KHỞI NGHĨA “GIĂCCƠRI”
Trận Crêxy qua đi được 4 năm, vua Pháp Philip VI chưa kịp báo thù nước Anh đã chết. Con trai của ông là Giăng II sau khi kế vị quyết tâm nối chí cha đánh nước Anh đến cùng. Nhưng bất hạnh thay, trong một trận giao chiến năm 1356, Giăng II chẳng những đi theo vết xe thảm bại của Philip VI mà còn bị quân Anh bắt làm tù binh. Nước Anh thừa cơ bắt Pháp phải nộp một khoản tiền chuộc rất lớn.
Tin tức lan ra, nước Pháp từ trêu xuống dưới lại một phen hỗn loạn. Hoàng thái tử nóng lòng muốn trưng tập chiến phí và tiền chuộc vua cha, ráo riết thực hiện độc tài chuyên chế, dẫn tới cuộc bạo động của thị dân Pari. Hoàng thái tử thấy tình thế bất lợi, đầu năm 1358 đã chạy trốn khỏi Pari, huy động quân lính quay lại bao vây Pari, khiến dân chúng thành phố lâm vào cảnh đói khát.
Cùng lúc đó, nông dân cũng đứng lên khởi nghĩa chống lại quí tộc và lãnh chúa. Thoạt tiên khởi nghĩa nổ ra ở vùng Bôve phía bắc Pari. Đến đầu tháng 6, khởi nghĩa nhanh chóng lan ra các tỉnh lân cận, rồi cả miền bắc nước Pháp. Quân khởi nghĩa còn liên lạc được cả với quân khởi nghĩa Pari.
Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa là một nông dân rất có kinh nghiệm quân sự, tên là Ghiôm Can. Ông nói bằng những lời lẽ rất giản dị, nhưng lại rất có hiệu quả trong việc kêu gọi mọi người tham gia khởi nghĩa:
– Các anh em nông dân! Kẻ nào làm cho nước Pháp chúng ta tan nát? Đó là bọn quí tộc, bọn kỵ sĩ và bọn hào lại. Nếu tiêu diệt được bọn chúng, mọi người chúng ta đều được sung sướng! Các anh em, hãy theo tôi! Giết hết bọn chúng cho đến tên cuối cùng! Đốt hết nhà cửa của chúng cho đến ngôi nhà cuối cùng!
Thế là những con người đang vô cùng phẫn nộ đều đồng thanh thét lên:
– Tiêu diệt hết bọn quí tộc cho đến tên cuối cùng!
Số người tham gia khởi nghĩa rất đông, tới hơn 10 vạn người, nhưng rất phân tán. Ngoài gậy gộc, đao kiếm ra họ chẳng có vũ khí gì khác. Họ thường tập trung lực lượng rồi bất ngờ tấn công vào pháo đài hoặc phủ đệ của một quí tộc, một lãnh chúa hoặc một kỵ sĩ nào đó, giết sạch mọi thành viên trong gia đình, đốt sạch nhà cửa cũng như mọi sổ sách, giấy tờ của chúng. Nhiều quí tộc, lãnh chúa sợ quá dắt díu vợ con chạy đi rất xa để lánh nạn. Đoàn người khởi nghĩa trên đương đã mở rộng thêm đội ngũ, tiếp nhận rất đông dân nghèo thành thị, trong đó có những đoàn đông tới hơn 6. 000 người. Ghiôm Can tuy cố gắng tập hợp những đội ngũ phân tán để tổ chức thống nhất lại nhưng không thành công.
Bọn quí tộc, lãnh chúa sau cơn hoảng loạn đã bình tĩnh trở lại, các thế lực phản động mau chóng liên kết với nhau. Anh rể của hoàng thái tử, tên “ác nhân” Sáclơ – quốc vương xứ Navarơ muốn lợi dụng dịp bố vợ bị bắt làm tù binh để cướp ngôi vua Pháp, Vả lại, Sáclơ có rất nhiều trang viên ở Pháp, cho nên rất hăng hái trong việc phái quân lính đi đàn áp quân khởi nghĩa. Thậm chí, bọn lãnh chúa phong kiến Anh tuy đang trong tình trạng chiến tranh với Pháp, song do bà con họ hàng Pháp yêu cầu cùng cử quân đi đánh quân khởi nghĩa.
Một lần, quân khởi nghĩa biết tin hơn 300 phụ nữ quí tộc chạy đến thành Mô, trong số đó có cả vợ của hoàng thái tử, bèn tập hợp 9.000 người tiến về thành Mô. Họ đến chân thành, dân nghèo trong thành mở cửa thành cho họ vào. Đám phụ nữ quý tộc trốn trong một pháo đài kiên cố có hào bao bọc xung quanh, nhìn thấy những người nông dân áo quần rách rưới, vác gậy gộc giáo mác đến tấn công pháo đài đã sợ quá la hét:
Giắccơri đến rồi, Giắccơri đến rồi!
“Giắccơrỉ” có nghĩa là “thằng nhà quê”, cách gọi khinh miệt người nông dân của bọn quí tộc phong kiến: Cuộc khởi nghĩa này cũng do đó mà có tên như vậy.
Vừa hay khi đó có một lãnh chúa Anh dẫn một tốp đông vệ sĩ đến thành Mô thăm đám phụ nữ quí tộc kia. Chúng đều có vũ khí tốt. Thấy quân khởi nghĩa tấn công pháo đài, chúng bất ngờ xung phong tấn công quân khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa bố trí quá tập trung, vũ khí lại quá thô sơ, bọn vệ binh Anh vừa xung phong thì tuyến đầu của quân khởi nghĩa đã bị rối loạn, lát sau phải giẫm đạp lên nhau tháo lui. Bọn quí tộc, kỵ sĩ Pháp trong pháo đài thừa cơ xông ra dùng đao kiếm chém giết các “Giắccơri”. Quân khởi nghĩa rút khỏi thành phố trong tình trạng hoảng loạn, tiếp tục bị kẻ thù tàn sát đẫm máu. Bọn quí tộc, vệ binh chém giết chân tay, bèn dồn từng toán nghĩa quân ra sông dìm chết. Ngày hôm đó, “Giắccơri” bị giết hơn 7.000 người. Trở về thành, bọn quí tộc và đám vệ binh giết toàn bộ dân nghèo trong thành, phóng hỏa đốt hết nhà cửa của họ vì họ đã giúp “Giắccơri”.
Ngày mồng 10 tháng 6, quân nông dân do Ghiôm Can chỉ huy và quân đội do tên “ác nhân” Sáclơ chỉ huy quyết chiến ở gần Merô vùng Bôve. Quân nông dân có sáu bẩy ngàn người, quân của Sáclơ chỉ có khoảng một ngàn.
Lần này, quân “Giắccơri” đội ngũ chỉnh tề, tổ chức kỷ luật nghiêm minh, trang bị vũ khí cũng khá tốt. Tên “ác nhân” Sáclơ không dám khinh suất tấn công mà dùng quỷ kế, mời Can đến đàm phán. Can cả tin vào những lời đường mật của kẻ thù tới đàm phán. Không ngờ vừa bước vào đoành trại đã bị Sáclơ hạ lệnh bắt giữ. Bọn quí tộc nung đỏ vòng sắt làm “vương miện” đội lên đầu Can, hành hạ ông đủ điều rồi đem giết chết. Quân khởi nghĩa mất lãnh tụ, cuối cùng bị đánh tan. Sau đó, bọn quí tộc và lãnh chúa đã hèn hạ trả thù nông dân ở miền bắc Pháp rất tàn bạo. Chỉ trong 2 tuần lễ ngắn ngủi chúng tàn sát gần 2 vạn người, người già, đàn bà, con trẻ chúng đều không tha. Nhà cửa của họ bị chúng phá, lương thực bị chúng đốt, làng xóm tan hoang.
Sau khởi nghĩa “Giắccơri” 2 năm, Pháp và Anh ký hòa ước, kết thúc giai đoạn một cuộc “Chiến tranh 100 năm” Anh – Pháp. Ít lâu sau, vua Giăng bị quân Anh bắt trước đây chết trong nhà tù ở Luân Đôn, hoàng thái tử kế ngôi vua Pháp, gọi là Sáclơ V. Bọn quí tộc sau trận hú vía vì cuộc khởi nghĩa “Giắccơri” đã dốc toàn lực ủng hộ Sáclơ, giúp ông ta củng cố chính quyền. Sáclơ tiến hành cải cách quân sự, xây dựng hải quân lớn mạnh. Năm 1369, quân Pháp lại tấn công quân Anh mở đầu giai đoạn hai cuộc “Chiến tranh 100 năm” Anh – Pháp. Trong lần chiến tranh này, quân Pháp dùng pháo bắn phá các căn cứ quan trọng của Anh và giành được nhiều thắng lợi lớn. Đến năm 1380 khi Sáclơ V chết, quân Pháp hầu như thu hồi lại được toàn bộ đất đai đã mất. Quân Anh liên tiếp thất bại, trong nước lại xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng: một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn đã nổ ra.
Cuộc chiến tranh dai dẳng giữa hai nước Anh – Pháp đã làm nước Anh suy sụp. Cuộc chiến nổ ra được ít lâu thị bệnh dịch hạch lan tràn khắp châu Âu đã cướp đi một nửa trong số 3.500.000 dân số nước Anh. Thêm vào đó, việc thường xuyên bắt lính khiến cho sức lao động ở thành thị và nông thôn giảm sút nhanh chóng. Tiền công người làm thuê ở nông thôn theo qui định của chính phủ đã rất thấp, chính phủ lại còn tuyên bố nếu ai rời bỏ chủ thuê sẽ không được pháp luật bảo vệ và sau khi bị bắt lại sẽ bị đóng dấu chín lên người.
Trong tình thế quân Anh liên tiếp bại trận, mâu thuẫn giữa chính phủ và nhân dân càng trở nên trầm trọng. Muốn chuyển bại thành thắng phải tăng cường quân bị, và khoản chi phí khổng lồ đó phần lớn đổ xuống đầu nông dân.
Tình hình đó làm cho nhân dân, nhất là nông dân, vô cùng oán giận. Một cuộc đấu tranh qui mô lớn chống lại chính phủ đang dần dần chín muồi.
Ở nông thôn và thành phố thấy xuất hiện rất nhiều người đi truyền giáo. Trước dân chúng, họ vạch trần sự đen tối của Giáo hội, nguyền rủa thậm tệ bọn lãnh chúa phong kiến tham lam và bọn tham quan ô lại phát tài nhờ chiến tranh. Họ nói, khi Ađam và Eva trồng trọt, dệt vải, trong thiên hạ đâu có quí tộc? Đất đai thuộc về mọi người, mọi người đều được bình đẳng.
Trong số những người truyền giáo đó, vị giáo sĩ nói năng gay gắt nhất tên là Giôn Ban. Ông không những thường xuyên tuyên truyền cho quan điểm đó mà còn chủ trương mọi người cùng nhau Liên kết lại đến Luân Đôn cầu xin quốc vương cho dân chúng được sống một cuộc sống mới.
Lời lẽ tuyên truyền của Giôn Ban khiến Đại Giáo chủ nhà thờ Cantôbêri khiếp sợ. Đại Giáo chủ hai lần ra lệnh tống Ban vào tù. Nhưng vừa ra tù, Ban lại tuyên truyền với mọi người như cũ. Chỉ ít lâu sau; Ban lần thứ ba lại bị tống ngục, nhưng lời nói của ông đã thấm vào trái tim người lao động.
Tháng 5 năm 1381, nông dân quận Kentơ và một quận nữa gần Luân Đôn nổi dậy chống nộp thuế thân, và bầu một người tên là Ôttô Tenlơ làm thủ lĩnh. Tenlơ làm thợ nề ở nông thôn, biết chút ít về quân sự, rất có năng lực tổ chức. Ngày 10 tháng 6, Ông chỉ huy nông dân khởi nghĩa chiếm quận lị của quận Kentơ, cứu Ban ra khỏi nhà tù. Hai ông quyết định dẫn nghĩa quân lên kinh đô. Luân Đôn gặp nhà vua, đồng thời cử người liên lạc với các quận. Chỉ trong vài hôm, đã có 25 quận trong số 40 quận của cả nước nổ ra bạo động.
Ngày 12 tháng 6, nghĩa quân đã lên tới 6 vạn người kéo đến một quả núi cách Luân Đôn không xa. Nhận được tin, quốc vương Risác II vội sai kỵ sĩ đến hỏi họ muốn gì. Tenlơ bảo mấy tên kỵ sĩ là họ muốn đàm phán với quốc vương. Quốc vương chưa biết xử trí ra sao. Lúc đó, Thủ tướng kiêm Đại Giáo chủ nhà thờ Cantôbêri Ximông và quan đại thần tài chính đều cho rằng, dù có thế nào quốc vương cũng không nên gặp bọn giặc chân đất đó, mà phải tìm cách đàn áp họ. Thế là nhà vua quyết định không đàm phán và nghe theo lời các đại thần trốn vào nội thành – Tháp Luân Đôn.
Biết được tình hình đó, quân khởi nghĩa nổi giận cùng thét lên:
– Xông vào thành, đánh chiếm Tháp Luân Đôn!
– Giết chết tên Đại Giáo chủ!
– Chém chết bọn quan lớn quí tộc!
6 vạn con người lao xuống núi xông đến thành Luân Đôn. Dọc đường đi, họ phá tan các tu viện, nhà cửa của các quan lại, mở cửa nhà tù thả hết các phạm nhân. Hôm sau họ đã kéo đến chân thành. Trưởng quan Luân Đôn sớm đã sai đóng cổng thành, song những người trong thành đồng tình với quân khởi nghĩa rất nhiều, họ mở cổng thành cho nghĩa quân. Sau khi vào thành, nghĩa quân đốt sạch phủ đệ của bọn công tước, sau đó kéo đi vây chặt tháp Luân Đôn.
Tháp Luân Đôn tọa lạc trên một ngọn núi phía Đông nam thành Luân Đôn, phía trước nhìn xuống sông Thêm. Tòa tháp này bắt đầu xây dựng từ năm. 1078, sau 20 năm mới hoàn công. Trong tháp có pháo đài, doanh trại kiên cố, có cung điện nguy nga, có nhà ngục nghiêm mật, có cả nhà thờ và pháp trường: Toàn bộ mặt bằng tháp chiếm 18 mẫu Anh, gồm hai lớp ngoài và trong. Lớp ngoài là tường thành kiên cố xây bằng đá, có 9 pháo đài và tháp canh, xung quanh là một con hào bảo vệ vừa rộng vừa sâu. Lớp trong là 13 tòa tháp hình tròn, hình bán nguyệt, hoặc hình vuông được tường thành nối liền chúng với nhau. Kiến trúc trung tâm là tòa bạch Tháp, đông, tây, nam, bắc mỗi chiều dài hơn 30m, cao 27m, xây toàn báng đá màu trong sữa. Nhà vua tuy đang trốn trong tòa thành kiên cố như vậy mà vẫn hốt hoảng không lúc nào yên.
Tối hôm đó, quốc vương cho gọi người trong hoàng thất, các huân tước, các đại thần đến để thương nghị đối sách. Có người đề nghị trong tháp có 600 vệ sĩ vũ trang đầy đủ, lại dũng cảm có kinh nghiệm và 600 cung thủ, nên sai họ nhân lúc đêm khuya xông ra giết chết “bọn nổi loạn” khi chúng còn đang ngủ say vì rượu.
Có người cho rằng cứ 20 tên “nổi loạn” vị tất đã có một tên được trang bị áo giáp, do đó giết chết chúng dễ như đập ruồi. Trưởng quan Luân Đôn đề nghị phải được sự giúp đỡ của các hiệp sĩ trong thành. Theo ông ta, số hiệp sĩ trong thành có thể huy động được đến 8.000 người. Quốc vương thì sợ viện binh chưa đến kịp, “bọn nổi loạn” đã vào được trong tháp, tính mạng e khó bảo toàn được. Cuối cùng, nhà vua quyết định giao cho trưởng quan liên lạc với các hiệp sĩ, còn trong tháp tạm thời án binh bất động.
Tờ mờ sáng hôm sau, quân khởi nghĩa đang bao vây Tháp Luân Đôn đã hò vang như sấm dậy:
– Quốc vương mau ra nói chuyện với chúng tôi!
– Quốc vương không ra chúng tôi sẽ tấn công!
– Quốc vương mau nộp đầu của Đại Giáo chủ và đại thần tài chính cho chúng tôi!
Nghe thấy tiếng hò hét của nghĩa quân, quốc vương hồn siêu phách lạc, đành phải ló mặt ra nói rằng ông ta muốn nói chuyện với mọi người, nhưng ở trước tháp không tiện nên mời mọi người đến quảng trường.
Nghĩa quân hò reo kéo tới quảng trường. Quốc vương ra lệnh mở cửa tháp cùng các tùy tùng đi ra.
Đúng lúc đó, Tenlơ và Ban dẫn hơn 400 người xông vào tháp. Vũ khí trong tay họ chỉ toàn là gậy gộc, đao kiếm rỉ, cung nỏ ám khói đen sì; còn bọn vệ binh và cung thủ thì vũ khí đầy người, nhưng sợ run như cầy sấy mất hết cả năm khí chiến đấu. Nghĩa quân người thì xông vào cung điện nơi họ chưa bao giờ được đặt chân tới, nằm lăn ra giường của quốc vương; người thì xông lên tháp canh có cầu thang chỉ một người đi lọt, thả sức đập phá những thứ có thể đập phá được; phần đông xông vào nhà thờ. Đại Giáo chủ đang thành kính làm lễ cầu nguyện trong nhà thờ. Khi ông ta cầu kinh đến câu “Tất cả chúng con thành kính cầu xin ban phước cho chúng con”, thì Tenlơ, Ban và nghĩa quân đã xộc tới vây chung quanh.
– Tên giặc hại dân ở đây! – Ban chỉ vào Đại giáo chủ căm giận hét to.
Đại Giáo chủ bị lôi xuống bục lễ, và bị lôi xềnh xệch ra khỏi nhà thờ. Dọc đường, lão hoảng sợ nói:
– Các con của ta, các con muốn làm gì vậy? Ta phạm tội gì?
Ra đến ngoài cổng, Ban trợn tròn đôi mắt vằn nhưng tia máu đỏ, túm lấy áo lễ của Đại Giáo chủ, gầm lên:
– Chúng tao muốn giết chết ngươi trừ hại cho quốc vương và các tín đồ! Thấy vô số đao kiếm huơ lên trước mặt, Đại Giáo chủ sợ run lên, miệng lắp bắp:
– Hỡi các con! Các con chẳng lẽ không biết rằng nếu giết ta các con sẽ bị Chúa trừng phạt và nước Anh sẽ bị khai trừ khỏi Giáo hội sao?
Nghĩa quân trả lời lão rằng họ chẳng sợ gì, rằng lão phải dơ cổ ra chịu chết. Nói xong mọi người đẩy Đại Giáo chủ ngã lăn ra đất và chém chết ngay tại chỗ.
Một lát sau, bọn quan đại thần tài chính cũng bị bắt và bị giết, đầu của chúng lập tức được bêu trên cầu Luân Đôn.
Lại nói về quốc vương. Sau khi ông ta tới quảng trường, mấy vạn nghĩa quân đồng thanh hô to:
Tâu quốc vương bệ hạ! Chúng tôi yêu cầu Người cho chúng tôi ruộng đất và tự do vĩnh viễn, chúng tôi không làm nông nô nữa, không phục dịch cho bọn lãnh chúa nữa!
Lão quốc vương xảo trá cố làm ra vẻ bình tĩnh nói:
– Ta rất đồng ý với yêu cầu của các ngươi, nhưng các ngươi hãy về nhà đã. Mỗi làng xóm có thể để lại hai ba đại biểu. Ta sẽ sai người viết sắc thư phê chuẩn yêu cầu của các ngươi, có dấu ngọc tỉ của ta. Ta sẽ giao sắc thư cho các đại biểu của các ngươi.
Rất nhiều nông dân thực thà đã cả tin vào lời hứa của quốc vương, sau khi cầm được sắc thư bèn bỏ về nhà. Nhưng Tenlơ và Ban không chịu đi dễ dàng như vậy. Họ cùng 3 vạn người ở lại đàm phán với quốc vương và nêu ra những điều kiện mới: tịch thu ruộng đất của Giáo hội và nhà thờ chia cho nông dân thiếu đất; xóa bỏ mọi đặc quyền của lãnh chúa; thu hồi lại những cánh rừng và đầm ao bị bọn lãnh chúa chiếm v.v…
Ngày 15 tháng 6, Tenlơ và Ban tập hợp 2 vạn người ở quảng trường bàn đối sách. Đúng lúc đó quốc vương dẫn đầu một đoàn hơn 40 người đi tới. Tenlơ nói với nghĩa quân:
– Một mình tôi sẽ đi đàm phán với quốc vương. Khi tôi làm ám hiệu, các người xông lên giết hết bọn chúng, nhưng trừ quốc vương ra không được giết.
Chúng ta sẽ đưa ông ta đi khắp nước Anh, dựa vào sự kêu gọi của ông ta, chúng ta sẽ thành chủ nhân của cả nước. – Nói xong, Tenlơ lên ngựa đi đến trước mặt quốc vương.
– Tâu quốc vương, Ngài có thấy người chúng tôi?
Quốc vương nhìn đám người đứng đông nghịt phía tên kia quẳng trường, đáp:
– Ta thấy rồi.
– Họ đều nghe theo sự chỉ huy của tôi, và thề trung thành với tôi. Ngài nghĩ rằng chúng tôi và dân Luân Đôn sẽ dễ dàng rời khỏi đây thế sao?
– Ta đã lệnh sao sắc thư của ta, phát cho các ngươi. Ngươi bảo họ về nhà đi.
Đương lúc hai bên đối đáp, Tenlơ thấy tên kỵ sĩ hầu cận cầm kiếm cho quốc vương nhìn mình với ánh mắt khinh miệt, ông nổi giận bảo:
– Đưa kiếm trong tay ngươi cho ta!
Tên kỵ sĩ giọng hằn học:
– Không được! Đây là kiếm của quốc vương, ngươi không lấy được!
– Sao? Ngươi dám coi thường ta, ta sẽ giết ngươi! – Vừa nói Tenlơ vừa rút đao ra. Đúng lúc đó, Trưởng quan Luân Đôn dẫn 12 người cưỡi ngựa đến trước mặt quốc vương. Những người này ngoài khoác áo choàng nhưng trong vũ khí đầy mình. Trưởng quan thấy Tenlơ rút đao ra bèn đưa mắt cho quốc vương rồi rẽ đám đông đi tới trước mặt Tenlơ.
Một tên lưu manh như nhà ngươi lại dám làm càn trước mặt quốc vương, thật là quá đáng! – Trưởng quan nói xong, đưa mắt nhìn quốc vương. Quốc vương buông một tiếng:
– Ra tay!
Trưởng quan lập tức tuốt kiếm ra nhằm đúng đầu Tenlơ bổ xuống Tenlơ không đề phòng ngã lăn xuống ngựa. Một tên thị vệ của quốc vương vội nhảy xuống ngựa dùng kiếm đâm vào bụng Tenlơ. Ông chết ngay tại chỗ.
Nghĩa quân đứng bên kia quảng trường thấy Tenlơ bị giết lập tức chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị tấn công. Nhưng quốc vương đã đi ngựa đến trước dân chúng, đánh lừa họ mà nói rằng ra cánh đồng sẽ thỏa mãn yêu cầu của họ. Nghĩa quân bị mắc lừa, ra đến cánh đồng thì bị lực lượng vũ trang của Trưởng quan bao vây chặt. Trưởng quan được quốc vương phong cho làm kỵ sĩ ngay tại trận. Hắn dở thủ đoạn vừa mềm vừa rắn, dụ dỗ nghĩa quân trả lại sắc thư của quốc vương rồi xé ngay trước mặt họ, sau đó bắt họ hạ vũ khí rời khỏi Luân Đôn.
Ban trốn trong một ngôi nhà cũ nát, ít lâu sau bị bắt và bị kết án tử hình. Giáo chủ Luân Đôn xin cho hoãn hai ngày để dụ dỗ ông quì gối xin tha, nhưng ông kiên quyết cự tuyệt. Cuối cùng Ban bị chúng mổ bụng, chặt chân tay, chém đầu rất dã man. Sau đó, nhà vua đích thân dẫn quân lính đến các quận, huyện, làng xã để thanh trừ và trừng phạt những người tham gia khởi nghĩa, thu hồi nhưng tờ sắc thư phát ra trước đây. Sau khi đã bắt bớ, treo cổ rất nhiều người, nhà vua nói với nông dân:
– Ta lấy danh nghĩa quốc vương ra lệnh cho các ngươi hãy trật tự mà trở về nhà, từ nay về sau đừng có bao giờ được oán hận hoặc chống lại ta và các quan lại của ta. Kẻ nào vi phạm sẽ bị tử hình. Các ngươi trước kia là nông nô, tương lai vẫn là nông nô, và cảnh ngộ cũng không hơn gì bây giờ.
Trên đây là diễn biến của cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất Anh thế kỷ 14. Cuộc khởi nghĩa này chủ yếu do Tenlơ lãnh đạo nên trong lịch sử gọi là “cuộc khởi nghĩa Teniơ”.
Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã thổi bùng lên ngọn lửa chống phong kiến, đã giáng một đòn nặng nề vào chế độ nông nô phong kiến ở nước Anh. Cuối thế kỷ 14, do nông dân đấu tranh quyết liệt, chế độ nông nô phong kiến ở Anh dần dần tan rã.
GIAN ĐA CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC ANH
Trong giai đoạn 2 của cuộc “Chiến tranh 100 năm” Anh – Pháp, nước Pháp gần như đã thu hồi lại được toàn bộ đất đai đã mất. Nhưng tình hình tốt đẹp đó không kéo dài được lâu, sau khi Sáclơ V qua đời, Sáclơ VI lên kế vị mắc bệnh tâm thần không cai trị được đất nước. Thế là hai tập đoàn chúa phong kiến tranh giành nhau chính quyền, đánh lẫn nhau. Bên thất bại công khai câu kết với Anh. Nhân cơ hội đó, tháng 8 năm 1415, vua Anh đem 6 vạn đại quân tấn công nước Pháp, nhanh chóng chiếm được miền bắc và Pari. Vua Pháp Sáclơ VI dẫn một bộ phận quân đội rút lui xuống miền Nam. Từ đó hình thành cục diện Nam – Bắc đối chọi nhau.
Tháng 10 năm 1428, quân Anh tiếp tục tiến quân. Thành phố Oóclêăng nằm ở phía nam Pari là cửa ngõ thông xuống miền Nam. Nếu Oóclêăng thất thủ thì toàn bộ miền Nam sẽ lâm nguy. Đối với nước Pháp, cuộc chiến đấu chống Anh mang tính chất chống xâm lược nên nhân dân Pháp rầm rộ đứng lên đánh lại bọn xâm lược Anh với đủ mọi hình thức, cả đàn bà con gái cũng hăng hái tham gia hàng ngũ chiến đấu.
Vua Pháp Sáclơ VI lúc này đã qua đời. Thái tử còn trẻ nghe tin Oóclêăng bị bao vây hoang mang lo sợ, dẫn đám đại thần trong triều chạy về một vùng nông thôn hẻo lánh.
Một ngày tháng 4 năm 1429, thị vệ vào bẩm với Thái tử Sáclơ có một cô gái xin được gặp. Thái tử Sáclơ trong lòng đang rất phiền muộn xua tay không muốn tiếp. Được một lát, thị vệ lại vào bẩm báo cô gái nài nỉ xin gặp cho kỳ được, và nói cô gái đến là để giải vây cho Oóclêăng.
– Một cô gái mà có thể giải vây cho Oóclêăng? – Sáclơ cười nhạt – Đúng là chuyện khôi hài! Thôi được, cho cô ta vào!
Lát sau, thị vệ dẫn một cô gái đến trước mặt Sáclơ. Thấy cô ăn mặc kiểu con gái nông thôn, Thái tử cau mày hỏi:
– Ngươi tên là gì?
– Tôi tên là Gian Đa
– Ồ, Gian Đa, có phải ngươi định giải cứu cho Oóclêăng?
– Vâng! – Gian Đa trả lời dứt khoát – Còn có đội du kích chúng tôi và đông đảo nhân dân nữa.
Gian Đa sinh trưởng trong một gia đình nông dân nơi giáp ranh giữa hai vùng Sampanhơ và Loren. Ngay khi cô còn thơ ấu, nửa giang sơn đất nước đã chìm đắm được gót sắt của quân Anh. Cô tận mặt thấy những hành động tàn bạo của quân thù giày xéo quê hương mình. Năm 15 tuổi cô tham gia đội du kích. Trong khói lửa chiến đấu, cô từng bước được tôi luyện rồi trở thành một cán bộ chỉ huy xuất sắc. Nghe tin thành phố Oóclêăng bị bao vây, cô đi suốt đêm đến xin gặp Thái tử cho cô đem quân đi giải vây. Cô chẳng những phản ánh với Thái tử tinh thần chiến đấu của đội đu kích và đông đảo nhân dân, nguyện vọng đòi đánh đuổi quân xâm lược của họ, mà còn trình bày tỉ mỉ kế hoạch giải vây của cô.
Sáclơ lúc này đang lâm vào tình cảnh khốn quẫn, buộc phải nhờ đến lực lượng yêu nước của nhân dân. Thấy Gian Đa kiên quyết xin chiến đấu, lại thấy cô rất hiểu biết nên nhà vua đã đồng ý với kế hoạch tác chiến của cô và giao cho cô một đạo quân.
Chưa đầy 20 tuổi, Gian Đa được sự ủy thác của Thái tử đứng ra chỉ huy giải cứu Oóclêăng. Để tiện cho việc chỉ huy chiến đấu, cô đóng giả nam, mình bận võ phục, dẫn 6.000 binh sĩ tiến về Oóclêăng. Dọc đường, rất nhiều nông dân và dân nghèo thành thị vác đại đao, giáo mác gia nhập đội quân của cô, nhiều người tự nguyện vận chuyển lương thảo và đạn dược. Không bao lâu đoàn quân đã tới gần Oóclêăng.
Đứng xa nhìn, Oóclêăng giống như một chiếc thùng bị đóng đai bởi những hàng rào bao vây của quân Anh. Xung quanh thành chúng xây dựng rất nhiều đồn bốt, các cửa thành bị phong tỏa chặt. Một số sĩ quan Pháp chán nản nói, xông vào thành hầu như là điều không thể làm được. Gian Đa động viên mọi người, rằng đồn lũy của quân thù là vật chết, còn các dũng sĩ của chúng ta là những con người sống. Chỉ cần mọi người có quyết tâm, có lòng tin, có dũng khí thì đồn lũy của địch nhất định phá hủy được!
Gian Đa quan sát kỹ lưỡng trận địa địch, một mặt cử người vào thành bắt liên lạc với quân phòng vệ, một mặt làm tốt công việc chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, sau đó viết cho vua Anh một lá thư. Lá thư viết:
“Kính gửi Quốc vương Anh:
Ngài nên thành tâm với Thượng đế, Ngài nên tỏ rõ thiện ý với người thiếu nữ do Thượng đế phái đến: Cô ấy tới là để giải cứu cốt nhục của Quốc vương nước Pháp (chỉ Công tước Oóclêăng bị quân Anh bắt làm tù bình) Cô ấy hoàn toàn muốn đàm phán hòa bình. Các ngài nên rút ra khỏi nước Pháp và bồi thường những thiệt hại của họ. Nếu không làm như vậy thì hãy đợi đấy, các ngài nhanh chóng sẽ bị họa lớn giáng xuống đầu.
Tôi sẽ tới để đuổi hết các ngài ra khỏi biên cương nước Pháp, các ngài đừng có mơ tưởng chiếm được lãnh thổ của nước Pháp. Làm chủ đất nước Pháp phải là Quốc vương Sáclơ người kế vị chân chính. Nếu các ngài không đếm xỉa gì đến bức thư của Thượng đế và người thiếu nữ, tôi sẽ lập tức dùng biện pháp hủy diệt để các ngài phải coi trọng nó”.
Vua Anh không thèm để ý gì đến bức thư của Gian Đa thật. Mấy hôm sau, Gian Đa ra lệnh tấn công quân Anh ở Oóclêăng. Cô không sợ hiểm nguy, dẫn đầu binh sĩ hạ hết đồn này đến đồn khác của quân Anh ở ngoài thành Oóclêăng. Trong chiến đấu cô bị thương, máu ra quá nhiều nên ngất đi. Binh sĩ khiêng cô về tuyến sau cấp cứu. Khi đó chiến trường lại rộ lên tiếng la hét chém giết. Gian Đa tỉnh lại, nhịn đau đứng bật dậy, nhảy lên ngựa xông ra chiến trường. . .
Dưới tài chỉ huy của Gian Đa, quân Pháp anh dũng ngoan cường liều mình đánh địch, cuối cùng đánh bại quân Anh, lấy lại được Oóclêăng. Khi Gian Đa cưỡi trên mình ngựa, tay cầm cớ chiến, dẫn đầu đoàn quân hùng dũng tiến vào thành, tiếng hoan hô của mọi người vang lên như sấm dậy, toàn thành Oóclêăng sôi sục cả lên.
Từ đó cái tên Gian Đa lan truyền đi khắp nước Pháp, mọi người đều tôn vinh cô là “Người con gái Oóclêăng”.
Sau chiến dịch Oóclêăng, Gian Đa tích cực ủng hộ Thái tử Sáclơ chính thức lên ngôi Quốc vương để tiến thêm một bước đoàn kết các lực lượng chống Anh. Sau khi Thái tử Sáclơ kế vị (xưng là Sáclơ VII), Gian Đa đề nghị ông lập tức tiến quân về Pari nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp thống nhất tổ quốc. Sáclơ một mặt mong muốn đất nước toàn vẹn, một mặt lại sợ cuộc đấu tranh của nhân dân do Gian Đa đại diện có thể nguy hại cho sự thống trị của bản thân ông ta, bèn dùng kế mua chuộc cô. Một lần nhà vua hỏi:
– Ngươi đã cứu được Oóclêăng, nhờ đó mà cứu được cả nước Pháp, vậy nhà ngươi muốn gì cứ nói.
– Thần chẳng cần gì, chỉ muốn tiến quân về Pari!
– Tiến quân về Pari? Lẽ nào ngươi quên là suốt dọc đường đầy những đồn lũy của quân Anh đó sao?
– Tâu bệ hạ, đó là nhận xét của bệ hạ về đồn lũy quân thù. Những ngày trước đây, quân địch cũng chẳng giăng đầy đồn lũy xung quanh Oóclêăng đó sao? Nhưng thắng lợi vẫn thuộc về chúng ta! Hiện giờ tinh thần chiến đấu của quân ta rất cao, sĩ khí của quân Anh lại rất thấp, đây chính là thời cơ thuận lợi để chúng ta thu phục giang sơn!
Ngoài mặt, Sáclơ VII đồng ý với đề nghị của Gian Đa, nhưng thực tế chẳng giúp gì cho cô. Trong tình thế đó, tháng 8 Gian Đa vẫn tiến quân về Pari. Mấy hôm sau, sau khi giành lại được một số vùng đã mất, Gian Đa dẫn quân tới chân thành Pari. Do phải chiến đấu đơn độc, đánh mãi vẫn không hạ được thành, cô lại bị thương lần thứ hai trong khi chiến đấu nên buộc phải lui về thành Cômpienhơ cách Pari không xa.
Mùa xuân 1430, quân của Gian Đa kịch chiến với quân địch ở vùng lân cận thành phố Compienhơ. Gian Đa chẳng những phải đương đầu với quân Anh hùng mạnh mà còn phải đối mặt cả với tập đoàn chúa phong kiến Pháp công khai câu kết với Anh. Do quân địch đông, chiến đấu bất lợi, Gian Đa vừa đánh vừa lui, chuẩn bị rút vào thành.
Đương lúc Gian Đa chỉ huy quân rút vào thành, đột nhiên “rầm” một tiếng cửa thành đóng chặt, tiếp đó cầu treo kéo lên, đường lui bị chặn đứt. Trong giây phút nguy cấp đó, Gian Đa và binh sĩ hộ vệ cô ráng sức đánh trả, cuối cùng ít không địch nổi nhiều, Gian Đa đã bị quân của một tập đoàn chúa phong kiến Pháp làm tay sai cho quân Anh bắt làm tù binh.
Sáu tháng sau, bọn xâm lược Anh trả với giá rất cao 10.000 đồng Anh kim để mua lại Gian Đa từ tay tập đoàn chúa phong kiến Pháp nọ. Gian Đa thương tích đầy mình bị nhốt trong một chiếc lồng sắt. Sáclơ VII khoanh tay đứng ngoài cuộc, không tìm cách gì để cứu cô. Sau khi bị bắt, Gian Đa trước sau kiên trinh bất khuất. Bọn xâm lược Anh nham hiểm giao cô cho tòa án tôn giáo xét xử.
Tại phiên tòa, viên quan tòa đọc “cáo trạng” xong hỏi cô:
– Ai cho ngươi mặc quần áo đàn ông?
– Để bảo vệ Tổ quốc, ta mặc quần áo đàn ông là quyền tự do của ta – Gian Đa trả lời một cách cứng cỏi.
– Nếu ngươi cứ u mê không tỉnh ngộ, tòa sẽ kết án ngươi phạm tội làm phù thủy, và sẽ thiêu ngươi trên dàn lửa.
– Vì nước Pháp, ta chẳng sợ gì cả – Gian Đa trả lời viên quan tòa với giọng khinh miệt.
Ngày 30 tháng 5 nam 1431, trên quảng trường thành phố Ruăng dựng một cột hành hình, xung quanh chất đầy củi khô. Gian Đa tay mang còng hiên ngang bất khuất đi ra pháp trường. Khi các đao phủ châm lửa đốt đống củi khô và ngọn lửa cháy ngùn ngụt trước mặt Gian Đa, tên phụ trách hành hình hỏi:
– Con mụ phù thủy kia mày vẫn không sám hối?
Gian Đa cười nhạt, mắng:
– Chúng bay thiêu chết một mình ta, sẽ có rất nhiều người đứng lên đánh đổ chúng bay Thắng lợi thuộc về nước Pháp!
Người nữ anh hùng trẻ tuổi Gian Đa đã hiến dâng tính mạng của mình cho Tổ quốc.
Hành động anh hùng vì đại nghĩa của Gian Đa đã thôi thúc lòng yêu nước của nhân dân Pháp. Nhân dân các nơi rầm rộ đứng lên tự vũ trang lao vào cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Anh. Năm 1436, quân Pháp chiếm lại được Pari, sau đó liên tiếp thu hồi được các vùng đất đã mất. Năm 1453, trừ một thành phố, quân Anh bị đuổi ra khỏi toàn bộ nước Pháp. Cuộc “chiến tranh 100 năm” giữa 2 nước Anh – Pháp kết thúc với thắng lợi của Pháp. Từ đó nước Pháp bắt đầu thống nhất và ổn định.
MÁCCÔ PÔLÔ
Một ngày cuối hạ năm 1298, trong một trận hải chiến ở biển Anđriatich, đoàn chiến thuyền của Giênôva bắt được 25 chiến thuyền của phía Vơnixơ. Danh sách hơn 20 tù binh cao cấp của Vơnixơ trong đó có cả viên Tư lệnh được trình ngay cho viên Toàn quyền Giênôva.
Viên Toàn quyền đưa mắt nhìn lướt qua bản danh sách một lượt, đột nhiên một cái tên làm ông ta giật mình.
– Máccô Pôlô? Có phải nhà du hành Máccô Pôlô đã từng đến Trung Quốc ấy không?
Người hàu cận đáp:
– Đúng ạ, thưa Ngài, Ông ta là thuyền trưởng thuyền “Phương Đông của hạm đội Vơnixơ.
– Máccô Pôlô là nhà du hành nổi tiếng hiện nay của Italia, bọn ngươi phải đối xử với ông ta tử tế, không được ngược đãi, không được làm nhục!
Cha của Máccô Pôlô, ông Nicôla Pôlô một thương nhân, ông từng đưa Máccô theo sang phương Đông và ở Trung Quốc 17 năm. Lần này nghe nói con bị bắt làm tù binh, ông lập tức đến Giênôva định dùng một khoản tiền lớn để chuộc Máccô. Phía Giênôva nói, không thể không bỏ tù 20 năm. Nicôla đành bó tay, trở về Vơnixơ. Ít lâu sau, Nicôla nhận được thư của Máccô từ nhà tù gửi về nói rằng ở trong tù anh được đối xử tử tế, hàng ngày có người vào nhà tù nghe anh kể những điều tai nghe mắt thấy ở phương Đông. Anh còn bảo, có một nhà văn nổi tiếng cùng ở chung một phòng giam sẵn sàng giúp anh viết cuốn “Cuộc hành trình của Máccô Pôlô” để lưu truyền hậu thế. Xem xong thư, theo yêu cầu của Máccô, người cha nhờ em trai mình là Maphây mang cuốn bút ký của Máccô ghi trong chuyến du hành đưa vào nhà tù Giênôva cho Máccô. Trong nhà tù, Máccô đã kể lại những điều mình tai nghe mắt thấy ở phương Đông. . .
Khi Máccô 6 tuổi, cha Nicôla và chú Maphây đi buôn bán ở phương Đông, từng vào bái kiến Đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt. Khi họ trở về nước, Hốt Tất Liệt giao cho họ một nhiệm vụ: đưa cho Giáo hoàng Rôma một bức thư,và yêu cầu Giáo hoàng cử một nhà thông thái đến Trung Quốc. Về đến Vơnixơ, vì Giáo hoàng mới chưa chọn được nên hai người phải đợi ở nhà một thời gian, ngày ngày kể cho Máccô lúc đó đã lớn nghe những chuyện đã mục kích ở phương Đông. Máccô nghe rất hào hứng, nằng nặc đòi cha và chú cho theo sang Trung Quốc.
Năm 1271, Máccô đã 17 tuổi, Nicôla và Maphây quyết định cho cậu cùng đi sang Trung Quốc, trả lời về nhiệm vụ Hốt Tất Liệt giao cho họ. Có trong tay thư trả lời và lễ vật của Giáo hoàng mới, họ cùng với hơn chục người tùy tùng đi sang phương Đông.
Đoàn Máccô rời Vơnixơ. Trước tiên họ đi xuống phía nam “vào Địa Trung Hải, tiếp đó đi ngang qua Hắc Hải, vượt qua lưu vực Lưỡng Hà – nơi sản sinh nền văn minh cổ đại, tới thành cổ Bátđa. Từ Bátđa tới cảng Hoócmut trong vịnh Pécxích họ đi ngựa mất gần 2 tháng. Đến đó có thể đi thuyền tới thẳng Trung Quốc. Vừa hay khi đó đúng vào lúc giao thời giữa xuân và hạ, dọc đường cây cối tốt tươi. Họ vừa cưỡi ngựa, vừa săn bắn nên thường xuyên được thưởng thức món thịt gà rừng, chim cu, gà gô. . .
Một hôm, họ tới một thị trấn. Trong thị trấn có người bán một giống cừu đuôi rất to. Máccô thấy hay hay, bèn ngồi xuống nâng đuôi con cừu lên. Chà! Cái đuôi nặng đến hơn 10 ký, cứ kéo lê trên mặt đất. Người ta phải làm một cái xe hai bánh để cho cừu kéo, đuôi nó vắt lên xe. Máccô đòi mua bằng được một con, người cha đành phải móc tiền ra trả. Dè đâu việc Nicôla giầu tiền bị lộ tẩy, có kẻ đã theo dõi ông.
Tối hôm đó, đoàn của Máccô qua đêm ở bìa rừng, phát hiện thấy có người lén lút sau lùm cây, sau đó nhảy lên ngựa phóng mất. Sáng sớm hôm sau, vừa đi được một lúc thì mây đen bỗng kéo đến đầy trời. Sau vài hạt mưa trời càng u ám, xung quanh sương mù dầy đặc. Nicôla đi nhiều có kình nghiệm, biết tình hình không hay bèn bảo mọi người đi sát vào nhau quay trở lại đường cũ. Nhưng vừa quay lại được một đoạn thì chẳng còn phân biệt đông tây nam bắc đâu cả, đành phải dừng lại tại chỗ. Đúng lúc đó, xung quanh dồn dập vang lên tiếng vó ngựa, một toán cướp đã bao vây họ, đem họ đến một nơi nhốt riêng từng người một.
Mãi đến nửa đêm, sương mù mới tan dần. Máccô cựa quậy người, bò đến chỗ cha, tìm cách cởi dây trói cho nhau, đoạn mỗi người dắt một con ngựa phóng như bay chạy trốn. Mãi tới trưa hôm sau mới đến được một thị trấn, Khi kỵ binh nghe tin phóng đến chỗ họ bị nhốt thì bọn cướp đã đi rồi, ngoài chú của Máccô, những người khác trong đoàn đều không thấy đâu cả.
Máccô cùng cha và chú, ba người đi về phía nam hai ngày nữa mới tới được hải cảng Hoócmút. Họ đợi ở đấy 2 tháng không gặp một chiếc thuyền nào đi Trung Quốc, đành phải đi đường bộ.
Từ Hoócmút đi về phía Đông, họ phải vượt qua một sa mạc của Iran. Sa mạc này rất lớn, giữa sa mạc có rất ít mạch nước trong. Bọn Máccô, không biết đường đất vùng này nên nước mang theo không nhiều, dùng được ít lâu thì hết, khát khô cả họng. Nước ở trong các vũng lầy xanh lè, ngựa cũng không muốn uống. Máccô đi ỉa chảy vừa mới khỏi, người thiếu nước buộc phải uống vài ngụm, kết quả phát sốt, đi ngoài càng dữ hơn. Bí quá hóa khôn, Nicôla cho cát vào một cái túi da, chọc mấy lỗ nhỏ ở đáy túi làm thành một dụng cụ lọc đơn giản để lọc nước đái ngựa cho Máccô uống. Họ đi hơn chục ngày mới ra khỏi sa mạc. Sau đó họ vào lãnh thổ Apganistan, đi về phía cao nguyên Pamia.
Cao nguyên Pamia nằm ở phía tây Tân Cương Trung Quốc, phía Đông Apganistan. Ở đây cao hơn mặt biển trên 5.000m, người ta gọi là “nóc nhà thế giới”. Khi đó đúng vào lúc giao thời hai mùa đông và xuân, thời tiết cực kỳ rét, bốn bề tuyết trắng xóa, hoang vu không một vết chân người. Bọn Máccô chỉ còn cách đi theo vết những chiếc sừng dê cừu thợ săn sau khi ăn thịt chúng vứt lại trên những tảng đá lộ ra trên mặt tuyết. Vì địa thế cao, không khí loãng, phải thở rất gấp, nên chân tay mỏi dừ, người mệt rã rời. Trên cao nguyên nhóm lửa rất khó, nhóm được rồi thì ngọn lửa rất nhỏ, nước trong nồi sùng sục tưởng như sôi nhưng sờ vào chỉ thấy âm ấm, thịt đun mãi vẫn không chín. Vất vả lẵm họ mới đi nổi mấy ngày trên “nóc nhà thế giới”, cuối cùng đến được Kasen miền tây bắc Tân Cương.
Cách phía nam Kasen mấy trăm cây số có thị trấn Hòa Điền nơi có nhiều ngọc đẹp. Máccô tiện tay nhặt mấy viên bên ven núi để làm kỷ niệm. Để đi gấp, họ mua ở thị trấn hai con lạc đà rồi đi xuyên qua sa mạc Taclamacan.
Một hôm, chập choạng tối họ vào nghỉ chân trong một ngôi lều của người chăn ngựa. Máccô bỗng phát hiện 2 viên ngọc Hòa Điền để trong túi rơi đâu mất, liền nhảy lên ngựa đi tìm. Tìm một hồi, trời tồi lúc nào không hay, nhận không ra phương hướng nên cậu bị lạc đường. Máccô nhìn những ngôi sao để xác định phương hướng, nhưng vừa tìm thấy sao Bắc Đẩu thì đột nhiên mây kéo đến che kín cả bầu trời, trên dưới tối mò mò. Máccô biết không thể qua đêm trong sa mạc được vì khí hậu rất lạnh và chó sói có thể tấn công. Cậu càng nghĩ càng sợ, càng không nhận ra được phương hướng.
Thấy con mãi không quay lại, Nicôla hoảng quá tìm ngựa đi vào sa mạc tối mịt mùng. Người chăn ngựa dắt tới một con ngựa mẹ đang cho con bú, yên cương đã sẵn sàng. Nicôla cưỡi ngựa đi gọi một thôi một hồi mãi mới tìm thấy Máccô. Bây giờ đến lượt Nicôla lạc đường. Ông bình tĩnh suy nghĩ, bỗng vui hẳn lên, lập tức buông lỏng dây cương ra. Con ngựa mẹ hình như cũng sốt ruột từ lâu rồi, vừa thả cương ra nó đã phóng như bay về lều. Thì ra nó vội về cho con bú.
Đi trong sa mạc mất một tháng rưỡi họ tới cổ thành Đôn Hoàng. Mấy hôm sau qua Ngọc Môn Quan, nhìn thấy Vạn lý trường thành, xuyên qua hành lang Hà Tây, cuối cùng tới được Thượng Đô (một trong hai kinh đô của triều Nguyên, phía tây bắc huyện Đa Luân, Nội Mông ngày nay). Khi đó đã là mùa hạ năm 1275, bọn Máccô trải qua 4 mùa nóng lạnh trên đường đi!
Nicôla và Maphây vào bái yết Đại hãn Hốt Tất Liệt, trình thư và lễ vật của Giáo hoàng, giới thiệu Máccô với Đại Hãn. Thấy Máccô trẻ lại thông minh, Đại Hãn rất thích, mấy hôm liền bắt họ vào kể cho nghe những chuyện tai nghe mắt thấy trên đường đi. Ít lâu sau, Hốt Tất Liệt dẫn binh mã về Đại Đô (một trong hai kinh đô của triều Nguyên, nay là Bắc Kinh), bọn Máccô cũng đi theo.
Được Hốt Tất Liệt yêu mến trọng dụng, bọn Máccô ở lại làm quan cho triều đình nhà Nguyên. Máccô học được rất nhanh tiếng Hán và tiếng Mông Cổ. Ngoài thời gian làm việc ở Đại Đô, Máccô còn thường xuyên theo lệnh của Đại Hãn đi thị sát các tỉnh và đi sứ nước ngoài. Các địa phương như Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến đều in dấu chân ông. Ông còn đi sứ Nam Dương (Inđônêxia ngày nay), đã qua Việt Nam, Sumatra v.v. Đến đâu ông cũng tìm hiểu phong tục tập quán, khí hậu, đất đai, con người, sản vật nơi đó để về tâu với Hốt Tất Liệt. Họ sống ở Trung Quốc như vậy ròng rã suốt 17 năm.
Nhưng rốt cuộc họ vẫn là người Vơnixơ, xa xứ sở đã lâu họ rất muốn về nước. Cuối cùng cơ hội đó đã tới: Hãn quốc Inhi ở Ba Tư phái sứ giả sang gặp Hốt Tất Liệt xin cầu hôn. Hốt Tất Liệt chọn một công chúa quí tộc Mông Cổ gả cho quốc vương nước đó, và cho phép đi đường biển đến Ba Tư. Vừa hay Máccô đi sứ Nam Dương về, vì thuộc đường nên Hốt Tất Liệt quyết định sai bọn Máccô hộ tống công chúa tới Ba Tư, rồi từ đó trở về Vơnixơ.
Mùa xuân năm 1292, Máccô cùng hơn 600 tùy tùng hộ tống công chúa đến Ba Tư. Họ lên 13 chiếc thuyền 4 buồm nhổ neo từ cảng Tuyền Châu.
Qua ba tháng hành trình, đoàn thuyền đến nước Giava, phải lưu lại Sumatra 5 tháng để tu sửa, sau đó tiếp tục lên đường. Đến eo biển Malacca thì gặp bão, nửa số thuyền bị hỏng. Một hôm, đang lênh đênh trên mặt biển Arập phía tây bắc Ấn Độ, họ đột nhiên phát hiện một chiếc thuyền nhỏ chạy về phía họ. Khi đến gần, trên thuyền kia bốc lên một làn khói đen.
– Cướp biển? – Thuyền trưởng hốt hoảng kêu lên – Khói đen đó là tín hiệu gọi đồng bọn đến chặn chúng ta!
Quả nhiên, chỉ một lát sau bốn năm chục chiếc thuyền chạy tới vây chặt lấy họ. Trên thuyền, người thì chủ trương giương buồm tháo chạy, kẻ thì chủ trương chống cự lại. Thuyền trưởng lắc đầu:
– Không được! Thuyền của chúng nhỏ tốc độ nhanh, chúng ta chạy không kịp. Vả lại, thuyền chúng nhiều thế kia, có muốn chống lại cũng không được. Có điều, bọn cướp biển này chỉ cướp của cải chứ không giết người. Chúng ta tìm cách giấu các đồ châu báu quí nhất đi là ổn.
Máccô nhanh trí bảo mang một vò rượu lại, bỏ tất cả các thứ quí giá nhất vào rồi lấy một chiếc áo bịt kín miệng vò, dùng thừng buộc chặt lại, đoạn dòng dây thả vò xuống biển, buộc dây vào thuyền.
Sau khi lên thuyền, bọn cướp cướp rất nhiều của cải, nhưng chúng không phát hiện ra vò châu báu. Chờ cho chúng rời thuyền, Máccô lôi vò lên, châu báu vẫn còn y nguyên.
Mất 2 năm 2 tháng, đoàn thuyền của Máccô mới tới được Ba tư, hoàn thành sứ mệnh Hốt Tất Liệt giao phó. Lại trải qua gần một năm nữa họ mới về đến Vơnixơ, Đó là vào cuối năm 1295, cách thời gian họ rời Vơnixơ đã 24 năm.
Tin Máccô từ Trung Quốc trở về nhanh chóng truyền đi khắp nước Cộng hòa Vơnixơ. Họ mang về một số rất lớn vàng bạc châu báu và nhiều vật lạ quí hiếm, lập tức trở thành kẻ giàu sang quyền thế ở Vơnixơ. . .
Năm 1298, giữa Vơnixơ và Giênôva nổ ra chiến tranh. Theo luật lệ của Vơnixơ, thuyền chiến do người giàu cúng tiền để đóng. Nhưng Máccô tự đóng lấy thuyền “Phương Đông”, đích thân làm thuyền trưởng, nhưng không may bị bắt làm tù binh trong trận hải chiến nói trên. Về sau, Giênôva cũng không giam ông 20 năm, mà chỉ sau 4 năm đã thả ông. Trở về Vơnixơ, Máccô chỉnh lý lại những điều tai nghe mắt thấy ở phương Đông trong cuốn “Cuộc hành trình của Máccô Pôlô”. Thời đó, kỹ thuật in của Trung Quốc chưa truyền sang châu Âu nên mọi người phải truyền tay nhau chép tay bản thảo đó, vì thế các bản chép tay có đến mấy chục loại. Mãi đến thế kỷ 15 mới chính thức in thành sách. Một số nhà địa lý học châu Âu căn cứ vào những điều viết trong “Cuộc hành trình của Máccô Pôlô để vẽ ra “Bản đồ thế giới”.Những thông tin do Máccô cung cấp có ảnh hưởng nhất định đối với việc mở đường hàng hải mới sau này.
NỀN VĂN HÓA ĂNGCO
Năm 1295, triều đình nhà Nguyên (Trung Quốc) phái một đoàn sứ thần đi thăm Chân Lạp (tức Campuchia bây giờ). Khi đó có một viên quan trẻ tên là Chu Đạt Quan từ lâu đã nghe nói đến ở Chân Lạp có khu đền Ăngco ở thành Ăngco rất nổi tiếng. Ông đã biết một số điều có liên quan qua các sách của người đời Tống, nhưng đáng tiếc sách ghi chép rất sơ sài. Khi được tin triều đình phái một đoàn sứ thần đi Chân Lạp, ông mạnh dạn dâng biểu xin được đi theo đoàn. Mấy hôm sau nhà vua phê chuẩn. Hay tin, Chu Đạt Quan mừng quá, mấy đêm liền thao thức không ngủ được.
Tháng 2 năm sau, đoàn sứ thần Trung Quốc lên thuyền xuất phát từ Ôn Châu men theo ven biển đi xuống phía nam. Thuyền qua vịnh Bắc Bộ, qua Giao Chỉ (tức Việt Nam ngày nay) tới cửa sông Mêcông, sau đó đoàn đổi thuyền ngược dòng Mêcông qua hồ Tônglêsáp). Tháng 7 năm đó đoàn tới thành Ăngco.
Quốc vương Chân Lạp hay tin đoàn sứ thần Trung Quốc sang thăm liền phái đại thần ra ngoài thành nghênh tiếp. Đoàn của Chu Đạt Quan theo vị đại thần vào thành. Họ bước lên chiếc cầu đá lớn bắc qua cầu có rất nhiều pho tượng đá mặt mũi dữ tợn ngồi quỳ ở hai bên. Trên tay các tượng thần đá nắm một con rắn lớn tạc bằng đá, đầu đuôi nối tiếp nhau thành lan can cầu. Qua chiếc cầu tới “Khải hoàn môn”. Chu Đạt Quan ngẩng đầu nhìn trên cổng thành thấy có 5 pho tượng Bồ Tát mặt tươi tỉnh mỉm cười, mắt đăm đăm nhìn tứ phương, thần thái trầm tĩnh hiền hòa. Ông nghĩ đây có lẽ là thần bảo hộ kinh đô Chân Lạp chăng! Hai bên cổng thành mỗi bên có một pho tượng đá, tượng có 3 đầu, răng dài chạm đất, mũi cuộn trong đóa hoa sen, trông rất sinh động ngộ nghĩnh.
Các vị quí khách đi vào thành trong tiếng nhạc tiếng trống rộn rã. Trên các con đường râm mát, dân chúng đông đúc nhộn nhịp. Chu Đạt Quan nhìn bốn phía chỉ thấy đền chùa bảo tháp san sát, hùng vĩ tráng lệ. Tới trung tâm tòa thành, một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ đã cuốn hút mạnh mẽ sự chú ý của mọi người.
– Ôi, thật nguy nga đồ sộ! – Chu Đạt Quan buột miệng kêu lên.
– Đây là đền Bacông. – Chủ nhân giới thiệu – Ngôi đền cổ này xây từ 300 năm trước. Đáng tiếc về sau bị quân ngoại xâm đốt trụi. Ngôi đền hiện nay là do vua Ăngco Giayavácman VII xây dựng lại.
Đoàn Chu Đạt Quan đi vào giữa đền. Đây là một quần thể kiến trúc gồm 16 bảo tháp nối liền với nhau, tháp nào cũng chạm trổ chi chít, trong tháp có một pho tượng lớn cao hơn 4m. Đây là tượng của Giayavácman VII. 16 tòa bảo tháp tượng trưng cho 16 tỉnh của Chân Lạp khi đó. Trong mỗi tòa tháp đều có tượng của Giayavácman VII, tượng trưng cho uy quyền của ông có ở khắp đất nước.
Qua đền Bacông, đi một quãng không xa về phía bắc là một hoàng cung vàng son lộng lẫy. Toàn bộ hoàng cung đều làm bằng gỗ. Theo quan niệm tôn giáo truyền thống của dân tộc này, chỉ có thần phật mới được ở những công trình kiến trúc bằng đá, người phàm trần chỉ được ở nhà gỗ hoặc tre nứa. Trách nào quốc vương cũng chỉ được ở trong hoàng cung làm bằng gỗ. Quốc vương tiếp kiến đoàn sứ thần Trung Quốc tại đây. Đoàn sứ thần dâng lên nhà vua những lễ vật mang từ Trung Quốc tới, trong đó có những thứ nổi tiếng thế giới như mâm sơn Ôn Châu, sứ men xanh Tuyền Châu, chiếu cói Minh Châu, ngoài ra còn có rất nhiều gấm vóc lụa là, dược liệu v.v. Tất cả những lễ vật đó đều là “hàng Đường” (tức hàng Trung Quốc) được người Chân Lạp ưa thích. Thấy những lễ vật đó, Quốc vương rất vui, cũng tặng lại cho các sứ thần Trung Quốc rất nhiều lễ vật quí.
Du ngoạn trong kinh thành vài ngày, đoàn Chu Đạt Quan được chủ nhân tháp tùng, cưỡi ngựa đi ra cửa nam thành Ăngco đến tham quan khu đền Ăngco.
Vừa ra khỏi cổng thành đã nhìn thấy những tòa tháp nhọn cao vút sừng sững ngay trước mắt. Chu vi đền Ăngco hơn 5 km, ngoài cùng có một con hào bảo vệ rất rộng, và một bức tường vây xây bằng đá. Mặt tây bức tường, qua một cửa ra vào là một khoảng sân rất rộng, một con đường lớn dài mấy trăm mét dẫn thẳng đến cửa của bức tường phía trong. Phía sau bức tường này là 5 toà tháp nhọn xây dựng trên một nền tam cấp, tòa tháp ở giữa cao chừng 42 mét. Xung quanh nén tam cấp đều có lầu và hành lang khắc đá.
– Đây là lăng mộ của Suryavácman II 100 năm trước. – Chủ nhân vừa đi vừa giới thiệu – Thời đó, các thợ giỏi nổi tiếng trong cả nước đều tập trung về đây, mấy vạn dân công làm suốt 10 năm mới xây xong tòa lăng mộ này.
Vừa nói họ vừa bước lên tầng dưới cùng của hành lang vòng tròn. Tường hành lang cao hơn 2m, tổng chiều dài tới 800m. Tất cả các bức bích họa đều là những tấm phù điêu khắc đá tinh xảo, nội dung phần lớn lấy đề tài từ những câu chuyện thần thoại trong sử thi Ấn Độ.
– Đây là gì? – Chu Đạt Quan chỉ vào một bức phù điêu trên tường hỏi chủ nhân.
– Đây là câu chuyện “Biển sữa nổi sóng” – Chủ nhân đáp – Chuyện kể về Sự tích Visnu, chúa muôn loài của đạo Hinđu. Để lấy được loại thuốc “trường sinh bất lão” ở dưới đáy biển sữa, thần và ma quỉ đã cùng thỏa thuận và cùng nhau ăn thề lên quả núi giữa biển sữa có một con mãng xà hai đầu khổng lồ nằm trông coi ở đó. Bọn ma quỉ túm lấy một đầu còn các vị thần túm lấy đầu kia, kẻ kéo người lôi, làm quả núi xoay tròn, khuấy đảo cả biển sữa. . .
– Thế đây là ai? – Chu Đạt Quan chỉ một tượng thần hỏi.
– Đây chính là Visnu. – Chủ nhân đáp – Khi quả núi sắp đổ, Visnu biến thành một con rùa lớn vô cùng, dùng mai mình đội quả núi lên. Núi cứ xoay tròn, biển sữa tiếp tục nổi sóng cuồn cuộn, các vật báu từ đáy biển tung lên. Người vợ tương lai của Visnu cũng ra đi từ trong đám bọt nước biển, thuốc “trường sinh bất lão” cũng xuất hiện. Nhưng khi đó bọn ma quỉ nuốt lời thề, muốn cướp lấy linh dược. Thế là Visnu đánh nhau với chúng, cuối cùng chiến thắng bọn ma quỉ, mang thuốc “trường sinh bất lão” về núi Meru…
– Ôi thật ly kỳ! Hay thiệt! Hay thiệt! – Chu Đạt Quang và các sứ thần Trung Quốc không ngớt lời khen, hoàn toàn chìm đắm trong thế giới nghệ thuật thần kỳ.
Chu Đạt Quan sống ở Chân Lạp tròn một năm. Ngoài Ăngco, ông còn đi du ngoạn, thăm thú nhiều nơi để tìm hiểu và học hỏi Chân Lạp về các mặt: Sau khi về nước, đưa vào những điều mắt thấy tai nghe, ông viết cuốn “Đất nước và con người Chân Lạp”- Dưới hình thức du ký, cuốn sách ghi lại chân thực những công trình kiến trúc của cổ đô Ăngco và khu đền Ăngco, giới thiệu toàn diện nền văn hóa Ăngco, đánh giá rất cao nền văn hóa đó. Cuốn sách này không chỉ là trước tác đầu tiên trên thế giới giới thiệu nền văn hóa Ăngco, mà còn là một văn kiện quan trọng nghiên cứu lịch sử cổ đại của Campuchia.
Trước khi rời Chân Lạp, Chu Đạt Quan trồng giống vải Trung Quốc ông mang theo trên một quả núi. Sau này mọi người gọi quả núi đó là “Núi vải Trung Quốc”, để kỷ niệm tình hữu nghị từ ngàn xưa của nhân dân hai nước Trung Quốc và Campuchia.