Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Từ Sự Biến “18- 9” Đến Sự Biến “7- 7”

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

TỪ SỰ BIẾN “18- 9” ĐẾN SỰ BIẾN “7- 7”

Đêm 18 tháng 9 năm 1931, một tốp công binh quân Quan Đông Nhật bản đóng ở đông bắc Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của trung uý Kavamôtô, đi dọc theo đường sắt Nam Mãn tiến về phía đoạn đường sắt gần làng Hồ Liễu Điều ngoại ô phía bắc Thẩm Dương. Khi họ đi tới chỗ cách doanh trại quân đội Trung Quốc khoảng 800 mét thì dừng lại.

Trung uý Kavamôtô nhìn bốn phía, cao lương trên đồng ruộng đã thu hoạch xong xuôi, cánh đồng mênh mông không một bóng người. Anh ta lấy ra một gói thuốc nổ cỡ nhỏ rồi nhét xuống dưới đoạn đường sắt.

Chạy tản ra, nằm xuống!

Kavamôtô khẽ quát rối đốt ngòi nổ. Chỉ nghe một tiếng “oang”, một đoạn đường ray nổ tung, tà vẹt bay tơi tả. Kavamôtô nhìn đoạn đường ray bị phá hỏng dài khoảng 1 mét. Anh ta khoát tay, và dẫn tốp lính rời đi ngay.

Đường sắt Nam Mãn, Nhật Bản đã xây dựng để cướp đoạt tài nguyên của Trung Quốc, kiểm soát huyết mạch kinh tế của đông bắc Trung Quốc. Vì sao anh ta lại cho nổ tung một đoạn đường ray? và vì sao chỉ phá hỏng một đoạn ngắn rồi bỏ đi ngay? Đây vốn dĩ nằm trong một âm mưu lớn mà đế quốc Nhật mưu tính đã lâu. Ngay từ năm 1905 sau khi chiến tranh Nhật – Nga kết thúc, Nhật Bản đã thế chân Nga Sa hoàng, chiếm rất nhiều đặc quyền thực dân ở đông bắc Trung Quốc. Chúng không những đưa quân Quan Đông đến đóng ở Đông bắc, xây dựng đường sắt, mà còn muốn chiếm toàn bộ vùng đông bắc. Năm 1929, thế giới đế quốc nổ ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Mong thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đế quốc Nhật quyết định nhân cơ hội chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc đang tiến hành nội chiến quy mô lớn, chiếm lấy Đông bắc Trung Quốc, dần dần thôn tính cả Trung Quốc, biến Trung Quốc thành thuộc địa của chúng. Qua mưu tính kỹ càng, Tư lệnh quân Quan Đông Nhật Bản hạ lệnh cho phá huỷ đoạn đường sắt này để từ đó dẫn đến một sự biến. Đấy là “sự kiện Liễu Điều” xảy ra vào đêm ngày 18 tháng 9 năm 1931, cũng chính là sự biến “18- 9”

Sau khi xẩy ra vụ nổ đường ray, bọn xâm lược Nhật Bản liền sử dụng mánh khoé quen dùng vừa ăn cướp vừa ra làng, vu cáo rằng: “Quân đội Trung Quốc tàn bạo, phá hoại đường sắt Nam Mãn của ta, tấn công quân canh giữ của ta, xung đột với quân ta khi họ tiến vào hiện trường…”

Quân Nhật vin vào cớ đó, lập tức sử dụng pháo cỡ lớn điều từ cảng Lữ Thuận đến pháo kích dồn dập vào doanh trại quân Trung Quốc đóng ở gần chỗ đoạn đường ray bị phá. Quân đóng trong doanh trại báo cáo ngay với cấp trên, nhưng được trả lời: “Theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền tối cao, không được gây ra xung đột. Thế là đến sáng sớm ngày 19, quân Nhật đã chiến lấy Thẩm Dương trong tình trạng không có một tiếng súng nào của quân đội Trung Quốc. Tiếp đó, Tưởng Giới Thạch lại ra lệnh cho mấy chục vạn quân Đông bắc rút vào trong Sơn Hải quan. Quân Nhật chiếm xong Thẩm Dương, tiếp tục chia quân đánh các nơi, chưa đầy nửa năm, chiếm được 3 tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang.

Sau sự biến “18- 9”, mâu thuẫn dân tộc ngày một gay gắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc kịp thời tuyên ngôn và thông điệp phản đối sự xâm lược của đế quốc Nhật và tuyên chiến chống Nhật, đưa ra chủ trương “thông qua chiến tranh cách mạng dân tộc đánh đuổi đế quốc Nhật ra khỏi Trung Quốc”. Dưới sự kêu gọi và lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, toàn quốc nhanh chóng dấy lên cao trào chống Nhật.

Do chính sách bất đề kháng của Tưởng Giới Thạch, khí thế của bọn xâm lược Nhật Bản ngày càng ngông cuồng. Ngày 28 tháng 1 năm 1932, lại gây ra sự kiện “nhà sư Nhật Bản” bị quân nghĩa dũng đánh bị thương để kiếm cớ đem quân đánh chiếm Thượng Hải.

Khi ấy, Thái Đình Khải chỉ huy lộ quân 19 đóng ở Thượng Hải. Được cổ vũ bởi tinh thần chống Nhật của nhân dân Thượng Hải và toàn quốc, họ đã hăng hái đánh trả quân xâm lược Nhật bản.

Đêm khuya ngày 28 tháng 1, quân Nhật có xe bọc thép yểm hộ từ áp Bắc tấn công vào quân phòng thủ Trung Quốc. Các tướng sĩ lộ quân 19 bình tĩnh ứng chiến. Trên đường cái, một xe bọc thép sắp xông đến, một người lính Trung Quốc tung một chùm lựu đạn vào gầm xe, “oàng” một tiếng, chiếc xe bị hạ gục ngay. Chiếc thứ hai lại lao tới, binh lính Trung Quốc cố tình để nó chạy qua. Sau xe có rất nhiều lính Nhật. Binh lính Trung Quốc vung đại đao, xông vào đánh chém, chưa đầy 10 phút tiêu diệt hết đám lính Nhật sau xe, sau đó lại xông tới chiếc xe và phá huỷ ngay cứ như vậy, quân phòng thủ Trung Quốc cầm cự được một tuần, quân Nhật không thể nào tiến lên được.

Trung tuần tháng 2, Nhật tăng quân đến Thượng Hải, chiến sự ngày càng ác liệt. Ngày 13 tháng 2, 5000 quân Nhật tấn công điên cuồng vào trận địa Uẩn Tảo Bang của quân đội Trung Quốc ở ngoại ô phía bắc Thượng Hải. 100 chiến sĩ Lộ quân 19 tổ chức thành đội cảm tử, họ buộc bom trước ngực và sau lưng, tưới dầu hỏa khắp người, sau đó chia thành mấy mũi luồn sâu vào trận địa địch, xông vào nơi quân địch tập trung nhiều nhất. Bom trên người cùng lúc nổ tung, các chiến sĩ đều bị tan xác, nhưng quân thù cũng thịt vụn xương tan. Hầu như trong cùng một thời điểm, trận địa của giặc đều bị nổ tung hết cả. Giặc tưởng đại quân Trung Quốc kéo tới, ào ào tháo chạy. Quân Trung Quốc thừa thế truy kích hơn 10 dặm, giặc bị chém giết máu chảy thành sông thây chết thành đống.

Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động nhân dân Thượng Hải chi viện cho cuộc chiến đấu anh dũng của Lộ quân 19. Hàng chục vạn công nhân tổ chức tổng bãi công chống Nhật vô cùng rầm rộ, quần chúng nhân dân các giới đua nhau tổ chức quân nghĩa dũng, đội cứu thương, đội vận tải, ủng hộ tiếp tế các tướng sĩ chống Nhật. Một hôm, một lái xe Trung Quốc tên là Hồ A Mao bị quân Nhật bắt, cho anh ta nhiều tiền thưởng, bảo anh chuyên chở vũ khí. Anh nghĩ bụng “Dù thế nào cũng không thể để bọn giặc cướp chúng mày dùng những súng đạn này đi giết hại đồng bào tao”. Anh đã đồng ý, và trong bụng suy tính làm sao đưa được những vũ khí này đến được trận địa của Lộ quân 19. Nhưng trên xe có 4 tên lính Nhật theo dõi rất chặt chẽ. Hồ A Mao không thể nào chạy tới phía quân Trung Quốc được. Khi xe qua sông Hoàng Phố, anh bất ngờ đánh ngoặt tay lái, lao thẳng xuống sông. Hồ A Mao đã hy sinh vì đất nước, cả xe vũ khí chìm xuống đáy sông, những tên giặc Nhật cũng chết chìm cả.

Nhân dân Thượng Hải anh dũng kháng chiến, giáng những đòn nặng nề vào quân xâm lược Nhật, khiến kế hoạch của chúng lại phá sản. Nhưng chính quyền Quốc Dân Đảng đại diện cho lợi ích của đại địa chủ, đại tư sản bán nước, cuối cùng đã ký kết Hiệp định đình chiến Thượng hải nhục nhã bán đứng quyền lợi đất nước.

Hành động xâm lược của đế quốc Nhật, đâu có vì “Hiệp nghị đình chiến” mà dừng lại. Quân Nhật sau khi chiếm được ba tỉnh Đông bắc, đã điều động một bộ phận quân Quan Đông tinh nhuệ tới ngoại vi Bắc Bình và Thiên Tân. Sau khi chuẩn bị khá chu đáo, mùa hè năm 1937 bất ngờ mở cuộc tiến công mới.

Ngày 7 tháng 7 năm 1937, để tạo cớ gây hấn, Nhật tổ chức “diễn tập quân sự, gần cầu Lư Câu ngoại ô phía tây nam Bắc Bình. Cuộc “diễn tập” này ở ngay cạnh doanh trại quân đoàn 29 của Trung Quốc. Nhật bịa chuyện, nói rằng có một lính Nhật “mất tích” trong “diễn tập” đòi vào lục soát trong huyện thành Uyển Bình ở đầu cầu. Đòi hỏi vô lý của quân Nhật đã bị từ chối, thế là ngay hôm đó chúng pháo kích vào cầu Lư Câu và huyện thành Uyển Bình.

“Giữ vững trận địa, kiên quyết đánh trả, kháng chiến đến cùng, tướng sĩ quân đoàn 29 trấn giữ cầu Lư Câu vô cùng căm thù giặc, đã chiến đấu quyết tử với quân thù. Trong chiến đấu, một chiến sĩ trẻ dùng đại đao chém chết liền một lúc 13 tên giặc,cuối cùng đã hy sinh oanh liệt. Một đại đội trấn giữ phía bắc cầu chiến đấu quyết liệt, anh dũng giết giặc, cuối cùng chỉ còn lại 4 người, họ đều đã hy sinh cho tổ quốc. Đó là sự biến “7- 7”.

Ngay ngày thứ hai sau sự biến “7- 7”, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát ngay thông điện gửi toàn quốc: “Bình Tân nguy cấp! Bắc Bình nguy cấp! Dân tộc Trung Hoa nguy cấp! Chỉ có đoàn kết dân tộc tiến hành kháng chiến, mới là lối thoát của chúng ta!” kêu gọi nhân dân toàn quốc đoàn kết lại, xây dựng trường thành vững chắc của mặt trận thống nhất dân tộc, đánh đuổi quân xâm lược Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc.

Nhân dân cả nước nhiệt liệt ủng hộ chủ trương của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất trí yêu cầu kháng chiến, và nhanh chóng dấy lên làn sóng chống Nhật cứu nước chưa từng có. Công nhân đường sắt Trường Tân Điếm đưa ra khẩu hiệu đầy khí thế “Thà chết không chịu làm nô lệ”, chuyên chở tà-vẹt, đường ray cọc sắt đến thành Bắc Bình xây dựng công sự. Nông dân quanh Bắc Kinh tự động đưa lương thực, củi đuốc đến, cáng thương binh, chuyển tin tức, chuyên chở vật tư cho các chiến sĩ tiền tuyến. Các đoàn thể xã hội Bắc Bình cử đại biểu, bất chấp mưa bom bão đạn, đánh ô tô chở đầy thực phẩm ra tiền tuyến thăm hỏi động viên. Báo chí trong cả nước nô nức viết bài bình luận, ủng hộ động viên tướng sĩ chống Nhật, yêu cầu Chính phủ Quốc Dân Đảng, phải kháng chiến chống Nhật ngay.

Với sự nỗ lực của đảng Cộng sản Trung Quốc và trước áp lực lớn của nhân dân cả nước, Tưởng Giới Thạch buộc phải tuyên bố thừa nhận vị trí hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc và tiến hành đàm phán hợp tác hai Đảng Quốc Cộng. Tới lúc đó, Mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật Trung Quốc tuyên bố chính thức thành lập. Quân dân Trung Quốc trên chiến trường rộng lớn Hoa bắc, Hoa trung, tiến hành cuộc quyết đấu ngoan cường với bọn xâm lược Nhật và bắt đầu từ sự biến “7- 7”, Trung Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ chiến tranh chống Nhật vĩ đại kéo dài tới tám năm. Vậy là ở Trung Quốc đã xuất hiện chiến trường chống phát xít sớm nhất trong thế chiến lần thứ hai. 

Đế quốc Nhật sau khi xâm chiếm Đông bắc Trung Quốc, đã biến Triều Tiên mà chúng thôn tính từ trước thành căn cứ xâm lược Trung Quốc và chống Liên Xô. Tài nguyên như gạo, bông, vàng, sắt, than, bị Nhật Bản vơ vét, hàng ngàn hàng vạn nhân dân Triều Tiên bị bắt, giết và giam cầm.

Nhân dân Triều Tiên có truyền thống cách mạng quang vinh không cam tâm khuất phục. Tháng 4 năm 1932, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân Triều Tiên – đội du kích chống Nhật đã ra đời.

Kim Nhật Thành sinh năm 1912 trong một gia đình bần nông ở Vạn Cảnh Đài thành phố Bình Nhưỡng. Khi còn trẻ, ông đã học trung học ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, 14 tuổi tham gia cách mạng. Lúc 20 tuổi, ông lãnh đạo đội du kích, chiến đấu ngoan cường với giặc Nhật.

Một hôm, Kim Nhật Thành dẫn đội du kích 40 người, khi đến La Tư Câu huyện Uông Thanh thì đụng giặc Nhật. Sau một trận ác chiến, đội du kích chỉ còn lại 18 người. Dưới sự chỉ huy của Kim Nhật Thành, họ đã lội trong tuyết, men theo khe núi, di chuyển đến núi Lão Hắc huyện Đông Ninh. Vì liên tục hành quân tác chiến, đội du kích đã quá mệt nhọc, có mấy đội viên xuất thân từ học sinh đã nảy sinh tâm lý kêu ca.

Phía trước đã nhìn thấy một căn nhà gỗ nhỏ, Kim Nhật Thành định để các đội viên được nghỉ chân, liền bước tới khẽ gõ cửa:

– Ông chủ có nhà không?

– Ông là ai? Đến đây làm gì? – Trong nhà có người hỏi. Cửa mở, một ông già bước ra. Chúng tôi là đội du kích chống Nhật mới thành lập gần đây.

– À ra thế, tôi đã nghe nói. Tôi họ Mã, nào xin mời vào nhà.

Ông già tỏ ý rất thông cảm và tin cậy. Ông để đội du kích vào trong nhà, đốt cho bọn họ một đống lửa, rồi nói với họ:

– Các anh phải cẩn thận, gần đây có một toán ngụy quân từ La Tử Câu tới. Bọn này nói rằng, nếu gặp đội du kích, chúng sẽ tước vũ khí ngay.

-Ồ, ở đây có ngụy quân à?

Mấy đội viên trẻ nghe thấy ông già nói thế, giật mình, tinh thần càng căng thẳng hơn, nghĩ bụng, vất vả lắm mới thoát được bọn Nhật truy đuổi, nào ngờ lại đụng phải quân ngụy, làm thế nào bây giờ?

Kim Nhật Thành thấu hiểu tâm lý và tình cảm của các đội viên. Ông không phê bình họ, chỉ nêu ra một vấn đề nghiêm túc:

– Xin anh em suy nghĩ: Đứng trước tình hình hiện nay, chúng ta phải theo phương châm nào?

Các đội viên đua nhau phát biểu, tranh luận rất sôi nổi. Có người nói, tình hình hiện nay không thể hoạt động du kích được, phải giải tán đội, lại chuyển vào hoạt động bí mật; có người cho rằng, không thể giải tán đội được, phải tìm cách liên lạc với các đội du kích khác, tiếp tục kiên trì đấu tranh.

Kim Nhật Thành nghe đội viên tranh luận, trong lòng không thể bình tĩnh được nữa. Ông nghĩ, muốn tiêu diệt bọn kẻ cướp Nhật Bản, giải cứu cho nhân dân Triều Tiên đang muôn vàn khổ đau, con đường duy nhất hiện nay là tiến hành đấu tranh vũ trang. Bây giờ đội du kích vừa mới thành lập, làm sao lại dễ dàng giải tán được?

Ông còn nhớ như in, trong quá trình lo liệu tổ chức đội du kích, tiện đường ghé qua nhà thăm mẹ già đang ốm nặng. Ông ngồi bên mẹ, nhìn người thân yêu võ vàng gầy yếu vì nghèo khổ và bệnh tật, trong lòng vô cùng đau khổ. Người mẹ sau khi nhìn ngắm kỹ đứa con đã nói: Một người đã quyết chí đi cứu nước mà còn lo lắng cho việc nhà, thì làm sao hoàn thành được việc lớn! Con muốn tổ chức một đội ngũ lớn mạnh hơn nữa để chiến đấu, mà vẫn còn lưu luyến việc nhà như vậy, hỏi có được không?… Thôi con đi đi! Kim Nhật Thành giã từ mẹ, chưa đầy hai tháng mẹ ông đã qua đời. Nhưng sự khích lệ và những lời dạy của mẹ, ông vẫn khắc sâu trong lòng. Vì đấy không phải chỉ là sự trông chờ và hy vọng của một bà mẹ, mà là của hàng trăm ngàn bà mẹ đối với ông!

Kim Nhật Thành nghe các đội viên tranh luận xong, tay cời đống lửa, nói với giọng tha thiết:

– Cách mạng sáng tạo sự vật mới, vốn dĩ phải vượt qua muôn vàn gian khó. Chúng ta phải chiến thắng những trở ngại gian nan này, giải phóng tổ quốc, xây dựng xã hội mới. Phải cống hiến hy vọng, trí tuệ của chúng ta cho cách mạng. Anh em nghĩ xem, làm một người dân mất nước, nhìn quân thù đang giày xéo dân tộc mình, lẽ nào chúng ta cam chịu?

– Không, không thể chịu đựng được!

– Dứt khoát không thể chịu đựng được!

Mọi người phấn chấn hô to. Những lời nói chứa chan tình cảm của Kim Nhật Thành làm tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho các đội viên. Đống lửa ngùn ngụt cháy trong căn nhà gỗ tỏa ánh sáng đỏ vào các gương mặt phấn chấn của các chiến sĩ.

Kim Nhật Thành chỉ huy 18 du kích kiên cường, lại chuyển vào vùng rừng sâu của núi Lão Hắc. Ngày ngày họ săn bắn, luyện võ, học tập, thảo luận, hoàn cảnh khắc nghiệt rèn luyện họ càng kiên cường hơn. Khi họ rời núi Lão Hắc những nét mặt thể hiện ý chí sa sút, tinh thần mệt mỏi từng xuất hiện hồi nào ở một số đội viên đã hoàn toàn không còn nữa, người nào cũng gương mặt rạng rỡ, ý chí hăng hái kiên cường. Họ nhanh chóng liên lạc được với mấy đội du kích khác ở huyện Giang Phố, tổ chức thành một đội ngũ lớn mạnh hơn. Ít lâu sau, căn cứ du kích đã được thành lập.

Tháng 3 năm 1934, đội du kích chống Nhật của Kim Nhật Thành chính thức biên chế thành quân đội cách mạng nhân dân Triều Tiên. Hai năm sau, tổ chức Mặt trận thống nhất dân tộc kháng Nhật do đảng Cộng sản Triều Tiên lãnh đạo “Hội quang phục Tổ quốc thành lập. Kim Nhật Thành được bầu làm Hội trưởng. Trong vòng mấy tháng, số hội viên nhanh chóng tăng lên tới hơn 20 vạn. Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Nhật, Hội đã kề vai chiến đấu cùng nhân dân Trung Quốc, sống chết có nhau, xây đắn nên mối tình hữu nghị chiến đấu sâu nặng.

Ngày 2 tháng 10 năm 1935, trong thành Rôma Italia đã diễn ra một cảnh ầm ĩ:

“Tùng tùng tùng, Tùng tùng tùng” Cùng với tiếng trống liên hồi, từng nhóm bọn phát xít mặc áo đen, đội mũ cao, lưng đeo súng ngắn, tiến vào tập trung ở quảng trường. Dẫn đầu mỗi toán là một lá cờ có mang hình vẽ: một bó gậy trên cắm một lưỡi rìu. Đây là dấu hiệu của phát xít.

Một người cằm nhô bước lên bục cao. Trước tiên ông ta giơ cao tay phải lên chào, rồi diễn thuyết với giọng khàn khàn:

“Bây giờ là lúc vất vả một thời nhưng giải quyết vĩnh viễn số phận Êtiopia rồi! Hơn 30 năm trước, chúng ta đi viễn chinh nước này nhưng đã thua to, chết hơn 11.000 người. Giờ đây, với danh nghĩa Thủ tướng Italia, tôi tuyên bố phải trừng phạt họ…”

Người diễn thuyết chính là đầu sỏ đảng phát xít, Mutsôlini. Hoá ra, bọn phát xít tụ họp ở đây, là để tổng động viên chiến tranh!

Ngày hôm sau, 30 vạn quân xâm lược Italia vũ trang đầy đủ, chẳng khác gì hung thần ác quỷ từ ba phía bắc, đông, nam, cùng một lúc tấn công vào Êtiôpia.

Êtiôpia nằm ở đông bắc Châu Phi, tài nguyên trong nước giầu có, sản xuất nhiều bạch kim và vàng, về địa thế thì lại trấn giữ cửa ngõ phía nam Hồng Hải bởi thế xưa nay các đế quốc vẫn tranh giành nhau căn cứ chiến lược quan trọng này. Khi ấy, Italia đã xâm chiếm Sômali ở phía đông và Êritrê ở phía bắc nước này, giờ đây lại mưu toan thôn tính luôn cả vương quốc phong kiến cổ kính Etiôpia.

Nhân dân Etiôpia vô cùng anh dũng, họ tuy không có vũ khí hiện đại nhưng lại có ý chí kiên trung bất khuất. Họ đã dùng giáo mác, gậy gộc chiến đấu một mất một còn với quân xâm lược Italia vũ trang đến tận răng.

Ngày 17 tháng 10, toàn thành phố Ađi Abêba, thủ đô Etiôpia sôi sục. 10 vạn binh lính và nhân dân tụ tập tại Quảng trường tổ chức lễ tuyên thệ rất long trọng.

“Sống là người của tổ quốc! Chết làm ma của Tổ quốc”

“Quyết không làm nô lệ của Italia”.

Tiếng hô khẩu hiệu hết đợt này đến đợt khác, ý chí đấu tranh vô cùng hăng hái.

Lá quốc kỳ ba mầu xanh, vàng đỏ dẫn đầu, theo sau là 5 vạn quân Etiôpia chỉnh tề tiến vào quảng trường, vai vác súng lưỡi lê tuốt trần, hùng dũng hiên ngang tham dự duyệt binh.

“Chúng ta nhất định thắng, bọn xâm lược nhất định thua!” Cả quảng trường lại vang dậy tiếng hô khẩu hiệu.

Năm vạn quân, hàng ngũ chỉnh tề diễu qua lễ đài, ra khỏi quảng trường tiến thẳng ra tiền tuyến.

Sau lễ tuyên thệ, vua Sêlasiê ra thị sát tiền tuyến, chỉ huy tác chiến. Nhân dân tổ chức những đoàn chi viện chiến trường, vận chuyển lương thực và thực phẩm dành dụm được cung cấp cho quân đội. Tại vùng sa mạc miền đông, quân đội thiếu nước, bà con du mục đem nước từ nơi rất xa đến, đựng trong túi da, dùng từng đoàn lừa thồ tới nơi đóng quân. Người già và học sinh vào thành phố xuống nông thôn tuyên truyền cổ động, kêu gọi quần chúng vùng lên chống giặc. Chị em phụ nữ lập những đội cứu thương ra chiến trường phục vụ thương binh. Những người làm công tác văn nghệ đi cùng quân đội ra chiến trường, biểu diễn những tiết mục ca múa, quân dân một lòng, thề quét sạch quân xâm lược.

Do sự đánh trả ngoan cường của quân dân Etiôpia, quân Italia tiến rất chậm. Mười ngày đầu, đã thiệt hại gần 1 vạn quân. Mưu đồ chiến thắng nhanh bị phá sản, quân xâm lược phát xít huy động rất nhiều máy bay đến ném bom bừa bãi. Một số thành phố ở miền bắc và miền nam Êtiôpia hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Tới ngày 8 tháng 11, quân Italia mới chỉ chiếm được 1/8 lãnh thổ Êtiôpia. Ba cánh quân đông, bắc, nam cũng chỉ mới tiến gần được tới thủ đô Ađi Abêba nhưng chúng gặp nhiều khó khăn. Nhân dân địa phương khi rút chạy đã cất giấu lương thực, lấp hết giếng nước, khiến quân Italia thiếu ăn thiếu uống, vô cùng khốn đốn.

“Giếng nước! Đây có giếng nước rồi!” Một tên lính hét toáng lên cứ như tìm thấy châu lục mới. Bọn lính kéo nhau đến lấy nước. Khi chúng vội vã ùa đến để lấy nước, thì đứa nào cũng kêu “Mặn lắm! mặn lắm! Nước này không uống được” Hóa ra, nhân dân địa phương đã bỏ muối xuống giếng nước. Quân xâm lược Italia đành bó tay.

Từ 19 đến 21 tháng 11, vua Selasiê đi máy bay tới chiến trường phía nam thăm hỏi động viên quân đội, quân Etiôpia vô cùng phấn khởi (Họ anh dũng xuất kích, thu hồi lại đất đai đã mất, đánh cho quân Italia thất điên bát đảo. Cùng lúc đó, quân đội mặt trận phía bắc cũng chủ động tấn công, diệt và làm bị thương rất nhiều giặc. Musôlini điên tiết, cách chức Tổng tư lệnh quân Italia ở Châu Phi, cử Tổng tham mưu trưởng quân đội Italia tới Êtiôpia đốc chiến. Ông ta còn điều động cả “quân Áo đen” (lực lượng vũ trang gồm toàn phe đảng phát xít), song vẫn không giành được chiến thắng.

Để làm cho nhân dân Etiôpia khiếp sợ, từ tháng 2 năm 1936 bọn phát xít Italia táng tận lương tâm, điên cuồng sử dụng hơi độc. Quân dân Êtiôpia bị nhiễm độc, hai mắt đau buốt, đành phải buông súng ôm lấy mắt. Số người chết vì hơi độc không thể đếm xuể, có những đơn vị hầu như bị xóa sổ. Do quân đội thương vong quá lớn, quân Etiôpia bắt đầu phải rút lui.

Một tin không may truyền đến, danh tướng chống xâm lược Itlaia, người chỉ huy cao cấp quân đội Etiôpia, tướng Mruki ốm chết ở tiền tuyến ngày 8 tháng 3. Quân xâm lược Italia vào hạ tuần tháng 3 tấn công toàn tuyến, Cuối tháng 4 hướng tấn công đã nhằm thẳng vào thủ đô Ađi Abêba, vua Xêlasiê đột ngột từ tiền tuyến quay trở về, cùng hoàng hậu bay khỏi thủ đô vào ngày 3 tháng 5. Hai ngày sau, quân Italia chiếm Ađi Abêba. Bọn kẻ cướp phát xít mặc sức hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá thành phố. Thật sự vô cùng tàn ác dã man. Ngày 9 tháng 5, tại Rôma, Mutsôlini chính thức tuyên bố đã thôn tính Etiôpia, và quốc vương Italia kiêm luôn “hoàng đế” Etiôpia.

Để tăng cường nền thống trị phát xít, Italia đóng 25 vạn quân ở Etiôpia, tàn bạo giết hại và đàn áp nhân dân địa phương. Số người Etiôpia bất khuất, bỏ vào rừng núi, triển khai chiến tranh du kích. Chiến sĩ du kích thủ đô Ađi Abêba tỏ ra vô cùng anh dũng, đã từng đâm bị thương tổng đốc Italia. Vì việc này, bọn cầm quyền phát xít điên cuồng lục soát bắt bớ, trong ba ngày đã giết hơn 9000 người.

Nhân dân vô tội bị giết trong cả nước lên đến 3 vạn người. Nhưng các đội du kích vẫn hoạt động ráo riết, đội ngũ ngày một thêm đông và lớn mạnh. Tới năm 1939, quân du kích đã phát triển tới 40 vạn, kiểm soát phần lớn đất đai cả nước.

Trong những năm tháng chống quân xâm lược, đã lan truyền một chuyện thế này: Vào một đêm, du kích Etiôpia bí mật tiến sát đến chỗ doanh trại quân Italia rồi tung vào trong một tổ ong. Thừa lúc bọn lính hoảng loạn tháo chạy ồn ào để khỏi bị ong đốt, thì đội du kích tiến vào lấy hết vũ khí của giặc. Nhân dân Etiôpia đã dùng mọi phương pháp tuyệt diệu như vậy để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược phát xít.

Tháng 4 năm 1941, các chiến sĩ du kích trong nước Etiôpia đã giải phóng thủ đô Ađi Abêba. Ngày 5 tháng 5, vua Sêlasiê đưa 2000 đội viên du kích từ Suđăng về thủ đô. Etiôpia giành lại độc lập. Quân phát xít Italia thất bại hoàn toàn.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Italia của nhân dân Etiôpia bất khuất, đã đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh chống phát xít toàn thế giới, và là một tấm gương cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân bị áp bức trên thế giới.

Có bốn tướng làm loạn, chúng muốn phản lại chúng ta

Madrit, người quá ư nổi danh, chúng muốn chiếm đóng nơi đây,

Song những người con anh dũng của người sẽ không bao giờ làm ô danh người…

Đây là một bài hát phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân vào thời nội chiến Tây Bạn Nha. Bài ca đã nói lên lòng căm phẫn của nhân dân đối với bọn phản bội, và cũng nói lên quyết tâm kiên cường thề chết bảo vệ Mađrit của nhân dân.

Tháng 2 năm 1936, Tây Ban Nha tổ chức bầu cử Quốc hội. Mặt trận Nhân dân gồm đảng Cộng sản, đảng Xã hội và các lực lượng tiến bộ khác, đã giành thắng lợi, sau đó thành lập Chính phủ Cộng hòa đứng đầu là người của đảng Cộng hòa cánh tả. Chính phủ mới thực hiện một số biện pháp dân chủ có lợi cho nhân dân, như thả chính trị phạm, phục hồi việc làm cho công nhân thất nghiệp do nguyên nhân chính trị, thi hành chế độ nghỉ ngơi cho công nhân và tiền dưỡng lão, đồng thời bắt đầu thực hiện cải cách một phần ruộng đất, cấm cưỡng chế nông dân rời khỏi ruộng đất mà họ đã thuê. Quần chúng nhân dân hồ hởi phấn khởi, nhiệt liệt ủng hộ cải cách của Chính phủ mới. Nhưng, thế lực phát xít Tây Ban Nha cấu kết với Đức, Italia, cực kỳ căm thù Chính phủ mới, muốn bóp chết Chính quyền mới hả dạ.

Một ngày tháng 7, đài phát thanh Marốc thuộc địa của Tây Ban Nha phát đi một câu mật ngữ ám hiệu: “Toàn cõi Tây Ban Nha thời tiết nắng đẹp”. Đây là tín hiệu phiến loạn phát xít phản động của phe phản động chống Chính phủ tiến bộ. Sĩ quan phản động Francô nghe thấy tín hiệu phiến loạn này, vui mừng như điên. Ông ta tụ tập một nhóm sĩ quan phát xít, gây ra phiến loạn vũ trang.

Quân đội của Flancô được sự ủng hộ của Hítle và Mutsôlini, đầu sỏ phát xít Đức Italia. Chúng rất đông, trang bị tốt, đã nhanh chóng chiếm được phần lớn đất đai miền nam Tây Ban Nha, đánh thẳng vào thủ đô Madrit. Cùng lúc ấy, quân Chính quy của Italia và Đức cũng đổ bộ lên Tây Ban Nha, phối hợp với Francô, mưu toan bóp chết ngay nước Cộng hòa.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Madrit bắt đầu!

“Quyết không để bọn phát xít tiến thêm bước nào!” Đảng Cộng sản Tây Ban Nha đưa ra khẩu hiệu chiến đấu mạnh mẽ, Quân đoàn 5 hơn 7 vạn người do Đảng Cộng sản Tây Ban Nha tổ chức lãnh đạo, nhanh chóng được điều ra tiền tuyến. Toàn thành phố Mađrit cũng tiến hành tổng động viên, quần chúng nhân dân tới tấp nhanh chóng tổ chức lại, phối hợp tác chiến với quân đội nước Cộng hòa.

Chiến tranh Tây Ban Nha làm chấn động toàn thế giới. Lực lượng tiến bộ các nước đều chi viện cho nước Cộng hòa Tây Ban Nha. Quân tình nguyện của 54 nước đến từ Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Italia, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Canađa, tổ chức thành đội quốc tế, đến Tây Ban Nha tham gia chiến đấu. Bác sĩ Bơc cũng là một thành viên trong trung đội. Nhân sĩ tiến bộ Italia tổ chức “đội Garibanđi”. Chính phủ xô viết Trung Hoa công bố “Thư gửi nhân dân Tây Ban Nha”. Hoa kiều Trung Quốc ở Mỹ cũng tổ chức chi đội Trung Quốc của đội quốc tế. Người làm công tác âm nhạc Trung Quốc cũng sáng tác ca khúc “Bảo vệ Madrit”, “Lời ca mở đầu”, “Hãy cầm lấy lựu đạn nổ mạnh, ném thẳng vào Flancô kẻ giết người đốt nhà”. Trung đội quốc tế tiến vào Tây Ban Nha là lao ngay vào cuộc chiến đấu ác liệt.

Ít lâu sau, Francô tấn công lần thứ nhất vào Mađrit. Francô trước hết tập trung hỏa lực pháo kích vào thành Đại học và vườn săn bắn của Quốc vương ở ngoại ô phía tây Madrit, sau đó thì xung phong, nhưng đã bị sự chống trả mạnh mẽ của quân đoàn 5 của đảng Cộng sản Tây Ban Nha và dân quân. Qua ba ngày chiến đấu ác liệt, từng đợt xung phong của Francô đều bị đẩy lùi, Mardid vẫn sừng sững hiên ngang.

Ngày 3 tháng 1 năm 1937, Francô tấn công Mađrit lần thứ hai. Lần này vẫn bắt đầu từ ngoại thành phía Tây, nhưng tới 16 tháng 1 vẫn không tiến lên được.

Francô chỉnh đốn lại đội ngũ, và tấn công lần thứ ba vào ngày 6 tháng 2. Đợt này tấn công từ hướng đông nam. Quân đội hai bên đánh nhau ác liệt tại Harama. Nhân dân Mađrit lại đẩy lùi quân giặc, quân phát xít thương vong hơn 2 vạn, bên nước Cộng hòa cũng thương vong hơn 1 vạn. Đây là trận chiến đấu dữ dội nhất từ sau Thế chiến thứ nhất.

Ngày 8 tháng 3, bốn trung đội của quân Francô, quân can thiệp Đức, Italia, lại tấn công đợt thứ tư từ phía đông bắc Mađrit. Lần này, Hítle và Mutsôlini điều động cho Francô nhiều quân đánh thuê hơn. Mutxôlini còn cử cả Rôatha người thân tín của mình đến chỉ huy tác chiến, lệnh cho ông ta phải chiếm Mađrit “bằng bất cứ giá nào”. Francô giao cho Rôatha 5 vạn quân, hơn 200 khẩu đại bác, 140 chiến xa và 60 máy bay. Nhưng trải qua 5 ngày chiến đấu dữ dội vẫn không chiếm được Mađrit. Khi ấy, trung đoàn quốc tế 11, 12 từ sau khi tiến vào Mađrit, đã liên tục đánh trận hơn một tháng, các chiến sĩ chẳng hề được ngủ đêm nào ở hầm trú ẩn cả, khắp người bùn đất, tay nổi chai vì bóp cò súng, giầy rách, quần áo nhàu nát, mặt mũi gầy tọp, mồm miệng nứt nẻ. Nhưng họ vẫn chốt giữ đoạn ác liệt nhất trong trận tuyến Mađrit.

Ngày 19 tháng 3, quân đội nước Cộng hòa phản công trên toàn tuyến, quân Francô và quân đánh thuê Italia bỏ lại hàng đống xác, tháo chạy ra ngoại thành. Mađrit lại trải qua một thử thách gay cấn.

Từ tháng 11 năm 1936, trải qua 133 ngày đêm liên tục chiến đấu, Mađrit vẫn vững vàng như cũ.

Nhưng khi bốn trung đoàn gồm phiến quân Francô, quân Đức, Italia tấn công Madrit, bọn gián điệp bí mật trong thành phố Madrit, cũng tiến hành các hoạt động đen tối. Chúng gây rối trật tự trị an, phá hoại phòng thủ, xúi giục làm loạn. Francô gọi tổ chức gián điệp bí mật này là “trung đoàn thứ năm” của mình.

Ngày 5 tháng 3 năm 1939, bọn đầu hàng cánh hữu trong Mặt trận nhân dân, được sự mưu toan tính toán của bọn phát xít Đức, Italia phối hợp với bọn gián điệp trong thành phố, gây ra đảo chính ở Madrit. Quân đội Cộng hòa bắt đầu tan rã. Ngày 28 tháng 3 Madrit bị vây hãm, Chính phủ Cộng hòa bị lật đổ. Từ đó về sau, Tây Ban Nha thành lập chính quyền phát xít đứng đầu là Francô.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Madrit của nhân dân Tây Ban Nha, tuy cuối cùng đã thất bại, nhưng rất nhiều sự tích anh hùng trong chiến đấu, đã nêu lên những tấm gương sáng trong cuộc đấu tranh chống phát xít thế giới. Chiến đấu bảo vệ Mađrit là sự thể hiện sinh động của sự ủng hộ quốc tế. Chiến sĩ tham gia đơn vị quốc tế, trải qua thử thách trong chiến đấu ở Tây Ban Nha, đều đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh vĩ đại chống phát xít ở các nước.

Một ngày vào năm 1933, trên bờ sông Missisipi nước Mỹ, một chiếc ô tô tải phanh “két” một tiếng và đột ngột dừng lại. Trên xe tiếng kêu “eng éc” loạn xạ, hóa ra toàn là lợn rất béo to. Chúng đang chạy nhốn nháo và kêu ầm ĩ. Người lái xe mở tấm chắn sau xe, sau đó mở máy nâng hất thùng xe lên. Mấy chục con lợn to béo lăn tuột hết xuống sông, sóng dội lên cuốn chúng vào lòng sông dìm chết tất cả.

Tiếp đó mấy chiếc xe tải nữa cũng đổ rất nhiều lợn sống xuống sông.

Những con lợn khoẻ mạnh, vì sao lại đem đổ xuống sông như vậy?

Có phải lợn bị dịch phải xử lý hay không. Không, chúng đều là lợn khoẻ lợn béo cả. Hay là chủ nông trang nào đó đã phát rồ chăng? Không phải, dọc bờ sông Misisipi chỗ nào cũng có chủ nông trang đổ vất những cơn lợn to như thế xuống sông. Năm ấy, người ta vất đi tất cả 640 vạn con lợn to béo! Vậy thì có phải chỉ vất lợn đi hay không? Không phải, ngay trên bờ sông Misisipi, chủ nông trang còn đổ sữa bò xuống sông nữa, họ đã đổ đi không biết bao nhiêu vạn thùng. Hãy nhìn cảnh tượng trong nông trang bên sông, bếp đun không phải là củi và than, mà là những bao tiểu mạch và ngô. Đường không rải bằng than vụn, mà là những tầng dầy cà phê hạt. Trong vườn chè, lá chè đã sắp úa vàng, mà chẳng có ai hái, còn vườn cây ăn quả, thì trái đã chín mọng, cứ rụng và nát ra cũng chẳng có ai bứt lấy, trên đồng ruộng hơn 10 triệu mẫu bông đang bị máy kéo chà đi san phẳng, vùi hết xuống đất, cũng chẳng ai nói gì.

Đây thật sự là sự phá hoại lớn sản xuất nông nghiệp.

Khi ấy, phá hoại sản xuất nông nghiệp không chỉ có nước Mỹ, mà hầu như là toàn bộ thế giới tư bản. Tại Brasin, có tới 22 triệu bao cà phê hạt đổ xuống biển, tại Đan Mạch, họ đã giết và vất đi 117.000 con gia súc. . .

Phá hoại không chỉ ở nông nghiệp, mà còn có cả xí nghiệp công nghiệp. Chỉ riêng lò cao luyện thép, nước Mỹ đã phá đi 92 lò, nước Anh phá huỷ 72 lò, Đức phá 28 lò. Sản xuất công nghiệp của thế giới tư bản thụt lùi. Chỉ riêng nước Mỹ, công nghiệp gang thép chỉ đưa vào sản xuất có 15%, công nghiệp ô tô thảm hại hơn, chỉ đưa vào sản xuất có 5%. Toàn bộ hệ thống sản xuất ngày càng rơi vào tình trạng sa sút tê liệt.

Nói theo thuật ngữ kinh tế học, thì đây là “sản xuất dư thừa” Hàng hóa sản xuất ra quá nhiều, bán không được, nhà tư bản phải vất đổ đi.

Phải chăng sản phẩm thật sự đã quá nhiều? Chúng ta hãy nghe một đoạn đối thoại trong một gia đình công nhân mỏ than ở Mỹ.

Con nói với mẹ:

– Hôm nay trời lạnh thế này. Sao mẹ không đốt lò?

Người mẹ trả lời:

– Vì nhà ta không có than. Cha con thất nghiệp rồi, không có tiền mua than đâu!

– Mẹ ơi, sao cha lại thất nghiệp?

– Vì than quá nhiều rồi.

Đây là một tình trạng vô cùng kỳ lạ và ác độc! Nhà tư bản chạy theo lợi nhuận, đã khai thác rất nhiều than, đồng thời, các nhà tư bản tăng cường ra sức bóc lột, lại bắt công nhân mỏ than phải bóp mồm bóp miệng. Một mặt trong nhà công nhân mỏ than không có tiền mua than phải chịu rét, mặt khác, lại đào lên “quá nhiều” than từ lòng đất, không bán được. Rõ ràng là đâu phải than đã sản xuất dư thừa thật sự, mà chỉ là vì đông đảo công nhân mỏ than bị bóc lột đến không còn một xu dính túi, thiếu ăn thiếu mặc, không có tiền mua than.

Thế là xuất hiện cảnh quái dị như trên: Đông đảo nhân dân lao động phải chịu đói, còn nhà tư bản thì lại phá huỷ rất nhiều lương thực, thịt lợn, đông đảo nhân dân lao động phải chịu rét, nhà tư bản thì lại phá huỷ bông và lông cừu.

Vậy thì, vì sao nhà tư bản không bán những sản phẩm ấy với giá rẻ cho nhân dân lao động, mà lại phá huỷ đi?

Đó là vì nhà tư bản đã chạy theo lợi nhuận. Sản phẩm phá huỷ đi, chẳng phải là vì “hàng có ít thì mới đắt” đó hay sao? Chỉ có như vậy, nhà tư bản mới bán sản phẩm với giá cao được, giữ nguyên được lợi nhuận cao của họ. Sự thối nát và tội ác của chế độ tư bản, sự giả dối và tàn nhẫn của giai cấp tư sản, đã phơi bầy ra rất trắng trợn!

Cái đó gọi là “khủng hoảng kinh tế”

Khủng hoảng kinh tế sau Thế chiến thứ nhất lần này bắt đầu từ năm 1929, kéo dài tới tận năm 1933. Khủng hoảng kinh tế gây ra khủng hoảng chính trị trong thế giới tư bản, công nhân thất nghiệp ào ào biểu tình kháng nghị, trong công nhân viên chức triển khai bãi công đấu tranh, phản đối chính quyền. Giai cấp tư sản các nước như lội vào khe sâu, đứng ngồi không yên, dốc sức tìm lối thoát. Giai cấp tư sản đã sử dụng những biện pháp nào? Hoặc giả sử dụng thị trường cũ, phát triển công nghiệp mới trong nước, bóc lột hơn nửa nhân dân trong nước, hoặc giả tìm kiếm thị trường mới, dùng chiến tranh cướp đoạt thuộc địa, bóc lột sức lao động rẻ mạt của nhân dân thuộc địa. Biện pháp trước như nước Mỹ, tuyên bố thực hiện “chính sách mới” áp dụng biện pháp nhà nước can thiệp vào kinh tế để làm dịu nguy cơ kinh tế, biện pháp sau thì như Đức, Nhật Bản, thoát khỏi khủng hoảng, thành lập chính quyền phát xít, điên cuồng tăng cường quân bị chuẩn bị chiến tranh, đã vung con dao đồ tể đẫm máu lên để chia cắt lại thế giới và nơi khởi nguồn cuộc chiến tranh đã lần lượt hình thành ở Châu Âu và Châu Á.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky