Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Hình Phạt Roi Vọt

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

 HÌNH PHẠT ROI VỌT

Một tham kịch trên thế gian đang diễn ra trong sân một lâu đài ở miền Trung nước Đức.

“Phạt roi!” Bá tước Hecphensten giận dữ thét lên như sói gào.

Mười tên đồ tể tham gia cuộc hành hình chạy tới xếp thành hai hàng. Mấy tên đứng phía trước cầm roi da, mấy tên đứng phía sau cầm xà mâu. Như một lũ hung thần, chúng đứng đối diện với nhau, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ ở giữa.

Hai nghĩa quân nông dân bị trói chặt, được binh lính của bọn quý tộc giải tới, đi giữa hai hàng những tên đồ tể.

“Vút …”, tên đồ tể đứng đầu vung roi quất vào ngực không mảnh áo che của một chiến sĩ nông dân. Một vệt máu hằn lên.

“Vút. . .”

“Vút, vút …”

Người chiến sĩ nông dân càng bước tới thì những chiếc roi da càng vụt tới tấp xuống người như mưa, máu càng tuôn ra nhiều hơn. Anh chỉ cau lông mày, mắm môi, mở to hai mắt, không một lời rên rỉ.

Bọn lính tiếp tục giải những nghĩa quân nông dân vào. Đột nhiên hai mũi xà mâu đâm thẳng vào ngực một chiến sĩ nông dân, người nghĩa quân ngã xuống, một giòng máu tươi vọt ra, nhưng anh vẫn mở to đôi mắt, không hề hé răng. Anh biết rằng dù có mở miệng cầu xin cũng chẳng ăn thua gì đối với tên bá tước giết người không run tay này. Tiếp đó lại hai mũi xà mâu nữa đâm vào người anh và anh đã tắt thở.

Lôi xác người nghĩa quân ra xa, bọn đồ tể tiếp tục hành hình người khác.

Lão bá tước cười ngạo nghễ, nói lớn:

Đứa nào làm phản, kết cục sẽ như thế này đây!

Tên bá tước đó là một đại ác bá ở vùng Phrancôni miền Trung nước Đức, cũng là viên quan đứng đầu Chính phủ địa phương. Hắn đã bóc lột dã man nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, không từ một tội ác nào, đúng là một kẻ uống máu không biết tanh, giết người không ghê tay. Lúc này hắn đang đứng trên bậc thềm của tòa lâu đài, đích thân đôn đốc bọn đồ tể thực hiện hình phạt roi vọt.

“Oàng”, một quả đạn đột nhiên nổ ngay trên thành bao quanh lâu đài, một mảng tường đổ xuống, một mảnh gạch văng ra đập vào trán tên bá tước.

Ối! ối! Tên bá tước vừa xoa xoa vết thương tím bầm trên trán vừa rống lên thảm thiết – Quân nông dân đến! Kỵ sĩ của ta đâu? Bọn kỵ sĩ đi đâu cả rồi!

Tiếng súng mỗi lúc một gần, đã nghe rõ tiếng hò hét của nghĩa quân nông dân “Giết! Giết! Giết!”.

Lũ đồ tể trong sân thấy tình hình chẳng lành bèn tháo chạy cùng với bọn binh lính.

Tên bá tước định chuồn ra ngoài thì mấy trăm nghĩa quân nông dân đã ập tới, chĩa súng vào tên bá tước.

Hắn quì xuống, toàn thân run rẩy:

Lạy các quan. . . xin tha mạng, xin tha mạng. . .

Thủ lĩnh nghĩa quân Runbéc dõng dạc tuyên bố:

Đứng lên! Ai là quan của mày! Bá tước đại nhân, trước hết mời ngài vào nhà giam đã. Ngày mai, chúng tao sẽ mở phiên tòa xét xử mày!

Mấy trăm kỵ sĩ cũng bị tống vào ngục. Chúng là những tên ngoan cố tử thủ tòa lâu đài nhưng đã bị nông dân bắt sống. Bị tống giam còn có một số công tước và bá tước, chúng đều là những tên quý tộc có tội lớn, bàn tay của chúng dính đầy máu của nghĩa quân nông dân.

Nghĩa quân nông dân vùng Phrancôni có tới hơn 8000 chiến sĩ, 3000 khẩu súng, còn cả mấy khẩu đại bác, là đội quân được trang bị tốt nhất trong tất cả nghĩa quân nông dân Đức. Người lãnh đạo chủ yếu là Xiple và Runbéc. Họ khởi sự vào cuối tháng 3 năm 1525, ngày 16 tháng 4 họ tiến công vào thành lũy của Hecphensten.

Ngày hôm sau, nghĩa quân mở phiên tòa xét xử bọn quý tộc ác ôn. Tòa án được tổ chức trên một quảng trường lớn. Hàng vạn quần chúng và nghĩa quân nông dân đã tham gia phiên tòa xét xử công khai. Cờ của nghĩa quân phấp phới tung bay, tinh thần sục sôi đến cực điểm, những người tố cáo lần lượt lên vạch mặt bọn chúng. Cuối cùng, Tòa tuyên án tử hình bá tước Hécphensten cùng 13 tên đại ác bá khác, tịch thu toàn bộ tài sản của chúng bao gồm ruộng đất, lương thực và vũ khí, phá hủy các tòa lâu đài phong kiến là những sào huyệt của chúng.

Chủ tọa phiên tòa Runbéc hỏi mọi người:

Chúng ta nên xử tử 14 tên giết người không ghê tay này như thế nào?

Cả quảng trường vang lên đồng thanh:

– Hình phạt roi vọt!

– Hình phạt loi vọt!

Nợ máu phải trả bằng máu. Những tên bá tước đã dùng roi vọt để giết hại nông dân, nay đến lượt phải bắt chúng nếm mùi roi vọt.

Tòa án tuyên bố, đưa những tên hút máu nhân dân đó ra xử bằng roi vọt.

Xử xong bọn ác ôn, tinh thần quần chúng càng hăng hái, ngọn lửa đấu tranh của nghĩa quân càng bùng cháy. Việc đó làm khiếp đảm cả Mactin Luthơ đang ẩn náu trong lâu đài của công tước Xắcxông. Ông ta lập tức viết bài bày tỏ ý kiến của mình để phân giải với bọn quý tộc. Ông nói: “Tôi chỉ muốn bút chiến, tôi phản đối dùng gươm dùng súng”. Luthơ đã hoàn toàn từ bỏ chủ trương trước đây của mình. Vì vậy nghĩa quân nông dân không thèm đếm xỉa gì đến những lời của ông.

Từ ngày 9 đến 12 tháng 5, thủ lĩnh các phái nghĩa quân nông dân vùng Phrancôni đã họp tại Hâybrôn giao cho Xiple khởi thảo cương lĩnh đấu tranh chung, có tên là “Cương lĩnh Hâybrôn”. Lúc này, trong hàng ngũ của nghĩa quân nông dân đã lọt vào nhiều phần tử quý tộc và trung lưu giầu có, cho nên những yêu sách nêu trong Cương lĩnh rất thấp. Ví dụ, trong điều khoản tịch thu tài sản của Giáo hội có đề cập tới việc có thể chia tài sản của Giáo hội cho kỵ sĩ; trong điều khoản giải phóng nông nô lại bắt nông nô phải nộp địa tô 20 năm, coi như khoản tiền chuộc v.v. Do đó, về cơ bản không hề đụng đến quyền sở hữu phong kiến của bọn chư hầu và quý tộc.

Nghĩa quân nông dân vùng Phrancôni lại còn ảo tưởng sẽ trình bản “Cương lĩnh” đó cho nhà vua và do nhà vua ban lệnh thi hành. Nhưng “Cương lĩnh” chưa đến tay nhà vua thì những tên lính đánh thuê của Công tước Trugơsép vùng Swaben đã ập đến trước mặt họ.

Ngày 12 tháng 5, quân của Trưgơsép bất ngờ tập kích vào quân của Runbéc. Runbéc lãnh đạo nghĩa quân gian khổ chiến đấu nhưng vẫn không thể nào chọc thủng được vòng vây nhiều lớp của kẻ thù. Cuối cùng nghĩa quân đã bị tiêu diệt. Runbéc bị bắt, tên công tước đã hạ lệnh trói ông vào cột đem thiêu sống.

Trugơsép còn mua chuộc những tên quý tộc Hâybrôn đã chui vào được hàng ngũ nông dân. Bọn chúng đã mở cổng thành đón tiếp bọn lính đánh thuê, nghĩa quân do Xipie lãnh đạo chỉ còn cách rút ra ngoài thành. Trong đội nghĩa quân này còn có một thủ lĩnh vốn là một tên quý tộc, Trugơsép tiếp tục tìm cách mua chuộc. Trong một trận đánh, hắn chạy sang hàng bọn đại quý tộc, do đó toàn bộ nghĩa quân nông dân vùng Phrancôni tan rã.

Công tước Trugơsép đã tiến hành một cuộc tàn sát đẫm máu cực kỳ vô nhân đạo. Các hàng cây dọc những đại lộ chính ở Phrancôni treo đầy xác chết. Phần lớn họ là những chiến sĩ nghĩa quân, nhiều người chỉ vì bị tình nghi.

Tháng 7 năm 1525, cuộc chiến tranh nông dân vùng Phrancôni ở miền Trung nước Đức kéo dài được 4 tháng đã kết thúc. Máu của các liệt sĩ đã tô đậm thêm lịch sử đấu tranh bất khuất của nhân dân Đức.

Ngày 17 tháng 3 năm 1525, cả thành phố Muynhaoxen ở vùng Xắcxông miền Bắc nước Đức náo nhiệt hẳn lên. Thợ thủ công và dân nghèo thành thị, nông dân và thợ mỏ, hàng nghìn hàng vạn người đổ về dinh thị trưởng, miệng hô to “muôn năm”, “muôn năm”! Nhìn sự hào hứng phấn khởi của họ, ai cũng đoán chắc có chuyện gì vui sắp đến.

Đúng là có một chuyện vui lớn: bọn quý tộc ở thành phố Muynhaoxen đã bị lật đổ! Hôm nay, một cuộc hội nghị được triệu tập để bàn việc thành lập Nghị viện, tức chính quyền của nhân dân. Trên quảng trường trước dinh thị trưởng, tiếng hoan hô như sấm dậy, mọi người đang chờ đợi kết quả hiệp thương của các đại biểu.

Một đại biểu xồng xộc chạy ra ngoài, nói to với quần chúng:

– Nghị viện nhân dân của chúng ta đã được nhất trí thông qua, gọi là “Nghị viện vĩnh cửu”.

Quần chúng hoan hô: “Nghị viện vĩnh cửu muôn năm!”

Lại một đợt hoan hô nữa: “Mọi quyền lực đều thuộc Nghị viện vĩnh cửu!”.

“Vĩnh cửu” hai tiếng đó có hàm nghĩa sâu sắc biết bao! Trước đây, Chính phủ do bọn chư hầu và quý tộc nắm, chúng sử dụng bộ máy đó để đàn áp nhân dân; mà quyền lực đó lại là cha truyền con nối, con vua vẫn lại làm vua, con quý tộc vẫn là quý tộc. Bây giờ chính quyền về tay nhân dân, đương nhiên dân muốn nắm lâu dài chính quyền đó để vĩnh viễn quản lý đất nước.

Tiếp đó, Nghị viện bầu chủ tịch.

“Muynde! Muynde!” Quần chúng nhất trí hô vang. Đó là nguyện vọng chung của nhân dân thành phố Muynhaoxen. Bởi vì những cuộc khởi nghĩa của nông dân trong toàn nước Đức đều được tiến hành theo tổ chức “Liên minh Kitô giáo” do Muynde sáng lập; cuộc khởi nghĩa nông dân ở Xắcxông và Turinghen miền Bắc nước Đức cũng do Muynde trực tiếp lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa ở thành phố Muynhaoxen cũng do Muynde chỉ huy. Nhân dân tin ở ông và ủng hộ ông. Họ vừa hô to “Muynde” vừa chờ đợi tin tức kết quả bầu cử.

Vị đại biểu ấy lại chạy ra một lần nữa, tuyên bố.

– “Nghị viện vĩnh cửu” đã nhất trí thông qua, bầu Tômát Muynde làm Chủ tịch!”.

Quần chúng lại hoan hô vang dậy.

Muynde vẫy hai bàn tay chắc khỏe, đi về phía quần chúng, bắt đầu bài diễn văn đầu tiên của ông sau khi đắc cử. Ông đã nói với quần chúng về chính sách của Nghị viện vĩnh cửu. Chủ yếu là: Xóa bỏ đặc quyền phong kiến của bọn chư hầu và quý tộc, tiêu diệt triệt để bọn lãnh chúa; công hữu hóa toàn bộ tài sản xã hội, xóa bỏ chế độ tư hữu, các công dân đều phải lao động, mọi người đều bình đẳng. Những chủ trương đó đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của nông dân, thợ mỏ, thợ thủ công và dân nghèo thành thị.

Cuối cùng, Muynde nói: “Hỡi những người anh em thân mến. Hãy hành động! Thành thị và nông thôn cùng nhau ra tay! Hãy đưa lũ ma quỷ hút máu vào máy cán, cán nát chúng nó; hãy phá hết những dinh lũy lâu đài của chúng, đập nát nó đi!”.

Nhiệt tình của quần chúng đã lên đến tột đỉnh. Họ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Nghị viện vĩnh cửu, họ tỏa về các thôn xóm, hầm mỏ và thị trấn của vùng Turinghen và Xắcxông bí mật liên kết với nhau tổ chức vũ trang khởi nghĩa. Đội ngũ nghĩa quân nông dân lớn mạnh nhanh chóng, chẳng bao lâu đã tập hợp được khoảng l vạn người.

Ngọn lửa khởi nghĩa có khả năng thiêu cháy cánh rừng đã làm cho bọn quý tộc khiếp sợ. Một số đã đầu hàng nông dân, thề sẽ bỏ sưu cao thuế nặng, tự nguyện chịu sự quản thúc của nông dân; nhưng cũng còn không ít tên vẫn ngoan cố chiêu tập binh lính thành lập những đội vũ trang, trong đó có cả pháo binh và kỵ binh, tiến công vào nghĩa quân nông dân do Muynde lãnh đạo. Đứng đầu bọn chúng là bá tước Philíp.

Lúc ấy, nghĩa quân nông dân do Muynde lãnh đạo tập kết ở thành phố Phơrăngkenhaoxen đang đúc súng đại bác và huấn luyện quân sự. Philíp giả vờ ký kết “hiệp định đình chiến” với quân nông dân. Nhưng ký kết chưa được mấy ngày, quân đội phản động của Philíp đã kéo tới.

Ngày 16 tháng 5, Muynde phải rút quân đến một ngọn đồi gần Phơrăngkenhaoxen, cấp tập xây dựng công sự phòng ngự ở xung quanh. Những công sự đó do rất nhiều chiếc xe bốn bánh kết thành, lúc thế thủ là công sự, lúc tiến công chỉ cần thắng ngựa vào là xe có thể xuất phát được ngay.

Tinh thần của nghĩa quân bắt đầu có sự dao động. Muynde đã đọc bài “Diễn văn cuối cùng” nổi tiếng. Ông nói với họ:

“Hỡi những người anh em thân mến. Một thiên đường giữa thế gian không còn bọn quý tộc, không còn bóc lột đang đến với chúng ta. Chúng ta hãy chiến đấu đến cùng để xây dựng Thiên đường đó!”.

“Chiến đấu đến c. .ù. .n. .g!”

“Chiến đấu đến c. .ù. .n. .g!”

Tiếng hô của nghĩa quân nông dân có phần loạc choạc.

Đúng vào thời điểm không khí chiến tranh đang hết sức căng thẳng thì tên Philíp xảo quyệt lại thi hành kế dụ hàng. Hắn cho người thông báo với nghĩa quân: “Chỉ cần hạ vũ khí, giao nộp Muynde thì sẽ tha tội cho tất cả!”.

Tin đó lan truyền trong nội bộ nghĩa quân, đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn.

Một kỵ sĩ nói:

– Chúng ta nên nhận lời chiêu hàng để tránh đổ máu hy sinh!

Một thầy tu chêm vào:

– Chúa sẽ phù hộ cho chúng ta bình yên! Chúng ta nên nhận những điều kiện của Philíp!

Một số nghĩa quân phân vân:

– Làm thế sao được!

Nhiều chiến sĩ nghĩa quân kiên quyết:

– Chúng ta không thể thiếu Muynde.

Những ánh mắt hy vọng dồn về phía Muynde. Muynde bước lên một chỗ đứng cao, vươn lồng ngực, nói lớn với mọi người:

– Mọi người hãy trói tôi lại, nộp cho bọn chư hầu để cầu xin chúng nó xá tội đi!

Câu nói chưa dứt, các chiến sĩ nghĩa quân đã không nén nổi xúc động, đồng thanh hô to:

– Thà hy sinh tất cả, nhất định không giao nộp Muynde!

– Quyết liều mạng với Philíp.

Qua cuộc tranh cãi này, ý chí của đội quân cách mạng thêm kiên định.

Đột nhiên có hai người len lén từ trong đám đông lách ra. Chúng lôi một chiếc xe ra, định chạy đi đầu hàng địch. Thấy vậy, các chiến sĩ bèn bắt chúng, giải đến trước mặt Muynde. Thì ra đó chính là tên kỵ sĩ và lão thầy tu, những kẻ đã trà trộn vào hàng ngũ nghĩa quân.

Muynde giọng đanh thép, ra lệnh:

– Chém đầu để cảnh cáo những kẻ khác!

Tẩy sạch được bọn phản bội, nghĩa quân nông dân càng đoàn kết, tinh thần chiến đấu càng hăng hái hơn.

Đại bác của địch bắn đến như mưa, đạn bay tứ tung, nghĩa quân thương vong rất nhiều. Họ không có hầm hào, không có lô cốt, vẫn anh dũng bám giữ ngọn đồi, đánh trả bằng những khẩu đại bác hiếm hoi của họ. Nhưng số chiến sĩ ngày càng ít dần. Chưa được nửa ngày mà nghĩa quân đã hy sinh quá nửa.

Kẻ địch lại dội tiếp một trận đại bác nữa, công sự phòng ngự bằng những xe ngựa quay lại đã bị bắn tan một mảng lớn. Ky binh của địch xông vào, tả xung hữu đột giữa đám nghĩa quân. Vó ngựa dẫm nát xương và dính đầy máu nghĩa quân! Mấy khẩu đại bác của nghĩa quân đã rơi vào tay địch! Tình thế của nghĩa quân ngày càng khó khăn, nhưng họ vẫn dùng tính mạng của mình bảo vệ ngọn đồi cho đến lúc quân thù chiếm được toàn bộ.

Quả đồi nhỏ tượng trưng cho ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân Đức, từ ngày ấy trở thành thánh địa tưởng niệm của nhân dân Đức, mọi người gọi nó là “Sơriakhốtbéc” nghĩa là “Ngọn đồi chiến đấu”.

Một số ít nghĩa quân nông dân còn lại dưới sự lãnh đạo của Muynde rút về cố thủ thành Phơrăngkenhaoxen. Nhưng bọn kỵ binh đã đi nhanh hơn, kịp vào thành cùng lúc với họ và một cuộc hỗn chiến đã diễn ra trong thành. Muynde không may bị thương vào đầu và bị kẻ thù bắt sống.

Muynde bị trói trước một ngôi nhà xây bằng những viên đá lớn. Tên bá tước Philíp thẩm vấn ông:

– Mày có đầu hàng không?

– Không! – Muynde bình tĩnh trả lời.

– Mày có sám hối không?

– Không!

Quyền lực của chư hầu và quý tộc là do Chúa ban cho. Mày dám lấy trứng chọi với đá? – Tên bá tước nói giọng khàn khàn như vịt đực.

– Không phải! Chúa đã sắp đặt cho mọi người được bình đẳng. Thiên đàng thực sự sẽ không có quý tộc và chư hầu, không có người bóc lột người.

– Mày chống lại Giáo hội, mày là tín đồ dị giáo, phải chịu cực hình.

– Không Ta tin ở Chúa, chỉ có các người mới làm trái ý Chúa!

Tên bá tước tức tối tưởng chừng như sắp nổ con ngươi.

– Cho mày đi lên gặp Chúa!

Muynde, người chiến sĩ kiên cường, người lãnh đạo kiệt xuất cuộc chiến tranh nông dân Đức đã bị sát hại. Năm ấy ông mới 35 tuổi: Mọi người mãi mãi không quên sự nghiệp đấu tranh của ông. Tuy ông hy sinh đã hơn 400 năm, nhưng ngôi nhà được xây bằng đá ấy trong thành phố Phơrăngkenhaoxen đến nay vẫn được bảo tồn. Và người ta vẫn thường nhìn thấy từng đoàn người Đức và khách nước ngoài đến trước ngôi nhà, nơi ông đã hy sinh, để tưởng nhớ về ông.

Ngày 25 tháng 5 năm 1525, bọn quý tộc đã dùng lực lượng vũ trang đánh chiếm thành phố Phơrăngkenhaoxen. Các nghị sĩ của “Nghị viện vĩnh cửu” bị tàn sát dã man. Bọn chúa phong kiến đã mở cuộc phản công mang tính diệt chủng: biết bao nhiêu làng mạc đã bị tàn phá, hàng vạn nghĩa quân nông dân đã bị sát hại, chế độ nông nô lại được phục hồi, nông dân Đức một lần nữa bị dìm trong địa ngục tăm tối.

Song, quan niệm bình đẳng và khẩu hiệu xóa bỏ bóc lột do “Nghị viện vĩnh cửu” nêu ra vẫn đang cổ vũ nhân dân Đức, cổ vũ những người đòi cải cách trên toàn thế giới.

Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức tuy thất bại, nhưng đã có những cống hiến rất lớn. Nó đã làm lung lay tận gốc sự khống chế của Giáo hoàng Rôma trên đất Đức, thế lực của Giáo hội đã bị đánh đổ, thay vào đó là một giáo phái của chính nước Đức – Tân giáo (của Mactin Luthơ), đã góp phần to lớn vào nền độc lập dân tộc của nước Đức. Thời ấy, Giáo hội là dinh lũy phong kiến quan trọng ở nước Đức, thế lực Giáo hội suy yếu cũng có nghĩa là thế lực phong kiến suy yếu. Bọn chúa phong kiến, nhất là các chư hầu nhỏ, bọn kỵ sĩ đều đã suy yếu trong cuộc chiến tranh ấy. Chỉ có các chư hầu lớn là có lợi, địa bàn của chúng được mở rộng thêm, và chính điều đó đã tạo điều kiện cho sự thống nhất cuối cùng của nước Đức sau này. Còn tinh thần đấu tranh của nhân dân Đức thì sáng mãi ngàn thu trong lịch sử nhân loại!

Từ trước đến giờ, người cầm quyền cao nhất của Thiên chúa giáo – Giáo hoàng – chẳng phải luôn sống ở Rôma Italia đó sao. Vậy tại sao ở Giơnevơ Thụy Sĩ cũng lại có một vị Giáo hoàng. Ông ta là Giáo hoàng của đạo gì vậy? Và là một con người như thế nào?

Sau Mactin Luthơ, ở Thụy Sĩ đã xuất hiện một lãnh tụ cải cách tôn giáo nổi tiếng. Tên ông là Giăng Canvanh, người sáng lập ra dòng chính của Tân giáo. Dòng đó được mang tên ông: dòng đạo Canvanh. Vì ông thường trú ngụ tại Giơnevơ, cho nên mọi người thường gọi ông là “Giáo hoàng Giơnevơ”.

Thực ra vị “Giáo hoàng Giơnevơ” vốn là người Pháp.

Canvanh sinh năm 1509 trong gia đình một viên thư lại ở miền Bắc nước Pháp. Cha ông mong muốn ông trở thành một luật gia nên đã cho ông vào học luật tại trường đại học Buốcgiơ có tiếng lúc bấy giờ.

Ở trường đại học, Canvanh không chỉ nghiên cứu luật, mà còn nghiên cứu triết học, sớm tiếp cận với những nhà nhân văn chủ nghĩa, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Luthơ. Sau khi tốt nghiệp đại học. Ông vừa dạy học, tham gia hoạt động văn học, vừa liên hệ chặt chẽ với các tổ chức Tân giáo ở nước Pháp.

Thời kỳ ấy, Pháp còn đánh nhau với Đức. Để được sự ủng hộ của các chư hầu Đức theo Tân giáo, vua Pháp đồng ý cho Luthơ truyền đạo trên đất Pháp. Nhưng trong chiến tranh, Pháp liên tiếp thất bại, các chư hầu. theo Tân giáo ở Đức cũng dần dần không ủng hộ, nên vua Pháp xấu hổ quá hóa giận, từ năm 1534 đã đàn áp những tín đồ Tân giáo. Canvanh phải bỏ ra nước ngoài, lúc đầu ông chạy sang Đức sau ông đến Bađen của Thụy sĩ.

Thụy Sĩ lúc này trên danh nghĩa phụ thuộc vào Đế quốc Rôma thần thánh, nhưng thực tế là một liên minh gồm nhiều bang độc lập. Nhiều thành phố ở gần Nam Âu và bắc Âu đã có những tuyến đường thông thương, công thương nghiệp phát đạt, được hưởng đầy đủ quyền tự trị, lại được lập những nghị viện thành phố tương đối dân chủ: Thêm vào đó, dân chúng thành phố phản đối sự ràng buộc của Giáo hội và thế lực phong kiến đối với họ, nên việc cải cách tôn giáo trở thành một hình thức đấu tranh chính trị của họ.

Từ lâu, trước khi Canvanh đến Thụy sĩ, một vị cha cố ở Duyrich tên là Xiônry cũng đã tiến hành cải cách tôn giáo. Ông ta phủ nhận quyền uy của Tòa thánh Rôma, phản đối việc bán “phiếu chuộc tội”, chủ trương các giáo sĩ có thể kết hôn, – đòi giải tán các tu viện và tịch thu tài sản của nó; ông còn đề nghị xóa bỏ nghi thức sám hối, cấm lễ bái tượng thánh, mục sư phải do tín đồ bầu ra một cách dân chủ v. v. Những chủ trương tôn giáo đó có lợi cho giai cấp tư sản mới lên, cho nên được nghị viện thành phố ủng hộ. Nhưng các nhà quý tộc sùng tín đạo Thiên chúa thì cực lực phản đối. Xiônry muốn dùng vũ lực để mở rộng Tân giáo, kết quả là dẫn đến nội chiến, bản thân ông đã chết trong một trận đánh năm 1531. Vì vậy, khi Canvanh đến Thụy Sĩ thì Thiên chúa giáo và Tân giáo đang đấu tranh quyết liệt với nhau và Tân giáo đã mất người đứng đầu của mình.

Canvanh đến Bađen, ông tập trung nghiên cứu về cải cách tôn giáo. Năm 1536, ông viết cuốn “Nguyên lý đạo Kitô”, trình bày một cách có hệ thống những nguyên lý của Tân giáo.

Cuốn sách ra đời làm xôn xao dư luận Thụy Sĩ, các tín đồ Tân giáo bàn tán khắp nơi:

– Ông đã đọc “Nguyên lý đạo Kitô” chưa? Lý lẽ của ông ta còn thấu triệt hơn “Luận cương 95 điều” của Luthơ!

– Đúng thế, tôi thấy ông ta nói rất rõ ràng từ khi Chúa sáng tạo ra thế giới đã chia con người thành hai hạng, một hạng cần cân nhắc và một hạng nên bỏ qua. Một số người phát tài giàu có, không phải vì họ bóc lột và lừa đảo, mà vì đó là những người Chúa muốn cân nhắc; còn với những người bần cùng khốn khổ, họ cần phải phục tùng ý chỉ bất khả kháng của Thượng đế.

– Thế vì sao Chúa lại cấm đoán diễn kịch và đánh bạc. Sống thế chẳng hóa ra đơn điệu lắm sao?

– Ồ! Đó chính lại là đạo đức mà mỗi người nên có. Con người phải sống tằn tiện; xa hoa lãng phí, ham mê chơi bời sẽ làm cho con người bần cùng, lười biếng, điều đó không thể chấp nhận được. Cho nên Chúa phản đối việc bố thí, ghét những kẻ ăn xin.

Rất rõ ràng, những tư tưởng tôn giáo đó của Canvanh phản ánh sự sùng bái thế lực đồng tiền của giai cấp tư sản mới lên trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, phản ánh bản tính keo kiệt và tham vọng làm giầu của chúng.

Đúng vào năm xuất bản cuốn “Nguyên lý đạo Kitô”, Canvanh đến Giơnevơ, một trong những trung tâm cải cách tôn giáo ở Thụy Sĩ.

Lúc ấy, Giơnevơ đang tiến hành cải cách tôn giáo theo chủ trương của Xiônry. Cuộc đấu tranh giữa Thiên chúa giáo với Tân giáo diễn ra rất quyết liệt. Giữa họ thường nổ ra những cuộc tranh luận về tôn giáo. Trong những cuộc tranh luận ấy, phái “Tái rửa tội” cấp tiến hơn chủ trương tôn giáo của Canvanh thường chiếm ưu thế. Họ tổ chức tầng lớp bình dân thành phố khởi sự, phá hoại các nhà thờ và tu viện của Thiên Chúa giáo. Chính quyền thành phố lo xảy ra chuyện lớn, liền ra lệnh cấm các cuộc họp tranh luận về tôn giáo; tiếp đó bắt đầu hãm hại phái “Tái rửa tội”, đàn áp dã man phong trào quần chúng. Điều đó liên lụy cả đến giáo phái của Canvanh, không còn cách nào khác, Canvanh phải rời Giơnevơ.

Nhưng sau đó, phái cải cách tôn giáo vẫn chiếm ưu thế. Năm 1541, nhận lời mời của nhà cầm quyền thành phố Giơnevơ, Canvanh trở lại Giơnevơ, lãnh đạo cuộc cải cách tôn giáo ở đây.

Việc đầu tiên Canvanh làm là cải cách tổ chức Giáo hội. Theo ông, Giáo hội là tổ chức của “những người được Chúa cất nhắc”, nó không phụ thuộc vào Giáo hoàng Rôma, cũng không phụ thuộc vào các chư hầu địa phương. Giáo chức phải được bầu chọn, trong tín đồ chọn ra vị trưởng lão và mục sư để quản lý Giáo hội. Nói chung, trưởng lão là người dân thành thị có nhiều tiền nhất. Các đơn vị tổ chức theo đạo Canvanh, thực hiện hợp nhất tôn giáo và chính trị, cùng nhau kết thành liên minh, chịu sự lãnh đạo của Hội nghị tôn giáo cao cấp triệu tập theo định kỳ.

Như vậy trên thực tế, Giơnevơ đã trở thành một nước cộng hòa thần quyền có sự hợp nhất giữa tôn giáo và chính trị. Mỗi công dân trong thành phố đều đồng thời chịu sự ràng buộc của pháp luật Nhà nước và kỷ luật của tôn giáo. Giáo chức quản lý mọi mặt: cấm nhảy múa, diễn kịch, ca hát, thậm chí không cho mặc quần áo đẹp. Hễ người nào vi phạm các quy định hoặc lười biếng, tham lam đều giao cho Tòa án xét xử và luận tội.

Từ đó Canvanh trở thành chúa tể tối cao ở Giơnevơ. Giáo hội và chính quyền thành phố đều phải quỳ dưới uy quyền của ông ta. Trách nào Giơnevơ đã trở thành “Rôma của Tân giáo” và Canvanh được gọi là “Giáo hoàng Giơnevơ”.

Canvanh là người sáng lập một dòng mới trong Tân Giáo, nhưng ông lại coi những dòng khác trong Tân Giáo là “dị đoan”, và cũng như đối với Thiên Chúa giáo, ông không khoan nhượng. Ông đặc biệt thù ghét Phái “Tái rửa tội” cấp tiến, ông đã đuổi các tín đồ của phái đó ra khỏi Giơnevơ hoặc xử tử họ.

Năm 1553, nhà khoa học nổi tiếng Tây Ban Nha Maicơn Sécvêtut tình cờ đến Giơnevơ. Nhà bác học đó là người phát hiện ra quá trình tiểu tuần hoàn máu giữa tim và phổi, một người rất có tiếng tăm thời bấy giờ. Vì Sécvêtut đã từng phê bình giáo lý của Canvanh trên một số sách vở, lại có liên hệ với Phái “Tái rửa tội”, nên Canvanh đã bắt nhà bác học và xử tử hình. Hành động bạo ngược đó đã gây bất bình trong giới trí thức, Canvanh đã phải viết một bài để bào chữa cho mình.

Hình thức tổ chức của Giáo hội Canvanh có lợi cho sự thống trị của giai cấp tư sản, cho nên ở những nước kinh tế tư bản tương đối phát triển, giai cấp tư sản mới lên đã nắm được chính quyền, đạo Canvanh được truyền bá rộng rãi. Cuộc cách mạng tư sản ở Nêđéclan thế kỷ 16 chính là đã thành công dưới lá cờ của đạo Canvanh.

Sau cuộc cải cách tôn giáo ở Giơnevơ, nước Anh cũng cải cách tôn giáo, tổ chức tôn giáo của họ mang tên “Hội Thánh Công”, đó cũng là 1 tổ chức chính giáo hợp nhất mà vua Anh là lãnh tụ tôn giáo.

Từ đó Kitô giáo có 3 phái: “Thiên chúa giáo” trực thuộc Giáo hoàng Rôma; “Đông chính giáo” vốn thuộc hệ thống Đế quốc Đông Rôma và “Tân giáo” bao gồm các dòng của Mactin Luthơ, Canvanh, Hội Thánh Công và các phái cải cách khác. Người Trung Quốc gọi Tân giáo là Gia Tô giáo, hoặc gọi chung là Cơ đốc giáo.

Cừu làm sao ăn được thịt người kia chứ? Ngay trong chuyện ngụ ngôn cũng chẳng mấy khi có chuyện này. Thế nhưng, đây lại là câu chuyện có thật trong lịch sử nước Anh đấy! Từ cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, đích thực là có hàng vạn người đã bị cừu “ăn thịt”. Đây là một tai họa mang tính lịch sử.

Muốn kể được rõ ràng chuyện này, phải bắt đầu từ chế độ ruộng đất khi đó của nước Anh.

Vào thời trung thế kỷ, đất đai ở nước Anh đều nằm trong tay quý tộc, giáo hội và hoàng gia; ngay cả nông dân chiếm hữu ruộng đất suốt đời, hoặc đời nọ truyền đời kia, cũng phải nộp tô cho địa chủ quý tộc, trông mong vào làm ruộng để nuôi sống cả gia đình, rời khỏi ruộng đất là hết đường sinh sống ngay.

Tới cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, do buôn bán với nước ngoài tăng trưởng, khiến ngành len dạ phát triển, nhu cầu về lông cừu tăng mạnh, giá lông cừu tăng lên liên tục. Địa chủ quý tộc đã làm một con tính: lao động cần cho việc nuôi cừu ít hơn trồng trọt, mà tiền công cho người nuôi cừu cũng rẻ hơn nhiều, cho nên kinh doanh chăn nuôi, thu lợi cao gấp  đôi trồng trọt. Đã vậy thì tội gì không dốc sức ra kinh doanh nuôi cừu kia chứ?

Nhưng có điều, phát triển nghề nuôi cừu quy mô lớn thì cần rất nhiều đất đai để làm trại chăn nuôi. Lúc đầu, họ khoanh những vùng đất công như rừng rậm, đất hoang, đầm lầy để làm bãi chăn thả. Về sau, đất đai nông dân cha truyền con nối đã canh tác nhiều đời cũng bị chúng cướp đoạt bằng vũ lực. Trong thế kỷ XVI, diện tích ruộng đất bị chiếm đoạt đã chiếm quá nửa đất đai cả nước. Đấy chính là cái được gọi là “phong trào khoanh đất” trong lịch sử nước Anh.

Thế là, tai họa mới đã giáng xuống đầu hàng nghìn hàng vạn gia đình nông dân. Nhà cửa đẹp đẽ bị dỡ bỏ, hàng đoàn hàng lũ người bị đuổi đi. Họ lang thang không nhà không cửa, chịu đói chịu rét, rất nhiều người đã chết rất thê thảm. Khi ấy có người đã viết trong sách: “Cừu vốn dĩ rất hiền lành, chỉ biết ăn cỏ thôi, giờđây đã trở nên tham lam, hung dữ, và đã ăn cả thịt người!” Câu nói “cừu ăn thịt người” này, đích xác là đúng với sự thực.

Tai họa đâu phải chỉ có thế. Đông đảo nông dân lang thang khắp nơi, chỉ mong tìm được một việc làm để kiếm sống, nhưng tìm đâu ra được nhiều công việc như vậy. Thế là họ nhanh chóng biến thành ăn mày và trộm cắp, trật tự xã hội cũng ngày càng hỗn loạn.

Nhà vua Anh sợ để thế này sẽ xẩy ra bạo loan, bèn ban bố pháp lệnh, hạn chế bớt việc khoanh cướp đất. Nhưng, đám địa chủ quý tộc giầu có cứ ra sức mở trang trại để làm giầu, có kẻ nào chịu dừng lại đâu! Nhà vua liền ban bố một loạt pháp lệnh, dùng bạo lực ngăn cấm nông dân lang thang.

Nhưng chính lệnh trừng trị nông dân lang thang này, thật sự đẫm máu và cực kỳ ghê rợn. Pháp lệnh quy định: Tất cả những kẻ lang thang ăn xin, phải có giấy phép được nhà nước cấp, và chỉ cấp cho những người già và mất sức lao động. Còn những kẻ lang thang mà khỏe mạnh thì bị bắt tất cả trói vào sau xe ngựa lấy roi đánh cho tới khi vãi máu ra mới thôi, rồi bắt phải thề, sau đó tống về quê quán; lần thứ hai bị bắt, ngoài phạt đánh roi ra, còn xẻo đi nửa chiếc tai; lần thứ ba bị bắt, thì xử tử hình.

Pháp lệnh ban bố về sau lại còn ghê gớm hơn: Tất cả những ai từ chối lao động, một khi bị tố giác thì bị xử làm nô lệ cho người tố giác; người chủ có quyền dùng roi vọt hoặc xiềng xích cưỡng bức anh ta lao động. Nếu bỏ trốn và sau 14 ngày bị bắt về thì bị xử tội làm nô lệ suốt đời, và đóng dấu chín lên trán hoặc lưng; người chủ được tự do chuyển nhượng, bán đi hoặc đem cho người khác. Những người bỏ trốn ba lần thì bị tội tử hình.

Cuộc sống như vậy thì làm sao chịu đựng được? Nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại phong trào khoanh cướp đất “Cừu ăn thịt người” đã nổ ra ở khắp nơi trên nước Anh. Có ảnh hưởng lớn nhất là khởi nghĩa Ket nổ ra ở quận Noocphôn miền đông.

Trong một đêm tháng 6 năm 1549, những người nông dân phá sản ở một thị trấn nhỏ quận Noocphôn đã phá hủy hàng rào bao quanh một nhà giầu có. Hôm sau, nhà địa chủ này xúi giục nông dân phá hủy hàng rào của Rôbớt Ket láng giềng có thù oán với ông ta. Nào ngờ Ket lại nói với nông dân rằng ông ta dựng hàng rào khoanh đất là sai, mọi người phá đi là đúng; không những phải phá của ông ta, mà còn phải phá tất cả các hàng rào khác.

Nông dân thấy ông đứng về phía mình, liền cử ông lãnh đạo mọi người chống lại việc khoanh đất của địa chủ quý tộc. Cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu như vậy.

Rôbớt Ket là một quý tộc nhỏ, có tài tổ chức. Ông nhanh chóng tập hợp được một đội ngũ nông dân, tiến thẳng vào Noócuyt thủ phủ của quận.

Đầu tháng 7, đội ngũ của Ket tiến đến dưới thành Noócuyt. Chính quyền thủ phủ sợ quá đóng chặt cổng thành, không để họ vào. Thế là Ket đóng quân ở trong rừng ngoài thành. Dân nghèo trong thành, nông dân phá sản, thợ thủ công các nơi ùn ùn kéo đến theo khởi nghĩa. Chẳng bao lâu, đội ngũ phát triển tới hai vạn người.

Trong rừng rậm, những người khởi nghĩa bàn bạc hành động tiếp phải làm như thế nào.

– Đánh ngay vào trong thành, treo cổ tuốt tuột bọn địa chủ đang trốn ở trong ấy

– Đúng trước tiên phải treo cổ bọn chúng đã, sau đó phá hủy hàng rào, lấp bằng mọi ngòi rãnh, để mỗi người trong chúng ta được sử dụng trại chăn nuôi chung.

– Không chỉ riêng trại chăn nuôi, mọi thứ khác chúng ta cũng phải được hưởng thụ bình đẳng!

Ket tuy phản đối khoanh đất, nhưng chính ông cũng là quý tộc, cho nên sự phản kháng của ông không triệt để. Ông thấy ý kiến mọi người gay gắt, vội vàng nói:

– Mục đích khởi sự của chúng ta là để chống lại việc khoanh cướp đất, cho nên phải làm tờ trình khẩn cầu quốc vương bệ hạ đình chỉ việc làm này, phục hồi quyền lợi sử dụng đất công cho nông dân chúng ta, giảm địa tô, phế bỏ tòa án trang trại, để chúng ta thoát khỏi cuộc sống nông nô. Đòi hỏi quá đáng là không thích hợp, và cũng không thể làm được.

Trong đám người tham gia khởi nghĩa cũng có nhiều quý tộc nhỏ, họ ủng hộ chủ trương của Ket, thế là khởi thảo một bản cương lĩnh, chuẩn bị trình lên nhà vua:

Nhà cầm quyền thủ phủ trước khí thế rầm rộ của quân khởi nghĩa, một mặt tỏ ý có thể thỏa mãn một phần yêu cầu của nông dân, mặt khác khẩn cấp cử người báo cáo với nhà vua. Mấy ngày sau, nhà vua cho người mang lệnh đại xá tới, bắt nông dân khởi nghĩa phải giải tán trở về quê quán ngay.

Nông dân thấy nhà vua không đáp ứng đòi hỏi của họ, liền nhao nhao phản đối.

– Chúng tôi là người vô tội, người chính trực, chẳng cần ai phải xá tội cả!

Ket thấy quần chúng sục sôi khí thế, liền ra lệnh đánh thành Noócuyt. Ngày 22 tháng 7, quân khởi nghĩa chiếm được thủ phủ.

Vua Anh biết tin thành Noócuyt đã mất, vội vã cử một hầu tước đem 1200 quân lính đến cướp lại thành, kết quả bị quân khởi nghĩa đánh bại. Nhà vua lại cử một bá tước thống lĩnh 15.000 quân đánh thuê người Đức và Italia đến đàn áp khởi nghĩa.

Hạ tuần tháng 8, quân khởi nghĩa đã chiến đấu quyết liệt với đội quân đánh thuê của bá tước. Quân khởi nghĩa đã phạm một sai lầm nghiêm trọng: họ rời bỏ dinh luỹ phòng ngự trong rừng rậm, đến tác chiến với quân đánh thuê ở thung lũng một con sông. Kỵ binh quân đánh thuê lợi dụng ưu thế địa hình, xông vào chém giết nông dân khởi nghĩa không có kinh nghiệm tác chiến. Qua hai ngày chiến đấu, quân khởi nghĩa bị đánh bại hoàn toàn, chết tới 3500 người.

Khi trận chiến chưa kết thúc, Ket cưỡi ngựa tháo chạy khỏi chiến trường, sau đó bị bắt, bị xử tội treo cổ; hơn 300 nông dân khởi nghĩa cũng bị xử tội như vậy.

Bọn địa chủ quý tộc quận Noócphôn, vốn sợ hết hồn hết vía trước quân khởi nghĩa, bây giờ yêu cầu phải chém giết thật nhiều: Bọn chúng cho rằng bá tước giết còn quá ít. Bá tước buộc phải bảo rằng, nông dân là cuội nguồn của mọi thứ của cải của họ, không thể chém giết hết được. Ông ta đã nói với họ một vấn đề rất có ý nghĩa:

– Các ông muốn làm nông phu trên ruộng đất của mình sao?

Đám địa chủ quý tộc lúc ấy mới vỡ lẽ.

Khởi nghĩa Ket là một cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn nhất kể từ sau khởi nghĩa Tai-lơ năm 1391 ở Anh. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã khiến cho phong trào khoanh cướp đất bị chặn lại một thời gian. Tới nửa sau thế kỷ XVII, phong trào khoanh cướp đất bước vào giai đoạn mới, từ tư nhân khoanh chiếm biến thành hành vi hợp pháp được quốc hội phê chuẩn.

Từ nuôi cừu đến khoanh cướp đất, từ nông dân nhà tan cửa nát đến buộc phải vùng lên làm phản, cuối cùng đã bị tàn sát hàng loạt, đấy lẽ nào không phải là sự phản ánh chân thực của tai họa “cừu ăn thịt người” đó sao? Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đúng là đã xây dựng trên cơ sở “cừu ăn thịt người” đẫm máu này.

Nữ hoàng Scốtlen Mari bị phế truất và bị nữ hoàng Anh Êlisabét đệ nhất bỏ tù gần 20 năm. Bà chạy trốn sang Anh vì xẩy ra đảo chính ở trong nước vào năm 1568, đến nước Anh lại thành tù nhân của Êlisabét.

Sau khi Mari bị cầm tù, những người Thiên chúa giáo thuộc tầng lớp trên chống Êlisabét ở Anh lập tức gây ra bạo động vũ trang, hòng cứu Mari ra khỏi nhà tù và lập bà lên làm nữ hoàng Anh. Những người ủng hộ cuộc bạo động không phải chỉ có Giáo hoàng Rôma, mà còn có nhà vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị. Vì thế Êlisabét căm thù Philip đệ nhị đến tận xương tủy. Về sau, bạo động tuy bị đàn áp, nhưng vua Tây Ban Nha vẫn tiếp tục phái gián điệp đến tổ chức những kẻ âm mưu của Thiên chúa giáo nước Anh ám sát Êlisabét. Êlisabét đã tìm cách giết Mari, nhưng nhất thời chưa tìm được cớ nào.

Một hôm, quan quốc vụ đại thần tâu với Êlisabét:

– Tâu nữ hoàng bệ hạ, Mari không chết thì nước Anh không có cuộc sống thái bình được đâu ạ.

– Đúng vậy – Nữ hoàng gật đầu nói – Nhưng giết bà ta, Tây Ban Nha sẽ có cớ để vũ trang can thiệp. Chiến tranh với họ, trong nước sẽ càng không được yên ổn.

– Theo hạ thần, tác chiến công khai với Tây Ban Nha là điều không tránh được Philip đệ nhị là địch thủ buôn bán trên biển của nước Anh chúng ta, họ sớm đã muốn đọ sức với chúng ta. Chỉ có đánh bại họ, trong nước mới thái bình được. Vấn đề hiện nay là chúng ta phải tìm một cớ để giết Mari, cứ nói Mari là kẻ đồng mưu giết Nữ hoàng bệ hạ!

Êlisabét lắc đầu:

Sao lại nói như thế được? Mari còn bị giam trong ngục, chẳng có ai tin bà ta có thể mưu giết được ta. Hơn nửa, giết bà ta cũng phải có chứng cớ.

Đại thần quốc vụ cười:

Điều này bệ hạ không phải lo, tôi sẽ bố trí tất cả. Tôi sẽ gài người vào trong bọn âm mưu, để chúng liên lạc với Mari. Những thư từ trao đổi bí mật há không phải là bằng chứng thép hay sao?

Kế phản gián của đại thần Quốc vụ quả nhiên đã thành công. Tới tháng 9 năm 1586, ông đã có đủ mọi chứng cứ cần thiết, bọn âm mưu bị bắt và xử tử. Tháng 2 năm sau, Mari cũng bị chém đầu.

Mari bị xử tử là một thất bại nặng nề của giáo hội Thiên chúa Châu Âu. Giáo hoàng lập tức ban bố chiếu thư đặc biệt, kêu gọi tín đồ Thiên chúa đi chiến đấu với nước Anh. Vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị hưởng ứng đầu tiên. Để tấn công nước Anh, suốt mùa hè năm ấy ông đã tập hợp và trang bị một hạm đội lớn – “Hạm đội vô địch”.

Philip đệ nhị dĩ nhiên không chỉ vì báo thù cho Mari mới đánh nhau với nước Anh. Điều ông tức giận nhất là, nước Anh đã luôn dùng bọn cướp biển đến các nước thuộc địa của ông ta buôn lậu và ăn cướp tầu thuyền chở vàng bạc của Tây Ban Nha, phá rối đường hàng hải, làm cho Tây Ban Nha bị thiệt hại lớn. Nếu không đánh bại nước Anh, thì không bảo vệ được vị trí “bá chủ trên biển” của Tây Ban Nha. Hơn nữa, sau khi cách mạng Nêđéclan nổ ra, để làm suy yếu Tây Ban Nha, nước Anh đã cho phép đội du kích trên biển của Nêđéclan sử dụng cảng nước Anh, khiến cho Philip đệ nhị không thể nào dẹp yên được bạo loạn ở đây. Giờ đây, hy vọng để Mari thay thế Êlisabét đã tan vỡ, chỉ có thể dùng vũ lực nữa thôi.

Tháng 7 năm 1588, “Hạm đội vô địch” ra khơi từ một cảng ở tây bắc Tây Ban Nha. Hạm đội gồm 130 chiến hạm, có 60 chiến hạm cỡ lớn – Loại chiến hạm cỡ lớn này có hình dáng cây cung, lừng lững trên mặt biển như một tòa nhà cầu. Hạm đội có tất cả 3 vạn người, thuyền viên, thủy thủ 7000 người, bộ binh tinh nhuệ 23.000 người, trang bị 3000 khẩu pháo – Tổng tư lệnh hạm đội là một vị tướng lục quân rất giầu kinh nghiệm.

Ngày 21 tháng 7, hạm đội tiến vào eo biển Anh, đậu lại gần một cảng miền nam nước Anh.

Theo kế hoạch tác chiến, hạm đội tránh đụng độ với chiến hạm Anh trên biển, mà trực tiếp đi thẳng tới Đoongkec, hội nhập với đoàn lục quân viễn chinh do Tổng đốc Tây Ban Nha ở Nêđéclan chỉ huy, rồi hộ tống đoàn quân viễn chinh cùng đổ bộ lên nước Anh.

Sáng sớm hôm sau, hạm đội khổng lồ vừa mới di chuyển được một lúc thì nhận được báo cáo:

– Thưa ngài Tổng tư lệnh, phía trước có hạm tầu địch.

– Bao nhiêu?

– Khoảng 140 chiếc, trong đó có khoảng 20 tầu cỡ lớn.

Tổng tư lệnh lập tức bước lên đài quan sát, dùng kính viễn vọng vừa theo dõi vừa nói:

– Hừm, khá nhiều, nhưng toàn là tầu nhỏ, không đáng sợ. Truyền lệnh ta: Thay đổi kế hoạch, đón đánh tầu địch. Tăng hết tốc độ tiến sát tầu địch, bộ binh sẵn sàng chuẩn bị tác chiến xông lên tầu!

Chiến hạm Anh từ từ tiến gần lại. Vừa tới tầm bắn thì pháo lớn gầm lên, từng cột sóng lớn ào ào dựng lên trên mặt biển.

“Hạm đội vô địch” dàn thành mấy mũi, tăng tốc lực tiến sát chiến hạm Anh. Ý đồ Tổng tư lệnh rất rõ ràng, bộ binh Tây Ban Nha khá mạnh trên thế giới, chỉ cần áp sát và níu chặt chiến hạm Anh, bộ binh mới phát huy được hết tác dụng đánh giáp lá cà có thắng lợi hay không là then chốt giành được thắng lợi hay không của “Hạm đội vô địch”.

Nào ngờ chiến hạm Anh không bao giờ để chiến hạm Tây Ban Nha áp sát cả. Điều kỳ lạ là khi tầu họ quay ngang vẫn nổ được pháo, hơn nữa tốc độ bắn nhanh, hỏa lực mạnh và rất trúng đích, trong chốc lát rất nhiều tầu của “Hạm đội vô địch” đã trúng đạn bốc cháy.

Nguyên do là chiến hạm cỡ lớn của Anh khác với của Tây Ban Nha, tầu của họ tương đối dài, không có kết cấu lầu thuyền, hơn nữa ngoài việc đặt pháo trên boong tầu ra, pháo còn được bố trí ở các cửa sổ mạn tầu. Vì thế vận tốc nhanh, linh hoạt, hỏa lực mạnh. Tác chiến trên hạm đội có khoảng 9000 người, toàn là thuyền viên và thủy thủ, không có bộ binh. Chiến hạm Tây Ban Nha thể tích lớn, chở đầy bộ binh, tuy rằng số lượng người và trọng lượng chiếm ưu thế, nhưng lại trở thành mục tiêu tập trung hỏa lực của chiến hạm Anh.

Đấu pháo mãnh liệt kéo dài suốt một ngày. Tới hoàng hôn thì hai kỳ hạm của một phân đội “Hạm đội vô địch” trúng đạn bị thương, viên tư lệnh phân đội bị bắt sống.

Giao chiến tới ngày thứ bẩy, “Hạm đội vô địch” chạy vào eo biển Đôvơ. Tổng tư lệnh nóng lòng sốt ruột đợi chờ quân tiếp viện từ phía Đoongkec. Nhưng một phân hạm đội của Anh sớm đã phong tỏa mặt biển Nêđéclan, quân Tây Ban Nha không tài nào hội hợp được.

Đêm khuya ngày thứ tám, mặt biển nổi gió tây rất mạnh. Binh lính “Hạm đội vô địch” qua mấy ngày chiến đấu gian khổ, sớm đã chìm trong giấc ngủ.

Vào nửa đêm, đột nhiên có người đánh thức Tổng tư lệnh, báo cáo khẩn cấp:

– Báo cáo Tổng tư lệnh, trên biển xuất hiện tám con rồng lửa, đang tiến nhanh về phía hạm đội ta!

Tổng tư lệnh không kịp mặc quần áo, lao vội lên boong tầu, đã thấy tám con rồng lửa đang lướt theo gió tây, vun vút lao như bay xông vào hạm đội. Sau khi xô vào tầu, ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt,. khói tỏa mù mịt – Trong khoảnh khắc, rất nhiều tầu bốc cháy đùng đùng.

Đây là diệu kế hỏa công của hạm đội Anh, Họ đã chọn ra tám chiếc tầu buôn cũ, thân tầu quét đầy nhựa đường, trong khoang tầu chất đầy thứ dễ bốc cháy, sau khi châm lửa thuận theo chiều gió xông thẳng vào hạm đội Tây Ban Nha.

Tổng tư lệnh vội vàng ra lệnh:

Chặt đứt giây cáp ngay! Chặt đứt giây cáp ra khơi ngay!

Cả hạm đội rối loạn: có tầu dùng rìu chặt cáp, có tầu thì bơm nước chữa cháy, có tầu thì lao ra biển chạy trốn. Trong cơn hoảng loạn, tầu xô vào nhau chìm, tiếng kêu thét inh ỏi.

Bình minh ngày thứ chín, hạm đội Anh tiếp tục tấn công, pháo kích cực kỳ dữ dội Hôm ấy, năm chiếc tầu cỡ lớn của “Hạm đội vô địch” bị hỏa lực của Anh bắn cho mất sức chiến đấu, 4000 sĩ quan binh lính bị bắn chết, bị chết đuối.

Viên tổng tư lệnh thấy không còn thế mạnh nữa, hết hy vọng đổ bộ, đành ra lệnh cho hạm đội rút lên Biển Bắc, đi đường vòng quay về Tây Ban Nha.

Trên đường trở về, “Hạm đội vô địch” lại gặp bão, mất thêm một số tầu nữa; lúc tiến vào Đại Tây Dương, lại một số nữa bị đắm vì đụng phải đá ngầm, số người bị Anh bắt sống là 5000.. . Sau hai tháng trời, Tổng tư lệnh mới đưa được những tầu còn sống sót trở về tới Tây Ban Nha. Trận hải chiến này, “Hạm tầu vô địch” hầu như đã bị đánh tan tành trong khi hạm đội Anh chỉ chết có 100 người.

“Hạm đội vô địch” bị tiêu diệt, làm cho Tây Ban Nha từ đó kiệt quệ, nhanh chóng suy yếu đi. Trong chiến dịch này, nước Anh đã đánh gục đối thủ mạnh trên biển khi đó, đoạt được bá quyền trên biển, từ đó đẩy nhanh phát triển chủ nghĩa tư bản của mình.

Chọn tập
Bình luận
× sticky