩ ra trò lừa đảo mới, bán “phiếu chuộc tội” và “đồ thánh” để nặn tiền dân chúng Đức. Trách nào dân Đức gọi nó là trò móc túi.

Ngày 31 tháng 10 năm đó, trên cổng chính nhà thờ Uyttenbéc người ta thấy có tờ cáo thị 95 điều tố cáo hành động bóc lột của Giáo hội. Nhân dân trong vùng lũ lượt kéo tới xem. Họ đọc to:

– Điều 28: Rất rõ ràng, những đồng tiền vàng bỏ vào thùng kêu leng keng chỉ làm tăng thêm lòng tham lam và sự hám lợi!

Đám người đồng thanh:

Viết đúng lắm.

– Điều 86: Giáo hoàng là người giàu nhất trong đám người giàu. Tiền của Giáo hoàng còn nhiều gấp bội so với vua nước Michiya ở cao nguyên Iran, vì sao ông ta không dùng tiền của mình để tu sửa nhà thờ, vì sao ông ta cứ phải lấy tiền của người nghèo chúng ta?

Đám người lại sôi nổi la lên:

– Nói đúng cái bụng của chúng ta đấy!

Điều 89: Nếu Giáo hoàng nói chỉ vì mục đích cứu rỗi những con chiên lầm lỗi chứ không phải vì tiền, thế tại sao những người trước đây bỏ tiền mua “phiếu chuộc tội” chẳng thấy ứng nghiệm gì?

– Đúng rồi! Giáo hoàng đã đưa ra một trò bịp! – Tinh thần quần chúng sục sôi đến cực điểm.

– Ai viết những điều này? – Vị “sứ giả” của Giáo hoàng bước tới, lão vừa lo vừa giận, lồng ngực phập phồng. Lão đọc kỹ rồi nói tiếp – Còn ký tên nữa chứ. Là. . . Máctin Luthơ! Được! Ta sẽ tâu với Giáo hoàng để xử phạt nặng hắn!

Mactin Luthơ sinh năm 1483 trong một gia đình chủ mỏ. Ông học luật, tốt nghiệp trường đại học Ecphuốc. Sau đó ông học tại Học viện Thần học. Từ năm 1508, ông là giáo sư thần học tại trường đại học Uyttenbéc. Ông đã từng đến Rôma, tận mắt nhìn thấy sự thối nát và tham nhũng của Giáo hoàng nên ông kịch liệt phản đối sự thống trị của Giáo hội phong kiến, chủ trương phải xây dựng một Giáo hội trong sạch. Chủ trương chính trị của ông phản ánh đòi hỏi của giai cấp tư sản mới ra đời ở Đức lúc bấy giờ muốn thoát khỏi sự khống chế của Giáo hoàng Rôma, xây dựng một đế quốc Đức thống nhất. Đương nhiên Luthơ cũng là một giáo sĩ. Ông ta chỉ đòi hỏi cải cách tôn giáo, chứ lúc đầu chưa nghĩ đến việc phải quyết liệt, triệt để với Giáo hoàng Rôma.

Nhưng điều mà Giáo hoàng Rôma cần là phải giữ vững được mọi quyền lực thống trị cao nhất của ông ta, cho nên không bao giờ dung thứ những lời chỉ trích của Mactin Luthơ. Nhận được báo cáo của “đặc sứ”, Giáo hoàng gửi ngay thông điệp cuối cùng cho Mactin Luthơ: nào phải thủ tiêu “Cáo thị 95 điều”, nào phải chịu sự trừng phạt của Tòa án Giáo hội…

 Bản cáo thị được quần chúng rất hoan nghênh. Họ chép lại và dán khắp nơi, trở thành Cương lĩnh chính trị chống Giáo hội phong kiến, Được dân chúng ủng hộ, Mactin Luthơ đã cự tuyệt thông điệp cuối cùng của Giáo hoàng, chạy sang với Công tước Xăcxông là nước chư hầu lớn nhất ở Đức lúc bấy giờ.

Tháng 12 năm 1520, Giáo hoàng ra một sắc lệnh tuyên bố những luận điểm của Mactin Luthơ là “tà thuyết”.

Khi tờ lệnh của Giáo hoàng đến nước Đức, quần chúng kéo đến chật phố nơi Mactin Luthơ ở, kịch liệt phản đối Giáo hoàng, ủng hộ hành động chính nghĩa của Luthơ.

Luthơ bước ra phố, tay cầm sắc lệnh của Giáo hoàng, xúc động nói với mọi người:

– 100 năm trước, giáo sư thần học Tiệp Khắc Hux vì chống lại việc Giáo hoàng dùng “phiếu chuộc tội” để vơ vét của cải của tín đồ đã bị Giáo hoàng kết tội dị đoan và thiêu chết trên dàn lửa. Giờ đây số phận đó đang chờ đợi tôi!

Mọi người lắng nghe, lòng ngùn ngụt căm phẫn.

– Tôi tin ở Chúa, tin ở chân lý, quyết không thỏa hiệp.

Mọi người hoan hô, khâm phục tinh thần đấu tranh kiên quyết của Luthơ.

– Phải quyết liệt triệt để với Giáo hoàng Rôma? Chúng ta phải dùng chân lý và cả vũ khí nữa đánh vào bọn hồng y giáo chủ, bọn giáo hoàng và những kẻ xấu trong Giáo hội!

Mọi người giơ cao hai tay hô vang:

– Phải quyết liệt với Giáo hoàng Rôma!

Không nén nổi sự tức giận trong lòng, mọi người hăng hái vào cuộc, người đem rạ khô, người đem ván gỗ, có người mang đinh ba. Mactin Luthơ bước lên phía trước châm lửa. Ngọn lửa cháy phừng phừng bốc cao. Luthơ ném tờ sắc lệnh của giáo hoàng vào lửa.

Bản sắc lệnh của Giáo hoàng vốn được coi là “thiêng liêng” trong phút chốc biến thành tro bụi.

Mọi người hoan hô vang dậy. Từ đó, Mactin Luthơ trở thành lãnh tụ cải cách tôn giáo nổi tiếng ở Đức. Giáo phái ủng hộ Luthơ được gọi là “Tân giáo” để phân biệt với Thiên Chúa giáo của Giáo hoàng Rôma.

Việc Mactin Luthơ đốt sắc lệnh của Giáo hoàng có ý nghĩa chính trị rất to lớn. Thực chất là một cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc chống lại việc Giáo hoàng Rôma can thiệp vào công việc nội bộ của nước Đức, do đó được đông đảo nhân dân Đức nhiệt tình ủng hộ.

Tháng 1 năm 1521, Giáo hoàng ngang nhiên khai trừ giáo tịch của Máctin Luthơ. Luthơ đã viết một bức “Thư ngỏ gửi các quý tộc Kitô giáo nước Đức”, đề nghị Đức tách khỏi Giáo hội Rôma, quốc hữu hóa ruộng đất của Giáo hội. Nhưng hoàng đế Đức khi đó là Saclơ đứng về phía Giáo hoàng, đã ra lệnh buộc Luthơ phải công khai nhận lỗi. Luthơ cự tuyệt. Sáclơ tức giận hạ lệnh bắt Luthơ. Nhưng Luthơ đã được công tước Xắcxông bảo vệ cẩn mật trong thành thuộc lãnh địa của mình.

13 năm sống trong lãnh địa của Công tước Xắcxông, Luthơ đã dịch toàn bộ “Kinh thánh” viết bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Hêbrơ sang tiếng Đức. Từ đó, người Đức được đọc trực tiếp “Kinh thánh” bằng tiếng mẹ đẻ, thoát khỏi sự nhồi sọ của những giáo sĩ xấu bụng và có thể công khai đối lập với Giáo hội Rôma.

Trong thời gian Mactin Luthơ vùi đầu trong phòng sách của Công tước Xắcxông, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Từ năm 1518 đến năm 1523, không năm nào không có bạo động. Họ giương cao ngọn cờ “95 đều” của Luthơ, đấu tranh không khoan nhượng với bọn phong kiến thang trị và các thế lực của Giáo hội. Luthơ lúc đầu chỉ muốn cải cách tôn giáo, hạn chế những đặc quyền của chư hầu và Giáo hội, nhưng giờ đây các cuộc khởi nghĩa của nông dân lại nêu khẩu hiệu lật đổ chế độ phong kiến, nên đâm ra lo lắng. Sợ các cuộc khởi nghĩa của nông dân sẽ liên lụy đến mình, năm 1523, Luthơ đã viết một bài nhan đề: “Bàn về các nhà cầm quyền thế tục và dân chúng nên phục tùng họ đến mức độ nào?”

Trong đó ông nhấn mạnh rằng ông tán thành chế độ chính trị và chế độ xã hội hiện hữu. Bài viết đó chứng tỏ Luthơ đã xa rời cuộc cách mạng của nhân dân, đi vào con đường thỏa hiệp với bọn thống trị phong kiến. Khẩu hiệu chiến đấu “Tiêu diệt Giáo hoàng Rôma” của ông năm nào từ đó cũng lịm dần.

Khi Luthơ còn là một chiến sĩ dũng cảm xông pha trên tuyến đầu, nhân dân tin tưởng ông biết bao. Nay Luthơ đã xoay lưng lại với nhân dân thì dân cũng từ bỏ ông để tìm một lãnh tụ mới của mình.

Một năm sau ngày Mactin Luthơ công khai tuyên bố bảo vệ các chư hầu và chế độ quý tộc, ở Đức đã nổ ra một cuộc chiến tranh nông dân qui mô lớn. Lúc này, đông đảo nông dân và dân nghèo thành thị tham gia cách mạng đã từ bỏ Luthơ từng được ngưỡng mộ một thời và họ đã tìm được lãnh tụ mới của mình. Người đó là Tômat Muynde.

Muynde sinh năm 1490 trong một gia đình làm nghề thủ công ở Stônbéc. Từ lúc còn thơ ấu, cha ông đã bị bá tước đưa lên đoạn đầu đài, chết rất thảm khốc. Năm 15 tuổi học trung học, ông đã thành lập một tổ chức bí mật trong trường để chống Giáo hội. Sau đó, ông học triết học và thần học tại trường đại học Laixích, đỗ tiến sĩ thần học. Sau khi Luthơ công bố Cáo thị 95 điều chống lại Giáo hoàng, Muynde đã tích cực tham gia phong trào cải cách tôn giáo. Được Luthơ tiến cử, Muynde về làm mục sư ở Zviskau.

Thành phố Zviskau là trung tâm mỏ bạc và trung tâm công nghiệp dệt của Đức ở đó có một đội ngũ công nhân đông đảo. Công nhân, nông dân cũng như dân nghèo thành thị đều chống lại giáo hội phong kiến, bất bình với thái độ thỏa hiệp của Luthơ. Họ đã tổ chức một đoàn thể lấy tên là “Phái tái rửa tội”.

Vì sao lại gọi là “tái rửa tội”? Theo giáo lý của đạo Kitô, bất kỳ ai lúc mới theo đạo đều phải “rửa tội”. Mục sư chủ trì lễ rửa tội miệng đọc kinh, tay dìm người xin theo đạo xuống nước để tẩy rửa những nhơ nhớp, thành tâm tin vào Chúa. Giáo hội Rôma quy định phải làm lễ rửa tội ngay từ khi còn bé, thực tế là muốn mọi người từ nhỏ đã phục tùng Giáo hội. Còn “Phái tái rửa tội” thì cho rằng, trẻ em chưa biết gì, rửa tội lúc này chẳng qua chỉ là sự ép buộc của Giáo hội nên không có hiệu quả. Cho nên những ai muốn vào Giáo hội, đến tuổi trưởng thành đều phải rửa tội một lần nữa, họ gọi là “tái rửa tội”.

“Phái tái rửa tội” có chủ trương chính trị rõ ràng. Theo họ, “lên đến Thiên đường tức là xóa bỏ khoảng cách về giàu nghèo, thực hiện công hữu về của cải”, như vậy cũng tức là phải chống lại triệt để chế độ bóc lột hiện hành. Muynde không phải là thành viên của “Phái tái rửa tội”, nhưng cũng tham gia hoạt động của họ.

Mùa xuân năm 1521, chịu ảnh hưởng của Phái “tái rửa tội”, thợ thuyền ở Zviskau mưu toan làm một cuộc khởi nghĩa.

Những người tích cực chủ trương khởi nghĩa, tuyên bố:

– Chư hầu và bọn lãnh chúa phong kiến bóc lột chúng ta đến nghẹt thở phải, lật đổ chúng đi!

Không được! – Mactin Luthơ nói – Chỉ được chống Giáo hội, không được chống Chính phủ, bởi vì không có chư hầu và lãnh chúa phong kiến thì không ai bảo vệ an ninh cho xã hội chúng ta.

Có người nghe theo ý kiến của Luthơ, hoài nghi cuộc khởi nghĩa.

Mọi người đang bàn tán xôn xao thì bỗng nhiên một giọng nói vang lên:

– Đồ sách vở? Đừng nghe theo bọn sách vở ấy?

Mọi người dồn cặp mắt vào một vị cha cố, đó chính là Muynde.

Có người hỏi:

– Cha bảo ai là đồ sách vở?

Muynde trả lời một cách thẳng thắn và dứt khoát:

– Là Mactin Luthơ.

Những người thợ ngẩn người ra. Tômat Muynde là người của Luthơ cử đến đây làm mục sư, tại sao ông lại phê phán Luthơ?

Muynde đứng lên, nhìn đám thợ và giơ tay nói to:

Chúa Cứu thế không phải thần thánh, cũng là người như chúng ta vậy thôi!

– Đúng – Mấy người đồng thanh tán thưởng, Muynde đã nói đúng điều họ suy nghĩ trong lòng.

– Cái Thiên đường sắp đến với chúng ta không phải ở trên trời, mà ở trên mặt đất của chúng ta! – Ngừng giây lát, Muynde nói tiếp: – Để xây dựng cái Thiên đường đó, cách tốt nhất không phải là nhẫn nhục và chờ đợi, mà phải lật đổ bọn người phi chính nghĩa.

Mọi người đồng thanh:

– Đúng! Hãy cầm lấy vũ khí đứng lên!

Mọi người hết sức khâm phục tinh thần triệt để chống phong kiến của Muynde, họ đã coi ông là lãnh tụ tinh thần.

Nhưng cuộc khởi nghĩa vũ trang đã bị chính quyền phát giác và phá hoại. Chính quyền thành phố Zviskau tuyên bố trục xuất Muynde và “Phái tái rửa tội”. Họ bị phân tán đi nhiều nơi trên đất Đức, nhưng đồng thời cũng mang theo ý tưởng lật đổ Giáo hội và chống chế độ chư hầu phong kiến đi tuyên truyền ở khắp mọi nơi.

Mùa hè năm đó, Muynde đến Tiệp Khắc lúc này nằm trong đế quốc Đức, để kêu gọi nông dân Tiệp Khắc vũ trang khởi nghĩa. Lúc trở về Đức, ông bị nhà cầm quyền Đức truy nã, đành phải luôn luôn thay đổi chỗ ở, từ miền Trung cho đến miền Bắc nước Đức.

Trong một cuộc mít tinh của nông dân ở vùng Muynhauxen, Muynde lại một lần nữa kêu gọi:

– Nguồn gốc của cho vay nặng lãi, trộm cắp và cướp bóc là bọn quý tộc lãnh chúa và bọn vương hầu. Chúng đã chiếm đoạt tất cả, cá dưới sông, chim trên trời, cây cối và hoa màu trên ruộng đồng. Chúng không cho chúng ta “cướp” lại những thứ đó. Điều này có công bằng không?. . . Hỡi những người nghèo khổ, chúng ta không thể chờ đợi mãi, thế giới nhất định sẽ nổ ra cuộc biến động lớn . . . Mọi chính quyền nhất định phải trao lại cho những người dân bình thường chúng ta!

Lời kêu gọi của ông được nông dân nhiệt liệt hưởng ứng.

Nông dân các nơi với gậy gộc, dáo mác đã đứng lên kiên quyết chiến đấu với những con quỷ hút máu.

Trong phong trào sôi động ấy của quần chúng, Muynde đã sáng lập “Liên minh Kitô giáo”, tổ chức hạt nhân của những tầng lớp bị áp bức ở Đức, thu hút những người nông dân cách mạng, những thợ mỏ và dân nghèo thành thị tham gia. Đội ngũ chiến đấu ngày càng lớn mạnh!

Năm 1524, ngọn lửa của cuộc chiến tranh nông dân Đức cuối cùng đã rực cháy ngút trời. Ba đạo nghĩa quân lớn như ba mũi kiếm sắc nhọn đâm thẳng vào trái tim của bọn quý tộc phong kiến và Giáo hội phản động Đức. Ba đạo quân lớn đó gồm đội quân nông dân Swaben miền Nam, đội quân nông dân Phrancôni miền Trung và đội quân nông dân Turingen và Sakxen ở miền Bắc!

Chúng ta hãy đọc tiếp câu chuyện sau về sự nghiệp sáng chói của họ.

Bạn có biết vì sao cờ của nước Đức lại có ba màu đen, đỏ, vàng không?

Vì sao người Đức lại lấy cờ ba sắc để tượng trưng cho dân tộc mình?

Chuyện này có nguồn gốc lịch sử của nó và lá cờ ba sắc đen, đỏ, vàng và tượng trưng cho sự thống nhất của dân tộc Đức. Từ thế kỷ thứ 16, trong cuộc chiến tranh hừng hực lửa của nông dân Đức đã có người giương cao lá cờ ba sắc để khởi nghĩa vũ trang; và giương ngọn cờ ba sắc khởi nghĩa sớm nhất là “Hội anh em Tân giáo” ở vùng Swaben.

Swaben nằm ở tây nam nước Đức, phía tây là vùng núi rừng trùng điệp, phía nam là hồ Pơtăng dạt dào sóng nước. Hai con sông lớn nổi tiếng ở châu Âu – sông Ranh và sông Đanuýp, đều bắt nguồn từ đây. Có thể nói đó là một vùng đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú. Nhưng vào thế kỷ XV, XVI, các chư hầu và Giáo hội ở đây đã vơ vét hầu hết mọi nguồn của cải, đời sống muôn dân khốn cùng đến cực điểm.

Để chống lại sưu cao thuế nặng và lao dịch nặng nề mà bọn lãnh chúa trút lên đầu người nông dân, những người nông dân Swaben đã vùng lên khởi nghĩa. Ngày 14 tháng 6 năm 1524, họ đã cầm giáo, cầm mâu, cầm rìu, cầm đinh ba, có người cầm cả súng săn, như một đàn ong tràn vào lâu đài của các bá tước. Họ đã đuổi bọn thống trị phong kiến trong vùng, chiếm lấy thành phố, liên hiệp với dân nghèo thành thị lập ra một tổ chức để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, đó là “Hội anh em Tân giáo”. Thành viên của Hội này phần lớn là môn đồ của Muynde. Khẩu hiệu chiến đấu của họ là “Thủ tiêu ách thống trị phong kiến, phá hủy tất cả thành lũy lâu đài và các nhà thờ, tiêu diệt tất cả bọn thống trị, trừ Hoàng đế. Lá cờ của Hội chính là lá cờ ba sắc đen, đỏ, vàng.

Dưới ngọn cờ ba sắc đó, “Hội anh em Tân giáo” đã đưa ra Bản cương lĩnh đấu tranh mang tên “Thư giản”, đòi kiên quyết xóa bỏ, lật đổ chế độ bóc lột phong kiến đương thời. Đông đảo nông dân, công nhân và dân nghèo thành thị sôi nổi vùng lên “tạo phản”. Chỉ trong vòng mấy tháng, đội quân nông dân đã phát triển tới 3500 người.

Vùng Swaben thuộc nhiều nước chư hầu mà quân số của chúng cộng lại cũng chỉ được 1700 người. Chẳng lẽ lực lượng vũ trang của chúng chỉ có ngần ấy? Không! Quân đội của chúng nhiều lắm. Chẳng qua là vì vua Sáclơ bỗng nhiên đem quân đi đánh chiếm Italia, đã rút hết những đơn vị tinh nhuệ của các chư hầu. Trước tình thế đó, bọn chư hầu và bọn quý tộc lập ra “Liên minh Swaben” cùng nhau bàn cách đối phó.

Một bá tước nói:

Hãy mau tung hết quân đội của chúng ta! Bọn khố rách áo ôm sắp đánh tới thành quách của chúng tôi rồi.

Một công tước khác phản đối:

Quân của Liên minh đâu phải chỉ để bảo vệ cho một mình Ngài. Vả lại, hơn một nghìn quân chống lại hơn ba nghìn quân khác nào trứng chọi với đá. Chúng ta cần phải có nhiều lính hơn nữa. Đúng như vậy thưa các ngài! Các ngài hãy mau bỏ tiền ra! Thà chiêu mộ thêm binh lính để tiêu diệt chúng còn hơn để bọn cùng đinh chiếm đoạt hết! Phải quét sạch bọn chúng!

Bọn chư hầu và quý tộc là những con quỷ hút máu, đối với chúng đồng tiền chỉ có vào mà không có ra, nhưng trước cái chết treo lơ lửng trên đầu, chúng đành phải nghiến răng bỏ tiền ra để thuê những tên giết người.

– Thưa các ngài? Bỏ tiền ra thuê lính tốt thật đấy, nhưng nước xa không dập tắt được lửa gần, bọn dân nghèo sắp đánh đến nơi rồi, làm thế nào? – Vẫn lão bá tước đó nói.

Công tước hiến kế:

Làm thế nào ư? Chúng ta phải dùng kế hoãn binh, trước hết hãy đàm phán với chúng!

Cuộc đàm phán bắt đầu. Bọn quý tộc “khảng khái” đáp ứng mọi yêu cầu của nông dân, hứa sau khi Tòa án phán quyết là thực hiện ngay. Những người nông dân tưởng thật, nêu với Tòa 16 yêu cầu rồi lục tục giải tán trở về quê hương.

Những người nông dân đã buông vũ khí trở về quê một cách nhẹ nhàng. Nhưng cái gì đang chờ đợi họ? Ấy là hàng trăm hàng nghìn chiến sĩ nông dân đã bị giải ra Tòa, bị đánh đập và bị giam cầm.

“Chúng ta bị mắc lừa rồi!”

“Chúng ta không thể buông vũ khí!”

Nông dân lại một lần nữa giương cao lá cờ ba sắc để tập hợp nhau lại. Một thời gian không lâu, họ đã tập hợp được tới 4, 5 vạn người. Sáu cánh quân được bố trí trên một vùng đất rộng mấy trăm cây số. Ngọn lửa khởi nghĩa bùng lên dữ dội khắp Swaben, sẵn sàng cho một tổng công kích vào bọn chư hầu và quý tộc.

Đúng vào thời điểm căng thẳng đó, toàn bộ những nông dân bị tòa án bắt đều được trả tự do. Liên minh quý tộc ở Swaben đã cử đại diện là công tước Trugơsep ra đàm phán với đội quân nông dân, đồng thời còn đề nghị ngày đàm phán là ngày 2 tháng 4 năm 1525.

Lẽ thường thì những người nông dân đã từng bị lừa không thể bị mắc lừa lần nữa. Nhưng bốn năm vạn nông dân vừa tập hợp lại trong một khoảng thời gian rất ngắn, suy nghĩ mỗi người một khác, nhất là đã đến lúc phải làm vụ xuân, họ cũng mong sớm kết thúc chiến tranh trở về làng cày cấy, nên đội quân nông dân đã đồng ý đàm phán.

Ngày 6 và 7 tháng 3, các thủ lĩnh của 6 cánh quân lớn đã họp và quyết định đưa ra 12 điều kiện, chủ yếu là: Phế bỏ “thuế một phần mười” do Giáo hội áp đặt cho nông dân; các mục sư phải do nông dân bầu; bãi bỏ chế độ nông nô; giảm tô thuế và lao dịch; trả lại cho nông dân đồng cỏ, rừng rú, bãi chăn nuôi bị chúa phong kiến chiếm đoạt. Đó chính là “Mười hai điều khoản” nổi tiếng trong lịch sử. Họ đã ngây thơ cho rằng, lần trước bản “Thư giản” nêu yêu cầu lật đổ phong kiến và Giáo hội, khiến bọn quý tộc khó chấp nhận. “Mười hai điều khoản” lần này không đặt ra vấn đề lật đổ chế độ hiện hành, chắc bọn quý tộc sẽ đồng ý.

Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày đàm phán. Không ngờ đến ngày cuối cùng của tháng 3 thì tiếng súng đại bác nổ vang.

Uỳnh! . . .

Uỳnh! Uỳnh! . . .

Lại chính là công tước Trugơsép đã chỉ huy một vạn lính đánh thuê tấn công đội quân nông dân.

Trugơsép ngồi trên lưng ngựa, mặt sát khí đằng đằng, tay vung kiếm chỉ huy, đang đôn đốc quân xốc tới. Những xe ngựa kéo đại bác và từng tốp kỵ binh điên cuồng lao lên.

Một con ngựa bỗng khựng lại và hí ầm ĩ. Chân nó bị sa xuống hố bùn, kéo mãi mới lên được. Những con khác sợ hãi không dám tiến lên nữa.

Lại một cỗ đại bác bị lún sâu bánh xe xuống bùn. Thật khổ cho bọn pháo binh. Chúng phải cố hết sức mới lôi lên được.

Bọn lính đánh thuê đứng dừng lại.

Sao không tiến lên! – Trugơsép giận dữ quát hỏi.

Tên phó quan tùy tùng gập người thưa:

– Báo cáo đại nhân! Phía trước là đầm lầy! Không thể tiến lên được!

Bọn cùng đinh rút đâu cả rồi? – Công tước nhìn quanh, những đường gân xanh trên trán của ông ta giật giật. . .

– Báo cáo đại nhân, chúng đi vòng đầm lầy rút cả vào núi rồi!

– Xảo quyệt thật – Trugơsép chửi toáng lên một hồi rồi hạ lệnh cho lính đánh thuê rút khỏi đầm lầy, tấn công vào vùng núi theo ngả khác.

Đó là một vùng rừng rậm, cây lá dày đặc, ánh mặt trời cũng không lọt xuống được Cả một vùng tối đen. Lính đánh thuê không dám tiến vào.

Công tước hét:

– Pháo binh Tiến lên!

Sĩ quan pháo binh tâu:

– Báo cáo đại nhân, đường núi gập ghềnh, đại bác không kéo vào được!

Công tước lại thét:

Đội kỵ binh! Hãy xông vào!

Báo cáo đại nhân, rừng tối đen thế kia không xông vào được. Chúng ta ở chỗ sáng, họ ở chỗ tối, chỉ có ăn đòn thôi, – Giọng viên phó quan tùy tùng lo lắng – Ngài xem. . .

Trugơsép tức giận đến sôi máu, ghìm chặt cương ngựa.

Con ngựa bất ngờ bị ghìm cương, hai chân trước không chạm được tới đất dướn người lên hí vang, suýt nữa văng ông ta xuống đất. Trugơsép vội vàng chùng dây cương, hai chân ghì chặt vào lưng ngựa mới khỏi ngã. Lão định thần lại và nghĩ ra một kế, bèn hạ lệnh:

– Được! Ta đã có cách! Rút hết kỵ binh, pháo binh, bộ binh cho ta!

Thì ra 6 cánh quân của nông dân bố trí ở 6 nơi. Khu rừng Trugơsép định tấn công là một trong số 6 đội quân đó. Lão tính nhân lúc quân nông dân ở chỗ khác không đề phòng, sẽ mở một cuộc tập kích chớp nhoáng. Trugơsép quyết định chuyển lính đánh thuê xuống đồng bằng.

Ngày 4 tháng 4, Trugơsép dẫn quân bất ngờ đánh vào cánh quân nông dân bố trí ở đây và bắt được thủ lĩnh của họ. Lão đang định quay lại bao vây đánh cánh quân ở trong rừng thì cánh quân nông dân ở hồ Pôlăng đã kịp đến đánh gọng kìm vào mặt trước và mặt sau quân của Trugơsép. Không còn lối thoát, lão công tước nhiều mưu ma chước quỷ kia đành chịu thua và rút lui vào ngày 15 tháng 4.

Ngày 17 tháng 4, thêm hai đội quân nông dân nữa kéo đến. Bốn bề bị bao vây, Trugơsép đành phải ký vào bản thỏa thuận.

Ký xong bản thỏa thuận, những người lính nông dân lại vội vã giải tán không kịp chờ thủ lĩnh của mình về tới nơi. Thời vụ đã đến rồi, điều lo nhất đối với họ rốt cục vẫn là đất đai và hoa màu của mình.

Và thế là một lần nữa công tước Trugơsép lại thoát hiểm. Lão lập tức điều lính đánh thuê tới vùng Phrancôni ở phía Bắc Swaben, trấn áp nghĩa quân nông dân ở đây. Tháng 7 năm 1525, Trugơsép lại quay trở lại tàn sát những nghĩa quân nông dân vùng Swaben, dìm họ trong biển máu.

Cuộc khởi nghĩa của nông dân Swaben kéo dài hơn 1 năm cuối cùng đã thất bại. Hàng loạt nghĩa quân đã bị giết. Nhưng lá cờ ba sắc đen – đỏ – vàng, biểu tượng sự thống nhất của dân tộc Đức mãi mãi tung bay trên bầu trời nước Đức.

Chọn tập
Bình luận