Huyền thoại là ngôn từ phi chính trị hoá
VÀ THẾ LÀ ở đây ta gặp lại huyền thoại. Ký hiệu học đã cho chúng ta biết rằng huyền thoại lãnh trách nhiệm biến ý định lịch sử thành bản chất tự nhiên, biến cái ngẫu nhiên thành muôn thuở. Vả chăng đường đi nước bước ấy chính là đường đi nước bước của hệ tư tưởng tư sản. Nếu xã hội của chúng ta khách quan mà nói là môi trường ưu đãi của những sự biểu đạt huyền thoại, chính vì huyền thoại về mặt hình thức là công cụ thích hợp nhất cho việc đảo ngược hệ tư tưởng đặc trưng của xã hội ấy: trên tất cả các bình diện của giao tiếp giữa người với người, huyền thoại triển khai đảo ngược cái anti-physis thành cái pseudo-physis.
Thế giới cung cấp cho huyền thoại là cung cấp một thực tế lịch sử, được xác định, cho dù phải ngược thời gian xa xưa đến mấy, bởi cách mà con người sản sinh ra hoặc sử dụng nó; và huyền thoại khôi phục là khôi phục một hình ảnh tự nhiên của thực tế ấy. Và hệt như hệ tư tưởng tư sản được xác định bởi sự rũ bỏ danh tính tư sản, huyền thoại được tạo thành bởi sự vứt hết tính chất lịch sử của các sự vật: các sự vật trong huyền thoại mất đi ký ức chúng được chế tạo ra sao. Thế giới đi vào ngôn ngữ như một tương quan biện chứng giữa các hoạt động, các hành vi của con người: nó từ huyền thoại đi ra như một bức tranh hài hoà của các bản chất. Một trò ảo thuật đã diễn ra, nó đã lật ngược thực tế, đã rút hết của thực tế chất lịch sử, và đã đổ đầy vào đấy bản chất tự nhiên, nó đã tước đi ở các sự vật cái nghĩa con người của chúng để làm cho chúng biểu đạt cái vô nghĩa lý của con người. Chức năng của huyền thoại là tống khứ hiện thực ra: huyền thoại, theo đúng nghĩa, là sự tháo chảy không ngừng, sự xuất huyết, hoặc có thể nói, sự bay hơi, tóm lại là sự thiếu vắng ta cảm nhận thấy được.
Bây giờ có thể bổ sung định nghĩa huyền thoại về phương diện ký hiệu học trong xã hội tư sản: huyền thoại là một ngôn từ phi chính trị hoá. Tất nhiên cần phải hiểu chính trị theo nghĩa sâu xa là tổng thể các mối quan hệ giữa người với người trong cấu trúc hiện thực, xã hội của chúng, trong quyền lực tạo lập thế giới của chúng; nhất là cần phải cho tiền tố* phi một giá trị năng động: nó thể hiện ở đây một thao tác, nó không ngừng thực tại hoá sự rũ bỏ. Trong trường hợp anh lính da đen, chẳng hạn, chắc chắn không phải là tính chất đế quốc Pháp bị tống khứ (hoàn toàn ngược lại, cần phải để tính chất ấy hiện diện); mà bị tống khứ là tính chất ngẫu nhiên, lịch sử, nói tóm lại là được tạo ra, của chủ nghĩa thực dân. Huyền thoại không phủ nhận các sự vật, chức năng của nó trái lại là nói về các sự vật ấy; chỉ có điều nó thanh lọc chúng, biện bạch cho chúng, biến chúng thành bản chất tự nhiên và thành vĩnh hằng, nó đem lại cho chúng không phải là nhận thức bằng lý giải, mà là nhận thức bằng ghi nhận: nếu tôi ghi nhận tính chất đế quốc Pháp mà không giải thích nó, thì coi như tôi thấy nó là tự nhiên, là vốn dĩ như thế: vậy là tôi yên tâm. Bằng cách chuyển từ lịch sử sang bản chất tự nhiên, huyền thoại tiết kiệm được: nó thủ tiêu tính phức tạp của các hành vi con người, đem đến cho chúng cái đơn giản của các bản chất, nó huỷ bỏ mọi phép biện chứng, mọi chuyện băn khoăn những gì diễn ra ở bên kia cái nhãn tiền, nó tổ chức một thế giới không có mâu thuẫn, bởi vì không có chiều sâu, một thế giới trải rành rành ra đấy, nó thiết lập một nhận thức dễ dãi: các sự vật có vẻ như tự bản thân chúng biểu đạt mà thôi*.
Nhưng sao, huyền thoại luôn luôn là ngôn từ phi chính trị hoá ư? Nói cách khác, hiện thực luôn luôn là có tính chính trị ư? Chỉ cần nói về sự vật một cách tự nhiên là đủ để cho nó mang tính huyền thoại ư? Có lẽ ta có thể trả lời theo Marx rằng đối tượng tự nhiên nhất vẫn chứa đựng một dấu vết chính trị, dù mờ nhạt, dù thấp thoáng thế nào đi nữa, đó là sự hiện diện ít nhiều đáng ghi nhớ của hành vi con người đã làm ra, đã sắp xếp, đã sử dụng, đã chinh phục hoặc đã quẳng nó đi*. Dấu vết ấy, ngôn-ngữ-đối-tượng, nó nói lên các sự vật, có thể bộc lộ một cách dễ dàng, siêu-ngôn-ngữ, nó nói về các sự vật, bộc lộ khó hơn nhiều. Thế mà huyền thoại luôn luôn thuộc siêu-ngôn-ngữ: nó thường xen vào tiến hành phi chính trị hoá trên cái nền đã được tự nhiên hoá, được phi chính trị hoá bởi một siêu-ngôn-ngữ chung, siêu-ngôn-ngữ ấy được dựng lên để ca hát các sự vật, chứ tuyệt nhiên không phải để tác động đến chúng: chính vì thế sức mạnh cần thiết để huyền thoại làm biến dạng đối tượng của nó sẽ ít hơn nhiều trong trường hợp một cái cây so với trường hợp một người Xuđăng: trong trường hợp sau, dấu vết chính trị liền sát ngay đấy, cần phải có một lượng lớn bản chất tự nhiên giả tạo để làm nó bay hơi đi; ở trường hợp trước, dấu vết ấy xa xôi, bị thanh lọc bởi cả bề dày siêu-ngôn-ngữ lâu đời. Vậy là có những huyền thoại mạnh và những huyền thoại yếu; trong trường hợp thứ nhất, lượng chính trị là trực tiếp, sự phi chính trị hoá là bất ngờ; trong trường hợp thứ hai, tính chất chính trị của đối tượng đã nhạt đi, như màu sắc, nhưng chỉ một chút gì đó có thể làm cho nó đột nhiên mạnh lên: có gì tự nhiên hơn là biển? Và có gì “chính trị” hơn là biển được các nhà làm phim “Lục địa bị đánh mất” ca ngợi?*
Thực ra, siêu-ngôn-ngữ tạo cho huyền thoại một thứ dự trữ. Quan hệ của mọi người với huyền thoại không phải là về phương diện chân lý, mà là về phương diện sử dụng. Họ phi chính trị hoá tuỳ theo nhu cầu của mình; có những đối tượng huyền thoại bị bỏ mặc lơ mơ một thời gian; khi ấy chúng chỉ là những dạng thức huyền thoại thấp thoáng, chính trị có vẻ hầu như dửng dưng. Nhưng đó chỉ là cơ hội tình thế, chứ không phải là khác biệt về cấu trúc. Đấy là trường hợp thí dụ của chúng tôi về ngữ pháp tiếng La-tinh. Cần phải lưu ý rằng ở đây ngôn từ huyền thoại tác động lên một chất liệu đã được biến đổi từ lâu: câu của ésope thuộc lĩnh vực văn chương, ngay từ đầu nó đã được huyền thoại hoá (vậy là đã được vô can) bởi hư cấu. Nhưng chỉ cần đặt lại trong chốc lát cái vế mở đầu của chuỗi vào bản chất ngôn ngữ-đối tượng của nó, là đủ thấy được mức độ hiện thực bị huyền thoại tống khứ đến đâu: ta cứ hình dung những tình cảm của xã hội loài vật thực sự, xã hội ấy được biến đổi thành thí dụ về ngữ pháp, thành bản chất thuộc tính. Muốn đánh giá dung lượng chính trị của một đối tượng và cái trống rỗng huyền thoại gắn với nó, không bao giờ được đứng từ điểm nhìn của sự biểu đạt, mà phải là từ điểm nhìn của cái biểu đạt, nghĩa là từ sự vật bị đánh cắp, và trong cái biểu đạt, phải là từ ngôn ngữ-đối tượng, nghĩa là từ nghĩa: chẳng nghi ngờ gì nếu ta hỏi ý kiến một con sư tử thật sự, nó sẽ khẳng định rằng thí dụ về ngữ pháp là trạng thái hết sức phi chính trị hoá, nó sẽ yêu sách pháp luật mang tính chính trị đầy đủ giải quyết để một con mồi thuộc về nó bởi vì nó là khoẻ nhất, trừ phi đấy là một con sư tử tư sản nó thế nào cũng sẽ huyền thoại hoá sức mạnh của nó bằng cách xem đấy là một nghĩa vụ.
Người ta thấy rõ ở đây huyền thoại chẳng có sắc thái chính trị là do hoàn cảnh của nó. Huyền thoại, như chúng ta biết, là một giá trị: chỉ cần thay đổi bối cảnh của huyền thoại, thay đổi hệ thống chung (và mong manh) trong đó có huyền thoại, là đủ thấy được sát sao nhất tầm vóc của nó. Phạm vi của huyền thoại ở đây thu về lớp đệ ngũ của một trường trung học Pháp. Nhưng tôi cho rằng một đứa trẻ bị cuốn hút bởi chuyện con sư tử, con bê và con bò cái và tưởng tượng trong đầu cảnh hiện thực của những con vật ấy, chắc sẽ không dễ dàng như chúng ta nhận thấy con sư tử đó mất tăm vì đã biến thành thuộc từ. Thực vậy, nếu chúng ta nhận xét huyền thoại ấy chẳng có sắc thái chính trị, đơn giản chỉ vì nó không phải được tạo ra cho chúng ta.