Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Đọc Và Giải Mã Huyền Thoại

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Đọc và giải mã huyền thoại

HUYỀN THOẠI được tiếp nhận như thế nào? Ở đây một lần nữa phải trở về với tính chất hai mặt trong cái biểu đạt của huyền thoại, vừa là nghĩa vừa là hình thức. Tuỳ theo xem xét trên cơ sở mặt này hay mặt kia hoặc cả hai mặt cùng một lúc, tôi sẽ tạo ra ba kiểu đọc khác nhau*.

Nếu tôi vận dụng trên cơ sở quan niệm cái biểu đạt trống rỗng, tôi sẽ để cho khái niệm lấp đầy hình thức của huyền thoại chẳng lưỡng lự gì, và thế là tôi lại đứng trước một hệ thống đơn giản, trong đó sự biểu đạt lại trở thành nghĩa đen: anh da đen chào cờ là một thí dụ về tính chất đế quốc Pháp, anh ta là biểu tượng của tính chất đế quốc ấy. Đó là cách vận dụng, chẳng hạn, của người tạo ra huyền thoại, của biên tập viên báo chí xuất phát từ một khái niệm và tìm cho nó một hình thức*.

Nếu tôi vận dụng trên cơ sở quan niệm cái biểu đạt đầy ắp, trong đó tôi phân biệt rõ ràng nghĩa với hình thức, và từ đấy thấy rõ hình thức làm biến dạng nghĩa ra sao, tôi tháo dỡ sự biểu đạt của huyền thoại, tôi tiếp nhận huyền thoại như sự lừa bịp: anh da đen chào cờ trở thành ngoại hiện của tính chất đế quốc Pháp. Đây là kiểu vận dụng của nhà huyền thoại học: ông ta giải mã huyền thoại, ông ta thấu hiểu sự biến dạng.

Cuối cùng, nếu tôi vận dụng trên cơ sở quan niệm cái biểu đạt của huyền thoại như một tổng thể không thể tách rời của nghĩa và hình thức, tôi tiếp nhận một sự biểu đạt nhập nhằng: tôi đáp ứng với cơ chế cấu thành của huyền thoại, với tính năng động đặc thù của nó, tôi trở thành người đọc huyền thoại: anh da đen chào cờ không còn là thí dụ, hay biểu tượng nữa, càng không phải là ngoại hiện: anh ta chính là sự hiện diện của tính chất đế quốc Pháp.

Hai cách vận dụng đầu thuộc loại tĩnh tại, phân tích; chúng huỷ hoại huyền thoại, hoặc bằng cách nêu lên ý định của nó, hoặc bằng cách vạch trần ý định ấy ra: cách vận dụng thứ nhất là vô sỉ, cách vận dụng thứ hai mang tính chất giải hoặc. Cách vận dụng thứ ba là năng động, nó tiếp nhận huyền thoại tuỳ theo chính những mục đích của cấu trúc huyền thoại: độc giả đến với huyền thoại kiểu như đến với một câu chuyện đồng thời vừa thực vừa hư.

Nếu ta muốn gắn sơ đồ huyền thoại vào một lịch sử tổng quát, lý giải xem nó đáp ứng ra sao lợi ích của một xã hội nhất định, tóm lại là chuyển từ ký hiệu học sang tư tưởng học, thì rõ ràng cần phải đứng ở bình diện vận dụng thứ ba: chính bản thân người đọc huyền thoại phải phát hiện ra chức năng căn bản của nó. Ngày nay, độc giả tiếp nhận huyền thoại ra sao? Nếu độc giả tiếp nhận huyền thoại một cách chất phác, thì đề xuất huyền thoại với độc giả có ích lợi gì? Và nếu độc giả đọc huyền thoại một cách ngẫm nghĩ, như nhà huyền thoại học, thì cần gì phải xuất trình ngoại hiện? Nếu độc giả huyền thoại không thấy tính chất đế quốc Pháp trong hình ảnh anh da đen chào cờ, thì gán cho nó tính chất ấy cũng vô ích; và nếu độc giả nhìn thấy điều đó, thì huyền thoại chẳng qua chỉ là một đề xuất chính trị được phát biểu trung thực. Nói tóm lại, hoặc ý định của huyền thoại lờ mờ quá nên không có hiệu quả, hoặc là nó rõ ràng quá nên chẳng ai tin. Trong hai trường hợp, cái nhập nhằng là đâu?

Đây chỉ là tình trạng nước đôi giả dối. Huyền thoại không che giấu gì cả mà cũng chẳng công bố gì hết: nó làm biến dạng; huyền thoại chẳng phải là điều dối trá mà cũng không phải là chuyện thú nhận: đó là sự chuyển hướng. Đặt trước tình trạng nước đôi mà tôi nói đến lúc nãy, huyền thoại tìm ra lối thoát thứ ba. Bị đe doạ biến mất nếu nó nhượng bộ một trong hai cách vận dụng đầu, nó xoay xở bằng lối thoả hiệp, nó là sự thoả hiệp ấy: được giao trách nhiệm “chuyển tải” một khái niệm có chủ định, huyền thoại chỉ gặp ở ngôn ngữ sự phản bội, bởi vì ngôn ngữ chỉ có thể xoá bỏ khái niệm nếu che giấu nó hoặc vạch trần khái niệm nếu nói nó ra. Thiết lập hệ thống ký hiệu thứ hai sẽ cho phép huyền thoại thoát ra khỏi cái thế đôi ngả: bị dồn đến chỗ phải vạch trần hoặc thủ tiêu khái niệm, huyền thoại sẽ bản chất hoá nó.

Thế là chúng ta đã đến với chính nguyên tắc của huyền thoại: nó biến đổi lịch sử thành bản chất tự nhiên. Bây giờ ta hiểu tại sao, dưới con mắt của người tiếp nhận huyền thoại, ý định của khái niệm có thể vẫn rõ rệt song lại ra vẻ như không có dụng ý: nguyên nhân khiến ngôn từ huyền thoại thốt ra hoàn toàn rõ ràng, nhưng nguyên nhân ấy ngay lập tức sững lại thành bản chất tự nhiên; nó không được đọc như động cơ, mà như lẽ phải. Nếu tôi đọc anh-da-đen-chào-cờ như biểu tượng thuần tuý và đơn giản của tính chất đế quốc, tôi cần phải từ bỏ thực tế của hình ảnh, nó mất giá trị trước mắt tôi khi trở thành công cụ. Ngược lại, nếu tôi giải mã động tác chào cờ của anh da đen như ngoại hiện của tính chất thực dân, tôi càng tiêu diệt huyền thoại chắc chắn hơn do chỉ ra động cơ rõ ràng của nó. Nhưng đối với độc giả huyền thoại, kết cục hoàn toàn khác: tất cả diễn ra như thể hình ảnh gợi ra khái niệm một cách tự nhiên, như thể cái biểu đạt tạo lập cái được biểu đạt: huyền thoại hiện hữu ngay từ lúc tính chất đế quốc Pháp chuyển sang trạng thái bản chất tự nhiên: huyền thoại là một ngôn từ được minh chứng hết mức.

Đây là một thí dụ mới giúp ta hiểu rõ độc giả huyền thoại đi đến chỗ hợp lý hoá cái được biểu đạt bằng cái biểu đạt ra sao. Nay đang là tháng bảy, tôi đọc ở đầu đề lớn của tờ France-Soir: Giá cả: Đợt hạ giá đầu tiên. Các loại Rau quả: Bắt đầu sự giảm giá. Ta hãy nhanh chóng dựng sơ đồ ký hiệu: thí dụ là một câu, hệ thống thứ nhất là thuần tuý về phương diện ngôn ngữ. Cái biểu đạt của hệ thống thứ hai ở đây được cấu tạo bởi một số ngẫu nhiên về từ vựng (các từ: đầu tiên, bắt đầu, sự [giảm giá]), hoặc về in ấn: những tiêu đề chữ lớn ở trang nhất, nơi thông thường độc giả tiếp nhận các tin tức thế giới chủ chốt. Cái được biểu đạt hoặc khái niệm là cái cần phải gọi bằng thuật ngữ mới, nghe chướng tai nhưng cứ phải dùng: tính chất chính phủ, Chính phủ được giới đại báo chí quan niệm như Bản chất hiệu lực. Từ đó suy ra sự biểu đạt của huyền thoại rất rõ ràng: các trái cây và các loại rau hạ giá là do chính phủ quyết định. Vả chăng, trường hợp này nói chung khá hiếm, chính tờ báo hoặc để bảo hiểm, hoặc do lương thiện, hai dòng sau đó đã tháo dỡ huyền thoại mà báo vừa dựng lên; báo viết thêm (đúng thế, bằng những con chữ khiêm tốn): “Việc giảm giá được dễ dàng do mùa thu hoạch rộ đã trở lại.” Thí dụ ấy bổ ích vì hai lẽ. Trước hết, người ta thấy rành rành ở đây tính chất gây ấn tượng của huyền thoại: người ta chờ đợi ở huyền thoại là chờ đợi một hiệu quả tức thì: chẳng quan trọng là bao nếu sau đó huyền thoại được tháo dỡ, tác dụng của nó được coi như mạnh hơn những giải thích dựa trên lý tính, chúng có thể sau đó không lâu bác bỏ huyền thoại. Điều này muốn nói lên rằng việc đọc huyền thoại đột nhiên chấm dứt. Tôi đưa mắt liếc nhanh sang tờ France-Soir của người ngồi bên cạnh tôi: tôi chỉ chớp được một nghĩa, nhưng tôi đọc được ở đấy sự biểu đạt chân thực: tôi tiếp nhận sự hiện diện của chính phủ tác động đến việc hạ giá các trái cây và các loại rau. Chỉ có thể, như vậy là đủ. Đọc huyền thoại kỹ hơn sẽ chẳng hề gia tăng quyền lực cũng như sự thất bại của nó: huyền thoại vừa không thể hoàn thiện vừa không thể bàn cãi; thời gian cũng như tri thức sẽ chẳng thêm cho nó chút gì mà cũng sẽ chẳng bớt của nó được gì. Thế rồi, việc biến khái niệm thành bản chất tự nhiên mà tôi vừa xem như chức năng căn bản của huyền thoại, ở đây là tiêu biểu: trong hệ thống thứ nhất (thuần tuý về mặt ngôn ngữ), quan hệ nhân quả sẽ là tự nhiên, theo nghĩa đen: trái cây và rau hạ giá bởi đó là mùa vụ. Trong hệ thống thứ hai (hệ thống huyền thoại), quan hệ nhân quả là nhân tạo, giả mạo, nhưng nó dường như lẩn vào những toa xe của Bản chất tự nhiên. Chính vì lẽ đó mà huyền thoại được trải nghiệm như ngôn từ hồn nhiên: chẳng phải vì các ý định của nó được che giấu: nếu chúng được che giấu, chúng sẽ chẳng thể có hiệu lực; mà chính vì chúng được biến thành bản chất tự nhiên.

Thực ra, độc giả có thể tiếp nhận huyền thoại một cách hồn nhiên, chính vì độc giả không thấy ở huyền thoại hệ thống ký hiệu, mà là hệ thống quy nạp: độc giả nhìn thấy thứ diễn biến nhân quả ở chỗ kỳ thực chỉ là sự tương đương: dưới mắt độc giả, cái biểu đạt và cái được biểu đạt có những mối tương quan về bản chất tự nhiên. Người ta có thể diễn đạt cách khác sự rắc rối ấy: mọi hệ thống ký hiệu đều là hệ thống các giá trị; thế nhưng người tiếp nhận huyền thoại lại xem sự biểu đạt như hệ thống các sự việc: huyền thoại được đọc như hệ thống sự việc trong khi nó chỉ là hệ thống ký hiệu.

Chọn tập
Bình luận