Tiểu thuyết và Con cái
CỨ tin vào tạp chí Elle mới đây tập hợp vào chung một bức ảnh bảy mươi nữ tiểu thuyết gia thì giới nữ văn sĩ hợp thành một loài động vật đáng chú ý: họ đẻ ra lẫn lộn vừa tiểu thuyết vừa con cái. Chẳng hạn người ta thông báo: Jacqueline Lenoir (hai con gái, một tiểu thuyết); Marina Grey (một con trai, một tiểu thuyết); Nicole Dutreil (hai con trai, bốn tiểu thuyết), v.v..
Cái đó muốn nói lên điều gì? Điều này: viết lách là hành vi vẻ vang nhưng liều lĩnh; nhà văn là “nghệ sĩ”, người ta thừa nhận họ được quyền phóng túng đến mức nào đó: vì nhìn chung, ít ra là trong nước Pháp của tạp chí Elle, họ được giao trách nhiệm cung cấp cho xã hội những lý lẽ chứng minh ý thức tốt đẹp của họ, nên cần phải trả công dịch vụ cho họ: người ta mặc nhiên nhượng cho họ quyền được sống một cuộc sống ít nhiều riêng tư. Nhưng coi chừng: phụ nữ đừng tin là mình có thể lợi dụng giao ước ấy nếu trước hết chẳng tuân thủ cương vị muôn đời của nữ giới. Phụ nữ sinh ra trên trái đất là để sinh con đẻ cái cho đàn ông; họ muốn viết bao nhiêu thì viết, họ muốn tô vẽ cho thân phận của mình thế nào cũng được, nhưng họ đừng thoát ra khỏi thân phận ấy: chớ để cho số phận của họ đã được ấn định trong Kinh thánh bị rối loạn bởi cái quyền được chuyển nhượng kia, và họ phải trả giá ngay tức khắc lối sống phóng túng gắn bó một cách tự nhiên với cuộc đời nhà văn bằng chuyện đẻ đái.
Vậy các bà các chị cứ dũng cảm, cứ tự do đi: các bà các chị cứ xử sự như đàn ông đi, cứ viết lách như họ đi; nhưng các bà các chị đừng bao giờ rời xa họ; các bà các chị hãy sống trong tầm nhìn của họ, hãy lấy con cái để bù đắp cho những tiểu thuyết của các bà các chị; cứ theo đuổi chút ít con đường nghề nghiệp của các bà các chị, nhưng hãy nhanh chóng quay trở về với thân phận của mình. Một tiểu thuyết, một đứa con, một chút nữ quyền, một chút nghĩa vụ làm vợ, các bà các chị hãy cột chặt cuộc phiêu lưu nghệ thuật vào những cái cọc vững chắc của tổ ấm: cả hai mặt sẽ đều được lợi rất nhiều từ cuộc đi tới đi lui ấy; về phương diện huyền thoại, sự giúp đỡ lẫn nhau luôn luôn diễn ra một cách có hiệu quả.
Chẳng hạn, Nàng Thơ sẽ ban sự cao cả của mình cho các chức năng nội trợ hèn mọn; và ngược lại, để tri ân sự giúp đỡ ấy, huyền thoại sinh nở cung cấp cho Nàng Thơ, mà tiếng tăm đôi khi cũng hời hợt, sự bảo lãnh được kính trọng, cái khung cảnh cảm động của nhà trẻ. Thế là tất cả đều tốt đẹp nhất ở cái thế giới tốt đẹp nhất trong tất cả các thế giới – thế giới của tạp chí Elle: phụ nữ hãy cứ tin tưởng, họ rất có thể đạt tới cương vị cao siêu của sự sáng tạo như cánh đàn ông. Mà nam giới thì cứ nhanh chóng yên tâm đi: chẳng phải vì thế mà bị người ta cuỗm mất vợ đâu, vợ do thiên chức sẽ vẫn cứ sẵn đấy là nòi sinh con đẻ cái chẳng suy giảm. Tạp chí Elle nhanh nhẹn diễn một cảnh theo kiểu Molière: một mặt nói không một bên nói có, đon đả chẳng làm mếch lòng ai; như Don Juan* giữa hai cô gái nông thôn, Elle nói với phụ nữ: các bà các chị chẳng thua gì nam giới đâu; và nói với cánh đàn ông: vợ các vị mãi mãi vẫn sẽ chỉ là một người đàn bà mà thôi.
Thoạt đầu người đàn ông dường như chẳng để ý đến chuyện sinh đẻ kép ấy; con cái và tiểu thuyết có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, chỉ thuộc về người mẹ; nhưng khi thấy đến bảy chục lần tác phẩm và con cái trong cùng một ngoặc đơn, người ta tưởng đâu tất cả chúng đều là thành quả của tưởng tượng và mơ mộng, là sản phẩm kỳ diệu của sự trinh sản lý tưởng đem đến cho phụ nữ đồng thời những niềm vui sáng tác kiểu Balzac* và những niềm vui dịu dàng của sự sinh nở. Vậy người đàn ông trong cảnh gia đình ấy ở đâu? Chẳng ở đâu cả và ở khắp mọi nơi, như bầu trời, như chân trời, như uy quyền đồng thời vừa quy định vừa vây hãm một thân phận. Thế giới của tạp chí Elle là vậy đấy: trong đó phụ nữ luôn là một loài thuần chủng, một thể tạng, thiết tha với những quyền ưu đãi, nhưng còn say đắm hơn với thân phận lệ thuộc; người đàn ông chẳng bao giờ xuất hiện ở trong đó, nữ giới trinh khiết, tự do, uy quyền; nhưng người đàn ông ở khắp chung quanh, họ gây áp lực từ tứ phía, họ làm cho tồn tại; họ từ muôn đời là sự vắng mặt đầy sáng tạo, sự vắng mặt của đức chúa trong kịch Racine*: thế giới không có đàn ông, nhưng hoàn toàn được tạo thành bởi con mắt nhìn của người đàn ông, vũ trụ đàn bà của Elle đích thị là vũ trụ của khuê phòng.
Trong mọi động thái của tạp chí Elle đều có sự vận hành kép ấy: đóng cửa khuê phòng lại, và rồi chỉ sau đó mới thả đàn bà vào trong. Các bà các chị cứ yêu đi, cứ làm việc đi, cứ viết lách đi, cứ là nữ doanh nhân hay nữ văn sĩ đi, nhưng các bà các chị hãy luôn nhớ rằng người đàn ông vẫn có đó, và các bà các chị được tạo ra không phải như họ: giới của các bà các chị được tự do với điều kiện phụ thuộc vào giới của họ; tự do của các bà các chị là một thứ xa xỉ, nó chỉ có thể có nếu các bà các chị trước hết thừa nhận những bổn phận do thiên chức của mình. Nếu muốn thì các bà các chị cứ viết lách đi, nữ giới chúng tôi đều rất lấy làm tự hào; nhưng các bà các chị cũng đừng quên sinh con đẻ cái, bởi vì đấy là số phận của các bà các chị. Đạo đức giáo phái dòng Tên: các bà các chị hãy điều chỉnh với đạo đức của thân phận các bà các chị, nhưng đừng bao giờ lơi lỏng với giáo lý làm nền tảng cho đạo đức ấy.