Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Thời Đại Đan Xen Văn Minh Và Dã Man

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

THỜI ĐẠI ĐAN XEN VĂN MINH VÀ DÃ MAN

Nói tới thời cận đại, người ta liền nghĩ ngay tới xe lửa, tầu thủy, đèn điện, điện báo, máy bay. . . Đây thật sự là thời kỳ phát triển mạnh của văn minh nhân loại. Ngu muội thời nguyên thủy, tàn bạo của chế độ nô lệ, ngoan cố của chế độ phong kiến, dường như tới thời cận đại đã bị quét sạch sành sanh.
Có phải như vậy không?
Đúng – Do sự phát triển của sức sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ sự trói buộc phong kiến, phát triển mạnh lên. Động lực mới và cơ giới hóa, làm cho sức sản xuất phát triển tới tầm cao mới. Khoa học mới và kỹ thuật tiên tiến đã vũ trang cho đôi tay và khối óc con người, loài người thông minh hẳn lên. Thế giới tự nhiên đang được cải tạo và tô điểm theo ý muốn của con người. . .
Cận đại đích thực là thời đại văn minh.
Nhưng tình hình không phải chỉ có như vậy.
Tư bản được tích lũy trong sự cướp đoạt và bóc lột cực kỳ tàn bạo. Từng đồng bạc trắng, từng đồng xu đồng của giai cấp tư sản đều nhuốm đầy máu tươi. Nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp phá sản. Công nhân trở thành người vô sản, ngày đêm bán mình để tồn tại. Người lao động trở thành nô lệ của máy móc. Họ chỉ còn giành được sự nghèo túng và thất nghiệp.
Để mở rộng thị trường hàng hóa, giai cấp tư sản tiến hành cướp đoạt ghê gớm nhân dân các thuộc địa. Họ mở đường bằng súng đạn, đại bác, lộ rõ bộ mặt của kẻ xâm lược. Vấn đề nghiêm trọng bầy ra trước tất cả các dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh là bị tiêu diệt hoặc là bị nô dịch. . .
Để tranh giành thuộc địa, chúng quyết sống mái với nhau, không ngừng tiến hành chiến tranh xâm lược, hàng triệu người dân vô tội bị thiệt hại. Trước thời cận đại, chưa hề có hủy diệt quy mô lớn như vậy, chưa bao giờ có sự chém giết quy mô lớn như vậy!
Cận đại vẫn là thời đại dã man.
Văn minh dứt khoát sẽ chiến thắng dã man, văn minh nhất định chiến thắng được dã man. Giai cấp tư sản ngay từ ngày ra đời đã tạo ra người đào mồ chôn chúng – giai cấp vô sản. Cùng với sự phát triển của phong trào công nhân, đã nảy sinh chân lý sáng ngời của loài người – chủ nghĩa Mác. Chính đảng của giai cấp vô sản đã được thành lập. Chính đảng này lãnh đạo giai cấp vô sản đông đảo đấu tranh sống mái với giai cấp tư sản, dóng lên hồi chuông báo tử giai cấp tư sản!
Toàn bộ lịch sử cận đại là lịch sử của chủ nghĩa tư bản từ phát triển đến suy tàn. Đại thể có thể chia thành hai giai đoạn. Từ Cách mạng tư sản Anh năm 1640 tới đêm trước chiến tranh Phổ – Pháp năm 1870 là giai đoạn một, là thời kỳ chủ nghĩa tư bản “tự do”. Từ Công xã Pari năm 1871 tới cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga năm 1917 là giai đoạn hai, chủ nghĩa tư bản “tự do” chuyển biến thành chủ nghĩa đế quốc, tức là thời kỳ chủ nghĩa tư bản lũng đoạn, thối nát, giẫy chết.
Bây giờ, chúng tôi giới thiệu những câu chuyện lịch sử thời cận đại bắt đầu từ Cách mạng tư sản Anh.

QUỐC VƯƠNG CHẠY TRỐN

Nghị viện Anh đã bị vua Anh Saclơ I (Charles I) đình chỉ hoạt động 11 năm, lại bắt đầu họp vào tháng 11 năm 1640.
– Trật tự! Trật tự! – Người điều khiển cuộc họp rung chuông lớn tiếng nói – Nghị viện vương quốc bắt đầu họp! Chương trình nghị sự hôm nay là thảo luận việc tăng thuế. Quốc vương bệ hạ đã có chiếu lệnh. Phải xuất quân tấn công Scôtlen, người yêu cầu nghị viện thảo luận làm thế nào thu thêm được thuế của nhân dân để làm chi phí quân sự.
– Tôi phản đối! – Nghị sĩ mới trúng cử Haptơn đứng lên nói – Nhân dân đã bị vơ vét không còn gì nữa. Đừng nói gì tới tăng thêm thuế mới, ngay cả thuế thuyền Quốc vương đã cưỡng bức thu cũng phải bãi bỏ đi!
– Tôi cũng phản đối! – Thủ lĩnh nghị viện khóa trước Piam trịnh trọng bước lên bục, nghiêm nghị nói: – Quốc vương muốn đánh trận, chúng ta một xu cũng không cấp! Tôi kiến nghị nghị viện khóa này thông qua nghị quyết: Thứ nhất, phủ quyết chiếu lệnh trưng thu chi phí quân sự của Quốc vương; thứ hai, bắt và xét xử đại thần Strapho, người đã giúp Quốc vương đàn áp nhân dân; thứ ba, tuyên bố Nghị viện của chúng ta là “Nghị viện lâu dài”, từ nay về sau Quốc vương không có quyền đình chỉ hoạt động của Nghị viện!
– Hay! Hay lắm!
Toàn thể phòng họp vang lên tiếng hoan hô nhiệt liệt.
– Tán thành!
– Hoàn toàn tán thành!
Trong tiếng hô tán thành, Nghị viện thông qua một nghị quyết phù hợp với những ý kiến trên.
Nghị viện sao lại thông qua một nghị quyết chống lại Quốc vương. Điều này phản ảnh tập trung cuộc đấu tranh giai cấp ở nước Anh khi đó. Quốc vương Saclơ I là đại diện chung của thế lực phong kiến, còn nghị sĩ trong Nghị viện thì tuyệt đại đa số là đại diện của giai cấp tư sản mới trỗi dậy (chủ yếu là quý tộc mới), lý do đấu tranh giữa hai bên đã có từ lâu. Ngòi nổ của mâu thuẫn này là Quốc vương tiến quân đánh Airơlen và Scốtlen, và đã thu thuế bừa bãi quá quắt đối với dân chúng.
Giai cấp tư sản mới nổi lên đòi hỏi phát triển sản xuất công nghiệp, nhà vua lại giữ đặc quyền lũng đoạn xà phòng, rượu, than, sắt thép, thu lợi nhuận kếch sù. Giai cấp tư sản mới nổi đòi hỏi phát triển ngoại thương, nhà vua lại đặt ra “thuế thuyền”, vơ vét rất nhiều tiền của các nhà tư sản và toàn thể nhân dân.
Giai cấp tư sản mới nổi đòi hỏi dân chủ và tự do, nhà vua lại tăng cường sự kiểm soát của giáo hội. Kẻ nào chống lại giáo hội, sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Có một tiến sĩ tên là Pastơvich, vì viết một quyển sách nhỏ chống lại giáo hội, bị nhà vua hạ lệnh bắt giam, xẻo hai tai, dùng than hồng áp dấu chín vào mặt, còn phạt tiền năm nghìn bảng Anh, bỏ tù chung thân. Bạn ông là Rilben vì chính nghĩa đã xuất bản một cuốn sách Pastơvich viết ở trong tù, cũng bị bắt giam.
Một hôm, Rilben bị giải đi bêu diếu trên đường phố. Cổ ông bị đeo gông nặng, dọc đường bọn lính lấy roi quất vào lưng ông. “Đét!”, một làn roi quất vào áo ông. “Đét!” roi quất vào da thịt ông. “Đét!” “Đét!” roi quất liên hồi, máu túa ra khắp người Rilben, chảy xuống đường phố thành một vệt dài.
Dân thành phố Luân Đôn phẫn nộ đổ tới xem tấn thảm kịch.
– Thưa bà con, chúng ta nhất định phải chống lại nền thống trị bạo ngược của nhà vua và giáo hội! – Rilben bất chấp cường quyền, lớn tiếng kêu gọi.
Bọn lính xé ngay một mảnh áo của ông, nhét chặt vào miệng.
Rilben giằng co giẫy giụa, lấy tay phải, luồn vào túi áo móc ra một tập truyền đơn tung mạnh về phía mọi người, truyền đơn bay lả tả như hoa tuyết, bà con liền ùa ra nhặt.
“Yêu cầu người người phải bình đẳng!” “Có quyền bầu cử rộng rãi!” Truyền đơn đã viết như vậy. Bà con cũng lớn tiếng đọc to lên.
– Cút! Cút ngay! Binh lính xua đuổi bà con vây quanh, áp giải Rilben trở về. Về sau, tòa án xử ông tù chung thân. Nhưng, tư tưởng đòi quyền bình đẳng, phản đối nền thống trị chuyên quyền bạo ngược của nhà vua và giáo hội đã đi sâu vào lòng dân rồi.
Nghị quyết của Nghị viện đã cổ vũ đông đảo nhân dân thành phố. Luân Đôn trở thành trung tâm tuyên truyền cách mạng vào bạo động. Công nhân, thợ thủ công và thợ học việc, tụ tập thành hàng nghìn hàng vạn đổ ra đường phố, đi diễn thuyết và tuyên truyền.
Tháng 3 năm 1641, Nghị viện ra lệnh bắt hai sủng thần của nhà vua và sẽ xử tử hình Strapho.
Tình hình đột nhiên vô cùng căng thẳng.
Vào một đêm, mấy con tuấn mã lao ra khỏi Hoàng cung, phi nhanh khỏi Luân Đôn, phóng về phía bắc.
– Chuyện gì thế nhỉ? – Dân thành phố nghi ngại lo sợ.
– Nhà vua đã bỏ chạy rồi! – Không biết ai đã nói thế.
Phải đi tìm nhà vua ngay! – Lại một số người nữa hét lên. Họ ào ào đổ về phía Hoàng cung, dò la tin tức.
Sau khi điều tra kỹ thì biết vua vẫn chưa đi. Nhưng, ông ta đã âm mưu bí mật cho người đi lên phía bắc, lệnh cho Tư lệnh đóng quân ở thành Yóoc (York) mau chóng tiến quân về Luân Đôn, dùng vũ lực giải tán nghị viện, cứu Strapho.
Ngày 12 tháng 5, cả thành phố Luân Đôn sôi động hẳn lên. 20 vạn nhân dân bao vây Hoàng cung, tổ chức mít tinh tuần hành hừng hực khí thế.
– Đàn áp bọn chúng ngay lập tức! Đàn áp ngay! Đàn áp ngay! – Saclơ I sợ toát mồ hôi, cuống quít ra lệnh cho đội trưởng thị vệ.
– Tâu bệ hạ, không được đâu ạ! Ngoài kia có tới mấy chục vạn người, thị vệ vũ trang bảo vệ Hoàng cung chưa tới một phần nghìn của họ!
Vậy hãy mau mau hộ tống ta đi ngay!
Tâu bệ hạ, cũng không được ạ! hoàng cung bị bao vây chặt tới chuột cũng không chui ra được, chạy đi đâu bây giờ?
– Lẽ nào chúng ta đành chờ chết hay sao?
– Họ nói rằng, chỉ cần ngài ký đồng ý xử tử đại thần Strapho, đồng thời tuyên bố không giải tán Nghị viện, thì sẽ lập tức rút khỏi Hoàng cung.
– Nói láo, vậy ta đường đường, một ông vua như ta đã phải đầu hàng thần dân hay sao?
Đội trưởng thị vệ buông thõng tay, chịu không biết làm thế nào nữa.
– Xử tử Strapho.
– Xông vào hoàng cung!
Quần chúng bên ngoài giận dữ thét lên. Thị vệ vũ trang chung quanh Hoàng cung buộc phải lùi vào Hoàng cung.
– Bệ hạ, tránh voi chẳng xấu mặt nào, bệ hạ ký đi thôi! Đội trưởng thị vệ hia tay trình đề án của Nghị viện.
– Ủng hộ đề án của nghị viện!
– Xông vào Hoàng cung!
Tiếng gào thét giận dữ của quần chúng bên ngoài ngày càng dữ dội.
Nhà vua đưa bàn tay phải run rẩy, cầm lấy chiếc bút lông ngỗng mà tưởng như nặng ngàn cân, ký vào đề án của Nghị viện.
Ngay hôm đó, quan cận thần sủng ái của Saclơ I Strapho đã bị chém đầu ở núi Tháp trong tiếng chửi rủi thậm tệ của quần chúng, còn Rilben bị nhà vua giam cầm lâu ngày đã được thả ra trong tiếng hoan hô vui vẻ.
Nhiệt tình cách mạng của nhân dân thành phố Luân Đôn càng lên cao. Saclơ I cũng tranh thủ bổ sung củng cố đội ngũ thị vệ vũ trang. Chúng vũ trang đầy đủ diệu võ dương oai trên đường phố, khiêu khích nhân dân thành phố cách mạng ở khắp nơi. Nhân dân thành phố Luân Đôn cũng tổ chức dân quân, ngày ngày tập luyện trên phố, hình thành hai lực lượng vũ trang chống chọi với nhau.
Ngày lật bài ngửa giữa nhà vua và Nghị viện đã tới.
Ngày 4 tháng 1 năm 1642, một đội thị vệ vũ trang đằng đằng sát khí, do đích thân Saclơ I chỉ huy, xông vào Nghị viện.
– Bắt ngay Piam, Hapton tất cả năm nghị sĩ! – Nhà vua hùng hồn ra lệnh.
Thị vệ vũ trang lùng sục khắp tòa đại sảnh Nghị viện, không tìm thấy người cần phải bắt.
Lẽ nào chúng đã chạy rồi! – Saclơ I cau mày, trong lòng hoảng sợ.
“U… U!” tiếng còi báo động vang lên. Hóa ra, Piam và mọi người đã có chuẩn bị trước, chờ cho nhà vua và thị vệ vào trong Nghị viện, liền kéo còi báo động.
– Có chuyện gì thế hả? – Nhà vua còn đang bực bội, chợt nghe thấy tiếng chân rầm rập từ xa tiến đến.
– Nghị viện! Đặc quyền! Nghị viện! Đặc quyền! Đội ngũ dân quân Luân Đôn, tay cầm súng, miệng hô vang khẩu hiệu. Đoàn quân bước đi chỉnh tề, tiến đến tòa nhà nghị viện.
– Tâu bệ hạ! Đội dân quân đã tới, chúng ta rút thôi! Đội trưởng thị vệ nói.
– Rút! – Saclơ I chẳng còn biết làm thế nào nữa, nhún nhún vai.
Nhà vua và thị vệ ra tới đường phố, thì từ phía trước một đội quân lớn đã xông tới. Tay họ cầm vũ khí, trên mũ gài đơn yêu cầu ủng hộ Nghị viện.
– Chúng là ai vậy? – Nhà vua nghi hoặc hỏi.
– Tâu bệ hạ! Là nông dân ngoại thành, xem ra có tới 5000 người.
Saclơ I sợ hết hồn, miệng lẩm bẩm:
– Nhân dân thành phố chống ta, nông dân cũng chống ta, ta phải làm thế nào bây giờ?
– Tâu bệ hạ, vẫn phải đến Yooc thôi! Tư lệnh đóng quân tại đấy là trung thần của bệ hạ.
– Ôi! Chỉ còn nước ấy thôi.
Sáu ngày sau, Saclơ I đã bí mật đến thành Yooc.
Nhà vua trốn đi thật. Từ đó, nước Anh xẩy ra tình trạng đối địch giữa hai thế lực. Ở Luân Đôn, Giam cùng năm nghị sĩ được sự ủng hộ của đội tự vệ vũ trang, đàng hoàng triệu tập Nghị viện, tuyên bố Nghị viện giám sát chính quyền, bổ nhiệm đại thần và chỉ huy quân đội, đồng thời tuyên bố dân quân canh giữ thủ đô Luân Đôn. Tại Yooc, vua Saclơ I cũng điều binh khiển tướng tổ chức lực lượng vũ trang phong kiến, chuẩn bị quay trở về Luân Đôn.
Cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt.

SACLƠ I BỊ ĐƯA LÊN ĐOẠN ĐẦU ĐÀI

“Toe toe…” Một hồi kèn quân lệnh đinh tai vang lên trên thành Notingham miền bắc nước Anh. Phía trước thành là sườn núi nhấp nhô, mấy trăm lính bảo vệ vũ trang đang xếp hàng tại đấy, người cao người thấp, nom chẳng ngay ngắn gì cả.
– Chào cờ! – Vua Saclơ I ưỡn ngực, ngẩng cao đầu ra lệnh.
Một lá quân kỳ hoàng gia Anh từ từ kéo lên bầu trời tòa thành.
– Bây giờ, nhân danh Quốc vương ta ra lệnh: Khai chiến với Nghị viện!
– Khai – chiến – với – nghị viện! – Quân bảo vệ đồng thanh hô theo mệnh lệnh Quốc vương. Nhưng vì quân số ít ỏi, nên tiếng hô mất hút rất thành trên sườn núi mênh mông.
Khi ấy, một vị đại thần khẽ kéo vạt áo nhà vua, nói nhỏ:
– Tâu bệ hạ, xin người lưu ý, rất có thể một đêm trời đẹp, nào đó có người tay không đến bắt người đấy ạ!
Thấy chỉ có một nhúm quân sĩ, vị đại thần này đã sợ hãi nhắc nhở nhà vua.
– Chúng ta nhất định thắng lợi! – Saclơ I không thèm để ý, vẫn ngẩng cao đầu hô lớn – Ngày mai tiến quân xuống miền nam, đánh thẳng vào Luân Đôn!.
Đó là ngày 22 tháng 8 năm 1642.
Lúc này, lực lượng vũ trang của Nghị viện cực kỳ lớn mạnh, riêng dân quân Luân Đôn vừa mới được huấn luyện xong đã có tới 18.000 người. Vua Saclơ I chỉ có mấy trăm vệ binh, lực lượng nhỏ yếu hơn rất nhiều. Saclơ I sở dĩ dám phát động nội chiến, chủ yếu vì đã thấy rõ sự mất đoàn kết trong nội bộ Nghị viện. Quả nhiên, nội chiến vừa bắt đầu, số lượng quân đội nhà vua ngày một nhiều lên, chưa đầy hai tháng quân số đã nhiều hơn quân Nghị viện. Quân Nghị viện lên tiếp thất bại, tới cuối năm ấy, quân tiên phong của nhà vua chỉ còn cách Luân Đôn 7 dặm Anh, tình cảnh quân Nghị viện vô cùng khó khăn.
7 giờ chiều ngày 2 tháng 7 năm 1644, trên thảo nguyên Macstơn miền bắc nước Anh đã diển ra trận huyết chiến giữa quân nhà vua với quân Nghị viện.
Ùng òang? ùng oang!
Đạn đại bác của quân Nghị viện như có mắt, nã thẳng vào trận địa quân nhà vua, liên tiếp bắn trúng mục tiêu. Quân nhà vua như chìm trong biển lửa. Đúng vào lúc họ bị đánh tối mũi tối mắt, thì lại nghe thấy tiếng hô xung phong dội tới.
Thiên binh tới! Thiên binh tới Một đoàn kỵ binh ào ào lao tới.
Đoàn kỵ binh người nào cũng cưỡi trên ngựa cao to khỏe mạnh, người nào cũng cầm mã tấu sáng loang, ào ào xông vào trận địa quân nhà vua. Quân nhà vua sợ hãi quay đầu bỏ chạy, nhưng chạy chưa được xa đã rơi vào vòng vây đầy kín của kỵ binh. Tuy ra sức tả xung hữu đột vẫn không thoát khỏi số phận bị tiêu diệt. Chỉ trong một buổi tối, quân nhà vua đã bị giết hơn 4000, bị bắt 1500, rất nhiều pháo và các loại vũ khí khác rơi vào tay quân Nghị viện.
Tổ chức và chỉ huy đạo kỵ binh anh dũng thiện chiến là Ôlivơ Crômoen (Oliver Cromwell).
Crômoen sinh năm 1599 trong một gia đình thân sĩ nông thôn ở quận Huntinhđơn. Tổ tiên ông là tín đồ, trong cải cách tôn giáo đã giầu có lên do cướp đoạt ruộng đất của giáo hội Thiên chúa giáo. Mùa xuân năm 1616, Crômoen vào học trường đại học nổi tiếng, sau đó lại đến Luân Đôn học pháp luật. Năm 1628 được bầu vào Nghị viện, là một người trong “Nghị viện lâu đài” hăng hái chống lại nền chính trị bạo ngược của nhà vua. Khi nhà vua ngang nhiên gây ra nội chiến, ông đã tổ chức một đội quân. Hai năm nay, ông quan sát kỹ đặc điểm chiến thuật của hai bên, nghiên cứu nguyên nhân thắng bại của hai bên, cho rằng xây dựng một kỵ binh anh dũng thiện chiến là then chốt để tác chiến thắng lợi.
Âu Châu thế kỷ XVII, bộ binh đã dùng súng – một loại súng ngắn nòng. Nhưng loại súng này sử dụng rất bất tiện, phải nhồi đạn từ họng súng, rồi dùng mồi điểm hỏa để bắn, gặp phải gió to mưa lớn, rất khó bắt lửa. Bắn xong một phát lại phải nhồi phát khác mới bắn tiếp được. Hơn nữa, lực sát thương của loại đạn này không mạnh, gặp phải kỵ binh mặc áo giáp sắt thì rất ít hiệu quả. Còn kỵ binh hành động mau lẹ, có thể xông thẳng vào trận địa địch chém giết. Cho nên, bộ đội cơ động quan trọng nhất trong tác chiến khi ấy vẫn là kỵ binh.
Ngay tại quê hương, Crômoen bắt đầu tổ chức nông dân tự canh tham gia đội kỵ binh. Nông dân tự canh những người chịu khó chịu khổ, vô cùng căm thù chế độ phong kiến, đại đa số lại theo Tân giáo, chống lại giáo hội Thiên chúa giáo, có tinh thần dân chủ nhất định; hơn nữa bản thân họ có ngựa, giỏi cưỡi ngựa bắn súng, thuận lợi cho việc huấn luyện. Vì vậy, đội kỵ binh của Crômoen mỗi khi xuất trận, là có thể lấy ít thắng nhiều, càng chiến đấu càng dũng mãnh, người ta gọi là “kỵ binh thép”. Năm 1642, khi Crômoen tổ chức ra đội kỵ binh mới chỉ có 60 người, quân hàm mới chỉ là đại úy. Tới năm 1644, ông đã là trung tướng tư lệnh chỉ huy đạo quân hàng vạn người.
Crômoen đại thắng quân nhà vua ở Macstơn, song thế lực quân nhà vua chưa bị suy giảm. Saclơ I lợi dụng sự mất đoàn kết nội bộ trong Nghị viện, đánh thắng mấy trận liền. Nghị viện quyết định cử quân của Crômoen và Mansestơ đánh giáp công trước sau, tiêu diệt triệt để quân nhà vua. Tuy nhiên, khi bao vây quân nhà vua, Mansestơ lại không chặn đường nhà vua theo kế hoạch, mà lại để cho Saclơ chạy thoát.
– Thưa ngài Mansestơ, sao ngài lại để cho vua chạy đi như thế? Crômoen tức giận hỏi.
– Hầy hầy! – Mansestơ lắc đầu trả lời – Xin ngài chú ý, Quốc vương bệ hạ là chí của Thượng đế, không thể đánh thắng được.
– Đúng, chiến thắng được nhà vua có rất nhiều khó khăn, có điều, chúng ta phải tiến công liên tục… Crômoen cố nén cơn thịnh nộ, giữ giọng bình tĩnh nói:
Mansestơ, xua xua tay ngắt lời ông, đứng lên nói:
– Thưa tướng quân Crômoen! Ngài phải hiểu một sự thực như thế này: Chúng ta đánh bại Quốc vương 99 lần, ông ta vẫn là quốc vương; Quốc vương chỉ đánh bại chúng ta một lần thôi, chúng ta sẽ bị xử treo cổ, con cháu chúng ta mãi mãi trở thành nô lệ!
– Xin hỏi ngài: Ban đầu vì sao chúng ta dấy binh? – Crômoen vặn lại – Phải chăng căn bản không nên đánh nhau với Quốc vương? Vì sao ngài không đi giảng hòa với Quốc vương, cho dù nó là một nền hoà bình nhục nhã nhất?
Thực tế lúc đó, trong Nghị viện đã có người đi đàm phán với Quốc vương, nhưng không thành công. Sau lần tranh luận này, nhờ sự kiên trì của Crômoen và những người khác, quân đội Nghị viện chính thức cải tổ, các tướng lĩnh như Mansestơ đều giải ngũ hết, Crômoen làm Phó Tổng tư lệnh. Binh lực quân Nghị viện tất cả là hơn 21000 người, 1/3 trong đó là “kỵ binh thép” vốn do Crômoen chỉ huy. Cơ-rôm-oen xây dựng quân kỷ nghiêm khắc: binh lính mắng mỏ người khác phạt 12 penxi (đơn vị tiền tệ Anh, bằng một phần trăm bảng); uống rượu thì chịu hình phạt kẹp đùi; cấm trộm cắp, gian dâm, nếu phạm thì chịu hình phạt nghiêm khắc nhất. Do kỷ luật quân đội của ông nghiêm túc nên, nhân dân đều tự nguyện ghi tên tham gia. Đồng thời, Crômoen cũng phá ranh giới địa vị xã hội, đề bạt dân thường anh dũng thiện chiến làm lãnh đạo chỉ huy. Thủ hạ của ông có hai thượng tá, một người vốn là thợ gò đồng, một người vốn là phu xe ngựa. Ông còn sử dụng tôn giáo làm vũ khí tinh thần cổ vũ binh lính, lúc tác chiến thường hô: “Thiên binh tới”. Sau một thời gian chỉnh đốn, sức chiến đấu của đội quân này mạnh hẳn lên, giành được danh hiệu vẻ vang “đội quân gương mẫu”.
Sáng tinh mơ ngày 14 tháng 6 năm 1645, vùng gần làng Nadơbai miền trung nước Anh, sương phủ dầy đặc. Trận quyết chiến giữa quân nhà vua và quân Nghị viện đã diễn ra ở đây. Saclơ I muốn công kích chớp nhoáng để phá vỡ trận địa quân Nghị viện. Tuy nhiên, đúng vào lúc đội xung kích của Saclơ I truy kích một phó tướng quân Nghị viện thì kỵ binh của Crômoen đã cánh phải của quân nhà vua, chọc thẳng vào hậu phương. Saclơ I hất hoảng, vội vã hóa trang thành một người hầu trà trộn vào đám lính gác của quân Nghị viện, trốn sang Scôtlen. Quân nhà vua bị tiêu diệt hoàn toàn, hơn 5000 người bị bắt sống, toàn bộ vật tư quân sự rơi vào tay quân Nghị viện. Điều quan trọng hơn là bắt được rất nhiều giấy tờ Saclơ I tư thông với nước ngoài, lộ rõ tội phản quốc của ông ta. Tháng 2 năm 1647, nghị viện Anh bỏ ra 40 vạn bảng, “mua” Saclơ I từ Scôtlen về và tống vào ngục.
Sau đó, Saclơ I đã từng vượt ngục, và cấu kết với người Scôt-len gây ra nội chiến lần thứ hai. Nhưng với đòn tấn công của Crômoen và quân đội mới, nội chiến lần thứ hai chấm dứt với sự sụp đổ hoàn toàn của quân nhà vua. Qua xét xử, Saclơ I bị xử tử hình.
Ngày 30 tháng 1 năm 1649, trên quảng trường Hoàng cung, người đông nghịt. Mọi người đổ về đây xem xử tử nhà vua.
Đoạn đầu chạy dài giữa quảng trường. Bên cạnh đó là quân kỵ binh thép hàng ngũ chỉnh tề uy nghiêm hùng dũng.
– Đến rồi? Đến rồi kìa! Mọi người chợt réo to. Cánh cửa nách hoàng cung mở ra, từ trong giải ra một phạm nhân, ông ta chính là Saclơ I vua nước Anh, người tự cho mình là tôn quý nhất trên đời.
– Saclơ là bạo chúa, tên phản bội, kẻ giết người và kẻ thù chung của nhân dân, bị xử tội tử hình! Tòa án tối cao tuyên bố trước công chúng.
– Tuyệt? Tuyệt lắm! – Mọi người nhất tề hô lớn.
– Chấp hành lệnh xử tử – Quan tòa tuyên bố, giọng sang sảng.
Saclơ đã không còn hồn vía, đáng đường bệ ngạo nghễ ngày xưa đâu còn nữa. Chỉ thấy ông ta nặng nhọc lê bước, loạng choạng bị lính giải lên đoạn đầu đài. Đao phủ vung dao lên rồi hạ xuống, chiếc đầu nhiều năm đội vương miện lập tức lăn ngay xuống.
Xử tử nhà vua rồi, nước Anh tuyên bố là nước Cộng hòa, cách mạng tư sản bước vào giai đoạn mới.

HỘ QUỐC CÔNG CRÔMOEN

Năm ngày sau, tin xử tử vua Anh Saclơ I truyền tới Êđinbua thủ đô Scôtlen. Ngày hôm sau, nghị viện Scôtlen tuyên bố, lập con trai Saclơ I là Saclơ II lên làm vua.
Vua nước Anh, làm sao lại có thể do nghị viện Scôtlen lập lên nhỉ? Có chuyện như thế này.
Anh và Scôtlen tuy cùng trên đảo Great Britain, nhưng một thì ở phía Nam, một thì ở phía Bắc, vốn dĩ là hai quốc gia. Phần trước chúng tôi đã kể chuyện, nữ hoàng Scôtlen Mari bị nữ hoàng Anh Êlisabet giết. Ít lâu sau, Êlisabet cũng chết, bà không có con, ngôi vua do ai kế vị đây? Theo di chúc của bà, con trai của nữ hoàng Scôtlen Mari được đón về Luân Đôn để kế ngôi vua nước Anh. Vậy là đã xuất hiện chuyện mới lạ hai quốc gia chung một vua. Saclơ I là cháu trai của Mari, đương nhiên cũng là vua của Scốtlen. Ông bị Nghị viện Anh xử tử, Nghị viện Scôtlen đương nhiên phản đối, cho nên mới lập con trai của ông là Saclơ II lên làm vua, đồng thời đẩy mạnh chuẩn bị tấn công nước Anh.
Không khí Luân Đôn cực kỳ căng thẳng.
Nghị viện Anh lập tức cử người báo với Crômoen. Nhưng Crômoen khi đó không ở Luân Đôn.
Ông đi đâu vậy? Ông đang tiến đánh Airơlen, giết hại nhân dân ở đấy.
Airơlen là một hòn đảo ở phía tây Great Britain. Bọn thống trị Anh từ lâu đã muốn đặt Airơlen dưới sự thống trị của mình. Sủng thần Strapho của Saclơ I đã từng làm tổng chỉ huy xâm lược Airơlen. Năm 1649, Nghị viện Anh quyết định Crômoen làm Tổng tư lệnh quân viễn chinh. Ông nhanh chóng thành lập một hạm đội khổng lồ gồm 130 chiến thuyền, có tất cả 12000 binh lính vũ trang đầy đủ tiến đánh Airơlen. Crômoen ra lệnh, giết tất cả những người Airơlen có vũ khí, còn những cư dân Airơlen khác thì bắt và bán sang quần đảo Tây Ấn Độ làm nô lệ.
Tin người Scôtlen lập Saclơ II lên làm vua truyền tới Airơlen, Crômoen lập tức giao chức Tổng tư lệnh quân viễn chinh cho con rể là Airơtơn, còn mình thì đi suốt ngày đêm trở về Luân Đôn, chuẩn bị nghênh chiến.
Ngày 1 tháng 1 năm 1651, Saclơ II. chính thức tổ chức lễ Đăng quang tại một thị trấn nhỏ ở miền bắc Scôt-len.
Một sự kiện trọng đại như vậy, tại sao không cử hành tại thủ đô Scôtlen? Hóa ra, Cromoen đã tiến quân thần tốc, Êđinbua đã bị quân Anh chiếm mất rồi.
– Ha ha, xem ra vở tuồng này sắp hạ màn rồi! – Tại Êđinbua, Crômoen vô cùng đắc chí nói.
– Vâng, thưa Tướng quân, ngài tiến quân thần tốc, vương miện của Saclơ II chẳng đội được lâu đâu. – Một tướng lĩnh phụ họa theo.
– Thưa Tướng quân, ngài chỉ huy tài tình, trận đánh gần đây đã diệt 3000 lính Scôtlen, bắt sống 10000, mà chúng ta thiệt hại chưa tới 12 người! Với thiên tài như vậy của ngài, việc tiêu diệt người Scôtlen nhất định thắng lợi. – Lại một tướng lĩnh nữa a dua theo.
Ta có một kế hoạch mạo hiểm. – Crômoen phấn khởi nói – Tập trung hết quân hạm lại, nhanh chóng chuyển quân tới đổ bộ lên hậu phương Scôtlen, đánh giáp công nam bắc, quét sạch quân của Saclơ II.
– Hay lắm! Tán thành!
– Thật là mưu cơ kỳ diệt!
Các tướng lĩnh đồng thanh phụ họa.
Tuy nhiên, việc Crômoen điều quân lên phía bắc, đã mở đường cho Saclơ II tiến quân xuống phía nam. Tháng 8 năm 1651, quân Scôtlen tiến vào lãnh thổ nước Anh.
– Rút quân về phía nam ngay – Crômoen ra lệnh.
Trận này, ông dụng binh đặc biệt thận trọng, điều động hai cánh quân khác, với binh lực gấp ba vây hãm Saclơ II. Ngày 3 tháng 9, tiêu diệt hoàn toàn quân của Scôtlen, Saclơ II được sự bảo vệ của người đảng bảo hoàng, vượt biển trốn sang Pháp, coi như bảo toàn được tính mạng. Crômoen thừa thắng tiến quân, chiếm toàn bộ Scôtlen. Từ đó, ông giành được danh hiệu “Tướng quân bách thắng”.
– Bây giờ, đã tới lúc tính chuyện những ông nghị sĩ rồi đây! – Sau khi giành thắng lợi từ Scôtlen về, Crômoen đã không thỏa mãn với việc chỉ nắm quyền chỉ huy quân sự nữa, ông nói: – Những nghị sĩ tham ô, gian trá làm bậy ấy, ta phải cho họ biết tay mới được.
Ngày 19 tháng 4 năm 1653, Crômoen triệu tập hội nghị sĩ quan tại Nhà Trắng Luân Đôn, yêu cầu Nghị viện tự động giải tán.
Ngày hôm sau, Nghị viện triệu tập hội nghị, chuẩn bị một bộ luật bầu cử mới, công khai chống lại Crômoen.
– Ta lập tức đến ngay Nghị viện! – Crômoen nghe được tin này, vô cùng giận dữ, không kịp thay lễ phục, đem ngay một đội quân tiến vào Nghị viện.
– Thưa các vị nghị sĩ! Tội của các vị đã quá nhiều. Thượng đế đã từ bỏ các vị, phải chọn lựa những người tốt hơn để nắm chính quyền – Crômoen giọng sang sảng tuyên bố.
– Làm sao ông dám hạ nhục Nghị viện! – Các nghị sĩ tức giận lên án Crômoen.
– Đủ rồi? Đủ lắm rồi? Các ông không được nói vớ vẩn nữa? Crômoen vừa dậm chân và hét lên – Tôi không thừa nhận Nghị viện này của các ông, tôi gạt bỏ các ông.
Tiếp đó, Crômoen chỉ vào từng người nói:
– Ông là kẻ nghiện rượu,
– Ông là tên dâm loạn.
– Ông nhận hối lộ tham nhũng.
– Ông phá hoại đạo đức. Các ông cút hết ngay.
Crômoen vung tay lên, hai trung đội lính súng đã lên đạn xông vào nghị viện, đuổi tất cả các nghị sĩ ra. Nghị trưởng ngồi nguyên không đứng dậy, Crômoen lập tức cho lính lôi tuột ông ra khỏi đại sảnh.
– Đưa bản dự thảo bầu cử đây – Crômoen đi thẳng tới trước mặt thư ký Nghị viện, giật lấy văn bản, lật mũ ra nhét vào trong rồi lại đội mũ lên đầu.
– Chúng ta nên giải quyết cái thứ này thế nào? – Crômoen cầm chiếc gậy quyền lực của Nghị trưởng nói – Mang nó đi thôi!
Chiếc gậy quyền lực vốn dĩ tượng trưng cho quyền lực nhà nước, trong tay Crômoen trở thành thứ “đồ chơi”.
– Khóa cửa lại – Khi Crômoen rời khỏi tòa nhà Nghị viện đã ra lệnh cho binh lính.
Ngày 16 tháng 12 năm 1653 , Luân Đôn tổ chức lễ nhậm chức long trọng. Đoàn đại biểu gồm tướng lĩnh, quan tòa, bộ trưởng Chính phủ, Thị trưởng Luân Đôn đề nghị đại hội, mời Crômoen nhận chức “Hộ quốc công nước Anh, Scôtlen, Airơlen”, đồng thời tuyên đọc trước trong đại hội “Văn kiện cai trị” do Hội đồng quân đội khởi thảo. Văn kiện này chính là hiến pháp mới của nước Anh . “Văn kiện cai trị” quy định, Hộ quốc công là chức vụ suốt đời, mọi phương châm chính sách của nhà nước đều phải được Hộ quốc công thông qua mới có hiệu lực.
– Tôi tuyên thệ trung thành với “Văn kiện cai trị”, bản hiến pháp mới! – Sau khi tuyên thệ , Crômoen ngồi lên chiếc ghế dựa đặt ở giữa giống như ngai vàng của vua. Ông đội mũ vành rộng nạm vàng, mặc lễ phục, nhận chức vụ cao nhất.
Quan nghi lễ dâng ngọc tỉ – quốc ân của nhà nước. Thị trưởng Luân Đôn đưa biểu tượng của Thống soái tối cao nhà nước. Crômoen tiếp nhận từng thứ một.
Trong tiếng hô vang dậy của binh sĩ, lễ nhậm chức Hộ quốc công kết thúc. Crômoen vào ở trong Nhà Trắng. Từ đó, ông trở thành người thống trị tối cao nước Anh, cho mãi tới khi ốm chết vào tháng 9 năm 1658.

KHÔI PHỤC NGÔI VUA VÀ CÁCH MẠNG QUANG VINH

Ba mươi năm sau ngày Crômoem qua đời, ngày 31 tháng 1 năm 1661, tại căn cứ ngoại ô gần Luân Đôn quân cảnh đứng dầy đặc, như sắp có quân địch, không khí im lặng như chết.
– Leng keng! Leng keng! – Tiếng chuông xe ngựa đã đến gần. “Sịch – sịch” xe ngựa dừng lại, một người trung niên đội vương miện bước xuống, ông là Saclơ II.
– Bêu đầu thị chúng kẻ đã giết vua! – Nhà vua ra lệnh.
Một đám người của đảng Bảo hoàng nhanh chóng tập hợp lại, họ cầm xẻng, búa rìu và cuốc chim, đi thẳng tới các ngôi mộ. Bia mộ thứ nhất bị đập tan, trên đó có khắc chữ “Hộ quốc công Crômoen”, bia mộ thứ hai cũng bị đập nát, chữ khắc trên đó là “Tổng đốc Airơlen – Irơtơn” – con rể của Crômoen…
Mộ đã bị đào lên. Thi thể của Crômoen và con rể thối rữa. Nhưng đảng Bảo hoàng đâu có chịu buông tha, đã chặt hai cái đầu treo lên quảng trường bên ngoài ngôi đền Siminstơ để “bêu đầu thị chúng”.
– Đây là kết cục của kẻ giết vua! – Saclơ II nghĩ đến cha Saclơ I bị giết, bất giác không cầm được nước mắt. Ông nghiến răng, thét lên như điên: Giết! Giết! Giết hết cho ta!
Cả nước Anh chìm trong không khí sợ hãi.
Sau khi Crômoen qua đời, những người bảo hoàng trong nghị viện Anh cũ đã “mời” Saclơ II từ nước Pháp về. Từ đó, nước Anh bước vào thời kỳ khôi phục vương triều Tua (Stuart).
Saclơ II lên ngôi đưa vào sự ủng hộ của quốc vương nước Pháp. Khi lên cầm quyền, Saclơ II bán Đoongkec (Dunkerque) mà Crômoen đã giành được từ tay Tây Ban Nha cho Pháp. Đoongkec là cơ sở buôn bán duy nhất của Anh ở đại lục Châu Âu, bán cho Pháp, nước Anh mất chỗ đứng trên đại lục. Đông đảo nhân dân, nhất là giai cấp tư sản đã vô cùng bất mãn, cho rằng “đã mất chiếc chìa khóa dắt ở thắt lưng rồi”. Để đền đáp lại, chính phủ Pháp liên tục ủng hộ Saclơ II bằng cách cho vay “nợ”- Saclơ II có chỗ dựa, đã làm mưa làm gió trong nước. Nghị viện bị giải tán, quyền tự trị của thành phố bị xóa bỏ. Một số dân quyền giành được thời cách mạng Anh bị tước sạch trơn.
Năm 1665, Saclơ II chết. Ông không có con trai hợp pháp ngôi vua do em trai là Giêm II kế vị Giêm II là tín đồ Thiên chúa giáo cuồng nhiệt, ngoài việc kế thừa chính sách khôi phục vương triều của anh trai ra, còn đàn áp điên cuồng tôn giáo, làm cho cả nước Anh sôi sục căm thù oán hận.
Đúng vào lúc đó, xuất hiện một “thái tử” của Saclơ II.
Ngày 11 tháng 6 năm 1685, có một người tự xưng là công tước Manmôt do người vợ hợp pháp của Saclơ II sinh ra, kéo một đội quân vũ trang 150 người, đổ bộ lên bờ biển tây nam nước Anh. Đổ bộ vào nước Anh, ông công khai lên án nền chính trị chuyên chế của Giêm II, tỏ ý muốn triệu tập nghị viện, lấy dân quân thay thế quân thường trực, đồng thời còn muốn khôi phục tự do tôn giáo. Nhân dân Anh vốn đang căm giận vương triều tái lập, đua nhau đứng lên hưởng ứng, tạo thành cuộc khởi nghĩa nhân dân thanh thế lớn lao, chưa đầy hai tuần, đội ngũ khởi nghĩa đã tăng vọt lên hàng trăm lần.
Trong Hoàng cung Luân Đôn, Giêm II đang họp các đại thần bàn cách đối phó.
– Tâu bệ hạ, Manmôt công tước nói, ông ta mới là người kế thừa ngôi vua. . . – Một đại thần ấp úng thưa.
– Nói láo, Manmôt là con riêng, ta không công nhận hắn! Hắn có bao nhiêu quân? – Điều Giêm II quan tâm là lực lượng khởi nghĩa lớn nhỏ thế nào.
– 15000.
– Ở đâu ra mà nhiều như vậy? – Giêm vô cùng kinh ngạc.
– Nông dân, thợ thủ công miền tây nam đều tham gia, lại còn mấy nghìn thợ mỏ ở khu mỏ Môntip. . .
– Chúng tiến đến đâu rồi?
– Đã đến bang Samôset, chuẩn bị đánh vào Luân Đôn.
– Ồ Giêm đang suy nghĩ chợt ngẩng đầu lên lớn tiếng nói – Ồ. . . Con rể của ta. Con rể của ta Uyliam, bây giờ đang cầm quyền ở Hà Lan. Quân của nó hùng mạnh lắm, sao lại không mời đến giúp ta nhỉ?
– Vâng! Vâng! Bệ hạ thánh minh, chúng ta nhất định phải đón ông ta về đây. – Các đại thần nhao nhao phụ họa, và lập tức mời quân đội Hà Lan về đàn áp.
Tháng 7, Uyliam phái ba quân đoàn Hà Lan đến, dàn trận chiến đấu ác liệt với quân khởi nghĩa tại Burixioat. Quân khởi nghĩa diệt được 300 địch quân. Cuối cùng vì ít không không lại được nhiều, đã bị dìm trong biển máu. Giêm II đã trả thù rất dã man quần chúng khởi nghĩa. Chỉ trong mấy ngày, đã có 330 người bị treo cổ, hơn 800 người bị bán sang Jamaika bên kia bờ Đại tây dương làm nô lệ; Manmôt cũng bị giải đến Luân Đôn treo cổ.
Khởi nghĩa bị đàn áp, chính sách của Giêm càng phản động hơn, công khai coi Thiên chúa giáo là quốc giáo. Điều đó càng gây sự phẫn nộ giai cấp tư sản quý tộc mới. Vì vào thời kỳ cải cách tôn giáo, thế hệ ông cha của họ dựa vào việc cướp đoạt điền sản của giáo hội Thiên chúa giáo mới trở thành quý tộc mới. Nếu khôi phục Thiên chúa giáo thành quốc giáo, thì họ không thể tồn tại được. Thế là, từ quần chúng công nông tới giai cấp tư sản đều muốn trừ khử Giêm. Giai cấp tư sản quý tộc mới đã thai nghén một phương án vừa tránh được khởi nghĩa của công nông lại “cách” được cái “mạng” của vương triều Giêm II.
Tháng 11 năm 1688, Giêm đang chuyện phiếm với mấy vị đại thần trong hoàng cung, chợt một vị đại thần hớt hải chạy vào.
– Tâu bệ hạ, con rể của người – ngài Uyliam, đã dẫn 12000 quân Hà Lan đổ bộ lên bờ biển phía đông rồi.
– Nó đến làm gì thế? Quân Hà Lan hai năm trước đã về nước cả rồi kia mà? – Giêm rất bối rối hỏi.
Ông ta, không, ngài Uyliam lần này đến, là do hai đảng của Nghị viện nhất trí mời, ông ta đến nước Anh để. .. để. . . kế vị ngôi vua. – Vị đại thần ấp úng tâu, vừa nói vừa thở.
– Ta chưa chết cơ mà! Hơn nữa, phu nhân thứ hai của ta đã sinh con trai rồi, làm sao nó lại đến kế ngôi của ta được? – Giêm không thể ngờ được rằng, con rể lại có thể đến cướp ngôi cướp quyền của mình, người run lên bần bật.
Đang lúc tâm trạng nặng nề, lại một đại thần nữa hốt hoảng chạy từ ngoài vào.
– Chuyện gì thế? – Giêm lòng như lửa đốt hỏi.
– Tâu bệ hạ, Tổng tư lệnh quân nhà vua, tướng Sơcsin đã đầu hàng ngài Uyliam rồi ạ!
– Ôi! – Giêm như bị phang một gậy vào đầu, ngất lịm đi trên ngai vàng.
– Bệ hạ lai tỉnh! Bệ hạ lai tỉnh! Chúng ta trốn sang nước Pháp thôi! – Một đại thần hốt hoảng hiến kế sách.
– Ôi, chỉ còn nước ấy thôi. – Giêm mở choàng mắt, hai tay buông xuôi, chẳng còn biết làm thế nào hơn được nữa.
Nhưng, Giêm II trốn đến quận Kentơ thì bị chặn lại. Khi ông ta về tới Nhà Trắng, quân đội Hà Lan theo lệnh Uyliam đã bắt ông, giam vào pháo đài ở ven biển.
Mới đầu, Giêm vô cùng lo lắng, sợ mình có thể bị giết. Tuy nhiên, sau một tuần ông ta lại cười ha hả.
– Ha ha, ta ra được rồi!
– Tâu bệ hạ, ngài nói gì thế ạ. – Mấy người tâm phúc cùng bị giam với Giêm túm lại hỏi.
– Uyliam là con rể ta, nó sẽ thả ta ra thôi!
– Có tin tức gì không ạ? – Mấy người tâm phúc tưởng rằng sắp có người đến thả họ.
– Không! Không! – Giêm xua tay.
– Ôi, xem ra chúng ta chẳng hy vọng gì được tha. – Mấy người lại lui ra, nhìn biển cả bên ngoài, trong ánh mắt lộ rõ vẻ thất vọng.
– Các ông nhìn xem? Giêm chỉ vào pháo đài nói – Phía tây là đất liền, có quân đội Hà Lan canh giữ. Phía đông là biển, không những không có quân canh giữ mà lại có một chiếc thuyền. Vẫn chưa hiểu à? -Đấy là họ bảo chúng ta mau mau theo đường biển mà trốn! Uyliam là con rể ta, nó sẽ không giết ta đâu! Đồ ngốc!
Mấy người tâm phúc đã hiểu ra lập tức chuẩn bị, và tối hôm ấy họ lên thuyền chạy trốn, ngày thứ ba thì đến được nước Pháp.
Uyliam lật đổ vương triều vừa hồi phục, xây dựng một quốc gia quân chủ lập hiến. Vua chỉ là nguyên thủ về mặt nghi lễ, chuyện đại sự quốc gia đều thông qua Nghị viện quyết định, do nội các (chính phủ) thi hành. Đồng thời, cũng khôi phục lại một số dân quyền thời kỳ cách mạng Tư sản quý tộc mới cảm thấy rất hài lòng, gọi sự kiện này là cuộc “cách mạng quang vinh”, ý muốn nói đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Kỳ thực, sự thay đổi chính quyền không có quần chúng nhân dân tham gia, chỉ có thể coi là một cuộc đảo chính.
Năm 1707, Anh và Scôt-len chính thức hợp nhất, gọi là “Đại vương quốc Anh”, gọi tắt là “nước Anh”. Chính thể quân chủ lập hiến đã thúc đẩy sự phát triển chủ nghĩa tư bản Anh. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, nước Anh dần dần trở thành một quốc gia lớn mạnh nhất thế giới.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky