Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Kẻ Lang Thang Trên Đường Phố Viên

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

KẺ LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VIÊN

Thủ đô Viên nước Áo nằm trên bờ sông Đanúyp xanh. Chung quanh thành phố này có núi non bao bọc, trên một sườn núi nhỏ cây cối xanh tốt, nơi nơi lại điểm xuyết những vườn nho mầu xanh non. Nơi phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp này, cũng là quê hương của nền âm nhạc nổi tiếng thế giới.

Một hôm, trên đường phố Viên xuất hiện một anh chàng đi lang thang. Anh ta mặc chiếc áo khoác đen cũ kỹ, đầu đội mũ dạ đen bóng loáng đầu mỡ, đầu tóc bù xù, tóc chải chéo xuống trán, tóc sau gáy bờm xờm trùm lên cổ áo bẩn thỉu. Xem ra đã lâu anh ta đã không cắt tóc cạo mặt, hai má và cằm râu ria xồm xoàm. Anh ta chẳng quan tâm thưởng thức cảnh đẹp nên thơ, cũng chẳng quan tâm thưởng thức nhạc khúc mê hồn của Môda đang vang vọng. Té ra anh ta đang đói, đang vội đến quán cháo bố thí ở khu phố dân nghèo xin ăn, để sống cho qua những ngày đói khát.

Kẻ lang thang ấy chính là Ađonphơ Hítle, Anh ta sinh ở thị trấn Braunan nằm bên nước Áo chỗ biên giới Đức Áo. Cha làm thợ giày, về sau làm viên chức hải quan, ở trường trung học Hitle học rất kém, chưa tốt nghiệp đã thôi học. Anh ta chỉ muốn làm họa sĩ, năm 18 tuổi anh đến Viên thi vào viện Mỹ thuật, vì điểm thi chẳng ra sao nên không được vào trường.

Sau khi cha mẹ qua đời, cuộc sống không được đảm bảo, anh chàng lang thang đến Viên, sống lay lắt khốn khổ. Nhưng anh ta không muốn học nghề gì, hoặc làm bất cứ nghề bình thường nào. Để sống cho qua ngày, anh ta chỉ làm những việc linh tinh, quét dọn khuôn viên, giũ đập thảm, khuân vác hành lý ở ga xe lửa.v.v…

Có một dạo, anh ta đã sống được bằng nghề “họa sĩ còm”. Anh ta bắt đầu vẽ những bức tranh tầm tầm phong cảnh Viên, nhưng đều là học mót theo tác phẩm của người khác. Anh ta đã vẽ mấy trăm bức tranh thô thiển như vậy, bán cho các quầy hàng nhỏ trang trí tường, bán cho các nhà buôn đồ dùng gia đình dán vào sôpha và ghế tựa rẻ tiền, có khi vẽ áp phích cho chủ hiệu nhỏ, vẽ quảng cáo cho thuốc hôi nách. Dựa vào tài năng “nghệ thuật” ấy, vẫn không kiếm đủ ăn, nhưng anh ta vẫn cho rằng mình là một “nghệ sĩ”.

Hítle ngay khi còn học trung học, đã có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc Giécman cuồng nhiệt. Trong thời gian ở Viên, bắt đầu có hứng thú về chính trị, đọc rất nhiều sách về lịch sử nước Đức và chống người Do Thái.

Mùa xuân năm 1913, Hítle rời Viên, về Muyních Đức. Một năm sau, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Anh ta vui sướng như điên, mơ tưởng có dịp lập công, quỳ xuống cảm tạ trời đất đã cho anh ta may mắn tham gia cuộc chiến tranh này. Anh ta tình nguyện tham gia sư đoàn bộ binh Bavie, đóng 4 năm ở tuyến phía tây. Năm 1917 từ lính truyền lệnh được đề bạt hạ sĩ tiểu đội trưởng. Sau chiến tranh lại trở về Muyních, làm một trinh sát của ban Chính trị lục quân.

Một hôm vào tháng 9 năm 1919, Hítle nhận được lệnh của ban Chính trị lục quân, đi điều tra một đoàn thể chính trị nhỏ tự xưng là “Đảng công nhân Đức” xem xét chính đảng này có phải bị đảng Cộng sản kiểm soát hay không.

Đêm hôm ấy Hitle theo lệnh tham gia cuộc họp của “Đảng công nhân Đức” này. Địa điểm họp là một căn phòng tối tăm của một quán bia, dự họp có 25 người. Hitle cảm thấy không khí cuộc họp rất nặng nề, khi sắp tan họp ra về, thì bỗng xảy ra tranh luận: một người dáng vẻ giáo sư đứng lên, đề nghị bang Bavie tách khỏi nước Đức, cùng với Áo thành lập một nước Nam Đức khác. Hitle đứng ngay dậy phản bác lại. Anh không tán thành tách Bavie ra khỏi nước Đức, mà chủ trương xây dựng một nước Đức dân tộc chủ nghĩa thống nhất lớn mạnh. Anh ta phát biểu rất sắc sảo, khiến mọi người phải chú ý đến cái anh chàng vô danh tiểu tốt này. Tan họp, có một người đeo kính đi theo Hitle, dúi cho anh một cuốn sách nhỏ. Hitle tiện tay bỏ vào túi, trở về ban chính trị anh ta báo cáo với cấp trên. “Đảng công nhân Đức cũng chẳng có gì khác với các tổ chức khác cả, nói xong thì đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Hitle nhớ tới cuốn sách nhỏ, liền mở ra xem, tác giả chính là người đeo kính, tên là Đriex. Anh ta đọc sách và đột nhiên kinh ngạc thấy, những điều viết trong sách, đã phản ánh rất nhiều tư tưởng mà y đã xác định mấy năm qua tức là phải tổ chức một chính đảng lấy quần chúng công nhân làm nền tảng, nhưng không giống đảng Xã hội Dân chủ, phải giữ vững chủ nghĩa Dân tộc sâu sắc. Về điểm này Hítle thấy rất thích thú, liền cứ thế đọc tiếp.

Chiều hôm ấy, Hitle lại bất ngờ nhận được một tấm bưu thiếp của Đriex, báo cho anh biết được chấp nhận tham gia “Đảng công nhân Đức”, và mời anh đến dự họp ban chấp hành.

– Thật là nực cười! Hítle nghĩ thầm, muốn tham gia chính đảng, thì tự mình tổ chức, hà tất phải tham gia một chính đảng đã có sẵn? Anh chuẩn bị viết thư từ chối, nhưng nghĩ tới cuộc họp tối hôm qua và cuốn sách nhỏ của Đriex, tính tò mò đã thắng thế, bèn quyết định đi dự cuộc họp Ban chấp hành.

Địa điểm họp là một quán ăn hạng xoàng. Dưới ánh đèn dầu tù mù, bốn thanh niên vây quanh một chiếc bàn, trong đó có Đriex. Ông ta thấy Hítle thì nhiệt tình chào đón người đảng viên mới của “Đảng công nhân Đức” này. Vậy là Hitle trở thành uỷ viên thứ bẩy của Ban chấp hành “Đảng công nhân Đức”.

Đảng công nhân Đức bắt đầu là một đoàn thể nhỏ chưa đến 100 người. Với khả năng tổ chức và tài diễn thuyết kích động, Hitle nhanh chóng thao túng quyền lãnh đạo đảng, đồng thời mở rộng đội ngũ và ảnh hưởng của đảng. Tháng 2 năm 1920, với một dụng ý riêng Hitle công bố “Cương lĩnh 25 điểm” của đảng, nêu ra khẩu hiệu thực hiện cái gọi là “chủ nghĩa xã hội”, công nhân được chia lợi nhuận của xí nghiệp, xóa bỏ địa tô. Để lừa bịp hơn nữa, ít lâu sau lại đổi tên đảng là “Đảng công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức”, gọi tắt là Đảng Quốc xã (tiếng Đức là Nazi). Tháng 7 năm 1921 Hitle lại xác lập “nguyên tác lãnh tụ” trong đảng. Từ đó anh chàng lang thang ở Viên đã trở thành “nguyên thủ” của đảng Nazi, có quyền lực độc tài tối cao.

Để thực hiện thủ đoạn khủng bố đối với các đối thủ chính trị, Hitle tổ chức “đội xung kích” gồm những quân nhân giải ngũ cao to khoẻ mạnh. Đội viên xung kích mặc sắc phục nâu sẫm, bắt đầu giữ gìn trật tự cho các cuộc mít tinh của đảng Nazi, ít lâu sau bắt đầu phá rối các cuộc mít tinh của các đảng khác, trở thành bọn tay chân đàn áp đối thủ chính trị và quần chúng nhân dân của Hitle.

Cũng vào lúc đó, Hitle lại thu nhận rộng rãi bọn có mưu đồ đen tối, dù là kẻ nào, kể cả hung thủ giết người, nghiện hút, du côn vô lại, chỉ cần trung thành và được việc cho Hitle là thu hút hết vào đảng.

Hítle lại nghĩ đến việc đảng Quốc xã phải có một huy hiệu, một lá cờ và một biểu trưng thật hấp dẫn. Sau khi suy nghĩ và thiết kết thử khá nhiều mẫu mã, cuối cùng Hitle đã thiết kế một lá cờ: nền đỏ tâm tròn trắng, ở giữa là một chữ thập ngoặc đen. Chữ thập ngoặc… từ đâu mà ra vậy? Nghe nói người ta đã từng được nhìn thấy từ trong phế tích thành Tơroa, trong quốc huy của các nước Estônia và Phần Lan thời cận đại đã từng xuất hiện. Hitle khi ở Áo rõ ràng là đã từng nhìn thấy trong huy hiệu đảng của một chính đảng chống Do Thái nào đó rồi. Hítle rất hài lòng với thiết kế này và nói:

– Mầu đỏ tượng trưng cho ý nghĩa xã hội phong trào này của chúng ta, lầu trắng tượng trưng cho chủ nghĩa dân tộc, chữ thập ngoặc… tượng trưng cho sứ mệnh đấu tranh giành thắng lợi của người Arian. Ít lâu sau, Hitle lại thiết kế huy hiệu chữ thập ngoặc gắn trên cánh tay áo trong bộ đồng phục đội viên xung kích và đảng viên; thiết kế lá cờ thêu Nazi dùng trong các cuộc họp, trên cán cờ là chữ thập ngoặc bằng kim loại màu đen phía trên có một con chim ưng đậu trên vòng hoa mầu trắng bạc, phía dưới là khung kim loại hình chữ nhật, có khắc chữ cái viết tắt tên đảng Nazi – Tất cả những thứ đó, về sau đã trở thành dấu hiệu khủng bố đáng sợ của đảng Quốc xã và nước Đức Quốc xã.

Chuẩn bị xong xuôi, Hitle đầy dã tâm đã tìm mọi cách khuếch trương thanh thế, mưu toan cướp chính quyền. 

Chưa đến 9 giờ tối ngày 8 tháng 11 năm 1923, tại một quán bia lớn ở ngoại ô phía đông nam Muyních, đang tổ chức một cuộc mít tinh lớn: Có khoảng 3000 dân thành phố ngồi cạnh những chiếc bàn gỗ to, vừa uống bia ừng ực, vừa nghe vị Trưởng quan chính trị là Karơ thao thao bất tuyệt trình bầy cương lĩnh hành chính của ông ta.

Đột nhiên, một đám đội viên xung kích Quốc xã bao vây hội trường và đặt súng máy ở cửa ra vào. Được đám đội viên xung kích bảo vệ, Hitle rẽ đám đông, tiến vào phòng, nhẩy lên một chiếc bàn. Để thu hút sự chú ý của mọi người, Hitle rút súng ngắn ra bắn một phát lên trần nhà, Karơ đang diễn thuyết vội dựng lại, thính giả quay lại nhìn, Hitle đã tiến đến bục diễn đàn. Một cảnh sát định chặn lại, nhưng Hitle chĩa súng vào anh, tiếp tục bước lên. Karơ sợ quá cuống cuồng rời khỏi bục.

– Cách mạng toàn quốc đã bắt đầu rồi! – Hitle chiếm lấy bục diễn đàn lớn tiếng nói – Nơi này đã bị 6000 đội viên vũ trang chiếm rồi, không ai được rời khỏi phòng. Tất cả phải trật tự, bằng không ta sẽ nổ súng. Nói để mọi người biết, chính quyền Bavie và Chính phủ cả nước đã bị lật đổ. Chính phủ lâm thời đã thành lập, doanh trại quân đội và cảnh sát đã bị chiếm, đội quân dưới lá cờ chữ thập ngoặc đang từ ngoại ô tiến vào thành phố!

Thực ra, đấy hoàn toàn là bịa dặt láo lếu. Nhưng trong lúc hỗn loạn chẳng ai biết sự việc như thế nào cả.

Đây là một hành động mạo hiểm mà Hitle đã mưu tính từ lâu. Hắn chuẩn bị sử dụng thủ đoạn đe doạ và bạo lực này, trước hết cướp lấy chính quyền bang Bavie, sau đó tiến quân vào Béclin, lật đổ Chính phủ trung ương, thực hiện dã tâm cướp chính quyền cả nước.

Hitle sau khi hò hét một hồi, đã giam Karơ và hai quan chức cao cấp Bavie vào gian phòng nhỏ sau bục diễn đàn.

– Không được phép của tôi, đừng hòng ra khỏi căn phòng này! Hitle đã cảnh cáo như vậy, sau đó hết sức khuyên dụ ba vị đứng đầu Bavie hợp tác với hắn, cùng nhau tuyên bố “cách mạng” và tham gia Chính phủ mới do hắn tổ chức. Nhưng cả ba vị đứng đầu không ai muốn hợp tác với Hitle cả: Họ không nói gì, giữ thái độ im lặng. Hitle nổi giận.

– Súng tôi có 4 viên đạn! Các ông không chịu hợp tác với tôi, ba viên cho các ông, viên cuối cùng giành cho tôi! – Hắn giơ súng lên chĩa vào trán mình hét to – Nếu chiều mai tôi không thành công, tôi chẳng cần mạng sống này nữa!

Nhưng, dù Hitle nói gì, ba người này vẫn không chấp nhận. Hitle đã rất nhanh trí, chạy thẳng ra ngoài phòng lớn, nhẩy lên diễn đàn, tuyên bố ngay với đám người đang vô cùng tức giận, ba người đứng đầu trong phòng bên đã cùng hắn tổ chức một Chính phủ toàn quốc mới rồi. Chính phủ này sẽ do hắn đảm nhiệm công tác chỉ đạo chính sách. Hắn ráng hết sức gào lên:

– Nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời là tiến quân vào Béclin. Ngay ngày mai, sẽ thành lập Chính phủ mới có tính toàn quốc!

Xằng bậy và lừa dối của Hitle lại có hiệu quả. Một số dân thành phố nghe nói ba vị đứng đầu Bavie đã hợp tác với hắn, lập tức hoan hô ngay. Đúng lúc ấy, tướng Luđenđooc rất có uy tín trong quân đội Đức nhận lời mời của Hitle đến quán bia. Được sự khuyên bảo của vị tướng già, ba vị đứng đầu đã suy nghĩ lại và đồng ý hợp tác với Hitle. Hitle vô cùng mừng rỡ, dẫn tất cả trở lại diễn đàn, tuyên thệ trung thành với chính quyền mới. Trong phòng họp rất nhiều người sung sướng nhẩy cả lên bàn lên ghế. Hitle phấn khởi cười ha hả, vung súng ngắn lên, kêu gọi tiến quân vào Béclin ngay lập tức.

Đúng lúc đó xảy ra một chuyện bất ngờ: có người báo cáo với Hitle có một tổ chức vũ trang đã gây ra xung đột với lục quân. Việc này không giải quyết, sẽ kéo dài việc tiến quân vào Béclin. Hitle nghe xong, quyết định đích thân đến giải quyết lại chỗ vụ xung đột này, và ra lệnh ngay cho Luđenđooc thảo kế hoạch tiến quân vào Béclin ở quán bia.

Lát sau, Hitle phấn khởi quay về, nhưng ba vị đứng đầu Karơ, Rôsôp, Saiser đã chuồn từ lâu rồi, còn Luđenđooc thì chẳng làm gì cả. Hitle thấy thắng lợi trong tầm tay đã trở thành bong bóng, tức sôi người.

Hitle quyết định mạo hiểm lần cuối cùng, hắn cùng Luđenđooc dẫn đội xung kích khoảng 3000 người từ quán bia tiến vào trung tâm thành phố Muyních, mưu toan trước tiên thông qua diễu hành tranh thủ sự ủng hộ của quân đội và nhân dân thành phố, sau đó chiếm lấy toàn thành phố.

Hitle và Gơrinh cùng sáu, bẩy tên đầu sỏ đảng Quốc xã nữa dẫn đầu đội xung kích, dẫn đầu bọn chúng là lá cờ chữ thập ngoặc. . . Phía sau những hàng xung kích là một chiếc xe tải, trên xe đặt một khẩu súng máy, đám đội viên xung kích đều vác súng kỵ binh, có tên còn lắp cả lưỡi lê tuốt trần.

Lát sau, đoàn biểu tình đi tới Bộ chỉ huy lục quân. Tại đây có hơn 100 cảnh sát súng đạn sẵn sàng canh gác, không để chúng đi qua.

Đầu hàng đi thôi, đầu hàng đi thôi! Hitle lớn tiếng kêu gọi, nhưng cảnh sát vẫn hiên ngang chặn đường.

Bỗng “đoàng” một tiếng không biết ai đã nổ súng, ngay sau đó hai bên bắn nhau. Chưa đầy một phút thì ngừng 60 tên Quốc xã bị bắn gục. Đội trưởng xung kích Gơrinh trúng đạn vào đùi, ngã lăn ra đất. Hitle sợ quá nằm rạp xuống đất, khi ngừng tiếng súng, hắn chạy đầu tiên, bỏ mặc đồng bọn chết và bị thương. Hắn leo lên một chiếc ô tô, chuồn thẳng về biệt thự ở nhà quê.

Sau mấy ngày, Hitle và bọn đầu sỏ bạo động đều bị bắt. Hitle bị xử 5 năm tù giam.

Bạo động quán bia đã thất bại. Nhưng Hitle lại vì thế mà nổi danh toàn quốc.

Trong tù, Hitle bắt đầu thuật lại “Cuộc đời tôi” (Mein Kampf). Trong cuốn sách, hắn tuyên tuyền bậy bạ về thuyết xấu tốt mạnh yếu. Cổ vũ người Giécman là dân tộc thượng đẳng chúa tể thế giới, có quyền thống trị các chủng tộc “hạ đẳng” khác, còn người Do thái chính là dân tộc hạ đẳng. Với chiêu bài chống áp bức dân tộc của hòa ước Vecxay, tiến hành tuyên truyền chủ nghĩa phục thù, rêu rao phải lấn ra nước ngoài để tìm “không gian sinh tồn”, chủ trương lấy “nguyên tắc lãnh tụ” thay thế chính trị dân chủ.v.v. . .

Cuốn sách gồm 782 trang, khô khan rườm rà, nội dung cực kỳ phản động.

Chưa đầy một năm, Hitle được tha. Ra tù, hắn hứa với chính quyền Bavie sau này nhất định ngoan ngoãn lương thiện, không nói bậy làm loạn nữa.

– Con dã thú này đã bị thuần phục rồi, Bộ trưởng tư pháp Bavie thấy Hitle “thành thực” như vậy, đã rất yên tâm nói thế – Chúng ta bây giờ không sợ thả lỏng dây xích nữa.

Bắt đầu từ năm 1929, cả thế giới tư bản nổ ra khủng hoảng kinh tế, 8 triệu người Đức thất nghiệp, dường như cứ hai công nhân thì một người bị đói. Ngọn lửa đấu tranh của công nhân lan khắp cả nước, năm 1932 trong 2 tháng đã xẩy ra 900 lần bãi công. Giai cấp tư sản trong ngoài nước đều gặp khó khăn không còn có thể thống trị như cũ được nữa, họ cảm thấy chính quyền yếu kém xây dựng theo chế độ nghị viện đã không còn tác dụng nữa rồi “chỉ có gươm mới là chính sách kinh tế của nước Đức” và họ bức xúc mong muốn xây dựng nền thống tri độc tài phát xít, để đối nội thì đàn áp cách mạng nhân dân, đối ngoại thì cướp đoạt thuộc địa bằng đại bác, xe tăng.

Trong tình hình đó, Hitle thấy thời cơ làm ăn lớn đã tới, hắn rút kinh nghiệm bài học

 thất bại trong cuộc bạo động “quán bia”, quyết định không sử dụng vũ trang bạo động nữa, mà thông qua thủ đoạn “nghị trường” để cướp lấy chính quyền. Hắn bắt đầu tiến hành hoạt động tranh cử ở khắp nơi, ngồi cả trên máy bay đi các nơi để “diễn thuyết tranh cử”, có ngày diễn thuyết tới 49 lần. Hắn nói thao thao bất tuyệt về nỗi khổ đau của nhân dân, căm hờn của dân tộc và sự bất tài của Chính phủ nước Cộng hòa, đồng thời đưa ra lời hứa tốt đẹp với nhân dân. Tuyên truyền lừa bịp của hắn, khiến những thị dân, công nhân thất nghiệp, nông dân và học sinh đang trong cảnh tuyệt vọng, chưa thể biết rõ âm mưu của hắn, đã bị mắc lừa. Cùng lúc ấy, đảng Quốc xã từ 17 vạn người năm 1929 tăng lên tới 38 vạn năm 1930.

Tới năm 1932 Hitle qua tranh cử đã thu được 13 triệu phiếu bầu, đảng Quốc xã giành được 230 ghế, trở thành đảng lớn nhất cả nước. Đội xung kích của đảng Quốc xã cũng phát triển tới hơn 10 vạn, trở thành một đội ngũ còn đông hơn cả quân quốc phòng. Hitle ngày càng trở thành đứa con cưng và cứu tinh của giai cấp thống trị nước Đức. 17 trùm xí nghiệp, công nghiệp và ngân hàng gửi thư lên Tổng thống Hindenbuôc, yêu cầu bổ nhiệm Hitle đứng ra tổ chức nội các.

Thời cơ Hitle cướp lấy chính quyền đã tới.

Tháng 1 năm 1933, Béclin thời tiết giá lạnh, gió buốt kinh người. Do âm mưu sách lược của Hitle, nội các Sơlâyke mới cầm quyền được 57 ngày đã đổ. Lúc 11 giờ ngày 30 anh chàng lang thang trên phố xá Viên ngày nào, một hạ sĩ nước Áo chẳng ai biết đến trong Thế chiến thứ nhất, tên tù bị hạ ngục sau vụ bạo động quán bia, một kẻ căn bản không phải là người Đức, mà là tên kích động của nước Áo, Hitle đã lái xe đến phủ Thủ tướng. Tổng thống Hinđenbuôc đã trao con dấu Thủ tướng cho Hitle tên trùm đảng Quốc xã. Tối hôm ấy, từ lúc hoàng hôn tới tận đêm khuya, đội xung kích 25000 tên tổ chức tuần hành rước đuốc tưng bừng trên đường phố, lá cờ chữ thập ngoặc . . . . vẫy điên cuồng trong biển lửa, tiếng hò hét “khôi phục đế quốc quang vinh” vang ầm.

Hitle đứng trước bệ cửa sổ phủ Thủ tướng luôn vẫy tay, luôn mỉm cười, Đế quốc thứ ba hắn mơ ước từ lâu cuối cùng cũng đã ra đời. Trong lịch sử, Đế quốc thứ nhất là Đế quốc Roma thần thánh ở trung thế kỷ. Đế quốc thứ hai là đế quốc thành lập năm 1871 sau khi Phổ đánh bại Pháp. Hitle cho rằng, hai lần ấy đã đưa lại “vinh dự” cho nước Đức. Còn giờ đây, Đế quốc thứ ba của Đức mà hắn xây dựng sẽ là Đế quốc “người xưa chưa làm được” và “nghìn thu thịnh vượng”

Tuy nhiên, chính cái nước đế quốc “người xưa chưa làm được” ấy, bắt đầu ngay từ ngày thành lập đã đẩy nhân dân Đức và nhân dân thế giới xuống hố sâu tai họa.

Vào một đêm tháng 2 năm 1933, tòa nhà Quốc hội ở bên quảng trường Cộng hòa Béclin nước Đức, bỗng nhiên khói bốc mù mịt, lửa cháy tứ bề. Chỉ trong chốc lát ngọn lửa đã bén lên nóc tròn chính giữa tòa nhà Quốc hợi, khiến cho công trình kiến trúc to lớn xây dựng trong 10 năm bị phá huỷ nặng nề. Đây chính là cái gọi là “vụ đốt nhà Quốc hội” nổi tiếng thế giới.

Ngay đêm xẩy ra vụ cháy, tên trùm phát xít Gơrinh tức tốc đến ngay hiện trường. Hắn thở như bò rống, mồ hôi nhễ nhại, phấn khởi có phần khác thường, điên cuồng hò hét:

– Đây là tội chống chính quyền mới của đảng Cộng sản!

Sau đó Hitle cũng đến hiện trường, nói với phóng viên nước ngoài:

– Đây là chỉ thị của thần thánh, bây giờ chúng ta phải tấn công đảng Cộng sản.

Hitle ra lệnh, đội xung kích đã sớm trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao” hành động ngay lập tức. Bắt ngay tại chỗ một “tội phạm đốt nhà” 24 tuổi, Lubây thanh niên Hà Lan, và lập tức tuyên bố anh là “đảng viên Cộng sản”

Ngày hôm sau, bè đảng Hitle tiến hành lục soát bắt bớ theo danh sách chúng đã lập sẵn từ trước khi xẩy ra vụ cháy. Ngày 3 tháng 3, người lãnh đạo đảng Cộng sản Đức dầy dạn trong thử thách rơi vào tay cảnh sát. Ngày 9 tháng 3, người lãnh đạo cục Tây Âu Quốc tế cộng sản, Chủ tịch đảng Cộng sản Bungari, G.Đimitrốp và hai nhà hoạt động của đảng Cộng sản Bungari khác bị bắt cùng một lúc. Ngay sau đó, Hitle lại ban bố lệnh khẩn cấp, cấm mọi cuộc mít tinh, thành lập các đoàn thể. Từ ngày 28, hơn 4000 đảng viên Cộng sản và nhân sĩ tiến bộ bị bắt bỏ tù.

Sau khi Đimitrốp bị bắt, ông bị giam vào nhà tù, ông bị lăng nhục, lăng nhục đủ điều, nhưng vẫn lạc quan phấn khởi, đầy tin tưởng vào thắng lợi. Ông mắc bệnh tim và bệnh phổi, nhưng trong nhà tù ẩm ướt và dưới ánh đèn tù mù vẫn kiên trì đọc sách viết bài và học thêm tiếng Đức, chuẩn bị bênh vực, biện hộ cho mình và phanh phui âm mưu của quân thù.

Bọn Quốc xã sau nửa năm chuẩn bị, vào ngày 21 tháng 9 tuyên bố mở phiên tòa xét xử tại Laixich. Trước lúc thẩm vấn, rất nhiều người làm công tác báo chí và luật sư tiến bộ trên thế giới đã tổ chức “Uỷ ban điều tra quốc tế”, và do luật sư nổi tiếng nước Anh, Purite chủ trì. Vào một ngày trước phiên tòa Laixich, Uỷ ban điều tra quốc tế đã công bố nhiều nhân chứng vật chứng, chứng minh người cộng sản bị cáo là vô tội, đồng thời nêu ra những nghi ngờ đầy căn cứ: Tòa nhà Quốc hội là do đảng Quốc xã đã nhen lửa đốt cháy, nếu không thì cũng do họ dật dây xúi giục đốt cháy. Tin tức về cuộc thẩm vấn Laixich lan truyền đi, 25 luật sư của các nước Bungari, Đức, Pháp, Mỹ đều sẵn sàng bào chữa cho Đimitrốp, nhưng tòa án đế quốc không cho phép bị cáo tự do lựa chọn người bào chữa. Thế là Đimitrốp quyết định không mời người bào chứa, tự mình tiến hành bào chữa chính trị cho mình. Lúc ra tòa, ông vừa là bị cáo vừa là người bào chữa.

Ngày mở phiên tòa, bè đảng Quốc xã đã khuân đến đủ loại đèn chiếu sáng micrô, máy ghi âm, máy quay phim. Các phóng viên nước ngoài, trừ phóng viên đảng Cộng sản ra, đều được mời đến dự xét xử.

Hai ngày đầu thẩm vấn Lubây. Đimitrốp ngày thứ ba ra tòa. Đimitrốp đã đanh thép bác bỏ thủ đoạn bỉ ổi của quân thù vu vạ cho đảng Cộng sản. Ông biến phiên tòa thành diễn đàn quốc tế, lợi dụng phiên tòa để trình bày rõ ràng cương lĩnh và sách lược của người Cộng sản, Quốc tế cộng sản. Phiên tòa hôm ấy, lại đúng là ngày kỷ niệm 10 năm khởi nghĩa tháng 9 năm 1923 của Bungari. Đimitrốp đã mô tả cho thính giả nghe cuộc đấu tranh cách mạng ông đã lãnh đạo. Ông tuyên bố rất đàng hoàng, ông là người cách mạng của giai cấp vô sản, nội dung cuộc sống của ông là phấn đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản. Ông phản đối Mỗi hành động khủng bố cá nhân, đồng thời vạch ra hành vi như đốt nhà này, thì nguyên tắc đấu tranh quần chúng của đảng Cộng sản không bao giờ tha thứ.

Viên chánh án phiên tòa Buengơ nghe nhà tuyên truyền chính trị diễn giảng rất dài, cảm thấy quyền chủ động xét hỏi đã tuột khỏi tay mình, tựa hồ không phải là mình, mà nhà tuyên truyền chính trị này nắm được hướng xét hỏi rồi. Và thế là ông ta ngắt lời Đimitrốp và hỏi:

– Ông hãy trả lời, ông đã quen biết tội phạm đốt nhà Lubây vào lúc nào? Hai người mưu tính bí mật như thế nào?

– Tôi lại muốn hỏi Lubây – Đimitrốp nói hai mắt sáng long lanh nhìn thẳng vào Lubây – anh phải nói cho rõ ràng trước mọi người, anh đã gặp tôi khi nào? quen biết tôi khi nào?

– Tôi không biết ông, cũng chưa bao giờ nhìn thấy ông. Lubây trả lời trước mặt mọi người.

– Vấn đề đã rất rõ ràng – Đimitrốp nói – Trong cuộc xét xử này, Lubây chẳng qua chỉ là Phaoxtơ trong vụ đốt nhà Quốc hội mà thôi, rõ ràng là đứng đằng sau anh ấy còn có Mêphixtô. Phaoxtơ đáng thương đã bị đưa ra tòa án đế quốc còn Mêphixtô thì đã cao chạy xa bay rồi. Là một bị cáo vô tội, hơn nữa lại là một đảng viên cộng sản, thành viên của Quốc tế cộng sản, tôi rất mong muốn, phải làm cho rõ ràng triệt để vụ đốt nhà Quốc hội, đồng thời phải bắt tên Mêphistô đang trốn chạy về xử tội.

Đimitrốp đã phân tích rất đúng và thẳng thừng. Hóa ra, từ nhà Quốc hội đến nhà ở của Gơrinh có một đường hầm bí mật. Đội trưởng xung kích đã dẫn tên đốt nhà thật, chuyển xăng và các thứ dễ cháy từ nhà Gơrinh đến tòa nhà Quốc hội, châm lửa xong, lại lẻn trở về theo đường cũ. Cuối cùng đã bắt Lubây làm vật thí thân. Khi ấy, đã có người phanh phui ra sự thật này, nhưng ít lâu sau, người phanh phui sự thật đã chết một cách rất mờ ám.

Viên chánh án thấy Đimitrốp liên tục đặt vấn đề, đẩy việc xét xử tới hướng truy vấn kẻ sắp đặt hậu trường, liền ngắt lời ông, và đe doạ ông. Đe doạ không được, liền tuyên bố tạm nghỉ.

Ngay sau đó, tòa tiến hành mấy lần thẩm vấn nữa, nhưng đều thất bại. Báo chí của Đảng cộng sản các nước và các báo tiến bộ khác, đua nhau đưa tin về vấn đề xét xử, Đimitrốp nổi tiếng khắp nơi. Cử chỉ anh dũng cách mạng của ông đã được tầng lớp nhân sĩ các nước đồng tình và khâm phục. Bọn đầu sỏ Quốc xã thấy việc xét xử do chúng sắp đặt đang không kiểm soát nổi, và đã bắt đầu chuyển hướng, chĩa thẳng vào bọn bầy tính mưu gian. Thế là chúng quyết định sử dụng “pháo hạng nặng” – để đầu sỏ Quốc xã Gơrinh và Gơben ra tòa làm chứng.

Ngày 4 tháng 11 lại tiếp tục xét xử, khi Gơrinh ra tòa, mặc sắc phục đội viên xung kích, theo sau là một đội bảo vệ. Hắn tỏ rõ bộ dạng muốn nhổ sạch tận gốc chủ nghĩa cộng sản, nói lảm nhảm suốt nửa tiếng đồng hồ. Đimitrốp yêu cầu phát biểu, ông hỏi Gơrinh:

– Ông vừa nói, có một tin quan trọng: trên người Lubây có thẻ đảng viên Cộng sản, nhưng ba cảnh sát bắt anh ta đã trình bày trong tòa, là họ không lục soát thấy thẻ đảng trong người Lubây… Thế là thế nào?

Vấn đề cực kỳ nan giải này lập tức , khiến Gơrinh lúng túng, Hắn bắt đầu mất tự tin ngay, trả lời tiền hậu bất nhất.

Dù sao đi nữa, thì vụ đốt nhà Quốc hội vẫn là âm mưu sắp đặt sẵn của đảng Cộng sản Gơrinh không kiềm chế nổi nữa gào lên như chó điên – Đảng Cộng sản đảng của những tên tội phạm, phải tiêu diệt hết!

– Thưa ông Gơrinh, ông có biết không đấy – Đimitrốp lập tức phản công mạnh mẽ – Cái đảng “phải tiêu diệt” ấy đang thống trị 1/6 trái đất – Liên Xô. Đây là đất nước tốt nhất trên thế giới. Liên Xô đang có quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với nước Đức – Do có sự đặt hàng của Liên Xô mà hàng nghìn, hàng vạn người Đức mới có việc làm. . .

– Ông không được phép tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản tại đây! Viên chánh án thấy người làm chứng đã mất khả năng tự kiềm chế, lập tức đứng ra giúp ngay.

– Thưa ông chánh án Đimitrốp nói thẳng với ông ta ngay – Đấy là ông Gơrinh đang tuyên truyền cho đảng Quốc xã đấy chứ!

Gơrinh như một con dã thú bị chọc giận, rống lên một cách tuyệt vọng giữa phiên tòa. Nhưng Đimitrốp đâu có chịu kém, ông mỉa mai nói:

– Tôi rất hài lòng câu trả lời của Gơrinh.

Chưa dứt lời, thì Gơrinh gầm lên:

– Tên cộng sản này, cút ngay!

Tên độc tài khoác áo người làm chứng tức đến phát điên, tự lột chiếc mặt nạ “nghi thức” xét xử. Viên chánh án vội vã kết thúc trận khẩu chiến, lệnh cho cảnh sát giải Đimitrốp đi. Đimitrốp cười lớn:

– Thưa ông Gơrinh, ông đã sợ vấn đề của tôi rồi ư!

Quyền chủ động của tòa án và bọn Thẩm phán xét xử đã chẳng còn gì, và ngày càng không chống đỡ nổi. Tên cầm đầu tuyên truyền phát xít Gơben đành phải đứng ra giải quyết phần hậu quả. Hắn làm ra bộ “tranh luận tự do”, cố tình phát biểu viển vôn cao đạo, chẳng trả lời rõ ràng cũng chẳng đối đầu trực tiếp. Nhưng Đimitrốp vẫn cố tấn công dồn dập, liên tục chất vấn đến cùng. Gơben thạo nghề tuyên truyền bịp bợm, rút cục cũng chẳng vớt vát được gì.

Sau mấy tuần, tiếng vang của cuộc giao đấu thời đại này vang dội ra khắp thế giới. Đảng Cộng sản các nước, Uỷ ban cứu trợ quốc tế những người bị phát xít bức hại và các tổ chức chống phát xít khác, động viên mọi lực lượng, tổ chức hoạt động kháng nghị quy mô lớn, tổ chức biểu tình, mít tinh, bãi công, chặn xe lửa, tẩy chay buôn bán với Đức, đảng Cộng sản Đức còn hoạt động bí mật, cũng xuất bản tờ tin ngắn bí mật giới thiệu tình hình xét xử, phát đi rộng rãi. Trong một đại hội lên tiếng ủng hộ ở Pari, bà mẹ Đimitrốp đã có bài nói chuyện rất xúc động, kêu gọi những người chính trực tiến hành đấu tranh để cứu những người bị bọn hoạt động khủng bố của Quốc xã làm hại.

Ngày 6 tháng 12, tòa án Laixich tiến hành xét xử lần cuối cùng. Lần xét xử này sẽ xem xét “vấn đề chính trị” mục đích để chứng tỏ đảng Cộng sản Đức và Quốc tế cộng sản dù cho không phải là người đốt nhà, cũng phải chịu trách nhiệm là kẻ xúi giục “về đạo lý” đối với vụ án đốt nhà. Chúng mong lấy đó để cứu vãn sư phá sản hoàn toàn của việc tố cáo. Trong lần xét xử này, Đimitrốp đã có lời nói nổi tiếng: “khởi tố việc xét xử”. Ông tuyên bố dõng dạc:

– Tôi phải bào chữa cho chính mình, một đảng viên đảng Cộng sản bị tố cáo. Tôi phải bào chữa cho niềm vinh dự cách mạng cộng sản của mình. Tôi phải bào chữa để bênh vực cho lý tưởng của mình, niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản của mình. Vì thế, mỗi câu nói của tôi trong phiên tòa đều xuất phát từ trái tim trung thành của tôi, mỗi câu nói đều thể hiện lòng căm phẫn sâu sắc của tôi đối với sự tố cáo không chính đáng, đối với tội ác chống Cộng vu cáo hãm hại những người cộng sản”.

Những câu nói kiên quyết đầy sức mạnh, cả phòng xử ăn im phăng phắc. Đimitrốp tiếp tục phân tích tình hình chính trị từ sau khi Hitle lên cầm quyền, trình bầy chiến lược và sách lược của phong trào Cộng sản, đồng thời đưa ra rất nhiều sự thực phanh phui ra âm mưu và mục đích thật sự của lần xét xử này.

Trước lúc viên Chánh án tuyên bố chấm đứt lời phát biểu cuối cùng của ông, ông đã khẳng khái kiên quyết nói:

Galilê khi bị trừng trị, ông đã tuyên bố: “Trái đất vẫn cứ quay!” Người Cộng sản chúng tôi có quyết tâm giống như Galilê. Hôm nay tôi tuyên bố. “Trái đất vẫn cứ quay!” Bánh xe lịch sử quay tới mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản là không thể tránh khỏi, không thể áp đảo được. . .

Lời nói cuối cùng của Đimitrốp, là đỉnh cao huy hoàng của cuộc đấu tranh kéo dài 3 tháng không biết mệt mỏi của ông. Vì ông đấu tranh anh dũng, cộng với sự lên tiếng ủng hộ của dư luận chính trị quốc tế, tòa án Laixich cuối cùng đã phải tuyên bố Đimitrốp cùng 4 người nữa vô tội và được thả, nhưng đã xử lý Lubây.

Đimitrốp sau khi ra tù, đã đến Liên Xô vào năm 1934, làm Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản, dồn sức cho việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vĩ đại chống phát xít.

Sáng tinh mơ ngày 15 tháng 9 năm 1938, Thủ tướng Anh 69 tuổi Sămbeclanhtay cầm ô, tức tốc đến nước Đức gặp mặt Hitle. Lần đầu tiên trong đời, ông đi máy bay, sau 4 tiếng máy bay hạ cánh xuống sân bay Muyních, sau đó lại ngồi 4 tiếng xe lửa, mới tới được thành phố nhỏ Bositsgaden ở Tây nam nước Đức.

Hitle không ra ga đón. Sămbeclanh đành phải đi ô tô chạy theo con đường núi ngoằn ngoèo, tới 4 giờ chiều mới đến được tòa biệt thự trên núi của Hitle. Khi ấy, đang có mưa, Hitle không tỏ ý tiến ra đón tiếp, chỉ đứng đợi ở trên thềm nhà. Hàn huyên mấy câu với Sămbeclanh rồi vào nhà.

Đường đường là Thủ tướng đế quốc Anh hùng mạnh, vì sao lại phải cấp bách và đê tiện khom lưng xin gặp Hitle như vậy?

Hóa ra là, nửa năm trước Hitle sau khi thôn tính Áo, thì mục tiêu sau đó chính là xâm chiếm Tiệp Khắc. Nếu Đức xâm chiếm Tiệp Khắc ở trung tâm Châu Âu, thì có thể lấy đó làm bàn đạp tiến sang phía đông tấn công Liên Xô, tiến sang phía tây tấn công Anh, Pháp. Kế hoạch của Hitle là: bước thứ nhất chiếm đóng vùng Suđet lãnh thổ Tiệp Khắp ở biên giới Đức- Tiệp, sau đó thôn tính cả nước Tiệp.

Vùng Suđet có 250 vạn người Giécmanh. Hitle lên cầm quyền ít lâu, đã thông qua người đại diện của mình, được gọi là “tiểu Hitle”, tổ chức một đảng người Giécmanh Suđet. Hanlen làm theo chỉ thị của Hitle, luôn gây ra rắc rối ở Tiệp Khắc, đòi “tự trị” cho vùng Suđet thực tế là đòi tách khỏi Tiệp Khắc, theo về nước Đức. Cùng lúc ấy, Hitle công khai diễn thuyết, tuyên bố gây chiến tranh với Tiệp Khắc, rồi lại điều động quân đội với quy mô lớn tới biên giới Tiệp Khắc, và định ra “kế hoạch màu xanh”, quy định vào ngày 1 tháng 10 tiến quân vào Tiệp Khắc.

Anh, Pháp thấy tình hình đã căng thẳng, cảm thấy rất không yên lòng. Anh và Tiệp đã ký điều ước hỗ trợ cho nhau, Pháp và Tiệp cũng có quan hệ liên minh. Một khi Đức, Tiệp đánh nhau, thì Anh, Pháp sẽ bị cuốn vào chiến tranh. Thủ tướng Pháp Đalađiê rất sợ chiến tranh. Ông thường xuyên phàn nàn:

– Cứ nghĩ tới thủ đô xinh đẹp bị phá huỷ bằng máy bay, thì trong lòng vô cùng sợ hãi.

Ông gọi điện thoại cho Thủ tướng Anh Sămbeclanh, giục ông mau chóng đi gặp Hitle, yêu cầu ông đàm phán “gắng hết sức giành lấy hiệu quả tốt nhất”. Vậy là, Sămbeclanh vội vã đến Muynich.

Sămbeclanh và Hitle đàm phán trong một phòng nhỏ bí mật. Hitle nói khá liến thoắng không dừng, không để đối phương có dịp nói lại. Trước tiên hắn huênh hoang khoác lác một hồi, sau đó tỏ rõ ý định là “trong thời gian ngắn nhất bằng mọi biện pháp giải quyết vấn đề vùng Suđét”. Hắn tự nói một mình “Bây giờ không còn là vấn đề tự trị của người Giécmanh Suđét, mà là vấn đề cắt nhượng vùng này cho nước Đức”. Hắn không để Sămbeclanh kịp nói gì, đột nhiên hỏi:

– Nước Anh có đồng ý cắt nhượng vùng Suđet không?

Câu hỏi này chẳng hề làm Sămbeclanh sửng sốt. Trước khi ông đến đàm phán, sớm đã thỏa thuận với Pháp, hai nước Anh, Pháp quyết không giúp đỡ Tiệp Khắc tác chiến, và quyết tâm bỏ rơi Tiệp Khắc để mong được thỏa hiệp với Hitle. Cho nên ông không hề do dự trả lời ngay, cá nhân ông thừa nhận nguyên tắc vùng Suđet tách khỏi Tiệp Khắc, có điều ông hy vọng trở về nước Anh báo cáo với Chính phủ, để được Chính phủ phê chuẩn. Ông hy vọng trong mấy ngày trước khi hai người gặp mặt lần nữa, Hitle không sử dụng hành động gì. Sau ba tiếng trao đổi bí mật, Hitle coi như chấp nhận lời thỉnh cầu của Sămbeclanh.

Ngày 16 tháng 9, Sămbeclanh trở về Luân Đôn. Ngay tối hôm đó triệu tập cuộc họp Nội các, cổ vũ cho việc chỉ có cắt nhượng vùng Suđèt cho Đức, mới có thể ngăn chặn được Hitle xâm chiếm toàn bộ Tiệp Khắc. Ngày 18 tháng 9, Đalađiê mặt mày ủ rũ cũng đến Luân Đôn. Hai phía Anh, Pháp sau một hồi trù tính, đã nhanh chóng nặn ra một kế hoạch bán đứng Tiệp Khắc: “Toàn bộ lãnh thổ có trên 50% cư dân Giécmanh vùng Suđét, đều trực tiếp chuyển nhượng cho đế quốc Đức”.

Ngày hôm sau, hai nước Anh, Pháp đưa ra “kiến nghị” cho Chính phủ Tiệp, đe dọa Tiệp rằng trong tình hình hiện nay, nếu tiếp tục giữ vùng Suđét trong lãnh thổ của Tiệp, thì dứt khoát khiến cho lợi ích của bản thân Tiệp và Châu Âu bị đe dọa. Chính phủ Tiệp dưới áp lực của nhân dân, ban đầu từ chối “kiến nghị” này. Sămbeclanh tiếp tục gây áp lực, Pháp thì bắt bí bằng việc xóa bỏ hiệp ước Pháp- Tiệp, còn cảnh cáo Tiệp nếu như từ chối “kiến nghị” thì bắt Tiệp phải chịu trách nhiệm về chiến tranh, Pháp sẽ không viện trợ cho bất cứ gì cả. Trong tình trạng như vậy, Chính phủ Tiệp rút cục đã bị khuất phục. Tổng thống Tiệp buồn bã nói:

– Chúng tôi đã bị bán đứng một cách bỉ ổi rồi!

Ngày 22 tháng 9, Sămbeclanh xách cặp công văn đựng phương án của hai nước Anh, Pháp lần thứ hai đến yết kiến Hitle. Sau khi đến Đức, thấy mọi dấu hiệu đón tiếp ông đã tỏ rõ sự kính trọng, một đội nghi lễ của quân bảo vệ đảng, đứng nghiêm chờ ông duyệt, đội nhạc trình diễn quốc ca nước Anh. “Thượng đế phù hộ vua ta” Trên dọc đường đến đều treo cờ chữ thập ngoặc. . . . và cờ nước Anh. Sămbeclanh rất vui vẻ ngồi thuyền qua sông Ranh, đến khách sạn, Hitle đang chờ ông ở đấy.

Lần này, Sămbeclanh đã có dịp phát biểu trước, ông nói một thôi một hồi tới một tiếng đồng hồ, y như cấp dưới báo cáo với cấp trên, kể lể những thành quả đã giành được từ lần hai người gặp mặt đầu tiên ở Bositsgaden đến nay. Sau đó ông nói với Hitle nội dung chi tiết của “kế hoạch Anh Pháp” mà người Tiệp đã chấp nhận, rồi nói qua về các bước chuyển giao nhanh chóng khu Suđet như thế nào. Cuối cùng, từ bàn hội nghị trải thảm xanh, ông tin tưởng nhìn Hitle lắng nghe phản ứng của đối phương.

Im lặng một khoảng thời gian khá dài, Hitle cuối cùng lên tiếng:

– Liệu tôi có thể được biết về thỏa thuận của nước Anh, nước Pháp và Chính phủ Tiệp Khắc chuyển giao vùng Suđét cho nước Đức không?

– Được ạ, được ạ. Sămbeclanh mỉm cười gật đầu.

– Rất đáng tiếc – Hitle nói – Do sự phát triển tình hình mấy ngày gần đây, thì kế hoạch này đã không còn tác dụng gì nữa rồi.

Hitle bắt đầu vin cớ kiếm chác. Hắn nói ngoài vùng Suđét ra, thì tất cả các vùng nói tiếng Đức khác đều phải cắt hết về cho nước Đức. Sămbeclanh hoang mang, ông ra sức nài nỉ, mong Hitle hãy cứ tiếp thu vùng Suđét trước theo kế hoạch cũ đã, rồi hãy đưa ra đòi hỏi mới. Nhưng Hitle dứt khoát không chịu nhượng bộ. Trong hội đàm luôn có phó quan đưa văn bản khẩn cho Hitle, Hitle nhanh chóng đọc lướt qua những văn bản này, cố ý quát tháo ầm ĩ,

– Lại có hai người Giécmanh bị người Tiệp giết, tôi phải báo thù cho từng người Giécmanh một, phải tiêu diệt hết tất cả người Tiệp.

Khi Sămbeclanh từ giã khách sạn Đơraison, Hitle điên khùng gào thét theo ông đi ra ban công. Đột nhiên, hắn im bặt, rồi rất nhẹ nhàng tới mức nhã nhặn nói với ông:

– Ôi, thưa ông Thủ tướng, tôi rất lấy làm tiếc, tôi vẫn cứ muốn để ông thưởng thức cảnh đẹp sông Ranh, nhưng bây giờ thì sương mù bao phủ mất rồi. . .”

Yêu cầu ngang ngược của Hitle, dấy lên lòng căm phẫn cực độ của nhân dân Tiệp Khắc. Praha bắt đầu tổng bãi công, Chính phủ Tiệp từ chối đòi hỏi của Đức, tuyên bố tổng động viên toàn quốc. Quân đội hai nước Đức, Tiệp đều trong trạng thái giới nghiêm, chiến tranh sẵn sàng bùng nổ.

Về mặt quân sự, binh lực Hitle có thể động viên được khi ấy, chưa bằng một nửa binh lực của hai nước Tiệp, Pháp. Tiệp không những ký Hiệp ước tương trợ với nước Pháp, mà còn ký kết với cả Liên Xô. Stalin nhiều lần bầy tỏ, nếu Tiệp quyết tâm kháng chiến, Liên Xô sẽ ủng hộ ngay lập tức. Đứng trước tình hình này, đa số sĩ quan Đức dao động, một loạt tướng lĩnh cao cấp thành lập một tổ chức bí mật chống lại Hitle, mưu tính một khi Hitle hạ lệnh tấn công Tiệp Khắc, thì lập tức bắt ngay hắn, để tránh cho mình trở thành vật hy sinh cho kế hoạch của Hitle.

Nhưng, Chính phủ Anh, Pháp lại vô cùng sợ hãi, một mặt cố lấy tư thế để tuyên bố một số biện pháp động viên cục bộ, để gây áp lực với Đức, mặt khác để Sămbeclanh van xin Hitle bớt giận, và tỏ ra gắng hết sức “để làm cho những người Tiệp kia tỉnh táo hơn nữa”. Sămbeclanh còn gửi điện cho tên trùm phát xít Ý, Mutsôlini, yêu cầu hắn đứng ra bố trí cuộc họp nguyên thủ bốn nước Anh, Pháp, Đức, Ý. Ông còn viết thư riêng cho Hitle nói rằng: “Tôi tin chắc ngài không cần qua chiến tranh mà lập tức đạt được tất cả những đòi hỏi cơ bản của ngài”. Khi ấy, Chính phủ Mỹ xưa nay đã quen ủng hộ Anh, Pháp bán đứng Tiệp Khắc để “vỗ về” Đức cũng vội vã xông ra hoạt động, đề nghị triệu tập “các quốc gia hữu quan” không bao gồm Liên Xô “giải quyết hòa bình” vấn đề Tiệp Khắc. Hitle giảo quyệt thấy rõ chính hắn đã thoát cảnh khó khăn, thời cơ vơ vét vốn liếng lớn hơn đã tới lập tức đồng ý triệu tập cuộc họp quốc tế.

Ngày 29 tháng 9, Sămbeclanh rất hứng khởi ra sân bay Luân Đôn, ông phát biểu ý kiến tại sân bay:

– Khi tôi còn là một chú bé, tôi luôn thích nói: Nếu mở đầu không thành công, thì cứ thử tiếp, thử mãi, thử mãi! Điều tôi phải làm bây giờ đúng là như thế. Khi tôi trở về, tôi hy vọng sẽ nói như Hoxbô trong vở kịch lịch sử “Henry IV” của Sêcpia: “Hái bông tường vi thơm ngát đáng yêu, không để cho một cây gai góc mọc lan trên này”.

Sămbeclanh nói xong, liền lần thứ ba lên máy bay đến Muyních nơi khởi nguồn của đảng Quốc xã Đức.

Đêm khuya hôm ấy, Sămbeclanh, Đaladê, Hitle và Mutsôlini hội đàm ở “Dinh nguyên thủ” mầu nâu thẫm tại Muyních. Thực ra, cuộc họp lần này cũng chẳng có nội dung mới nào, chẳng qua chỉ làm thủ tục cho việc giao dịch đã thỏa thuận trước, để đáp ứng đòi hỏi của Hitle mà thôi. Cuộc họp tới 1 giờ 30 sáng sớm ngày hôm sau, thì bốn nước ký “Hiệp định Muyních”. Theo hiệp định, trong vòng 10 ngày bắt đầu từ 1 tháng 10, Tiệp Khắc phải chuyển giao không bồi thường vùng Suđét cùng tất cả mọi cơ sở hạ tầng của vùng này cho nước Đức.

Sau khi tan họp, Sămbeclanh ngáp liên hồi. Có người hỏi ông mệt quá rồi phải không, ông cười bảo:

– Tôi mệt, nhưng mệt rất thoải mái

Ông cố làm ra vẻ phấn chấn, cho người gọi hai đại biểu của Tiệp Khắc vào phòng họp. Hai đại biểu này đã đến từ sớm trước khi họp, nhưng không được phép tham dự hội đàm, chỉ được ngồi chầu chực ở phòng bên cạnh phòng họp, chờ đợi mấy nước lớn đưa ra phán quyết cuối cùng. Chamberlian gọi đại biểu Tiệp Khắc đến, và cùng Đalađiê gắng sức chịu đựng tuyên bố với họ nội dung Hiệp định, trao cho họ một tấm bản đồ, và lệnh cho họ phải chấp hành ngay. Sau mấy tiếng, Chính phủ Tiệp Khắc bị ép buộc tuyên bố chấp nhận “Hiệp định Muyních”.

“Hiệp định Muyních” là một âm mưu lớn của Chính phủ Anh, Pháp, nhất quán dung túng xâm lược, hy sinh Tiệp Khắc, mưu đồ đẩy tai họa sang phía Đông. Nhưng, sự thực lịch sử đã diễu cợt phũ phàng những kẻ ngu xuẩn này. Vì Anh, Pháp cứ dung túng, dã tâm xâm lược của Hitle càng ngông cuồng. Tháng 3 năm sau, Đức đã xâm chiếm toàn bộ Tiệp Khắc, sau 5 tháng, đã xâm lược Ba Lan và gây ra cuộc chiến tranh toàn diện với Anh, Pháp. Sămbeclanh và Đalađie cuối cùng đã phải chịu cảnh gậy ông lại đập lưng ông.

Mùa xuân năm 1939, Hitle xây dựng kế hoạch “Tiêu diệt vĩnh viễn Ba Lan”, mang ký hiệu là “Phương án màu trắng”. Để che dấu kế hoạch chiến tranh, hắn tung hỏa mù hòa bình với Anh và Pháp, tuyên bố rằng ngay trong ý nghĩ cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc chống Ba Lan với bất kỳ phương thức nào, đồng thời ngấm ngầm ra lệnh cho quân Đức, phải chuẩn bị thật tốt mọi mặt vào trước ngày 1 tháng 9, để chỉ trong thời gian ngắn đánh gục Ba Lan ngay.

Đêm ngày 31 tháng 8 năm 1939 không khí oi bức bao phủ lên thành phố Grâyút ở biên giới phía đông nước Đức. Một nhóm đội viên đội bảo vệ đảng Quốc xã Đức, theo sự sắp đặt trước của Hitle, mặc sắc phục lục quân Ba Lan, giả làm quân đội Ba Lan, đột nhiên xông vào “tấn công” đài phát thanh Gleiwitf của Đức ở sát biên giới Ba Lan. Trong tình hình không hề có kháng cự. Đội quân hóa trang thành “quân đội Ba Lan” này chiếm đài phát thanh, đồng thời dùng tiếng Ba Lan phát đi tuyên bố “khiêu chiến với Đức”.

Sớm tinh mơ ngày 1 tháng 9, Hitle vin cớ nước Đức bị “quân đội Ba Lan” “xâm nhập”, theo “Phương án Màu trắng” chỉ huy quân Đức tấn công kiểu chớp nhoáng vào Ba Lan. Hàng loạt máy bay Đức oanh tạc cơ sở quân sự, sân bay và thành phố của Ba Lan. Tiếp đó, 56 sư đoàn quân Đức, tổng cộng 150 vạn người, theo ba hướng tây, nam, bắc tấn công toàn tuyến vào Ba Lan.

10 giờ sáng hôm ấy, Hitle đọc diễn văn trên đài phát thanh. Hắn lớn tiếng gào thét:

– Rất nhiều lần Ba Lan đã xâm nhập lãnh thổ nước Đức. Trong đám người này, có rất nhiều quân chính quy Ba Lan tấn công đài phát thanh Greiwitf. Giờ đây khả năng sử dụng phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề chính trị không được nữa rồi, tôi đành phải giải quyết bằng vũ lực.

Vậy là, dưới sự che đậy bằng trò bịp “người Ba Lan xâm nhập” do đích thân Hitle đạo diễn, kế hoạch xâm lược mưu toan từ lâu đã bắt đầu.

Ngày 3 tháng 9, theo Hiệp ước liên minh Pháp – Ba Lan và hiệp ước tương trợ Anh – Ba Lan, hai nước Anh Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ.

Anh, Pháp tuy tuyên chiến với Đức, nhưng chẳng có hành động thực tế nào. Tại biên giới Pháp, Đức có một công sự phòng ngự hiện đại hóa dài 200 kilômét, công sự này được xây dựng dưới sự chủ trì của Tướng Maginô, cho nên gọi là “phòng tuyến Maginô”. Phòng tuyến dự tính chạy xuyên qua Bỉ ra tận biển. Nhưng Bỉ vốn danh nghĩa “trung lập”, chống không cho qua. Cho nên phòng tuyến đành dừng lại ở biên giới Bỉ, vì vậy trên thực tế chỉ là một nửa phòng tuyến thôi. Trong những ngày Đức tấn công Ba Lan, thì lục quân Pháp nổi tiếng hùng mạnh nhất Châu Âu, chỉ nấp sau công sự phòng tuyến Maginô dài hơn 200 kilômét ấy, “án binh” bất động.

Anh, Pháp vì sao án binh bất động, lặng lẽ ngồi quan sát, hóa ra họ tuyên chiến với Đức hoàn toàn là do bị ép buộc. Họ tuyên chiến, nhưng lại muốn thông qua việc “điều đình” của Chính phủ Mỹ, để thực hiện đình chiến, nhất là Pháp sát kề với Đức, Chính phủ tư sản Pháp bị cuộc chiến chớp nhoáng tấn công Ba Lan của Hitle làm cho sợ hết hồn, chỉ sợ làm Đức tức giận tấn công mình, thì đâu còn dám chủ động tiến đánh Đức nữa! Vậy là họ, đã “ngồi im” để Ba Lan bị tấn công, và Chính phủ Ba Lan thì thối nát bất lực, thế là trong hai tuần đã bị Đức chiếm. Chính phủ Ba Lan lưu vong sang nước Anh, chỉ có nhân dân tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích, chống lại quân xâm lược.

Anh, Pháp cho rằng quân Đức chiếm được Ba Lan rồi thì nhất định tấn công Liên Xô. Thế là, họ vẫn cứ ngồi im đằng sau công sự của chiến luỹ Maginô, ngồi im suốt nửa năm. Tin tức quân sự hàng ngày của quân Pháp, bao giờ cũng lặp đi lặp lại một câu “Chiến sự mặt trận phía Tây, không có gì đáng nói cả”. Hèn chi người ta gọi là “chiến tranh ngồi im” hoặc “chiến tranh kỳ quặc”. Hitle đã lợi dụng điểm này, tuyên bố rằng miễn là Anh, Pháp thừa nhận Đức thôn tính Ba Lan, Đức sẽ không đánh nhau với Anh, Pháp. Tuy nhiên, Hitle ngấm ngầm tăng cường quân đội chuẩn bị chiến tranh khai chiến trực tiếp với Anh, Pháp.

Ngày 9 tháng 4 năm 1940, Hitle lại đột nhiên tấn công Đan Mạch và Na Uy. Một tháng sau, Hitle vòng qua phòng tuyến Maginô ở biên giới Pháp – Đức, xâm chiếm các nước trung lập Hà Lan, Lucxămbua và Bỉ, từ điểm tận cùng của phòng tuyến Maginô, bất thình lình tấn công miền bắc nước Pháp. Liên quân Anh Pháp yên chí chờ Hitle tấn công Liên Xô, không chuẩn bị gì, hoảng hốt rút lui. Xe tăng Đức ráo riết truy kích. Trung tuần tháng 6, quân Đức phá vỡ phòng tuyến sông Sommơ bố trí lâm thời của Pháp, đánh thẳng vào Pari. Ngày 16 tháng 6 Chính phủ Pháp xin cầu hòa với Đức. Ngày 22 Pháp ký giấy đầu hàng trong một toa xe lửa cũng cùng ở Cônbinexôn, nơi Đức đầu hàng vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh lần thứ nhất, chỉ có điều vị trí thắng bại của hai bên đảo ngược nhau mà thôi.

Nước Pháp tan rã, Hitle lại công bố mệnh lệnh số 16 tấn công nước Anh, tức là “kế hoạch Sư tử biển” Anh buộc phải đơn độc tác chiến với Đức. Trong thời điểm tối nguy cấp ấy, Chính phủ Sămbeclanh xưa nay thi hành chính sách thỏa hiệp, bị đả kích mạnh mẽ, đã đổ ngay lập tức. Uynstơn Sơcsin, nguyên đại thần hải quân xưa nay chủ trương áp dụng đường lối cứng rắn đối với Đức, thay Sămbeclanh lên làm Thủ tướng. Ông vô cùng tin tưởng đưa ra lời kêu gọi nhân dân “chiến đấu”:

– Chúng ta sẽ bảo vệ lãnh thổ với bất kỳ giá nào. Chúng ta sẽ tác chiến trên bãi biển, chúng ta sẽ tác chiến trên đồng ruộng, trong đường phố, chúng ta sẽ tác chiến ở vùng rừng núi. Chúng ta quyết không đầu hàng, dù cho hòn đảo này của chúng ta bị chinh phục và rơi vào cảnh đói khát. . . – Đối với tôi, không có gì khác, tôi chỉ đem nhiệt huyết, sức lực, nước mắt và mồ hôi cống hiến cho tất cả mọi người. Hitle biết, tiến vào nước Anh khác với tiến vào nước Pháp. Muốn đổ bộ vào nước Anh, phải vượt qua eo biển Măngsơ sóng bạc cuồn cuộn, và chỗ hẹp nhất cũng dài tới hơn 20 hải lý: Hơn 100 năm trước, Napôlêông xưng hùng Châu Âu trong cuộc vượt biển chinh phục nước Anh, chỉ vì không nắm được quyền kiểm soát biển mà phải, huỷ bỏ ý định tấn công. Một trăm năm sau Hitle muốn đổ bộ lên nước Anh, thì không những đòi hỏi phải nắm được quyền kiểm soát biển mà phải có quyền kiểm soát trên không nữa. Hải quân Đức không phải là đối thủ của hải quân Anh, nhưng về số lượng không quân thì hơn nước Anh. Vì thế, cuộc chiến ở Anh sẽ làm cho chiến tranh tiến hành trên mặt đất và trên không trung của Đức tại Châu Âu biến thành chiến tranh trên biển và trên không trung.

Ngày 13 tháng 8, cuộc tập kích trên không quy mô lớn bắt đầu. Đức huy động 1485 lượt máy bay liên tục thay nhau oanh tạc sân bay, trạm rađa và các căn cứ quân sự khác của nước Anh. Không quân Anh anh dũng đánh trả. Rất nhiều phi công hàng ngày phải xuất kích ba bốn lần thậm chí còn nhiều hơn nữa, liên tục tác chiến trên không. Nhân viên mặt đất, lính cao xạ pháo thường xuyên mệt mỏi nằm lăn lóc trên mặt đất. Trong không chiến ác liệt, tổn thất của hai phía đều rất nặng nề, nhưng Đức vẫn không đè bẹp được không quân Anh, và thế là Hitle ra lệnh leo thang, chuyên sang “ném bom khủng bố” mưu toan dùng thủ đoạn dã man ném bom bừa bãi thành phố để làm suy sụp ý chí chiến đấu của nhân dân Anh, Từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 11, bình quân mỗi đêm có 200 máy bay ném bom Đức oanh tạc dữ dội Luân Đôn, gây ra sự phá hoại cực kỳ lớn về tài sản và mạng người.

Sau 3 tháng không chiến kịch liệt, không quân Đức tổn thất nặng nề, mà vẫn không thể đánh bại được không quân Anh. Kế hoạch mạo hiểm của Hitle mưu đồ dựa vào không quân mở đường tiến vào nước Anh đã thất bại, hắn lại phải đẩy lùi việc thi hành kế hoạch xâm lăng “Sư tử biển”. Đây là chiến dịch không đạt mục đích đầu tiên trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai của Hitle.

Quân dân nước Anh với tinh thần lấy yếu chống mạnh, kiên trì đánh trả quân thù, dám giành thắng lợi, hình thành nên sự đối sách nổi bật với chủ nghĩa thất bại, bó tay chịu chết của giai cấp thống trị nước Pháp. Tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất được dư luận quốc tế ca ngợi.

Chọn tập
Bình luận