Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Pie Đại Đế

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

PIE ĐẠI ĐẾ

Bờ biển Hà Lan cảnh sắc thật nên thơ. Nhìn ra xa, trên mặt biển xanh biếc lác đác những cánh buồm trắng muốt; nhìn gần, cánh quạt cối xay gió trắng tinh quay tít giữa trời xanh, chẳng khác nào bức tranh thần kỳ tuyệt diệt.
Thành phố ven biển Rôttecđam là trung tâm nghề đóng tầu nổi tiếng Hà Lan. Tại đây có nhà máy đóng tầu lớn. Năm 1697, một “đoàn sứ thần” Nga đã tới đây. Kể cũng lạ, đoàn này toàn tới các Xưởng đóng tầu thôi. Họ kiên nhẫn lắng nghe phương pháp đóng tầu. Trong đó có một chàng thanh niên dáng cao, hơn 20 tuổi, dứt khoát xin ở ngay tại căn nhà nhỏ của một thợ rèn và đến phân xưởng mộc của nhà máy làm một thợ mộc bình thường. Chàng trai trẻ này rất khỏe, sức vóc hơn người, làm việc gì cũng hăng hái mạnh mẽ, lúc nghỉ bao giờ cũng lân la học hỏi kỹ thuật đóng tầu với bác phó cả, và ghi luôn vào một cuốn sổ nhỏ.
Thợ trong nhà máy cảm thấy kỳ lạ, quan sát rất kỹ từng hành vi cử chỉ của chàng trai nước Nga này. Anh nói tên mình là Mikhailốp, nghề nghiệp thủy thủ, là hạ sĩ tùy tùng trong sứ đoàn. Khi viết thư về nước, bao giờ anh cũng đóng một con dấu, trên đó có khắc “Một học trò tìm thầy học đạo”. Điều khiến mọi người chú ý hơn là, quan chức trong sứ đoàn thường xuyên đến thăm người tùy tùng này, và thái độ tỏ ra rất cung kính, còn người tùy tùng này khi nói năng, thái độ lại rất thoải mái tùy tiện.
Thợ thuyền Hà Lan thì thầm bàn tán, một người thợ bảo:
– Có lẽ anh ta là hoàng tử chăng?
Rất nhiều thợ đều có cảm nhận giống như thế. Một người thợ mạnh dạn đoán:
– Anh ta có thể là Sa hoàng! Tôi đã đến nước Nga, nghe nói Sa hoàng Pie cao hai mét, tương tự với vóc dáng anh ta.
Và rồi những người thợ Hà Lan hiếu kỳ đã vây lấy chàng thanh niên nước Nga ấy, hỏi thẳng:
– Ông có phải là Sa hoàng không?
Mikhailốp kiên quyết không nhận mình là Sa hoàng. Nhưng đám thợ Hà Lan vẫn cứ kéo nhau tới hỏi. Bị hỏi rát quá không biết làm thế nào, chàng thanh niên đành phải chuyển đến Amstecđam, làm thợ học việc ở một nhà máy đóng tầu. Tại đây, Mikhailốp làm việc liền bốn tháng, cho tới khi đóng xong một chiếc tầu lớn mới thôi. Thời gian này, hễ rỗi rãi là Mikhailốp lại đến các nhà máy khác hoặc viện bảo tàng, ra sức học thêm thật nhiều trí thức khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, còn tới thăm những nhà khoa học và họa sĩ có tiếng của Hà Lan, tìm hiểu việc xây dựng văn hóa tại đây.
Sau đó, sứ đoàn này lại đến nước Anh. Mikhailốp nghiên cứu kỹ thuật đóng tầu tại một nhà máy đóng tầu trên sông Thêm, trước sau mất hai tháng. Niềm say mê của ông thật rộng lớn, tại Luân Đôn ông nghiên cứu chế độ nhà nước của Anh, và còn tranh thủ dự thính các cuộc họp của nghị viện Anh.
Một Sa hoàng của nước Nga vì sao lại phải giấu giếm thân phận mình để đi du lịch nước ngoài như vậy? Đó là vì, nước Nga là một nước lục địa, không có cửa ra biển. Pie cực kỳ mong muốn xây dựng hải quân lớn mạnh, mở thông cửa ra biển. Theo lời của ông, “Lãnh hải – đấy chính là thứ nước Nga cần”.
Khi Pie rời Viên chuẩn bị đi Vơnidơ, thì từ Matscơva chuyển tới một tin tức kinh khủng. Chị gái ông, – công chúa Sôphia chuẩn bị xúi giục quân đội cướp chính quyền. Thế là, Pie suốt ngày đêm rong ruổi vội vã trở về Matscơva, giam chị gái vào tu viện, ra lệnh bắt làm nữ tu sĩ. Đồng thời, dùng vũ lực đàn áp sự phản kháng của quân đội, đích thân thẩm vấn những quân lính làm phản đã bắt được, lần lượt xử tử 799 quân nhân, từ đó củng cố được chính quyền của mình.
Tiếp đó, Pie bắt tay vào thực hiện cải cách các lĩnh vực trong nước.
Đầu tiên là cải cách chế độ lễ nghi.
Để tránh các nghi thức đón tiếp long trọng, ông lẳng lặng trở về biệt thự của mình. Ngày hôm sau, các đại thần, lãnh chúa, quý tộc, đại thương nhân đều tới ra mắt Pie. Họ thấy Sa hoàng, lập tức nhất tề “rập” một tiếng quỳ mọp xuống đất.
– Không! Không! – Pie vội khách khí bảo họ: – “Quỳ là nghi thức cũ; bây giờ lỗi thời rồi, xin mọi người đứng cả dậy!
Từ đó, Pie cấm hẳn nghi lễ quỳ bái đã kéo dài mấy trăm năm ở Nga.
Mọi người đứng cả dậy, ngạc nhiên nhìn Sa hoàng. Lúc đó, Sa hoàng lấy ra một chiếc kéo, đến trước mặt vị quý tộc dẫn đầu, cười bảo:
– Hà hà! Râu của ông phải cắt đi thôi.
Rồi tiện tay cắt tuột bộ râu của vị quý tộc ấy.
Đó là vì, đàn ông Nga xưa nay đều để râu, mới 30 tuổi đã râu ria xồm xoàm, cử động rất bất tiện. Từ đó về sau, mọi người đều cắt hết râu theo lệnh của Pie.
Pie lại đi tới kéo chiếc áo dài Nga lụng thụng của họ, chỉ vào bộ âu phục gọn gàng mình đang mặc, nói:
– Mặc áo dài phiền toái lắm, trở ngại khi làm việc, phải sửa đổi thôi. Từ đó, ông ra lệnh cấm mặc áo dài, nhất loạt đổi thành mặc âu phục.
Ngoài ra, Pie còn tiến hành cải cách văn hóa giáo dục và chế Độ quan chức, trù bị lập viện khoa học, sáng lập báo chí, tuyển chọn quan lại theo tài năng học vấn và cống hiến.
Bước thứ hai, cũng là chủ yếu nhất, là cải cách quân đội.
Pie hạ lệnh chiêu mộ binh lính trong nông nô, nô lệ và dân tự do. Lính mới bắt chước theo kiểu bộ binh Tây Âu, mặc quân phục mầu xanh thẫm, đội mũ hình tam giác, được huấn luyện quân sự gần Matxcơva. Chỉ trong ba tháng đã xây dựng một đội quân 32000 người. Năm 1700 Pie gây chiến tranh chiếm biển Ban tích. Khi ấy, bờ đông và bờ bắc biển Ban tích, phần lớn là lãnh thổ của Thụy Điển. Và Pie đã tiến đánh Thụy Điển. Kết quả, thua lớn tại Narva, rất nhiều lính Nga bị Thụy Điển bắt sống, những khẩu đại bác mất nhiều công sức mới đúc được cũng bị Thụy Điển cướp hết.
Đại bác không còn, quân đội tổn thất, tác chiến ra sao đây?
Pie ra lệnh, cứ ba nhà thờ thì lấy đi một chuông lớn để đúc súng. Đại bác khi đó được đúc bằng đồng. Chuông lớn nhà thờ nặng tới mấy tấn, đem ra đúc súng rõ ràng là cách làm giản tiện nhất. Một năm sau, Pie đã đúc được 300 khẩu đại bác.
Pie cải cách chế độ lính chuyên nghiệp và lính đánh thuê truyền thống, dùng hình thức lính nghĩa vụ để tổ chức đội quân mới. Con em quý tộc hay bình dân đều phải đi lính, nhờ đó đã nhanh chóng tổ chức được một đội quân Nga mới gồm líng kỵ binh và bộ binh.
Năm 1701, mấy vạn lính Nga dưới sự yểm hộ của đại bác, lại tiến đánh quân Thụy Điển. Lần này đã thắng lớn. Năm 1703, quân của Pie đánh đến cửa sông Nêva, chiếm được một vùng rộng lớn ven biển.
Thông được ra biển Ban tích rồi! Pie reo mừng đã mở được cửa ra biển. Và ông quyết định xây dựng một thành phố ở cửa sông Nêva ven biển Ban tích – Pêtécbua. Qua 10 năm nỗ lực, thành phố xây dựng xong vào năm 1713, Pie dời thủ đô từ Matxcơva tới Pêtécbua.
Giành được cửa ra biển rồi, Pie bức xúc phải có một đội hải quân lớn mạnh. Ông ra lệnh, nông nô bình thường cứ 10.000 hộ phải nộp một chiến thuyền; nông nô cấy trồng ruộng đất của nhà thờ, cứ 8000 hộ phải nộp một chiến thuyền. Đồng thời tăng thêm thuế đối với nhân dân thành phố và nông thôn, nào là “thuế đinh” ai cũng phải nộp “thuế ống khói” (từng hộ gia đình phải nộp), “thuế râu” (người để râu phải nộp) v.v. . . Thuế má nhiều vô kể, nhân dân rất thống khổ, nhưng đối với Pie thì tiền là huyết mạch của chiến tranh.
Cùng lúc đó, Pie ra sức khuyến khích thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp, lần lượt mở ra hơn 200 nhà máy luyện kim, dệt, đóng tầu. Tại U-ran, xây dựng cơ sở công nghiệp luyện kim đầu tiên của nước Nga, sản lượng sắt và đồng tăng trưởng nhanh chóng. Lao động tại đây không phải là những thợ làm thuê, mà là những nông nô chẳng có chút tự do nào. Nhưng, rút cục đã đặt cơ sở cho một nền công nghiệp quân sự.
Trải qua một phen nỗ lực, cuối cùng nước Nga đã xây dựng được một lực lượng hải quân lớn mạnh, đã đánh bại hoàn toàn quân đội Thụy Điển, thậm chí còn bắt sống được Quốc vương Thụy Điển. Tới năm 1721 khi ký kết hòa ước, nước Nga đã chiếm được vịnh Riga, vịnh Phần Lan, và khu vực rộng lớn ven biển Ban tích như Etônia, Latvia, trở thành một cường quốc Châu Âu.
Năm ấy, khu mật viện Nga tôn xưng Pie là “Đại đế” và “Người cha của tổ quốc. Từ đó, quốc hiệu nước Nga đổi thành “Đế quốc Nga”.

NỮ SA HOÀNG ĐẾN TỪ NƯỚC ĐỨC

 
Trong mấy chục Sa hoàng của nước Nga, người được tôn vinh “Đại đế” thứ nhất là Pie I, thứ hai là nữ Sa hoàng Ecatêrina II. Điều kỳ lạ là vị nữ Sa hoàng này vốn là một người Đức.
Sự việc phải kể từ Pie Đại đế.
Pie đánh bại Thụy Điển, sau khi giành được một vùng rộng lớn ven bờ biển Bantích, có ý đồ đoạt lấy quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Khi đó, nước lớn nhất ven bờ biển Bantích là Đức. Pie liền gả con gái lớn của mình cho một hoàng thân nước Đức. Sau khi Pie qua đời, nhiều người tranh nhau ngôi vua, cuối cùng thì người con gái nhỏ của ông được làm Sa hoàng. Nhưng, vị nữ Sa hoàng này không có con trai, liền sang Đức đón con trai của chị gái mình về làm con đặt tên là Pie III. Khi Pie III tới nước Nga làm hoàng thái tử, đã đưa theo cả vợ chưa cưới tới, cô là công chúa quý tộc Đức, tên là Sôphia. Vì chị gái của Pie đại đế cũng tên là Sôphia, nên đã lấy một tên Nga khác đặt cho cô công chúa nước Đức này – Êcatêrina.
Êcatêrina khi vào hoàng cung nước Nga, mới có 15 tuổi. Cô không hiểu phép tắc của nước Nga, cũng không nói được tiếng Nga. Nhưng cô rất thông minh, cơ trí, đã ráng sức học tiếng Nga, nghiên cứu lịch sử nước Nga, tìm mọi cách lấy lòng vị chủ nhân trong Hoàng cung. Mẹ chồng càng châm chọc cô, cô lại càng kính trọng mẹ chồng; chồng càng mắng mỏ cô, cô lại càng chăm sóc chồng. Chỉ trong mấy năm, cô đã đứng vững trong Hoàng cung. Về sau, Êcatêrina sinh được một đứa con trai, nữ Sa hoàng thấy mình đã có cháu trai, liền thưởng cho cô 10 vạn rúp. Êcatêrina dùng số tiền này mua chuộc các quý tộc và sĩ quan Nga. Vậy là cô ã có thế lực.
Cuối năm 1761, nữ Sa hoàng qua đời. Pie III lên ngôi. Êcatêrina tính toán làm thế nào gạt bỏ được chồng để mình bước lên ngôi báu Sa hoàng.
Bà cho gọi hai người bạn trai tới, họ là hai anh em nhà Oóclốp, đều là sĩ quan quân cận vệ.
– Các anh tìm cách giúp ta đi, được không? Các anh trong tay có binh lính và súng đạn. – Êcatêrina cười vui vẻ nói – Việc thành công, các anh sẽ có nhiều lợi lộc đấy!
– Dạ, thưa Hoàng hậu bệ hạ. Quân cận vệ chúng tôi dứt khoát trung thành với Hoàng hậu. Oóclốp anh “rập” một tiếng, đứng nghiêm chào Êcatêrina theo kiểu nhà binh; người em trai cũng đứng nghiêm chào.
– Đều là chỗ bạn bè cũ cả, cần gì phải “bệ hạ”, “bệ hạ”. Tới lúc ta lên ngôi hãy gọi, cũng còn kịp kia mà. – Êcatêrina cười đứng dậy, vỗ vai hai anh em, tỏ ý bảo ngồi xuống.
– Thưa bệ hạ, tôi có một chủ ý. – Oóclốp em nói: – Việc của quân cận vệ, anh em chúng tôi xin bảo đảm, chỉ thiếu sự giúp đỡ của bên ngoài, còn. . . – Nói tới đây anh ta giang hai bàn tay ra, lắc lắc mấy cái.
– Ha ha! – Ecatêrina cười ngất. Bà lắc lư người nói – Tiền chứ gì? Nhờ nước ngoài giúp? Chuyện đó được thôi, các anh cho gọi đại sứ Anh đến đây, ta đích thân nói chuyện với ông ta.
Hai ngày sau, đại sứ Anh đến gặp Êcatêrina. Sau một hồi khách sáo, viên đại sứ hỏi thẳng:
– Xin hỏi, Hoàng hậu thực sự có nắm chắc không?
Hai mắt Êcatêrina sáng quắc, mặt đanh lại, nói dõng dạc từng chữ một:
– Thưa ngài, xin hiểu cho tấm lòng của tôi: Tôi trở thành Hoàng đế hoặc là chết.
Đại sứ nghe xong, nghiêm trang đứng dậy, gật đầu nói:
– Hoàng hậu có quyết tâm như vậy, nước tôi sẽ hết sức giúp đỡ.
Sáng sớm ngày 28 tháng 6 năm 1762, Êcatêrina làm đảo chính cung đình. Anh em nhà Oóclốp chỉ huy quân cận vệ xông vào hoàng cung, bắt Pie III.
Pie III vừa nhìn thấy Êcatêrina, đã quỳ ngay xuống van nài kêu xin:
– Hoàng hậu! Vợ chồng ăn ở với nhau đã 18 năm, lẽ nào nàng nhẫn tâm bắt ta đi gặp Thượng đế ngay hay sao?
– Tôi chẳng có gì phải nói cả. – Êcatêrina giọng như dao chém đá.
– Ta nguyện vứt bỏ ngai vàng, tôn nàng làm nữ hoàng – Ta cầu xin nàng, hãy tha chết cho cái mạng này! – Pie III khóc lóc van xin.
– Các khanh xử lý đi! – Êcatêrina vẫy tay cho anh em Oóclốp, quay người đi ngay.
Ít lâu sau, Pie bị xử tử, Êcatêrina lên làm nữ Sa hoàng, xưng là “Êcatêrina II”.
Êcatêrina làm Sa hoàng tất cả 34 năm. Bà đã gây ra 6 cuộc chiến tranh với nước ngoài, đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ, giành được một vùng đất rộng lớn ven bờ Hắc Hải, đánh bại Ba Lan, cùng Phổ và Áo xâu xé toàn bộ lãnh thổ Ba Lan. Từ đó làm cho lãnh thổ nước Nga mở rộng thêm 630.000 ki-lô-mét vuông. Lúc sắp qua đời, bà vẫn không hề quên việc mở rộng lãnh thổ. Êcatêrina hổn hển nói:
– Ta phải xây dựng một đại đế quốc bao gồm sáu đô thành, đế quốc ấy bao gồm Pêtécbua, Matscơva, Béclin, Viên, Cônstantinốp, Alastơhan. . . Nếu như ta sống 200 tuổi, cả Châu Âu này chắc chắn đều là của nước Nga. . . cháu ta sẽ lấy tên là Alếchxanđơ, để nó giống như Đại đế Alếchxanđơ Maxêđônia cổ Hy Lạp, xây dựng một Đại đế quốc vắt ngang Âu Á – Đại đế quốc Nga.

PUGASỐP

        Tháng 9 năm 1773, người Côdắc ở vùng sông Đông và sông Ran vẫn lưu truyền một truyền thuyết kỳ lạ:
– Anh có biết Êcatêrina II lên ngôi nữ hoàng như thế nào không?
– Chuyện đó thì ai chẳng biết! Bà ta đã giết chồng mình – Sa hoàng Pie III.
– Cái anh này, chỉ biết nữa vời thôi. Hoàng đế Pie III không chết, đã trốn về với người Côdắc chúng ta.
– Thật thế không?
– Dĩ nhiên là thật, có điều người đã đổi tên đổi họ, anh không biết đấy thôi.
– Này, Pie III là một Hoàng đế tốt đấy chứ!
– Đúng, người muốn cải thiện cuộc sống nông nô chúng ta, nhưng bọn địa chủ quý tộc không đồng ý, đã ủng hộ Êcatêrina giết Hoàng thượng!
– Người đàn bà ấy thật hiểm độc! Người Côdắc chúng mình đồng lòng đứng lên giết bà ta, thế có được không?
– Được thì được đấy, nhưng thiếu người cầm đầu. Nếu như đức vua Pie III đứng ra cầm đầu chúng ta thì tốt quá. . .
– Pie III đã thống lĩnh đại quân tiến đánh rồi, anh còn chưa biết hay sao? Người đang ở thảo nguyên bên bờ sông Vonga!
– Thật thế chứ!? Tôi rất muốn đi gặp Người!
– Đi, theo Người thôi!
Truyền thuyết cuối cùng đã thành hiện thực, chỉ trong mấy ngày, gần một trăm người Côdắc – gồm cả người Nga và những người không phải Nga lũ lượt kéo tới thảo nguyên Vonga, xúm quanh một người Côdắc khoảng 30 tuổi, nghe người Côdắc này diễn thuyết với một giọng hùng hồn sang sảng:
– Hỡi bà con, ta là Sa hoàng Pie III! Ta biết mọi người khốn khổ. Ta tuyên bố, tất cả đồng ruộng, rừng rú, bãi chăn nuôi, đầm hồ, mỏ muối đều là của các người ! Xóa bỏ “thuế đinh” hà khắc. Phải trả lại tự do cho nhân dân! Giải phóng nông nô!
– Hay lắm! Nói đúng nỗi lòng của chúng ta rồi! – Những người Côdắc hoan hô ầm ĩ.
“Sa hoàng” nói tiếp:
– Bọn quý tộc cầm quyền đều là lũ côn đồ. Ta ra lệnh, xử tử hết bọn chúng!
– Đúng lắm! Xử tử quý tộc! – Anh em Côdắc lại hoan hô.
– Ta dẫn anh em đi đánh bọn ma quỷ! Chúng ta nhất định thắng lợi.
Nông dân và thợ mỏ khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của “Sa hoàng Pie III”, hừng hực khí thế xông tới. Họ có rất ít súng, phần lớn cầm giáo mác, có người chỉ có gậy gộc.
Người Côdắc cầm đầu khởi nghĩa có đúng là Sa hoàng Pie III không? Không phải. Pie III đã bị giết năm 1762 rồi. Họ tên thực của “Pie III” này là Êmêlian Pugasốp.
Pugasốp sinh năm 1742 trong một gia đình Côdắc nghèo khổ tại trấn Zimôveskaya bên bờ sông Đông. Năm 18 tuổi bị mộ lính đánh trận ở Ba Lan, rồi lại tham gia chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ, do chiến đấu dũng cảm được đề bạt làm thiếu úy. Sau đó vì ốm, được trả về quê hương, trở thành một “Côdắc lang thang” giữa sông Đông và sông Uran, đã tận mắt nhìn thấy mọi nỗi khổ cực của nông nô và thợ mỏ nước Nga.
Quân khởi nghĩa dọc theo sông Uran tiến lên phía thượng lưu. Chính phủ Sa hoàng xây dựng nhiều đồn lũy theo dọc bờ sông. Lính canh đồn và người Côdắc khi nghe tin quân Pugasốp đến, đua nhau trói và giết các trưởng quan, kéo nhau theo Pugasốp. Ngày 4 tháng 10 năm 1773, quân của Pugasốp kéo tới tỉnh lỵ Ôrenbua. Vì cương lĩnh chính trị của Pugasốp rất rõ ràng nên được đông đảo nông nô tham gia, số quân khởi nghĩa ngày càng nhiều. Pugasốp tổ chức họ thành các liên đội, đại đội. Công nhân nhà máy Uran lại đúc cho họ mấy khẩu đại bác, thanh thế nghĩa quân càng lớn mạnh hơn.
Tỉnh trưởng Ôrenbua cuống quít lo sợ, vội vã xin nữ Sa hoàng đưa quân tới đánh. Tháng 11 năm 1773, mấy vạn đại quân do tướng Nga thống lĩnh đã đến dưới thành Ôrenbua. Các địa chủ quý tộc vô cùng phấn khởi vui mừng, tưởng rằng trận này sẽ tiêu diệt được quân khởi nghĩa. Nhưng chỉ trong mấy ngày, quân của tướng Nga đã bị quân khởi nghĩa đánh cho đại bại phải tháo chạy: Địa chủ quý tộc mất chỗ dựa, càng ngao ngán tuyệt vọng.
Tỉnh trưởng là kẻ lắm mưu nhiều kế, ông ta “mời” một nông nô tên là Aphanasi đến.
– Aphanasi, mời ngồi, mời ngồi! – Tỉnh trưởng tỏ ra rất lịch sự.
Aphanasi cảm thấy rất kỳ lạ, nông nô trước đây không được phép ngồi cùng quý tộc, hôm nay vì sao tỉnh trưởng lại đặc biệt lịch sự như vậy, nhất định có việc gì “quan trọng” đây. Ông ta nói:
– Thưa ngài tỉnh trưởng, có gì xin ngài cứ việc sai bảo, không cần khách khí!
– Mời ngồi, mời ngồi! Ông biết đấy, Pugasốp chuyên giết hại địa chủ quý tộc, tôi không thể đi được. Ông là nông nô, ông ta sẽ không làm hại ông…
Aphanasi nghĩ bụng, hàng ngày tỉnh trưởng đánh chửi nông nô, bây giờ lại gọi mình là “ông”, dứt khoát là có chủ ý xấu, cứ giả vờ ngoan ngoãn tuân theo, bèn nói:
– Tỉnh trưởng sai bảo tôi làm gì, tôi sẽ làm nấy!
– Hay quá! Hay quá! Viên tỉnh trưởng giơ ngón tay cái lên. Một tay lấy ra một nắm đồng rúp vàng, tay kia để lên miệng, ghé sát vào tai Aphanasi nói nho nhỏ.
Tối hôm ấy, Aphanasi lẳng lặng bí mật ra khỏi thành. Ngày hôm sau đến chỗ Pugasốp. Pugasốp thấy một nông nô, liền đối đãi như anh em mình.
– Người anh em Aphanasi, gặp tôi có chuyện gì vậy?
– Bệ hạ, Tỉnh trưởng phái tôi đến giết ngài, tôi là nông nô, lẽ nào tôi lại làm chuyện ấy kia chứ? Tôi muốn nói cho ngài biết mọi âm mưu của ông ta.
Vì Pugasốp mượn danh Pie III khởi nghĩa, nên mọi nguời đều gọi ông là “Bệ hạ”.
– Người anh em tốt quá, nói đi nào!
– Âm mưu của ông ta có mấy mặt: muốn tôi phóng hỏa đốt kho thuốc súng của ngài, muốn tôi khuyên ngài và mua chuộc anh em Côdắc phản lại khởi nghĩa, ngài trông đây! – Nói rồi, Aphanasi lôi ra một túi tiền lớn, “xoảng” một tiếng, đặt ngay lên bàn, trong đó có nhiều đồng rúc vàng.
– Ha ha! – Pugasốp cười, hỏi tiếp – Còn gì nữa?
– Muốn tôi liên lạc với đám quý tộc trong thành, phối hợp với nhau đánh ngài cả trong lẫn ngoài.
– Tôi thay mặt anh em khởi nghĩa rất cảm tạ ông. – Pugachốp giọng rất mực chân thành.
– Tôi có một kế hoạch, đêm nay tấn công chớp nhoáng đồn lũy phía đông, chặt dứt cánh tay của Tỉnh trưởng, để cho ông ta giống như ba ba trong chum.
– Hay lắm! Từ hôm nay, ông sẽ là trợ thủ thân thiết của tôi. Ông sẽ chỉ huy quân lính của tôi tấn công – Pugasốp xưa nay rất tin cậy anh em cùng giai cấp mình.
Aphanasi quả nhiên tấn công thắng lợi. Từ đó, ông trở thành một tướng lĩnh quan trọng của nghĩa quân Pugasốp. Đến cuối năm ấy, quân khởi nghĩa phát triển lên tới hơn 3 vạn người, có tới trên 100 khẩu đại bác.
Sa hoàng lại phái đại quân đến đánh, Pugasốp thất bại ở Ôrenbua. Ông chuyển quân lên phía bắc. Tháng 7 năm 1774, đánh chiếm thị trấn Khasan trên sông Vonga, rồi lại tiến sang phía tây đánh chiếm thị trấn Nôpgôrôt (nay là Gorky). Sa hoàng phái thêm đại binh truy kích. Pugasốp kéo quân xuống phía nam, tháng 8 năm 1774, đến dưới thành Tsarichin thị trấn giữa sông Đông và sông Vônga. Vì vũ khí của nghĩa quân nông dân kém, binh lính không được huấn luyện chính quy, cuối cùng bị quân Sa hoàng đánh bại. Pugasốp chỉ huy hơn 200 quân Côdắc và nông dân vượt ra khỏi vòng vây, qua sông Vônga, chạy tới vùng thảo nguyên. Về sau, đội ngũ chỉ còn lại 50 người.
Khi ấy, có một đầu lĩnh Côdắc làm phản. Thừa lúc Pugasốp không chú ý, đã trói ông nộp cho quân đội Sa hoàng.
Tháng 1 năm 1775, trong thành Matscơva dựng lên một đoạn đầu đài cao, phía tây đoạn đầu đài là hai giá treo cổ. Rất nhiều quý tộc đến xem xử tử thủ lĩnh nghĩa quân. Pugasốp chân tay bị xiềng nhốt trong cũi gỗ chở tới Matscơva. Ông bị đưa lên đoạn đầu đài chặt đầu, tiếp đó bị phanh thây, đốt xác. Nhiều chiến hữu của ông bị treo cổ.
Cuộc cách mạng nông dân quy mô lớn nhất, số người tham gia nhiều nhất trong lịch sử nước Nga đã bị đàn áp. Nhưng, sự nghiệp anh hùng của Pugasốp tới nay vẫn được truyền tụng trong nhân dân Nga.

KHỞI NGHĨA CỦA NHỮNG NGƯỜI THÁNG CHẠP

Tháng 12 năm 1825, nước Nga dấy lên một làn sóng sôi động đầy khí thế.
Tháng trước, Sa hoàng Alêchxanđrơ I bỗng nhiên qua đời. Ông không có con cái, ai lên làm vua nước đế quốc phong kiến này đây? Quý tộc và các đại thần nước Nga bàn bạc mãi, cho rằng vẫn phải theo thông lệ, để em trai Sa hoàng là Cônstantin lên kế vị ngôi vua. Và họ đã tuyên thệ tập thể, tỏ ý trung thành với Cônstantin.
Nhưng, Cônstantin chẳng hề thích thú gì việc kế thừa ngôi vua. Ông ở lì Varsawa không muốn về nước, chỉ viết thư về, tuyên bố từ bỏ quyền kế vị.
Việc này khiến các quý tộc và đại thần rất đỗi lo lắng, làm thế nào bây giờ? Đúng vào lúc hỗn loạn này, em trai thứ ba Sa hoàng là Nicôla lại rất hăng hái hành động. Ông viết ngay thư cho anh hai ở Varsawa, tỏ ý mình muốn lên làm vua. Cônstantin dĩ nhiên đồng ý. Và, chính phủ Nga thông báo toàn quốc, ngày 14 tháng 12, sẽ tổ chức lễ tuyên thệ để tỏ lòng trung thành với Sa hoàng mới Nicôla. Nicôla một lòng một dạ muốn lên ngôi vua, sai đặt làm quần áo mới cho hoàng đế, chờ đợi ngày lên ngôi.
Ngày 14 tháng 12 đã tới. Từ sáng sớm, hơn 3000 lính hải lục đội ngũ chỉnh tề tiến vào đường phố lớn của Pêtécbua. Họ vũ trang đầy đủ, gươm tuốt trần, tiến thẳng tới quảng trường Viện nguyên lão, vây quanh tượng đồng Pie I, dàn thành thế trận chiến đấu hình vuông. Sau đó, họ hô to khẩu hiệu:
“Từ chối tuyên thệ! Phản đối tuyên thệ!”
“Yêu cầu hiến pháp! Yêu cầu dân chủ!”
Tiếng hô phẫn nộ bùng lên như núi lửa, mũi nhọn đấu tranh chĩa thẳng vào Nicola sắp lên ngôi.
Họ là ai? Họ là những người khởi nghĩa do sĩ quan và trí thức có tư tưởng dân chủ lãnh đạo. Mục đích khởi nghĩa là chống nền thống trị chuyên chế Sa hoàng, chống chế độ phong kiến Nga, đòi hỏi giải phóng nông nô, thực hiện dân chủ.
Nicôra nằm mơ cũng chẳng ngờ là có người lại chống mình, lập tức lệnh cho kỵ binh đến giải thích đoàn người khởi nghĩa. Kỵ binh đến quảng trường, thì nghe một loạt súng nổ “Đoàng!” “Đoàng!”, ngựa trúng đạn lăn ra, kỵ binh ngã bổ nhào xuống đất. Binh lính khởi nghĩa bắn rất rát, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của kị binh. Số quân Sa hoàng bị thương vong cứ tăng dần, đội ngũ khởi nghĩa vẫn hiên ngang hùng dũng.
Nicôla thấy rắn không được, liền dùng thủ đoạn mềm: Khuyên đầu hàng. Tổng giám mục Pêtécbua lật đật đi vào quảng trường, ông mặc áo thụng đen, tay phải liên tục làm dấu thánh trước ngực, tay trái cầm “Thánh kinh”, miệng run run nói:
– Hỡi các con! Chúa nhân từ và hòa bình, các con hãy buông súng!
– Ông đi đi, đồ tay sai Sa hoàng! – Binh lính khởi nghĩa chẳng thèm để ý.
– Hỡi các con! Chúa… Tổng giám mục trơ trẽn muốn thuyết giáo một lần nữa.
– Cút ngay! Cút ngay! Kẻo ăn đòn đấy! – Binh lính khởi nghĩa giận dữ đuổi ông ta đi.
Một lát sau, Tổng đốc Pêtécbua khệnh khạng tiến vào quảng trường. Vẫn như ngày thường, với điệu bộ quý tộc hách dịch, ông ta diễn thuyết trước binh lính khởi nghĩa:
– Hỡi anh em binh lính! Hành động của các ngươi là phản loạn! Phản loạn thì phải bị chém đầu. Sa hoàng bệ hạ Nicola là người nhân từ, người tha thứ cho các ngươi, các ngươi giải tán ngay. Mau giải tán ngay. . .
Lời nói chưa dứt, đã thấy một nghĩa binh lao tới. “Bốp!”, một cái tát nẩy lửa làm cho viên Tổng đốc loạng choạng. Tiếp đó là những cú đấm giáng xuống ngực ông ta tới tấp như mưa.Tổng đốc đau quá kêu “oai oái”, quay người chuồn thẳng.
“Dân chủ muôn năm!” Binh lính khởi nghĩa thấy điệu bộ nực cười của Tổng đốc, thì phấn khởi hô to khẩu hiệu.
Khởi nghĩa của binh lính đã thu hút được đông đảo nhân dân. Tới trưa, thợ thuyền, nông nô, dân nghèo thành thị ở Pêtécbua ào ào đổ tới quảng trường. Những người thợ đang xây dựng nhà thờ lớn cũng căm thù ném gạch ngói gỗ lạt vào quân cảnh Sa hoàng. Đội ngũ khởi nghĩa thêm đông đảo.
Nicôla cuống quít như kiến bò chảo nóng, lập tức điều pháo binh tới, hạ lệnh nã pháo vào đoàn người khởi nghĩa. “Ùng! Oàng!” Pháo đạn nã tới, binh lính khởi nghĩa người tan máu chẩy, kẻ chết người bị thương, buộc phải rút khỏi quảng trường. Nicôla ra lệnh đào một hố lớn trên mặt sông Nêva đóng băng, tất cả binh lính nằm trên quảng trường dù đã chết hay bị thương đều ném tất cả vào hố băng ấy. Tiếp đó, lục soát bắt bớ toàn thành phố, bắt đi rất nhiều lãnh tụ khởi nghĩa.
Nửa tháng sau, tức là ngày 29 tháng 12, tại Ucren miền nam nước Nga lại có binh lính khởi nghĩa, kết quả cũng bị đàn áp, nhiều lãnh tụ khởi nghĩa bị bắt.
Vì khởi nghĩa Pêtécbua và Ucren đúng vào tháng 12 theo lịch Nga, họ lại tổ chức nổi dậy giống nhau, cho nên trong lịch sử đã gọi những thành viên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này là “Những người tháng Chạp”.
Nicôla sau khi đàn áp Những người tháng Chạp đã lên ngôi vua, hiện là Nicola I, Ông tiếp tục chủ trương của Alêchxanđơ, dùng vũ lực chinh phục Côcadơ và Trung Á, phái quân viễn chinh đánh bại Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, mở rộng rất nhiều lãnh thổ nước Nga. Đồng thời, vì ông ta đã đem quân đàn áp cách mạng nhân dân ở Ba Lan và Hungari, nên người ta gọi ông là tên “sen đầm châu Âu”.

BI KỊCH CỦA NHÀ HÀI KỊCH

Mùa hè năm 1645. Một chiếc xe ngựa sang trọng phóng nhanh trên đường phố Pari, rẽ vào một phố nhỏ tối tăm, dừng lại trước cổng nhà tù. Khi ấy, cũng là lúc nhà tù thả một phạm nhân trẻ tuổi đầu bù xù mặt lem luốc, quần áo rách nát. Người xà ích vội lớn tiếng gọi:
– Thưa cậu, mời cậu lên xe!
Chàng thanh niên gật đầu, chẳng nói gì bước ngay lên xe.
Xe qua phố lớn, chạy thẳng tới một tòa nhà trang hoàng cầu kỳ. Người quản gia đón cậu vào nhà, tắm gội cho cậu, thay quần áo mới, rồi đưa cậu tới chỗ ông chủ.
Ông chủ Pôcơlanh, tuổi gần lục tuần, chức vụ hiện tại là quan Thị tùng nhà vua, tổng quản Xưởng dệt thảm cung đình. Vừa thấy con về, đã tức giận nói:
– Giăng Báptistơ, năm nay con đã hai lần bị giam vào ngục, nếu ta không bỏ nhiều tiền để chuộc ra, thì con còn phải chịu khổ nhiều! Con đã bôi nhọ lên mặt cả nhà rồi đấy!
– Cám ơn cha! – Chàng trai đã thay quần áo, gương mặt sáng sủa, đôi mắt thật tinh nhanh, trông thật đẹp trai.
– Ta không muốn con cám ơn, ta chỉ muốn con sửa đổi, con thử nghĩ xem, ta cho con vào trường học tiếng La-tinh, còn đưa con vào đại học học pháp luật, chính là muốn con thừa kế gia sản nhà ta, sau này phát tài, làm quan to. Nào ngờ con không chăm chỉ học hành, lại đi làm cái thứ kịch cọt gì đấy, suốt ngày diễn trên sân khấu. Ôi, diễn kịch là cái nghề đê tiện mọi người khinh rẻ, kết quả là mang công mắc nợ, bị giam vào tù. Cậu ấm nhà chúng ta, làm sao lại sa sút đến cái nước ấy được nhỉ!
Nói rồi, ông bất giác nghĩ tới chức vị trong cung đình của mình, nghĩ tới những cửa hàng và tài sản ở Pari và ở nơi khác của mình. Giờ đây ông đã già, con trai lại không muốn thừa kế, mà cảm thấy đau xót, mắt cay sè, nước mắt tuôn rơi, làm ướt cả khuôn mặt.
– Thưa cha, xin cha đừng buồn. Chức vụ cao quý của cha trong cung đình, gia sản lớn lao của gia đình ta sẽ có người thừa kế, nhưng không phải con.
– Ai sẽ thừa kế hả?
– Em trai con.
– Vậy con làm gì?
– Con vẫn đi diễn kịch, vì con rất thích – Gương mặt tuấn tú lộ rõ vẻ kiên nghị, hai tay duỗi thẳng ra phía trước, dường như để tỏ rõ quyết tâm của mình.
– Ôi, đành tuỳ con vậy thôi! – Người cha làm sao thấu hiểu được nỗi lòng của con trai, cũng không có cách nào thay đổi được ý nguyện của con được.
Chàng trai ấy tên là GiăngBaptistơ Pôcơlanh, khi ra tù vừa tròn 23 tuổi. Baptistơ từ nhỏ đã thích xem kịch, muốn làm diễn viên. Năm 20 tuổi, liên kết tới tám chín người bạn tổ chức ra “Đoàn kịch Quang Vinh”, và lấy tên nghệ sĩ của mình là: “Môlie” (Molière). Do tình hình biểu diễn gặp khó khăn, mắc nợ nhiều.
Chủ nợ kiện, kết quả là ông bị tù.
Mùa thu năm ấy, Môlie và mấy người bạn cùng tham gia đoàn hài kịch của  Mađơlenbêgia. Môlie đã cùng họ đi khắp nước Pháp suốt 13 năm. Thời gian này, ông không những học được kỹ thuật trình diễn điêu luyện, mà còn thâm nhập được các địa phương ngóc ngách nước Pháp, tìm hiểu tình cảm tư tưởng nhân dân, thu thập được nhiều ngạn ngữ và dân ca, cuối cùng đã trở thành một nhà hài kịch kiệt xuất.
Năm 1658, Môlie trở về Pari, tổ chức lại “Đoàn kịch Quang Vinh”, chuyên sáng tác và biểu diễn hài kịch. Hài kịch của ông mạnh dạn phanh phủi và châm biếm mọi thói xấu của xã hội thượng lưu Pháp, vì vậy được đông đảo nhân dân nồng nhiệt tán thưởng.
Năm 1664, vở “Tactuyp” của Môlie trình diễn ở cung Véc-say. Trong rạp đông vui chưa từng có, ngay cả vua Pháp Louis XIV cũng đến xem. Nhưng, vở kịch mới diễn được ba cảnh đã bị cấm. Rút cục là vì sao? Chúng ta hãy xem tình tiết câu chuyện của vở hài kịch!
Có một nhà buôn giàu có tên là Orơgông, làm quen với một tín đồ Thiên chúa giáo tên là Táctuýp. Táctuýp làm ra bộ vô cùng ngoan đạo, được Orơgông coi là một “thánh nhân”. Và ông đã đón Táctuýp về nhà, đãi món ăn ngon nhất, mặc quần áo đẹp nhất, ở căn nhà sang nhất. Về sau lại quyết định gả con gái cho anh ta, giao toàn bộ tài sản cho anh ta quản lý, còn nói cả những bí mật chính trị của mình cho anh ta biết. Táctuýp có được tất cả những thứ đó rồi, liền lộ rõ bộ mặt đạo đức giả. Hắn không những muốn ve vãn cám dỗ vợ Orơgông, mà còn định đuổi Orơgông đi, chiếm tất cả tài sản của Orơgông. Khi Orơgông biết mình đã bị tên tín đồ Thiên chúa giáo này lừa rồi, thì Táctuýp trơ trẽn nói: “Ta làm như vậy, đều là vì chúa, vì nhà vua”.
Vở hài kịch đã chĩa mũi nhọn châm biếm vào thẳng trụ cột chính của chính thể quân chủ nước Pháp – giáo hội Thiên chúa, đồng thời cũng chỉ trích gay gắt đám quý tộc, nên đã bị nhà cầm quyền cấm. Vì vậy, Molierơ đã ba lần sửa kịch bản, viết Táctuýp thành một người thế tục, chuyển kịch ba màn thành năm màn, màn thứ năm viết về tình tiết nhà vua minh oan cho Orơgông. Như vậy, mới được chính thức trình diễn công khai vào năm 1669. Tuy nhiên “Tactuyp” vẫn không thay đổi nội dung châm biếm, vở kịch vẫn được đông đảo nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Năm 1668, Molie đã viết một vở hài kịch khác “Người biển lận” (Có người dịch là “Lão hà tiện”) . Kể chuyện một người giàu có keo kiệt Acpagông, thường ngày chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu, tích cóp tiền để cho vay nặng lãi. Để dè sẻn khoản chi phí quần áo đồ cưới, lão đã gả con gái cho một ông già giàu có; để kiếm chác tài sản của người khác, lão để con trai lấy một bà góa giàu có; còn bản thân Acpagông lại lấy một cô gái trẻ đẹp. Lão lúc nào cũng nơm nớp sợ người ta lấy cắp tiền của mình. Một hôm, người đầy tớ bảo rằng, két tiền đã bị mất cắp, Acpagông gào lên như điên:
– Trời ơi! Tiền của tội nghiệp của ta ơi! Không có mày, ta chẳng còn gì nữa rồi! Ta sống không nổi nữa rồi!
Môlie sử dụng bút pháp khoa trương cực độ, để phơi bầy bản chất tham lam, quý đồng tiền hơn cả mạng sống của giai cấp tư sản. Vở kịch đã thành công rất lớn.
Ngoài ra, Môlie còn viết nhiều hài kịch châm biếm như “Đông Joăng”. Theo thống kê sau này, ít nhất có 37 vở hài kịch còn lưu giữ tới ngày nay.
Ngày 17 tháng 2 năm 1673, kịch “Người bệnh tưởng” của Môlie chính thức công diễn ở Pari. Dịp đó, Molie đang ốm nặng, nhưng vẫn lên sân khấu đóng vai chính. Vai chính trong vở kịch là một người khỏe nhưng giả vờ ốm. Molie đang ốm sẵn, trên sân khấu thường xuyên cau mày nhăn mặt, xoa vuốt vùng ngực đang đau dữ dội, rồi ho rũ rượi hàng thôi dài, khán giả cứ nghĩ ông biểu diễn tài tình quá, sinh động như thật, liên tục vỗ tay tán thưởng. Khi vở kịch lên tới cao trào, thì thấy vai chính này đau đớn toàn thân run lên bần bật, bất thần ngửa mặt lên cười lớn rồi ngã vật ra sân khấu, không dậy được nữa. Đoàn kịch vội vã đưa ông về nhà, ba tiếng sau, Molie vĩnh biệt mọi người.
Nhà hài kịch vĩ đại nhất Châu Âu thế kỷ XVII đã hoàn thành những tác phẩm của mình bằng máu và mạng sống. Khi ông ngã xuống trên sân khấu, mới có 51 tuổi.

Chọn tập
Bình luận