Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Một Người Thợ Dễ Thương

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Một người thợ dễ thương

BỘ PHIM Trên các bến cảng của Kazan là một thí dụ tốt về huyễn hoặc. Chắc ai cũng biết, phim nói về một công nhân bốc dỡ nào đó biếng nhác và hơi cục cằn (Marlon Brando), lương tâm dần dần thức tỉnh nhờ Tình yêu và Giáo hội (trong vai một linh mục xung kích kiểu spellman*). Vì sự thức tỉnh ấy trùng thời gian với việc loại bỏ một công đoàn gian lậu, trái phép và dường như thúc đẩy các công nhân bốc dỡ chống lại vài nhân vật trong số những kẻ bóc lột họ, nên có những người tự hỏi phải chăng đấy là bộ phim dũng cảm, một bộ phim “cánh tả” nhằm phơi bày cho công chúng Mỹ thấy vấn đề thợ thuyền.

Thực ra, một lần nữa đó lại là liều vac-xin sự thật mà tôi đã chỉ ra cơ chế hết sức hiện đại của nó trong những bộ phim Mỹ khác: người ta lái chức năng bóc lột của giới các ông chủ lớn vào một nhóm nhỏ những tên găng-xtơ, và bằng cách thú nhận điều tệ hại cỏn con coi như một cái mụn bé tí teo và khó chịu ấy, người ta đánh lạc hướng điều tệ hại thật sự, người ta tránh không nêu tên nó ra, người ta phù phép cho nó.

Tuy nhiên chỉ cần miêu tả khách quan các “vai” trong bộ phim của Kazan là đủ vạch ra không cãi vào đâu được thực chất huyễn hoặc của nó: giai cấp vô sản ở đây gồm một nhóm những con người yếu đuối, còng lưng dưới ách nô dịch mà họ thấy rõ nhưng không có dũng cảm để lay chuyển; Nhà nước (tư bản chủ nghĩa) đồng nhất với Công lý tuyệt đối là nơi duy nhất có thể trông chờ để chống lại tội ác và sự bóc lột: nếu người công nhân đến được tới tận Nhà nước, tới tận cảnh sát và những ban điều tra của Nhà nước thì anh ta thoát nạn. Còn Giáo hội, dưới dáng dấp của một chủ nghĩa hiện đại con-đã-gặp-ta-chưa, chẳng qua chỉ là một thế lực trung gian giữa giữa nỗi cùng cực cơ hữu của người công nhân và quyền lực cha chú của Nhà nước-ông chủ. Và thế là cuối cùng, cả cái chứng ngứa ngáy công lý và ý thức vặt vãnh ấy đều dịu đi hết sức nhanh chóng, được giải quyết trong sự ổn định vững chắc của một trật tự tốt lành, là nơi các công nhân làm việc, là nơi các ông chủ ngồi khoanh tay, và là nơi các giáo sĩ ban phước cho cả hai bên vì ai cũng làm đúng chức năng của mình.

Thế nhưng chính cái kết cục đã bộc lộ bộ phim, vào lúc nhiều người tưởng rằng Kazan khéo léo thể hiện khuynh hướng tiến bộ của mình: trong đoạn cuối bộ phim, người ta thấy Brando ráng sức phi thường, với tư cách một người thợ ngoan ngoãn chu đáo, tới trình diện ông chủ đang đợi anh. Mà ông chủ ấy rõ ràng được thể hiện một cách biếm hoạ. Người ta đã bảo nhau: xem kìa Kazan đang chế giễu nham hiểm các nhà tư bản.

Đây là trường hợp, hoặc chẳng bao giờ nữa, đem áp dụng phương pháp giải hoặc do Brecht đề xuất, và xem xét các hậu quả của mối thiện cảm mà ngay từ đầu bộ phim chúng ta dành cho nhân vật chính. Hiển nhiên đối với chúng ta Brando là một nhân vật tích cực, tuy có những khuyết điểm, nhưng công chúng ai cũng yêu mến, do hiện tượng hoà nhập mà ngoài cái đó ra, nói chung, chẳng ai muốn đi xem. Khi nhân vật ấy, càng lớn lao hơn vì đã lấy lại được ý thức và lòng dũng cảm, bị thương, kiệt sức song vẫn kiên trì, tiến về phía ông chủ và ông ta trả lại công việc làm cho anh, sự đồng cảm của chúng ta không còn biết giới hạn nào nữa, chúng ta hoàn toàn đồng nhất mình với đức chúa Kitô mới ấy, chúng ta hoà nhập không chút băn khoăn vào nỗi thống khổ của anh ta. Thế nhưng sự thăng thiên đau đớn của Brando xét cho cùng dẫn đến việc thừa nhận một cách thụ động giới chủ đời đời kiếp kiếp: dù biếm hoạ thế nào đi nữa thì vẫn là người ta muốn dẫn dắt mọi người trở về với trật tự; cùng với Brando, cùng với các phu khuân vác, cùng với tất cả các thợ thuyền Mỹ, chúng ta lại hởi lòng hởi dạ nghĩ là mình thắng lợi và yên tâm trong tay của giới chủ, còn việc miêu tả cái bề ngoài dị tật của giới ấy thì chẳng để làm gì: từ lâu chúng ta đã bị lôi cuốn dính dấp đồng cảm với anh phu khuân vác kia, anh ta lấy lại được ý thức công bằng xã hội chỉ để tán dương và ban tặng cho tư bản Mỹ.

Ta thấy đấy, do tính chất hoà nhập mà cảnh ấy khách quan trở thành một cảnh huyễn hoặc. Được dẫn dắt để yêu mến Brando ngay từ đầu, nên chúng ta không thể có lúc nào phê phán anh ta được nữa, thậm chí không thể ý thức được sự ngu dại khách quan của anh ta. Ta biết rằng chính vì để chống lại mối nguy hiểm của những mánh khoé như thế mà Brecht đề xuất phương pháp gián cách nhân vật của ông. Brecht có lẽ đã đòi hỏi Brando tỏ rõ sự ngây thơ của mình, để làm cho chúng ta hiểu rằng mặc dù có thể thông cảm với những nỗi bất hạnh của anh ta thế nào đi nữa, thì vẫn còn có điều quan trọng hơn là thấy được những nguyên nhân và các phương sách cứu chữa. Ta có thể tóm tắt sự sai lầm của Kazan bằng cách nói rằng cần phải đưa ra phán xét nhà tư bản nhưng lại cần phải phán xét Brando nhiều hơn. Bởi lẽ phải trông đợi nhiều vào các nạn nhân nổi dậy hơn là vào bức biếm hoạ những tên đao phủ của họ.

Chọn tập
Bình luận