Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Nền Giáo Dục Ở Spacta

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

NỀN GIÁO DỤC Ở SPACTA

Trời vừa rạng sáng, trên một quảng trường lớn có hàng cột trụ vây quanh, hai cậu bé đang xông vào đánh nhau. Chúng chưa tới mười tuổi, mặc áo dài rách, người gầy gò như que củi. Một lát sau, cậu bé tóc đen bị cậu bé thấp lùn đánh ngã xuống đất, mũi trào máu nhưng vẫn ra sức chống đỡ.

Một ông già đứng bên cổ vũ:

– Đánh, đánh mạnh vào, không được thương xót nó!

Cậu bé dáng thấp lùn được khuyến khích, tiếp tục vung nắm đấm nhằm thẳng mặt đối thủ đấm xuống. Bây giờ cậu bé tóc đen đã nằm bất động trên mặt đất.

– Giọi, giỏi lắm!

Ông già vỗ vỗ lên vai kẻ thắng cuộc, rồi gọi tiếp hai câu bé khác ra đấu.

Chuyện này, ngày nào cũng diễn ra trên quảng trường lớn của thành bang Spacta. Các cậu bé đang luyện thi đấu, còn ông già chính là thầy dạy của chúng.

Đối với các em nhỏ ở Spacta, việc huấn luyện khắc nghiệt đã được bắt đầu từ lúc lên bảy tuổi và kéo dài cho tới năm ba mươi tuổi.

Spacta là một thành bang lớn nhất trong số hàng trăm thành bang ở Hy Lạp cổ đại Thành bang là một tiểu quốc, lấy thành thị làm trung tâm, chung quanh là các thôn làng. Ngay từ thế kỷ VIII tr. CN, thủ lĩnh Spacta đã chinh phục được nhiều bộ lạc lân cận, biến họ thành nô lệ. Để trấn áp các cuộc chống đối của nô lệ, phải cần có một lực lượng quân đội tinh nhuệ. Vì vậy các em nhỏ từ bé đã được giáo dục để tiếp thu việc huấn luyện quân sự. Người Spacta cho rằng làm nghề nông, nghề thủ công và buôn bán là công việc của những người bị chinh phục. Vì thế, người dân Spacta khi đã trưởng thành ngoài công việc quân sự ra, họ không làm một nghề gì khác. Toàn bộ xã hội Spacta giống như một doanh trại quân đội lớn.

Trẻ em khi mới sinh ra, cha mẹ không dùng nước mà dùng rượu nóng để tắm rửa cho chúng coi như kiểm tra thể chất. Nếu như thấy trúng phong hoặc mất tri giác thì để cho chết đi. Như vậy vẫn chưa đủ, còn phải bế đứa bé đến nhà trưởng lão để kiểm tra. Nết vị trưởng lão thấy rằng đứa bé không khỏe mạnh thì đem vứt bỏ vào bãi tha ma nơi khe núi. Các trưởng lão chỉ cho phép những đứa bé khỏe mạnh được sống, vì chúng sẽ trưởng thành thành những chiến sĩ giỏi.

Trước bảy tuổi, trẻ em được cha mẹ nuôi dưỡng. Cha mẹ không nuông chiều con cái mà gắng hết sức để giáo dục cho chúng không đòi hỏi, không chê các món ăn, không gây rối, không khóc, không sợ bóng đêm và sự cô đơn.

Trẻ em đủ bảy tuổi buộc phải rời gia đình, biên chế thành đội, đoàn, sống tập thể theo kiểu quân sự. Đội trưởng là người quả đoán nhất, dũng cảm chiến đấu, lựa chọn trong những thanh niên đã đủ hai mươi tuổi, các trẻ em đều phải phục tùng mệnh lệnh, chịu sự trách phạt của anh ta. Đội trưởng giáo dục các trẻ em là huấn luyện cho chúng tính phục tùng và tính nhẫn nại. Để huấn luyện quân sự cho trẻ em lại chọn trong các công dân một người lớn tuổi nhất, được tôn kính nhất để làm thầy dạy. Thầy dạy thường cố ý kích thích lòng ham danh vọng của trẻ em, ra sức chuyển những bãi huấn luyện thành những trận ẩu đả thực sự. Người lớn cũng không sợ trẻ em đánh nhau bị thương. Những kẻ yếu đuối không có chỗ đứng trong quân đội Spacta. Nếu chúng không thể tự bảo vệ được mình thì thà chết đi còn hơn.

Để kiểm tra khả năng chịu đựng của cơ thể, tất cả trẻ em hàng năm đều buộc phải chịu một lần đánh đòn. Lễ đánh đòn này thường được tổ chức vào dịp lễ tế thần. Các trẻ em quỳ trước tượng thần, roi da quất vun vút vào thân mình. Khi đó có một vị nữ tư tế đứng tại chỗ làm giám thị. Tay bà cầm một tượng nữ thần, luôn nâng cao hay hạ thấp để chỉ đạo việc đánh roi mạnh lên hay giảm nhẹ. Không ai được van xin hay kêu khóc.

Em trai tới mười hai tuổi thì được chuyển sang một tổ chức cao hơn: đội Thiếu niên. Trước khi chuyển đội phải trải qua một lần thi. Ngày hôm đó quốc vương, trưởng lão và mọi công dân đều đến xem. Một môn thi là đấu vật. Các trẻ em chia thành hai đội, hiệu lệnh vừa phát ra, hai bên xông vào nhau tay đấm chân đá, em nào cũng ra sức thể hiện mình là dũng cảm, mưu mẹo và tàn nhẫn.

Sau khi biên chế vào đội Thiếu niên, việc huấn luyện càng nghiêm khắc, sinh hoạt càng khắc khổ. Em nào cũng đầu trần, chân đất, bất kể mùa đông mùa hạ, chỉ mặc một chiếc áo khoác. Ngủ thành nhóm, thành đội trên chiếu cỏ. Chiếu cỏ này do các em tự tay mình ngắt lau sậy – không được dùng dao – mọc ở ven sông đem về bện thành. Đồ ăn thức uống cho các em cũng rất ít, mục đích là để cho chúng tự mình có thể đấu tranh với đói khát và buộc chúng hình thành thói quen “mưu sinh” là ăn trộm thức ăn. Nghe nói, như vậy còn cốt để chúng lớn lên mà không phát phì do đó mà tăng thêm vẻ đẹp hình thể.

Đủ hai mươi tuổi thì kết thúc giai đoạn giáo dục, trở thành một quân nhân. Nhưng trước năm ba mươi tuổi thì hàng ngày vẫn tham gia huấn luyện quân sự. Từ năm ba mươi đến sáu mươi tuổi thì phục vụ trong quân đội thường trực. Vì vậy trên thực tế, người Spacta suốt đời phục vụ binh dịch. Chính vì họ chú trọng đến giáo dục quân sự nên giáo dục văn hóa tất nhiên bị xem nhẹ, chỉ cần thanh niên biết viết hoặc biết đọc mệnh lệnh quân sự là đủ. Đối với các em gái, Spacta áp dụng một phương thức giáo dục khác: Sau bảy tuổi, con gái vẫn ở nhà cho đến lúc đi lấy chồng, chúng được huấn luyện thể dục như con trai: chạy thi, đấu vật, ném đĩa, phóng lao. . . Việc huấn luyện như vậy là cốt để chúng rèn luyện thân thể cho cường tráng, sau khi lấy chồng sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Lòng dũng cảm và kiên cường của phụ nữ Spacta rất nổi tiếng ở Hy Lạp. Truyền rằng có một bà mẹ trao cho con trai, một chiếc lá chắn trước lúc ra trận và dặn dò:

– Hãy nắm chắc lấy nó, hoặc con sẽ nằm lên trên!

Có nghĩa là mong muốn con mình mang tấm lá chắn thắng lợi trở về, hoặc chiến đấu anh dũng hy sinh thì đồng đội dùng tấm lá chắn đó khiêng xác con về.

Giữa trưa một ngày ở cuối thế kỷ V tr. CN, trên quảng trường trung tâm ở Aten, có một người đàn ông điên điên khùng khùng đang cao giọng ngâm thơ. Ông trạc ngoài bốn mươi tuổi, sắc mặt trắng xanh thở gấp, vạch áo ra, hai tay liên tiếp đấm vào ngực mình. Khi mọi người vây kín chung quanh, ông thao thao bất tuyệt:

– Ôi, Saramix của ta, hòn đảo biết bao tươi đẹp, làm chúng ta lưu luyến biết chừng nào! Chúng ta hãy tiến quân vào Saramix. Chúng ta hãy chiến đấu để thu phục hòn đảo này! Chúng ta hãy rửa nỗi nhục lớn cho người Aten. Hãy để Saramix trở về trong tay chúng ta.

Có người kinh ngạc hỏi:

– Đây chẳng phải là nhà thơ Sôlôn mà mọi người tôn kính đấy ư? Chẳng lẽ ông bị điên rồi sao, tại sao mấy ngày liền ông đều đến đây công khai đọc những vần thơ đòi thu phục Saramix?

Một Người đứng bên, thở dài đáp:

– Có lẽ ông bị điên thật, nếu không phủ quan đã bắt ông đưa đi xử tử rồi. Chao ôi, thương thay cho Sôlôn!

Vì sao công khai nêu lên việc thu phục Saramix thì bị xử tử hình? Thì ra cách đây không lâu, Aten và một thành bang khác đã xảy ra đánh nhau vì tranh đoạt đảo Saramix, kết quả là Aten bị thua trận. Sau đó, nhà cầm quyền Aten công bố một pháp lệnh, quy định ai còn bàn luận về sự kiện này thì bắt người đó đem đi xử tử.

Sôlôn xuất thân từ một gia đình quý tộc bị phá sản. Thuở còn trẻ ông đã phải làm nghề buôn bán và từng đi đến rất nhiều nơi. Ông biết rất rõ những cửa biển trên đảo Saramix, là địa điểm trọng yếu đối với sự phát triển mậu dịch hải ngoại của Aten. Ông muốn khêu gợi nhiệt tình yêu nước của mọi người, lại phải tránh những quy định khắc nghiệt của pháp luật nên buộc phải giả điên để đọc những vần thơ của mình.

Việc tuyên truyền của Sôlôn cuối cùng đã có hiệu quả: lệnh cấm được bãi bỏ, cuộc chiến lại bắt đầu. Sôlôn được cử làm chỉ huy nghĩa quân Aten. Lần này quân Aten giành toàn thắng, thu hồi được Saramix. Từ đó, Sôlôn trở thành nhân vật nổi tiếng nhất ở Aten, ít lâu sau ông được bầu làm Chấp chính quan.

Vào buổi sáng một ngày trong năm 594 tr.CN, hàng ngàn vạn nông dân, thợ thủ công, nhà buôn và chủ nô ùn ùn kéo đến quảng trường trung tâm ở Aten. Cách đây không lâu, Sôlôn đã giả điên đứng ở chỗ này, nhưng hôm nay, vị Chấp chính quan mới được bầu chọn sẽ công bố một loạt pháp lệnh quan trọng cũng ở nơi này.

Trên quảng trường đã chật ních người, Sôlôn bước những bước dài lên bục cao, đi đến trước một rương gỗ lớn. Tiếng ồn ào lập tức im bặt, ánh mắt mọi người đều tập trung vào chiếc rương gỗ. Chỉ thấy Sôlôn đưa tay vỗ nhẹ, một tấm bảng gỗ được lấy ra, trên bảng gỗ này khắc những điều khoản pháp luật mới hiện ra trước mắt mọi người.

Sôlôn chỉ vào bảng gỗ nói to:

– Căn cứ vào quy định của bộ luật mới, mọi khoản nợ mà mọi người phải đi vay, nay nhất loạt xóa bỏ. Những cột bia đá cầm cố ruộng đất cắm trên các thửa ruộng của nông dân, vì bị thúc nợ mà phải đem cầm cố cho bọn quí tộc chủ nợ, lập tức được nhổ lên!

Sôlôn nói tới đây, cả quảng trường vang lên tiếng hoan hô như sấm dậy. Đặc biệt là những người nông dân phải đi vay nợ, càng reo hò mạnh mẽ, Sôlôn vẫy vẫy tay, nói tiếp:

– Bắt đầu từ hôm nay, những người do thiếu nợ mà phải bán mình làm nô lệ đều nhất loạt được giải phóng? Tất cả văn tự vay nợ đều hủy bỏ, những ruộng đất phải đem cầm cố. được trao trả lại cho chủ cũ? Những người do thiếu nợ mà phải bán ra nước ngoài làm nô lệ sẽ được thành bang đem tiền chuộc về! Những điều khoản pháp luật này có hiệu lực trong kỳ hạn 100 năm!

Những điều luật mà Sôlôn đưa ra, thích ứng với nhu cầu phát triển công thương nghiệp của Aten khi đó, giảm bớt được những đau khổ của nhân dân tầng lớp được nên đã được giới công thương nghiệp, chủ nô và tiểu nông hoan nghênh. Trước đây, tình cảnh người tiểu nông rất vất vả. Vay nợ mà không trả được, chủ nô sẽ cắm cột đá cầm cố trên ruộng đất của người nông dân đi vay, và người nông dân trở thành người làm thuê cho chủ nợ, đem 5/6 hoa lợi thu hoạch được giao nộp cho chủ nợ, còn mình chỉ được có 1 phần, cho nên có tên gọi “nông dân một-sáu”. Nếu thu hoạch không đủ nộp vốn và lãi, thì người chủ nợ có quyền một năm sau, đem người nông dân vay nợ và vợ cùng con họ bán làm nô lệ. Bây giờ, các chủ nợ không còn được làm như vậy nữa. Những người do thiếu nợ phải bán sang các thành bang khác cũng có thể trở về Aten.

Luật xóa bỏ nợ nần công bố ở quảng trường trung tâm đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của giới quý tộc và bọn cho vay nặng lãi.

– Như thế sao được! Chúng ta khổ sở giành dụm được tiền của mà lại đem biếu không cho bọn cùng khốn kia ư?

– Tên Sôlôn kia nói năng không ra sao cả y còn nghiễm nhiên quy định số lượng ruộng đất chiếm hữu cho quý tộc chúng ta. Thậm chí còn để những thợ thủ công đê tiện từ nơi khác đến có được quyền công dân! Như vậy rõ ràng là làm suy yếu thế lực của quý tộc chúng ta!

Trong một thời gian ngắn, Sôlôn bị tầng lớp quý tộc, tài chủ công kích. Nhưng những người ủng hộ cải cách thì đông đảo hơn nhiều. Cuối cùng Sôlôn vận dụng uy quyền của mình buộc bọn quý tộc, tài chủ phải nhường bớt một phần đặc quyền và đặc lợi. Ít lâu sau, ông lại thực hiện một chính sách mới, đưa vào tài sản nhiều ít, phân chia người dân Aten thành bốn đẳng cấp, công dân thuộc các đẳng cấp được hưởng quyền lợi chính trị khác nhau: Ai có tài sản nhiều thì thuộc đẳng cấp cao, được hưởng quyền lợi chính trị nhiều hơn. Như vậy có nghĩa là công dân xuất thân quý tộc nếu như tài sản ít thì không được hưởng nhiều quyền lợi chính trị như trước đây. Bây giờ, mọi công dân ở Aten, không kể giầu nghèo đều có quyền tham gia đại hội công dân. Tất cả quan chức ở thành bang đều do đại hội này bầu ra. Tuy vậy, chức vị cao nhất – chấp chính quan, chỉ do người thuộc đẳng cấp thứ nhất đảm nhiệm; công dân thuộc đẳng cấp thứ hai, thứ ba cũng được bầu chọn đảm nhiệm một số chức vụ khác; công dân thuộc đẳng cấp thứ tư nghèo khổ thì không thể đảm nhiệm bất cứ chức quan nào.

Những cải cách của Sôlôn đã đánh mạnh vào thế lực và sự thống trị của giai cấp quý tộc thị tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển công thương nghiệp. Tuy chưa thỏa mãn được yêu cầu của đông đảo tầng lớp bình dân, nhưng cải cách của Sôlôn đã đặt cơ sở cho chế độ dân chủ chủ nô Aten.

Sau khi mãn nhiệm kỳ, Sôlôn đã rời bỏ toàn bộ quyền lực, từ biệt Aten đi tới những vùng xa xôi. Người đời sau tôn xưng ông là bậc “hiền nhân của Hy Lạp”.

– Đi họp nào, mọi người hãy mau mau tham gia cuộc họp Đại hội công dân nào!

Một truyền lệnh viên tay cầm gậy gỗ quế, cất giọng sang sảng kêu gọi trên các đường phố thành Aten. Ở Aten, truyền lệnh viên đảm nhiệm công việc truyền đạt mệnh lệnh của nhà nước, trước khi giữ chức này, phải trải qua một cuộc thi đặc biệt: thi xem ai có giọng nói vang to dễ nghe. Những mệnh lệnh mà ông truyền đạt là thiêng liêng không được vi phạm. Khi nghe thấy tiếng kêu gọi của ông, mọi người nô nức ra khỏi xưởng thợ, cửa hàng và nhà riêng đi tới trái núi ở phía tây thành – quảng trường Agôra.

Đây là địa điểm cuộc họp Đại hội công dân, cơ quan quyền lực cao nhất ở Aten. Cứ khoảng mười ngày, mọi công dân lại đến đây tham dự một cuộc họp. Cuộc họp được thông báo trước năm ngày. Khi có tình hình khẩn cấp hoặc hội nghị quan trọng thì cử truyền lệnh viên đi kêu gọi trên đường phố hoặc đốt một cột khói ở chợ làm hiệu. Đại hội lần này là để bầu cử các quan chức quan trọng cho nửa năm sau, là cuộc họp quan trọng nhất trong năm cho nên giao cho truyền lệnh viên thông báo miệng một lượt.

Mọi người đến trước lối vào hội trường thì thấy sáu giám sát viên và người giúp việc đang kiểm tra người đến dự họp theo danh sách.

Một giám sát viên đứng trên tảng đá lớn nói to:

– Mọi người chú ý! Hôm nay là đại hội bầu cử, người ngoài thành bang không được vào. Theo qui định của thành bang Aten, công dân đủ 20 tuổi, không phân biệt tài sản và thân phận, trong Đại hội công dân đều có quyền bầu cử. Nhưng trên thực tế, chưa tới 1 phần 10 cư dân ở Aten được hưởng quyền công dân này, vì người ngoài bang và tất cả phụ nữ đều không được tham dự Đại hội công dân, nô lệ càng không nói tới chuyện đó. Nô lệ đi theo chủ thì đứng ở ngoài cửa chờ chủ nhân của mình. Nông dân và thợ thủ công tuy có quyền bầu cử nhưng họ không thể thường xuyên tham dự đại hội, vì đi họp một ngày có nghĩa là tước đoạt thu nhập một ngày của họ, cho nên mỗi lần Đại hội công dân chưa tới 1 phần 10 cư dân tham dự. Lần này là đại hội bầu cử, có thể được nhận tiền dự họp tương đương với một ngày sinh hoạt phí, nên số người đến dự có đông hơn.

Hội trường không có ghế ngồi, mọi người đều ngồi xuống đất, nhưng nhờ sườn núi dốc nghiêng nên người ngồi đàng sau vẫn có thể nhìn rõ ràng mọi thứ trên sân khấu. Sân khấu ghép bằng những tảng đá lớn, hai bên có bậc thang lên xuống. Trên sàn đặt mấy thanh gỗ, đó là chỗ ngồi của các thành viên đoàn chủ tịch; trước mặt là một chiếc ghế đẹp chuyên giành cho người chủ trì hội nghị.

Chủ tịch nhìn thấy mọi người đã đến đầy đủ liền lớn tiếng tuyên bố:

– Các công dân, xin chú ý! Bây giờ bắt đầu lễ tế thần linh!

Một viên tư tế dắt ra một con lợn nhỏ cho chạy quanh hội trường một vòng, sau đó đi tới một đài lễ nhỏ trước sân khấu, giết lợn làm lễ. Đó là một thứ nghi lễ tôn giáo trước khi khai hội.

Nghi lễ mổ lợn kết thúc, chủ tịch đại hội tuyên đọc danh sách những người muốn được đảm nhiệm các chức quan trọng khóa tới, và xin ý kiến hội nghị về từng người được giới thiệu.

– Tôi xin nói!

Một người thợ đã bước lên sân khấu. Chủ tịch đội cho anh một vòng nguyệt quế, có nghĩa là được phép phát ngôn trong đại hội. Khi người đội vòng nguyệt quế phát biểu ý kiến, nếu như có ai dám sỉ nhục người phát biểu thì người đó sẽ bị chủ tịch đuổi khỏi hội trường, thậm chí còn phải nộp tiền phạt. Nhưng người phát ngôn cũng cần phải có lễ độ không được làm nhục hoặc mắng chửi người khác. Nếu vi phạm quy định, mọi người sẽ không cho phép anh được phát ngôn hoặc bị chủ tịch tuyên bố là người đã đánh mất vinh dự.

Người thợ đá bắt đầu nói. Ông chỉ ra trong danh sách vừa mới tuyên bố, có ai đó mới chỉ có 29 tuổi, chưa đủ 30 tuổi, không thể làm ứng cử viên. Lại nói người nào đó năm ngoái đã đảm nhiệm một chức vụ rồi, năm nay không thể lại ra ứng cử lần nữa: Thảo luận về người ứng cử rất sôi nổi. Nếu có ai bị phát giác là chưa nộp thuế hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ đối với nhà nước, thì chẳng những bị hủy bỏ tư cách ứng cử viên mà còn bị trừng phạt nghiêm khắc.

Toàn bộ người ứng cử đều đã trải qua thẩm tra. Chủ tịch tuyên bố:

– Tuyển cử bắt đầu!

Lần Đại hội này cần bầu ra 10 vị tướng, 10 thống soái bộ binh 2 thống soái kỵ binh và 1 tư khố viên. Chủ tịch Đại hội hô to tên người ứng cử, các công dân giơ tay biểu quyết, thư ký ghi lại. Ai được đa số phiếu thì trúng cử. Tướng quân và thống soái bộ binh, kỵ binh nắm quân đội có quan hệ tới vận mệnh nước nhà cho nên nhất thiết phải do Đại hội biểu quyết. Tư khố viên là người nắm chìa khóa kho tàng nhà nước, một ngành quan trọng nên cũng cần Đại hội bầu chọn. Các quan lại khác, bao gồm 9 chấp chính quan, 500 đại biểu Hội đồng nhân dân, thẩm phán, 11 quan coi ngục, 10 thị chính quan 10 quan coi chợ, đều dùng cách bốc thăm để quyết định.

Bốc thăm được tiến hành trong một ngôi đền, ở đây đặt hai chiếc hòm. Một chiếc đựng rất nhiều bản danh sách ghi tên những người ứng cử, một chiếc đựng các hạt đậu trắng, đậu đen. Khi bốc thăm, một chấp chính quan được bầu chọn sớm nhất sẽ rút một tờ danh sách trong chiếc hòm, rồi nhặt ra một hạt đậu trong chiếc hòm khác. Nếu là đậu trắng, người ứng cử đã trúng cử, nếu là đậu đen thì đợi năm sau chờ vận may.

– Thật rủi ro, lại là đậu đen!

Nhiều người không trúng cử thường oán thán như vậy. Cũng nên biết thêm rằng, một người trong cả cuộc đời mà không đảm nhiệm một chức vụ gì, người đó sẽ bị coi là lười nhác, là người không làm nên trò trống gì. Phần lớn công dân đều không từ chối đảm nhiệm một chức trách nào đó, vì người gánh vác công việc chẳng những được mọi người tôn kính mà còn được hưởng một khoản thù lao.

Mọi chức vụ quan trọng đều phải bầu cử. Hai tháng sau, các quan chức đương nhiệm sẽ bàn giao, các quan chức mới sẽ nhận nhiệm vụ và điều hành công việc.

Mùa xuân năm sau, một vị quan chức cao cấp mới nhận chức đưa ra đề nghị triệu tập Đại hội công dân bất thường. Gọi là “bất thường”, vì trong Đại hội này ông nêu yêu cầu tổ chức “bỏ phiếu bằng Vỏ sò” (ostracisme). “Bỏ phiếu bằng vỏ sò” là gì? Vào cuối thế kỷ VI tr. CN, ông tổ của nền dân chủ Hy Lạp Cơlisten ban bố một pháp lệnh. Pháp lệnh này quy định bất cứ người nào có hành vi phá hoại chế độ dân chủ của đất nước, mưu đồ thực hiện độc tài cá nhân mà Đại hội công dân bất thường có ý kiến thì giao cho “tòa án Vỏ sò” xem xét và phán quyết có phải trục xuất khỏi Aten hay không. Trong đại hội bất thường lần này đa số công dân cho rằng cần phải tổ chức bỏ phiếu bằng vỏ sò, và cùng lớn tiếng gọi ra tên một người. Vì vậy Đại hội công dân lần thứ hai được triệu tập.

Ngày bỏ phiếu đã đến. Nơi bỏ phiếu có hàng rào vây quanh trổ ra mười cửa ngõ. Mỗi công dân đủ tư cách bầu cử, đến cửa vào của bộ lạc mình nhận một mảnh vỏ sò hoặc mảnh đồ gốm. Họ tự ghi tên người mà họ thấy cần phải trục xuất lên trên mảnh vỏ sò hay mảnh gốm rồi giao cho nhân viên bầu cử. Họ tên được ghi ở mặt phía dưới nên giữ được bí mật. Bỏ phiếu xong, nhân viên bầu cử của Đại hội công dân thống kê số phiếu. Nếu số phiếu ghi tên ai đó mà vượt quá 6000 phiếu thì người đó bị phán xử phải trục xuất 10 năm. Hết hạn mới được trở về Aten, khôi phục quyền công dân.

Bây giờ, không khí trong hội trường rất căng thẳng. Mọi người như nín thở chờ kết quả bỏ phiếu. Rất nhanh chóng, người chủ trì bỏ phiếu tuyên bố kết quả. Lần này người bị nhiều phiếu ghi tên nhất là con trai một quý tộc. Khi tên anh ta được công bố, cả hội trường lập tức reo mừng.

Một thủy thủ vui vẻ nói:

– Anh chàng này chuyên chống lại việc xây dựng hải quân. Hắn chẳng hề quan tâm đến việc bảo vệ đất nước.

Một nông dân khác nói:

– Hừ, điều hắn quan tâm là người nghèo khổ một khi làm tay chèo trên thuyền thì không cần đến một mẩu bánh mì mà vẫn đi được, chúng ta đâu cần đến kiểu quan lớn như vậy!

– Đuổi anh ta khỏi Aten!

Cả hội trường vang lên tiếng hô to. Con trai vị quý tộc bị dẫn ra khỏi hội trường.

Nền dân chủ Aten là một chế độ tiến bộ ở thời đó nhưng là nền dân chủ thuộc chế độ chiếm hữu nô lệ, phục vụ cho nền kinh tế nô lệ và giai cấp chủ nô Aten, nông dân và thợ thủ công chưa phải là chủ nhân thực sự của nền dân chủ này.

Một chàng trai ở thành bang Apđêra Hy Lạp đã vượt suối băng ngàn, đi suốt ba ngày tìm đến chỗ một thầy thuốc nổi tiếng nhất Hy Lạp lúc đó. Chàng trai vội vã nói với thầy thuốc:

– Thưa thầy tôn kính, thành bang chúng tôi xảy ra một chuyện bất hạnh, Chấp chính quan Đêmôcrit gần đây tinh thần thất thường, làm nhiều việc kỳ quái ngu ngốc. Ông đã phung phí phần lớn gia sản của cha, chẳng theo nghề nghiệp chính mà suốt ngày ngồi mổ xác thú vật ở trong vườn hoặc viết những bài văn hoang đường quái đản. Những người thân thích muốn chiếm đoạt tài sản của ông đã tố cáo lên tòa án, ông sắp bị trục xuất khỏi đất nước… Xin ngài rủ lòng thương tới chữa bệnh ngay cho ông ta.

Nghe nói vậy, vị thầy thuốc rất buồn. Từ lâu ông đã nghe nói Đêmôcrit là một nhà triết học nổi tiếng, tinh thông toán học, vật lý học, y học, thiên văn học, âm nhạc cho đến ngôn ngữ học. Không thể để một người có học vấn như vậy phát điên để đến nỗi phải đuổi đi, ông quyết định phải đi ngay để chữa bệnh cho Đêmôcrit.

Rất nhanh chóng, thầy thuốc và chàng trai đã về tới khu vườn nhà Đêmôcrit. Chỉ thấy Đêmôcrit đang ngồi trên một tảng đá, cuộn giấy chỉ thảo đặt trên đầu gối, đang chăm chú viết. Có lúc ông dừng bút đứng dậy suy nghĩ một hồi, miệng lẩm bẩm điều gì. Có lúc bước tới dưới hiên nhà cầm ruột gan con vật bị mổ lên ngắm nghía rồi lại đặt vào chỗ cũ, quay trở về ngồi trên tảng đá suy tư.

Chàng trai nói:

– Thầy xem, ông ấy điên đến như vậy rồi!

Thầy thuốc đáp:

Không, tạm thời không phải như vậy.

– Thầy làm sao thế? Nếu ông ấy là người bình thường, sao lại mổ bụng động vật ra rồi ngồi xem ruột gan của nó hàng mấy giờ liền.

– Những việc đó không thể chứng minh rằng ông ấy bị điên.

Lúc này có một đám người vây quanh thầy thuốc, khẩn khoản xin thầy chữa bệnh cho Chấp chính quan của họ.

Chàng trai trẻ vẫn thao thao bất tuyệt:

– Ôi chao, thầy không rõ đấy thôi. Chấp chính quan của chúng tôi còn không chịu thừa nhận chân lý mà mọi người đều biết. Mọi người ai chẳng bảo mưa là do Thần ban cho mọi người để mùa màng tươi tốt, ấy thế mà ông lại nói đó là do gió dồn mây lại tạo ra. Ông còn nói, người ta không phải vì làm điều xấu mà bị Thần trừng phạt, cũng không phải vì làm việc tốt mà được Thần che chở. Lại nói rằng, pháp luật không phải đã có khi thế giới được sinh ra mà do chính con người nghĩ ra. Thậm chí ông còn nói, toàn bộ thế giới là do cái vô cùng rộng lớn và những hạt vô cùng nhỏ bé tạo ra, ông gọi những hạt vô cùng nhỏ bé đó là “nguyên tử”. Không phải điên mà lại nghĩ như vậy, nói như vậy?…

Chàng trai vừa nói xong, bỗng nhiên xảy ra một sự lạ. Một con rùa từ trên trời rơi xuống trúng ngay vào đầu anh ta. Mọi người giật mình đứng ngây ra. Họ ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một con chim ưng bay ngang qua bầu trời.

Chà! Chết hết cả rồi! Mọi người cùng nói – Chim ưng là chim truyền tin của Thần Dớt. Cậu này rõ ràng đã làm Thiên thần tức giận nên Thiên thần mới trừng phạt cậu ta. Đám người sợ hãi bỏ chạy. Chỉ còn một mình thầy thuốc băng bó vết thương cho chàng trai rồi đưa anh về nhà. Sau đó ông quay lại chỗ Đêmôcrit.

Lúc này Đêmôcrit đang tranh luận kịch liệt với một học trò của Platôn. Người học trò của Platôn kêu lên:

– Thế nào, Đêmôcrit! Ngài là một người có học vấn như vậy mà lại tin vào tai và mắt của mình sao? Ngài đã nhìn thấy những con thuyền đi biển chưa? Những chiếc bơi chèo cắm xuống nước nhìn như sắp bị gẫy ra, nhưng nhấc khỏi mặt nước thì vẫn lành lặn như thường. Có thể thấy con mắt của chúng ta, tức thị giác, đang đánh lừa chúng ta, đó chính là các thần linh bất tử đang lừa chúng ta…

– Không, thưa triết gia tôn kính, đây không phải là đánh lừa Mái chèo mà chúng ta nhìn thấy dưới nước và mái chèo ở trên mặt nước vẫn là một. Chỉ có điều khi mái chèo ở dưới nước, do sư khúc xạ ánh sáng hay còn gọi là chiết quang của nước biển nên nhìn thấy như bị gẫy ra, nhưng sự thật không hề gẫy. Như vậy có gì là lạ đâu? Mọi sự vật trên thế giới đều phát triển theo một quy luật nhất định. Con người chẳng phải dựa vào các thần linh bất tử. . .

Thầy thuốc ngồi bên cạnh ngắt lời:

Đêmôcrit, ngài nói rất đúng! Ngài nói không có điều gì là lạ, nhưng tôi vừa chứng kiến một sự việc kỳ quái. Khi tôi vừa đến đây, có một con rùa từ trên trời rơi xuống, lại rơi trúng đầu một chàng trai. Như vậy là thế nào?

– Trên không lúc đó có phải có một con chim ưng?

– Đúng, chúng tôi nhìn thấy một con chim ưng to bay qua chỗ xảy ra sự việc.

– Thế là rõ ràng Chim ưng thích ăn thịt rùa, nhưng rùa lại rúc vào trong một cái mai, chim ưng không làm sao ăn thịt được, nó liền quắp con rùa bay lên thật cao rồi quăng rùa xuống đất, mai rùa vỡ ra, chim ưng có thể chén một bữa no nê. Chẳng may rùa rơi trúng đầu người đồng hương của tôi, tất nhiên đầu phải chịu bị thương thôi!

– Ngài giải thích thật có lý – Giọng ông thầy thuốc tỏ ra tán thành – Tôi cứ nghĩ lần này chắc ngài lại viện tới thánh thần hoặc đổ tại số mệnh.

– Chẳng làm gì có số mệnh. Mọi sự đều có nguyên nhân của nó. Trên đời này chẳng có cái gì đến từ hư không, cũng chẳng có cái gì sau khi hủy diệt lại trở về hư không.

– Ngài nói đúng. Nếu trong y học tôi cũng tin vào số mệnh, tin vào thần linh sáng tạo ra mọi thứ, thế thì chẳng cần phải tìm các vị thuốc, cũng chẳng cần phải làm các phẫu thuật, chỉ cần làm như các tăng lữ ở đền miếu, cầu khấn tụng niệm là xong. Nhưng tôi thì tôi biết rõ ràng rằng, cầu khấn tụng niệm chẳng thể chữa khỏi bệnh.

Vị học trò của Platôn kinh ngạc hỏi thầy thuốc:

– Thế nào, ngay cả ngài cũng đồng ý với thuyết vô thần ư? Ngài cũng cho rằng việc mổ bụng các thú rừng là một việc làm lớn lao và cực kỳ thông minh sao?

Vị thầy thuốc bỗng cười ngất:

– Ha ha, trước tôi cũng nghĩ người thích mổ xác thú rừng là người tinh thần thất thường. Đến đây xem mới biết được rút cục ai là người tinh thần thất thường. . .

Đang lúc tranh luận kịch liệt, bỗng nhiên có người bước vào, truyền lệnh Đêmôcrit phải đến tòa án để thẩm vấn.

Vị thầy thuốc quyết định theo Đêmôcrit ra hầu tòa. Ông cần phải chứng minh với mọi người rằng, Đêmôcrit không phải là người điên, cũng không phải là người phạm tội mà là nhà triết học thông minh nhất, có học vấn nhất ở thành bang Apđêra.

Đêmôcrit là nhà triết học duy vật nổi tiếng nhất Cổ Hy Lạp thế kỷ V tr. CN. Chính ông là người đầu tiên đề xuất tư tưởng sáng chói: Vật chất vĩnh viễn tồn tại. Ông sống đến 90 tuổi, đi nhiều nơi, đến cả Ai Cập và các vùng đất phương Đông. Viết rất nhiều tác phẩm về khoa học tự nhiên. Chỉ đáng tiếc lưu lại tới ngày nay chỉ còn một số phiến đoạn luận bàn về Động vật thực vật mà thôi.

Bạn biết truyện “Chó sói và dê con” không? Chuyện kể rằng:

Một hôm, chó sói và dê con tình cờ cùng uống nước bên bờ một dòng sông nhỏ. Chó sói muốn tìm cớ để ăn thịt dê con, bèn mắng dê con làm bẩn dòng nước. Dê con nói:

– Anh ở phía trên dòng nước, tôi ở cuối dòng nước, làm sao tôi lại khuấy bẩn được nguồn nước ở trên?

Mẹo này không thành, sói lại nghĩ ra mẹo khác, giọng tỏ ra giận dữ:

– Năm ngoái, mi dám chửi mắng cha ta?

Dê con vội vàng phân trần:

– Khi đó tôi còn chưa ra đời.

Tức quá, Sói bèn hung hăng nói:

– Dù mi nói có lý nhưng tao cũng quyết không tha cho mi!

Nói rối nó chồm lên vồ lấy dê con, ăn thịt luôn.

Câu chuyện này nói với chúng ta, kẻ xấu luôn nghĩ chuyện làm điều xấu và sẵn sàng tìm ra mọi cớ để làm.

Truyện “Chó sói và dê con” là một trong những truyện ngụ ngôn Êdốp nổi tiếng. Tương truyền Êdốp là một gia nô ở Cổ Hy Lạp thế kỷ VI tr. CN, sau được chủ nô giải phóng. Ông có khuôn mặt xấu xí nhưng trí óc thông minh tuyệt vời Êdốp ứng tác rất nhiều truyện ngụ ngôn, phản ánh sự bất bình và phản kháng của đông đảo nô lệ và bình dân lớp dưới đối với nền thống trị của quý tộc chủ nô, thể hiện sự thông minh tài trí và lý tưởng sống của những người bị áp bức. Ngoài câu chuyện “Chó sói và dê con” nói trên hãy còn rất nhiều chuyện thú vị khác.

Truyện “Người nông phu và con rắn” kể rằng: giữa mùa đông, bác nông phu nhìn thấy một con rắn đang bị rét cóng, thương tình bác liền ủ nó vào trong lòng. Con rắn được sưởi ấm đã tỉnh lại, bản tính của nó hồi phục, liền cắn chết ngay ân nhân của mình. Bác nông phu trước khi chết, nói:

– Ta thương xót kẻ ác lại bị ác báo.

Câu chuyện nhắc nhở chúng ta không được thương xót những kẻ ác độc như loài rắn.

“Chuyện cãi nhau của các con người nông phu” kể rằng: Các con của người nông phu nọ rất hay tranh cãi nhau, bác đã nhiều lần khuyên bảo nhưng vô hiệu liền đem ra một bó đũa bảo các con bẻ gẫy. Các con dùng hết sức cũng không bẻ gẫy được. Bác liền tháo bó đũa ra, đưa cho mỗi con một chiếc, các con đều bẻ gẫy dễ dàng. Bấy giờ bác nông phu mới dạy các con:

– Các con xem, nếu như đồng tâm nhất trí, các con sẽ không bị kẻ thù chinh phục, nhưng nếu chia rẽ nhau tất sẽ bị bẻ gẫy như chiếc đũa này.

Câu chuyện chứng minh đoàn kết là sức mạnh.

Còn như truyện “Thỏ rùa thi chạy” khuyên người ta không được kiêu ngạo, “Quạ và cáo” chế giễu lòng hiếu danh của một số người; “Con cáo và chùm nho” chê cười kẻ bất tài lại tự bằng lòng, tự an ủi mình; “Người đập tượng thần” thể hiện sự hoài nghi đối với thần linh; “Chim cắt và bọ ngựa” ca ngợi sự thông minh và khôn khéo của người lao động.

Êdốp sáng tác rất nhiều truyện ngụ ngôn đả kích nền thống trị của quý tộc chủ nô, vì vậy bọn chủ nô và quý tộc tìm trăm phương ngàn kế hãm hại ông. Tương truyền rằng, vào một ngày trong năm 560 tr. CN, Êdốp bị bắt rồi bị áp giải đến một mỏm đá cao bên bờ biển Êgiê. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, Êdốp vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, kiên cường bất khuất.  Cuối cùng tên đao phủ đã đẩy ông rơi khỏi mỏm đá.

Êdốp bị sát hại, song những truyện ngụ ngôn của ông vẫn lưu truyền mãi trong dân gian. Chỉ có điều ở thời Êdốp cũng như một thời gian dài sau khi ông mất, truyện ngụ ngôn của ông chưa có điều kiện ghi thành sách. Cho mãi tới thế kỷ III tr. CN, đại để vào khoảng hai ba trăm năm sau khi ông qua đời, một ngừời Hy Lạp đã sưu tập được hơn 200 câu chuyện đang lưu truyền, viết thành cuốn sách có tên là “Tập truyện Êdốp”. Tiếc rằng quyển sách đó sau này bị thất lạc. Đến đầu thế kỷ I sau CN, có một nô lệ Hy Lạp được phóng thích do có tài năng đã dùng chữ La tinh viết lại hơn 100 truyện. Đồng thời, một người khác dùng chữ Hy Lạp viết lại 122 truyện. Tới thế kỷ IV sau CN, một người Rôme dùng chữ La-tinh viết lại 42 truyện. Sau này, có người còn đưa thêm vào nhiều truyện của Ấn Độ, Arập và Kitô giáo, Qua nhiều lần sưu tầm, chỉnh lý, viết lại, đã hình thành nên “Truyện ngụ ngôn Êdốp” mà chúng ta đọc ngày nay, gồm 360 truyện. Những truyện ngụ ngôn này, có truyện do Êdốp sáng tác, có truyện do người đương thời hoặc người đời sau sáng tác, cho nên không tránh khỏi những hạt sạn lẫn trong đó. Nhưng “Truyện ngụ ngôn Êdốp” đã bảo tồn được rất nhiều truyện có ý nghĩa sâu sắc, cho tới hiện nay vẫn để lại cho chúng ta nhiều bài học giáo dục quý giá.

Chọn tập
Bình luận