Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Thập Tự Quân Nhi Đồng

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 THẬP TỰ QUÂN NHI ĐỒNG

Trong một chiều mù sương, trước cửa tu viện Xanh Giơne ở Pari có một em bé chừng 11, 12 tuổi, mặt mũi xinh xắn, mặc chiếc áo choàng thụng tay màu trắng viền đỏ có thêu chiếc thánh giá trước ngực, cổ đeo tượng Giêsu chịu nạn, đứng đăm đăm nhìn cây thánh giá trên nóc tu viện, rồi quì xuống miệng lẩm nhẩm cầu kinh.

Vừa lúc đó, một linh mục từ tu viện đi ra thấy em quì trước cửa, khẽ xoa đầu em:

– Con ngoan, một con chiên nhỏ bé ngoan đạo, cầu Chúa ban phúc lành cho con, con tên là gì?

Cậu bé không trả lời, tiếp tục lẩm nhẩm cầu nguyện. Thấy em không trả lời, linh mục hỏi lại lần nữa.

– Ta là sứ giả của Chúa! – Cậu bé đột nhiên nói, kéo dài từng chữ, nhưng nghe rất rành rọt.

– Sứ giả của Chúa? – Linh mục ngạc nhiên hỏi – Ồ, không, sứ giả của Chúa là người phụng sự cho Chúa, truyền đạt ý chỉ của Chúa, còn con…

– Ta là sứ giả của Chúa. – Cậu bé đứng dậy, vẻ mặt nghiêm nghị, dùng khẩu khí của người lớn – Chúa hiển thánh trong giấc mộng của ta, đích thân Người giao cho ta làm sứ giả của Người, phong cho ta làm Tổng chỉ huy Thập tự quân nhi đồng trong cuộc Thánh chiến cứu Thánh địa. Ta đang cảm tạ ơn đức của Người.

Nghe nói vậy, linh mục bất giác vội quì xuống nâng chiếc thánh giá đeo trên cổ cậu bé hôn tới tấp:

– Lạy Chúa toàn năng, xin tha thứ sự bất kính và mạo phạm của con đối với Người!

Người qua đường thấy một vị linh mục quì sám hối trước một đứa trẻ, đều tò mò xúm lại vây quanh. Sau khi rõ chuyện, có người nửa tin nửa ngờ, có người làm dấu thánh giá rồi quì cùng với vị linh mục.

Linh mục thấy người đứng xung quanh ngày càng đông bèn mời cậu bé vào tu viện, nhưng cậu bé không trả lời, quay người bỏ đi.

Liên tiếp mấy hôm, cậu bé đi cầu nguyện trước các nhà thờ lớn, tu viện lớn ở Pari và kể câu chuyện “Chúa hiển thánh”, kêu gọi các trẻ nhỏ trạc tuổi như em tham gia Thập tự quân nhi đồng đi “giải phóng mộ Chúa”. Tiếp đó, cậu bé đi về các vùng nông thôn, lặp lại những điều nói ở trên, và còn hoang đường tuyên bố rằng con đường đi chinh phạt “Thánh địa” tuy xa xôi, nhưng do lệnh của Chúa, nước biển sẽ rẽ ra trước mặt họ, họ đi trên biển cũng như đi trên đất liền, do đó đến “Thánh địa” chẳng khó khăn gì.

Cậu bé đó tên là Stêphan, một đứa trẻ mục đồng, tâm thần của cậu rõ ràng không bình thường. Song sự xuất hiện của cậu phản ánh một tư tưởng hết sức hoang đường, rằng chỉ có những trẻ em trong sạch vô tội mới có thể hoàn thành xuất sắc như một kỳ tích nhiệm vụ mà những người lớn mắc nhiều tội lỗi không thể hoàn thành được. Chính những đứa trẻ vô tội có thể mang đại phúc âm cho mọi người. Ý nghĩ ngây thơ đó đặc biệt phổ biến ở nông thôn lúc bấy giờ.

Giờ đây, Etia Stêphan không phải một mình đi khắp nơi kể câu chuyện “Chúa hiển thánh” nữa. Rất nhiều nơi xuất hiện những em trạc tuổi cậu cũng biết giảng đạo. Nhiều người mê tín đưa con đến chỗ “sứ giả của Chúa”. Lũ trẻ nhỏ phần lớn dưới 12 tuổi kéo đàn kéo lũ vác tượng thánh, cờ quạt, thánh giá, hát các bài ca cầu nguyện kéo đến chỗ Stêphan. Stêphan thực sự trở thành Tổng chỉ huy của Thập tự quân nhi đồng Cậu ngồi xe ngựa trải thảm có kỵ binh đi hộ vệ, mọi người gặp cậu ngả mũ chào. Gia nhập đội quân của Stêphan, có rất nhiều người lớn trong đó có nông dân, dân nghèo thành thị, các tu sĩ cuồng tín, bọn đạo tặc và những kẻ bất hảo khác.

Tháng 6 năm 1212, số trẻ em đến với “Sứ giả của Chúa” đã lên đến hơn 3 vạn. Chúng không mang theo bất cứ vũ khí gì, đi qua Tua, Lyông tới Mácxây – một thành phố lớn giáp Địa Trung Hải, chuẩn bị vượt biển viễn chinh.

Hàng vạn người kéo đến bờ biển, muốn tận mắt nhìn thấy kỳ tích của chúa Cứu thế rẽ nước mở đường cho đội Thập tự quân nhi đồng, nhưng kỳ tích đó chẳng thấy đâu, nước biển vẫn như mọi ngày xô vào bờ tung bọt trắng xoá. Mấy em nhảy xuống biển lập tức bị làn sóng hung dữ nuốt chửng.

Lúc đó, một chủ tầu tham lam nhảy lên bến tầu nói với mọi người:

– Chúa chưa ban phép vạn năng của Người cho Thập tự quân nhi đồng vì chưa đến lúc. Để chấp hành ý chỉ đầy quyền uy của Chúa, ta sẽ cung cấp thuyền bè giúp Thập tự quân nhi đồng vượt biển, chinh phục bọn dị giáo Ai Cập, lấy lại Thánh địa!

Một số sợ không dám ra biển, còn đại đa số vẫn lần lượt leo lên thuyền của lão chủ.

Đoàn thuyền rời Mácxây được ít lâu thì gặp bão. Hai thuyền bị đắm ở gần đảo Sácđenhơ, trẻ em trên thuyền đều bị làm mồi cho cá. Số trẻ còn lại trên năm chiếc khác sau khi đến Ai Cập bị lão chủ mang bán làm nô lệ. Sau này tên chủ tham lam đó bị xử treo cổ, nhưng khi đó chỉ trong một thời gian ngắn hắn đã phát tài to, khiến một số người Đức thèm muốn, và chuyện tương tự như vậy đã xảy ra ở Đức.

Ở Đức có một kỵ sĩ cho đứa con trai 10 tuổi của mình đi lừa các người dân ở tầng lớp dưới quá mê tín tôn giáo. Ông ta dắt con đi khắp vùng sông Ranh, bảo chú bé nói những lời đại loại như Stêphan nói để lừa mọi người. Rút cục đã lừa được 2 vạn trẻ em nam nữ gia nhập Thập tự quân do họ tổ chức. Đội quân xuất phát từ Kôn, tiến theo sông Ranh, vượt qua núi Anpơ, 2/3 “thần binh” chết trên đường đi, số còn lại tháng 8 năm 1212 tới Giênôva miền bắc Italia. Sau khi đến Rôma, một bộ phận bỏ trốn, một bộ phận tiếp tục đi. Sau nhờ có sự can thiệp của nhà cầm quyền địa phương, các em mới không bị bọn buôn nô lệ chở đi bán.

Những tin hãi hùng đó tất nhiên lọt rất nhanh đến tai Giáo hoàng Rôma, nhưng ông ta không hề có sự trừng phạt nào đối với những hành động đê tiện đó. Giáo hoàng thề thốt, hứa cho phép những đứa trẻ con bị lừa dối đó sau này lớn lên sẽ được chính thức gia nhập Thập tự quân. Nhưng tuyệt đại đa số những đứa may mắn còn sống sốt cũng bị chết đói chết rét, chết bệnh trên đường quay về. Đối với Giáo hoàng, cái chết của mấy vạn đứa trẻ chẳng có gì đáng tiếc, ngược lại có thể nhân đó mà khơi dậy nhiệt tình gia nhập Thập tự quân của người lớn. Quả nhiên ít lâu sau, Giáo hoàng lại hạ lệnh tổ chức cuộc đông chinh mới của Thập tự quân.

Tuy cách lễ Noen chỉ còn mươi ngày mà thời tiết ở Rôma vẫn rất ấm áp. Mấy hôm nay, ở tòa thành cổ xưa này ngựa xe đi lại tấp nập, canh gác rất nghiêm ngặt. Trước cửa cung Rátlan của tòa thánh đỗ đầy những chiếc xe ngựa lộng lẫy, các yếu nhân quyền quí sang trọng ra ra vào vào tất bật.

Số là Giáo hoàng Innôsăng III đang triệu tập Đại hội tôn giáo ở đây để chuẩn bị cho cuộc Thập tự chinh lần thứ 5, nhằm giành lấy “Thánh địa” từ tay người Ai Cập Innôsăng III xuất thân quyền quí, được bầu làm Giáo hoàng năm mới 37 tuổi. Ông ta lên ngôi vào năm 1198, đã ra lệnh các nước châu Âu chuẩn bị tiến hành cuộc “thánh chiến” mới. Do Vơnidơ xúi giục Thập tự quân chuyển hướng sang tấn công đế quốc Đông Rôma nên lệnh của ông ta chưa được thực hiện. Sau đó ông ta lộng quyền, tự ví “Giáo hoàng là mặt trời, quốc vương là mặt trăng, mặt trăng lấy ánh sáng từ mặt trời; hoàng đế cũng thế, có được chính quyền là nhờ ở Giáo hoàng”. Ông ta buộc quốc vương các nước Anh, Thụy Điển, Đan Mạch cúi đầu xưng thần với ông ta, còn ông ta trở thành Thái thượng hoàng của các nước Tây Âu.

Để tỏ rõ quyết tâm viễn chinh của mình, Giáo hoàng triệu tập các nhân vật tai mắt của rất nhiều nước Tây Âu tới Rôma. 1.500 người tới tham gia hội nghị, trong đó có hơn 400 đại giáo chủ và giáo chủ, ngoài ra còn có các nhân vật quyền thế khác như đại diện của Hoàng đế, các quốc vương, Công tước, bá tước v.v. Qui mô của hội nghị lớn chưa từng có, còn lớn hơn nhiều lần hội nghị tôn giáo triệu tập 120 năm trước kia khi thập tự quân đông chinh lần thứ nhất.

Ngày 14 tháng 12, Giáo hoàng Innôsăng III dương dương tự đắc tuyên đọc chính lệnh của ông trước những người đến dự hội nghị.

– Hỡi các con của tam Thể theo nguyện vọng thiết tha của đông đảo tín đồ Kitô giáo muốn giải phóng Thánh địa khỏi bàn tay của kẻ ác, và quyết định của cuộc hội nghị thiêng liêng này, ta đặc biệt ra lệnh: toàn thể Thập tự quân phải sẵn sàng để đúng ngày mồng 1 cổ lịch Rôma tháng 6 năm sau nữa (tức mồng 1 tháng 6 năm 1217) tập họp ở vương quốc Xixin. Nếu Chúa ban phép, lúc đó ta sẽ đích thân tới tận nơi đó huấn thị và chúc phúc cho quân đội của Chúa cứu thế.

Đại sảnh yên lặng như tờ. Giáo hoàng đảo mắt nhìn mọi người một lượt rồi dằn giọng:

– Tất cả những kẻ chuyển vũ khí, sắt, vật liệu đóng thuyền cho tín đồ dị giáo đều bị rút phép thông công, khai trừ giáo tịch. Tất cả những kẻ bán chiến thuyền cho kẻ dị giáo hoặc giúp đỡ chúng gây nguy hại cho cuộc Thánh chiến sẽ bị tịch thu tài sản, và bắt kẻ đó phải làm nô lệ cho người bắt được kẻ đó. Ta ra lệnh tất cả các nhà thờ ở vùng duyên hải, trong các ngày chủ nhật và các ngày lễ phải tuyên đọc những qui định này một lượt. Đồng thời, ra lệnh trong 4 năm tới cấm mọi tín đồ Kitô giáo không được tự mình hoặc sai người khác cho thuyền đi sang phương Đông, nơi đang bị bọn dị giáo chiếm. Thuyền bè phải để giành cho cuộc Thánh chiến sắp tới. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị đuổi ra khỏi Giáo hội!

Tuy Giáo hoàng ra sức hò hét tiến hành cuộc “Thánh chiến” lần thứ 5, nhưng so với mấy lần trước sự hưởng ứng giảm sút đi rất nhiều. Chỉ có một số Công tước và bồi thần miền Nang nước Đức, một số Công tước của Áo, Hunggari và Hà Lan đưa quân đến tập trung. Năm sau Giáo hoàng ốm chết, không đến được đảo Xixin huấn thị và chúc phúc cho Thập tự quân, song công việc chuẩn bị cho cuộc viễn chinh vẫn được tiến hành khẩn trương.

Mùa hạ năm 1217, Thập tự quân bắt đầu cuộc Đông chinh lần thứ 5. Đầu năm sau quyết định trước tiên tấn công Đamiét của Ai Cập.

Đamiét là một thành phố cứ điểm trọng yếu, nằm trên một chi lưu của châu thổ sông Nin miền đông bắc châu Phi, là yết hầu từ Địa Trung Hải vào sâu đất Ai Cập. Thành phố được vây bọc bởi ba lớp tường thành. Những cù lao trên sông Nin có các cầu nối với thành phố, lại có các pháo đài kiên cố làm nhiệm vụ yểm trợ. Lòng sông có những lưới xích sắt to ngăn không cho kẻ địch tiến vào thành phố bằng đường thủy.

Thoạt đầu, Thập tự quân cho sửa thuyền chiến thành những “máy công thành” trên mặt nước, trên bố trí những chiếc thang dùng để vượt thành. Với cách đánh này, Thập tự quân chiếm được khá nhiều pháo đài. Nhưng mùa hạ sắp tới, nước sông Nin lên to, Thập tự quân bị bệnh dịch hoành hành, không sao hạ được thành. Hai bên giằng co mấy tháng không phân thắng bại. Thân binh cảm thấy thất vọng. Vây thành đến mùa xuân năm thứ hai, công tước Áo bỏ mặc tất cả dẫn quân quay về châu Âu, còn các đội Thập tự quân khác vẫn chưa chịu rút.

Một hôm, Xuntan của Ai Cập sai sứ giả đến gặp thủ lĩnh của Thập tự quân. Hồng y Giáo chủ Pilagiơ, tổng chỉ huy Thập tự quân đại diện cho Giáo hoàng tiếp sứ giả của Xuntan.

– Thưa Giáo chủ, tôi vâng lệnh Xuntan tôn quí tới thương thảo với quí quân về vấn đề hòa bình cho Đamiét.

– Đamiét chỉ vài ngày nữa là vào tay Thánh quân – Giáo chủ vênh vang tự đắc – Chẳng lẽ các người còn muốn cầu hòa sao?

– Không, thưa Ngài. Để giảm bớt sự hy sinh cho sinh linh, thương thảo hòa bình là việc cần thiết. Giáo lý của quí đạo giáo chẳng đã dạy mọi người phải đối xử nhân từ với sinh linh đó sao?

Giáo chủ “hừ” một tiếng:

– Chúa chủ trương trừng phạt nghiêm khắc bọn dị giáo!

– Nhưng quí quân vây Đamiét đã một năm mà chiến sự vẫn không tiến triển.

Giáo chủ bèn lái sứ giả sang đề tài khác, hỏi một cách sỗ sàng:

– Các ngươi dự định đổi lấy hòa bình bằng giá nào?

– Nếu quí quân rút toàn bộ ra khỏi Ai Cập, Xuntan tôn quí của chúng tôi sẽ trả lại vương quốc Giêrusalem cho các ngài cai quản, đồng thời giao trả những di vật thiêng liêng đặc biệt quí báu của quí giáo mà tiên vương chúng tôi tiếp nhận 30 năm trước; ngoài ra còn nộp cho quí quân một khoản tiền khá lớn.

Nghe nói vậy, Giáo chủ tuy không khỏi động lòng trước những điều kiện “ngon lành” do sứ giả đưa ra, nhưng lòng tham đã choán hết linh hồn ông ta. Cái mà ông ta muốn có không chỉ dừng ở những “di vật thiêng liêng” và “khoản tiền khá lớn”, ngay cả nhường thánh địa cho ông ta cũng chưa đủ. Vì ông ta cho rằng, dựa vào vũ lực ông ta có thể đoạt được những thứ đó, ông ta còn muốn chiếm được nhiều hơn.

– Chúa muốn là muốn toàn bộ phương Đông – Giáo chủ nói một cách ngông cuồng – Nếu Xuntan tình nguyện hiến dâng toàn bộ Ai Cập cho Chúa, cải giáo theo đạo Kitô, chúng ta sẽ ban hòa bình cho ông ta. Cuộc đàm phán đương nhiên bị tan vỡ. Đầu tháng 11 năm 1219, cuối cùng Thập tự quân hạ được thành Đamiét, thu được khoản chiến lợi phẩm giá trị đến mấy trăm ngàn Mác bạc. Bị thắng lợi làm cho đầu óc mụ mẫm, thủ lĩnh Thập tự quân cứ ngồi ở đó đợi viện binh từ châu Âu tới. Tháng 6 năm 1221 mới tiến quân về Cairô, kinh đô Ai Cập. Xuntan Ai Cập một lần nữa phái sứ giả đến gặp thủ lĩnh Thập tự quân nêu lại những đề nghị trước kia, song vẫn bị từ chối.

Trung tuần tháng 6, Thập tự quân tấn công mãnh liệt Mansura, cứ điểm quân sự quan trọng trên đường vào Cairô. Ngày giờ tấn công chọn đúng vào mùa nước sông Nin lên to. Đầu tháng 7, vùng thượng du sông Nin mưa lớn, nước lũ cuồn cuộn chảy qua các ghềnh thác từ nam lên bắc. Toàn vùng thung lũng Mansura phút chốc biến thành biển nước, nhấn chìm toàn bộ doanh trại Thập tự quân. Quân Ai Cập thông thuộc địa hình sông nước, nhanh chóng cắt đứt đường rút của Thập tự quân. Khi Thập tự quân nhằm hướng đông bắc để rút về Đamiét thì bị quân Ai Cập từ hai bên đánh kẹp lại, thương vong quá nửa.

Lúc này Giáo chủ Pilagiơ chủ động xin cầu hòa, và đến lượt họ phải chấp nhận những điều kiện của người Ai Cập đưa ra. Thập tự quân phải rút ra khỏi Đamiét, và tháng 9 năm 1221 phải rút khỏi toàn bộ Ai Cập. Cuộc Thập tự chinh lần thứ 5 do Innôsăng III phát động đã hoàn toàn thất bại nhục nhã.

Kể từ năm 1228 còn xảy ra 3 cuộc Đông chinh của Thập tự quân, nhưng đều thất bại. Sau này, những người kế vị Innôsăng III vẫn kêu gọi các vị quân vương theo Kitô giáo tiến hành các cuộc Thập tự chinh mới, nhưng không tập hợp được quân đội. Năm 1291, Thập tự quân mất nốt cứ điểm Acơ, cứ điểm cuối cùng ở phương Đông trên bờ đông Địa Trung Hải. Đến đây, 8 lần xâm lược phương Đông của Thập tự quân kéo dài gần 200 năm đã hoàn toàn thất bại.

Hồi thế kỷ 13, ở nước Cộng hòa Phơlôrenxơ miền bắc Italia có một phong tục: cứ vào lúc thời tiết ấm áp muôn hoa đua nở là trai gái lại tụ hội vui vẻ bằng đủ mọi hình thức, mọi người đến nhà thăm hỏi lẫn nhau.

Hôm mồng 1 tháng 5 năm ấy, một gia đình rất có danh vọng mở tiệc mời hàng xóm láng giềng. Nhà quí tộc phá sản nọ dẫn các con sang dự tiệc. Trong số đó có một em bé tên là Đăngtơ Alighiêri mà sau này đã trở thành nhà thơ vĩ đại nhất của thời Trung đại. Trong lúc người lớn vui vẻ ngồi bên bàn tiệc thì Đăngtơ 9 tuổi chơi đùa với các bạn cùng trang lứa.

Cô con gái nhỏ của chủ nhân là Bêatrixơ mặt mũi xinh xắn, dáng vẻ dễ thương. Em mới lên tám, mà từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đều đoan trang, hoàn toàn không hợp với tuổi của em. Đăngtơ vừa gặp đã rất mến cô bạn nhỏ, cùng nhau bày trò chơi đùa. Sau lần đó, Đăngtơ thường tìm cơ hội đến thăm Bêatrixơ.

Năm tháng trôi qua, nàng Bêatrixơ xinh đẹp trở thành đối tượng tinh thần mà Đăngtơ ái mộ, song cuối cùng họ đã không thể chung sống được với nhau. Năm 24 tuổi, Bêatrixơ qua đời. Điều bất hạnh đó làm cho Đăngtơ đau khổ khôn cùng, suốt ngày chàng than vắn thở dài, người tiều tụy gầy còm. Sau đó chàng quyết định viết một tập thơ dài – “Thần khúc” ghi lại những kỷ niệm về nàng. Song, đời sống chính trị đầy biến động và số phận chìm nổi của Đăngtơ đã khiến bản thảo cuối cùng của “Thần khúc” từ một tập thơ tình biến thành một tập thơ chính trị. Âu đó cũng là kết quả của một cuộc đời 20 năm bị lưu đày mang lại.

Đăngtơ từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, đặc biệt thích đọc sách và làm thơ. Ông biết sắp xếp thời gian, dựa vào tự học mà thông hiểu lịch sử, học triết, học thần học ở nhiều thầy giáo. Đăngtơ đặc biệt tôn thờ nhà thơ cổ Rôma Viếcgiliút, còn bắt chước ông ta làm thơ bằng tiếng địa phương. Do đó, từ thời thanh niên Đăngtơ đã rất nổi tiếng.

Thời đó, Phơlôrenxơ là một quốc gia thành thị một trung tâm lớn của ngành thủ công. Ngân hàng Phơlôrenxơ năm mạch máu của nền công thương nghiệp Tây âu, do đó những cuộc đấu tranh chính trị và mâu thuẫn xã hội ở Tây Âu luôn luôn biểu hiện tập trung ở đây, Thời Đăngtơ còn là thanh niên, thị dân trong thành phố chia làm hai đảng Đen và Trắng. Đảng Đen bảo thủ, phần lớn thành viên là quí tộc và thị dân tầng lớp trên ngả theo quí tộc, họ ủng hộ Giáo hoàng.

Đảng Trắng đại diện cho lực lượng tiến bộ của thị dân, họ đòi thành phố phải được hoàn toàn tự do độc lập, phản đối Giáo hoàng can thiệp vào chính trị. Hai đảng này đấu tranh với nhau rất dữ dội. Đăngtơ tuy xuất thân từ gia đình quí tộc phá sản, nhưng ông ủng hộ lực lương tiến bộ, tham gia tổ chức phường hội các thầy thuốc trong thành phố, về mặt chính trị ông thuộc đảng Trắng. Năm 1300 ông 35 tuổi, được bầu làm ủy viên trong Hội đồng Thị chính.

Năm đó, nhân việc Giáo hoàng dùng mưu chiếm lấy quyền lực ở một bang thuộc Phơlôrenxơ, Hội đồng Thị chính kiên quyết chống lại. Đăngtơ là một trong những người phản đối kịch liệt nhất. Hai đảng Đen – Trắng đấu tranh với nhau dữ dội về việc đó. Giáo hoàng lệnh cho con trai quốc vương Phrăng lấy danh nghĩa hòa giải đưa quân vào. Một trăm quân Phrăng sau khi vào thành đã lập tức giúp đảng Đen tổ chức chính quyền, giết hại và đưa đi đày các thủ lĩnh đảng Trắng. Khi đó Đăngtơ đang ở Rôma thương thảo với Giáo hoàng ngăn chặn việc đưa lính bên ngoài vào thành. Kết cục, ông bị Giáo hoàng bắt giam và sau đó đưa đi đày suốt đời không cho phép được trở về xứ sở của mình.

“Trời hỡi! Chẳng lẽ đây là sự đền đáp tôi đã đem hết tâm can nhiệt huyết của mình ra mưu cầu hạnh phúc và yên bình cho đồng bào mình?” Trong suốt cuộc đời gian truân phiêu bạt, Đăngtơ luôn luôn dằn vặt tự hỏi mình?

Mặc dù gặp bất hạnh như vậy, Đăngtơ vẫn không từ bỏ chủ trương chính trị của mình, vẫn không ngừng hoạt động chính trị. Ông những muốn tổ chức những người phải sống lưu vong lại, đánh về Phơlôrenxơ, nhưng đều thất bại. Về sau, ông ngày càng phiêu bạt, đã vượt núi Anpơ đến Pari. Ở Pari, ông nghiên cứu triết học, thần học, bắt đầu sáng tác “Thần khúc” – tác phẩm lớn mang tầm thời đại và đau đớn chờ mong có ngày nào đó được trở về quê hương.

Thời cơ đó cuối cùng đã tới. Năm 1308 khi ông 43 tuổi, Công tước Lucxembua được chọn làm hoàng đế Đế quốc Rôma thần thánh, ít lâu sau ông này định đem quân tấn công một thành phố của Italia. Được tin đó, Đăngtơ trong lòng rất vui. Ông hy vọng có thể nhờ vào sự giúp đỡ của Hoàng đế, trở về Phơlôrenxơ lật đổ ách thống trị của đảng Đen, lập nên chính quyền lý tưởng của mình. Thế là ông lại vượt núi Anpơ đi về phía nam, viết thư khuyên Hoàng đế đánh Phơlôrenxơ. Hoàng đế quả nhiên nghe ý kiến của Đăngtơ đem quân đánh Phơlôrenxơ, nhưng bị quân của đảng Đen chống trả quyết liệt phải rút về Rôma. Ít lâu sau vị Hoàng đế đó qua đời, hy vọng trở về quê hương của Đăngtơ cũng hóa thành mây khói.

Từ đó, lý tưởng chính trị của Đăngtơ hoàn toàn tiêu tan. Trong khi lang thang phiêu bạt, ông chuyên tâm vào sáng tác, hoàn thành tác phẩm lớn mà bao năm nay chưa hoàn thành được – “Thần khúc”. Ông căm ghét chế độ người ăn thịt người giữa cuộc đời trần tục, dồn hết cả nỗi uất hận và lý tưởng của mình vào nội dung tác phẩm.

Hồi đó, có một vị quân vương ở thành cổ Ravenna nổi tiếng miền bắc Italia là một kỵ sĩ có học thức, rất kính trọng những người có học vấn và từ lâu đã ngưỡng mộ đại danh của Đăngtơ. Ông đích thân mang quà tìm đến thăm Đăngtơ, mời Đăngtơ về định cư ở Ravenna. Sau khi Đăngtơ đến Ravenna, vị quân vương này rất kính trọng ông, chẳng những biếu ông những thứ cần thiết cho cuộc sống, mà còn khuyến khích ông hăng hái sáng tác. Chính ở Ravenna, Đăngtơ đã sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và đã hoàn thành được tác phẩm lớn “Thần khúc”.

“Thần khúc”, trực dịch là “Hài kịch của thần”. Sở dĩ có tên như vậy là vì tác phẩm bắt đầu từ địa ngục bi thảm, và kết thúc ở chốn thiên đường tươi sáng, có mang một số đặc trưng nào đó của hài kịch. Tập thơ này khá dài, tất cả 100 bài với 14. 000 câu gồm ba phần “Địa ngục”, “Luyện ngục” và “Thiên đường”, Thơ viết rằng, nhà thơ năm 35 tuổi nằm mơ được gặp nhà thơ thời cổ Rôma mà ông hằng tôn kính và Viếcgiliút dẫn đi du ngoạn “Địa ngục”, “Luyện ngục” và “Thiên đường”. “Địa ngục” giống như một cái phễu khổng lồ có 9 tầng càng xuống dưới càng nhỏ, ở đây toàn những người mắc tội khi còn sống. Tội càng nặng thì càng ở tầng dưới, hình phạt cũng càng nặng. Ví dụ, ở tầng thứ 8 của địa ngục, nhà thơ nhìn thấy Giáo hoàng đã chết Nicôla III, và cả Giáo hoàng Nifaxơ VIII còn đang sống trên đời, kẻ đã bức hại nhà thơ cũng có ở đây. Những tên hung thủ đó bị chôn trong những cái hố trên mặt đất, hai chân thò ra giãy giụa dữ dội. Nhìn thấy vậy, nhà thơ khoái trá hét to lên: “Thật đáng đờí. Sống trên thế gian, chúng chà đạp những người lương thiện, đội những kẻ hung ác lên đầu. Hãy bắt chúng phải chịu tội mãi mãi!”.

Nhà thơ du ngoạn hết “Địa ngục” lại đi du ngoạn “Luyện ngục”. “Luyện ngục” nổi trên mặt biển bán cầu nam, bốn bề là những bãi biển đẹp. Chốn này toàn những kẻ có tội nhẹ hơn như tham của, tham ăn, lười nhác, đố kỵ v.v. Qua tu luyện ở đây, họ có thể được lên “Thiên đường”.

Khi nhà thơ sắp đi đu ngoạn “Thiên đường”, trong không trung bỗng xuất hiện nàng Beatrixơ mà thời ấu thơ nhà thơ hằng yêu mến. Được nàng dẫn lối, nhà thơ đến được “Thiên đường”. “Thiên đường” cũng có chín tầng. Ở đây toàn những người khi sống là những người chính trực, làm điều thiện, và bây giờ họ mãi mãi được hưởng sung sướng. Ngoài chín tầng trời là nơi ở của Thượng đế. Nơi đó trang nghlếm mĩ lệ, tràn đầy ánh sáng và niềm vui. Nhà thơ cảm thấy chốn đó mới thực sự là nơi lý tưởng nhất của loài người…

Trong “Thần khúc”, Đăngtơ đã dùng thủ pháp ẩn dụ và tượng trưng, thông qua việc miêu tả giấc mộng đã phê phán không thương tiếc đủ loại tội ác của xã hội thời trung đại. Ông can đảm lên án thói lộng quyền, tham lam của Giáo hoàng và tầng lớp tăng lữ, nói lên nguyện vọng tha thiết của con người. Đối với đương thời, đó là điều rất đáng quí, chứng tỏ tư trào văn hóa mới đang đâm chồi nẩy lộc.

Năm 1300 Đăngtơ mới bắt đầu sáng tác “Thần khúc”, trước khi ông tạ thế ít lâu mới hoàn thành bản thảo, trước sau mất tất cả 20 năm.

Năm 1321 tức năm Đăngtơ 56 tuổi, ông ngã bệnh nằm liệt, tháng 9 năm đó ông vĩnh viễn từ biệt cõi đời. Dân chúng Ravenna tổ chức tang lễ ông rất trọng thể. Những người có danh tiếng nhất trong thành phố tới khiêng linh cữu ông đưa đến nghĩa trang của một tu viện, toàn thành phố hầu như đều xuống đường đưa tang ông. Thi hài ông được đặt trong một cỗ quan tài bằng đá. Chiếc quan tài đó vẫn giữ được đến ngày nay.

Đăngtơ là nhân vật tiêu biểu kiệt xuất nhất của nền văn hóa phục hưng thời kỳ đầu ở Tây Âu thời Trung đại. Ăngghen đánh giá ông rất cao, nói ông là nhà thơ tỏa sáng cuối cùng của thời Trung đại và cũng là nhà thơ đầu tiên của thời đại mới.

Nếu nói Đăngtơ là nhà thơ vĩ đại nhất của Italia thời Trung đại thì có thể nói Bôcaxiô là nhà tiểu thuyết kiệt xuất nhất của xứ sở này cũng vào thời kỳ đó.

Bôcaxiô sinh năm 1313 ở Pari, cha người Italia, mẹ người Pháp. Bôcaxiô ra đời được ít lâu thì mẹ mất, cha đưa ông về Phơlôrenxơ. Thời đó, không khí dân chủ ở Phơlôrenxơ khá đậm đà, hoàn toàn khác với chế độ phong kiến chuyên chế ở nhiều nước châu Âu, cho nên từ nhỏ Bôcaxiô đã hướng về dân chủ, tỏ ra bất mãn với ách thống trị đen tối của Giáo hôi. Năm 14 tuổi, cha đưa Bôcaxiô đến Napôli học thương nghiệp, sau đó lại học luật Giáo hội ở đó, tất cả mất 12 năm. Trong thời gian này ông đi chu du nhiều nơi, tích lũy được nhiều tri thức.

Bôcaxiô chăm chỉ học hành từ nhỏ, 7 tuổi đã học làm thơ, hơn 20 tuổi đã viết được mấy tập thơ. Năm ông 26 tuổi, người cha bị phá sản, ông trở về Phơlôrenxơ, tham gia hoạt động chính trị. Ông kiên định đứng về phía chính quyền cộng hòa, chống lại chuyên chế phong kiến, từng 7 lần được nước Cộng hòa giao đi làm công việc ngoại giao. Trong đó có một lần vào năm 131 được giao nhiệm vụ đi mời Pêtơrắc – nhà thơ dân chủ Italia bị đi đày. Từ đó giữa Bôcaxiô và Pêtơrắc đã xây dựng được một tình bạn vĩnh hằng.

Năm 1348, ở Phơlôrenxơ xảy ra một nạn dịch khủng khiếp, 4 tháng chết 10 vạn người, thật thê thảm vô cùng. Tai họa này đã tác động sâu sắc đến Bôcaxiô, Tiểu thuyết “Mười ngày kể chuyện” ông viết khoảng trước sau năm 1350 đã lấy sự kiện đó làm bối cảnh.

“Mười ngày kể chuyện” là tập truyện ngắn nổi tiếng nhất Italia thời đó. Câu chuyện sinh động, tình tiết li kỳ, tràn đầy tinh thần dân chủ chống phong kiến. Bấy giờ nó là tác phẩm văn học nổi tiếng ngang với tập thơ “Thần khúc” của Đăngtơ, cho nên có người gọi “Mười ngày kể chuyện” là “Nhân khúc”, là chị em với “Thần khúc”.

Tại sao lại gọi là “Mười ngày kể chuyện”?

Chuyện kể rằng vào một chiều hoàng hôn trong kỳ đại dịch ở Phơlôrenxơ có 7 cô gái trẻ đầy lo âu cùng tới nhà thờ cầu nguyện. Sau khi gặp nhau, họ quyết tâm mang theo người hầu rời khỏi cái thành phố đáng sợ đang nằm trong tay tử thần. Nhưng họ thấy không có sự giúp sức của đàn ông thì không xong. Đúng lúc đó có 3 chàng trai đi tới, thế là ba chàng trai, bẩy cô gái mang theo mấy người hầu rời khỏi thành phố để tránh dịch bệnh.

Họ đi đã khá xa và gặp một quả núi nhỏ ở phía trước. Xung quanh trái núi cây cối xanh tươi, trên đỉnh núi có một tòa lâu đài nguy nga, giữa lâu đài là một cái sân lớn với những dãy hành lang quanh co có những bức bích họa tinh xảo, những vòi phun nước trong vắt và những thảm cỏ hoa đẹp mắt. Dưới hầm còn trữ rất nhiều loại rượu ngon thơm nức.

Đến nơi, việc đầu tiên của họ là trong 10 người chọn ra một người đứng đầu. Họ thống nhất với nhau, nếu là đàn ông thì gọi là “vương”, nếu là đàn bà thì gọi là “hậu”, mọi công việc đều do người đó sắp đặt. Nhiệm kỳ của “lãnh tụ” chỉ có 1 ngày, ngày hôm sau đổi người khác. Như vậy 10 người họ thay nhau làm “lãnh tụ” trong 10 ngày.

Ngày thứ nhất, họ bầu cô gái nhiều tuổi nhất làm “vương hậu”, thực ra cô mới 2 tuổi. “Vương hậu” giao các chức vị cho “hạ thần” của mình. Tiếp đó “vương hậu” sắp xếp trật tự sinh hoạt: sau bữa sáng mọi người du ngoạn tự do; buổi trưa trời nóng, mọi người tập trung ở chỗ mát, mỗi người kể một câu chuyện; sau bữa cơm tối, cùng nhau ca hát nhảy múa rồi đi ngủ.

100 câu chuyện đã được kể suốt trong 10 ngày, và đó là lý do tập truyện ngắn của Bôcaxiô có tên “Mười ngày kể chuyện”.

Theo lời Bôcaxiô, những câu chuyện đó đều bắt nguồn từ những chuyện có thật: Nội dung câu chuyện chủ yếu có hai phương diện: Thứ nhất là phê phán thế lực phong kiến, như vạch trần sự tàn bạo của vua chúa phong kiến, cũng như tội ác của Giáo hội Kitô v.v. Thứ hai là ca ngợi sự tự do của nhân dân, đặc biệt là tự do tình yêu, sự thông minh tài trí của nhân dân. Dưới Đây là một ví dụ:

Câu chuyện thứ hai kể trong ngày đầu tiên:

Pari có một thương nhân tên là Alabaham. Ông ta là tín đồ đạo Do Thái, xưa nay không tin đạo Kitô. Alabaham có một người bạn thân tên là Zannô, nhưng Zannô lại là tín đồ Kitô rất ngoan đạo. Một hôm, Zannô bảo Alabaham rằng nếu không theo đạo Kitô thì khi chết phải xuống địa ngục chịu tội, và khuyên Alabaham nên theo đạo Kitô. Alabaham từ chối, nói chỉ có đạo Do Thái mới thực sự linh thiêng và nhất định không chịu cải đạo.

Vài hôm sau, Zannô lại khuyên Alabaham cải đạo. Thấy bạn quá nhiệt tình như vậy, Alabaham bảo trước tiên phải đến tận nơi Giáo hoàng ở Rôma xem sao, nếu đạo Kitô đúng là thiêng liêng vĩ đại như vậy thì sẽ theo.

Nghe bạn nói vậy Zannô phát hoảng lên, vì ông ta biết những người trong Giáo hội toàn làm việc xấu, nếu Alabaham thấy nhất định sẽ không theo đạo Kitô nữa, bèn khuyên đừng đi vì đường sá xa xôi vất vả, lại còn tốn kém rất nhiều tiền.

Nhưng Alabaham quyết tâm đi Rôma một chuyến. Đến Rôma, ông ta bí mật quan sát tỉ mỉ mọi lời nói việc làm của Giáo hoàng và các Hồng y Giáo chủ, tìm hiểu kỹ tác phong sinh hoạt của các giáo sĩ. Kết quả, Alabaham phát hiện người trong Giáo hội từ trên xuống dưới đều làm việc xấu. Họ coi tiền bạc như tính mệnh, tham lam vô độ, làm cả chuyện buôn bán người, hãm hiếp phụ nữ, ăn uống bê tha bằng những đồng tiền lừa đảo được. Họ lợi dụng danh nghĩa Giáo hội để mua quan bán chức, những kẻ mua được chức sắc tôn giáo lại lợi dụng danh nghĩa Giáo hội bóp nặn tiền bạc của dân. Sau khi thấy rõ bộ mặt thật của Giáo hội Kitô, Alabaham trở về Pari. Thấy Alabaham trở về, Zannô bèn đến hỏi cảm tưởng của bạn sau chuyến đi Rôma. Alabaham đáp:

– Chúa Trời phải trừng phạt bọn người đó, không tha một ai. Họ tồi tệ hết chỗ nói?

Nghe vậy, Zannô nghĩ bụng chắc Alabaham sẽ không theo đạo Kitô nữa. Nhưng Alabaham lại nói tiếp:

– Tôi muốn cải đạo!

Zannô vui đến bất ngờ, vội dẫn Alabaham đến nhà thờ làm lễ rửa tội, và nhận một tên thánh là “Giôn”.

Câu chuyện kỳ quặc này nói lên điều gì? Số là châu Âu thời Trung đại là châu Âu của Kitô giáo, kẻ nào chống lại Kitô giáo kẻ đó ắt sẽ gặp tai họa, thậm chí bị xử tội chết. Bôcaxiô cũng là một tín đồ, không thể phủ nhận triệt để tôn giáo. Cho nên ông dùng thủ pháp châm biếm, một mặt vạch trần sự đen tối của Giáo hội, mặt khác cũng nói lên rằng thế lực của Giáo hội rất lớn, không dễ sụp đổ trong chốc lát, kẻ không ưa nó cũng buộc phải theo nó. Với bút pháp như vậy, sức mạnh đả kích được nhân lên.

Câu chuyện thứ nhất kể trong ngày thứ 4:

Ở Salécnô có một thân vương tên là Tanclê. Ông ta chỉ có một cô con gái, mọi người gọi cô là “quận chúa”. Thân vương rất yêu quí cô con gái. Điều bất hạnh là thân vương phu nhân mất sớm, hai cha con tuy sống trong vinh hoa phú quí nhưng rất cô đơn, chỉ có thể dựa vào nhau mà sống.

Quận chúa đã trưởng thành, Thân vương không muốn cho con đi lấy chồng. Kén chọn mãi, cuối cùng kén được con trai của một công tước môn đăng hộ đối làm con rể. Không ngờ chàng rể rất ốm yếu, kết hôn được mấy hôm thì lăn ra chết. Thân vương vội đón quận chúa về, không cho cô lấy chồng nữa. Nhưng quận chúa đang tuổi thanh xuân hơ hớ không đi bước nữa sao được? Cô bắt đầu để tâm quan sát những người xung quanh Thân vương. Cô nhận thấy, những vị đại thần quan cao lộc hậu đều là những kẻ giá áo túi cơm, chỉ có một chàng thanh niên tuy địa vị thấp kém nhưng lại tuấn tú giỏi giang, tài trí hơn người. Thế là cô đem lòng yêu chàng thanh niên đó.

Chàng thanh niên đó tên là Gitscađô. Chàng và quận chúa thường thư từ qua lại, có tình cảm chân thành với nhau. Một hôm, quận chúa bảo cho chàng biết, trong hang sau núi có đường thông vào vườn hoa sau cung điện của Thân vương. Thế là Gitscađô theo con đường đó vào gặp gỡ quận chúa. Không dè Thân vương biết được chuyện đó, bèn sai quân lính canh gác ở cửa hang, đợi khi Gitscađô đi ra thì bắt liền.

Thân vương mặt hầm hầm tức giận đến trước mặt quận chúa quát mắng:

– Ngươi tại sao lại mê tên đầy tớ hèn hạ đó? Ta phải trừng phạt nặng các ngươi.

Quận chúa đáp:

– Trước kia cha chẳng đã khen anh ta thông minh giỏi giang đó sao? Đúng, anh ấy tuy thân phận nghèo hèn, nhưng có phẩm chất cao quí!

Nghe vậy, Thân vương giận sôi lên sai quân lính giết Gitscađô rồi moi lấy quả tim để vào một chiếc cốc bằng vàng, sai người mang đến trước mặt quận chúa.

Nhìn thấy trái tim máu còn đỏ hồng, quận chúa đau đớn khóc lóc thảm thiết. Cô hôn trái tim và nói:

– Chàng phải được cỗ quan tài bằng vàng. – Sau đó cô bỏ thuốc độc vào chiếc cốc vàng, uống một hơi cạn. Trước khi chết, cô nói với cha:

– Con muốn được chôn chung một mộ với Gitscađô!

Câu chuyện đầy tính bi kích đó nói lên điều gì? Nó nói rằng, con người phải được giải phóng, con người phải được tự do ách thống trị thời Trung đại vô cùng đen tối, thế lực của chúa phong kiến và Giáo hội đè nén con người đến nghẹt thở, một chút tự do cũng không có cho nên, giành tự do và giải phóng cho con người là một mặt rất quan trọng phá toang hàng rào phong kiến. Tác phẩm này của Bôcaxiô tràn đầy tư tưởng dân chủ chống phong kiến.

“Mười ngày kể chuyện” sau khi viết xong đã bị thế lực phong kiến ra sức ngăn cản. Bản thân Bôcaxiô cũng bị bức hại, bị buộc phải từ bỏ sáng tác chuyển sang làm nghiên cứu văn học. Đến bước ấy mà thế lực phong kiến vẫn không buông tha ông. Năm 1362, Giáo hội Kitô cho người đến chửi bới và đe dọa Bôcaxiô. Bôcaxiô bị dồn đến mức định đốt tất cả các trước tác, kể cả “Mười ngày kể chuyện”. Rất may, người bạn tốt của ông là Pêtơrắc ra sức can ngăn ông mới không làm như vậy.

Pêtơrắc là nhà thơ dân chủ nổi tiếng, người sáng tạo ra thể loại “thơ 14 dòng” có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển các thể loại thơ ở châu Âu. Năm 1374, Pêtơrắc tạ thế, Bôcaxiô bị giáng một đòn nặng về tinh thần nên rất buồn. Năm sau, nhà văn học vĩ đại này cũng lìa cõi trần gian trong cảnh nghèo khó và cô đơn.

Trong lịch sử Trung đại, quan hệ giữa hai nước Anh – Pháp rất mật thiết, song cũng thường xảy ra xung đột.

Cuối thế kỷ 10, vương quốc Pháp bị chia ra làm rất nhiều công quốc, lớn mạnh nhất là công quốc Noócmăngđi ở miền tây. Công quốc Noócmăgđi cách vương quốc Anh chỉ có một eo biển, đó là eo biển Măngsơ. Nửa cuối thế kỷ 11, Công tước Viliam của Noócmăngđi nhân khi vương quốc Anh lục đục đã vượt biển đánh bại Anh, vào Luân Đôn lên ngôi quốc vương Anh. Sự kiện đó lịch sử gọi là “Cuộc chinh phục của Noócmăng”.

Đến giữa thế kỷ 12, hậu duệ của Viliam lấy danh nghĩa bầy tôi của Pháp đã chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn của Pháp. Để thống nhất nước Pháp, vua Pháp luôn luôn xung đột vũ trang với Anh.

Năm 1328, vua Pháp Philíp VI lên ngôi, Lúc đó, quốc vương Anh là Étuốt III nói mình là cháu ngoại của vua Pháp Philip IV nên tranh quyền kế vị với Philip VI. Song đó chỉ là cái cớ, nguyên nhân đích thực là hai bên tranh giành nhau vùng đất giàu có Phơrăngđen. Tháng 11 năm 1337, cuộc chiến tranh dài suốt 100 năm giữa hai nước đã bùng nổ.

Khi mới bắt đầu chiến tranh, hành động quân sự của hai bên diễn ra chậm chạp. Nhưng đến năm 1340, hải quân Anh đã đánh tan hạm đội Pháp ở gần một hải cảng, chiếm được ưu thế trên biển. Sáu năm sau, lục quân Anh xuất hiện trên đất Pháp. Vua Pháp Philíp VI tất nhiên muốn đánh bại quân Anh rửa hận ngày trước.

Mặt trời đỏ chói vừa nhô lên, vua Pháp đã thân chinh thống lĩnh quân lính xuất phát. Đoàn quân đi trong tiếng kèn, tiếng trống trận ầm ỹ.

Ra khỏi thành mới sáu bẩy dặm Anh, tới gần thị trấn nhỏ Crêxy, lính tiền tiêu cấp báo về: đã nhìn thấy cờ xí của quân Anh ở phía trước.

Philíp VI lập tức hạ lệnh cho quân dừng tại chỗ đợi lệnh. Nhưng không rõ nguyên cớ gì, quân phía trước đã dừng lại mà quân phía sau vẫn tiến khiến cho những đơn vị đi đầu cứ phải dồn lên, hàng ngũ sinh rối loạn, quốc vương và các tướng lĩnh không sao điều khiển nổi. Chỉ trong chốc lát toàn bộ quân Pháp phơi ra hết cả trước mắt quân Anh.

Quân Anh bố trí thành 3 chiến tuyến, nằm phục trên đất. Khi thấy quân Pháp tới gần, Thái tử nước Anh lệnh cho quân lính đứng cả dậy rồi ung dung dàn trận: các cung thủ xếp thành thế trận hình vuông, kỵ binh ở tuyến cuối cùng, binh lính ở tuyến hai triển khai ở hai cánh sẵn sàng ứng chiến.

Nhìn thấy quân Anh dàn trận, Philip VI nổi giận mắt đỏ lên sòng sọc, bất chấp quân lính còn đang rối loạn, vẫn lệnh cho các tướng:

– Lệnh cho các cung thủ tiến lên trước, lập tức bắt đầu chiến đấu!

Lần này vua Pháp đưa đến đây hơn 15.000 cung thủ, đều là lính đánh thuê chiêu mộ ở Gicnôva, mỗi phút mỗi người có thể bắn được bốn phát tên.

Nhưng lát sau một vị tướng đến bẩm với Philip:

– Tâu bệ hạ Bọn Giênôva nói hôm nay họ vác cung tên đi nhiều đường đất như vậy đã rất mệt mỏi, phải nghỉ ngơi một lát mới chiến đấu được.

Vua nghe xong giận quá, mặt nổi gân xanh, rút phăng bảo kiếm ra chém mạnh một nhát vào cái cây bên cạnh quát:

– Truyền lệnh của ta, lập tức chiến đấu, kẻ nào trái lệnh, chém!

Đúng lúc đó trời bỗng nhiên tối sần lại, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. Thế là hai bên đều án binh bất động.

Một lúc sau mưa tạnh, trời quang, nắng chói chang. Nắng từ phía sau quân Anh chiếu tới làm chói mắt quân Pháp.

Buộc phải chấp hành nghiêm lệnh của vua Philíp, các cung thủ Pháp tập hợp lại bắt đầu tiến công. Họ vừa nhảy vừa la, chửi bới quân Anh thậm tệ. Quân Anh vẫn không động tĩnh, vẫn giữ nguyên thế trận. Cung thủ Pháp lại hò hét và tiến dần lên. Quân Anh vẫn không nhúc nhích. Cung thủ Pháp lần thứ ba nhảy nhót hò hét, tiếp tục tiến và giương cung bắn tới tấp. Vì ngược chiều ánh nắng bị chói mắt, quân Pháp bắn chệch mục tiêu rất nhiều.

Lúc đó, Hoàng thái tử mới ra lệnh cho cung thủ Anh bắt đầu bắn. Tên bắn tập trung, có sức mạnh, bay vèo vèo vào đầu vào ngực các cung thủ Pháp, khiến chúng sợ quá phải tháo chạy về phía sau. Số là, cung thủ của Anh cũng là lính đánh thuê nhưng chiêu mộ ngay tại bản quốc. Họ có thể sử dụng những cây cung rất nặng, bắn trúng mục tiêu xa 350 bộ, tốc độ bắn nhanh hơn người Giênôva, mỗi phút bắn được 15 phát. Thêm nữa vị trí của họ tốt hơn, không bị chói mắt, do đó trong trận đánh bằng cung tên này họ chiếm thế thượng phong.

Vua Pháp thấy các cung thủ của mình rối loạn tháo chạy về phía sau, bèn hạ lệnh:

Giết hết quân khốn khiếp đó đi, nếu không chúng trở thành chướng ngại làm rối loạn hàng ngũ của chúng ta?

Theo lệnh của quốc vương, một đội kỵ binh xông vào toán cung thủ đang tháo chạy vung gươm chém giết, hàng ngũ quân Pháp một phen hỗn loạn.

Thế trận quân Pháp bị phá vỡ, thấy vậy quân Anh tiếp tục bắn mạnh vào đội kỵ binh Pháp. Tiếp đó, kỵ binh và bộ binh Anh xông vào quân Pháp mặc sức chém giết, Philíp VI thấy tình thế bất lợi vội dẫn tàn quân tháo chạy.

Trong trận đánh này, quân Pháp chết 1.500 quân, quân Anh chị mất hơn 40 người.

Đó là trận đánh nổi tiếng trong thời kỳ đầu của cuộc “Chiến tranh trăm năm” giữa hai nước Anh – Pháp từ 1337 đến 1453 – “trận Crêxy”.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky