Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Tình Bạn Vĩ Đại

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

TÌNH BẠN VĨ ĐẠI

Hơn 2 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 1883, Ăngghen đến nhà Mác. Khi đi gần đến bồn hoa hình bán nguyệt trước nhà, ông thấp thỏm nhìn xem rèm cửa sổ của phòng Mác có buông xuống không.

Bệnh tình của Mác hết sức trầm trọng. Ngày nào cũng vậy, Ăngghen thường xuyên lui tới thăm viếng người bạn chiến đấu của mình. Ông mời những bác sĩ nổi tiếng nhất ở Luân đôn đến hội chẩn và chữa bệnh cho Mác, nhưng bệnh tình vẫn không thấy thuyên giảm.

Vào nhà, thấy cả nhà đang khóc. Ăngghen thấp thỏm không yên, hỏi thăm bệnh tình của Mác, biết giờ phút lâm chung của Người đã sắp đến.

Người nữ quản gia lên lầu rồi lại xuống ngay. Bà nói khẽ với Ăngghen:

– Ông Mác bây giờ như tỉnh như mê, ông theo tôi lên gác đi.

Ăngghen đẩy cửa phòng, thấy Mác nằm im trên chiếc ghế trước bàn làmviệc. Thì ra nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đã đi vào cõi vĩnh hằng. Trên bàn làm việc của Mác còn để một số bản thảo quyển 2 và quyển 3 của bộ Tư bản

Ngày 17 tháng 3 Mác được an táng ở nghĩa trang Haighết ở ngoại ô Luân đôn. Trước mộ người bạn chiến đấu đã quá cố, Ăngghen chào Người lần cuối cùng và nói mấy lời ngắn gọn. Ông nói:

– Sự qua đời của con người này là một tổn thất không sao lường được đối với giai cấp vô sản châu Âu đang chiến đấu, đối với khoa học lịch sử. Trong tương lai không xa, mọi người sẽ cảm nhận thấy khoảng trống mà con người khổng lồ này mất đi để lại.

Kết thúc mấy lời nói trên, Ăngghen hô to:

– Danh tiếng và sự nghiệp của Người đời đời bất diệt.

Mác không may qua đời đã khiến Ăngghen đau buồn vô hạn. Bạn bè thấy sức khỏe ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng đều khuyên ông nên đi đây đó cho khuây khoả.

Nhưng Ăngghen quyết định không đi đâu cả. Ông muốn ở lại Luân đôn để chỉnh lý, xuất bản mấy quyển sau của bộ Tư bản của Mác và cho rằng đó là kỷ niệm tốt nhất đối với người bạn cũ. Ông cũng cho đó là trách nhiệm không thể thoái thác được của mình.

Quyển 1 bộ Tư bản của Mác xuất bản năm 1867. Bản thảo chưa xuất bản còn đến mấy nghìn trang. Trong quyển 2 có 4, 5 tập bản thảo đang sửa chữa, trong đó chỉ có tập thứ 1 đã sửa chữa xong, các tập khác chỉ mới bắt đầu. Chữ ở bản thảo viết ngoáy rất khó xem. Có từ viết tắt, có câu chỉ có mấy chữ cái, hơn nữa lại viết bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Muốn chỉnh lý di cảo này, rõ ràng phải mất rất nhiều công sức. Nhưng Ăngghen không nghĩ đến điều đó. Ông gác “Phép biện chứng tự nhiên” mà ông đang viết lại, dốc toàn bộ sức lực vào công việc này.

Bước thứ nhất, Ăngghen phải nhận cho ra chữ viết trong các bản thảo của Mác và sao chép lại. Đây là một công việc vừa tốn tâm sức vừa mất thời gian.

Người khác không mó tay vào được. Như Ăngghen nói trong thư viết cho một người bạn, “Trong những người bây giờ đang còn sống, chỉ có tôi mới có thể nhận ra chữ của Mác và cách viết tắt những chữ cá biệt và cả những câu trọn vẹn”.

Lúc này, Ăngghen đã là một ông già hơn 60 tuổi. Ông cật lực làm việc suốt ngày suốt đêm, cuối cùng lăn ra ốm. Bác sĩ chẩn đoán và nghiêm cấm ông làm việc ban đêm. Về sau lại cấm ông làm việc cả ban ngày. Sự thật thì ông cũng không còn có thể ngồi để viết được nữa.

Thế là Ăngghen đổi cách làm việc. Ông thuê một người hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều đến ghi chép, còn ông thì nằm trên ghế xô pha xem bản thảo và đọc cho người đó viết. Buổi tối, ông thẩm tra lại bản ghi chép trong ngày.

Sau khi bản thảo của Mác đã được sao chép lại, Ăngghen tiến hành bổ sung, chỉnh lý, sau đó phân chương phân mục, sửa chữa về chữ nghĩa.

Qua hơn một năm cố gắng, cuối cùng công việc chỉnh lý bản thảo quyển 2 của bộ Tư bản đã hoàn thành. Tháng 7 năm 1885, tác phẩm này chính thức xuất bản.

Khi chỉnh lý quyển 3, Ăngghen vấp phải nhiều khó khăn hơn. Số là khi viết quyển này, Mác đã mắc nhiều bệnh, do đó một số chương, mục ông chỉ viết đại ý hoặc ghi lại một số tài liệu, thậm chí một số chương, mục chỉ ghi tiêu đề lớn. Như vậy là phải sắp xếp lại và bổ sung tài liệu, hơn nữa, phải căn cứ vào mạch suy nghĩ của Mác viết nốt từng chương, từng mục còn bỏ trống Ăngghen định sau khi quyển 2 ra đời thì năm sau sẽ xuất bản quyển 3, nhưng do công việc rất khó khăn, đồng thời ông lại phải phụ trách nhiều công tác khác nên mãi đến năm 1894, quyển 3 bộ Tư bản mới chính thức ra mắt.

Để chỉnh lý xuất bản di cảo quí báu của Mác, Ăngghen đã làm việc mất 12 năm. Đây là sự giúp đỡ về lý luận to lớn nhất trong những năm cuối đời của ông đối với phong trào công nhân quốc tế. Ăngghen tự mình cũng cố được niềm an ủi lớn nhất qua công việc làm này. Có một lần, ông viết thư cho bạn nói: “Muốn chỉnh lý di cảo của một người gọt dũa kỹ càng từng chữ như Mác thì phải bỏ ra rất nhiều công sức. Nhưng đó là công việc mà tôi yêu thích vì tôi lại được cùng ở bên cạnh người bạn cũ của tôi”.

Quả vậy, chỉnh lý xuất bản quyển 2 và quyển 3 bộ Tư bản, Ăngghen đã phải lao động gian khổ và đã có những đóng góp rất quan trọng. Do đó, bộ Tư bản có thể coi là tác phẩm chung của Mác và Ăngghen, cũng là tượng trưng cửa tình bạn cách mạng vĩ đại của hai bậc thầy.

Năm xuất bản quyển 3 bộ Tư bản, Ăngghen đã 74 tuổi. Về nghiên cứu lý luận, ông còn dự định làm rất nhiều việc, trong đó có việc chỉnh lý xuất bản quyển 4 bộ Tư bản (tức là “Lý luận về giá trị thặng dư”). Không may, mùa xuân năm sau, ông bị ung thư thực quản, không còn sức hoàn thành công việc này nữa.

Ngày 5 tháng 8 năm ấy, người bạn chiến đấu thân thiết của Mác qua đời.

Theo di chúc của Ăngghen, ngày 17 tháng 8, mấy người bạn của ông đi trên một chiếc thuyền con đến một nơi cách một vách đá dựng đứng hai hai dặm Anh nằm trên bãi biển miền Đông nước Anh, thả hộp tro xương của ông xuống biển cả và cắm ở đây một cột mốc để làm kỷ niệm vĩnh cửu.

Amunxen học năm thứ hai đại học thì mẹ qua đời. Cậu đi học y hoàn toàn vì muốn tôn trọng ý nguyện của mẹ. Cha mất năm cậu 14 tuổi, mẹ hy vọng tương lai cậu có thể làm bác sĩ, nhưng cậu thì chỉ muốn làm một nhà thám hiểm. Bây giờ không còn ai ngăn cản cậu lao vào sự nghiệp thám hiểm mà từ lâu cậu đã say mê. Thế là cậu chuyển hướng việc học hành.

Amunxen làm thủy thủ trên một chiếc tàu săn báo biển ở Bắc Băng Dương. Tuy là sinh viên nhưng việc gì cậu cũng làm: rửa sàn tàu, săn báo biển, bốc vác hàng hóa, đồng thời học tập các tri thức hàng hải như lái tàu, phân biệt hướng gió, quan sát, đo đạc thủy văn. . . 24 tuổi, Amunxen được làm hoa tiêu. Nhưng cậu không bao giờ thỏa mãn với thành tích của mình. Hoài bão của cậu là làm một thuyền trưởng, tổ chức một đoàn đến địa cực thám hiểm, đặt chân lên vùng đất trước nay chưa ai đến.

Hoài bão này của Amunxen có từ rất sớm, khi cậu mới ở tuổi thiếu niên. Cậu sinh ra trong một gia đình thương nhân hàng hải ở ngoại ô Ôxlô thủ đô Na Uy, từ bé đã thích đọc các sách viết về những cuộc thám hiểm trên biển. Đặc biệt khi học trung học, sau khi đọc cuốn “Cuộc thám hiểm của Phrăngclin”, cậu càng quyết tâm sau này sẽ đi thám hiểm địa cực.

Năm 1844, nhà thám hiểm Anh Phrăngclin chỉ huy hai chiếc thuyền buồm trang bị đầy đủ đi thám hiểm con đường ngắn nhất từ Đại Tây Dương sang, Thái Bình Dương theo bờ biển Bắc Mỹ. Khi đoàn thuyền của ông đến eo biển Bắc Mỹ thì bị kẹt giữa những tảng băng, Phrăngclin đã chết trong sự giày vò của giá lạnh và đói khát, 129 thuyền viên dưới quyền ông cũng lần lượt thiệt mạng. Tinh thần dũng cảm chinh phục Bắc cực, quyết tâm tìm một con đường đi mới của Phrăngclin đã làm cho Amunxen vô cùng cảm động. Cậu quyết tâm làm một nhà thám hiểm địa cực, hoàn thành sự nghiệp còn đang dở của nhà thám hiếm đã không may tử nạn.

Thám hiểm địa cực cần phải có sức khỏe, lòng dũng cảm và ý chí ngoan cường.Vì vậy, Amunxen rất chú ý rèn luyện thân thể và có ý thức trau dồi nghị lực. Cậu học trượt tuyết, chèo thuyền, mùa đông mở cửa sổ ngủ, xông pha giữa gió rét, căm căm, tuyết bay mù trời. Cậu chọn những nơi hoang vắng không có bóng người để đi du lịch. Giờ đây anh đã là một hoa tiêu, càng có điều kiện để làm công việc thám hiểm.

Năm 1898, Amunxen 26 tuổi, tham gia vào một đội tham hiểm của Bỉ, khảo sát vùng cực nam Nam cực.

Anh là người giúp việc chính cho thuyền trưởng, dọc đường đã góp nhiều ý kiến bổ ích. Nhưng thuyền trưởng chuyên quyền độc đoán, bỏ ngoài tai những lời khuyên chân thành của anh, để đến nỗi thuyền bị kẹt cứng giữa những tảng băng ròng rã 13 tháng. Sau nhờ sự nỗ lực của anh, đoàn thuyền mới thoát hiểm quay về. Lần khảo sát này tuy thất bại nhưng đã cho anh rất nhiều bài học kinh nghiệm về thám hiểm địa cực.

Trên đường dẫn đoàn thám hiểm Bỉ quay về, anh đảm nhiệm vai quyền thuyền trưởng. Điều này có nghĩa là anh đã có đủ tư cách đứng ra tổ chức đội thám hiểm. Anh quyết định lợi dụng điều kiện đó để đi Bắc cực hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm năm xưa Phrăngclin chưa hoàn thành.

Amunxen chuẩn bị ròng rã 3 năm cho lần thám hiểm này: Anh vay tiền mua một chiếc tầu cũ 47 tấn tân trang lại và đặt lên là Yoóc, lắp thêm một số thiết bị cần thiết, chiêu mộ 6 thủy thủ. Thậm chí Amunxen còn đến đài quan sát Hămbuốc Đức học đo đạc địa từ và khí tượng để triển khai công tác khảo sát khoa học trong quá trình thám hiểm.

Mọi việc đã sắp xếp ổn thoả chỉ chờ ngày lên đường, không ngờ lại có người gây rắc rối, phao tin rằng chỉ với một chiếc tầu cũ 47 tấn mà lại muốn khai thông con đường sang Thái Bình Dương thì quả là một ý nghĩ kỳ quặc, viển vông. Rồi cũng chẳng khác gì số phận cuộc thám hiểm của Phrăngclin năm nào. Một số nhà buôn cho Amunxen vay tiền nghe nói thế vội vàng đến tận nhà đòi nợ. Trước tình thế đó, Amunxen quyết định bí mật khởi hành. Một đêm tháng 6 năm 1903, Amunxen và 6 thủy thủ lặng lẽ đưa Yoóc ra khỏi cảng.

Sau khi rời Na Uy, Yoóc xuyên qua Bắc Đại Tây Dương tiến vào eo biển Đavít, men theo bờ tây đảo Grinlan lên phía Bắc, đi vào vịnh Baphin trong vòng Bắc cực. Vùng này có vô số núi băng và tảng băng trôi. Amunxen thông thạo về kỹ thuật hàng hải, khéo léo lái tầu đi vòng qua núi băng và các tảng băng vào eo biển Lancaxtơ một cách thuận lợi.

Đầu tháng 9, tầu Yoóc đến đông nam đảo Vua Vinhem. Ở đây, Amunxen chọn một cảng để qua đông. Sau này, chỗ đó gọi là cảng Yoóc (nay thuộc Canađa). Đoàn thám hiểm ở đây qua hai mùa đông, tiến hành rất nhiều công tác khảo sát khoa học.

Mùa hạ năm 1905, Amunxen chỉ huy tầu Yoóc tiếp tục đi về phía tây, ít lâu sau gặp biển Bôpho mênh mông. Ammuxen biết chỉ cần tiếp tục đi về phía tây xuyên qua eo biển Bêrinh là có thể tiến vào Thái Bình Dương, như vậy là đạt được mục tiêu của chuyến đi. Nhưng không may là biển ở phía trước lúc ấy đã đóng băng. Vì vậy họ buộc phải qua đông trên đảo Khôsen (nay thuộc Canađa).

Amunxen không muốn ngồi không trên đảo Khôsen, đã quyết định trong thời gian này công bố với thế giới tin mình đã mở được con đường thông thương trên biển này. Điểm dân cư gần đảo Khôsen nhất là Juyconbéc thuộc bang Alátxca của Mỹ cũng cách xa tới hơn bốn năm trăm cây số. Amuxen hy vọng bưu điện ở đó có điện báo, có thể truyền tin tức này đi.

Amuxen ngồi xe trượt tuyết đi ròng rã một tháng trong giá rét mới đến được Juyconbéc. Tiếc thay bưu điện ở đó chưa có điện báo. Amuxen rất buồn, thế là lại phải đi tiếp hơn 10 ngày nữa mới tới được một thị trấn cách đó hơn 300 cây số. Dù sao, cuối cùng tin tức đó đã được truyền đi.

Tháng 10 năm 1906, tầu Yoóc xuyên qua eo biển Bêrinh đi về hướng nam đến Xan Phranxixcô. Chuyến đi đã hoàn thành. Con đường từ Đại Tây Dương qua Bắc Bắc Dương đến Thái Bình Dương đã được mở ra. Thành công của Amuxen khiến ông trở thành nhà thám hiểm được thế giới chú ý đến. Được sự ủng hộ về mọi mặt, Amuxen xác định mục tiêu thám hiểm mới: đến cực bắc của Bắc cực. Đây là nơi mà thời bấy giờ chưa hề có ai đến.

Nhưng khi sắp nhổ neo, một tin tức đã khiến ông sửng sốt: Thượng tướng Hải quân Mỹ Piari, ngày 6 tháng 4 năm 1909 đã thành công đến được điểm cực bắc Bắc cực. Amuxen bèn thay đổi quyết định, đi thám hiểm điểm cực nam Nam cực.

Hơn 100 năm nay, không ít nhà thám hiểm đã đi chinh phục Nam cực nhưng chưa có ai thành công hoàn toàn. Đầu năm 1909, một nhà thám hiểm Anh đã tới được một nơi cách cực nam Nam cực chỉ còn 178 cây số, một thành tích kỷ lục trong các cuộc thám hiểm Nam cực từ trước tới nay, nhưng vì thiếu lương thực, sức khỏe không chịu đựng nổi nên vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được Nam cực. Amuxen muốn là người đầu tiên đến được cực nam Nam cực.

Mùa hạ năm 1910, Amuxen chỉ huy chiếc tàu khảo sát của Na Uy 392 tấn có tên là “Phlamơ” cùng với 20 thủy thủ, đầy lòng tin tưởng tiến xuống phía nam.

Con tầu “Phlamơ” đang trên tuyến hành trình thì nhận được tin. Scốt một người Anh giàu kinh nghiệm thám hiểm địa cực cũng dự định đi đến cực nam Nam cực.

Tin tức này làm cho Amuxen giật mình nhưng cũng làm tăng sức ganh đua ở ông. Khi tàu “Phlamơ” đến Menbuốc Ôxtrâylia, Amuxen để lại cho đối thủ một lá thư: Thư vẻn vẹn chỉ có mấy chữ: “Quyết định đi về phía Nam Amuxen”. Quả là một sự thách thức đối với Scốt.

Đầu năm 1911, tầu của Amuxen đến vịnh Cá Kình phía đông biển Rốt châu Nam cực. Từ tháng 4 trở đi Nam cực bước vào mùa đông, một mùa đông. tối tăm và dài lê thê. Amuxen quyết định hạ trại qua đông ở đây, đồng thời làm mọi việc chuẩn bị để tiến xuống cực nam.

Công việc chuẩn bị đầu tiên là dự trữ thực phẩm: chiếu theo hướng đi về phía trước, từ 800 vĩ nam trở đi, cứ cách một vĩ độ (khoảng 110 cây sô) lập một kho thực phẩm. Vì mỗi kho đều sẽ thành một đống băng tuyết, nên để dễ nhận, trên mỗi kho cắm một lá quốc kỳ Na Uy. Trong kho cất giữ thịt báo biển, bánh bích quy, bơ, sữa bột, diêm, dầu hỏa và bánh thịt khô cho chó v.v. . . cả thảy có 3 kho như vậy.

6 tháng mùa đông tối tăm rồi cũng qua. Tháng 9 năm đó, Amuxen tổ chức một cuộc tiến quân có tính chất thí nghiệm. Vì nhiệt độ không khí quá thấp, họ buộc phải nhanh chóng quay trở lại căn cứ. Sau đó một tháng vì sợ đội thám hiểm của Scốt tới trước, Amuxen quyết định dẫn đầu 4 đội viên chính thức ra quân cùng với 4 xe trượt tuyết chở các loại thực phẩm do 42 chú chó kéo.

Đến được 850 vĩ nam, họ gặp cao nguyên Nam cực cao hơn mặt biển bình quân 3.700 mét. Sau khi đến đây, để giảm bớt gánh nặng Amuxen ra lệnh giết bỏ 24 con chó tương đối yếu, đồng thời bỏ lại một xe trượt tuyết.

Khí hậu càng ngày càng ác liệt. Bão tuyết thổi dữ dội đến nỗi mắt cũng không mở ra được. Amuxen đành ra lệnh núp vào trong lều bạt.

5 ngày trôi qua, thời tiết vẫn không thấy có dấu hiệu chuyển biến. Amuxen lo rớt lại sau Scốt, quyết định hành quân trong bão tuyết. Dù họ đã dùng dây buộc ngang lưng, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị bão tuyết thổi ngã hoặc trượt ngã trên băng.

Ngày 8 tháng 12, toàn đội Amuxen an toàn đến được vị trí 88023 vĩ nam (nơi nhà thám hiểm Anh đã tới đầu năm 1909, tiếp tục đi theo hướng nam tới vùng từ trước tới nay chưa hề có dấu chân người.

Trưa ngày 14 tháng 12, lợi dụng mặt trời để đo đạc – họ xác định đã đến được vị trí 89045 vĩ nam tức là cách điểm cực nam Nam cực chỉ còn 28 cây số.

Sáng sớm hôm sau, Amuxen dẫn đầu đội lại tiến về phía Nam, vừa đi mắt vừa dõi theo đồng hồ đo đường trên xe trượt tuyết, tính toán khoảng cách tới điểm tận cùng. 3 giờ chiều, Amuxen bỗng nhiên phấn khởi ra lên:

– Dừng lại. Đã tới điểm tận cùng của Nam cực!

Amuxen vui mừng hơi sớm. Tối hôm ấy, qua đo đạc thiên văn chính xác, Amuxen nhận ra ở đây còn cách cực nam Nam cực 10 cây số. Trưa hôm sau, cuối cùng họ đã tới được điểm tận cùng phía nam của trái đất, tức là chỗ 000 vĩ nam. Không cần nói cũng biết, đoàn Amuxen sung sướng chừng nào? Họ nắm chặt tay nhau, ôm chầm lấy nhau, và để chứng tỏ con người lần đầu tiên đến đây, họ chất một đống đá hình nón thật to để đánh dấu; đồng thời dựng một chiếc dù bạt trên nóc lều cắm lá quốc kỳ Na Uy và cờ hiệu của tầu “Phlamơ”.

Ở lại đây một ngày rưỡi, họ mới quay trở về căn cứ. Trước khi lên đường, Amuxen để lại trong lều bạt một chiếc túi da, bên trong có một lá thư gửi Scốt và một báo cáo gửi quốc vương Na Uy. Trong thư, Amuxen nhờ Scốt chuyển báo cáo đến quốc vương vì lo có thể mình sẽ bị chết trên dọc đường về. May mắn thay là họ đã về được căn cứ một cách thuận lợi.

Đoàn thám hiểm của Scốt, trải qua bao nỗi gian lao vất vả, ngày 18 tháng 1 năm 1912 cũng đến được điểm tận cùng Nam cực, muộn hơn Amuxen 34 ngày. Khác với Amuxen, Scốt trang bị 2 xe trượt tuyết chạy bằng động cơ và 15 con ngựa giống lùn Xibêri. Giống ngựa này chịu rét không bằng chó Étxkimô của Amuxen nên giữa đường chết hết cả; xe trượt tuyết có động cơ cũng bất lực trước cái giá rét Nam cực, cuối cùng họ phải dùng sức cơ bắp kéo những chiếc xe trượt tuyết nặng nề để đến đích.

Trên đường quay trở về căn cứ, vì thực phẩm dữ trữ không đủ, vì thể lực quá suy kiệt, họ lần lượt bỏ xác dọc đường. 8 tháng sau đó mới tìm được thi thể họ. Mặc dù vậy, họ vẫn là những người anh hùng chinh phục điểm tận cùng Nam cực.

Tên tuổi của Scốt mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Amuxen.

Năm 1913, Amuxen lại chuẩn bị tiến hành cuộc thám hiểm mới. Lần này, ông quyết định đi máy bay đến Bắc cực. Vì vậy ông chú tâm nghiên cứu kỹ thuật bay và đạt được tiêu chuẩn phi công lái máy bay dân dụng. Nhưng đúng vào lúc Amuxen sắp thực thi kế hoạch này thì Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ.

Amuxen tạm đình chỉ cuộc thám hiểm hiến máy bay cho Chính phủ Na Uy. Tháng 5 năm 1925, Amuxen thực hiện nguyện vọng đi Bắc cực của mình cùng với 2 phi công, 2 thợ cơ giới và 2 chiếc máy bay. Vì nhiên liệu thiếu, họ chỉ đến được 880 vĩ bắc thì phải quay về.

Tháng 5 năm sau, Amuxen dùng một phi thuyền để bay lên Bắc cực. Sau một ngày bay, Amuxen đến được không phận điểm tận cùng Bắc cực. Từ trên phi thuyền, Amuxen quăng xuống một lá quốc kỳ Na uy để chứng tỏ ông đã thực hiện được ước mơ chinh phục Bắc cực ôm ấp lâu nay.

Hạ tuần tháng 5 năm 1928, một phi thuyền do một nhà thám hiểm Italia lại gặp nạn trên không phận Bắc cực: Amuxen biết tin này, quyết định đi cứu viện. Một ngày trung tuần tháng 6, Amuxen lái một chiếc máy bay Pháp, cất cánh từ Bighen Tây Nam Na Uy. Nhưng chiếc máy bay này có đi mà không có về. Sau đó 2 tháng, người ta tìm thấy trên mặt biển những chiếc phao và một cái thùng không của máy bay…

Đêm đã khuya. Một đội quân cảnh Đức bỗng nhiên ập đến bao vây một ngôi nhà trong khu phố nọ ở Béclin. Tên cầm đầu huơ súng ngắn ra lệnh hét:

– Vít chặt mọi cửa ra vào, chú ý bắt hai tên đầu sỏ Cộng sản! Nhanh theo tôi!

Trước đây hai tháng, Béclin bùng nổ cách mạng, hoàng đế Đức, kẻ gây ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, hốt hoảng chạy trốn. Êbe thủ lĩnh phái hữu Đảng Xã hội dân chủ thừa cơ chiếm đoạt quyền lãnh đạo cách mạng, tổ chức Chính phủ mới do ông ta cầm đầu. Đảng Cộng sản Đức ra đời vào lúc xẩy ra bước ngoặt nghiêm trọng này. Ebe hoang mang không biết làm thế nào, sau một tổ chức đứng ra treo giải thưởng với số tiền lớn 10 vạn mác mua đầu của hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức. Họ chính là Rôda Lucxembua và Các Lípnếch. Vì có kẻ phản bội mật báo, địch phát giác được hành tung bí mật của Lucxembua và Lipnếch, nên tối hôm đó mới xảy ra vụ việc kể trên.

Cuộc lùng bắt diễn ra hết sức đột ngột, nên không kịp trở tay đối phó. Hai nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đức bị địch bắt tại một phòng bí mật ở trong nhà.

Xe ô tô đưa họ đến khách sạn Êđen ở khu phía tây, nơi đặt Bộ Tư lệnh Kỵ binh quân cảnh của địch.

Sau khi xét hỏi qua loa, tên sĩ quan cao cấp ra lệnh áp giải Lucxembua và Lipnếch đến nhà giam.

Lucxembua vừa bị giải ra khỏi cửa khách sạn, tên sĩ quan giơ tay ra hiệu thì một tay hung thủ nhào tới, đấm mạnh vào đầu bà. Lucxămbua vốn có bệnh hay bị ngất, nên sau cú đấm mạnh đã lăn ra bất tỉnh nhân sự.

Tên sĩ quan vội ra lệnh:

Nhanh! Cáng lên xe nhanh lên!

Lucxembua đã chết ngất được đưa lên xe, xe nổ máy chạy đi ngay. Giữa đường, tên sĩ quan độc ác dùng súng ngắn bắn vào sau gáy Lucxembua rồi ném xác bà xuống một con sông đào. Cùng lúc ấy, Lipnếch cũng bị thảm sát.

Đó là ngày 15 tháng 1 năm 1919.

Lucxembua, nhà nữ cách mạng của giai cấp vô sản Đức bị sát hại, năm ấy bà mới 48 tuổi.

Lucxembua là người Ba Lan. Cha bà là một nhà buôn Do Thái thu nhập kinh tế không ổn định. Thời thơ ấu của bà, Ba Lan bị ba nước Nga, Phổ, Áo chia cắt đã bảy, tám mươi năm. Chính phủ Sa hoàng cấm trường học Ba Lan dạy tiếng Ba Lan thậm chí cấm học sinh Ba Lan dùng tiếng Ba Lan để nói chuyện với nhau. Thời niên thiếu, Lucxembua ghét cay ghét đắng chính sách áp bức dân tộc của Chính phủ Sa hoàng, đã cùng với các bạn học yêu nước tổ chức phong trào chống đối. Tốt nghiệp Trung học với thành tích xuất sắc, nhưng do hành động chống đối nhà cầm quyền nên bị tước mất huy chương vàng.

Sau khi tốt nghiệp trung học, bà tham gia vào một tổ chức cách mạng của thanh niên và bắt đầu tiếp xúc với các tác phẩm của Mác Ăngghen. Nhưng tổ chức này nhanh chóngc bị chính phủ Sa hoàng hãm hại, Lucxembua cũng bị liệt vào sổ đen của đặc vụ.

Nguy cơ bị bắt luôn luôn rình rập cô gái trẻ này. Được các đồng chí giúp đỡ, Lucxembua chui trong đống rơm chở trên chiếc xe ngựa, thoát được sự kiểm tra cua lính gác Biên phòng bí mật vượt qua biên giới. Lúc bấy giờ, mới 18 tuổi Lucxembua đã bắt đầu cuộc sống lưu vong chính trị.

Lucxembua sang Thụy Sỹ trước, Năm 1890, vào trường Đại học Zurích học triết học; ít lâu sau lại học sinh vật, toán học pháp luật và kinh tế chính trị.

Lucxembua rất có năng khiếu về ngôn ngữ, thông thạo 5 ngoại ngữ: Nga, Đức, Anh, Pháp, Italia, giỏi cả tiếng Latinh cổ điển.

Trong 7 năm của cuộc đời sinh viên, Lucxembua luôn luôn theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu các vấn đề chính trị của Ba Lan, Đức và Nga; thường xuyên có mặt trong các cuộc hội nghị của những người xã hội chủ nghĩa quốc tế, phiên dịch cho đại biểu các nước và đảm nhiệm công tác liên lạc. Năm học năm thứ ba, Lucxembua cùng với các đồng chí sáng lập ra Đảng Xã hôi Dân chủ Ba Lan và là một trong những người lãnh đạo Đảng này, khi tuổi đời chưa quá 22.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Lucxembua dời sang ở Béclin Đức và gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Đức.

Đảng Xã Hội Dân chủ Đức là một chính đảng công nhân có uy tín rất cao trong Quốc tế thứ hai. Nhưng Bécxtanh, thủ lĩnh của Đảng này lại là người phản đối chủ nghĩa Mác. Ông ta viết một quyển sách, nói chủ nghĩa Mác đã “lỗi thời”, phải “xét lại”. Từ “chủ nghĩa xét lại” thường gặp ngày nay bắt nguồn từ hồi đó.

Lucxembua kiên quyết phản đối chủ nghĩa xét lại của Becxtanh. Không mặc cảm vì mình mới tham gia Đảng Xã hội Dân chủ Đức mà thờ ơ lãnh đạm trước trào lưu tư tưởng sai lầm này, Lucxembua đã dũng cảm đứng lên đấu tranh. Ngoài đấu tranh trong các hội nghị Đảng, Lucxembua còn viết một tác phẩm vạch trần quan điểm xét lại của Bécxtanh. Lúc bấy giờ, những người dám giữ nguyên tắc, đấu tranh không khoan nhượng không có bao nhiêu.

Tháng 12 năm 1905, công nhân Matxcơva Nga vũ trang khởi nghĩa.

Lucxembua quyết định về ngay Vácxava, lãnh đạo phong trào cách mang Ba Lan.

Lúc ấy, giao thông dân dụng đi Vacxava đã bị cắt đứt. Lucxembua mượn hộ chiếu của một nữ đồng chí, đáp đoàn xe nhà binh chật ních người về đến Vácxava hơn 10 năm xa cách giữa một đêm đông tuyết bay lả tả.

Mấy ngày sau, ở các thành phố lớn của Ba Lan đều nổ ra tổng bãi công và biểu tình thị uy. Chính phủ Sa hoàng, sau khi đàn áp khởi nghĩa Matxcơva, lập tức điều quân cảnh và kỵ binh dùng súng và gươm đàn áp tàn khốc phong trào cách mạng Ba Lan.

Trên đường phố Vácxava, công nhân dựng chiến luỹ, hát vang bài ca chiến đấu “Xông lên chiến luỹ”, ngoan cường chống lại quân Xâm lược Nga.

Trong những ngày đêm sinh tử với quân thù, Lucxembua không sợ gian nan nguy hiểm, luôn cùng các bạn chiến đấu có mặt ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh.

Quần chúng công nhân hết sức tôn kính và yêu mến nhà nữ cách mạng dũng cảm này, chỉ ngợi bà là “Chim ưng cách mạng”.

Vì quân địch quá mạnh, cách mạng dần dần thoái trào. Tiếp theo đó, khủng bố trắng bao trùm Vácxava. Tháng 3 năm 1906, Lucxembua bị quân cảnh Sa hoàng bắt giam vào ngục.

Lúc đầu, Lucxembua bị tống giam trong nhà lao của cảnh sát. Sau đó hơn một tháng, vì là một chính trị phạm quan trọng, Lucxembua bị đưa đến giam ở nhà tù mới nổi tiếng về canh gác nghiêm ngặt, tối tăm lạnh lẽo và ẩm thấp.

Lucxembua bị hành hạ nên sức khỏe suy kiệt, song bà vẫn dùng nghị lực kiên cường. của mình để viết bài đăng trên báo chí bí mật của Đảng Ba Lan.

Được các đồng chí tích cực cứu giúp, khoảng tháng 6, Lucxembua tạm thời được ra khỏi nhà lao với danh nghĩa đi nhà thương chữa bệnh. Sau đó hơn một tháng, bà thoát được sự theo dõi của mật thám, tìm cách trở về Beclin.

Lúc bấy giờ các nước đế quốc đang tăng cường quân bị : chuẩn bị chiến tranh để phân chia lại thế giới. Đảng Xã hội Dân chủ Đức do cánh hữu khống chế lại biện hộ cho chính sách chiến tranh của chính phủ tư sản. Nên làm thế nào đây? Lucxembua quyết định đích thân đi tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc với quần chúng. Có một lần, trong một cuộc mít tinh của công nhân, bà khẳng khái hùng hồn nói:

– Nếu có kẻ muốn chúng ta cầm vũ khí giết người để chống lại những người anh em của chúng ta ở Pháp hay ở các nước khác, chúng ta sẽ tuyên bố “Không chúng tôi quyết sẽ không làm!”

Nhà cầm quyền Đức đã bắt Lucxembua với lý do “cổ động phản chiến”. Tháng 2 năm 1914, chúng mở phiên tòa xét xử.

Quan toà hỏi:

Bà mê hoặc nhân tâm, kích động công nhân chống lại Chính phủ mình, bà đã biết tội chưa?

Lucxembua bác lại:

– Các ông thực hành chủ nghĩa quân phiệt, chuẩn bị phát động chiến tranh ăn cướp, lừa dối quần chúng đi làm bia đỡ đạn là các ông phạm tội.

– Nếu bà tiếp tục chống đối Chính phủ, tòa sẽ xử bà tội nặng.

– Những người cách mạng chúng tôi trung thành với sự nghiệp cách mạng của mình, coi thường hình phạt của các ông!

Quan toà bẽ mặt hóa khùng, bất chấp sự phản đối của Lucxembua, ngang nhiên xử Lucxembua án 1 năm tù. Nhưng vì bị la ó và phản đối, họ chưa dám giam bà ngay.

Chưa đầy nửa năm sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Lucxembua bất chấp lệnh giới nghiêm của Chính phủ phản động cấm các hoạt động chính trị, bà vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động phản chiến. Thế là tháng 2 năm l915, nhà cầm quyền lại bắt bà với “tội phản quốc”. “Sau đó một năm, bà được ra tù, nhưng chỉ 4 tháng sau lại bị bắt giam. Mãi đến tháng 11 năm 1918, Đức bùng nổ cách mạng, bà mới được những người khởi nghĩa cứu ra khỏi nhà lao.

Ra tù, Lucxembua lập tức lao vào cuộc chiến đấu mới, tràn đầy nhiệt tình cách mạng. Bà ý thức được rằng, muốn giành thắng lợi cho cách mạng cần phải có một chính đảng mác – xít. Cuối năm 1918, bà cùng với Lipnếch v.v… sáng lập ra Đảng Cộng sản Đức và trở thành lãnh tụ của Đảng.

Kẻ thù biết “muốn đàn áp cách mạng trước tiên phải đánh vào lãnh tụ của cách mạng”. Vì vậy, bằng trăm phương ngàn kế chúng cố tìm cho ra tung tích họ, Lucxembua buộc phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Nhưng vì có kẻ phản bội, nhà nữ cách mạng được quần chúng công nhân ca ngợi là “Chim ưng của cách mạng” cuối cùng không may đã hy sinh. Hơn bốn tháng sau người ta mới tìm được thi thể của bà.

Ngày 1 tháng 5 hàng năm, những người lao động các nước trên thế giới đều có các hoạt động chào mừng ngày tết chiến đấu của mình, ngày Quốc tế lao động.

Tại sao ngày vui đó lại định vào ngày 1 tháng 5? và ngay đó đã có từ khi nào?

Cuối thế kỷ 19, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã từng bước phát triển từ chủ nghĩa tư bản sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Trong những năm tháng đen tối ấy, các nhà tư bản không ngừng tăng thời gian và cường độ lao động để bóc lột công nhân một cách tàn nhẫn.

Ở Mỹ, công nhân phải làm việc mỗi ngày từ 14 đến 16 giờ, có số phải làm đến 18 giờ. Dù thời gian lao động dài như vậy, họ vẫn phải sống cuộc sống đói khổ.

Những người công nhân hiểu rằng, muốn giành lấy điều kiện sinh tồn, chỉ có đưa vào sự đoàn kết của mọi người, kiên quyết đấu tranh với bọn tư bản. Họ đã hành động. Phong trào bãi công liên tục nổ ra. Khẩu hiệu đấu tranh chủ yếu là đòi thực hành chế độ ngày làm 8 giờ.

Trước sức ép mạnh mẽ của phong trào công nhân, Quốc hội Mỹ đã buộc phải thông qua đạo luật về chế độ ngày làm 8 giờ. Nhưng đạo luật này chỉ là hình thức. Bọn tư bản không thi hành, còn công nhân vẫn sống vất vưởng trong tình trạng khốn khổ, vẫn phải làm việc quần quật suốt cả ngày từ sớm đến tối.

Công nhân quyết định đẩy cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho mình lên một cao trào mới. Tháng 10 năm 1884, 8 tổ chức công nhân có tính chất quốc tế và toàn quốc của Mỹ và Canađa, trong một cuộc mít tinh tại Chicagô ở Mỹ, quyết định tổ chức tổng bãi công vào ngày 1 tháng 5 năm 1886, dùng áp lực mạnh hơn buộc các nhà tư bản thực thi chế độ ngày làm 8 giờ.

Ngày 1 tháng 5 năm 1886 cuối cùng đã đến. Hôm ấy, 35 vạn công nhân của hơn 2 vạn xí nghiệp ở Mỹ ngừng làm việc, xuống đường tổ chức tuần hành thị uy rầm rộ. Tiếp đó họ chuyển sang tổng bãi công. Tham gia tuần hành và bãi công không chỉ có công nhân Mỹ mà còn có công nhân quốc tịch khác ở Mỹ.

Ở Chicagô hôm ấy, 45.000 công nhân đã đổ xuống đường: Tàu hỏa ngừng chạy, các hiệu buôn đóng cửa, những ngành công nghiệp chủ yếu bị tê liệt.

Làn sóng bãi công đợt này tiếp nối đợt khác ngọn lửa đấu tranh của công nhân càng cháy càng rừng rực. Ngày 3 tháng 5 nhà cầm quyền ở Chicagô xé toạc mặt nạ “dân chủ”, dùng bạo lực đàn áp công nhân. Tại cuộc mít tinh ở một nhà máy, cảnh sát nổ súng bắn chết tại chỗ 6 công nhân. Sự kiện đẫm máu này kích thích sự phẫn nộ của công nhân toàn thành phố.

“Kịch liệt phản đối hành động tàn bạo của Chính phủ”

“Trả thù cho những người anh em công nhân đã hy sinh.”

7 giờ tối hôm sau, 3000 công nhân lòng đau xót và căm hận, họp mít tinh ở một nhà máy truy điệu những anh em công nhân đã thiệt mạng, lên án hành động đẫm máu của nhà cầm quyền.

Lúc gần 10 giờ, mít tinh sắp kết thúc, phần lớn quần chúng công nhân đã rời chỗ họp thì bỗng nhiên gần 200 cảnh sát vũ trang kéo đến. Một tên sĩ quan cảnh sát hô to:

– Giải tán! Giải tán ngay! Không cho phép nhóm họp nhau lại để gây rối!

Công nhân nhao nhao phản đối:

– Tại sao không cho chúng tôi được tổ chức lễ truy điệu, các ông đã gây ra thảm án đẫm máu lại còn muốn tiếp tục hãm hại công nhân chúng tôi?

– Chúng tôi được lệnh giải tán mít tinh bất hợp pháp của các người! Nếu các người không nghe lời chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng vũ lực thi hành mệnh lệnh!

– Tổ chức mít tính là quyền tự do của chúng tôi, các ông không có quyền giải tán!

Tên sĩ quan cảnh sát giơ súng ngắn lên, ngang ngược hô:

– Các anh em, đám công nhân nghèo khổ không nghe theo lời khuyên của chúng ta, tôi ra lệnh lập tức đuổi họ đi!

Bọn cảnh sát hung tợn xông tới vung dùi cui lên đánh vào đầu, vào người công nhân. Công nhân chống lại. Một cảnh hỗn độn đã diễn ra.

“Ùng!” bỗng nhiên vang lên một tiếng nổ dữ dội. Thì ra từ sớm bọn tư bản đã cho tay sai mai phục ở quảng trường, mất hết lương tri chúng điên cuồng ném một quả bom vào đám đông. Bốn công nhân ngã xuống tại chỗ, chết trong vũng máu. Mấy tên cảnh sát cũng bị vạ lây.

Nhà cầm quyền vin vào cớ này để đàn áp với quy mô lớn hơn. Quân cảnh lập tức được điều động tới, điên cuồng nổ súng vào quần chúng công nhân. Kết quả, hơn 200 công nhân bị chết và bị thương số công nhân bị bắt càng đông hơn.

Báo chí tư sản làm rùm beng, đổ lỗi cho những người đưa ra yêu sách đòi thi hành chế độ ngày làm 8 giờ là thủ phạm vụ đánh bom.

Nhà cầm quyền đã trót thì phải trét, bắt 8 lãnh tụ công nhân giao cho tòa án, vu cáo họ phạm tội giết người.

Đoàn bồi thẩm chủ yếu gồm bọn cai và đốc công các nhà máy lớn. Ra tòa làm chứng đều là cảnh sát và những người bị cục cảnh sát mua chuộc.

Sau khi đọc xong quyết định khởi tố, công tố viên nói:

Thưa các vị trong Đoàn bồi thẩm, phải xử tội những người này để làm gương cho kẻ khác, phải treo cổ họ. Làm như vậy chính là ta cứu vãn chế độ của chúng ta, xã hội của chúng ta!

Đối mặt với sự hãm hại tàn ác của kẻ thù, các lãnh đạo công nhân không hề khuất phục. Trước khi tuyên án, với khí tiết lẫm liệt, họ cảnh cáo quan tòa:

– Nếu các ông nghĩ rằng, treo cổ chúng tôi mà có thể tiêu diệt được phong trào công nhân thì các ông cứ treo cổ chúng tôi đi! Các ông dập tắt một tàn lửa ở đây, nhưng ở đằng kia, trước các ông, sau các ông, ngọn lửa đang bừng cháy. Đó là ngọn lửa lớn bốc lên từ lòng đất, các ông vĩnh viễn không bao giờ có thể dập tắt nổi!

Ngày 20 tháng 8, toà án xử treo cổ 7 người, 1 người 15 năm tù. Những người bị hãm hại chống án lên Tòa án tối cao của bang, toà án này vẩn xử y án. Sau đó, họ dự định chống án lên Toà án tối cao của Liên bang thì được trả lời Tòa từ chối xét xử vụ án này.

Sau khi tuyên án, quần chúng công nhân các nơi ở Mỹ tới tấp tổ chức mít tinh, bày tỏ thái độ kịch liệt phản đối; công nhân các nước cũng liên tiếp tổ chức mít tinh phản đối. Nhưng nhà cầm quyền khăng khăng làm theo ý mình, tháng 11 năm sau, giết hại 4 lãnh tụ công nhân trong số đó, 3 người đổi thành tù chung thân. Một người thì chết trong tù.

Ngọn lửa bùng lên vào ngày 1 tháng 5 nhanh chóng lan khắp Châu Âu, thậm chí đến cả các châu lục khác. Máu của công nhân Chicagô đã không uổng phí.

Cuộc tổng bãi công của họ kích thích nhiệt tình chiến đấu của những người vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới.

Với sự kiên quyết đấu tranh của giai cấp công nhân Mỹ, được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ thế giới, sau đó một tháng, gần 20 vạn công nhân Mỹ cuối cùng giành được quyền làm việc theo chế độ 8 giờ.

Ngày 14 tháng 7 năm 1889 là ngày kỷ niệm 100 năm phá ngục Bátxti. Hôm đó, Đại hội đại biểu những người xã hội chủ nghĩa do những người mác xít các nước triệu tập long trọng khai mạc ở Pari. Tại Đại hội này, Quốc tế thứ hai đã thành lập.

Căn cứ đề nghị của đại biểu Pháp, Đại hội đã thông qua một nghị quyết lịch sử: lấy ngày 1 tháng 5 năm 1886 – ngày đấu tranh của công nhân Mỹ đòi thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ làm ngày lễ chung của giai cấp vô sản quốc tế. Nghị quyết kêu gọi:

Ngày 1 tháng 5 hàng năm, giai cấp công nhân các nước đều tổ chức tuần hành thị uy quy mô lớn, đòi các nhà cầm quyền thực hành chế độ ngày làm 8 giờ.

Ngày 1 tháng 5 năm 1890 là ngày Quốc tế Lao động đầu tiên sau khi Đại hội Pari thông qua Nghị quyết nói trên. Ngày hôm ấy, nhiều thành phố ở Pháp, Italia, Áo, Bỉ, Thụy Điển và Mỹ đã đồng thời tổ chức tuần hành thị uy với quy mô to lớn chưa từng có.

Cuộc tuần hành thị uy ở Anh bắt đầu vào ngày 4 tháng 5. Lúc bấy giờ Anh và Đức quyết định lấy ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 5 hàng năm làm ngày Quốc tế lao động. Ngày 4 tháng 5 năm 1890 là ngày chủ nhật. Ở Luân Đôn có 28 vạn công nhân tham gia hoạt động này. Ăngghen 70 tuổi, cũng tham gia vào hàng ngũ tuần hành của công nhân Anh.

Trong công viên Haiđơ nổi tiếng, Ăngghen bước lên diễn đàn dựng trên một chiếc xe chở hàng lớn, vui mừng nói: “Phong trào xã hội chủ nghĩa có tính chất quần chúng thật sự đã bắt đầu vào ngày 4 tháng 5”.

Chính vào ngày này, Ăngghen đã viết lời tựa cho “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” xuất bản lần thứ 4 bằng tiếng Đức. Trong lời tựa, ông viết: Tình hình hiện nay chắc chắn sẽ khiến cho bọn tư bản, địa chủ toàn thế giới hiểu rằng giờ đây giai cấp vô sản toàn thế giới đã liên hiệp lại”. Liên tiếp các ngày 1 tháng 5 ba năm sau đó, tuy đã cao tuổi Ăngghen vẫn tham gia các hoạt động chào mừng ngày lễ vẻ vang này.

Năm 1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười bùng nổ ở Nga, lập ra Nhà nước chuyên chính của giai cấp công nhân. Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, nhiều nước xã hội chủ nghĩa lần lượt ra đời. Từ đó, ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 không chỉ là ngày kỷ niệm giai cấp công nhân giành được chế độ ngày làm việc 8 giờ mà còn là dấu hiệu của cuộc đấu tranh đoàn kết của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Ở hạ du sông Sen miền tây bắc nước Pháp có thành phổ cổ Ruăng. Phlôbe, nhà văn nổi tiếng của Pháp, tác giả của những tiểu thuyết “Bà Bôvari”, “Giáo dục tình cảm” v.v. . . sống trong ngôi biệt thự ở ngoại ô thành phố cổ này.

Một hôm, thầy giáo Trung học ở Ruăng là Lui Buiyê dẫn một học sinh đến thăm Phơlôbe.

Buiyê và Phơlôbe là bạn cũ của nhau. Vừa gặp mặt, Buiyê khoe ngay:

– Bạn Phơlôbe thân mến, đây là Môpaxăng mà tôi thường nói với bạn, cậu ấy rất muốn tôn ông bạn làm sư phụ đấy!

Phơlôbe bắt tay chàng trai, cười ha hả:

Tôn tôi làm sư phụ? Chẳng phải cậu đã có thầy Buiyê tốt như thế này rồi sao?

Môpaxăng ngượng ngùng nói:

– Vâng, thưa ông Phơlôbe, tôi mong ông chỉ bảo cho tôi về văn học.

Phơlôbe gật gật đầu:

– Việc tôn làm thầy dần dần rồi hẵng nói, cứ để tôi và thầy Buiyê cùng giúp đỡ cậu.

Sao Buiyê lại giới thiệu Môpaxăng với Phơlôbe? Chuyện là thế này, Buiyê phát hiện thấy ở lớp, Môpaxăng thường hay làm thơ, nên ông lấy vở bài tập của cậu để xem. Ông đã đọc thấy mấy câu thơ trong vở bài tập: “Cuộc đời con người, giống như gợn sóng trên biển khơi vương lại khi thuyền lướt qua, chầm chậm lan xa, chầm chậm nhạt nhòa”.

Mấy vần thơ ít nhiều thể hiện rõ tâm trạng tiêu cực của tác giả, nhưng tứ thơ hay, lời thơ cũng đẹp.

Buiyê thấy anh chàng có tài năng làm thơ, nên thường chỉ bảo khêu gợi cho cậu.

Để bồi dưỡng cho cậu được tốt hơn, thầy Buiyê quyết định nhờ Phơlôbe giúp đỡ thêm. Vừa hay ông cậu của Môpaxăng cũng là bạn của Phơlôbe, nên Môpaxăng nẩy ra ý nghĩ tôn Phơlôbe làm thầy. Thế là cậu đi theo thầy Buiyê đến thăm Phơlôbe. Từ đó, Môpaxăng được hai người thầy chỉ bảo.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, Môpaxăng chính thức nhận Phơlôbe làm thầy của mình về văn học. Anh thường đưa thơ ca, kịch bản, tiểu thuyết… của anh viết cho Phơlôbe, xin ông chỉ giáo. Phơlôbe cũng không nề hà trong việc giúp đỡ anh.

Một hôm, Phơlôbe xem xong mấy bài thơ của Môpaxăng, đã nghiêm chỉnh nói với anh:

– Tôi không biết anh có tài hay không. Những tác phẩm anh đưa đến cho tôi, tôi thấy có biểu hiện một sự thông minh nào đó. Nhưng là một thanh niên, anh không được quên lời của Buýpphông (một nhà tự nhiên học, một nhà văn Pháp): “Tài năng là kết quả của sự không ngừng kiên trì bền bỉ”. Anh cố gắng mà làm.

Quả thực, Môpaxăng cũng nghi ngờ là mình có tài hay không. Anh thường băn khoăn: Mình đã đưa thầy xem bao nhiêu là tác phẩm, nhưng thầy vẫn cho là chưa được, khuyên mình không nên công bố, thậm chí còn bảo nên đốt đi. Bây giờ phải làm thế nào đây? Nhưng anh tin vào lời dạy của thầy, vẫn kiên trì bền bỉ viết.

Tất nhiên Phơlôbe biết, đối với một thanh niên có chí như vậy, không những cần phải động viên về tinh thần mà cần phải rèn cho anh ta có được bản lĩnh thực tế trong sáng tác văn học.

Một lần, Phơlôbe bảo Môpaxăng:

– Hôm nay, chúng ta đi ra ngoài một lát, nhưng không phải đi chơi đâu, cậu phải chú ý quan sát kỹ…

Môpaxăng không biết rõ ý định của thầy, nhưng vẫn cứ theo thầy đi. Phơlôbe dẫn Môpaxăng đến một hiệu tạp hóa, dừng lại một lát trước ông chủ hiệu đang bận rộn. Sau đó hai người đi đến một toà nhà kín cổng cao tường, lại dừng lại một lát trước người gác cổng miệng đang ngậm tẩu thuốc.

Quan sát xong, phơlôbe nói với Môpaxăng:

– Vừa rồi, thầy trò có dừng lại trước cửa hiệu tạp hóa và chỗ người gác cổng. Bây giờ, đề nghị cậu miêu tả dáng dấp, thái độ của hai người, cả hình dáng bề ngoài của họ nữa. Cậu không phải chỉ dùng thủ pháp của một họa sĩ để vẽ cho giống, mà cần phải dùng thủ pháp của một nhà văn để lột tả cho được hoạt động tinh thần của họ.

Bây giờ Môpaxăng mới biết dụng ý của thầy khi dẫn mình đi. Anh đang cố gắng mường tượng lại vẻ mặt của hai người thì thầy lại nêu thêm yêu cầu mới:

– Anh bạn trẻ, nhớ điều này: Người chủ hiệu tạp hóa và người gác cổng mà anh tả không được lẫn lộn với bất cứ người chủ hiệu tạp hóa và người gác cổng nào khác.

Phơlôbe không chỉ đòi hỏi Môpaxăng phải có sức quan sát sắc sảo mà còn đòi hỏi anh phải có năng lực diễn đạt chính xác bằng chữ nghĩa. Có một lần, ông nói với Môpaxăng:

– Bất cứ sự vật gì cậu nói đến, đều chỉ có thể dùng một danh từ để gọi, chỉ có thể dùng một động từ để biểu thị, chỉ có thể dùng một tính từ để thể hiện. Từ cậu dùng phải là từ người khác chưa dùng, thậm chí chưa có người phát hiện, chứ tuyệt không thể dùng những khái niệm hiểu thế nào cũng được hoặc những trò chơi chữ mập mờ, không rõ ràng để trốn tránh khó khăn.

Theo những đòi hỏi nghiêm khắc của Phơlôbe, Môpaxăng tập viết không biết mệt mỏi. Năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ. Năm ấy, Môpaxăng 20 tuổi, phục vụ trong quân đội. Sau khi quân Phổ xâm nhập vào nước Pháp, Môpaxăng lòng vô cùng buồn bã, anh ghi chép lại tất cả những điều tai nghe mắt thấy. Chiến tranh kết thúc anh đến Pari, lần lượt công tác ở Bộ Hải quân, Bộ Giáo dục.

Năm 1880, Môpaxăng đã gần 30 tuổi, nhưng trên văn đàn tên tuổi anh vẫn lặng lẽ, không ai biết đến. Năm ấy, anh viết truyện ngắn “Viên mỡ bò” và gửi đến Phơlôbe xin ông chỉ giáo.

Đọc  xong, Phơlôbe vui mừng phấn khởi chúc mừng học trò mình:

– Truyện ngắn này viết rất hay, rõ ràng tác phẩm của anh đã chín chắn, hoàn toàn có thể ra mắt thiên hạ rồi.

Ít lâu sau, “Viên mờ bò” được chính thức công bố. Truyện ngắn vừa ra đời đã gây chấn động văn đàn nước Pháp, lập tức làm cho Môpaxăng nổi tiếng. Người ta tranh nhau truyền tụng tên tuổi Môpaxăng, nhưng họ đâu có biết tác phẩm này là kết quả của sự rèn luyện ngoan cường, bền bỉ của anh, trong đó kết đọng bao nhiêu tâm huyết của Phơlôbe người thầy dạy anh.

Truyện “Viên mỡ bò” là truyện như thế nào? Truyện viết về một sự kiện đã xẩy ra trong thời gian chiến tranh Phổ- Pháp, khiến người đọc phải căm thù và đau xót.

Sau khi quân Phổ chiếm Ruăng, một số người tìm cách kiếm được giấy thông hành, rồi đáp xe ngựa rời khỏi thành phố này. Trong những người ấy có chủ hiệu, chủ nhà máy, nghị sĩ, bá tước và vợ con bọn họ, ngoài ra còn có một kỹ nữ tên lóng là “Viên mỡ bò”. Lúc đầu, cô kỹ nữ này bị những người khác mang ra chế nhạo, nhưng về sau, vì tuyết lớn phủ kín đường, xe chạy rất chậm, mọi người đói không chịu nổi. Thấy tình cảnh khốn khổ của họ, “Viên mỡ bò” liền đem các thứ mình mang theo chia cho mọi người ăn, giúp cho cả xe người qua được cơn khó khăn.

Đến một nơi, cả bọn đều vào ở trong một khách sạn. Không ngờ lại xẩy ra một chuyện bất ngờ: Có một sĩ quan Phổ định làm nhục “Viên mỡ bò “, “Viên mỡ bò” kiên quyết không chịu nghe theo. Thế là tên sĩ quan Phổ giam tất cả mọi người trên xe lại. Cả bọn họ đều muốn “Viên mỡ bò” phải làm theo ý muốn của tên sĩ quan. Các quí ông, quí phu nhân, vì muốn thoát thân đã tìm mọi cách thuyết phục “Viên mỡ bò” đáp ứng đòi hỏi của tên sĩ quan Phổ. Cuối cùng, “Viên mỡ bò” ứa nước mắt tuân theo, lấy nỗi đau khổ của mình để đổi lấy tự do cho lũ người này. Hôm sau, xe ngựa tiếp tục đi, bọn người trên xe lại thay bộ mặt khác, nguyền rủa cô kỹ nữ đã làm một việc hèn mạt. Lần này đi “viên mỡ bò” vì vội vã không kịp mang theo thức ăn, còn bọn họ đều mang theo thức ăn ngon lành. Dọc đường, “Viên mỡ bò” đói quá không chịu được, trong khi đám người trên xe đều không ai đoái hoài đến cô, chỉ biết ăn uống phần mình…

Trong “Viên mỡ bò”, Môpaxăng miêu tả các quí ông, quí bà có địa vị xã hội kia toàn là những nhân vật thấp hèn, đáng ghét, còn người kỹ nữ bị người đời khinh bỉ, dưới ngòi bút của ông trở thành một người có đạo đức, có tinh thần hy sinh. Đấy quả là một sự châm biếm, một sự khiêu chiến đối với tầng lớp trên của xã hội Pháp lúc bấy giờ.

Để am hiểu cuộc sống, tìm hiểu xã hội, năm “Viên mỡ bò” ra mắt công chúng cũng là năm Môpaxăng bắt đầu cuộc sống lênh đênh. Ông đi Phi châu, đến Italia tới Anh. Suốt cuộc hành trình, trên đường đi Môpaxăng quan sát phong thổ, nhân tình từng nơi, sưu tập tài liệu sáng tác. Trong khoảng 10 năm sau đó, ông đã viết gần 300 truyện ngắn, 6 truyện dài. Truyện ngắn có “Tiểu thư Phi Phi”, “Lão Milông” “Trở về”… truyện dài có “Một cuộc đời” “Ông bạn đẹp” đều nổi tiếng trên thế giới.

Rất đáng tiếc, vì lao động sáng tác quá nhiều, mệt mỏi quá độ, Môpaxăng mắc phải chứng suy nhược thần kinh trầm trọng. Năm 1891, ông bị loạn óc, phát điên. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, người ta phải đưa ông vào một nhà thương điên ở Pari. Chưa đầy hai năm, nhà văn nổi tiếng này qua đời. Năm đó, Môpaxăng mới 43 tuổi.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky