Huyền thoại như hệ thống ký hiệu
VỚI tư cách nghiên cứu một ngôn từ, huyền thoại học thực ra chỉ là một nhánh của ngành khoa học ký hiệu rộng lớn mà Saussure đã đưa ra cách đây khoảng bốn mươi năm với tên gọi là ký hiệu học. Ngành ký hiệu học chưa được thành lập. Tuy nhiên, ngay từ Saussure và đôi khi độc lập với ông, cả một bộ phận giới nghiên cứu đương đại không ngừng trở đi trở lại vấn đề sự biểu đạt: phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc, tâm lý học thực thể, một số mưu toan phê bình văn học mới mà Bachelard là một thí dụ, chỉ muốn nghiên cứu sự việc xem nó biểu đạt cái gì mà thôi. Vả chăng khẳng định một ý nghĩa biểu đạt là tìm đến với ký hiệu học. Tôi không muốn nói rằng ký hiệu học sẽ giải quyết như nhau tất cả những công cuộc nghiên cứu ấy: chúng có các nội dung khác nhau. Nhưng chúng có một quy chế chung, chúng đều là những khoa học về các giá trị; chúng không muốn chỉ bắt gặp sự việc: chúng muốn xác định sự việc và khảo sát sự việc dưới góc độ cái-giá-trị-như.
Ký hiệu học là khoa học về các hình thức, bởi lẽ nó nghiên cứu các sự biểu đạt độc lập với nội dung của chúng. Tôi muốn xin được nói đôi lời về sự cần thiết và những giới hạn của một khoa học hình thức như thế. Sự cần thiết chính là sự cần thiết của mọi ngôn ngữ chính xác. Jdanov* chế giễu triết gia Alexandrov nói về “cấu trúc hình cầu của hành tinh chúng ta”. “Dường như cho đến nay, Jdanov nói, chỉ hình thức mới có thể có dạng hình cầu”. Jdanov có lý: người ta không thể nói về cấu trúc bằng các thuật ngữ về hình thức, và ngược lại. Rất có thể là trên bình diện “cuộc sống”, chỉ có một tổng thể không phân biệt cấu trúc và hình thức. Nhưng khoa học chẳng đếm xỉa gì đến cái khó nói: nó cần phải nói về “cuộc sống” nếu nó muốn biến đổi cuộc sống. Trái với khuynh hướng tổng hợp hão huyền nào đấy, mà chao ôi chỉ mang tính lý tưởng suông, mọi sự phê bình phải chấp nhận khổ hạnh, phải chấp nhận gia công phân tích, và trong phân tích, nó phải vận dụng các phương pháp và các ngôn ngữ. Nếu bớt khiếp sợ bóng ma “chủ nghĩa hình thức”, có lẽ ngành phê bình gắn với lịch sử đã bớt cằn cỗi; có lẽ nó đã hiểu ra rằng nghiên cứu chuyên biệt các hình thức chẳng hề mâu thuẫn với những nguyên tắc cần thiết của tổng thể và của Lịch sử. Mà ngược lại là khác: một hệ thống càng được xác định chuyên biệt trong các hình thức của nó thì càng dễ thích ứng với cách phê bình lịch sử. Nhại lại một lời quen thuộc, tôi sẽ nói rằng chút ít chủ nghĩa hình thức khiến xa rời Lịch sử, nhưng chủ nghĩa hình thức nhiều nhiều lại đưa về gần Lịch sử. Còn thí dụ nào về loại phê bình tổng thể rõ rệt hơn là việc miêu tả có tính chất vừa hình thức vừa lịch sử, vừa ký hiệu học vừa tư tưởng học, về tính cách chí tôn trong cuốn Saint-Genet của Sartre? Trái lại điều nguy hiểm là xem các hình thức như những đối tượng mập mờ, nửa hình thức và nửa nội dung, là gán cho hình thức cái chất hình thức, như chẳng hạn Jdanov đã quan niệm về chủ nghĩa hiện thực. Ký hiệu học, đặt trong những giới hạn của nó, không phải là cái bẫy siêu hình học: nó là một khoa học trong số các khoa học khác, cần thiết nhưng không đủ. Điều quan trọng là phải thấy rằng lý giải một vấn đề không thể tiến hành bằng cách cắt bỏ hướng tiếp cận này hay hướng tiếp cận kia, mà phải bằng cách, như Engels* nói, phối hợp biện chứng các khoa học riêng biệt tham gia nghiên cứu. Đối với huyền thoại học cũng vậy: nó đồng thời thuộc về ký hiệu học với tư cách khoa học hình thức, và thuộc về tư tưởng học với tư cách khoa học lịch sử: nó nghiên cứu những tư-tưởng-dạng-hình-thức.*
Vậy tôi sẽ nhắc lại rằng mọi ký hiệu học đều có tiền đề là mối tương quan giữa hai vế, cái biểu đạt và cái được biểu đạt*. Mối tương quan ấy diễn ra trên những đối tượng thuộc các lĩnh vục khác nhau, và vì thế nó không phải là sự ngang bằng mà là sự tương đương, cần chú ý ở đây là trái với hoạt động ngôn ngữ thông thường cho tôi biết một cách đơn giản cái biểu đạt thể hiện cái được biểu đạt, trong mọi hệ thống ký hiệu học tôi phải tiến hành không phải với hai, mà là với ba vế khác nhau; bởi vì tôi nắm bắt đâu phải là từng vế, vế nọ sau vế kia, mà là mối quan hệ nối kết hai vế ấy với nhau: vậy là có cái biểu đạt, cái được biểu đạt và ký hiệu, ký hiệu là tổng liên kết của hai vế đầu. Chẳng hạn một bó hoa hồng: tôi để cho nó biểu đạt tình yêu say đắm của tôi. Vậy phải chăng ở đây chỉ có cái biểu đạt và cái được biểu đạt, những bông hoa hồng và tình yêu say đắm của tôi? Cũng không phải: nói cho đúng ra, ở đây chỉ có những bông hồng “thấm đượm tình yêu say đắm”. Nhưng trên bình diện phân tích, rõ ràng có ba vế; bởi vì những bông hồng chứa chất tình yêu say đắm hoàn toàn và chính đáng có thể phân tách ra thành những bông hồng và tình yêu say đắm: hai thứ đó tồn tại trước khi kết nối với nhau và tạo thành đối tượng thứ ba kia, đó là ký hiệu. Trên bình diện trải nghiệm, đúng vậy, tôi không thể tách những bông hồng ra khỏi thông điệp nó mang theo như thế nào, thì trên bình diện phân tích cũng thế, tôi không thể lẫn lộn những bông hồng với tư cách cái biểu đạt và những bông hồng với tư cách ký hiệu: cái biểu đạt thì trống rỗng, ký hiệu thì đầy ắp, nó là nghĩa*. Lại như một viên đá cuội đen: tôi có thể để cho nó biểu đạt theo nhiều cách, đó đơn giản chỉ là cái biểu đạt mà thôi; nhưng nếu tôi uỷ thác cho nó cái được biểu đạt nhất định (kết án tử hình, chẳng hạn, trong một cuộc bỏ phiếu kín), viên đá cuội ấy sẽ trở thành ký hiệu. Tất nhiên, giữa cái biểu đạt, cái được biểu đạt và ký hiệu có những quan hệ liên đới về mặt chức năng (như từ bộ phận đến toàn thể) hết sức chặt chẽ đến nỗi phân tích xem ra có thể chẳng đi đến đâu; nhưng lát nữa ta sẽ thấy rằng sự phân biệt ấy có tầm quan trọng hàng đầu để nghiên cứu huyền thoại như một dạng thức ký hiệu học.
Tất nhiên, ba vế ấy đều thuần tuý là hình thức, và người ta có thể gán cho chúng những nội dung khác nhau. Đây là vài thí dụ: đối với Saussure là người đã làm việc trên ngôn ngữ (langue)* là hệ thống ký hiệu đặc thù, nhưng tiêu biểu về mặt phương pháp, thì cái được biểu đạt là khái niệm, cái biểu đạt là hình ảnh âm thanh (thuộc lĩnh vực tâm lý) và mối tương quan của khái niệm và hình ảnh là ký hiệu (từ ngữ, chẳng hạn) hoặc thực thể cụ thể*. Đối với Freud*, như ta biết, tâm thần dày đặc những tương đương, những cái-giá-trị-như. Một vế (tôi tránh dành cho nó một vị thế ưu thắng) thì được tạo thành bởi nghĩa rõ rệt của hành vi, một vế khác thì bởi nghĩa tiềm ẩn hoặc nghĩa đen của hành vi ấy (chẳng hạn đó là cơ sở tiềm thức của giấc mơ); còn vế thứ ba, ở đây cũng là mối liên quan giữa hai vế trên: đó chính là giấc mơ, trong tổng thể của nó, là hành động lỡ dở hoặc chứng loạn thần kinh, được quan niệm như những thoả hiệp, những kiệm ước thực hiện nhờ sự kết nối giữa một hình thức (vế thứ nhất) với một chức năng có ý định (vế thứ hai), ở đây ta thấy là hết sức cần thiết phải phân biệt ký hiệu với cái biểu đạt: giấc mơ, đối với Freud, cũng chẳng phải cái gì rõ rệt hơn nội dung tiềm ẩn của nó, nó là mối liên quan về chức năng của hai vế. Rồi trong phê bình của Sartre (tôi sẽ chỉ tự giới hạn vào ba thí dụ quen biết ấy mà thôi), cái được biểu đạt được thiết lập bởi sự khủng hoảng từ cội nguồn của chủ thể (Baudelaire phải xa mẹ, Genet* bị kết tội ăn cắp); Văn chương với tư cách diễn ngôn tạo thành cái biểu đạt; và mối tương quan giữa khủng hoảng và diễn ngôn xác định tác phẩm, nó là sự biểu đạt. Tất nhiên, cái sơ đồ ba chiều ấy, dù hình thức bền vững thế nào đi nữa, vẫn không diễn ra theo cùng một cách: người ta nhắc đi nhắc lại xem ra cũng không thừa là ký hiệu học chỉ có tính thống nhất ở bình diện các hình thức, chứ không phải ở các nội dung; phạm vi của nó thì hạn chế, nó chỉ liên quan đến một ngôn ngữ (langage), nó chỉ biết đến một thao tác duy nhất: đọc hoặc giải mã.
Ta lại bắt gặp trong huyền thoại sơ đồ ba chiều mà tôi vừa nói đến: cái biểu đạt, cái được biểu đạt và ký hiệu. Nhưng huyền thoại là một hệ thống đặc thù ở chỗ nó được thiết lập từ một chuỗi ký hiệu tồn tại trước nó: đó là hệ thống ký hiệu thứ hai. Ký hiệu (nghĩa là tổng kết hợp của một khái niệm và một hình ảnh) trong hệ thống thứ nhất, chỉ trở thành cái biểu đạt trong hệ thống thứ hai mà thôi, cần phải nhắc lại ở đây rằng các chất liệu của ngôn từ huyền thoại (ngôn ngữ thực sự, ảnh chụp, tranh vẽ, áp phích, lễ thức, đồ vật, v.v.), dù lúc đầu rất khác nhau, và được huyền thoại nắm bắt lấy, đều quy về một chức năng biểu đạt thuần tuý: huyền thoại chỉ thấy ở các chất liệu ấy cùng một nguyên liệu mà thôi; chúng thống nhất với nhau ở chỗ tất cả rút lại chỉ là quy chế ngôn ngữ mà thôi. Dù đấy là viết bằng chữ hay viết bằng hình vẽ, huyền thoại chỉ muốn xem đó như một tổng các ký hiệu, một ký hiệu tổng quát, vế cuối cùng của chuỗi ký hiệu thứ nhất. Và chính vế cuối cùng ấy sẽ trở thành vế đầu tiên hoặc vế bộ phận của hệ thống mở rộng mà nó xây dựng nên. Tất cả diễn ra như thể huyền thoại xê dịch đi một nấc hệ thống hình thức của những sự biểu đạt ban đầu. Vì sự chuyển dịch ấy là chủ yếu để phân tích huyền thoại, nên tôi sẽ thể hiện nó theo cách dưới đây, tất nhiên việc sơ đồ hoá trên mặt giấy chỉ đơn giản để hình dung mà thôi:
*Bảng
Như ta thấy, trong huyền thoại có hai hệ thống ký hiệu, hệ thống nọ chèn lên hệ thống kia: một hệ thống ngôn ngữ (système linguistique), là ngôn ngừ (langue) (hoặc các phương thức thể hiện đặc thù của nó), mà tôi sẽ gọi là ngôn-ngữ-đối-tượng (langage-objet), bởi vì nó là ngôn ngữ (langage) mà huyền thoại nắm bắt lấy để xây dựng hệ thống của riêng mình; và bản thân huyền thoại, mà tôi sẽ gọi là siêu-ngôn-ngữ (méta-langage), bởi vì nó là một ngôn ngữ (langue) thứ hai, trong đó người ta nói về ngôn ngữ (langue) thứ nhất. Suy nghĩ về một siêu-ngôn-ngữ, nhà ký hiệu học chẳng còn phải băn khoăn về cấu tạo của ngôn-ngữ-đối-tượng, chẳng còn phải quan tâm đến chi tiết của dạng thức ngôn ngữ: họ sẽ chỉ cần biết đến vế tổng thể hoặc ký hiệu tổng quát, và chỉ trong chừng mực vế ấy tham gia vào huyền thoại. Đấy là lý do vì sao nhà ký hiệu học có cơ sở để xem xét chữ viết và hình ảnh cùng một cách như nhau: họ quan tâm đến chúng ở khía cạnh cả chữ viết và hình ảnh đều là những ký hiệu, chúng đều đến ngưỡng cửa của huyền thoại, đều được phú cho cùng một chức năng biểu đạt, chữ viết và hình ảnh cả hai đều là một ngôn-ngữ-đối-tượng.
Bây giờ là lúc đưa ra một hoặc hai thí dụ về ngôn từ huyền thoại. Tôi sẽ mượn thí dụ thứ nhất ở một nhận xét của Valéry*: tôi là học sinh lớp đệ ngũ một trường trung học Pháp; tôi mở quyển ngữ pháp tiếng La-tinh của tôi ra, và tôi đọc trong đó một câu, mượn của ésope* hoặc của Phèdre*: quia ego nominor leo. Tôi ngừng lại và tôi suy nghĩ: có sự mập mờ trong mệnh đề ấy. Một mặt, các từ ngữ ở đấy có nghĩa đơn giản: bởi vì tôi tên là sư tử. Và mặt khác, câu này ở đấy rõ ràng là để biểu đạt chuyện khác với tôi: trong khung cảnh câu này nói với tôi, một học sinh lớp đệ ngũ, rõ ràng là nó muốn bảo tôi: tớ là một thí dụ về ngữ pháp để minh hoạ quy tắc tương hợp của thuộc từ*. Tôi thậm chí còn buộc phải thừa nhận rằng câu ấy không hề biểu đạt với tôi cái nghĩa của nó, hầu như không muốn nói với tôi về con sư tử và về cái cách con vật ấy xưng danh; sự biểu đạt thực sự và cuối cùng của câu ấy là để tôi nhận thấy ở đó sự hiện diện mối tương hợp nào đấy của thuộc từ. Tôi kết luận trước mắt tôi là một hệ thống ký hiệu riêng biệt, mở rộng, bởi vì nó lan rộng sang ngôn ngữ (langue): đúng là có một cái biểu đạt, nhưng bản thân cái biểu đạt ấy được tạo thành bởi một tổng các ký hiệu, chỉ riêng cái biểu đạt ấy là hệ thống ký hiệu thứ nhất (tôi tên là sư tử). Ngoài ra, cấu trúc hình thức triển khai một cách đúng đắn: có cái được biểu đạt (tôi là một thí dụ về ngữ pháp) và có sự biểu đạt tổng quát, sự biểu đạt ấy chẳng phải cái gì khác hơn là mối quan hệ qua lại giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt; bởi vì cách xưng danh của con sư tử và thí dụ về ngữ pháp không đến với tôi một cách riêng rẽ.
Và bây giờ là một thí dụ khác: tôi đang ở tiệm hớt tóc, người ta đưa cho tôi tờ tạp chí Paris-Match. Trên trang bìa, một thanh niên da đen mặc bộ quân phục Pháp giơ tay chào kiểu nhà binh, đôi mắt ngước lên, chắc là đang hướng về một nếp của lá cờ tam tài. Đấy là nghĩa của hình ảnh. Nhưng dù ngây thơ hay không, tôi vẫn thấy rõ hình ảnh ấy biểu đạt điều gì với tôi: biểu đạt rằng nước Pháp là một Đế quốc lớn, rằng tất cả con dân của Pháp, không phân biệt màu da, đều phụng sự trung thành dưới lá cờ của Pháp, rằng chẳng có lời lẽ nào đáp lại bọn gièm pha cái gọi là chủ nghĩa thực dân tốt hơn là nhiệt tình của anh da đen kia phục vụ những kẻ bị coi là áp bức mình. Vậy trước mặt tôi lúc này bây giờ lại là một hệ thống ký hiệu gia tăng: có cái biểu đạt, bản thân nó đã được tạo thành bởi hệ thống ký hiệu trước (một anh lính da đen chào kiểu nhà binh Pháp); có cái được biểu đạt (ở đây là sự hỗn hợp có dụng ý giữa tính chất Pháp và tính chất nhà binh); và cuối cùng là có sự hiện diện của cái được biểu đạt thông qua cái biểu đạt.
Trước khi chuyển sang phân tích từng vế của hệ thống huyền thoại, nên thống nhất với nhau về hệ thống thuật ngữ. Như ta biết, bây giờ cái biểu đạt, trong huyền thoại có thể được xem xét từ hai quan điểm: như vế kết thúc của hệ thống ngôn ngữ, hoặc như vế khởi đầu của hệ thống huyền thoại: vậy ở đây cần phải có hai cái tên: trên bình diện ngôn ngữ (langue), nghĩa là như vế kết thúc của hệ thống thứ nhất, tôi sẽ gọi cái biểu đạt là nghĩa (tôi tên là sư tử, một người da đen chào theo kiểu nhà binh Pháp); trên bình diện huyền thoại, tôi sẽ gọi nó là hình thức. Đối với cái được biểu đạt, không có sự mập mờ nào, chúng ta sẽ cứ gọi nó là khái niệm. Vế thứ ba là mối quan hệ qua lại giữa hai vế đầu: trong hệ thống ngôn ngữ (langue), đó là ký hiệu; nhưng không thể nào dùng lại từ ngữ ấy mà tránh mập mờ, bởi vì trong huyền thoại (và đây chính là nét đặc thù chủ yếu của nó), cái biểu đạt đã được tạo thành bởi những ký hiệu của ngôn ngữ (langue). Tôi sẽ gọi vế thứ ba của huyền thoại là sự biểu đạt: từ này sử dụng ở đây càng thích hợp, vì sự thực là huyền thoại có chức năng kép: nó chỉ định và nó thông báo, nó giải thích và nó áp đặt.