PARI 12 GIỜ ĐÊM
“Boong Boong”!. . . Chuông đồng hồ gõ đúng 12 tiếng. Căn nhà nhỏ ở khu dân nghèo Pari bắt đầu bận rộn. Một thanh niên trạc 30 tuổi, “rột” một cái nhảy ra khỏi giường, kéo rèm cửa sổ, đốt nến, rồi bò ra bàn viết ngay. Cắm cúi viết, viết liên tục, có lúc đột nhiên ngẩng mặt cười to, có lúc lại thấy nước mắt tuôn lã chã. Từng giờ một, từng giờ một trôi qua, anh ta cứ mải mê cắm cúi viết. Thấy mí mắt anh mệt mỏi cụp xuống, hai huyệt thái dương giật giật mạnh. Anh đứng dậy co duổi hai cánh tay tê dại, uống một tách cà phê đặc, rồi lại ôm lấy bàn viết viết. . .
“Cộc! Cộc!” Có tiếng người gõ cửa. Anh đứng dậy ra mở cửa, một luồng ánh sáng ùa vào phòng, làm anh hầu như chói không mở được mắt. Đột nhiên, anh quát tháo người vừa mới bước vào:
– Này anh, đúng là anh, đã khiến cho cô gái bất hạnh ấy phải tự sát!
– Ơ… Người vừa tới sợ hãi lùi lại – Anh đang nói gì thế”?
– Ồ… Chàng thanh niên nhìn rõ người đến vốn là bạn của mình, bất giác cười lớn – Mình đang viết một cuốn tiểu thuyết, đầu óc đang nghĩ về cô gái ấy.
Bạn anh cũng cười, dí dỏm bảo:
– Hơn tám giờ sáng rồi, anh vẫn còn đóng chặt cửa sổ mà ngủ mơ à?
– Ôi, hết cách rồi, nợ người ta một đống, không tranh thủ viết thì sống làm sao nổi đây! Có điều, sáng tác đã khiến tôi say mê, anh biết đấy, nghệ thuật thật là cực nhọc, nó là thứ đấu tranh mệt người. . .
Chàng thanh niên viết thâu đêm suốt sáng ấy, chính là người thầy nghệ thuật hiện thực phê phán Pháp lừng danh – Bandắc.
Bandắc, sinh năm 1799 tại thành phố Tua miền tây nước Pháp. Cha ông vốn là nông dân, đã phất lên nhờ theo Napôlêông đi xâm lược nước ngoài trở thành một nhà tư bản. Ông ta hy vọng trong gia đình có một luật sư, để giữ gìn tài sản, liền cho Bandắc đi học đại học, lại còn bắt Bandắc là trợ lý cho một luật sư để học pháp luật. Nhưng, Bandắc quyết chí làm một nhà văn, thành ra mâu thuẫn với gia đình, ông đã ở riêng một mình ở nơi khác, chuyên việc viết lách.
Nói tới chuyện ông thành nhà văn, vẫn còn nhiều khúc mắc.
Năm 1819, khi 20 tuổi, Bandắc đã ký một “hợp đồng” kỳ quặc với gia đình: ông đi sáng tác ở một nơi khác, gia đình cho ông tiền ăn ở, nếu hai năm không viết được tác phẩm cho ra hồn, ông sẽ từ bỏ nghề viết văn, về nhà học nghiệp vụ luật sư.
Bandắc một mình ngồi lỳ trong phòng nhỏ, miệt mài viết một mạch hơn nữa năm, hoàn thành được vở kịch về Crômoen. Ông sung sướng mang ngay về nhà đọc cho mọi người nghe. Nhưng, sau khi ông say sưa đọc ba tiếng đồng hồ, thì người trong gia đình và bạn bè sắp ngủ hết! Một thanh niên chưa hiểu biết nhiều như Bandắc, tri thức lịch sử và phương pháp sáng tác đều chưa hiểu được bao nhiêu, làm sao viết ra được tác phẩm hay được?
Một năm sau, gia đình thôi không cung cấp sinh hoạt phí cho ông. Bandắc biết làm sao bây giờ? Về nhà học làm luật sư ư? Ông không thích. Ở lại bên ngoài sáng tác, không có nguồn cung cấp. Ông đành dùng bút danh viết loại “tiểu thuyết lá cải” chẳng có nội dung gì, đem bán cho nhà xuất bản kiếm mấy đồng, sống cầm hơi trong cảnh nghèo túng. Về sau, ông lại muốn kinh doanh nghề xuất bản, xuất bản những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Môlie, liền vay tiền đứng ra làm ông chủ. Nhưng, ông chủ này không biết kinh doanh, lỗ vốn và nợ đầm đìa. Trong xã hội tư bản, nợ không trả được thì phải trả lãi, lãi không trả được thì phải truy trả lãi. Vậy là, món nợ ngày càng lớn, tới năm 1828, khoản nợ đã lên tới 9 vạn Frăng. Chính quyền Pari ra lệnh bắt Bandắc. Ông đành phải đổi họ tên, trốn vào ở một căn nhà nhỏ ở khu dân nghèo. Từ đó, cậu ấm tư sản này trở thành thành viên của khu dân nghèo.
Khu dân nghèo giúp ông mở rộng được tầm mắt. Bandắc nhìn thấy cảnh cơ cực của nhân dân lao động, tai nghe thấy tiếng chửi rủa và kháng nghị của họ đối với xã hội tư bản. Ông tiếp xúc với các hạng người, nhìn thấy đủ thứ xấu xa chạy theo tiền tài của giai cấp tư sản – lừa bịp lẫn nhau, đấu đá nhau để sống còn. Ngày ngày ông tới thư viện, đêm đêm miệt mài đọc sách, hiểu biết thêm nhiều kiến thức lịch sử. Vậy là sáng tác của ông ngày một thành thục.
Tác phẩm thành công thứ hai của Bandắc là “Những người Suăng” viết năm 1829, mô tả thời kỳ đại cách mạng Pháp, đảng Bảo hoàng đã gây ra cuộc bạo loạn chống lại nước cộng hòa. Để viết cuốn tiểu thuyết này, ông đã đọc rất nhiều văn kiện lịch sử, đích thân đi khảo sát thực địa nơi xảy ra bạo loạn, tình hình đời sống nông dân, thăm hỏi những người đã tham gia chiến đấu, và qua bạn bè tìm hiểu mọi tình hình của người Suăng, cho nên viết khá sinh động. Bandắc rất tự hào về thành công trong sáng tác của mình, ngoài bìa cuốn “Những người Suăng” ông cho in đích danh tên mình.
Từ đó, Bandắc xây dựng một kế hoạch sáng tác đồ sộ, chuẩn bị nghiên cứu toàn diện bộ mặt xã hội nước Pháp, bao gồm ba bộ phận nghiên cứu phong tục, nghiên cứu triết học và nghiên cứu phân tích, từ các góc độ vạch trần bản chất xấu xa độc ác tự tư tự lợi, chỉ mưu đồ kiếm lời của giai cấp tư sản. Kế hoạch của ông dự định viết 137 tập tiểu thuyết, nhưng từ năm 1830 tới lúc ông qua đời, thực tế mới viết xong hơn 90 tập. Hơn 90 tập tiểu thuyết này gọi chung là “Tấn trò đời”, một chuỗi hạt minh châu rực rỡ trong kho tàng văn học nghệ thuật của thế giới.
Phần trên có kể, Bandắc đã quát vào mặt bạn: “Đúng anh đã khiến cho cô gái bất hạnh ấy phải tự sát” Cô gái bất hạnh ấy là nhân vật chính Ơgiêni trong tiểu thuyết “Ơgiêni Gơrăngđê”. Cha nàng – lão Gơrăngđê, bức tử vợ, phá hoại tình yêu của con gái, là một triệu phú đầy thủ đoạn bỉ ổi hiểm độc. Còn Ơgiêni lại là một cô gái có tấm lòng lương thiện. Tiểu thuyết đã phanh phui mạnh mẽ tâm địa độc ác bất chấp tất cả để có tiền của giai cấp tư sản, người đọc đều cảm thấy phẫn nộ.
Tác phẩm có tiếng nhất trong “Tấn trò đời” là “Lão Gôriô”. Tình tiết câu chuyện như sau: ông già Gôriô có hai cô con gái. Sau khi vợ chết, ông dốc hết tâm huyết cho con gái, cho chúng được hưởng nền giáo dục của xã hội thượng lưu, để chúng kiếm được tấm chồng xứng đáng. Kết quả, cô lớn lấy một quý tộc, cô bé lấy một chủ ngân hàng, Lão Gôriô hầu như chia hết tài sản cho hai con gái. Nhưng, vì sống hoang toàng vô sỉ, chúng đã tiêu sạch cả chút ít vốn liếng Lão Gôriô giành lại. Lão Gôriô hết đường sinh sống, đến tìm con rể giúp đỡ, kết quả cả hai chàng rể đều không tiếp lão. Lão bán hết quần áo, cuối cùng chết trong căn gác xép. Lúc chết, hai con gái cũng chẳng thèm đến nhìn bố. Cuốn tiểu thuyết đã đả kích toàn diện quan hệ gia đình trong xã hội tư bản – quan hệ kim tiền trần trụi trắng trợn, cách viết rất sâu sắc và quyến rũ người đọc.
Bandắc dốc hết sức để sáng tác mà vẫn không trả hết nợ nần chồng chất. Ông ngày đêm miệt mài làm việc. Ăn cơm tối xong, ông chỉ ngủ bốn năm tiếng, 12 giờ đêm đã dậy để viết, một ngày làm việc tới mười sáu, mười bảy tiếng. Hơn 20 năm vất vả khó nhọc như vậy, chút sinh lực cuối cùng cũng tiêu hao hết. Tháng 8 năm 1850, tác giả “Tấn trò đời” đã từ giã cõi đời đầy rẫy những bi kịch. Khi ấy ông mới 51 tuổi.
VÍCHTO HUYGÔ
Ngày 21 tháng 8 năm 1850, trong đoàn người đưa tang nhà văn nổi tiếng Bandắc tới nghĩa trang Cha Lase ở Pari có một ông trung niên gần 50 tuổi. Ông có khuôn mặt vuông vức, tóc hoa râm, râu rậm cử chỉ cung kính, chậm rãi bước tới trước mộ Bandắc thành tâm đặt một bó hoa tươi lên mộ rồi cúi đầu lui ra. Nếu ai quan sát kỹ hẳn sẽ thấy suốt dọc đường ông đã khóc, đã nhỏ những giọt nước mắt nhớ thương người bạn thân của mình.
Ông trung niên đó chính là Víchto Huygô nhà văn học lãng mạn vĩ đại Pháp. Nói đến tình bạn giữa ông và Bandắc, phải ngược dòng thời gian về 20 năm trước.
Tối ngày 25 tháng 2 năm 1830, nhà hát lớn Phơrăngxơ ở Pari công diễn vở kịch lãng mạn “Hécnani” của nhà văn trẻ Huygô. Vở kịch chưa mở màn, khán giả đứng ở cửa nhà hát đã xung đột với nhau.
– Phải ngừng diễn! Vở kịch dở lắm, phá hoại cả nghệ thuật cổ điển! Chúng tôi phản đối diễn! – Rất nhiều người gào lên.
– Diễn đi! Diễn đi! Vở kịch này rất hay, nó phát huy mạnh mẽ trí tưởng tượng và sáng tạo của nghệ sĩ, chúng tôi rất hoan nghênh. Một số người khác lại kiên quyết chống lại những người kia.
Lúc đầu hai phe chỉ cãi vã nhau, sau biến thành trận ẩu đả. Một số người trong phe phản đối bò lên nóc nhà hát ném những đồ dơ bẩn trong thùng rác xuống nhà hát. Phe ủng hộ kiên quyết bảo vệ nhà hát không chịu lùi. Được sự ủng hộ của họ, vở kịch được công diễn như đã định. Tuy trong nhà hát nhốn nháo ồn ào, nhưng buổi diễn vẫn thu được kết quả tốt. Trong số những khán giả ủng hộ buổi diễn, nhà văn lớn Bandắc bị một gốc cải trắng ném vào đầu. Rất cảm kích trước sự ủng hộ của Bandắc, Huygô nảy sinh tình bạn sâu đậm với ông.
Tại sao có người phản đối diễn Hécnani? Hécnani, nhân vật chính của vở kịch, là một hảo hán lục lâm báo thù cho cha. Chàng chống lại Quốc vương. Chàng lên án những hành động tàn bạo vô đạo của Quốc vương ngay trước mặt nhà vua, nói lên được những điều thầm kín trong lòng của mọi người. Tuy cuối cùng vở kịch kết thúc bằng việc hai bên thỏa hiệp hòa giải, tư tưởng chống phong kiến vì thế không triệt để, nhưng vì mạo phạm đến Quốc vương nên phe bảo thủ kiên quyết phản đối. Hình thức biểu hiện của vở kịch hoàn toàn khác với kịch cổ điển. Nó đã phá hình thức ôn hòa nho nhã của kịch thơ, áp dụng những thủ pháp giàu tình tiết khác lạ như cải trang, mật thất, thuốc độc, bảo kiếm v.v. . để tăng hiệu quả của diễn xuất. Điều đó đương nhiên bị những kẻ “chính nhân quân tử” ủng hộ vương thất phản đối. Vở kịch được công diễn đã bắt đầu thể hiện nhiệt tình của Huygô đối với chủ nghĩa lãng mạn.
Tháng 7 năm 1830, nước Pháp nổ ra cuộc “cách mạng tháng Bẩy”, vương triều vừa phục hồi đã bị đánh đổ. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã khích lệ nhiệt tình sáng tác của nhà văn. Sau một năm lao động vất vả, năm 1831, Huygô cho ra đời cuốn tiểu thuyết dài nổi tiếng “Nhà thờ Đức Bà Pari”.
Nội dung của “Nhà thờ Đức Bà Pari” đại thể như sau:
Ở nhà thờ Đức Bà Pari có một vị Phó giáo chủ rất nghiêm trang đạo mạo là Phrôlô. Trong ngày “Hội nói dối”, ông ta nhìn thấy cô gái Digan tên là Exmêranđa biểu diễn để kiếm sống trên quảng trường. Cô Exmêranđa rất xinh đẹp, nhảy múa rất giỏi. Phrôlô động lòng tà dục, ra lệnh cho Quađimôđô người kéo chuông của nhà thờ – đi cướp cô về. Exmêranđa la hét kêu cứu, đội trưởng đội cung thủ nghe tiếng kêu cứu chạy lại tóm được người kéo chuông. Người kéo chuông bị lôi đến quảng trường, bị đánh đập rất tàn nhẫn. Tên Phó giáo chủ đánh bài lờ, còn cô gái Digan thì lại cho anh uống nước, nên anh rất biết ơn cô. Sau đó cô gái đi gặp viên đội trưởng đội cung thủ, tên Phó giáo chủ lẻn theo sau, đâm bị thương viên đội trưởng và vu cho cô làm việc đó. Chính quyền Pari bắt cô và tuyên án tử hình cô. Viên đội trưởng không chịu làm chứng cho cô, nên tên hung thủ Phó giáo chủ được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Anh chàng kéo chuông cương trực đã cứu cô ra khỏi nhà tù, giấu cô trong nhà thờ Đức Bà. Bạn nghề của cô muốn xông vào nhà thờ cứu cô, kết quả bị quân Chính phủ đuổi đánh. Tên Phó giáo chủ uy hiếp bắt cô phải nghe lời hắn, bị cô cự tuyệt, hắn nộp cô cho quân Chính phủ và cô bị lên giá treo cổ. Chính mắt thấy hành vi tội ác của tên Phó giáo chủ, anh chàng kéo chuông căm giận đẩy hắn ngã xuống đất chết dưới chân tường nhà thờ. Những điều tác giả miêu tả trong cuốn tiểu thuyết tuy là những sự việc của thời Trung thế kỷ, nhưng mũi nhọn của tác phẩm là nhằm chống lại Chính phủ phong kiến, tố cáo tội ác của giáo hội phong kiến, giáng một đòn chí tử vào xã hội thượng lưu Pháp trước và sau năm 1830, do đó được đông đảo quần chúng nhân dân lớp dưới hoan nghênh nồng nhiệt.
Tình hình chính trị nước Pháp luôn luôn biến động đã ảnh hưởng rất lớn đến đại văn hào Huygô. Tháng 12 năm 1851, Napôlêông III lên ngôi Hoàng đế, Huygô buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài. Trong thời kỳ này, ông đã bỏ ra hơn 10 năm ròng viết nên trước tác văn học lớn bất hủ – “Những người khốn khổ”. Cuốn tiểu thuyết dài này miêu tả những nỗi khổ đau, tai họa nặng nề của giai cấp bị áp bức, dùng máu và nước mắt tố cáo xã hội bất bình đẳng, là cuốn sách giáo khoa nghệ thuật làm cho chúng ta nhận thức rõ xã hội tư bản.
Nội dung chính của cuốn “Những người khốn khổ” như sau:
Có một thanh niên thất nghiệp tên là Giăng Vangiăng anh thấy 7 đứa con của người chị đói quá bèn đi ăn trộm một chiếc bánh mì cho chúng ăn, không may bị bắt và bị xử tù 5 năm. Anh không phục, 4 lần nhảy ra khỏi xe chạy trốn, song đều bị bắt lại và tăng thêm hình phạt, tổng cộng bị tù tất cả 19 năm. Trong thời gian ở tù, anh làm nhiều điều tốt, nhưng đều không được khoan hồng. Sau khi ra tù, đi đến đâu anh cũng bị khinh rẻ. Không có nghề nghiệp, anh buộc phải trộm cắp để sống. Về sau được một cha cố giúp, anh quyết tâm làm một người tốt.
Anh đổi tên là Mađơlen, mở một nhà máy ở thành phố biển, tiến hành đổi mới kỹ thuật, rồi trở thành một triệu phú. Mađơlen làm việc công bằng chính trực, hay giúp đỡ người có khó khăn, mọi người bầu Mađơlen làm thị trưởng thành phố. Trong thành phố có một nữ công nhân tên là Phăngtin, trước đây ở Pari do bị lừa mà mang thai sinh ra một bé gái. Để vào làm ở nhà máy Phăngtin phải gửi con cho một nhà hàng nhờ nuôi hộ. Chủ nhà hàng luôn tìm cách bóp nặn cô, cô buộc phải bán tóc và răng của mình, thậm chí phải làm gái điếm bán cả thân mình. Cuối cùng, nghèo khổ bệnh tật đã khiến cô nằm liệt giường. Mađơlen muốn giúp cô, nhưng cô đã hấp hối, ông quyết định nuôi dưỡng Côdét đứa con tội nghiệp của cô.
Khi đó, cảnh sát trưởng Giave đang truy nã người tù Giăng Vangiăng mất tích đã nhiều năm, cuối cùng bắt được một người vô tội mà cứ tưởng là Giăng Vangiăng. Thị trưởng Mađơlen ra tòa nhận mình chính là Giăng Vangiăng. Giave lại bắt ông đưa vào nhà tù.
Bé Côdét làm thuê cho nhà hàng, bị ngược đãi thậm tệ. Khi đó có người bỏ tiền chuộc bé ra. Người đó là ai vậy? Người đó chính là Giăng Vangiăng vừa mới vượt ngục ra. Để tránh bị bắt lại, ông đưa Côdét vào trốn tránh ở một tu viện.
Côdét đã trưởng thành, có một thanh niên là Mariuýt đem lòng yêu cô. Tháng 7 năm 1832 vương triều đàn áp đẫm máu nhân dân. Nhân dân Pari buộc phải đứng lên khởi nghĩa Mariúyt tham gia khởi nghĩa, chàng bị thương nặng, nằm bất tỉnh trên đất, Giăng Vangiăng không quản nguy hiểm đến tính mạng cứu sống được chàng. Khi đó Giave chui vào hàng ngũ cách mạng để dò xét, hắn bị bắt và bị kết án tử hình. Khi giải hắn ra pháp trường, Giăng Vangiăng quyết định thả hắn. Giave thấy quá xấu hổ và nhục nhã đã nhảy xuống sông tự tử.
Côđét và Mariúyt kết hôn. Vì sợ lý lịch của mình liên lụy đến vợ chồng Côđét, Giăng Vangiăng lặng lẽ rời Pari đến Luân Đôn. Mariúyt quyết tâm tìm ân nhân cứu mạng mình, khi biết người đó chính là Giăng Vangiăng bèn cùng Côđét lập tức đến Luân Đôn. Nhưng ông lão Giăng Vangiăng già nua lúc đó đã nằm liệt giường không dậy được, đây là lần cuối cùng họ được gặp ông.
Cuốn tiểu thuyết có thể nói là một bức tranh chân thực phản ánh rất nhiều mặt của xã hội Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 19. Cuốn sách giới thiệu rất tỉ mỉ cuộc sống và tâm lý của các tầng lớp nhân dân; miêu tả rất cụ thể sinh động các sự kiện chính trị quan trọng thời đó, như trận đánh Oatéclô, cuộc khởi nghĩa năm 1832 v.v. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết đã vạch trần và phê phán sâu sắc bản chất ngụy thiện của pháp luật tư sản. Do đó tác phẩm vừa chào đời đã được cả thế giới hoan nghênh.
Năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ, Napôlệông III đầu hàng, nước Pháp lập lại nền cộng hòa. Huygô về nước. Ông cúng tiền tiết kiệm của mình đúc 2 cỗ đại bác để chống lại quân xâm lược Phổ. Ít lâu sau Huygô đến Bỉ. Khi đó, giai cấp vô sản Pari khởi nghĩa chống lại chính phủ bán nước, thành lập công xã Pari. Huygô lúc đó không thật sự hiểu rõ những sự việc đó. Nhưng khi chính phủ bán nước câu kết với quân xâm lược Phổ tàn sát đẫm máu các thành viên Công xã Pari, ông lập tức Đăng báo ở Bỉ tuyên bố sẵn sàng đón các thành viên công xã đến tị nạn ở gia đình ông. Vì thế nhà ông đã từng bị đập phá. Sau đấy, ông trở về Pari, viết văn, diễn thuyết, công khai bênh vực cho các thành viên Công xã bị bắt, chống lại cuộc xâm lược của quân Phổ, thể hiện lập trường chính nghĩa mạnh mẽ và tinh thần yêu nước trong sáng của mình.
Ngày 22 tháng 5 năm 1885, Huygô tạ thế. Cuộc đời của Huygô hầu như trải dài suốt thế kỷ 19. Có thể nói, những trước tác của Huygô là vật chứng nói lên bộ mặt xã hội Pháp thế kỷ 19. Nhân dân Pháp tiếc thương ông sâu sắc, nhân dân thế giới chân thành nhớ tiếc ông. Các thành viên Công xã Pari thời đó đăng Tuyên ngôn trên báo chí kêu gọi các chiến sĩ Công xã Pari đi dự tang lễ Huygô. Nhân dân không bao giờ quên Huygô, tác phẩm của ông đã được truyền đi khắp thế giới.
PUSKIN
Bạn chắc đã đọc “Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng”. Lời của bài thơ dài này đẹp và cảm động biết bao! Các hình tượng nhân vật trong thơ được miêu tả vô cùng sinh động, đó là ông lão đánh cá hiền lành chất phác, con cá vàng đẹp và thông minh, bà vợ già tham lam và ngang ngược. Tác giả của bài thơ đó là Puskin – nhà thơ và nhà văn kiệt xuất nhất của nước Nga.
Alêchxanđrơ Xécgâyêvích Puskin chào đời ngày 6 tháng 6 năm 1799 trong một gia đình quí tộc đại địa chủ ở ngoại ô thành phố Matxcơva. Sống trong gia đình này đều là những kẻ tầm thường chỉ biết ăn chơi hưởng lạc. Ngược lại, Puskin ngay từ nhỏ đã ham học. Cậu luôn được nghe bà bảo mẫu kể các câu chuyện dân gian Nga, chăm chỉ học tiếng Pháp do gia sư từ Pháp tới dạy. Chỉ vài năm sau, Puskin nói tiếng Pháp lưu loát như tiếng Nga. Hồi tám chín tuổi, cứ tối đến Puskin đến phòng sách đọc tiểu thuyết Pháp, có lần đọc thâu đêm suốt sáng. Khoảng 10 tuổi Puskin đã bắt đầu làm thơ.
Năm 18 tuổi Puskin tốt nghiệp trường Hoàng gia, vào làm việc ở Bộ Ngoại giao. Ở Pêtécbua, ông quen biết rất nhiều người của “Đảng tháng Chạp” và viết khá nhiều bài thơ đả kích chế độ chuyên chế của đế quốc Nga và Sa hoàng. Do đó ông được các nhân sĩ tiến bộ Nga yêu mến.
Sa hoàng Alêchxanđrơ vô cùng tức giận, triệu bọn quí tộc và đại thần vào cung.
– Phải đày Puskin đến Xibêri! Hắn làm cho khắp nước Nga đâu cũng có thơ phiến loạn! – Sa hoàng nổi trận lôi đình phán vậy.
– Tâu bệ hạ, Puskin hãy còn là một cậu thanh niên ít tuổi, không đáng để Người phải nổi giận, chỉ cần dạy bảo cậu ta là được. – Một vị quí tộc xin cho Puskin.
– Thôi được, ta chỉ xử phạt hắn nhẹ thôi, đày hắn xuống miền Nam, đến tuổi kết hôn không được trở về!
– Tạ ơn bệ hạ.
Khi các quí tộc và đại thần quay người lui ra lại nghe thấy tiếng của Sa hoàng:
– Sau 4 năm, đày hắn về quê của hắn, giao cho quan địa phương giám sát!
Thế là từ đó Puskin mất tự do. Trong thời gian lưu đày, Puskin bị điệu đi khắp miền Côcadơ, Crưm và ven biển Đen. Ông tận mắt thấy những nỗi khổ đau, tai họa nặng nề của đông đảo nhân dân lao động; đồng thời ông càng tin rằng cần phải thực hiện chế độ dân chủ ở nước Nga.
Năm 1824, Puskin bị lưu đày ở quê hương mình. Cha ông vô cùng tức giận, đích thân ký tên vào văn bản các quan đưa ra, đồng ý kiểm tra mọi thư từ qua lại của Puskin. Puskin sống cô đơn trong gia đình, chỉ có bà bảo mẫu của ông thời thơ ấu chuyện trò bầu bạn với ông. Xung quanh gia đình ông có các gia đình nông nô, những người hát rong nghèo khổ, đã tạo điều kiện tốt cho ông tiếp xúc với tầng lớp thấp nhất của xã hội. Puskin tìm hiểu tâm tình họ, thu thập những truyền thuyết do họ kể, ghi chép lại những bài dân ca mà họ hát, sưu tập những câu ngạn ngữ và cách ngôn lưu truyền trong dân gian. Vốn sẵn tinh thần hiếu học, Puskin đã hấp thu được nguồn dinh dưỡng dồi dào của nền văn học dân gian.
Puskin không tán thành khởi nghĩa vũ trang, nhưng sự kiện những người của “Đảng tháng Chạp” khởi nghĩa vũ trang bị chính phủ Sa hoàng đàn áp đẫm máu đã ảnh hưởng sâu sắc đến Puskin. Tân Sa hoàng Nicôla I một tay cầm dao một tay cầm cành ôliu, muốn ngăn cản Puskin đồng tình với những người của “Đảng tháng Chạp” đã đích thân triệu kiến Puskin.
– Thời gian lưu đày của ngươi đã mãn, từ nay ngươi được tự do! – Vừa thấy Puskin, Sa hoàng Nicôla I đã tỏ ra mình “rộng lượng”.
– Tạ ơn bệ hạ. – Puskin bình thản trả lời.
– Ta rất thích thơ của ngươi. – Sa hoàng vừa nói vừa cười – Từ nay trở đi, thơ của ngươi để cho ta xem trước rồi mới được công bố, ngươi thấy thế nào? – Thì ra ý của Sa hoàng là muốn đích thân kiểm duyệt tác phẩm của Puskin.
– Tâu bệ hạ, Người rất bận, thơ vớ vẩn của thần đâu dám để Người xem. – Puskin từ chối khéo.
– Không sao, khi trẫm bận, ngươi đưa cho Tư lệnh hiến binh xem là được rồi. – Câu nói này đã lộ rõ ý đồ thực sự của Sa hoàng. Mục đích đưa Puskin đến Pêtécbua là nhằm đặt ông dưới tầm kiểm soát của Bộ tư lệnh hiến binh.
Năm 1830, để chuẩn bị cho việc cưới xin, Puskin trở về lãnh địa thế tập của gia tộc mình – trang viên Boóckinô. Ông sống ở đó đúng 90 ngày: từ ngày 6 tháng 9 đến ngày 5 tháng 12. 90 ngày này là thời gian Puskin sáng tác nhiều nhất trong cuộc đời mình, là “Mùa thu vàng” của ông như mọi người thường nói. Ông đã hoàn thành năm sáu cuốn tiểu thuyết như truyện thơ “Epghêni Ônêghin”, truyện “Người trạm trưởng”…; bảy tám vở kịch như “Chàng kỵ sĩ keo kiệt. . .”; gần 30 bài thơ trữ tình và rất nhiều bài bình luận.
“Epghêni Ônêghin” là tác phẩm tiêu biểu của Puskin, ông viết nó trong vòng 8 năm. Nhân vật Ônêghin trong tác phẩm là một thanh niên quí tộc, thích dao du, ham khiêu vũ, nhưng lại cảm thấy cuộc sống trống rỗng vô vị. Chàng tỏ tình với nàng Tachiana xinh đẹp nhưng bị từ chối. Chỉ vì một chuyện nhỏ, trong cuộc đấu súng chàng bắn chết Lenxki người bạn tốt của mình. Cảm thấy rất đau khổ trong lòng, chàng đi ngao du khắp nơi. Về sau chàng gặp lại Tachiana ở Matxcơva, nhưng lúc đó nàng đã lấy chồng. Xuyên suốt cuộc đời của mình, Ônêghin là một “người thừa” chẳng được tích sự gì, ở nước Nga thời nông nô phong kiến, “người thừa” mang tính điển hình rất rõ nét. Thời đó, rất nhiều thanh niên trí thức yêu cuộc sống, vì không nhìn thấy tiền đồ nên đã sống mòn mỏi như Ônêghin. Puskin viết tác phẩm này nhằm mục đích thức tỉnh thanh niên trí thức Nga, kêu gọi họ hăng hái phấn chấn lên, khắc phục khuyết điểm tự tư và yếu đuối của họ, chỉ cho họ thấy chỉ có dùng hành động thực tế chống lại ách thống trị chuyên chế của phong kiến mới giành được tự do cho Tổ quốc và cá nhân.
Tháng 2 năm 1831, Puskin kết hôn với Natalia kém ông 13 tuổi. Họ chuyển từ Matxcơva về Pêtécbua, Puskin lại vào làm ở Bộ Ngoại giao.
Natalia là một cô gái rất xinh đẹp. Cô thích khiêu vũ, ham chơi bời, thích xuất đầu lộ diện mọi nơi. Toàn bộ tiền lương tháng của Puskin không đủ cho cô tiêu sài. Tối đến, Natalia toàn đòi Puskin đưa cô đi chơi. Puskin đau khổ vô chừng, vì chỉ ban đêm mới có thời gian sáng tác, giờ hoàn toàn không có thời gian nữa.
Nỗi đau buồn cứ nối tiếp xảy ra. Sa hoàng Nicôla thấy Natalia xinh đẹp bèn phong cho Puskin làm “thị vệ cung đình”, để có thể thường xuyên cho Natalia đến dự vũ hội ở cung đình. Đúng thời kỳ đó lại nảy nòi ra một anh chàng người Pháp tên là Đăngtơ. Tên này ngày ngày lượn quanh Natalia gây dư luận ầm ĩ khắp cả Pêtécbua. Đăngtơ là ai? Hắn nguyên là dư đảng của vương triều Pháp được phục hồi sau này, sau “Cách mạng tháng Bẩy” năm 1830 trốn chạy sang Nga. Sa hoàng cho hắn làm sĩ quan trong trung đoàn kỵ binh cấm vệ, thường xuyên được ra vào hoàng cung. Hắn luôn luôn phỉ báng Puskin.
Puskin quyết tâm thoát ra khỏi xã hội thượng lưu. Mùa thu năm 1833, ông xin nghỉ phép 4 tháng đến vùng Kazan sưu tầm những sự tích anh hùng về Pugasốp – lãnh tụ nông dân khởi nghĩa. Trên đường về, Puskin lưu lại một tháng rưỡi ở làng Boockinô quê hương mình. Một tháng rưỡi này là “Mùa thu vàng” thứ hai của Puskin (từ mồng 1 tháng 10 đến trung tuần tháng 11). Trong thời gian này ông đã hoàn thành rất nhiều tác phẩm; nổi tiếng nhất có truyện thơ đồng thoại “Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng”, “Pugasốp” ghi chép về cuộc đời của người anh hùng cách mạng nông dân v.v. Đồng thời ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Con gái viên đại úy”.
Tháng 10 năm 1836, “Con gái viên đại úy” xuất bản. Đây cũng là một tác phẩm tiêu biểu của Puskin. Nội dung cuốn tiểu thuyết như sau:
Viên sĩ quan trẻ Grimốp đến nhận công tác ở một pháo đài biên phòng. Trên đường đi gặp gió to tuyết lớn, khi thấy anh nông dân Pugasốp run lên vì đói rét, Grinốp đã cho anh ta chiếc áo da thỏ. Sau khi đến nơi công tác, Grinốp yêu Masa con gái của viên đại úy sĩ quan chỉ huy. Quân nông dân khởi nghĩa do Pugasốp lãnh đạo đánh pháo đài giết chết sĩ quan chỉ huy, bắt Grinốp làm tù binh. Nhớ đến tình nghĩa trước kia, Pugasốp thả Grinốp. Grinốp và Masa kết hôn. Sau khi Pugasốp thất bại, chính phủ Sa hoàng bắt Grinốp, buộc tội anh tư thông với quân khởi nghĩa. Masa một thân một mình tới Pêtécbua gặp Nữ hoàng Êcatêrina nói rõ sự thực, cuối cùng Grinốp được tự do.
Đặc điểm lớn nhất của “Con gái viên đại úy” là miêu tả lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thành một con người mưu trí dũng cảm, yêu tự do, được nhân dân yêu mến. Quả là một hành động vô cùng can đảm ở nước Nga dưới chế độ nông nô phong kiến.
Sau khi trở về Pêtécbua, Puskin lại bị chính phủ Sa hoàng giám sát chặt chẽ. Thư từ của ông thường bị cảnh sát hoặc Sa hoàng Nicôla bóc ra xem trước. Cuối năm 1836, ông liên tiếp nhận được 3 thư nặc danh sỉ nhục ông, thậm chí bạn ông cũng nhận được thư nặc danh với những lời lẽ thô bỉ. Puskin không nhẫn nhục được nữa, quyết định đấu súng với Đăngtơ.
Nghe tin chồng quyết đấu, Natalia hốt hoảng vội chạy đến trước Puskin, quì xuống trước mặt ông, nước mắt ròng ròng, khóc nức nở:
– Xécgâyêvích thân yêu, anh đừng đi đấu súng nữa! Em cầu xin anh: Anh sẽ chết mất… Em mãi mãi yêu anh. -Vừa nói cô vừa dang tay ôm chặt lấy Puskin.
Puskin đau khổ mím chặt môi gỡ Natalia ra, nói một câu tự đáy lòng mình:
– Anh lẽ nào lại đi quyết đấu vì em?
Đúng thế, Puskin quyết đấu với thế lực đen tối của nước Nga.
Ngày 27 tháng l năm 1837, bên dòng suối đục ngầu ở ngoại ô Pêtécbua, cuộc đấu súng của hai người bắt đầu. Các trợ thủ của hai bên lấy chân vạch trên tuyết một đường ranh giới với khoảng cách hai bên là 10 bộ. Đối thủ nổ súng trước, đạn trúng bụng Puskin. Puskin ngã lăn ra đất. Máu của nhà thơ chảy loang đỏ cả mặt tuyết trắng. Puskin nghiến chặt răng, dùng hết sức toàn thân, lấy khuỷu tay trái đỡ người lên nhằm đối phương bắn một phát. Phát súng bắn trúng tay phải đối thủ, chỉ làm cho hắn bị thương nhẹ. Do máu ra nhiều, Puskin gục xuống. Các bạn ông vội dìu ông lên xe trượt tuyết đưa về nhà…
Hai ngày sau Puskin từ trần khi mới 38 tuổi đời.
GÔGÔN
Mùa xuân năm 1836 có một vị khách trẻ đến thư phòng của Puskin ở Pêtécbua. Vị khách đó khoảng 25, 26 tuổi, người thấp bé, sắc mặt trắng xanh, nhưng đôi mắt thì sáng long lanh đầy chất trí tuệ.
– Xin kính chào Alêchxanđrơ Xécgâyêvich tôn kính! – Vị khách trẻ lễ phép chào Puskin.
– Xin chào Nicôlai Vaxiliêvich, rất hoan nghênh cậu! – Puskin từ chiếc ghế xoay đứng lên nhiệt tình bắt tay vị khách trẻ, mời anh ngồi xuống chiếc ghế bành, rồi hai người vui vẻ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.
Puskin là nhà thơ nổi tiếng nhất nước Nga thời đó, tại sao ông lại thân mật với vị khách trẻ như vậy? Hóa ra vị khách trẻ đó cũng là một nhà văn học rộng đa tài tên là Gôgôn.
Gôgôn sinh tháng 3 năm 1809 ở Ucraina. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh đến Pêtécbua làm một viên chức nhỏ: Tuy nhiên, với những sáng tác văn học của mình, anh đã nổi tiếng trong cả nước, giờ đây đã là giáo sư của trường Đại học Pêtécbua.
– Alêchxanđrơ Xécgâyêvich, tôi muốn viết một vở hài kịch, không biết Ngài có thể giới thiệu cho tôi một số đề tài không? – Khi làm thơ, Gôgôn thường hỏi ý kiến Puskin, và đã nhận được sự giúp đỡ rất chân thành. Lần này Gôgôn đến hỏi Puskin về đề tài hài kịch.
– Hài kịch à? Thật vừa khéo, bản thân tôi là một đề tài hay đấy! Ha… ha… Puskin nói xong cười phá lên.
– Ngài. . . chắc có chuyện gì phải không ạ? – Gôgôn cảm thấy lạ, muốn hỏi tới cùng.
Chính là tôi! Đúng thật mà!- Puskin đứng dậy chậm rãi kể lại câu chuyện của mình:
– Đó là chuyện xảy ra mùa thu năm 1833. Tôi xin nghỉ phép 4 tháng đến vùng Kazan sưu tầm những sự tích anh hùng của Pugasốp. Khi đi qua thành phố Ôrenbua, bọn quan lại ở đó nghe nói tôi từ Pêtécbua tới, nghĩ tôi là “quan khâm sai” được nhà vua phái đến, nên ra sức nịnh nọt bợ đỡ tôi. Bọn giầu có trong thành lại càng tìm đủ mọi cách tiếp cận tôi, tâng bốc tôi thật là xấu xa tồi tệ!
Ngài Alêchxanđrơ Xécgâyêvich, rất cảm ơn Ngài! Ngài đã gợi cho tôi một ý rất hay. Tôi nhất định sẽ viết một vở kịch trào phúng phơi bày hết các xấu xa của bọn quan trường. – Nói xong Gôgôn cáo từ ra về.
Sau đó hai tháng, Nhà hát lớn Pêtécbua công diễn một vở kịch trào phúng mới với nhan đề “Quan khâm sai”. Tác giả của vở kịch chính là Gôgôn. Nội dung của vở kịch đại thể như sau:
Ở một thành phố nhỏ miền biên thùy nước Nga, người ta nhận được một tin động trời: Sa hoàng phái quan khâm sai bí mật đến thành phố xem xét tình hình. Bọn quan lại địa phương thảy đều lo sợ vì chúng đã làm những điều xấu xa, sợ bị lôi ra ánh sáng. Khi đó có một viên chức nhỏ của Pêtecbua tên là Khơlêxđacốp có việc đi qua thành phố đó. Bọn quan lại địa phương tưởng ông là quan khâm sai bèn tranh nhau đến nịnh nọt ông. Thị trưởng thành phố cho vợ mình đến hầu tiếp quan khâm sai, thậm chí còn hứa gả con gái mình cho ông. Lúc đầu Khơlêxđacốp không hiểu ra sao, khi biết rõ chuyện liền biến giả thành thật, “bóp” cho bọn này một trận. Bọn quan lại đó tự nguyện xếp hàng nộp tiền của hối lộ ông ta. Sau khi vớ được một món bẫm, Khơlêxđacốp cáo từ ra đi. Được ít lâu, lại có tin quan khâm sai sắp đến. bọn quan lại trơ mắt nhìn nhau, biết là mắc lừa nhưng đã muộn.
“Quan khâm sai” thông qua hình tượng nghệ thuật phê phán mạnh mẽ sâu sắc bọn quan lại phong kiến Nga. Thị trưởng là tên xảo quyệt cỡ bự, chính hắn tự nhận là đã lừa được 3 vị thanh tra của tỉnh trưởng đến kiểm tra thành phố hắn. Hắn cho rằng, làm quan là phải kiếm tiền, phải dùng trăm phương ngàn kế để tham ô và đục khoét. Kẻ nào tham ô được nhiều, kẻ đó sẽ càng làm to. Hắn nghĩ, cứ làm đúng theo ý của quan khâm sai, hắn có thể làm tướng lĩnh ở Pêtécbua. Quan tòa ở thành phố cũng là một tên chuyên nhận hối lộ, làm sai luật pháp. Những tên quan lại khác đều là những kẻ chẳng ra gì: Viện trưởng bệnh viện từ thiện là một kẻ thâm hiểm, độc ác, tàn nhẫn; Cục trưởng bưu điện là kẻ thường xuyên xem trộm thư của người khác. . . Thế còn viên khâm sai giả thị sao? Hắn là một tên đại bịp chính hiệu, hắn là điển hình của bọn quan lại Pêtécbua. Vở kịch “Quan khâm sai” đã phơi bày tội ác và bộ mặt xấu xa của tất cả bọn quan lại trong chính quyền Sa hoàng từ trên chí dưới. Do đó, vở kịch được đông đảo nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt và làm chấn động cả Pêtécbua.
Bọn quan lại trong chính phủ Nga căm ghét “Quan khâm sai” đến xương tủy. Nicôla đích thân “xông trận”, lớn tiếng chửi mắng: “Kịch gì như vậy! Ai xem xong mà chẳng khó chịu. Ta còn khó chịu hơn bất cứ ai!” Thế là một màn kịch xấu xa nhằm hãm hại Gôgôn bắt đầu. Có một tên quan lớn nêu ý kiến: phải còng tay Gôgôn đưa đi lao động khổ sai ở Xibêri. Gôgôn buộc phải rời Tổ quốc đến Pari, sau đó sống lâu dài ở Rôma nước Italia.
Trong thời gian ở nước ngoài, Gôgôn viết truyện “Những linh hồn chết” phản ánh tội ác của chế độ nông nô. Năm 1841, tập 1 của “Những linh hồn chết” chính thức chào đời. Tập sách miêu tả và phê phán sâu sắc tâm địa xấu xa của tên quỉ hút máu Sisicốp chuyên làm giàu nhờ vào việc mua tên những người chết chưa kịp khai tử. Cuốn sách đã được độc giả trên toàn thế giới khen ngợi. Tiếp đó, Gôgôn bắt tay vào viết tập 2 của cuốn sách. Nhưng ông viết rồi lại sửa, sửa rồi lại viết lại, cứ như vậy mất trọn 10 năm mà ông vẫn không hài lòng.
Tại sao lại như vậy? Nguyên do là vì Gôgôn tuy phản đối chế độ nông nô, nhưng ông không chống lại Sa hoàng. Sau khi đến Tây Âu, thấy chủ nghĩa tư bản cũng đầy rẫy mâu thuẫn, nên ông muốn nước Nga quay trở lại xã hội tông pháp thời Trung thế kỷ, ông muốn dùng đạo đức và tôn giáo để cải tạo xã hội tội ác. Vì vậy, ông muốn tạo ra một địa chủ “tốt bụng” và xây dựng Sisicốp thành một hình tượng bỏ cái ác theo điều thiện. Đương nhiên, con người như vậy không có trong đời sống thực tế. Gôgôn viết đi viết lại mà vẫn không thành công.
Mùa xuân năm 1862, Gôgôn gắng gượng bước xuống giường bệnh, lấy trong tủ ra bản thảo tập 2 của “Những linh hồn chết” ném tất cả vào lò sưởi: Ngọn lửa đỏ rực đã đốt tập bản thảo thành tro, từ đó trên thế giới không còn tập tiếp theo của “Những linh hồn chết” nữa!
Mấy hôm sau, Gôgôn kết thúc cuộc đời trong nỗi ưu phiền vô hạn và khi sự nghiệp của ông chưa hoàn thành.
PÊTÔPHI – NHÀ THƠ CÁCH MẠNG
Người Hungari hãy đứng lên!
Tổ quốc đang kêu gọi.
Đến lúc rồi, bây giờ còn chưa quá muộn.
Muốn làm người tự do, hay làm nô lệ?
Câu hỏi đó tự mọi người lựa chọn!
Một thanh niên đứng trước Viện bảo tàng của thủ đô Hunggari. Anh mặc một chiếc áo khoác khít người, sườn đeo thanh trường kiếm, tay đeo băng ba màu đỏ, trắng, xanh lục đứng trước đám đông quần chúng, giọng hùng hồn xúc động đọc bài thơ của mình sáng tác.
“Làm người tự do! Làm người tự do!” Quần chúng đồng thanh hô lớn.
Anh thanh niên đọc tiếp:
Chúng tôi thề
Thề với Thượng đế của Hunggari.
Chúng tôi thề,
Chúng tôi thề:
Chúng tôi không tiếp tục làm nô lệ!
“Chúng tôi không làm nô lệ nữa!” – Hơn một vạn quần chúng trang nghiêm thề, tiếng thề vang dội tận trời xanh.
Bài thơ hùng tráng đó chính là bản tuyên ngôn của cách mạng Hunggari ngày 15 tháng 3 năm 1848 – “Bài ca dân tộc”. Nhà thơ cách mạng trẻ đó là Pêtôphi Sando.
Pêtôphi sinh năm 1823 trong một gia đình nông dân nghèo bên bờ sông Đanuýp. Do gia đình túng thiếu, chưa tốt nghiệp trung học đã phải thôi học. Ông đã từng làm lính trong quân đội Hunggari, làm nghệ nhân lang thang trên đường phố. Ông đi khắp đất nước, hiểu sâu sắc nỗi khổ đau của nhân dân Hunggari dưới ách thống trị của Áo, quyết chí hiến thân cho nền độc lập của Tổ quốc. Giờ đây, nhân dân Áo khởi nghĩa chống lại nhà vua, Pêtôphi lập tức kêu gọi nhân dân Hunggari đứng lên làm cách mạng, đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
Do Pêtôphi dẫn đầu, hơn một vạn quần chúng rầm rộ biểu tình thị uy.
– Vào đi! Chiếm lấy nó! – Pêtôphi chỉ vào xưởng in lớn nhất của Hunggari hô.
Quần chúng treo lá cờ ba mầu đỏ, trắng, xanh lục lên cổng nhà máy. Viên quan người Áo định ra ngăn lại thì mọi người đã xông vào cổng. Họ cùng với công nhân nhà in nhanh chóng in “Bài ca dân tộc” và “Chính cương 12 điểm” – cương lĩnh của cách mạng Hunggari. Chẳng bao lâu, những tờ truyền đơn in hai văn kiện cách mạng đó đã rải khắp cả thành phố Pét.
– Tiến sang Buđa! Hãy thả chính trị phạm! – Pêtôphi dơ cao lá cờ ba mầu, bước lên cầu lớn trên sông Đanuýp. Số là, Buđa và Pet là hai thành phố nằm đối diện nhau, giữa là dòng sông Đanuýp. Thành phố Pét phía đông sông là thủ đô hiện tại của Hunggari, thành phố Buđa là thủ đô trước kia của Hunggari, ở đó có nhà tù giam rất nhiều chính trị phạm. Quần chúng cách mạng do Pêtôphi dẫn đầu xông vào nhà tù thả tất cả chính trị phạm – những người yêu nước Hunggari. Đội ngũ cách mạng Hunggari do đó đã lớn mạnh thêm.
Cuộc biểu tình kéo dài suốt một ngày, trở thành một cuộc khởi nghĩa cách mạng. Quần chúng tiếp quản cả thành phố Buđapet, thành lập chính phủ của mình.
Hoàng đế Áo điên cuồng phản công, cử bá tước Răngbécgơ – một quí tộc Hunggari làm Toàn quyền để đàn áp cách mạng Hunggari. Tối ngày 27 tháng 9, Răngbécgơ tới Buđa. Sáng sớm hôm sau, hàng vạn quần chúng ở Pét tụ họp lại, có người xông vào kho vũ khí lấy súng trang bị cho mình, những người khác thì cầm gậy gộc, liềm búa sẵn sàng chiến đấu: Pêtôphi tham gia lãnh đạo quân khởi nghĩa.
Hai giờ chiều, một chiếc xe ngựa bốn bánh sang trọng từ Buđa chạy lên cầu lớn vắt ngang sông Đanuýp. Trên xe là bá tước Răngbécgơ ngồi chễm chệ, ông ta chuẩn bị đến Pét “nhận chức”. Xe vừa đến đầu cầu thì một tiếng thét vang lên:
– Treo cổ tên phản bội. Nước cộng hòa muôn năm! -Đó là tiếng thét của Pêtôphi, và cũng là tiếng thét trong lòng của hàng vạn quần chúng.
Hàng ngàn quần chúng tay cầm vũ khí ào lên. Họ đuổi bọn quân cảnh phản động chạy tan tác, lôi Răngbécgơ xuống xe. Gậy gộc, giáo mác, báng súng đập tên bá tước túi bụi, chỉ mấy phút tên toàn quyền đã bỏ mạng.
Cùng lúc đó, quần chúng khởi nghĩa ở Viên – thủ đô Áo – cũng treo cổ chết viên đại thần Lục quân Áo Latun. Nghe tin đó, Pêtôphi rất phấn khởi viết ngay một bài thơ dài “Treo cổ quốc vương”, nhiệt tình ca ngợi chiến công vĩ đại của nhân dân cách mạng. Bài thơ viết:
Giết chết Răngbécgơ, treo cổ Latun.
Bạo chúa khác cũng sẽ chung số phận!
Nhân dân hỡi! Như vậy mới tỏ rõ sức mạnh của Người,
Người làm tốt biết bao, làm đẹp biết bao!
Song Người còn phải làm đến cùng
Treo cổ tên quốc vương lên giá
Hoàng đế Áo đã vung lưỡi gươm đồ tể đẫm máu của y. Y một mặt dùng vũ lực đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong nước, một mặt huy động đại quân tấn công Hunggari. Mồng 9 tháng 1 năm 1849, thủ đô Pét thất thủ. Dưới sự lãnh đạo của Kôsut, nhân dân Hunggari chiến đấu rất anh dũng. Ngày 14 tháng 4, chính thức tuyên bố độc lập; ngày 21 tháng 5 giải phóng Pét, cách mạng lại xuất hiện cao trào.
Hoàng đế Áo vội chạy đến Vacsava gặp Sa hoàng Nga, xin đem quân đàn áp cách mạng Hunggari. Tháng 5 năm 1849, quân Nga tiến vào Hunggari. Ngày 18 tháng 7, Pêtôphi tới chiến trường miền đông tham gia quân cách mạng và đã viết bài thơ “Lao vào cuộc chiến tranh thần thánh” để khích lệ cuộc chiến đấu chung địch của nhân dân.
Ngày 31 tháng 7, quân Nga tứ phía bao vây quân khởi nghĩa Hunggari. Một đội xung kích Hunggari gồm 300 kị binh xông ra mặt trận, chuẩn bị trận quyết chiến cuối cùng với quân Nga. Pêtôphi đi cùng với đoàn kị binh.
“Đoàng! Đoàng!” – Quân Nga đã phát hiện ra người lính trẻ bận quân phục thiếu tá Pêtôphi. Đạn nhằm vào ông bắn như mưa. Pêtôphi nhanh trí nấp vào ruộng ngô. Thình lình hai kỵ binh Cô-dắc xông tới. Tên thứ nhất vung đại đao bổ xuống người Pêtôphi. Chỉ nghe thấy “vù” một tiếng, nhát đao đã chém hụt, Pêtôphi né người tránh thoát. Lúc đó, tên thứ hai thúc ngựa xông lại dùng giáo dài đâm thẳng vào ngực Pêtôphi, ông tránh không kịp, anh dũng hi sinh. Khi đó ông chưa đầy 26 tuổi.
Ngọn giáo dài của tên giặc đã giết chết Pêtôphi, nhưng nhân dân toàn thế giới mãi mãi nhớ thương nhà thơ cách mạng. Mọi người sẽ mãi mãi ghi nhớ và đọc hàng ngàn lần bài thơ châm ngôn cách mạng của ông – “Tự do và tình yêu”:
Tính mạng vô cùng quí
Tình yêu càng quí hơn;
Nếu vì lẽ Tự do,
Ca hai đều bỏ được.