VUA AXÔKA
60 năm trước, các nhà khảo cổ học Ấn Độ đã khai quật được một vương cung rộng lớn xây dựng vào khoảng 2000 năm trước đây. Tuy thời gian cách ngày nay đã quá lâu, nhưng những cây cột gỗ đào lên được vẫn trơn bóng và hoàn chỉnh, thậm chí các mối ghép cũng không nhìn thấy. Những người đến tham quan di tích này hôm nay đều luôn luôn kinh ngạc thốt lên:
– Cho dù ngay ngày nay cũng khó mà làm được hoàn hảo hơn.
Khi đó, tòa cung điện này được xây dựng vô cùng tráng lệ. Trong đó làm người ta chú ý nhất là có rất nhiều cột đá cao to, mỗi cột nặng đến 50 tấn, cao trên 15 mét. Trên đỉnh cột có tượng sư tử chạm khắc rất tỉ mỉ đẹp đẽ. Trên thân cột khắc đầy những chiếu lệnh của nhà vua.
Có một đạo chiếu lệnh viết như sau:
“Quốc vương thần thánh nhân từ lên ngôi được tám năm thì mang quân đi chinh phục nước Kalinga, có mười lăm vạn người bị bắt làm tù binh, mười vạn người bị chết, người bị thương lại càng nhiều hơn. . .”
“Quốc vương rất hối hận vì đã chinh phạt Kalinga, vì đánh chiếm một nước chưa từng bị chinh phục bao giờ nên khiến cho nhân dân bị chết chóc, bị bắt, đau khổ rất nhiều. Trẫm rất đau đớn. . .”
Đạo chiếu lệnh còn ghi, Quốc vương không thể cho phép giết chóc bắt tù binh nữa, cho dù chỉ là một phần trăm, một phần nghìn sự việc giống như đã làm ở Kalinga, Người cũng quyết không làm. Quốc vương cho rằng, chinh phục chân chính là cần phải lấy Phật pháp để thu phục nhân tâm. Từ đó ông sống từ bi, khoan dung, ra sức kiềm chế bản thân. Có ai làm việc gì sai trái, ông vẫn có thể tha thứ. Ông ra sức làm cho mọi người được sống yên ổn, sung sướng, trong lòng bình thản, vui vẻ.
Vì sao lại có chuyện như vậy?
Chuyện là thế này, vào thế kỷ VI tr. CN, Ấn Độ có hơn 10 nước, luôn xảy ra chiến tranh với nhau. Đến thế kỷ IV tr. CN, vương triều Môrya (Maurya), người Trung Quốc gọi là vương triều Không Tước, được thành lập, đã thống nhất đại bộ phận Bắc Ấn Độ. Vua đời thứ ba vương triều Môrya là Axôka (Acoka) lên ngôi vào năm 273 tr. CN. Khi đó miền Nam và miền Bắc Ấn Độ đã cơ bản thống nhất. Chỉ còn nước Kalinga và một vài tiểu quốc chưa nằm dưới sự cai trị của vương triều. Vua Axôka trẻ tuổi có một tham vọng mãnh liệt là muốn bất cứ nơi nào ở Đông, Nam, Tây, Bắc Ấn Độ đều thuộc quyền thống trị của ông. Vì vậy, vua Axôka lên ngôi chưa bao lâu đã phát động cuộc chiến tranh với Kalinga.
Chiến tranh bắt đầu, từng bản tin bí mật quân sự được chuyển tới vua Axôka.
“Tâu Quốc vương Bệ hạ, 10 vạn bộ binh, 5 vạn ky binh, 400 cỗ chiến xa và 500 voi chiến của Thánh triều đã vượt biển an toàn, hiện đang đổ bộ lên đất nước Kalinga. . .”
“Tâu Bệ hạ, uy phong quân ta chấn động, chưa đến 1 ngày đã giết chết 5000 quân địch, bắt giữ được chiến xa, chiến mã, voi, tiền vàng, lương thực, đàn bà, súc vật rất nhiều, không sao tính xuể. . .”
“Cấp báo Bệ hạ, quân ta tác chiến suốt đêm, vấp phải sự chống trả ngoan cường của quân dân kinh thành bên địch; quân ta thương vong rất nhiều. . . đã quyết định phải dùng hỏa công. . .”
“Tin chiến thắng! Kinh thành quân địch chỉ trong một đêm đã thành đống tro tàn, những kẻ quyết đánh trả đến cùng đều bị chặt đầu bêu xác. . . vua giặc đang chạy trốn. . .”
“Tin chiến thắng! Quân ta xuất kích trên mọi hướng, ngay trong đêm, đã giết chết 5 vạn quân địch, bắt 10 vạn tù binh, kẻ chống đối đều bị xử tử. . .”
“Chúc mừng Bệ hạ, vua giặc đã bị bắt nhưng thà chịu chết chứ không khuất phục, lại còn có ý mắng nhiếc Thánh vương Bệ hạ, hiện đã tự tử trong trại giam. . .”
Vị vua trẻ xem từng bản tâu tin thắng trận, mới đầu thấy rất vui sướng, nhưng nhìn thấy con số người bị giết mỗi ngày một tăng, vẻ sầu não dần dần hiện ra trên gương mặt. Cuối cùng được tin vua bên địch đã tự tận, ông không ngăn được tiếng thở dài, lẩm bẩm một mình:
– Vũ lực có thể chinh phục được đất nước người, nhưng không thể chinh phục được lòng người!
Ông bèn ra lệnh lập tức đình chỉ việc giết chóc và tiến công, nhanh chóng rút quân quay về, rồi ban bố những chiếu lệnh nói ở trên, tỏ rõ sự hối hận của mình với nhân dân cả nước.
Vì sao vua Axôka lại nói rằng việc chinh phục chân chính là phải dựa vào Phật pháp để thu phục nhân tâm? Nguyên là, trước khi lên ngôi vua, ông đã đảm nhiệm chức vụ Tổng đốc ở một số thành thị lớn. Lúc đó, những thành thị này là trung tâm văn hóa quan trọng, Phật giáo rất thịnh hành, khoa học kỹ thuật cũng rất phát đạt, lại chịu ảnh hưởng các trào lưu văn hóa phương Tây, nhất là Hy Lạp rất sâu sắc. Lúc đó, một số quý tộc và chủng tính cao cấp, nhất là con em braman đều tiếp thụ nền giáo dục ở đây. Tất cả những cái đó đều mang lại ảnh hưởng sâu sắc đối với sự hình thành tính cách và toàn bộ sự nghiệp sau này của ông. Từ nhỏ ông đã hết sức sùng kính thủy tổ Phật giáo Xakya Muni, rất thích nghe những câu chuyện về vị thánh nhân này đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh nội tâm và nỗi thống khổ như thế nào để cuối cùng trở thành Phật. Ông cho rằng, Phật giáo có thể giáo dục con người xóa bỏ dục vọng cá nhân, làm cho con người sống yên ổn an phận, như vậy rất lợi cho việc trị nước.
Bây giờ, sau cuộc chiến tranh chết chóc, ông lại hiểu rõ ra chân lý này. Từ đó ông càng tôn sùng Phật giáo, tuyên bố Phật giáo là quốc giáo của Ấn Độ. Ông còn ra lệnh dựng những cột đá, làm những bức tường đá ở trong vương cung và các nơi trong cả nước, bên trên khắc các chiếu chỉ, sắc lệnh. Ít lâu sau, năm 253 tr. CN, Axôka triệu tập một đại hội Phật giáo quy mô lớn tại Pataliputơra biên soạn, chỉnh lý các Kinh Phật. Lại cho xây dựng nhiều chùa chiền Phật giáo và tháp Phật ở khắp nơi.
Cùng lúc đó, Axôka còn cho các vương tử và công chúa lần lượt đi sang Xâylan truyền giáo. Công chúa dẫn một đoàn tăng lữ và rất nhiều bộ Kinh Phật, dùng thuyền men theo bờ biển Đông Ấn Độ đi xuống. Công chúa còn mang theo một nhánh cây của cây bồ đề thần thánh, đem trồng ở Xâylan, đến nay vẫn sinh sôi. Qua việc truyền bá và trao đổi sứ thần, Phật giáo chẳng những truyền sang Xâylan mà còn nhanh chóng truyền sang Ai Cập, Siri, Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Ngoài việc truyền bá đạo Phật, vua Axôka còn ban hành hàng loạt chính sách kinh tế xã hội, như mở rộng công trình dẫn tưới nước, xây dựng đường sá, lập các y viện v.v. . . Trong 40 năm cai trị của Axôka, vương triệu Môrya đã trở thành một đế quốc thống nhất hùng mạnh nhất thống lịch sử Ấn Độ. Nhưng đế quốc này không được vững chắc, sau khi Axôka qua đời không lâu, nước Kalinga và các tiểu quốc bị chinh phục lần lượt tuyên bố độc lập, bán đảo Ấn Độ lại rơi vào tình trạng chia cắt, ly tán như trước.
Tại các đền miếu ở Ấn Độ, mỗi năm một lần, các nghệ nhân cao tuổi đều đến đọc một bài thơ cổ. Do bài thơ cổ này rất dài nên các nghệ nhân chỉ có thể lần lượt đọc từng đoạn một. Nhưng cho dù chỉ đọc có một đoạn cũng làm cho người nghe phải rơi nước mắt, vì câu chuyện trong bài thơ làm xúc động lòng người.
Bài thơ này gọi là “Mahabarata” (Mahabharata) dài hơn 20 vạn câu (đúng ra là những câu thơ đôi, gọi là xlôca) nên còn được gọi là sử thi, trường ca hay anh hùng ca. Bản trường ca này kể lại quá trình từ chiến tranh san hòa giải của hai gia tộc ở Ấn Độ. Tương truyền, trường ca này do vị hiền triết Ấn Độ Vyaxa sáng tác từ hai ba nghìn năm trước, là kết tinh rực rỡ của văn hóa nghệ thuật Cổ Ấn Độ. Cho tới ngày nay, nội dung câu chuyện và phong cách nghệ thuật của Trường ca vẫn còn ảnh hưởng tới sáng tác văn học nghệ thuật của Ấn Độ.
Câu chuyện như sau:
Trên bán đảo Ấn Độ cổ đại, có một nước nọ, quốc vương bị mù mắt từ lúc sinh ra, việc lớn trong nước đều do em trai của quốc vương giải quyết. Vì quốc vương này có một trăm người con, hợp thành một gia tộc – anh em nhà Côrava. Thái tử là thủ lình của anh em nhà Côrava. Em trai của quốc vương có năm người con, cũng hợp thành một gia tộc – anh em nhà Pônđava.
Sau khi em trai quốc vương qua đời, năm anh em Pônđava được vị quốc vương già nuôi dạy. Quốc vương cử những thầy rất giỏi đến dạy dỗ họ, anh em họ cũng ra sức học tập. Năm anh em ai cũng võ nghệ cao cường làm cho anh em nhà Côrava ghen ghét. Chúng tìm mưu tính kế để hại chết năm anh em.
Một hôm, Thái tử giảo quyệt nói với năm anh em:
– Các anh em, Phụ vương đã làm một tòa nhà gỗ dầu rất đặc biệt tại một nơi yên tĩnh trong lành, các anh em hãy đến ở đó!
Năm anh em Pônđava không có cách nào từ chối đành rời bỏ kinh thành. Khi biết anh em họ đã đến ở tòa nhà gỗ dầu. Thái tử liền lập tức cho người đến phóng hỏa. Nhà bằng gỗ dầu rất dễ dàng bốc cháy, chỉ một loáng đã cháy trụi…
Mấy năm sau, một hôm triều đình náo nhiệt lạ thường. Lão quốc vương thân tự đón tiếp quần thần đến chúc mừng. Thái tử càng sung sướng vui mừng nghĩ rằng anh em Côrava lần này có thể độc chiếm giang sơn. Đúng lúc đó, thị vệ đến báo tin có năm con rể của quốc vương Panchala xin đến bái kiến. Lão quốc vương ra lệnh đón tiếp họ. Mọi người nhìn xem, thì ra đó chính là năm anh em nhà Pônđava.
Đã xảy ra chuyện gì vậy?
Số là, khi Thái tử cho người đến đốt cháy tòa nhà gỗ dầu, có người đã báo tin cho năm anh em nhà Pônđava biết. Họ liền theo đường hầm trốn chạy. Năm anh em chạy vào rừng sâu, giãi gió dầm mưa, lưu lạc khắp nơi, sống những ngày vô cùng gian khổ. Sau này họ đến được nước Panchala.
Kinh đô nước Panchala, đang mở hội kén phò mã cho công chúa. Các vương tử nhiều nước trên bán đảo Ấn Độ đều kéo đến. Quốc vương Panchala chỉ vào một cây cung lớn tuyên bố với mọi người:
Ai có thể giương được cây cung này và bắn tên xuyên qua bánh xe đang quay mà lại trúng mắt con cá vàng làm đích ta sẽ gả công chúa cho người đó.
Các vương tử lần lượt bước lên giương cung, nhưng không một ai kéo nổi dây cung.
– Để ta thử xem!
Một người trong anh em nhà Pônđava bước vào đấu trường. Chàng giương cung thật căng. “Vút” một mũi tên bay đi bắn trúng mục tiêu: mắt con cá vàng sau bánh xe đang quay.
Cả đấu trường hò reo hoan hô. Công chúa tự tay đem vòng hoa chiến thắng đặt lên đầu chàng. Theo phong tục thời đó, năm anh em đều trở thành con rể của quốc vương Panchala.
Năm anh em nhà Pônđava có chỗ dựa vững chắc là nước Panchala nên phấn chấn tinh thần quay trở về đất nước mình. Lão quốc vương buộc phải chia một nửa đất nước cho họ. Khi ấy Thái tử có ý xấu, chia cho anh em nhà Pônđava toàn là phần đất cằn cỗi hoang vu, còn anh em nhà Côrava chiếm vùng đất mầu mỡ quanh kinh thành. Ngay phần đất hoang vu này, Thái tử cũng lần lữa không muốn chia cho anh em nhà Pônđava. Y lại bày ra một trò xấu xa, dụ dỗ anh em nhà Pônđava chơi gá bạc. Y chỉ quân bài nói:
– Ai thua, người đó phai lưu đầy 12 năm, đến năm thứ 13 vẫn không thể để người khác nhận ra, nếu không, phải đi lưu đầy tiếp 12 năm nữa!
Anh em nhà Pônđava thật thà nhận lời, rút cục bị thua. Năm anh em đành phải vào trong rừng sâu sống lưu đầy 12 năm.
Mãn hạn, năm anh em thay đổi áo quần, lặng lẽ đi đến một nước khác, làm lao động trong vương cung. Họ cải trang rất khéo léo, không một ai nhận ra họ. Lại một năm nữa trôi qua, họ cho sứ giả trở về nước, đòi Thái tử thực hiện lời hứa 13 năm về trước, trả lại họ một nửa phần lãnh thổ.
Thái tử dứt khoát từ chối yêu cầu của năm anh em nhà Pônđava. Thế là một trận chiến đấu lớn bùng nổ. Nhà Côrôva liên kết với nhiều nước làm đồng minh nhà Pônđava cũng liên kết với nhiều nước làm đồng minh. Hầu hết các nước từ bán đảo Ấn Độ đều tham dự cuộc chiến tranh này.
Cuộc chiến đã kéo dài 18 ngày. 18 cánh quân của nhà Côrôva và quân các nước đồng minh tất cả bị đánh tan. 100 người con của Lão quốc vương cũng bị giết 99 người, chỉ có Thái tử chạy thoát. Năm anh em nhà Pônđôva đuổi riết không buông tha.
– Ôi! Trước mặt là một cái hồ lớn!
Thái tử rầu rĩ nhìn hồ nước mênh mông. Chợt y nghĩ ra một kế, lập tức lao mình nhảy xuống nước.
Y chạy đi đâu nhỉ?
Năm anh em nhà Pônđava tìm kiếm ở ven hồ. Một người nhìn thấy trên mặt nước có một ống sậy đung đưa.
Chà, cái gì vậy?
Thì ra Thái tử ngậm một ống sậy, lặn xuống nước, dùng nó để thở.
Đồ hèn nhát, trốn dưới nước làm cỏ rác!
Đứng ở bên hồ, năm anh em dùng những lời lẽ nặng nề sỉ nhục Thái tử.
Được, ta sẽ quyết đấu với các người.
Thái tử bỗng nhiên tròi lên mặt nước, leo lên bờ. Trận quyết đấu kết thúc, Thái tử bị giết chết. Năm anh em Pônđava chặt đầu Thái tử.
Các chiến binh của nhà Côrôva quyết báo thù cho Thái tử, nhưng chưa tìm ra kế sách gì. Họ ngủ qua đêm dưới gốc cây cổ thụ, chợt có tiếng chim kêu làm cho thức giấc. Thì ra loài cú vọ đến phá tổ quạ, mổ chết, hết đám quạ trong tổ.
– Hay lắm, chúng ta cứ làm như thế!
Bọn chúng như được mách bảo, ngay đêm đó đến tập kích doanh trại của nhà Pônđava, giết chết hết các chiến binh đang ngủ trong lều, chỉ có năm anh em chạy thoát.
Ngày hôm sau, năm anh em trở lại chiến trường. Họ nhìn thấy hàng ngàn hàng vạn xác chết trên mặt đất, máu chảy thành sông. Thật là một thảm trạng đáng buồn. Họ nghĩ, anh em dòng họ mà lại chém giết lẫn nhau, gây nên tai họa nặng nề cho cả Ấn Độ như thế này. Họ bèn quyết định giảng hòa với nhà Côrôva, biến chiến tranh thành hòa bình, Đổi hận thù thành bè bạn.
Lễ hỏa táng bắt đau, từng đống củi bốc cao ngọn lửa. Thi thể các chiến binh lần lượt được hỏa thiêu. Ngọn lửa bốc cao trong không trung tượng trưng cho lòng tham lam và oán thù đang bị thiêu cháy. . .
Trường ca “Mahabarata” đã phản ánh diện mạo cuộc sống rộng lớn của các giai tầng xã hội cổ Ấn Độ, có thể nói đó là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội cổ đại Ấn Độ, ngợi ca chính nghĩa và phê phán sự độc ác, chính là hóa thân lý tưởng của nhân dân Ấn Độ; và kết cục của trường ca, biến chiến tranh thành hòa bình, chính là tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của các tộc người Ấn Độ.
Nền văn minh Cổ Ấn Độ thật mê hoặc lòng người, nền văn minh Cổ Hy Lạp cũng mê hoặc lòng người như vậy. Bây giờ chúng ta bắt đầu kể những câu chuyện thú vị về Cổ Hy Lạp (bao gồm cả vùng biển Êgiê).
Chuyện kể rằng, vào thời viễn cổ có một vị quốc vương tên là Minôx cai trị đảo Crêtê. Ông đã cho xây dựng một tòa mê cung có rất nhiều cung điện, nhiều đường ngang lối dọc chằng chéo, ai đã vào đây thì đừng nghĩ sẽ tìm được lối ra. Ở chỗ sâu thẳm trong mê cung, ông nhốt một con ác thú đầu bò mình người. Để nuôi quái vật, quốc vương quy định cho dân thành Athêna (còn gọi là Aten) Hy Lạp phải nộp phần cống nạp mà ai nghe thấy cũng phải kinh hãi: đó là cứ chín năm phải giao nộp bảy đôi đồng nam, đồng nữ để cho quái vật hung ác ở trong mê cung ăn thịt.
Năm đó đến lượt cống tiến thứ tư của người Athêna. Mọi người tiễn đưa bảy đôi thanh niên nam nữ trong tiếng khóc than thảm thiết. Con thuyền đưa họ đi đã kéo lên một cánh buồm đen. Thêxêux, con trai của Aighêux, vua thành Athêna, không chịu đựng được cảnh dân chúng của mình phải sa vào tai ương này liền quyết định cùng đi với họ đến Crêtê để giết chết quái vật đầu bò. Chàng ước hẹn với cha, nếu như sự việc thành công thì trên thuyền trở về sẽ thay buồm đen bằng buồm trắng, nhà vua nhìn thấy cánh buồm trắng là biết con trai mình còn sống trở về.
Thêxêux đến đảo Crêtê, nàng Ariatnê con gái quốc vương ở đây yêu chàng. Để cho Thêxêux không bị quái vật đầu bò sát hại, nàng đã đưa cho chàng một thanh kiếm và một cuộn chỉ. Thêxêux thông minh và dũng cảm, khi bước vào mê cung liền buộc đầu sợi chỉ vào cửa cung rồi thả sợi chỉ đi theo những con đường chằng chịt đến đáy mê cung. Cuối cùng chàng đã thấy quái vật đầu bò, liền dùng sức nắm chặt sừng, đưa một đường kiếm giết chết nó. Chàng đưa những thanh niên nam nữ bị tiến cống, lần theo sợi chỉ, dễ dàng thoát khỏi mê cung. Để đề phòng quốc vương Minôx cho người đuổi theo, họ đã đục thủng tất cả các thuyền ở Crêtê, rồi cùng với con gái của quốc vương lên chiếc thuyền đi tới Crêtê, giương buồm về nước. Qua mấy ngày đi trên biển, đã nhìn thấy thành Athêna xa xa. Trong lòng phấn chấn, Thêxêux đã quên thay cánh buồm đen. Vua Aighêux đứng chờ trên bãi biển, nhìn chiếc thuyền đang tiến lại gần vẫn giương cánh buồm đen như trước, ông nghĩ rằng con trai mình đã tử nạn, trong cơn tuyệt vọng, ông lao mình nhảy xuống biển tự tử. Từ đó vùng biển vua Alghêux nhảy xuống được gọi là biển Aighêux hay biển Êgiê. . .
Sau này, trong lòng đất Nôtsux ở phía bắc đảo Crêtê, đoàn khảo cổ đã phát hiện ra mê cung này: Vương cung Minôx!
Tòa vương cung này xây dựng dựa vào sườn núi, là một quần thể phức hợp do rất nhiều loại phòng ốc hợp thành, tổng diện tích khoảng 16.000 mét vuông. Ở giữa là một chiếc sân hình chữ nhật, vây chung quanh là cung điện của quốc vương, tẩm cung của vương hậu, cung điện có ý nghĩa tôn giáo, những nhà lầu cao thấp xây dựng theo địa thế cùng những phòng cất giữ đồ quý, nhà kho. . . Nó gồm có ba tầng, còn có các phòng dưới mặt đất. Giữa những công trình kiến trúc hoa lệ đó là những hành lang dài, những môn sảnh, những con đường, những cầu thang liên tiếp, thật là trăm nhà ngàn cửa, ngang dọc thông nhau. Bước vào những dãy hành lang quanh co, những công trình kiến trúc phức tạp, những tòa cung điện đan xen nhau, thật dễ dàng mất phương hướng, tìm không thấy đường ra. Gọi đó là mê cung cũng chẳng sai chút nào. Cho tới ngày nay người ta vẫn dùng từ mê cung để nói về một kiểu kết cấu hoặc bố cục phức tạp rối rắm nào đó.
Trên tường của mê cung, các nhà khảo cổ còn nhìn thấy rất nhiều bức bích họa. Tuy đã trải qua hơn 3000 năm nhưng màu sắc vẫn tươi, tương như các nhà nghệ thuật vừa mới dừng bút mà thôi. Trong hành lang dài có dãy bích họa vẽ cảnh điều hành ngày lễ lớn. Trong bảo điện của quốc vương và tẩm cung của vương hậu có những bích họa thể hiện những hoạt động và hội họp của quốc vương, các quý tộc và những cảnh vật thiên nhiên. Trong tranh, những người đàn ông cầm cốc chén bằng vàng bạc, phụ nữ có người mặc áo dài có đường viền rộng, có người mặc quần đen nẹp trắng, dáng vẻ thanh toát thần thái chân thật. Có bức họa thể hiện quốc vương, đầu đội vương miện hoa bách hợp, cổ quàng khăn, cổ tay đeo vòng, đang đi dạo trong vườn hoa, có lẽ đang cử hành một nghi thức tôn giáo nào đó có liên quan tới hoa lá cây cỏ. Ngoài ra còn xuất hiện không ít những người hầu không mặc trang phục Crêtê, họ hẳn là những nô lệ được đưa đến đây để cống nạp.
Nhưng điều làm cho các nhà khảo cổ cảm thấy hứng thú là đã phát hiện ra hơn 2000 bảng đất sét trong vương cung. Những bảng này rõ ràng là làm bằng đất sét rồi nung khô, hình dáng giống như chiếc lá, bên trên khắc một thứ chữ do nhiều nét vạch hợp thành. Ngoài ra trên các ấn chương, bát đĩa và các vật phẩm khác cũng thấy khắc thứ chữ này. Đó chính là văn tự tuyến hình, mà mãi đến năm 1953 mới giải thích được một phần trong đó. Qua đó biết được trên bảng đất nung ghi chép các mục của cải trong vương cung, bao gồm tình hình trưng thu cống vật của các địa phương. Phép tính dùng hệ thập phân. Các bảng chữ khắc dùng nhiều ngôn ngữ chỉ có khác biệt chút ít với ngôn ngữ sử dụng ở thời Cổ Hy Lạp. Từ đó có thể thấy văn hóa đảo Crêtê và văn hóa Cổ Hy Lạp có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Các nhà khảo cổ còn tiến hành phát quật vòng quanh mê cung. Bốn phía quanh mê cung là phủ đệ của một số quý tộc. Có phủ đệ còn có đường hầm đặc biệt nối liền với mê cung. Các nhà khảo cổ còn phát quật ở mặt nam mê cung, tìm ra một dinh thự hào hoa trong đó có phòng tắm có đủ ống dẫn nước nóng lạnh. Ở một căn nhà hai tầng lầu, dưới mặt đất là một tầng hầm người ta phát hiện ra các gian nhà kho có cánh cửa bằng đồng. Bên cạnh những tòa nhà quy mô to lớn ấy, lại phát hiện ra rất nhiều căn nhà tồi tàn những túp lều tranh, rõ ràng đây là nơi ở của những người cùng khổ và những nô lệ.
Vén được tấm màn bí mật của mê cung dưới đất khiến chúng ta thấy được vào khoảng thế ky XV tr. CN, nền văn hóa Crêtê ở vùng biển Êgiê đã đạt được những thành tựu rất cao.
Khoảng 3.000 năm trước, trên bán đảo Hy Lạp đã ra đời rất nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Spacta.
Chuyện kể rằng, một hôm có một vị khách quý đến vương cung Spacta, đó chính là Parix, con trai của quốc vương Tơroa (Troie) hay Tơrôia (Troia): Tơroa là một tiểu vương quốc trên bán đảo Tiểu Á (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) cách ngăn với Hy Lạp bằng biển Êgiê sóng dậy ngang trời. Vương thất Spacta tổ chức nghi lễ long trọng nhất để chào mừng vị khách quý này, ngay cả vương hậu Hêlêna trẻ tuổi cũng tự mình ra đón tiếp. Hêlêna là người phụ nữ đẹp nhất thế gian lúc đó, Parix chỉ mới nhìn nàng đã thấy đầu óc mụ mị. Hêlêna gặp chàng vương tử anh tuấn trong lòng cũng tràn đầy vui sướng. Tối hôm đó, nhân lúc quốc vương Spacta ra ngoài, Parix liền chỉ huy đám vệ binh của mình, tập kích vương cung, cướp nàng Hêlêna đưa lên thuyền chạy về Tơroa.
Quốc vương Spacta cảm thấy đây là một nỗi sỉ nhục lớn, liền lập tức đi tìm người anh là Agamenôn, quốc vương của tiểu quốc Mi xen, để bàn việc phục thù. Agamenôn cho mời rất nhiều quốc vương và vương tử ở Hy Lạp đến dự họp, cùng nhất trí quyết định dùng vũ lực tiêu diệt Tơroa. Mọi người còn bầu Agamenôn làm thống soái liên quân Hy Lạp. Chỉ ít lâu sau một đạo quân lớn 10 vạn người ngựa, 9 nghìn chiến thuyền đã ào ào băng qua biển rộng lên đường viễn chinh.
Thành Tơroa rất kiên cố, chẳng những có thành cao hào sâu, đồn lũy kiên dầy mà còn đưa lưng vào vách núi mặt quay ra đồng bằng, là một tòa thành dễ giữ, khó đánh. Liên quân Hy Lạp men theo bờ biển, lấy hạm đội làm căn cứ, dựng doanh trại. Ngày hôm sau, trên đồng bằng đã xảy ra một trận đánh lớn giữa hai bên. Tên bay vun vút, bắn về phía đối phương như mưa rào, những thanh kiếm sáng loáng như tia chớp đâm chém xuống, chiến xa chạy như bay, những ngọn giáo phóng đi, tiếng la hét vang động bầu trời, máu tươi loang lổ mặt đất. Chỉ bước đi một bước là chân đã giẫm phải một xác người, Chiến tranh đã kéo dài liền mười năm. Trên chiến trường các chiến binh trẻ tuổi Hy Lạp và Tơroa kêu rên thê thảm rồi chết. Trong nhà, những người vợ góa, con côi khóc lóc buồn thương. Ngay các tướng chủ chốt của hai bên, người thì đổ máu nơi sa trường, người thì chẳng may qua đời. Trận chiến vẫn không dừng. Sau khi chủ tướng thành Tơroa chết trận, không còn ai chỉ huy, Parix buộc phải đương đầu, đem quân ra ngoài thành ứng chiến. Các tướng Hy Lạp nhìn thấy kẻ thù ra trận, mắt họ như bốc lửa, răng nghiến chặt, xông tới phía Parix. Parix đang tìm cách chống đỡ, chẳng ngờ hàng loạt tên bắn tới, hai mũi tên bắn trúng tay và bụng y. Parix đau đớn không chịu được vội vàng chạy vào trong thành Tơroa.
Mũi tên bắn vào bụng Parix vốn là một mũi tên độc. Ngày hôm sau, chất độc tán phát, da bị đen, đau đớn run người. Máu tươi và mủ độc không ngừng rỉ ra từ vết thương. Các thầy thuốc nhìn thấy đều lắc đầu, vì trong thành chẳng còn vị thuốc chữa trị vết thương nhiễm độc. Parix biết mình sắp chết, chợt nhớ ra người vợ đã bị mình đuổi đi mười năm về trước. Nàng ở vùng quê, luôn mang theo bên người một loại thuốc chuyên trị các vết thương độc. Parix liền ra lệnh cho binh sĩ cáng y về vùng quê tìm nàng. Cuối cùng đã tìm thấy nàng trong một túp lều tranh nhỏ bé tồi tàn.
Parix nằm trên cáng thều thào:
– Hãy cứu lấy ta, hỡi người vợ yêu quý, ta sắp chết rồi!
– Ngươi đã đuổi ta đi! – Nàng tức giận trả lời. Sao ngươi không đến cầu cứu nơi cô gái Hy Lạp xinh đẹp kia? Những việc xấu xa ngươi làm hãy còn ít ư? Có chết cũng đáng đời!
Hai mi mắt Parix khép lại, dùng hết sức để cố mở mắt ra nhưng không được nữa rồi. Đầu Parix ngoẹo sang một bên, từ giã cõi đời này.
Parix giảo hoạt, kẻ gây ra nhiều tội ác đã chết, nhưng cuộc giao chiến giữa hai bên, chưa bên nào nhìn thấy thắng lợi cuối cùng. Trong thành Tơroa, có người chủ trương đem trao trả Hêlêna để giảng hòa. Nhưng cũng không xong, vì nàng bây giờ đã có người chồng thứ ba, hơn nữa, ông ta lại là một vị tướng của Tơroa. Về phía Hy Lạp, cũng có người chủ trương rút quân về, nhưng cũng không xong, vì ngọn lửa báo thù vẫn bùng cháy tròng lòng hầu hết các tướng lĩnh.
Đã khuya lắm rồi, trong đại bản doanh của Agamenôn, thống soái liên quân Hy Lạp, đèn đuốc vẫn sáng trưng, các tướng lĩnh đang bàn tính một diệu kế. . .
Đó là một buổi sáng sớm lạ lùng. Chiến trường ngày thường ồn ào ầm ĩ nay đột nhiên im lặng như tờ. Người Tơroa từ trong chiến lũy nhìn ra, chỉ thấy doanh trại của liên quân Hy Lạp đã dỡ bỏ, đoàn chiến hạm lớn của họ đã đi ra giữa biển khơi xa tít. Chiến trường vắng lặng. Quân lính thận trọng đi ra khỏi thành, sục sạo vùng rừng núi chung quanh, nhưng họ chẳng tìm được cái gì.
– Người Hy Lạp đã rút chạy rồi ! Chúng ta thắng lợi rồi!
Các tướng và quân lính thành Tơroa reo hò xô nhau ra khỏi thành, theo sau là đông đảo dân chúng.
Đây là cái gì vậy?
Một người lính chỉ vào con ngựa gỗ rất lớn ở bờ biển hỏi. Con ngựa gỗ này còn cao hơn hai người chồng lên nhau, thân hình to lớn, đầu ngẩng cao, bốn vó thô ráp chắc nịch. Mọi người nhìn con ngựa rồi nhìn nhau như dò hỏi.
– Có người trốn ở dưới!
Một người lính lôi kẻ trốn tránh dưới ngựa gỗ ra, đó là một người Hy Lạp. Hắn liền bị trói, giải đến chỗ quốc vương Tơroa.
Vừa nhìn thấy quốc vương Tơroa, tên Hy Lạp này đã quỳ xuống khóc lóc van xin:
– Agamenôn muốn giết tôi. . . Tôi buộc phải trốn vào gầm ngựa gỗ. Xin đức vua tha mạng Xin đức vua tha mạng!
Quốc vương hỏi:
– Vì sao Agamenôn muốn giết ngươi?
– Vì có một vị tướng Hy Lạp chống lại việc tiến công thành Tơroa, Agamenôn liền giết chết ông ta. Tôi là thân thích của vị tướng này nên Agamenôn cũng muốn giết cả tôi… Khó khăn lắm tôi mời trốn thoát. Bây giờ quân Hy Lạp đã rút về, tôi… tôi còn biết đi đâu?
Nói xong, hắn khóc rống lên.
Quốc vương là người nhân từ, lập tức ra lệnh tha cho người Hy Lạp này, lại cho phép hắn được lưu lại trong thành Tơroa.
Quốc vương lại hỏi:
Con ngựa gỗ lớn này dùng vào việc gì?
– Dùng để tế Thiên thần – Người Hy Lạp chớp chớp mắt, rướn lông mày nói – Tâu đức vua, nếu như kéo ngựa gỗ vào trong thành, Thiên thần sẽ ban phúc cho ngài và thần dân của ngài.
Quốc vương tin là thực, liền hạ lệnh cho quân lính kéo ngựa gỗ vào trong thành. Con ngựa gỗ này quá cao to, còn cao hơn cả cửa thành, buộc phải xẻ một khe hổng trên tường thành để đưa ngựa vào.
Tối hôm đó, toàn thành Tơroa hân hoan chúc mừng thắng lợi!
– Cạn chén! Cạn chén!
Những cốc rượu nho đầy được nâng lên, mọi người ồn ào chuốc rượu.
Đêm đã về khuya, toàn thành im ắng. Mọi người nằm trong chăn ấm, đang có những giấc mơ đẹp về hòa bình. Người lính Hy Lạp kia lặng lẽ luồn qua đoạn thành bị xẻ ra ngoài, tới gò đất nhỏ đốt lửa làm hiệu. Rồi hắn lại lặng lẽ lẻn vào trong thành, đến bên ngựa gỗ vỗ ba cái:
– Cộc! Cộc! Cộc!
Một tiếng ”kẹt”, bụng ngựa gỗ mở ra một lỗ cửa nhỏ, 20 lính Hy Lạp vũ trang đầy mình từ trong đó chui ra. Họ nhanh chóng mở được cổng thành và phóng hỏa khắp nơi trong thành.
Ngọn lửa bốc cao thu hút quân đội Hy Lạp đang ẩn nấp trên đảo. Họ nhanh chóng xông vào vương cung Tơroa, một nhát đao đã làm rơi đầu lão quốc vương.Vua Spacta tiến vào phòng ngủ của Hêlêna tuốt kiếm chém chết viên tướng Tơroa ở chung phòng với Hêlêna. Người đẹp Hêlêna quỳ dưới đất đau đớn van xin, nước mắt chảy ròng ròng. Cánh tay cứng rắn của vua Spacta đột nhiên chùng xuống, thanh kiếm rơi xuống đất phát ra một tiếng “cạch”.
Giết! Giết! Quân sĩ Hy Lạp gào thét khắp nơi. Vua Spacta ngượng ngập cúi nhặt thanh kiếm, mũi kiếm chĩa về phía Hêlêna nhưng ông không sao nhấc nổi cánh tay.
– Hãy tha cho nàng! Thống soái liên quân Agamenôn thấy vậy, nhẹ nhàng nói.
Vua Spacta bèn vứt bỏ thanh kiếm.
Cuộc chiến tranh 10 năm đã kết thúc. Thành Tơroa biến thành một đống đổ nát hoang tàn. Đàn ông phần lớn bị giết chết, đàn bà trẻ con trở thành tù binh, bị bán làm nô lệ. Vàng bạc của cải chất đầy túi các tướng lĩnh Hy Lạp…
… Hơn 3000 năm đã qua, nhưng câu chuyện ”kế ngựa gỗ” vẫn lưu truyền khắp thế giới. Cụm từ ”Ngựa gỗ thành Tơroa” dùng để chỉ chiến thuật đánh thắng vào lòng địch hay cài người vào trong lòng địch để đánh từ trong đánh ra, ngày nay mọi người vẫn thường dùng.
Cuộc chiến tranh của liên quân Hy Lạp đánh chiếm thành Tơroa xảy ra vào thế kỷ XII tr. CN. Những tình tiết mang tính chất truyền kỳ đã làm rung động sâu sắc trái tim người dân Hy Lạp, cứ được lưu truyền rộng rãi rồi dần dần được thêm thắt vào không ít những truyện thần thoại và truyền thuyết. Rồi lại trải qua sự gia công của bao thế hệ nghệ nhân dân gian, câu chuyện về cuộc chiến tranh thành Tơroa đã trở thành hai thiên trường ca thần thoại đặc sắc. Tục truyền rằng đến thế kỷ VIII tr. CN, nhà thơ mù nổi tiếng Hy Lạp là Home đã ra sức chỉnh lý nâng cao thêm một bước hai thiên trường ca này, cuối cùng đã hình thành hai tác phẩm lớn: “Iliat” và “Ôđixê”. “Iliat” là dịch âm từ Iliôn, tên thành Tơroa, bản trường ca này có hơn 15000 câu miêu tả lại 10 năm chiến tranh ở Tơroa. “Ôđixê” (Odysseus) là tên gọi một anh hùng Hy Lạp, bản trường ca này gồm hơn 12000 câu thơ, miêu tả chặng đường 10 năm tìm về đất nước của Ôđixê. Hai bản trường ca này chính là tác phẩm nghệ thuật quý giá của Cổ Hy Lạp nổi tiếng toàn cầu, thường được gọi chung là “Trường ca Hôme”. “Iliat” tập trung miêu tả hình tượng vĩ đại của anh hùng Hy Lạp Asin (Achille) tức Akhilêx (Akhilles), ngòi bút của tác giả cũng chỉ ghi lại một sự kiện vào năm thứ mười của cuộc chiến tranh mà thôi. Trong cuộc tiến công thành Tơroa, chủ tướng của liên quân Hy Lạp là Asin anh dũng thiện chiến, lập được nhiều chiến công. Vào đầu năm thứ mười của cuộc chiến tranh, thống soái liên quân Hy Lạp Agamenôn đã cướp đoạt người nữ nô yêu quý của Asin. Asin vô cùng tức giận, kiên quyết từ chối không tham chiến nữa và chuẩn bị đưa đội quân của mình trở về Hy Lạp. Chủ tướng không ra trận, quân Tơroa thừa cơ phản công, đánh đuổi liên quân Hy Lạp từ chân thành Tơroa phải chạy dạt xuống bờ biển.
Quân Hy Lạp vội vàng xây dựng công sự ở bờ biển để chống lại quân Tơroa. Agamenôn buộc lòng phải xin lỗi Asin, tặng cho chàng nhiều báu vật và đồng ý giao cho chàng mấy thành thị. Nhưng Asin vẫn không muốn hợp tác với Agamenôn.
Cuộc tấn công lần thứ hai của người Tơroa bắt đầu. Họ phá vỡ công sự phòng ngự của quân Hy Lạp, phóng hỏa thiêu cháy chiến thuyền Hy Lạp. Asin thấy tình hình nguy cấp liền đem ngay áo giáp mũ trụ của mình đưa cho người bạn thân thiết Patơrôclơ mặc vào, lại giao chiến xa của mình cho chàng phóng ra ứng chiến. Quân Tơroa tưởng anh hùng Hy Lạp Asin xuất trận liền ào ào thoái lui. Patơrôclơ xông lên trước, đâm chết chủ tướng của quân Tơroa giành toàn thắng.
Vương tử Hecto thành Tơroa là một viên tướng trí dũng song toàn. Chàng quan sát tỉ mỉ, phát hiện ra viên tướng Hy Lạp mặc áo mũ của Asin không phải là Asin thật, liền bất thình lình lao lên đâm chết Patơrôclơ, rồi lột mũ trụ áo giáp của Asin trên thi thể, ngay cả tấm lá chắn của Asin cũng lấy mang đi. Sĩ khí quân đội Tơroa phấn chấn hẳn lên lao vào chém giết quân Hy Lạp.
Tình hình khẩn cấp lên đến cao độ, Asin không thể chịu được nữa, quyết định hòa hoãn với Agamenôn để tham chiến. Asin dẫn đầu đoàn quân cầm giáo xông ra trận đánh cho quân Tơroa đại bại và tự tay giết chết Hecto, vương tử thành Tơroa. Để trả thù, Asin còn buộc xác Hecto vào sau xe ngựa cho kéo lê trên mặt đất chạy ba vòng quanh thành Tơroa.
Đêm hôm đó, quốc vương thành Tơroa bí mật đột nhập doanh trại của Asin, chạy đến trước mặt chàng, nước mắt đầm đìa xin chuộc xác con. Asin rất thương cảm vị lão vương đầu bạc trắng, hai tay đỡ ông dậy, chấp nhận lời thỉnh cầu của ông ra lệnh ngay cho quân sĩ tắm rửa sạch sẽ thi thể Hecto, rẩy nước thơm lên rồi trao cho vị lão vương đưa về. Lại cùng ước định, để vị lão vương làm tang lễ cho con, hai bên sẽ ngưng chiến 12 ngày.
Sau 12 ngày, cuộc chiến lại nổ ra. Vương tử ăn chơi Parix của thành Tơroa nhờ sự giúp đỡ của các thần đã ám hại bắn chết Asin. Truyền rằng, muốn giết chết Asin là điều vô cùng khó khăn. Khi Asin còn rất nhỏ, mẹ chàng đã tắm cho chàng trên dòng sông nơi vương quốc Địa Phủ bằng cách nắm chân con nhúng xuống nước. Nước sông Địa Phủ làm cho thân thể không gươm giáo nào đâm chém thủng. Nhưng gót chân Asin nơi mẹ nắm vào không nhúng xuống nước lại rất dễ bị tổn thương. Parix đã dùng tên bắn trúng gót chân chàng. Thế là người anh hùng Asin đã hy sinh. Vì vậy ngày nay người Châu Âu vẫn gọi chỗ “điểm yếu chết người” là “gót chân Asin”. Ôđixê là vua đảo Itac ở Hy Lạp, cũng chính là vị tướng nghĩ ra “kế ngựa gỗ”. Trường ca tập trung kể lai những truyền thuyết trên đường về nước của Ôđixê.
Sau khi liên quân Hy Lạp chém giết và cướp bóc tàn tệ thành Tơroa đã lên đường về nước khiến cho các thiên thần tức giận. Thiên thần gây ra một trận bão lớn, nhiều chiến thuyền bị đắm, nhiều người bị chết đuối dưới biển. Một số ít người sống sót do Ôđixê dẫn đầu, tiếp tục cuộc trôi dạt trên biển. Để trở về đoàn tụ với vợ con, Ôđixê đã phải trải qua muôn ngàn đắng cay gian khổ, chiến thắng gió to sóng dữ, dùng mưu để thoát khỏi tên khổng lồ Pôliphem ăn thịt người, từ chối tình yêu của nữ thần Calipxô xinh đẹp, trôi nổi trên biển vừa đúng mười năm trời.
Bao vất vả gian nan mới trở về được quê hương, nhưng qua lời kể của ông già ở trại chăn nuôi lợn, Ôđixê mới biết chuyện khiến mọi người tức giận, đã xảy ra ở nhà mình. Có nhiều kẻ quý tộc ở đây đã thay nhau đến nhà Ôđixê để cầu hôn với vợ chàng, vì chúng biết vợ Ôđixê là vương hậu, kết hôn với nàng thì sẽ giành được quyền lực nhà nước. Những kẻ này đều nói Ôđixê không còn trở về nửa. Nàng Pênêlốp, vợ Ôđixê một mực cự tuyệt chúng vì nàng tin tưởng Ôđixê nhất định sẽ trở về. Nhưng những kẻ độc ác này không cam chịu, chúng kết thành bè thành lũ đến làm huyên náo căn nhà của Ôđixê, ngày ngày kéo đến đây ăn uống lu bù.
Ôđixê biết được chuyện này liền cải trang thành một người hành khất già, gặp được con trai là Têlêmac, hai cha con bày mưu trừng trị lũ quý tộc đang làm rối loạn trong nhà.
Ngày hôm sau là ngày kỷ niệm Thần Mặt Trời Apôlô, nàng Pênêlôp nói với đám người cầu hôn: ai giương nổi cây cung của Ôđixê và bắn một phát tên xuyên qua lỗ cán của 12 cái rìu thì người đó có tư cách để lấy nàng làm vợ. Đám người kia đều là những kẻ quen ăn chơi, chẳng tên nào giương nổi cánh cung. Lúc này, Ôđixê giả đang là lão hành khất bước vào. Bọn người kia đều không muốn cho ông tỉ thí, nhưng Telêmac đã đưa cây cung cho ông. Ôđixê giương cung bắn luôn một phát tên xuyên qua lỗ 12 cái rìu, giành chiến thắng. Tiếp đó hai cha con và hai người nô bộc đã giết chết hết lũ quý tộc tham lam độc ác. Gia đình những tên này hợp lại với nhau để báo thù Ôđixê, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thần, Ôđixê đã thắng. Ôđixê chẳng những đã cùng với vợ con đoàn tụ mà lại còn lên ngôi vua lần nữa.
“Trường ca Hôme” có nội dung khúc chiết ly kỳ, ngôn ngữ đẹp đẽ phong phú, là một viên ngọc sáng trong lịch sử nghệ thuật Cổ Hy Lạp cũng là một báu vật nghệ thuật chung của toàn nhân loại.