Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Cái Chết Của Giáo Chủ

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 CÁI CHẾT CỦA GIÁO CHỦ

Catêrin, Giáo chủ xứ Lăng (Pháp) vừa từ nước Anh trở về. Ông đi gặp nhà vua Anh để quyên tiền. Mọi việc đều thuận lợi. Ông trở về thành phố trong tâm trạng rất vui.

Nhưng hai vị Phó giáo chủ đi đón ông thì lòng dạ bứt rứt không yên. Sau mấy lời thăm hỏi Giáo chủ, hai vị Phó giáo chủ giọng rụt rè:

– Thưa Giáo chủ, xin ngài tha thứ cho chúng tôi. Trong thời gian Ngài đi vắng, chúng tôi đã thay mặt Ngài – vị chúa tể của thành phố, ký với đại biểu dân chúng một hiệp định về vấn đề trung thành tin cậy lẫn nhau.

Giáo chủ vui vẻ hỏi:

– Hiệp định gì vậy?

– Thế này ạ – Phó giáo chủ vẻ mặt tươi tỉnh – Các đại biểu của nhân dân thành phố họ xin mỗi năm sẽ nộp cho chúng ta một khoản tiền lớn và chúng ta thì giao thành phố cho họ quản lý. Từ nay về sau, mọi thứ thuế khóa, lao dịch, tư pháp, hành chính chúng ta sẽ không quản nữa. Thưa Giáo chủ, Ngài sẽ được rất thảnh thơi ạ!

Số là từ đầu thế kỷ thứ XII, các thành thị trong vương quốc Pháp đều thuộc lãnh chúa. Thị dân đều là nông nô lệ thuộc vào lãnh chúa. Giáo chủ đồng thời cũng là lãnh chúa, thành phố do ông ta quản. Để tăng thu nhập, lãnh chúa không từ một thủ đoạn nào vơ vét của cải của người dân thành phố, cho nên người dân đành thà cam chịu nộp cho lãnh chúa một khoản tiền lớn, xây dựng được một hình thức tổ chức xã hội là công xã thành thị để giành lấy quyền tự mình quản lý mình còn hơn. Cuộc đấu tranh nhằm làm cho các thành thị phong kiến thời trung cổ trở thành một thành phố tự do dĩ nhiên có ý nghĩa tiến bộ đối với sự phát triển thành phố. Nhưng dưới con mắt của Giáo chủ Catêrin thì đó là một điều quái gở, gây tổn thất to lớn đến lợi ích và cả thể diện của ông. Vị Phó giáo chủ vừa dứt lời, ông đã sa sầm nét mặt, giận dữ nói:

– Các ông to gan thật! Việc đại sự như thế mà các ông dám tự ý quyết định khi tôi vắng mặt. Tôi sẽ tâu với đại giáo chủ truy cứu trách nhiệm của các ông!

Vị Phó giáo chủ giọng tỏ ra không nao núng:

– Xin Giáo chủ bớt giận. Việc đó đúng là trọng đại thật, nhưng để cho bình dân xây dựng công xã, tự quản lý lấy thành phố thì đã có tiền lệ, đâu phải là sáng kiến đầu tiên của thành phố ta. Các thành phố Côblê, Xanh Côngtăng chẳng phải đã thực hiện rồi đó sao? Hơn nữa, Quốc vương cũng đã hứa sẽ bảo đảm quyền lợi đó của họ. Thấy bảo họ đã dâng cho Quốc vương rất nhiều lễ vật…

Nghe nói Quốc vương cũng đồng ý cho thành phố Lăng tự trị, giáo chủ sững sờ người. Nhưng cuối cùng, khi nghe hai vị phó giáo chủ công bố con số không lồ mà dân thành phố giao nộp để đổi lấy tự do thì vị Giáo chủ đã hết cơn giận dữ. Tiếp đó, cũng như Quốc vương, Giáo chủ tuyên thệ bảo hộ mọi quyền lợi của công xã.

Giáo chủ Catêrin không phải chỉ có lòng tham vô độ, mà còn là một con người không giữ tín nghĩa. Sau khi tiêu hết số tiền dân nộp, ông ta bắt tay thực hiện âm mưu phá hoại công xã để tiếp tục nhũng nhiễu dân chúng. Để thực hiện âm mưu ấy tất nhiên phải được nhà vua đồng ý. Mùa xuân năm 1112, giáo chủ Catêrin mời Quốc vương đến thành phố Lăng để dự lễ “Tuần tuẫn nạn của Chúa cứu thể” (Tuần lễ Kitô giáo kỷ niệm Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thánh giá), xúi giục Quốc vương hủy bỏ lời tuyên thệ, thủ tiêu công xã, thu hẹp quyền lực của thành phố như trước đây. Dân trong thành phố biết tin liền cử người đến tâu với Quốc vương, tự nguyện góp thêm một khoản tiền lớn cho nhà vua, đề nghị Quốc vương tiếp tục thực hiện lời hứa cũ. Nhưng Giáo chủ và bọn lãnh chúa lại nhận lời đưa cho Quốc vương một khoản tiền lớn hơn. Vị Quốc vương tham lam đương nhiên đứng về phía nào cấp cho ông ta nhiều hơn. Kết quả ông đã tuyên bố phế bỏ hiệp định.

Bọn lãnh chúa hết sức lo lắng về khoản tiền phải nộp cho nhà vua, nhưng ngược lại Giáo chủ vỗ ngực bảo họ không phải lo lắng gì:

– Nếu Cha không thực hiện được lời hứa thì các con giam cha vào nhà tù của quốc vương.

Lại còn nói rằng:

– Ai bỏ bao nhiêu tiền để xây dựng công xã thì cũng phải bỏ bấy nhiêu tiền để thủ tiêu nó!

Những tin tức đó nhanh chóng bay đến tai dân chúng, cả thành phố lập tức náo động. Tất cả các viên chức đều nghỉ việc, các cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa. Dân quyết định phải dùng bạo lực để dồn giáo chủ và bọn đồng mưu đến chỗ chết.

Buổi tối trước ngày Lễ Phục sinh (ngày lễ Kitô giáo kỷ niệm Giêsu sống lại), thị trưởng Lăng báo cho Giáo chủ Catêrin biết tin quần chúng chuẩn bị bạo động, cảnh báo cho Giáo chủ ngày mai không nên đến làm lễ ở nhà thờ. Nghe báo vậy, vị Giáo chủ ngông cuồng quát tướng lên:

– Hầm! Ta mà lại có thể chết trong tay lũ chúng ư?

Mạnh mồm vậy thôi, ngày hôm sau quả nhiên không thấy ông ta dám bén mảng đến nhà thờ.

Năm ngày sau lễ Phục sinh, đúng lúc Giáo chủ Catêrin đang ở nhà bàn bạc với các Phó Giáo chủ về việc thu tiền của dân như thế nào thì nghe ngoài cửa có tiếng người ồn ào lẫn tiếng hô “Công xã! Công xã!” Trong chốc lát, dân thành phố người cầm gươm cầm rìu, người thì cung nỏ gậy gộc, giáo mác. . . đã tiền gần nhà Giáo chủ. Một người gác nhà Giáo chủ vừa vác giáo bước qua cổng bị ngay một nhát rìu hai lưỡi hạ gục; một tên lãnh chúa định chạy vào cũng bị một nhát giáo đâm xuyên lưng; một vệ sĩ khác thương tích đầy mình vừa đánh vừa rút, cuối cùng trúng một mũi tên ngã ngục bên bàn ăn của Giáo chủ. Đội ngũ vũ trang của thị dân đã phóng hỏa đốt, thi thể của những kẻ trung thành với Giáo chủ lập tức bị ném vào đám lửa đang rần rật cháy. . .

Những người bảo vệ Giáo chủ cố sức chống trả, dùng đá và gỗ ném vào dám người đang tấn công nhưng đã nhanh chóng bị thị dân tiêu diệt. Thấy tình thế chẳng lành, giáo chủ vội cải trang thành đầy tớ chui xuống hầm rượu trốn, sai người hầu đóng chặt cửa lại:

– Hãy mau mau bắt lấy tên giáo chủ tráo trở! – Mọi người giận dữ la thét, lùng sục khắp nơi tìm kẻ thù nhưng không hề thấy bóng dáng giáo chủ đâu cả.

Thị dân tìm được người đầy tớ hầu hạ Giáo chủ nhưng hắn không nói Giáo chủ trốn ở đâu.

Vừa hay một nô bộc đứng trong hàng ngũ công xã đề nghị xuống lục soát hầm rượu. Họ kéo nhau xuống hầm, mở nắp từng thùng và cuối cùng tìm thấy Catêrin đang nấp trong một thùng rượu. Khi bật nắp thùng rượu, Catêrin mồm há hốc, đôi môi nhợt nhạt vì run sợ, lắp bắp:

– Tù binh ở đây! – Lão còn trừng mắt giận dữ như muốn nói: “Lũ chó sói chúng mày!”

– Ồ thì ra giáo chủ đại nhân, ngài ở đây à! – Có ai đó nói.

Mọi người túm giáo chủ kéo ra khỏi thùng rượu và lôi xềnh xệch tận ngoài đường. Mặc cho giáo chủ thảm thiết van xin thề thốt với mọi người từ nay về sau không bao giờ làm Giáo chủ của họ nữa, tự nguyện nộp một khoản tiền lớn và đi khỏi thành phố Lăng, nhưng những người nông nô của lão quyết định không tha thứ cho con chó sói độc ác bội tín bội nghĩa, lừa trước dối sau đó. Một nông nô giơ cao chiếc rìu hai lưỡi giận dữ bổ xuống đầu Giáo chủ; một người khác vung kiếm chặt đứt những ngón tay của giáo chủ, tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay. Họ lột hết quần áo trên người Catêrin – nhân vật được tôn kính nhất ở thành Lăng một thời, rồi quăng xác lão ra đường. Những người qua đường không ai không nguyền rủa và ném đất vào xác lão, cũng chẳng có ai muốn chôn cất lão.

Sau đó, thị dân trong thành phố bị nhà vua đàn áp. Vị Giáo chủ mới khi đến nhậm chức tuyên bố. “Thánh đồ Pitơ (một trong 12 tông đồ của Giêsu trong Kinh Thánh của Kitô giáo) dạy rằng, những người nô lệ phải phục tùng trung thành với chủ của mình. Những người nông nô bất chấp luật lệ của Chúa và nhân loại, trong công xã lại dùng sức mạnh để thoát khỏi quyền lực hợp pháp của chủ, những người đó phải khai trừ khỏi Giáo hội và phải bị trừng phạt”.

Song những người bình dân thành Lăng bỏ ngoài tai những lời đe doạ của vị giáo chủ mới, tiếp tục phát động khởi nghĩa. Cuối cùng, vị Giáo chủ mới buộc phải nhượng bộ, đồng ý để thị dân thành phố được tự trị, chỉ đổi tên “công xã” thành “Tổ chức hòa bình!” Cả Quốc vương cũng nhận thấy thành thị tự trị có lợi cho việc chống lại các lãnh chúa cát cứ, tăng cường quyền lực tập trung của nhà vua, vì vậy năm 1128 đã phê chuẩn sự nhượng bộ đó. Mãi hơn 200 năm sau, Quốc vương Pháp mới bãi bỏ quyết định này.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC PARI

thời kỳ đầu trung thế kỷ, nền văn hóa giáo dục châu Âu còn rất lạc hậu. Hầu hết người dân đều mù chữ, các kỵ sĩ cũng không mấy người biết, ngay cả một số đại thần quý tộc cũng chẳng hiểu biết gì. Công văn của nhà nước, thư từ về ngoại giao đều được viết bằng chữ La-tinh, thứ chữ lúc bấy giờ cũng chỉ có một số ít giáo sĩ biết. Toàn bộ văn hóa giáo dục đều bị Giáo hội lũng đoạn.

Cùng với sự phát triển của thành thị và công thương nghiệp ngày càng phồn vinh dần dần đã xuất hiện các trường học ở thành phố. Những trường đó chính là cơ sở cho các trường đại học trong thời trung thế kỷ sau này.

Trong các trường đại học cổ xưa của Tây Âu, nổi tiếng nhất và điển hình nhất phải kể đến Trường đại học Pari, của Pháp.

Vào nửa đầu của thế kỷ XII, Trường đại học Pari đã hình thành. Năm 1200, Vua Pháp là Philíp II đã ban chiếu phê chuẩn pháp lệnh thành lập trường đại học này. Trường đại học Pari chính thức ra đời.

Trường đại học Pari nhanh chóng trở thành nơi tập hợp sĩ tử khắp châu Âu đến đây học tập. Nghe nói có thời kỳ sĩ tử của trường đại học Pari lên tới hơn 5 vạn người. Trường đại học này sở dĩ thu hút được đông thanh niên như vậy, bởi vì sau khi tốt nghiệp họ được xếp vào ngạch chức sắc tôn giáo và được hưởng rất nhiều đặc quyền: không bị nhà nước ràng buộc, không phải nộp thuế, chỉ có Tòa án của Giáo hội mới được xét xử v.v… Cũng như các trường đại học khác ở phương Tây, Trường đại học Pari hoàn toàn dùng tiếng La-tinh để giảng dạy. Cho nên nó có thể tiếp nhận bất cứ học sinh nước nào thông hiểu tiếng La-tinh.

Trường đại học Pari do học sinh và thầy giáo hợp tác với nhau xây dựng nên. Ngoài ra, những người phục vụ cho nhà trường như bán sách, đưa thư, hiệu thuốc, làm công việc sao chép, thậm chí cả chủ trọ đều được coi là thành viên của nhà trường. Các thầy giáo tùy theo tài năng của mình có năng lực dạy môn khoa học nào thì kết thành những tổ chức giống như “khoa” trong các trường đại học hiện nay. Hồi đó cả trường có tất cả 4 môn học: văn nghệ, y học, pháp luật và thần học. Môn “văn nghệ” là môn học phổ thông nhất, học về 7 ngành: ngữ pháp (bao gồm tiếng la-tinh và văn học), biện chứng pháp (tức lôgic học), tu từ (bao gồm tản văn, thơ, tập viết văn và pháp luật), kỷ hà (bao gồm địa lý và lịch sử tự nhiên), toán học, âm nhạc và thiên văn học (bao gồm vật lý học và hóa học). Môn học này có số lượng người theo học đông nhất, học hết chương trình có thể được phong học vị “học sĩ”. Ba môn còn lại thuộc những môn cao cấp. Chỉ những học sinh nào tốt nghiệp các môn phổ thông mới được vào học, học xong có thể được nhận học vị “thạc sĩ”. Sau khi được nhận học vị mới có quyền giảng dạy ở trường đại học. Nhưng số người được nhận học vị không nhiều: Học vị “học sĩ” không quá 1/3, học vị “thạc sĩ” chỉ chiếm khoảng 1/16.

Trong sinh viên cũng có các tổ chức phân chia theo nguyên quán và được gọi là “học quán”. Mỗi “học quán” đều có ký túc xá, nhà ăn, một nhà thờ nhỏ, và các thầy giáo dạy dỗ mình. Hình thức “học quán” đó sau này phát triển thành “học viện”, và tên gọi đó thông dụng cho đến ngày nay.

Sáng sáng, sinh viên đến nhà thờ cầu kinh, sau đó đến lớp học. Phương thức học chủ yếu là nghe giảng, ghi chép. Giáo trình phần lớn là những cuốn sách nổi tiếng từ xưa truyền lại. Thầy giáo vừa đọc vừa giải thích, không cho phép sinh viên được thắc mắc và hầu như không làm thí nghiệm. Giảng về y học mà hoàn toàn không được thực nghiệm giải phẫu trên cơ thể sống, bởi vì thời trung cổ người ta tuyệt đối cấm không được giải phẫu cơ thể người. Một số tri thức về giải phẫu học thường được viện dẫn từ trong các sách vở của người Ảrập.

Hình thức được các thầy giáo và học sinh hứng thú nhất là những buổi thảo luận và tranh luận. Những sinh viên nào luận có học vị thường phải trải qua những buổi thuyết trình và tranh luận công khai. Trường đại học Pari thường xuyên tổ chức những buổi tranh luận như vậy. Trong các buổi tranh luận, các thầy giáo trong trường tham gia là chính, cũng có lúc mời thêm các thầy giáo ở các trường đại học khác. Có lần, một vị thạc sĩ ở trường đại học Ôcxpho của Anh đến trường đại học Pari dự một buổi tranh luận. Ông đã nghe khoảng 200 ý kiến phản đối, ông nhớ được tất cả và ngay tại chỗ lập tức phản bác lại từng ý kiến một. Không khí tranh luận rất sôi nổi, có lúc cả hai bên đều bị kích động, thậm chí đã sảy ra ẩu đả.

Giáo hội Kitô hết sức căm ghét trường đại học Pari không chịu trực thuộc Giáo hội, luôn tìm cách vận dụng những quyền lực của tôn giáo để khống chế, tìm cách hãm hại những thầy giáo giảng trái với giáo lý Kitô giáo. Trường đại học Pari có một thầy giáo tên là Amôri đưa ra quan điểm triết học “phiếm thần luận”, cho rằng thần tồn tại trong mọi sự vật của giới tự nhiên, không hề có vị chúa tể hay một lực lượng tinh thần nào siêu tự nhiên cả. Sau khi vị giáo sư ấy qua đời, học trò của ông đã phát triển quan điểm đó, cho rằng Thượng đế hiển hiện cùng với các bản chất chứ không phải như Thượng đế mà lâu nay Giáo hội Kitô vẫn tuyên truyền. Họ còn chủ trương Giáo hội nên vứt bỏ những giáo lý và Thánh lễ hiện hành. Hành động này động chạm đến nền tảng sống còn của Giáo hội. Vin vào cớ đó, Giáo hội đã áp dụng những biện pháp nghiêm khắc. Năm 1210, Tòa án Giáo hội đã “xử” hình phạt thiêu sống 10 học trò của Amôri, thậm chí còn quật mả của Amôri, lôi xác ông lên đốt. Ít lâu sau, Giáo hoàng hạ lệnh cấm học các sách của nhà học giả cổ Hy Lạp Arixtốt viết về siêu hình học và vật lý học. Giáo sư trường đại học Pari Xêghen vì tiếp tục truyền bá những cuốn sách đó đã bị bắt và bị đánh chết trong nhà tù của Giáo hội.

Đến giữa thế kỷ XIII, trường đại học Pari bị Giáo hội thao túng hoàn toàn. Rất nhiều giáo sư của trường có tư tưởng tự do nếu không bị hãm hại một cách tàn khốc, thì cũng bị Giáo hội đuổi đi. Môn thần học trong nhà trường đều do các cha cố Thiên chúa giáo giảng dạy. Những lời răn dạy đều lấy từ Kinh Thánh chứ không phải là những tri thức chân chính. Họ coi thường kinh nghiệm, sùng bái quyền uy của Giáo hội, đàn áp tư tưởng tự do. Đó chính là cái gọi là “triết học kinh viện”.

Ngoài trường đại học Pari, những trường đại học cổ xưa của châu Âu còn có trường đại học Bôlônha ở Italia, trường đại học Ôcxpho và Kembơritgiơ ở Anh, trường đại học Xaramanga ở Tây Ban Nha v.v. . . Những trường đại học đó đều ra đời trong khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV. Đến cuối thế kỷ XV, ở châu Âu đã có hơn 40 trường đại học.

RÔGIÊ BÂYCƠN

– Này, trường đại học Ôcxpho (Anh) có một giáo sư tên là Rôgiê Bâycơn, cậu đã nghe nói chưa? Ông đã chế tạo ra một tượng đầu người bằng đồng, cậu hỏi gì nó cũng trả lời vanh vách.

– Thật hả?

– Tất nhiên rồi. Nghe nói ông ta còn dùng phương pháp ngưng kết không khí, tạo ra một chiếc cầu vượt biển dài tới 30 dặm vượt qua eo biển Anh. Sau khi sang qua cầu ông làm tan dần không khí, thế là chiếc cầu ngắn dần lại, hẹp dần lại, rồi…

– Rồi thế nào?

– Rồi biến mất, không còn dấu vết gì nữa?

Đó là những truyền thuyết thần kỳ về một bậc thầy thực nghiệm Rôgiê Bâycơn.

Vậy Rôgiê Bâycơn là ai? Và bức tượng đầu người bằng đồng, rồi chiếc cầu lớn vượt biển đầu đuôi ra làm sao?

Rôgiê Bâycơn là một nhà tư tưởng lớn, một nhà khoa học lớn của nước Anh thế kỷ thứ XIII. Ông đã từng học ở đại học Ôcxpho, sau đó trở thành giáo sư triết học. Hồi đó, sự mê tín tôn giáo thống trị tất cả, người ta chỉ được phép sùng bái quyền uy của thần thánh, không thể đưa ra bất ký một tư tưởng mới nào. Đối với những nguyên lý và những ý tưởng liên quan đến khoa học mà Arixtốt, nhà triết học cổ Hy Lạp đề ra cũng vậy, đều phải tin theo thần thánh. Nhưng Bâycơn lại cho rằng, những quan điểm của Arixtốt chỉ có thông qua thực nghiệm khoa học mới biết đúng sai. Cách nghĩ đó của ông đã bị các giáo sư chế giễu và chỉ trích.

Ông hiệu trưởng cảnh cáo:

– Ngài Bâycơn! Hãy nhớ lời tôi, không được phép hoài nghi quyền uy đâu nhé!

– Thưa ngài hiệu trưởng, tôi cũng xin nói với ông rằng, ngày xưa Arixtốt thiếu những dụng cụ thí nghiệm cần thiết để chứng minh những ý kiến của mình, do đó ông chưa làm sáng tỏ được những ý tưởng đó của ông là khoa học và đúng đắn.

– Các ngài nghe rõ chứ? Một người vô danh tiểu tốt dám hoài nghi cả Arixtốt danh tiếng lẫy lừng, ha ha, tôi thấy ông ta chỉ nghĩ vớ vẩn!

– Đúng là chỉ nghĩ vớ vẩn.

Các “giáo sư khoa học” của trường đại học Ôcxpho đều cười chế giễu Bâycơn.

Bâycơn nhìn thẳng vào các vị “giáo sư khoa học”, dõng dạc nói:

– Tri thức chân chính không xuất phát từ quyền uy của kẻ khác, càng không phải bắt nguồn từ sự sùng bái những giáo điều cũ kỹ. Biết bao nhiêu điều bí mật của tri thức lại được phát hiện bởi những người bình thường nhất và có khi đang bị mọi người coi thường nhất, chứ không phải từ những nhân vật có danh tiếng lẫy lừng. Vì những con người danh tiếng, họ đang quá bận bịu vì cái danh của họ.

Không chịu nổi sự giễu cợt của các “giáo sư”, Bâycơn quyết từ bỏ chức vụ giáo sư của mình. Năm ấy ông chưa đến 30 tuổi. Sau đó không lâu, ông gia nhập Hội Xanh Phăngti, một tổ chức tôn giáo do giáo sĩ tên là Xanh Phăngti lập ra. Bâycơn nghĩ, vào Hội đó thì không còn ai quấy rầy nữa, ông có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào thực nghiệm khoa học. Ông đã tiến hành các thí nghiệm khoa học với danh nghĩa “chứng minh sự sáng danh của Chúa”. Ông nghiên cứu kết cấu của kính đeo mắt, kính viễn vọng và kính hiển vi, và lần đầu tiên ông chứng minh được hiện tượng cầu vồng do ánh sáng mặt trời bị khúc xạ qua những hạt mưa, tìm ra phương pháp rút các nguyên tố hóa học như phốt pho, sắt, bitium v.v… thậm chí ông còn nghiên cứu động lực hơi nước. . .

Một hôm, Bâycơn ngồi trong một căn phòng nhỏ với một mảnh giấy dày, một ít diêm tiêu và lưu huỳnh. Ông cẩn thận trộn diêm tiêu và lưu huỳnh, nghiền nhỏ rồi dùng giấy dày gói lại. Một cơn gió lạnh từ cửa sổ ập vào, ông rùng mình, bỗng nghe “xèo” một tiếng, gói giấy trong tay ông rách tan, một tia sáng lóe lên, tiếp theo là một tiếng nổ lớn. Bàn tay Bâycơn tê dại đi, ông ngã vật xuống đất, một đám khói dầy đặc phủ kín căn phòng. Đợi cho đám khói tan, hai bàn tay Bâycơn vàng khè, quần áo bốc lên một mùi khen khét, mũ văng ra góc nhà, chỉ còn hai con mắt ông vẫn sáng rực.

Bâycơn đứng vụt dậy reo lên: “Thuốc súng! Ôi! Thuốc súng! Lạy chúa, ta đã phát hiện ra rồi!”. Ông vội cầm lấy bút ghi nhanh thí nghiệm của mình trên mẩu 1 giấy đã cháy sém mất một nửa, rồi ông vội vã dấu bản ghi chép về cách trộn thuốc súng đó vào một cái hang tối không ai biết. Thì ra ông lo nếu thành quả trên đây rơi vào tay những kẻ ác có thể sẽ gây cho thiên hạ không biết bao nhiêu tai họa. Trong hang tối đó, ông còn cất dấu trang ghi chép về một thí nghiệm có liên quan đến chất độc.

Những thực nghiệm khoa học của Bâycơn cuối cùng lại đem lại tai họa cho ông. Một buổi sáng giá lạnh, một tốp lính bất ngờ ập vào nơi ở của ông, không nói năng gì xích luôn tay Bâycơn lúc ấy đang làm thí nghiệm giải ra Tòa án Giáo hội.

– Bâycơn! Ngươi dám phát hiện ra những bí mật của Chúa. Ngươi đã biết tội chưa?

Bâycơn, ngươi dám mang những thứ Chúa tạo ra để làm những thí nghiệm tội ác ư? Tội của ngươi đáng vạn lần chết!

– Ngươi âm mưu tạo ra tà thuyết dị đoan, chống lại những luật lệ mọi người đã thừa nhận. Bây giờ nhân chứng vật chứng đã có. Ngươi còn điều gì nói nữa không?

Trước Tòa án Giáo hội, các giáo sĩ vốn căm ghét Bâycơn cao giọng chửi bới ông, trong số đó có cả người chủ trì Hội Xanh Phăngti. Trong tiếng chửi bới om sòm đó, Bâycơn bị giam vào ngục của Tòa án Giáo hội.

Song những năm tháng cầm tù không khuất phục nổi Bâycơn. Ông vẫn nghĩ tới những cuộc thí nghiệm. Thời gian cuối, ông được phép gặp học trò của ông. Và ông đã tận dụng cơ hội đó truyền lại cho họ những thành quả nghiên cứu khoa học của mình, giảng cho họ nghe những tư tưởng triết học của mình. Ông nói với các học trò: “Chúng ta là những nhà khoa học cần phải thực nghiệm, thực nghiệm và mãi mãi thực nghiệm!”.

Bâycơn thường ngắm nhìn những vì sao trên trời qua song sắt cửa sổ nhà tù. Ông thầm nghĩ, rồi sẽ có một ngày người ta biết tới những thành quả nghiên cứu của một người có tên là Rôgiê Bâycơn. Đến ngày ấy, các nhà khoa học sẽ làm ra những loại kính giúp cho những ngôi sao xa xôi kia xích lại gần hơn, dùng ánh sáng của chân lý soi sáng con mắt của loài người.

Một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Những kiến thức uyên bác của Rôgiê Bâycơn truyền đến tai Giáo hoàng Rôma. Giáo hoàng đã nhờ Bâycơn bí mật viết thư nói cho Ngài biết phương pháp điều trị một số căn bệnh nan y. Trong nhà tù, Bâycơn đã lén lút viết cho Giáo hoàng một bức thư rất dài, ủy thác cho một học trò trung thành mang đến Giáo hoàng. Nhưng do giao thông thời ấy không thuận tiện, đi đường rất chậm, nên Giáo hoàng đã mất trước khi bức thư đến một năm. Bức thư dài đó là tác phẩm khoa học vĩ đại nhất lúc bấy giờ, đáng tiếc là đã bị dìm đi 450 năm, mãi đến năm 1733 mới được công bố.

Vào sáng sớm của một ngày năm 1292, Rôgìê Bâycơn đầu tóc bạc phơ cuối cùng đã được ra khỏi nhà tù. Năm ấy ông đã là một lão già 78 tuổi. Hai năm sau, ông từ giã cõi đời – một cõi đời bị sự ngu muội thống trị, mang theo bao điều oan khuất.

Cuộc đời của Rôgiê Bâycơn đầy những bất hạnh. Lúc còn sống, ông bị Giáo hội hãm hại, trước tác khoa học của ông bị nguyền rủa. Mãi đến sau khi ông mất, tên tuổi của ông dần dần mới được người đời nhắc tới. Xem lại những bản thảo của ông, ai cũng rất đỗi kinh ngạc. Đến thế kỷ XV và XVI, tên tuổi của ông được truyền tụng khắp thế giới. Trong Viện Xanh Phăngti ở trường đại học Ôcxpho của Anh có một tảng đá lớn trên khắc những dòng chữ:

“Rôgiê Bâycơn, nhà triết học vĩ đại. Bằng phương pháp thực nghiệm, ông đã mở rộng lĩnh vực của vương quốc khoa học. Ông đã làm việc không mệt mỏi suốt cuộc đời và yên nghĩ tại đây năm 1294”.

Ông là học giả vĩ đại nhất của nước Anh thế kỷ XIII. Những dòng trên đây cũng là lời bình chính xác về thành tựu của cuộc đời Rôgiê Bâycơn, một bậc thầy lớn về thực nghiệm. Cùng lúc, có người đã nghĩ ra những câu chuyện thần thoại như chuyện tượng đầu người, chuyện chiếc cầu vắt qua biển kể trên. Những câu chuyện đó, có chuyện cố ý phóng đại, cũng có chuyện ca ngợi ông với đầy thiện ý.

“CỨU” THÁNH ĐỊA

Mùa thu năm 1095, thành phố Clécmông miền Nam nước Pháp bỗng nhiên nhộn nhịp khác thường, hàng ngàn người từ các nơi đổ về đây. Thành phố chứa không hết, họ ra cánh đồng ngoại thành dựng lều bạt để ở tạm.

Số là ở đây đang triệu tập một cuộc hội nghị tôn giáo có qui mô rất lớn. Giáo hoàng Rôma Uêcbanh II thân chinh từ Italia tới đây. Tham gia hội nghị có 14 vị Đại giáo chủ, hơn 200 vị Giáo chủ và hơn 400 vị Viện trưởng tu viện đến từ các nước Pháp, Italia, Đức v.v. Rất nhiều lãnh chúa phong kiến, kỵ sĩ, dân thường cũng tới đây. Cuộc hội nghị này xem ra đặc biệt quan trọng.

Hôm hội nghị tôn giáo kết thúc, Giáo hoàng thân chinh ra cánh đồng ngoại thành cầu nguyện ban phúc lành cho hàng vạn người tụ tập ở đó.

Giáo hoàng dơ cao hai tay ra hiệu cho những người hoan hô ông yên lặng, rồi dùng tiếng Pháp nói rất trôi chảy:

– Hỡi các con của Chúa! Hiện có một nhiệm vụ vẻ vang đang chờ đợi các con. Đó là việc mà bản thân các con và Chúa đều quan tâm. Các con phải tỏ ra vững vàng trước nhiệm vụ đó. Các con biết rằng, ở phương Tây chúng ta của cải do đất đai sinh ra không nhiều, chỉ đủ cho các con cầm hơi; còn ở phương Đông, kẻ nghèo cũng sống một cuộc sống cơm no áo ấm. Các nước phương Đông đâu đâu cũng là mật và sữa. Thành phố Giêrusalem, trung tâm của trái đất, giàu có hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, thực sự là một thiên đường thứ hai. Ai nghèo khổ đau buồn ở đây đến đó tất sẽ giàu có sung sướng!

Nghe nói vậy, mọi người bị kích động rất mạnh hét vang:

– Đến Giêrusalem! Đến Giêrusalem!

– Hỡi các con! – Giáo hoàng vung hai tay tiếp tục nói – Giêrusalem là Thánh địa của Chúa, Chúa cứu thế Giêsu ra đời ở đó, lăng mộ Người cũng ở đó. Nhưng nay nơi đó bị những kẻ dị giáo theo đạo Islam xâm chiếm, dày xéo, Ta khẩn cầu các ngươi, không, không phải ta, mà là Chúa khẩn cầu các ngươi cứu thánh địa ra khỏi bàn tay của bọn dị giáo, tiêu diệt hết chủng tộc tà ác đó!

– Cứu lấy Thánh địa! Cứu lấy Thánh địa! – Mọi người điên cuồng hò hét.

Giáo hoàng giơ cao cây thập tự đeo trước ngực:

– Đây là lời kêu gọi của Chúa: người của mọi đẳng cấp bao gồm kỵ sĩ, bộ binh, người giàu, kẻ nghèo hãy mau mau tới phương Đông cứu Thánh địa! Giêrusalem không xa, đến Thánh địa không có khó khăn gì. Ai đi theo con đường của Chúa, giả dụ có bị thiệt mạng trên đường đi hoặc trong cuộc chiến với bọn dị giáo thì tội lỗi của họ được ân xá ngay giờ phút đó. Chúa trao quyền chuộc tội cho các người. Không nên chần chừ nữa, mau về lo liệu công việc, thu xếp tiền nong ăn đường, cuối đông đầu xuân được sự dẫn dắt của Chúa, hãy hăng hái bước lên đường trường chinh!

Giáo hoàng vừa dứt lời, bọn kỵ sĩ, bọn lãnh chúa phong kiến, đám dân chúng như phát điên phát cuồng đổ xô tới tranh nhau lĩnh ở bọn tùy tùng Giáo hoàng một chữ thập làm bằng vải đỏ đeo lên trước ngực hoặc trên vai. Ai đeo miếng vải đó được coi 1à đã đi theo “con đường của Chúa”, đã thành một thành viên của Thập tự quân. Lời kêu gọi của Giáo hoàng nhanh chóng truyền khắp Tây Âu. Thời đó, Tây Âu 7 năm liền gặp thiên tai, lương thực thiếu, đời sống nông dân vô cùng khốn khổ. Nhiều kỵ sĩ vì không phải con trưởng không được thừa kế gia sản, trở thành kẻ khố rách áo ôm, khát khao sang phương Đông giàu có để kiếm chác. Bọn lãnh chúa phong kiến lớn nhỏ cũng rắp tâm mở rộng thế lực chính trị, kinh tế của mình. Thế là những đội Thập tự quân trong đó có rất nhiều nông dân nghèo khổ tham gia đã mau chóng được thành lập ở khắp Tây Âu.

Mùa xuân năm sau, Thập tự quân của nông dân nghèo ở miền bắc, miền trung nước Pháp và miền tây nước Đức lần đầu tiên rời quê hương ra đi. Họ ăn mặc rách rưới, vác gậy gộc, liềm hái, rìu búa, cày bừa thay cho dao súng. Có người đi bộ, có người ngồi xe bò mang theo cả vợ con và đồ dùng gia đình, những mong đến an cư lạc nghiệp tại Thánh địa giàu có. Họ không có lương thực, phải ăn cướp dọc đường, luôn bị người Hunggari và Bungari chặn đánh. Tới được địa điểm tập kết – thành Côngxtantinốp, kinh đô của Đế quốc Đông Rôma, đã có 3 vạn người bỏ mạng.

Thập tự quân của kỵ sĩ đến mùa thu mới lần lượt xuất chinh từ Pháp, Italia và Đức, do các lãnh chúa phong kiến thống lĩnh. Nhiều lãnh chúa mang theo tài sản và cả gia đình, có người hầu hạ suốt dọc đường. Tổng số kỵ sĩ các lộ khoảng 4 vạn, trang bị vũ khí khá tốt, tổ chức cũng khá chặt chẽ.

Có điều, trang bị của họ quá nặng nề: mỗi người một thanh kiếm, một chiếc giáo dài, một chiếc mũ sắt to tướng, một bộ giáp sắt và một chiếc lá chắn. Khi hành quân, những thứ này do người hầu mang, khi tác chiến kỵ sĩ mới sử dụng.

Mỗi kỵ sĩ cần tới hai con ngựa, một con cưỡi khi đi đường, một con cưỡi khi đánh trận. Người hầu cũng cần có ngựa cưỡi, cộng thêm ngựa thồ đồ ăn, lều bạt v.v. Do đó, số người đi theo đoàn quân xuất chinh rất đông.

Mùa xuân năm 1097, tất cả các đội Thập tự quân đều tề tựu ở Côngxtantinốp. Cuộc chiến tranh xâm lược “cứu” Thánh địa kéo dài hơn hai năm bắt đầu.

Khu vực xâm lăng phương Đông lần này của Thập tự quân vốn thuộc phạm vi thế lực của người Tuyếc (Thổ Nhĩ Kỳ). Tháng 5 năm đó, Thập tự quân vượt eo biển Hắc Hải, tiến vào bán đảo Tiểu Á. Tháng 5, đánh chiếm thành Nixia. Tháng 7, Thập tự quân lại đánh bại người Tuyếc trong trận Tôrilê, nhưng cũng bị thiệt hại nặng. Vùng Tiểu Á nhiều núi, mùa hè rất nóng, người Tuyếc lại tiêu thổ kháng chiến, Thập tự quân thiếu nước thiếu lương thực, lại luôn luôn bị phục kích. Song bị vàng bạc làm cho mê mẩn đầu óc, các lãnh chúa, kỵ sĩ bất chấp tất cả vẫn tiến quân về Thánh địa Giêrusalem.

Tháng 10 năm 1097, Thập tự quân tiến gần tới thành phố lớn Antakya trên bờ phía đông Địa Trung Hải. Thành phố này là một cứ điểm quan trọng, tường thành dày và rộng, 4 ngựa xếp hàng ngang đi được trên mặt thành, có 450 chòi canh, phần tây nam thành xây trên núi, dễ thủ khó công. Người Tuyếc ngoan cường đánh trả, Thập tự quân không quen chiến thuật công thành, do đó mấy tháng trôi qua mà vẫn không hạ được thành. Mùa đông đến, mưa dầm liên miên, mọi thứ dùng gần hết, Thập tự quân bắt đầu đói rét, tinh thần rất sa sút.

Một hôm, thống lĩnh các nước đang họp bàn cách đánh thành đột nhiên nhận được tin cấp báo có mấy vạn đại quân đang tiến về Antakya tiếp viện cho người Tuyếc bị vây trong thành. Các thống lĩnh mặt mày tái mét nhìn nhau.

– Nếu quân cứu viện tới, chúng ta trước sau đều có địch, sẽ đối phó ra sao?

– Lương thực đã hết nhẵn, dù chúng ta đối phó được với viện binh của ngươi Tuyếc, nhưng chuyện ăn uống của quân sĩ chẳng cách gì giải quyết nổi.

– Trang bị vũ khí rồi cũng hết dần, trừ phi chúng ta hạ được thành antakya ngay.

– Thành Antakya có thể chiếm được nội trong vài ngày, vấn đề là ở chỗ các vị có chấp nhận chịu hi sinh chút ít – Công tước Pômông thống lĩnh kỵ sĩ miền nam Italia nói – Nếu các vị hứa giao cho tôi cai trị Antakya, tôi đảm bảo các vị vào được thành trong ba ngày tới.

Số là Pômông đã mua chuộc được viên quan người Tuyếc ở tháp canh phía tây thành Antakya, hắn nhận lời đưa quân vào thành ở chỗ hắn theo thời gian hai bên hẹn trước. Các thống lĩnh đều muốn giành miếng ngon cho mình, nhưng trong tình thế gay cấn này đành phải đồng ý với điều kiện của Pômông.

Vào một đêm tháng 6 năm 1098, Thập tự quân nhờ sự giúp đỡ của viên quan phản bội nọ đã vào được thành Antakya. Nhưng mấy hôm sau quân cứu viện của người Tuyếc tới, thế là kẻ vây người hôm qua hôm nay trở thành kẻ bị vây. Viện quân của người Tuyếc không đánh thành ngay, định để cho Thập tự quân hết sạch lương thực không còn cứu viện mới đánh.

Thập tự quân sau khi vào thành đã giết hết những người không phải tín đồ đạo Kitô, ăn hết sạch số lương thực ít ỏi còn sót lại trong thành. Sau đó, đói khát quá họ phải nhai vỏ cây rễ cỏ, cuối cùng phải ăn cả thịt người chết. Hàng trăm binh lính và kỵ sĩ Thập tự quân chịu không nổi cảnh khổ đó, đêm khuya dùng thừng leo xuống thành lần mò ra bờ biển lên thuyền về nước. Những kẻ cuồng tín khác ngày đêm ra sức cầu nguyện xin Chúa cứu thế đến cứu khổ cứu nạn. Mãi tới cuối năm đó họ mới đánh tan được viện binh của người Tuyếc. Sau khi lưu lại rất nhiều ngày ở Antakya để tranh quyền đoạt lợi, các thống lĩnh Thập tự quân mới theo bờ đông Địa Trung Hải tiếp tục xuống phía nam tiến quân về “Thánh địa” Giêrusalem.

Thượng tuần tháng 6 năm 1099, Thập tự quân vòng trong vòng ngoài bao vây Giêrusalem. 4 vạn quân vây thành mà giữ thành chỉ có 1.000 quân.

Thống lĩnh Thập tự quân quyết định dùng thang gỗ để vào thành. Sáng sớm hôm sau thang gỗ đã đóng xong, sau một hồi loa, Thập tự quân dựng thang khắp các hướng để trèo qua thành. Nhưng do thang không đủ nên thương vong rất lớn, mãi đến chiều tối vẫn không vào được thành. Thế là các thống lĩnh lại quyết định làm “máy” công thành, dùng những chiếc vồ gỗ cực lớn để phá vỡ tường thành.

“Máy” làm xong rất nhanh. Lợi dụng lúc trời tối, Thập tự quân tháo rời ra, phủ da thú lên trên, từ từ chuyển đến chỗ khuất dưới chân thành rồi lắp lại, sau đó cho quân nhảy lên “máy” điều khiển các vồ gỗ đập phá tường thành.

Hành động đó của Thập tự quân nhanh chóng bị quân giữ thành phát hiện.

Họ đổ dầu sôi và đốt đuốc ném xuống. Thập tự quân lại một phen thất bại.

Ngày 15 tháng 7, trời tờ mờ sáng, Thập tự quân thay đổi chiến thuật, tập trung “máy” công kích mạnh vào một nơi, đồng thời ném các khúc gỗ đã đốt cháy vào thành, Nhiều chòi canh bốc cháy, càng cháy càng to, khói lửa mù mịt lan đi rất nhanh, quân giữ thành không sao dập được. Lợi dụng thời cơ đó Thập tự quân ào ào xông vào thành. Những lá cờ thêu chữ thập được kéo lên trên tường thành, “Thánh địa” cuối cùng đã rơi vào tay Thập tư quân.

Các kỵ sĩ bắt đầu “cứu vớt” các tín đồ đạo Islam. Chúng giết hết những tín đồ dị giáo bất kể là người già, phụ nữ hay trẻ em. Chúng xông vào một nhà thờ Islam giáo lớn nhất, giết sạch những người trốn ở đây, rất nhiều người bị bắn chết trên nóc nhà thờ. Thập tự quân cướp sạch những đồ châu báu sau đó phóng hỏa đốt nhà thờ. Gần 1 vạn người bị giết ở đây. Toàn thành bị giết 7 vạn người.

Sau cuộc tàn sát với một qui mô lớn như vậy, các kỵ sĩ và binh lính của Thập tự quân chia nhau sục sạo vào nhà dân vơ vét mọi thứ. Không nói ra nhưng hình như tự nhiên có một sự thỏa thuận ngầm là ai vào trước nhà nào thì được chiếm nhà và mọi thứ trong đó, người khác không ai được xâm phạm.

Tiếp theo là một thủ đoạn tàn nhẫn, rùng rợn: mổ bụng, moi ruột người chết để tìm tiền vàng họ nuốt khi còn sống. Mổ từng xác như vậy thì quá phiền toái, chúng tập trung xác chết lại đốt thành tro để tìm dễ và nhanh hơn…

Cái gọi là cuộc chiến “cứu vớt” Thánh địa diễn ra như vậy đó!

Cuộc xâm lược trắng trợn phương Đông do Giáo hoàng xúi giục đã diễn ra tất cả 8 lần rải ra trong một thời gian liên tục dài 200 năm. Lần xâm lược đầu tiên này kết thúc với việc chiếm thành Giêrusalem, lịch sử gọi nó là “Cuộc xâm lược phương Đông lần thứ nhất của Thập tự quân”.

CUỘC THÁNH CHIẾN CHUYỂN HƯỚNG TẤN CÔNG

Đó là năm 1201, nghĩa là cách cuộc xâm lược phương Đông lần thứ nhất của Thập tự quân vừa tròn một thế kỷ. Trong thời gian đó, Thập tự quân hai lần xâm lược phương Đông, một lần kết thúc thất bại, một lần cũng chẳng thu được kết quả gì lớn. Ngược lại “Thánh địa” Giêrusalem năm 1187 lại được vương quốc Sala Đin với trung tâm là Ai Cập thu hồi, Thập tự quân chỉ còn giữ lại được ở phương Đông dải đất hẹp duyên hải Palestin.

Câu chuyện xảy ra vào tháng 2 năm đó ở Vơnidơ bên bờ biển Ađriatic…

– Bẩm công tước đại nhân, theo lệnh Ngài, sứ thần Pháp đã tới đang chờ lệnh Ngài cho vào gặp. Viên quan hầu cung kính bẩm báo với viên Toàn quyền Vơnidơ Đăngđơrô.

– Cho vào gặp ở đại sảnh – Nói xong Công tước từ ghế bành đứng lên bước tới trước chiếc gương soi sửa sang tỉ mỉ bộ râu, sau đó đi ra đại sảnh. Vị nguyên thủ nước Cộng hòa Vơnidơ này tuy tuổi tác đã cao nhưng tinh thần vẫn quắc thước, chân bước vẫn nhanh nhẹn.

Sứ thần có 6 người, thấy Công tước đi vào đều đứng thẳng người chào. Vị đứng đầu đoàn sứ thần bước tới trước Công tước, cúi gập người, dõng dạc:

– Thưa nguyên thủ tôn kính! Chúng tôi, những nam tước cao quí của nước Pháp đến bái kiến Ngài. Chúng tôi vâng lệnh của Giáo hoàng Innôsăng III chuẩn bị tiến hành cuộc Thánh chiến mới giành lại Giêrusalem, báo thù người Ai Cập đã làm nhục Chúa cứu thế Giêsu. Nhưng bề trên chúng tôi biết rằng, nếu không có Ngài và thuộc hạ của Ngài giúp đỡ thì thành phố Thánh địa rất khó lấy lại được. Cho nên bề trên phái chúng tôi đến cầu xin Ngài: Vì Chúa trời, hãy ban cho chúng tôi sự giúp đỡ quí báu nhất.

Công tước khẽ gật đầu:

– Vậy … ngài muốn giúp đỡ gì?

– Xin nguyên thủ cung cấp cho thuyền bè vận tải và tác chiến dùng cho cuộc tấn công Ai Cập – Sứ thần đáp – Còn như thù lao, ngoài phần chúng tôi kham nổi, mọi chuyện chắc phải nhờ đến ngài.

Công tước mân mê bộ râu, giọng nghiêm túc:

– Đương nhiên, điều các vị mong muốn là một việc làm thiêng liêng, là hoàn thành một sự nghiệp cao cả. Sau tám ngày nữa tôi sẽ có câu trả lời.

Đến ngày Công tước hẹn, các sứ thần lại có mặt ở đại sảnh. Công tước nói với họ:

– Các vị Bây giờ tôi nói rõ quyết định của chúng tôi. Theo yêu cầu của các vị, chúng tôi quyết định đóng mới đủ số thuyền chở 4.500 ngựa và 9.000 lính hầu; ngoài ra dùng thuyền lớn chở 4.500 kỵ sĩ và 20.000 bộ binh, và đồng ý cung cấp 9 tháng lương thực cho tất cả số người ngựa trên. Tổng số chi phí là 85.000 đồng Mác bạc, các vị có thể trả làm 4 kỳ, đến hè sang năm phải trả hết. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí 50 thuyền để chở binh lính Vơnidơ cùng xuất chinh với các vị.

Tất cả với điều kiện: Đất đai và tiền bạc chúng ta thu được trên đất liền hoặc trên biển, một nửa thuộc các vị, một nửa thuộc chúng tôi. Bây giờ chỉ còn chờ ý kiến các vị. Sau một đêm bàn bạc, đoàn sứ thần quyết định chấp nhận điều kiện trên. Sau khi hiệp định được ký tắt, đoàn sứ thần vay trước 5.000 đồng Mác bạc giao cho Công tước để bắt đầu đóng tầu. Ba tháng sau, bản hiệp định được Giáo hoàng phê chuẩn. Bây giờ đến bước hai bên thực thi hiệp định. Pháp, Đức, Italia lập tức trưng tập Thập tự quân, chờ sau khi tập trung ở Vơnidơ sẽ vượt biển chinh phục Ai Cập.

Thực ra, Công tước nguyên thủ xứ Vơnidơ không thực tâm muốn giúp Thập tự quân tấn công Ai Cập. Vơnidơ là một quốc gia mậu dịch trên biển, quan hệ buôn bán với Ai Cập rất tốt nên việc chinh phục Ai Cập không phù hợp với lợi ích của nó. Ngược lại, Đế quốc Đông Rôma gần 30 năm nay luôn luôn tỏ ra không thân thiện với Vơnidơ. Đặc quyền của thương nhân Vơnidơ ở đó bị tước đoạt hết, nhà cầm quyền Đông Rôma thậm chí bắt giữ họ, tịch thu tài sản của họ, cấm họ buôn bán đã mấy năm. . . Do đó, lợi dụng Thập tự quân để chinh phục Đông Rôma mới là mong muốn của ông ta. Công tước Đăngđơrô còn biết, lần này Giáo hoàng kêu gọi Thập tự quân đông chinh lần thứ tư, cũng muốn hoàng đế Đông Rôma đưa quân tham gia vào cuộc Thánh chiến với điều kiện “chính giáo” của họ phải thuộc Giáo hoàng Rôma cai quản, nên bị hoàng đế Đông Rôma cự tuyệt, Giáo hoàng vẫn hậm hực trong lòng về chuyện đó. Có điều, Công tước biết rằng, Đông Rôma rút cục cũng là một nước theo đạo Thiên chúa, Thập tự quân chuyển hướng tấn công Đông Rôma là vi phạm lệnh của Giáo hoàng. Do đó ông ta còn phải xem xét, đợi thời cơ.

Mùa xuân năm 1202, Thập tự quân các nước Pháp, Đức, Italia lần lượt tập kết ở Vơnidơ. Công tước Đăngđơrô cố ý cho họ đóng trên một hòn đảo gần Vơnidơ, không cung cấp lương thực đúng kỳ hạn. Do bị dịch bệnh thường xuyên, Thập tự quân chết khá nhiều. Tiếp đó, thời gian hoàn nợ theo hiệp định qui định đã đến nhưng Thập tự quân không có khả năng chi trả, Công tước Đăngđơrô vin cớ đó hạ lệnh ngừng cung cấp lương thực cho đảo. Thế là các thống lĩnh nhao nhao chất vấn Đăngđơrô:

– Thưa nguyên thủ, vì lệnh của Ngài mà một số lớn quân Thánh chiến trên đảo đã tử vong. Ngài không thể không biết.

– Quân Thánh chiến trên đảo chết rất nhiều, người sống làm nhiệm vụ chôn cất cũng không đủ, chẳng lẽ đó là ý của Đức Chúa nhân từ?

– Nếu tình hình cứ tiếp tục thế này, cuộc Thánh chiến không thể tiến hành được Ngài nguyên thủ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!

– Thưa các vị, thiết nghĩ các vị không có lý do gì để mà xúc động như vậy – Công tước chậm rãi nói – Như các vị đều biết, các vị phải trả 85.000 mác bạc mà đến nay mới chỉ trả được 5.100. Như vậy các vị chưa thi hành đúng hiệp định, sao có thể đòi ta chịu hoàn toàn trách nhiệm được?

Các thống lĩnh biết mình đuối lý, không thuyết phục nổi Công tước, nhưng lại sợ lỡ cuộc “Thánh chiến”, nên nhũn như con chi chi nài nỉ Công tước cho hoãn thời gian thanh toán và nối lại việc cung cấp lương thực cho đảo. Vả lại, Công tước cũng không có ý định để cho quân lính trên đảo chết hết, vì ông ta còn muốn dùng họ tấn công đế quốc Đông Rôma, Thế là ông ta té nước theo mưa, đòi các thống lĩnh giúp ông ta đánh Sara trước.

– Đánh Sara? – Một thống lĩnh làm dấu thánh trước ngực kêu lên – Chúa ơi, đó là một thành phố theo đạo Thiên chúa! Bắt con chiên của Thiên chúa giáo đi đánh một thành phố cửa Thiên chúa giáo, đó chẳng phải là làm trái ý Chúa?

Một thống lĩnh khác lắc đầu nói:

– Không được, Sara thuộc vua Hunggari cai quản. Ngài nguyên thủ cũng biết, người Hunggari cũng đeo Thánh giá, ta làm như vậy Giáo hoàng tuyệt không cho phép!

– Đương nhiên là biết. – Công tước thản nhiên như không – Vấn đề ở chỗ người Sara là một bọn cướp biển, chúng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc buôn bán trên biển của chúng ta, xứng đáng nhận sự trừng phạt của Chúa. Trước thái độ kiên quyết của Công tước Đăngđơrô, các thống lĩnh buộc phải chấp nhận yêu cầu của ông ta đánh chiếm thành phố Sara. Được tín đó Giáo hoàng rất tức giận, ra lệnh đuổi Vơnidơ ra khỏi Giáo hội, nhưng vẫn cho phép Thập tự quân tiếp tục dùng thuyền của Vơnidơ đi đánh Ai Cập.

Đánh chiếm Sara chỉ là nước cờ đầu tiên của Công tước Đăngđơrô nhằm chuyển hướng tấn công của Thập tư quân. Mục đích thực sự của ông ta là tấn công đế quốc Đông Rôma. Chẳng bao lâu thời cơ đó đã tới:

Một hôm, sứ thần của quốc vương Đức và của con trai vị hoàng đế Đông Rôma bị phế truất tới Vơnidơ xin gặp Công tước Đăngđôrô và các thống lĩnh Thập tự quân.

Thưa các Ngài, – Sứ thần nói. – Các ngài đi viễn chinh là vì Chúa, vì chân lí và chính nghĩa, nên ắt hẳn các Ngài sẽ tận lực giúp những người bị tước đoạt một cách phi pháp, lấy lại những gì vốn là của họ. Nếu các Ngài khôi phục lại được địa vị hợp pháp của Hoàng thái tử và phụ thân ông, các Ngài sẽ nhận được những điều kiện hậu hĩ nhất.

Số là, Hoàng đế Đông Rôma lúc đó là Ixắc III sở dĩ lên được ngôi là nhờ vào cuộc đảo chính cung đình lật đổ cha con người anh trai là Ixắc II. Ixắc III đã tống giam hai cha con họ vào ngục. Trước đây ít lâu, Alêxi – con trai của Ixắc II vượt ngục trốn sang với quốc vương Đức là anh rể của ông ta. Họ bàn bạc với nhau, thấy chỉ có cầu xin Vơnidơ giúp đỡ mới có thể đuổi được Ixắc III, nên đã sai sứ thần đến Vơnidơ. Chuyến viếng thăm này trúng ý Công tước Đăngđơrô. Ông ta hỏi:

Những điều kiện gì?

Hoàng thái tử đồng ý nộp 20 vạn mác bạc và cung cấp lương thực cho toàn quân. Nếu Ngài đồng ý sẽ ký hiệp định, chúng tôi có toàn quyền làm việc đó.

Công tước đắc ý nhận các thống lĩnh. Mọi người đều thấy điều kiện như vậy là rất hậu hĩ, nhưng vẫn cảm thấy cấn cái trong việc đưa quân đi đánh Đông Rôma. Một thống lĩnh hỏi:

Vấn đề là Đức Giáo hoàng…

Không để ông ta nói hết, sứ thần tiếp lời ngay:

– Hoàng thái tử chúng tôi đã đến Rôma yết kiến Đức Giáo hoàng, đích thân hứa với Đức Giáo hoàng nếu khôi phục được địa vị hợp pháp của cha con Ngài thì “chính giáo” sẽ thuộc về Thiên chúa giáo Rôma, đồng thời lập tức trưng tập 1 vạn lính tham gia Thập tự quân đông chinh, mọi phí tổn do đế quốc chịu. Tất cả những điều đó đã được Đức Giáo hoàng đồng ý.

Sau một hồi tranh cãi, lại có Công tước Đăngđôrô xúi thêm, các thống lĩnh cuối cùng đồng ý tiến quân đánh đế quốc Đông Rôma.

Do không đề phòng, đế quốc Đông Rôma không chống nổi cuộc tấn công dữ dội của Thập tự quân. Ixắc III vơ vét vàng bạc của hoàng thất rồi chạy khỏi kinh Đô Côngxtantinốp. Ixắc II trở lại ngôi báu, Hoàng thái tử được cùng cha chấp chính, xưng là Ixắc IV. Nhưng Ixắc IV không có khả năng thực thi hiệp định chi trả 20 vạn mác bạc. Các thống lĩnh Thập tự quấn không kiếm chác được gì ở Ixắc IV bèn thả cho kỵ sĩ, binh lính tha hồ đi cướp các nhà thờ giàu có, sau đó phóng hỏa đốt. Trong phút chốc khói lửa mù mịt, nửa kinh thành bị thiêu cháy. Ít lâu sau, khởi nghĩa nổ ra ở kinh đô. Ixắc IV yêu cầu Thập tự quân đóng ở ngoài thành vào thành đàn áp khởi nghĩa, làm cho nghĩa quân càng thêm phẫn nộ. Nhân cơ hội đó, bọn quí tộc phế truất Ixắc IV, treo cổ ông ta trong ngục.

Thập tự quân vin cớ bọn quí tộc can tội giết vua, ngày 9 tháng 4 năm 1204 tấn công Côngxtantinốp. Ba hôm sau hạ được thành. Các tín đồ Thiên chúa giáo ngực đeo Thánh giá điên cuồng chém giết cướp bóc, đưa lừa ngựa vào nhà thờ để chuyên chở của cải. Các cha cố cởi bỏ lễ phục, sục sạo khắp nơi tìm di vật “thiêng liêng”. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, bằng gỗ, bằng xương thì bị đập vỡ. Các tác phẩm nghệ thuật bằng vàng bằng bạc thì được đem nung chảy thành cục để dễ chia nhau. Những thứ may mà còn sót lại thì bị thương nhân Vơnidơ mang về châu Âu trang hoàng cho các cung điện, nhà thờ. Bốn con ngựa đồng đen mạ vàng dựng ở trường đua ngựa bị đưa về Vơnidơ, bây giờ vẫn còn đặt ở cửa chính Nhà thờ lớn Xanh Mác.

Công tước Đăngđơrô rất hài lòng. Do ông ta xúi giục mà Thập tự quân đổi hướng đánh đế quốc Đông Rôma, làm cho Vơnidơ thu được lợi lớn. Vơnidơ được chia 3/4 chiến lợi phẩm, khoảng 3/8 lãnh thổ, giành được địa vị Tổng Giáo chủ Thiên chúa giáo Rôma trong đế quốc La tinh mới thành lập. Giáo hoàng tuyên bố không trục xuất Vơnidơ ra khỏi Giáo hội nữa, và ít lâu sau lại phê chuẩn chức Tổng Giáo chủ của Vơnidơ.

Chọn tập
Bình luận