Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Côpecnich

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 CÔPECNICH

Trong một làng nhỏ hẻo lánh có tên là Tôrông ở Ba Lan, có một cậu bé tóc xoăn thường xuyên thích quan sát mặt trời. Sáng sớm, cậu ngắm nhìn mặt trời hồng từ phía đông dâng lên từ từ; giữa trưa, cặp mắt hấp háy quan sát mặt trời đi qua đỉnh đầu; chạng vạng tối bao giờ cũng lưu luyến ngắm trông ánh chiều tà tắt dần dưới chân núi phía tây. Những tối mùa hè, cậu thường nằm yên trên bãi cỏ ngoài cánh đồng nhìn vòm trời cao đen kịt chi chít những ánh sao. . .

Cậu bé ấy là Nicôla Côpécních, sinh ngày 19 tháng 2 năm 1473, trong một gia đình nướng bánh mì chẳng danh giá gì ở làng này. Năm 10 tuổi, cha mất, cậu sống với người cậu. Người cậu là một giáo chủ, Côpécních đòi cậu kể cho nghe chuyện về mặt trời và sao. Người cậu cho cháu những sách về thiên văn học, cậu bé đọc ngốn ngấu say sưa, sau đó lại quay sang cuốn “sách” bầu trời luôn rộng mở – liên tục quan sát những vì tinh tú biến đổi rất lý thú và thần kỳ.

Năm 18 tuổi, Côpécních vào học đại học Cơracốp. Tại đây, ông đã được cấp văn bằng bác sĩ. Ông còn học hội họa, lại rất chăm chú nghiên cứu lý luận thiên văn học của Ptôlêmê, học sử dụng máy móc thiên văn. Từ đó ông càng hứng thú về thiên văn học.

Năm 1495, Côpécních đến Italia, cái nôi của Văn hoá phục hưng, lần lượt học y học, luật học, thần học và thiên văn học tại đại học Bôlônhơ, đại học Pađôê, và đại học Fêrara. Năm 1499, khi Côpécních 26 tuổi, đã nhận lời mời làm giáo sư thiên văn học ở đại học Rôma.

Tại đại học Rôma, ông dạy thiên văn học theo “Thuyết Địa tâm” của Ptôlêmê. “Thuyết Địa tâm” do nhà triết học cổ Hy Lạp Aristôt đề xuất, đến thế kỷ II sau công nguyên, nhà thiên văn học Rôma Ptôlêmê đóng góp thêm luận chứng, làm cho nó thành hệ thống. Ptôlêmê cho rằng, vũ trụ là một thể hình cầu hữu hạn, bầu trời giống như một cái bát úp xuống, quả đất đứng nguyên bất động, nằm ở trung tâm cái bát úp đó, còn mặt trời, mặt trăng và tinh tú đều quay quanh trái đất. Lý luận này về sau bị giáo hội lợi dụng, họ nói xằng bậy rằng, trái đất do Thượng đế sáng tạo ra ở trung tâm vũ trụ, còn mặt trời, mặt trăng, tinh tú đều là vật trang sức do Thượng để tạo ra để tô điểm cho vũ trụ, cũng như sông ngòi, rừng rú, ngũ cốc trên trái đất đều do Thượng đế làm ra cả. Vì thế, “thuyết Địa tâm” được Giáo hội coi là kinh điển, đã thống trị Châu Âu hơn 1000 năm.

Côpécních sau ba năm giảng dạy lý luận này, ngày càng tỏ ra nghi ngờ. 2000 năm trước, nhà triết học cổ Hy Lạp Pytago đã từng biện luận với Aristốt. Theo ông, trung tâm của vũ trụ không phải là Trái đất mà là Mặt trời, Trái đất chỉ là một trong những vì sao quay quanh Mặt trời mà thôi. Côpécních đã bị lý thuyết của Pytago thu hút mạnh mẽ. Thế là ông cương quyết từ bỏ chức giáo sư đại học Rôma, trở về Ba Lan, làm giáo sĩ tại Nhà thờ lớn Phơrômbuôc, từ đó ông có nhiều thời gian để hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trên bức tường bao góc tây bắc nhà thờ, có một căn gác nhỏ. Để thuận tiện cho công việc nghiên cứu, Côpécních đã chọn nơi này làm nơi ở, đồng thời thiết lập một đài thiên văn nho nhỏ tại đây, dùng những công cụ thô sơ tự chế tạo, kiên trì quan sát thiên thể hơn 30 năm. Trong cuốn sách “Bàn về sự vận hành của các thiên thể”, trong 27 thí dụ thực tế quan trắc đã chọn lựa, thì có 25 thí dụ ghi chép từ quan trắc của chính ông tại căn gác nhỏ này.

“Bàn về sự vận hành của các thiên thể” là một tác phẩm lớn gồm 6 tập. Trong bộ sách này, Côpécních đã mạnh dạn nêu ra: Mặt trời là trung tâm của vũ trụ, tất cả các hành tinh đều quay quanh mặt trời. Hàng ngày người ta nhìn thấy mặt trời từ phía đông chuyển sang phía tây, là do Trái đất mỗi ngày đêm tự quay được một vòng, chứ không phải Mặt trời đang di động; cũng giống như thế, các ngôi sao trên trời trông như đang liên tục chuyển động, cũng là vì bản thân Trái đất đang quay, chứ không phải các ngôi sao quay quanh Trái đất đứng im.

Trong cuốn sách, ông còn mạnh dạn phê phán lý thuyết của Ptôlêmê, chỉ ra rằng: Ptôlêmê không phân biệt hiện tượng với bản chất, đã coi hiện tượng giả là thật. Giống như khi mọi người ngồi trên thuyền đang đi, thường có cảm giác như thuyền không chuyển động mà là mọi thứ ở hai bên bờ đang chạy về phía sau, thuyền không di động là hiện tượng giả, thuyền đang tiến lên mới là thực. Cũng giống như vậy, Mặt trời quay quanh Trái đất là hiện tượng giả, Trái đất quay quanh Mặt trời mới là thực.

“Thuyết mặt trời là trung tâm” của Côpécních đả kích mạnh vào thần học tôn giáo, vạch trần sự giả dối và hoang đường của việc Thượng đế sáng tạo ra thế giới. Thế là, Giáo hội bắt đầu công kích và làm hại Côpécních.

Một hôm, Côpécních và một người bạn đang quan trắc trên căn gác nhỏ, chợt ngoài tường bao rất ồn ào ầm ỹ. Côpécních ngó đầu ra nhìn, hóa ra là một đám vô lại đang nói xấu việc nghiên cứu thiên văn của Côpécních.

Các ông nhìn đi, chuyện này thì ngay thằng ngốc cũng nhìn thấy rõ mồn một? – Một tên du đãng chỉ vào Mặt trời đang di động và Trái đất đứng im nói, bên cạnh là một đám dân làng đang giương mắt nhìn.

– Còn phải nói, đương nhiên là Trái đất đứng im, Mặt trời thì đang đi… – Một lão nông dân nói rất tự tin.

– Đúng, đúng, mắt ông không bao giờ trông nhầm sự thực đơn giản ấy.

– Đám du đãng vừa nói vừa chỉ tay lên căn gác nhỏ của Côpécních. – Nhưng, ở trên kia có một giáo sĩ lại nói xằng bậy rằng Trái đất quay quanh Mặt trời. Tôi thấy ông ta phát điên phát rồ rồi, cho ông ta đi đời nhà ma thôi, ha ha ha. . . !

– Làm sao lại thế được! Đuổi đám khốn nạn ấy đi chứ!

Bạn của Côpécních vô cùng tức giận và xăm xăm đi xuống lầu.

– Thôi, thôi mặc chúng nó. – Côpécních giữ bạn lại. – Trời đất xoay vần không bị ảnh hưởng tí nào vì những lời diễu cợt hỗn láo của bọn vô lại này đâu!

Trong hoàn cảnh như vậy, Côpécních tiếp tục công việc nghiên cứu và biên soạn. Cuốn “Sự vận hành của các thiên thể”, tác phẩm lớn bất hủ của ông mất 6 năm trời mới viết xong bản sơ thảo và mất 30 năm mới hoàn thành. Do sự phản đối của Giáo hội, ông do dự mãi, mãi tới tháng 5 năm 1543 ông mới đưa tới Nurembe để xuất bản. Khi ấy Côpécních đã là một cụ già 69 tuổi.

Mấy tuần trước khi xuất bản cuốn sách, Côpécních tê liệt toàn thân, ông không còn sức để đi chăm lo việc xuất bản, đành phải nhờ cậy bạn ông làm việc ấy. Nào ngờ, khi sách xuất bản, lại có một bài tựa ký tên “Vô danh”. Trong lời tựa viết, nội dung cuốn sách này đâu phải sự thực khoa học, mà chỉ là một thứ ảo tưởng trò đùa thôi.

Cuốn sách vĩ đại này đưa tới bên giường bệnh Côpécních, ông không còn sức lực phản bác sự xuyên tạc đáng thương và đáng khinh đối với thành quả suốt đời ông được nữa. Nghe nói, ông chỉ sờ vào bìa cuốn sách, rồi vĩnh biệt cõi đời. Lúc ấy là ngày 24 tháng 5 năm 1543.

Côpécních tuy đã qua đời, nhưng “Thuyết mặt trời là trung tâm” do ông sáng lập đã mang ý nghĩa vạch thời đại cho khoa học.

Tác phẩm bất hủ của Côpécních đã xuất bản, là sự thách thức đối với quyền uy của Giáo hội, từ đó, khoa học tự nhiên bắt đầu được giải phóng khỏi thần học.

Giữa non cao của dẫy núi Anpơ hiểm trở, một chiếc xe ngựa chạy vun vút về phía bắc dọc theo con đường ngoằn ngoèo. Trên xe, một người trung niên khoảng ngoài 30 tuổi, chốc chốc quay đầu lại nhìn núi sông cây cỏ lùi xa dần, gương mặt lộ vẻ bi phẫn, cảm khái. Người ấy chanh là Gioócđanô Bờrunô.

Bơrunô là nhà thiên văn học nổi tiếng của Italia. Trước đây không lâu, vì ông viết một bài phê phán “Kinh Thánh” nên đã bị các giáo sĩ công kích. Lúc này, Tòa án tôn giáo Italia đang truy nã ông khắp nơi, ông chuẩn bị vượt qua dẫy núi Anpơ, trốn sang Pháp.

Bờrunô ngồi trong xe ngựa xóc kinh khủng, chỉ thấy núi non lùi mãi về phía sau cũng lắc lư chao đảo ghê gớm. Ông liền nhắm mắt lại, gắng hết sức gạt bỏ mọi nỗi ưu phiền, để mình dưỡng tâm tĩnh trí lại. Nhưng, con đường đời gập ghềnh này làm sao xua tan được nỗi đau khổ trong lòng ông?

Ông từ nhỏ lớn lên trong một gia đình nông dân bình thường ở Nôla nước Italia. Do nhà nghèo, Bơrunô sống tuổi ấu thơ rất vất vả, về sau đành phải đến làm thuê cho một tu viện.

Lao động nặng nhọc và cuộc sống đơn côi tẻ nhạt trong tu viện, cùng với sự lăng nhục của những giáo sĩ đạo mạo kênh kiệu, khiến ông không thể nào chịu dựng nổi. Một điều duy nhất khiến ông vui thích là học tập. Khi ấy đang là thời Văn hoá phục hưng, Bơrunô đã đọc rất nhiều sách tiến bộ và tác phẩm khoa học. Trong đó, ông thích nhất là cuốn “Sự vận hành của các thiên thể” của Côpécních. Ông để cuốn sách luôn bên mình, đọc hết lần này sang lần khác, ông dần dần vô cùng thích thú “Thuyết mặt trời là trung tâm” của Côpécních, và tiếp theo là sự vô cùng ngưỡng mộ nhà thiên văn học Côpécních.

Theo tiếng ngựa hí, xe đã đi vào lãnh thổ nước Pháp. Bơrunô bừng tỉnh mở to mắt, đứng dậy và vô cùng phấn khởi. Từ bây giờ, ông bắt đầu cuộc sống lưu vong lâu dài.

Trong 15 năm sống lưu vong ở nước ngoài, ông lần lượt đến các nước Pháp, Thụy Sỹ, Anh, Tiệp Khắc, Áo, Hunggari. Thời gian ở Giơnevơ Thụy Sỹ, ông kiên trì vừa làm vừa học, và bắt đầu việc viết sách về thiên văn học. Về sau, vì ông phản đối Tân giáo hãm hại khoa học tự nhiên, nên lại bị nhà cầm quyền Thụy Sỹ trục xuất.

Cuộc sống gian nan và hiện thực phũ phàng không những chẳng khuất phục được ông, ngược lại, ông đã được tôi luyện và vươn lên trong thực tiễn đấu tranh, cuối cùng trở thành một chiến sĩ ngoan cường trong khoa học.

Vào một buổi sáng năm 1581, Bơrunô bước lên bục giảng của một trường đại học Pháp. Ngày hôm ấy, người đến nghe giảng, ngoài sinh viên ra còn rất nhiều học giả, đương nhiên cũng có nhiều giáo sĩ ngoan cố, ngồi kín hết giảng đường.

– Thưa các vị, điều hôm nay tôi nói là nói về sự vô hạn của vũ trụ.

– Bơrunô vô cùng phấn chấn, giọng sang sảng, dường như mỗi tiếng nói đều làm rung động các thính giả.

– Hầy hầy.

– Có người cười thầm.

– Hừ, vũ trụ là vô hạn? Thật là kỳ quái!

– Có thể có người sẽ nói, điều ông nói thật kỳ quặc quái đản – Mắt long lanh Bơrunô nhìn khắp hội trường rồi dõng dạc tuyên bố – Đây không phải là chuyện kỳ quặc, là sự thực của thiên nhiên! Nhà khoa học tiền bối Côpécních thật là vĩ đại, ông đã sáng lập “Thuyết mặt trời là trung tâm”, học thuyết vĩ đại này đã chứng thực “Thuyết trái đất là trung tâm” là xằng bậy. Nhưng, lý luận của ông chưa hoàn thiện.

Tiếp đó, Bơrunô chỉ ra: Vũ trụ là vô hạn, mặt trời là trung tâm của hệ mặt trời, chứ không phải trung tâm của vũ trụ. Trái đất chẳng qua chỉ là một tinh cầu nhỏ bé trong vũ trụ. Mặt trời đối với các hằng tinh và hành tinh, cũng không phải là đứng im, mặt trời cũng quay quanh một trục tâm nhất định. Đối với vũ trụ mênh mông vô hạn, căn bản không có trung tâm cố định.

Những lời hùng biện của Bơrunô, thông qua rất nhiều sự thực khoa học đã chinh phục được trái tim thính giả. Giảng đường liên tiếp rộ lên những tràng vỗ tay, đám giáo sĩ và học giả ngoan cố đành im hơi lặng tiếng lùi ra khỏi hội trường.

Diễn giảng của Bơrunô làm phong phú lý thuyết vũ trụ của Côpécních, bổ sung chỗ thiếu của “Thuyết mặt trời là trung tâm” của Côpécních, từ đó xóa bỏ triệt để lý thuyết hoang đường “Thuyết trung trái đất là tâm” mà Giáo hội tuyên truyền, khiến cho giáo hội các nước vô cùng hoang mang sợ hãi. Tòa Thánh cực kỳ căm ghét Bơrunô, tìm trăm phương nghìn kế dồn ông vào chỗ chết mới hả lòng hả dạ.

Một hôm, trong đại sảnh một nhà thờ âm u đáng sợ ở Vơnidơ nước Italia, thỉnh thoảng có tiếng cười gằn. Ba bóng đen chụm đầu vào nhau thì thầm bàn bạc. Hai người là giáo sĩ Rôma, một nữa là lái buôn Vơnidơ, Chúng đang mưu tính kế hoạch giết Bơrunô. Lát sau, nghe thấy “oạch” một tiếng, một giáo sĩ đặt một túi tiền căng phồng vào tay gã lái buôn, bảo: “Thỏa thuận thế nhé!”.

“Cứ như thế nhé!” Gã lái buôn lắc lắc túi tiền, ha hả cười lớn.

Ít lâu sau, Bơrunô nhận được thư của gã lái buôn Vơnidơ ấy. Gã giả vờ ca ngợi Bơrunô, và với lời lẽ ngọt xớt mời ông đến Vơnidơ giảng dậy. Bơrunô đâu có biết đây là quỷ kế của Giáo hội. Ông đã rất vui vẻ nhận lời.

Vào một ngày gió êm trời đẹp, một chiếc thuyền buồm từ từ tiến vào cảng Vơnidơ. Lên thuyền, Bơrunô đã ngoài 40 tuổi đứng ngắm nhìn bờ biển, nguyện vọng trở về tổ quốc của ông đã được thực hiện.

Thuyền vừa cập bến, Bơrunô rời khỏi khoang thuyền. Bỗng mấy gã to khỏe ập tới, vừa lôi, vừa kéo, trói Bơrunô lại đẩy lên xe ngựa. Tiếng roi ngựa vút lên, xe lao đi ngay.

Bơrunô bị giải về Rôma. Tại tòa án tôn giáo Rôma, ông không hề dao động chút nào. Trước cực hình dã man tàn bạo, ông vẫn lẫm liệt hiên ngang, kiên trung bất khuất. Ít lâu sau, ông bị giam vào ngục.

Ngày 17 tháng 2 năm 1600, Bơrunô bị giải đến dàn hỏa thiêu ở quảng trường Hoa Tươi Rôma. Sau mười năm bị cuộc sống nhà tù hành hạ, : người ông gầy tọp, hai chân phù thũng, không đứng nổi nữa. Bơrunô biết rõ đây là giây phút cuối cùng của đời ông, nhưng ông vẫn bình tĩnh như thường. Tên đao phủ soi đuốc vào mặt ông, hỏi:

– Ngày tận số đã đến, ông còn gì muốn nói nữa không?

– Đêm tối sẽ qua đi, bình minh sắp tới rồi, chân lý cuối cùng sẽ chiến thắng tà ác!

– Bơrunô ngạo nghễ nhìn bầu trời xanh thẳm, cảm thấy trong lòng thanh thản và rất đỗi tự hào.

Quảng trường người đông nghịt. Tất cả đều lặng lẽ cúi đầu.

Tòa án tôn giáo tuyên đọc bản kết tội Bơrunô. Tiếp đó, lửa dưới dàn hỏa thiêu bốc lên ngùn ngụt. Khi đó, chỉ thấy Bơrunô ngẩng cao đầu, tuyên bố với bọn đao phủ:

– Các ngươi đọc lời kết tội còn sợ hãi hơn ta là người nghe lời kết tội!

Trên dàn hoả thiêu, sừng sững một con người kiên cường.Giáo hội giết hại được Bơrunô, nhưng quyết không xóa nhòa được chân lý. Khoa học và chân lý đã làm lung lay nền tảng của mê tín tôn giáo, mở ra con đường cho mọi người tiến lên.

Một tốp sinh viên y khoa trường đại học Pisơ đang quỳ trong nhà thờ lớn cầu nguyện. Trong đại sảnh im phăng phắc. Một chấp sự trong nhà thờ đổ đầy dầu vào chiếc đèn treo từ nóc đại sảnh, vô ý để chiếc đèn lắc lư chao đi chao lại trên đầu mọi người.

Tiếng cót két lắc lư của dây xích đèn treo đã làm nhiễu việc cầu nguyện của sinh viên. Khi ấy, một sinh viên dần dần bị tiếng cót két của đèn treo thu hút chú ý. Anh cảm thấy nhịp lắc lư của dây xích dường như có quy luật, dù cho khoảng cách chạy qua chạy lại có ngắn dần đi, nhưng thời gian mỗi lần lắc lư qua lại của chiếc đèn dường như vẫn bằng nhau.

Đột nhiên, chàng sinh viên trẻ tuổi ấy đứng vụt dậy, những người cầu nguyện khác rất ngạc nhiên nhìn anh chạy ra khỏi phòng. Anh về nhà, tìm ngay hai sợi dây dài bằng nhau, mỗi sợi buộc một hòn chì trọng lượng bằng nhau, rồi để chúng lắc lư qua lại, sau đó tiến hành so sánh. Vậy là đã chứng thực được phát hiện mới của anh – tính chất đẳng thời của quả lắc.

Chàng sinh viên y khoa trẻ tuổi ấy là ai vậy? Anh chính là Galilê, nhà toán học, nhà vật lý học và nhà thiên văn học vĩ đại sau này của Italia.

Galilêô Galilê sinh tháng 2 năm 1564 ở thành Pisơ Italia. Cha ông là một quý tộc sa sút, cũng là một nhạc sĩ tuyệt vời, đồng thời am hiểu toán học. Galilê từ nhỏ đã yêu thích tranh và âm nhạc, nhưng cha ông không muốn con trai làm họa sĩ hoặc nhạc sĩ, cho ông vào tu viện học tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp. Khi 17 tuổi, lại đưa ông vào đại học Pisơ học nghề y. Ở đại học, ông chăm chú nghe giảng, chăm chỉ ghi chép, cũng mạnh dạn nêu thắc mắc, giỏi suy nghĩ độc lập. Ông đặc biệt thích thú làm thực nghiệm, nhanh chóng tỏ ra có tài năng xuất chúng.

Sau khi rời trường đại học, Galilê sử dụng nguyên lý về đòn bẩy và “tỷ trọng vật nổi” của Acsimet, phát minh ra chiếc nivô, ít lâu sau lại viết một bản luận văn nổi tiếng “Trọng tâm trong vật thể rắn”. Bỗng chốc, Galilê nổi tiếng khắp nơi, được mọi người gọi là “Acsimet đương thời”. Trường đại học Pisơ mời ông làm giảng sư toán học.

Thời ấy giới trí thức Châu Âu, vẫn còn chịu sự thống trị của tư tưởng Aristốt. Các giáo sư đại học tuyên bố, tất cả những vấn đề về khoa học, đều đã được Aristốt giải quyết rồi. Có học sinh nào đưa ra ý kiến khác, thì các giáo sư đều nói: “Đạo sư (chỉ Aristốt) đã chỉ bảo rồi!” thế là sinh viên chẳng còn gì để nói nữa. Nhưng, Galilê lại thách thức với trật tự giảng dậy đã có từ trước. Ông tuyên bố, con đường tìm ra chân lý không phải là học thuộc lòng giáo điều của Aristốt, mà phải thông qua “học tập cuốn sách quý đại tự nhiên”.

Một lần, khi giảng bài ông nói với học sinh: “Aristốt có một luận điểm như thế này: Vật thể trọng lượng khác nhau, khi từ trên cao rơi xuống, tốc độ cũng khác nhau. Thí dụ một vật thể nặng 10 bảng, tốc độ rơi của nó nhanh gấp 10 lần vật thể nặng 1 bảng. Nhìn từ bề ngoài, dường như rất hợp lý, kỳ thực, điều ấy là sai”.

Học sinh nghe xong tỏ ý nghi ngờ, có trò còn dám cười chế diễu ông.

– Chuyện đó hoàn toàn là nói bậy bạ. – Các giáo sư cũng xúm lại mắng như tát nước vào mặt ông. – Trừ thằng ngốc ra, thì chẳng ai tin một chiếc lông lại rơi xuống qua không gian cùng một tốc độ với một viên đạn pháo cả!

Các giáo sư bắt Galilê phải biểu diễn trước mặt các thầy và sinh viên, để ông phải bẽ mặt.

Galilê chấp nhận thách thức, địa điểm ông chọn là tháp nghiêng Pisơ. Hôm ấy, các giáo sư đều mặc áo thụng nhung tía đến trước tháp, học sinh và dân phố đều phấn khởi đến xem Galilê làm trò cười.

Galilê bước lên tháp. Một tay ông cầm hòn bi chì nặng 10 bảng, còn tay kia là hòn bi chì nặng 1 bảng.

– Mọi người ở dưới nhìn cho rõ nhá, bi chì rơi xuống đấy!

Nói rồi, ông buông tay, hai viên bi chì quả nhiên rơi xuống đất cùng một lúc. Những người có mặt đều vô cùng kinh ngạc. Các giáo sư vẫn không tin vào mắt mình, càng không tin rằng Aristốt có thể sai được, họ cho rằng Galilê đã giở trò ảo thuật trong hòn bi chì.

Galilê tức giận từ chức ở đại học Pisơ. Ít lâu sau, lại được học hàm giáo sư toán học ở đại học Pađôê nổi tiếng Châu Âu thế kỷ XVI. Năm 1600, đúng vào thời gian ông giảng dạy ở đại học, nhà triết học nổi tiếng của Italia Bơrunô vì tuyên truyền học thuyết Côpécních, sau 10 năm bị tù đầy khốn khổ, ngày 17 tháng 2 đã bị Giáo hoàng đưa lên dàn hỏa thiêu ở quảng trường Rôma. Galilê đương nhiên biết sự sát hại cực kỳ vô nhân đạo này, lòng ông đau như đứt từng khúc ruột. Galilê tuy cũng là tín đồ của Côpécních, nhưng khi đó không dám công khai bênh vực cho Bơrunô. Để tìm tòi chân lý, ông lẳng lặng tiến hành các loại thực nghiệm khoa học, mong muốn phát triển thêm học thuyết của Côpécních.

Một lần, ông nghe nói một nhà buôn kính ở Hà Lan có một phát hiện kỳ lạ: nếu ghép một tấm kính lồi với một tấm kính lõm lại với nhau, thì nhìn cảnh vật từ phía xa dường như gần lại ngay trước mặt. Galilê vô cùng thích thú với phát hiện này. Qua nhiều lần nghiên cứu đi nghiên cứu lại, cuối cùng vào năm 1609, ông đã phát minh ra kính viễn vọng phóng đại được tới 32 lần đầu tiên trên thế giới.

Galilê dùng công cụ này quan trắc thiên văn, đầu tiên là phát hiện mặt ngoài mặt trăng không bằng phẳng và sạch sẽ, mà phủ đầy núi non, đồng thời có vết nứt của miệng núi lửa; sau đó lại là phát hiện ra bên cạnh sao Mộc có bốn vệ tinh quay chung quanh sao Mộc. Galilê viết những phát hiện thiên văn của mình thành cuốn “Thông báo về các vì sao” để thông báo với thế giới, lập tức khiến giới trí thức vô cùng kinh ngạc. Đơn đặt hàng mua kính viễn vọng. của Galilê tới tấp gửi đến. Nhưng ông không tính toán hơn thiệt, đã hiến phát minh này cho đại công tước Vơnidơ. Công tước hạ lệnh mời ông làm giáo sư suốt đời ở Pađôê. Ít lâu sau, ông lại được người học trò trước kia của mình – Đại công tước Toscani là Côsimô đệ nhị mời đến Florenxia, làm nhà toán học cung đình.

Trong cung đình, Galilê tiếp tục quan sát thiên văn. Ông tìm ra vị trí của sao Kim, vết đen Mặt trời và vòng quay Mặt trời, rồi lại nghiên cứu vận động vệ tinh của sao Mộc, quan sát sao Thổ. Ông nói với bạn bè: “ Tôi trở thành người quan sát đầu tiên. . . đã nhìn thấy rất nhiều hiện tượng khác lạ trước kia chưa từng được chỉ ra. Nhưng kỳ tích vĩ đại nhất là tôi tìm thấy bốn hành tinh mới. Tôi quan sát thấy chúng chạy quanh Mặt trời”.

Dù cho ông tránh không nói tới vấn đề Trái đất xoay quanh Mặt trời, nhưng hành động và lời nói của ông sớm đã khiến Tòa án tôn giáo chú ý. Tháng 3 năm 1616, ông được lệnh tới Tòa án tôn giáo để Tòa thẩm vấn.

Hồng y giáo chủ khuyên ông từ bỏ những tà thuyết dị doan về Trái đất, Mặt trời và các tinh tú, còn ra lệnh cho ông dứt bỏ những ý nghĩ ấy, càng không cho phép ông truyền bá những thứ ấy. Galilê ngoài mặt trả lời tuân mệnh, nhưng về nhà vẫn cứ ngấm ngầm làm thực nghiệm. Thời gian qua đi, ông không thể chịu đựng được nữa, nên lại xuất bản một cuốn sách bàn về thiên văn. Tòa án tôn giáo cho đây là “trọng tội”, lần thứ hai gọi ông đến thấm vấn. Khi ấy, Galilê đã gần 70 tuổi hơn nữa lại đang ốm. Thầy thuốc cũng xác nhận là: Galilê đang ốm nằm liệt trên giường, có lẽ không thể đến Rôma được mà sẽ sang một thế giới khác. Nhưng Tòa án tôn giáo vẫn tàn nhẫn ra lệnh:

– Miễn là ông ta còn gượng đi được, thì cứ cùm lại giải đến Rôma!

Ngày 22 tháng 6 năm 1633, Galilê bị đưa tới Tòa án tôn giáo. Lần này ông bị thẩm vấn trong nhà giam, không có ai dự cả. Bị đe dọa trăm chiều, tinh thần ông hoang mang, ông bị ép phải nói rằng Trái đất không quay quanh Mặt trời, sau đó ký tên vào bản án phán quyết. Khi bạn bè dìu ông lão run lẩy bẩy, sức cùng lực kiệt rời khỏi Tòa án tôn giáo, miệng ông cứ lẩm bẩm:

– Nhưng Trái đất đích thực vẫn đang quay!

Galilê bị giam vào ngục. Trong ngục, ông bị nghiêm cấm nghiên cứu khoa học, nhưng ông vẫn viết quyển sách vĩ đại nhất đời ông – “Quy luật vận động”. Cuốn sách đã tổng kết những nguyên lý cơ bản về lực học. Sách bí mật viết xong, ông tìm cách lén chuyển sang Hà Lan để xuất bản.

Galilê ít lâu sau bị mù cả hai mắt. Ngày 8 tháng 1 năm 1642, trong phút lâm chung, Galilê ôm quyển sách trong lòng, giọng thều thào nói:

Tôi cho rằng, đây là cuốn sách có giá trị nhất trong tất cả các tác phẩm của tôi, vì nó là thành quả những đau khổ cực kỳ của tôi.

“Tri thức là sức mạnh”, đây là một câu danh ngôn mọi người đều thuộc cả, tới nay câu nói ấy vẫn được mọi người trích dẫn để khuyến khích người ta tiến công vào giới tự nhiên, vào khoa học. Nhưng, bạn có biết câu nói ấy là của ai không? Và đã nói trong trường hợp nào?

Nếu bạn mở lịch sử Trung thế kỷ ra xem, sẽ biết ngay câu: danh ngôn ấy là của nhà triết học duy vật Anh Fơrăngsis Bêcơn.

Bêcơn sinh năm 1561 trong một gia đình quý tộc ở Luân đôn nước Anh. Từ nhỏ đã yếu ớt nhiều bệnh, lại chỉ thích đọc những sách có nội dung cao sâu, vì thế mọi người bảo cậu già trước tuổi. Năm 12 tuổi, Bêcơn đã vào học ở đại học Cămbơrítgiơ, nhưng chỉ học ba năm rồi thôi. Vì đại học Cămbơrítgiơ khi đó bị “triết học kinh viện” thống trị, cậu cảm thấy học ở một trường như thế, thật sự là “có hại và vô ích”.

Thế nào là “triết học kinh viện”? “Triết học kinh viện” là thứ triết học bênh vực cho “thần”. Nội dung của nó là thần học, dùng những phương pháp cực kỳ rắc rối để luận chứng cho sự tồn tại của thần giáo, luận chứng sự chính xác của giáo điều tôn giáo. Tư tưởng này khiến người ta xa rời tự nhiên, xa rời khoa học, hoàn toàn bịt chặt con đường nhận thức tự nhiên của mọi người. Bê-cơn rất ác cảm và khinh miệt thứ triết học này. Một lần, một giáo sĩ ngoan cố bênh vực cho “triết học kinh viện” nói với ông:

– “Triết học kinh viện” là của bậc đại thánh nhân Aristôt khai sáng ra, nó là triết học thuần khiết nhất trên thế giới.

– Triết học của các ông chẳng khác gì ni cô hiến thân cho Thượng đế trong tu viện, không mang thai sinh đẻ được, chỉ có thể đẻ ra sự tranh luận chán ngắt lằng nhằng thôi; không đem lại cho người ta chút kiến thức nào, chỉ khiến người ta biến thành những con lừa ngu xuẩn thôi.

Bêcơn khinh bỉ và châm chọc gay gắt tu sĩ bảo vệ “triết học kinh viện”, đồng thời nêu ra rất rõ ràng, triết học chân chính phải nghiên cứu tự nhiên, chế ngự tự nhiên, cung cấp những phát hiện mới cho mọi người.

Năm 1620, trong tác phẩm “Công cụ mới” nổi tiếng của ông, ông nêu ra một khẩu hiệu có tiếng vang sớm nhất “Tri thức là sức mạnh”. Ông khuyên mọi người, muốn chế ngự tự nhiên, lợi dụng tự nhiên, phải nắm được tri thức khoa học. Ông còn thường xuyên nói: “Tri thức là một niềm vui”, “Tri thức của con người và sức mạnh con người là khối thống nhất kết hợp giữa hai thứ”. Ông rất coi trọng thực nghiệm khoa học, cho rằng chỉ có trải qua thực nghiệm mới có được tri thức chân chính. Tất cả những cái đó, vừa là sự phê phán mạnh mẽ đối với “triết học kinh viện” phản động, lại khích lệ, động viên mọi người mạnh dạn tìm hiểu bí ẩn của tự nhiên.

Bêcơn không những là một nhà triết học nổi tiếng mà còn là một nhà viết tản văn kiệt xuất. “Tập văn luận thuyết” ông viết năm 1624, với ngôn ngữ chau chuốt, cô đọng đã trình bầy những kiến giải độc đáo và tinh tế về nhân sinh, về xã hội, về tự nhiên. Thí dụ trong bài “Luận về mẫn tiệp”, ông viết:

“Mong nhanh chóng quá mức là một nguy hiểm lớn nhất trong công việc, điều đó chẳng khác gì “Tiêu hóa quá nhanh” như rời các thầy thuốc, dứt khoát làm cho cơ thể chứa nhiều dịch xít và tạo ra những căn bệnh rất khó phát hiện. Vì thế, không thể lấy thời gian làm việc nhiều hay ít làm tiêu chuẩn mẫn tiệp được, mà phải lấy mức độ tiến triển của công việc làm tiêu chuẩn. Thí dụ trong chạy thi, tốc độ đâu có phải trông vào bước đi dài bao nhiêu, cất bước cao bao nhiêu. Có thể thấy, phương pháp của mẫn tiệp là ở chỗ chuyên tâm làm việc chứ không phải ở chỗ một lần bao biện nhiều việc. . . Tuy nhiên, sự mẫn tiệp thực sự rất có giá trị. Vì thời gian là tiêu chuẩn đánh giá công việc, giống như tiền là tiêu chuẩn đánh giá hàng hóa, cho nên, công việc không mẫn tiệp thì giá phải trả cho công việc nhất định rất cao.

Trong cuốn sách còn có rất nhiều câu danh ngôn tới nay vẫn được lưu truyền. Thí dụ: “Không có tình hữu nghị, thì trên đời này chẳng qua chỉ là một bãi hoang”, “Thuốc phòng tốt nhất cho sức khỏe tinh thần người ta là lời khuyên bảo chân thành của bè bạn” (“bàn về tình hữu nghị”). Lại như “Người thích khoe khoang thì người sáng suốt khinh bỉ, kẻ ngu đần ngưỡng mộ, đứa xu nịnh bợ đỡ, đồng thời chính hắn cũng là nô lệ của những lời nói khoe khoang”. (“bàn về hư vinh”).

Bêcơn có thành tựu lớn về học vấn, nhưng về đời sống chính trị lại gặp khá nhiều trắc trở. Cha ông là đại thần quyền thế của Nữ hoàng Êlisabét, mẹ ông là con gái của công tước. Nhưng, do sự ghen ghét và chèn ép, Bêcơn không được Nữ hoàng trọng dụng. Sau khi nữ hoàng chết, Giêm đệ nhất lên ngôi, ông mới dần dần thăng tiến, đảm nhiệm các chức vụ quan tổng kiểm tra, đại thần chưởng ấn, quan Chánh án. Nhưng về sau cũng bị cách hết mọi quan chức. Cho tới tận năm 1626 khi qua đời, ông vẫn chuyên tâm dốc sức vào nghiên cứu học vấn, cuối cùng trở thành người sáng lập ra triết học duy vật nổi tiếng nước Anh thời trung thế kỷ.

Bạn có biết trái tim người ta làm việc như thế nào, máu trong cơ thể tuần hoàn như thế nào không? Về vấn đề này, từ thời cổ Hy Lạp cho tới cuối thế kỷ XVI, rất nhiều bác sĩ và nhà khoa học nổi tiếng đã quan sát và nghiên cứu, nhưng đều chưa có lời giải đáp chính xác rõ ràng.

Tới đầu thế kỷ XVII, bí ẩn này trong cơ thể con người đã được giải đáp hoàn toàn.

Khi ấy, ở Pađôe nước Italia có một viện y học nổi tiếng. Trong học viện có một giảng đường xây theo kiểu bậc thang chuyên dùng cho học sinh quan sát giải phẫu. Đây là một kiến trúc hình tròn mái rất cao, mỗi dẫy ghế ngồi là một vòng tròn, dẫy ghế thứ nhất cao ngang nền nhà, từng dẫy một cao dần lên, dẫy cao nhất dường như áp sát trần nhà. Ngồi bất cứ chỗ nào trong giảng đường đều có thể nhìn rõ ràng chiếc bàn giải phẫu ở chính giữa. Quanh giảng đường không có cửa sổ nào, ánh sáng trong giảng đường toả xuống đều từ những cây nến treo ở trên trần, và những cây đèn trong tay tám học sinh đứng sát bàn giải phẫu.

Hôm ấy làm thực nghiệm giải phẫu cơ thể người, do thầy giáo Fapurixius nổi tiếng nhất viện y học Fapurixius tiến hành, hơn 300 học sinh chăm chú nhìn động tác thành thạo của thầy.

– Các bạn phải đặc biệt chú ý. – Fapurixius sau khi giải phẫu xong nói – Tìm hiểu cấu tạo và chức năng bộ máy cơ thể người, không thể chỉ thông qua đọc sách và nghe giảng mà phải thông qua giải phẫu động vật và cơ thể người; không thể đưa vào thông minh và suy đoán, mà phải tin vào những gì chính mắt mình trông thấy. Như thế, bạn mới có khả năng tìm thấy những thứ tới nay chưa ai tìm thấy.

Tiếp đó, Fapurixius kết hợp với giải phẫu, giảng giải lý luận mô van huyết quản tĩnh mạch ông đã phát hiện. Ông gọi một cách rất hình tượng và sinh động, mô van này là “cửa máu”, rằng những “cửa máu” nhỏ xíu này giống như cửa đập ở các đập nước có thể chặn được dòng chảy, khống chế được máu, chỉ để máu chảy theo một chiều thôi.

– Xin hỏi thầy, máu này từ đâu chảy đến, rồi lại chảy đi đâu thế ạ?

Người hỏi là một học sinh cầm đèn đứng bên thầy giáo. Anh tên là Uyliam Hacvây, dáng người gầy nhỏ, tóc đen, cặp mắt đen lánh dường như có thể nhìn thấu được tất cả mọi thứ.

– Ồ; một câu hỏi rất hay. Có điều, muốn hiểu được rõ ràng, còn phải nghiên cứu – Thầy giáo trả lời.

– Vẫn còn phải nghiên cứu? – Hacvây tuy hơi thất vọng về câu trả lời của thầy, nhưng thấy thái độ của thầy nghiêm túc và khiêm tốn, trong lòng càng tôn trọng thầy hơn.

Hacvây xuất thân trong một gia đình giầu có ở nước Anh. Năm 16 tuổi, do thành tích xuất sắc, được học miễn phí ngành y ở đại học Cămbơrítgiơ. Nhưng đại học Cambơrítgiơ suốt ngày chỉ có lên lớp, làm được một lần giải phẫu thì thật sự là một chuyện lớn lao hiếm có. Hacvây cảm thấy học ở đây chẳng được mấy chút kiến thức, sau đó ông nghe nói, viện y học Pađôe này chủ trương thực nghiệm, thầy giáo khuyến khích học sinh tự do phát biểu ý kiến, ông liền rời đại học Cambơrítgiơ, đến đây học.

Lần thực nghiệm giải phẫu này tuy không giải đáp được thắc mắc Hacvây nêu ra, nhưng từ đó ông rất hứng thú về chuyển động của máu, và ngầm hạ quyết tâm nhất định phải tìm ra bí ẩn khoa học này.

Hacvây tốt nghiệp trở về Anh, làm bác sĩ tại một bệnh viện chuyên khám bệnh cho người nghèo. Ông rất yêu công việc của mình, khám bệnh cho người nghèo không bao giờ lấy bất cứ thứ quà cáp gì. Người ốm không đến bệnh viện khám được, ông đến khám tận nhà bệnh nhân.

Hacvây ban ngày khám chữa bệnh, ban đêm tranh thủ tiến hành giải phẫu, quan sát tới tận khuya. Ông cần cù nghiên cứu các tác phẩm y học Cổ Hy Lạp, học tập thành quả nghiên cứu về cấu tạo cơ thể người, tiểu tuần hoàn máu tim phổi của các nhà y học tiền bối Vesarius, Servitơ, và lý thuyết mô van của thầy Fapurixius, mạnh dạn tìm tòi về y học.

Qua nhiều lần giải phẫu cơ thể sống, cuối cùng Hacvây đã tìm ra được bí ẩn chuyển động trong máu cơ thể người. Hóa ra là, máu ở động mạch cơ thể người từ tim chẩy ra, sau đó qua tĩnh mạch trở về tim, cứ chẩy đi quay về như thế mãi, vĩnh viễn tuần hoàn theo một chiều như vậy. Cơ thể người đã nhờ quá trình tuần hoàn máu này mà bảo đảm cho quá trình thay cũ đổi mới của sự sống. Phát hiện này của ông, đã giải đáp được bí ẩn tuần hoàn máu hàng nghìn năm nay, trả lời được thắc mắc mà thầy giáo ông chưa giải quyết trước kia.

Sau khi phát hiện của Hacvây truyền đi rộng rãi, người ta xôn xao bàn tán, có người tán thành, có người phản đối. Một bác sĩ nước Anh nói:

– Trước đây bác sĩ căn bản chẳng biết cái gì là tuần hoàn máu, nhưng vẫn chữa được bệnh. Lý thuyết của Hacvây dù là đúng, cũng chẳng có tác dụng gì.

Các nước khác cũng có nhiều bác sĩ nói, lý thuyết này của ông “nguy hiểm và có hại”. Có người lại còn cảnh cáo ông, chớ quên bài học Bơrunô bị hỏa thiêu. Nhưng Hacvây vẫn rất bình tĩnh, trước sau vẫn kiên trì quan điểm của mình.

Năm 1630, khi Hacvây đi du lịch Châu Âu, đã tiến hành giải phẫu cơ thể người trong một giảng đường bậc thang, và giới thiệu cặn kẽ lý thuyết tuần hoàn máu của mình. Những người xem lần giải phẫu này, tuy phần lớn tin phục, nhưng vẫn có người tỏ ra hoài nghi. Quốc vương Anh Saclơ I rất thích khoa học, vô cùng hứng thú về giải phẫu của Hacvây. Nhà vua đã mời Hacvay làm bác sĩ riêng cho mình, tạo cho ông rất nhiều điều kiện làm việc, kể cả việc dùng động vật trong vườn hoa hoàng gia để làm thực nghiệm. Vậy là công việc nghiên cứu của Hacvây đã được bảo đảm.

Năm 1628, Hacvây viết thành quả nghiên cứu thành cuốn sách “Bàn về hoạt động của tim và máu”, chính thức xuất bản ở Đức. Cuốn sách tuy chỉ có 72 trang, nhưng là một tác phẩm quan trọng trong lịch sử khoa học thế giới. Cuốn sách không những cung cấp cho chúng ta quy luật cơ bản của tuần hoàn máu, mà điều quan trọng hơn là đã sáng lập ra cách thực nghiệm giải phẫu cơ thể sống của sinh lý học cận đại, đã xây dựng sinh lý học cơ thể người và sinh lý học động vật thành một môn khoa học.

Tháng 6 năm 1657, Hacvây do lao động mệt mỏi kéo dài, đã từ giã cõi đời. Để ghi nhớ công lao khoa học của Hacvây nhân ngày sinh lần thứ 300 của ông, nhà khoa học nổi tiếng Huxlây đã chủ trì lễ kỷ niệm ở Luân đôn. Sau đó ít lâu, lại dựng tượng đồng và nhà lưu niệm ông ở thành phố Fonkestơn. Năm 1905, nước Mỹ cũng thành lập hội Hacvây học.

Hacvây đã tìm ra bí ẩn của tuần hoàn máu, phản ánh một thắng lợi của khoa học thực nghiệm đối với triết học kinh viện sau phát hiện lớn về địa lý. Thành công của Magiêlăng trong chuyến đi vòng quanh thế giới, đã chứng thực học thuyết Trái đất tròn, từ đó người ta không còn dừng lại ở những tư liệu hạn chế và các quan điểm xằng bậy thời Trung thế kỷ nữa, bắt đầu quan sát trực tiếp tự nhiên bao la, vì thế đã phá tung sự trói buộc của triết học kinh viện, trên cơ sở tư liệu thực tế rộng rãi và thực nghiệm để tiến hành nghiên cứu khoa học. Việc tìm ra quy luật tuần hoàn máu là một minh chứng.

Bạn có biết lễ phục của quan chức ngoại giao Ấn Độ như thế nào không? Giống hệt trang phục của kỵ sĩ. Áo trên mầu đen, quần chẽn, đùi quấn sà cạp trắng, trước ngực không có túi áo, giữa có một hàng nhiều khuy vừa nhỏ vừa sít nhau hoặc xếp thành một đường thẳng, chỗ thắt lưng bó sát lấy người. Nhìn thấy trang phục này, có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất kỳ lạ. Ấn Độ ở vùng nhiệt đới, nhân dân nói chung quen mặc quần áo rộng rãi thùng thình, vì sao quan chức ngoại giao lại mặc trang phục này!

Vốn dĩ, đây không phải là trang phục của địa phương Ấn Độ, mà là lễ phục của vương triều Môgôn hơn 400 năm trước. Người sáng lập vương triều Môgôn không phải là người Ấn Độ, mà là người Đột Quyết Trung Á ở biên giới phía tây bắc Ấn Độ. Trang phục này từ Trung Á truyền vào Ấn Độ.

Vậy trang phục này truyền vào Ấn Độ như thế nào? Vương triều Môgôn đã xây dựng lên như thế nào? Chuyện này phải kể từ năm 1505.

Tháng 1 năm ấy, một cánh quân gồm 4000 người toàn là kỵ binh các dân tộc Trung Á, từ biên giới tây bắc Ấn Độ vượt qua núi non hiểm trở xâm nhập lưu vực sông Indus. Cánh kỵ binh cướp bóc gia súc và thóc lúa của nhân dân Ấn Độ, rồi lại rút đi như một cơn gió lốc.

Thủ lĩnh cánh quân ấy là Babe (Baber) Năm 1483, ông sinh ra ở vùng Tasken Trung Á, tự nhận là cháu 6 đời của Timua thuộc dòng Gengis Khan Mông Cổ, về sau bị mọi người lan truyền sai là người Môgôn. Ông từ nhỏ đã dũng mãnh kiên cường, cần cù học tập. Ngay từ lúc 11 tuổi kế thừa vương công Tasken, đã bắt đầu viết nhật ký bằng tiếng Đột Quyết, ghi lại tỷ mỹ những điều hiểu biết của mình. Người sau biên tập nhật ký của ông thành một quyển sách, gọi là “Hồi ký Baber”. Theo ghi chép trong Hồi ký, năm 14 tuổi ông đã đem quân tiến đánh thủ đô đế quốc Timua cũ là Samackhan; từ năm 1505, bốn lần liên tiếp xâm nhập Ấn Độ.

Năm 1525 khi ông xâm nhập Ấn Độ lần thứ tư, Ấn Độ đang là một quốc gia chia năm sẻ bẩy, Quốc vương Đêli, thủ phủ Ấn Độ khi ấy, tên là Ibrahim Loti. Đây là một ông vua tính tình tàn bạo. Ông ta dường như giết gần hết các quan trong triều, còn muốn mưu hại cả tổng đốc Penjáp. Vị Tổng đốc này buộc phải cầu cứu Babe. Babe liền đưa theo con trai 18 tuổi Humayun thừa cơ xâm nhập Ấn Độ, đánh chiếm thủ phủ Penjap, bắt luôn cả tổng đốc Penjap; sau đó quyết chiến với vua Đêli ở Panipat.

Babe thống lĩnh 25000 quân chiếm lấy Panipat trước. Ông đích thân chỉ huy lính cung tên và súng bộ binh ở cánh phải, để con trai Humayun chỉ huy kỵ binh ở cánh trái, đồng thời đưa vào hào rãnh và rừng rậm làm yểm hộ, ở giữa thì bố trí 700 chiến xa có trang bị pháo cối, cứ hai chiến xa lại nối với nhau bằng dây da bò để dễ điều khiển.

Babe đợi đã 8 ngày, Ibrahim vẫn không xuất quân ra đánh. Babe sốt ruột, phái 4000 kỵ binh đi khiêu chiến. Ibrahim không nhẫn nại được nữa, chỉ huy 10 vạn binh mã và 1000 thớt voi ra nghênh chiến.

Sáng sớm ngày 21 tháng 4 năm 1526, quân hai bên giao chiến.

– Xông vào thành, bắt Babe cho ta! – Ibrahim chỉ huy 2 vạn quân xông lên đánh thành.

Nhưng, tên trong thành bắn ra như mưa, đạn nổ rơi trúng cánh quân Ấn Độ. Quân của Babe gồm người Đột Quyết, người Ba Tư và người Apganistan, vừa giỏi bắn cung tên, lại có nhiều hoả khí. Chưa đến một tiếng, quân Ấn Độ đã có mấy trăm người chết dưới chân thành.

Không đánh được thành, Ibrahim lại phái 5 vạn quân tiền “đánh cánh quân bên trái của Humayun.

– Bình tĩnh, không được sợ, để ta cho chúng biết tay. Babe vừa khích lệ con, vừa chỉ huy 7 trăm cỗ xe pháo, tập trung hỏa lực bắt đầu phản công, đồng thời ra lệnh cho kỵ binh từ hai sườn phải trái tập kích hậu phương quân địch. Quận Ấn Độ bị bao vây, binh lính rối loạn, thương vong nặng nề.

– Tâu Quốc vương, lúc này rất nguy hiểm, tốt nhất là bệ hạ rời khỏi chiến trường – Quan thị tùng của Ibrahim tâu trình – Nếu bệ hạ được cứu thoát, tìm được quân đội, vẫn còn có thể quyết chiến với người Môgôn.

Ibrahim trả lời:

– Quốc vương mà chạy khỏi chiến trường là điều cực kỳ nhục nhã. Ngươi xem, quý tộc của ta, sĩ quan của ta, bạn bè thân thiết của ta đều hy sinh, ngựa của ta toàn thân đẫm máu, ta đi đâu bây giờ?. . . Ta là Quốc vương, ta phải đổ máu hy sinh như bè bạn!

Nói xong, ông lại chỉ huy mọi người lao vào chiến đấu. Cuối cùng, quân của Ibrahim bị đánh tơi bời, chết tới hơn 15000, bản thân quốc vương cũng bỏ mạng ở chiến trường. Đây là chiến dịch Panipat nổi tiếng.

Cùng chết tại chiến trường với Ibrahim, còn một vương công Ấn Độ giáo nổi tiếng, Mấy bà vợ và con cái ông ta ở trong thành Agơra phía nam Đêli, khi Babe thừa thắng tiến quân vào Agơra đã bắt họ. Quân lính sắp sửa giết họ thì Humayun biết tin, ra lệnh ngừng lại ngay lập tức. Cả nhà vương công tặng cho Humayun rất nhiều vàng bạc đồ trang sức quý giá, trong đó có một viên kim cương Ấn Độ nặng tới một lạng ba tiền. Viên kim cương này vào năm cuối Vương triều Môgôn đã lọt vào tay Công ty Đông Ấn Độ Anh. Năm 1850, công ty này dâng cho Nữ hoàng Victoria, hiện vẫn còn trong Bảo tàng Luân Đôn.

Quân Môgôn sau khi chiếm được Đêli, đã tổ chức buổi lễ chiến thắng tại nhà thờ lớn Hồi giáo Đêli, tuyên bố Babe là đại đế Industan. Đây là sự bắt đầu của Vương triều Môgôn.

Babe mặc lễ phục Trung Á bắt đầu đi tuần du các nơi. Từ đó trang phục này cũng trở thành lễ phục Ấn Độ.

Ấn Độ tuy là một nước lớn, nhưng Babe chẳng hài lòng về bất cứ cái gì ở Ấn Độ cả Sau khi đi tuần du, ông viết trong nhật ký: “Đất này chẳng có ngựa tốt cũng không có chó hay, chẳng có nho cũng không dưa bở, chẳng có nước mát cũng không bánh mỳ ngon, chẳng có nến cũng không có tắm nước nóng. Trong khu nhà ở chẳng thấy vườn hoa và suối chảy, trong nhà thì không gọn gàng ngăn nắp và cũng chẳng đẹp”.

Và thế là, ông thuê hơn 1400 thợ đá đến xây dựng những tòa nhà lớn và vườn hoa ở Agra và những nơi khác.

Kế hoạch xây dựng của Babe được suôn sẻ. Dân chúng sợ quân Môgôn, kéo nhau chạy ra nước ngoài. Đồng thời phong trào chống đối ở nông thôn dấy lên khắp mọi nơi, cộng thêm gió nóng, binh lính chết rất nhiều. Không những thế, quân đội của ông đến đâu cũng gặp phải sự chống đối ngoan cường.

Thành Lasiput có một vương công Ấn Độ giáo nổi tiếng là Dugrama. Ông này đã từng chiến đấu hàng trăm trận, trên người có tới 80 vết thương, chỉ còn một mắt một cánh tay, và giống như Timua chỉ còn một chân. Nhưng ông vẫn chỉ huy 80000 người và 500 voi, vào ngày 16 tháng 3 năm 1527 đọ sức lần cuối cùng với Môgôn. Khi ấy quân của Babe chỉ bằng 1/7 quân của Dugrama. Quân Môgôn bất giác cảm thấy sợ hãi. Babe triệu tập toàn thể tướng sĩ lại, nói với họ:

– Hỡi các dũng sĩ, chúng ta đã hy sinh khá nhiều anh em, lẽ nào lại rút về quê hương nghèo khổ hay sao? Phải nhớ rằng, không có đất đai, không có của cải thì không xưng hùng xưng bá trên thế giới được. Hỡi các dũng sĩ, hãy quyết một lần tử chiến. Nói rồi, ông nâng chén rượu, uống một hơi. Chỉ nghe “xoảng” một tiếng, chén rượu đã vỡ tan tành. Sau đó ông đạp đổ luôn hũ rượu, rượu tràn ra đất. Babe muốn tỏ rõ quyết tâm thề chết để chiến thắng quân địch.

Qua 10 tiếng đồng hồ chiến đấu ác liệt, Dugrama không chống nổi hỏa lực của Babe, thua trận rút lui bị chết rất nhiều, Babe thừa thắng tiến vào Lasiput. Tướng sĩ Ấn Độ giáo giữ thành tự biết không chống lại nổi. Họ giết hết phụ nữ và trẻ con trong toàn thành, rồi xông ra quyết sống mái với quân thù và đã hy sinh.

Trong 4 năm, Babe đánh ba trận lớn, cuối cùng đã chinh phục được miền bắc Ấn Độ, sau đó trở về Đêli, tiếp tục xây dựng Đại sảnh, vườn hoa và sông ngòi, tất cả rập khuôn theo Samackhan mà ông yêu thích. Nhưng ít lâu sau, tức là vào tháng 12 năm 1530, ông đã chết vì bệnh sốt rét. Khi đó mới 48 tuổi. Theo di chúc, người ta chôn cất ông ở Kabun, địa điểm ông đã chọn lúc sinh thời. Ngôi mộ này, tới nay vẫn là nơi cư dân Kabun đến nghỉ ngơi vui chơi.

Babe chết, miền bắc Ấn Độ lập tức xẩy ra tình trạng chia rẽ. Người con cả Humayun sau khi lên ngôi, trong tình hình trong ngoài đều gặp khó khăn, đã bị người Apganistan đánh bại. Người Apganistan chiếm lấy toàn bộ khu vực của Humayun, xây dựng nên Vương triều Sun. Vương triều Môgôn bị đứt đoạn từ đó. Humayun lưu lạc ở nước ngoài l5 năm, tới năm 1555, chỉnh đốn lại quân đội, thừa lúc vương triều Sun có nội loạn đem quân đánh về Đêli, lật đổ vương triều Sun, khôi phục lại ngôi vua của Môgôn.

Ngày 14 tháng 10 năm 1542, một phi tần của Humayun vốn là vũ nữ trong cung, sinh được một con trai, Đó là Acơba, ông vua kiệt xuất sau này của Môgôn.

Chọn tập
Bình luận