VÓ NGỰA HUNG NÔ DẪM ĐẠP CHÂU ÂU
Hồi thế kỷ III, một bộ phận người Giécman thành lập hai quốc gia ở đông nam châu Âu, một gọi là Đông Gốt (vùng Ucraina ngày nay) và một gọi là Tây Gốt (vùng Rumani ngày nay).
Năm 374, đột nhiên có một đạo kỵ binh lớn mạnh xâm nhập biên giới Đông Gốt. Đám quân này người thấp bé vạm vỡ, mặt tròn mũi tẹt, râu tóc thưa thớt, dũng mãnh thiện chiến. Nhìn bề ngoài khác hẳn với người Châu Âu cao to, mặt dài mũi lõ, râu tóc rậm rạp. Về mặt chiến thuật, xa thì họ dùng tên bắn, gần thì họ dùng kiếm chém, người uyển chuyển trên mình ngựa, hoặc phân hoặc hợp, lúc tập trung lúc phân tán, “lai vô ảnh, khứ vô hình”, kiểu đánh này cũng khác hẳn với lối đánh của người Châu Âu xa thì phóng trường mâu, gần thì đâm bằng đoản kiếm, dùng xe ngựa và bộ binh dàn trận.
Tóm lại, đạo ky binh lớn mạnh này theo sự mô tả của một sử gia Rôma thời bấy giờ thì “họ là một giống người mà chúng ta ở đây chưa ai biết, họ đột nhiên xuất hiện giống như những thiên binh từ trên trời giáng xuống, lại giống như một trận lốc vì những nơi họ qua không còn một ngọn cỏ”.
Quốc vương Đông Gốt đã luống tuổi chẳng biết đạo quân này từ đâu kéo tới, vội vã tổ chức quân đội chống lại. Nhưng người Gốt quen lối đánh dùng bộ binh dàn trận là chính làm sao có thể chống lại lối tiến công như vũ bão lại linh hoạt của kỵ binh! Kết quả là, quân Đông Gốt đã bị thất bại thảm hại, Quốc vương tuyệt vọng tự sát. Không lâu, Đông Gốt xin đầu hàng.
Đạo kỵ binh lớn mạnh này là người nào vậy?
Họ tự xưng là “người Hung”
Người Hung không có chữ viết nên không thể chứng minh lai lịch của mình bằng văn bản. Nhưng thủ lĩnh của họ thì lại tự hào nói rằng quốc gia của người Hung đã có hàng nghìn năm lịch sử, rằng họ có rất nhiều “Thuyền Vua” (Vua) lãnh đạo họ nam chinh bắc chiến”. Kỳ thực, đối chiếu với những điều ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, người Hung chính là người Hung nô.
Cuối thế kỷ I sau Công nguyên, tức là vào thời Đông Hán Trung Quốc, Hung nô bị người Tiên Ti đánh bại. Người Nam Hung nô rời xuống Trường Thành, sống chung với người Hán; người Bắc hung nô chẳng quản xa xôi vạn dặm, theo đường Trung Á vượt qua dãy núi Uran tới được Châu Âu. Trận đầu tiên trên đường tiến quân sang phía Tây Châu Âu, người Hung nô đã tiêu diệt Đông Gốt.
Sau khi Đông Gốt bị diệt vong, người Tây Gốt chẳng khác gì chim sợ cành cong, kéo nhau chạy trốn. Năm 376, họ cử đại diện tới xin đế quốc Tây Rôma thu nhận họ, Hoàng đế Tây Rôma chấp nhận lời thỉnh cầu của họ. Từ đó, người Tây Gốt lũ lượt kéo vào lãnh thổ của đế quốc Rôma và nhường lại cho họ vùng sông Đunai.
Người Hung nô sau khi chiếm được lưu vực sông Đunai, đem quân đánh xuống phía nam, tiến vào đế quốc Đông Rôma tới tận chân thành Cônstantinôpôlit. Đôi bên đàm phán, Đông Rôma chấp nhận hàng năm tiến cống cho Hung nô 2100 bảng vàng và cắt nhượng cho họ phần lớn bán đảo Bancăng.
Năm 444, đế quốc Hung nô chính thức thành lập. Biên giới của nó nằm vắt ngang hai Châu Âu Á, đông từ biển Aran, tây tới sông Ranh, nam đến Bancăng, bắc giáp biển Ban tích. Quốc vương và tù trưởng bộ lạc của nhiều nước Châu Âu đều nộp cống xưng thần với đế quốc Hung nô.
Năm 450, đại đế Attila của Hung nô đem quân tiến công đế quốc Tây Rôma. Ông ta đưa ra yêu cầu “hòa hôn” với Tây Rôma, muốn lấy em gái của Hoàng đế Tây Rôma làm vợ, nhằm mục đích được chia đôi lãnh thổ của đế quốc Tây Rôma. Năm 451, sau khi bị cự tuyệt, Đại đế Attila bèn cất quân tấn công Tây Âu tới Ooclêăng nằm ở phía nam Pari. Quốc vương Tây Gốt cũng bị giết chết. Người Tây Gốt thề chết báo thù cho Quốc vương, đã dũng cảm chiến đấu, cuối cùng đã làm thất bại mưu đồ tây tiến của người Hung nô.
Năm 452, người Hung nô vượt qua dãy núi Anpơ, tiến quân vào Italia, thành cổ Rôma nguy cấp đến nơi, Giáo hoàng Rôma phải thân chinh đi cầu kiến, khuyên đại đế Hung nô lui binh. Năm sau, Attila qua đời, đế quốc Hung nô cũng tan rã theo, người Hung nô cũng định cư ở vùng trung du sông Đunai (nay là vùng Hunggari).
Vó ngựa của kỵ binh Hung nô tung hoành dọc ngang Châu Âu tính ra tới 80 năm.
Trong những năm đó, do bị kỵ binh Hung nô đuổi đánh, người Tây Gốt buộc phải vượt qua sông Đunai vào đất Italia, cuối cùng sau khi đã tiêu diệt đế quốc Tây Rôma, lại vượt qua xứ Gôlơ (miền nam nước Pháp ngày nay) sang đất Tây Ban Nha và lập nên vương quốc Tây Gốt. Còn người Văngđan vốn cư trú ở Tây Ban Nha buộc phải vượt qua Địa Trung Hải, đến Bắc Phi thành lập quốc gia của mình vương quốc Văngđan. Trong khi đó, người Phrăng sống ở hạ du sông Ranh bành trướng xuống phía nam đến vùng Gôlơ, đã thành lập vương quốc Phrăng. Còn người Đông Gốt vốn cư trú ở đông Châu Âu lại tiến vào bán đảo Italia và đảo Xixin, đã thành lập vương quốc Đông Gốt. Do đó, 80 năm đó là 80 năm của những cuộc di chuyển lớn, hòa hợp lớn giữa các dân tộc Châu Âu, cũng là 80 năm biến động lớn về cục diện chính trị của Châu Âu.
Trong những năm biến động lớn đó, đế quốc Tây Rôma bề ngoài có vẻ mạnh mẽ bên trong thì rỗng tuếch rút cục đã bị diệt vong, chế độ nô lệ xấu xa thối nát đã bị lật đổ hoàn toàn. Từ đây, lịch sử Châu Âu đã mở sang trang mới.
Clôvít 16 tuổi đã làm thủ lĩnh bộ lạc Sali. Điều này một phần do Clôvít sức khỏe hơn người, lại dũng cảm mưu trí, mặt khác cũng vì ông nội Clôvít là một tù trưởng tài ba, cha đẻ Clôvít là thủ lĩnh của liên minh bộ lạc. Người trong bộ lạc đều tin tưởng rằng, Clôvít sẽ giống cha và ông, đem lại vận may cho họ, làm cho bộ lạc trở nên hùng mạnh, cho nên đã vui vẻ tiến cử Clôvít làm thủ lĩnh.
Bộ lạc Sali thuộc giống người Phrăng – một chi của người Giécman, họ vốn sinh sống rải rác ở hạ du sông Ranh. Trong số họ, những người sống ở khu vực duyên hải cửa sông gọi là người Phrăng vùng biển; những người sống ở bình nguyên phía nam gọi là người Phrăng vùng sông. Hồi thế kỷ thứ III, đế quốc Rôma đứng trước nguy cơ tan rã, người Phrăng thừa cơ vượt qua sông Ranh, xâm nhập xứ Gôlơ nằm dưới quyền cai trị của Rôma, sau đó định cư ở vùng đông bắc xứ này. Bộ lạc Sali thuộc giống vùng biển, cũng theo bộ tộc định cư ở Gôlơ.
Đúng là sinh ra gặp vận, năm Clôvít 11 tuổi, đế quốc Tây Rôma bị diệt vong. Tuy thế tàn dư quân đội của nó vẫn còn không ít ở Gôlơ. Năm 486, thủ lĩnh 21 tuổi Clôvít liên kết với các bộ lạc Phrăng khác, từ miền bắc xứ Gôlơ tiến công vào nội địa, đánh bại tàn quân Rôma ở Soátsông phía đông bắc Pari, cướp được một vùng đất đai rộng lớn nằm giữa sông Sen và sông Loa.
Trong trận Soátsông, bộ hạ của Clôvít đã cướp phá một nhà thờ Kitô giáo. Chiến tranh kết thúc, giáo chủ của nhà thờ cho người đến gặp Clôvít:
– Thưa thủ lĩnh tôn kính, bộ hạ của ngài đã lấy đi rất nhiều thứ của nhà thờ chúng tôi. Giáo chủ chúng tôi muốn tôi đến thưa với ngài rằng, người rất hiểu về những hành vi của bộ hạ ngài, nhưng xin ngài có thể dùng quyền uy của ngài trả lại cho chúng tôi một vật. Đó là chiếc lọ độc bình.
– Chiếc lọ độc bình? – Clôvít tỏ ra không hiểu – Vật đó phỏng có ích gì? Sao giáo chủ lại thích nó đến thế?
– Chiếc lọ đó là vật thiêng liêng của đạo Kitô chúng tôi. Giáo chủ rất đau lòng để mất vật đó.
– Nhờ ông nói lại với giáo chủ, tất cả chiến lợi phẩm đều tập trung ở Soátsông. Nếu ta rút thăm được vật đó, ta nhất định sẽ làm thỏa mãn ý nguyện của giáo chủ.
Thì ra lúc bấy giờ người Phrăng vẫn còn ở giai đoạn dân chủ quân sự khi công xã nguyên thủy giải thể. Theo qui định truyền thống, toàn bộ của cải thu được trong chiến tranh sẽ được phân chia cho những người tham chiến theo cách bốc thăm. Thủ lĩnh hay chiến binh đều chờ được hưởng theo thăm bốc được, Clôvít tuy là thủ lĩnh cũng phải tuân theo qui định đó.
Tới ngày phân chia chiến lợi phẩm, Clôvít tập hợp tất cả những người trong bộ lạc lại. Trước khi bốc thăm, Clôvít chỉ vào chiếc lọ độc bình nói với mọi người:
– Các dũng sĩ thân mến, ta xin các người đồng ý với ta một việc, ngoài các thứ ta bốc được, không nên từ chối nhường cho ta chiếc lọ độc bình này.
Đám người xôn xao, dường như mọi người đều cảm thấy rất lạ trước câu nói của thủ lĩnh. Trật tự lại trở lại. Có người lên tiếng:
– Tất cả mọi thứ ở đây đều là của thủ lĩnh. Chúng tôi phục tùng quyền lực của người, dù trên chiến trường hay là ở đây. Chỉ cần người cho là đúng, người cứ thế mà làm.
– Thưa thủ lĩnh, hãy làm những việc mà thủ lĩnh cho rằng cần phải làm đi! Chúng tôi quyết không phản đối, vì chẳng có ai trong chúng tôi dám nói với thủ lĩnh một tiếng “Không được!”.
Clôvít đang định nói lời cảm ơn mọi người thì đột nhiên có một chiến binh quát lên:
– Thủ lĩnh! Người không có quyền làm như vậy! Ngoài các thứ người bốc thăm được, chiếc bình kia người không lấy được đâu! – Nói đoạn, anh ta dơ rìu chiến lên và chỉ một nhát chiếc bình vỡ tan tành.
Clôvit tuy đầy mình chiến công, quyền lực trong tay, song vẫn không dám tự ý phá hoại truyền thống cửa người Phrăng, tùy tiện phân chia chiến lợi phẩm. Ông giận dữ đưa mắt nhìn người chiến binh kia, không nói một lời.
Ngày 1 tháng 3 năm sau là ngày tết của người Phrăng. Sáng sớm hôm đó, Clôvít lệnh cho các chiến binh mang theo vũ khí tới tập hợp tại một địa điểm được chỉ định để chuẩn bị duyệt binh. Sau khi đội ngũ đã chỉnh tề, Clôvít đi kiểm tra việc chuẩn bị vũ khí của từng chiến binh. Khi bước tới trước mặt người chiến binh đã đập vỡ chiếc bình, ông ta kiểm tra rất kỹ.
– Thế này là thế nào? Clôvit chỉ vào chiếc rìu chiến của anh ta, hỏi với giọng xoi mói – Vì sao nó không sắc gì cả?
– Thưa thủ lĩnh, trước khi đi tôi đã mài rồi, sao lại không sắc? – Người chiến binh kia cãi lại.
– Sắc! Hừ! – Clôvít giằng lấy chiếc rìu của anh ta, quăng xuống đất – Mọi người hãy nhìn xem rìu này có sắc không!
Người chiến binh cúi xuống nhặt chiếc rìu. Nhân lúc anh ta đang khom người xuống, Clôvít rút ngay chiếc rìu chiến của mình chém một nhát chết tươi rồi hét lên:
– Ngươi ở Soátsông đã xử sự như vậy đối với chiếc bình, giờ ta cũng xử sự đối với ngươi như ngươi đã làm.
Hành động bất ngờ của Clôvít đã khiến tất cả các chiến binh có mặt kinh ngạc, nhưng không ai dám lên tiếng phản đối vì mọi người đều sợ ông ta.
Từ đó, quyền thế của Clôvít ngày càng lớn. Ông không còn đếm xỉa gì đến truyền thống của người Phrăng, tự ý muốn làm gì thì làm. Nhiều bộ lạc đã suy tôn ông làm thủ lĩnh.
Người Phrăng vốn theo đa thần giáo, thờ ngẫu tượng. Clôvit cũng không ngoại lệ. Nhưng một cơ hội ngẫu nhiên đã khiến ông cải giáo, chuyển sang theo đạo Kitô. Ngờ đâu việc thay đổi tín ngưỡng tôn giáo này lại có tác dụng thúc đẩy vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của Clôvít.
Chuyện kể rằng: Cônđôbát, con trưởng của vua Tây Gốt đã tìm cách hãm hại người em trai thứ ba là Gôđixê và đưa đi đầy hai người con gái của Gôđixê. Clôvít nghe nói trong hai cô có nàng Clôtiđe vô cùng xinh đẹp và thông minh, bèn cưới nàng làm vợ.
Clôtiđe theo đạo Kitô. Sau khi cưới nhau, nàng một mực khuyên chồng cải giáo, nói rằng người theo đạo Kitô mỗi khi gặp khó khăn sẽ được đức chúa Giêsu bảo ban, giúp đỡ. Nhưng Clôvít không tin nên không chịu cải giáo. Sau này Clôtiđe sanh được một đứa con, nàng cầu xin Clôvít cho con được làm lễ tắm rửa theo nghi thức đạo Kitô, Clôvít cũng không đồng ý.
Bước ngoặt của câu chuyện xảy ra vào năm 496. Năm đó, Clôvít đánh nhau với người Alaman. Lúc đầu, Clôvít thất bại thảm hại, quân đội hầu như bị giết sạch. Trong lúc nguy hỗn đó, Clôvít nhớ đến lời vợ bèn lớn tiếng cầu xin đức Chúa Giêsu. Không ngờ, bại chuyển thành thắng. Clôvít tin rằng đó là nhờ Giêsu đã cứu ông, bèn quyết định theo Kitô giáo. Trong năm đó, Clôvít đã dẫn 3000 thân binh đi nhận lễ tắm rửa của Kitô giáo.
Kỳ thực, Clôvít chuyển sang theo đạo Kitô là do yêu cầu chung của cả đôi bên. Clôvít và giáo hội Rôma xứ Gôlơ.
Lúc bấy giờ, người Tây Gốt đều thuộc phái Ariăng trong Kitô giáo. Mỗi khi đến một nơi nào, người Tây Gốt đều tàn sát những tín đồ Kitô giáo tự nhận là “chính giáo”. Giáo phái này bị giáo hội Rôma ở Gôlơ coi là “tà giáo”, cho nên giáo hội Rôma muốn dựa vào một thế lực lớn mạnh để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc Clôvit chuyển sang theo Kitô giáo là điều giáo hội mong mỏi mãi mà không được.
Về phía Clôvít, sau khi bước đầu đánh thắng người Alaman, cũng đang rất cần được giáo hội giúp đỡ để củng cố địa vị của mình và tăng cường ách thống trị đối với những vùng mới chinh phục được. Và quả nhiên, sau khi chuyển sang theo Kitô giáo, công việc bành trướng và cai trị của Clôvit đều được giáo hội tích cực giúp đỡ ủng hộ. Trong con mắt của người Phrăng, địa vị của Clôvít cũng được đề cao chưa từng thấy.
Lại nói về bố vợ của Clôvít là Gôđixê, con trai thứ ba của vua Tây Gốt. Trước việc anh cả Cônđôbát tìm mọi cách hãm hại mình, Gôđixê ôm hận trong lòng, luôn tìm cơ hội báo thù. Thấy con rể Clôvít thế lực ngày càng lớn mạnh, Gôđixê sai người đến nói:
– Nếu con có thể giúp ta đánh bại Cônđôbát, ta sẽ cắt cho con một phần lãnh thổ và chấp nhận hàng năm sẽ nộp cống.
Clôvít, con người đang khát khao bành trướng và chiến thắng, tất nhiên không để lỡ dịp may này. Năm 500, Clôvít xuất binh đánh Cônđôbát. Cônđôbát chưa đánh đã chạy. Gôđixê theo thỏa thuận giao cho Clôvit một phần lãnh thổ. Nhưng Clôvit vẫn tiếp tục truy đuổi Cônđôbát, cho tới khi ông này chịu chấp nhận triều cống hàng năm mới thu binh. Thế là Clôvít đã kiếm lời được ở cả hai anh em nhà họ.
Thế lực của Clôvít không ngừng mở rộng đã khiến vua Tây Gốt hoảng sợ, bèn cho người sang tìm cách hòa hiếu với ông. Clôvít tự lượng sức mình chưa đủ chinh phục đối phương nên cũng đồng ý. Ít lâu sau hai người gặp nhau, những buổi chuyện trò thân mật, những bữa tiệc linh đình, họ thề thốt với nhau sẽ mãi chung sống thuận hòa.
Nhưng chỉ được ít lâu, Clôvít lại mở cuộc tấn công vào Tây Gốt. Nhờ có sự chi viện mạnh mẽ của con trai thủ lĩnh người Phrăng vùng biển là Clôđơrích, Clôvít đã đánh bại và giết chết vua Tây Gốt, cướp được bán đảo Tây Ban Nha và một vùng lãnh thổ rộng lớn phía nam xứ Gôlơ. Sau đó, Clôvít nhận sắc phong của đế quốc Đông Rôma, đảm nhiệm chức quan Chấp chính, xây dựng dinh thự ở Pari.
Clôvít đã trở thành người có quyền lực lớn nhất trong bộ tộc Phrăng. Nhưng ông ta còn một việc vẫn canh cánh trong lòng, đó là giải quyết như thế nào đối với những thủ lĩnh trong bộ tộc? Họ là những đồng minh của ông trước đây, ông không có quyền khống chế đối với họ. Họ tồn tại là một hiểm họa đối với ông. Theo Clôvit, trong số này nguy hiểm nhất đối với ông là thủ lĩnh người Phrăng vùng sông và các con trai của ông ta, và thế là ông quyết định thanh toán trước những người này.
Clôvít ngầm sai người đến nói với Clôđơrích, kẻ đã có công giúp ông đánh bại vua Tây Gốt:
– Cha của huynh tuổi đã già. Nếu ông chết đi, mọi mối quan hệ liên quan đến chúng ta ắt sẽ phải nằm trong tay huynh.
Ý tứ của câu nói thật rõ ràng. Clôvít muốn Clôđơrích giết cha để chiếm ngôi. Tiếc thay Clôđơrích ngu ngốc đã nghe theo lời xúi bẩy của Clôvít, sai người đâm chết cha mình rồi báo tin đó cho Clôvít, lại còn mời ông ta tới lựa chọn những báu vật ưa thích.
Clôvít làm ra vẻ không để ý gì đến những báu vật đó, nói với người do Clôđơrích cử tới:
Nhờ nói lại với thủ lĩnh của các người, ta cảm ơn lòng tốt của ông ta. Ta không cần quà tặng của ông ấy. Chỉ mong ông ấy cho sứ giả của ta được xem các báu vật đó là được rồi. Những thứ đó vẫn thuộc sở hữu của ông ta.
Clôđơrích không biết đây là độc kế của Clôvit, đã mang tất cả các báu vật ra để “sứ giả, xem. Đúng vào lúc ông ta đang đắc ý giới thiệu từng thứ một, viên sứ giả đã rút dao ra đâm chết.
Hành động bội tín này đã khiến người Phrăng vùng sông nổi giận. Nhưng Clôvít đã có cách tháo gỡ tình trạng khó xử này. Clôvít vội vã đến chỗ người Phrăng vùng sông, triệu tập mọi người lạ, vờ làm ra vẻ khẳng khái nói với họ:
– Hỡi những người anh em thân mến, tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến những chuyện này, chẳng lẽ tôi lại muốn thân tộc của mình đổ máu. Theo tôi, đây là một âm mưu tội ác. Nhưng sự việc đã xảy ra như vậy, các anh em nên nghe lời khuyên của tôi, nếu cho là đúng thì tiếp thu. Lời khuyên của tôi là: Hãy về với chúng tôi, tôi hứa sẽ bảo đảm cho các bạn. Tôi sẽ mang lại cho các bạn một cuộc sống sung sướng hơn trước kia!
Lời nói của Clôvít đã mê hoặc được người Phrăng vùng sông. Sau một lúc im lặng, đám người gõ ầm ĩ vào lá chắn, tiếng tung hô vang dậy, họ đặt Clôvít trên tấm lá chắn rồi khiêng cao lên. Đó là hình thức họ suy tôn thủ lĩnh. Thế là toàn bộ lãnh thổ và của cải của người Phrăng vùng sông rơi vào tay Clôvít.
Sau khi thu phục được người Phrăng vùng sông, Clôvít tiếp tục tiêu diệt các thủ lĩnh đồng tộc khác. Hoặc đem quân thảo phạt, hoặc sai người mưu sát, Clôvít đã thanh toán hết những người mà ông ta nghi ngờ có thể cướp đoạt ngôi vua của mình, kể cả những kẻ thân thuộc xa gần. Khi âm mưu đã thực hiện trọn vẹn, Clôvít đâm ra hoang mang lo lắng:
– Ta thật tội nghiệp! Ta khác chi một lữ khách lang thang giữa đám người xa lạ! Nếu tai họa xảy ra, đâu còn người thân đến giúp ta đây!
Cho dù thế nào, cuối cùng Clôvít đã thành công trong sự nghiệp, đã trở thành Quốc vương – kẻ thống trị tối cao trong bộ tộc Phrăng. Vương quốc Phrăng do Clôvít kiến tạo ra rút cục cũng đã xuất hiện trong lịch sử Châu Âu.
Khi đế quốc Tây Rôma bị man tộc làm cho diệt vong thì đế quốc Đông Rôma vẫn tồn tại và khá phồn vinh giầu mạnh.
Kinh đô của đế quốc Đông Rôma đặt tại Cônstantinôpôlit. Nơi này trước kia gọi là Bidantium, năm 330 Hoàng đế Rôma đại đế Cônstantinôpôlit rời đô về đây mới đổi sang tên mới. Vì thế trong lịch sử, đế quốc Đông Rôma còn gọi là đế quốc Bidantium.
Cônstantinôpôlit nằm ở vùng giáp giới giữa hai châu Âu Á, yết hầu ra vào Hắc Hải, mậu dịch trên biển vô cùng phát đạt. Khi Tây Âu còn đắm chìm trong bóng đen ngu dốt thì số dân ở đây ngày một đông, các công trình kiến trúc ngày càng tráng lệ, hải cảng tấp nập ra vào thuyền bè của các nước… Tóm lại, nơi đây so với Tây Âu giầu có hơn nhiều, văn minh hơn nhiều.
Nhờ thuế buôn bán, nhà vua thu về được những khoản tiền rất lớn. Có tiền, nhà vua có điều kiện chăm lo quân đội, sắm sanh khí giới để gìn giữ biên cương, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nô lệ, tính việc bành trướng ra bên ngoài. Thương nhân cũng hết sức ủng hộ Hoàng đế vì họ cần một chính quyền nhà nước mạnh mẽ để bảo vệ công việc buôn bán của họ. Cho nên, trong một thời gian rất dài, đế quốc Đông Rôma đã có thể bảo vệ được biên giới, đánh lui các cuộc xâm lăng của man tộc, giữ vững sự ổn định trong nội bộ đế quốc. Đặc biệt cường thịnh nhất là vào thế kỷ VI, dưới thời Hoàng đế Giustinianut trị vì.
Tuy nhiên, đời sống của nô lệ và lệ nông ở Đông Rôma tồi tệ hơn nhiều so với đời sống của nông nô và nông dân ở các vương quốc man tộc Tây Âu. Họ vẫn không có quyền tự do thân thể, vẫn bị bọn chủ nô bóc lột và áp bức tàn khốc; ngay cả cư dân thành thị cũng phải gánh chịu mọi thứ thuế má nặng nề, Giustinianut lên ngôi được ít lâu, tại kình thành đã xảy ra một chuyện lớn.
Hồi bấy giờ, ở Cônstantinôpôlit rất thịnh hành trò đua xe ngựa. Mỗi khi có trận đấu, từ quí tộc nguyên lão, địa chủ thương nhân đến bình dân trăm họ đều nô nức kéo nhau đến trường đua ngựa để xem. Cả Hoàng đế cũng đặt sẵn ngai vàng ở đó. Người đến xem thường tới vài vạn người. Ở Đông Rôma, Hoàng đế thiêng liêng như thánh như thần, nhìn thấy nhà vua mọi người đều phải khấu đầu quỳ lạy, hôn lên đôi hài của ông ta. Duy chỉ khi nào nhà vua xuất hiện ở trường đua ngựa, dân chúng mới có thể lớn tiếng la hét bày tỏ sự bất mãn của họ đối với nhà vua.
Cuộc đua ngựa tiến hành theo từng tốp, có khi một chiếc xe dùng tới bốn con ngựa. Vì người đánh xe mặc sắc phục khác nhau, có lam, có lục, có đỏ. . . nên người ta chia tốp theo màu sắc và người xem cũng lấy đó để phân biệt giữa các nhóm. Dần dần, sự phân biệt này trở thành sự phân biệt về đảng phái chính trị và trường đua ngựa cũng biến thành nơi đấu tranh chính trị. Trong số đó, có thế lực nhất là “Đảng mầu lam” và “Đảng mầu lục”. Thành phần lớp trên của “Đảng mầu lam” là những quí tộc nguyên lão và đại địa chủ, còn “Đảng mầu lục” đa số là những thương nhân giầu có và bọn cho vay nặng lãi. Hai bên thường xuyên đấu tranh với nhau. Tầng lớp dưới của hai đảng phần lớn là thợ thủ công và nông dân ngoại thành, giữa họ cũng thường xảy ra những chuyện xích mích.
Chuyện lục đục giữa hai bên sau này ngày càng kịch liệt. Giustinianut sợ xảy ra to chuyện, nguy hại đến an ninh của đế quốc, bèn kết án tử hình một số người trong bọn họ.
Việc làm này đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Quần chúng lớp dưới của hai đảng lại hòa thuận với nhau, liên kết lại tấn công các nhà ngục, cứu thoát những người bị kết án tử hình và một số phạm nhân khác. Cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu như vậy. Đó là ngày 11 tháng 1 năm 532.
Tiếp đó, khắp nơi trong thành phố đều bị đốt phá. Nhà thờ Xanh Xôphia, một bộ phận hoàng cung, nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác cũng chìm trong ngọn lửa. Những người khởi nghĩa liên hệ với nhau bằng mật khẩu “nica” (có nghĩa là “thắng lợi”) – do đó cuộc khởi nghĩa này còn gọi là khởi nghĩa “Nica”. Thành phố vang lên tiếng thét “Giết chết Giôn!” “Treo cổ Tơribôniên!”.
Giôn và Tơribôniên đều là sủng thần của Hoàng đế Giustinianut. Giôn làm Tổng giám kinh đô, quyền lực chỉ kém có Hoàng đế, của cải giầu vô kể nhờ ăn hối lộ, suốt ngày chỉ rượu chè và lúc nào cũng sẵn sàng vơ vét tiền bạc của dân chúng. Tơlibôniên là đại thần cố vấn của Hoàng đế, tài cán và học vấn tuy không thua bất cứ đại thần nào, được Hoàng đế giao cho việc lo soạn thảo bộ pháp điển của đế quốc, nhưng là người lòng dạ tham lam đen tối nên trong công việc chỉ tính chuyện lợi lộc, sẵn sàng xóa bỏ hoặc thêm thắt bất cứ điều khoản nào miễn là có tiền. Khi khởi nghĩa nổ ra, Hoàng đế và Hoàng hậu cùng một số vị Nguyên lão bị vây khốn ở trong hoàng cung, không còn cách nào khác đành phải ra lệnh cách chức hai nhân vật này.
Đến đêm ngày thứ năm, Giustinianut đưa hai người cháu ngoại của vị Hoàng đế đã khuất lẻn trốn đến một nơi ở khác. Mục đích của việc đưa hai người này rời Hoàng cung là vì lo họ có thể mưu hại ông, nhân lúc xảy ra bạo động cướp lấy ngôi vua.
Đưa hai người đến nơi ở mới rồi mà Giustinianut trong lòng vẫn thấp thỏm không yên, lệnh cho tùy tùng phải theo dõi chặt chẽ.
Trong hai người cháu, có một người tên là Xibôti. Một lần, Xibôti nói lấy lòng Giustinianut:
– Hoàng thượng, trong tình hình nguy hiểm hiện nay, thần thiết nghi không nên rời xa Hoàng thượng.
Dè đâu câu nói đó càng khiến Hoàng đế sinh nghi nên đã ra lệnh đuổi cả hai người đi. Câu chuyện càng trở nên rắc rối.
Ngay sáng hôm sau, được mọi người ủng hộ, Xibôti tới quảng trường trung tâm tiếp nhận đại quyền quản lý đất nước, xưng là Hoàng đế. Vì không có vương miện và hoàng bào, Xibôti lúc này đành phải chụp lên đầu chiếc vòng vàng để lên ngôi.
Các vị Nguyên lão ở ngoài Hoàng cung đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Người thì chủ trương lập tức dùng vũ lực tấn công Hoàng cung, người thì cho rằng phải chuẩn bị xong đã rồi hãy tấn công, cũng có người chủ trương để cho Hoàng đế Giustinianut chạy trốn. Sau khi trưng cầu ý kiến của tân Hoàng đế Xibôti, cuối cùng quyết định tấn công ngay. Thế là Xibôti hạ lênh tập trung quân đội ở trường đua ngựa. Phía Hoàng cung cũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn vấn đề: ở lại trong thành để tổ chức lực lượng đàn áp hay lên thuyền cháy trốn. Các đại thần ý kiến mỗi người một phách, không nhất trí được với nhau. Cuối cùng, vẫn là Hoàng hậu phải lên tiếng:
– Hôm nay nếu có người còn nói đàn bà không nên bàn việc lớn giữa đám đàn ông, thì quả thật là vô duyên, vì cánh đàn ông bây giờ đang trù trừ do dự chưa biết quyết định thế nào. Theo ta, giờ đây mà tính chuyện trốn chạy là tối hạ sách. Người ta sống ở đời không thể không chết, nhưng đang là kẻ cai trị mà biến thành kẻ lang thang, điều này không thể chấp nhận được. Cầu mong Thương đế đừng lấy mất của ta chiếc áo cẩm bào và cho ta sống tới ngày mọi người nghênh đón ta như một Hoàng hậu. – Nói tới đây, Hoàng hậu thực sự xúc động, giọng bà run run – Cho nên, Hoàng thượng ơi, nếu muốn thoát thân chuyện này đâu khó! Chúng ta có vô số của cải vàng bạc, có người có thuyền! Nhưng sau khi thánh thượng thoát được thân, người sẽ cảm thấy thà lúc ban đầu chết đi còn hơn là sống chui sống lủi.
Những lời nói của Hoàng hậu đã cổ vũ dũng khí của mọi người. Các đại thần tiếp tục bàn cãi làm thế nào bảo vệ được mình, dẹp tan phiến loạn. Theo họ, quân đội đóng ở gần hoàng cung và những đám quân khác đều không trung thành với nhà vua, mà nên gửi gắm hy vọng vào hai con người: một là tướng Bêlisaút vừa mới từ mặt trận Ba Tư trở về, trong tay ông là một đạo quân hùng mạnh dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu và một nữa là tướng Môngtơ đang phụng mệnh mang quân về kinh đô và rất trung thành với nhà vua.
Trong lúc nhà vua còn đang họp hội nghị khẩn cấp thì Xibôti cùng mấy vạn người khởi nghĩa đã tề tựu ở trường đua ngựa. Xibôti ngồi chễm chệ trên chiếc ngai dành riêng cho Hoàng đế Giustinianut mỗi khi ông này tới xem đua ngựa. Phụng mệnh đi đàn áp cuộc bạo loạn, tướng Bêlisaút đưa quân tới gần trường đua ngựa thì bị quân đối phương chặn lại, ông hạ lệnh cho quân đội tiến theo đường khác. Lọt vào được trường đua, Bêlisaút rút thanh bảo kiếm hạ lệnh cho binh sĩ tấn công đám dân chúng đang tập trung ở đấy. Quân của Bêlisaút được huấn luyện tử tế, có kinh nghiệm chiến đấu hò nhau xông vào đâm chém. Trường đua ngựa phút chốc biến thành một bãi xác khổng lồ, máu me lênh láng. Những tiếng hò hét, những tiếng la thất thanh xen lẫn những tiếng rên rỉ hòa vào nhau thành một mớ âm thanh hỗn độn, rùng rợn. Người nào tháo chạy được ra ngoài lại bị quân của Môngtơ tàn sát. Trong khoảnh khắc, gần 4 vạn con người đã ngã xuống toàn bộ sân đua ngựa khổng lồ nhuộm đỏ máu của những người khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa “Nica” chấm dứt trong thất bại bi thảm như vậy.
Ngồi trên ngai của Hoàng đế, Xibôti kinh hoàng trước cảnh tượng đẫm máu. Ông ta bị lôi ra khỏi “bảo tọa”, bị tống vào nhà lao canh phòng cẩn mật. Ít lâu sau, Xibôti bị tử hình, xác bị ném xuống biển.
Sau khi Giustinianut đàn áp được cuộc khởi nghĩa “Nica”, tình hình Cônstantinôpôlit tạm thời ổn định. Để củng cố nền thống trị của mình, Giustinianut chiêu mộ rất nhiều quân lính đánh thuê và muốn duy trì đạo quân khổng lồ này phải cần rất nhiều tiền. Thế là ông phải tính đến chuyện buôn bán tơ tằm.
Tơ tằm là thứ nguyên liệu chính dùng để dệt lụa. Thời bấy giờ, các lái buôn châu Á thường phải qua đế quốc Đông Rôma mang tơ lụa sang bán cho những người giầu có ở Tây Âu, họ phát tài to, còn Giustinianut cũng thu lợi lớn qua việc thu thuế. Trước Công nguyên, tơ lụa đều từ Trung Quốc nhập vào Châu Âu. Trước Giustinianut, chỉ có người Trung Quốc mới biết nuôi tằm kéo tơ. Để giữ độc quyền trong việc buôn bán tơ tằm, chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép xuất khẩu tơ và lụa, nghiêm cấm việc xuất khẩu giống tằm. Vì đường xá xa xôi, vận chuyển khó khăn, giá tơ lụa chuyển tới được thị trường Châu Âu đắt như vàng. Mua tơ tằm từ Trung Quốc, qua “con đường tơ lụa” vận chuyển tới Châu Âu chủ yếu là người Ba Tư, Những món lãi khổng lồ họ kiếm được đã khiến Giustinianut thèm nhỏ dãi.
Giustinianut cho rằng binh lực của mình lớn mạnh, muốn dùng vũ lực để buộc Ba Tư khuất phục, chia sẻ nguồn lợi nhuận khổng lồ đó. Chẳng dè Ba Tư đã sẵn sàng đối phó lại, không đếm xỉa gì đến sự đe dọa vũ lực của đế quốc Đông Rôma. Thế là Giustinianut bèn liên minh với Quốc vương Êtiôpi ở Bắc Phi, muốn thông qua họ để buôn bán tơ lụa với phương Đông. Nhưng quan hệ buôn bán giữa người Ba Tư với phương Đông vốn có từ lâu và rất chặt chẽ, Êtiôpi cũng không có cách nào nhúng tay vào được. Chuyện này khiến Giustinianut nổi cơn thịnh nộ, cuối cùng năm 540 ông ta đã gây ra cuộc chiến tranh với Ba Tư. Đồng thời với việc phát động chiến tranh, Giustinianut một mặt tăng thuế nhập cảnh đối với hàng hóa của Ba Tư, hạn chế nhập khẩu tơ tằm; một mặt định giá tơ tằm ở trong nước, đề phòng giá tơ tằm lên cao.
Quân lính đánh thuê của đế quốc Đông Rôma được trang bị rất tốt. Mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt nhọn, một tay cầm lá chắn che kín toàn thân, một tay cầm kiếm, xà mâu hoặc rìu hai lưỡi. Bất luận bộ binh hay kỵ binh, đều là những tay nỏ thiện xạ. Nhưng đội quân này đánh nhau chỉ vì lương bổng và chiến lợi phẩm, do đó cũng không đáng tin cậy lắm. Chiến tranh kéo dài được mấy tháng, đôi bên có thắng có thua, nhưng Ba Tư rốt cuộc vẫn chưa bị đánh bại.
– Hoàng thượng? Tơ tằm trên thị trường không còn thấy nữa. Giá thu mua đã tăng gấp ba bốn lần mà vẫn không đủ hàng. Xin Hoàng thượng hãy cho nhập từ Ba Tư!
– Không được! Chúng ta đang đánh nhau với Ba Tư? Giustinianut nói cắt ngang, giọng dứt khoát.
– Tâu Hoàng thượng, thợ ngành tơ ở Tan và Bâyrút (nay thuộc Xyri) đã thất nghiệp mấy tháng nay rồi. Họ không còn cái gì để ăn để mặc, chắc khó bề sống nổi. Cúi xin Hoàng thượng suy xét, hãy cho nhập tơ tằm từ Ba Tư! – Một vị đại thần khác rụt rè nói.
– Trăm dân phải tự lo lấy đời sống của họ, ta lo sao nổi! – Giustinianut không cần suy nghĩ, trả lời ngay.
– Muôn tâu Hoàng thượng, người thất nghiệp nhiều như vậy, họ mà nổi loạn e khó bề dẹp yên! Huống hồ, tơ tằm là nguồn thu nhập lớn của nước ta, không có tiền lại phải đánh nhau, ngay đời sống của chúng ta cũng khó bề yên ổn! – Vị đại thần thứ ba nói với giọng khẩn thiết.
Giustinianut không ngồi yên được nữa. Những lời tấu trình của các đại thần buộc ông phải cân nhắc cẩn thận. Giustinianut đứng lên, đi đi lại lại, cân nhắc những toan tính của mình.
Hai thành phố Tan và Bâyrút của đế quốc Đông Rôma là những trung tâm quan trọng của ngành tơ lụa. Các công trường ở đó chuyên gia công tơ tằm của Trung Quốc. Những tấm lụa của Trung Quốc nhập từ Ba Tư được gỡ ra thành những sợi tơ nhỏ muốt, sau đó pha lẫn sợi gay đệm thành loại lụa mới, đem đi nhuộm, thêu hoa vào rồi mới mang bán sang thị trường châu Âu với giá cao. Có khi những tấm lụa mộc của Trung Quốc nhập từ Ba Tư về được mang nhuộm luôn rồi thêu những đồng tiền vàng lên, sau đó mang bán đi các nơi ở Châu Âu, Bắc Phi với giá cắt cổ. . . Những công việc gia công như vậy quả là một nguồn thu nhập quan trọng của đế quốc Đông Rôma.
Sau khi cân nhắc lợi hại được mất, Giustinianut quyết định vẫn phải nghĩ cách kiếm tiền trên phương diện gia công tơ tằm. Ông thở dài nói với quần thần:
– Thôi được. Xem ra ta chỉ còn cách nghị hòa với Ba Tư.
Sau khi đàm phán, Ba Tư đồng ý giảng hòa nhưng đưa ra một điều kiện vô cùng khắc nghiệt: Đế quốc Đông Rôma phải xóa bỏ mọi hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ba Tư, hơn thế nữa, mỗi năm phải nộp thêm cho Ba Tư 11.000 bảng vàng.
Giustinianut giận điên người, nhưng cũng không có cách nào. Đang lúc gay cấn như vậy thì bỗng có hai vị tăng lữ xin vào yết kiến.
Không gặp – Giustinianut bực bội truyền lệnh cho thị vệ.
Hoàng thượng! Họ là những người biết làm tơ! – Quan thị vệ tâu.
Ồ! Sao ngươi không tâu sớm! Mau triệu vào gặp ta!
Hai tăng lữ được phép vào bái kiến. Thi lễ xong, Giustinianut hỏi:
Các vị từ đâu tới?
– Bần tăng từ Ấn Độ tới.
– Các vị làm sao mà biết cách làm tơ?
– Bần tăng đã qua Trung Quốc.
– Các vị tới Trung Quốc làm gì?
– Vua nhà Lương ở Trung Quốc theo đạo Phật. Đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang, cho nên bần tăng đã tới Trung Quốc.
– Tơ mọc trên cây có phải không?
– Muôn tâu Hoàng thượng, không phải, nó là do con tằm nhả ra.
– Con tằm nó thế nào?
– Nó là một giống sâu nhỏ, chuyên ăn lá dâu.
– Ồ! Chúng ta ở đây có rất nhiều dâu, các vị mau mau mang nhiều tằm đến cho ta, ta nhất định sẽ ban thưởng cho các người.
Cuộc gặp kết thúc. Hai vị tăng lữ kia qua đường Ba Tư về Trung Quốc, học người Trung Quốc cách nuôi tằm và ươm tơ, sau đó lén dấu trứng tằm trong chiếc gậy trúc, vượt đường xa dặm thẳm đến được Cônstantinôpôlit.
Năm trứng tằm đến Cônstantinôpôlit là năm 552. Từ đó, người Đông Rôma học được cách nuôi tằm ươm tơ, nhờ đó mà phá được độc quyền buôn bán của người Ba Tư.
Trong cuộc đông chinh lần thứ hai của Thập tự quân hồi thế kỷ XII, Quốc vương Xixin là Rôgiê II đã bắt hơn 2000 thợ dệt tơ ở Cônstantinôpôlit đưa về Italia để chăn tằm ươm tơ. Từ đó, ltalia trở thành trung tâm của ngành tơ tằm Châu Âu.
Năm 774, vào một ngày nọ, một đạo quân Frăng vượt qua núi Anpơ tiến vào vương quốc Lômbacđi nằm ở miền bắc Italia.
Anpơ là dãy núi lớn nhất ở châu Âu, thế núi cao ngất hùng vĩ, tuyết phủ quanh năm, thung lũng là những dòng sông băng. Quân lính muốn vượt qua được những vách núi cheo leo chưa từng in dấu chân người ấy quả là một việc vô cùng khó khăn.
Nhưng đối với Sáclơmanhơ, vương quốc Xắcxông, người trực tiếp chỉ huy đạo quân này thì những khó khăn đó chẳng đáng kể gì. Ông mới 32 tuổi cặp mắt long lanh ngời sáng, thân hình cao lớn, vóc người vạm vỡ, đủ sức chế ngự gió tuyết của dãy núi Anpơ. Toàn thân ông dường như được bọc trong thép, đầu đội mũ sắt, tay lồng trong đai thép, áo giáp sắt trùm kín ngực, đôi vai và phủ kín cặp đùi. Tay trái cầm trường mâu, tay phải đặt trên chuôi kiếm giắt ngang lưng. Tất nhiên, cả con chiến mã Sáclơmanhơ cưỡi cũng đen một mầu sắt. Trang bị của quân lính cũng bắt chước theo ông, đến nỗi cả một vùng núi toàn ánh lên mầu của sắt thép.
Gôlơ là vương quốc mạnh trong các nước man tộc ở Tây Âu. Giữa thế kỷ V, người Phrăng đã chiếm mảnh đất cuối cùng của đế quốc Tây Rôma ở Gôlơ. Năm 751, cha Sáclơmanhơ làm Quốc Xắcxông. Năm 768, Sáclơmanhơ lên nối ngôi, Vương quốc Frăng trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Lần tiến quân vào vương quốc Lômbácđi này là lần đầu tiên Sáclơmanhơ thân chinh xuất quân kể từ khi ông làm Quốc vương.
Quốc vương Lômbácđi là bố vợ của Sáclơmanhơ, vậy vì sao ông lại tiến quân vào đất nước của bố vợ mình.
Chuyện là thế này: người Lômbácđi đã nhiều lần xâm phạm Rôma? thể theo lời thỉnh cầu của Giáo hoàng Rôma, Sáclơmanhơ từng cử quân đội đánh Lômbácđi. Người Lômbácđi thua trận, Sáclơmanhơ đã lấy con gái của Quốc vương Lômbácđi làm vợ. Nàng tất nhiên không được Sáclơmanhơ sủng ái. Chuyện này khiến quốc vương Lômbácđi vô cùng tức giận, thề sẽ chống lại Sáclơmanhơ, Sáclơmanhơ nhân cơ hội này đem quân chinh phục vương quốc Lômbácđi, sáp nhập miền bắc Italia vào bản đồ của Frăng. Quân Frăng vượt qua được núi Anpơ, khẩn trương tiến về hướng đông và nhanh chóng đánh tới đô thành Pavia của Lômbácđi.
Quốc vương Lômbácđi từ trước đến nay cũng chưa biết mặt con rể Sáclơmanhơ của mình ra sao, nghe nói quân lính của con rể đã ập sát kinh thành bèn đích thân leo lên một tòa tháp cao để quan sát. Cùng đi theo Quốc vương là một quí tộc người Phrăng, ông này vì có lần đã chọc tức Sáclơmanhơ nên phải bỏ chạy sang Lômbácđi.
Khi quân Frăng xuất hiện từ xa, Quốc vương hỏi vị quí tộc nọ:
Sáclơmanhơ ở trong số đó phải không?
– Thưa không – Ông này lắc đầu nói – Đó là xe chở lương thực.
Nhiều thế cơ à! – Giọng Quốc vương có vẻ kinh ngạc.
Tiếp đó, Quốc vương nhìn thấy một đoàn kỵ binh khổng lồ đang rầm rập phóng tới, bèn nói với giọng chắc chắn:
Sáclơmanhơ nhất định phải ở trong cánh quân này!
Không phải, thưa vẫn không phải.
Quốc vương nghe trả lời rất đỗi kinh hoàng:
– Trời! Chẳng lẽ lại còn có cánh quân đông hơn nữa? Rút cục hắn ở đâu? Chúng ta nên làm thế nào?
– Chờ khi ông ấy tới, quốc vương sẽ thấy ông ấy ở đâu. Tôi cũng không biết nên làm thế nào!
Đang lúc hai người nói chuyện với nhau, lại một cánh quân nữa lọt vào tầm nhìn của họ. Nhìn thấy đoàn quân dày đặc, hàng ngũ chỉnh tề, Quốc vương kinh hoàng kêu lên:
Lạy chúa! Sáclơmanhơ đến rồi!
Thế nhưng vị quí tộc nọ vẫn giọng cũ:
– Thưa không, vẫn không phải, đó là đội quân của giáo chủ, tu viện trưởng và giáo sĩ cung đình của ông ta. Tâu bệ hạ, chừng nào người nhìn thấy cánh đồng chi chít những mảnh ruộng thép, mặt sông tối sầm lại vì ánh thép, chừng đó mới đúng là Sáclơmanhơ xuất hiện.
Ông ta vừa dứt lời thì từ phía tây như cuồn cuộn một đám mây đen, trời đang sáng sủa bỗng tối sầm lại một cách đáng sợ, và khi đội quân của Sáclơmanhơ tiến lại gần, binh khí sáng lấp loáng lại biến trời mờ tối thành trắng ban ngày. Đối với Quốc vương Lômbácđi và binh lính của ông ta, cái “ban ngày” đó còn tối tăm hơn cả đêm đen nhiều!
– Sáclơmanhơ mà ngài trông ngóng ở trong đó.
Lão quí tộc nói xong, kéo vội đấng Quốc vương đang đờ đẫn chạy vội xuống tháp. Trong cơn hãi hùng, Quốc vương luôn miệng dặn các thủ hạ:
– Đóng chặt cổng thành! Đóng chặt cổng thành!
Sáclơmanhơ nhìn thấy cổng thành Pavia đóng im ỉm, cười nói với các tùy tòng:
Thôi được. Hôm nay chúng ta chưa vào thành vội. Nhưng để mọi người khỏi chê trách chúng ta chơi rông cả một ngày, ta muốn các người làm ngay một nhà thờ nho nhỏ. Nếu như họ không sớm mở cổng thành cho chúng ta, chúng ta có thể ở đây cầu Chúa.
Sáclơmanhơ vừa dứt lời, thủ hạ của ông lập tức tỏa đi các nơi, người lấy đá, kẻ lấy vôi lấy gỗ, lính thợ được huy động. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, một ngôi đền thờ có tường xây, có mái lợp đường hoàng đã được xây dựng xong.
Sáng sớm hôm sau, Quốc vương Lômbácđi đứng trên thành hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy chỉ qua một đêm đã sừng sững hiện ra như một thần thoại một đền thờ mà theo ông ta ít nhất cũng phải một năm mới làm nổi. Ông đành phải đầu hàng con rể mình, chấp nhận điều kiện sẽ chịu đi đầy suốt đời và để con trai của Sáclơmanhơ làm Tổng trấn vương quốc Lômbácđi. Thế là miền bắc Italia đã sáp nhập vào bản đồ của vương quốc Frăng.
Ít lâu sau, Sáclơmanhơ lại đưa quân xuống phía nam đánh Tây Ban Nha. Giữa Frăng và Tây Ban Nha ngăn cách nhau bởi dãy núi Pyrênê điệp trùng hiểm trở. Năm 778, quân Sáclơmanhơ vượt Pyrênê không mấy khó khăn, tiến quân xuống tây nam, nhưng bị người Tây Ban Nha chống lại quyết liệt, buộc phải rút quân. Trên đường trở về, hậu quân của Sáclơmanhơ khi vượt qua thung lũng Rôngxêvan đã bị dân địa phương tập kích. Vùng này rừng rú rậm rạp, địa thế hiểm trở, tiện cho việc mai phục. Trận đánh diễn ra trong đêm tối. Hậu quân của Sáclơmanhơ hầu như bị giết không còn một người. Nghĩa binh cướp hết lương thực rồi nhanh chóng rút khỏi chiến trường. Trong trận kỳ tập này, một danh tướng của Sáclơmanhơ là hầu tước Rôlăng đã thiệt mạng. Câu chuyện về trận đánh này về sau đã được các nhà văn mô tả lại trong bộ sử thi nổi tiếng dưới nhan đề “Bài ca Rôlăng”.
23 năm sau, say sưa với việc mở rộng lãnh thổ, Sáclơmanhơ một lần nữa lại đem quân vượt qua dãy Pyrênê đánh Tây Ban Nha, cuối cùng đã thôn tính được một vùng đất rộng lớn phía nam Pyrênê và giao cho một người con trai khác của mình làm Tổng trấn.
Trong các cuộc chiến tranh xâm lược do Sáclơmanhơ gây ra, lâu nhất phải kể đến cuộc chinh phục người Xắcxông ở miền bắc. Mượn cớ truyền bá đạo Kitô, bắt đầu từ năm 772, suốt trong 33 năm Sáclơmanhơ trước sau đã phát động 8 lần tiến công. Trong thời gian này, người Xắcxông đã nhiều lần khởi nghĩa; tướng lĩnh, bá tước, giáo sĩ Kitô, nhiều người đã bị giết. Sáclơmanhơ phải thi hành những thủ đoạn cực kỳ tàn nhẫn, đem giết hết 4500 con tin Xắcxông. Ông ta còn ra lệnh cho tay chân, dùng kiếm để đo chiều cao tất cả trẻ con Xắcxông, nếu vượt quá kích thước đều mang chém đầu. Năm 804, người Xắcxông cuối cùng bị chinh phục, trở thành thần dân của Quốc vương Frăng.
Bản đồ của vương quốc Frăng ngày càng mở rộng. Sáclơmanhơ không hài lòng với danh hiệu Quốc vương nữa. Năm 799, quí tộc Rôma chống lại Giáo hoàng Lêôn III, đã chém bị thương mắt ông ta. Giáo hoàng cầu cứu Sáclơmanhơ. Sáclơmanhơ lập tức đem quân sang Rôma. Bọn quí tộc Rôma nghe tin đã tháo chạy, nhưng nhanh chóng bị tóm gọn. Theo lời thỉnh cầu của Giáo hoàng, Sáclơmanhơ hoặc đã xử tử hoặc đã cấm cố chung thân những quí tộc này.
Ngày Chúa giáng sinh năm 800, đại giáo đường Thánh Pie ở thành Rôma đèn nến sáng trưng, trang hoàng như mới. Để báo đáp công ơn của Sáclơmanhơ, tại đây Giáo hoàng Lêôn III làm lễ tấn phong cho Sáclơmanhơ, tôn xưng ông là “Hoàng đế Rôma”. Từ đó, vương quốc Frăng trở thành “Đế quốc Sáclơmanhơ”, Quốc vương Sáclơmanhơ trở thành “Đại đế Sáclơmanhơ”.
Trong 47 năm trị vì Frăng, bằng vũ lực Sáclơmanhơ đã mở rộng bản đồ của đất nước ra gần gấp hai lần. Nhiều vùng lãnh thổ của Pháp, Đức, Italia, Nam Tư, Tây Ban Nha v.v. hiện nay thời bấy giờ đều nằm trong đế quốc của Đại đế Sáclơmanhơ. Do đế quốc không có cơ sở kinh tế thống nhất, lại phải xuất chinh liên miên, nông dân gánh vác nặng nề, các nơi nổi lên phản kháng, lại thêm bọn lãnh chúa phong kiến lớn không chịu phục tùng Hoàng đế cho nên truyền được đến đời thứ ba, nội chiến đã xảy ra giữa ba người cháu, đế quốc Sáclơmanhơ đứng trước nguy cơ tan rã. Đến năm 843, hòa ước giữa các bên mới được ký kết, đế quốc bị chia thành ba. Sau này, biên giới của ba bộ phận lãnh thổ có một số biến động. Đến cuối thế kỷ IX, trên lãnh thổ cũ của đế quốc Sáclơmanhơ tồn tại 3 vương quốc chính: một là Tây Frăng, tức vương quốc Pháp; một là Đông Frăng, tức vương quốc Đức; còn lại là vương quốc Italia. Biên giới của 3 quốc gia chủ yếu ở Tây Âu thời cận đại là Pháp, Đức, Italia, đã bắt đầu hình thành từ khi đó.