TRỊNH HÒA ĐẾN “TÂY DƯƠNG”
Một ngày cuối thu năm 1405, kinh đô nước Chiêm Thành trời trong xanh. Dân chúng ở đây hôm nay thật tưng bừng vui vẻ, họ lũ lượt kéo ra ngoài thành đến bờ biển. Đàn ông đàn bà tóc xõa sau gáy, quấn bằng những dải vải hoa màu sặc sỡ. Họ bận áo cánh mới, lưng thắt những dải thắt lưng các màu như đi dự hội. Các nhạc công đánh trống đại, thổi sáo dừa âm thanh réo rắt vui tai. Trai gái nhảy múa tưng bừng. Quốc vương Chiêm Thành cũng rời khỏi cung, cưỡi trên một thớt voi lớn, đầu đội kim khôi trên có ba quả núi, mình khoác khăn hoa gấm, hai cánh tay đeo vòng vàng; chân đi ủng da đồi mồi, lưng thắt đai vuông bát bảo, nom rất oai vệ, cao sang. Triều thần đều cưỡi tuấn mã đi sát phía sau Quốc vương. 500 binh sĩ tiền hô hậu ủng, một tay cầm đao sáng lòa, một tay cầm mộc da, lưng đeo cung tên, trông rất hùng dũng. Hình như hôm nay Chiêm Thành đang chuẩn bị đón khách quí.
Đúng vậy, triều đình nhà Minh Trung Quốc đã cử một đoàn sứ thần do Thái giám Tam bảo Trịnh Hòa sang thăm hữu nghị Chiêm Thành. Đội thuyền của đoàn hôm nay sẽ tới.
Chiêm Thành là một quốc gia cổ xưa. Theo sử sách ghi chép, Chiêm Thành lập quốc từ thế kỷ thứ 2 vào thời Đông Hán, Trung Quốc. Chiêm Thành nằm ở dải ven biển đông nam của bán đảo Đông Dương. Khi đó dọc ven biển miền đông bán đảo Đông Dương có hai quốc gia: phía Bắc là nước Việt Nam, kinh đô là Thăng Long (Hà Nội ngày nay), phía Nam là nước Chiêm Thành, kinh đô cũng gọi là Chiêm Thành. Tên đầy đủ của nước Chiêm Thành là “Chiêm Bà Bổ La”. “Bổ La” tiếng Phạn có nghĩa là “thành”, nên “Chiêm Bà Bổ La” gọi tắt là “Chiêm Thành”.
– Đến rồi! Đến rồi! Những mấy chục chiếc thuyền! – Dân chúng Chiêm Thành reo lên.
Đoàn thuyền mỗi lúc một gần, khá rầm rộ! Tất cả có 62 thuyền lớn. Chiếc to nhất dài 44 trượng (trên 100m), rộng 18 trượng, chứa cả nghìn người. Chiếc trung bình dài 37 trượng, rộng 15 trượng: Thuyền nào cũng căng 12 lá buồm. Nghe nói toàn đoàn có tất cả hơn 27.000 người, ngoài thủy thủ còn có thông sự (phiên dịch), kỹ thuật viên, thầy thuốc, cấp dưỡng và lính bảo vệ v.v. Đoàn thuyền rầm rộ tiến vào bờ, thủy thủ thả neo, bắc cầu. Hai vị quan triều đình nhà Minh cùng các tùy tùng lên bờ. Họ rảo bước tới trước nhà vua Chiêm Thành, tự xưng họ tên:
– Thần là Trịnh Hòa, sứ thần nhà Đại Minh, xin bái kiến Quốc vương!
– Thần là Vương Cảnh Hoằng, Phó sứ nhà Đại Minh, xin bái kiến Quốc vương!
Vua Chiêm Thành thân xuống voi nghênh tiếp, vui vẻ bảo họ miễn lễ, và nhờ họ chuyển lời thăm hỏi Hoàng đế nhà Minh. Trịnh Hòa và Vương Cảnh Hoằng thay mặt Hoàng đế nhà Minh tang lễ vật cho Quốc vương Chiêm Thành.
Vua Chiêm Thành sai tùy tùng mang rất nhiều ngà voi, sừng tê giác và trầm hương ra ban cho bọn Trịnh Hòa. Dân chúng ca hát nhảy múa, nhiệt liệt chúc mừng tình hữu nghị giữa hai nước.
Quốc vương Chiêm Thành mời khách vào thành. Đoàn Trịnh Hòa thấy tường thành to cao chắc chắn chia thành làm hai lớp trong ngoài. Vào nội thành thấy kiến trúc của hoàng cung cực kỳ trung lệ. Đại điện, tẩm cung đều xây bằng bạch ngói và trang trí bằng các loại khắc gỗ, có chỗ khắc hình chim bay, có chỗ khắc hình mãnh thú, vừa trang nghiêm vừa mĩ quan. Quốc vương mời khách uống rượu ở đại điện. Tập quán uống rượu của Chiêm Thành rất đặc biệt. Từ 5 đến 10 người ngồi thành một vòng tròn, giữa đặt một vò rượu lớn, dùng cần trúc nhỏ dài ba bốn tấc cắm vào vò, mọi người lần lượt hút rượu qua cần trúc. Vị rượu đậm đà, hơi có vị chua rất lạ. Chủ khách nói với nhau về tình cảm bạn bè, chuyện trò cho tới lúc trăng tàn hững đông mới tàn cuộc vui. Tập quán của người Chiêm Thành là trưa mới ngủ dậy, sau nửa đêm mới đi ngủ, mỗi khi trăng tròn và uống rượu ca hát nhảy múa. Đó có lẽ là do sinh sống ở vùng nhiệt đới mà thế chăng.
Đoàn của Trịnh Hòa lưu lại ở Chiêm Thành hơn 10 ngày mới đi. Trước khi đoàn đi, Quốc vương Chiêm Thành viết một bức thư cho Hoàng đế nhà Minh nhờ Trịnh Hòa mang về. Trịnh Hòa thấy giấy của Chiêm Thành khác hẳn với giấy Trung quốc, Giấy của Chiêm Thành làm bằng da dê, da dê nện cho mỏng, hun đen, vót nhọn cành trúc làm bút, viết bằng nước vôi trắng. Trịnh Hòa cảm ơn Quốc vương Chiêm Thành, mang thư cáo từ ra về.
Đoàn thuyền lênh đênh trên đại dương 20 ngày đêm thì tới nước Giava (Inđônêsia ngày nay). Giava là một nước lớn, đất rộng người đông, lực lượng phòng vệ rất mạnh, trong thành hàng quán san sát, buôn bán sầm uất. Quốc vương Giava rất hoan nghênh đoàn của Trịnh Hòa, cảnh đón tiếp nhiệt tình cũng khiến người ta phải cảm động. Điều làm cho Trịnh Hòa ngạc nhiên là có rất nhiều người Trung Quốc sinh sống ở đây, họ phần lớn từ Quảng Đông, Dương Châu, Phúc Kiến đi cư sang. Những người này tới Giava, sống hòa thuận với dân địa phương, nhiều người trở thành dân Giava, theo đạo Islam rất thịnh hành ở địa phương Bản thân Trịnh Hòa cũng là một tín đồ Islam sùng đạo nên càng cảm thấy thân thiết với Giava.
Đoàn của Trịnh Hòa tiến hành các cuộc mua bán với dân địa phương. Dân ở đây thích đồ sứ và tơ tằm Trung Quốc, còn bọn Trịnh Hòa thích ngọc trai đá quí và xạ hương của Giava. Hai bên mua bán công bằng, đôi bên cùng có lợi.
Rời Giava, đoàn thuyền lại tới Malácca, Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Tích Lan (Srilanca ngày nay) và Ấn Độ. Khi trở về, số vàng bạc, tiền, đồ sứ, đồ sắt thép, tơ lụa của Trung Quốc chất đầy trên thuyền đã được đổi thành hồ tiêu, dược liệu v.v. Mãi tới mùa xuân năm thứ 3, đoàn thuyền của Trịnh Hòa mới về đến Trung Quốc.
Sau này Trịnh Hòa còn 6 chuyến đi biển nữa. Chuyến đi xa nhất là Iran, Xômali và Kênia. Lần xuất dương thứ 7, Trịnh Hòa đến viếng Mecca – Thánh địa của đạo Islam: Ông đã mang tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc và sản vật phong phú của Trung Quốc đến với đông đảo nhân dân các nước Á, Phi; đồng thời mang tình hữu nghị và các loại sản vật của nhân dân Á, Phi về Trung Quốc, tăng cường mối liên hệ và giao lưu giữa các nước. Nhân dân nhiều nước Á, Phi tưởng nhớ tới Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa, nhiều nơi ở Đông Nam Á còn giữ được nhiều di tích có liên quan đến ông. Ở Giava (Inđônêsia) có đền Tam Bảo, ở Xiêm La (Thái Lan) có đền Tam Bảo và tháp Tam Bảo. Ở bảo tàng của thủ đô Côlôngbô Xâylan (Sriianca) còn trân trọng lưu giữ tấm bia đá Trịnh Hòa dựng ở đó.
Thời bấy giờ người Trung Quốc lấy Nam Hải làm ranh giới để chia thành biển Đông, biển Tây. Phía Đông Nam Hải là. “Biển Đông”, phía tây Nam Hải là “Biển Tây” (Tây Dương) Những nơi Trịnh Hòa tới phần lớn là phía tây Nam Hải nên người ta gọi chuyến đi của Trịnh Hòa là “Trịnh Hòa đến Tây dương”. Trịnh Hòa vốn họ Mã, người Hồi, hàng thứ ba trong các anh chị em nên mọi người đều gọi là “Tam bảo”. Ông là Thái giám trong hoàng cung nhà Minh, vì thế sự kiện lịch sử “Trịnh Hòa đến “Tây Dương” còn được gọi là “Thái giám Tam Bảo đến “Tây Dương”.
Con đường hàng hải từ Trung Quốc xuyên eo biển Malacca vượt Ấn Độ Dương, đến thẳng châu Phi là do đoàn thuyền Trịnh Hòa tìm ra sớm nhất. So với con đường biển từ châu Âu qua mũi Hảo Vọng châu Phi tới Ấn Độ do nhà hàng hải Bồ Đào Nha Vatscô đa Gama phát hiện ra còn sớm hơn nửa thế kỷ. Hơn nữa, đoàn thuyền của Gama là một đoàn thuyền rất nhỏ, thuyền cũng không lớn. Cuộc hành trình viễn dương với quí mô lớn của đoàn thuyền Trịnh Hòa là một sáng tạo lớn trong lịch sử hàng hải thế giới, và cũng là cống hiến lớn của nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp hàng hải thế giới.
Một ngày trung tuần tháng 6 năm 1412, trên một đường phố lớn náo nhiệt của Praha, kinh đô vương quốc Tiệp Khắc bỗng nhiên xuất hiện một đoàn người mặc toàn trang phục các chức sắc Thiên chúa giáo, cứ như đi dự một buổi lễ tôn giáo quan trọng vậy.
Đoàn người đi đến đầu phố thì dừng bước, sau đó quay lại với nhau.
– Phát vé chuộc tội đây! Phát vé chuộc tội đây! – Một người mặc trang phục Giáo chủ tay cầm một cuộn giấy rao to. Khi những người hiếu kỳ xúm lại trước đoàn người, ông ta hắng giọng nói:
– Thưa chư vị, các người sống trong thế giới tội ác này không tránh khỏi có tội. Nhưng có vé này thì có thể chuộc được tội. Nếu như không có tội, sẵn sàng có nó trong tay, dù sau này có tội cũng không sợ!
– Vé chuộc tội chẳng phái bỏ tiền ra mua sao? – Có người trong đám đông nghi ngờ hỏi.
– Không, không lấy tiền! Tiền trong tủ của Giáo hoàng chật cứng rồi, quyết định phát không! – Người đó pha trò – Hôm nay Đức Giáo hoàng đích thân phát không vé chuộc tội cho các vị. Xin mời Đức Giáo hoàng ra cho!
Tiếng nói vừa dứt, một người mặc trang phục Giáo hoàng ngượng nghịu bước ra trước đám đông. Mọi người vừa nhìn thấy đã cười phá lên. Số là mũ người này đội là mũ giấy, chiếc áo chùng quét đất, đeo râu dán. Ông ta giọng the thé:
– Hỡi các con của ta! Ta là Giáo hoàng Giôn 23, khi trẻ ta làm cướp biển, tích góp được một khoản tiền lớn. Bây giờ ta là cha của các người (trong tiếng La-tinh, nghĩa gốc của “giáo hoàng” là “người cha”), tiền lại càng nhiều hơn! Hôm nay ta mời khách, phát không vé chuộc tội! Hỡi các con, đừng khách sáo, lại lấy đi!
– Ồ! Té ra là một cô gái! – Mọi người cười ồ.
– Ơ, đúng là cô ta, một gái điếm.
– Ha ha, gái điếm làm Giáo hoàng!
Thì ra đây là một cuộc diễu hành phản đối Giáo hội Rôma bán vé chuộc tội cho tín đồ.
Thời đó, Giáo hội Thiên chúa giáo vô cùng thối nát, ra sức vơ vét tiền bạc. Vì hai nước Anh – Pháp đang trong thời kỳ “Chiến tranh 100 năm”, nên nước Tiệp Khắc giàu có là nơi vơ vét quan trọng của Giáo hội. Giáo hoàng cho in một khối lượng lớn cái gọi là “vé chuộc tội”. Vé chia ra làm nhiều loại với giá tiền cao thấp khác nhau, tín đồ tự xem “tội ác” của mình to nhỏ ra sao mà mua. Thủ đoạn này đương nhiên được nhà cầm quyền thành phố đỡ đầu.
Cuộc hóa trang tuần hành thị uy lập tức bị đàn áp. Nhưng nhà cầm quyền không tìm ra được người tổ chức chính cuộc biểu tình này, chỉ bắt được 3 thanh niên tham gia cuộc hóa trang điều hành.
Thực ra, người tổ chức cuộc biểu tình thị uy này chính là Hiệu trưởng trường Đại học Praha – giáo sư Gian Hux linh mục nhà thờ Beliham và giáo sư Giêrôm – học trò của ông. Họ đều là tín đồ đạo Thiên chúa chính trực, kiên quyết chống lại sự áp bức và bóc lột của Giáo hội đối với Tiệp Khắc.
Sau khi sự kiện này xảy ra, giáo sư Hux đã thẳng thắn mạnh dạn vạch trần những việc làm xấu xa vơ vét tiền bạc của Giáo hội:
“Thậm chí một đồng xu cuối cùng giấu trong người bà lão nghèo cũng bị tên linh mục vô liêm sỉ lần ra. Nếu không dùng vào việc sám hối thì dùng vào việc “chịu mình thánh”, không dùng vào việc “chịu mình thánh” thì dùng vào việc chuộc tội, không dùng vào việc chuộc tội thì dùng vào việc cầu nguyện, không dùng vào việc cầu nguyện thì dùng vào việc mai táng. Lẽ nào không thể nói rằng loại linh mục đó còn gian xảo, còn hung ác hơn cả kẻ cướp?”.
Tiếp đó, Hux công khai tuyên bố. “Giáo hội căn bản không nên có nhiều của cải, càng không được tham lam của cải. Chỉ có tịch thu ruộng đất của Giáo hội mới loại bỏ được những giáo sĩ ngu xuẩn, tham lam, phóng đãng, khôi phục được Giáo hội chân chính. Lấy đi khúc xương chó đang ăn, chó sẽ không còn gì để mà gặm. Phải dùng biện pháp cưỡng chế đối phó với Giáo hoàng – kẻ thù của Chúa Cứu thế!”.
Những câu nói của Hux nhanh chóng truyền đến chỗ Quốc vương Tiệp Khắc. Trước đây Quốc vương luôn luôn ủng hộ chủ trương cải cách Giáo hội của Hux, vì tịch thu ruộng đất Của Giáo hội sẽ mở rộng được lãnh địa của ông ta và của quí tộc. Nhưng giờ đây ông ta lại sợ dân chúng làm phản, do đó đã hạ lệnh xử tử 3 thanh niên tham gia cuộc diễu hành hóa trang. Song đám tang của họ lại trở thành một cuộc biểu tình thị uy. Sau đó, Đại Giáo chủ Praha biết nguồn gốc của tất cả những tai họa đó là do Hux tuyên truyền. Thế là ông ta rêu rao rằng Hux tuyên truyền những điều “dị đoan”, bèn rút phép thông công của Hux, cấm chỉ Hux tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào ở kinh thành. Mùa đông năm đó, Hux và Giêrôm bị buộc phải rời Praha. Hux ở lại miền Nam Tiệp Khắc tiếp tục tuyên truyền chủ trương tôn giáo của ông, còn Giêrôm thì đi giảng đạo ở Ba Lan, Lichuyani. Do Hux và Giêrôm dùng tiếng Tiệp Khắc truyền đạo nên được nông dân và tầng lớp bình dân rất hoan nghênh, ảnh hưởng của họ ngày càng lớn.
Hai năm sau, một hôm Hux nhận được lệnh phải lập tức lên đường đến Kônstan (nay thuộc Thụy Sĩ) miền nam nước Đức tham dự hội nghị tôn giáo toàn châu Âu: Hoàng đế Đức còn sai người báo cho ông biết nhất định bảo đảm an toàn tính mạng cho ông, bảo đảm cho ông tự do trở về Tiệp Khắc. Hux nghĩ, hội nghị này qui mô rất lớn, có thể dùng nó để vạch trần sự thối nát của Giáo hội; song ông cũng dự đoán, đi dự hội nghị lần này có thể gặp nguy hiểm, do đó trước khi lên đường ông đã viết di chúc mong các tín đồ của ông trước sau như một bảo vệ lấy tín ngưỡng của mình.
Tháng 11 năm 1414, Hux tới Kônstan được nhân dân lớp dưới nhiệt liệt hoan nghênh. Những giáo sĩ thù hằn ông yêu cầu hội nghị tôn giáo lập tức bắt kẻ “dị giáo” nguy hiểm này, nhưng người chủ trì hội nghị không dám ra tay ngay. Ngược lại, những màn hài kịch lừa bịp và giả đối đã được dàn dựng: Hoàng đế Đức giao cho ông “Chứng thư bảo hộ” có đóng ấn của nhà vua, Giáo hoàng cũng bỏ lệnh rút phép thông công của ông. Nhưng chưa được một tháng, ông đã bị xích bằng một chiếc xích sắt, bị nhốt trong nhà hầm của một tu viện địa phương.
Hội nghị tôn giáo lập tòa án đặc biệt để xét xử vị giáo sư thần học nổi tiếng châu Âu này. Những người xét xử đòi Hux từ bỏ vô điều kiện quan điểm tôn giáo của mình, và không cho ông cơ hội biện minh cho quan điểm của mình. Hux kiên quyết cự tuyệt và phản bác lại bằng những lời lẽ đanh thép. Tòa án tôn giáo đuối lí, tuyên bố một cách vô sỉ tước bỏ giáo chức của Hux, giao ông cho bọn đao phủ.
Hux không hề run sợ, nghiêm chỉnh trả lời:
– Nếu do lỗi lầm mềm yếu của tôi mà làm lung lay niềm tin của nhân dân, thì tôi còn mặt mũi nào đi gặp Chúa Trời, đi gặp hàng ngàn hàng vạn dân chúng?
Ngày mồng 6 tháng 7 năm 1415, Hux bị giải ra ngoại thành thiêu sống.
Hux bị bắt được ít lâu, Giêrôm học trò ông cũng bị bắt giải về Kônstan tống giam vào ngục.
Vụ án xét xử Giêrôm tiến hành công khai. Trước vành móng ngựa của tòa án tôn giáo, Giêrôm đòi tòa cho ông một tiếng để: ông trình bày rõ quan điểm của mình. Bị tòa từ chối, ông nói:
– Như vậy là không công bằng chính trực. Các người giam ta vào ngục, bắt ta sống 340 ngày trong cảnh bị xiềng xích, ô uế bẩn thỉu, tại sao chỉ nghe ta nói trong một tiếng cũng không chịu?. . .
Ông chỉ mới nói được mấy câu, phiên tòa đã ầm ỹ những tiếng huýt sáo và dậm chân. Tiếp đó hết giáo sĩ này đến giáo sĩ khác ra tòa làm chứng giả, thậm chí gán cho ông những điều ông không nói. Giêrôm nghe xong bình tĩnh nói:
– Tôi biết trong lịch sử có rất nhiều người tốt đã bị kết án oan không công bằng vì những nhân chứng giả. Thầy trò Xôcrát, Platông ở Hy Lạp không phải tín đồ đạo Kitô mà vẫn phải chịu số phận bất hạnh như vậy. Ngay cả bản thân Giêsu và các tông đồ của ông cũng bị đóng đinh chết trên cây thập tự một cách oan uổng không công bằng!
Tiếp đó, Giêrôm đau đớn nói đến người thầy của mình:
– Giáo sư Hux là con người lương thiện, công bằng chính trực, thánh thiện. Ông kiên trì bảo vệ những quan điểm đúng đắn của mình, nhưng lại bị giết. Nhưng cái chết trên dàn lửa của ông sẽ khiến những con người lương thiện đứng lên chống lại kẻ đã gây ra tội ác đó.
Tiếng nói của Giêrôm luôn luôn bị tiếng la hét, tiếng chửi bới làm đứt quãng, nhưng ông vẫn vững vàng không một chút nao núng. Cuối cùng tòa án ghép ông “tội dị đoan” như Hux và bị kết án hỏa thiêu.
Ngày 30 tháng 5 năm 1416, Giêrôm bị giải ra pháp trường. Ông thản nhiên tự cởi quần áo, đứng tựa vào chiếc cột gỗ cao hơn ông một chút chôn giữa pháp trường.
Bọn đao phủ dùng giây thừng trói ông vào cột, lấy xích quấn chặt người ông, sau đó chất củi xung quanh rồi nhét cỏ khô vào các khe hở. Đống củi cao đến ngang ngực ông.
– Châm lửa – Viên quan chấp pháp ra lệnh.
Một tên lính cầm bó đuốc đến trước mặt Giêrôm. Nhưng thần sắc kiên cường của vị giáo sư dũng cảm làm cho hắn sợ hãi đứng ngây ra không dám châm lửa.
– Châm lửa! – Tên quan chấp pháp lại ra lệnh.
Một thoáng do dự, tên lính định đi vòng ra sau lưng Giêrôm. Hắn vừa đi được hai bước, Giêrôm bảo:
– Hãy đến trước mặt ta mà châm lửa, châm ngay trước mắt ta đây này!
Ngọn lửa đã bốc cháy, giọng trầm trầm Giêrôm cất tiếng hát một bài hát ca ngợi cái đẹp. Ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao, tiếng củi cháy kêu lốp bốp, nhưng tiếng hát của Giêrôm không hề đứt quãng, mãi tới khi toàn bộ nơi ông đứng bị đám lửa nuốt gọn. . .
Hai vị giáo sư bất khuất Hux và Giêrôm tuy thể xác bị đốt cháy nhưng tinh thần của hai ông không thể bị hủy diệt. Sau khi các ông chết được ít lâu, nhân dân Tiệp Khắc đã đốt lên một ngọn lửa to hơn, mãnh liệt hơn – Cuộc khởi nghĩa mang tên Hux.
Đêm đã khuya, gió thổi dữ dội, mưa như trút nước. Một đoàn quân rất đông đang hành quân cấp tốc trên một con đường lớn ở miền trung Tiệp Khắc.
Đi trước hàng quân là trên trăm cỗ xe ngựa to làm bằng gỗ. Mỗi cỗ xe có hai cặp ngựa kéo, mỗi cặp ngựa có một người điều khiển. Sau xe có bẩy tám lính đi theo. Xe có mui làm bằng ván gỗ. Mui không cao, xung quanh có vách chắn, một bên vách có thể tháo ra lắp vào để lính lên xuống xe. Trên xe đặt pháo hạng nhẹ, trữ súng ống và lương thực. Tiếng bánh xe lăn ầm ầm hòa với tiếng gió rít của rừng thông khiến cho lòng người thêm xốn xang.
Mưa mỗi lúc một to, tốc độ hành quân bắt đầu chậm lại.
– Lính truyền lệnh! – Tiếng ra lệnh già yếu từ một chiếc xe lớn vọng ra.
– Có mặt! – Một anh lính người ướt đẫm chạy vội mấy bước tới trước chiếc xe.
– Truyền lệnh ta, toàn đội phải giữ vững tốc độ, bất kể tình hình nào trước khi trời sáng phải đến được Cuđenbéc! Ai trái lệnh trị theo quân pháp, quyết không khoan nhượng!
Người ra lệnh đó là một ông già ngoài 60. Hai mắt ông đã lòa, hốc mắt trũng sâu, mặt râu ria xồm xoàm. Ông là Gian Disca giáng chỉ huy quân đội của đảng Hux. Lần này ông dẫn quân tiến về phía tây đến Cuđenbéc đón đánh quân của Giáo hoàng và Hoàng đế Đức.
Cùng lúc đó, quân của Hoàng đế Đức cũng đang hành quân theo hướng ngược lại, từ tây sang đông tiến về Cuđenbéc. Cuđenbéc là cứ điểm quan trọng ở phía Đông kinh đô Praha. Đức hoàng biết rất rõ, chiếm được nó sẽ rất có lợi cho việc tấn công Praha, tiêu diệt đảng Hux.
Đây là lần thứ hai Hoàng đế Đức Zygmunt thân chinh dẫn Thập tự quân đi chinh phạt đảng Hux. Kể từ tháng 7 năm 1415 khi ông ta và Giáo hoàng đồng mưu giết hại Hux đến nay, khắp nơi ở Tiệp Khắc đều có người đứng lên phê phán sự bội tín bội nghĩa của họ. Tháng 7 năm 1419, được ngọn cờ cải cách của Hux, cuộc khởi nghĩa nông dân với qui mô lớn đã bùng nổ. Thủ đô Praha bị đảng Hux kiểm soát, rất đông giáo sĩ Đức bị đuổi. Quốc vương Tiệp Khắc sợ quá chết, ngôi vua do em trai ông ta là Hoàng đế Đức kiêm nhiệm. Đức hoàng đương nhiên không thể để đảng Hux chiếm cứ kinh đô Tiệp Khắc, do đó mùa hạ năm sau dẫn mấy chục vạn quân tấn công Praha nhưng bị quân của Disca đánh bại. Hoàng đế Đức không cam chịu thất bại, sau một năm chuẩn bị, lại thân chinh xuất quân lần thứ hai.
Qua một đêm hành quân cấp tốc, quân của Disca đến Cuđenbéc trước. Ông rất thuộc địa hình ở đấy, ra lệnh cho quân lính lập tức chiếm lĩnh một cao điểm ở ngoài thành, đồng thời quây xe thành vòng tròn trên cánh đồng sát cao điểm. Chỉ phút chốc, quân lính đã dùng xích xích các xe lại với nhau thành các trận địa hình tròn. Ngựa cho vào giữa, pháo đặt chung quanh, phía xe hướng về quân địch có ván gỗ khá cao, ván gỗ hai bên thành xe tháo ra làm lối ra vào. Sau khi bố trí xong xuôi, Disca cho đào một con hào xung quanh doanh trại.
Mãi đến chiều hôm đó quân của Đức hoàng mới đến Cuđenbéc. Sau khi vào thành cướp bóc vơ vét, chúng xông tới trận địa của Disca.
Kị binh Đức trước tiên vấp phải con hào, một số bị rớt xuống. Khi chúng tập trung lại xung phong, các “chiến – xa” của Disca nhanh chóng tháo xích ra xếp thành hai hàng, ở giữa là bộ binh, còn kỵ binh mai phục ở một chỗ khác. Kỵ binh Đức tưởng phòng tuyến quân địch bị phá vỡ, bèn xông lên.
Đột nhiên một hiệu lệnh phát ra, “các chiến xa” quây lại thành rất nhiều vòng tròn và được xích lại với nhau. Thế là kỵ binh Đức bị vây trong các vòng tròn đó Bộ binh của Disca, một bộ phận tay cầm mộc, tay cầm câu liêm sắt kéo kỵ binh Đức từ lưng ngựa xuống, một bộ phận khác dùng đao kiếm đâm chém. Những tên kỵ binh không bị câu liêm kéo xuống muốn vượt vòng vây thì bị chiến xa chặn lại. Quân của Disca được ván gỗ trên xe bảo vệ dùng súng hỏa mai, giáo mác, rìu chiến giết được khá nhiều quân địch. Không có gì che chắn lại không có cứu viện, kỵ binh Đức hoảng loạn, không bị giết cũng bị ngựa giẫm chết.
Những tên lính Đức không bị vây trong trận địa chiến xa đang rối loạn không biết xử trí ra sao thì đột nhiên lại có một hiệu lệnh phát ra, kỵ binh của Disca mai phục từ xa hò reo xông tới, đồng thời số bộ binh của Disca sau khi đã tiêu diệt xong lũ kỵ binh Đức cũng xông ra hợp sức với kỵ binh chém giết bọn bộ binh Đức còn lại bên ngoài.
Sau khi tiêu diệt được sinh lực của quân Đức, Disca ra lệnh rút lúi. Hoàng đế Đức ngu xuẩn tưởng là họ tháo chạy, ra lệnh cho kỵ binh truy kích, không ngờ lại rơi vào vòng vây đánh hỏa công đã mai phục từ trước nên bị thương vong quá nửa. Sau đó quân của Disca lại quay về Cuđenbéc. Đức hoàng sau khi ra lệnh đốt thành phố, bèn dẫn quân tháo chạy. Cuộc chinh phạt lần thứ hai của Hoàng đế Đức đã thất bại thảm hại như vậy.
Trong vòng 9 năm từ 1424 đến 1433, Hoàng đế Đức lại 3 lần dẫn Thập tự quân xâm lược Tiệp Khắc, nhưng đều bị Disca đánh bại.
Sau đó Đức hoàng thay đổi sách lược, liên minh với phái dao động trong nội bộ đảng Hux. Số là, nội bộ đảng Hux khi đó chia ra hai phái. Phái thứ nhất là phái Tabo (vì trung tâm hoạt động của phái này ở vùng Tabo) đại diện cho nông dân, thợ thủ công và dân chúng các tầng lớp dưới khác. Phái này thuộc phái cấp tiến, chủ trương xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng công xã giáo hội tự do không có đẳng cấp đặc quyền và lập nước cộng hòa. Gian Đisca là lãnh tụ kiệt xuất của phái này. Phái thứ hai là phái “Chén Thánh” (vì phái này chủ trương tín đồ bình thường cũng như giáo sĩ khi hưởng “Bánh thánh” được dùng “Chén Thánh” để lĩnh rượu) đại diện cho chúa phong kiến vừa và nhỏ, tầng lớp trung lưu ở thành thị. Thoạt đầu phái này liên minh với phái Tabo cùng chống Hoàng đế Đức. Nhưng sau khi quân của Gian Disca đánh lui cuộc tấn công thứ 3 của Hoàng đế Đức lợi ích của phái này chỉ được đáp ứng một phần, bèn thôi không liên minh với phái Tabo nữa. Mùa đông năm 1433, khi hội nghị tôn giáo họp ở Đức quyết định đồng ý cho phái “Chén Thánh” được quyền giữ lại những tài sản của Giáo hội mà họ tước đoạt được trong chiến tranh, tín đồ bình thường cũng được dùng “Chén Thánh” khi ăn “Bánh thánh”, thì phái này đã công khai ngả theo Hoàng đế Đức ít lâu sau, được Hoàng đế Đức tài trợ, quân của phái Chén Thánh tấn công quân của phái Tabo.
Cuộc chiến xảy ra vào hạ tuần tháng 5 năm 1434 ở Lipan cách phía Đông Praha không bao xa. Khi đó Disca đã mất, người thay ông chỉ huy quân Tabo là Prôcốp Lớn. Prôcốp Lớn là một vị thống soái thiện chiến dũng cảm, từng đánh bại hai lần chinh phạt thứ tư và thứ năm của Hoàng đế Đức.
Prôcốp Lớn đem quân đóng trên một cao điểm, công sự phòng ngự bằng chiến xa lớn bố trí ở đây, còn quân của phái Chén Thánh thì ở dưới vùng trũng, nên pháo binh của ông chiếm ưu thế. Song quân của ông ít hơn rất nhiều. Phái Chén Thánh có 25.000 bộ binh, mấy ngàn kỵ binh và 660 cỗ xe lớn, còn ông chỉ có 18. 000 bộ binh, 800 kỵ binh và 36 cỗ xe lớn.
Hai bên mặt đối mặt 3 ngày đều không có hành động quân sự gì. 3 giờ sáng ngày 30 tháng 5, phái “Chén Thánh” bắt đầu tấn công.
Phái “Chén Thánh” hiểu rõ uy lực của chiến thuật đánh bằng xe. Kế hoạch của chúng là dụ cho quân phòng thủ của đối phương ra khỏi hàng rào xe, sau đó dùng số lượng áp đảo đối phương. Chúng lập 11 đội hình xe hàng dọc, giả vờ xung phong tấn công vào doanh trại dã chiến của quân Tabo. Sau khi tiếp cận tầm bắn, dùng đại bác bắn vào công sự phòng ngự của đối phương.
Bị một số tổn thất, quân Tabo dùng pháo lớn bắn trả. Khói đạn tan, họ phát hiện quân của phái Chén Thánh đã rút chạy.
Prôcốp Lớn không phán đoán ra đó là chiến thuật của đối phương. Ông tưởng cuộc rút lui giả của quân địch là sự tháo chạy do thất bại, nên hạ lệnh truy kích.
“Tiến lên! Địch chạy rồi!” Tiếng hò reo thắng lợi vang vọng khắp cánh đồng. Quân lính ào ào xông lên, lực lượng phòng thủ trong công sự phòng ngự yếu hẳn đi.
Chính ở bước ngoặt quan trọng đó, quân của phái Chén Thánh xuất hiện bên cánh trái cùng một lúc tấn công vào công sự phòng ngự của quân Tabo hầu như không còn lực lượng phòng giữ.
Lúc đó, nếu Prôcốp Lớn tổ chức lại lực lượng đánh chặn kỵ binh địch, có các biện pháp cố thủ công sự, may ra còn có thể xoay chuyển được tình thế, nhưng ông không làm như vậy.
Cùng với kỵ binh, bộ binh phái Chén Thánh ồ ạt xông lên. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt trong các công sự. Lúc này Prôcốp Lớn đã hy sinh, quân Tabo mất sự chỉ huy thống nhất, địch không nổi quân của phái Chén Thánh đông hơn, việc chống cự mỗi lúc một yếu. Đến tối, trận địa bị quân của phái Chén Thánh chiếm 18.000 quân Tabo bị chết 13.000 người, tù binh cũng bị giết sạch.
Trận Lipan kết thúc đánh dấu sự thất bại của cuộc chiến tranh nông dân ở Tiệp Khắc, mặc dầu thành Tabo vẫn còn giữ được tới năm 1452 . Vì cuộc chiến tranh do đảng Hux lãnh đạo, nên trong lịch sử gọi là “Cuộc chiến tranh Hux”.
Năm 1436, Hoàng đế Đức giảng hòa với phái Chén Thánh, thừa nhận Giáo hội Hux độc lập, hứa không can thiệp vào công việc tôn giáo của Tiệp Khắc, còn phái Chén Thánh thừa nhận Hoàng đế Đức là Quốc vương Tiệp Khắc.
Mùa thu năm 1219, không khí ở thành phố biên cương nước Kharet bỗng trở nên rất căng thẳng.
– Nguy to, quân Mông Cổ đánh đến nơi rồi!
– Chúng không tin Thánh A la, tín đồ Islam chúng ta gay rồi!
Kharet là một quốc gia Trung Á theo đạo Islam có lịch sử lâu đời, văn hóa phát triển, sản vật phong phú. Mông Cổ lại là một nước mới mạnh lên. Thoạt đầu người Mông Cổ là dân du mục, chăn bò nuôi cừu trên các đồng cỏ lớn ở miền Trung Á, thường xuyên thay đổi chỗ ở, mỗi khi di chuyển lại xếp lều bạt lên xe ngựa, dường như làng xóm không bao giờ cố định. Năm 1206, các bộ lạc Mông Cổ tôn Thành Cát Tư Hãn làm “Đại Hãn” (Hoàng đế), từ đó Mông Cổ trở thành một quốc gia thống nhất, dần dần đi xâm lược bên ngoài. Thoạt đầu Mông Cổ đánh bại nước Kim ở lưu vực Hoàng Hà, nhanh chóng chiếm được Trung Đô (phía tây nam thành phố Bắc Kinh ngày nay). Giờ đây, Mông Cổ lại chĩa mũi giáo sang phương Tây, bắt đầu tiến quân vào Trung Á. Chiến dịch này do Thành Cát Tư Hãn thân chinh thống lĩnh 20 vạn đại quân.
Dân chúng Kharet thấp thỏm hoang mang, bàn tán xôn xao:
– Lẽ nào các tín đồ đạo Islam dũng cảm của chúng ta lại bị người Mông Cổ đánh bại?
– Mông Cổ mới lập quốc được hơn 10 năm, trước kia chữ viết cũng chẳng có, chúng ta tiên tiến hơn họ nhiều!
– Chính vì chúng ta tiên tiến, họ bảo vàng bạc châu báu của chúng ta nhiều nên họ đến đánh.
– Dào ôi! Chỉ tại chúa công chúng ta chẳng ra sao, giết sạch của họ 504 quân, bây giờ thì tai họa to rồi.
Dân chúng Kharet hoang mang hãi hùng, quốc vương của họ càng lo lắng hơn. Nhưng điều ông ta lo ngại không phải là sự xâm nhập của quân Mông Cổ mà lại sợ rằng trong khi đánh nhau với Mông Cổ, các con của ông ta và bọn tướng lĩnh sẽ thừa cơ cướp quyền. Do đó ông ta đem 40 vạn quân rải ra các thành phố lớn để canh giữ, đồng thời giám sát chặt chẽ các bộ hạ, chứ không tập trung binh lực để đối phó với quân xâm lược Mông Cổ.
Thành phố biên giới của Kharet bị quân Mông Cổ vây hãm 5 tháng ròng. Quân giữ thành chỉ có 3 vạn, không có quân cứu viện, cũng không có lương thực dự trữ, trong khi quân Mông Cổ ở ngoài thành có tới 20 vạn, lại có đoàn ngựa từ vùng trung nguyên Trung Quốc vận chuyển một khối lượng lớn đồ quân nhu tới. Mặc dù lực lượng hai bên quá chênh lệch, nhưng quân giữ thành vẫn anh dũng chiến đấu, không có ai đầu hàng.
“Oàng, oàng, oàng!” Đại pháo Mông Cổ nổ vang. Một mảng lớn tường thành bị sạt.
“Oàng, oàng, oàng!” Đại pháo Mông Cổ lại gầm lên. Tường thành bị sụp một mảng lớn.
“Xông lên!” Kỵ binh Mông Cổ ào ào xông vào trong thành.
Mông Cổ vốn là một dân tộc du mục, đại pháo tiên tiến ở đâu ra vậy? Số là 4 năm trước, sau khi quân Mông Cổ đánh thắng nước Kim, chiếm được Trung Đô, đã tiếp thu kỹ thuật tiên tiến của người Hán, biết sử dụng súng hỏa mai và đại pháo. Đại pháo hiện Mông Cổ dùng để công thành là loại bắn đá cỡ lớn. Đương thời, loại đại pháo này là vũ khí tiên tiến có uy lực mạnh trên thế giới. Sau khi quân Mông Cổ tràn vào được thành, 3 vạn quân Kharet tử thủ trong các đồn trại được hơn 1 tháng nữa. Cuối cùng vì lương thực cạn, vũ khí hết, toàn bộ đã hy sinh. Nghe nói cuối cùng chỉ còn lại 2 chiến binh, họ vẫn kiên cường cố thủ trên nóc nhà, dùng ngói làm vũ khí ném quân Mông Cổ.
Quân Mông Cổ tiếp tục tiến quân về kinh đô của Kharet. Quân dân địa phương cố thủ được hơn nửa năm. Sau khi thành bị hạ, cuộc chiến giằng co trong các đường ngang ngõ hẻm kéo dài được 7 ngày 7 đêm. Cuối cùng, đàn ông trong thành bị quân Mông Cổ giết hết, đàn bà và trẻ em bị bắt làm nô lệ. Quân Mông Cổ đốt trụi thành phố, phá vỡ con đập đại hà nhấn chìm cả thành phố. Nền văn minh Trung Á từng một thời phồn vinh phát đạt phút chốc bị hủy diệt hoàn toàn. Quốc vương của Kharet chạy ra một hoang đảo ngoài biển khơi rồi chết thê thảm ở đó.
Sau khi diệt được Kharet, quân Mông Cổ tiếp tục tiến về phía tây tới tận lưu vực sông Đông, đánh bại quân Nga.
Năm 1227 Thành Cát Tư Hãn chết, Mông Cổ chia làm 4 hãn quốc (“hãn” tiếng Mông Cổ có nghĩa là “vương”, hãn quốc là vương quốc). 4 hãn quốc do 4 con trai của Thành Cát Tư Hãn cai trị.
Con trưởng là Truật Xích được phong vùng Uy hải, Lý Hải ở phía nam Nga, tây nam Sibêri, gọi là Hãn Quốc Khâm Sát. Sau này, con trai ông ta là Bạt Đô đánh mãi tới Matxcơva, mở rộng thêm lãnh thổ của hãn quốc.
Con trai thứ là Sát Hợp Đài, được phong ở khu vực nước Tây Liêu trước kia (Tân Cương ngày nay và một bộ phận của miền Trung Á Liên Xô cũ) gọi là Hãn quốc Sát Hợp Đài.
Con trai thứ ba là Oa Khoát Đài được phong vùng phía Tây Mông Cổ nằm giữa sông Iêctix và hồ Baikan, gọi là Hãn Quốc Oa Hoạt Đài (Ít lâu sau Hãn quốc này bị Hãn quốc Sát Hợp Đài thôn tính).
Mông Cổ thực hiện chế độ “con trai út nối ngôi”, nên con trai thứ tư là Đà Lôi được phong đất Mông Cổ (bao gồm cả lưu vực Hoàng Hà mới chinh phục được), xưng là Đại Hãn. Ba hãn quốc nói trên đều phải chịu sự điều hành của Đại Hãn. Con trai của Đà Lôi là Hốt Tất Liệt sau này diệt Nam Tống, lập ra triều Nguyên, định đô tại Đại Đô. Một con trai khác của Đà Lôi là Húc Liệt Ngột đem quân đi chinh phục Ba Tư và Bátđa, lập ra Hãn Quốc I Nhi ở Tây Á.
Vào thế kỷ 13, lãnh thổ của Mông Cổ (gồm cả 4 Hãn Quốc) hầu như bao gồm cả Châu Á và nửa phía Đông Châu Âu. Kỵ binh Mông Cổ trở thành đội quân danh tiếng lẫy lừng uy hiếp cả thế giới.
– Thiết triều!
Sau tiếng hô uy nghiêm đó, hai kỵ binh Mông Cổ cầm bó đuốc châm vào hai đống cành củi khô chất trước lều bạt. Phút chốc, hai đống lửa cháy rừng rực, tiếng củi nổ lép bép.
– Nhập điện!
Sau tiếng hô uy nghiêm thứ hai, mấy vương cung Nga cúi đầu khom lưng rón rén đi giữa hai đống lửa vào trong lều. Lều sơn màu vàng, ban ngày dưới ánh nắng mặt trời sáng óng ánh.
Hôm nay Khả Hãn Mông Cổ Bạt Đô triệu kiến mấy vương công Nga. Bước qua giữa đống lửa phía nam, đó là nghi thức mà các vương công Nga đã thần phục Hãn quốc phải thực hiện mỗi khi vào triều kiến. Vì nghe nói lửa có thể trừ được những ý nghĩ độc ác của người vào bái yết Khả Hãn. Ai không tuân thủ kẻ đó sẽ bị giết.
Sau khi vào lều, các vương công lập tức quì mọp xuống triều bái Khả Hãn. Bạt Đô nói với các vương công đang phủ phục trước mặt mình:
– Các người đều biết, phàm những nơi có vó ngựa của Mông Cổ đặt chân tới đều nằm dưới sự cai quản của ta. Chống lại đều vô ích. Trong một tháng ta đã hạ và thiêu hủy 14 thành trì của các người. Hiện giờ Matxcơva, Kiép đều do ta kiểm soát. Vì các người đã thần phục ta, tình nguyện cống nạp cho ta, chịu gánh vác quân dịch, nên ta tiếp tục cho các người cai trị công quốc của mình, và ban sắc cho các người. Nay ta phong cho vương công Iarôxlap, kẻ mạnh nhất, trung thành nhất với ta trong các người làm đại vương công Vlađimia và Toàn Nga. – Bạt Đô chỉ tay vào người được ông ta phong làm đại vương công – Ngươi phải đảm trách việc thu thuế ở cả nước Nga cho ta! Thôi về đi!
Các vương công lĩnh được sắc chỉ của Khả Hãn rồi mới đứng dậy lui ra khỏi “điện”.
Lần triều kiến này diễn ra sau khi Bạt Đô chiếm được Kiép vào năm 1240. Quân Mông Cổ hùng mạnh được quyền chỉ huy của Bạt Đô khi đó đã chiếm được đại bộ phận đất đai của Nga, ít lâu sau lập nên Hãn Quốc Khâm Sát rộng lớn. Vì người Mông Cổ đều ở lều màu vàng, nên người Nga gọi Hãn Quốc Khâm Sát là “Hãn Quốc lều vàng”.
Để cống nạp cho “Hãn Quốc lều vàng”, các vương công ra sức vơ vét tiền bạc của dân chúng. Hãn Mông Cổ cũng cho quan lại đến các thành thị đòi cống nạp.
Dân chúng đã có những câu hát thê thảm để nói về những hành vi tàn bạo của bọn này:
“Ai không có tiền,
Hãy mang con cái đi;
Ai không có con,
Hãy mang vợ đi;
Nếu vợ cũng không
Hãy mang thân mình đi!”.
Hơn 80 năm trôi qua, các công quốc Nga vẫn sống dưới ách thống trị của Mông Cổ. “Hãn lều vàng” dùng danh hiệu, “Đại vương công” làm mồi nhử, luôn luôn gây xích mích giữa các vương công, làm suy yếu thế lực của họ để củng cố nền thống trị của mình.
Năm 1327, Hãn Mông Cổ cho sứ thần đem một đội quân đến công quốc của Alếchxanđrơ được Hãn Mông Cổ phong là Đại vương công. Tới nơi, quân Mông Cổ ra sức vơ vét cướp bóc, làm cho dân chúng rất phẫn nộ. Alếchxanđrơ cũng không thể nhẫn nhịn nổi, đã lãnh đạo dân chúng đứng lên chống lại. Quân Mông Cổ bị đánh bại chạy về báo cáo với “Hãn lều vàng”.
“Hãn lều vàng” nghe xong nổi giận đùng đùng:
– Người đâu! Chuẩn bị ngựa cho ta, toàn quân lên đường, hãy lột da tên Alếchxanđrơ!
Vừa lúc đó, một người hầu vào báo:
– Bẩm Khả Hãn, vương công Matxcơva Ivan xin được vào bái kiến.
Vừa dứt lời thì Ivan đã bước vào “điện”, thở hổn hển quì xuống trước mặt Khả Hãn.
– Vương công Matxcơva Ivan khẩn cấp bái kiến Khả Hãn, chúc Khả Hãn sức khỏe, vạn sự như ý – Ivan khấu đầu nói tiếp – Đại vương công Alếchxanđrơ cả gan làm nhục sứ thần của Khả Hãn, xúi giục dân chúng làm loạn, tội đáng muôn chết. Nhưng việc nhỏ mọn này đâu đáng để Khả Hãn phải thân chinh?! Tiểu vương tuy bất tài cũng xin dốc sức vì Khả Hãn, xuất quân dẹp bọn phản loạn để báo đền ơn đã được Khả Hãn sủng ái? – Nói xong Ivan lại khấu đầu, dâng cho Khả Hãn một tờ giấy – Tiểu vương vội vã đến đây, chưa chuẩn bị được hậu lễ, chỉ có chút lễ mọn kính mong Khả Hãn vui lòng nhận cho, sau này dẹp xong phản loạn sẽ xin hiếu kính.
Số là, Ivan luôn luôn muốn có được phong hiệu đại vương công, nên đã thường xuyên dâng vàng bạc châu báu cho Khả Hãn và thê thiếp cùng cận thần của ông ta để lấy lòng. Khi được tin Alếchxanđrơ chống lại Khả Hãn, Ivan muốn nhân dịp này giành được danh hiệu đại vương công, liền tức tốc đến tỏ lòng trung thành với Khả Hãn. Khả Hãn thấy Ivan tự nguyện báo đáp ơn nghĩa, lại mang cống vật tới, nên cũng nguôi giận. Ông ta nhét tờ danh sách vật cống vào người, khai ân bảo Ivan đứng dậy, rồi nói:
– Khó ai có được lòng trung thành như nhà ngươi đối với Hãn Quốc, ta sẽ ban nhiều lợi lộc cho ngươi. Bây giờ ngươi mang đại quân thay ta đi hỏi tội Alếchxanđrơ. Dẹp loạn xong, ta sẽ phong cho ngươi làm đại vương công.
Ivan dẫn quân Mông Cổ đi, nhanh chóng đánh bại công quốc của Alếchxanđrơ. Alếchxanđrơ bị Khả Hãn ra lệnh giết chết. Năm sau Ivan toại nguyện, được phong là đại vương công. Từ đó, Ivan lợi dụng quyền thế của Khả Hãn, dùng mọi thủ đoạn mở rộng lãnh địa của mình, thế lực ngày càng mạnh, Khi Ivan qua đời, bờ cõi của công quốc Mátxcơva đã mở thêm rất rộng, trở thành công quốc mạnh nhất toàn Nga.
Thời cháu nội của Ivan là Đimitri Đônxcôi làm đại vương công, công quốc Mátxcơva đạt tới thời kỳ cực thịnh. Đimitri hạ lệnh mở rộng Kremli, dỡ bỏ bức tường gỗ sồi thay bằng tường đá, tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ kinh thành. Đimitri còn mở rộng quyền lực của mình ra cả những vùng không có người Nga sinh sống.
Công quốc Matxcơva ngày càng cường thịnh, trong khi đó nội bộ “Hãn Quốc lều vàng” thì lại chia năm xẻ bẩy, xuất hiện nhiều Hãn độc lập tranh giành quyền lực với nhau. Hãn có thế lực nhất là Mã Mạch Hãn. Đại vương công Đimitơri, quyết định lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ của “Hãn Quốc lều vàng”, thoát ra khỏi ách thống trị của Mông Cổ lâu nay đối với Nga.
Ngày mồng 6 tháng 9 năng 1380, giữa quân Nga của Đại vương công Đimitơri và quân Mông Cổ đã diễn ra một trận đánh quan trọng.
Trận đánh diễn ra ở cánh đồng hoang Kuricôvô bên bờ nam sông Đông. Sáng sớm ngày mồng 8, Đimitơri chỉ huy 15 vạn đại quân, một số qua cầu, một số lội qua sông Đông tiến vào Kulicôvô. Trong cánh quân lội qua sông, Đimitơri để lại một đội quân tinh nhuệ mai phục bên bờ sông.
Trời sáng dần, đại quân hai bên đã dàn xong thế trận đối diện với nhau trên một chiến trường trải dài 10 km.
6 giờ, sương mù vừa tan, đại quân hai bên đã xông vào nhau chém giết. Đimitơri mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, dơ cao kiếm xông vào trận địa địch.
– Các vương công, các lãnh chúa, anh em binh sĩ! Tất cả theo ta xông lên!
Các tướng hộ vệ vội kêu lên:
– Đại vương công đừng xông ra trước trận, xin hãy ở phía sau hoặc hai cánh. Ngài làm như vậy quá nguy hiểm!
– Các anh em đều đang xốc tới, ta nấp ở phía sau sao được?
Đại Vương công vừa nói vừa tiếp tục xông lên chém giết. Chỉ một loáng, bên cạnh ông xác địch ngổn ngang, ngựa không còn chỗ len chân. Quân Mông Cổ thấy Đại vương công bèn ào tới quây lấy ông. Đimitơri bị đâm chém khắp người, nhưng vì giáp trụ của ông dày chắc nên không bị thương nặng.
Trận đánh vừa mới bắt đầu, đội quân mai phục bên bờ sông đã sốt ruột muốn lao vào chiến đấu. Họ hỏi sĩ quan chỉ huy:
– Chúng ta phải đợi ở đây bao lâu? Chúng ta giúp được gì cho anh em?
– Chúng ta phải đợi thời cơ có lợi nhất thì tấn công. – Viên chỉ huy xem hướng gió rồi nói – Các anh trông, bây giờ gió thổi về phía chúng ta, chúng ta không thể tấn công!
Đến 8 giờ, viên chỉ huy thấy thế trận của quân Mông Cổ có phần rối loạn, vừa hay hướng gió lúc đó cũng đột nhiên thay đổi, thế là ông qua quyết ra lệnh:
– Xông lên!
Quân mai phục xuất kích làm cho quân Mông Cổ trước mặt sau lưng đều có địch, nên nhanh chóng tan vỡ. Đến 9 giờ, Mã Mạch Hãn không sao điều khiển nổi đội quân đã tan rã, đành phải dẫn tàn quân tháo chạy.
Ít lâu sau, Mã Mạch Hãn bị đối thủ là Hãn Thoát Thoát Mê Thất giết chết.
Năm 1382, Thoát Thoát Mê Thất đột nhiên tấn công Matxcơva. Đimitơri bị bất ngờ không kịp đề phòng, phải rời thành đi điều động quân đội. Các lãnh chúa trong thành cũng muốn theo ông, nhưng dân chúng Mátxcơva cho rằng họ muốn bỏ rơi thành bèn đứng lên khởi nghĩa, cử người trấn giữ cổng thành, không cho ai ra ngoài. Khi quân của Thoát Thoát Mê Thất tấn công, dân chúng từ thành cao đổ nước sôi, ném đá, bắn tên lửa xuống.
Thoát Thoát Mê Thất dùng vũ lực không hạ được thành, bèn dở thủ đoạn xảo quyệt sai người thề rằng sau khi vào thành không hủy hoại các công trình kiến trúc, không cướp bóc dân chúng. Nhưng vừa vào được thành, quân Mông Cổ đã tàn sát đốt phá tan hoang. Trước tình thế đó, Đimitơri lại buộc phải xưng thần, chịu cống nạp “Hãn quốc lều vàng”.
Trận chiến ở Kuricôvô tuy chưa làm cho Nga thoát khỏi được ách áp bức của Mông Cổ, nhưng nó chứng minh rằng chỉ cần người Nga đoàn kết thống nhất, họ có thể đánh bại được quân Mông Cổ. Hy vọng giành lại độc lập đã lóe sáng trước mắt nhân dân Nga. Đến những năm 80 thế kỷ 15, Van III cai trị đại bộ phận nước Nga đã đánh bại được quân Mông Cổ, kết thúc ách thống trị suốt 2 thế kỷ rưỡi của “Hãn quốc lều vàng” đối với Nga. Đầu thế kỷ 16, Nga trở thành một quốc gia thống nhất lớn mạnh ở châu Âu.