CHỦ NGHĨA KHÔNG TƯỞNG (UTOPIA)
– Bây giờ tuyên bố phán quyết – Quan tòa Pháp viện cao cấp Hoàng gia Anh đứng dậy dõng dạc nói.
Phiên tòa phút chốc im lặng hẳn đi.
– Nguyên chánh án Tômát Morơ đã ngang nhiên chống lại Luật quyền lực tối cao được Quốc hội thông qua năm 1554, ba lần từ chối tuyên thệ công nhận Quốc vương bệ hạ là lãnh tụ tôn giáo của nước Anh, thậm chí còn tuyên bố: Quốc hội không có quyền tuyên bố vai trò lãnh tụ tối cao của Giáo hội, ông đã phạm tội phản quốc. Theo nghị quyết của ủy ban đặc biệt của tòa, phải xử tử hình.
Người tên là Morơ đó đã gần 60 tuổi, bình thản nghe lời phán quyết. Quan tòa nhìn ông rồi lại tiếp tục nói:
– Sẽ dùng hình thức nghiêm khắc nhất để thi hành việc xử tử ông ta: Kéo lê ông ta trên đất qua thành Luân Đôn tới nơi hành hình, rồi treo cổ ông ta lên; khi đã tắt thở, cởi giây thòng lọng, moi hết ruột gan, móc hết tim phổi, đặt lên giàn hỏa thiêu chặt rời chân tay đóng đinh lên cổng thành, còn đầu thì treo trên cầu Luân Đôn. Phán quyết này được Quốc vương bệ hạ chuẩn y là thi hành ngay!
Morơ nghe xong lời nghị án, thần sắc vẫn như thường, chỉ hơi mỉm cười, dường như điều đó đã được ông dự tính cả rồi.
Bản phán quyết được trình lên quốc vương Henry VIII ngay, Quốc vương đã ban ơn đặc biệt, đổi thành chém đầu Morơ.
Ngày 6 tháng 7 năm 1535, Morơ ung dung tới nơi hành hình. Chính ông lấy khăn bịt mắt mình lại, nói với tên đao phủ:
– Cổ tôi ngắn đấy, phải nhằm cho trúng nhá, đừng để xẩy ra chuyện không hay:
Lưỡi đao của vua Anh đã chặt đứt đầu Morơ, người đại diện kiệt xuất của chủ nghĩa nhân văn Anh, một nhà tư tưởng lỗi lạc.
Morơ sinh năm 1478 tại Luân Đôn nước Anh. Cha ông đã từng là quan tòa của tòa án cao cấp Hoàng gia Anh – Từ nhỏ ông đã được giáo dục rất tốt, 14 tuổi học văn học cổ điển ở trường đại học Ôcxpho: Khi ấy trường đại học Ôcxpho là trung tâm của chủ nghĩa nhân văn nước Anh, Morơ đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng tiên tiến này. Năm 16 tuổi, ông chuyển sang học pháp luật, ít lâu sau trở thành một luật sư rất nổi tiếng ở Luân Đôn.
Vì Morơ chủ trương công bằng, liêm khiết thẳng thắn nên rất có uy tín, năm 26 tuổi đã được bầu làm nghị sĩ. Năm 32 tuổi, ông làm phó quan chấp chính thành phố Luân Đôn, 43 tuổi được bổ nhiệm chức phó đặc thần tài chính, ít lâu sau trúng cử chức Chủ tịch hạ viện. Năm 1529, khi 51 tuổi, được bổ nhiệm làm chánh án, trở thành một người quan trọng dưới Quốc vương. Có thể nói, con đường làm quan của ông rất là thuận lợi, thăng tiến liên tục.
Tuy nhiên, do chức vụ đã làm cho ông nhìn thấy được nỗi khốn khổ của nhân dân, cùng tai họa mới của “phong trao khoanh đất”. Ông cho rằng, tất cả những việc ấy đều bắt nguồn từ chế độ tư hữu tài sản, cho nên ông chủ trương phải xóa bỏ tận gốc chế độ này. Năm 1516, ông viết một cuốn sách tên là “Utopia” bằng tiếng La-tinh. Cuốn sách đã phanh phui những cái đen tối của xã hội nước Anh lúc đó, đồng thời mô tả một xã hội tốt đẹp trong lý tưởng – Utopia.
“Utopia” là dịch âm chữ La-tinh, có nghĩa là “nơi hư ảo”, cũng tức là “không tưởng”. Cuốn sách sử dụng hình thức chuyện trò giữa Morơ với một thủy thủ từ nước ngoài về. Người thủy thủ kể những chuyện của xã hội Utopia chính mắt ông ta nhìn thấy, khiến người đọc cảm thấy rất hứng thú sinh động.
Utopia rút cục là một xã hội như thế nào?
Xã hội này được xây dựng trên một hòn đảo có nước biển bao quanh. Toàn đảo có 54 thành phố tráng lệ hùng vĩ. Tại đây ngôn ngữ, phong tục, chế độ, pháp luật giống nhau hoàn toàn, Thủ phủ đặt tại giữa đảo, do đó đại biểu các thành phố tụ hợp rất thuận tiện.
Tất cả đất đai, nhà cửa, công cụ sản xuất ở đây đều thuộc sở hữu toàn dân. Mọi thứ cần dùng cho sinh hoạt đời sống đều phân phối theo nhu cầu của mọi người nên chẳng ai tranh giành hơn thiệt. Để ngăn chặn việc nẩy sinh ý thức tư hữu, nhà ở cứ mười năm chuyển đổi một lần.
Người Utopia không phân biệt trai gái, tất cả đều tham gia sản xuất nông nghiệp. Từ nhỏ họ đã học nghề nông, vừa học lý thuyết vừa thực hành trên đồng ruộng, cho nên người nào cũng thạo nghề. Có điều làm ruộng không phải là nghề nghiệp cố định, mọi người thay phiên nhau đến nông thôn lao động hai năm, rồi trở về thành phố làm một nghề thủ công; tới thời vụ nông nghiệp, lại điều động lao động trong thành phố đi làm. Một ngày họ làm việc sáu tiếng, thời gian còn lại do cá nhân làm chủ hoàn toàn, họ có thể làm công việc nghiên cứu khoa học, hoặc tham gia vui chơi giải trí, hoặc nghỉ ngơi trò chuyện. Những trò tiêu khiển như cờ bạc, họ không bao giờ biết cả. Nơi ấy không có quán rượu, nhà chứa, không có những nơi làm người ta trụy lạc sa đọa, cũng không có tụ điểm của bọn bất lương. Lang thang du đãng và trốn bỏ việc càng không thể có được.
Pháp luật Utopia rất ít. Họ cho rằng, pháp luật giải thích càng đơn giản cũng chính là pháp luật càng công bằng. Hơn nữa, việc ban bố mọi pháp luật chỉ là để mọi người ghi nhớ trách nhiệm của mình, chứ không phải để trừng phạt. Họ cũng không ký kết hiệp ước với bất cứ nước nào, vì họ cho rằng các nước cần chung sống với nhau, đưa vào sự chân thành thiện chí gặp nhau, chứ không phải bằng văn bản giấy tờ.
Vậy xã hội Utopia có nô lệ không? Có! Họ buộc những người trong nước đã làm những việc xấu xa và những người nước ngoài đã bị khép tội tử hình phải làm nô lệ. Tất cả nô lệ không những phải thường xuyên lao động mà còn phải đeo gông xiềng.
Điều kỳ lạ nhất là, người Utopia rất coi thường vàng bạc của cải. Đồ dùng trong việc ăn uống của họ đều là đồ gốm, đồ thủy tinh thông thường, còn bô thùng đại tiểu tiện và những đồ đựng vật bẩn thỉu khác thì lại làm bằng vàng bạc. Cả xiềng, gông để xích trói nô lệ cũng làm bằng vàng bạc. Ai phạm tội, trở thành người xấu, thì bị đeo khuyên vàng ở tai, nhẫn vàng ở tay, kiềng vàng ở cổ, đai vàng trên đầu. Tóm lại, vàng bạc ở đây là đồ phế thải, ai cũng muốn vứt đi cả.
Có một lần, ba sứ giả ngoại quốc cùng 100 tùy tùng đến Utopia bàn bạc vấn đề quan trọng. Họ nghe nói người Utopia trang phục giản dị, liền ăn mặc rất sang trọng, toàn hàng tơ lụa; các sứ giả còn đeo kiềng vàng, khuyên vàng, nhẫn vàng. Tất cả những đồ trang sức trên người họ đúng là thứ mà người Utopía dùng để trừng phạt nô lệ, sỉ nhục kẻ xấu, hoặc cho trẻ con làm đồ chơi.
Khi đoàn sứ giả đi trên phố, người Utopia chào hỏi kính trọng những nhân viên tùy tùng mặc quần áo bình thường, và coi mấy ông sứ thần là nô lệ và tỏ ra hết sức khinh bỉ.
Một em bé nói với mẹ:
– Mẹ ơi, trông kìa, lớn thế kia mà ngốc, còn chơi những thứ vàng ngọc châu báu, thật chẳng ra làm sao cả!
Người mẹ nghiêm trang bảo:
– Ngoan nào con, mẹ nghĩ rằng đấy là mấy chú hề sứ giả ngoại quốc đưa tới đấy.
Em bé lại nói:
– Mẹ ạ, xích vàng trên người mấy chú hề đó làm nhỏ như vậy, nếu quấn vào cổ nô lệ, bọn chúng sẽ làm đứt ngay phải không? Chúng bỏ trốn thì làm thế nào?
Điều làm các sứ giả xấu hổ hơn là họ nhìn thấy số vàng dùng làm xiềng xích trên người một tên nô lệ còn nhiều hơn số vàng trang sức trên ba người bọn họ. Cuối cùng, họ buộc phải ngán ngẩm cất hết đồ trang sức mà họ rất lấy làm tự hào đi, lúc bấy giờ họ mới được người Utopia hoan nghênh.
Trong xã hội này, tổ chức gia đình cũng rất đặc biệt. Người không có quan hệ thân thuộc cũng có thể là thành viên trong nhà. Thành viên mỗi hộ nông thôn không được dưới 40 người, mỗi hộ thành phố không được dưới 10 người. Gia trưởng phải là người có đạo đức danh vọng. Nếu nhân khẩu giữa các hộ không cân bằng thì phải điều chỉnh. Nếu mật độ dân số toàn thành phố vượt quá quy định thì di dân tới các thành phố khác có dân số ít hơn ở trên đảo.
Vậy khi dân số toàn đảo quá đông thì làm thế nào? Giả dụ như vậy, thì điều một số người từ mỗi thành phố tới một số vùng lân cận ngoài đảo, lập thuộc địa theo pháp luật của người Utopia. Nếu dân số trên đảo quá ít, thì lại điều cư dân từ các thuộc địa về bổ sung vào.
Đấy là tình hình đại thể của xã hội Utopia.
Tên đầy đủ cuốn sách “Utopia” khá dài, “Cuốn sách vàng bổ ích và lý thú về chế độ quốc gia hoàn mỹ nhất và hòn đảo mới Utopia”. Đây là một tác phẩm về chủ nghĩa xã hội không tưởng đầu tiên trên thế giới. Tác giả Mo-rơ không những đã nhìn thấy nỗi thống khổ do chế độ phong kiến gây ra cho nhân dân, mà ngay vào thời kỳ manh nha của chủ nghĩa tư bản, đã chỉ ra được những tai họa chủ nghĩa tư bản gây ra cho nhân dân. Từ đó cuốn sách nêu ra một phương án mới cải tạo xã hội – xã hội lý tưởng là thực hiện chế độ công hữu tài sản, mọi người đều tham gia lao động, điều này là vô cùng hiếm có vào thời ấy.
Vào lúc bình minh, một đoàn lính Tây Ban Nha áp giải một cỗ xe ngựa, đi trong mưa phùn lâm thâm tiến về phía pháp trường ở giữa thành phố.
Tiếng xe ngựa lọc cọc và tiếng vó ngựa lộp cộp đã dừng lại. Vị quan thi hành án ra lệnh cho lính đưa phạm nhân xuống khỏi xe.
Một phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi bị dẫn ra pháp trường, quần áo rách rưới, vai trần lộ ra đầy thương tích.
Vị quan thi hành án ngồi trên ngựa dõng dạc nói:
– Nữ phạm nhân Marina ngang nhiên truyền bá tà thuyết của giáo hội dị đoan, làm ô nhục tượng thánh, đã phạm tội phá hoại trị an xã hội và trật tự nhà nước. Theo chiếu chỉ của Quốc vương bệ hạ và phán quyết của tòa án tôn giáo, xử tội tử hình.
Vị quan thi hành án ho khan mấy tiếng rồi nói tiếp:
– Chiếu chỉ của Quốc vương bệ hạ vô cùng nhân từ, đã quy định người phụ nữ phạm tội tầy đình này, nếu không giữ mãi sai lầm của mình thì được chôn sống; nếu ngoan cố thì bị đưa lên dàn hỏa thiêu. Marina, ta hỏi ngươi lần cuối cùng. Ngươi có giữ mãi sai lầm của mình hay không?
Người phụ nữ trẻ không trả lời. Chị ngẩng cao đầu, chân lê giây xích nặng nề bước loạng choạng đi về phía cột hỏa thiêu.
Viên quan thi hành án đùng đùng nổi giận, gầm lên:
Hỏa thiêu! Hỏa thiêu! Thiêu chết ngay kẻ dị giáo này!
Củi khô nổ “lép bép”, ngọn lửa bốc cao trùm lấy người phụ nữ trẻ.
Đây là một chuyện thê thảm xẩy ra ở nước Nêđéclan bên bờ Biển Bắc Châu Âu vào giữa thế kỷ XVI. Thảm cảnh như thế này là chuyện thường xuyên.
Vì sao quốc vương Tây Ban Nha lại có đạo dụ xử tử tín đồ dị giáo Nêđéclan?
Quốc gia Nêđéclan này vốn dĩ khi ấy nằm dưới sự thống trị của vương quốc Tây Ban Nha. “Nêđéclan” tiếng Hà Lan là “đất trũng”, nó bao gồm các nước Hà Lan, Bỉ . . . ngày nay. Dân số vùng này đông đúc, có nhiều thành phố, kinh tế rất phồn thịnh, đặc biệt là ngoại thương rất phát triển. Thành phố lớn Anvécpen ở miền Nam, thương nhân nước ngoài qua lại hàng ngày có tới năm sáu nghìn người, trong cảng cùng một lúc có thể neo đậu hơn 2000 tầu thuyền. Một nửa thu nhập quốc khố Tây Ban Nha thu từ thuế ở Nêđéclan. Vì vậy, quốc vương Tây Ban Nha gọi nơi đây là “Viên ngọc trên vương miện” của mình, và ra sức vơ vét bóc lột.
Nhưng, khi đó tôn giáo đã truyền bá rộng rãi ở Nêđéclan. Một chi phái trong đó chính là đạo Canvanh đã giới thiệu tại phần trên. Đạo Canvanh cho rằng, làm quan chấp chính, có tài sản giầu có, kinh doanh kiếm lời, cho vay lấy lãi, đều là chức trách thần thánh theo lệnh của thượng đế, cho nên chủ trương thực hiện thể chế chính trị và tôn giáo hợp nhất, để cho thực quyền của giáo hội không còn bị lãnh chúa phong kiến khống chế nữa, mà để cho giai cấp tư sản nắm giữ. Giáo lý này, đương nhiên phù hợp với lợi ích của giai cấp tư sản mới trỗi dậy ở Nêđéclan, cho nên họ ra sức đề xướng và truyền bá. Vì thế, đạo Canvanh có ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng nhân dân.
Quốc vương Tây Ban Nha là một tín đồ Thiên chúa giáo cuồng nhiệt. Ông biết, nếu để cho Tân giáo tồn tại, thì có nghĩa là cho phép Nêđéclan có tự do cải cách chính trị, như vậy sẽ khiến ông mất hết mọi lợi ích ở Nêđéclan. Vì vậy, ông đã sát hại dã man tín đồ Tân giáo Nêđéclan, gọi họ là “dị đoan”, và trừng phạt ghê gớm nhất.
Tháng 9 năm 1550, Quốc vương Tây Ban Nha đã đặc biệt ban bố một chiếu chỉ cấm không cho phép người nào được truyền bá học thuyết dị đoan Canvanh, cấm phá hoại tượng thánh Thiên chúa giáo, cấm thảo luận và tranh cãi “Kinh Thánh”. Nếu ai vi phạm quy định, là nam giới thì chặt đầu, là nữ giới thì chôn sống hoặc hỏa thiêu, tài sản của họ nhất loạt bị tịch thu; đồng thời còn cấm bất cứ ai cũng không được xin xá tội cho tín đồ dị giáo đã bị trừng phạt, nếu không cũng bị trừng phạt.
Chiếu lệnh này thực sự cực kỳ tàn bạo, người Nêđéclan như Marina đã bị giết chết không biết bao nhiêu! Cho nên người ta căm thù gọi nó là “Chiếu chỉ đẫm máu”.
Quốc vương Tây Ban Nha vẫn còn thấy làm như vậy chưa đủ, sau mấy năm lại ra lệnh xóa bỏ đặc quyền buôn bán giữa thương nhân Nêđéclan với thuộc địa của Tây Ban Nha, thậm chí còn quỵt nợ đã vay của ngân hàng Nêđéclan. Việc làm này khiến cho thương mại Nêđéclan sa sút, nhà máy đóng của, hàng loạt thợ thuyền, thợ thủ công thất nghiệp, giai cấp tư sản mới trỗi dậy bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Toàn bộ Nêđéclan rơi vào cảnh hỗn loạn ghê gớm.
Ngày 5 tháng 4 năm 1566, trước dinh Tổng đốc Tây Ban Nha ở Nêđéclan, có một đoàn đại biểu đến xin Tổng đốc nhận đơn thỉnh nguyện của họ.
Tổng đốc là một nữ công tước, bà ta đanh mặt lại:
– Quốc vương bệ hạ xưa nay đối xử nhân từ với dân chúng Nêđéclan, các người còn thỉnh nguyện gì nữa?
Người dẫn đầu đoàn đại biểu là hoàng thân Uyliam, quý tộc Orangiơ, gần gũi với giai cấp tư sản. Ông cung kính và nghiêm túc nói:
– Xin bẩm lên Quốc vương bệ hạ, việc thỉnh nguyện của chúng tôi là bất đắc dĩ, chúng tôi xin Quốc vương bệ hạ tôn trọng đầy đủ quyền lợi vốn có xưa nay của chúng tôi, và thôi trừng phạt các tín đồ Tân giáo.
Tổng đốc cười nhạt hỏi:
– Nói rõ hơn nữa đi!
– Tôi xin nói rõ hơn – Hoàng thân cất cao giọng – Tức là xin Quốc vương bệ hạ xóa bỏ chiếu chỉ trừng trị tín đồ Tân giáo, cho phép họ hành lễ ở nhà thờ của họ, đồng thời rút quân đội đi. Đương nhiên là chúng tôi vẫn hết lòng trung thành với Quốc vương bệ hạ, bằng không thì. . .
– Bằng không thì sao nào? – Tổng đốc sẵng giọng hỏi.
Bằng không thì. . . rất khó tránh khỏi xẩy ra chống đối và bạo động ở mọi nơi!
Một quan đại thần đứng bên cạnh khinh bỉ bảo:
– Ăn mặc như chúng bay chẳng khác gì lũ ăn mày! Ăn mày mà cũng đòi chống đối và bạo động kia à?
– Dạ đúng, thưa ngài, ăn mày cũng sẽ vùng lên làm phản, nếu họ thật sự không thể sống nổi nữa!
Tổng đốc giọng mỉa mai:
– Quốc vương bệ hạ quyết không thể chấp nhận được thỉnh nguyện của các ngươi! Thôi, lũ ăn mày hãy cút đi!
Rời khỏi dinh Tổng đốc, mọi người nói:
– Họ đã sỉ nhục chúng ta là lũ ăn mày, thì lũ ăn mày này sẽ làm phản thôi!
– Đúng, ăn mày làm phản thôi!
– Ăn mày muôn năm!
Tháng 8 năm ấy, đúng vào lúc quý tộc và các thủ lĩnh tổ chức Tân giáo bàn bạc đối sách thì quần chúng nhân dân bắt đầu làm phản. Khẩu hiệu của họ rất rõ ràng:
– Xóa bỏ chiếu chỉ đẫm máu!
– Giết hết linh mục! Phá hủy nhà thờ! Phá bỏ tượng thánh!
Mũi nhọn bạo động nhằm thẳng vào Thiên chúa giáo, trụ cột chính của nền thống trị Tây Ban Nha. Đội ngũ vũ trang của những người công nhân, thợ thủ công và nông dân tấn công vào nhà thờ và tu viện, phá hủy tượng thánh, đốt hết giấy nợ và văn tự ruộng đất, tịch thu tài sản của giáo hội. Chỉ trong mấy ngày, tại 17 tỉnh cả nước đã có 12 tỉnh nổ ra bạo động chống “Chiếu chỉ đẫm máu”, phá hủy tất cả 5500 nhà thờ và nhà tu. Đấy chính là “phong trào phá hủy tượng thánh” nổi tiếng trong lịch sử.
Tổng đốc Tây Ban Nha ở Nêđéclan sợ hết hồn hết vía, vội vã cho mời đoàn đại biểu quý tộc tới để đàm phán, cuối cùng buộc phải có một số nhượng bộ: Tạm thời đình chỉ hoạt động của tòa án tôn giáo, cho phép tín đồ Tân giáo được hành lễ tại các địa điểm chỉ định ở ngoại thành.
Cuộc nổi dậy đã giành được tháng lợi đầu tiên, song quy mô và lực lượng của phong trào phá bỏ tượng thánh phản đối “Chiếu chỉ đẫm máu” không những khiến nhà cầm quyền thực dân Tây Ban Nha sợ hãi, mà giai cấp tư sản và quý tộc cũng hoảng sợ. Họ vội vàng giải thể tổ chức của mình, kêu gọi mọi người ngừng làm phản, phục tùng nhà cầm quyền. Kết quả là Nêđéelan vẫn nằm dưới ách thống trị chuyên chế và quyền lực của tòa án tôn giáo, “Chiếu chỉ đẫm máu” lại bắt đầu được thực hiện trở lại.
Thế là một cuộc khởi nghĩa “ăn mày” chống lại nền thống trị Tây Ban Nha rộng lớn chừa từng có, bùng nổ trên toàn quốc Nêđéclan.
Tại hoàng cung ở kinh thành Mađơrít Tây Ban Nha, quốc vương Philip II cho triệu vời công tước Anba.
– Công tước của ta, ta biết Khanh là một tín đồ Thiên chúa giáo thành kính, đã tỏ ra rất không yên tâm về vụ bạo động phá hủy tượng thánh ở Nêđéclan. Xem ra, tổng đốc đương nhiệm không đủ dũng khí và sức mạnh để dẹp yên cuộc nổi loạn này, vì thế ta quyết định để Khanh thay thế bà ta, bảo đảm chắc chắn cho sự ổn định trật tự ở Nêđéclan. Khanh thấy thế nào?
– Tâu bệ hạ, hạ thần cảm thấy vô cùng vinh hạnh – Công tước Anba nói – Hạ thần hết lòng tuân theo ý chỉ bệ hạ, chỉ xin bệ hạ giao cho hạ thần đầy đủ quân đội
– Ta sẽ giao cho Khanh thống lĩnh 18000 quân. Nhưng Khanh phải nhớ kỹ: Họ không phải là đi bảo vệ Khanh, mà Khanh phải chỉ huy họ đi chặt đầu tất cả những kẻ đáng tội chết. Thể xác của tất cả lũ ăn mày phải bị tiêu diệt! Khanh đã rõ chưa?
– Tâu bệ hạ, hạ thần đã rõ. Hạ thần thà để lại cho Chúa một Nêđéclan nghèo khổ, quyết không để lại cho ma quỷ một Nêđéclan giàu có.
Tháng 8 năm 1567, công tước Anba thống lĩnh đại quân đến Nêđéclan.
Việc đầu tiên công tước Anba làm là thiết lập một tòa án đặc biệt gọi là “ủy ban trừ bạo nghịch”, ngay sau đó cuộc tàn sát dã man bắt đầu, trên 8000 người bị tòa án này xử tử hình, trong đó có cả thủ lĩnh của giai cấp tư sản – thị trưởng Anvécpen. Tài sản của những người bị hành quyết dĩ nhiên là sung vào quốc khố Tây Ban Nha.
Trong cảnh tàn sát đẫm máu, những người Nêđéclan giầu có đều tìm cách trốn ra nước ngoài. Hoàng thân Uyliam người đã từng thỉnh nguyện vị tổng đốc tiền nhiệm bỏ về nước Đức quê cũ của ông, chuẩn bị đưa vào lực lượng quân đánh thuê nước ngoài để tiến đánh quân đội công tước Anba.
Năm 1568, công tước Anba truyền lệnh cho hoàng thân Uyliam đến tòa án “ủy ban trừ bạo nghịch” để xét xử. Hoàng thân dẫn ba vạn quân đánh thuê tiến đánh Nêđéclan. Nhưng vì ông coi thường sức mạnh của quần chúng nhân dân Nêđéclan, tác chiến đơn độc, nên đã thất bại.
Nhưng, người Tây Ban Nha lại thua thiệt lớn trên biển miền bắc. Số là thủy thủ, dân chài và công nhân bến tầu lợi dụng thành phố biển rộng mênh mông, tổ chức các đội du kích “ăn mày trên biển”. Họ lái những thuyền nhỏ nhẹ, liên tiếp tập kích đồn bốt ven biển của công tước Anba, tập kích cả tầu chiến và tầu vận tải của Tây Ban Nha. Hàng ngày, khi màn đêm buông xuống, sương khói mù mịt, những chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ áp sát tầu lớn Tây Ban Nha, cướp đi rất nhiều vàng bạc của cải và súng ống đạn dược trên tầu. Có một lần, một đội du kích “ăn mày trên biển” gồm 24 thuyền đã đánh chiếm được thành Brin ven biển, từ đó đội du kích trên biển đã xây dựng được cứ điểm trên đất liền Nêđéclan. Tới tháng 7 năm 1572, các tỉnh miền bắc trên thực tế đã trở thành quốc gia độc lập, hoàng thân Uyliam được bầu làm tổng đốc.
Ở miền Nam, người Nêđéclan tổ chức các đội du kích “ăn mày trong rừng”, liên tục tập kích những tốp quân nhỏ của công tước Anba. Các đội du kích hoạt động trên cả hai miền nam bắc, đánh cho quân đội của công tước Anba xoay như chong chóng, mệt mỏi rã rời, thương vong ngày càng nhiều.
Công tước Anba vô cùng tức giận, tập trung quân đội, tiến đánh thành phố ven biển miền Bắc. Tháng 12 năm 1572, đại quân vây đánh thành Haclem, qua 7 tháng chiến đấu ác liệt mới chiếm được thành phố này. Sau khi vào thành phố, đã hành quyết ngay 2300 người. Cuộc tàn sát quy mô lớn này đã tăng cường thêm niềm tin quyết chiến tới cùng với quân xâm lược Tây Ban Nha của quân dân các thành phố miền Bắc khác. Họ tháo đập nước, cho nước biển tràn vào dìm chết quân đội Tây Ban Nha.
Philip II cho rằng công tước Anba bất lực, triệu hồi ông về Tây Ban Nha vào năm 1573, cử một tổng đốc khác đến đối phó với khởi nghĩa “ăn mày” Nêđéclan.
Tổng đốc mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhậm chức được ít lâu, do binh lính liên tiếp mấy năm không được cung cấp quân nhu quân lương đã đi cướp phá khắp nơi, trở thành một đám thổ phỉ và kẻ cướp, không tài nào chỉ huỷ họ tác chiến được nữa. Sau đó, nội bộ binh lính Tây Ban Nha xảy ra bạo loạn, phế truất sĩ quan của mình, kéo nhau từng lũ xuống miền Nam. Chúng tiến vào Anvécpen, thành phố phồn hoa nhất Nêđéclan, giết chết 8000 cư dân, đốt cháy 1000 ngôi nhà, thành phố hầu như bị hủy diệt.
Hành động tàn bạo này càng khiến dân chúng thêm căm thù, thúc đẩy tình hình khởi nghĩa miền nam phát triển nhanh chóng. Nhưng quý tộc phản động địa phương sợ động chạm tới lợi ích của mình, vội vã tuyên bố trung thành với Quốc vương Philip II, khởi nghĩa miền Nam bị dập tắt.
Để bảo vệ thành quả khởi nghĩa, ngăn chặn quân xâm lược Tây Ban Nha quay trở lại, các tỉnh miền Bắc năm 1579 đã liên kết lại với nhau, thề sẽ “đoàn kết mãi mãi, như là một tỉnh”. Sau hai năm, lại chính thức tuyên bố phế truất Philip II, thành lập nước cộng hòa liên tỉnh. Vì trong bẩy tỉnh này, địa phận tỉnh Hà Lan lớn nhất, kinh tế cũng phát đạt nhất, cho nên gọi là nước Cộng hòa Hà Lan. Từ đó, Nêđéclan chia thành hai phần: miền Bắc hình thành nên quốc gia độc lập, miền Nam vẫn dưới sự thống trị của Tây Ban Nha.
Philip II đương nhiên không thể để cho nước Cộng hòa Hà Lan tồn tại. Sau khi đứng vững ở miền Nam, lại lệnh cho Tổng đốc tấn công lên phía Bắc. Nhưng, ông vua hùng hổ một thời này không thể nào đánh bại được nước cộng hòa vừa mới thành lập. Tháng 7 năm 1588, “Hạm đội vô địch” của ông đã bị hải quân Anh đánh cho tan tành ở eo biển Anh. Từ đó, Tây Ban Nha mất bá quyền trên mặt biển, thế nước ngày một suy yếu. Nước cộng hòa thừa cơ thu phục lãnh thổ miền Bắc đã bị Tây Ban Nha chiếm đóng, và còn giành được một phần của miền nam. Năm 1598, sau khi Philip II chết, Tây Ban Nha hoàn toàn suy yếu, chẳng còn lực lượng tấn công “ăn mày” ở miền Bắc nữa.
Tháng 4 năm 1609, người kế vị Philip II ký kết hiệp định đình chiến 12 năm với Hà Lan, sự thực là thừa nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Hà Lan. Cách mạng Nêđéclan đã giành được thắng lợi ở miền bắc.
Cách mạng Nêđéclan là cuộc cách mạng tư sản giành được thành công đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Nó đã lật đổ nền thống trị chuyên chế Tây Ban Nha, xây dựng nước cộng hòa tư sản đầu tiên ở Châu Âu. Khi cả Châu Âu hầu như còn ở vào thời kỳ thống trị chuyên chế phong kiến, thì sự hình thành nước cộng hòa có ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Nhưng, ngay vào thời kỳ cuối thế kỷ XVI, Hà Lan đã bắt đầu đi tìm thuộc địa ở nước ngoài. Họ đã lần lượt tiến hành cướp đoạt đẫm máu các thuộc địa ở quần đảo Đông Ấn Độ (nay là vùng Inđônêsia) của Châu Á, và châu Phi, châu Mỹ. Nửa đầu thế kỷ XVII, họ lại xâm chiếm Đài Loan lãnh thổ Trung Quốc, đem lại tai họa to lớn cho nhân dân các dân tộc ở Đài Loan.
Một ngày tháng 8 năm 1509, năm chiếc thuyền buôn lớn theo chiều gió tây nam thổi mạnh chạy vào một cảng ở đầu nam bán đảo Mã Lai miền nam Châu Á- Malacca, thủ phủ của vương quốc Mã Lai.
Malacca gần đường xích đạo, khí hậu nóng bức, cây cối tốt tươi, dân phần lớn sống trong những ngôi nhà làng bằng tre lợp lá gồi. Họ thấy năm chiếc thuyền lớn cập vào bờ, tưởng rằng các lái buôn Ấn Độ đã đến, liền đem các thứ hàng ra, chuẩn bị lên thuyền trao đổi mua bán.
Nhưng khi ra đến bờ, họ đều sững cả người. Hóa ra lần này không phải là lái buôn Ấn Độ đầu quấn vải trắng mình mặc áo thụng dài, mà là những người nước ngoài họ chưa thấy bao giờ. Những người này đều tóc hung, mắt xanh, quần áo trên người thì bó sát chật căng.
– Các ông từ đâu đến thế hả? – Một ông già hỏi.
Chúng tôi đến từ vương quốc Bồ Đào Nha, muốn buôn bán với các ông.
– Lái buôn trên thuyền trả lời.
– Các ông cần những thứ gì?
– Chúng tôi cần hương liệu. Có hiểu không? Là đinh hương, đậu khấu ấy mà.
– Ồ, những thứ ấy chúng tôi có, nhưng ở đây sản xuất không nhiều.
– Thế ở đâu có nhiều?
Ông già chỉ về phía đông nói:
– Từ đây đi về phía đông, còn phải mấy ngày đường nữa, ở đấy có quần đảo hương liệu (quần đảo Malucu ở đông bắc Inđônêsia), sản xuất rất nhiều những thứ này”.
Người Bồ Đào Nha vì sao lại thích thú hương liệu như vậy?
Chả là người Châu Âu khi ấy, nhất là người Châu Âu ở miền bắc giá lạnh, hàng năm trước khi mùa đông về, vì thiếu thức ăn chăn nuôi, đành phải giết rất nhiều gia súc, làm thành thịt ướp. Vì vậy cần rất nhiều gia vị như hồ tiêu, hương liệu. Những thứ này Châu Âu không có, đều phải chở từ phương Đông về.
Chúng ta đã được chở về châu Âu như thế nào? Thoạt tiên, hương liệu từ các đảo sản xuất qua đường biển chở tới Trung Quốc, sau đó theo con đường tơ lụa chở tới Châu Âu. Vì đường xá xa xôi, lại là “hàng hiếm quý”, cho nên thu được khâu nhiều lãi, một bảng (453,59 gam) đậu khấu bán với giá tương đương ba con cừu, còn đinh hương giá gấp ba lần đậu khấu. Vì vậy lái buôn Châu Á xưa nay vẫn giữ bí mật về con đường này.
Người Arập rất thèm thuồng chuyện này. Họ nghĩ, nếu trực tiếp vận chuyển hương liệu bằng đường biển tới Biển Đỏ hoặc vịnh Ba Tư, rồi từ đó chuyển sang Châu Âu, chẳng phải càng được lãi hơn hay sao? Thế là họ đi thuyền sang phương Đông, mong tìm được một đường hàng hải tới thẳng quần đảo hương liệu. Nhưng đến Ấn Độ, họ không tiến tiếp theo hướng Đông nữa, vì họ sợ hướng gió không thuận, đi rồi không về được. Rất nhiều người đã định cư ở Ấn Độ.
Về sau, họ phát hiện ra bí ẩn của gió mùa. Hóa ra, do thời tiết có sự thay đổi về nhiệt độ ngược chiều nhau giữa mặt biển và đất liền nên hướng gió cũng có sự thay đổi. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 9, đất liền miền Đông Châu Á nóng lên, gió sẽ thổi từ xích đạo đến lục địa này, tạo ra gió tây nam rất mạnh; từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau, lục địa miền Đông Châu Á giá lạnh, gió lại từ lục địa này thổi tới xích đạo, tạo ra gió đông bắc rất mạnh. Vậy là thuận lợi lắm rồi! Hàng năm có thể lợi dụng gió tây nam, vượt qua Ấn Độ dương, chạy thẳng tới quần đảo hương liệu; sau đó chờ khi gió đông bắc nổi lên, thì quay về theo đường cũ. Con đường hàng hải này gọi là “con đường hương liệu”.
Hành trình của con đường hương liệu rất dài, trên đường đi phải bổ sung nước ngọt, thực phẩm và các thứ khác và phải đi xuyên qua eo biển hẹp dài giữa bán đảo Mã Lai và quần đảo Sumatra ở tây nam bán đảo này – eo biển Malacca.
Thế là Malacca nằm ở đầu nam bán đảo Mã Lai dần dần trở thành cảng, thuyền nào đi theo con đường hàng hải này đều phải tới đậu tại đây – Sau đó, lái buôn Ấn Độ cũng tới đây làm ăn buôn bán. Về sau, họ đưa quân lính tới đây, xây dựng Vương quốc tại Malaisia, lấy Malacca làm thủ phủ, đồng thời truyền bá đạo Islam tại bán đảo Mã Lai. Nửa sau thế kỷ XIV, các bộ tộc du mục Trung Á chém giết lẫn nhau và thường xuyên chặn đường cướp bóc các đoàn thương nhân trên đường tơ lụa. Vậy là con đường tơ lụa không an toàn thuận lợi nữa. Nhưng người Châu Âu vẫn có nhu cầu tơ lụa của Trung Quốc.Và muốn có được tơ lụa thì cách duy nhất là đi theo con đường hương liệu. Năm 1498, đoàn thuyền của Đa-Gama lần đầu tiên đến Ấn Độ. Ít lâu sau đã dùng vũ lực kiểm soát nhiều cảng ven biển Ấn Độ. Thế là, thuyền của Bồ Đào Nha đã có thể trực tiếp từ Châu Âu đến quần đảo hương liệu.
Năm chiếc thuyền Bồ Đào Nha, chính là đoàn thuyền Châu Âu đầu tiên đến Malacca. Hai tháng sau, các thuyền đã chất đầy những thứ họ ăn cướp được, theo hướng gió mùa đông bắc, theo đường cũ trở về Ấn Độ.
Việc phát hiện ra Malacca, làm xôn xao Bồ Đào Nha. Các quan đại thần đều cho rằng, Malacca chính là trung tâm buôn bán mà họ cần tìm. Để độc quyền hưởng tất cả mọi lợi ích của con đường hương liệu thì phải chiếm lấy Malacca. Vì thế, họ đã phái tới đây một hạm đội lớn mạnh tiến đánh Malacca.
Mùa hè năm 1511, hạm đội Bồ Đào Nha theo gió mùa tây nam đến Malacca. Tầu được trang bị trọng pháo, binh lính được huấn luyện có bài bản, đầu đội mũ sắt, mình mặc áo giáp. Người Mã Lai tuy cũng có khí giới, nhưng chủ yếu là cung nỏ, ống bắn tên và giáo dài. Đánh nhau suốt một tháng, Xuntan (Vua) của vương quốc Mã Lai chạy trốn, thành phố rơi vào tay quân xâm lược Bồ Đào Nha.
Quân xâm lược Bồ Đào Nha lập tức xây dựng một lô cốt đá ở Malacca, cho quân lính tới đồn trú canh giữ, còn bố trí cả trọng pháo để bảo vệ thành phố. Bên bờ eo biển có chiến hạm của họ canh phòng, tất cả thuyền bè qua lại đây đều phải vào cảng nộp thuế, đồng thời bắt ép các lái buôn trên thuyền phải bán cho họ hàng hóa đem từ phương Đông về. Năm sau, lại lập ra công ty trên quần đảo hương liệu, kiểm soát việc buôn bán hương liệu. Thế là, tơ lụa và hương liệu chuyên chở qua con đường hương liệu đều do người Bồ Đào Nha đưa tới Châu Âu. Sau khi họ qua lại Ấn Độ theo con đường hương liệu, họ không tiếp tục đi qua Biển Đỏ hoặc vịnh Ba Tư nữa mà chuyển sang đi xuống phía nam, vòng qua Mũi Hảo Vọng cực nam Châu Phi, chạy thẳng sang Châu Âu.
Từ đó, hàng nghìn hòn đảo giữa đảo Sumatra và quần đảo hương liệu được gọi là quần đảo Đông Ấn Độ.
Lại nói về vị Xuntan. Sau khi chạy một mạch tới một vùng hoang vu quân địch không thể tìm được, ông mới yên tâm, và từ đó ông nuôi quyết tâm giành lại Malacca từ tay người Bồ Đào Nha. Sau đó, ông vượt biển xuống phía nam, tới vùng Lionây, xây dựng Hoàng cung tại đây, làm kinh đô mới.
Sau khi khôi phục được một phần sức mạnh, Xuntan chỉ huy quân đội đánh thẳng vào Malacca, dồn được quân xâm lược Bồ Đào Nha vào lô cốt trong thành. Nhưng, người Bồ Đào Nha được tiếp viện, binh lực của Xuntan không đủ, đành phải lùi về Liônây.
Tuy nhiên, Xuntan vẫn nuôi chí thu phục lại cố đô, ông xây dựng hạm thuyền và quân đội, chuẩn bị tấn công Malacca một lần nữa. Quân Bồ Đào Nha, để bảo đảm chắc chắn cho sự thông suốt của con đường hương liệu, năm 1526 đã phái một hạm đội đến đánh Liônây, và phá tan kinh đô mới này. Xuntan lại một lần nữa phải trốn vào rừng sâu, rồi chết ở đó.
Sau khi Xuntan chết, người con trưởng của ông trở lại bán đảo Mã Lai, lại xây dựng đô thành và đồn lũy thật vững chắc, chống chọi với quân xâm lược Bồ Đào Nha. Năm 1587, Bồ Đào Nha lại cất quân tới đánh, phá hủy đi tất cả. Từ đó, vương quốc Mã Lai bị diệt vong.
Phần trên chúng tôi đã nói, năm 1519, Magielăng người Bồ Đào Nha vâng lệnh chính phủ Tây Ban Nha, chỉ huy hạm đội tìm đường hàng hải thông sang phương Đông. Năm 1521 ông đã bị cư dân địa phương Philippin giết chết, các thuyền viên khác trốn lên quần đảo hương liệu. Năm sau họ trở về Tây Ban Nha, hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất lần thứ nhất. Sau đó, thế lực của Tây Ban Nha xâm nhập dần vào quần đảo hương liệu, và lập ra các hãng buôn bán tại đây, cạnh tranh với người Bồ Đào Nha – Tới khi người Bồ Đào Nha phải trả cho họ một khoản tiền bồi thường lớn, người Tây Ban Nha mới rút ra khỏi quần đảo hương liệu vào năm 1529.
Vậy là, quân xâm lược Bồ Đào Nha đã kiểm soát eo biển Malacca tới một thế kỷ. Họ dựa vào con đường hương liệu, lũng đoạn hương liệu cần thiết cho người Châu Âu, lợi nhuận lên tới 700% – 800%, phát tài ghê gớm.
Tuy nhiên, thế lực của người Bồ Đào Nha ở quần đảo Đông Ấn Độ không phải tồn tại mãi mãi. Châu Âu khi ấy còn có thuyền buôn của hai nước nữa – Anh và Hà Lan, cũng đang tìm kiếm con đường hương liệu thông sang phương Đông. Thế là bắt đầu một cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi được.
Bồ Đào Nha sau khi kiểm soát được việc buôn bán hương liệu, thì Hà Lan và Anh chỉ có thể mua được hương liệu từ thủ đô Bồ Đào Nha. Lái buôn Bồ Đào Nha tối mắt vì lãi, cứ nâng giá hương liệu ngày càng cao lên. Lái buôn Hà Lan và Anh không biết làm thế nào đến được nơi sản xuất để mua hàng rẻ hơn, đành phải bấm bụng mua theo giá cả của lái buôn Bồ Đào Nha. Tình trạng này kéo dài nhiều năm.
Về sau, tình trạng ngày càng nghiêm trọng: Năm 1580, Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha chinh phục, việc buôn bán hương liệu bị Tây Ban Nha kiểm soát. Mà Hà Lan của Nêđéclan, khi ấy đã tham gia nước Cộng hòa liên tỉnh, đang đánh nhau với Tây Ban Nha, và thế là lái buôn Hà Lan dù có trả giá cao cũng không thể nào mua được hương liệu từ Tây Ban Nha. Làm thế nào bây giờ đây?
– Dù thế nào cũng phải tìm đến nơi sản xuất hương liệu! Nếu kiếm được tấm bản đồ hàng hải, thì là được – Các lái buôn Hà Lan bàn bạc với nhau.
Nhà cầm quyền Hà Lan cũng khuyến khích các thương nhân:
– Nếu các ông mở được đường hàng hải sang phương Đông, chính phủ sẽ bảo đảm an toàn cho các ông bằng vũ lực.
Thương nhân Hà Lan hoạt động tích cực, vấn đề đường hàng hải trên biển cuối cùng đã được giải quyết: Năm 1594, họ đã đánh lừa lấy được từ người Bồ Đào Nha tấm hải đồ, những văn bản quan trọng cùng các bản thuyết minh khác đi tới quần đảo Đông Ấn Độ.
Người Hà Lan vô cùng phấn khởi. Mùa xuân năm sau, họ cử Hoóctơman chỉ huy bốn chiếc thuyền buồm, lên đường sang quần đảo Đông Ấn Độ. Hoótơman tuy đã có hải đồ, nhưng lại không thông thạo hàng hải, nên mất rất nhiều thời gian trên đường đi, sau một năm hai tháng, tới tháng 6 năm 1596 mới tới được một đảo lớn nằm ở đông nam đảo Sumatra – đó là đảo Java.
– Toàn thể thuyền viên chú ý Hoóctơman vừa nhìn hải đồ vừa ra lệnh – Trước mặt là Banten, chúng ta sẽ đổ bộ tại đấy. Những người chủ trên bờ không văn minh đâu, không cần khách khí với họ. Nếu họ không bán hương liệu cho ta, hãy đối phó với họ bằng quả đấm và súng đạn!
Thuyền chưa vào cảng, thì có hai thuyền Java tiến đến chỗ họ.
Hoóctơman cười gằn, hô to:
– Hỡi anh em, chúng ta hãy chộp ngay món hàng béo bở này! Nhanh chóng vây lại, cướp hết hàng hoá trên hai thuyền này!
Sau khi cướp hai thuyền hàng, Hoóctơman ra lệnh cho thuyền vào cảng. Các thuyền viên lên bờ, vừa mua vừa như ăn cướp, hành động rất thô bạo, lại trả rất rẻ, vì vậy mua được ít hương liệu. Sau bị cư dân bản xứ phản kháng, bọn Hoóctơman không trụ lại được, phải bỏ chạy về thuyền.
Bốn chiếc thuyền buồm tiếp tục đi về phía đông. Vì hành vi cướp biển của họ, các cảng ở đảo Java đều không tiếp họ. Hoóctơman định ngược lên phía bắc, chạy thẳng tới quần đảo hương liệu, nhưng các thuyền viên đã vật lôn vất vả hơn một năm trên biển đứng lên chống lại, ông ta đành quay trở về, về đến Hà Lan vào năm 1597.
Chuyến viễn dương này của Hoóctơman, tuy số hương liệu mang về không nhiều, thu được rất ít lợi nhuận, nhưng người Hà Lan , vô cùng phấn khởi, vì đường hàng hải sang Đông Ấn Độ đã khai thông.
Năm sau, Hà Lan lại phái một đoàn thuyền viễn dương tới quần đảo Đông Ấn Độ. Lần này, lái buôn Hà Lan đã có bài học thất bại lần trước rồi, họ thay đổi sách lược, tìm cách lung lạc XutanBanten. Đúng lúc này quân xâm lược Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang tiến đánh Banten. Người Hà Lan nhân dịp đó giúp Xuntan đánh lui quân đội Bồ Đào Nha. Để cảm ơn người Hà Lan, Xuntan giúp họ bốn thuyền hương liệu, lái buôn Hà Lan đã thu được 400% lãi ròng.
Từ đó, rất nhiều thuyền Hà Lan tranh nhau tới quần đảo Đông Ấn Độ, các công ty kinh doanh hương liệu và hàng hóa phương đông lập ra nhiều như nấm sau cơn mưa. Họ đấu đá lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng tới công việc làm ăn buôn bán. Thế là họ phải ngồi lại bàn bạc.
– Nhiều công ty tổ chức đoàn thuyền sang phương Đông như thế này, thì lực lượng quá phân tán. – Có giám đốc công ty phát biểu.
– Dứt khoát phải sáp nhập làm một. Như vậy vốn nhiều, lực lượng mạnh, không kẻ nào nuốt nổi được ta nữa. – Có giám đốc đề nghị.
– Đúng, xin với Quốc hội phê chuẩn cho chúng ta thành lập một công ty liên hợp, thống nhất việc buôn bán kinh doanh ở Đông Ấn Độ, nghiêm cấm các doanh nghiệp khác tham gia hoạt động thương mại ở khu vực này; đồng thời yêu cầu Quốc hội cho chúng ta nhiều đặc quyền hơn nữa – Có người bổ sung thêm.
Tháng 3 năm 1602, Quốc hội Hà Lan phê chuẩn thành lập “Công ty liên hợp Đông Ấn Độ” (gọi tắt là “Công ty Đông Ấn Độ”), đồng thời cấp cho công ty giấy phép đặc biệt, giao cho quyền hàng hải và quyền thương mại ở một khu vực rộng lớn trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương giữa Mũi Hảo Vọng và eo biển Magiêlăng trong thời hạn 21 năm. Giấy phép đặc biệt còn quy định, công ty Đông Ấn Độ có quyền tước đoạt và tịch thu bất cứ tầu thuyền nước ngoài nào đi lại tại khu vực nói trên, có quyền tuyển mộ quân đội, xây dựng pháo đài, phát hành tiền tệ, bổ nhiệm quan lại, thậm chí còn được đại diện chính phủ Hà Lan ký kết các hiệp ước.
Các giám đốc vô cùng phấn khởi trương tấm biển Công ty Đông Ấn Độ, bầu ra một Hội đồng quản trị 17 người làm các công việc hàng ngày. Sau đó, từng đoàn thuyền được vũ trang đầy, đủ tiến sang phương đông.
Năm sau, Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan thành lập thương điếm đầu tiên trên đảo Java. Bồ Đào Nha lập tức cho hạm đội tới đuổi đi, kết quả đã bị người Hà Lan đánh bại. Ít lâu sau, người Hà Lan lại cướp thêm được nhiều đảo khác từ tay Bồ Đào Nha, dần dần kiểm soát cả quần đảo hương liệu. Từ đó, thế lực của Bồ Đào Nha ở quần đảo Đông Ấn Độ suy tàn.
Nhưng, công ty Đông Ấn Độ Hà Lan lại gặp phải khó khăn mới: thế lực của người Anh cũng đã thâm nhập vào quần đảo Đông Ấn Độ.
Vốn dĩ hầu như cùng lúc với việc người Hà Lan tìm được đường hàng hải sang phương đông, thì tầu thuyền người Anh cũng đã đến được quần đảo Đông Ấn Độ. Các thuyền viên khi trở về đến Luân Đôn đều nói với mọi người, ai dám mạo hiểm đi hàng hải viễn dương và dám đánh nhau với người Bồ Đào Nha, thì người đó có thể mang từ phương Đông về những hàng hóa rất đáng giá.
Cũng giống như Hoóctơman ở Hà Lan, chuyến đi viễn dương đầu tiên thành công đã gây chấn động lớn ở trong nước, tin tức này đã làm xôn xao toàn bộ nước Anh. Năm 1600, thương nhân Anh xin nữ hoàng cho phép họ tổ chức một công ty, sang kinh doanh buôn bán tại quần đảo Đông Ấn Độ. Nữ hoàng chấp nhận yêu cầu của họ, cấp cho một giấy phép đặc biệt, quy định chỉ có tầu thuyền của công ty này mới được tới phương Đông buôn bán. Thế là công ty Đông Ấn Độ của nước Anh được thành lập. Có điều, nó không có nhiều đặc quyền như công ty Đông Ấn Độ Hà Lan, tài chính, tầu thuyền và nhân lực cũng ít hơn nhiều.
Thương thuyền của công ty Đông Ấn Độ Anh đến quần đảo Đông Ấn Độ, thì xung đột ngay với công ty Đông Ấn Độ Hà Lan. Nhưng, lực lượng của người Hà Lan mạnh hơn người Anh nhiều, người Anh đành phải nhường quần đảo hương liệu cho người Hà Lan. Để cùng đối phó với người Bồ Đào Nha, họ đã thỏa thuận với nhau, quy định mức thương mại hương liệu, Hà Lan chiếm 2/3, Anh chiếm 1/3. Về sau, hai công ty này xẩy ra xung đột nghiêm trọng. Cuối cùng, người Hà Lan gạt người Anh ra, người Anh chuyển sang củng cố vị trí của mình ở Ấn Độ.
Năm 1641, người Hà Lan cướp đoạt cả vùng Ma-lac-ca mà người Bồ Đào Nha xâm chiếm đã lâu. Từ đó, thế lực của người Bồ Đào Nha ở quần đảo Đông Ấn Độ bị công ty Đông Ấn Độ Hà Lan thay thế.
Việc thành lập Công ty Đông Ấn Độ Hà Lan, đã đưa lại tai họa nặng nề cho quần đảo Đông Ấn Độ. Lịch sử kinh doanh thuộc địa của Hà Lan là cả một bức tranh bội tín bội nghĩa, hối lộ, giết chóc và xấu xa. Dấu chân của họ tới đâu, ở đó lập tức xuất hiện cảnh tượng xóm làng hoang vắng dân số hao mòn.
Tuy nhiên, thế lực của công ty Đông Ấn Độ Hà Lan cũng không phải cứ tồn tại mãi mãi ở quần đảo Đông Ấn Độ. Của cải của quần đảo bị cướp đoạt rất nhiều, khiến nhân dân địa phương phải vùng lên khởi nghĩa: Những khoản chi phí khổng lồ để duy trì đội quân trên đảo, hoạt động buôn lậu của các thành viên công ty ngày một phát triển đã khiến công ty ngày càng lâm vào khó khăn. Tới cuối thế kỷ XVIII, công ty này đã phải đóng cửa. Tình trạng của công ty Đông Ấn Độ nước Anh cũng chẳng khá hơn, sau hơn 50 năm cũng phá sản theo.