HINBE – NGÔI SAO LỚN VỀ TOÁN HỌC
Vào giữa thế kỷ 19, trên bờ biển phía Đông vịnh Vixla biển Bantích có một thành phố cổ, đó là Cônixbéc. Thành phố này bắt đầu xây dựng vào giữa thế kỷ 13, đầu thế kỷ 18 trở thành thủ phủ của Đông Phổ, Sông Pơrêghen trước khi đổ ra vịnh đã chia thành hai nhánh ở Cônixbéc chảy ngang qua thành phố. Bảy chiếc cầu lớn trên sông Pơrêghen nối hai hòn cù lao giữa sông với các khu phố ở hai bờ. Những chiếc cầu này trở thành những con đường để người ta đi đến đảo du ngoạn. Có người đã nêu ra một câu hỏi hết sức thú vị: Liệu có thể đi một luợt khắp bảy chiếc cầu mà không lặp lại cũng không bỏ sót chiếc nào không? Nhiều người đã thử đi, rất thích thú nhưng đều không thành công.
Chuyện này đến tai Ơle, nhà toán học Thụy Sĩ, viện sĩ Viện Khoa học Nga. Ông cũng thấy thích thú với câu hỏi này, hơn nữa cho rằng đó không chỉ là một trò chơi thú vị mà còn là một đầu đề toán học rất có giá trị. Ơle dùng phương pháp toán học chứng minh và biện luận một cách chặt chẽ, kết quả cho thấy đây là một vấn đề không sao thực hiện được. Năm 1763, ông dựa vào đó viết một bài nhan đề “Vấn đề 7 chiếc cầu ở Cônixbéc”, bài này trở thành luận văn sớm nhất của một phân ngành toán học tôpô học. Từ đó, thành cổ Cônixbéc liên hệ chặt chẽ với toán học.
Nhưng điều mà Cônixbéc thật sự vinh dự về mặt toán học là chính nơi đây đã xuất hiện một ngôi sao lớn về toán học hiện đại Hinbe.
Hinbe sinh năm 1862 tại một thị trấn nhỏ gần Cônixbéc. Ông nội và cha ông đều là thẩm phán, chú ông cũng là một luật sư nổi tiếng. Do đó, cha ông mong ông lớn lên sẽ nối nghiệp nhà, làm một thẩm phán được người đời tôn kính. Hinbe chào đời được ít lâu, cha ông được điều đến toà án Cônixbéc làm thẩm phán, thế là cả nhà dời lên thành phố ở. Sống trong một môi trường như vậy, tất nhiên Hinbe từ bé đã nhận được một sự giáo dục tốt đẹp.
Năm Hinbe 8 tuổi, cha ông đưa ông vào học ở một lớp dự bị Trung học Văn khoa. Hai năm sau, ông vào trung học, Theo quy định của chế độ giáo dục Phổ lúc bấy giờ, học sinh học 8 năm ở Trung học, tốt nghiệp xong lại học lên Đại học.
Mục tiêu đào tạo của trung học Văn khoa chủ yếu là luật sư, thẩm phán và chức sắc tôn giáo. Chương trình học, ngoài tiếng Đức, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp ra, có triết học và thần học, cũng có một ít toán học. Hinbe đặc biệt ham thích toán học, những bài toán khó cậu đều có thể giải rất dễ dàng. Nhưng thời gian nhà trường dành cho toán học rất ít còn xa mới thỏa mãn được yêu cầu của trò Hinbe.
Hinbe học chương trình năm thứ 8 Trung học ở một trường khác. Trường này rất coi trọng bộ môn khoa học tự nhiên. Trong hoàn cảnh mới, thiên tài toán học của Hinbe mới được bộc lộ. Khi thi tốt nghiệp, vì thành tích thi viết về toán học đặc biệt xuất sắc, nên Hinbe được miễn thi vấn đáp.
Mùa thu năm 1880, Hinbe 18 tuổi thi vào Đại học Cônixbéc. Phương pháp dạy ở trường này rất linh hoạt, giáo sư có thể tự do đưa ra một chương trình giảng dạy, học sinh có thể căn cứ vào hứng thú và sở thích của mình mà chọn lựa việc đi nghe giảng. Ở đây, Hinhe dốc hết tâm sức nghiên cứu môn toán học mà ông yêu thích nhất.
4 năm đại học sắp sửa kết thúc, Hinbe chuẩn bị viết luận văn, muốn tranh thủ thông qua việc bảo vệ luận văn giành học vị Tiến sĩ. Vấn đề lúc đầu ông định chọn để nghiên cứu, sau khi hỏi giáo sư hướng dẫn mới được biết đã có người làm rồi. Ông tự phàn nàn là mình nắm tình hình phát triển của toán học quá ít. Được thầy hướng dẫn gợi ý, ông quyết định lấy vấn đề “đại số bất biến lượng” làm đề tài nghiên cứu.
Cuối năm 1884, Hinbe bảo vệ thành công luận án. Tháng 2 năm sau, ông được nhận bằng Tiến sĩ và làm trợ giảng ở trường Đại học Cônixbéc.
Thời bấy giờ, chế độ cấp bậc ở trường Đại học Đức rất nghiêm ngặt, mỗi môn khoa học ở Đại học chỉ một ghế giáo sư.Vị giáo sư này do Vua uỷ nhiệm và được lãnh lương rất hậu. Chỉ có khi nào ông ta chết hoặc được điều đi nơi khác thì người trội nhất trong các phó giáo sư mới có dịp được chọn để bổ sung. Giảng sư có thể lên bục giảng bài nhưng không có thu nhập cố định, lương do học phí của học sinh nghe giảng chi trả. Nếu ít học sinh đến nghe giảng thì thu nhập thấp. Trợ giảng thì không có tư cách giảng bài, chỉ làm một số công việc phụ giúp giảng dạy. Theo quy định, Hinbe nếu muốn lên bục giảng dạy Đại học còn phải viết được luận văn có chất lượng rồi thông qua các giáo sư bình xét, thẩm định hợp cách mới chính thức được nhận chức danh giảng sư. Cũng còn có một con đường khác, đó là thông qua thi cấp quốc gia để được công nhận chức vị giáo sư trung học, rồi vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, nếu có thành tích lại đến trường Đại học xin chức danh giảng sư.
Hinbe chọn con đường thứ hai. Tháng 5 năm ấy, ông tham gia kỳ thi quốc gia, nhưng ông không xin đi giảng dạy Trung học mà xin đi Đại học Laixich để bồi dưỡng thêm. Ở đó không đầy một năm, Hinbe lại sang nghiên cứu ở Viện Vật lý Trường Đại học Pari. Tháng 7 năm 1887, cuối cùng ông đã được trường Đại học Cônixbéc bổ nhiệm làm giảng sư Toán học. Vừa nhận chức, ông đã tự đề ra cho mình những yêu cầu nghiêm khắc: Không ngừng nghiên cứu những vấn đề mới. Mỗi năm ông đều có một kế hoạch. Năm đầu tiên ông đã dự định nghiên cứu 3 vấn đề, một trong 3 vấn đề đó là “lý thuyết đại số bất biến lượng”.
Tháng 3 năm sau, Hinbe đến thăm một trong những nhà toán học ưu tú nhất của Đức lúc bấy giờ, người được mệnh danh “vua của bất biến lượng”, đó là Gônđan – giáo sư toán học trường Đại học Êlanghen.
Ngay từ năm 1868, Gônđan đã đưa ra một định lý nổi tiếng về “bất biến lượng”. Đã 20 năm Gônđan dồn sức cho công trình nghiên cứu này, song những luận đề của ông thường rất phức tạp, phải chứng minh bằng những công thức dài dằng dặc. Không một nhà toán học nào dám đối đầu với công việc của Gônđan và bản thân ông ta trước nay cũng không nghĩ đến việc tìm một phương pháp chứng minh mới. Được quen biết với Gônđan, Hinbe đã học được ở ông rất nhiều điều bổ ích.
Sau khi về đến Cônixbéc, Hinbe luôn luôn suy nghĩ về vấn đề “đại số bất biến lượng”, bằng mọi cách tìm ra phương pháp chứng minh mới. Cuối cùng, tháng 9 năm ấy Hinbe đã tìm ra được “một con đường tắt” và trình bày vấn đề này trong một luận văn chỉ có 4 trang viết tay mà sau đó ít lâu đã được đăng trên tập san “Thông báo” của Hiệp hội khoa học Gôtinghen.
Với sự ra đời “định lý Hinbe” nổi tiếng, Hinbe đã giải quyết thành công vấn đề “đại số bất biến lượng”, thống nhất được nhiều lĩnh vực toán học, dẫn đến sự ra đời của “đại số cận đại”.
Cuối năm 1891, ghế giáo sư toán học trường Đại học Béclin bị khuyết. Một vị phó giáo sư của trường Đại học Cônixbéc được điều đi, Hinbe thay thế chức vụ của ông này. 2 năm sau, Hinbe lại được điều đến làm giáo sư toán học trường Đại học Gôtinghen nổi tiếng.
Sau đó một năm, Hinbe bắt tay xây dựng bộ môn cơ sở hình học. Mọi nguời bàn tán: Hình học là môn khoa học có từ rất sớm và đã được nghiên cứu rất kỹ, liệu giáo sư Hinbe có thể vượt qua được những người đi trước trong lĩnh vực này không?
Quả vậy, nếu kể từ Ơclít thời cổ Hy Lạp đến lúc này, hình học đã có lịch sử hơn 2000 năm. Thế kỷ 17, nhà toán học người Pháp Đêcáctơ đã đưa phương pháp đại số vào nghiên cứu hình học, sáng lập ra hình học giải tích. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nhà toán học người Pháp Môngiơ sáng lập ra hình học xạ ảnh, nhà toán học Đức Gaux sáng lập ra hình học phi Ơclít, hình học vi phân đến nửa sau của thế kỷ 19, nhà toán học Đức Cơlen lại hoàn thành sự thống nhất hình học Ơclít và các loại hình học phi Ơclít, hình học phát triển đến giai đoạn này cần có một nhà toán học cự phách tổng kết công việc của những người từ Ơclít đến Cơlen. Vấn đề Hinbe muốn nghiên cứu chính là vấn đề này.
Hinbe đã giành được thành công rất nhanh chóng. Năm 1899, cuốn “Cơ sở hình học” của Hinbe xuất bản. Trong tác phẩm này, ông chỉnh lý hình học Ơclít thành hệ thống diễn dịch thuần tuý xuất phát từ những nguyên lý chung và chuyển sự chú ý đến kết cấu lôgíc của hệ thống nguyên lý chung, do đó đã khiến nó trở thành tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực toán học thời bấy giờ. Chỉ mấy tháng sau khi xuất bản, cuốn sách của Hinbe đã trở thành sách giáo khoa bán chạy nhất ở Đức, và nhanh chóng được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và các thứ tiếng khác.
Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, để lừa bịp nhân dân, bọn quân phiệt Đức lấy danh nghĩa Chính phủ Đức khởi thảo tuyên ngôn “Gửi thế giới văn minh” và đã dùng đủ mọi thủ đoạn, mềm có rắn có buộc các nhà khoa học và những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Đức ký tên vào để chứng tỏ họ tán thành việc Chính phủ tham chiến. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã ký tên vào tuyên ngôn, chỉ có 2 nhà khoa học từ chối: một là Anhxtanh, người sáng lập ra thuyết tương đối; một người nữa, đó là Hinbe.
Tháng 10 năm 1914, “Gửi thế giới văn minh” được đăng trên tất cả các báo chí ở Đức. Được cổ vũ bởi tinh thần dân tộc hẹp hòi ngông cuồng, một số kẻ lên án kịch liệt Hinbe là “tên bán nước”, nhiều sinh viên bỏ không nghe giờ giảng của ông nữa. Nhưng Hinbe chính trực không từ bỏ chủ trương của mình.
Năm 1917, một nhà khoa học nổi tiếng của Pháp qua đời. Hinbe bất chấp việc hai nước Pháp – Đức đang giao chiến, viết một bài bày tỏ lòng thương tiếc ông. Sau khi bài này được đăng, một số người đến trước cửa nhà ông gây sự, bắt ông thừa nhận việc viết bài truy điệu “nhà toán học của nước thù địch” này có tội. Hinbe kiên quyết bác bỏ.
Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, vì Đức là nước thua trận nên trong một thời gian dài nhiều hội nghị quốc tế đã không gửi thư mời các nhà khoa học Đức. Mãi đến năm 1928, Đại hội các nhà toán học quốc tế do các nhà toán học Italia tổ chức mới gửi giấy mời họ. Một số nhà toán học Đức mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi không muốn đến tham gia. Hinbe thì lại cho rằng thật là ngu ngốc nếu không tham gia hội nghị này. Ông nói: “Toán học không phân chủng tộc. Đối với toán học, cả thế giới văn minh chỉ là một. Vì sự phồn vinh của khoa học toán học mà chúng ta vô cùng yêu mến, chúng ta nên làm như vậy, và chỉ có thể làm như vậy”. Cuối cùng, nhờ sự tích cực của ông một đoàn đại biểu gồm hơn 60 nhà toán học đã tới tham gia hội nghị quốc tế này.
Những năm 20 của thế kỷ 20, Hinbe lại dốc sức nghiên cứu cơ sở toán học. Cơ sở toán học là môn khoa học nghiên cứu đối tượng, tính chất và phương pháp của toán học. Năm 1922, ông công bố luận văn “bàn về cơ sở mới của toán học”. Ít lâu sau, ông lại cùng với học trò ông sáng lập ra “thuyết chứng minh”, mở ra một lĩnh vực mới cho toán học.
Năm 1930, Hinbe 68 tuổi, đến tuổi về hưu theo qui định của Chính phủ. Mùa thu năm ấy, ông trở về Cônixbéc, nhận chứng thư công dân vẻ vang của thành phố do chính quyền thành phố trao tặng.
Trong buổi lễ long trọng trao chứng thư, ngôi sao lớn về toán học này đã phát biểu những lời chan chứa nhiệt tình với bà con quê hương:
– Với toán học, không có thuyết “không thể biết”. Theo tôi, trong khoa học tự nhiên hoàn toàn không có thuyết “không thể biết” Trái với thuyết “không thể biết” ngu xuẩn kia, khẩu hiệu của chúng ta là “chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết”.
MOÓCGĂNG SÁNG LẬP HỌC THUYẾT VỀ GIEN
Tômát Moócgăng (Thomas Hung Morgan (1866-1945)), nhà di truyền học nổi tiếng của Mỹ đã từng có một đoạn danh ngôn như thế này:
“Không nên lập chí quá cao. Quá cao thì gần với mong ước ngông cuồng. Không có ai chê cười bạn mà là bạn tự làm phai mờ mục tiêu thôi. Mục tiêu nên xác định gần một chút. Gần thì chắc chắn đạt được. Đạt được mục tiêu, chí lớn tất thành”
Moócgăng là nhà khoa học đã làm như lời mình nói. Chính tác phong khoa học thận trọng, thiết thực đã giúp ông sáng lập ra được học thuyết về gien. Nhờ giành được những thành tựu phi thường khi nghiên cứu tác dụng của nhiễm sắc thể trong di truyền, nên năm 1933, ông được tặng giải Nôben về sinh lý học và y học.
Thời thơ ấu, Moócgăng thường đi đến nông thôn và vùng núi dạo chơi. Đối với mọi vật trong thiên nhiên, ông đều ham thích và muốn tìm hiểu đến tận cùng.
Năm 10 tuổi, vào một buổi sáng nọ, sau khi đến nhà thờ làm lễ xong không biết Moócgăng chạy đi đâu. Mãi đến trưa, cả nhà ăn cơm vẫn chưa thấy ông về. Cha mẹ sốt ruột quá, sai chị em ông đi khắp nơi tìm.
Chì ông tìm mãi một hồi mới phát hiện ra ông đang nấp ở bờ ruộng.
– Ối giời ơi, sao em nấp ở đây, em định làm gì thế này?
Moócgăng không trả lời, chỉ ra hiệu bảo chị đừng làm ầm lên. Người chị nhìn kỹ, hoá ra Moócgăng đang quan sát một đóa hoa xương rồng.
Người chị không hiểu, hỏi:
– Làm gì cứ nhìn cái hoa thế?
– Hừ, em muốn xem hoa của nó nở thế nào.
Đối với động vật, Moócgăng cũng muốn tìm hiểu bí mật sinh trưởng của chúng. Một dạo, ông thích thú muốn biết mèo, chó sinh con như thế nào, cứ dán mắt vào chúng. Có lần ông bỏ một con chuột vào ngăn kéo nuôi, mục đích là để xem chuột con sinh ra như thế nào.
Moócgăng tốt nghiệp tiểu học, cha xứ địa phương nhắc nhở cha ông:
– Cậu bé này có óc quan sát giới tự nhiên hơn hẳn những đưa trẻ khác, nhất định phải đưa vào học ở một trường nào tốt một chút.
Người cha đã nghe theo lời cha xứ, đưa cậu vào học lớp dự bị của Học viện mở tại bang. Hai năm sau, Moócgăng chuyển lên học chính thức ở Học viện. Ông ham thích động vật học nhưng học viện không có chương trình chuyên về môn này. Thế là nhà trường phải mở riêng cho ông một khoá. Moócgăng vì ham thích nên quyết chí phấn đấu, thành tích học tập rất xuất sắc. Năm 1866, Ông được cấp bằng tú tài động vật học.
Moócgăng tất nhiên không thỏa mãn với những kiến thức về động vật học học được ở nhà trường. Sau đó, ông đi đào tạo thêm ở trường Đại học Hốpkin. Dưới sự hướng dẫn của một số giáo sư nổi tiếng, ông ra sức trau dồi về sinh vật học, sinh lý học, giải phẫu học, hình thái học, bào thai học. Năm 1890, luận văn tiến sĩ của ông “Bàn về nhện biển” được thông qua, ông giành được học vị tiến sĩ sinh học động vật; lúc bấy giờ ông mới 24 tuổi. Năm sau, ông đến dạy ở Học viện Branmo.
Bấy giờ, các nhà sinh vật học nổi tiếng ở Mỹ đang tranh luận về một vấn đề rất lớn: Chi phối sự biến dị của tế bào bào thai là do nhân tố nội tại (tức là di truyền) hay do nhân tố bên ngoài (tức là môi trường).
Là một nhà nghiên cứu sinh vật học, Moócgăng cảm thấy rất thích thú đối với vấn đề này. Nhưng ông cho rằng, dùng phương pháp suy luận và tự biện, không thể giải quyết thật tốt vấn đề tranh luận này, điều quan trọng là tiến hành thực nghiệm, chỉ có thông qua thực nghiệm mới có thể rút ra được kết luận đáng tin cậy và chặt chẽ. Thế là ông làm rất nhiều thực nghiệm.
Trước tiên ông nghiên cứu tác dụng thụ tinh trứng nhím biển (một loại động vật da gai sống dưới đáy biển) và sên (một loài động vật nhuyễn thể) và tìm hiểu ảnh hưởng của các dung dịch muối khác nhau, của trọng lực và không trọng lực đối với quá trình sinh trưởng bình thường của trứng nhím biển, động vật nhuyễn thể và cá nhiều xương, sau đó, lại thực nghiệm ở những nồng độ khác nhau đối với bào thai qua các giai đoạn.
Sau nhiều lần thực nghiệm, Moócgăng phát hiện thấy dù các trở ngại vật chất có thể gây ra sự biến đổi quá trình phát dục của bào thai các động vật này, nhưng bào thai vẫn giữ nguyên những đặc trưng cũ. Dựa vào đó, đầu năm 1902, ông công bố một loạt luận văn, chỉ ra rằng ảnh hưởng của môi trường có thể kìm hãm quá trình phát dục của bào thai ở mức độ nhất định, nhưng nhân tố căn bản quyết định kết quả sinh sản vẫn là ở bản thân bào thai.
Năm 1900, Moócgăng đến dạy ở Khoa Động vật trường Đại học Côlôngbia. Bấy giờ, các nhà sinh vật học đang tranh luận một vấn đề khác: Nhân tố quyết định giới tính (nam hay nữ, đực hay cái) là gì? Một số nhà sinh, vật học cho rằng, môi trường là nhân tố quyết định giới tính, có nghĩa là giới tính của bảo thai do độ nóng và số lượng chất dinh dưỡng hấp thu được trong quá trình phát dục quyết định. Căn cứ của họ là, rất nhiều động vật trong giới tự nhiên, nhất là côn trùng, trong những điều kiện môi trường khác nhau sẽ gây ra sự thay đổi tỉ suất giới tính. Còn một số nhà sinh vật học khác lại cho rằng, giới tính chủ yếu là do nhân tố nội tại của trứng, của tinh trùng hoặc của cả hai thứ ấy vào lúc thụ tinh, thậm chí vào trước lúc ấy quyết định. Điều họ nhấn mạnh là tác dụng quyết định của di truyền đối với giới tính.
Moócgăng cũng cảm thấy rất thích thú đối với vấn đề này. Trên cơ sở thực nghiệm, năm 1903, ông công bố bài bình luận về vấn đề quyết định giới tính. Bài viết chỉ ra rằng, các chứng cớ mà các nhà sinh vật học hiện nay đưa ra về vấn đề này là không đầy đủ. Hai bên chỉ giải thích tỉ suất giới tính 1: 1 được phát hiện trong đại đa số các loài. Nhưng trong giới tự nhiên, có một số hiện tượng giới tính đặc thù như sinh dục đơn tính, lưỡng tính v.v. . . Lý thuyết về quyết định giới tính phải giải thích được tỉ suất giới tính mềm 1: 1 thông thường hay có, đồng thời lại có thể giải thích được các hiện tượng giới tính đặc thù kể trên. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề này, còn phải làm rất nhiều thực nghiệm.
Moócgăng nói như thế, và cũng làm như thế. Năm 1908, ông bắt đầu nuôi ruồi dấm. Đây là một loại côn trùng dễ nuôi, chu kỳ sống ngắn (độ 2 tuần lễ), tính đột biến nhiều, nhiễm sắc thể tuyến nước bọt lớn, nó thích hợp với việc dùng làm vật liệu thực nghiệm về khoa học như di truyền học v.v. . . Sau đó 2 năm, ông tình cờ phát hiện trong một cái lọ nuôi ruồi dấm, có con ruồi đực trên mình xuất hiện một sự biến dị rất nhỏ nhưng rõ ràng, mắt ruồi dấm thông thường đều đỏ, còn mắt con ruồi này lại màu trắng “Sao lại có thể là màu trắng nhỉ?” Moócgăng cảm thấy rất lạ. Ông cho con ruồi dấm mắt trắng này giao phối với con mắt đỏ, kết quả ruồi dấm sinh ra đều là mắt đỏ; cho những con ruồi mắt đỏ này giao phối với anh em nó, thì trong thế hệ sau lại xuất hiện ruồi mắt trắng. Điều đặc biệt làm cho ông cảm thấy ngạc nhiên là những con ruồi dấm mắt trắng này, tuyệt đại đa số đều là những con đực.
Moócgăng căn cứ vào đó kết luận: Ruồi dấm mắt đỏ và mắt trắng xuất hiện là do “phân tử” di truyền của chúng quyết định. Đặc tính này liên quan chặt chẽ với thành phần quyết định giới tính trong tế bào, nhiễm sắc thể trên thực tế có mang theo “nhân tử” di truyền. Ông gọi hiện tượng này là “tính liên hoàn”, cũng tức là hiện tượng di truyền đặc thù mà gien trên nhiễm sắc thể thể hiện.
Đầu năm 1910, Moócgăng cùng với các cộng sự thành lập phòng thực nghiệm trường Đại học Côlôngbia, chuyên nghiên cứu về ruồi dấm: Trước đó, năm 1865, nhà di truyền học Đức Măngđen căn cứ vào kết quả thí nghiệm tạp giao đậu Hà Lan, đã công bố luận văn “Thí nghiệm tạp giao thực vật”, đưa ra khái niệm đơn vị di truyền (tức là gien) và trình bày rõ quy luật di truyền của nó. Nhưng mối quan hệ giữa gien và nhiễm sắc thể mà Măngđen nói thuần túy có tính chất suy luận, chưa ai thấy được gien. Giờ đây, Moócgăng và những người cộng sự lại tìm ra phương pháp kiểm nghiệm sự suy luận này.
Năm 1911, một cộng sự của Moócgăng; lần đầu tiên đã vẽ ra được sơ đồ di truyền gien giới tính của ruồi dấm. Dưới sự chủ trì của Moócgăng, vị trí của các gien khác cũng được xác định, chứng minh là gien được xếp thành hàng thẳng. Như vậy là Moócgăng đã sáng lập thành công học thuyết về gien.
Trong phòng thực nghiệm ruồi dấm của trường Đại học Côlôngbia, Moócgăng là người có tuổi được các cộng sự tin tưởng và kính trọng. Ông lãnh đạo phòng thực nghiệm này một cách rất dân chủ, phát huy đầy đủ sự thông minh và trí tuệ của mỗi người. Mỗi khi có ai nêu ra một kiến giải mới, Moócgăng để cho mọi người thảo luận tự do, đến nỗi rất khó xác định quan điểm nào là do ai nêu ra trước: Ông là thầy của mọi người, lại là bạn của mọi người. Khi quỹ nghiên cứu thiếu, Moócgăng không chút do dự bỏ tiền túi ra để trả lương cho các cộng sự.
Năm 1924, Moócgăng rời Trường Đại học Côlôngbia tới một học viện ở Caliphoócnia lập chuyên ngành sinh vật học. Bốn năm sau, dưới sự chủ trì của ông, phòng thực nghiệm sinh vật học đã được xây dựng. Đây là trung tâm khoa học duy nhất nghiên cứu về di truyền học và có được những thành tựu cao trên thế giới hồi bấy giờ.
Từ 1927 đến 1931, Moócgăng làm Viện trưởng Viện Khoa học Mỹ. Năm 1932, ông chủ trì Hội nghị Di truyền học quốc tế lần thứ VI ở Niu Oóc. Hội nghị lần này thực tế là hội thảo về thành tựu học thuật của Moócgăng. Năm sau, ông được nhận giải thưởng Nôben về sinh lý học và y học. Moócgăng là một nhà khoa học hết sức khiêm tốn. Ông cho rằng thành tựu của mình không thể tách rời với sự ủng hộ và giúp đỡ của những người cộng sự, vì vậy ông cùng họ chia nhau hưởng khoản tiền thưởng, cung cấp cho con cái họ đi học.
Moócgăng để lại cho hậu thế không phải chỉ có học thuyết về gien. Trong phương pháp thực nghiệm, ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp phân tích định lượng vào việc giải quyết vấn đề sinh vật học, từ đó thúc đẩy di truyền học phát triển nhảy vọt và đặt cơ sở cho một môn khoa học mới hiện đại – ngành công trình di truyền.
NGƯỜI PHÁT HIỆN TIA X QUANG
Ngày 8 tháng 11 năm 1895, đối với giáo sư Rơnghen là một ngày suốt đời khó quên. Ngay cả trong lịch sử khoa học, ngày này cũng là ngày vĩnh viễn đáng kỷ niệm. Đó là vì Rơnghen đã phát hiện ra tia X quang vào ngày này. Loại tia này ngày nay đã được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu kết cấu tinh thể, dò vết kim loại, y học, thấu thị, đem lại cho nhân loại những tin mừng vô cùng to lớn.
Rơnghen là hiệu trưởng trường Đại học Vônsbuôc ở Đức. Tuy bận rộn với công việc hành chính, nhưng ông vẫn dành nhiều công sức vào việc nghiên cứu vật lý học. Chạng vạng hôm ấy, ông một mình đi vào phòng thực nghiệm của Cơ quan nghiên cứu vật lý để thí nghiệm ống tia ca tốt đã được cải tiến.
Trước khi làm thí nghiệm, căn cứ vào ý kiến của người thiết kế Rơnghen dùng giấy đen bọc trước ống phóng điện chân không hình quả lê rất kỹ để không cho một tia sáng nào trong ống lọt ra ngoài sau đó, ông đóng chặt tất cả cửa ra vào cửa sổ rồi cắm điện, kiểm tra xem giấy đèn có để lộ ánh sáng không.
Rơnghen ngắm nghía, lẩm nhẩm nói một mình: “Rất tuyệt! Hừ! không lọt một tí ánh sáng nào!”
Khi ông chuẩn bị làm thí nghiệm thì bỗng nhiên phát hiện một hiện tượng lạ lùng: Trên bàn con làm việc cách ống phóng điện chưa đầy một mét bắn ra một tia huỳnh quang màu xanh lục.
Rơnghen cảm thấy rất lạ: “ánh sáng này từ đâu đến?”. Ông cắt nguồn điện, ống quang điện tắt, tia sáng “màu xanh lục cũng không thấy nữa: Ông thử liên tiếp nhiều lần, tình hình đều như vậy cả.
Thế là ông quẹt một que diêm, soi thử xem trên bàn làm việc có gì. Hóa ra ở đó có một mảnh bìa các tông trên có mạ một lớp vật liệu tinh thể platinôxianua bari, tia sáng thần bí phát ra từ đó!
“Khi ống điện quang cắm điện, tại sao mảnh bìa này có thể phát sáng?” Rơnghen bất giác tự hỏi mình. “Chả lẽ trong ống điện quang này có một loại tia nào đó chưa biết bắn đến mảnh giấy làm cho nó phát sáng?”
Nghĩ vậy, ông tiện tay cầm một quyển sách mang chắn giữa ống điện quang và mảnh bìa. Điều làm ông ngạc nhiên là mảnh bìa cứ phát sáng. Như vậy là loại tia này có thể xuyên qua vật chất rắn.
Rơnghen vui mừng vô hạn, vui đến mức dường như không sao làm chủ được mình nữa. Một nhân viện phục vụ bước vào phòng tìm một dụng cụ thí nghiệm, Rơnghen cũng không hề biết. Đến giờ ăn cơm tối, bà vợ cho người đến mời vẫn thấy ông đang làm thí nghiệm. Đến giục mấy lần, ông đành về phòng ăn ăn qua loa một chút, không nói năng gì cả, ăn xong ông lại đến phòng thực nghiệm.
Liên tiếp mấy ngày liền, Rơnghen ở lì trong phòng thực nghiệm, tìm tòi bí mật của loại tia chưa biết tên này. Ông lấy gỗ, mảnh kính êbônít để làm vật chắn, những thứ này đều không ngăn được loại tia này xuyên qua. Ông lại dùng các thứ kim loại, ngoài chì và bạch kim, các thứ khác vẫn bị xuyên qua. Ông đặt phim giữa ống điện quang và mảnh bìa, dù bốn bên đều tối đen như mực, phim lại cảm quang. Điều khiến ông càng cảm thấy hưng phấn là khi ông dùng bàn tay mình để làm vật chắn thì lại nhận ra rõ ràng hình dáng từng ngón tay, bóng mờ của xương cốt tay hiện rõ ra.
Đây là lần đầu tiên loài người nhìn thấy được cái bóng mờ của xương cốt trong một cơ thể sống. Rơnghen cực kỳ hưng phấn lại vô cùng kinh hãi. Thế là ông quyết định tiếp tục thí nghiệm mãi cho đến khẳng định được tính chính xác của sự quan sát của mình và có thể chứng minh được điều này về mặt lý luận mới thôi.
Rơnghen ở lại liền mấy ngày trong phòng thực nghiệm, quên ăn, quên nghỉ. Bà vợ thấy vậy rất lo, nằng nặc đòi ông nói rõ. Rốt cuộc ông đang làm gì ở trong ấy.
Rơnghen hết cách, đành phải dẫn bà vào phòng thực nghiệm, cho bà xem thử điều bí mật mà ông đã phát hiện. Bà vợ cũng cảm thấy lạ lùng vô cùng.
Một buổi tối kia, Rơnghen thuyết phục bà vợ làm đối tượng thực nghiệm cho mình, Ông bảo vợ đặt bàn tay trên hộp tối đựng phim ảnh, sau đó dùng ống điện quang rọi vào 15 phút.
Sau đó, Rơnghen đưa một tấm ảnh đến trước mặt vợ. Trên ảnh hiện lên rõ ràng xương cốt của một bàn tay. Bà vợ xem xong, sợ phát run cả người. Bà không tin những xương cốt hoàn toàn lộ ra này lại là bàn tay của chính bà! Nhưng đó là sự thật. Tấm ảnh trở thành một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử.
– Nên gọi nó là tia gì nhỉ? Cứ gọi nó là tia X quang! – Rơnghen đã đặt cho cái tia chưa biết kia một cái tên như vậy.
Mãi đến bây giờ, để kỷ niệm nhà vật lý học này, người ta vẫn gọi cái tia do Rơnghen phát hiện lúc đầu là tia X.
Hơn một tháng sau, Rơnghen đem phát hiện quan trọng của ông viết thành luận văn “Một loại tia mới” và cho công bố – Sự kiện này lập tức làm cho cả thế giới xôn xao.
Rơnghen bỗng chốc trở thành một nhân vật thời sự. Thư chúc mừng và những lá thư tỏ ý hoài nghi, thậm chí chê trách từ khắp nơi tới tấp gửi đến ông. Lối vào Sở nghiên cứu của ông chen chúc các nhà khoa học, các ký giả và cả những người hiếu kỳ. Danh thiếp có chữ ký của ông thường không thể gửi đến được tay người nhận thư vì người ta tranh nhau bất cứ vật gì có chữ ký của ông. Ít lâu sau, các nhà y học ứng dụng tia X quang, vị trí các xương gãy trong cơ thể người hiện ra chuẩn xác. Từ đó, xuất hiện một cơn sốt “X quang”.
Ngày 23 tháng 1 năm 1896, Rơnghen báo cáo lần đầu tiên ở Phòng nghiên cứu của mình và biểu diễn thực nghiệm trước mọi người. Biểu diễn xong, toàn hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm. Một nhà giải phẫu học có tuổi xúc động nói, gần 50 năm nay, ông chưa tham dự một hội nghị học thuật nào có ý nghĩa hơn hội nghị này. Ông dẫn đầu người nghe hoan hô Rơnghen 3 lần và đề nghị đặt tên cho loại tia này là “tia Rơnghen”. Cử toạ nhất trí đồng ý.
Đầu tháng 3 năm đó, trường Đại học Vônsbuốc phong tặng Rơnghen học vị vẻ vang Tiến sĩ y học. Để chúc mừng cống hiến kiệt xuất của thầy giáo họ, sinh viên đã tổ chức rước đuốc diễu hành.
Rơnghen phát biểu với học trò của mình những lời nói đầy tâm huyết:
– Tri thức nhân loại luôn luôn phát triển không ngừng. Các bạn hãy cố gắng vì sự phát triển vĩ đại của tương lai tri thức nhân loại. Tôi chúc các bạn mỗi người đều có được vinh dự như hôm nay. . .
Năm 1901 là năm đầu tiên sáng lập giải thưởng Nôben. Rơnghen là người đầu tiên được nhận giải vật lý của năm này. Ông tặng toàn bộ tiền thưởng cho trường Đại học Vônsbuốc làm kinh phí nghiên cứu khoa học. Về sau, ông còn được Viện Khoa học và trường đại học nhiều nước phong tặng danh hiệu vẻ vang. Nhiều Hội học thuật và đường phố của nhiều thành phố lấy tên ông để đặt tên. Ngay khi ông còn sống, một số nơi đã dựng bia kỷ niệm…
Rơnghen phát hiện ra tia X quang không phải là việc ngẫu nhiên, mà là kết quả phấn đấu nhiều năm của ông. Trong đó có cả công lao và nghĩa tình sâu sắc của giáo sư Căng, người thầy tốt, người bạn hiền của ông.
Rơnghen sinh năm 1845 ở thành phố Lennep Đức. Thời kỳ học trung học, vì làm mất lòng thầy giáo mà ông bị đuổi học, không được cấp chứng chỉ tốt nghiệp Trung học, vì vậy không thể ghi tên dự thi Đại học. Về sau, ông đến Thụy Sĩ vào học ở Học viện Kỹ thuật tổng hợp Zurich. Năm 1868, ông được nhận bằng kỹ sư cơ giới; năm sau, ông lại giành được học vị Tiến sĩ triết học ở trường Đại học này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Rơnghen ở lại Học viện kỹ thuật tổng hợp Zurich, tiếp tục bổ túc thêm chương trình lý học về quang học do giáo sư Căng giảng. Căng phát hiện Rơnghen nghiên cứu rất sâu về vật lý, liền mời ông làm trợ giáo cho ông. Sau này, khi Căng trở thành giáo sư vật lý ở trường Đại học Vônsbuốc, ông đưa Rơnghen về làm trợ giảng cho ông. Được Căng tận tình hướng dẫn, sau mấy năm Rơnghen đã trở thành giáo sư chủ nhiệm khoa Vật lý của một trường Đại học.
Năm 1888, Rơnghen 43 tuổi đã là Trưởng phòng nghiên cứu vật lý kiêm giáo sư vật lý của trường Đại học Vônsbuốc. Trong 6 năm sau đó, ông công bố 17 luận văn Khoa học. Năm 1894, Rơnghen được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học này. Chính trong năm đó, giáo sư Căng lâm bệnh và qua đời.
Rơnghen, sau khi thành danh, vẫn luôn luôn tưởng nhớ đến người thầy của mình. Năm 1896, khi nhận Huân chương vàng của Hội Học thuật Hoàng gia Luân Đôn, ông rơm rớm nước mắt nói với các học giả có mặt:
– Vinh dự tôi có được hôm nay thuộc về giáo sư Căng quá cố. Trước đây, khi tôi làm trợ giáo cho ông, ông luôn luôn khích lệ tôi, dù tôi có sai, ông cũng không làm cho tôi nản lòng. Thưa các bạn, tìm tòi học vấn giống như mò mẫm trong bóng tối, rất cần đến sự ấm áp, tình bạn và sự giúp đỡ biết bao nhiêu!
Tháng 3 năm 1923, Rơnghen qua đời vì bị ung thư ruột, hưởng thọ 78 tuổi. Trên một cây cầu lớn ở Béclin có dựng một bức tượng của ông. Dưới tượng có khắc một câu danh ngôn của nhà khoa học vĩ đại này:
“Tự hào thì được, nhưng không được tự cao tự đại”.
NGƯỜI VỆ SỸ CỦA “CỬA SỔ TÂM HỒN”
“Việc gì ở đời cũng đều dễ thỏa mãn. Chỉ có hai việc rất khó thỏa mãn: một là học tập, hai là tình yêu. Điều lạ lùng là vì sao người ta không học tập với ý nghĩ không biết thoả mãn và với tâm trạng vừa phải để nói về tình yêu?”
Đoạn danh ngôn này là của Guynxtơrăng, một thầy thuốc khoa mắt. Ông cả đời cần cù học tập, mạnh dạn thực hành, đã giành được những thành tựu kiệt xuất về khúc xạ học nhãn khoa, vì vậy năm 1911 đã được giải thưởng Nôben về sinh lý học và y học.
Con mắt, xưa nay vốn được coi là “cửa sổ của tâm hồn” con người. Nó không chỉ đem lại cho người ta ánh sáng mà còn có thể truyền đạt thế giới nội tâm con người. Guynxtơrăng do những cống hiến lớn lao trong nghiên cứu y học nhãn khoa, nên được người đời ca ngợi là “vệ sĩ của cửa sổ tâm hồn”.
Guynxtơrăng sinh năm 1862 ở Langkruna, một thành phố công nghiệp nằm trên bờ biển Thụy Điển, ở đó có nhà máy đường, nhà máy bột mì, xí nghiệp dược phẩm và nhà máy đóng tàu. . . Trong khu vực nhà máy đóng tàu, có những ụ tàu lớn, phía đông ụ tàu là khu nhà công nhân mà hơn phân nửa là dân nghèo ở. Cha của Guynxtơrăng là thầy thuốc chữa mắt, phòng khám của ông đặt ở khu dân nghèo.
Y thuật của cha Guynxtơrăng là do ông cha truyền lại. Y thuật của ông, danh truyền bốn phương; y đức của ông, người người ca ngợi. Người trong khu dân nghèo bị bệnh mắt đều đến nhờ ông và được ông chữa cho đến khi khỏi. Lẽ ra ông có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế không phải như vậy, gia cảnh ông không sung túc. Ông cha của Guynxtơrăng đã dạy con cháu rằng ngoài tiền thuốc men chỉ thu một ít tiền khám chữa bệnh; chữa bệnh là để cứu người, không được lấy việc chữa bệnh để làm giàu. Cha của Guynxtơrăng nghiêm túc tuân theo lời dạy của cha ông, lấy tiền khám chữa bệnh ít, nên gia tư không tích luỹ được gì. Từ nhỏ, Guynxtơrăng đã được cha hun đúc cho phẩm chất này, quyết tâm sau này sẽ kế thừa nghiệp cha, chữa bệnh cứu người.
Nhà máy ở Langkruna hơn phân nửa là do Huân tước Mácmông đầu tư. Khoảng năm Guynxtơrăng tốt nghiệp Tiểu học, ông Huân tước lập ra một bệnh viện. Mọi người cứ nghĩ khoa mắt: của bệnh viện này phải do cha của Guynxtơrăng phụ trách mới phải, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Theo ông Huân tước, cha của Guynxtơrăng không phải xuất thân từ con đường chính quy là viện Y học, phương pháp chữa bệnh không phù hợp với khoa học, nên đã không mời ông ra làm. Nhưng Huân tước lại không thể không thừa nhận rằng, mọi bệnh mắt khó giải quyết của dân Lankruna toàn do một tay ông chữa lành; thêm vào đó, hai người con trai ông đều làm việc ở nhà máy đóng tàu, cho nên đã phải đồng ý cho người con thứ ba của ông, tức là Guynxtơrăng được học trung học miễn phí ở trường do ông sáng lập ra.
Guynxtơrăng tốt nghiệp xong trung học, thì vào Viện y học trường đại học Upsala nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp, ông không đến bệnh viện nhà Huân tước thực tập mà trở về bên cha. Ông dùng phương pháp khoa học nghiên cứu y thuật tổ truyền với ước mong mình sẽ có -được chút sáng tạo mới mẻ về chữa bệnh mắt.
Tuy Guynxtơrăng đã tốt nghiệp Viện Y học, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Về nhà, sau một thời gian nghiên cứu Guynxtơrăng cảm nhận một cách sâu sắc rằng những tri thức về khoa mắt mà mình đã học được chưa đủ để làm được nhiệm vụ chỉnh lý y thuật do ông cha truyền lại. Vì vậy, ông quyết định đi Viên (Áo) để trau dồi thêm, đi sâu về quang học sinh lý. Nguyện vọng của ông được cha và người vợ mới cưới ủng hộ.
Sau đó 4 năm, Guynxtơrăng hoàn thành nhiệm vụ học tập và được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ông không tìm đến các bệnh viện lớn có điều kiện làm việc tốt hơn hoặc cơ quan nghiên cứu y học, mà lại quay về phòng khám của cha để chữa bệnh cho những người nghèo khổ trong khu dân nghèo.
Ít lâu sau, cha qua đời, Guynxtơrăng chính thức kế nghiệp cha, chủ trì các công việc về mắt trong ngôi nhà cũ của họ. Ông tự nhủ mình: “Những người mắc bệnh mắt ở đây, hơn phân nửa là người nghèo, lẽ đương nhiên mình phải gần gũi họ. Để những người mắt không nhìn thấy được phải mò mẫm đi đến nơi rất xa để khám bệnh, thật là cực hình tàn nhẫn nhất!”
Trong thực tiễn công việc, Guynxtơrăng cảm thấy sâu sắc rằng mắt là cơ quan cảm giác phức tạp và tinh xảo nhất. Mắt người có thể xác định đồng thời độ sâu nông, khoảng cách, độ to nhỏ, hình dáng và màu sắc của vật thể. Công năng của nó vô cùng to lớn, nhưng các nhà y học nghiên cứu nó còn rất hời hợt.
Quả thật, các nhà quang học sinh lý thời bấy giờ chưa biết rõ nguyên nhân hình thành các bệnh như cận thị, viễn thị, tán quang v.v. . . cũng biết quá ít về vấn đề khúc xạ học, vật thể hình thành hình ảnh của nó như thế nào trong con mắt. Vì thế cũng chưa tìm ra được nhiều phương sách hay để bảo vệ; chăm sóc, chữa chạy cho con mắt.
Guynxtơrăng quyết định thông qua nghiên cứu khúc xạ học, để khám phá điều bí ẩn cả hệ thống quang học của mắt.
Trước hết, ông nghiên cứu tính chất tản quang của giác mạc mắt, phát hiện người mắt lòa (mắt bị tản quang. N.D) chỉ có thể nhận rõ phương vị dọc mà thấy không rõ phương vị ngang, hoặc chỉ có thể thấy rõ phương vị ngang mà không thấy rõ phương vị dọc. Hóa ra, đó là do giác mạc của mắt không bình thường, có chỗ dày, chỗ mỏng. Sau khi làm rõ nguyên nhân, ông tìm cách lợi dụng mắt kính hình trụ để cân đối tính chiết quang của giác mạc, khắc phục thiếu sót trên của giác mạc, khôi phục lại thị lực cho người có tật. Vấn đề tản quang như vậy là được giải quyết.
Năm 1890, Guynxtơrăng trình bày kết quả nghiên cứu của mình trong luận văn với đầu đề “Đóng góp vào lý thuyết tản quang”. Luận văn mang lại tin mừng cho những người bị tật mắt lòa trên toàn thế giới, được giới y học rất trọng thị, nhờ đó ông đã giành được học vị tiến sĩ y học.
Mùa thu năm 1891, cô con gái thứ tư của Huân tước Mácmông bị bệnh mắt trầm trọng. “Vảy cá mắt” – một màng trắng đục phủ kín con ngươi, có nguy cơ làm cho mắt bị mù rất nhanh. Bác sĩ nhãn khoa ở bệnh viện nhà cô chịu bó tay đã phải mời tới các bác sĩ nhãn khoa danh tiếng của Bắc Âu sang chữa cho cô, nhưng vẫn không có kết quả. Huân tước trong lòng nóng như có lửa đốt.
Tất nhiên Huân tước biết Guynxtơrăng ở gần đấy là một chuyên gia khoa mắt xuất sắc, nếu mời ông ấy chữa cho con gái còn tốt gì bằng. Nhưng chết nỗi ngày trước ông đã coi thường cha của Guynxtơrăng, liệu bây giờ ông ấy có thể bỏ qua chuyện cũ mà chữa trị cho con gái mình không? Thà không mời còn hơn đi mời mà lại bị người ta từ chối!
Mùa xuân năm sau, bệnh mắt của cô gái càng trầm trọng thêm. Bạn bè của Huân tước đều nói, bây giờ trừ Guynxtơrăng ra, không ai có thể chữa lành mắt cô. Cả cô gái cũng khẩn khoản xin cha mời Guynxtơrăng về chữa cho mình. Ngài Huân tước đành phải muối mặt cho người đi mời.
Thực ra, Guynxtơrăng từ lâu đã chú ý đến bệnh mắt của cô con gái Huân tước, và đã nghiên cứu bệnh tình của cô dựa vào lời kể của nhiều người. Khổ nỗi cha ông lúc sinh thời đã bị Huân tước đối xử lạnh nhạt, ông không muốn “thấy người sang bắt quàng làm họ”, vì vậy không muốn tự mình xin đứng ra gánh vác việc đó. Nhưng ông nghiêm túc tuân theo lời dạy của ông cha, chữa bệnh cứu người, cho nên khi Huân tước cử người đến mời, ông không tính gì chuyện cũ, đi chữa bệnh ngay.
Sau khi kiểm tra cẩn thận mắt cô gái Guynxtơrăng quả quyết bệnh mắt của cô rất trầm trọng, chỉ có cắt đi “vảy cá” mới có thể làm cho mắt cô sáng lại.
Huân tước lại lo lắng, do dự. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mổ “vảy cá” là một việc rất khó, làm không khéo thì sẽ mù cả hai mắt. Nhưng cô con gái đã không còn cách gì chịu nổi đau đớn nữa, kiên quyết muốn Guynxtơrăng mổ cho. Huân tước không biết làm thế nào, đành phải đồng ý.
Người nhà Huân tước căng thẳng theo dõi xem Guynxtơrăng cắt vảy cá. Thực ra, phẫu thuật này Guynxtơrăng đã thành công nhiều lần rồi. Ông mạnh dạn, cẩn thận hoàn thành ca mổ, làm cho mắt cô tiểu thư sáng lại.
Sự kiện này làm xôn xao Lankruna và lan truyền ra ngoài. Huân tước vô cùng cảm kích, quyết định mời Guynxtơrăng làm chủ nhiệm khoa mắt bệnh viện của ông. Nhưng Guynxtơrăng khéo léo từ chối, vẫn quay về phòng khám của mình.
Ít lâu sau, Viện Y học Trường Đại học Upsala mời Guynxtơrăng, người sinh viên vốn dĩ tài giỏi này về làm giáo sư Khoa mắt của Viện Guynxtơrăng suy đi nghĩ lại nhiều lần, cảm thấy việc nhận lời mời này có thể giúp ông đạt được những thành quả lớn hơn về mặt nghiên cứu khúc xạ học về mắt, và có thể cứu được nhiều người mắc bệnh mắt hơn, vì vậy ông kiên quyết đóng cửa phòng khám ở Lankruna đi nhậm chức.
Quả nhiên, Guynxtơrăng nhanh chóng có được thành quả nghiên cứu mới. Năm 1892, ông công bố luận văn liên quan đến tật lác mắt, đưa ra những kiến giải sâu sắc về phương pháp chẩn đoán, phân biệt và kiểm tra loại bệnh này. Phương pháp của ông đã được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng. Cùng năm ấy, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện mắt ở thủ đô Xtốckhôm.
Tiếp đó, Guynxtơrăng lại nghiên cứu về cơ chế điều tiết của cận thị và đã thành công. Qua nghiên cứu, ông phát hiện khi mắt nhìn vật thể ở gần, thì phải điều tiết độ dày của thủy tinh thể mới có thể làm cho hình ảnh của vật thể hiện rõ trên võng mạc, điều này giống như máy ảnh khi chụp vật thể ở gần thì phải thay đổi tiêu cự của ống kính. Ông còn dùng phương pháp phân tích toán học để nghiên cứu sự biến hóa của thủy tinh thể, kết quả tính toán của ông cơ bản giống với số liệu đo thực tế.
Guynxtơrăng thấy, nếu có một dụng cụ khoa học để kiểm tra mắt sẽ giúp trực tiếp quan sát được sự biến hóa ở bên trong con mắt. Dựa vào tri thức uyên bác của mình; năm 1911 ông nghiên cứu làm ra một loại đèn đặc biệt chiếu ra những tia vừa sáng vừa tập trung, kết hợp sử dụng loại đèn này với kính hiển vi có thể kiểm tra được sự biến hóa ở bên trong con mắt. Loại đèn này đến nay vẫn là một trong những dụng cụ quan trọng thầy thuốc khoa mắt vẫn dùng.
Do những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu về mắt, đặc biệt là khúc xạ học về mắt, năm 1911 Guynxtơrăng được nhận giải thưởng Nôben. Sau đó, ông quay về quê hương, xây lại nhà cũ của cha ông thành một trung tâm nghiên cứu chữa mắt, tiếp tục phục vụ nhân dân địa phương.
Năm 1930, Guynxtơrăng qua đời ở Xtốckhôm. Là “người vệ sĩ của cửa sổ tâm hồn” ông đã cống hiến trọn đời mình cho những người bị bệnh về mắt. Người đời khi tôn sùng những cống hiến xuất sắc của ông đối với “cửa sổ của tâm hồn” sẽ chẳng bao giờ quên chính ông cũng là một con người có tâm hồn vô cùng đẹp đẽ.
ĐỨC VUA KHÔNG MŨ MIỆN VỀ SINH LÝ HỌCTại thành phố Riadan miền trung nước Nga, có một gia đình nọ nuôi một con chó. Con chó này rất dữ, thấy người là nó sủa loạn lên. Trẻ con rất sợ không đứa nào dám đến gần nó. Một hôm, có một chú bé đầu rất to đi ngang qua nhà, con chó xông ra sủa inh ỏi, thấy vậy chú rất đỗi ngạc nhiên hỏi các bạn chung quanh: – Họ việc gì phải dùng dây xích xích chó lại? – Giống này cắn người đấy! – Tớ không tin – Chú bé vừa nói vừa đi về phía con chó – Tháo xích ra, nó mới không cắn người chứ! – Đừng, đừng! Mấy bạn nhỏ vừa hét vừa tháo chạy tán loạn. Chú bé tháo xích cho chó thật. Điều lạ lùng là nó chẳng những không cắn chú, trái lại còn nguây nguẩy vẫy đuôi, ngoan ngoãn để cho chú bé vuốt ve nó. Từ đó, con chó không còn sủa càn nữa. Lúc đó, chú bé cũng chẳng biết vì sao sau khi được tháo xích, con chó không hung dữ nữa. Mãi sau này, khi đã thành một học giả nổi tiếng, “chú bé” ấy trong khi giảng giải vẫn đặc biệt thích nhắc lại câu chuyện trên. – Các bạn biết không? Mắc xích vào, đó là một sự kích thích đối với con chó ấy và cũng là một điều kiện. Điều kiện này gây ra phản xạ tự bảo vệ của nó, vì vậy con chó biến thành rất hung dự. Một khi loại bỏ điều kiện này thì sẽ không gây ra phản xạ tự bảo vệ đó nữa, vì vậy nó trở nên ngoan ngoãn. Vị học giả thấy người nghe có vẻ hiểu ra vấn đề, liền nói tiếp: “Đó là một thí dụ về phản xạ có điều kiện. Vị học giả này là ai vậy? Thưa chính là Páplốp, người được người đời ca ngợi là “ông vua không mũ miện về sinh lý học”. Phản xạ có điều kiện là một phát hiện quan trọng trong khi ông nghiên cứu quá trình sinh lý tiêu hóa. Do thành tích to lớn về nghiên cứu tiêu hóa, năm 1904, ông được giải Nôben về sinh lý học và y học. Nên biết rằng, ông là nhà khoa học đầu tiên trong các nhà sinh lý học thế giới, được hưởng vinh dự cao quí này. Páplốp là con một giáo sĩ nghèo. Ông đã sống qua thời ấu thơ và thời thiếu niên ở thành phố Riadan. Năm 1870, Páplốp 21 tuổi vào trường Đại học Pêtécbua học sinh lý học. . . Khi ông vào kinh đô để học, trong túi chỉ có tờ “chứng minh thư nghèo khổ”, vì vậy ông được miễn học phí. Nhưng nghèo khổ không cản trở ông chịu khó chịu khổ học tập. Khi tốt nghiệp, ông được thưởng Huy chương vàng. Về sau, ông chuyển đến Học viện Quân y để trau dồi thêm. Khi 41 tuổi, ông được bầu làm giáo sư. Ở học viện này, ông đã sống qua hơn 40 năm. Nghiên cứu sinh lý của hệ thống tiêu hóa, phải quan sát trong một thời gian dài hoạt động tiêu hóa trong người của động vật. Nhưng những hoạt động tiêu hóa này làm thế nào để có thể quan sát được? Thế là Páplốp dùng thủ thuật ngoại khoa cải tiến phương pháp thực nghiệm. Một buổi sáng nọ, người giúp việc của Páplốp lôi một con chó đói lên bàn thực nghiệm. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, họ liền đem cho con chó một đĩa thịt tươi. Nó tham lam ngoạm lấy thịt, nhai mấy cái rồi nuốt. Nhưng thịt đã nuốt lại rơi vào đĩa. Thế là thế nào? Hóa ra thực quản của nó qua giải phẫu đã bị cắt rời, hai đầu thực quản bị cắt được khâu lại trên da cổ, Vì vậy những miếng thịt con chó nuốt đã rơi vào đĩa qua chỗ thực quản bị cắt. Con chó vẫn ăn lấy ăn để, nhưng thịt thì vẫn không vào được dạ dày, nên nó ăn mãi không no. Còn thịt trong đĩa vẫn còn nguyên. Nhìn dưới bụng chó thấy lòng thòng một ống cao su rất mảnh. Dạ dày con chó vốn đã đã mổ, tại chỗ mổ người ta cắm một ống rò thông ra ngoài nối với ống cao su. Một hiện tượng lạ lùng xuất hiện. Bốn, năm phút sau khi con chó hoài công ăn thịt, trong ống cao su chảy ra rất nhiều dịch vị. Vì dạ dày con chó này rỗng không, nên dịch vị không có lẫn thức ăn. Dịch vị không ngừng tiết ra là do sự xung động của cặp dây thần kinh não số 10- dây thần kinh phế vị gây nên. Páplốp cũng đã mổ dây thần kinh phế vị của con chó này, kéo ra một sợi tơ. Bây giờ ông chỉ hơi đụng vào sợi tơ, như vậy là cắt đứt mối liên hệ giữa não và dạ dày. Kết quả, dù con chó vẫn nuốt liên tiếp thịt tươi, nhưng dịch vị lại ngừng tiết ra. Thực nghiệm này gọi là “nuôi giả”. Nó có thể làm cho người ta quan sát được tình hình tiết dịch vị của tuyến tiêu hóa của chó. Sau này, thực nghiệm nổi tiếng trên đây được ghi chép lại trong tất cả các sách giáo khoa sinh lý học. Páplốp mới 41 tuổi đã làm giáo sư, nhưng: vì ông kiêm nhiệm, lương bổng không nhiều, nên cuộc sống không được sung túc cho lắm. Những học trò của ông quyết định giúp đỡ cho người thầy của họ. Họ gom góp được một món tiền; nhưng họ biết chắc Páplốp tuyệt đối sẽ không nhận sự “bố thí” của người khác, bèn nghĩ ra một cách. Một hôm, họ nói với ông: – Thưa thầy, có một nhóm thầy thuốc yêu cầu thầy mở cho họ một khóa đặc biệt, giảng về thần kinh tim: Đây là số tiền họ đưa để chi phí mở lớp. Páplốp nói: – Được, cũng phải có ít kinh phí. Sau đó mấy ngày, đám học trò thấy trong phòng thực nghiệm có thêm một số chó, chuột thiên trúc và thỏ. Họ vỡ lẽ là Páplốp đã dùng khoản tiền ấy để mua các con vật. Khóa học đặc biệt tiến hành rất thành công, nhưng kế hoạch của những người học trò muốn giúp đỡ Páplốp về kinh tế lại thất bại. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, Páplốp bắt đầu nghiên cứu hoạt động của thần kinh cao cấp, lần đầu tiên phát hiện ra quy luật hoạt động của chức năng vỏ não. Ông lại phẫu thuật chó. Lần này ông khoan một lỗ nhỏ trên quai hàm chó, dùng một ống dẫn rất mảnh đặt trên tuyến nước bọt. Khi chó ăn, nước bọt tiết ra, một phần nước bọt qua ống dẫn chảy ra ngoài. Qua thực nghiệm, Páplốp phát hiện, chỉ cần đồ ăn đưa vào miệng chó là chó sẽ tiết ra nước bọt. Nếu thức ăn ướt, nước bọt tiết ra ít một chút thức ăn khô, nước bọt tiết ra nhiều hơn một chút. Hoạt động phản xạ này, ở chó và mọi động vật khác đều có, cho nên Páplốp gọi nó là phản xạ không điều kiện. Cũng qua thực nghiệm, ông lại phát hiện thấy một hiện tượng hết sức quan trọng. Ngoài những thức ăn kích thích gây ra sự tiết nước bọt ở miệng chó ra, những kích thích khác như ánh sáng, âm thanh v.v… , cũng có thể gây ra sự tiết dịch vị của chó. Điều kiện là sau khi kích thích chó thì cho nó ăn ngay. Khi làm thực nghiệm này, nhiều người xem cảm thấy không lý giải được. Páplốp bèn giơ lên một quả chanh: – Các vị đều biết quả chanh là gì, vị chua của chanh thế nào. Tôi không có ý định đưa nó vào miệng các vị, mà chỉ cho các vị nhìn thử. . . Ông vừa nói đến đây, trong miệng tất cả những người có mặt đều thấy ứa nước bọt, nhiều người đã nuốt luôn và cười thành tiếng. – Các vị không ăn chanh nhưng lại chảy nước bọt. Đó là vì các vị đã từng ăn chanh, biết nó rất chua, cho nên hễ nhìn thấy nó là chảy nước bọt. Phản xạ chảy nước bọt này là có điều kiện, vì vậy chúng tôi gọi nó là phản xạ có điều kiện. Sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, chính quyền Xô Viết phải đương đầu với sự tấn công điên cuồng của kẻ thù trong, ngoài nước. Phòng thí nghiệm của Páplốp thường xuyên bị mất điện, cắt nước. Do thiếu thức ăn, chó dùng để thực nghiệm cũng bị chết đói hết con nọ đến con kia. Năm 1919, Liên uỷ thác Goócki đến thăm Páplốp và hỏi ông có khó khăn gì. Páplốp xúc động nói: – Chúng tôi cần chó, rất cần chó! Đồng sự của tôi buộc phải ra phố bắt chó! Các bạn đồng nghiệp của ông bổ xung: – Không phải chỉ có thế. Bản thân đồng chí Páplốp cũng để bụng rỗng đi khắp nơi bắt chó đói! Goócki nghe nói phì cười. Páplốp bất giác cũng cười thành tiếng. Bàn luận một lúc, Goócki nói với giọng nghiêm túc và chân thành: – Căn cứ vào chỉ thị của đồng chí Lênin, cơ quan hữu quan có trách nhiệm tăng khẩu phần lương thực và thực phẩm cho đồng chí. . . Páplốp cắt ngang lời Goócki: – Không cần, không cần! Cấp cho người khác bao nhiêu thì cấp cho tôi bấy nhiêu. Không nên cấp nhiều hơn! Năm 1935, Páplốp với tư cách người cao tuổi, 86 tuổi, chủ trì Hội nghị sinh lý học quốc tế khoá XV họp ở Liên Xô và vinh dự được nhận danh hiệu “Ngọn cờ đầu của giới sinh vật học toàn thế giới”. Tháng 2 năm sau, nhà khoa học được mọi người ca tụng là “Ông vua không mũ miện về sinh lý học” qua đời. Vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Páplốp viết cho thanh niên một lá thư, thiết tha mong muốn ở họ 3 điều: từng bước tiến lên, khiêm tốn và nhiệt tình. Chắc chắn đây là sự tổng kết sự nghiệp vĩ đại của đời ông. |
|
Vào giữa thế kỷ 19, trên bờ biển phía Đông vịnh Vixla biển Bantích có một thành phố cổ, đó là Cônixbéc. Thành phố này bắt đầu xây dựng vào giữa thế kỷ 13, đầu thế kỷ 18 trở thành thủ phủ của Đông Phổ, Sông Pơrêghen trước khi đổ ra vịnh đã chia thành hai nhánh ở Cônixbéc chảy ngang qua thành phố. Bảy chiếc cầu lớn trên sông Pơrêghen nối hai hòn cù lao giữa sông với các khu phố ở hai bờ. Những chiếc cầu này trở thành những con đường để người ta đi đến đảo du ngoạn. Có người đã nêu ra một câu hỏi hết sức thú vị: Liệu có thể đi một luợt khắp bảy chiếc cầu mà không lặp lại cũng không bỏ sót chiếc nào không? Nhiều người đã thử đi, rất thích thú nhưng đều không thành công.
Chuyện này đến tai Ơle, nhà toán học Thụy Sĩ, viện sĩ Viện Khoa học Nga. Ông cũng thấy thích thú với câu hỏi này, hơn nữa cho rằng đó không chỉ là một trò chơi thú vị mà còn là một đầu đề toán học rất có giá trị. Ơle dùng phương pháp toán học chứng minh và biện luận một cách chặt chẽ, kết quả cho thấy đây là một vấn đề không sao thực hiện được. Năm 1763, ông dựa vào đó viết một bài nhan đề “Vấn đề 7 chiếc cầu ở Cônixbéc”, bài này trở thành luận văn sớm nhất của một phân ngành toán học tôpô học. Từ đó, thành cổ Cônixbéc liên hệ chặt chẽ với toán học.
Nhưng điều mà Cônixbéc thật sự vinh dự về mặt toán học là chính nơi đây đã xuất hiện một ngôi sao lớn về toán học hiện đại Hinbe.
Hinbe sinh năm 1862 tại một thị trấn nhỏ gần Cônixbéc. Ông nội và cha ông đều là thẩm phán, chú ông cũng là một luật sư nổi tiếng. Do đó, cha ông mong ông lớn lên sẽ nối nghiệp nhà, làm một thẩm phán được người đời tôn kính. Hinbe chào đời được ít lâu, cha ông được điều đến toà án Cônixbéc làm thẩm phán, thế là cả nhà dời lên thành phố ở. Sống trong một môi trường như vậy, tất nhiên Hinbe từ bé đã nhận được một sự giáo dục tốt đẹp.
Năm Hinbe 8 tuổi, cha ông đưa ông vào học ở một lớp dự bị Trung học Văn khoa. Hai năm sau, ông vào trung học, Theo quy định của chế độ giáo dục Phổ lúc bấy giờ, học sinh học 8 năm ở Trung học, tốt nghiệp xong lại học lên Đại học.
Mục tiêu đào tạo của trung học Văn khoa chủ yếu là luật sư, thẩm phán và chức sắc tôn giáo. Chương trình học, ngoài tiếng Đức, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp ra, có triết học và thần học, cũng có một ít toán học. Hinbe đặc biệt ham thích toán học, những bài toán khó cậu đều có thể giải rất dễ dàng. Nhưng thời gian nhà trường dành cho toán học rất ít còn xa mới thỏa mãn được yêu cầu của trò Hinbe.
Hinbe học chương trình năm thứ 8 Trung học ở một trường khác. Trường này rất coi trọng bộ môn khoa học tự nhiên. Trong hoàn cảnh mới, thiên tài toán học của Hinbe mới được bộc lộ. Khi thi tốt nghiệp, vì thành tích thi viết về toán học đặc biệt xuất sắc, nên Hinbe được miễn thi vấn đáp.
Mùa thu năm 1880, Hinbe 18 tuổi thi vào Đại học Cônixbéc. Phương pháp dạy ở trường này rất linh hoạt, giáo sư có thể tự do đưa ra một chương trình giảng dạy, học sinh có thể căn cứ vào hứng thú và sở thích của mình mà chọn lựa việc đi nghe giảng. Ở đây, Hinhe dốc hết tâm sức nghiên cứu môn toán học mà ông yêu thích nhất.
4 năm đại học sắp sửa kết thúc, Hinbe chuẩn bị viết luận văn, muốn tranh thủ thông qua việc bảo vệ luận văn giành học vị Tiến sĩ. Vấn đề lúc đầu ông định chọn để nghiên cứu, sau khi hỏi giáo sư hướng dẫn mới được biết đã có người làm rồi. Ông tự phàn nàn là mình nắm tình hình phát triển của toán học quá ít. Được thầy hướng dẫn gợi ý, ông quyết định lấy vấn đề “đại số bất biến lượng” làm đề tài nghiên cứu.
Cuối năm 1884, Hinbe bảo vệ thành công luận án. Tháng 2 năm sau, ông được nhận bằng Tiến sĩ và làm trợ giảng ở trường Đại học Cônixbéc.
Thời bấy giờ, chế độ cấp bậc ở trường Đại học Đức rất nghiêm ngặt, mỗi môn khoa học ở Đại học chỉ một ghế giáo sư.Vị giáo sư này do Vua uỷ nhiệm và được lãnh lương rất hậu. Chỉ có khi nào ông ta chết hoặc được điều đi nơi khác thì người trội nhất trong các phó giáo sư mới có dịp được chọn để bổ sung. Giảng sư có thể lên bục giảng bài nhưng không có thu nhập cố định, lương do học phí của học sinh nghe giảng chi trả. Nếu ít học sinh đến nghe giảng thì thu nhập thấp. Trợ giảng thì không có tư cách giảng bài, chỉ làm một số công việc phụ giúp giảng dạy. Theo quy định, Hinbe nếu muốn lên bục giảng dạy Đại học còn phải viết được luận văn có chất lượng rồi thông qua các giáo sư bình xét, thẩm định hợp cách mới chính thức được nhận chức danh giảng sư. Cũng còn có một con đường khác, đó là thông qua thi cấp quốc gia để được công nhận chức vị giáo sư trung học, rồi vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, nếu có thành tích lại đến trường Đại học xin chức danh giảng sư.
Hinbe chọn con đường thứ hai. Tháng 5 năm ấy, ông tham gia kỳ thi quốc gia, nhưng ông không xin đi giảng dạy Trung học mà xin đi Đại học Laixich để bồi dưỡng thêm. Ở đó không đầy một năm, Hinbe lại sang nghiên cứu ở Viện Vật lý Trường Đại học Pari. Tháng 7 năm 1887, cuối cùng ông đã được trường Đại học Cônixbéc bổ nhiệm làm giảng sư Toán học. Vừa nhận chức, ông đã tự đề ra cho mình những yêu cầu nghiêm khắc: Không ngừng nghiên cứu những vấn đề mới. Mỗi năm ông đều có một kế hoạch. Năm đầu tiên ông đã dự định nghiên cứu 3 vấn đề, một trong 3 vấn đề đó là “lý thuyết đại số bất biến lượng”.
Tháng 3 năm sau, Hinbe đến thăm một trong những nhà toán học ưu tú nhất của Đức lúc bấy giờ, người được mệnh danh “vua của bất biến lượng”, đó là Gônđan – giáo sư toán học trường Đại học Êlanghen.
Ngay từ năm 1868, Gônđan đã đưa ra một định lý nổi tiếng về “bất biến lượng”. Đã 20 năm Gônđan dồn sức cho công trình nghiên cứu này, song những luận đề của ông thường rất phức tạp, phải chứng minh bằng những công thức dài dằng dặc. Không một nhà toán học nào dám đối đầu với công việc của Gônđan và bản thân ông ta trước nay cũng không nghĩ đến việc tìm một phương pháp chứng minh mới. Được quen biết với Gônđan, Hinbe đã học được ở ông rất nhiều điều bổ ích.
Sau khi về đến Cônixbéc, Hinbe luôn luôn suy nghĩ về vấn đề “đại số bất biến lượng”, bằng mọi cách tìm ra phương pháp chứng minh mới. Cuối cùng, tháng 9 năm ấy Hinbe đã tìm ra được “một con đường tắt” và trình bày vấn đề này trong một luận văn chỉ có 4 trang viết tay mà sau đó ít lâu đã được đăng trên tập san “Thông báo” của Hiệp hội khoa học Gôtinghen.
Với sự ra đời “định lý Hinbe” nổi tiếng, Hinbe đã giải quyết thành công vấn đề “đại số bất biến lượng”, thống nhất được nhiều lĩnh vực toán học, dẫn đến sự ra đời của “đại số cận đại”.
Cuối năm 1891, ghế giáo sư toán học trường Đại học Béclin bị khuyết. Một vị phó giáo sư của trường Đại học Cônixbéc được điều đi, Hinbe thay thế chức vụ của ông này. 2 năm sau, Hinbe lại được điều đến làm giáo sư toán học trường Đại học Gôtinghen nổi tiếng.
Sau đó một năm, Hinbe bắt tay xây dựng bộ môn cơ sở hình học. Mọi nguời bàn tán: Hình học là môn khoa học có từ rất sớm và đã được nghiên cứu rất kỹ, liệu giáo sư Hinbe có thể vượt qua được những người đi trước trong lĩnh vực này không?
Quả vậy, nếu kể từ Ơclít thời cổ Hy Lạp đến lúc này, hình học đã có lịch sử hơn 2000 năm. Thế kỷ 17, nhà toán học người Pháp Đêcáctơ đã đưa phương pháp đại số vào nghiên cứu hình học, sáng lập ra hình học giải tích. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nhà toán học người Pháp Môngiơ sáng lập ra hình học xạ ảnh, nhà toán học Đức Gaux sáng lập ra hình học phi Ơclít, hình học vi phân đến nửa sau của thế kỷ 19, nhà toán học Đức Cơlen lại hoàn thành sự thống nhất hình học Ơclít và các loại hình học phi Ơclít, hình học phát triển đến giai đoạn này cần có một nhà toán học cự phách tổng kết công việc của những người từ Ơclít đến Cơlen. Vấn đề Hinbe muốn nghiên cứu chính là vấn đề này.
Hinbe đã giành được thành công rất nhanh chóng. Năm 1899, cuốn “Cơ sở hình học” của Hinbe xuất bản. Trong tác phẩm này, ông chỉnh lý hình học Ơclít thành hệ thống diễn dịch thuần tuý xuất phát từ những nguyên lý chung và chuyển sự chú ý đến kết cấu lôgíc của hệ thống nguyên lý chung, do đó đã khiến nó trở thành tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực toán học thời bấy giờ. Chỉ mấy tháng sau khi xuất bản, cuốn sách của Hinbe đã trở thành sách giáo khoa bán chạy nhất ở Đức, và nhanh chóng được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và các thứ tiếng khác.
Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, để lừa bịp nhân dân, bọn quân phiệt Đức lấy danh nghĩa Chính phủ Đức khởi thảo tuyên ngôn “Gửi thế giới văn minh” và đã dùng đủ mọi thủ đoạn, mềm có rắn có buộc các nhà khoa học và những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Đức ký tên vào để chứng tỏ họ tán thành việc Chính phủ tham chiến. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã ký tên vào tuyên ngôn, chỉ có 2 nhà khoa học từ chối: một là Anhxtanh, người sáng lập ra thuyết tương đối; một người nữa, đó là Hinbe.
Tháng 10 năm 1914, “Gửi thế giới văn minh” được đăng trên tất cả các báo chí ở Đức. Được cổ vũ bởi tinh thần dân tộc hẹp hòi ngông cuồng, một số kẻ lên án kịch liệt Hinbe là “tên bán nước”, nhiều sinh viên bỏ không nghe giờ giảng của ông nữa. Nhưng Hinbe chính trực không từ bỏ chủ trương của mình.
Năm 1917, một nhà khoa học nổi tiếng của Pháp qua đời. Hinbe bất chấp việc hai nước Pháp – Đức đang giao chiến, viết một bài bày tỏ lòng thương tiếc ông. Sau khi bài này được đăng, một số người đến trước cửa nhà ông gây sự, bắt ông thừa nhận việc viết bài truy điệu “nhà toán học của nước thù địch” này có tội. Hinbe kiên quyết bác bỏ.
Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, vì Đức là nước thua trận nên trong một thời gian dài nhiều hội nghị quốc tế đã không gửi thư mời các nhà khoa học Đức. Mãi đến năm 1928, Đại hội các nhà toán học quốc tế do các nhà toán học Italia tổ chức mới gửi giấy mời họ. Một số nhà toán học Đức mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi không muốn đến tham gia. Hinbe thì lại cho rằng thật là ngu ngốc nếu không tham gia hội nghị này. Ông nói: “Toán học không phân chủng tộc. Đối với toán học, cả thế giới văn minh chỉ là một. Vì sự phồn vinh của khoa học toán học mà chúng ta vô cùng yêu mến, chúng ta nên làm như vậy, và chỉ có thể làm như vậy”. Cuối cùng, nhờ sự tích cực của ông một đoàn đại biểu gồm hơn 60 nhà toán học đã tới tham gia hội nghị quốc tế này.
Những năm 20 của thế kỷ 20, Hinbe lại dốc sức nghiên cứu cơ sở toán học. Cơ sở toán học là môn khoa học nghiên cứu đối tượng, tính chất và phương pháp của toán học. Năm 1922, ông công bố luận văn “bàn về cơ sở mới của toán học”. Ít lâu sau, ông lại cùng với học trò ông sáng lập ra “thuyết chứng minh”, mở ra một lĩnh vực mới cho toán học.
Năm 1930, Hinbe 68 tuổi, đến tuổi về hưu theo qui định của Chính phủ. Mùa thu năm ấy, ông trở về Cônixbéc, nhận chứng thư công dân vẻ vang của thành phố do chính quyền thành phố trao tặng.
Trong buổi lễ long trọng trao chứng thư, ngôi sao lớn về toán học này đã phát biểu những lời chan chứa nhiệt tình với bà con quê hương:
– Với toán học, không có thuyết “không thể biết”. Theo tôi, trong khoa học tự nhiên hoàn toàn không có thuyết “không thể biết” Trái với thuyết “không thể biết” ngu xuẩn kia, khẩu hiệu của chúng ta là “chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết”.
Tômát Moócgăng (Thomas Hung Morgan (1866-1945)), nhà di truyền học nổi tiếng của Mỹ đã từng có một đoạn danh ngôn như thế này:
“Không nên lập chí quá cao. Quá cao thì gần với mong ước ngông cuồng. Không có ai chê cười bạn mà là bạn tự làm phai mờ mục tiêu thôi. Mục tiêu nên xác định gần một chút. Gần thì chắc chắn đạt được. Đạt được mục tiêu, chí lớn tất thành”
Moócgăng là nhà khoa học đã làm như lời mình nói. Chính tác phong khoa học thận trọng, thiết thực đã giúp ông sáng lập ra được học thuyết về gien. Nhờ giành được những thành tựu phi thường khi nghiên cứu tác dụng của nhiễm sắc thể trong di truyền, nên năm 1933, ông được tặng giải Nôben về sinh lý học và y học.
Thời thơ ấu, Moócgăng thường đi đến nông thôn và vùng núi dạo chơi. Đối với mọi vật trong thiên nhiên, ông đều ham thích và muốn tìm hiểu đến tận cùng.
Năm 10 tuổi, vào một buổi sáng nọ, sau khi đến nhà thờ làm lễ xong không biết Moócgăng chạy đi đâu. Mãi đến trưa, cả nhà ăn cơm vẫn chưa thấy ông về. Cha mẹ sốt ruột quá, sai chị em ông đi khắp nơi tìm.
Chì ông tìm mãi một hồi mới phát hiện ra ông đang nấp ở bờ ruộng.
– Ối giời ơi, sao em nấp ở đây, em định làm gì thế này?
Moócgăng không trả lời, chỉ ra hiệu bảo chị đừng làm ầm lên. Người chị nhìn kỹ, hoá ra Moócgăng đang quan sát một đóa hoa xương rồng.
Người chị không hiểu, hỏi:
– Làm gì cứ nhìn cái hoa thế?
– Hừ, em muốn xem hoa của nó nở thế nào.
Đối với động vật, Moócgăng cũng muốn tìm hiểu bí mật sinh trưởng của chúng. Một dạo, ông thích thú muốn biết mèo, chó sinh con như thế nào, cứ dán mắt vào chúng. Có lần ông bỏ một con chuột vào ngăn kéo nuôi, mục đích là để xem chuột con sinh ra như thế nào.
Moócgăng tốt nghiệp tiểu học, cha xứ địa phương nhắc nhở cha ông:
– Cậu bé này có óc quan sát giới tự nhiên hơn hẳn những đưa trẻ khác, nhất định phải đưa vào học ở một trường nào tốt một chút.
Người cha đã nghe theo lời cha xứ, đưa cậu vào học lớp dự bị của Học viện mở tại bang. Hai năm sau, Moócgăng chuyển lên học chính thức ở Học viện. Ông ham thích động vật học nhưng học viện không có chương trình chuyên về môn này. Thế là nhà trường phải mở riêng cho ông một khoá. Moócgăng vì ham thích nên quyết chí phấn đấu, thành tích học tập rất xuất sắc. Năm 1866, Ông được cấp bằng tú tài động vật học.
Moócgăng tất nhiên không thỏa mãn với những kiến thức về động vật học học được ở nhà trường. Sau đó, ông đi đào tạo thêm ở trường Đại học Hốpkin. Dưới sự hướng dẫn của một số giáo sư nổi tiếng, ông ra sức trau dồi về sinh vật học, sinh lý học, giải phẫu học, hình thái học, bào thai học. Năm 1890, luận văn tiến sĩ của ông “Bàn về nhện biển” được thông qua, ông giành được học vị tiến sĩ sinh học động vật; lúc bấy giờ ông mới 24 tuổi. Năm sau, ông đến dạy ở Học viện Branmo.
Bấy giờ, các nhà sinh vật học nổi tiếng ở Mỹ đang tranh luận về một vấn đề rất lớn: Chi phối sự biến dị của tế bào bào thai là do nhân tố nội tại (tức là di truyền) hay do nhân tố bên ngoài (tức là môi trường).
Là một nhà nghiên cứu sinh vật học, Moócgăng cảm thấy rất thích thú đối với vấn đề này. Nhưng ông cho rằng, dùng phương pháp suy luận và tự biện, không thể giải quyết thật tốt vấn đề tranh luận này, điều quan trọng là tiến hành thực nghiệm, chỉ có thông qua thực nghiệm mới có thể rút ra được kết luận đáng tin cậy và chặt chẽ. Thế là ông làm rất nhiều thực nghiệm.
Trước tiên ông nghiên cứu tác dụng thụ tinh trứng nhím biển (một loại động vật da gai sống dưới đáy biển) và sên (một loài động vật nhuyễn thể) và tìm hiểu ảnh hưởng của các dung dịch muối khác nhau, của trọng lực và không trọng lực đối với quá trình sinh trưởng bình thường của trứng nhím biển, động vật nhuyễn thể và cá nhiều xương, sau đó, lại thực nghiệm ở những nồng độ khác nhau đối với bào thai qua các giai đoạn.
Sau nhiều lần thực nghiệm, Moócgăng phát hiện thấy dù các trở ngại vật chất có thể gây ra sự biến đổi quá trình phát dục của bào thai các động vật này, nhưng bào thai vẫn giữ nguyên những đặc trưng cũ. Dựa vào đó, đầu năm 1902, ông công bố một loạt luận văn, chỉ ra rằng ảnh hưởng của môi trường có thể kìm hãm quá trình phát dục của bào thai ở mức độ nhất định, nhưng nhân tố căn bản quyết định kết quả sinh sản vẫn là ở bản thân bào thai.
Năm 1900, Moócgăng đến dạy ở Khoa Động vật trường Đại học Côlôngbia. Bấy giờ, các nhà sinh vật học đang tranh luận một vấn đề khác: Nhân tố quyết định giới tính (nam hay nữ, đực hay cái) là gì? Một số nhà sinh, vật học cho rằng, môi trường là nhân tố quyết định giới tính, có nghĩa là giới tính của bảo thai do độ nóng và số lượng chất dinh dưỡng hấp thu được trong quá trình phát dục quyết định. Căn cứ của họ là, rất nhiều động vật trong giới tự nhiên, nhất là côn trùng, trong những điều kiện môi trường khác nhau sẽ gây ra sự thay đổi tỉ suất giới tính. Còn một số nhà sinh vật học khác lại cho rằng, giới tính chủ yếu là do nhân tố nội tại của trứng, của tinh trùng hoặc của cả hai thứ ấy vào lúc thụ tinh, thậm chí vào trước lúc ấy quyết định. Điều họ nhấn mạnh là tác dụng quyết định của di truyền đối với giới tính.
Moócgăng cũng cảm thấy rất thích thú đối với vấn đề này. Trên cơ sở thực nghiệm, năm 1903, ông công bố bài bình luận về vấn đề quyết định giới tính. Bài viết chỉ ra rằng, các chứng cớ mà các nhà sinh vật học hiện nay đưa ra về vấn đề này là không đầy đủ. Hai bên chỉ giải thích tỉ suất giới tính 1: 1 được phát hiện trong đại đa số các loài. Nhưng trong giới tự nhiên, có một số hiện tượng giới tính đặc thù như sinh dục đơn tính, lưỡng tính v.v. . . Lý thuyết về quyết định giới tính phải giải thích được tỉ suất giới tính mềm 1: 1 thông thường hay có, đồng thời lại có thể giải thích được các hiện tượng giới tính đặc thù kể trên. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề này, còn phải làm rất nhiều thực nghiệm.
Moócgăng nói như thế, và cũng làm như thế. Năm 1908, ông bắt đầu nuôi ruồi dấm. Đây là một loại côn trùng dễ nuôi, chu kỳ sống ngắn (độ 2 tuần lễ), tính đột biến nhiều, nhiễm sắc thể tuyến nước bọt lớn, nó thích hợp với việc dùng làm vật liệu thực nghiệm về khoa học như di truyền học v.v. . . Sau đó 2 năm, ông tình cờ phát hiện trong một cái lọ nuôi ruồi dấm, có con ruồi đực trên mình xuất hiện một sự biến dị rất nhỏ nhưng rõ ràng, mắt ruồi dấm thông thường đều đỏ, còn mắt con ruồi này lại màu trắng “Sao lại có thể là màu trắng nhỉ?” Moócgăng cảm thấy rất lạ. Ông cho con ruồi dấm mắt trắng này giao phối với con mắt đỏ, kết quả ruồi dấm sinh ra đều là mắt đỏ; cho những con ruồi mắt đỏ này giao phối với anh em nó, thì trong thế hệ sau lại xuất hiện ruồi mắt trắng. Điều đặc biệt làm cho ông cảm thấy ngạc nhiên là những con ruồi dấm mắt trắng này, tuyệt đại đa số đều là những con đực.
Moócgăng căn cứ vào đó kết luận: Ruồi dấm mắt đỏ và mắt trắng xuất hiện là do “phân tử” di truyền của chúng quyết định. Đặc tính này liên quan chặt chẽ với thành phần quyết định giới tính trong tế bào, nhiễm sắc thể trên thực tế có mang theo “nhân tử” di truyền. Ông gọi hiện tượng này là “tính liên hoàn”, cũng tức là hiện tượng di truyền đặc thù mà gien trên nhiễm sắc thể thể hiện.
Đầu năm 1910, Moócgăng cùng với các cộng sự thành lập phòng thực nghiệm trường Đại học Côlôngbia, chuyên nghiên cứu về ruồi dấm: Trước đó, năm 1865, nhà di truyền học Đức Măngđen căn cứ vào kết quả thí nghiệm tạp giao đậu Hà Lan, đã công bố luận văn “Thí nghiệm tạp giao thực vật”, đưa ra khái niệm đơn vị di truyền (tức là gien) và trình bày rõ quy luật di truyền của nó. Nhưng mối quan hệ giữa gien và nhiễm sắc thể mà Măngđen nói thuần túy có tính chất suy luận, chưa ai thấy được gien. Giờ đây, Moócgăng và những người cộng sự lại tìm ra phương pháp kiểm nghiệm sự suy luận này.
Năm 1911, một cộng sự của Moócgăng; lần đầu tiên đã vẽ ra được sơ đồ di truyền gien giới tính của ruồi dấm. Dưới sự chủ trì của Moócgăng, vị trí của các gien khác cũng được xác định, chứng minh là gien được xếp thành hàng thẳng. Như vậy là Moócgăng đã sáng lập thành công học thuyết về gien.
Trong phòng thực nghiệm ruồi dấm của trường Đại học Côlôngbia, Moócgăng là người có tuổi được các cộng sự tin tưởng và kính trọng. Ông lãnh đạo phòng thực nghiệm này một cách rất dân chủ, phát huy đầy đủ sự thông minh và trí tuệ của mỗi người. Mỗi khi có ai nêu ra một kiến giải mới, Moócgăng để cho mọi người thảo luận tự do, đến nỗi rất khó xác định quan điểm nào là do ai nêu ra trước: Ông là thầy của mọi người, lại là bạn của mọi người. Khi quỹ nghiên cứu thiếu, Moócgăng không chút do dự bỏ tiền túi ra để trả lương cho các cộng sự.
Năm 1924, Moócgăng rời Trường Đại học Côlôngbia tới một học viện ở Caliphoócnia lập chuyên ngành sinh vật học. Bốn năm sau, dưới sự chủ trì của ông, phòng thực nghiệm sinh vật học đã được xây dựng. Đây là trung tâm khoa học duy nhất nghiên cứu về di truyền học và có được những thành tựu cao trên thế giới hồi bấy giờ.
Từ 1927 đến 1931, Moócgăng làm Viện trưởng Viện Khoa học Mỹ. Năm 1932, ông chủ trì Hội nghị Di truyền học quốc tế lần thứ VI ở Niu Oóc. Hội nghị lần này thực tế là hội thảo về thành tựu học thuật của Moócgăng. Năm sau, ông được nhận giải thưởng Nôben về sinh lý học và y học. Moócgăng là một nhà khoa học hết sức khiêm tốn. Ông cho rằng thành tựu của mình không thể tách rời với sự ủng hộ và giúp đỡ của những người cộng sự, vì vậy ông cùng họ chia nhau hưởng khoản tiền thưởng, cung cấp cho con cái họ đi học.
Moócgăng để lại cho hậu thế không phải chỉ có học thuyết về gien. Trong phương pháp thực nghiệm, ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp phân tích định lượng vào việc giải quyết vấn đề sinh vật học, từ đó thúc đẩy di truyền học phát triển nhảy vọt và đặt cơ sở cho một môn khoa học mới hiện đại – ngành công trình di truyền.
Ngày 8 tháng 11 năm 1895, đối với giáo sư Rơnghen là một ngày suốt đời khó quên. Ngay cả trong lịch sử khoa học, ngày này cũng là ngày vĩnh viễn đáng kỷ niệm. Đó là vì Rơnghen đã phát hiện ra tia X quang vào ngày này. Loại tia này ngày nay đã được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu kết cấu tinh thể, dò vết kim loại, y học, thấu thị, đem lại cho nhân loại những tin mừng vô cùng to lớn.
Rơnghen là hiệu trưởng trường Đại học Vônsbuôc ở Đức. Tuy bận rộn với công việc hành chính, nhưng ông vẫn dành nhiều công sức vào việc nghiên cứu vật lý học. Chạng vạng hôm ấy, ông một mình đi vào phòng thực nghiệm của Cơ quan nghiên cứu vật lý để thí nghiệm ống tia ca tốt đã được cải tiến.
Trước khi làm thí nghiệm, căn cứ vào ý kiến của người thiết kế Rơnghen dùng giấy đen bọc trước ống phóng điện chân không hình quả lê rất kỹ để không cho một tia sáng nào trong ống lọt ra ngoài sau đó, ông đóng chặt tất cả cửa ra vào cửa sổ rồi cắm điện, kiểm tra xem giấy đèn có để lộ ánh sáng không.
Rơnghen ngắm nghía, lẩm nhẩm nói một mình: “Rất tuyệt! Hừ! không lọt một tí ánh sáng nào!”
Khi ông chuẩn bị làm thí nghiệm thì bỗng nhiên phát hiện một hiện tượng lạ lùng: Trên bàn con làm việc cách ống phóng điện chưa đầy một mét bắn ra một tia huỳnh quang màu xanh lục.
Rơnghen cảm thấy rất lạ: “ánh sáng này từ đâu đến?”. Ông cắt nguồn điện, ống quang điện tắt, tia sáng “màu xanh lục cũng không thấy nữa: Ông thử liên tiếp nhiều lần, tình hình đều như vậy cả.
Thế là ông quẹt một que diêm, soi thử xem trên bàn làm việc có gì. Hóa ra ở đó có một mảnh bìa các tông trên có mạ một lớp vật liệu tinh thể platinôxianua bari, tia sáng thần bí phát ra từ đó!
“Khi ống điện quang cắm điện, tại sao mảnh bìa này có thể phát sáng?” Rơnghen bất giác tự hỏi mình. “Chả lẽ trong ống điện quang này có một loại tia nào đó chưa biết bắn đến mảnh giấy làm cho nó phát sáng?”
Nghĩ vậy, ông tiện tay cầm một quyển sách mang chắn giữa ống điện quang và mảnh bìa. Điều làm ông ngạc nhiên là mảnh bìa cứ phát sáng. Như vậy là loại tia này có thể xuyên qua vật chất rắn.
Rơnghen vui mừng vô hạn, vui đến mức dường như không sao làm chủ được mình nữa. Một nhân viện phục vụ bước vào phòng tìm một dụng cụ thí nghiệm, Rơnghen cũng không hề biết. Đến giờ ăn cơm tối, bà vợ cho người đến mời vẫn thấy ông đang làm thí nghiệm. Đến giục mấy lần, ông đành về phòng ăn ăn qua loa một chút, không nói năng gì cả, ăn xong ông lại đến phòng thực nghiệm.
Liên tiếp mấy ngày liền, Rơnghen ở lì trong phòng thực nghiệm, tìm tòi bí mật của loại tia chưa biết tên này. Ông lấy gỗ, mảnh kính êbônít để làm vật chắn, những thứ này đều không ngăn được loại tia này xuyên qua. Ông lại dùng các thứ kim loại, ngoài chì và bạch kim, các thứ khác vẫn bị xuyên qua. Ông đặt phim giữa ống điện quang và mảnh bìa, dù bốn bên đều tối đen như mực, phim lại cảm quang. Điều khiến ông càng cảm thấy hưng phấn là khi ông dùng bàn tay mình để làm vật chắn thì lại nhận ra rõ ràng hình dáng từng ngón tay, bóng mờ của xương cốt tay hiện rõ ra.
Đây là lần đầu tiên loài người nhìn thấy được cái bóng mờ của xương cốt trong một cơ thể sống. Rơnghen cực kỳ hưng phấn lại vô cùng kinh hãi. Thế là ông quyết định tiếp tục thí nghiệm mãi cho đến khẳng định được tính chính xác của sự quan sát của mình và có thể chứng minh được điều này về mặt lý luận mới thôi.
Rơnghen ở lại liền mấy ngày trong phòng thực nghiệm, quên ăn, quên nghỉ. Bà vợ thấy vậy rất lo, nằng nặc đòi ông nói rõ. Rốt cuộc ông đang làm gì ở trong ấy.
Rơnghen hết cách, đành phải dẫn bà vào phòng thực nghiệm, cho bà xem thử điều bí mật mà ông đã phát hiện. Bà vợ cũng cảm thấy lạ lùng vô cùng.
Một buổi tối kia, Rơnghen thuyết phục bà vợ làm đối tượng thực nghiệm cho mình, Ông bảo vợ đặt bàn tay trên hộp tối đựng phim ảnh, sau đó dùng ống điện quang rọi vào 15 phút.
Sau đó, Rơnghen đưa một tấm ảnh đến trước mặt vợ. Trên ảnh hiện lên rõ ràng xương cốt của một bàn tay. Bà vợ xem xong, sợ phát run cả người. Bà không tin những xương cốt hoàn toàn lộ ra này lại là bàn tay của chính bà! Nhưng đó là sự thật. Tấm ảnh trở thành một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử.
– Nên gọi nó là tia gì nhỉ? Cứ gọi nó là tia X quang! – Rơnghen đã đặt cho cái tia chưa biết kia một cái tên như vậy.
Mãi đến bây giờ, để kỷ niệm nhà vật lý học này, người ta vẫn gọi cái tia do Rơnghen phát hiện lúc đầu là tia X.
Hơn một tháng sau, Rơnghen đem phát hiện quan trọng của ông viết thành luận văn “Một loại tia mới” và cho công bố – Sự kiện này lập tức làm cho cả thế giới xôn xao.
Rơnghen bỗng chốc trở thành một nhân vật thời sự. Thư chúc mừng và những lá thư tỏ ý hoài nghi, thậm chí chê trách từ khắp nơi tới tấp gửi đến ông. Lối vào Sở nghiên cứu của ông chen chúc các nhà khoa học, các ký giả và cả những người hiếu kỳ. Danh thiếp có chữ ký của ông thường không thể gửi đến được tay người nhận thư vì người ta tranh nhau bất cứ vật gì có chữ ký của ông. Ít lâu sau, các nhà y học ứng dụng tia X quang, vị trí các xương gãy trong cơ thể người hiện ra chuẩn xác. Từ đó, xuất hiện một cơn sốt “X quang”.
Ngày 23 tháng 1 năm 1896, Rơnghen báo cáo lần đầu tiên ở Phòng nghiên cứu của mình và biểu diễn thực nghiệm trước mọi người. Biểu diễn xong, toàn hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm. Một nhà giải phẫu học có tuổi xúc động nói, gần 50 năm nay, ông chưa tham dự một hội nghị học thuật nào có ý nghĩa hơn hội nghị này. Ông dẫn đầu người nghe hoan hô Rơnghen 3 lần và đề nghị đặt tên cho loại tia này là “tia Rơnghen”. Cử toạ nhất trí đồng ý.
Đầu tháng 3 năm đó, trường Đại học Vônsbuốc phong tặng Rơnghen học vị vẻ vang Tiến sĩ y học. Để chúc mừng cống hiến kiệt xuất của thầy giáo họ, sinh viên đã tổ chức rước đuốc diễu hành.
Rơnghen phát biểu với học trò của mình những lời nói đầy tâm huyết:
– Tri thức nhân loại luôn luôn phát triển không ngừng. Các bạn hãy cố gắng vì sự phát triển vĩ đại của tương lai tri thức nhân loại. Tôi chúc các bạn mỗi người đều có được vinh dự như hôm nay. . .
Năm 1901 là năm đầu tiên sáng lập giải thưởng Nôben. Rơnghen là người đầu tiên được nhận giải vật lý của năm này. Ông tặng toàn bộ tiền thưởng cho trường Đại học Vônsbuốc làm kinh phí nghiên cứu khoa học. Về sau, ông còn được Viện Khoa học và trường đại học nhiều nước phong tặng danh hiệu vẻ vang. Nhiều Hội học thuật và đường phố của nhiều thành phố lấy tên ông để đặt tên. Ngay khi ông còn sống, một số nơi đã dựng bia kỷ niệm…
Rơnghen phát hiện ra tia X quang không phải là việc ngẫu nhiên, mà là kết quả phấn đấu nhiều năm của ông. Trong đó có cả công lao và nghĩa tình sâu sắc của giáo sư Căng, người thầy tốt, người bạn hiền của ông.
Rơnghen sinh năm 1845 ở thành phố Lennep Đức. Thời kỳ học trung học, vì làm mất lòng thầy giáo mà ông bị đuổi học, không được cấp chứng chỉ tốt nghiệp Trung học, vì vậy không thể ghi tên dự thi Đại học. Về sau, ông đến Thụy Sĩ vào học ở Học viện Kỹ thuật tổng hợp Zurich. Năm 1868, ông được nhận bằng kỹ sư cơ giới; năm sau, ông lại giành được học vị Tiến sĩ triết học ở trường Đại học này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Rơnghen ở lại Học viện kỹ thuật tổng hợp Zurich, tiếp tục bổ túc thêm chương trình lý học về quang học do giáo sư Căng giảng. Căng phát hiện Rơnghen nghiên cứu rất sâu về vật lý, liền mời ông làm trợ giáo cho ông. Sau này, khi Căng trở thành giáo sư vật lý ở trường Đại học Vônsbuốc, ông đưa Rơnghen về làm trợ giảng cho ông. Được Căng tận tình hướng dẫn, sau mấy năm Rơnghen đã trở thành giáo sư chủ nhiệm khoa Vật lý của một trường Đại học.
Năm 1888, Rơnghen 43 tuổi đã là Trưởng phòng nghiên cứu vật lý kiêm giáo sư vật lý của trường Đại học Vônsbuốc. Trong 6 năm sau đó, ông công bố 17 luận văn Khoa học. Năm 1894, Rơnghen được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học này. Chính trong năm đó, giáo sư Căng lâm bệnh và qua đời.
Rơnghen, sau khi thành danh, vẫn luôn luôn tưởng nhớ đến người thầy của mình. Năm 1896, khi nhận Huân chương vàng của Hội Học thuật Hoàng gia Luân Đôn, ông rơm rớm nước mắt nói với các học giả có mặt:
– Vinh dự tôi có được hôm nay thuộc về giáo sư Căng quá cố. Trước đây, khi tôi làm trợ giáo cho ông, ông luôn luôn khích lệ tôi, dù tôi có sai, ông cũng không làm cho tôi nản lòng. Thưa các bạn, tìm tòi học vấn giống như mò mẫm trong bóng tối, rất cần đến sự ấm áp, tình bạn và sự giúp đỡ biết bao nhiêu!
Tháng 3 năm 1923, Rơnghen qua đời vì bị ung thư ruột, hưởng thọ 78 tuổi. Trên một cây cầu lớn ở Béclin có dựng một bức tượng của ông. Dưới tượng có khắc một câu danh ngôn của nhà khoa học vĩ đại này:
“Tự hào thì được, nhưng không được tự cao tự đại”.
“Việc gì ở đời cũng đều dễ thỏa mãn. Chỉ có hai việc rất khó thỏa mãn: một là học tập, hai là tình yêu. Điều lạ lùng là vì sao người ta không học tập với ý nghĩ không biết thoả mãn và với tâm trạng vừa phải để nói về tình yêu?”
Đoạn danh ngôn này là của Guynxtơrăng, một thầy thuốc khoa mắt. Ông cả đời cần cù học tập, mạnh dạn thực hành, đã giành được những thành tựu kiệt xuất về khúc xạ học nhãn khoa, vì vậy năm 1911 đã được giải thưởng Nôben về sinh lý học và y học.
Con mắt, xưa nay vốn được coi là “cửa sổ của tâm hồn” con người. Nó không chỉ đem lại cho người ta ánh sáng mà còn có thể truyền đạt thế giới nội tâm con người. Guynxtơrăng do những cống hiến lớn lao trong nghiên cứu y học nhãn khoa, nên được người đời ca ngợi là “vệ sĩ của cửa sổ tâm hồn”.
Guynxtơrăng sinh năm 1862 ở Langkruna, một thành phố công nghiệp nằm trên bờ biển Thụy Điển, ở đó có nhà máy đường, nhà máy bột mì, xí nghiệp dược phẩm và nhà máy đóng tàu. . . Trong khu vực nhà máy đóng tàu, có những ụ tàu lớn, phía đông ụ tàu là khu nhà công nhân mà hơn phân nửa là dân nghèo ở. Cha của Guynxtơrăng là thầy thuốc chữa mắt, phòng khám của ông đặt ở khu dân nghèo.
Y thuật của cha Guynxtơrăng là do ông cha truyền lại. Y thuật của ông, danh truyền bốn phương; y đức của ông, người người ca ngợi. Người trong khu dân nghèo bị bệnh mắt đều đến nhờ ông và được ông chữa cho đến khi khỏi. Lẽ ra ông có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế không phải như vậy, gia cảnh ông không sung túc. Ông cha của Guynxtơrăng đã dạy con cháu rằng ngoài tiền thuốc men chỉ thu một ít tiền khám chữa bệnh; chữa bệnh là để cứu người, không được lấy việc chữa bệnh để làm giàu. Cha của Guynxtơrăng nghiêm túc tuân theo lời dạy của cha ông, lấy tiền khám chữa bệnh ít, nên gia tư không tích luỹ được gì. Từ nhỏ, Guynxtơrăng đã được cha hun đúc cho phẩm chất này, quyết tâm sau này sẽ kế thừa nghiệp cha, chữa bệnh cứu người.
Nhà máy ở Langkruna hơn phân nửa là do Huân tước Mácmông đầu tư. Khoảng năm Guynxtơrăng tốt nghiệp Tiểu học, ông Huân tước lập ra một bệnh viện. Mọi người cứ nghĩ khoa mắt: của bệnh viện này phải do cha của Guynxtơrăng phụ trách mới phải, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Theo ông Huân tước, cha của Guynxtơrăng không phải xuất thân từ con đường chính quy là viện Y học, phương pháp chữa bệnh không phù hợp với khoa học, nên đã không mời ông ra làm. Nhưng Huân tước lại không thể không thừa nhận rằng, mọi bệnh mắt khó giải quyết của dân Lankruna toàn do một tay ông chữa lành; thêm vào đó, hai người con trai ông đều làm việc ở nhà máy đóng tàu, cho nên đã phải đồng ý cho người con thứ ba của ông, tức là Guynxtơrăng được học trung học miễn phí ở trường do ông sáng lập ra.
Guynxtơrăng tốt nghiệp xong trung học, thì vào Viện y học trường đại học Upsala nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp, ông không đến bệnh viện nhà Huân tước thực tập mà trở về bên cha. Ông dùng phương pháp khoa học nghiên cứu y thuật tổ truyền với ước mong mình sẽ có -được chút sáng tạo mới mẻ về chữa bệnh mắt.
Tuy Guynxtơrăng đã tốt nghiệp Viện Y học, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Về nhà, sau một thời gian nghiên cứu Guynxtơrăng cảm nhận một cách sâu sắc rằng những tri thức về khoa mắt mà mình đã học được chưa đủ để làm được nhiệm vụ chỉnh lý y thuật do ông cha truyền lại. Vì vậy, ông quyết định đi Viên (Áo) để trau dồi thêm, đi sâu về quang học sinh lý. Nguyện vọng của ông được cha và người vợ mới cưới ủng hộ.
Sau đó 4 năm, Guynxtơrăng hoàn thành nhiệm vụ học tập và được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ông không tìm đến các bệnh viện lớn có điều kiện làm việc tốt hơn hoặc cơ quan nghiên cứu y học, mà lại quay về phòng khám của cha để chữa bệnh cho những người nghèo khổ trong khu dân nghèo.
Ít lâu sau, cha qua đời, Guynxtơrăng chính thức kế nghiệp cha, chủ trì các công việc về mắt trong ngôi nhà cũ của họ. Ông tự nhủ mình: “Những người mắc bệnh mắt ở đây, hơn phân nửa là người nghèo, lẽ đương nhiên mình phải gần gũi họ. Để những người mắt không nhìn thấy được phải mò mẫm đi đến nơi rất xa để khám bệnh, thật là cực hình tàn nhẫn nhất!”
Trong thực tiễn công việc, Guynxtơrăng cảm thấy sâu sắc rằng mắt là cơ quan cảm giác phức tạp và tinh xảo nhất. Mắt người có thể xác định đồng thời độ sâu nông, khoảng cách, độ to nhỏ, hình dáng và màu sắc của vật thể. Công năng của nó vô cùng to lớn, nhưng các nhà y học nghiên cứu nó còn rất hời hợt.
Quả thật, các nhà quang học sinh lý thời bấy giờ chưa biết rõ nguyên nhân hình thành các bệnh như cận thị, viễn thị, tán quang v.v. . . cũng biết quá ít về vấn đề khúc xạ học, vật thể hình thành hình ảnh của nó như thế nào trong con mắt. Vì thế cũng chưa tìm ra được nhiều phương sách hay để bảo vệ; chăm sóc, chữa chạy cho con mắt.
Guynxtơrăng quyết định thông qua nghiên cứu khúc xạ học, để khám phá điều bí ẩn cả hệ thống quang học của mắt.
Trước hết, ông nghiên cứu tính chất tản quang của giác mạc mắt, phát hiện người mắt lòa (mắt bị tản quang. N.D) chỉ có thể nhận rõ phương vị dọc mà thấy không rõ phương vị ngang, hoặc chỉ có thể thấy rõ phương vị ngang mà không thấy rõ phương vị dọc. Hóa ra, đó là do giác mạc của mắt không bình thường, có chỗ dày, chỗ mỏng. Sau khi làm rõ nguyên nhân, ông tìm cách lợi dụng mắt kính hình trụ để cân đối tính chiết quang của giác mạc, khắc phục thiếu sót trên của giác mạc, khôi phục lại thị lực cho người có tật. Vấn đề tản quang như vậy là được giải quyết.
Năm 1890, Guynxtơrăng trình bày kết quả nghiên cứu của mình trong luận văn với đầu đề “Đóng góp vào lý thuyết tản quang”. Luận văn mang lại tin mừng cho những người bị tật mắt lòa trên toàn thế giới, được giới y học rất trọng thị, nhờ đó ông đã giành được học vị tiến sĩ y học.
Mùa thu năm 1891, cô con gái thứ tư của Huân tước Mácmông bị bệnh mắt trầm trọng. “Vảy cá mắt” – một màng trắng đục phủ kín con ngươi, có nguy cơ làm cho mắt bị mù rất nhanh. Bác sĩ nhãn khoa ở bệnh viện nhà cô chịu bó tay đã phải mời tới các bác sĩ nhãn khoa danh tiếng của Bắc Âu sang chữa cho cô, nhưng vẫn không có kết quả. Huân tước trong lòng nóng như có lửa đốt.
Tất nhiên Huân tước biết Guynxtơrăng ở gần đấy là một chuyên gia khoa mắt xuất sắc, nếu mời ông ấy chữa cho con gái còn tốt gì bằng. Nhưng chết nỗi ngày trước ông đã coi thường cha của Guynxtơrăng, liệu bây giờ ông ấy có thể bỏ qua chuyện cũ mà chữa trị cho con gái mình không? Thà không mời còn hơn đi mời mà lại bị người ta từ chối!
Mùa xuân năm sau, bệnh mắt của cô gái càng trầm trọng thêm. Bạn bè của Huân tước đều nói, bây giờ trừ Guynxtơrăng ra, không ai có thể chữa lành mắt cô. Cả cô gái cũng khẩn khoản xin cha mời Guynxtơrăng về chữa cho mình. Ngài Huân tước đành phải muối mặt cho người đi mời.
Thực ra, Guynxtơrăng từ lâu đã chú ý đến bệnh mắt của cô con gái Huân tước, và đã nghiên cứu bệnh tình của cô dựa vào lời kể của nhiều người. Khổ nỗi cha ông lúc sinh thời đã bị Huân tước đối xử lạnh nhạt, ông không muốn “thấy người sang bắt quàng làm họ”, vì vậy không muốn tự mình xin đứng ra gánh vác việc đó. Nhưng ông nghiêm túc tuân theo lời dạy của ông cha, chữa bệnh cứu người, cho nên khi Huân tước cử người đến mời, ông không tính gì chuyện cũ, đi chữa bệnh ngay.
Sau khi kiểm tra cẩn thận mắt cô gái Guynxtơrăng quả quyết bệnh mắt của cô rất trầm trọng, chỉ có cắt đi “vảy cá” mới có thể làm cho mắt cô sáng lại.
Huân tước lại lo lắng, do dự. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mổ “vảy cá” là một việc rất khó, làm không khéo thì sẽ mù cả hai mắt. Nhưng cô con gái đã không còn cách gì chịu nổi đau đớn nữa, kiên quyết muốn Guynxtơrăng mổ cho. Huân tước không biết làm thế nào, đành phải đồng ý.
Người nhà Huân tước căng thẳng theo dõi xem Guynxtơrăng cắt vảy cá. Thực ra, phẫu thuật này Guynxtơrăng đã thành công nhiều lần rồi. Ông mạnh dạn, cẩn thận hoàn thành ca mổ, làm cho mắt cô tiểu thư sáng lại.
Sự kiện này làm xôn xao Lankruna và lan truyền ra ngoài. Huân tước vô cùng cảm kích, quyết định mời Guynxtơrăng làm chủ nhiệm khoa mắt bệnh viện của ông. Nhưng Guynxtơrăng khéo léo từ chối, vẫn quay về phòng khám của mình.
Ít lâu sau, Viện Y học Trường Đại học Upsala mời Guynxtơrăng, người sinh viên vốn dĩ tài giỏi này về làm giáo sư Khoa mắt của Viện Guynxtơrăng suy đi nghĩ lại nhiều lần, cảm thấy việc nhận lời mời này có thể giúp ông đạt được những thành quả lớn hơn về mặt nghiên cứu khúc xạ học về mắt, và có thể cứu được nhiều người mắc bệnh mắt hơn, vì vậy ông kiên quyết đóng cửa phòng khám ở Lankruna đi nhậm chức.
Quả nhiên, Guynxtơrăng nhanh chóng có được thành quả nghiên cứu mới. Năm 1892, ông công bố luận văn liên quan đến tật lác mắt, đưa ra những kiến giải sâu sắc về phương pháp chẩn đoán, phân biệt và kiểm tra loại bệnh này. Phương pháp của ông đã được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng. Cùng năm ấy, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện mắt ở thủ đô Xtốckhôm.
Tiếp đó, Guynxtơrăng lại nghiên cứu về cơ chế điều tiết của cận thị và đã thành công. Qua nghiên cứu, ông phát hiện khi mắt nhìn vật thể ở gần, thì phải điều tiết độ dày của thủy tinh thể mới có thể làm cho hình ảnh của vật thể hiện rõ trên võng mạc, điều này giống như máy ảnh khi chụp vật thể ở gần thì phải thay đổi tiêu cự của ống kính. Ông còn dùng phương pháp phân tích toán học để nghiên cứu sự biến hóa của thủy tinh thể, kết quả tính toán của ông cơ bản giống với số liệu đo thực tế.
Guynxtơrăng thấy, nếu có một dụng cụ khoa học để kiểm tra mắt sẽ giúp trực tiếp quan sát được sự biến hóa ở bên trong con mắt. Dựa vào tri thức uyên bác của mình; năm 1911 ông nghiên cứu làm ra một loại đèn đặc biệt chiếu ra những tia vừa sáng vừa tập trung, kết hợp sử dụng loại đèn này với kính hiển vi có thể kiểm tra được sự biến hóa ở bên trong con mắt. Loại đèn này đến nay vẫn là một trong những dụng cụ quan trọng thầy thuốc khoa mắt vẫn dùng.
Do những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu về mắt, đặc biệt là khúc xạ học về mắt, năm 1911 Guynxtơrăng được nhận giải thưởng Nôben. Sau đó, ông quay về quê hương, xây lại nhà cũ của cha ông thành một trung tâm nghiên cứu chữa mắt, tiếp tục phục vụ nhân dân địa phương.
Năm 1930, Guynxtơrăng qua đời ở Xtốckhôm. Là “người vệ sĩ của cửa sổ tâm hồn” ông đã cống hiến trọn đời mình cho những người bị bệnh về mắt. Người đời khi tôn sùng những cống hiến xuất sắc của ông đối với “cửa sổ của tâm hồn” sẽ chẳng bao giờ quên chính ông cũng là một con người có tâm hồn vô cùng đẹp đẽ.
Tại thành phố Riadan miền trung nước Nga, có một gia đình nọ nuôi một con chó. Con chó này rất dữ, thấy người là nó sủa loạn lên. Trẻ con rất sợ không đứa nào dám đến gần nó.
Một hôm, có một chú bé đầu rất to đi ngang qua nhà, con chó xông ra sủa inh ỏi, thấy vậy chú rất đỗi ngạc nhiên hỏi các bạn chung quanh:
– Họ việc gì phải dùng dây xích xích chó lại?
– Giống này cắn người đấy!
– Tớ không tin – Chú bé vừa nói vừa đi về phía con chó – Tháo xích ra, nó mới không cắn người chứ!
– Đừng, đừng! Mấy bạn nhỏ vừa hét vừa tháo chạy tán loạn.
Chú bé tháo xích cho chó thật. Điều lạ lùng là nó chẳng những không cắn chú, trái lại còn nguây nguẩy vẫy đuôi, ngoan ngoãn để cho chú bé vuốt ve nó. Từ đó, con chó không còn sủa càn nữa.
Lúc đó, chú bé cũng chẳng biết vì sao sau khi được tháo xích, con chó không hung dữ nữa. Mãi sau này, khi đã thành một học giả nổi tiếng, “chú bé” ấy trong khi giảng giải vẫn đặc biệt thích nhắc lại câu chuyện trên.
– Các bạn biết không? Mắc xích vào, đó là một sự kích thích đối với con chó ấy và cũng là một điều kiện. Điều kiện này gây ra phản xạ tự bảo vệ của nó, vì vậy con chó biến thành rất hung dự. Một khi loại bỏ điều kiện này thì sẽ không gây ra phản xạ tự bảo vệ đó nữa, vì vậy nó trở nên ngoan ngoãn.
Vị học giả thấy người nghe có vẻ hiểu ra vấn đề, liền nói tiếp:
“Đó là một thí dụ về phản xạ có điều kiện.
Vị học giả này là ai vậy? Thưa chính là Páplốp, người được người đời ca ngợi là “ông vua không mũ miện về sinh lý học”. Phản xạ có điều kiện là một phát hiện quan trọng trong khi ông nghiên cứu quá trình sinh lý tiêu hóa. Do thành tích to lớn về nghiên cứu tiêu hóa, năm 1904, ông được giải Nôben về sinh lý học và y học. Nên biết rằng, ông là nhà khoa học đầu tiên trong các nhà sinh lý học thế giới, được hưởng vinh dự cao quí này.
Páplốp là con một giáo sĩ nghèo. Ông đã sống qua thời ấu thơ và thời thiếu niên ở thành phố Riadan. Năm 1870, Páplốp 21 tuổi vào trường Đại học Pêtécbua học sinh lý học. . . Khi ông vào kinh đô để học, trong túi chỉ có tờ “chứng minh thư nghèo khổ”, vì vậy ông được miễn học phí. Nhưng nghèo khổ không cản trở ông chịu khó chịu khổ học tập. Khi tốt nghiệp, ông được thưởng Huy chương vàng. Về sau, ông chuyển đến Học viện Quân y để trau dồi thêm. Khi 41 tuổi, ông được bầu làm giáo sư. Ở học viện này, ông đã sống qua hơn 40 năm.
Nghiên cứu sinh lý của hệ thống tiêu hóa, phải quan sát trong một thời gian dài hoạt động tiêu hóa trong người của động vật. Nhưng những hoạt động tiêu hóa này làm thế nào để có thể quan sát được? Thế là Páplốp dùng thủ thuật ngoại khoa cải tiến phương pháp thực nghiệm.
Một buổi sáng nọ, người giúp việc của Páplốp lôi một con chó đói lên bàn thực nghiệm. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, họ liền đem cho con chó một đĩa thịt tươi. Nó tham lam ngoạm lấy thịt, nhai mấy cái rồi nuốt.
Nhưng thịt đã nuốt lại rơi vào đĩa. Thế là thế nào? Hóa ra thực quản của nó qua giải phẫu đã bị cắt rời, hai đầu thực quản bị cắt được khâu lại trên da cổ, Vì vậy những miếng thịt con chó nuốt đã rơi vào đĩa qua chỗ thực quản bị cắt.
Con chó vẫn ăn lấy ăn để, nhưng thịt thì vẫn không vào được dạ dày, nên nó ăn mãi không no. Còn thịt trong đĩa vẫn còn nguyên.
Nhìn dưới bụng chó thấy lòng thòng một ống cao su rất mảnh. Dạ dày con chó vốn đã đã mổ, tại chỗ mổ người ta cắm một ống rò thông ra ngoài nối với ống cao su.
Một hiện tượng lạ lùng xuất hiện. Bốn, năm phút sau khi con chó hoài công ăn thịt, trong ống cao su chảy ra rất nhiều dịch vị. Vì dạ dày con chó này rỗng không, nên dịch vị không có lẫn thức ăn.
Dịch vị không ngừng tiết ra là do sự xung động của cặp dây thần kinh não số 10- dây thần kinh phế vị gây nên. Páplốp cũng đã mổ dây thần kinh phế vị của con chó này, kéo ra một sợi tơ. Bây giờ ông chỉ hơi đụng vào sợi tơ, như vậy là cắt đứt mối liên hệ giữa não và dạ dày. Kết quả, dù con chó vẫn nuốt liên tiếp thịt tươi, nhưng dịch vị lại ngừng tiết ra.
Thực nghiệm này gọi là “nuôi giả”. Nó có thể làm cho người ta quan sát được tình hình tiết dịch vị của tuyến tiêu hóa của chó. Sau này, thực nghiệm nổi tiếng trên đây được ghi chép lại trong tất cả các sách giáo khoa sinh lý học.
Páplốp mới 41 tuổi đã làm giáo sư, nhưng: vì ông kiêm nhiệm, lương bổng không nhiều, nên cuộc sống không được sung túc cho lắm.
Những học trò của ông quyết định giúp đỡ cho người thầy của họ. Họ gom góp được một món tiền; nhưng họ biết chắc Páplốp tuyệt đối sẽ không nhận sự “bố thí” của người khác, bèn nghĩ ra một cách.
Một hôm, họ nói với ông:
– Thưa thầy, có một nhóm thầy thuốc yêu cầu thầy mở cho họ một khóa đặc biệt, giảng về thần kinh tim: Đây là số tiền họ đưa để chi phí mở lớp.
Páplốp nói:
– Được, cũng phải có ít kinh phí.
Sau đó mấy ngày, đám học trò thấy trong phòng thực nghiệm có thêm một số chó, chuột thiên trúc và thỏ. Họ vỡ lẽ là Páplốp đã dùng khoản tiền ấy để mua các con vật. Khóa học đặc biệt tiến hành rất thành công, nhưng kế hoạch của những người học trò muốn giúp đỡ Páplốp về kinh tế lại thất bại.
Từ những năm đầu của thế kỷ 20, Páplốp bắt đầu nghiên cứu hoạt động của thần kinh cao cấp, lần đầu tiên phát hiện ra quy luật hoạt động của chức năng vỏ não.
Ông lại phẫu thuật chó. Lần này ông khoan một lỗ nhỏ trên quai hàm chó, dùng một ống dẫn rất mảnh đặt trên tuyến nước bọt. Khi chó ăn, nước bọt tiết ra, một phần nước bọt qua ống dẫn chảy ra ngoài.
Qua thực nghiệm, Páplốp phát hiện, chỉ cần đồ ăn đưa vào miệng chó là chó sẽ tiết ra nước bọt. Nếu thức ăn ướt, nước bọt tiết ra ít một chút thức ăn khô, nước bọt tiết ra nhiều hơn một chút. Hoạt động phản xạ này, ở chó và mọi động vật khác đều có, cho nên Páplốp gọi nó là phản xạ không điều kiện.
Cũng qua thực nghiệm, ông lại phát hiện thấy một hiện tượng hết sức quan trọng. Ngoài những thức ăn kích thích gây ra sự tiết nước bọt ở miệng chó ra, những kích thích khác như ánh sáng, âm thanh v.v… , cũng có thể gây ra sự tiết dịch vị của chó. Điều kiện là sau khi kích thích chó thì cho nó ăn ngay.
Khi làm thực nghiệm này, nhiều người xem cảm thấy không lý giải được. Páplốp bèn giơ lên một quả chanh:
– Các vị đều biết quả chanh là gì, vị chua của chanh thế nào. Tôi không có ý định đưa nó vào miệng các vị, mà chỉ cho các vị nhìn thử. . .
Ông vừa nói đến đây, trong miệng tất cả những người có mặt đều thấy ứa nước bọt, nhiều người đã nuốt luôn và cười thành tiếng.
– Các vị không ăn chanh nhưng lại chảy nước bọt. Đó là vì các vị đã từng ăn chanh, biết nó rất chua, cho nên hễ nhìn thấy nó là chảy nước bọt. Phản xạ chảy nước bọt này là có điều kiện, vì vậy chúng tôi gọi nó là phản xạ có điều kiện.
Sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, chính quyền Xô Viết phải đương đầu với sự tấn công điên cuồng của kẻ thù trong, ngoài nước. Phòng thí nghiệm của Páplốp thường xuyên bị mất điện, cắt nước. Do thiếu thức ăn, chó dùng để thực nghiệm cũng bị chết đói hết con nọ đến con kia.
Năm 1919, Liên uỷ thác Goócki đến thăm Páplốp và hỏi ông có khó khăn gì.
Páplốp xúc động nói:
– Chúng tôi cần chó, rất cần chó! Đồng sự của tôi buộc phải ra phố bắt chó! Các bạn đồng nghiệp của ông bổ xung:
– Không phải chỉ có thế. Bản thân đồng chí Páplốp cũng để bụng rỗng đi khắp nơi bắt chó đói!
Goócki nghe nói phì cười. Páplốp bất giác cũng cười thành tiếng.
Bàn luận một lúc, Goócki nói với giọng nghiêm túc và chân thành:
– Căn cứ vào chỉ thị của đồng chí Lênin, cơ quan hữu quan có trách nhiệm tăng khẩu phần lương thực và thực phẩm cho đồng chí. . .
Páplốp cắt ngang lời Goócki:
– Không cần, không cần! Cấp cho người khác bao nhiêu thì cấp cho tôi bấy nhiêu. Không nên cấp nhiều hơn!
Năm 1935, Páplốp với tư cách người cao tuổi, 86 tuổi, chủ trì Hội nghị sinh lý học quốc tế khoá XV họp ở Liên Xô và vinh dự được nhận danh hiệu “Ngọn cờ đầu của giới sinh vật học toàn thế giới”. Tháng 2 năm sau, nhà khoa học được mọi người ca tụng là “Ông vua không mũ miện về sinh lý học” qua đời.
Vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Páplốp viết cho thanh niên một lá thư, thiết tha mong muốn ở họ 3 điều: từng bước tiến lên, khiêm tốn và nhiệt tình. Chắc chắn đây là sự tổng kết sự nghiệp vĩ đại của đời ông.