Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

 Vua Dương Cầm Lixtơ

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 VUA DƯƠNG CẦM LIXTƠ

Giữa thế kỷ 19, Hunggari là một bộ phận của đế quốc Áo – Hung. Ở Hunggari thời bấy giờ có một nhạc sĩ nổi tiếng là Lixtơ. Vì ông đặc biệt sở trường về dương cầm nên được mọi người gọi là Vua dương cầm.

Litxtơ sống lâu năm ở nước ngoài, thường xuyên đi biểu diễn ở các nước châu Âu, có khi cũng về nước biểu diễn. Đương nhiên, ông chỉ biểu diễn ở một số thành phố lớn, ít khi đi biểu diễn ở những thành phố hẻo lánh.

Một hôm, tại một thành phố nhỏ nọ có tin: một cô học trò của Litxtơ sắp tổ chức biểu diễn dương cầm ở đây. Những người yêu âm nhạc ở đấy ít khi có dịp tận tai nghe Litxtơ biểu diễn, nay cảm thấy được nghe tiếng đàn của cô học trò của ông cũng là một điều đáng hài lòng, cho nên đặt mua sạch vé và hăm hở chờ đến ngày biểu diễn.

Nhưng họ không bao giờ ngờ “cô học trò của Litxtơ” là người giả mạo. Cô vốn là một nữ dương cầm không có tiếng tăm gì, muốn mượn tiếng “ông vua dương cầm Litxtơ” để hấp dẫn những người yêu âm nhạc đến nghe cô biểu diễn. Cho nên trên tấm biển trước cửa khách sạn cô ở, cô đã tự tiện thêm mấy chữ như vậy. Cô cho rằng Litxtơ chắc chắn sẽ chẳng bao giờ đến cái nơi “xó xỉnh” này nên không thể nào biết hành vi giả mạo của cô.

Trước khi nhà nữ dương cầm biểu diễn, vừa đúng lúc Litxtơ xuất hiện ở đây, lại vào đúng cái khách sạn của cô và đã nhìn thấy tấm biển treo trước cửa.

Litxtơ nhếch mép cười, bước vào khách sạn và đáng ký họ tên mình.

Cô nữ nghệ sĩ dương cầm biết việc này, hoảng hốt tìm đến phòng của Litxtơ, vừa vào cửa đã sụp xuống dưới chân ông, vừa khóc vừa nói:

– Thưa ngài Litxtơ, xin ngài thứ lỗi cho. Bởi vì tôi. . . tôi. . .

Litxtơ đỡ cô dậy, hỏi rõ đầu đuôi sự việc rồi vui vẻ hòa nhã nói:

Cô hãy chơi bản nhạc cô sắp biểu diễn cho tôi nghe thử có được không? Nhà nữ dương cầm đàn ngay một bài trước mặt Litxtơ. Ông ngồi bên cạnh góp ý cho cô một lượt. Khi thấy cô đã có thể chính thức biểu diễn được, ông đứng dậy nói với cô, giọng nghiêm chỉnh:

– Bây giờ tôi đã dạy cho cô đàn rồi, cho nên từ nay trở đi cô là học trò của tôi đúng như cô đã xưng danh. Trong buổi biểu diễn của cô lần này, tôi có thể biểu diễn với cô một bài. Nếu chương trình chưa in, xin in thêm cho một dòng.

Nhà nữ dương cầm lại khóc òa lên một lần nữa. Nhưng lần này không phải vì hoảng sợ mà vì nỗi xúc động trong lòng. . .

Trình độ âm nhạc hết sức điêu luyện và tấm lòng độ lượng bao dung của Litxtơ làm cho ông trở thành một trong những danh nhân cận đại của thế giới.

Ngay từ khi Litxtơ còn nhỏ, cha cậu phát hiện thấy cậu rất có năng khiếu âm nhạc. Khi ông đàn, cậu lặng lẽ ngồi bên cạnh chăm chú nghe. Một hôm cậu đánh lại rất hay một bản nhạc rất khó mà thường ngày cậu đã nghe được. Điều này khiến người cha vô cùng kinh ngạc. Thế là ông quyết định mời thầy dạy đàn cho cậu.

Trong phòng học đàn của cậu có treo bức chân dung Béttôven. Mỗi khi giải lao, cậu thường ngẩng đầu chăm chú nhìn lên bức chân dung này.

Một lần người cha hỏi cậu:

– Con ngắm mãi tranh này làm gì?

Cậu trả lời:

– Con muốn học được như ông ấy.

Năm đó Litxtơ mới 6 tuổi.

Như vậy là trước khi biết chữ, Litxtơ đã biết nhạc phổ và đã đàn hay.

Năm Litxtơ 9 tuổi, một nhạc sĩ trẻ tổ chức một buổi hòa nhạc, mời cậu tham gia biểu diễn. Tháng 10 năm 1820, lần đầu tiên cậu công khai biểu diễn và đã thành công mỹ mãn. Ít lâu sau, cha cậu bảo cậu tự tổ chức một buổi hòa nhạc, kết quả thành công càng lớn hơn.

Có sáu ngài quí tộc Hunggari nghe Litxtơ biểu diễn, rất thán phục năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của cậu đã gom góp được một số tiền lớn, tặng cậu để dùng trong sáu năm trau dồi âm nhạc của cậu. Nhưng Litxtơ mới có 10 tuổi, làm sao có thể để cho cậu đi học một mình!

Suy đi nghĩ lại, người cha quyết định từ bỏ chức vụ quản lý lãnh địa quí tộc của mình, đưa con đi các nơi học âm nhạc.

Người cha đưa con đến Viên là nơi chan hòa bầu không khí âm nhạc, gửi con ở nhà một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng học dương cầm hơn một năm, tiếp đó lại cho con theo học sáng tác với một nhạc sĩ sáng tác. Litxtơ tiến bộ rất nhanh. Chưa đầy 12 tuổi, cậu đã biểu diễn ở Viên và thành công rực rỡ. Sau cha cậu đưa cậu sang Pari và cậu đã biểu diễn ở đây. 13 tuổi, bản nhạc cậu chơi trong buổi hòa tấu đã khiến cho các thành viên trong ban nhạc ngây ngất, quên cả kết thúc bản nhạc. Chuyện này làm chấn động cả giới âm nhạc Pari. 20 tuổi, Litxtơ đã rất nổi tiếng trong giới âm nhạc châu Âu.

Bước vào tuổi trung niên, Litxtơ càng được những người yêu âm nhạc khắp nơi hoan nghênh nhiệt liệt. Thu nhập của ông ngày càng nhiều. Litxtơ là một người hết sức khảng khái, các khoản thu nhập hầu như đều dùng để cứu giúp những người gặp nạn, đỡ đần cho những bạn bè nghèo túng và đóng góp vào những việc công ích. Từ nhỏ ông đã rất yêu Béttôven, giờ đây tuy danh tiếng của ông cũng gần bằng Béttôven nhưng ông vẫn hết sức tôn kính Béttôven – Tiền chi phí xây dựng đài kỷ niệm Béttôven hầu như toàn bộ do ông quyên tặng.

Qua nhiều năm lưu diễn, Litxtơ cảm thấy hết sức mệt mỏi. Cách mạng 1848 ở châu Âu thất bại làm cho ông tiêu cực, bi quan. Từ đó ông ở hẳn hơn 10 năm ở Vâyma miền nam nước Đức. Trong thời gian này, ông không đi lưu diễn mà, dồn sức lực cho sáng tác. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như “Khúc giao hưởng Thần khúc Đăngtơ” (Đăngtơ là nhà thơ nổi tiếng của Italia thế kỷ 13- 14, “Thần khúc” là tác phẩm tiêu biểu của ông), “Khúc giao hưởng Phauxtơ” (Phauxtơ là nhân vật chính trong tác phẩm tiêu biểu “Phauxtơ” của Gớt, nhà thơ nổi tiếng của Đức thế kỷ 18). . . được hoàn thành chính trong thời gian này.

Litxtơ còn sáng tạo thể tài âm nhạc hoàn toàn mới mẻ: “Thơ giao hưởng”. Đây là loại nhạc phẩm dành cho bộ hơi, dây và gõ, có “nội dung thơ”. Ông lấy thơ ca, kịch, hội họa và các sự tích lịch sử làm đề tài, sử dụng rộng rãi thủ pháp biến tấu để xây dựng hình tượng nghệ thuật thể hiện nội dung theo một chủ đề nhất định. Thơ giao hưởng mà Litxtơ đã sáng tác như “Hunggari”, “Khúc dạo đầu” v.v. . . là những tác phẩm lớn của đời ông, cũng là những danh tác âm nhạc theo chủ đề cận đại. Nó mở rộng lĩnh vực biểu hiện của đàn dương cầm và nhạc “quản huyền”. Nó thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc theo chủ đề ở châu Âu.

60 tuổi, Litxtơ quay về Hunggari, sáng lập Học viện Âm nhạc Buđapét và làm Viện trưởng. Tháng 7 năm 1886, ông qua đời.

Ngày nay, người ta không còn được thưởng thức tiếng đàn điêu luyện của ông “Vua dương cầm” này nữa. Song những thể tài âm nhạc mới mẻ do ông sáng tạo ra đã mở rộng lĩnh vực thể hiện của âm nhạc, làm phong phú sự hưởng thụ nghệ thuật của mọi người.

Đây là một bức tranh nổi tiếng thế giới được mọi người ca tụng: “Những người kéo thuyền trên sông Vônga”.

Trên con sông Vônga lớn nhất châu Âu, trời nắng như đổ lửa, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Một đám phu kéo thuyền Nga đang gò lưng kéo dây chão, lê bước nặng nề, nhọc nhằn trên bãi sông nóng bỏng.

Đi đầu là một ông lão kéo thuyền. Trên gương mặt dãi dầu sương gió của ông là đôi mắt hiền lành, vẻ đau khổ hiện ra trong ánh mắt. Đi sát bên ông là một người đàn ông khỏe mạnh, dáng khôi ngô, tràn trề sức lực nhưng dường như cũng không chịu nổi nỗi vất vả của công việc tỏ ra hơi mệt mỏi. Phía sau là một anh chàng rõ ràng mới nhập cuộc, da dẻ, chưa bị sạm nắng, chắc chưa quen với công việc nặng nhọc này nên nét mặt lộ vẻ bất bình, tay nắm chặt dây chão kéo như để giảm bớt nỗi đau đớn cho da thịt. Hai người già đi bên cạnh, một người hết sức yếu ớt, đang lấy tay áo quệt mồ hôi, một người như đã quen với công việc này vừa đi vừa nhét sợi thuốc vào tẩu. Phía sau là một anh lính giải ngũ mặc quân phục, chắc anh ta một thời đã bán mạng cho Nga hoàng, nhưng sau khi giải ngũ tìm không được công việc gì tốt hơn, đành đến đây để kéo thuyền.

Bức tranh phản ánh sâu sắc cuộc sống lao động nặng nhọc và đau khổ của những người Nga thuộc lớp đáy của xã hội, đồng thời cũng biểu hiện sức mạnh to lớn tiềm tàng của họ.

Người sáng tác “Những người kéo thuyền trên sông Vônga” là Rêpin, hoạ sĩ bậc thầy của nước Nga. Ông vẽ bức tranh này khi mới 29 tuổi.

Rêpin xuất thân trong một gia đình quân nhân. Cha ông quanh năm phục dịch trong quân đội Nga hoàng, mẹ ông làm nghề may vá giặt giũ thuê, đời sống hết sức khó khăn, Rêpin có một người anh họ học việc trong một phường vẽ. Anh này thường mang về cho Rêpin một số bột màu dùng để vẽ tranh thuốc nước. Bé Rêpin có năng khiếu bẩm sinh về hội họa, dùng thuốc màu để tô vẽ người và cảnh vật thiên nhiên là điều thích thú nhất của cậu. Cậu thường hí hoáy vẽ quên ăn quên ngủ.

Năm lên 7, Rêpin ốm một trận. Một bà lão ở nhà bên cạnh nói với cậu rằng, trẻ con dưới 7 tuổi chưa có tội, chết có thể lên thiên đường. Bé Rêpin lo lắng hỏi bà:

– Trên thiên đường có thuốc màu và giấy bút để vẽ không?

Hóa ra chết cậu cũng không sợ, chỉ sợ không được vẽ.

Rêpin lớn lên dần, tranh của Rêpin vẽ cũng càng ngày càng đẹp thêm. Tranh thánh thì khỏi phải nói, đến tranh chân dung vẽ cho người ta cũng rất giống. Thế là những người ở gần đấy đều nhờ cậu vẽ, cậu làm việc này để kiếm tiền giúp thêm cho chi dùng của gia đình. Về sau, làng bên cạnh cũng nhờ cậu vẽ tranh tường cho nhà thờ, nhờ đó cậu có được chút tiếng tăm. Địa phương có một trường đo đạc địa hình quân sự, Rêpin vào học hai năm ở đấy; thêm được một số kiến thức hội họa. Từ đó, cậu vẽ càng có kinh nghiệm hơn.

Năm 1865, Rêpin 19 tuổi đến kinh đô Pêtécbua học vẽ. Cậu muốn vào Học viện Mỹ thuật ở đây, nhưng vì xuất thân nghèo khổ, từ tỉnh lẻ đến, lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết nên không được nhận vào học. Rêpin không nản lòng, xin vào học ở một trường hội họa được bảo trợ, đồng thời trông nom người ta sơn các nóc nhà, xe ngựa v.v. . . để có tiền sống. Một năm sau, cậu được toại nguyện, thi đỗ vào Học viện Mỹ thuật.

Rêpin biết, một học sinh xuất thân nghèo như cậu muốn không bị đẩy ra khỏi trường đại học, chỉ có cách duy nhất là phải chịu khó chịu khổ học tập. Năm thứ hai, do thành tích học tập nổi bật, cậu được Học viện tặng cho danh hiệu “nhà nghệ thuật tự do”. Điều này giúp cho cậu có được vị trí vững chắc ở Học viện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trau dồi tay nghề. Những năm 70 của thế kỷ 19, một số họa sĩ hiện thực chủ nghĩa Nga tổ chức ra một đoàn thể nghệ thuật tiến bộ: Hội triển lãm lưu động. Các họa sĩ tham gia Hội này đều sáng tác dưới sự chỉ đạo của quan điểm mỹ học dân chủ cách mạng của Bêlinxki và Sécnưsépxki và thường xuyên đem tác phẩm của mình đến các thành phố để triển lãm lưu động.

Không ít tác phẩm của họ đã phản ánh ở mức độ nhất định đời sống bi thảm của nhân dân lao động Nga, vạch ra sự đen tối của những tàn dư của chế độ nông nô Nga dưới sự thống trị của Sa hoàng. Rêpin tiếp thu quan điểm nghệ thuật của họ, đã tham gia vào tổ chức này trong khi còn đang học.

Mùa hè năm 1869, Rêpin với tư cách là sinh viên của Học viện Nghệ thuật, đến sông Nêva để vẽ thực cảnh. Phong cảnh đẹp đẽ ở đây làm cho anh say mê thì cảnh những người phu kéo thuyền xuất hiện đã khiến anh giật mình. Rêpin ý thức được: đây là hình tượng điển hình của một chế độ xã hội bất hợp lý ở Nga. Anh quyết định vẽ.

Để có được cảm thụ chân thực, Rêpin đến sông Vônga để thể nghiệm cuộc sống. Anh sống chung với những người phu kéo thuyền. Anh theo họ đi dọc con sông, quan sát tỉ mỉ dáng vẻ bề ngoài, tình cảm và động tác của họ, vẽ rất nhiều phác họa, ký họa và tranh thuốc nước. Anh kết bạn với một số phu kéo thuyền. Về sau, những người này đều trở thành những người mẫu chủ yếu trong tranh “Những người kéo thuyền trên sông Vônga” của anh.

Năm 1871, Rêpin tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật. Tác phẩm tốt nghiệp của anh là một bức tranh truyện tôn giáo kể về Giêsu làm cho một thiếu nữ đã chết sống lại.

Rêpin không thích thú gì với việc làm tranh về loại đề tài này, nhưng đây là đề tài được thầy chỉ định, phải hoàn thành theo quy định. Sau khi nhận đề tài, trước tiên anh nghĩ đến các thủ pháp hiện thực chủ nghĩa, làm cho Đức Mẹ, Giêsu và Thiên sứ. . . trong truyện đều có tư tưởng tình cảm con người. Nhưng anh phác thảo nhiều lần đều không thành công. Về sau, anh hình dung lại cảnh sống chung với người chị thời thơ ấu cùng với tình cảm tuyệt vọng của mình sau cái chết đột ngột của người chị để đưa vào tác phẩm; đồng thời nhờ người anh đang học ở Học viện Âm nhạc đàn cho nghe bài “ánh trăng” của Béttôven để gợi cảm xúc. Kết quả, anh đã hoàn thành được bức tranh này. Bức tranh nồng nàn hơi thở cuộc sống, giàu tình người, khác xa với tác phẩm của các bạn học khác, vì vậy anh được nhận huy chương vàng và phần thưởng đi du lịch nước ngoài.

Khi đó, bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Vônga” chưa hoàn thành, Rêpin quyết định hoãn thời gian đi du lịch nước ngoài. Hai năm sau, tác phẩm hoàn thành, khi trưng bày lập tức làm chấn động giới hội họa Nga, Rêpin đã thành danh, bấy giờ anh mới đến Italia và Pháp du lịch.

Năm 1876, ở nước ngoài về, Rêpin trở lại quê nhà, vẽ rất nhiều tranh cho nông dân. Trong hơn 10 năm sau đó, Rêpin sáng tác rất nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng, trong đó nổi tiếng nhất có “Từ chối sám hối trước lúc sắp bị hành hình” và “Không hẹn mà về”.

Bức tranh “Từ chối sám hối trước lúc sắp bị hành hình” thể hiện ý chí kiên cường và khí phách anh hùng xem thường cái chết của người cách mạng. Theo thói quen truyền thống của Nga, phạm nhân bị xử tử hình, trước khi lâm hình phải sám hối tội lỗi của mình trước Thượng đế dưới sự hướng dẫn của cố đạo. Nhưng người tù trong bức tranh này trước lúc sắp bị hành hình lại từ chối tiếp nhận cái nghi thức giả dối này.

Trong buồng giam, một người tù ngồi trên giường, chân kiễng lên, lạnh lùng chăm chăm nhìn viên cố đạo đang đi đến. Cảnh đặc tả này chứng tỏ viên cố đạo muốn anh ta sám hối với Thượng đế, nhưng vẻ mặt và động tác của người tù lại chứng tỏ anh không thừa nhận mình có tội, do đó từ chối sám hối. Rõ ràng, anh ta là một người cách mạng có lý tưởng. Trong buồng giam âm u, một luồng ánh sáng chiếu thẳng trên người phạm nhân. Xử lý ánh sáng như vậy đã lột tả một cách sắc nét tính cách kiên cường của người cách mạng.

Tranh “Không hẹn mà về” miêu tả sinh động cảnh tượng một người cách mạng bị nhà cầm quyền Nga hoàng lưu đày nhiều năm, bất ngờ trở về nhà. Nhân vật chính để ở vị trí nổi bật nhất trong bức tranh. Anh mệt mỏi bước vào nhà. Qua cách ăn mặc của anh và cảnh trí trong nhà thì rõ ràng đây là một trí thức.

Sự trở về đột ngột của anh đã gây ra những phản ứng khác nhau của những người trong nhà: bà mẹ già từ ghế xô – pha đứng lên, tuy chỉ vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng nhưng có thể cảm thấy được tâm trạng lo mừng lẫn lộn của bà khi sự mong ước con trai trở về đã thành hiện thực; người vợ ngồi trước đàn dương cầm như ngớ người ra nhìn chồng, chứng tỏ việc anh về là ngoài dự đoán của chị; hai đứa con đang làm bài, đứa lớn nhận ra người vừa đến là bố đã xa nhà nhiều năm, vui mừng reo lên; đứa bé rõ ràng chưa biết gì khi bố xa nhà, thấy người lạ xông vào nhà thì hoảng hốt, mắt đầy vẻ kinh ngạc. Cả người đầy tớ gái mở cửa cho người khách không mời mà đến cũng đứng tần ngần nhìn, “khách” vào nhà rồi mà bàn tay vẫn còn đặt trên núm cửa. . . Tác giả thông qua việc thể hiện tâm trạng của các nhân vật trong khoảnh khắc này, để nói lên tấm lòng tôn kính của mình đối với người cách mạng.

Rêpin luôn muốn triển lãm lưu động các tác phẩm của mình nên thường bị nhà cầm quyền Nga hoàng kiểm tra. Tất nhiên những tác phẩm phản ánh những người cách mạng chống lại Nga hoàng không được thông qua. Song những tác phẩm như “Từ chối sám hối trước lúc sắp bị hành hình”, “Không hẹn mà về” đều thể hiện một cách kín đáo tư tưởng tiến bộ của ông nên không bị nhà cầm quyền gây khó dễ.

Sau khi trở thành họa sĩ nổi tiếng, Rêpin vẫn sống cuộc sống tằn tiện giản dị. Khi đi du lịch, ông chỉ ăn cơm ở quán cơm nhỏ và tự mình thu xếp lấy những công việc vặt vãnh trong sinh hoạt.

Ông hết sức cần cù trong sáng tạo nghệ thuật. Đến đâu, ông cũng luôn luôn quan sát mọi người, thầm lặng miêu tả chân dung họ. Ông luôn mang theo mình một quyển ký họa. Đi đến đâu ông vẽ đến đó. Mỗi bức tranh, ông đều sửa đi sửa lại cho đến lúc thấy hài lòng mới thôi.

Rêpin đã vẽ bức tranh “Puskin trên bờ sông Nêva”. Bức tranh này, ông sửa không biết bao nhiêu lần, đã để trên giá vẽ hơn 20 năm. Do sửa chữa quá nhiều, bộ phận đầu của Puskin trên vải vẽ dày cộm lên vì nhiều màu sắc. Để sáng tác bức tranh này, ông thường xuyên thu thập tư liệu có liên quan đến chủ đề bức tranh, vẽ rất nhiều phác thảo, cuối cùng mới hoàn thành bố cục lần cuối.

Làm việc quá miệt mài, lúc về già tay phải của Rêpin bị liệt, không cầm được bút để vẽ nữa. Nhưng là một họa sĩ rất có nghị lực, ông đổi sang vẽ tay trái, lấy dây treo mảnh gỗ pha màu vào cổ. Về sau, thầy thuốc cấm ông vẽ vào ngày chủ nhật. Cứ đến ngày ấy là người nhà lại thu dọn các dụng cụ vẽ của ông. Nhưng điều này cũng không thể làm cho ông ngừng làm việc. Ông nhặt các đầu mẩu thuốc trong chiếc gạt tàn, chấm mực rồi vẽ vào những mảnh giấy nhỏ.

Rêpin 6 tuổi học vẽ, 86 tuổi qua đời. Thời gian học vẽ và vẽ dài đến 80 năm. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Tác phẩm của ông đánh dấu nền nghệ thuật hội họa Nga nửa sau thế kỷ 19 đã phát triển đến một giai đoạn lịch sử mới.

Tại một nơi cây lá xanh tươi sum suê ở Duyrích Thụy Sĩ, có một tấm bia lớn bằng đá cẩm thạch trắng. Mặt trước tấm bia là một bức phù điêu khiến mọi người phải xúc động: một chiến sĩ mặc áo trắng đang bón nước cho một thương binh sắp chết. Mặt sau tấm bia khắc mấy dòng chữ giản dị:

Henri Dunant

1828- 1910

Người sáng lập Hội Chữ thập đỏ

Hội Chữ thập đỏ là một tổ chức cứu hộ, cứu tế mang tính chất quốc tế và tự nguyện. Tổ chức này giờ đây đã phổ biến khắp thế giới. Vì sao người Thụy Sĩ có tên là Đuynăng lại sáng lập ra tổ chức này và đã sáng lập ra nó như thế nào?

Giữa thế kỷ 19, Italia đang còn trong tình trạng chia năm xẻ bẩy. Xứ Lôngbácđi, ở miền Bắc bị Áo thống trị. Để thực hiện thống nhất đất nước, Italia đã liên kết với Pháp tiến hành chiến tranh với Áo. Tháng 4 năm 1859, chiến tranh bùng nổ. Ít lâu sau, liên quân Italia – Pháp đánh vào Lôngbácđi. Quân hai bên đánh nhau một trận quyết chiến ở Xônphơrinô. Trận đánh diễn ra chỉ trong 15 tiếng đồng hồ, nhưng số thương vong của hai bên lên tới hơn 4 vạn!

Trên chiến trường, xác chết đầy đồng, máu chảy thành sông. Nhà thờ, trường học, nhà dân ở thị trấn gần Caxtriôna đâu đâu cũng ra liệt thương binh.

Khoảng tháng 6, Đuynăng năm đó 31 tuổi đi ngang qua thị trấn đã kinh hoàng trước cảnh bi thảm bày ra trước mắt.

“Nước! Nước! Nước! Mau cho tôi uổng nước!” Nhiều thương binh sắp chết níu lấy ống quần ông kêu lên thảm thiết.

Một thương binh khác van xin: “Ông ơi, xin ông cho tôi một mảnh vải. . .”

“Ông ơi, xin ông giúp cho, ông tìm hộ quân y tới, chân tôi bị đứt rồi . . .”

Đuynăng sinh ra trong một gia đình giàu có ở Giơnevơ. Từ bé, ông đã biết thương những người nghèo khổ gặp tai nạn. 18 tuổi cứ có thời gian rảnh rỗi là ông lại đi thăm những người cô đơn nghèo khó; 20 tuổi, hễ chiều chủ nhật là ông đi đến nhà giam thăm tù nhân, đọc cho họ nghe sách về lịch sử, du ký và khoa học. Giờ đây, tận mắt nhìn thấy những thương binh không được cứu chữa, ông bỗng nhiên cảm thấy thương xót họ.

Đuynăng vừa bón nước cho thương binh, vừa hỏi:

– Quân y của các anh, họ ở đâu?

Người thương binh lắc đầu, không trả lời được.

Đuynăng tìm được một sĩ quan bị thương, hỏi anh ta quân y ở đâu.

– Quân y ấy à!- Viên sĩ quan buồn rầu trả lời – Một đội quân lớn như thế này, tổng cộng chỉ có sáu quân y! Họ có không ăn không ngủ cũng không đối phó nổi với tình hình có hàng nghìn hàng vạn thương binh này!

“Chỉ có 6 người quân y!” Đuynăng nghe nói vậy hết sức kinh ngạc. Chẳng nói chẳng rằng ông vội chạy đến nhà thờ, thương lượng với cha xứ tổ chức một đội cấp cứu, động viên mọi người cùng lao vào cấp cứu thương binh.

Đội cấp cứu nhanh chóng được tổ chức. Trong đó có các cha cố, phụ nữ và cả những người qua đường. Họ băng bó vết thương cho thương binh, bón nước, bón cơm cho họ, làm mọi công việc chăm sóc có thể làm được. Đuynăng cũng quên hết mọi việc riêng tư, ở lại lo công việc cấp cứu.

Sau khi trở về Giơnevơ, thảm trạng chiến tranh ở Xônphơrinô luôn ám ảnh trong tâm trí ông, ý nghĩ cứu giúp thương binh luôn luôn hiện lên. Thế là ông viết một tập sách nhỏ nhan đề “Hội ức về chiến dịch Xônphơrinô”, xuất bản ở Giơnevơ năm 1862.

Khác với những tập hồi ký thông thường, trong cuốn sách Đuynăng tập trung viết về tình cảnh khốn khổ của những thương binh trên chiến trường và kêu gọi dư luận thế giới cần có một bộ luật mang tính quốc tế, qui định phải đối xử nhân đạo với tù binh, phải bảo đảm an toàn cho các thương binh. Ông còn kêu gọi các nước thành lập một Hiệp hội những người cứu hộ tự nguyện, tập hợp những người thầy thuốc tình nguyện được huấn luyện hẳn hoi, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo tín ngưỡng và xu hướng chính trị để ra mặt trận cứu chữa cho thương bệnh binh khi xảy ra chiến tranh. Ông kiến nghị mở một hội nghị quốc tế thảo luận những nguyên tắc cơ bản của tổ chức này.

Tập sách nhỏ được in ra, Đuynăng tặng một cuốn cho tướng Đuypho, Tổng tư lệnh Quốc phòng Thụy Sĩ. Đọc  xong, viên tướng này vô cùng cảm động, hết sức tán thành chủ trương của ông: Ít lâu sau, tướng Đuypho trao đổi ý kiến với Đuynăng và luật sư Mônie, quyết định tổ chức một Hội đồng để thực thi chủ trương của Đuynăng. Tháng 2 năm 1863, Hội đồng này được thành lập. Ngoài họ ra, còn có hai vị bác sĩ tham gia. Đuynăng làm thư ký của Hội đồng. Tập sách nhỏ của Đuynăng ra đời được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng, truyền khắp châu Âu, đều được các bên tán thành. Nhưng muốn lập một Hội như vậy cần phải được Chính phủ các nước đồng ý, cùng kí vào công ước. Hội đồng 5 người đã viết thư cho nguyên thủ các nước. Đuynăng còn đi vận động tuyên truyền ở mười mấy nước. Nhờ sự cố gắng của ông, một số nhân sĩ có tên tuổi, nhiều nguyên thủ quốc gia, đều bày tỏ sự ủng hộ:

Hạ tuần tháng 10 năm ấy, hội nghị trù bị thành lập Hội được tổ chức ở Giơnevơ. Tham gia hội nghị có 36 đại biểu của 16 nước. Hội nghị đã xác định các nguyên tắc xây dựng Hội, về việc đặt tên và chọn biểu trưng của Hội. Để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đuynăng và biểu dương sự cống hiến của Thụy Sĩ đối với hội nghị, các đại biểu nhất trí lấy quốc kỳ Thụy Sĩ làm biểu trưng, nhưng đảo ngược màu sắc: chữ thập đỏ ở giữa nền cờ màu trắng. Định xong biểu trưng Hội nghị xác định tên của tổ chức là “Hội Chữ thập đỏ quốc tế”.

Ngày 22 tháng 8 năm 1864, do Thụy Sĩ khởi xướng, Hội nghị quốc tế được triệu tập ở Giơnevơ chính thức ký công ước về Hội Chữ thập đỏ quốc tế đánh dấu sự ra đời của tổ chức này. Tướng Đuypho làm Chủ tịch, Đuynăng làm tổng thư ký Hội. Trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Đuynăng đã mất rất nhiều công sức và thời gian. Do không thạo quản lý kinh doanh, Ngân hàng mà ông được thừa kế đã bị phá sản vào năm 1867, khi đó ông đang ở Pari, Nghe được tin này, ông không còn can đảm về nước nữa. Tháng 8 năm ấy, ông từ chức Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ, sống nghèo khổ giữa Pari. Ông ở trong một cái nhà tồi tàn của dân nghèo, thậm chí vì không có tiền trả tiền thuê nhà, đã có lúc phải ngủ qua đêm trên chiếc ghế dài của nhà ga xe lửa.

Tuy Đuynăng thường xuyên không có lấy đồng xu dính túi, nhưng ông vẫn tích cực làm công việc từ thiện. Năm 1870, chiến tranh Phổ. Pháp bùng nổ; năm 1871, Công xã Pari bị vây hãm, ông đã quên mình lao vào công tác cứu hộ. Sau năm 1875, ông sống lang thang như những kẻ cùng khổ, mọi người hầu như đã quên mất ông.

Một ngày kia, vào năm 1895, một nhà báo trẻ được biết người sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ đang còn sống khỏe mạnh, bèn đến thăm ông tại một nhà dưỡng lão của thị trấn nhỏ Haiđan ở Thụy Sĩ. Nhà báo hết sức cảm thông với thân phận ông Đuynăng lúc này đã 67 tuổi, viết một bài nói về cảnh ngộ bất hạnh của ông với mọi người.

Bài báo lập tức được đăng lại trên báo chí các nước châu Âu, Đuynăng lại một lần nữa “nổi tiếng” thế giới. Năm sau, khoảng trước sau ngày sinh của ông, các nước trên thế giới gửi đến ông vố số thư chúc thọ, bày tỏ lòng mến phục và cảm ơn ông. Rất nhiều Hội Chữ thập đỏ và tổ chức từ thiện các nước mời ông làm Chủ tịch danh dự và mời ông đi thăm các nước.

Ông Đuynăng, một con người từng nếm đủ bao tang thương ở đời, không động lòng trước những lời chúc mừng và danh hiệu vẻ vang đó. Ông vẫn sống như xưa.

Năm 1901, Đuynăng nhận được vinh dự vẻ vang nhất: Quốc hội Na Uy tặng ông giải hoà bình Nôben đầu tiên. Đuynăng cũng không vì vậy mà động lòng. Ông đem toàn bộ số tiền được thưởng quyên góp cho các tổ chức từ thiện Thụy Sĩ và Na Uy. Tháng 10 năm 1910, vị sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vĩnh viễn từ biệt cõi đời.

Hội Chữ thập đỏ quốc tế do Đuynăng khởi xướng thành lập đến nay đã có lịch sử 120 năm. Nhiệm vụ của nó, từ công tác cứu hộ thời chiến lúc mới thành lập, đã phát triển và bao gồm cả các công tác cứu hộ tai họa tự nhiên, cứu tế xã hội, hiến máu nhân đạo, cấp cứu, hộ lý trong thời bình. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 130 nước tham gia tổ chức quốc tế này.

(Rabindranath Tagore (1861-1941))

“Khi chúng ta khiêm tốn nhún nhường, đó là lúc chúng ta gần nhất với sự vĩ đại.

“Sai lầm không chịu nổi thất bại, nhưng chân lý lại không sợ thất bại”

“Tôi giống như con đường trong đêm tối, đang lặng lẽ lắng nghe tiếng chân của ký ức”

Đọc những câu thơ mà triết lý và nghệ thuật được nhào quyện vào nhau một cách tài tình này, ai cũng sẽ phải lắng sâu trong suy nghĩ.

Người đã dùng ngôn ngữ gọn rõ, đẹp đẽ như vậy để diễn tả những ý tưởng sâu xa, thâm thúy như vậy là ai? Đó là người đầu tiên được giải thưởng Nôben về văn học của thế giới phương Đông, là nhà thơ và nhà văn Ấn Độ – Tago.

Tago sống được 80 tuổi, cuộc đời sáng tác dài 65 năm. Trong những năm tháng dằng dặc ấy, ông đã viết hơn 50 tập thơ, hơn 30 tác phẩm văn xuôi, 12 bộ tiểu thuyết dài và vừa, hàng trăm truyện ngắn và hơn 30 kịch bản. Ông đa tài đa nghệ, còn sáng tác hơn 2000 bài hát và 2000 tác phẩm mỹ thuật, đã cho ra đời rất nhiều luận văn, trước tác liên quan đến ngôn ngữ, văn học, triết học, chính trị, lịch sử, tôn giáo, hóa học v.v. . .

Tago còn là người đầu tiên của phương Đông được nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Ôcxpho nổi tiếng của Anh. Ông đã sáng lập trường Đại học quốc tế đầu tiên ở phương Đông. Một ca khúc của ông đã được chọn làm quốc ca của nước Cộng hòa Ấn Độ sau ngày độc lập. Những cống hiến vĩ đại của Tago khiến ông đương nhiên trở thành danh nhân văn hóa thế giới phương Đông.

Năm 1861, Tago ra đời ở thành phố Cancútta, Tây Bengan, Ấn Độ. Cha ông là một nhà triết học và một nhà cải cách tôn giáo nổi tiếng, rất ham thích văn học, Cancutta thời bấy giờ là trung tâm của giới trí thức Ấn Độ. Nhiều nhà văn, học giả, kịch tác gia, thường xuyên đến nhà Tago để đàm luận về các vấn đề, tổ chức hòa nhạc, thậm chí diễn kịch. Thời thơ ấu, Tago đã được hun đúc trong một môi trường văn hóa ưu việt như vậy. Cắp sách tới trường, cậu học toán, học lịch sử, âm nhạc và văn học Anh v.v. . . Cậu ham thích, nhất là thơ ca, tiểu thuyết và kịch.

Năm 1876, Tago 14 tuổi, lần đầu tiên được đăng bài thơ “Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo”. Mấy năm sau, truyện ngắn “Người đàn bà ăn mày” của Tago được đăng. Sau đó một năm, bài thơ dài “Chuyện của nhà thơ” ra đời. Năm đó, Tago cùng với anh trai và chị dâu sang Anh học.

Cha ông mong ông tương lai sẽ thành một luật sư có danh vọng, nhưng vì không thích nên ông học văn học Anh và âm nhạc Tây phương tại trường Đại học Luân Đôn. Sau do không quen với kiểu cách sinh hoạt của Anh, năm 1880 ông quay về nước.

Từ thời thơ ấu, Tago đã rất yêu thiên nhiên. Sau khi về nước, ông thường về nông thôn vừa để thoả chí ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, vừa để trông nom ruộng vườn thay cho anh. Ông rất thông cảm với những người nông dân nghèo khổ cần cù ở đây, luôn luôn tìm cách giúp đỡ họ. Ông nghiên cứu lý học, mong cứu chữa cho họ một số bệnh tật. Bất kể ngày đêm, nghe nói có người bệnh là ông sách hòm thuốc đi thăm ngay.

Trong thời gian này, Tago viết rất nhiều thơ ca, tiểu thuyết và kịch bản. Bắt đầu từ năm 1882, những sáng tác này lần lượt được xuất bản, trong đó có các tập thơ “Hoàng hôn” “Bình minh”, “Hoạ và thơ”, “Cương và nhu” v.v…, các tiểu thuyết “Chợ người thiếu phụ”, “Vua hiền triết”, các kịch bản “Sự báo thù của thiên nhiên”, “Quốc vương và hoàng hậu” v.v… Nội dung những tác phẩm này phần lớn đều lên án các hôn quân bạo chúa, ca ngợi các vua hiền, chống lại tập tục phong kiến và ca ngợi tình yêu.

Năm 1901, Tago rời ruộng vườn đến vùng Xantinikêtan mở trường học, ra sức tuyên truyền cho văn hóa dân tộc Ấn Độ. Đây là một trường học không phân biệt tín ngưỡng, đẳng cấp, nam nữ; phương pháp dạy học cũng hoàn toàn khác với các trường khác. Khi học, học sinh ngồi dưới gốc cây. Các môn học đều không có sách giáo khoa, toàn học truyền khẩu, chỉ khi học vật lý, hóa học mới vào phòng thí nghiệm; học sinh tham gia các hoạt động lao động phù hợp với sức của họ, đến những thôn gần đó tổ chức các lớp học tối, chăm sóc người ốm yếu. Trường học này là tiền thân của trường Đại học quốc tế Ấn Độ do Tago sáng lập sau này.

Trong mở trường dạy học, Tago vẫn sáng tác văn học nghệ thuật. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong thời gian này là truyện dài “Đắm thuyền” ra đời năm 1906. “Đắm thuyền” viết về một câu chuyện ly kỳ cảm động: Chàng sinh viên Rômét đem lòng yêu nàng Hannalini, cô con gái của ông Annata. Nhưng cặp tình nhân này gặp phải một trở ngại không vượt qua được nên họ không lấy nhau được. Cha của Rômét theo Ấn Độ giáo, còn Annađa là thành viên của một tổ chức tôn giáo khác chủ trương cải cách tư tưởng tôn giáo và phương thức xã hội của Ấn Độ, trái hẳn với quan điểm của Ấn Độ giáo. Vì thế, cha của Rômét dứt khoát không cho con trai thành thân với Hannalini, bắt phải lấy một cô gái mà chàng chưa hề quen biết.

Rômét buộc phải theo lệnh người cha nghiêm khắc, lên thuyền đi đón cô dâu. Lòng chàng vô cùng đau khổ, chẳng thiết đoái hoài gì đến cô dâu. Trên đường về, bỗng nhiên gặp bão lớn, thuyền bị lật, khách khứa trên thuyền đều rơi xuống sông.

Rômét bị sóng xô giạt vào bãi cát. Tỉnh dậy, chàng đã cứu sống được một cô gái cũng gặp nạn rơi xuống nước. Cô gái này tên là Kamala, cô dâu nhà Narinacơsa. Rômét tưởng nàng là cô dâu mình mới đón về, còn Kamala cũng vì chưa được tận mắt thấy Narinacơsa, tưởng Rômét chính là chồng mình.

Ít lâu sau, Rômét phát hiện ra Kamala không phải là vợ mình, liền đưa cô đến một trường học để học, chuẩn bị giúp cô tìm người nhà. Nhưng Kamala không biết sự thật, tưởng chồng lạnh nhạt đối với mình.

Về sau, Rômét tìm được nàng Hannalini mà chàng yêu dấu, quyết định kết hôn với nàng. Không ngờ người anh của nàng nghe nói Rômét đã có vợ đang học tại trường, cho rằng chàng đã lừa dối em gái mình, bèn đuổi chàng đi và bắt Hannaiini lấy một người chồng khác. Kể ra cũng lạ, người chồng mà người anh tìm cho nàng lại chính là thầy thuốc Narinacơsa.

Với sự giúp đỡ của rất nhiều người tốt bụng, hai cặp tình nhân đã xoá bỏ được mọi sự hiểu lầm. Cuối cùng, thầy thuốc Narinacơsa tìm được Kamala, còn Rômét và Hannalini cũng đi đến kết cục tốt đẹp.

“Đắm thuyền” là một trong những tác phẩm tiêu biểu về truyện dài của Tago. Nó vạch trần và phê phán lối hôn nhân phong kiến cha mẹ đặt đầu con ngồi đấy ở Ấn Độ, kích thích lòng căm ghét của mọi người đối với phong tục và chế độ bất hợp lý này: Đây là một tác phẩm ưu tú có ý nghĩa tiến bộ.

Sau đó, Tago đã cho ra đời “Gôra”, tiểu thuyết dài hay nhất của ông. Gôra, nhân vật chính của tác phẩm là lãnh tụ của những tông đồ thanh niên theo Ấn Độ Giáo. Anh có lòng yêu nước nồng nàn, nhưng cũng có thiên kiến tôn giáo rõ rệt.

Anh ra sức làm cho những người thanh niên tin tưởng: Ấn Độ trước khi bị Anh thống trị là một nước thập toàn thập mỹ, do đó mọi người phải xây dựng lòng tin đối với Tổ quốc, triển khai cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhưng cũng theo anh, lòng tin này phải xây dựng trên sự tuân thủ nghiêm ngặt khuôn phép của Ấn Độ giáo. Anh yêu một cô gái theo tôn giáo đối lập với Ấn Độ giáo nhưng vì tuân theo những điều răn dạy của Ấn Độ giáo, anh đã khuyên nàng kết hôn với người khác. Anh về nông thôn, thấy những mối bất hòa giữa các giáo phái đã làm cho mọi người xa cách nhau và đã gây ra không biết bao nhiêu tai họa, từ đó tư tưởng anh thay đổi. Nhất là sau khi biết mình là dòng dõi người Airơlan, anh bèn từ bỏ các thiên kiến tôn giáo, kêu gọi mọi người hãy phát huy sức mạnh trong lịch sử vĩ đại của Ấn Độ, phấn đấu giành độc lập và giải phóng cho Tổ quốc.

Thơ của Tago được mọi người yêu thích, và người ta rất khó quên. Năm 1912, trong thời gian sống ở Anh, ông tuyển dịch một số bài thơ tiếng Bengan trong các tập “Gitanjali”, “Đò ngang” “Hiến dâng” sang tiếng Anh và cho xuất bản với cái tên “Gitanjali”. Tiếng Ấn Độ, “Gitanjali” nghĩa là “Thơ Dâng”. Những bài thơ trong “Gitanjali” danh nghĩa là ca tụng thần thánh nhưng thực tế là thơ triết lý trữ tình thể hiện sự mò mẫm, tìm tòi của ông về lý tưởng nhân sinh.

Trong “Gitanjali” có cả thảy 103 bài thơ. Ở đó, việc ông tìm kiếm lý tưởng của thánh thần thường liên quan mật thiết với việc ông tìm kiếm một xã hội lý tưởng của con người. Như bài thơ thứ 35, bài thơ thể hiện niềm mong ước thiết tha của ông đối với tương lai của Tổ quốc:

“Ở đó, lòng không hề sợ hãi, đầu được ngẩng cao

Ở đó, tri thức được tự do,

Ở đó, thế giới không bị xé nát bởi những bức tường của từng gia đình nhỏ hẹp

Ở đó, lời nói được thốt ra từ nơi thẳm sâu của chân lý

Ở đó, sự cố gắng không mệt mỏi chìa cánh tay về cõi “hoàn mỹ”

Ở đó, dòng suối trong của lý trí không bị chìm trong hoang mạc của những thói quen cũ rích;

Ở đó, tâm linh được Người dẫn dắt hướng về những ý tưởng hành vi ngày càng bao dung.

Để bước vào vương quốc của Tự do kia. Cha của con ơi, xin hãy cho đất nước con bừng tỉnh”

“Gitanjali” thể hiện quan điểm dân chủ tư sản của Tago. Sau khi xuất bản ở Anh, tập thơ đã làm cho phương Tây xôn xao. Chính sự ra đời của tập thơ này khiến cho ông, năm 1913, thành người đầu tiên của phương Đông được giải thưởng Nôben về văn học. Sau đó, vinh dự nối tiếp vinh dự, trường Đại học Cancutta tặng ông học vị tiến sĩ danh dự, nữ hoàng Anh tặng ông tước vị Nam tước.

Tago là một người yêu nước cực kỳ nồng nhiệt, tấm lòng ông trước sau luôn luôn thao thức cùng Tổ quốc. Năm l919, bọn thực dân Anh đã tàn sát những người Ấn Độ tay không tấc sắt ở Pungláp. Biết được tin tức này, ông căm giận lập tức viết thư cho Thống đốc Anh, tuyên bố từ bỏ tước vị Nam tước mà nữ hoàng Anh đã ban thưởng để bày tỏ sự phản kháng. Sau đó, để tâm con đường độc lập, tự do cho Tổ quốc, ông đã 11 lần đi thăm nước ngoài. Trong thời gian thăm nước ngoài, ông đã nhiều lần diễn thuyết, phản đối chính sách xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa thực dân.

Đối với nhân dân Trung Quốc đã từ lâu sống dưới ách nô dịch hà khắc của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, Tago tỏ rõ sự thông cảm sâu sắc. Năm 1881, ông đã viết bài văn chính luận nổi trong “Vụ buôn bán chết người”, nghiêm khắc lên ăn hành động tội ác của Chính phủ Anh bán thuốc phiện, đầu độc nhân dân Trung Quốc. Năm 1915, ông đến Nhật Bản. Trong buổi diễn thuyết tại một trường Đại học nổi tiếng của Nhật, ông nghiêm khắc lên án chính sách xâm lược của đế quốc Nhật đối với Trung Quốc. Năm 1924, sau khi đi thăm Trung Quốc về, ông xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Nói chuyện ở Trung Quốc” bày tỏ tình cảm của mình đối với Trung Quốc.

Năm 1930, Tago đi thăm Liên Xô. Tư tưởng của ông có bước phát triển mới. Trong một bài thơ, ông đã phê phán quan điểm sai lầm, của chính mình “tha thứ cho mọi người, yêu thương tất cả mọi người”. Ông tự hỏi: “Những kẻ làm vẩn đục bầu không khí của anh, những kẻ dập tắt ánh sáng của anh, anh có thể tha thứ cho chúng sao? Anh có thể thương yêu chúng sao?”

Cùng với sự tiến bộ về tư tưởng, tính chiến đấu trong các tác phẩm của Tago ngày càng mạnh mẽ, về nghệ thuật, cũng có bước phát triển và sáng tạo mới. Ông đã viết rất nhiều thơ trữ tình chính trị, thể hiện sự cảm thông đối với các dân tộc và nhân dân bị áp bức, châm biếm, chiến tranh, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi mọi người tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại bọn phát xít. Chính những thành tựu to lớn về mặt này đã khiến ông, năm 1940 trở thành người phương Đông đầu tiên được nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự của trường Đại học Ốcxpho.

Năm 1941, Tago qua đời ở Cancutta. Do những nguyên nhân lịch sử, vào những năm tháng Tago sống, người phương Tây vẫn còn có thiên kiến đối với người phương Đông. Mặc dù vậy, họ cũng đã phải hai lần dành cho Tago vinh dự “Người phương Đông số một”.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thế giới tư bản chủ nghĩa đã bước vào một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Lúc này, các cường quốc tư bản chủ nghĩa cơ bản đã chia nhau xong thế giới. Nhưng các nước tư bản chủ nghĩa phát triển không đồng đều. Chủ nghĩa tư bản càng phát đạt, nguyên liệu càng thiếu thốn, cuộc đấu tranh nhằm cạnh tranh và tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trên thế giới càng trở nên căng thẳng. Thế là cuộc đấu tranh tranh giành thuộc địa càng quyết liệt, việc phân chia lại thuộc địa trở thành vấn đề phải giải quyết. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng một cuộc chiến tranh đế quốc, chủ nghĩa. Cho nên chiến tranh là sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa đế quốc.

Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất trong lịch sử loài người đã nổ ra trong tình hình như vậy. Châm ngòi cho cuộc chiến tranh này là vụ ám sát xảy ra ở Xaraglêvô (nay thuộc Nam Tư), thủ phủ của Bôxnia.

Mười giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm 1914, một đoàn xe đặc biệt, sang trọng chạy vào ga Xaragiêvô.

Ngồi trên xe là đại công tước vinh quang lừng lẫy Phécđinăng và vợ ông là nữ công tước Xô phi.- Đại công tước là thái tử của nước Áo.

Vừa kết thúc xong cuộc diễn tập quân sự, Phécđinăng đến đây để xem xét tình hình. Bấy giờ, Áo và Hung hợp nhất thành đế quốc Áo- Hung, và trước đó sáu năm đã dùng vũ lực thôn tính Bôxnia. Phécđinăng là một phần tử đế quốc chủ nghĩa cực đoan, ông ta còn muốn sáp nhập Xécbia ở gần Bôxnia vào bản đồ đế quốc Áo – Hung. Cuộc diễn tập quân sự do Phécđinăng đích thân chỉ huy lần này, lấy Xécbia làm kẻ thù giả định.

Sự rắp tâm khiêu khích của Phécđinăng kích thích sự phẫn nộ dữ dội của những người dân chủ chủ nghĩa Xécbia. Một tổ chức quân nhân đã sớm vạch ra một kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo, dự định thanh toán Phécđinăng ngày ông ta đi thị sát Xaragiêvô, để giáng một đòn vào tính kiêu căng ngạo mạn của bọn xâm lược Áo – Hung.

Bảy thanh niên yêu nước Xécbia đã mai phục cạnh đường phố Phécđinăng sẽ đi qua. Người lớn tuổi nhất trong bọn họ mới 23, người trẻ nhất 17.

Khoảng quá mười giờ, sáu chiếc xe mui trần từ từ lăn bánh rời ga tàu hỏa, đi về phía tòa thị chính Xaragiêvô.

Ngồi trong xe thứ nhất là thị trưởng và chuyên viên cảnh sát Xaragiêvơ.Vợ chồng đại công tước Phécđinăng ngồi trong xe thứ hai, bên trái là viên Thống đốc Bôxnia, sĩ quan tùy tùng của đại công tước ngồi cạnh người lái xe. Những người còn lại chia nhau ngồi ở mấy chiếc xe sau.

Hôm đó là một ngày chủ nhật nắng ráo, đường phố chen chúc người. Phécđinăng không muốn phô trương thực lực quân sự của ông ta ở thành phố này để tranh thủ cảm tình của dân ở đây, nên không cho quân đội đi vào thành phố. Trên đường phố chỉ có một số hiến binh và cảnh sát, những biện pháp bảo vệ cũng hết sức sơ sài. Đây là một cơ hội tuyệt vời, cho những người thực thi nhiệm vụ ám sát.

Đoàn xe đang chạy trên chiếc cầu đi vào trung tâm thành phố, tiến đến gần chỗ mai phục của người thứ nhất. Nhưng anh ta không kịp hành động vì vừa lúc ấy có một người đi tới trước mặt anh.

Người thứ hai đứng trên cầu cách đó không xa, thấy đoàn xe chạy đến liền ném một quả lựu đạn vào đại công tước đội mũ lông chim. Người lái xe phát hiện ra hành động của anh, lập tức cho xe tăng tốc. Quả lựu đạn rơi trên mui xe rồi lăn xuống đất, nổ trước chiếc xe thứ ba. “Oàng” một tiếng, bánh trước chiếc xe nổ tung, mảnh lựu đạn văng ra làm cho người trợ lý của viên Thống đốc, cô hầu của Xôphi và mấy người đứng xem bị thương.

Ném xong quả lựu đạn, người thanh niên uống ngay một gói thuốc độc và lao người nhảy xuống sông. Mấy phút sau, anh được vớt lên, nghiến răng chịu đựng những đòn tra tấn dã man không hề hé răng nói một lời.

Phécđinăng không muốn để cho hành động ám sát này được xem như là một kháng nghị đối với việc đi thăm của ông ta, nên vờ nói để trấn an:

– Anh chàng này mắc bệnh tâm thần! Nhanh lên nào, chúng ta tiếp tục như kế hoạch đã định!

Xe phóng nhanh đến tòa thị chính. Viên thị trưởng định lên đọc diễn văn chào mừng thì bị đại công tước Phécđinăng đang trong cơn giận dữ túm chặt lấy cánh tay, gào lên the thé:

– Ngài thị trưởng, tôi đến chỗ các ngày đây là để thăm, lại bị người ở đây dùng bom đón tiếp!

Viên thị trưởng run như cầy sấy, không biết làm thế nào. May mà Phécđinăng bình tĩnh lại rất nhanh, buông cánh tay ông ra và nói:

– Thôi được rồi, bây giờ ngài có thể nói.

Chờ cho viên thị trưởng lắp ba lắp bắp đọc xong diễn văn chào mừng, Phécđinăng đanh mặt lại, hỏi viên thống đốc:

– Ngài thống đốc, theo ngài chúng ta có thể tiếp tục thăm viện Bảo tàng quốc gia như kế hoạch đã định không?

Viên thống đốc vội vàng trả lời:

– Thưa điện hạ, hoàn toàn có thể ạ! Tôi xin bảo đảm sẽ không để xẩy ra chuyện tồi tệ đó nữa. Điện hạ yên tâm.

– Vậy thì trước khi đi Viện Bảo tàng, cho tôi tới bệnh viện thăm những người bị nạn vừa rồi.

Cả đoàn lại lên xe. Để bảo đảm an toàn, lần này các sĩ quan tùy tùng đứng cả trên bậc lên xuống, phía bên trái xe, tay đặt trên đốc kiếm sẵn sàng bảo vệ cho vợ chồng Phécđinăng, vì vừa rồi quả lựu đạn đã ném từ phía trái đến.

Người lái chiếc xe thứ nhất chưa được thông báo kế hoạch thay đổi, cần đến bệnh viện trước. Chiếc xe vợ chồng Phécđinăng ngồi bám sát chiếc xe thứ nhất chạy về phía Viện Bảo tàng. Viên thống đốc phát hiện đi sai đường, ra lệnh cho người lái xe quay xe lại. Thế là xe của Phécđinăng dừng lại đúng trước mặt một thanh niên yêu nước Xécbia khác. Người thanh niên ấy tên là Gơravilô Pơranhxip, 19 tuổi, là một người kiên quyết nhất, dũng cảm nhất trong hành động mưu sát này.

Pơranhxíp thấy xe của Phécđinăng cách anh chưa đầy 2 mét, vội rút súng ra bắn liền hai phát.

Phát đạn thứ nhất bắn trúng cổ Phécđinăng, phát thứ hai xuyên thủng bụng Xôphi. Hai người vẫn ngồi thẳng đuột, mắt dại ra nhìn chằm chằm phía trước. Bọn thị vệ đứng trên bậc lên xuống lúng ta lúng túng, không biết làm thế nào. Viên thống đốc tưởng vợ chồng Phécđinăng bình an vô sự, ra lệnh cho lái xe lập tức quay về dinh thống đốc. Xe chạy lắc lư, máu từ miệng Phécđinăng bắn toé ra. Quá 11 giờ cả hai vợ chồng đều bỏ mạng.

Bắn xong hai viên đạn, Pơranhxíp chĩa súng vào đầu định tự sát nhưng không kịp. Một người đứng bên cạnh đã túm lấy tay anh, liền sau đó anh bị cảnh sát bắt. Trong thời gian giằng co cực kỳ ngắn ngủi, anh tìm cách nuốt gói thuốc độc. Cũng giống như người đồng chí của mình, anh co giật dữ dội, nôn mửa. Xem ra thuốc độc không phải vì pha loãng mà vì đã quá lâu, nên không giúp anh chết ngay được.

Cái chết của vợ chồng đại công tước Phécđinăng tạo cho nước Áo một cái cớ hết sức tốt để thôn tính Xécbia. Các đại thần nhao nhao lên tiếng xúi giục vị hoàng đế già 82 tuổi hạ quyết tâm tấn công Xécbia.

Ngày 5 tháng 7, Tổng tham mưu trưởng lục quân yết kiến vị hoàng đế già, một lần nữa thúc giục ông tuyên chiến với Xécbia.

– Nếu Anh, Pháp, nhất là Nga tấn công chúng ta thì chúng ta sẽ tính thế nào?

– Chúng ta chẳng phải đã được nước Đức bảo đảm rồi sao? Hoàng đế Vinhem II và Thủ tướng Đức đã cam đoan miệng với Bộ trưởng ngoại giao của chúng ta rằng, với tư cách là một nước đồng minh và nước bạn, họ sẽ làm hậu thuẫn cho chúng ta.

Vị hoàng đế già vẫn giọng hoài nghi:

– Ông có chắc chắn về sự bảo đảm của họ không? Nếu chúng ta khai chiến với Nga, liệu họ có đứng về phía chúng ta không? – Suy nghĩ một lát, ông lẩm bẩm nói tiếp – Hay là để ta viết cho vua Vinhem II một bức thư riêng thăm dò thử đã.

Sự lo ngại của vị hoàng đế già không phải là thừa. Vì nước Nga sẽ không cam chịu từ bỏ lợi ích của mình ở bán đảo Ban căng, hơn nữa Nga đã ký kết hiệp ước với Anh và Pháp, sẵn sàng cùng đối phó với các nước Đồng minh Đức, Áo. Nếu người Áo xâm lược Xécbia, các nước này sẽ công khai can thiệp, cho nên nếu không được sự bảo đảm chắc chắn của Đức thì không thể liều lĩnh tuyên chiến được.

Thực ra, vua Đức đã sớm bắt đầu tăng cường quân bị, chuẩn bị chiến tranh. Họ hy vọng thông qua Áo giáng một đòn vào Xécbia để làm suy yếu thế lực của Nga ở Ban căng, tiến tới đánh bại Nga, Anh, Pháp, tranh làm bá chủ châu Âu.

Cho nên sau khi xảy ra vụ ám sát ở Xaragiêvô, họ tìm cách xúi giục Áo phát động tiến công vũ trang. Nhận được thư riêng của vị hoàng đế già, họ lập tức tỏ thái Độ kiên quyết đứng về phía Áo.

Sau khi nhận được sự bảo đảm chắc chắn của Đức hoàng, hoàng đế Áo cuối cùng đã hạ quyết tâm thôn tính Xécbia.

6 giờ chiều ngày 23 tháng 7, đại diện ngoại giao Áo gửi tối hậu thư cho Chính phủ Xécbia. Điều kiện rất khắc nghiệt, đòi Chính phủ Xécbia ngăn cấm mọi sự tuyên truyền và hành động chống Áo, để phái viên của Áo, cùng xét xử thủ phạm của vụ ám sát ở Xaragiêvô. Họ bắt Xécbia phải trả lời trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

10 phút trước khi hết thời hạn, 48 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Xécbia đã phải đích thân đến sứ quán Áo trả lời tối hậu thư. Biết rằng chấp nhận những điều kiện trên có nghĩa là cho phép Áo can thiệp vào công việc nội bộ của Xécbia, Thủ tướng Xécbia vẫn đồng ý chấp nhận toàn bộ các điều kiện đưa ra, trừ trường hợp để phái viên của Áo cùng tham gia xét xử vụ án.

Áo sớm đã có ý định khai chiến với Xécbia, mượn cớ không hài lòng về sự trả lời đã ra lệnh cho nhân viên sứ quán lập tức rút khỏi Bengơrát, thủ đô của Xécbia. Trưa ngày 28, đế quốc Áo – Hung chính thức tuyên chiến với Xécbia. Trong đêm hôm đó, quân Áo- Hung bắt đầu pháo kích thủ đô Bengơrát, phút chốc đã giết chết hơn 5000 cư dân.

Sau khi đế quốc Áo – Hung tuyên chiến với Xécbia, guồng máy chiến tranh của hai tập đoàn đế quốc lớn khẩn trương hoạt động.

Ngày 30 tháng 7, Nga tuyên bố tổng động viên.

Ngày 31 tháng 7, Đức gửi tối hậu thư cho Nga, đòi Nga phải thủ tiêu lệnh tổng động viên trong vòng 12 giờ đồng hồ. Nga không trả lời, cũng không đình chỉ lệnh động viên. Cùng ngày, Đức gửi thông điệp cho Pháp chất vấn nếu giữa Đức và Nga nổ ra chiến tranh liệu Pháp có đứng trung lập.

Pháp tuyên bố sẽ bảo lưu quyền tự do hành động.

Ngày 1 tháng 8, Đức hạ lệnh tổng động viên, và ngay tối hôm đó tuyên chiến với Nga. Cùng ngày, Pháp cũng ra lệnh tổng động viên.

Ngày 2 tháng 8, Đức gửi tối hậu thư cho Bỉ, đòi để cho quân Đức vào Bỉ đánh quân Pháp, bị Bỉ cự tuyệt.

Ngày 3 tháng 8, Đức tuyên chiến với Pháp.

Ngày 4 tháng 8, Đức tiến công Bỉ. Cùng ngày, Anh lấy cớ Đức phá hoại sự trung lập của Bỉ, tuyên chiến với Đức.

Ngày 6 tháng 8, đế quốc Áo – Hung tuyên chiến với Nga.

Như vậy là chỉ trong mấy ngày, các nước đế quốc chủ nghĩa lớn ở châu Âu đều đã bị cuốn vào chiến tranh. Cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ.

Phạm vi chiến tranh mở rộng rất nhanh, từ châu Âu đến châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ngày 23 tháng 8, Nhật tuyên chiến với Đức – Tháng 4 năm 1917, Mỹ cũng tham gia chiến tranh. Đến năm 1918, có 33 nước của 6 châu lục bị cuốn vào cuộc đại chiến quy mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Một bên là tập đoàn đế quốc với Đức, Áo. . . gọi là khối các nước Đồng minh một bên là tập đoàn đế quốc với Anh, Pháp, Nga… gọi là khối các nước hiệp ước.

Vụ mưu sát ở Xaragiêvô chỉ là ngòi lửa của cuộc chiến tranh đế quốc này. Nhân quân Áo – Hung pháo kích Bengơrát, quân Đức căn cứ vào kế hoạch tác chiến đã được vạch ra từ trước, mở cuộc tấn công đại quy mô vào nước Pháp trước tiên.

Chọn tập
Bình luận