Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Đơ Vanhxi

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

ĐƠ VANHXI

Ngày 15 tháng 4 năm 1452, một cậu bé cất tiếng khóc chào đời tại một thị trấn nhỏ có tên gọi là Vanhxi gần thành phố Phlôrenxia, Italia. Cậu bé ấy chính là Lêôna Đờ Vanhxi – nhà họa sĩ vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ XV.

Bố của Đơ Vanhxi là một người làm công chứng nổi tiếng trong vùng, gia đình giàu có. Từ bé Đơ Vanhxi đã yêu thích hội họa, những bức tranh cậu vẽ rất sinh động, làm cho bố rất thú vị. Năm 14 tuổi, gia đình gửi Đơ Vanhxi đến học tại một trường nghệ thuật. Thầy giáo phụ trách trường cũng chính là thầy dạy vẽ nổi tiếng Phrôkiơ.

Ngày đầu tiên tới trường, thầy giáo bảo Đơ Vanhxi vẽ một quả trứng gà. Ngày thứ hai vẫn vẽ quả trứng gà và ngày thứ ba cũng vậy. Đơ Vanhxi tò mò hỏi thầy:

– Sao thầy cứ bắt em vẽ mãi quả trứng?

Thầy giáo nhìn vào vẻ mặt thiếu kiên nhẫn của Đơ Vanhxi, ôn tồn nói:

– Quả trứng tuy nhỏ nhưng vẽ không đơn giản đâu! Em nên biết rằng trong 1000 quả trứng không bao giờ có hai quả giống nhau. Và cùng một quả trứng đó, ở góc nhìn khác nhau và độ chiếu sáng khác nhau, hình dáng của nó cũng không giống nhau. Thầy bảo em phải vẽ nhiều như vậy, chính là để rèn luyện cho em khả năng quan sát và nắm vững hình tượng, để em có thể thể hiện được mọi sự vật theo ý mình, như thế mới có thể học vẽ tốt được.

Cậu bé Đơ Vanhxi vỡ lẽ, từ đó chuyên tâm vào việc rèn luyện kỹ năng cơ bản về hội họa, kỹ xảo nghệ thuật, nhờ đó có rất nhiều tiến bộ. Đơ Vanhxi đã học tập ở trường nghệ thuật này hơn 10 năm, sống những năm tháng của tuổi thanh xuân quý báu của mình.

Thời đó, công thương nghiệp ở Phlôrenxia đã rất phát đạt. Các nhà tư sản mới lên không hài lòng với sự ngu muội, lạc hậu, tàn nhẫn và mất nhân tính của nền thống trị phong kiến, họ đòi hỏi tự do, đòi hỏi phải thay đổi hiện thực xã hội. Chịu ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng mới đó, chàng thành niên Đơ Vanhxi cũng xao động với những ý nghĩ khác thường. Và tất cả những điều đó đã biểu lộ trong thực tiễn nghệ thuật của anh.

Trước hết anh phản đối thứ hội họa bắt chước, cho rằng đó là sự xuống cấp của nghệ thuật. Nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực, bắt nguồn từ thiên nhiên. Đơ Vanhxi quan sát kỹ từ bông hoa, ngọn cỏ, từng cái cây trái quả trong thiên nhiên. Để hiểu rõ được quy luật sinh trưởng của nó, anh nghiên cứu thực vật học; để đi sâu phân biệt được các loại côn trùng, cách bay của các loài chim, anh nghiên cứu động vật học; để nắm vững kết cấu các bộ phận trong cơ thể con người và tỉ lệ chính xác của nó, anh bất chấp lệnh cấm của Giáo hội, tự tay giải phẫu thi thể con người. Hãy xem những bản vẽ nháp của anh: trước hết anh vẽ bộ xương của con người, tiếp đó là mạch máu và thần kinh, tiếp nữa mới là các bắp thịt. Thật là tốn không biết bao nhiêu công phu. Chưa hết, trên các bản vẽ còn ghi chú một thứ “văn tự” mọi người không thể nào đọc được, đó là những dòng thuyết minh mà anh đã phải viết bằng tay trái và viết ngược về bên trái để đề phòng Giáo hội tìm cách hãm hại.

Điều quan trọng hơn nữa là Đơ Vanhxi đã lồng được tư tưởng giải phóng cá tính vào trong thực tế hội họa. Đề tài hội họa thời ấy phần lớn là những câu chuyện trong “Kinh Thánh”, tranh vẽ thường khô cứng. Đức Mẹ thường được thể hiện bằng nét mặt lạnh lùng. Chúa Giêsu thời kỳ còn là một hài đồng đã giống một cụ già nghiêm nghị. Nhưng dưới nét vẽ của Đơ Vanhxi, hình ảnh của họ trở nên tươi tắn sống động, mềm mại như trong cuộc sống hiện thực vậy. Năm 1476, thầy Phrôkiơ của ông phải vẽ một bức tranh liên hoàn, đã chọn Đơ Vanhxi làm người giúp việc. Thầy giáo của ông vẫn dựa theo truyền thống của Giáo hội, vẽ một loạt những nhân vật nhạt nhẽo xơ cứng và thiếu sức sống. Còn Đơ Vanhxi chỉ vẽ trên bức tranh đó một vị thiên sứ, nhưng nhìn thấy đầy tình người, vừa hoạt bát vừa đáng yêu, rất sinh động mà lại rất tự nhiên. Thầy giáo đã phải không ngớt lời ngợi khen nghệ thuật cao siêu của học trò mình. Thực ra, sự sáng tạo nghệ thuật ấy chính là kết quả Đơ Vanhxi đã phá vỡ được cái khuôn khổ trói buộc của truyền thống phong kiến.

Đơ Vanhxi còn là một nhà khoa học đa tài đa nghệ. Hồi đó Milanô là một thành phố khoa học nổi tiếng của Italia. Năm 1482, Đơ Vanhxi đến thành phố này và đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông đã phát minh ra nhiều loại máy móc khác nhau. Ví như, máy xe sợi của châu Âu thời bấy giờ chỉ xe được một sợi, Đơ Vanhxi đã chế tạo ra máy xe sợi có thể xe được rất nhiều sợi, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành dệt của Italia. Ông còn phát minh ra máy kéo giây kim loại, máy băm mặt dũa, máy mài thủy tinh quang học v.v. góp phần phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Hoặc ông còn phát minh ra van nước hình hộp, các loại bơm nước có cấu tạo khác nhau, góp phần phát triển ngành thủy lợi và nông nghiệp. Ngoài ra ông còn muốn bắt chước chức năng của cánh chim để chế ra một chiếc máy biết bay. Tóm lại tài năng khoa học của ông cũng vô cùng xuất chúng.

Đơ Vanhxi còn là một kiến trúc sư và một nhà điêu khắc lỗi lạc, tiếc rằng những tác phẩm điêu khắc của ông không còn giữ lại được.

Cống hiến lớn nhất của cuộc đời Đơ Vanhxi tất nhiên là hội họa. Tranh của ông luôn coi trọng những nguyên lý quang học, dù tranh nhân vật hay tranh phong cảnh đều tạo cho người xem ấn tượng lập thể, tưởng như đang được ngắm cảnh thực, người thực vậy. Điều quan trọng hơn nữa là mỗi nhân vật trong tranh của ông đều bộc lộ rõ nét những hoạt động nội tâm. Thông qua nét mặt, ánh mắt và tư thế của chân tay v.v. làm bật lên những điều suy nghĩ trong đầu óc của nhân vật. Đúng là vẽ mà làm nhân vật sống lại.

Đơ Vanhxi đã để lại cho toàn thế giới rất nhiều tác phẩm tuyệt mỹ. Tác phẩm tiêu biểu nhất có lẽ là “Bữa ăn tối cuối cùng” và “Môna Lisa”.

“Bữa ăn tối cuối cùng” là một bức bích họa miêu tả trai phòng của tu viện Xanh Mari ở thành phố Milanô, sáng tác vào khoảng 1495 – 1497. Bức tranh thể hiện lại truyền thuyết tôn giáo: tên Giuda – một môn đồ của chúa Giêsu tố giác với nhà cầm quyền Rôma để bán rẻ người thầy của hắn. Chính giữa bức tranh là Giêsu. Ông đang nói với 12 môn đồ của ông: “Trong các người có kẻ muốn bán rẻ ta!” Mười hai môn đồ ngồi quanh bàn ăn, mỗi người một vẻ mặt khác nhau: ba người đang thì thầm bàn bạc một điều gì đó; ba người nữa thì vẻ mặt giận dữ, trong đó có người đang căm phẫn chém mạnh bàn tay xuống bàn; một người thì lộ vẻ nghi ngờ; một người thì ngạc nhiên; một người thì ngồi ngay ngắn không động đậy như muốn bày tỏ lòng trung thành với Giêsu; hai người khác lộ vẻ xúc động thậm chí một trong hai người đó tay cầm con dao ăn xỉa tới phía trước; chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về phía sau vẻ lo sợ nhưng một tay hắn vẫn khư khư giữ chặt lấy túi tiền, hắn chính là tên Giuđa phản nghịch đã bán Gíêsu sau khi nhận được 30 thỏi bạc. Sau lưng Giuđa là một mảng tối. Còn sau lưng Giêsu là hình ảnh một cửa sổ đầy ánh sáng. Những tia sáng chiếu vào khuôn mặt Giêsu làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ nhưng nghiêm túc và cương nghị. Sự tương phản mạnh mẽ ấy đã biểu đạt được sự căm thù sâu sắc của tác giả đối với lũ gian ác, sự ngưỡng vọng vô hạn đối với chính nghĩa.

Trước Đơ Vanhxi, nhiều họa sĩ nổi tiếng đã vẽ về đề tài này nhưng đều thất bại, Một trong những nguyên nhân thất bại chính là chưa phản ánh được một cách chân thực về 12 môn đồ, đặc biệt là những hoạt động tâm lý phức tạp của Giuđa. Tác phẩm của Đơ Vanhxi đã giải quyết một cách mỹ mãn vấn đề đó, do đó làm cho chủ đề của bức họa nổi bật và tươi sáng. Nghe nói từ đó về sau, không một họa sĩ nào vẽ lại đề tài đó nữa, bởi họ cho rằng quả thật không thể vượt qua được tác phẩm nổi tiếng đó của Đơ Vanhxi.

Để sáng tác tác phẩm đó, Đơ Vanhxi đã phải lao động cật lực và gặp không biết bao nhiêu khó khăn. Một trong những khó khăn đó là xử lý nhân vật Giuđa như thế nào. Nghe nói trước khi vẽ, Đơ Vanhxi đã phác thảo nhiều lần về nhân vật đó, đã vẽ hàng trăm bức vẽ Giuđa ở các tư thế khác nhau mà vẫn chưa tìm được hình tượng nào vừa lòng. Để gỡ khó khăn ấy, hàng ngày Đơ Vanhxi đi lang thang trong thành phố Milanô, quan sát lời nói, cử chỉ, hành động của bọn tội phạm, bọn lưu manh, bọn cờ bạc. Vị trưởng lão của tu viện cũng nhận ra đã khá lâu Đơ Vanhxi không đến vẽ ở nhà thờ mà ngày nào cũng thấy ông ra phố, đi lung tung khắp nơi, bèn báo với thị trưởng Milanô rằng Đơ Vanhxi coi thường phép tắc, hành vi thất thường. Vì chuyện này Đơ Vanhxi đã to tiếng với trưởng lão, cũng may ông thị trưởng biết rõ sự tình đứng ra hòa giải nên mới giúp cho Đơ Vanhxi hoàn thành được tấc phẩm đồ sộ mà ngày nay vẫn còn trên tường của tu viện.

Tác phẩm “Môna Lisa” sáng tác vào khoảng năm 1503, là bức họa chân dung nổi tíếng. Ông đã vẽ một thiếu phụ thành Phlôrenxia – Nàng Giôcông. Người thiếu phụ trong tranh miệng hơi mỉm cười, mấy nếp vân bên miệng lộ rõ sức sống thanh xuân của nàng. Nổi bật nhất là đôi mắt, vừa tinh anh vừa vui, nhưng cũng thật trang nhã, tràn đầy nhiệt tình và hy vọng hướng về ngày mai, hướng về hạnh phúc. Bức danh họa này ngày nay đang được lưu giữ tại Cung điện Luvrơ ở Pari, Pháp.

Những năm cuối đời, Đơ Vanhxi phải sống phiêu bạt. Một thời gian dài ông bị các thế lực tôn giáo phong kiến chèn ép và hãm hại. Năm 1517, 65 tuổi mà Đơ Vanhxi tóc bạc đã phủ đầy trán, và ông già đó vẫn phải sống xa Tổ quốc, ngụ cư trên đất Pháp. Ngày 2 tháng 5 năm 1519, trái tim của nhà danh họa bất hủ được người đời tôn kính đã ngừng đập, nhưng tranh của ông, sáng tạo của ông mãi mãi sống trong trái tim nhân loại.

Tại Viện bảo tàng nghệ thuật thành phố Đơretxđen Đức có lưu giữ một bức danh họa của Italia “Đức Mẹ”. Tuy bức tranh đã trải qua hơn 4 thế kỷ, nhưng hình tượng sống động cũng như cấu tứ sâu sắc thì đến nay vẫn làm cho mọi người trên thế giới hết sức khâm phục. Tác giả bức danh họa chính là “ông thánh hội họa” của thời kỳ văn hóa phục hưng Raphaen Xanzilô.

“Đức Mẹ” được sáng tác vào năm 1513, là một bức tranh về tôn giáo mà Raphaelô vẽ cho một tu viện ở Italia. Đề tài của bức tranh lấy từ một câu chuyện trong Kinh Thánh. Giữa bức tranh là Đức mẹ Maria đứng, tay ôm đứa bé. Nét mặt bà hiền từ, trầm lặng và nghiêm trang, ánh mắt bà sâu thẳm, đứa bé ôm trong tay chính là Giêsu – đứa con yêu quý của bà. Giêsu bé bỏng, hoạt bát và khỏe mạnh, đôi mắt hồn nhiên mở tròn nhìn về phía trước như đang nhìn tất cả mọi người, trông thật đáng yêu.

Ý nghĩa của bức tranh là Đức Mẹ Maria muốn cứu rỗi thế giới đã không hề nuối tiếc dâng đứa con yêu quý của mình cho toàn nhân loại, để cậu sống trên thế gian này nhận lấy bao nỗi khổ cực thay cho mọi người, bằng sự hy sinh tính mạng của mình để cứu vớt hàng triệu hàng triệu con người đang chịu bao đắng cay khổ ải. Dưới nét vẽ của Raphaelô, Đức Mẹ không phải là “thánh” cao xa vời vợi không ai với tới được mà là “một con người” tâm hồn chan chứa tình cảm, là một người mẹ dịu dàng ấm áp, mà còn là một vị nữ anh hùng không tiếc hy sinh tất cả những gì quý giá nhất của mình để thực hiện cho được lý tưởng. Lấy đề tài từ câu chuyện tôn giáo, tác giả đã miêu tả tính cách cao thượng của con người, làm cho sáng tác nghệ thuật của thời kỳ văn hóa phục hưng đạt tới một tầm cao mới.

Raphaelô sinh năm 1483 tại thành phố Uôcbinô miền đông Italia. Cha ông là một họa sĩ nổi tiếng. Từ nhỏ Raphaelô đã được học với những thầy giáo giỏi và học rất giỏi. Năm 21 tuổi, ông đến Phlôrenxia. Tại đây, ông đã nghiên cứu tỉ mỉ các sáng tác của những bậc thầy nghệ thuật như Lêôna Đơ Vanhxi, Mikenlangiêlô và ông đã có những bước nhảy vọt trong nghệ thuật. Từ năm 1508, nhận lời mời của Giáo hoàng, ông đã vẽ một chùm bích họa trong thánh thất Vaticăng, làm việc tại đây hơn 5 năm. Ngày nay, 4 bức bích họa lớn trên 4 bức tường trong thánh thất Vaticăng chính là những hiện vật gốc của Raphaelô từ hơn 400 năm trước.

Hồi đó, Giáo hoàng yêu cầu phải vẽ 4 bức bích họa hàm chứa 4 nội dung “thần học”, “triết học”, “văn nghệ”, “pháp luật”. Raphaelô đã từ bỏ lối vẽ cứng nhắc xưa kia về đề tài tôn giáo mà đưa vào đó những nội dung tư tưởng phục hưng văn hóa cổ Hy Lạp, hình thành những cấu tứ độc đáo và mới lạ.

Chẳng hạn như trong bức tranh “Triết học”. Người ta thấy trước mặt là một tòa kiến trúc lớn, trải dài từ gần đến xa, xa nữa là một loạt cửa vòm – Hai nhà triết học vĩ đại đang đi ở phía trước, họ là Platông và Aritxtôt thời cổ Hy Lạp. Phía sau họ là những nhà triết học và khoa học cổ Hy Lạp như Xôcơrat, Acsimet, v.v… tượng trưng cho những người kế tục tư tưởng văn hóa cổ Hy Lạp đã vượt lên thế hệ trước của mình.

Lại như trong bức tranh “Thần học”, mọi người trông thấy không phải là đám chức sắc thần học nghiêm nghị và lạnh nhạt mà lại là hình tượng của những học giả bằng xương bằng thịt rất sinh động. Họ thông minh, giàu trí tuệ, đang suy nghĩ biết bao vấn đề. Điều làm cho mọi người hết sức kinh ngạc là tuy trên bức tranh xuất hiện nhiều giáo sĩ nổi danh của các thời đại khác nhau trong lịch sử Giáo hội, nhưng họ lại đang tổ chức “những cuộc tranh luận” giống như ở Hy Lạp, tưởng như các nhà triết học cổ Hy Lạp đang tranh luận để chứng minh cho chân lý.

Raphaelô còn là một kiến trúc sư lỗi lạc. Cùng lúc với việc được Giáo hoàng mời vẽ bích họa, ông còn chủ trì thiết kế nhà thờ lớn Thánh Pie tại Vaticăng ở Rôma.

Ông đã có những đóng góp quan trọng trong quy hoạch tổng thể xây dựng Nhà thờ lớn, đồng thời còn là người phụ trách việc thi công công trình lớn này và đã hiến dâng sức lực cả cuộc đời mình cho công trình. Tiếc thay, năm 1520, mới 37 tuổi ông đã sớm từ giã cõi đời; chưa được nhìn thấy Nhà thờ lớn Thánh Pie khánh thành.

Cuộc đời của Raphaelô quá ngắn ngủi. Nhưng với những sáng tác nghệ thuật thiên tài của mình, ông thật xứng đáng với danh hiệu “Thánh hội họa” của thời kỳ Văn hóa Phục hưng.

Năm 1503, một vị công tước ở thành phố Phlôrenxia muốn mời người đến vẽ một bức tranh sơn dầu miêu tả cảnh những người Phlôrenxia cổ đại chống lại cuộc xâm lược của người Babilon. Nên mời ai bây giờ? Ông đã suy nghĩ rất lâu, và cuối cùng quyết định mời hai người Đơ Vanhxi và Mikenlănggiêlô, mỗi người vẽ một bức.

Mikenlangiêlô rất do dự về việc này. Ông nghĩ, Đơ Vanhxi đã 51 tuổi, là người đã có những tác phẩm nổi tiếng như “Bữa ăn tối cuối cùng” lại vừa hoàn thành tác phẩm chân dung “Nàng Giôcông”, là một họa sĩ lão thành nổi tiếng, đối với Đơ Vanhxi tranh sơn dầu về đề tài này quả là không có gì khó khăn. Còn bản thân mình mới 28 tuổi, tuy bước đầu có chút ít tiếng tăm trong giới nghệ thuật, cũng đã sáng tác tác phẩm điêu khắc xuất sắc như “Chàng Đavit”, nhưng dẫu sao vẫn là người mới, chưa có được thực tiễn nghệ thuật phong phú như Đơ Vanhxi. Ông đắn đo mãi về việc có nên nhận lời mời hay không.

Suy nghĩ mãi, ông quyết tâm nhận. Theo ông, dù tác phẩm vẽ ra không sánh được với Đơ Vanhxi thì đối với bản thân cũng là dịp rèn luyện, là dịp để biết mình còn kém người khác ở những mặt nào. Đó chẳng phải là một cơ hội học tập tốt hay sao?

Sau khi quyết định, Mikenlangiêlô nung nấu suy nghĩ, chuẩn bị cấu tứ. Những khó khăn đầu tiên đã đến. Diện mạo tinh thần của người Phlôrenxia cổ đại như thế nào? Họ làm thế nào để chiến thắng những tên xâm lược Babilon hung dữ? Thông qua tình huống nào để phản ánh khí phách anh hùng của họ? Mikenlangiêlô lao tâm khổ tứ mà vẫn chưa biết nên xử lý thế nào.

“Có lẽ phải bắt đầu từ sự tìm hiểu lịch sử?” Mikenlangiêlô đã quyết định phải tìm hiểu những sự thật lịch sử có liên quan để nắm vững cuộc sống đương thời.

Ông đã dành khá nhiều thời gian tìm tòi sách vở, tư liệu lịch sử ở mọi nơi, ông đã đọc rất nhiều và ghi chép rất nhiều. Để tăng thêm những nhận thức trực cảm, ông còn đến những nơi mà xưa kia đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, vẽ ký họa địa hình của chiến trường xưa.

Cứ như thế, ông đã tích lũy được một khối lượng tài liệu phong phú, đạt được một độ chín nhất định để thể hiện cuộc chiến tranh chống xâm lược này. Kết quả là khi ông bắt tay vào vẽ, mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, bức tranh sơn dầu về đề tài lịch sử đó với khuôn khổ lớn đã được ông hoàn thành một cách nhanh chóng.

Gần như cùng một lúc, Đơ Vanhxi cũng hoàn thành tác phẩm của mình. Hai người đem bức họa của mình đến giao cho công tước.

Việc hai nhà danh họa cùng sáng tác một tác phẩm về một đề tài quả là điều hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, dù là ở Phlôrenxia. Nhiều họa sĩ đều khẳng định rằng bức họa của Đơ Vanhxi nhất định sẽ trội hơn của Mikenlangiêlô. Họ ao ước được đến để thưởng thức bức tranh và cũng để so sánh nữa!

Công tước đã đáp ứng yêu cầu của các họa sĩ, cho treo cả hai bức tranh lên và mời mọi người đến bình luận.

Nhận lời mời của Công tước, cùng một ngày các họa sĩ trứ danh đều đến lâu đài của Công tước, say sưa ngắm nghía hai bức tranh.

Một họa sĩ xem bức tranh của Mikenlangiêlô sửng sốt nói:

– Ồ? Một cấu tứ tuyệt vời!

Một người khác nói thêm:

– Không những cấu tứ tinh tế mà thể hiện cũng vô cùng chuẩn xác và sâu sắc, quả là bất ngờ!

Đúng như vậy, bức họa đã thể hiện tài năng nghệ thuật vô cùng cao siêu của Mikenlangiêlô. Ông không vẽ trực tiếp cảnh chiến tranh ác liệt, mà vẽ những chiến binh Phlorenxia đang tắm trên dòng sông quê hương, bỗng nghe thấy thánh kèn lệnh, biết người Babilon đến tập kích, họ lao ngay lên bờ khoác vội bộ quân phục vào người, cầm vũ khí chuẩn bị chiến đấu. Bức tranh đã từ trắc diện tái hiện một cách nghệ thuật khí phách anh hùng của những chiến sĩ Phlorenxia ngày đó sẵn sàng xông lên bảo vệ Tổ quốc.

Các họa sĩ lại quan sát kỹ bức tranh của Đơ Vanhxi.

– Bức tranh của ngài Đơ Vanhxi, về mặt sử dụng màu sắc quả thật có thể nói là hoàn mỹ, không còn một thiếu sót nào, đáng tiếc là. . . – Một họa sĩ chỉ bình luận đến đó rồi ngừng lời, không nói tiếp nữa.

Một vị khác nói tiếp:

– Chỗ bất cập chính là chưa khắc họa được khí chất tinh thần của tổ tiên chúng ta! Các ông xem, cảnh chiến trường hoành tráng như thế, nhưng các chiến sĩ của chúng ta thì như phát điên, tựa hồ như đang trong cảnh sợ hãi và tuyệt vọng!

Đúng như vậy, Đơ Vanhxi đã không thành công trong tác phẩm đó, bức họa đã làm cho nhiều họa sĩ thất vọng, thậm chí không hài lòng. Có người còn gay gắt nói, đó không phải là sự ca ngợi mà là sự sỉ nhục đối với các chiến sĩ Phlorenxia vinh quang. So với bức họa của Mikenlangiêlô càng cảm thấy con người trẻ tuổi này thật là tuyệt diệu. Mọi người cũng cảm nhận được một điều sâu sắc, ngay cả các danh họa nổi tiếng như Đơ Vanhxi nếu không nghiên cứu cuộc sống đều có thể thất bại trong sáng tác.

Mikenlangiêlô không những là một họa sĩ nổi tiếng mà còn là một nhà điêu khắc lỗi lạc. Ông sinh năm 1475 tại Phlôrenxia, 13 tuổi học vẽ, sau đó học điêu khắc. Những thành công của ông chủ yếu là nhờ tự học.

Mikenlangiêlô thích nhất là vẽ người, ông đã sớm xác định con người là đối tượng sáng tác duy nhất của ông. Do nguyên nhân gì vậy? Từ khi ông còn trẻ, ở Italia mỗi lần đào đất họ đều phát hiện ra nhiều phế tích của Rôma cổ đại, trong đó có chôn nhiều tượng người của nghệ thuật cổ Hy Lạp khiến người đương thời phải hết sức kinh ngạc: thì ra từ thời cổ Hy Lạp đã có những tác phẩm nghệ thuật đẹp đến như thế. Từ đó Mikenlangiêlô nuôi chí phải phục hưng nghệ thuật cổ Hy Lạp, phải khôi phục sự tôn nghiêm của con người trong cuộc sống hiện thực, phải khắc họa cho được hình tượng khỏe khoắn đẹp đẽ của cơ thể con người để chống lại tư tưởng thần quyền của thời trung thế kỷ phủ định vẻ đẹp của con người. Tượng “Chàng Đavít” chính là tác phẩm nổi danh của ông.

Bức tượng “Chàng Đavít” là tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, cao 5 mét 3. Đavít trong Kinh Thánh vốn là một nhân vật nhi đồng, nhưng Mikenlangiêlô đã đảo ngược truyền thống của tôn giáo, đã tạc thành một chàng thanh niên. Đó là một chàng thanh niên tráng kiện với những cơ bắp rắn chắc tượng trưng cho dũng khí và sức mạnh, đôi mắt ngời sáng tượng trưng cho quyết tâm chống kẻ thù và chiến thắng. Đó chính là hình ảnh của giai cấp tư sản mới trỗi dậy ở Italia.

Để tạc bức tượng đó, Mikenlangiêlô đã mất gần 3 năm, hoàn thành đúng vào lúc Công tước mời ông đến vẽ bức tranh sơn dầu. Là một tác phẩm quá hoàn mỹ, bức tượng “Chàng Đavít” được sự nhất trí khen ngợi của mọi người – Sau khi bức tượng hoàn thành được một năm, Hội đồng nghệ thuật Phlôrenxia quyết định dựng nó trước một cung điện, coi là biểu tượng người anh hùng bảo vệ thành phố này.

Bức tượng “Chàng Đavit” đã đem lại tiếng tăm lừng lẫy cho Mikenlangiêlô. Từ năm 1508, ông đã dốc toàn bộ nghị lực kiên cường và khí phách lớn lao của mình, làm việc liên tục 4 năm liền, một mình vẽ xong bức họa quy mô lớn trên trần rộng tới 800 mét vuông của nhà thờ “Đức Mẹ” tại Rôma. Bức tranh có tên “Sáng thế ký”. Năm 1516, ông lại sáng tác bức tranh Môixe, ca ngợi vị anh hùng dân tộc được nói tới trong Kinh Thánh, nhằm thổ lộ bầu nhiệt huyết yêu đất nước, yêu dân chủ của mình. Ông mượn hình tượng đó cũng là để chống lại ách chiếm đóng của quân Tây Ban Nha trên đất Italia.

Năm 1529, Tây Ban Nha cấu kết với Giáo hoàng Rôma tiến công nước Cộng hòa Phlôrenxia. Mikenlangiêlô đã có lúc phụ trách công việc phòng thủ thành phố, quản lý các công sự phòng ngự. Sau khi thất bại, ông chịu nhiều nỗi nhục, bị ép buộc phải tạc tượng đá trang trí phần mộ của những kẻ thống trị. Cuối cùng ông phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Năm 1535, Giáo hoàng Rôma lại ép Mikenlangiêlô phải vẽ một bức bích họa lớn cho nhà thờ “Đức Mẹ”. Năm 1542, ông hoàn thành xong bức họa ấy. Bức bích họa có tên “Lời phán xử cuối cùng” đó cao 10 mét, rộng 9 mét, với hơn 200 nhân vật khí thế dữ dằn, là một trong những kiệt tác quan trọng của Mikenlangiêlô.

Ngờ đâu sau khi xem bức bích họa, Giáo hoàng đã nổi giận, sai người đến nói với Mikenlangiêlô:

– Thừa lệnh Giáo hoàng, tôi xin báo cho ngài Mikenlangiêlô biết, hoặc ngài phải xóa hết bức bích họa, hoặc ngài phải sửa lại rất nhiều!

– Xin hỏi lý do vì sao?

– Bởi vì ngài đã phạm tội lớn ngạo mạn với thần linh.

Vì sao Giáo hoàng lại kết tội Mikenlangiêlô ngạo mạn với thần linh? Số là, “Lời phán xử cuối cùng” là một giáo lý của Đạo Kitô, nói rằng Giêsu trong ngày “tận số đã phán xử cho nhân loại từ cổ chí kim, ai tin Chúa thì sẽ lên Thiên đường, ai không tin Chúa thì phải xuống Địa ngục. Bức họa của Mikenlangiêlô đã được cấu tứ theo nội dung đó, nhưng ông đã xử lý các nhân vật trong tranh một cách độc đáo: Giêsu vô cùng cuồng bạo, còn bà Maria mẹ của ông vẻ mặt đờ đẫn, tựa như trong lòng còn mang điều gì cay đắng; các nhân vật khác trong tranh đều trần truồng. Rất rõ ràng, Mikenlangiêlô muốn nhân việc sáng tác bức tranh đó, biến Giêsu và Đức Mẹ vốn được Giáo hội tôn vịnh là thần linh sáng suốt thành những hung thần trần trụi để gợi lên hình ảnh Giáo hoàng và các giáo sĩ dưới quyền ông đang làm những điều sai trái.

Khi sáng tác bức tranh, Mikenlangiêlô đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng ngồi tù hoặc bị trục xuất ra nước ngoài một lần nữa, cho nên khi nghe lời kết tội “ngạo mạn thần linh”, ông điềm tĩnh trả lời:

– Tôi mất 7 năm để vẽ bức tranh này, không những tôi không xóa nó đi mà một nét tôi cũng không sửa!

Không dọa nạt được Mikenlangiêlô, Giáo hoàng đành phải tìm một họa sĩ khác đến sửa lại bức tranh tường ấy. Ông này phải mất gần một năm mới “mặc” được hết quần áo cho các nhân vật.

Mikenlangiêlô là bậc đại sư về nghệ thuật Italia trong thời kỳ hưng thịnh của văn hóa phục hưng. Ông thọ 89 tuổi, Ông không những sở trường về hội họa và điêu khắc, mà còn là một kiến trúc sư lỗi lạc. Mái vòm của Nhà thờ lớn Xanh Pie nổi tiếng Rôma cùng với quần thể kiến trúc ở Quảng trường Capitôli chính là do ông thiết kế.

Tại miền trung bán đảo Italia, nơi con sông Tibrơ đổ ra biển cả, có một thành phố cổ nổi tiếng thế giới, đó là Rôma. Góc tây bắc thành phố Rôma có một vùng đất cao, diện tích chừng nửa kilômét vuông, đó là Vaticăng – trung tâm của nước Giáo hoàng Thiên chúa giáo. Trong hoàng cung của Giáo hoàng Vaticăng còn có một nhà thờ lớn – Nhà thờ Xanh Pie (Thánh Pie).

Nếu chúng ta đi tản bộ trong thành phố Rôma, ngửng đầu nhìn về phía tây bắc có thể nhìn thấy nóc nhà thờ Xanh Pie . Đỉnh của nhà thờ ấy cao lắm, tới 138 mét, giống như một người khổng lồ đứng sừng sững đang cúi nhìn toàn bộ thành phố Rôma.

Ngôi nhà thờ lớn ấy khởi công xây dựng năm 1506 và phải mất 120 năm mới xây xong. Dáng của nó uy nghi hùng vĩ, với những điêu khắc tráng lệ, những bức họa trang nhã, có thể nói là hiếm có trên thế giới.

Nếu từ phía chính diện đi tới, tòa nhà như một quảng trường lớn theo kiểu kiến trúc ba-rốc. Barôc là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “viên ngọc trai bầu dục” cũng có nghĩa là hào nhoáng và xa xỉ. Quả là “danh bất hư truyền”, bốn phía quảng trường được vây quanh bằng một hành lang với hai hàng cột tròn, ở giữa là một tháp nhọn; lấy ngọn tháp làm trung tâm, 8 con đường như những nan hoa của một bánh xe khổng lồ từ trung tâm kéo ra các hàng cột ở hành lang chắc khỏe và hoành tráng. Từ quảng trường tiến vào trong là một nền sân rộng. Trên sân rộng ấy chính là Nhà thờ lớn Xanh Pie.

Bước lên thềm nhà thờ, đi qua những hàng cột đá, bước qua một cửa lớn là sảnh lớn hình chữ nhật. Sảnh lớn cực kỳ sang trọng, bốn bề màu sắc rực rỡ, đều là những tác phẩm nghệ thuật Italia. Phía sau sảnh lớn là một mái tròn hình vòng cung, đường kính của nó tới 42 mét, đúng là một kỳ tích của thế giới!

Chung quanh sảnh lớn là rất nhiều gian phòng cũng nguy nga tráng lệ như thế. Những tác phẩm hội họa và điêu khắc của các nhà nghệ thuật kiệt xuất thời kỳ Văn hóa phục hưng như Mikenlăngiêlô, Raphaelô v.v. phần lớn đều được lưu giữ tại đây. Nhà thờ lớn Xanh Pie quả là một kho tàng nghệ thuật, cho nên mọi người có dịp đến thăm thánh địa Thiên chúa giáo đều không ai bỏ qua nơi này.

Nói về lịch sử xây dựng Nhà thờ lớn Xanh Pie phải kể từ năm 1450.

Năm 1447, Nicôla V được chọn làm Giáo hoàng. Thời trẻ ông đã từng học tại trường đại học Bôlônhơ, rất say mê kiến trúc và nghệ thuật cổ Hy Lạp. Ngay từ hồi ấy ông đã nói: “Nếu có tiền, tôi sẽ dốc hết vào sách vở và kiến trúc”. Giờ đây được làm Giáo hoàng, ước mơ lớn lao của ông có điều kiện thực hiện. Ông đã mời rất nhiều học giả đến để phiên dịch các trước tác cổ Hy Lạp; ông còn phái nhiều nhà chuyên môn đi khắp châu Âu sưu tầm bản thảo viết tay của các nhà triết học, các nhà văn học cổ đại bổ sung vào Thư viện của Vaticăng để nó trở thành trung tâm nghiên cứu văn học nghệ thuật cổ điển của châu Âu. Đồng thời ông còn mời nhà thơ Anbécti làm tổng công trình sư cải tạo thành Rôma. Dưới sự chỉ đạo của Anbécti, nhà thờ Xanh Pie cũ đã bị tháo gỡ để chuẩn bị cho việc xây dựng mới Nhà thờ lớn Xanh Pie.

Nicôla V mất vào năm 1455. Các vị giáo hoàng sau đó quá chăm lo việc mở rộng lãnh thổ và quyền lực nên việc xây dựng Nhà thờ phải gác lại. Năm 1503, Giuliút II được bầu làm Giáo hoàng. Ông chủ trương khôi phục lại nghệ thuật cổ Hy Lạp và cổ Rôma, vì vậy nhiệm kỳ Giáo hoàng của ông cũng là thời kỳ phong trào văn hóa phục hưng phát triển hưng thịnh nhất ở Italia. Kế hoạch xây dựng lại Nhà thờ lớn lúc này lại được xúc tiến. Giáo hoàng mời họa sĩ Braman làm Tổng công trình sư. Dưới sự chủ trì của Braman, móng Nhà thờ lớn Xanh Pie đã được đặt vào năm 1506.

Hai năm sau, họa sĩ bậc thầy nổi tiếng Raphaelô đến Rôma. Giuliút II đã mời họa sĩ chủ trì thiết kế kiến trúc Nhà thờ lớn. Raphaelô làm việc ở Rôma 12 năm liền cho đến khi ông mất, tức là năm 1520. Raphaelô đã gửi gắm bao nhiêu tâm huyết vào quy hoạch tổng thể và rất nhiều tác phẩm hội họa trong Nhà thờ lớn.

Năm 1547, nhà danh họa đầy tài năng Mikenlănggiêlô lại đảm nhiệm cương vị tổng công trình sư thiết kế Nhà thờ lớn Xanh Pie. Lúc này công trình đang bước vào giai đoạn khẩn trương, Mikenlănggiêlô đã có những đóng góp xuất sắc trong việc thiết kế mái vòm, đem lại bộ mặt kiến trúc đẹp nhất cho Nhà thờ lớn. Nhưng lúc này tuổi của Mikenlănggiêlô đã cao, ngày ngày phải làm việc quá căng thẳng là điều hết sức khó khăn đối với ông. Vì vậy, sau đó họa sĩ Sagalô chủ trì tiếp công trình xây dựng Nhà thờ lớn và đã hoàn thành phần kiến trúc chính của nhà thờ.

Mikenlănggiêlô và Sagalô đều mất vào năm 1564. Quảng trường của Nhà thờ lớn chưa xây dựng xong. Sau đó Rôma chiến tranh liên tiếp, chính quyền luôn thay đổi, nên việc xây dựng Nhà thờ lớn lại một lần nữa bị gác lại. Đến những năm 20 của thế kỷ XVII, do kiến trúc sư Papani chủ trì, quảng trường được thiết kế lại theo kiểu kiến trúc Barốc rất đẹp. Việc xây dựng Nhà thờ lớn Xanh Pie được hoàn thành toàn bộ vào năm 1626.

Nhà thờ lớn Xanh Pie là kết tinh của nghệ thuật Kitô giáo, cũng là kết tinh của lao động và trí tuệ của nhân dân Italia, đồng thời nó cũng là máu và nước mắt của nhân dân lao động các nước châu Âu. Năm 1517, Giáo hoàng Riô X mượn cớ xây dựng Nhà thờ lớn Xanh Pie cử người đi khắp nơi trong nước Đức bán cái gọi là “phiếu chuộc tội” để bòn rút tiền của của nhân dân lao động châu Âu. Vì chuyện này, nhân dân nhiều nước châu Âu đã nổi lên rầm rộ phản đối Giáo hoàng, dấy lên một phong trào rộng lớn cải cách tôn giáo. Cũng nhân việc ấy, nhân dân Đức đã vũ trang chống lại, làm bùng nổ cuộc chiến tranh nông dân oanh liệt.

Hơn 4 thế kỷ đã trôi qua, Nhà thờ lớn Xanh Pie vẫn sừng sửng trên đất Vaticăng. Ngày nay, nơi đây là thánh tích để các tín đồ Thiên chúa giáo toàn thế giới chiêm ngưỡng, đồng thời cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện sự thông minh tài trí của nhân dân Italia, cống hiến cho nhân dân thế giới đến đây để tham quan thưởng ngoạn.

Trong một nhà tù ở miền Nam Italia, có một phòng giam tối tăm và ẩm thấp ở đó có một ông già mái tóc bạc trắng lúc nào cũng cặm cụi viết sách. Rồi một hôm, bỗng nhiên ông sung sướng đặt bút xuống, ngẩng khuôn mặt đầy nếp nhăn, thở phào một hơi dài rồi lẩm bẩm một mình: “Cuối cùng thì cũng đã viết xong! Ôi! Hai mươi bảy năm trời!”.

Ông già ấy chính là giáo sĩ tên là Tômát Campanela, một nhà triết học, một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng nổi tiếng của Italia thời kỳ văn hóa phục hưng. Tính từ năm 1599, ông đã bị giam suốt 27 năm, qua biết bao nhiêu nhà tù. Vì sao vậy?

Cuối thế kỷ XV, Pháp và Tây Ban Nha đã hoàn thành chế độ phong kiến tập trung trong khi Italia vẫn bị phân chia thành nhiều nước phong kiến nhỏ. Giữa các nước nhỏ đó lại có sự thù địch lẫn nhau, càng làm cho những kẻ xâm lược nước ngoài có cơ hội lợi dụng. Vì vậy, Italia trở thành nơi các nước lớn cướp đoạt và tranh giành lẫn nhau, chiến tranh xẩy ra liên miên. Năm 1599, Campanela lãnh đạo nhân dân miền Nam Italia chuẩn bị khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha. Đáng tiếc là cơ mưu bị bại lộ, ông bị bắt giam, năm ấy ông mới 31 tuổi. Các hình phạt đã man, sự đánh đập tàn ác vẫn không khuất phục được ông. Trong nhà tù, ông đã đấu tranh, đã suy nghĩ tìm một phương án giải phóng nhân loại.

Suốt 27 năm, Campanela nung nấu suy nghĩ mãi về một vấn đề: Vì sao sự nghèo khổ lại làm cho con người ta trở thành những kẻ ác ôn, gian giảo, lừa đảo, trộm cướp và thủ đoạn? Vì sao sự giàu có và địa vị hơn người lại làm cho con người ta tối mắt, mê muội, tráo trở, bán nước, dối trá, huênh hoang, lạnh lùng và áp bức kẻ yếu?

Ông suy nghĩ ngày này qua ngày khác và cuối cùng tìm ra câu trả lời: Tư hữu tài sản là nguồn gốc của mọi tội ác!

Từ đó Campanela rút ra được một điều, muốn nhân loại thực sự được giải phóng nhất định phải xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng một xã hội mới không có tư hữu tài sản, không có chế độ bất bình đẳng, không có hiện tượng người áp bức người.

27 năm suy nghĩ, 27 năm sống trong nhà tù, ông đã viết xong tác phẩm lớn đầu tiên về chủ nghĩa xã hội không tưởng – cuốn “Thành phố Mặt trời”.

Chúng ta hãy xuôi theo dòng tư duy của Campanela, đi “du lịch” tới “Thành phố Mặt trời” của ông!

… Ánh mặt trời rực rỡ chiếu rọi khắp nơi, mặt đất một màu xanh biếc. Hoa màu tốt tươi đang rung rinh trước gió như chào mời du khách.

Hai thanh niên quần áo bảnh bao từ phía trước đang đi tới. Họ nói năng nhã nhặn, cử chỉ đoan trang xem ra họ là những người được giáo dục và có văn hóa.

– Xin hỏi, đây có phải là thành phố Mặt trời? – Một du khách bước lên hỏi.

– Vâng, thưa quý khách, đây chính là Thành phố Mặt trời – Hai thanh niên cùng đáp, giọng rất lễ độ.

Câu nói rất lễ phép của hai thanh niên làm cho khách rất cảm động, liền hỏi tiếp:

– Xin hỏi tại sao lại gọi là Thành phố Mặt trời? Phải chăng ánh mặt trời ở đây trong sáng và đẹp đẽ?

Một thanh niên đáp:

– Thưa vâng, ánh mặt trời không những chiếu rọi mặt đất bao la này, mà còn chiếu sáng con tim mỗi người chúng tôi.

Người thanh niên kia nói tiếp:

– Để cho con tim mỗi người trong sáng điều quan trọng nhất là mọi người phải làm việc, phải lao động.

Du khách tò mò nhìn vẻ bề ngoài hai chàng trai trẻ chẳng khác gì sinh viên, hỏi lại:

– Thế các bạn cũng làm việc?

– Vâng, chúng tôi đều là nông dân, đều làm việc, hàng ngày phải lao động, phải trồng hoa màu ngoài đồng ruộng.

– Là nông dân? – Giọng du khách tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

Hai thanh niên nhìn vẻ mặt sửng sốt của du khách liền cười:

– Vâng, ở đây mỗi ngày chúng tôi phải lao động 4 tiếng đồng hồ. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi nghiên cứu các vấn đề học thuật lý thú, chúng tôi tọa đàm, xem sách báo, kể chuyện, viết thư, đi dạo hoặc chơi thể thao có lợi cho sức khoẻ của mình.

– Một ngày làm việc 4 giờ mà đủ ư?

– Vâng, bởi chỗ chúng tôi không có những loài ăn bám không chịu lao động. Việc gì cũng phải do bàn tay mình làm nên.

– Vậy còn có những người làm tôi tớ không?

– Tất nhiên là không, bởi vì dùng đầy tớ sẽ làm cho người ta hư hỏng. Ở đây, chúng tôi không có người giàu, cũng không có kẻ nghèo, hay có thể nói ai cũng là người giàu mà ai cũng là người nghèo. Nói rằng chúng tôi đều là người giàu bởi vì tài sản của công xã đều thuộc về chúng tôi; nói rằng chúng tôi đều là người nghèo bởi vì chúng tôi không có tài sản. Chúng tôi sử dụng của cải chứ quyết không làm nô lệ cho của cải.

Trong khi người bạn trả lời, chàng thanh niên kia cứ đưa mắt nhìn du khách như đang nghĩ ngợi đìều gì, rồi chậm rãi nói:

– Nghe nói thành phố Napôli của các ông có 7 vạn dân, nhưng chỉ có 1 vạn đến vạn rưỡi người phải lao động. Những người đó đã phải lao động quá sức và liên miên không được nghỉ ngơi nên kiệt sức, thậm chí chết non, chết yểu. Còn bọn ăn chơi nhàn rỗi chiếm số đông thì chúng không làm gì cả, nhưng lại tham lam vô độ, keo kiệt bủn xỉn, sống xa xỉ dâm dật, bóc lột những người nghèo bằng cách cho vay nặng lãi. Khắp người chúng là bệnh tật, vừa hại người vừa hại chính mình.

Du khách thực sự kinh ngạc. Những người thanh niên của thành phố Mặt trời sao lại có được những kiến thức uyên bác như vậy? Không nén nổi, họ hỏi tiếp:

– Làm sao các anh lại biết được cả thành phố Napôli của chúng tôi?

Hai thanh niên bất giác cười lớn:

– Chỉ cần nghe giọng nói của quý ông và nhìn cách ăn mặc là chúng tôi biết ngay các ông là dân thành phố Napôli.

Một thanh niên tươi cười giơ tay phải chỉ về phía trước, nói với du khách:

– Ngài là khách quý, xin mời ngài hãy đi tham quan một chút thành phố Mặt trời

Du khách mỉm cười gật đầu, tỏ ý cảm ơn.

Họ băng qua cánh đồng và đi vào một thôn trấn. Từng dãy nhà nhỏ thẳng hàng đều quay về hướng Nam để được tắm trong ánh mặt trời lực rỡ.

Người thanh niên giới thiệu:

– Đây là những dãy nhà công cộng của chúng tôi, tất cả đều do Công xã làm rồi phân phối cho mọi người sử dụng.

Du khách mải ngắm những ngôi nhà và phát hiện ra rằng trên gác bức tường đều vẽ những bức bích họa màu sắc rực rỡ, phong cảnh có, nhân vật có, cây cỏ có, thật phong phú và đa dạng.

– Những bức bích họa của các bạn thật là đẹp!

– Vâng, đó là những cuốn sách giáo khoa tốt đối với trẻ em. Chúng tôi dùng những bức họa đó để giáo dục trực quan.

Đúng như thế, du khách nhìn thấy một thầy giáo đang dẫn hai ba chục cháu nhi đồng chừng năm sáu tuổi và giảng giải cho các em về những bức tranh tường.

– Các cháu nhi đồng ở đây được đi học từ nhỏ?

– Tất cả đều được đi học. Trẻ em là tương lai của công xã chúng tôi, mọi người đều quan tâm đến chúng. Lên 10 tuổi, ngoài việc học văn hóa và khoa học, các em còn được học lao động thủ công và công việc nghề nông. Lớn lên, em nào cũng biết vẽ, biết làm thơ, em nào cũng biết làm việc, biết trồng trọt.

Du khách trầm trồ khen ngợi.

Tiếp tục đi về phía trước, họ đến trung tâm thành phố Mặt trời. Một nhà thờ nguy nga đứng sừng sững ở phía tây quảng trường, phía đông là hai ngọn tháp lớn vươn lên trời cao, đỉnh tháp là cây thánh giá chữ thập bằng vàng, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Du khách hỏi:

– Các bạn cũng tin vào tôn giáo?

– Vâng, Chúa luôn luôn làm cho lòng chúng tôi trong sáng!

Các bạn có chính phủ không?

– Có chứ! Kia là tòa nhà làm việc của Chính phủ?

Du khách nhìn theo hướng tay chỉ của người thanh niên, thấy một tòa nhà rộng lớn với những cột tròn, có thể chứa được rất nhiều người, nằm mé đông quảng trường.

– Công chức trong Chính phủ của các bạn nhiều lắm nhỉ?

– Không! Rất ít. Hội trường lớn này là nơi hội họp của dân chúng. ở đây các nhân viên quản lý đều do dân bầu ra. Nếu làm việc không tốt thì dân sẽ thay người khác. Người đứng đầu cao nhất cũng do dân bầu. Đó là một con người giàu trí tuệ và giàu tài năng. Ông vừa là giáo chủ vừa là một nhà tư tưởng. Lãnh tụ tối cao có 3 người giúp việc, một người quản “tình thương yêu”, một người quản “sức mạnh”, một người quản “trí tuệ”.

Du khách hiếu kỳ, hỏi lại:

– Quản “tình thương yêu” và “trí tuệ”?

– Vâng. Quản “tình thương yêu” tức là quan tâm đến con người, bởi vì mỗi thành viên của công xã đều là chủ nhân của xã hội, phải quan tâm đến công việc và đời sống của họ. Quản “trí tuệ” là để phát triển khoa học và văn hóa, làm cho mỗi thành viên của công xã đều có học vấn, có kỹ thuật, hiểu khoa học, hiểu nghệ thuật.

Các ông có dùng đến bạo lực không?

– Không, chúng tôi không dùng bạo lực. Nếu dân có sai lầm thì dùng những lời của Chúa để bày vẽ cho họ, làm cho tâm hồn họ trong sạch.

– Thế tại sao lại cần có người quản “sức mạnh”?

– Chúng tôi ở đây không ai sử dụng bạo lực, nhưng cũng không tha thứ cho người khác dùng bạo lực. Nếu có kẻ đến tấn công, chúng tôi sẽ đứng lên chiến đấu. Mọi người ở đây đều tin rằng cách sống của thành phố Mặt trời này là tốt đẹp nhất.

Nghe những lời giới thiệu trên đây, du khách giọng tán thưởng:

– Đúng là đáng ca ngợi thật!

“Thành phố Mặt trời” chỉ là một tác phẩm của chủ nghĩa xã hội không tưởng, nhưng Campanela đã nói lên được một chân lý: Chỉ có xóa bỏ chế độ tư hữu mới có thể tạo được những tiền đề cho khoa học và văn hóa phồn vinh; chỉ có xây dựng một xã hội không có áp bức bóc lột mới có thể làm cho con người phát triển đầy đủ trí tuệ thông minh của mình. Tư tưởng đó đáng để mọi người chúng ta trân trọng. Dĩ nhiên, một giáo sĩ như Campanela không thể nào hiểu được làm thế nào để xóa bỏ chế độ tư hữu, làm những việc gì để xây dựng một xã hội không có giai cấp. Bởi lẽ chủ nghĩa tư bản phát triển đến một chừng mực nào đó thì chủ nghĩa xã hội khoa học mới ra đời được. Ở thời đại của Campanela, điều kiện đó không thể có được.

Có tiếng “lạch cạch” vang lên, cửa ngục mở, một người cai ngục bước vào. Y nói to: Ông đã hết hạn tù và được trả tự do!

Campanela thở một hơi thật dài:

Lạy Chúa! Con lúc nào cũng ở trong lòng Người?

Vị giáo sĩ đó cuối cùng đã được ra tù. Đó là năm 1626, Campanela 58 tuổi. Từ đó, tác phẩm “Thành phố Mặt trời” được công khai xuất bản trên toàn thế giới, trở thành một trong những tác phẩm có ảnh hưởng rộng lớn trong thời kỳ Văn hóa phục hưng ở Italia.

Chọn tập
Bình luận