Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Đavit Và “Cái Chết Của Mara”

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

ĐAVIT VÀ “CÁI CHẾT CỦA MARA”

 
Ở bảo tàng Brucxen Bỉ hiện vẫn trân trọng lưu giữ bức tranh “Cái chết của Mara”, một danh họa thế giới, do Đavit họa sĩ người Pháp sáng tác. Họa sĩ bằng những nét vẽ mạnh mẽ, trầm tĩnh và một tâm hồn sâu sắc đã phác họa lại cảnh tượng hy sinh anh dũng của người anh hùng trong cuộc Đại cách mạng Pháp.
Như mọi người đều biết, Mara là một nhà vật lý nổi tiếng. Trong cuộc Đại cách mạng Pháp, ông là lãnh tụ quan trọng của phái Giacôbanh, là chủ bút của tờ “Bạn dân” – cơ quan ngôn luận của cách mạng. Ngày 13 tháng 7 năm 1793, ông bị Sáclôtơ Coócđây – nữ đặc vụ của phái Girôngdanh ám sát chết. “Cái chết của Mara” đã tái hiện chân thực bức tranh lịch sử đương thời.
Ta hãy nhìn bức tranh! Phần trên bức tranh là một khoảng trống đen kịt, đem lại cho người xem ấn tượng về một bối cảnh bi tráng. Nửa người trên Mara ở trần nằm trong bồn tắm vì Mara bị bệnh da liễu nặng, phải thường xuyên ngâm mình trong nước để làm việc trước ngực có một vết thương, máu rỉ ra ướt đỏ cả khăn tắm. Đó là cảnh ông hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Đầu Mara ngửa về phía sau, mặt nhìn thẳng vào chúng ta, tay trái cầm một lá thư. Trong thư viết: “Ngày 13 tháng 7 năm 1793 Anna Mari Coocđai gửi công dân Mara. Tôi quá bất hạnh, hoàn toàn có quyền được Ngài đồng tình”. Nữ đặc vụ Sáclôtơ dựa vào lá thư đó vào được phòng của Mara. Cạnh bồn tắm đặt một chiếc bàn gỗ nhỏ trên có một lọ mực và một tờ giấy. Trên tờ giấy có chữ Mara viết: “Anh hãy đưa tờ 5 phrăng này cho bà mẹ 5 con đó, chồng bà đã hy sinh cho Tổ quốc, Mara đang viết tờ giấy này thì bị đâm chết. Tay phải của ông thõng xuống đất, bàn tay còn nắm chặt chiếc bút lông ngỗng, chứng tỏ ông chết trong lúc đang làm việc. Trên đất có một con dao găm, tất nhiên đó là hung khí của con nữ đặc vụ. Bức chân dung giản dị trang nghiêm này thể hiện sinh động cuộc đời vĩ đại của nhà cách mạng Mara. Ông anh dũng, ngoan cường, yêu nhân dân, đã để lại một ấn tượng tươi sáng trong lòng nhân dân.
Đavit sở dĩ vẽ được bức tranh “Cái chết của Mara” sâu sắc đến như vậy vì bản thân ông là một nhà cách mạng.
Giắc Lui Đavit sinh năm 1748 trong một gia đình buôn bán quần áo. Ông lên 9 thì bố mất, 18 tuổi ông vào học vẽ ở Học viện nghệ thuật. Ông học chăm chỉ, nhanh chóng thể hiện rõ tài năng nghệ thuật của mình. Bức tranh “Lời thề của anh em Hơrát” vẽ năm 1784, ông lấy đề tài từ lịch sử cổ đại Rôma, đã thể hiện được khí phách anh hùng của nhân dân. Bức tranh này hiện được trân trọng lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật trong cung điện Luvrơ Pari.
Năm 1790, Đavit tuyên thệ gia nhập Câu lạc bộ Giacôbanh, trở thành một người lãnh đạo sự nghiệp nghệ thuật trong thời kỳ cách mạng Pháp. Chính trong năm đó, ông sáng tác bức danh họa lịch sử rất sống động “Tuyên thệ ở sân bóng”. Là thành viên của Hội đồng Dân ước, ông bỏ phiếu tán thành xử tội quốc vương. Vì việc đó, vợ ông sợ hãi cuối cùng li dị ông. Sau khi li dị, Đavit dốc sức vào sự nghiệp cách mạng. Ngày 12 tháng 7 năm 1793, trước hôm Mara bị ám sát, ông đến nhà thăm Mara. Trước cảnh Mara lâm bệnh nặng phải ngồi làm việc trong bồn tắm, Đavit vô cùng cảm động. Hôm Mari bị đâm chết, Đavit đang điều khiển phiên họp của Hội đồng Dân ước. Khi biết tin Mara bị giết, Đavit lập tức đến ngay hiện trường, vẽ một bức phác họa nơi Mara hy sinh và viết vào bức phác họa dòng chữ: “Hiến đấng Mara – người bạn của nhân dân”. Sau đó, Đavit bỏ ra hai tháng ròng sáng tác nên bức danh họa thế giới muôn đời bất hủ – “Cái chết của Mara”. với tất cả tình cảm cách mạng nồng nàn của mình.
Sau cuộc chính biến tháng Nóng phản cách mạng, vì Đavit là nhân vật quan trọng của phái Giacôbanh nên ông bị bắt giam. Vợ ông thông cảm với cảnh ngộ của ông, đã thường xuyên tới thăm nuôi và tỏ ý muôn nối lại quan hệ vợ chồng. Thế là từ đó hai vợ chồng quay lại với nhau tốt đẹp như xưa. Sau khi chấp chính, Napôlêông phong cho ông danh hiệu vinh dự “Họa sĩ hàng đầu”. Đavit đã vẽ cho Napôlêông rất nhiều tranh chân dung, trong đó có bức tranh “Napôlêông vượt qua núi Anpơ” mang đậm màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn.
Napôlêông thất bại, vương triều Buốcbông được phục hồi, Đavit vì trước đây bỏ phiếu tán thành xử tử quốc vương nên đã bị tước quyền công dân và tịch thu toàn bộ tài sản, phải rời Tổ quốc đến Bỉ tị nạn. Cuối năm 1825, ông bị tai nạn xe cộ chết ở Brucxen. Sau khi chết, nhà vua Pháp vẫn không cho phép đem thi hài ông về nước an táng. Mãi đến khi cuộc “Cách mạng Tháng Hai” năm 1830 đánh đổ vương triều mới phục hồi, hài cốt ông mới được đem về an táng tại nơi đặt phần mộ của vợ ông trong nghĩa trang Lase ở Pari.

THẦN ĐỒNG

Hôm nay trong Cung điện mùa Hạ của nhà vua ở Viên rất nhộn nhịp, gia tộc của Hoàng đế Áo và các gia đình quí tộc lũ lượt kéo nhau đến phòng hòa nhạc, nghe nói là để xem “thần đồng” trình diễn âm nhạc. Trong thâm tâm họ, ngoài chuyện hiếu kỳ ra còn có phần bán tín bán nghi.
Màn sân khấu mở, hai em bé đi ra. Cô chị 11 tuổi, cậu em mới 6 tuổi. Hai em lễ phép cúi đầu chào khán giả rồi ngồi vào chiếc đàn dương cầm cùng biểu diễn chung. Tiếng đàn rất hài hòa, nghe rất hay. Sau đó, từng em diễn tấu riêng tiết mục của mình. Bé trai diễn tấu nổi trội hơn, tiếng đàn viôlông réo rắt như tiếng chim hót líu lo, khi em diễn tấu trên một loại dương cầm cổ thì tiếng đàn nghe như tiếng nước suối reo. Tiếp đó em còn biểu diễn nhiều loại nhạc cụ như đàn gió v.v… Những bản nhạc em biểu diễn đều là những tác phẩm của các nhạc sĩ có tên tuổi trên thế giới, rất khó nhưng em diễn tấu rất hoàn hảo, không hề có một lỗi nhỏ. Khán giả bị tiếng đàn của em làm cho say mê, những tràng vỗ tay nồng nhiệt luôn luôn vang lên.
– Con yêu quí! Con sáng tác nhạc được không? – Một phu nhân quí tộc hỏi em.
– Thưa phu nhân, xin phu nhân ra đề. – Em bé thản nhiên nói.
Một em bé ít tuổi như vậy mà sáng tác nhạc theo đề tài người khác ra! Bà quí tộc cảm thấy rất kỳ lạ, muốn thử xem sao, bèn ra cho em một đề tài.
Ngồi trước chiếc đàn dương cầm cổ, em bé ngước đầu suy nghĩ một lát, đột nhiên các ngón tay lướt trên phím đàn. Tiếng đàn dồn dập như tiếng suối reo, những nốt nhạc theo nhau tuôn trào làm nổi bật nội dung chủ đề. Khán giả ai cũng sửng sốt, đều lớn tiếng ngợi khen.
– Em bé thông minh ơi! Em chơi thật tuyệt. Nếu mắt không nhìn phím đàn liệu em có đánh được không? – Một công tử quí tộc mỉm cười đứng dậy hỏi.
– Cám ơn ngài quá khen. Xin cho một mảnh vải. – Em bé thong thả đáp.
Lập tức có người đưa tới một mảnh vải trắng phủ kín cả bàn phím. Em bé luồn hai tay xuống dưới vải, như vậy em không nhìn thấy phím đàn và cả hai bàn tay em nữa. Tiếng đàn vang lên. Một bản nhạc nổi tiếng trên thế giới với những hòa âm phức tạp âm vang khắp đại sảnh như đưa người ta vào thế giới thần kỳ.
– Thần đồng!Thần đồng!
– Đích thực là thần đồng âm nhạc. Khán giả dưới sân khấu kêu lên.
Viên là thủ đô âm nhạc của thế giới, có rất nhiều đại sư âm nhạc, thế nhưng một cậu bé tổ chức liên tục hai tuần lễ biểu diễn ở đây mà ngày nào cũng kín chỗ ngồi, buổi diễn nào cũng được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt, quả là một kỳ tích!
Sự kiện trên xảy ra vào mùa thu năm 1762. Cô chị là Anna Maria, cậu em là Vôngang Môda. Môda sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756. Cha cậu là một nhạc sĩ có tiếng của Áo, tài năng của ông bị thế lực tôn giáo kìm hãm, nên ông gửi gắm hy vọng vào thế hệ sau, dốc hết sức bồi dưỡng cho đứa con trai.
Môda đặc biệt thông minh hiếu học, được cha chăm lo dạy dỗ, 3 tuổi đã nghe hiểu được âm nhạc, 4 tuổi đã đánh được đàn dương cầm cổ và đàn oóc, 5 tuổi đã tập sáng tác nhạc. Lúc 6 tuổi, cha đưa cậu đến thủ đô Viên biểu diễn. Sau đó, cha đưa cậu đi lưu diễn 10 năm ở châu Âu, đến các nước thăm và học nghề ở các danh sư: Năm 1763, Môda tổ chức nhạc hội ở Pari, buổi diễn nào cũng gây được tiếng vang lớn, thực sự đã chinh phục được cả nước Pháp. Một hiệu sách ở Pari đã xuất bản một tập nhạc của cậu bé 7 tuổi này sáng tác ở Pháp, gồm 4 bản nhạc viết cho đàn oóc và đàn viôlông. Sau đó cha cậu lại đưa cậu đến nhiều nước khác như Anh, Italia v.v. , ở đâu cậu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt.
Sự kiện khá thú vị là một kỳ thi đặc biệt của cậu bé vào năm 1764.
Để chứng thực tài năng âm nhạc của Môda, các giáo sư của Học viện âm nhạc Bôlônha đưa cậu bé vào một gian phòng nhỏ, giao cho cậu một phong bì và bảo: Trong phong bì có đầu đề, chúng tôi yêu cầu em trong hai tiếng sáng tác một bản nhạc cho pianô. – Nói xong, các giáo sư để em ở trong phòng một mình và khóa cửa lại.
Các giáo sư đứng ngoài cửa đợi. Chưa đến nữa tiếng bỗng có tiếng gõ cửa “cạch,  cạch”- Các giáo sư mở cửa, sửng sốt khi thấy Môda cười khanh khách bước ra ung dung nộp bài thi. Các giáo sư bình xét rất kỹ tác phẩm của cậu và thảy đều khâm phục. Yêu cầu trong một thời gian ngắn như vậy phải sáng tác một bản nhạc thành công cho pianô, chuyện đó khó có ai làm nổi.
Môda tuy có một tài năng âm nhạc phi phàm, nhưng cuộc đời mang lại cho ông chỉ là cùng khốn và áp bức. Các thế lực đen tối của quí tộc và tôn giáo tầng tầng lớp lớp cản trở sự trưởng thành của ông. Ông không sợ cường bạo, không sợ bị hãm hại, liên tục sáng tác và đấu tranh trong cảnh khó khăn nghèo khổ. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã sáng tác 17 vở ca kịch, 49 bản nhạc giao hưởng và rất nhiều bản nhạc viết cho các loại nhạc cụ, được mọi người cho là “kỳ tích của thế kỷ 18”. Nhưng vở ca kịch của ông như “Hôn lễ của Phigarô” v.v. đã đả kích mạnh mẽ và châm biếm sâu cay thói đạo đức giả và sự thối nát của quí tộc. Các vở kịch ý nghĩa xã hội tích cực và tinh thần dân chủ, được cả thế giới tán thưởng.
Đêm mồng 4 tháng 12 năm 1791, Môda ốm chết trong cảnh ngộ thê lương lúc chưa đầy 36 tuổi. Hôm đưa tang, tuyết đầy trời, cả một vùng trắng xóa không phân biệt đâu là đông tây nam bắc. Vì gia đình ông không có tiền nên chôn ông trong nghĩa trang công cộng của người nghèo. Trong bãi nghĩa trang tồi tàn đó, mộ chôn chi chít, cho nên đến nay không thể xác định chắc chắn Môda chôn ở chỗ nào. Thế nhưng tên tuổi của Môda, đại sư âm nhạc của thời đại sống mãi trong lòng mọi người.

ÔNG “THÁNH NHẠC” BÊTÔVEN

“Cạch! Cạch! Cạch!” Có người gõ cửa. Giọng một người ở nơi khác vọng vào:
– Xin hỏi, ông Môda có nhà không ạ?
– Xin mời vào! Đang cùng mấy nhạc sĩ trao đổi về việc sáng tác nhạc. – Môda nói vọng ra.
Cửa mở, một thanh niên ăn mặc quần áo bụi bậm bước vào, thoạt nhìn đã biết là người từ xa tới. Vừa bước vào nhà, chàng thanh niên đã ngả mũ chào Môda rất cung kính, chứng tỏ chàng rất kính trọng và ngưỡng mộ ông. Sau đó chàng tự giới thiệu:
– Tôi là Bêtôven, tôi từ Đức đến đây để xin gặp ngài, xin được ngài chỉ bảo.
Nghe thấy tiếng “Bêtôven”, Môda hiểu ngay rằng đây là chàng nhạc sĩ trẻ rất có triển vọng. Ông biết ông nội và cha của Bêtôven đều là nhạc sĩ. Bêtôven 4 tuổi đã bắt đầu học đàn, 8 tuổi đã tổ chức nhạc hội của cá nhân, 11 tuổi đã sáng tác “Bài ca tang lễ” nổi tiếng châu Âu, 13 tuổi đã vào dạy phong cầm trong hoàng cung. Lần này Bêtôven đến thành phố Viên nổi tiếng về âm nhạc này chắc chắn là để thăm bạn bè và tìm thầy học đạo. Song Bêtôven có tài năng âm nhạc hay không? Môda muốn kiểm tra xem sao.
– Cậu ngồi xuống chơi một bản nhạc pianô đi! – Môda ôn tồn bảo Bêtôven.
Bêtôven gắng hết sức diễn tấu một bản nhạc pianô rất khó, bụng nghĩ rằng Môda nhất định rất hài lòng.
Nét mặt Môda vẫn bình thường, ông tiện tay lấy một tờ giấy viết vào đó mấy chữ rồi đưa cho Bêtôven và nói:
– Cậu soạn một bản nhạc cho pianô theo chủ đề này!
Bêtôven cảm thấy lo lắng, ấm ức trong lòng. Cậu trấn tĩnh lại, suy nghĩ một lát rồi hai tay ấn vào phím đàn: Phút chốc, tiếng đàn trào dâng dào dạt như nước thủy triều, một giai điệu thần kỳ âm vang cả gian phòng.
– Cừ lắm! – Nghe xong khúc ngẫu hứng của Bêtôven, Môda nhìn mấy nhạc sĩ ngồi xung quanh nói – Xin các vị chú ý đến chàng trai đến từ bờ sông Ranh này, tương lai tài hoa âm nhạc của cậu ta sẽ làm chấn động cả thế giới đấy!
Các nhạc sĩ đều vui mừng vỗ tay ran.
Chuyện đó xảy ra vào mùa xuân năm 1787 khi Bêtôven vừa tròn l 7 tuổi.
Bêtôven không phụ lòng kỳ vọng của Môda. Suốt một thời gian dài, Bêtôven giam mình trong nhà trọ, không ra ngoài, không tiếp khách, lao vào luyện đàn.
Một hôm, một bà ở tầng dưới đột nhiên la toáng lên:
– Trần nhà bị dột rồi, ai trên lầu chú ý cho một chút! – Nói thế nhưng nước vẫn cứ tiếp tục nhỏ xuống. Bực mình bà ta sai người đầy tớ lên xem sao. Khi bước vào phòng của Bêtôven, anh đầy tớ sững sờ cả người: Bêtôven đang luyện đàn. Các ngón tay anh như những mũi tên lao xuống phím đàn phát ra những âm thanh ầm vang như triều dâng thác đổ, Các ngón tay nóng lên, anh phải nhúng vào chậu nước cho mát, vẩy nước đi rồi lại tiếp tục nhấn phím đàn. Nước trong chậu đã dùng hết, nước vẩy ra loang khắp sàn nhà, nhỏ xuống cả tầng dưới.
Có một lần, Bêtôven đi dạo trên cánh đồng ngoại ô. Ráng chiều rực đỏ cả dãy núi xanh phía xa, cảnh sắc rất đẹp. Bêtôven lặng lẽ đi đi lại lại, cho mãi khi trời tối chẳng nói lời nào với người cùng đi. Bỗng nhiên Bêtôven reo lên: “Tôi tìm ra chủ đề rồi!” Nói xong Bêtôven chạy như bay vào thành phố. Về đến phòng, chẳng kịp bỏ mũ và áo khoác ngoài ra đã ngồi vào chiếc đàn pianô dạo ngay bản nhạc vừa mới làm.
Một lần khác, Bêtôven tới một hàng cơm, vừa ngồi xuống các ngón tay đã gõ liên tục xuống mặt bàn. Anh cứ gõ như vậy đến hơn một tiếng đồng hồ, nhà hàng thấy lạ chạy lại hỏi anh. Bêtôven chợt nhớ ra là mình đang ngồi ở hàng cơm bèn hỏi: “Tính tiền đi, tôi phải trả bao nhiêu tiền?”. Người nhà hàng đều cười phá lên vì anh đã ăn gì đâu!
Bêtôven dồn hết tâm trí vào học tập và sáng tác như vậy đó.
Tài năng âm nhạc của Bêtôven gắn bó chặt chẽ với lý tưởng chính trị dân chủ của mình. Bêtôven yêu tự do, bình đẳng và bác ái. Có thể nói, cuộc đời của ông là cuộc đời của một chiến sĩ dùng vũ khí âm nhạc tiến công vào thế lực phong kiến.
Ngay từ khi còn học ở Đại học Bon, Bêtôven đã chịu ảnh hưởng của cuộc Đại cách mạng Pháp. Xinaet, giáo sư văn học của trường là một nhà cách mạng. Nghe tin nhân dân Pháp công phá ngục thành Basti – lũy phong kiến chuyên chế, giáo sư đã cất cao tiếng đọc những bài thơ của mình hô hào nhân dân chặt đứt xiềng xích chuyên chế. Thế lực phản động Đức đã xử tử giáo sư. Bêtôven sục sôi bầu nhiệt huyết, quyết tâm viết một bản nhạc giao hưởng ca ngợi Đại cách mạng Pháp. Năm 1804, bản nhạc giao hưởng thứ ba “Bản giao hưởng anh hùng” được hoàn thành. Với giai điệu trang nghiêm hùng vĩ, bản nhạc đã nói lên tiếng lòng của những anh hùng cách mạng.
Chương 1 của “Bản giao hưởng anh hùng” diễn tả cuộc đấu tranh gian khổ đầy máu và nước mắt của nhân dân. Chương thứ hai “Hành khúc tang lễ” – với giai điệu đau thương phẫn nộ tỏ lòng tiếc thương các vị anh hùng nhân dân. Chương thứ ba tiết tấu mạnh mẽ diễn tả quang cảnh hùng tráng oanh liệt của cuộc khởi nghĩa cách mạng. Chương thứ tư là cảnh tượng sung sướng mừng vui khi nhân dân giành được tự do. Bốn chương hợp lại thành một bộ sử thi hoàn chỉnh. Khi bắt đầu sáng tác, Bêtôven rất sùng bái Thống soái Napôlêông người bảo vệ cách mạng Pháp, nên trên trang bìa bản nhạc giao hưởng ông đề mấy chữ lớn “Kính dâng Napôlêông Bônapác”. Nhưng khi bản nhạc hoàn thành, Napôlêông đã vứt bỏ nền cộng hòa lên ngôi hoàng đế, Bêtôven vô cùng đau khổ xóa hàng chữ trên thay vào dòng chữ “Bản giao hưởng anh hùng – kỷ niệm một vĩ nhân”. Vĩ nhân đây chính là nhân dân cách mạng.
Thành công trong sáng tác nghệ thuật khiến danh tiếng của ông vang khắp gần xa. Rất nhiều quí tộc đua nhau ve vãn nhưng Bêtôven không thèm ngó ngàng tới.
Có lần, một phu nhân quí tộc trẻ đến bên Bêtôven thỏ thẻ những lời ngọt ngào dịu dàng, rồi cuối cùng xin ông mấy sợi tóc làm kỷ niệm. Bêtôven đã thỏa mãn yêu cầu đó. Mấy hôm sau, trong một dịp tiếp khách, vị phu nhân quí tộc đó mang mấy sợi tóc ra khoe “tình bạn” của mình với Bêtôven. Lúc đó vừa hay Bêtôven đi tới, mọi người vây quanh hỏi ông. Bêtôven cười bảo: “Những sợi lông tôi cho bà ta chỉ là một nhúm râu của sơn dương thôi mà!” làm cho mọi người cười phá lên.
Lại một lần, trong một nhạc hội Bêtôven diễn tấu bản “Ánh trăng”, một nhạc phẩm có giai điệu êm đềm sâu lắng. Mọi người đều yên lặng lắng nghe, chỉ có một vị bá tước là to tiếng làm ồn. Bêtôven tức giận ngừng biểu diễn và nói lớn: “Tôi không thể biểu diễn cho những con lợn ngu xuẩn đó nghe được!” Vị thân vương chủ trì buổi nhạc hội bênh bá tước, bước tới quở mắng Bêtôven. Bêtôven trợn tròn mắt, tức giận quật lại: “Thưa thân vương, ngài sở dĩ trở thành quí tộc chẳng qua là nhờ vào nguồn gốc xuất thân của mình, còn tôi hoàn toàn nhờ vào sự cố gắng của bản thân. Hiện tại trên thế giới có hàng ngàn hàng vạn quí tộc, tương lai sẽ còn có hàng ngàn hàng vạn quí tộc nữa, nhưng Bêtôven thì chỉ có một mình tôi thôi” Nói xong, ông rảo bước đi ra khỏi hội trường.
Bêtôven và đại văn hào Gớt là đôi bạn thân. Nhưng Bêtôven thường không hài lòng với bạn, vì Gớt thường có thái độ phục tùng bọn quí tộc.
Một hôm, Bêtôven gặp Gớt ở bãi tắm Bôhêm cảnh sắc tuyệt vời. Khi hai người đang chuyện trò vui vẻ thì Hoàng hậu, Thái tử nước Đức và các quan thị vệ hoàng cung đi tới. Thái tử nhìn thấy Bêtôven bèn ngả mũ tỏ ý kính trọng. Bêtôven chỉ ngửa đầu lên một chút, dường như không nhìn thấy. Gớt đứng bên cạnh, vừa thấy Hoàng hậu và Thái tử đã vội phủi cát trên người, cài lại cổ áo, ngả mũ, cúi người chào. Nhìn thấy vậy, Bêtôven thở dài nói:
– Chà! Tôi cứ nghĩ anh là nhà thơ có khí phách, nhưng bây giờ tôi lại cho rằng anh chẳng có tí gì giống với tác giả của “Faust”, cũng chỉ là một kẻ tầm thường tức cười.
Bắt đầu từ năm 1816, sức khỏe của Bêtôven ngày càng kém. Tiếp đó lại xảy ra một bi kịch: hai tai của Bêtôven bị điếc. Là một nhạc sĩ, tai là cửa sổ tâm hồn, mất thính giác quả thực còn đau khổ hơn bị tử hình! Nhưng Bêtôven không hề nản chí, ông dùng bút lặng lẽ sáng tác trên năm dòng kẻ, tiếp tục cho ra đời một khối lượng tác phẩm âm nhạc nhiều hơn trước đó, góp thêm bao nhiêu viên ngọc quí cho kho tàng âm nhạc của thế giới.
Công việc thật vô cùng gian nan vất vả. Năm 1822, sau khi sửa xong khúc nhạc dạo đầu cho vở “Hecman” của Gớt, Bêtôven đích thân chỉ huy dàn nhạc tập luyện. Kết quả là giữa chỉ huy và dàn nhạc không ăn khớp, dàn nhạc chơi loạn xạ chẳng ra sao. Bêtôven thấy tình hình không hay, nhưng ông lại không nghe được âm thanh, đành phải lấy ra một quyển vở nhờ bạn mình nói rõ xem sao. Ông bạn chỉ viết một câu: “Anh không nên chỉ huy nữa”. Xem xong câu đó, Bêtôven mặt nhợt ra nhảy vội xuống sân khấu chạy thẳng về nhà, vừa vào đến cửa đã nằm phịch xuống giường không dậy nữa. Ông bạn chạy về xem có chuyện gì xảy ra, chỉ thấy Bêtôven hai tay bưng mặt nằm bất động, buồn khổ vô chừng!
Trong thế giới đen tối, Bêtôven muốn sáng tạo ra ánh sáng. Trong hoàn cảnh khổ đau, Bêtôven muốn sáng tạo ra niềm vui. Với một nghị lực phi thường, Bêtôven dựa vào bài “Niềm vui” của nhà thơ Sile đã sáng tác bản “Giao hưởng thứ chín” “Nhạc giao hưởng hợp xướng” ca ngợi ánh sáng và niềm vui. Lần công diễn đầu tiên tác phẩm này vào năm 1824, đã liên tiếp nhận được 5 lần vỗ tay nhiệt liệt của cả rạp. Cảnh sát trưởng lo đã xảy ra chuyện gì, vội xông vào rạp để giữ trật tự, vì theo qui định hồi đó, chỉ khi Hoàng đế vào rạp mới vỗ tay ba lần. Lúc đó, vì nghe không thấy âm thanh nên Bêtôven ngồi lặng lẽ ở hậu trường. Một ca sĩ giọng nữ cao kéo Bêtôven ra trước sân khấu. Bêtôven được tận mắt thấy quang cảnh cuồng nhiệt của khán giả cảm động quá ngất xỉu.
Ngày 26 tháng 3 năm 1827, Bêtôven lâm bệnh rồi qua đời ở Viên. Trong cuộc đời mình, Bêtôven viết được 9 bản giao hưởng, 32 bản nhạc viết riêng cho pianô, ngoài ra còn có một, hai trăm bản hòa tấu với pianô và viôlông, rất nhiều tác phẩm trong đó được viết sau khi ông đã bị điếc. Để ghi nhớ những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp âm nhạc, mọi người tôn vinh ông là vị “thánh nhạc”.

CHIẾC CỐC BẠC ĐỰNG ĐẦY ĐẤT MẸ

Tiếng đàn pianô khi êm dịu du dương như những làn mây nhẹ nhàng trôi trên bầu trời, khi dồn dập như tiếng thác đổ, thiên biến vạn hóa làm say đắm lòng người. Tiếng đàn vừa dứt, dưới sân khấu nổ ran một tràng vỗ tay nồng nhiệt. Chàng nhạc sĩ trẻ đứng dậy cúi đầu cảm ơn khán giả, đại biểu khán giả lên tặng chàng một chiếc cốc bạc rất tinh xảo. Hai tay đón lấy chiếc cốc, nhạc sĩ cảm thấy nặng trịch, hóa ra trong đựng khá nhiều đất.
– Sôpanh thân yêu, đựng trong chiếc cốc bạc này là nắm đất Ba Lan – Tổ quốc của chúng ta. Nhạc sĩ sắp đi xa, tôi thay mặt nhân dân Vácsava tặng nhạc sĩ làm chút kỷ niệm – Vị đại diện giọng bùi ngùi nói với Sôpanh.
Sôpanh tay nắm chặt lấy chiếc cốc, áp sát vào nơi trái tim đang đập rộn rã, nước mắt rưng rưng nói:
– Tổ quốc ơi! Tôi mãi mãi trung thành với Người, tôi sẽ hiến thân cho Người, tôi mãi mãi dùng tiếng đàn ca ngợi Người!
Đại biểu khán giả cảm động trào nước mắt ôm chặt lấy Sôpanh. Dưới sân khấu tiếng vỗ tay lại vang lên như sấm.
Quang cảnh cảm động nói trên diễn ra trong buổi nhạc hội tổ chức ở Vacsava ngày mồng 1 tháng 11 năm 1830 để chào tạm biệt Sôpanh. Hồi đó Ba Lan đang bị gót sắt của Sa hoàng Nga dày xéo, không có độc lập và cũng chẳng có tự do. Để khôi phục và phát huy nền nghệ thuật âm nhạc của Tổ quốc, nhạc sĩ trẻ Sôpanh tuổi đời vừa tròn 20 quyết tâm xa Tổ quốc, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh.
Sáng sớm hôm sau, chiếc xe ngựa của Sôpanh xuất phát. Đông đảo dân thành phố Vacsava ra tiễn Sôpanh. Bên lề đường, thầy giáo của Sôpanh chỉ huy đội đồng ca nam hát vang những bài ca Tổ quốc, giai điệu vừa hùng tráng vừa buồn bã. Lời ca cùng với những trận lá vàng rơi bay lượn trong không trung, trái tim Sôpanh xót xa tan nát.
Đầu tháng 12, Sôpanh tới thủ đô Viên của Áo, thì nhận được một tin động trời: Nhân dân Ba Lan đã đứng lên vũ trang khởi nghĩa, thủ đô đã giải phóng. Nhân dân Ba Lan tuyên bố phế bỏ việc Sa hoàng Nicôla kiêm nhiệm vương vị Ba Lan. Sôpanh phấn khởi hô to: “Tổ quốc muôn năm!” Ông lấy chiếc cốc bạc đựng đầy đất của Tổ quốc ra hôn liên hồi.
Đúng vào lúc Sôpanh chuẩn bị về nước tham gia chiến đấu thì lại một tin sửng sốt được loan truyền tới: Tướng Nga Paskiêvích thống lĩnh đại quân tái chiếm Ba Lan, hàng ngàn hàng vạn người yêu nước Ba Lan bị tàn sát, bắt bớ. Tổ quốc lại đắm chìm trong tăm tối.
Tim Sôpanh đập dữ dội. Căm thù và phẫn nộ khiến Sôpanh đứng ngồi không yên, ông đi đi lại lại trong căn phòng nhỏ, đầu óc suy nghĩ rất lung. “Phải dùng âm nhạc làm vũ khí để đấu tranh!” Sôpanh một mình thét lên, rồi đột nhiên, hệt như con mãnh sư lao về phía trước, Sôpanh vụt chạy đến chiếc đàn pianô. Tiếng đàn vang lên dồn dập. Với tấm lòng mến yêu Tổ quốc vô hạn, Sôpanh dùng máu và nước mắt mình sáng tác nên những nhạc phẩm vô giá. Ngay trong đêm đó, Sôpanh đã sáng tác ba nhạc phẩm: “Bản xô nát C” là một bản chiến ca bi tráng, “Khúc dạo đầu bản xô nát A” là lòng nhớ thương vô hạn Tổ quốc, “Khúc dạo đầu bản xô nát D” là niềm kỳ vọng mãnh liệt vào tương lai Tổ quốc. Lòng yêu nước mãnh liệt đã tạo nên những tác phẩm hàng đầu trên thế giới, những kỳ tích trong lịch sử âm nhạc!
Khi đó, Mickiêvich một nhà cách mạng Ba Lan bị chính phủ Sa hoàng phát vãng ở nước ngoài gửi cho Sôpanh một bài thơ dài “Tang lễ”. Đọc bài thơ, trước mắt Sôpanh hiện ra một quang cảnh vô cùng bi tráng. Một bà mẹ ngã xuống trong vũng máu, hàng ngàn hàng vạn người con từ các nẻo đường Tổ quốc chạy tới vĩnh biệt mẹ. Không, họ tụ tập lại để nhen nhóm một cuộc đấu tranh mới. “Đúng đây là cuộc đưa tang bà mẹ Tổ quốc, một cuộc chiến đấu vì Tổ quốc!” Sôpanh không cầm lòng được, nhấc bút ghi lia lịa trên 5 dòng nhạc phổ. Chỉ trong chốc lát một danh tác âm nhạc làm rung động trái tim đã hoàn thành, đó là bản “Hành khúc tang lễ” mà cả thế giới đều biết tiếng. Sôpanh gửi gắm vào đó nỗi đau thương của mình, đồng thời dùng nó làm quả trái phá nặng ngàn cân tấn công Sa hoàng.
Về sau, Sôpanh đến Pari rồi qua cả Italia. Ở đó ông đã sáng tác rất nhiều bản nhạc vanxơ, dạ khúc, hòa tấu v.v. Phần lớn những nhạc phẩm đó mang đậm hơi thở của ca vũ dân gian Ba Lan, nội dung mới mẻ khỏe khoắn, thể hiện rõ tình cảm tư tưởng yêu Tổ quốc, yêu tự do của ông.
Mùa thu năm 1849, Sôpanh mới 39 tuổi đời đã giã từ nhân thế tại Pari. Trước khi rời cõi trần gian, căn bệnh phổi từ lâu đã làm Sôpanh suy nhược ghê gớm, ông không còn sức để nói được nữa, chỉ còn cách dùng tay ra hiệu. Học sinh của ông biết ông muốn gì, vội mang chiếc cốc bạc dựng nắm đất của quê hương Ba Lan đặt trước ngực ông, Nhạc sĩ ôm chặt chiếc cốc mang từ Vacsava vào lòng, hai mắt nhắm lại, bàn tay vẫn ghì chặt nắm đất của Tổ quốc quê hương.

“NGƯỜI CON CỦA TỰ DO”

Ngày 1 tháng 11 năm 1765, nhiều thành phố bên bờ biển phía đông Bắc Mỹ náo loạn cả lên, hàng ngàn hàng vạn quần chúng giận dữ đổ xuống đường.
– Chúng tôi cần tự do, không cần thuế lệ phí!
– Cần tự do, không cần thuế lệ phí!
Quần chúng hô vang khẩu hiệu, xông vào nhà các quan chức Anh, bắt các quan chức Anh làm về thuế lệ phí, bôi nhựa đường đen sì đầy người họ, dính lông gà lên đó rồi lôi đi diễu trên đường phố.
– Mọi người ra mà xem trên người bọn Anh dán đầy tem lệ phí.
– Ha, ha… đúng, dán nữa đi.
Những đống lửa cháy rừng rực trên đường phố, dân chúng đem tất cả tem lệ phí của Anh ném vào lửa.
Ở hải cảng Niu Oóc, quần chúng xông vào dinh toàn quyền Anh, đập phá nhà ở của sĩ quan quân đồn trú Anh.
Ở thành phố Bôstơn miền Bắc, quần chúng xông vào nhà ở của quan tòa cao cấp nhất của Anh ở Bắc Mỹ, phóng lửa thiêu hủy toàn bộ các đồ đạc trong nhà, quăng tất cả sổ sách giấy tờ ra đường phố.
Ở Sáclestơn miền Nam, quần chúng cũng xông vào nhà các quan chức Anh lục soát xem có tem lệ phí không, hễ thấy là đốt.
Lửa cháy suốt một đêm, thiêu hủy toàn bộ tem lệ phí của Anh.
Tại sao thuế lệ phí của Anh lại làm cho dân chúng Bắc Mỹ căm ghét như vậy? Việc này phải kể từ chuyện thành lập thuộc địa ở Bắc Mỹ.
Sau khi Côlôngbô phát hiện ra đại lục mới, các thuộc địa của Tây Ban Nha, Pháp, Anh lần lượt được lập ra ở Bắc Mỹ. Thuộc địa của Anh ra đời tương đối muộn, bắt đầu từ năm 1607, nhưng dân di cư từ Anh sang châu Mỹ lại đông nhất.
“Phong trào rào đất” ở Anh làm cho đông đảo nông dân Anh mất ruộng đất, không có đất dung thân buộc phải tha phương cầu thực sang châu Mỹ kiếm sống, trở thành những người khai hoang ở đại lục Bắc Mỹ. Song những nông dân phá sản lấy đâu tiền ăn đường để vượt trùng dương sang tận châu Mỹ xa xôi! Đến được châu Mỹ họ nợ nần ngập cổ buộc phải bán mình làm nô lệ. Hầu như trên một nữa số người da trắng phải làm nô lệ từ 5 đến 7 năm ở châu Mỹ.
Châu Mỹ vốn là quê hương của người Inđian. Bọn cầm quyền thực dân nếu không dùng vũ lực tàn sát họ thì cũng xua đuổi họ đến những vùng rừng núi hoang vu hẻo lánh để cho họ chết đói chết rét. Người Inđian bị tiêu diệt khá nhiều, bọn cầm quyền thực dân mua một khối lượng lớn người da đen ở châu Phi về làm nô lệ, dùng roi da bắt họ lao động khổ sai, cho nên lịch sử khai phá châu Mỹ là lịch sử máu và nước mắt của người Inđian, người nô lệ da đen và da trắng.
Trải qua hơn một thế kỷ, nước Anh đã thiết lập được 13 thuộc địa ở bên bờ Đại Tây Dương. Mỗi một thuộc địa có một toàn quyền Anh cai trị. Đến khoảng năm 1765, ở 13 thuộc địa này đã có 3 triệu dân (60 vạn là người da đen), đã xây dựng được nhiều ngành công nghiệp như dệt, khai thác gỗ, khai khoáng, luyện sắt, đóng tầu v.v. và một số lớn đồn điền.
Của cải tăng lên nhưng nhân dân thuộc địa bị mẫu quốc Anh bóc lột nặng nề, thuế thu ở Bắc Mỹ trở thành nguồn thu quan trọng về tài chính của nước Anh.
Năm 1765, chính phủ Anh lại nghĩ ra một ngón mới – thuế lệ phí. Chính phủ Anh qui định mỗi công văn, khế ước, hợp đồng, giấy phép, văn bằng, báo chí, tạp chí, sách, quảng cáo; hóa đơn v.v. đều phải dán tem lệ phí mới có giá trị hoặc được lưu hành. Như vậy mọi thứ viết tay hoặc in ở dệt thuộc địa bắc Mỹ hầu hết phải nộp thuế lệ phí. Tất cả dân chúng ở thuộc địa Bắc Mỹ hầu như, hàng ngày phải mua tem lệ phí để bán. Kiểu bóc lột đến xương tủy đó làm cho nhân dân thuộc địa vô cùng phẫn nộ. Ngọn lửa chống Anh cuối cùng đã bùng cháy như ngọn núi Lửa.
Nhân dân thuộc địa tự phát thành lập đoàn thể chống Anh – “Người con của tự do”, đồng thời triển khai cuộc đấu tranh qui mô lớn tẩy chay hàng Anh. Ngày nào chính phủ Anh không bỏ thuế lệ phí, ngày đó họ không mua hàng của Anh.
Các phụ nữ cũng tổ chức đoàn thể của mình và cũng lấy tên là “Người con của tự do”. Họ tự xe sợi dệt vải, không mặc đồ dệt của Anh, họ nêu ra khẩu hiệu “Thà mặc áo vải dệt thủ công quyết không để mất tự do. Hàng Anh bán không được, xem ra công thương nghiệp sắp phá sản, chính phủ Anh buộc phải bỏ thuế lệ phí vào tháng 3 năm 1766. Nhưng năm sau, chính phủ Anh phái một số lượng lớn quân đổ bộ lên châu Mỹ rắp tâm đàn áp bằng vũ lực.
– Lính tôm rồng (tôm hùm) đến! Lính tôm rồng đến!
Binh lính Anh đầu đội mũ tam giác màu đỏ, mình mặc áo đuôi chim màu đỏ, lưng thắt dây lưng hình chữ thập”, chân đi ghệt cao cổ, sườn giắt một thanh đoản kiếm, vai vác súng kíp có lắp lưỡi lê, đi trên đường phố trông như những con tôm rồng nên nhân dân thuộc địa giễu cợt chúng là “lính tôm rồng”.
Lính tôm rồng ngày ngày đi tìm “Người con của tự do” để gây chuyện.
Để kỷ niệm cuộc đấu tranh chống thuế lệ phí thắng lợi, ở Niu Oóc, “Người con của tử do” dựng một cây “Cột tự do” cao vút. Nhà cầm quyền thực dân Anh coi cây cột như cái gai trong mắt. Tháng 1 năm 1770, họ huy động một toán lính tôm rồng dùng rìu chặt gẫy cột tự  do, bửa ra thành nhiều mảnh đem đến đặt ở cửa Tổng bộ “Người con của tự do”.
– Ha, ha: … Cây cột được tự do rồi! – Bọn lính tôm rồng cười ác ý.
– Chúng tao quyết không cho phép chúng bay phá hoại tự do!
Trước những hành động khiêu khích của lính tôm rồng, những “Người con của tự do” ở Niu Oóc rầm rộ đứng lên chống lại. Họ dùng gậy gộc, có người dùng tay không vật lộn với lính tôm rồng. Bọn lính tôm rồng dùng đoản kiếm và lưỡi lê đâm chém họ. Rất nhiều dân thường bị thương, có người bị giết chết tại chỗ. Máu đỏ loang khắp núi Gođơn. Đây là sự kiện đẫm máu đầu tiên kể từ khi bọn lính tôm rồng đổ bộ.
Ngày mồng 5 tháng 3 năm 1770, ở Bôstơn có một trận mưa tuyết rất lớn. Nhân dân thành phố đang chơi ném tuyết thì một toán lính tôm rồng súng đạn đầy mình đi tới gây chuyện. Dân chúng nhịn nhục không nổi nữa bốc tuyết ném bọn chúng. Tên chỉ huy vốn đã muốn kiếm cớ giết nguời, vội nhân đó ra lệnh cho toán lính xếp thành một hàng ngang giương súng sẵn sàng. Tên chỉ huy dơ kiếm lên hét: “Bắn!” Hàng loạt đạn bay về phía dân chúng tay không tấc sắt. Năm người dân bị bắn chết tại chỗ, sáu người bị thương, gây ra “Vụ thảm sát Bôstơn ở Bắc Mỹ.
Dân chúng Bôstơn đã tổ chức cuộc biểu tình thị uy lớn để đưa tang những người thiệt mạng. Những “Người con tự do” hô vang khẩu hiệu đòi quân đội chiếm đóng Anh phải triệt thoái. Toàn quyền Bôstơn không làm thế nào được, buộc phải rút bọn lính tôm rồng về pháo đài ở ngoại thành.
Khi đó, “Công ty Đông Ấn” của Anh ở Ấn Độ gặp khó khăn về tài chính. Chính phủ Anh quyết định trút khó khăn đó xuống đầu nhân dân thuộc địa Bắc Mỹ. Chính phủ Anh qui định chè Ấn Độ sau khi chở đến Bắc Mỹ, vẫn bắt nhân dân bắc Mỹ nộp “thuế chè”, mỗi bảng thu 3 penxơ thuế. Chính phủ Anh còn qui định chè nhập khẩu vào châu Mỹ phải thông qua Công ty Đông Ấn, không thương nhân nào được kinh doanh độc lập.
Những biện pháp đó gia tăng mức bóc lột nhân dân Bắc Mỹ nên bị nhân dân Bắc Mỹ chống lại quyết liệt. Khi tầu hàng của Anh chở chè vào cảng Niu Oóc và cảng Philađenphia, nhân dân địa phương từ chối bốc hàng lên bờ, nhiều tầu hàng phải quay về Ấn Độ. Vài tầu chạy vào cảng Saclestơn, rỡ chè lên bờ nhưng nhân dân địa phương không cho bán, phải để ở bến cảng.
Ba chiếc tầu hàng chở đầy chè từ Ấn Độ tới đậu ở cảng Bôstơn đã mấy ngày. Nhà cầm quyền Anh chuẩn bị đưa hàng lên bờ.
Tối ngày 16 tháng 12 năm 1773, bến cảng yên lặng như tờ. Đột nhiên một chiếc thuyền nhỏ cập mạn tầu hàng Anh, mấy chục người Inđian leo lên tầu. Họ đầu cắm lông vũ, mình bận áo choàng của người Inđian, lặng lẽ chui vào khoang chở hàng, lôi các hòm chè vứt lên boong. Thế rồi, những tiếng “ùm. . . ùm. . .” liên tiếp vang lên, toàn bộ số chè trên tầu bị ném xuống biển.
“Ùm. . . Ùm. . .” Những hòm chè trên hai tầu kia cũng bị người Inđian ném xuống biển. Trong một đêm, số chè bị ném xuống biển trị giá tới 15.000 đồng Anh kim!
– Hoan hô! Chúng ta thắng lợi rồi! – Khi lên tới bờ, những người Inđian đó vứt những chiếc lông vũ trên đầu, cởi bỏ áo choàng ra, té ra họ là những chiến sĩ của “Người con của tự do”.
“Vụ ném chè xuống biển ở Bôstơn” là thắng lợi vĩ đại của nhân dân thuộc địa Bắc Mỹ. Nhưng nhà cầm quyền thực dân Anh thẹn quá hóa giận nhân đó đã rút dao giết người ra khỏi vỏ. Một cuộc ác chiến trên đại lục Bắc Mỹ đã cận kề.

Chọn tập
Bình luận