Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Chế Độ Quân Chủ Ra Đời

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ RA ĐỜI

Trên một con đường rộng thênh thang ở miền bắc Tiểu Á, đạo quận Rôma khổng lồ đang hành tiến, mang theo bao nhiêu của cải, vật phẩm quí báu cướp được của người Ba Tư. Nhưng điều khiến người ta thấy kỳ lạ là vị Hoàng đế thân chinh chỉ huy đại quân trên đường trở về Italia đã bị chết đột ngột. Người con trai còn trẻ tuổi của Hoàng đế lên kế vị chưa được một tháng cũng bị bệnh nặng, phải nằm trên cáng khiêng về nước.

“Mau! Mau!” – Tướng chỉ huy quân cận vệ Aben vừa thúc ngựa, vừa quẩn quanh bên cỗ cáng. Thỉnh thoảng ông ta lại khẽ vén tấm chăn phủ trên cáng lên nhìn, rồi quát tháo binh lính:

– Rảo chân lên, kẻo lại không kịp cứu chữa cho hoàng đế!

Mỗi lần Aben vén chăn lên, đám binh lính khiêng cáng lại ngửi thấy mùi hôi thối xông ra. Thời tiết lúc này tuy đã sang thu nhưng vẫn còn nóng nực, nhất là vào lúc xế trưa, dưới ánh nắng mặt trời, mùi hôi thối xông lên càng dữ dội. Nhiều sĩ quan bính lính thấy nghi ngờ về chuyện này.

– Hoàng đế đã không ăn không uống suốt hai ngày, bệnh của ngài liệu còn chữa khỏi được không? – Một sĩ quan khẽ hỏi Điôcơlêtianut, đội trưởng đội cận vệ của Hoàng đế.

– Hừ? Ông đi mà hỏi Aben, chỉ có ông ta mới trả lời được? – Giọng Điôcơlêtianut giận dữ.

Chiều tối, quân Rôma đến thành Nicômêđi. Tại đây, sĩ quan binh lính đã hiểu rõ cán nguyên của cái mùi hôi thối đó: thì ra, vị Hoàng đế trẻ tuổi của họ đã bị người ta giết chết từ lâu, trên cáng là thi hài của người!

Kẻ nào đã sát hại Hoàng đế? Phải tìm ra hung thủ – Binh sĩ phẫn nộ tụ tập nhau lại, đòi truy tìm tên giết người để nghiêm trị.

Trưởng quan cận vệ Abel nghe tin chạy tới, nạt nộ binh lính:

– Các ngươi muốn làm phản hả? Hoàng đế chết rồi thì bầu một người khác là xong, các ngươi ầm ỹ để làm cái gì? Mau quay về doanh trại! Nếu ai còn tụ tập gây chuyện sẽ hành quyết ngay tức khắc!

Nghe nói vậy, đám binh sĩ lập tức yên lặng. Vừa lúc đó, một giọng nói rắn rỏi vang lên:

– Aben, ngươi nói sao dễ nghe! Theo ta, người phải hành quyết không phải những binh sĩ tụ tập gây chuyện mà chính là ngươi? Hai vị Hoàng đế đã bị chết như thế nào? Ngươi nói đi!

Aben định thần nhìn, thì ra người vừa nói là Điôcơlêtianut, đội trưởng đội cận vệ của nhà vua. Aben cười nhạt một tiếng rồi nói:

–                          Ra mày, thằng nhãi con nô lệ mới được tha tội, tên ngậm máu phun người.

Điôcơlêtianut hét lên giận dữ:

– Chính là ngươi, tên Aben mặt người dạ thú. Chỉ trong một tháng ngươi đã mưu hại hai vị Hoàng đế. . .

Điôcơlêtianut chưa dứt lời thì Aben đã rút gươm đâm tới. Điôcơlêtianut vào lính từ nhỏ, tinh thông kiếm thuật, phản ứng mau lẹ, vội né người tránh mũi kiếm rồi vội rút thanh đoản kiếm đâm Aben một nhát từ phía sau lưng, Aben chết ngay tại trận. Hành động của Điôcơlêtianut được sự đồng tình của binh lính. Họ đã lập ông làm Hoàng đế của đế quốc Rôma.

Sau khi Điôcơlêtianut lên ngôi Hoàng đế, ông không trở về Rôma nữa mà chọn nơi ông đã được suy tôn làm vua – thành Nicômêđi làm kinh đô, vì dân chúng ở vùng này từ nhiều năm vẫn sống dưới ách cai trị của chế độ quân chủ độc tài chuyên chế, và ông cũng đang muốn xây dựng một quốc gia theo thể chế đó. Đồng thời, nơi đây về hoàn cảnh địa lý tiện cho việc khống chế toàn bộ đế quốc Rôma, về kinh tế và văn hóa cũng phát đạt hơn ở Italia.

Ở Nicômêđi, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, Điôcơlêtianut cho xây dựng Hoàng cung thật nguy nga tráng lệ và áp dụng những nghi thức cung đình long trọng. Khi mọi người đến bái kiến hoặc tham dự những buổi lễ ở Hoàng cung, Điôcơlêtianut mặc triều phục may bằng tơ lụa có nạm vàng, đầu quấn khăn đính những viên trân châu, chân đi hài khảm đá quí. Chung quanh ông lúc nào cũng có người theo hầu, các võ quan trực nhật và triều thần các cấp. Ai được phép vào yết kiến Điôcơlêtianut đều phải quì xuống hành lễ. Điôcơlêtianut được coi là thần thánh, quyền lực của Hoàng đế được tăng cường mạnh mẽ. Điôcơlêtianut tự coi quyền lực của ông là do thần thánh ban cho, không chịu bất cứ sự hạn chế nào, có quyền sinh sát đối với thần dân. Tên gọi Hoàng đế vẫn giữ nguyên, nhưng tên gọi “nguyên thủ” trước đây chính thức đổi thành “quân chủ”. Chế độ quân chủ này phù hợp với yêu cầu đàn áp nhân dân trong nước và chống lại những kẻ xâm lược ngoại lai, do đó nhận được sự ủng hộ của bọn quí tộc địa chủ và quí tộc quân sự, và đã trở thành một hình thức thống trị được duy trì ở đế quốc Rôma thời hậu kỳ.

Để đề phòng khuynh hướng các tỉnh phân lập và để củng cố nền thống trị của chế độ quân chủ, Điôcơlêtianut chia các tĩnh cũ thành 100 tỉnh nhỏ, từ 10 đến 12 tỉnh nhỏ hợp thành một khu vực hành chính; tăng số quân lên tới trên dưới 60 vạn người. Quân đội chia thành binh chủng biên phòng và binh chủng cơ động, vừa có thể đề phòng ngoại xâm vừa có thể ngăn chặn những rối ren nội bộ. Chính quyền quân sự tách khỏi chính quyền dân sự. Tổng đốc không kiêm giữ binh quyền nữa. Như vậy là một bộ máy quan liêu khổng lồ đã hình thành. Điôcơlêtianut sau khi lên chấp chính không lâu, đã ý thức được rằng một cá nhân ông ta không thể đối phó lại được các cuộc khởi nghĩa của nô lệ và các cuộc tấn công của ngoại tộc vào biên giới đế quốc, do đó đã ủy thác cho người bạn thân của mình là Maximinut cai quản miền Tây đế quốc. Maximinut đã chọn thành phố Milanô ở bắc Italia làm kinh đô của mình. Năm sau, Điôcơlêtianut phong cho Maximinut danh hiệu “Ôguxtut”, có nghĩa là thần thánh. Thế là đế quốc Rôma có hai kẻ trị vì tối cao, mọi mệnh lệnh ban ra đều lấy danh nghĩa của hai người.

Đến năm 293 sau Công nguyên, hai kẻ trị vì tối cao này lại bổ nhiệm cho mình một “phó Xêda”. Để củng cố địa vị thống trị của hoàng thất, cả hai vị “phó Xêda” này lần lượt nhận làm con thừa tự của Điôcơlêtianut và Maximinut, rồi trở thành con rể của họ. Vậy là chế độ thừa kế ngôi vua đã được bảo đảm một cách chắc chắn. Từ đó, bốn người chia nhau mỗi người cai trị một phần đế quốc. Trong lịch sử, chế độ đó gọi là “chế độ bốn ông vua cai trị”. Chế độ này tuy có ảnh hưởng đến sự thống nhất của đế quốc, nhưng lại giữ vững được biên giới, mở rộng được lãnh thổ của đế quốc.

Về kinh tế, Điôcơlêtianut thực hiện cải cách chế độ tiền tệ, nhưng vẫn không ngăn chặn được nạn lạm phát, vật giá vẫn tăng cao, kinh tế xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông còn thi hành thu thuế hiện vật và cưỡng chế sản xuất, các ngành các nghề phải được truyền từ đời nọ sang đời kia, những kẻ bỏ trốn đều bị nghiêm trị. Dưới ách thống trị chuyên chế cực đoan của Điôcơlêtianut, mọi người không được hưởng quyền lợi gì, hoàn toàn ở vào địa vị bị nô dịch.

Năm 305 sau Công nguyên, Điôcơlêtianut và Maximinut tuyên bố thoái vị cùng một ngày. Các con rể của họ đã bổ nhiệm những trợ thủ của mình. Điôcơlêtianut những tưởng đế quốc của ông đã vững như bàn thạch, sẽ không xảy ra chuyện phân tranh. Nào ngờ sau khi ông ta thoái vị, nội bộ đế quốc lại tái diễn tích xưa tranh hùng tranh bá.

Đế quốc Rôma là một Nhà nước nô lệ xây dựng trên xương máu của những người nô lệ. Ở đó, dân tự do khinh bỉ lao động, bọn chủ nô ngồi mát ăn bát vàng. Hàng năm, bọn chủ nô có tới 180 ngày tết, hoang phí vô độ quanh năm, giết thời gian trong những cuộc chọi thú, đấu kiếm, đua xe ngựa. Chốn cung đình lại càng xa hoa hủ bại, chỉ riêng những người phục vụ sang sửa sắc đẹp đã có tới vài trăm. Cuộc sống ăn bám đó cần tới biết bao nhiêu máu và mồ hôi của những người nô lệ mới có thể duy trì nổi.

“Bọn trọc phú đáng chết! Nếu những người nghèo thực sự cảm thấy không thiết sống nữa, hãy coi chừng họ sẽ khiến cho các người cùng chịu chung số phận! Đó là lời cảnh cáo của một người dòng dõi quí tộc thời bấy giờ đã nói với bọn “trọc phú”. Kể ra con người này cũng có tầm nhìn xa. Quả nhiên đến thế kỷ III sau Công nguyên, đế chế Rôma đầy mình ung nhọt, lòng dân oán giận, khởi nghĩa của nô lệ như một cơn bão táp khủng khiếp nổi lên ở khắp đế quốc.

“Biến chủ nô thành nô lệ!” Đó là lời kêu gọi chiến đấu của thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nô lệ xứ Gôlơ. Năm 186 sau Công nguyên, Matơnút – một binh sĩ xứ Gôlơ là người đầu tiên phát động cuộc khởi nghĩa mang tên “Bagôđa”. “Bagôđa” tiếng Gôlơ có nghĩa là “chiến sĩ”. Matơnút vì bất mãn với ách thống trị của đế quốc Rôma đã cùng với mấy trăm nô lệ tấn công vào các thị trấn và trang trại, phá hủy trại giam, thả các tù nhân, thanh thế ngày một lớn. Hoàng đế Rôma hay tin, vội cho quân đội tới đàn áp. Matơnút chia nghĩa quân thành những đơn vị nhỏ để dễ bề hoạt động. Họ cải trang để vượt qua dãy núi Anpơ, hẹn ngày gặp nhau ở thành Rôma, thừa cơ sẽ giết chết Hoàng đế Rôma. Âm mưu bị bại lộ do có kẻ phản bội tố giác, năm 188 khởi nghĩa thất bại.

Song những người nô lệ vẫn không chịu khuất phục. Năng 283, phong trào Bagôđa với qui mô lớn hơn lại nổ ra ở vùng sông Sen và sông Loa. Nơi đây rừng rú rậm rạp, tiện cho việc ẩn náu. Khởi nghĩa bắt đầu, nông phu nhanh chóng trở thành binh lính, người chăn nuôi súc vật trở thành kỵ binh, chiến tranh lan tràn khắp thành thị thôn quê, bọn quí tộc hốt hoảng trốn chạy. Hai thủ lĩnh của Bagôđa là Êlliêng và Amanđút tự xưng Hoàng đế, cát cứ một vùng. Hoàng đế Điôcơlêtianut cử Maximinut chỉ huy quân đoàn phương Đông tới Gôlơ đàn áp. Để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân Bagôđa học theo cách của Matơnút năm nào, phiên chế thành những đơn vị nhỏ tổ chức đánh du kích, dương đông kích tây, mai phục tiêu diệt địch. Binh sĩ Rôma bị đánh tơi bời, lâm trận là tháo chạy. Maximinut phải dùng thủ đoạn nghiêm trị, cứ mười người giết một để buộc binh sĩ phải liều chết chiến đấu mới xoay chuyển được chiến cục. Maximinut còn dùng thế trận hình cung để chia cắt lực lượng của nghĩa quân, sau đó tiêu diệt từng bộ phận. Nghĩa quân Bagôđa buộc phải lui về trấn giữ một tòa thành nằm ở cửa sông Sen. Sau một thời gian dài bị Maximinut bao vây tấn công, thành thất thủ, rất nhiều chiến sĩ Bagôđa đã anh dũng hy sinh.

Song phong trào Bagôđa vẫn không bị dập tắt. Năm 408, tướng Rôma là Sara chỉ huy một cánh quân từ Gôlơ trở về Italia phải vượt qua rặng núi Anpơ hiểm trở đã bị nghĩa quân Bagôđa bất ngờ tấn công, toàn bộ chiến lợi phẩm đã rơi vào tay nghĩa binh. Trang bị của quân Bagôđa nhờ đó được cải thiện, sức chiến đấu được nâng cao. Năm 435, thủ lĩnh Bagôđa là Batô phối hợp với quần chúng khởi nghĩa đã mở cuộc tấn công đại qui mô vào bọn quan lại Rôma, tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “Biến chủ nô thành nô lệ”, được những người nô lệ nhiệt liệt ủng hộ.

Phong trào Bagôđa đã phá hoại trật tự thống trị của đế quốc Rôma, đã khôi phục lại sinh hoạt công xã nông thôn tự do. Đầu thế kỷ V, một nhà viết kịch khuyết danh đã soạn một vở kịch được công diễn ở nhiều nơi, nội dung phản ánh một số nét về phong trào Bagôđa thời bấy giờ. Nhân vật chính trong vở kịch là Kêlôrút gia cảnh bần hàn, hết kế sinh nhai bèn cầu xin thánh thần mách bảo cho anh ta một nơi có thể an cư lạc nghiệp. Thần hiện lên và bảo rằng:

– Tốt nhất là nhà ngươi hãy tới vùng Sông Loa và làm một tên “cướp” ở đó. Người nơi ấy công bằng vô tư. Nếu ngươi có bị tội chết cũng sẽ được đem ra xét xử công khai, người luận tội là nông dân, người phán quyết là binh sĩ. Ngươi đến đó sẽ được toại nguyện”.

Vùng sông Rua nơi trong vở kịch chính là khu vực hoạt động của Bagôđa; tên “cướp” nói ở đây muốn ám chỉ khuyên người ta hãy làm một chiến sĩ Bagôđa. Vở kịch còn phản ánh bộ mặt chính trị của Bagôđa, ở đó có hội nghị nhân dân, có tòa án tối cao gồm các xã viên, nó không có quan tòa, cũng không xử theo luật của Rôma. Khi đế quốc Rôma đã ở vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, một tổ chức xã hội như vậy xuất hiện có thể nói đó là một tía sáng trong một vương quốc tối tăm.

Vào thời kỳ cuối của đế chế Rôma, khởi nghĩa nô lệ không chỉ có phong trào Bagôđa ở Gôlơ, mà ở Bắc Phi, ở Tơraxơ, ở vùng sông Đunai v.v. chỗ nào cũng bùng lên ngọn lửa của khởi nghĩa nô lệ. Khởi nghĩa nô lệ ở thời kỳ này so với khởi nghĩa nô lệ ở thế kỷ I trước Công nguyên do Spactacút lãnh đạo phát triển ở giai đoạn cao hơn, có tính chất quần chúng rộng rãi hơn, bền bỉ hơn. Thông qua hàng loạt các cuộc đấu tranh anh dũng của mình, những người nô lệ đã đả kích nặng nề vào nền thống trị của đế quốc Rôma, làm cho đế chế Rôma đứng trước sự sụp đổ hoàn toàn.

Sau khi Điôcơlêtianut thoái vị, trải qua một thời kỳ hỗn chiến, “chế độ bốn vua chấp chính” cuối cùng đã bị xóa bỏ. Suốt một thế kỷ sau đó, những cuộc khởi nghĩa của nô lệ, lệ nông, dân nghèo trong nội bộ đế quốc cùng với các cuộc xâm lược của ngoại tộc đã liên tục tấn công vào nhà nước nô lệ hủ bại. Tới đầu thế kỷ V, đế quốc Rôma đã bước vào giai đoạn cuối cùng của nó. Bấy giờ, đế quốc, phân liệt thành hai phần đông tây: đế quốc Đông Rôma có kinh đô là Cônstăngtinôpôlit nằm trên bờ Hắc Hải và đế quốc Tây Rôma có kinh đô là Ravennơ nằm trên đất Italia. Hai đế quốc Đông và Tây Rôma do hai Hoàng đế cai trị, họ là hai anh em, một người lên kế vị lúc 18 tuổi, một người mới 11 tuổi.

Hônôriút, vị Hoàng đế thống trị Tây Rôma, là một kẻ bất tài nhu nhược. May mà có quan tư lệnh Stilicôn giúp ông ta nhiếp chính mới duy trì được chính quyền. Chỉ có điều những cuộc khởi nghĩa ở các nơi đã khiến cho đế quốc bị bể đầu sứt trán.

Tháng 11 năm 401, đế quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng mới: đại quân của người Gốt – một nhánh của tộc Giécman phương Đông – đột nhiên tiến vào Italia. Đế quốc Rôma tuy lúc bấy giờ đã suy yếu, nhưng trước đây vùng lãnh thổ này vẫn luôn luôn là nơi an toàn yên ổn. Cho nên nghe nói có ngoại tộc xâm nhập, từ trên xuống dưới đều hốt hoảng kinh hoàng. Bọn giầu có lũ lượt kéo nhau trốn chạy khỏi Italia. Chẳng lâu sau, người Gốt đã bao vây được Hoàng đế Hônôriút trong một thành phố ở miền bắc Italia.

Chỉ huy cánh quân này là Alarích, một dũng sĩ lừng danh người Gốt. Ông đã hứa với vợ mình rằng, chừng nào đánh vào được thành Rôma ông sẽ bắt bọn đàn bà quí phái ở đây làm nô tỳ cho vợ, lấy tất cả của cải châu báu của bọn họ làm quà tặng cho vợ. Nhưng quan tư lệnh đế quốc Rôma Stilicôn đã huy động rất nhiều quân đội, đánh bại được Alarích.

Thành Rôma lập tức khôi phục lại được sinh khí. Hoàng đế Hônôriút bất tài đã hạ lệnh tổ chức một lễ lớn để chúc mừng thắng lợi. Những tù binh người Gốt bị bắt giải đi trên đường phố cho mọi người xem. Các cuộc tranh tài của các đấu sĩ được tổ chức ở trường đấu hình tròn. Đây là lần chúc mừng thắng lợi cuối cùng trong lịch sử Rôma, cũng là cuộc tranh tài cuối cùng giữa các đấu sĩ.

Là một người thông minh và có tài năng quân sự, Stilicôn hiểu rằng người Gốt tuy bị đánh bại, nhưng đế quốc cũng đã tả tơi. Do đó ông quyết định liên minh với Alarích để chống lại sự xâm lược của người Hung nô đến từ phía đông sông Vônga. Nhờ sự kiên trì của ông, liên minh đã được thiết lập người Gốt chiến bại cũng nhận được 4000 bảng vàng và một tỉnh miền tây Rôma. Song điều không may là sách lược của Stilicôn bị quí tộc Rôma đả kích. Họ tung dư luận là Stilicôn muốn lợi dụng người Gốt để lật đổ Hônôriút, cho con trai của mình lên làm Hoàng đế. Hônôriút mê muội đã tin vào những lời bịa đặt, hạ lệnh xử tử Stilicôn, lại còn truy bức cả những người bạn và những người ủng hộ Stilicôn. Cuộc đàn áp tàn khốc khiến bộ hạ của Stilicôn vô cùng phẫn nộ, chỉ một thời gian rất ngắn đã có 3 vạn người đi theo Alarích. Và thế là, Alarích đã phối hợp với người Hung nô mở cuộc tấn công mới vào đế quốc Rôma.

Năm 410, đại quân của Alarích đã tới ngoài thành Rôma.

Lúc này, Rôma tuy không còn là kinh thành của đế quốc nữa, song nó vẫn là một trong những thành phố hùng vĩ tráng lệ bậc nhất trên thế giới hồi bấy giờ. Trong thành có hơn 45.000 ngôi nhà và gần 1800 tòa cung điện. Thành Rôma nguy nga, kiều diễm với những công trình kiến trúc bề thế, những thần miếu cổ kính được xây bằng đá cẩm thạch, nhà hát lớn, rạp xiếc và những giáo đường lớn của đạo Kitô v.v. tất cả đều mờ mờ ảo ảo hiện ra trước mắt người Gốt và người Hung nô.

Người Gốt còn chiếm đóng cả hải cảng Ôstiê cách Rôma không đầy 20 km, cướp đi toàn bộ số lương thực từ châu Phi chuyển tới Rôma, khiến thành Rôma với số dân đông đúc lập tức rơi vào cảnh đói kém hãi hùng. Khẩu phần lương thực cho mỗi người mỗi ngày từ nửa bảng giảm xuống còn 1/4 bảng, cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp. Tiếp theo là bịch bệnh cướp đi hàng ngàn hàng vạn sinh mệnh, trên đường phố và quảng trường la liệt những xác chết. Ngoại thành đã bị ngoại tộc cướp bóc vơ vét trống trơn, còn viện binh mà nhà vua hứa hẹn sẽ cử đến chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Không khí tuyệt vọng và sợ hãi bao trùm toàn thành phố. Trong tình thế như vậy, nô lệ, lệ nông và thợ thuyền các nơi lũ lượt kéo nhau chạy sang phía Alarích, thành Rôma đã kề ngày tận số.

Viện Nguyên lão quyết định cử sứ giả sang cầu hòa với Alarích.

– Cầu hòa hả? Có thể. Điều kiện là giao nộp toàn bộ của cải vàng bạc châu báu trong thành.

– Vậy thì, thưa thủ lĩnh – Sứ giả cẩn thận hỏi – Ngài định để lại gì cho dân chúng thành Rôma?

. – Mạng sống? – Alarích ngang nhiên trả lời.

Nhưng. . . nhưng trong thành còn có những người, binh sĩ cũng hàng ngày đang thao luyện, họ sẽ liều chết tử thủ.

Alarích cười ngất:

– Được? Thế càng tốt! Cỏ mọc càng rậm, cắt càng đỡ tốn sức!

Cuối cùng coi như đi tới một thỏa thuận: người thành Rôma phải nộp 5000 bảng vàng, 3000 bảng bạc, 4000 tấm lụa, 3000 bảng hồ tiêu; ngoài ra, phải cử một số quí tộc sang làm con tin. Alarích sẽ giải vây cho thành Rôma và cho phép người Rôma đến cảng Ôstiê để mua lương thực.

Hônôriút tuy là kẻ bạc nhược, nhưng ông không cam tâm nghị hòa. Ít lâu sau, chờ đến khi người anh của ông ta từ Cônstăngtinôpôlit gửi tới 4000 viện binh và lương thực từ châu Phi chuyển sang, Hônôliút trở nên cứng cỏi hơn. Ông bắt đầu hành động quân sự, lại còn cho người chửi bới Alarích trên đường phố và quảng trường. Việc làm này khiến Alarích rất tức giận. Ông ta quyết tâm đánh chiếm thành Rôma và hứa với các binh sĩ công thành: sau khi phá được thành, cho phép họ tha hồ cướp bóc.

Đêm 24 tháng 8 năm 410, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. Binh sĩ Gốt cao to lực lưỡng mặc quần áo da thú vừa la hét vừa xông thẳng vào thành Rôma. Cùng với họ tấn công thành còn có kỵ binh Hung nô tháo vát nhanh nhẹn, vai đeo cung tên, cưỡi trên những con ngựa chiến thấp bé lanh lợi. Những nô lệ Rôma từ lâu mong muốn được giải phóng, trong đêm tối đã mở toang cổng thành.

Trong tiếng vang vang của kèn lệnh, tiếng khua vang của các loại binh khí, đại quân của ngoại tộc đã xông vào thành Rôma.

Kể từ lần người Gôlơ xâm nhập Rôma năm 390 trước Công nguyên, trong suốt 800 năm qua không có người ngoại tộc nào có thể tấn công thành Rôma. Lúc này, tòa thành rơi vào tình trạng hỗn loạn. Binh lính xông vào cung điện, đền thờ, nhà ở, lột các vật trang trí quí báu treo trên tường xuống, chất tất cả vàng bạc châu báu lên xe. Để tìm vàng, chúng đập vỡ tất cả các bức tượng ra. Giáo đường Kitô bị cướp sạch sành sanh. Hoàng cung lửa cháy ngút trời. Trên đường phố, quảng trường, ngổn ngang những xác chết. Dân trong thành rất nhiều người bị bắt đi bán làm nô lệ. Nô lệ và lệ nông Rôma gia nhập đại quân của Alarích nhân dịp này cũng trừng phạt thẳng tay những tên chủ độc ác của họ.

Sau ba ngày ba đêm cướp phá, Rôma hầu như biến thành một tòa thành rỗng. Ngày thứ sáu sau khi phá thành, Alarích dẫn đại quân rời khỏi thành Rôma tiến quân xuống miền nam Italia, nhưng ít lâu sau đột nhiên bị chết. Truyền thuyết kể rằng, người Gốt đã bắt tù binh Rôma tát cạn một khúc sông rồi đem thi hài của Gốt và vô số báu vật chôn dưới lòng sông, sau đó lại tháo nước vào. Công trình sau khi hoàn thành, toàn bộ số tù binh đều bị giết hết. Vì thế mà mộ táng của vị thủ lĩnh này và các di vật chôn theo đến nay vẫn chưa phát hiện ra.

Suốt hơn 60 năm sau khi thành Rôma bị công phá, Italia về hình thức vẫn duy trì nền thống trị của Hoàng đế, song cái gọi là Hoàng đế của đế quốc Tây Rôma chẳng qua chỉ là bù nhìn nắm trong tay thủ lĩnh quân sự ngoại tộc.

Năm 476, một thủ lĩnh quân đánh thuê của đế quốc Rôma đã lật đổ Hoàng đế cuối cùng của đế quốc Tây Rôma Rômulut Ôgustutơ. Đây cũng là mốc đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn của chế độ chiếm hữu nô lệ. Về mặt lịch sử, người ta thường cho rằng năm đó là năm đế quốc Rôma diệt vong, cũng là năm kết thúc lịch sử cổ đại ở Châu Âu. Còn đế quốc Đông Rôma, chính quyền của Cônstăngtinôpôlit tuy không bị diệt vong đồng thời với đế quốc Tây Rôma, nhưng cũng từng bước quá độ sang chế độ phong kiến.

Đã trải qua 12 thế kỷ, từng ngự trị cả một vùng Địa Trung Hải, đế quốc Rôma cuối cùng đã bị sụp đổ trước sức công phá của các cuộc khởi nghĩa của nô lệ, lệ nông và sự xâm lăng của ngoại tộc. Từ đây, lịch sử Châu Âu đã bước vào đêm trường trung cổ của chế độ phong kiến.

Rôma cổ đại tồn tại suốt hơn 1000 năm, có lịch sử lâu đời, ảnh hưởng sâu rộng, đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa phong phú, xán lạn.

Tác phẩm văn học sớm nhất mà Rôma cổ đại truyền lại là hí kịch, trong đó có hài kịch, cũng có bi kịch.

Người mở đầu cho thời kỳ phát triển của hài kịch Rôma là Titút Mácxiút Piôtút (254- 184 TCN). Do cảnh sống cơ cực và phải lăn lộn trong xã hội, tiếp xúc với nhiều lớp người, nên ông có một vốn sống khá phong phú để sáng tác. Tác phẩm của Plôtút rất nhiều. Ông đã viết hơn 100 vở hài kịch, đáng tiếc là chỉ còn lưu truyền lại được một số như vở “Anh lính khoe khoang”, “Một hũ vàng”, “Bóng ma” v.v. Tác giả đã chế nhạo những thói hư tật xấu của, bọn quyền quí. Tơrenxiút cũng là một người sáng tác hài kịch nổi tiếng. Ông đã viết 6 vở hài kịch lớn như “Mẹ chồng”, “Hai anh em” v.v. Thông qua các mối quan hệ gia đình giữa cha con, anh em, tác phẩm của ,Tơrenxiút phản ánh hết sức sinh động mâu thuẫn giữa thế hệ già và trẻ. Câu châm ngôn của Tơrenxiút: “Tôi là con người, đối với tôi chẳng có cái gì của con người là xa lạ cả” được rất nhiều người biết đến.

Triều đại Ôgútstút được coi là thời đại hoàng kim của văn học Rôma. Thời kỳ này đã xuất hiện 3 nhà thơ lớn. Một trong ba người đó chính là nhà thơ nổi tiến Ôviđiút đã bị “Nguyên thủ” Ốctaviút bắt đi đầy biệt xứ trong câu chuyện chúng ta đã kể phần trên. Còn hai nhà thơ kia là Viếcgiliút và Hôratiút. Viếcgiliút mô phỏng thiên sử thi Hôme để sáng tác ra “Ênêit”. Bản trường ca gồm 12 chương, kể về chuyện Ênê, người anh hùng thành Tơroa, đã mang cha già và con dại cùng một số nạn dân thành Tơroa, vượt biển khơi lưu lạc tới đất Italia. Trải qua muôn vàn thử thách và gian nan, chàng trở nên vô cùng dũng cảm. Sau khi tới được đất liền, chàng Ênê đã phải chiến đấu với cư dân địa phương, cuối cùng giành được thắng lợi, bắt đầu xây dựng thôn xóm và thành thị. Đó là khởi nguồn của Rôma theo truyền thuyết. Bộ sử thi “Ênêit” ca ngợi niềm vinh quang của Rôma và công lao xây dựng của tổ tiên người Rôma, chứa chan tinh thần yêu nước cao cả và tình yêu đối với con người.

Nhắc đến những tác phẩm lịch sử cổ đại nổi tiếng, người ta nghĩ ngay đến Áppianút. Áppianút sinh ra và lớn lên trên đất Ai Cập, từng được giao chức vụ cao. Sau này ông sang Rôma và được hưởng quyền công dân, làm luật sư. Ít lâu sau, ông được Hoàng đế Rôma trọng dụng. Những năm cuối đời, ông làm Tổng đốc Ai Cập, tiếng tăm lừng lẫy một thời. Song tất cả những việc làm đó chẳng có ảnh hưởng gì đối với hậu thế. Cống hiến lớn nhất của ông cho hậu thế là đã để lại pho “Lịch sử Rôma”. Pho sách gồm 24 cuốn, được viết bằng tiếng Hy Lạp thông dụng lúc bấy giờ, kể về 900 năm lịch sử của Rôma kể từ khi cổ quốc Rôma khởi nguồn, các truyền thuyết về thời kỳ vương chính, diện mạo chính trị các nước chung quanh Địa Trung Hải, quá trình Rôma chinh phục các nước đó v.v. ; ngoài ra còn ghi lại những cuộc chiến tranh nổi tiếng như khởi nghĩa của Spactacút, cuộc chiến tranh của liên minh Italia, Xêda đại chiến với Pômpêiút, Ốctaviút đại chiến với Antôniút v.v. “Lịch sử Rôma” mà chúng ta ngày nay có thể nhìn thấy chỉ là một nửa pho sách của Áppianút.

Nhắc đến Xêda, chúng ta đều biết ông và một nhà chính trị nổi tiếng, một thiên tài quân sự trong lịch sử Rôma thời cổ đại. Kỳ thực ông còn là một sử gia lỗi lạc: Vị tướng lĩnh mình khoác chiến bào vẫn thường cưỡi trên con tuấn mã, cặp mắt rừng rực dõi nhìn phía trước, miệng đọc văn thơ cho tùy tùng ghi chép lại. Cứ như thế, trong những năm chinh chiến, ông đã viết xong cuốn sách quí giá về lịch sử Rôma cổ đại “Ký sự về cuộc chiến tranh ở xứ Crôlơ”. Đó là những ghi chép về quá trình Rôma chinh phục xứ Gôlơ, có giá trị rất cao về lịch sử, về quân sự và cả về văn học nữa.

Ngoài văn học và sử học ra, đối với nền văn hóa thế giới, Rôma còn có đóng góp lớn lao về mặt luật học. Những bộ luật đầu tiên của nhân loại đã xuất hiện sớm nhất ở Rôma. Rôma cổ đại cũng có rất nhiều thành tựu về triết học, khoa học tự nhiên, nông nghiệp v.v… Người có thành tựu lớn nhất về khoa học tự nhiên là Pliniút, tác giả của bộ sách vĩ đại “Lịch sử tự nhiên” gồm 37 cuốn, tổng kết hầu hết những hiểu biết về các ngành khoa học như thiên văn học, khoáng vật học, thực vật học, động vật học, địa lý học v.v. Những kiến thức ấy ông đã đúc kết được sau khi đọc hơn 2000 tài liệu, sách vở của hơn 100 tác giả nổi tiếng. Có thể coi đây là một bộ Bách khoa toàn thư sớm nhất trong lịch sử Âu Á.

Sự nghiệp kiến trúc của Rôma cổ đại cũng phát triển chưa từng thấy. Các Hoàng đế Rôma muốn chứng tỏ sự cường thịnh của đất nước bằng các kiểu kiến trúc. Các đền thờ thần, đại giáo đường, những hành lang trụ, cổng vòm mọc lên như rừng chung quanh quảng trường Rôma. Pompêiút đã xây dựng nhà hát lớn đầu tiên bằng đá. Ôgútstút tuyên bố đem thành Rôma vôi gạch xây dựng thành một Rôma bằng đá cẩm thạch. Thời kỳ đế quốc hưng thịnh, biết bao nhiêu công trình kiến trúc tuyệt vời đã lần lượt được xây dựng. Trong đó phải kể đến công trình kiến trúc lớn nhất còn lại tới ngày nay. Đó là đấu trường hình tròn, phần bên ngoài có 3 tầng, bao chung quanh là những hàng cột đá, sức chứa tới 5 vạn người. Sừng sững giữa quảng trường Rôma là trụ đá ghi công Hoàng đế Tơragianút chinh phục Đaxia với những bức phù điêu liên hoàn từ dưới lên trên, tái hiện lại các cuộc chinh chiến của vị vua này. Rất nhiều di tích của Rôma cổ đại được bảo tồn cho đến ngày nay, hàng năm thu hút hàng triệu người tới tham quan.

Năm 476 sau Công nguyên, đế quốc Tây Rôma cuối cùng đã bị sụp đổ do các cuộc khởi nghĩa của nô lệ và ngoại tộc xâm nhập. Từ đây, lịch sử Châu Âu bước vào thời kỳ trung cổ của chế độ phong kiến, cũng tức là thời đại trung thế kỷ.

Vậy những ngoại tộc đó chủ yếu là người nào?

Ở phía bắc và phía đông đế quốc Tây Rôma, tức là ở miền trung và miền đông Châu Âu, vốn có nhiều bộ tộc độc lập sinh sống, trong đó lớn nhất là bộ tộc Giécman. Thời bấy giờ, người Rôma gọi tất cả những người không phải dân tộc mình là “man tộc”, có nghĩa là các “dân tộc dã man”. Thế nhưng chính những “man tộc” đó đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử Châu Âu.

Về chính trị, kinh tế, văn hóa, các man tộc đều khá lạc hậu, song về lực lượng quân sự họ lại rất lớn mạnh. Toàn thể trai tráng đều là chiến sĩ. Khi họp bộ lạc, đồng ý việc nào đó họ khua vang binh khí, không đồng ý họ la hét om xòm. Họ không biết bón phân cho đồng ruộng, mùa màng thu hoạch xong họ bỏ hoang đất đai, đi khai phá cấy cày ở vùng đất khác, vì thế luôn luôn có nhu cầu cướp bóc đất đai. Mỗi khi đánh nhau, ai lâm trận mà bỏ trốn sẽ bị treo cổ; kẻ nào tỏ ra sợ hãi cũng sẽ bị dìm chết, vì thế tất cả đều dũng mãnh phi thường.

Man tộc không cần đến thành thị. Đánh chiếm được thành phố nào của đế quốc Tây Rôma, họ liền phá hủy giáo đường, cung điện, rạp hát, lấy gạch đá của những kiến trúc đó mang về làm nhà và xây công sự. Họ không hiểu vai trò của giao thông, đã phá hoại tất cả những con đường nối liền giữa các nơi trong đế quốc. Do đó, những địa phương bị man tộc tấn công, thương nghiệp hầu như bị đình đốn; những hải cảng náo nhiệt dần dần biến thành những thôn chài hoang vắng; trường học trở nên thưa thớt, số người biết chữ ngày càng ít. Có thể nói một cách chính xác rằng, đến thế kỷ VI rất khó tìm được người biết chữ La-tinh.

Cứ như thế, bước vào thời đại trung thế kỷ, suốt trong mấy trăm năm Châu Âu chìm ngập trong bóng tối của sự ngu muội vô tri. Người ta chỉ có thể mường tượng sự vĩ đại của nền văn hóa cổ điển qua dấu vết của những công trình kiến trúc đồ sộ hoặc những con kênh còn sót lại của Rôma.

Cho mãi tới thế kỷ XII, một giáo sĩ đạo Kitô khi ngắm cảnh thành Rôma hoang phế vẫn phải thở dài mà than rằng:

– Ôi Rôma! Người tuy đã bị phá nát hoàn toàn mà vẫn không có thứ gi sánh được với người. Những dấu vết còn lại đủ nói lên trong thời kỳ toàn thịnh người vĩ đại biết chừng nào! Năm tháng đằng đẵng đã hủy hoại vẻ tráng lệ của người. Thành trì của Xêda cùng với miếu mạo của thiên thần, giờ đây đều chìm trong hồ nước. Song, khói lửa và gươm đao chẳng thể nào hủy diệt được niềm kiêu hãnh của người!

Tuy nhiên, các man tộc lạc hậu đã làm thay đổi chế độ kinh tế của Tây Âu, khiến nó dần dần thoát ra khỏi sự trói buộc của chế độ nô lệ, quá độ sang chế độ phong kiến.

Điều này do nguyên nhân nào vậy?

Thì ra, các chiến binh man tộc đều phải tự mình trang bị cho mình, nhà nước không có quân đội đánh thuê đòi hỏi phải có tiền lương. Vương quốc do man tộc xây dựng nên không có những quan lại sống dựa vào quốc khố, thậm chí không có Hoàng cung sang trọng tổn phí bao nhiêu là tiền của. Ngay cả quí tộc cũng sống một cuộc sống nông thôn rất giản dị, họ hoàn toàn không có thói xa hoa và những thị hiếu của những kẻ quyền thế sang giầu của Rôma, do đó không cần thiết phải thu nhiều thuế má. Vì thế, sau khi chiếm được đất đai sở hữu của hoàng đế Rôma và đại chủ nô, man tộc phần lớn đều mang chia hết. Không những các chiến binh bình thường đều được nhận một phần ruộng đất nuôi sống gia đình, mà ngay cả những nô lệ và lệ nông trước đây cũng được chia ruộng đất của chủ. Những người này không còn là nô lệ nữa, mà là những nông nô có ruộng đất và nông cụ được chia. Đó là một cuộc giải phóng lớn về sức sản xuất. Chế độ phong kiến Tây Âu cuối cùng đã ra đời để phù hợp với tình hình đó.

Trung thế kỷ mở đầu dựa trên tiền đề phá hủy nền văn minh Rôma cổ kính và rạng rỡ, song nó lại là một bước tiến lớn trong lịch sử loài người.

Từ đây, trên sân khấu lịch sử, màn kịch mới bắt đầu với những cảnh rùng rợn nối tiếp nhau. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một sự kiện lịch sử quan trọng – Vó ngựa Hung nô đạp lên Châu Âu – để kể về những câu chuyện đầy thú vị của đêm trường Trung Cổ.

Chọn tập
Bình luận