Sự biểu đạt
TRONG ký hiệu học, vế thứ ba, như ta biết, chẳng phải cái gì khác, mà chỉ là sự kết hợp của hai vế đầu: đó là vế duy nhất cho ta thấy một cách trọn vẹn và đầy đủ, đó là vế duy nhất thực sự hoàn thành. Tôi đã gọi vế ấy là sự biểu đạt. Như ta thấy, sự biểu đạt chính là huyền thoại, hệt như ký hiệu của Saussure là từ ngữ (hay chính xác hơn là thực thể cụ thể). Nhưng trước khi nêu lên những đặc tính của sự biểu đạt, cần phải suy nghĩ một chút về cách thức nó sẽ diễn ra, nghĩa là về các phương thức liên kết giữa khái niệm và hình thức huyền thoại.
Thoạt tiên cần phải lưu ý rằng trong huyền thoại, hai vế đầu đều hoàn toàn rõ rệt (trái ngược với những gì diễn ra trong các hệ thống ký hiệu khác): vế này không “lẩn khuất” sau vế kia, cả hai vế đều được phô ra ở đây (chứ không phải vế này ở đây, vế nọ ở kia). Dù xem ra có vẻ hết sức ngược đời, nhưng huyền thoại chẳng che giấu gì hết: chức năng của nó là làm biến dạng, chứ không phải là làm biến mất. Chẳng có tiềm ẩn nào của khái niệm đối với hình thức: chẳng cần thiết phải dùng một cái vô thức mới giải thích được huyền thoại. Hiển nhiên là ta phải xử lý với hai kiểu biểu hiện khác nhau: sự hiện diện của hình thức là con chữ rành rành ra đấy, trực tiếp; hơn nữa, sự hiện diện ấy lại trải rộng. Điều đó liên quan – nhắc đi nhắc lại cũng không thừa – đến bản chất ngôn ngữ trước đó của cái biểu đạt huyền thoại: bởi lẽ cái biểu đạt huyền thoại được tạo thành bởi một nghĩa đã vạch sẵn, nó chỉ có thể diễn ra thông qua một chất liệu (còn trong ngôn ngữ, cái biểu đạt vẫn thuộc lĩnh vực tâm lý). Trong trường hợp huyền thoại thốt ra bằng lời nói, nó trải rộng theo tuyến tính (bởi vì tôi tên là sư tử); trong trường hợp huyền thoại nhìn thấy bằng mắt, sự trải rộng ấy là đa chiều (ở trung tâm là bộ quân phục của anh da đen, phía trên là màu đen của bộ mặt anh, bên trái là cánh tay chào kiểu nhà binh, v.v.). Những yếu tố hình thức vậy là có các mối tương quan về vị trí, về liền kề nhau: hình thức hiện diện theo phương thức trải rộng trong không gian. Trái lại, khái niệm hiện ra một cách tổng thể, nó là cái gì đấy mù mờ, là tri thức ngưng kết ít nhiều mơ hồ. Các yếu tố của nó được nối kết với nhau bằng những mối tương quan liên tưởng: nó được gia cố không phải bằng trải rộng mà bằng độ dày (tuy rằng cái ẩn dụ ấy có lẽ vẫn còn mang quá rõ tính chất không gian): phương thức hiện diện của nó là thuộc ký ức.
Mối tương quan chủ yếu nối kết khái niệm của huyền thoại với nghĩa là mối tương quan biến dạng. Ta bắt gặp lại ở đây tính chất tương tự nào đấy về hình thức với hệ thống ký hiệu phức tạp như hệ thống ký hiệu của phân tâm học. Nếu như theo Freud, nghĩa tiềm ẩn của hành vi làm biến dạng nghĩa hiển hiện của nó, thì trong huyền thoại, khái niệm làm biến dạng nghĩa. Tất nhiên, sự biến dạng ấy chỉ có thể xảy ra bởi lẽ hình thức của huyền thoại đã được tạo thành bởi một nghĩa ngôn ngữ. Trong hệ thống đơn giản như ngôn ngữ (langue), cái được biểu đạt không thể làm biến dạng gì hết, bởi vì cái biểu đạt, trống rỗng, tuỳ tiện, chẳng hề cản trở nó chút nào. Nhưng ở đây, tất cả đều khác: cái biểu đạt dường như có hai mặt: một mặt đầy ắp là nghĩa (chuyện con sư tử, chuyện anh lính da đen), và một mặt trống rỗng là hình thức (bởi vì, tôi, tôi tên là sư tử; anh-lính-Pháp-da-đen-chào-lá-cờ-tam-tài). Rõ ràng khái niệm làm biến dạng là làm biến dạng mặt đầy ắp, làm biến dạng nghĩa: con sư tử và anh da đen bị tước mất câu chuyện, bị chuyển đổi thành các động tác. Tính chất thí dụ về tiếng La-tinh làm biến dạng việc xưng danh của con sư tử trong hoàn cảnh xảy ra cụ thể; và tính chất đế quốc Pháp cũng làm nhoè đi ngôn ngữ đầu tiên là câu chuyện kể với tôi sự việc anh lính da đen chào cờ. Nhưng sự biến dạng ấy không phải là việc huỷ bỏ: con sư tử và anh da đen vẫn còn đấy, khái niệm cần đến chúng: người ta cắt xén chúng đi một nửa, người ta làm lãng quên chúng, chứ không lấy đi sự tồn tại của chúng: chúng đồng thời vừa bướng bỉnh, lặng lẽ bám rễ, vừa ba hoa, hoàn toàn sẵn sàng nói giúp cho khái niệm. Khái niệm, nói thật chính xác, làm biến dạng nhưng không huỷ bỏ nghĩa: một từ ngữ sẽ diễn tả được tính chất mâu thuẫn ấy: nó tha hoá nghĩa.
Đó là vì cần phải luôn luôn nhớ rằng huyền thoại là hệ thống kép, ở nó diễn ra một thứ biến tại*: điểm đến của nghĩa là điểm xuất phát của huyền thoại. Lại sử dụng ẩn dụ về không gian mà tôi đã nhấn mạnh tính chất phỏng chừng, tôi sẽ nói rằng sự biểu đạt của huyền thoại được tạo thành bởi một thứ cửa quay không ngừng luân phiên giữa nghĩa của cái biểu đạt và hình thức của nó, giữa ngôn-ngữ-đối-tượng và siêu-ngôn-ngữ, giữa ý thức thuần tuý biểu đạt và ý thức thuần tuý gợi hình ảnh; tính chất luân phiên này có thể nói là được khái niệm thu lượm, khái niệm sử dụng nó như cái biểu đạt nhập nhằng, đồng thời vừa trí năng, vừa tưởng tượng, vừa tuỳ tiện vừa tự nhiên.
Tôi không muốn ước đoán những liên can về tinh thần đối với một cơ chế như thế, nhưng tôi chẳng đi trệch ra ngoài sự phân tích khách quan nếu tôi lưu ý mọi người rằng tính chất biến tại của cái biểu đạt trong huyền thoại tái hiện hết sức chính xác hình thái của ngoại hiện* (ta biết rằng từ này là một thuật ngữ mang tính không gian); trong ngoại hiện cũng vậy, có một nơi đầy ắp và một nơi trống rỗng, nối với nhau bằng một mối tương quan phủ định (“tôi không có mặt ở nơi mà ông tưởng là tôi có mặt; tôi có mặt ở nơi mà ông tưởng là tôi không có mặt”). Nhưng trạng thái ngoại hiện thông thường (liên quan đến cảnh sát điều tra chẳng hạn) có một vế là cái thực tế, ở một thời điểm nào đấy, ngăn không cho nó xoay chiều. Huyền thoại là một giá trị, nó không có chân lý để phê chuẩn; chẳng gì ngăn cản nó là một tình trạng ngoại hiện vĩnh viễn: nó chỉ cần cái biểu đạt của nó có hai mặt là đủ để luôn luôn có một cái khác: nghĩa luôn luôn ở đấy để hiện diện hình thức; hình thức luôn luôn có đấy để giãn cách nghĩa ra. Và chẳng bao giờ có mâu thuẫn, xung đột, tan vỡ giữa nghĩa và hình thức: chúng chẳng bao giờ có mặt ở cùng một điểm. Cũng theo cách ấy, nếu tôi đi trên xe ô tô và tôi nhìn phong cảnh qua tấm kính, tôi có thể tuỳ ý thích nghi với phong cảnh hoặc với tấm kính: khi thì tôi nắm bắt sự hiện diện của tấm kính và khoảng cách xa với phong cảnh; khi thì ngược lại tôi thấy tấm kính trong suốt và phong cảnh hiển hiện; nhưng kết quả của sự luân phiên ấy sẽ vẫn ổn định: tấm kính đối với tôi sẽ đồng thời vừa hiện hữu vừa trống rỗng, phong cảnh đối với tôi sẽ đồng thời vừa không thực vừa đầy ắp. Cái biểu đạt của huyền thoại cũng thế: hình thức ở đấy trống rỗng mà hiện hữu; nghĩa ở đấy vắng bóng thế nhưng lại đầy ắp. Tôi sẽ chỉ có thể ngạc nhiên về mâu thuẫn ấy nếu tôi cố tình dừng lại cái cửa quay luân phiên hình thức và nghĩa, nếu tôi thích nghi với một trong hai thứ đó như với đối tượng này phân biệt với đối tượng kia, và nếu tôi áp dụng vào huyền thoại biện pháp giải mã tĩnh tại, nói ngắn gọn nếu tôi đi ngược lại tính chất năng động đặc thù của nó: tóm lại, nếu tôi chuyển từ tư cách độc giả huyền thoại sang tư cách nhà huyền thoại học.
Vẫn tính hai mặt ấy của cái biểu đạt sẽ quyết định những tính chất của sự biểu đạt. Từ nay ta đã biết rằng huyền thoại là ngôn từ căn bản được xác lập bởi ý định của nó (tôi là một thí dụ về ngữ pháp) hơn là bởi chữ nghĩa của nó (tôi tên là sư tử); thế mà ta cũng biết rằng ý định ở đây có thể nói là được cô kết, được thanh khiết, được thành vĩnh viễn, được lẩn khuất đi nhờ chữ nghĩa. (Đế quốc Pháp ư? Nhưng đơn giản chỉ là một sự việc: đấy là anh da đen trung hậu chào cờ như một chàng trai ở đất nước chúng ta). Tính chất nhập nhằng thuộc cơ cấu ấy của ngôn từ huyền thoại sẽ có hai hệ quả đối với ý nghĩa biểu đạt: nó sẽ đồng thời vừa như sự thông báo vừa như sự ghi nhận.
Huyền thoại có tính chất đòi hỏi, căn vặn: xuất phát từ một khái niệm lịch sử cụ thể, trực tiếp nổi lên từ chuyện xảy ra ngẫu nhiên (một buổi học tiếng La-tinh, Đế quốc bị đe doạ), huyền thoại chính là tìm đến với tôi: nó hướng về tôi, tôi hứng chịu sức mạnh ý định của nó, nó thúc tôi phải tiếp nhận tính chất nhập nhằng lan rộng của nó. Giả dụ nếu tôi đi dạo chơi ở xứ Basque bên Tây Ban Nha*, chắc là tôi có thể nhận ra kiến trúc thống nhất, phong cách chung của các ngôi nhà, khiến tôi phải thừa nhận nhà xứ Basque như một sản phẩm dân tộc nhất định. Tuy nhiên tôi chẳng cảm thấy bản thân mình có liên quan, mà có thể nói cũng không cảm thấy sững sờ trước phong cách thống nhất ấy: tôi chỉ thấy rành rành là nó đã ở đấy trước cả tôi, không có tôi; đó là một sản phẩm phức tạp với những xác định ở bình diện lịch sử rộng lớn: nó không gọi tôi, nó không thôi thúc tôi gọi tên nó, trừ phi tôi nghĩ đến chuyện đưa nó vào bức tranh rộng lớn về điều kiện cư trú ở nông thôn. Nhưng nếu tôi ở vùng Paris và tôi thấy ở đầu phố Gambetta hoặc phố Jean-Jaurès một ngôi nhà gỗ trắng xinh xắn, lợp ngói đỏ, với những vách gỗ màu nâu, những vạt mái nhà không đối xứng và mặt tiền đóng cừ rộng cho đất khỏi lở, tôi dường như thấy bản thân mình được tha thiết chào mời gọi tên đối tượng ấy là nhà gỗ xứ Basque: hơn nữa còn nhìn thấy ở đó cả bản chất của tính cách Basque*. Đó là vì ở đây, khái niệm hiển hiện ra trong tôi hết sức mạnh mẽ: nó tìm đến tôi để buộc tôi phải thừa nhận hệ thống ý định khiến ngôi nhà có mặt ở đấy như tín hiệu của một câu chuyện cá nhân, như chuyện tâm tình và như sự thông đồng: đó thật sự là lời các chủ nhân ngôi nhà gỗ mời gọi tôi. Và để cho thúc bách hơn, lời mời gọi ấy đã chấp nhận tước bỏ làm nghèo đi hết: tất cả những gì chứng tỏ ngôi nhà xứ Basque về mặt công nghệ như vựa lúa, cầu thang bên ngoài, chuồng bồ câu v.v., tất cả những thứ đó đều rơi rụng: chỉ còn lại một tín hiệu ngắn gọn, hiển nhiên. Và tôi da diết đến mức cứ tưởng như ngôi nhà gỗ ấy vừa được tạo dựng tức thì, cho tôi, như một vật thần kỳ xuất hiện trong hiện tại của tôi không vương chút nào dấu vết của lịch sử đã sản sinh ra nó.
Bởi vì lời nói căn vặn ấy đồng thời cũng là lời nói ngưng kết: vào thời điểm tác động đến tôi, nó chững lại, quay tròn quanh bản thân nó và bắt kịp tính chất khái quát: nó đờ ra, nó hoá trắng ra, nó thành vô can. Sự lấn át của khái niệm lại bất chợt bị cái nghĩa cụ thể đẩy lùi ra xa. ở đây có cái gì như sự nghị án*, vừa theo nghĩa thực tế, vừa theo nghĩa luật pháp của thuật ngữ này: tính chất đế quốc Pháp buộc anh da đen chào cờ chỉ là một công cụ biểu đạt, anh da đen căn vặn tôi nhân danh tính chất đế quốc Pháp; nhưng cùng lúc đó, hành động chào cờ của anh da đen đặc quánh, trong suốt, sững lại thành lý do dai dẳng nhằm thiết lập tính chất đế quốc Pháp. Trên bề mặt của ngôn ngữ, có cái gì đó không động đậy nữa: việc sử dụng sự biểu đạt là đấy, nấp sau sự việc, truyền cho sự việc dáng dấp thông báo; nhưng đồng thời sự việc làm tê liệt ý định, khiến ý định như ngượng nghịu vì bất động: để cho ý định được vô can, sự việc làm nó đông cứng lại. Chính vì huyền thoại là một ngôn từ bị đánh cắp và được hoàn trả. Duy có điều ngôn từ người ta trả lại không còn hoàn toàn là ngôn từ người ta đã đánh cắp: khi trả lại, người ta không đặt nó về đúng vị trí của nó. Chính sự đánh cắp lén ấy, cái thời điểm gian lận thoáng qua ấy tạo nên dáng vẻ sững lại của ngôn từ huyền thoại.
Còn một yếu tố cuối cùng của sự biểu đạt phải xem xét: đấy là lý do khơi gợi nó. Ta biết rằng trong ngôn ngữ (langue), ký hiệu là võ đoán: chẳng có gì “đương nhiên” bắt buộc hình ảnh âm thanh cây biểu đạt khái niệm cây: ký hiệu ở đây là không có lý do khơi gợi. Tuy nhiên tính chất tuỳ tiện này có những giới hạn bắt nguồn từ các mối quan hệ kết hợp của từ ngữ: ngôn ngữ có thể sản sinh ra cả một mảnh của ký hiệu do tương tự với những ký hiệu khác (chẳng hạn người ta nói aimable, chứ không nói amable, do tương tự với aime*). Còn sự biểu đạt huyền thoại chẳng bao giờ hoàn toàn tuỳ tiện, nó luôn luôn phần nào có lý do khơi gợi, nó dứt khoát chứa đựng một phần tương tự. Để tính chất thí dụ về ngữ pháp tiếng La-tinh bắt gặp việc xưng danh của con sư tử, cần phải có yếu tố y hệt là sự tương hợp của thuộc ngữ; để cho tính chất đế quốc Pháp nắm bắt anh da đen chào cờ, cần phải có sự y hệt giữa hành động chào cờ của anh da đen và hành động chào cờ của người lính Pháp. Lý do khơi gợi là cần thiết ngay đối với tính chất hai mặt của huyền thoại, huyền thoại diễn ra ở chỗ nghĩa và hình thức tương tự nhau: chẳng có huyền thoại nào mà không gắn với hình thức là lý do khơi gợi*. Muốn hiểu được sức mạnh lý do khơi gợi của huyền thoại, chỉ cần ngẫm nghĩ đôi chút về một trường hợp cực đoan: trước mặt tôi là một sưu tập những đồ vật hết sức hỗn độn mà tôi không thể tìm thấy chúng có một nghĩa nào cả; dường như ở đây vì thiếu một nghĩa cho trước nên hình thức không thể bám rễ sự tương tự của nó vào đâu cả, và dường như không thể có huyền thoại. Nhưng hình thức vẫn cứ luôn có cái để ta đọc, đó là chính sự hỗn độn: hình thức ấy có thể biểu đạt cái phi lý, làm cho cái phi lý trở thành huyền thoại. Đấy chính là điều xảy ra, chẳng hạn, khi lương tri thông thường huyền thoại hoá chủ nghĩa siêu thực: ngay cả khi không có lý do khơi gợi, huyền thoại cũng chẳng hề bối rối; bởi chính sự thiếu vắng ấy cũng sẽ được khách quan hoá đầy đủ để trở thành đọc được: và cuối cùng không có lý do khơi gợi cũng lại là lý do khơi gợi khác, và thế là huyền thoại sẽ được tái lập.
Dứt khoát là phải có lý do khơi gợi. Song lý do khơi gợi cũng hết sức vụn vặt. Trước hết, nó không “đương nhiên”: chính lịch sử cung cấp cho hình thức những tương tự. Mặt khác, sự tương tự giữa nghĩa và khái niệm chỉ là từng phần: hình thức đã để rơi nhiều điểm tương tự và chỉ giữ lại một vài điểm: nó chỉ giữ lại cái mái nghiêng nghiêng, những chiếc xà bên ngoài của ngôi nhà gỗ xứ Basque, nó loại bỏ cầu thang, vựa lúa, lớp rêu phong v.v.. Thậm chí cần phải đi xa hơn: một hình ảnh tổng thể chắc sẽ loại bỏ huyền thoại, hay ít ra sẽ buộc nó chỉ nắm bắt hình ảnh ở dạng tổng thể mà thôi: đây chính là trường hợp của thứ hội hoạ dở, hoàn toàn xây dựng trên huyền thoại về cái “đầy ắp” và cái “hoàn chỉnh” (đó là trường hợp ngược lại nhưng đối xứng với huyền thoại về cái phi lý: trong trường hợp này hình thức huyền thoại hoá sự “thiếu vắng”; ở trường hợp kia nó huyền thoại hoá sự dư thừa). Nhưng nói chung, huyền thoại thích ứng hơn với những hình ảnh nghèo nàn, không trọn vẹn, ở đó nghĩa đã được gột rửa sạch dầu mỡ, hoàn toàn sẵn sàng cho sự biểu đạt: các biếm hoạ, các mô phỏng, các biểu tượng v.v.. Cuối cùng lý do khơi gợi được lựa chọn trong số những khả năng khác có thể có: tôi có thể chọn cho tính chất đế quốc Pháp nhiều cái biểu đạt khác chứ không phải hình ảnh anh da đen chào cờ theo kiểu nhà binh: một tướng Pháp gắn huy chương cho anh lính cụt tay người Xênêgan, một bà xơ đưa bát thuốc cho bệnh nhân người Angiêri nằm liệt giường, một giáo viên da trắng giảng bài cho những chú nhóc da đen đang chăm chú nghe: báo chí hết ngày này qua ngày khác phụ trách việc chứng minh kho dự trữ những cái biểu đạt huyền thoại chẳng bao giờ cạn kiệt.
Ngoài ra có sự so sánh sẽ cho ta thấy rõ sự biểu đạt huyền thoại: nó tuỳ tiện chẳng hơn chẳng kém văn tự tượng hình. Huyền thoại là hệ thống văn tự tượng hình thuần tuý, ở đấy các hình thức vẫn có lý do khơi gợi từ khái niệm chúng muốn thể hiện, song chúng không hề, thậm chí còn xa mới phủ kín toàn bộ sự thể hiện ấy. Và nếu như về phương diện lịch sử văn tự tượng hình dần dần rời bỏ khái niệm để kết hợp với âm thanh, do đó càng ngày càng chẳng có lý do thôi thúc, thì cũng thế huyền thoại dùng mãi thành mòn, điều này thấy rõ ở sự biểu đạt mang tính võ đoán: toàn bộ Molière trong một chiếc cổ áo xếp nếp của thầy thuốc.