Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Trà Hoa Nữ

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Trà hoa nữ

NGƯỜI TA vẫn còn diễn, tôi không biết ở nơi nào trên thế giới, vở Trà hoa nữ* (và người ta mới diễn vở ấy thời gian gần đây ở Paris). Tình trạng vở kịch được hoan nghênh cảnh báo về một huyền thoại Tình yêu có lẽ vẫn còn kéo dài nữa, bởi vì sự tha hoá của Marguerite Gautier trước giai cấp các ông chủ về căn bản chẳng khác gì sự tha hoá của các phụ nữ tiểu tư sản ngày nay trong một thế giới cũng vẫn còn phân chia giai cấp.

Thế nhưng thực ra, huyền thoại trung tâm của Trà hoa nữ không phải là Tình yêu mà là Thừa nhận, Marguerite yêu để được thừa nhận, và vì thế nỗi dục vọng của nàng (theo nghĩa gắn với từ nguyên hơn là tình cảm) hoàn toàn đến từ người khác. Còn chàng Armand (con trai quan tổng giám thu) lại chứng tỏ tình yêu cổ điển, tư sản, kế thừa từ nền văn hoá bản thể chủ nghĩa và nó sẽ kéo dài trong các phân tích của Proust*: đó là một tình yêu chia tách, (tình yêu của ông chủ cuỗm con mồi; thứ tình yêu nội hiện chỉ thừa nhận thế giới từng lúc từng lúc và luôn luôn với ý thức bị tước đoạt, như thể thế giới xưa nay chỉ là mối đe doạ đánh cắp (các chuyện ghen tuông, bất hoà, hiểu lầm, lo lắng, xa cách, giận hờn, v.v.). Tình yêu của Marguerite thì hoàn toàn ngược lại. Thoạt tiên Marguerite đã xúc động vì cảm thấy mình được Armand thừa nhận, và nỗi đau khổ đối với nàng sau đó chỉ là thường xuyên nài nỉ sự thừa nhận ấy; chính vì thế sự hy sinh của nàng nghe theo lời ông Duval* khước từ Armand không hề thuộc về đạo đức (bất kể nói năng ra sao), nó có tính chất hiện sinh; nó chỉ là hệ quả lô-gích của tiền đề là sự thừa nhận, một phương sách cao hơn (cao hơn cả tình yêu) để được giới các ông chủ thừa nhận. Và nếu Marguerite che giấu sự hy sinh của nàng và khoác cho nó cái mặt nạ vô liêm sỉ, thì điều đó chỉ có thể xảy ra vào lúc lý lẽ thật sự trở thành Văn chương: con mắt nhìn thừa nhận của giới tư sản ở đây được chuyển sang cho độc giả, đến lượt mình độc giả thừa nhận Marguerite qua chính sự ngộ nhận của tình nhân nàng.

Như vậy là để nói rằng những ngộ nhận thúc đẩy các tình tiết ở đây không thuộc phạm trù tâm lý (ngay cả khi ngôn ngữ lại mang tính chất tâm lý một cách quá đáng): Armand và Marguerite không cùng một giới xã hội và giữa họ không thể có bi kịch kiểu Racine mà cũng chẳng thể có hài kịch kiểu Marivaux. Xung đột là ở bên ngoài: đây không phải là cùng một mối đam mê bị giằng xé, mà là hai dục vọng có bản chất khác nhau, bởi những dục vọng ấy xuất phát từ các môi trường xã hội khác nhau. Dục vọng của Armand, kiểu tư sản chiếm hữu ấy, theo định nghĩa là sát hại người khác; và dục vọng của Marguerite chỉ có thể tôn vinh nỗ lực nàng tiến hành để được thừa nhận bằng một sự hy sinh, hy sinh ấy đến lượt nó sẽ là sự sát hại gián tiếp dục vọng của Armand. Địa vị xã hội chênh lệch, lại gia tăng thêm bởi hai quan niệm về tình yêu đối lập nhau, chỉ có thể sinh ra ở đây một tình yêu không đi đến đâu, có thể nói cái chết của Marguerite (dù là ngọt ngào thế nào đi nữa ở trên sân khấu) chính là ký hiệu đại số của điều đó.

Các tình yêu khác nhau rõ ràng xuất phát từ đầu óc tỉnh táo khác nhau: Armand sống với tình yêu thực chất và lâu bền, Marguerite sống với ý thức về sự tha hoá của mình, nàng chỉ sống ở nàng mà thôi: nàng tự biết mình, và theo một nghĩa nào đó, nàng muốn mình là đàn bà đĩ thoã. Và ngay cả những cách cư xử thích nghi của nàng cũng hoàn toàn là cách cư xử thừa nhận: khi thì nàng lăn xả vào chịu đựng vai trò mình tự vạch ra, ngụp lặn trong vòng xoáy cổ điển của cuộc sống đĩ thoã (giống như các kẻ đồng tính luyến ái giơ mặt ra chịu đựng lẫn nhau), khi thì nàng tỏ rõ khả năng vượt qua nhằm để người ta thừa nhận lòng tận tuy hèn mọn hơn là thừa nhận một đức hạnh “tự nhiên”, như thể sự hy sinh của nàng trước đây không phải là để thể hiện việc sát hại ả giang hồ là nàng mà trái lại là để phô trương một gái giang hồ siêu đẳng, được ý thức tư sản mạnh mẽ tôn lên, mà bản thân nàng chẳng mất gì.

Vậy là ta thấy rõ rệt nội dung huyền thoại của tình yêu ấy, mẫu lý tưởng của tính đa cảm tiểu tư sản. Đó là một trạng thái rất đặc thù của huyền thoại, được xác định bởi óc sáng suốt nửa vời hay, chính xác hơn, óc sáng suốt ký sinh (đó cũng là óc sáng suốt người ta đã ghi nhận trong thực tại chiêm tinh). Marguerite biết sự tha hoá của mình, nghĩa là nàng thấy thực tại như một sự tha hoá. Nhưng nàng lại kéo dài sự hiểu biết ấy bằng những hành vi thuần tuý hèn hạ: hoặc là nàng đóng vai trò nhân vật mà các ông chủ chờ đợi ở nàng, hoặc là nàng cố tiếp nối một giá trị nội tại thật sự vào chính cái giới của những ông chủ kia. Trong cả hai trường hợp Marguerite trước sau vẫn chỉ là đầu óc sáng suốt bị tha hoá: nàng thấy mình đau khổ, nhưng không hình dung ra được bất cứ phương thuốc nào khác cho nỗi đau khổ của mình ngoài phương thuốc ký sinh: nàng biết mình chỉ là đồ vật, nhưng không nghĩ ra được chỗ bày nào khác ngoài bảo tàng của các ông chủ. Mặc dầu ý nghĩa kỳ cục, một nhân vật như thế vẫn phần nào giàu kịch tính: chắc chắn nhân vật đó không bi đát (định mệnh đè nặng lên Marguerite là định mệnh xã hội, chứ không phải định mệnh siêu hình), không hài hước (hành vi của Marguerite là do thân phận của nàng chứ không phải do bản chất của nàng), và tất nhiên cũng không cách mạng (Marguerite chẳng hề phê phán sự tha hoá của nàng). Nhưng có lẽ xét cho cùng chỉ thiếu chút nữa thì nó đạt tới kiểu nhân vật của Brecht, đối tượng bị tha hoá nhưng là nguồn gốc của phê phán. Nó khác, khác hẳn với kiểu nhân vật của Brecht ở tính thực chứng: Marguerite Gautier “gây xúc động” do căn bệnh ho lao và lời ăn tiếng nói của nàng, bôi nhem nhuốc cả công chúng khán giả, truyền cái mù quáng của mình sang công chúng: nếu ngốc nghếch nực cười, có thể nàng đã mở mắt cho khán giả tiểu tư sản. Nhưng lại biết ăn biết nói và cao quý, tóm lại là “nghiêm túc”, nên nàng chỉ ru ngủ họ mà thôi.

Chọn tập
Bình luận