CÔNG PHÁ BÉCLIN
Ngày 16 tháng 4 năm 1945, chiến dịch đánh chiếm Béclin của Hồng quân Liên Xô bắt đầu. Đúng 5 giờ sáng từ ngoại ô phía đông Béclin mấy nghìn khẩu đại bác, moóc- chiê và pháo tên lửa của Hồng quân nhất loạt gầm lên. Qua nửa tiếng pháo kích dồn dập, trận địa quân thù im lìm như chết. Lúc đó, mấy nghìn viên đạn tín hiệu rực rỡ muôn mầu bay vọt lên trời, cùng lúc, 140 chiếc đèn pha cách nhau 200 mét cùng tỏa sáng, trực tiếp chiếu vào trận địa quân Đức. Bộ binh Hồng quân có sự hiệp đồng của xe tăng bắt đầu xung phong. Đúng lúc đó, 600 máy bay Hồng quân thay nhau oanh tạc trận địa quân Đức. Hàng loạt quân Đức bị chôn vùi trong biển lửa. Sáng sớm, quân đội Lên Xô đã đột phá được phòng tuyến thứ nhất của địch bắt đầu tiến vào trong thành phố Béclin.
Ngày 25 tháng 4. Hồng quân Liên Xô đã bao vây chặt Béclin và hội quân với liên quân Anh, Mỹ. Sau đó, Hồng quản đột nhập vào thành phố, bắt đầu chiến đấu ác liệt trong đường phố.
Trong tiếng đại bác ầm ầm, phủ Thủ tướng Béclin đã thành một đống đổ nát. Trên mặt đất chi chít hố bom, hố đạn, đầy rẫy mảnh đá hoa, mảnh vỡ đèn treo pha lê và lổng chổng đồ dùng gia đình.
Hitle hết hồn hết vía trước sức tấn công mãnh liệt. Hắn ẩn nấp trong hầm ngầm sâu 50 thước Anh, và không còn cách nào khác đành ra sức gào thét vào vô tuyến điện thoại:
Mau đến giải vây cho Béclin. Quân của Hainrisi đang làm gì thế? Vôncơ đang làm gì? Quân đoàn 9 thế nào rồi?
Hắn đâu có biết, quân của Vôncơ và quân đoàn chín đã bị Hồng quân tiêu diệt rồi, quân đội của Hairisi đang thua chạy về phía tây, vòng vây Béclin làm sao mà phá được.
Hitle chán ngán bỏ ống nói xuống. Hắn đã kiệt sức rồi, nằm ra sôfa, muốn yên tĩnh nghỉ ngơi một chút, nhưng tin tức đau buồn cứ dồn dập đưa tới Tổng tư lệnh không quân Gơrinh, mấy hôm trước sau khi hớn hở, chúc mừng sinh nhật thứ 56 của Nguyên thủ, đã cấp tốc bó gói rất nhiều vàng bạc châu báu chuồn ra khỏi Béclin mù mịt khói lửa, rồi lập tức từ Thượng Sansbuôc gửi điện bảo tới, tuyên bố sẽ “tiếp quản toàn bộ quyền lãnh đạo đế quốc!”
Tên trùm sỏ đội bảo vệ đảng Hitle cũng đã lén trốn khỏi Béclin, đang mưu toan giảng hòa riêng với các nước Đồng minh phương tây.
Tướng Stainna cũng tỏ ra không còn trung thành với Nguyên thủ nữa. Lão ta cho rằng chỉ có kéo quân đội sang tuyến phía tây đầu hàng nước Mỹ mới là thượng sách…
– Nói láo! Hitle lồng lộn lên gào thét chửi bới – Đồ bất trung quân, nói láo, tên nhu nhược!…
Đang lúc ra sức chửi bới om sòm, chợt lính bảo vệ giải Ficrain là em rể của Eva Braun người tình của hắn, vào hầm ngầm. Ficrain là sĩ quan liên lạc của Hitle, hắn đã vớ được 10 vạn mác và một số vàng, chuẩn bị xong vali rồi muốn bất thần trốn khỏi Béclin. Hitle thấy thế giận dữ run bắn cả người, đau đớn nói với đội trưởng bảo vệ của hắn,
– Thấy chưa! không ngờ viên tướng của quân bảo vệ đảng khắp người đầy huân chương cao nhất cũng đã bạc bẽo phản bội ta rồi!
Hắn ra lệnh giam ngay Ficrain lại, chờ xử tội.
Lúc đó, trên đỉnh hầm, đạn pháo của Liên Xô đang nổ ầm ầm, đạn nổ thành chùm. Ngày Hitle tận số sắp tới rồi. Trước mắt hắn lại hiện ra cảnh xác Mutxôlini phơi ra trên đường phố Milan, dường như hắn nhìn thấy xác mình cũng bị quần chúng phẫn nộ kéo lê trên đường phố, rồi bị trói dốc ngược trên quảng trường, hàng nghìn hàng vạn người phỉ nhổ vào xác hắn, chỉ vào xác hắn mà chửi rủa. . . Hitle nghĩ tới đây, bất giác đau đến xé ruột. Hắn quay lại nói với đội trưởng bảo vệ Glin:
– Anh đi chuẩn bị hai chiếc chăn len, và để một số xăng đủ thiêu cháy hai xác chết vào phòng ngủ của tôi. Tôi và Êva sẽ tự sát tại đấy. Anh lấy chăn len gói thi hài lại, rồi mang lên thiêu ở vườn hoa…
– Vâng, tuân lệnh, thưa Nguyên thủ của tôi! Glin lắp bắp nói rồi đi ra.
Ngày 29 tháng 4, Hitle để lại hai bản di chúc bằng lời, trong di chúc chính trị, hắn bổ nhiệm Nguyên soái hải quân Dennity làm “người thừa kế”, trong di chúc đời thường, hắn quyết định kết hôn với người tình Eva Braun
Đêm hôm ấy, hôn lễ tổ chức trong phòng bản đồ dưới hầm ngầm. Khách dự hôn lễ chỉ có vài người. Thượng nghị sĩ chính quyền thành phố Béclin, Oatnhe liều vượt qua bom đạn đến hầm ngầm chủ trì hôn lễ. Tay hắn cầm hai tờ mẫu đánh máy, vừa bắt đầu hỏi các nội dung cần phải điền vào giấy đăng ký, thì đúng lúc ấy một quả đạn nổ lớn khác thường trên đầu, bê tông trên nóc hầm rung chuyển và nhiều mảnh rơi xuống người Hitle và Êva.
– Xin nhanh lên cho! Êva vội vã và căng thẳng van nài.
Oatnhe cũng rất căng thẳng, ngay cả họ tên bố mẹ Hitle, ngày tháng trên giấy đăng ký kết hôn cũng chẳng kịp hỏi rõ để điền vào, ngay trên cột chứng minh thư của Hitle, đã viết mấy chứ “tôi biết rõ”. Tiếp đó, Oatnhe lại lần lượt hỏi với giọng run run Hitle và Braun có đống ý thành vợ chồng hay không, sau đó ký vào giấy chứng nhận, nghi lễ tuyên bố kết thúc.
Lúc đó, một vệ binh đưa cho Êva một mẩu giấy, đó là của người em rể cô ta, Ficrain gửi đến, yêu cầu Hitle tạm hoãn việc xét xử anh ta. Êva lập tức yêu cầu ngay với Hitle, Hitle đột nhiên gào thét:
– Ficrain cũng giống như con rể của Mutxôlini là một tên phản bội, giặc bán nước. Tôi nghĩ rằng, em biết rõ kết cục của con rể Mutxôlini là thế nào chứ!
Eva nghe xong toàn thân bải hoải trở về phòng mình, cất tiếng khóc ròng. Lát sau, một tiếng súng nổ, Ficrain bị xử tử ngay trong vườn hoa.
Chiều ngày 13 tháng 4, Hồng quân Liên Xô đã đánh vào nơi chỉ còn cách phủ Thủ tướng một đường phố nữa thôi. Hitle đã rơi vào đường cùng, kiểm tra lần nữa xem nguyên soái Denit đã tuân theo ý chỉ của hắn, trở thành người thừa kế chưa, hắn hạ lệnh bắt Himle, bỏ tù Gơring, hắn còn ra lệnh đặc biệt cho quân đội chống trả lần cuối cùng với quân đội Liên Xô.
Vào khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, Hitle ngồi trên sôfa trong văn phòng, dùng khẩu súng ngắn cỡ nòng 7,65 li tự bắn một phát vào huyệt thái dương bên phải đầu mình, khẩu súng này và một khẩu dự trữ khác nữa rơi ngay bên chân. Đầu gục xuống, Hitle dựa nghiêng vào tường, máu tràn qua mặt rơi xuống sôfa và tấm thảm, Êva, Braun ngồi bên cạnh hắn, hai chân thu lại trên sôfa, nét mặt dúm dó, chứng tỏ cô ta đã uống Xyanua Kali, hộp đựng thứ thuốc độc này để ở trên bàn.
Lịch sử đã phũ phàng sắp đặt cho tên ma vương phát xít Hitle này một kết cục nhục nhã như vậy.
Đội trưởng bảo vệ Glin và mấy sĩ quan tuỳ tùng vào văn phòng Hitle, trong phòng ngột ngạt một vị đắng ghê gớm. Glin gói thi thể Hitle và Êva, Braun vào tấm thảm, đưa ra khỏi hầm ngầm, đặt vào một hố nhỏ ở vườn hoa phủ Thủ tướng, tưới xăng lên, sau đó ném đám báo đã đốt lửa lên thi thể, ngọn lửa cháy bùng lên ngay. Đạn pháo Liên Xô liên tục nổ quanh thi thể, Glin và các quân nhân khác đành phải đứng ở cửa hầm và cửa hành lang đường vào nhìn thi thể đang bốc cháy. Tất cả những cái đó đều diễn ra nhanh chóng và bí mật, vì sợ binh lính bảo vệ phủ Thủ tướng biết thì sẽ vứt bỏ khí giới mà trốn chạy hết.
Tên đầu sỏ phát xít số hai Gơben thấy đại cục đã hết, cũng bắt chước Hitle, đầu độc sáu đứa con trước, sau đó ra lệnh cho bộ hạ của hắn nổ súng bắn chết hắn và vợ, một số còn lại đều theo nhau bỏ trốn hết.
Ngày 2 tháng 5 Hồng quân Liên Xô chiếm được toàn bộ Béclin, 30 vạn sĩ quan binh lính phát xít đều bị bắt làm tù binh.
Ngày 7 tháng 5 tại Rem, ngoại ô phía đông Pari, trụ sở Bộ tư lệnh quân Đồng minh phương tây, đại biểu của Chính phủ Đức đã ký giấy đầu hàng vô điều kiện trước đại biểu Mỹ, Anh, Liên Xô. Nhưng Stalin không hài lòng đối với nghi thức đầu hàng ở Rem. Quân đội Liên Xô là quân chủ lực chiến thắng phát xít, Béclin do quân đội Liên Xô đánh chiếm, vì thế nghi thức đầu hàng Rem từ địa điểm đến phương thức đều làm hại tới danh tiếng của quân đội Liên Xô. Thế là Chính phủ Liên Xô thỏa thuận với Chính phủ Mỹ, Anh, lễ đầu hàng Rem chỉ coi là việc làm thử, nghi thức chính thức phải tổ chức tại Béclin.
Ngày 8 tháng 5, tại Béclin chính thức tiến hành lễ đầu hàng vô điều kiện của nước Đức. Đại biểu phía Liên Xô là nguyên soái Giucốp và Visinsky. Nghi thức do Giucốp chủ trì, đại biểu của bộ nguyên soái tối cao quân Đồng minh là Thượng tướng không quân nước Anh Tayđơ, tư lệnh không quân chiến lược nước Mỹ, tướng Spat và Tổng tư lệnh nước Pháp, Tasinhi. Đại biểu Bộ thống soái nước Đức đã ký vào giấy đầu hàng Điều thứ nhất của giấy đầu hàng tuyên bố. “Chúng tôi, những người đến ký đại biểu cho Bộ thống soái nước Đức cũng như tất cả hải lục không quân nước Đức và tất cả bộ đội hiện nay vẫn đang dưới sự kiểm soát của nước Đức, đầu hàng vô điều kiện với Bộ thống soái tối cao Hồng quân, đồng thời với Bộ thống soái tối cao quân viễn chinh Đồng minh”.
Việc ký kết giấy đầu hàng của nước Đức, đánh dấu nhân dân Liên Xô, và nhân dân các nước trên thế giới, trải qua chặng đường chiến đấu muôn vàn gian khổ, rất đáng tự hào, cuối cùng đã đánh bại triệt để phát xít Hitle. Ngày 8 tháng 5 này, cũng được tuyên bố là ngày thắng lợi của Châu Âu, chấm dứt chiến tranh trên chiến trường Châu Âu.
QUẢ BOM NGUYÊN TỬ ĐẦU TIÊN
Mùa hè năm 1939, từ Béclin truyền đi một tin tức kinh người: nước Đức đang tiến hành một công trình bí mật, ý đồ lợi dụng thành quả của khoa học nguyên tử, chế tạo một loại vũ khí kiểu mới có tính huỷ diệt rất mạnh. Tin tức lan truyền đi, khiến nhiều nhà khoa học chính trực lo lắng. Khi ấy Châu Âu tràn ngập không khí chiến tranh, một khi phát xít Đức chế tạo ra bom nguyên tử trước, thì số phận loài người sẽ không thể tưởng tượng nổi nữa.
Nguyên lý phân rã hạt nhân của bom nguyên tử, là phát hiện của nhà khoa học nước Đức Hain Sthorasman và nhà khoa học nữ Do Thái Mađơna. Vì nước Đức Quốc xã điên cuồng bức hại trí thức và người Do Thái, các nhà khoa học Maitơrna, Thele, Sirat và nhiều nhà khoa học kiệt xuất khác, kể cả nhà khoa học vĩ đại Anhstanh, đã lần lượt trốn khỏi nước Đức, di cư sang nước Mỹ. Tháng 8 năm ấy, Silade cùng một số nhà khoa học vô cùng quan tâm tới số phận loài người, mời Anhstanh đứng ra viết thư cho Tổng thống nước Mỹ Rudơven yêu cầu nước Mỹ phải chế tạo ra bom nguyên tử trước nước Đức. Trong lá thư do người khác viết, Anhstanh ký, như sau:
Thưa ngài Tổng thống:
Tôi đã đọc hồ sơ công tác nghiên cứu gần đây của Fêmi và Sirat,
Điều đó khiến tôi dự tính được, nguyên tố uranium trong tương lại gần nhất, sẽ trở thành một loại năng lượng mới quan trọng. Xem xét tình hình này, mọi người phải nâng cao cảnh giác, khi cần thiết phải yêu cầu Chính phủ có hành động nhanh chóng ngay. Nghĩa vụ của tôi là nhắc nhở Ngài chú ý sự thực sau đây, trong tương lại không xa, có khả năng chế tạo được một loại bom kiểu mới có uy lực cực lớn.
Vì vậy, tôi đề nghị, xin giao quyền cho một nhân sĩ mà Ngài tín nhiệm, để ông ta có thể liên lạc không chính thức với các cơ quan nhà nước, thường xuyên báo cáo với họ toàn bộ tình hình nghiên cứu, đồng thời kiến nghị với họ, đặc biệt là phải gắng sức bảo đảm cung cấp quặng uranium cho nước Mỹ. Đồng thời, làm việc với nhân sĩ hữu quan và giới doanh nghiệp xây dưng phòng thực nghiệm để xúc tiến công tác thực nghiệm tiến hành thật nhanh chóng.
Theo tôi được biết, nước Đức hiện nay đã ngừng bán quặng uranium ở Tiệp Khắc mà chúng đã chiếm đóng. Nếu chú ý tới con trai Thứ trưởng bộ ngoại giao nước Đức làm việc ở Viện nghiên cứu hoàng đế Uyliam Béclin thì thấy Viện này hiện nay đang nghiên cứu uranium giống như nước Mỹ, và sẽ hiểu được nước Đức vì sao lại làm việc này.
A. Anhstanh (ký tên)
Rudơven ngồi trong văn phòng hình bầu dục Nhà Trắng lặng lẽ nghiên cứu lá thư của Anhstanh, bắt đầu cảm thấy do dự. Ông thấy việc này đâu phải nhỏ: vấn đề nhân lực, kinh phí, bảo mật, giải quyết ra làm sao? Bom nguyên tử chưa hề nhìn thấy bao giờ này liệu có thể tạo ra được không? Nếu như trong lúc chế tạo mà phát nổ thì làm thế nào? Cố vấn khoa học của ông Sack nói, trước kia Napôlêông vì không chấp nhận kiến nghị chế tạo tầu chạy hơi nước của Funtơn, nên cuối cùng đã không vượt qua được eo biển Măngsơ để chinh phục nước Anh. Bây giờ, Đức đang điên cuồng chuẩn bị chiến tranh, một khi họ thành công, nước Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào cảnh vô cùng nguy hiểm.
Rudơnven sau một tuần suy nghĩ nung nấu, cuối cùng vào ngày 19 tháng 10, đã trả lời khẳng định lá thư của Anhstanh. Ông ấn nút điện chỉ vào một đống lớn các tư liệu thuyết minh, bình tĩnh nói với trợ lý quân sự vừa nghe gọi bước vào:
– Việc này phải xử lý thôi.
Sau đó, theo lệnh của Rudơven, thành lập một Uỷ ban đặc biệt với mã số “5- 11” bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm hạt nhân. Tháng 8 năm 1942, Tướng Gơlốp phó chủ nhiệm ban kiến trúc binh đoàn công trình lục quân nước Mỹ, nhà khoa học chủ trì uỷ ban “5- 11” hội đồng cán bộ quản lý cao cấp, xây dựng lên một kế hoạch mới tên là “Manhatan”. Kế hoạch quy định, mọi quyền chỉ huy công tác nghiên cứu đều tập vào Cục quản lý công trình “Manhatan”. Tướng Gơlốp trấn tại trụ sở chính “Manhaton” ở Oasinhtơn, phòng thực nghiệm nguyên tử đặt tại bãi hoang bang Niu Mêxicô, do nhà khoa học nổi tiếng Rôbe Openham chủ trì. Hai người hàng ngày trao đổi qua điện thoại với nhau nhiều lần, để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công việc. Công việc này bảo mật cao độ, ngay cả Phó Tổng thống Truman lên làm Tổng thống khi Rudơven chết vào tháng: tư năm 1945 mới được biết.
Cũng vào lúc đó, nước Đức Quốc xã cũng ra sức tăng cường nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử – Tháng 6 năm 1942, Rudơven và Sớcsin gặp nhau, đã cân nhắc toàn diện tình hình tiến triển của công việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử giữa hai phía. Họ được biết qua tình báo, nước Đức sau khi chiếm đóng Na Uy, đã ra lệnh cho một nhà máy sản xuất nước nặng ở Na Uy mỗi năm cung cấp cho Đức năm tấn nước nặng. Nước nặng là nguyên liệu hoãn xung làm cho nơtơrôn trong lò phản ứng nguyên tử giảm được tốc độ. Có nước nặng là có thể kiểm soát được lò phản ứng, là có khả năng chế tạo được bom nguyên tử. Rudơven và Sớcsin thỏa thuận, để cho Đức không chế tạo được bom nguyên tử, phải phá huỷ nhà máy nước nặng của Na Uy, chặt đứt nguồn nước nặng của Đức.
Đêm ngày 19 tháng 11 năm 1942, một đợt xung kích gồm 34 người, lên hai tầu lượn trên sân bay Scôtlen, do hai máy bay ném bom của Anh kéo đi, lần lượt cất cánh. Chiếc máy bay ném bom thứ nhất đi sâu vào nội địa Na Uy 15 cây số, thấy có núi cao chắn đường, đành phải thả tầu lượn ra, nào ngờ cả máy bay mẹ và máy bay con đều liên tiếp bị rơi. Sáng sớm hôm sau, quân Đức đã tới hiện trường, bắt 14 người còn sống sót về ban tham mưu quân Đức xét hỏi xong thì bắn liền. Chiếc máy bay ném bom thứ hai không tìm được địa điểm hạ cánh cũng buộc phải bay trở về. Trên đường về vì dây cáp nối giữa máy bay mẹ và tầu lượn bị đứt, tầu lượn bị rơi. Những người sống sót bị Gestapo bắt. Đột kích lần thứ nhất thất bại.
Ngày 17 tháng 2 năm 1943, đội xung kích do Romnabe chỉ huy nhảy dù thành công tại Na Uy. Họ vượt qua cuồng phong bão tuyết, chịu đựng cái rét âm 250, tiến vào nhà máy nước nặng. Nhà máy nước nặng xây dựng trên một sườn núi dốc. Đêm khuya, đội viên xung kích dưới ánh trăng, bám vào những bụi cây nhỏ trên vách núi cheo leo, bò lên vách núi nguy hiểm cao 300 mét. Romnabe dẫn đội viên men theo một đường ống, nhanh chóng luồn vào nhà máy, khi họ bất ngờ xuất hiện tại phân xưởng nước lạnh, một nhân viên người Na Uy canh đêm thấy binh lính Anh vũ trang khắp người này, thì sợ quá nói không ra hơi, Romnabe ra lệnh cho anh ta đứng quay mặt vào tường, rồi lấy 20 khối thuốc nổ trong ba lô sau lưng ra áp nó vào sàn thùng chứa các bình nước nặng, nhanh chóng đốt cháy ngòi nổ “Oàng” một tiếng, những bình nước nặng nổ tung, nước nặng đổ ra tràn mặt đất Khi bọn Quốc xã phát hiện nhà máy nước nặng bị nổ, thì đội xung kích đi mất tăm rồi.
Đây là trận “chiến tranh nước nặng” nổi tiếng. Do thắng lợi lần phá nổ này, nhà máy nước nặng ít nhất là trong một năm không sản xuất được nước nặng. Nước Đức Quốc xã không còn nước nặng để xây dựng lò phản ứng nguyên tử nào nữa, thật là đau như cắt ruột.
Để tranh thủ chế tạo được bom nguyên tử trước nước Đức, nước Mỹ đã cử một nhóm hành động với cái tên “Alsut” tới chiến trường Châu Âu, chuyên môn đến các nước Châu Âu tìm kiếm nhà khoa học nước Đức và thu thập tình báo của việc nước Đức chế tạo bom nguyên tử. Nước Mỹ cho rằng, nếu có được một nhà khoa học Đức hàng đầu, thì còn quan trọng hơn bắt làm tù binh 10 sư đoàn quân Đức.
Tháng 6 năm 1944, quân đồng minh Mỹ, Anh, Pháp đổ bộ lên Nocmăngđi nước Pháp. Quân tiên phong quân đội Mỹ vừa mới xông vào Stơrasbua, nhóm hành động đã xông qua nguy hiểm, đã lục tìm đọc ở trường đại học – “chương trình U”, mà Đức cất giấu tại đây.
Mùa xuân năm 1944, nhóm hành động “Alsut” đột nhiên tìm thấy tại thị trấn nhỏ Heysinkan trong vùng quân Đức chiến đóng, có một cơ sở “chương trình U, của Đức. Tổng phụ trách “Manhatan” nước Mỹ báo cáo tình hình lên bộ lục quân Mỹ. Tham mưu trưởng lục quân Macsan và mấy tướng lính cao cấp trải một tấm bản đồ lớn lên sàn nhà, bò ra tìm mãi mới thấy thị trấn nhỏ chẳng có tiếng tăm gì này. Họ lập tức quyết định, cử một binh đoàn xung kích tấn công Heysinkan, sau khi phá cơ sở “kế hoạch U” này sạch trơn không còn tý dấu vết nào, lập tức rút về chỗ cũ. Hành động này đã giành được thắng lợi.
5 giờ 30 phút ngày 16 tháng năm 1945, quả bom nguyên tử mang tính chất thử nghiệm đầu tiên do Mỹ chế tạo, nổ thử thành công tại bang Niu Mêhicô. Chỉ thấy một làn chớp xé toang bầu trời cao tới 8000 mét, mặt đất rung lên. Cả miền tây nước Mỹ đều nghe thấy tiếng nổ, rất nhiều người kinh ngạc tưởng rằng mặt trời đã mọc sớm hơn mọi ngày.
Đợt một nước Mỹ chỉ chế tạo ba quả bom nguyên tử, quả thứ nhất cho nổ thử đặt tên là “anh gầy” quả thứ hai và quả thứ ba lần lượt đặt tên “anh béo”, “con trai”
Khi đó, Truman đang dự hội nghị Pôtsđam, được biết bom nguyên tử thử đã thành công, vô cùng sung sướng. Đối với Truman và nước Mỹ, bom nguyên tử không chỉ là vũ khí quân sự, để đối phó được với Nhật Bản, mà còn là một vũ khí ngoại giao, có thể kiềm chế Liên Xô. Thế là, trên đường trở về nước ngày 2 tháng 8, ông ta quyết định lập tức ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
BI KỊCH HIRÔSIMA
Sáng sớm ngày 6 tháng 8 năm 1945, bầu trời Hirôsima trong xanh, nhiệt độ nóng nực. Lúc 7 giờ 9 phút đột nhiên vang lên tiếng còi báo động nhưng mọi người đã quen với chuyện bình thường ấy, hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng ném hàng tấn bom xuống lãnh thổ Nhật Bản, nhưng Hirôsima chưa bị tàn phá nghiêm trọng. Còi báo động dứt, nhiều máy bay Mỹ bay vào bầu trời Hirôsima, lượn mấy vòng, rồi bay đi, không ném bom.
Đúng 8 giờ, ba máy bay B-29 của Mỹ bay vào bầu trời Hirôsima. Rất nhiều người dân còn ngước nhìn máy bay Mỹ, chưa chịu vào hầm. Trước ngày 6 tháng 8, máy bay B-29 đã liên tục nhiều ngày bay tập trên vùng trời Nhật Bản. Nhưng một trong số ba chiếc máy bay lần này đã mang theo một quả bom nguyên tử nặng 5 tấn, đang được lệnh ném xuống Hirôsima.
Về việc ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản đã từng có cuộc tranh luận trên đất nước Mỹ. Rất nhiều nhà khoa học tham gia vào kế hoạch Manhatan trước sau vẫn giữ thái độ không tán thành. Lên tiếng phản đối trước tiên là nhà vật lý học Xilat, người đã từng yêu cầu Anhxtanh gửi thư cho Rudơven. Ông nói điều mong mỏi của ông là nước Mỹ có bom nguyên tử trước nước Đức. Mục đích đó ngày nay đã đạt, Hitle không những không có bom nguyên tử mà còn sụp đổ. Còn lại nước Nhật, không thể có bom nguyên tử, vì vậy ông cho rằng nước Mỹ quyết không thể đơn phương dùng bom nguyên tử, bởi sức tàn phá của bom nguyên tử quá lớn. Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm bom nguyên tử nói: “Dù không dùng đến bom nguyên tử, cuộc chiến tranh chống Nhật rõ ràng cũng đã sắp kết thúc. Vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ là bom nguyên tử tượng trưng cho cái gì trong nền văn minh tương lai?” Có những nhà khoa học cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm lớn lao của mình đã có ý định từ chức.
Nhưng Tơruman và chính phủ Mỹ muốn Nhật đầu hàng nhanh nhất, cũng muốn lấy việc đó để khống chế Liên Xô. Vì vậy Tơruman đã quyết định chọn một mục tiêu trong 4 thành phố Hirôsima, Nagadaki. – để ném bom nguyên tử. Trước đó Mỹ, Anh và Trung Quốc đã ra Thông cáo Pôtxđam, thôi thúc Nhật Bản đầu hàng; từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8, máy bay của Đồng Minh bay trên bầu trời các thành phố Nhật Bản đã rải 1.500.000 truyền đơn và 3 triệu tờ Thông cáo Pôtxđam. Những tờ truyền đơn đó đã cảnh cáo các thành phố rằng sẽ phải chịu đựng những cuộc không kích rất mãnh liệt. Nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn không tỏ bất kỳ một dấu hiệu nào muốn tiếp nhận Thông cáo Pôtxđam. Thế là chính phủ Mỹ, theo kế hoạch đã định trước quyết sử dụng bom nguyên tử đối với Nhật Bản.
Lúc 9 giờ 14 phút 7 giây, máy ngắm trên chiếc máy bay Mỹ mang quả bom nguyên tử đã nhằm trúng giữa chiếc cầu trên đảo Hirôsima và mở thiết bị tự động. 60 giây sau quả bom nguyên tử đã rời khoang chứa rơi xuống, lúc này chiếc máy bay đã vòng lại 155 độ, bổ nhào xuống; chỉ trong khoảnh khắc, độ cao của máy bay đã hạ thấp hơn 300 mét, nhằm tạo khoảng cách xa nhất nơi bom nổ. 45 giây sau quả bom nguyên tử đã nổ khi còn cách mặt đất 600 mét, lập tức lóe lên một ánh sáng trắng mãnh liệt làm hoa mắt mọi người, bầu trời trung tâm thành phố Hirôsima vang lên một tiếng nổ đinh tai lộng óc. Trong nháy mắt, thành phố đột nhiên cuộn lên một cột nấm khổng lồ, tiếp đó dựng lên hàng trăm cột lửa, toàn thành phố Hirôsima lập tức chìm trong biển lửa và sức nóng ghê gớm.
Ánh sáng cực mạnh khi quả bom nguyên tử nổ đã làm cho hàng vạn người mờ mắt, sức nóng 1 nghìn triệu độ đã biến tất cả thành tro bụi; những cơn mưa phóng xạ đã làm cho một số người chết dần trong vòng 20 năm sau đó; những trận cuồng phong do sức nổ gây ra đã làm sập và tiêu huỷ toàn bộ các công trình kiến trúc. Người và vật ở sát điểm nổ bị tan nát như sự phân ly của nguyên tử. Nơi xa hơn trung tâm chút ít có thể nhìn thấy những thi hài của đàn ông, đàn bà và trẻ con bị thiêu cháy chỉ trong chốc lát; xa hơn chút nữa, tuy có một số người may mắn sống sót nhưng đều bị bỏng nặng, hai con mắt bị thiêu cháy chỉ còn lại hai cái hốc. Cách trung tâm 16 km mọi người còn cảm thấy những luồng gió nóng khó chịu.
Ngày ấy dân số Hirôsima có hơn 34 vạn người, đại đa số người ở gần trung tâm bom nổ đều thiệt mạng, số người chết tới hơn 8 vạn 8 nghìn người, bị thương và mất tích hơn 5 vạn 1 nghìn người; toàn thành phố 7 vạn 6 nnhìn ngôi nhà thì 4 vạn 8000 ngôi nhà bị sập, 2 vạn 2 nghìn nhà bị phá hoại nghiêm trọng.
Ngày 7 tháng 8 Nhật Bản nghe được từ đài phát thanh của Mỹ, Tổng thống Tơruman tuyên bố. Ngày 26 tháng 7 Pôtxđam đã phát đi thông điệp cuối cùng nhằm cứu nhân dân Nhật Bản tránh được sự hủy diệt hoàn toàn nhưng các lãnh tụ của họ đã nhanh chóng cự tuyệt thông điệp cuối cùng ấy. Nếu đến nay họ vẫn không tiếp nhận những điều kiện của chúng tôi thì sự hủy diệt họ sẽ từ trên không giáng xuống. . . Sau khi nghe đài Mỹ, bộ Tư lệnh hải, lục, không quân của Nhật mới nhận được báo cáo của Bộ tổng tư lệnh quân đoàn 2 đặt trụ sở tại Hirôsima: “Kẻ thù đã dùng một loại bom có sức phá hoại chưa từng thấy từ xưa tới nay”. Nhưng loại bom có tính năng cao ấy có phải là bom nguyên tử hay không thì có người vẫn còn hoài nghi. Bộ tổng tham mưu quân đội Nhật đã tổ chức một ủy ban điều tra gồm những người tài giỏi về năng lượng nguyên tử đến Hirôsima, rốt cục mới xác định rằng loại bom mới đó chính là bom nguyên tử, lập tức họ báo cáo lên Thiên hoàng Nhật Bản.
Nhưng, bi kịch Hirôsima không ép được Nhật Bản tiếp nhận ngay thông điệp Pôtxđam là đầu hàng vô điều kiện. Họ ra sức bưng bít sự thật Hirôsima, họ hy vọng vào cuộc điều đình với Liên Xô. Nhưng ngày 8 tháng 8, Nhật Bản nhận được câu trả lời từ phía các nhà lãnh đạo Liên Xô rằng: Nhật Bản vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh, từ chối tiếp thu Thông cáo Pôtxđam, vì vậy đề nghị của chính phủ Nhật Bản xin điều đình với Liên Xô đã mất hết mọi căn cứ. Chính phủ Liên Xô, tuân theo những nghĩa vụ đối với Liên hiệp quốc, nhận lời yêu cầu của Liên hiệp quốc, tuyên bố tuyên chiến với Nhật từ ngày 9 tháng 8. 11 giờ 30 phút sáng đúng vào ngày Liên Xô xuất quân, Mỹ lại ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagadaki Nhật Bản, 27 vạn dân toàn thành phố Nagadaki ngày hôm đó đã chết hơn 6 vạn người, lại trở thành một bi kịch sau Hirôsima.
NHẬT BẢN ĐẦU HÀNG
“Chúng tôi nghiêm chỉnh thông báo cho chính phủ Nhật Bản: cần tuyên bố ngay lập tức tất cả lực lượng vũ trang phải đầu hàng vô điều kiện, cần có sự bảo đảm chắc chắn cho hành động đó. Không còn con đường nào khác, nếu không Nhật Bản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn một cách nhanh chóng! . . .”
Đó là nội dung chủ yếu của Thông cáo Pôtxđam ký giữa ba nước Trung Quốc, Mỹ, Anh ngày 26 tháng 7 năm 1945. Thông cáo đã thôi thúc Nhật Bản phải đầu hàng ngay, vô điều kiện, nếu không sẽ bị tiêu diệt sạch.
Ngày 8 tháng 8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Lúc 0 giờ ngày 9, một triệu Hồng quân Liên Xô với thế tiến công như vũ bão, đã đồng loạt tổng tiến công vào đội quân Quan Đông của Nhật có tới 70 vạn tên đang đóng trên đất Đông Bắc Trụng Quốc.
Một ngày sau khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật, chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông ra bản tuyên bố. “Trận đánh cuối cùng đối với giặc Nhật”. Tân tứ quân và Bát lộ quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, từ Nam chí Bắc, giăng thiên la địa võng nhất tề mở cuộc phản công lớn như triều dâng thác đổ vào quân Nhật và quân ngụy.
Cùng một lúc, quân dân của rất nhiều nước như Triều Tiên, Việt Nam, Mianma, Philippin, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia đồng thời mở cuộc phản công lớn cuối cùng.
Nhân dân các nước bao vây quân Nhật, đánh cho bọn xâm lược sứt đầu mẻ trán. Ngày 9 tháng 8, trong căn hầm trú ẩn tại hoàng cung Nhật Bản đã nổ ra một cuộc tranh luận quyết liệt giữa các nhân vật quan trọng trong quân đội và Chính quyền xoay quanh vấn đề có nên tiếp nhận Thông cáo Pôtxđam hay không.
– Từ tình hình trong nước và ngoài nước hiện nay, với điều kiện phải bảo vệ quốc thể và giữ cho được chế Độ Thiên hoàng, chỉ còn cách đầu hàng vô điều kiện…
Ngoại trưởng Tugu Sigiênôri đã ngán ngẩm nói như vậy, hai tay ông chới với và ngã vật xuống đi-văng.
Tổng tư lệnh hải quân Tôyata nói:
– Nếu đầu hàng, thì ngoài vấn đề bảo vệ quốc thể còn phải kèm theo 3 điều kiện: một là Nhật Bản tự giải quyết tội phạm chiến tranh; hai là được giải giáp vũ trang một cách tự chủ; ba là quân Đồng minh không được chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản. . .
Tư lệnh lục quân Anami Kôrêsika đập bàn, đứng dậy nói:
– Tuy chưa thể xác định được thắng lợi trong cuộc quyết chiến trên lãnh thổ nước ta, nhưng vẫn còn đánh được, nếu đánh tốt có thể đánh lui quân địch đổ bộ lên đất nước ta. Vì vậy tôi kiên quyết phản đối đầu hàng vô điều kiện.
Cuộc họp không có kết quả. Chiều hôm đó Thủ tướng Suzuki triệu tập họp Nội các. Sau khi Thủ tướng Suzuki phát biểu, ngoại trưởng Tugu báo cáo về việc Liên Xô tham chiến và tình hình mọi mặt sau vụ bom nguyên tử nổ. Thủ tướng Suzuki thăm dò các vị đại thần có nên tiếp thu “Thông cáo Pôtxđam” hay không, kết quả 6 người đồng ý, 3 người phản đối, 5 người không tỏ rõ thái độ, cuộc họp nội các có “nghị” mà không “quyết” được. Suzuki không còn cách nào khác, đã nói:
– Nội các đã không quyết định được, chỉ còn cách tâu với Thiên hoàng…
11 giờ đêm hôm đó, trong hầm ngầm trú ẩn của hoàng cung đã diễn ra cuộc họp trước Nhật hoàng Suzuki trước hết mời ông bí thư đọc to “Thông cáo Pôtxđam”, sau đó tuyên đọc Bản đề án của ông đã viết sẵn:
“Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận mọi điều khoản nêu trong Thông cáo chung Pôtxđam do chính phủ Mỹ, Anh, Trung Quốc và sau đó cả Liên Xô cùng ký tên, nhưng cần được hiểu rằng Thông cáo trên không bao hàm bất cứ một yêu cầu gì tổn hại cho đặc quyền của nhà vua với tư cách là người thống trị cao nhất”.
Tiếp đó Tugu nói rõ nguyên do của đề án. Ông nói:
– Đối với nước Nhật, tiếp thu “Thông cáo Pôtxđam” tuy không còn thể diện gì, nhưng trong điều kiện hiện nay, không thể không tiếp thu. Hơn nữa bom nguyên tử đã xuất hiện, Liên Xô lại tuyên chiến với Nhật, thời cuộc đang biến đổi quá nhanh, đối phương càng tăng cường sức ép. Ngừng một lát, ông nói tiếp:
– Giờ phút này chỉ có thể nêu ra một điều, đó là giữ cho được chế độ Thiên hoàng. Chỉ cần Thiên hoàng còn thì ngày phục hưng của dân tộc Nhật còn.
Nhưng tư lệnh lục quân Anami và hai vị tổng trưởng Umêzu và Toyata vẫn một mực phản đối.
Trong cuộc họp, Thiên hoàng Hirôhitô lặng lẽ hồi lâu không nói. Ông nghe các vị đại thần tranh luận, rồi lẩm bẩm:
– Mấy ngày nay ta luôn nghe thấy những lời tự tin giành chiến thắng. Nhưng kế hoạch và thực tế thật xa nhau – Tình hình trước mắt đã vậy nếu phải đối phó với quân Đồng minh, xem ra không có hy vọng giành được thắng lợi… nói rồi ông khoát tay, lúc này đành phải quyết định như thế. . .
Ngày 10 tháng 8, chính phủ Mỹ đã nghe được tin trên đài phát thanh: Nhật Bản tiếp thu “Thông cáo Pôtxđam”. Lập tức Mỹ đã hỏi ý kiến các nước Anh, Liên Xô, Trung Quốc và đã ra một văn kiện trả lời: “Kể từ khi đầu hàng, Thiên hoàng Nhật Bản cần phải tuân theo mệnh lệnh của Tư lệnh tối cao của Mỹ, .. . còn hình thức cuối cùng của chính phủ Nhật Bản, sẽ do ý nguyện của nhân dân Nhật quyết định”.
Chiều ngày 12 tháng 8, máy bay Mỹ rải trên bầu trời Tôkiô một số lượng lớn truyền đơn bằng tiếng Nhật, ghi rõ bức điện của chính phủ Nhật tiếp thu “Thông cáo Pôtxđam” và văn kiện trả lời của các nước Đồng minh – Lúc này tin chính phủ Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện cũng đã lan truyền trong nhân dân Nhật.
Ngày 14 tháng 8, Nhật Bản lại triệu tập một cuộc họp trước mặt Nhật hoàng. Trong cuộc họp hai vị Tổng trưởng hải lục quân và Tổng tư lệnh lục quân Anami khóc lóc thảm thiết. Các vị đó lấy lý do rằng những từ ngữ bảo vệ Thiên hoàng trong văn thư trả lời của các nước Đồng minh không rõ ràng nên khẩn thiết xin Thiên hoàng cho phép gửi tiếp công hàm, nếu các nước Đông minh không cho phép giữ lại chế độ Thiên hoàng thì chỉ còn cách tiếp tục chiến tranh để tìm cái sống trong cái chết. Lúc này cả phòng họp lắng xuống, im lặng: Thiên hoàng Hirôhitô nói:
– Quyết tâm khác thường của ta không thay đổi nữa. . .
Khắp phòng họp bỗng vang lên tiếng khóc nức nở. Thiên hoàng lập tức ra lệnh khởi thảo Chiếu thư Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện đồng thời thu thanh Chiếu thư đó. Đến khuya, một nhóm những phần tử cứng rắn trong phái chủ chiến bất ngờ đột nhập vào Hoàng cung với mưu đồ đánh cắp băng đã thu thanh chiếu thư của Nhật hoàng nhằm ngăn chặn việc phát thanh ra toàn quốc. Nhưng những kẻ liều mạng đó đã bị đàn áp ngay tại trận. Lời thu thanh bức Chiếu thư đã được phát thanh ra toàn quốc. Những người cầm đầu cứng rắn như tướng lục quân Anami biết âm mưu đã bại lộ, liền mổ bụng tự sát tại tư dinh của ông.
Ngày 28 tháng 8 không quân Mỹ hạ cánh xuống Tôkiô. Tiếp đó một lực lượng lớn quân đội Anh Mỹ đổ bộ lên đất Nhật, chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản.
Lúc 9 giờ sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên chiến hạm của Mỹ mang tên Mitxuri đậu ở vịnh Tôkiô long trọng diễn ra lễ ký đầu hàng. Trước hết tân ngoại trưởng Nhật Sigiêmitsu Namôru và tổng tham mưu trưởng Nhật Umêlu Yôsigiru ký vào văn bản đầu hàng, sau đó đại diện . Đồng minh ký tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật: thượng tướng Mac Actơ, đại diện các nước Đồng minh, thống soái tối cao quân Đồng Minh, thượng tướng hải quân Nimix, đại diện nước Mỹ, tướng Từ Vĩnh Xương đại diện cho Trung Quốc, thượng tướng hải quân Phunxai đại diện cho nước Anh, trung tướng Tơrêviacốp đại diện cho Liên Xô cùng đại diện các nước Áo, Canađa, Pháp, Hà Lan, Niuzilân lần Lượt ký.
Từ đó cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai đã kết thúc với thắng lợi vĩ đại của nhân dân toàn thế giới. Đế quốc Nhật với cuộc chiến tranh xâm lược 15 năm kế từ 18 tháng 9 năm 1931, đã cáo chung với sự thất bại hoàn toàn.
SỰ PHÁN XỬ CỦA CHÍNH NGHĨA
Trưa ngày 15 tháng 8 năm 1945, tên trùm tội ác chiến tranh Tôjô Hiđêki tại nhà riêng nghe đài phát thanh lời nói của Thiên hoàng Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Trong tiếng khóc đau đớn của gia nhân và những người cận vệ, nước mắt ông cũng chảy ròng ròng, khóc không thành tiếng. Ông gọi mọi người trong gia đình lại, thổn thức nói:
– Là một đại thần tổng tư lệnh đã mở đầu chiến tranh, ta có thể chịu đựng được sự vùi dập của sóng gió, khổng thể tưởng tượng được “Thông cáo Pôtxđam” đã nói rõ sẽ trừng phạt người chịu trách nhiệm gây ra chiến tranh, việc này ta xin cam chịu, nhưng thề rằng không muốn liên lụy đen các người…
Tiếp đó ông sắp xếp công việc về sau: trước hết phải sơ tán những người thân trong gia đình, rồi đốt hết các văn bản và sổ sách ghi chép. Những cuốn sổ ghi chép của ông đốt trong 3 ngày mới hết.
Tôjô Hiđêki là tội phạm quan trọng nhất của Nhật Bản. Chính ông ta, sau sự biến “18 tháng 9”, đã chỉ huy đội quân Quan Đông của Nhật ồ ạt xâm lược Trung Quốc; cũng chính ông ta, tháng 1 năm 1941 đã điên cuồng phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Từ tháng 10 năm 1941 ông ta nhận chức Thủ tướng Nhật Bản kiêm Tổng tư lệnh lục quân; tháng 7 năm 1944 khi nước Nhật đứng trước nguy cơ thất bại ông mới bị lật đổ. Nhưng tội ác gây chiến tranh xâm lược của ông thì không thể nào trốn thoát được.
Vào khoảng ngày 20 tháng 8, Tôjô Hiđêki nhận được văn thư và truyền đơn đến từ khắp mọi nơi.
Thư của những phần tử phát xít cực hữu thúc giục ông: “Chiến tranh hiện đã thất bại. Ông cần phải chết ngay lập tức để báo đáp Thiên hoàng!”.
Thư của những kẻ thù chính trị của ông dọa nạt ông: “Ông không chết sớm, chúng tôi sẽ giết ông!”.
Thư của những người mất con, mất chồng, mất vợ trong chiến tranh oán trách ông “Vì ông mà con tôi chết trong chiến tranh, còn 3 đứa con của ông thì không đứa nào tử trận!” “Ông phải tự mổ bụng để tạ tội với quốc dân!” “Hãy nhanh chóng tự sát đi!”. Tôjô Hiđêki đọc biết bao nhiêu bức thư thúc giục ông phải chết, ông nghĩ đến Tư lệnh lục quân Nhật Bản Anami Kôrêsika đã tự sát, rồi bộ trưởng Bộ hành chính và hơn chục sĩ quan cấp tướng lần lượt tự sát, lại nghe nói Bộ tổng tư lệnh quân đội Đồng minh sẽ bắt hàng chục tội phạm chiến tranh, trong đó tên của ông đứng hàng đầu. Ông biết rằng ngày tận số của ông sắp đến. Ông thầm nghĩ: nên chờ sự xử lý sau khi phán xử, hay nên tự sát trước thời điểm ấy. Nghĩ đến đấy trước mắt ông bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh Mutxôlini bị treo cổ trên đường phố, lòng ông không nén được nỗi sợ hãi. Nghĩ đi nghĩ lại, ông quyết định tự sát và ông đã viết Di chúc, rồi mời bác sĩ đến, lấy mực đánh dấu lên ngực, đúng vị trí của trái tim.
Tin Tôjô Hiđêki chuẩn bị tự sát lan truyền đến Bộ lục quân tư lệnh lục quân vội vàng đến khuyên ông không nên tự sát. Tư lệnh nói:
– Tòa án quân sự sẽ truy cứu trách nhiệm chiến tranh. Chẳng may trong phiên tòa có chuyện gì liên quan đến Thiên hoàng thì ông chết rồi lấy gì mà giải thích?
– Tôi hiểu, tôi sẽ suy nghĩ thêm.
Chưa kịp nghĩ kỹ thì Tôjô Hiđêki đã phát hiện ra rằng lính Mỹ đang đi tuần quanh nhà mình. Ông vội giục vợ tạm lánh đến nhà người thân, chỉ giữ lại bên mình một người lính cận vệ. Một lát sau, hai chiếc xe “Gíp” đến cổng nhà ông, một sĩ quan Mỹ xuống xe và gõ cửa.
Tôjô Hiđêki thò đầu ra cửa sổ phòng khách hỏi: “Có tờ lệnh bắt không?”.
Một lính Mỹ giơ tờ lệnh bắt lên.
Tôjô nói:
– Được, ta sẽ mở cửa!
Nói rồi ông đóng cửa sổ lại, rút súng lục ra, ông ngồi vào đi-văng, nhằm súng vào ngực mình nơi đã đánh dấu và bóp cò.
Lính Mỹ ngoài cửa nghe tiếng súng, nghĩ rằng ông nổ súng chống lại việc bắt ông, bèn đồng loạt xả đạn vào nhà. Nhưng trong nhà không một chút động tĩnh. Lính Mỹ phá cửa xông vào, chỉ thấy ông nằm vật trên đi-văng tay vẫn cầm khẩu súng lục, sắc mặt tái nhợt vết thương trên ngực trào máu.
Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đồng minh được tin lập tức ra lệnh cấp cứu ông. Bởi vì Tôjô Hiđêki là đối tượng chính của tòa án quân sự, không thể để ông chết. Do viên đạn chỉ sượt qua tim, không xuyên vào chỗ hiểm, nên đã nhanh chóng cứu sống ông.
Sau nửa năm điều tra tội ác chiến tranh của Tôjô Hiđêki và những người khác, ngày 3 tháng 5 năm 1946 tòa án quân sự quốc tế tại Viễn Đông gồm đại diện 11 nước Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Anh v.v. . . đã chính thức mở tòa để xét xử. Tòa án được đặt tại một tòa nhà của lục quân trước đây là sào huyệt của bọn quân phiệt Nhật. Lúc mở phiên tòa, các nhà báo của 50 nước được đến nghe và dự tại một căn phòng bên cạnh. Đúng 11 giờ, 28 tội phạm chiến tranh loại A như Tôjô Hiđêki, Kimura Hâytaru, Đôihara Kenji, Matxuy Ivane, Takifuji Akira bị giải ra tòa.
Trong quá trình thẩm vấn gần 2 năm, Tôjô Hiđêki trước sau vẫn không nhận tội. Ông còn nói láo rằng “sự biến “18 tháng 9” và “sự biến 7 tháng 7” là do “những hành động không chính đáng của Trung Quốc gây nên”. Khi xét hỏi về vụ thảm sát Nam Kinh những người làm chứng đã đưa ra rất nhiều sự thật để vạch trần và tố cáo những tội ác nghiêm trọng giết người, đốt nhà, hãm hiếp cướp bóc của bọn xâm lược Nhật ở Năm Kinh, người nghe ai cũng dựng tóc gáy, nhưng Tôjô ngước mắt nhìn trần nhà, giả vờ như không hề có việc gì, không hề xúc động. Khi quan tòa tuyên án tử hình y, ông ta cố trấn tĩnh, khẽ gật đầu nói: “Tử hình ư? Vâng, tôi rõ rồi, tôi rõ rồi!” Trong bản di chúc ông ta viết trước khi chết có đoạn: “Nghĩ đến cảnh tượng lúc mới nổ ra chiến tranh khiến mọi người đau buồn và xót xa! án tử hình này đối với cá nhân tôi là một niềm an ủi, nhưng là một tội phạm có tính chất quốc tế, tôi vẫn cho rằng tôi vô tội, chẳng qua chỉ là sự khuất phục trước sức mạnh”. Đúng là chết không nhận tội, chết thật đáng tội!
Ngày 4 tháng 11 năm 1948, tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông mở phiên tòa lần thứ hai để xét xử 28 tên tội phạm chiến tranh đầu sỏ Nhật Bản. Trong số đó 7 người bị kết án treo cổ: Tujiô Hiđêki, Dôihara Kenji, Hirôta Kuki, Itagaki Xâysiru, Kimura Hâytaru, Matxu-i Ivane và Taphêkuji Akira. Vào lúc 0 giờ ngày 23 tháng 12, Tujiô Hiđêki cùng với 6 tên tội phạm chiến tranh đã lên giá treo cổ, kết liễu cuộc đời tội ác của mình.
Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai đã kết thúc thắng lợi. Nhân loại đã phán xử đúng đắn đối với bọn tội phạm đầu sỏ phát xít. Nhưng cuộc chiến tranh đã phải trả giá quá đắt. Theo thống kê chưa đầy đủ, chiến tranh đã làm cho 50 triệu người chết, gấp 4 lần số người chết trong đại chiến thế giới lần thứ nhất. Liên Xô tổn thất 20 triệu người, Trung Quốc khoảng 18 triệu người, tổn thất về vật tư trong chiến tranh càng lớn. Theo thống kê, tổng số chi phí chiến tranh trực tiếp của tất cả các nước tham chiến lên tới 1154 tỉ đô ra Mỹ. Điều đó nói rõ rằng cuộc chiến tranh này đã đem lại biết bao tai họa cho nền văn minh thế giới, chủ nghĩa đế quốc phát xít đã phạm những tội ác tầy trời đối với nhân dân thế giới và nhân dân ta.
Nhưng, máu của nhân dân không uổng phí. Chiến tranh đã giáo dục và thức tỉnh nhân dân các nước, khơi ngòi cho cách mạng. Nếu nói rằng trong đại chiến thế giới lần thứ nhất đã nổ ra cách mạng tháng Mười Nga, mở ra một con đường rộng lớn, khả thi và hiện thực cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, thì thắng lợi của Đại chiến thế giới lần thứ hai chống bọn phát xít đã mở ra một con đường rộng lớn hơn, khả thi hơn, hiện thực hơn cho giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.