THÔNG SANG ẤN ĐỘ
Tin tức Côlông phát hiện ra lục địa mới là châu Mỹ đã làm chấn động cả châu Âu. Nhưng điều mà dân châu Âu ngày ấy mơ ước là hương liệu, tơ lụa và đá quý phương Đông. Họ khát khao tìm ra một con đường hàng hải trực tiếp thông sang Ấn Độ Dương. Nhất là người Bồ Đào Nha, họ không muốn nước láng giềng Tây Ban Nha độc quyền những lợi ích trên biển. Họ tìm trăm phương ngàn kế để mở thông con đường đi thẳng sang Ấn Độ nhằm mở ra một nguồn tài nguyên mới.
Hoàng tử con vua Bồ Đào Nha là Hăngriđích thân chủ trì việc lớn này. Ông cho xây dựng một đài thiên văn, một âu thuyền tại mũi đá trên bờ biển Tây Nam Bồ Đào Nha. Ông còn lập ra một trường hàng hải, ở đó ông đóng thuyền, đào tạo nhân tài, vẽ hải đồ, xây dựng kế hoạch đi khảo sát phương Đông.
Sau đó ít lâu, từng đội thuyền vượt biển của Bồ Đào Nha lần lượt được phái đi, tiến dọc theo bờ biển phía Tây châu Phi. Đến địa phương nào họ đều dựng bia đá, đánh dấu vùng đất thuộc lãnh thổ Bồ Đào Nha, đồng thời đặt tên mới cho những vùng đất đó: nơi có nhiều hồ tiêu, đặt tên là “Bờ biển hồ tiêu”; nơi có nhiều ngà voi, đặt tên là “Bờ biển ngà voi”; nơi có nhiều vàng, đặt tên là “Bờ biển vàng”, còn nơi người da đen bị bắt về làm nô lệ thì đặt tên là “Bờ biển nô lệ”.
Cứ như thế, cuộc hành trình trên biển đi dần về phía Nam. Đến năm 1487, đội thuyền do Điát chỉ huy đã tới được điểm cực nam của châu Phi, vượt qua nơi ấy là đến Ấn Độ Dương. Thế là “giấc mộng vàng” thông sang Ấn Độ của họ sắp được thực hiện! Vì vậy họ đã đặt cho mũi đất cực Nam châu Phi này một cái tên rất hay “Mũi Hảo Vọng”.
Mùa hè năm 1497, vua Bồ Đào Nha quyết định phái 4 chiếc thuyền buồm đi sang Ấn Độ Dương để tìm nơi sản Xuất hương liệu. Nhà vua cử quan thị vệ của Hoàng cung là Vascô Đơ Gama làm tư lệnh đội thuyền này.
Ngày 8 tháng 7, đội thuyền căng buồm xuất phát từ một hải cảng của thành phố Lixbon. Họ đi theo tuyến đường của đội thuyền Điát, tròn 4 tháng sau họ đã đến “Mũi Hảo Vọng”, từ đó họ vòng qua mũi đất mà từ lâu người châu Âu muốn vượt qua, tiến vào Ấn Độ Dương; tháng 3 năm sau (1498), họ đã đến một thành phố giàu có trên bờ biển miền Đông châu Phi – thành phố Malinđi. Xuntan xứ này ký “Liên minh” với người Bồ Đào Nha, đã cử một thủy thủ từng đi qua Ấn Độ Dương dẫn đường cho họ.
Cuối tháng 4, đoàn thuyền của Gama khởi hành vượt biển Arập. Tròn 23 ngày lênh đênh trên đại dương mênh mông, họ thuận lợi cập vào một bến ở bờ biển phía Tây bán đảo Ấn Độ. Ngày 20 tháng 5, họ đến Karicớt – một thành phố buôn bán ở đây.
Vừa lên bờ, Gama đã cho người vào thành phố để đặt quan hệ.
– Ai dẫn các anh đến đây? Các anh đến đây làn gì? – Dân thành phố hỏi họ với vẻ lạ lùng và ngạc nhiên. Bởi vì thời ấy việc buôn bán giữa Ấn Độ và các nước châu Âu đều qua tay người Arập, trước nay chưa có một người châu Âu nào đến Ấn Độ bằng đường biển.
Những người Bồ Đào Nha trả lời:
– Chúng tôi muốn tìm các tín đồ đạo Kitô và hương liệu.
– Sao kỳ vậy! Tại sao vua Tây Ban Nha, Pháp và thủ lĩnh Vơnixơ không cử người đến đây?
– Vì quốc vương Bồ Đào Nha chúng tôi không cho phép! – Người của Gama không hề dấu diếm, đã nói thẳng chủ ý của vua Bồ Đào Nha.
Dân thành phố mang bánh bột mì và mật ong ra đãi khách. Tiếp đó, những người Bồ Đào Nha mời những người dân thành phố lên thuyền của mình.
Gama niềm nở tiếp đãi những người Ấn Độ lên thuyền của ông, mời họ ăn cơm và ngỏ ý muốn đến buôn bán. Những người Ấn Độ reo lên:
– Hoan nghênh! Rất hoan nghênh! Ở đây chúng tôi có rất nhiều đá quý, đỏ có, xanh có. Các ông đã đến một đất nước giàu có!
Gama tỏ ý muốn được gặp lãnh chúa địa phương: Khách Ấn Độ nhận lời thưa lại.
Ngay ngày hôm sau, Gama đã được gặp. Lãnh chúa nằm dài trên một chiếc sập sang trọng, trên sập xếp những chiếc gối rất đẹp, bên trái đặt một chiếc ống nhổ bằng vàng, vừa to vừa nặng. Có lẽ để chống lại cái nóng của thời tiết Ấn Độ, miệng ông ta bỏm bẻm nhai một rễ cây tẩm nước quít cho đỡ khát, thỉnh thoảng lại vứt bã vào chiếc ống nhổ.
Lãnh chúa hỏi:
Các ông chẳng quản đường sá xa xôi vạn dặm đến đây, chẳng hay có mục đích gì vậy?
– Chúng tôi đi tìm những tín đồ đạo Kitô. Nước Bồ Đào Nha chúng tôi đất đai bao la, sản vật phong phú, vàng bạc nhiều, nhiều lắm. Quốc vương chúng tôi đã lệnh cho tôi đi sang phương Đông chủ yếu là tìm tình hữu nghị anh em. – Gama kính cẩn trả lời, rồi trình thư lên lãnh chúa.
Lãnh chúa rất vui:
– Rất hoan nghênh các ông đến đây. Nếu Quốc vương của quý quốc coi chúng tôi là những người anh em thì chúng tôi nhất định sẽ cử sứ thần đến quý quốc.
Gama rời khỏi cung lãnh chúa và ngày hôm đó lễ vật đã được đưa vào cung.
Người Ấn Độ thật hiếu khách. Họ cung cấp cho các thủy thủ Bồ Đào Nha thức ăn, đồ uống và mời về nhà nghỉ. Những người Bồ Đào Nha cũng mời người Ấn Độ lên thuyền chơi. Thời gian trôi qua, các thủy thủ đã quen thuộc với những người dân địa phương, họ lên bờ và mua rất nhiều thứ, nào đá quý màu đỏ, đá quý màu xanh, có những thứ là đặc sản của những xứ sở gần Ấn Độ như tơ lụa Trung Quốc, hương liệu (đinh hương, quế chi, đậu khấu. . .) của quần đảo hương liệu (lúc ấy gọi là quần đảo Malắcca, nay gọi là quần đảo Malucu nằm ở phía Đông Inđônêsia). Bọn Gama vừa cười hớn hở vì hàng hóa quá rẻ.
Gama và các thủy thủ lưu lại Ấn Độ ba tháng. Ngày 29 tháng 8 lại giương buồm trở về nước. Lãnh chúa địa phương viết một bức thư đầy tình thân thiện nhờ Gama chuyển tới quốc vương Bồ Đào Nha.
Trên đường về, Gama gặp biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thực phẩm, nước ngọt, nhất là thiếu rau xanh. Các thủy thủ đều bị sưng lợi, một số đổ bệnh! một số bỏ mạng. Tháng 9 năm 1499, khi Gama về đến Lixbon, số thủy thủ chỉ còn lại một nửa.
Dân thành phố Lixbon mở hội ăn mừng, đón đoàn thuyền của Gama như những chiến sĩ ca khúc khải hoàn trở về. Quốc vương Bồ Đào Nha đã ban cho Gama phần thưởng cao nhất.
Những thủy thủ còn sống trở về châu Âu đã phát tài to. Hương liệu, tơ lụa và đá quý mua từ phương Đông về họ đã bán cao gấp 60 lần so với giá gốc.
Lợi nhuận cao đã kích thích lòng hăng say của các nhà tư sản mới lên. Họ ấp ủ ý đồ dùng vũ lực để bá chiếm nguồn tài nguyên ở phương Đông. Quân đội Bồ Đào Nha lần lượt đi khai phá phương Đông. Họ đã chiếm nhiều cứ điểm ở Ấn Độ và vùng Đông Nam Á. Sau đó, Gama được cử làm Toàn quyền ở những vùng đất Ấn Độ bị Bồ Đào Nha xâm chiếm. Cũng từ đó, tuyến đường hàng hải Ấn Độ Dương trở thành cái vòi để Bồ Đào Nha hút máu và của cải của nhân dân phương Đông.
Năm 1553 (tức năm thứ 32 đời vua Gia Tĩnh triều Minh) , lấy cớ phơi những hàng hóa bị ngấm nước, người Bồ Đào Nha đã cưỡng chiếm Macao nằm ở bờ phía Tây của sông Châu Giang, thuộc huyện Hương Sơn tĩnh quảng Đông, Trung Quốc. Sự kiện đó đến nay đã hơn 400 năm.
Ngày 20 tháng 9 năm 1519, tại hải cảng của thành phố Xêvinlơ Tây Ban Nha, một đội tầu viễn dương 5 chiếc chở 234 người đã giương buồm nhổ neo ra khơi. Tầu nào cũng trang bị súng thần công, người nào cũng mang theo dao nhọn và đoản kiếm, cứ như đi đánh nhau vậy. Nhưng cả 5 tầu đều chở đầy hàng hóa đủ các loại, chẳng khác gì một đội thương thuyền đi khơi xa buôn bán.
Bảo rằng nó là một “hạm đội” cũng đúng, bởi vì nó sẽ phải vượt đại dương đi thám hiểm; nhưng nói nó là một đội thương thuyền cũng không sai, bởi vì nó đang đi mở một con đường buôn bán mới. Xét cho cùng là nó muốn mở rộng thuộc địa. Ngay từ đầu, trước khi xuất phát, quốc Vương Tây Ban Nha đã ra một chỉ dụ hứa rằng nếu phát hiện được lục địa mới thì vị thống soái của “hạm đội” sẽ được phong làm Toàn quyền ở đó và mỗi năm trích 1/20 tổng thu nhập tại vùng đất mới để thưởng cho họ. Nếu phát hiện được trên 6 hòn đảo thì viên thống soái được quyền chọn 2 đảo trong số đó làm lãnh địa riêng hoặc được lấy 1/15 toàn bộ thu nhập của các vùng ấy. Chỉ dụ của nhà vua còn quy định rằng, những quyền lợi đó sẽ cha truyền con nối, con cháu đời sau mãi mãi được hưởng.
Vị thống soái chỉ huy đoàn tầu ấy là một người Bồ Đào Nha tên là Phécnăng đơ Magiêlăng. Vì sao một “hạm đội” Tây Ban Nha lại đặt dưới quyền chỉ huy của một người Bồ Đào Nha? Đó là cả một câu chuyện đầy quanh co uẩn khúc.
Magiêlăng là một nhà thám hiểm giàu kinh nghiệm đi biển. Năm 1480, ông ra đời trong một gia đình kỵ sĩ nghèo tại miền bắc Bồ Đào Nha. Lên 10 tuổi, ông vào phục dịch trong hoàng Cung, hầu hạ cho hoàng hậu. Năm 16 tuổi, ông vào làm ở Ty hàng hải nhà nước. Lúc ấy Côlông đã phát hiện ra đại lục mới châu Mỹ, Vascô Đơ Gama đã phát hiện ra con đường hàng hải mới thông sang Ấn Độ. Chàng thanh niên Magiêlăng rất khâm phục những con người đó. Năm 25 tuổi, Magiêlăng lên thuyền đi Ấn Độ và tham gia cuộc chiến tranh thực dân ở châu Phi. Sau đó, ông đã đến eo biển Malắcca trên đường hàng hải chủ yếu thông thương với Đông Nam Á. Tại đó, ông đã chiến đấu 2 trận để giành giật địa bàn buôn bán với người Arập. Ông đã bị thương 3 lần, nên ông quyết rời Ấn Độ về nước. Năm ấy ông vừa tròn 30 tuổi.
Sự đời thật không may, trên đường về nước tầu của ông va phải đá ngầm, mọi người bị trôi dạt vào một hoang đảo. Không còn lương thực, không còn nước ngọt, cái nóng của Ấn Độ Dương như thiêu đốt, mọi người kêu ca suốt ngày, lòng người vô cùng dao động. Magiêlăng kiên trì và bình tĩnh thuyết phục mọi người, cuối cùng đã chờ được tới khi có thuyền đến cứu. Cấp trên nắm được tình hình đó đã thăng chức cho Magiêlăng làm thuyền trưởng. Được thăng chức, Magiêlăng buộc phải phục vụ trong quân đội, không được về nước nữa.
Ở Đông Nam Á, ông đã phải nhiều lần tham gia vào cuộc chiến tranh thực dân. Chính chặng đường ông trải qua ấy đã có một tác dụng quan trọng đối với quyết tâm của ông đi vòng quanh trái đất sau này. Bởi vì từ thực tế ông, hiểu rõ rằng phía Đông của quần đảo hương liệu vẫn là biển lớn mênh mông vô tận. Rất tự tin, ông đoán rằng phía Đông biển lớn ấy chính là châu Mỹ vừa được phát hiện. Ông tin chắc rằng quả đất tròn và ước mong có một chuyến đi vòng quanh trái đất. Quả là một ý nghĩ táo bạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Năm 33 tuổi, Magiêlăng trở về Bồ Đào Nha. Ông đã nhiều lần xin nhà vua tổ chức một đội tầu đi thám hiểm vòng quanh trái đất. Nhưng quốc vương Bồ Đào Nha một mực khước từ đề nghị của ông. Bởi lẽ Bồ Đào Nha đã khống chế được việc buôn bán với phương Đông, không muốn bỏ tiền ra để tìm một con đường hàng hải mới. Thất vọng, tháng 10 năm 1517, Magiêlăng dứt khoát rời Bồ Đào Nha đến thành phố Xêvinlơ thuộc Tây Ban Nha. Tại đây, một lần nữa ông lại đưa ra lời thỉnh cầu về một chuyến đi vòng quanh trái đất. Viên tư lệnh căn cứ Xêvinlơ rất khâm phục tài năng và khí phách của Magiêlăng, không những ủng hộ đề nghị của ông mà còn gả con gái cho ông.
Tháng 3 năm 1518, vua Tây Ban Nha Cáclốt đã tiếp kiến Maglêlăng. Magiêlăng dâng lên nhà vua mô hình quả địa cầu được vẽ rất tỉ mỉ và nói rõ với vua về tuyến đường hàng hải mà mình đã dự định. Nhà vua lập tức chuẩn y đề nghị của ông, lệnh cho ông nhanh chóng tổ chức một đội tầu để lên đường.
Một việc lớn như thế làm sao có thể che mắt quốc vương Bồ Đào Nha? Nhà vua sợ thế lực của Tây Ban Nha sẽ vượt Bồ Đào Nha. Và thế là nhà vua đã phái một số tên gian tế chui vào đội tầu của Magiêlăng, sẵn sàng chờ thời cơ để phá hoại, gây xích mích trong đám thủy thủ, thậm chí ám sát Magiêlăng. Trong nội bộ tập đoàn thống trị Tây Ban Nha, các phe cánh cũng đấu tranh quyết liệt, tìm cách cài cắm vào đó những thuộc hạ thân tín của mình. Vì vậy, ngày khởi hành của đội tầu, trông bề ngoài rầm rộ sôi nổi, nhưng bên trong thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Đội tầu đi trên Đại Tây Dương mênh mông, theo hướng Tây đi liền 70 ngày, ngày 29 tháng 11 cập bờ biển Braxin. Ngày 10 tháng 1 năm sau, tới một vịnh lớn nước mênh mông nhìn không thấy bờ ngày nay chính là vùng cửa sông La Plata gần thủ đô Urugoay).
– Tìm thấy eo biển rồi! Tìm thấy eo biển rồi!
Cả đoàn thủy thủ reo lên, tưởng rằng mình đã tới điểm cuối cùng của châu Mỹ và có thể đi vào một đại dương mới một cách thuận lợi. Nhưng sau khi điều tra thăm dò thì đó chỉ là một cửa sông.
Đoàn tầu lại tiếp tục đi về phía Nam. Từng cơn gió lạnh giá như những lưỡi dao băng ập tới làm cho tất cả mọi người run lập cập. Cùng với gió rét là những tảng tuyết phủ xuống đóng băng kín mặt tầu.
Cuối tháng 3, đoàn đến cảng Xan Juban (ngày nay thuộc nam Achentina). Magiêlăng quyết định dừng lại đó đợi qua mùa Đông.
Xa xứ sở Tây Bạn Nha ấm áp hơn nửa năm, các thủy thủ đã thấm mệt. Bây giờ lại dừng lại trên một đại lục mới hoang sơ, thời tiết giá lạnh, thiếu lương thực, nên tinh thần mọi người sa sút, tâm trạng nặng nề. Đúng vào giờ phút cam go ấy, thì trong nội bộ sinh biến: 3 thuyền trưởng đã liên kết với nhau chống lại Magiêlăng, dùng các nhân viên có võ trang để khống chế 3 con tàu, kiên quyết chống lại sự chỉ huy của Magiêlăng, lại còn lệnh cho Maglêlăng phải đàm phán.
Magiêlăng đã tính toán từ trước, bèn cho người mang thư sang đồng ý đàm phán. Lúc thuyền trưởng nọ đang xem thư thì người đưa thư rút dao găm đâm vào cổ hắn, đồng thời một nhóm vũ trang gồm 15 người lập tức chiếm lấy tầu.
Cuộc phản loạn nhanh chóng bị đập tắt.
Cảng Xanh Hôrian vừa lắm đảo, nhiều cá, lại có nước ngọt nên khỏi lo về vấn đề ăn uống. Các thủy thủ đã ở lại cảng suốt một mùa đông dài dằng dặc ấy. Do trú lại một thời gian khá lâu, họ đã phát hiện ra ở gần đấy có dân cư, Magiêlăng gọi những thổ dân đó là “người chân to”. Số là những người dân địa phương này rất cao to, họ khoác áo da thú; đôi giầy họ rất đặc biệt, trước hết họ dùng da thú ướt quấn từ bàn chân đến đầu gối, sau khi da thú khô sẽ trở thành một đôi giầy da đế mềm bó chặt lấy bàn chân và bắp chân. Nếu gặp trời mưa hoặc tuyết lớn, họ đi thêm một đôi giầy lớn ra ngoài, do đó dấu chân để lại trên mặt đất rất to. Bọn Magiêlăng muốn đưa những thổ dân đó làm “tiêu bản mang về dâng quốc vương Tây Ban Nha. Họ đã lừa bắt được hai “người chân to”, xích chân tay lại nhốt vào hầm tàu.
Khí hậu ở nam bán cầu khác bắc bán cầu. Tháng 8, tiết xuân ấm áp, trăm hoa đua nở. Đội tầu của Magiêlăng lại lên đường, nhưng lúc này chỉ còn 4 chiếc.
Đi được 2 tháng, họ lại đến một cửa biển rộng mênh mông. Magiêlăng thầm nghĩ: “Đây là cửa sông hay eo biển?”. Lần trước ông đã nhầm cửa sông thành cửa biển, hình ảnh đó cứ lởn vởn trong óc ông: Ông quyết định cho 2 tầu đi thăm dò.
Vào chập tối của ngày thứ tư bỗng nhiên nghe thấy tiếng đại bác “oàng” “oàng”. Magiêlăng vội vàng lên quan sát, thì ra hai chiếc tầu đi thăm dò đã trở về. Họ đem theo một tin vui: con đường phía trước mặt chỉ toàn là nước mặn, không phải nước ngọt. Vậy đương nhiên đây là một eo biển! Hai phát đại bác ấy chính là để chào mừng!
Magiêlăng rất đỗi vui mừng, ra lệnh cho đội tàu tiến vào eo biển. Một eo biển rất hẹp và quanh co, có đoạn đột nhiên lại phình to, bốn bề đều là những nhánh, không biết nên đi theo hướng nào. Chỉ còn cách lại phải cử một tầu đi thăm dò. Nhưng thật không may, chờ đợi mãi vẫn không thấy con tầu thăm dò trở về báo tin! Thì ra tên lái tầu là một kẻ xấu lâu nay dấu mặt, hắn đã bắt thuyền trưởng và đưa cả tầu lẫn người trốn về Tây Ban Nha. Về đến Tây Ban Nha, hắn đã tâu với quốc vương, vu cáo Magiêlăng âm mưu làm phản. Kết quả là ông bố vợ của Magiêlăng bị giam lỏng; vợ Magiêlăng uất ức quá mà chết. Những việc ấy lúc bấy giờ Magiêlăng không hề hay biết.
Chiếc tầu đi thăm dò biệt vô âm tín, Magiêlăng đành dẫn 3 chiếc tầu còn lại vừa đi vừa thăm dò. Lênh đênh suốt 28 ngày, đến ngày 28 tháng 11 đội tầu mới đến được cửa khẩu phía tây của eo biển.
Mọi người trên tầu mừng rỡ reo lên:
Ôi! Đại dương mênh mông hùng vĩ, rốt cục ta đã nhìn thấy người!
Còn Magiêlăng xưa nay vẫn có tiếng là bình tĩnh và kiên định lúc này cũng đang dùng mùi-soa lau nước mắt. Chính ông đã mở ra cho nhân loại một con đường hàng hải vòng quanh địa cầu. Và để kỷ niệm công lao đó của ông, người ta đã đặt tên cho eo biển đó là “eo Magiêlăng”. Nó ở vĩ độ 52o Nam, phía nam nước Chi lê ngày nay.
Đội đi tiếp 110 ngày trên đại dương mênh mông không hề gặp sóng to gió lớn, quá bình yên vô sự, cho nên mọi người đã đặt tên cho nó là Thái Bình Dương.
Ngày 6 tháng 3 năm 1521, đội tầu tiến vào một quần đảo dân cư đông đúc và sản vật vô cùng phong phú (ngày nay chính là quần đảo Mariana ở phía Tây Thái Bình Dương). Đoàn thủy thủ vui mừng khôn tả. Bởi vì đã hơn ba tháng lênh đênh trên Thái Bình Dương, họ đã cạn lương thực, hết nước ngọt, sức khỏe mọi người đều suy sụp. Tất cả các thủy thủ cùng chung một ý nghĩ: “Bây giờ có thể giải quyết vấn đề ăn và mặc được rồi” Chuyện cũng thật là lạ, cư dân địa phương thấy 3 chiếc tầu tiến đến, họ phát hiện thấy lương thực đã hết, liền mang lương thực, trái cây, rau xanh đến tặng, tỏ ra rất hào hiệp. Những quả chuối dài tới gần 30 phân, bỏ vào miệng, ôi sao mà thơm và ngọt đến thế!
Đương lúc các thủy thủ say sưa ăn uống thì một việc “kinh hoàng” đã xây ra? Những người thổ dân đã nhảy lên tầu và lấy đi tất cả những gì họ cần, không một chú khách sáo.
“Cướp! Cướp!, Magiêlăng và các thủy thủ hét lên. Họ lấy súng ra bắn vào thổ dân và giết chết rất nhiều người.
Một sự “hiểu nhầm” đáng buồn biết bao! Số là những thổ dân ở đây họ chỉ biết đến chế độ công hữu nguyên thủy, chưa hề hay biết gì về chế độ tư hữu. Cho nên thấy thủy thủ đói, họ mang đồ ăn thức uống đến và thấy những thứ họ đang cần lại có ở trên tầu là tự tiện lấy đi. Đối với thổ dân, hành động như vậy không có gì là sai và đó là chuyện bình thường. Còn đối với bọn Magiêlăng đã sống trong chế độ tư hữu, họ coi hành động trên của thổ dân là “ăn cướp” và họ đã dùng súng để đối phó lại. Chế độ tư hữu đã đem lại sự chết chóc cho người dân địa phương! Thậm chí họ còn đặt tên cho quần đảo đó là “Quần đảo giặc cướp”!
Đội tầu lại tiếp tục tiến về hướng tây, đến quần đảo Philippin ngày nay. Magiêlăng định nhúng tay vào cuộc tranh giành giữa hai bộ tộc địa phương để khống chế mảnh đất phì nhiêu và đẹp đẽ này: Nhưng bọn họ đã thất bại khi giúp bộ tộc này đánh bộ tộc khác. Magiêlăng bị thương nặng và bị đánh chết tươi. Người trợ thủ của ông là Êri Cácnô cuối cùng đã phải dẫn 2 chiếc tầu còn lại chạy trốn. Họ trôi dạt theo hướng đông nam và tình cờ đến một xứ sở mà từ lâu họ hằng ước ao – quần đảo Hương liệu. Sau khi mua được rất nhiều hương liệu với giá rẻ, đội tầu đi qua eo biển Malắcca, qua Ấn Độ Dương trở về nước.
Trên đường trở về, đội tầu do Cácnô chỉ huy lại bị hải quân Bồ Đào Nha cướp bắt sống một chiếc. Ngày 7 tháng 9 năm 1522, khi trở về đến Tây Ban Nha họ chỉ còn 1 chiếc tầu với 18 thủy thủ.
Cuộc hành trình vòng quanh trái đất của Magiêlăng đã chứng minh một sự thực rất hùng hồn rằng trái đất tròn. Đó là công lao to lớn, mãi mãi không thể xóa nhòa về mặt lịch sử khoa học và lịch sử hàng hải. Tuy nhiên, việc mở ra con đường hàng hải mới cũng đồng thời mở ra con đường xâm lược cho chủ nghĩa thực dân, từ đó đã dẫn tới những thay đổi lớn lao cho toàn bộ cục diện của thế giới.
Trước khi Critstốp Côlông đến châu Mỹ thì ở miền trung Nam Mỹ có hai quốc gia người Inđian rất cổ xưa: một là Axưtếc nằm ở vùng Mêhicô ngày nay, một nữa là Inca nằm ở vùng Pêru ngày nay.
Năm 1519, một quý tộc Tây Ban Nha tên là Coóctê dẫn mấy trăm tên lính xâm lược đổ bộ lên một bán đảo của vịnh Mêhicô quấy nhiễu kinh đô Aztec (tức thành phố Mêhicô ngày nay). Họ cầm tù quốc vương Aztec, rồi nhân danh ông cai trị dân chúng. Quân xâm lược cướp hết vàng bạc châu báu trong hoàng cung. Ba năm sau họ, lại đàn áp sự chống đối của dân Aztec, tàn sát đẫm máu những người Inđian ở địa phương, hoàn toàn khống chế vùng Mêhicô. Nước Axưtếc từ đó bị xóa tên trên bản đồ.
Sau khi tiêu diệt quốc gia Aztec, bọn xâm lược Tây Ban Nha hùng hổ nhảy vào Inca.
Năm 1531, một người Tây Ban Nha tên là Pisơrô dẫn đầu 3 chiến thuyền và hơn 200 binh sĩ, mang theo 2 khẩu đại bác và 50 chiến mã đánh thẳng vào khu trung tâm của Inca (tức vùng Pêru của Nam Mỹ ngày nay).
Hồi đó, nước Inca đã đạt tới trình độ văn minh rất cao. Đồ đồng đã được sử dụng rộng rãi, vàng bạc đã được khai thác với khối lượng lớn, hệ thống thủy lợi đã được xây dựng, nông sản dồi dào, đất nước giàu có. Kinh đô Cutskơ (ngày nay ở phía Nam Pêru) đã có những đền thờ lớn thờ Mặt trời, trong đền các bức tường đều dát vàng, chính giữa là một khối cầu bằng vàng tượng trưng cho Mặt trời; xung quanh có hàng trăm sợi giây vàng tượng trưng cho những tia sáng mặt trời, ánh vàng trên tường lóng lánh, nom cực kỳ rực rỡ sang trọng. Từ kinh đô đi đến các địa phương trong nước đều đã có những con đường cái lớn. Nước Inca thời bấy giờ bao gồm các nước Pêru, Bôlivia, toàn bộ Ecuađo, vùng phía nam Côlômbia, miền bắc và miền trung Chilê ngày nay. Dân số Inca lúc đó đã gần 10 triệu người. Nhưng họ vẫn chưa biết luyện gang, chưa biết sử dụng ngựa và thuốc nổ. Chữ viết mới chỉ dùng trong phạm vi tôn giáo, còn đa số người dân vẫn còn dùng “kiểu văn tự thắt nút”, tức là dùng những sợi dây mầu sắc khác nhau, to nhỏ khác nhau, thắt những nút có những khoảng cách khác nhau để ghi nhớ sự việc và những con số.
Do trong nội bộ nước Inca có những xích mích, bất hòa dân tộc nên quân của Pisơrô nhanh chóng áp sát được kinh đô của Inca. Quốc vương Inca đã sớm biết tin dữ đó vì khắp trong nước đều có dịch trạm nên tin tức được truyền đi rất nhanh. Người Inca đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Với sự hộ vệ của 300 quân, quốc vương Inca ngồi trên kiệu vàng thẳng tiến về phía trước. Sau lưng nhà vua là đại quân Inca. Một võ quan tâu với nhà vua:
– Tâu bệ hạ! Thần đã do thám, biết quân Tây Ban Nha rất ít và chúng đã mệt mỏi, chỉ có thể ngồi trên lưng cừu để hành quân!
Quốc vương cười:
– Ha ha… – Sao lại ngồi trên lưng cừu?
Thì ra quân Tây Ban Nha đang hành quân bằng ngựa, vì thổ dân chưa bao giờ nhìn thấy con ngựa, cho nên mới gọi nó là “con cừu lớn”
Quốc vương Inca ngồi thẳng dậy, giọng phấn khởi:
– Cảm ơn thần Mặt trời! Phen này kẻ địch tất sẽ trở thành tù binh của ta!
– Vâng. . . nhất định là như thế! – Tất cả đoàn quân đều hô vang.
Đột nhiên trong rừng xuất hiện một lão cha cố Tây Ban Nha, tay cầm quyển kinh đi tới, nói với Quốc vương Inca:
– Quân vương, người hãy nghe đây: Thượng đế đã phái Giêsu xuống trần gian để cứu độ chúng sinh. Bây giờ, Giáo hoàng là người thay mặt đức chúa Giêsu đem đất đai ban cho quốc vương Tây Ban Nha. Quốc vương Tây Ban Nha đã đem mảnh đất này ban cho Toàn quyền Pisơrô. Nếu người không tin Thượng đế, không nghe theo lệnh của Toàn quyền Pisơrô, ông ta sẽ dùng lửa và kiếm để trừng phạt ngươi!
Thì ra vị cha cố đó đang truyền giảng kinh xâm lược.
Quốc vương Inca nghe chẳng hiểu gì cả, bèn nói:
– Đất đai ở đây là của ông bà, cha mẹ ta truyền lại. Đâu phải Thượng đế ban cho ta? Chúng ta ở đây chỉ tin ở Thần Mặt trời. Muôn loài trên thế gian này đều do Mặt trời sáng tạo ra cả.
Vị cha cố vẫn kiên trì:
– Không phải! Vạn vật trên thế gian đều do Thượng đế tạo ra. Người phải tin vào Thượng đế!
Quốc vương hỏi:
– Ông có chứng cứ gì không?
– Có chứ! Chính cái này đây!- Vị cha cố đưa ra một cuốn “Kinh Thánh”.
– Cái này là cái quái gì! – Quốc vương Inca vứt cuốn “Kinh Thánh” xuống đất:
Vị cha cố quay người hướng về phía quân Tây Ban Nha đang nấp trong rừng, la lớn:
– Hãy tiến công vào bọn chúng! Hãy tiến công vào bọn chúng! Bọn chúng là những kẻ dị giáo!
Thế đấy, cái cớ để quân xâm lược Tây Ban Nha tiêu diệt nước Inca là vu cho họ không tin Thượng đế.
Pisơrô lập tức hạ lệnh nổ súng vào người Inca. Đạn nổ ầm ầm, máu và thịt chan hòa trên mặt đất.
Những người Inca lần lượt ngã xuống, nhưng họ vẫn xúm lại bảo vệ quốc vương. Họ dùng cung, tên, rìu, côn đồng, gậy nhọn để chiến đấu. Một người ngã xuống, người khác lại xông lên. Tuy bị hy sinh rất nhiều nhưng họ vẫn chiến đấu hết sức dũng cảm, ngoan cường.
Trước tình thế đó, Pisơrô cũng hoang mang. Người Inca thương vong nhiều, nhưng quân Tây Ban Nha cũng bị hao hụt. Với hơn 200 quân, Pisơrô làm sao thắng nổi được hàng vạn quân Inca trong cuộc chiến đấu kéo dài này? Ông ta quan sát chiến trường, bổng nảy ra một kế. Pisơrô đã nhận ra chỗ sơ hở của người Inca, nhân lúc họ mải mê chiến đấu đã cho lính xông thẳng tới bên kiệu của quốc vương Inca rồi túm lấy tóc giật ông ngã xuống và trói lại. Những chiến binh Inca bị một đòn bất ngờ, sợ hãi dừng cuộc chiến đấu trong giây lát. Nhân lúc đó, quân Tây Ban Nha tới tấp nổ súng, buộc những người lính Inca phải lũ lượt tháo chạy.
Quân Tây Ban Nha hò hét ào ào xông tới, tranh nhau gõ vào kiệu của quốc vương. Chả là vì chiếc kiệu làm bằng vàng, họ thi nhau cố đập cho vỡ ra từng mảnh để tranh cướp, Pisơrô cũng bị nện cả vào tay, đau đến nỗi phải kêu lên.
Quốc vương Inca bị nhốt vào ngục. Pisơrô nói với các quan chức Inca rằng chỉ cần đem vàng bạc chất đầy nhà hắn, hắn sẽ thả quốc vương. Thế là từ sáng đến tối, từng tốp từng tốp người Inca mang vàng và bạc đến nộp cho quân xâm lược. Chỉ mấy ngày, vàng bạc đã chất đầy hai gian nhà. Nhưng người Inca vẫn không thấy quốc vương của mình được thả về.
Nhìn đống vàng bạc, Pisơrô cười khà khà, giọng độc ác: “Bây giờ ta có thể bắn chết quốc vương của chúng rồi!”.
Sau khi xử tử quốc vương, bọn xâm lược lang sói mặc sức tàn sát dã man người Inca. Người trong thôn, bất kể trẻ, già, trai, gái đều bị chúng giết hết. Đồng ruộng phì nhiêu đều bị bỏ hoang, các thành phố phồn hoa chỉ còn là những đống đổ nát. Xác chết ngổn ngang khắp nơi, đi cả ngàn dặm không gặp một người, một cảnh tượng thê lương bao trùm lên xứ sở Inca.
Mancô, con trai quốc vương Inca không nản chí trước đau thương nặng nề ấy. Ông gạt nước mắt và tìm cách đối phó. Giả vờ chịu thuần phục, ông tiếp cận với người Tây Ban Nha, thậm chí còn giúp họ làm một số việc để tranh thủ sự tin cậy của kẻ xâm lược. Nhưng thực ra ông đang ngấm ngầm theo dõi địch tình. Ông còn học cưỡi ngựa, học bắn súng.
Từ cuối năm 1535, Mancô tập hợp lực lượng trong nhân dân. Tháng 4 năm sau, ông lãnh đạo nghĩa quân tấn công thành Cutxkơ. Ông cưỡi con ngựa Tây Ban Nha cao to, tay cầm súng Tây Ban Nha, vừa bắn vừa chỉ huy đội quân của ông bao vây quân xâm lược. Ông đã buộc 8 tù binh Tây Ban Nha phải làm pháo thủ, chế tạo súng ống đạn dược cho ông. Ông dùng vũ khí Tây Ban Nha đánh quân Tây Ban Nha, lấy ngựa cướp được của quân Tây Ban Nha trang bị cho lính của mình để đánh quân Tây Ban Nha và giành được chiến thắng to lớn.
Nhưng Inca là một nước có nhiều bộ tộc, nội bộ mâu thuẫn nhau gay gắt. Bọn xâm lược Tây Ban Nha đã dùng thủ đoạn mua chuộc những tên phản bội, gây chia rẽ giữa các bộ tộc, nên cuối cùng đã đánh bại và tiêu diệt đội quân người Inca đó. Sau khi Mancô hy sinh, quân Tây Ban Nha quay lại tàn sát những bộ tộc đã hàng phục chúng. Cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Tây Ban Nha khi bùng lên, lúc lắng xuống. Nghĩa quân các nơi trước sau đã chiến đấu suốt 35 năm.
Sau khi chiếm được miền Trung Nam châu Mỹ, người Tây Ban Nha bắt thổ dân phải lao động khổ sai trong các đồn điền trồng mía, trong các mỏ vàng bạc. Sự áp bức tàn khốc đã khiến thổ dân chết hàng loạt, thêm vào đó là những cuộc càn quét và giết chóc của quân Tây Ban Nha làm cho người Indian đứng trước nguy cơ diệt chủng. Theo thống kê không đầy đủ, trong hơn nửa thế kỷ, quân xâm lược Tây Ban Nha đã tàn sát từ 12 triệu đến 15 triệu người Inđian ở Trung Mỹ và Nam Mỹ (bao gồm 2 nước lớn Axtec và Inca cùng nhiều bộ tộc khác). Đảo Hai ti vốn có 6 vạn dân, đến năm 1548 chỉ còn lại 500 người. Cuba và Giamaica đến năm 1548 không còn một người Inđian nào. Trong khi đó, từ năm 1521 đến năm 1544 bình quân mỗi năm bọn xâm lược Tây Ban Nha đã cướp đi 2900 kilôgam vàng, 30700 kilôgam bạc; từ năm 1545 đến 1560, bình quân mỗi năm cướp đi 5500 kilôgam vàng, 246 000 kilôgam bạc! Máu của người Inđian đã đổ xuống khắp nơi trên đại lục châu Mỹ. Còn vàng và bạc thì tuôn chảy về Tây Ban Nha. Đó chính là lịch sử của bọn thực dân “khai hoá lục địa mới”!
Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha mỗi khi đến một nơi mới nào đều thường hỏi: “Ở đây có các tín đồ đạo Kitô không?” và họ luôn luôn nói rằng “Chúng tôi đi tìm những tín đồ đạo Kitô!” Vậy vì sao họ phải tìm những tín đồ đó?
Nghe nói, vào cuối thế kỷ thứ 13, đế quốc Ôttôman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) theo đạo Islam đã chiếm được Palextin – “thánh địa” của đạo Kitô. Sau đó, những tín đồ đạo Kitô ở đây không chịu nổi sự hành hạ chà đạp của những tín đồ dị giáo, nên một trưởng lão tên là Giôn đã dẫn họ rời khỏi thánh địa đi ra nước ngoài để lập một quốc gia của những tín đồ Kitô giáo. Cho nên trong các nước theo đạo Kitô ở châu Âu đều truyền tụng câu chuyện về “đất nước của trưởng lão Giôn”.
Đất nước trong truyền thuyết ấy có tên gọi đầy đủ là “Nước Kitô giáo của trưởng lão Giôn”. Đất nước đó ở đâu vậy? Những truyền thuyết đầu tiên đều nói nước ấy ở cạnh Trung Quốc. Nhưng sau chuyến đi của Maccô Pôlô sang phương Đông, ông ta không tìm thấy bóng dáng “đất nước của trưởng lão Giôn” ở cạnh Trung Quốc, thậm chí cả ở vùng Ấn Độ. Sau đó lại có truyền thuyết nói rằng nước ấy ở châu Phi, thế là hoàng tử của Quốc vương Bồ Đào Nha – Thái tử Henri quyết định tổ chức hai đội thuyền đi theo hai hướng bờ biển phía Tây và bờ biển phía Đông châu Phi để tìm kiếm. Kết quả là, Điaz đi khắp bờ biển phía Tây châu Phi, còn Gama đi bờ biển phía Đông và phát hiện ra con đường thông thương, sang phương Đông. Họ đã tìm khắp Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhưng vẫn không tìm ra “vương quốc Kitô của trưởng lão Giôn”.
Ban đầu thì họ nói là muốn tìm một số tín đồ Kitô giáo ở nước ngoài đưa về nước. Nhưng thực tế họ mang về lại là những người mà họ gọi là “nêgơrô”.
Những ai là “nêgơrô”? Những người da đen ở châu Phi đều bị người châu Âu gọi là “nêgơrô”. Phải chăng vì họ là những tín đồ Kitô giáo được đem về như những “người khách”? Không phải như vậy, họ bị mang đi với thân phận nô lệ. Từ đó, hàng nghìn hàng vạn người da đen châu Phi được coi là “hàng hóa sống” để mua bán, họ phải rời bỏ quê hương, trùng dương cách trở, làm thân trâu ngựa và chịu đựng biết bao nỗi khổ hạnh chốn trần gian.
Đợt đầu tiên đưa người da đen về Bồ Đào Nha làm nô lệ là vào năm 1442, tất cả có 10 người. Họ đều là những người ở bờ biển phía Tây châu Phi bị “săn bắt” về. Đợt thứ hai vào năm 1469, tổng số 200 người. Điều đặc biệt của lần này là bọn họ đều do một công ty bán cho Bồ Đào Nha như một thứ “hàng hóa”. Nghe đâu những người da đen đó đều bị “thu gom” lại.
Họ đã “săn bắt” và “thu gom” như thế nào? Đại để có những cách sau đây: Trước hết là dùng trò dụ dỗ vặt. Họ bày ra đất một số đồ trang sức bằng thủy tinh mà người châu Phi chưa thấy bao giờ, coi là quà tặng để “tặng” cho một vài người. Khi có người đến lấy những “tặng phẩm” ấy thì lập tức họ bị trói lại. Thế là họ đã “săn” được một nô lệ. Nhưng cách làm này chỉ áp dụng được đối với người đi riêng lẻ, nếu người da đen đến nhiều thì không thể làm như vậy được. Họ lại nghĩ ra cách “vây bắt”, huy động một tốp lính có vũ trang, bao vây mấy người da đen rồi trói họ lại bắt đem đi. Sau những tên cướp thực dân này to gan hơn nữa, chúng bao vây cả một làng và “thu gom” tất cả bất kể trẻ, già, trai, gái đem đi.
Nhưng cách “săn bắt” đó sẽ làm cho người da đen vũ trang chống lại họ, mặc dầu những người da đen chỉ có cung, tên và chùy đồng; đao kiếm bằng sắt họ cũng chưa có.
Người da đen đông, bọn thực dân tuy có súng ống nhưng ít người nên có lúc săn bắt không thành công lại còn bị thiệt mạng. Bọn thực dân lại nghĩ ra kế “thu mua” họ. Bọn chúng biết người da đen ở châu Phi có nhiều chủng tộc, mỗi chủng tộc lại chia ra nhiều bộ lạc, và thường có những mâu thuẫn giữa chủng tộc này với chủng tộc nọ, giữa bộ lạc này với bộ lạc khác. Chúng tìm cách gây xích mích chia rẽ giữa các bộ tộc để họ đánh lẫn nhau, chúng đứng giữa có thể “thu mua” tù binh chiến tranh của các bộ lạc. Thủ đoạn dùng người châu Phi “săn bắt” người châu Phi của chúng quả là thâm độc. Kết quả là rất nhiều thôn làng bị hủy diệt, rất nhiều gia đình ly tán, con xa cha, vợ xa chồng, còn bọn thực dân thì phát tài lớn. “Mua” một nô lệ da đen ở châu Phi chỉ tốn từ 70 đến 100 frăng, mang về bên kia đại dương bán có thể thu được từ 1000 đến 2000 frăng, tỉ suất lợi nhuận từ 1000% đến 3000%.
Sau khi phát hiện ra châu Mỹ, nô lệ da đen có thêm “thị trường” mới. Ở châu Mỹ, do thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tàn sát với quy mô lớn nên người Inđian ở đây hầu như đã bị giết sạch. Một châu Mỹ mênh mông mà không tìm đâu ra sức lao động. Cho nên việc đem người da đen châu Phi sang bán ở châu Mỹ làm nô lệ trở thành một ngành kinh doanh mới. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng các thuộc địa của Anh trong quần đảo Tây Ấn, từ năm 1680 đến năm 1786 đã “nhập” tới 2 triệu 13 vạn người châu Phi. Một hòn đảo Giamaica nhỏ bé mà từ năm 1700 đến 1786 đã “nhập” 61 vạn người da đen làm nô lệ.
Nghề buôn bán nô lệ ngày càng phát đạt, trước tiên là người Bồ Đào Nha rồi đến người Tây Ban Nha, tới người Pháp, người Hà Lan và sau cùng là người Anh. Trong vòng ba thế kỷ, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, biết bao nhiêu người da đen ở châu Phi đã bị bán đi làm nô lệ như vậy.
Từ bị “săn bắt” đến việc bán làm nô lệ là một quá trình bi thảm nhất của người da đen. Một người Anh tên là Giôhanxtơn đã có một đoạn ghi chép chân thực sau đây:
“Một bầy nô lệ đi trên bờ biển. Người nào cũng đeo một cái gông sắt nặng ở cổ hoặc bị trói chung vào 1 cây sào, tay bị xiềng, chân bị xích. Xiềng tay và xích chân đã làm cho bọn họ toạc da rách thịt, vết thương càng ngày càng lở loét, thối rữa. Những người nô lệ đó không được ăn no, không được uống nước, bị thúc ép đi cho nhanh dưới những làn roi, nên thường bị say nắng mà thiệt mạng. Nếu họ nằm xuống nghỉ, hoặc bước đi uể oải ngã vật xuống là bị bắn chết ngay hoặc bị dao nhọn đâm chết hoặc bị cắt cuống họng một cách vô nhân đạo. Những em bé mẹ không cõng nổi hoặc đi theo không kịp đoàn người thì bị gậy đập đến vỡ óc. Nhiều nô lệ đã tự sát một cách đau khổ”.
Xem đó, bọn thực dân da trắng vẫn tự xưng là “văn minh” đã đối xử “văn minh” với người da đen như vậy đó.
Sau khi đến bến tầu, những người nô lệ phải đợi “chủ mua”. Bọn chúng bắt họ đứng thành hàng, còn các “chủ mua” coi họ như “hàng hóa”, lần lượt kiểm tra cơ thể và sức khỏe của họ, nào vạch mắt vạch răng, sờ tay nắn chân. Người khỏe giá cao, người yếu giá thấp; đàn ông giá cao, đàn bà giá thấp; người trẻ giá cao, con nít giá thấp. Mặc cả xong xuôi sẽ lên một danh sách, chủ mua trả tiền cho kẻ bán, kẻ bán ký vào một biên lai nhận tiền, sau đó chủ mua dùng con dấu sắt nung đỏ in lên từng người nô lệ. Thủ tục mua bán đến đây coi như xong.
Tiếp đó, tất cả những nô lệ bị dồn lên thuyền. Mấy chục con người, thậm chí cả trăm con người nhét vào một khoang đáy thuyền nhỏ bé, thiếu ánh sáng, ngột ngạt, chân tay vẫn bị xiềng xích! không thể động cựa được, và bệnh tật ốm đau là điều không tránh khỏi. Người ốm không được chữa chạy, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, một số nô lệ ốm đau đã bị bọn chủ ném xuống biển. Ngày ấy còn dùng thuyền buồm để vượt đại dương, mỗi chuyến đi thường kéo dài vài ba tháng. Theo “kinh nghiệm” của bọn chủ, mỗi chuyến đi thường là một nửa số nô lệ bị chết. Nhưng lợi nhuận buôn bán nô lệ lên tới 1000% đến 3000%, một nửa “hàng hóa” mất đi vẫn phát tài chán. Cho nên nô lệ sống hay chết, bọn chủ chẳng cần.
Đến bờ bên kia đại dương lại phải chờ “chủ mua” một lần nữa. Khi bọn thực dân ở châu Mỹ mở mang đồn điền, chúng cần rất nhiều sức lao động và chúng ra bến tàu để mua “hàng”. Cảnh mua bán ở đây cũng giống như ở bờ biển châu Phi, cũng kiểm tra sức khỏe, cũng cò kè giá cả và lần thứ hai người nô lệ bị đóng dấu sắt nung đỏ lên người.
Về đến đồn điền cũng chưa phải là đã kết thúc thảm cảnh của người nô lệ, mà chỉ là mở đầu thảm cảnh mới: Họ phải làm lụng dưới mặt trời gay gắt, vẫn phải xích chân, bên cạnh họ là những tên cai luôn trừng mắt nhìn họ với chiếc roi da trong tay sẵn sàng quật tới.
Tất nhiên những người nô lệ sẽ phản kháng. Thủ đoạn chính mà bọn thực dân dùng dẹp yên sự phản kháng là truyền đạo. Hầu hết các con thuyền đi mua bán nô lệ và ở các đồn điền có nô lệ đều có một cha cố Kitô. Họ rao giảng cho nô lệ rằng, hãy chịu khổ dưới trần gian để sau khi chết được lên Thiên đường hưởng phúc. Họ dùng tôn giáo để làm tê liệt ý chí của những người nô lệ.
Từ “đi tìm những tín đồ Kitô giáo” đến truyền bá cho người da đen về cõi phúc trên Thiên đường, họ cuối cùng đã biến những người nô lệ thành những con chiên ngoan đạo, đó chính là lịch sử của việc buôn bán nô lệ!
Cuối thế kỷ thứ XIV, đế quốc Đông Rôma nằm trên bán đảo Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đứng trước nguy cơ sụp đổ. Quân đội đế quốc Ôttôman theo đạo Islam đang ngày đêm không ngừng áp sát Cônstantinôpôlit. Từng tốp từng tốp các học giả Đông Rôma, người thì ôm bản thảo bằng tiếng Hy Lạp, người thì vác những bản sao bằng tiếng La tinh, người thì giấu những tác phẩm nghệ thuật quý của Hy Lạp cổ đại, lũ lượt chạy sang Tây Âu tị nạn.
Đúng vào lúc ấy, thành phố Phlôrenxia ở Italia lập ra một trường học mới, mang tên “Học viện Hy Lạp”. Hiệu trưởng của nhà trường là Crisôrôlát – một học giả lớn vừa chạy tị nạn từ Đông Rôma về đây. Trường này chuyên giảng dạy về triết học, lịch sử và văn học cổ Hy Lạp. Những người châu Âu sống ở thời trung thế kỷ chưa bao giờ nghe nói đến Hy Lạp cổ đại có một nền văn học nghệ thuật đẹp đẽ và những tư tưởng học thuật phong phú đến như vậy, cho nên họ như được mở rộng tầm mắt nô nức kéo nhau đến để nghe giảng. Một số đông thanh niên từ ngôi trường này đã được đào tạo trở thành những học giả say mê văn học nghệ thuật cổ điển. Cũng từ đó, Italia mà trung tâm là Phlôrenxia đã mở rộng ảnh hưởng ra toàn bán đảo. Italia một thời đã xuất hiện “cơn sốt Hy Lạp”.
Thời đó mọi người đều cho rằng cổ Hy Lạp cái gì cũng đẹp, trung thế kỷ cái gì cũng dở, và đòi khôi phục lại văn hóa và nghệ thuật cổ Hy Lạp. Tiếp đó, làn gió ấy thổi tới nước Pháp, nước Đức, Tây Ban Nha, Nêđéclan (lúc ấy còn là một vương quốc, nay là vùng đất Hà Lan và Bỉ) và nước Anh. Cả Tây Âu dấy lên một “cơn sốt Hy Lạp”. Đó chính là một phong trào mà lịch sử gọi là “văn hóa phục hưng”.
Đúng là ở cổ Hy Lạp và cổ Rôma, văn học nghệ thuật thực sự đã đạt được những thành tựu rất cao, việc tranh luận về các tư tưởng học thuật rất phổ biến. Từ khi Đế quốc Tây Rôma bị diệt vong, Tây Âu tiến vào thời trung thế kỷ thì chủ nghĩa phong kiến đã bóp nghẹt sự phát triển của văn hóa và học thuật, giáo hội Kitô giáo càng kìm hãm mọi tư tưởng tiến bộ. Văn học, nghệ thuật, triết học, tất cả đều phải theo những giáo lý của “Kinh Thánh”, không được vượt qua những giáo lý đó. Nếu ai đó nói ngược lại với “Kinh Thánh” thì Tòa án tôn giáo sẽ phán xử, thậm chí kết tội tử hình. Và điều đó đã làm cho văn học nghệ thuật thời trung thế kỷ không còn sức sống nữa, khoa học kỹ thuật càng kém phát triển.
Tại Italia, cái nôi của nền công thương nghiệp tư bản hiện đại ấy, cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản mới trỗi dậy, họ cũng đòi hỏi phải phát triển khoa học kỹ thuật, đòi hỏi phải thoát khỏi sự trói buộc phong kiến về mặt tư tưởng, đòi hỏi phải được giải phóng cá tính và con người phải được tự do cá nhân. Giai cấp tư sản mới trỗi dậy đó đã quyết định lấy nghệ thuật và triết học cổ Hy Lạp làm vũ khí để chống lại những giáo lý tôn giáo của nền thống trị và chuyên chế phong kiến. Vì vậy “Văn hóa phục hưng” về danh nghĩa là khôi phục văn học nghệ thuật cổ điển, nhưng trên thực tế là một trào lưu tư tưởng chính trị mới mẻ, chống phong kiến. Những người như Đăngtơ, Bôcaxiô v.v, chính là những nhân vật tiêu biểu ở thời kỳ đầu của phong trào “Văn hóa phục hưng”.
Giữa thế kỷ XV, một trào lưu tư tưởng triết học của phong trào “Văn hóa phục hưng” đã ra đời, đó là “chủ nghĩa nhân văn”. Hạt nhân của nó là quan tâm đến con người, tôn trọng con người, tất cả đều lấy con người Làm trung tâm, kịch liệt chống lại những giáo lý phong kiến lấy thần linh làm trung tâm.
Một trong những sự kiện quan trọng dấy lên làn sóng đó là cuộc tranh luận về thật và giả trong văn kiện “Côngstantin hiến đất”.
“Hiến đất” tức là đem ruộng đất hiến cho giáo hoàng. Giáo hoàng Rôma mà mọi người thường gọi là “Đức Cha” vốn chỉ là lãnh tụ tôn giáo. Vậy tại sao lại chiếm cứ một vùng lãnh thổ rộng lớn để trở thành “vua” của “nước Giáo hoàng” và cuối cùng lại còn đứng trên cả vua chúa các nước châu Âu? Nguồn gốc là vào năm 756, vua nước Frăng là “chú lùn” Pêpanh đã đem một vùng đất rộng lớn ở miền trung Italia dâng cho Giáo hoàng, từ đó mới hình thành “nước Giáo hoàng”. Nhưng Giáo hoàng cho rằng tiếng tăm của vua Pêpanh nước Frăng chưa đủ lớn, chỉ có hoàng đế cổ Rôma mới đại diện được cho cả Âu Châu. Cho nên phải tạo ra một văn kiện giả nói rằng lãnh thổ của “nước Giáo hoàng” là do Côngstantin Đại đế của Đế quốc Rôma đầu thế kỷ thứ IV cống hiến; lại còn nói thêm rằng toàn bộ đế quốc Rôma đều đã thần phục Giáo hoàng. Từ đó, tất cả các đời Giáo hoàng đều dựa vào văn kiện ngụy tạo đó để làm bằng chứng cho quyền lực của mình.
Đến thế kỷ thứ XV, ở vương quốc Napulax miền Nam Italia xuất hiện một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng tên là Vala. Vala tinh thông ngôn ngữ văn tự cổ đại rất giỏi về khảo cứu. Đã lột mặt nạ lừa bịp của giáo hoàng, ông bắt đầu mổ xẻ từ văn kiện “Côngstantin hiến đất” – bằng chứng của quyền lực Giáo hoàng. Vala đối chiếu từ ngữ và ngữ pháp của tiếng La-tinh thế kỷ thứ IV với bản tiếng La tinh thế kỷ thứ VIII và đã chứng minh được rằng văn bản “Côngstantin hiến đất” là tiếng latinh của thế kỷ VIII. Mọi người ai cũng biết Côngstantin Đại đế sống ở thế kỷ IV, làm sao lại có thể viết bằng từ ngữ và ngữ pháp tiếng latinh ở thế kỷ VIII. Qua việc đó, Vala đã xé toạc bộ mặt giả dối “thần thánh” của Giáo hoàng, làm tiêu tan danh tiếng của vị Giáo hoàng mà quyền lực tưởng như vô biên.
Văn kiện làm chỗ dựa cho quyền lực của giáo hoàng đã là giả thì quyền thống trị của tôn giáo cũng lung lay. Đó là một thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa nhân văn chiến thắng những giáo lý phong kiến, cũng là một thắng lợi to lớn của thời kỳ “văn hóa phục hưng” đã giải phóng tư tưởng trên mặt trận triết học và lịch sử.
Thời kỳ toàn thịnh của phong trào “văn hóa phục hưng” ở Italia là vào nửa sau thế kỷ XV và thế kỷ XVI. Những nhân vật tiêu biểu là các họa sĩ vĩ đại Đờ Vanhxy và Raphaen, nhà điêu khắc kiệt xuất Mikenlăng. Đến đầu thế kỷ XVII lại xuất hiện thêm một nhà văn lớn, cũng là nhà tư tưởng lớn Campanenla.
Từ trung tâm là Italia, phong trào “văn hóa phục hưng” nhanh chóng lan ra khắp châu Âu.
“Văn hóa phục hưng” đã thúc đẩy cải cách tôn giáo với người đại diện chính là Máctanh Luthơ.
“Văn hóa phục hưng” đã thúc đẩy sáng tác văn học. Sêchxpia ở nước Anh Rabơle ở nước Pháp, Xecvăngtex ở Tây Ban Nha là những nhân vật tiêu biểu.
“Văn hóa phục hưng” thúc đẩy trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra đời, đại diện cho nó là Morơ ở nước Anh.
“Văn hóa phục hưng” thúc đẩy khoa học tự nhiên phát triển với những nhân vật tiêu biểu: Côpécníc của Ba Lan, Galilê của Italia.
“Văn hóa phục hưng” còn thúc đẩy triết học duy vật phát triển mạnh, đại biểu cho nó là Rôgiê Bâycơn ở nước Anh.
Những trang sau sẽ giới thiệu với các bạn về sự nghiệp vẻ vang và các tác phẩm tiêu biểu của họ.