Kẻ sử dụng bãi công
VẪN CÒN có những người cho rằng bãi công là chuyện bê bối: có nghĩa không những là một sai lầm, một tình trạng hỗn độn hoặc một tội lỗi, mà còn là một trọng tội về đạo đức, một hành động không thể tha thứ, theo họ hành động ấy làm rối loạn Tự nhiên. Không thể chấp nhận, bê bối, chướng tai gai mắt, một số độc giả của tờ Le Figaro nói về một cuộc bãi công mới đây như thế. Ngôn từ ấy đúng ra có từ thời Trung hưng và thể hiện tâm trạng sâu xa của thời đó; đấy là thời kỳ giai cấp tư sản mới nắm quyền chưa được bao lâu, đã tiến hành một thứ sáp nhập giữa Đạo lý và Tự nhiên, dùng cái nọ để bảo lãnh cho cái kia: e ngại phải tự nhiên hoá đạo lý, người ta liền đạo lý hoá Tự nhiên, người ta làm như đồng nhất lĩnh vực chính trị với lĩnh vực tự nhiên, và người ta hống hách tuyên bố kết luận là phi đạo lý tất cả những gì không chấp nhận các quy tắc cơ cấu của cái xã hội mà người ta có trách nhiệm bảo vệ. Dưới con mắt các quan chức của vua Charles X* cũng như của các độc giả tờ Le Figaro ngày nay, cuộc bãi công trước hết được xem như sự thách thức các quy định của lý trí được coi là đạo đức; bãi công, đó là “bất chấp thế giới”, nghĩa là vi phạm tính hợp pháp “tự nhiên” nhiều hơn là tính hợp pháp công dân, nghĩa là xâm phạm nền tảng triết học của xã hội tư sản là lương tri, sự hỗn hợp của đạo lý và lô-gích.
Bởi vì ở đây sự bê bối là từ cái phi lô-gích mà ra: cuộc bãi công là bê bối vì nó gây phiền hà cho chính những thứ chẳng liên quan gì đến nó. Chính là lý trí đau đớn và phẫn nộ: quan hệ nhân quả trực tiếp, máy móc, có thể nói là tính toán được, chúng ta đã thấy nó là nền tảng cái lô-gích tiểu tư sản trong những bài diễn văn của ông Poujade, quan hệ nhân quả ấy đã bị khuấy đảo: kết quả đã tản mát không sao hiểu nổi xa với nguyên nhân, nó thoát khỏi nguyên nhân, và chính đấy là điều không thể tha thứ, chướng tai gai mắt. Trái ngược với những gì người ta có thể nghĩ về các mơ mộng tiểu tư sản, giai cấp này có quan niệm độc đoán, dễ nổi nóng vô cùng về quan hệ nhân quả: cơ sở đạo lý của nó chẳng hề kỳ ảo, mà dựa trên lý tính. Chỉ có điều đây là tính duy lý thẳng đuỗn, chật hẹp, dựa trên mối tương quan có thể nói là về phương diện đo đếm giữa những nguyên nhân và các kết quả. Tính duy lý ấy hiển nhiên là không biết đến các chức năng phức tạp, không hình dung được sự lan toả xa xôi của những yếu tố quyết định, mối liên đới của các sự kiện, mà truyền thống duy vật đã hệ thống hoá dưới tên gọi cái tổng thể.
Sự bó hẹp các kết quả đòi hỏi phải chia các chức năng ra. Ta xem chừng có thể dễ dàng hình dung “mọi người” là liên đới với nhau: do vậy người ta đối lập không phải người với người, mà là đối lập người bãi công với kẻ sử dụng bãi công. Kẻ sử dụng bãi công (cũng gọi là người của đường phố, và tập hợp những người ấy có tên gọi trong trắng là quần chúng, ta đã thấy tất cả những từ đó trong ngôn ngữ của ông Macaigne), kẻ sử dụng bãi công là một nhân vật tưởng tượng, có thể nói là mang tính chất đại số học, nhờ vào kẻ đó có thể ngăn chặn sự phân tán lây lan các kết quả, và nắm chắc quan hệ nhân quả thu hẹp để rồi người ta sẽ có thể bàn bạc một cách êm thấm và có đạo lý về quan hệ nhân quả ấy. Bằng cách cắt ra từ thân phận chung của người lao động một cương vị riêng biệt, lý trí tư sản ngắt mạch quy trình xã hội và đòi xem xét con người như một thực thể riêng rẽ, có lợi cho mình, mà cuộc bãi công chính là để chứng tỏ chẳng có sự riêng rẽ: lý trí tư sản chống lại điều rõ ràng là chĩa vào nó. Vậy kẻ sử dụng bãi công, người của đường phố, người nộp thuế, nói trắng ra họ là các nhân vật, nghĩa là các diễn viên tuỳ theo nhu cầu mục đích được huy động vào những vai trò bề nổi, có sứ mệnh duy trì sự tách biệt mang tính bản chất giữa các tế bào xã hội, mà ta biết đấy vốn là nguyên tắc tư tưởng đầu tiên của cuộc Cách mạng tư sản.
Thực tế là chúng ta bắt gặp lại ở đây một nét thuộc cơ cấu của tâm tính phản động, đó là phân tán tập thể thành những cá nhân và phân tán cá nhân thành những bản thể. Kịch trường tư sản tiến hành đối với con người tâm lý ra sao, như đặt vào thế xung đột Lão già với Chàng trai trẻ, kẻ Bị cắm sừng với gã Nhân tình, nhà Tu hành với người Trần tục, các độc giả của tờ Le Figaro cũng tiến hành với con người xã hội như vậy: đối lập người bãi công với kẻ sử dụng bãi công, đó là biến thế giới thành kịch trường, rút từ con người tổng thể ra một diễn viên riêng biệt, và đem đối lập các diễn viên tuỳ tiện ấy trong sự dối trá làm ra vẻ như tin rằng bộ phận chỉ là sự thu nhỏ hoàn hảo của cái toàn thể.
Điều này thuộc một kỹ thuật huyễn hoặc chung là cố hết sức hình thức hoá tình trạng lộn xộn xã hội. Chẳng hạn, giai cấp tư sản bảo rằng họ chẳng cần biết trong cuộc bãi công ai đúng ai sai: sau khi đã sàng lọc các kết quả để tách riêng ra chỉ một kết quả nào liên quan đến nó, giai cấp tư sản muốn phớt lờ nguyên nhân: cuộc bãi công rút lại chỉ còn được xem như một sự cố riêng lẻ, một hiện tượng mà người ta lờ đi không lý giải cốt để thể hiện rõ hơn sự bê bối. Thế là người lao động trong các Công sở, người viên chức sẽ bị tách ra khỏi quần chúng cần lao, như thể tất cả quy chế hưởng lương của những người lao động ấy có thể nói là bị kéo về, bị gắn chặt và rồi bị thăng hoa ngay trên bề mặt chức nghiệp của họ. Sự thu mỏng thân phận xã hội nhằm vụ lợi ấy cho phép tránh né thực tế mà không rời bỏ ảo tưởng khoan khoái về một mối quan hệ nhân quả trực tiếp, nó sẽ chỉ bắt đầu khi nào giai cấp tư sản thấy thuận lợi triển khai: người công dân bỗng chốc thấy mình bị thu về chỉ còn là khái niệm thuần tuý kẻ sử dụng bãi công như thế nào thì những thanh niên Pháp có thể bị động viên một buổi sáng kia thức dậy thấy mình bay hơi, thăng hoa thành một bản thể quân sự thuần tuý, mà người ta sẽ làm ra vẻ đạo đức xem đấy như xuất phát điểm tự nhiên của lô-gích phổ quát: quy chế quân sự vậy là trở thành căn nguyên vô điều kiện của một quan hệ nhân quả mới, từ nay trở đi muốn đi ngược lên vượt ra ngoài mối quan hệ ấy là điều quái gở: việc phản bác quy chế ấy không bao giờ còn có thể là kết quả của mối quan hệ nhân quả chung và có trước (ý thức chính trị của công dân), mà chỉ có thể là sản phẩm của những biến cố xảy ra sau khi có quy trình nhân quả mới: theo quan điểm tư sản, một người lính từ chối lên đường chỉ có thể là việc làm của những kẻ kích động hoặc bê tha, như thể hành động ấy chẳng có những lý do rất tốt đẹp nào khác, chẳng qua chỉ là do ngớ ngẩn hoặc ác ý mà thôi, bởi vì rõ ràng sự phản bác một quy chế dứt khoát chỉ có thể tìm thấy gốc rễ và chất nuôi dưỡng trong một ý thức đứng tách ra khỏi quy chế ấy.
Đây là một tác hại mới của bản chất luận. Theo lô-gích tất nhiên, trước sự dối trá liên quan đến bản chất và bộ phận, cuộc bãi công xây dựng triển vọng và chân lý từ cái toàn thể. Nó biểu đạt rằng con người là tổng thể, rằng mọi chức năng của con người là liên đới với nhau, rằng các vai trò kẻ sử dụng bãi công, người đóng thuế hoặc quân nhân là những thành luỹ quá mong manh để chống lại với sự lây lan của các sự việc, và rằng trong xã hội tất cả đều liên quan đến tất cả. Khi phản bác rằng cuộc bãi công ấy gây phiền hà cho mình, giai cấp tư sản chứng tỏ sự gắn kết của các chức năng xã hội, mà mục đích của cuộc bãi công chính là biểu hiện sự gắn kết ấy: điều nghịch lý ở chỗ con người tiểu tư sản viện lẽ sự tách biệt của mình vốn là tự nhiên đúng vào lúc cuộc bãi công lại khiến họ thấy rành rành là họ phải lệ thuộc.