Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Ở Rạp Tạp Kỹ

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Ở rạp tạp kỹ

THỜI GIAN của kịch, dù là kịch nào, đều luôn luôn gắn kết. Thời gian của tạp kỹ, theo định nghĩa, là đứt đoạn; đó là thời gian tức khắc. Và đó là ý nghĩa của tạp kỹ: thời gian cảnh diễn phải là thời gian chính xác, thực tế, vũ trụ, thời gian của chính sự vật, chứ không phải là thời gian dự báo (bi kịch) hay thời gian duyệt lại (anh hùng ca). Lợi thế của thời gian sít sao ấy là ở chỗ nó có thể phục vụ tốt nhất cho động tác, bởi vì rõ ràng động tác chỉ có thể tồn tại như cảnh diễn kể từ lúc thời gian bị cắt đứt (chúng ta thấy rõ điều ấy trong hội hoạ lịch sử là nơi động tác bị bắt chộp của nhân vật – mà tôi đã gọi ở chỗ khác là cái numen – đình chỉ dòng chảy thời gian). Xét cho cùng, tạp kỹ không phải chỉ là kỹ thuật giải trí đơn thuần, mà là điều kiện của kỹ xảo (theo nghĩa Baudelaire dùng thuật ngữ này). Lấy động tác ra khỏi dòng chảy êm ả của thời gian, trình bày động tác ấy ở trạng thái cực điểm, quyết định, làm cho nó như thuần tuý hiển hiện, giải toả nó khỏi mọi nguyên nhân, khai thác cạn kiệt nó như một cảnh tượng, chứ không phải như một sự biểu đạt, đó là mỹ học nguyên lai của tạp kỹ. Những đồ vật (của các nghệ sĩ lao xuống bắt) và những động tác (của các nghệ sĩ nhào lộn) gột bỏ hết thời gian (nghĩa là đồng thời gột bỏ cái tình cảm* và cái tư tưởng*) nổi bật lên như những kỹ xảo thuần tuý, không khỏi gợi ta nhớ đến sự chính xác lạnh lùng của những gì Baudelaire nhìn thấy khi sử dụng cần sa, về một thế giới hoàn toàn gột sạch khỏi mọi tính chất tinh thần bởi lẽ thế giới ấy đã hoàn toàn khước từ thời gian.

Vậy là trong tạp kỹ, tất cả đều được thực hiện để dẫn tới đề cao thật sự đồ vật và động tác (điều này trong thế giới phương Tây hiện đại chỉ có thể tiến hành khi chống lại các cảnh diễn tâm lý, và nhất là chống lại kịch). Tiết mục tạp kỹ hầu như bao giờ cũng được cấu thành bởi một động tác và một vật liệu ráp lại với nhau: những nghệ sĩ trượt băng và các ván nhún sơn màu để nhảy lấy đà, các cơ thể trao đổi với nhau của những nghệ sĩ nhào lộn, các nghệ sĩ múa và những nghệ sĩ làm xiếc chân (tôi thú thật đặc biệt ưa thích những tiết mục xiếc chân ấy, bởi vì ở đó cơ thể được khách quan hoá thành sự nhẹ nhàng: không còn là vật thể rắn chắc và được phóng ra như trong nhào lộn thuần tuý, mà đúng hơn đấy là một thể chất mềm và đặc, dễ uốn theo những cử động cực ngắn), những nhà điêu khắc hóm hỉnh với các bột nhão nhiều màu sắc, những nhà ảo thuật gặm giấy, gặm lụa, gặm thuốc lá, những kẻ móc túi đánh xoáy đồng hồ, ví tiền v.v.. Vả lại động tác và đồ vật của nó là những vật liệu tự nhiên chỉ có giá trị khi xuất hiện trên sàn diễn tạp kỹ (hoặc xiếc) và giá trị ấy là Lao động. Tạp kỹ, chí ít trong bộ phận biến thái của nó (bởi vì ca hát giữ vị trí nổi bật ở Mỹ, bắt nguồn từ một huyền thoại khác), tạp kỹ là hình thái thẩm mỹ của lao động. Mỗi tiết mục được trình diễn ở đấy đều là sự thực hành hoặc kết quả của công phu lao động: khi thì hành động (như hành động của nghệ sĩ tung hứng, của nghệ sĩ nhào lộn, của diễn viên kịch câm) xuất hiện như thành quả cuối cùng của một đêm dài tập luyện, khi thì lao động (các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc, các tay pha trò) được tái tạo hoàn toàn trước công chúng ab origine*. Dù thế nào thì đó cũng là sự kiện mới mẻ đang diễn ra, và sự kiện ấy được tạo thành bởi nỗ lực hoàn thiện mong manh. Hay nói cho đúng, nỗ lực ấy được nắm bắt ở đỉnh cao của nó, ở thời điểm hầu như không thể có, khi nỗ lực sắp đạt tới chỗ hoàn thành tuyệt vời, song chẳng phải hoàn toàn không còn nguy cơ thất bại. Ở rạp tạp kỹ, tất cả đều là hầu như đạt được; nhưng chính cái hầu như ấy tạo nên cuộc trình diễn, và giữ cho cuộc trình diễn phẩm chất lao động của nó, bất kể sự chuẩn bị. Vì vậy, xem diễn tạp kỹ, không phải là xem kết quả của hành động, mà là xem phương thức tồn tại của nó, xem cái thời điểm mong manh đạt được của nó. Đấy là cách để làm cho trạng thái mâu thuẫn của lịch sử loài người trở nên có thể xảy ra: trong động tác của nghệ sĩ đồng thời vừa hiển hiện hệ thống cơ bắp cục mịch của công phu lao động cam go từ trước, vừa cái nhẹ nhõm bay bổng của hành động dễ dàng, xuất phát từ vùng trời huyền ảo: tạp kỹ là lao động của con người được ghi vào ký ức và được thăng hoa; nỗi nguy hiểm và sự nỗ lực được biểu đạt ngay trong lúc khán giả cười hay thông cảm.

Tất nhiên, tạp kỹ cần đến một phép tiên sâu sắc xoá đi mọi cái xù xì của công phu lao động và chỉ để lại công trình hoàn thiện. Đây là chỗ ngự trị của các quả cầu óng ánh, các cây gậy nhẹ nhõm, các đồ đạc thon thon, các tơ lụa hoá học, các vải trắng sột soạt và những cây chuỳ lấp lánh; bao nhiêu thứ đập vào mắt ở đây nêu lên sự dễ dàng, thể hiện ở các chất liệu sáng sủa và các động tác gắn kết: khi thì anh đàn ông là giá đỡ được dựng lên, là cái cây để chị phụ-nữ-dây-leo bám vào; khi thì đó là cảm giác ngây ngất rung chuyển toàn thân, lây lan cả rạp, lúc băng người ra, rồi theo trọng lượng lao xuống, nhưng không bị khuất phục mà được thăng hoa vì lại nảy lên. Trong cái thế giới óng ánh kim loại ấy, những huyền thoại xa xưa về nảy mầm lại nổi lên đem những hành động tự nhiên từ xửa từ xưa bảo lãnh cho cuộc trình diễn lao động kia, tự nhiên xưa nay vẫn là hình ảnh của cái liên tục, nghĩa là, xét cho cùng, của cái dễ dàng.

Tất cả ma lực cơ bắp của tạp kỹ ấy về căn bản là thuộc thành thị: Không phải vô cớ mà tạp kỹ bắt nguồn từ các bộ tộc Anglo-Saxon, xuất hiện trong bối cảnh những cuộc tập trung đô thị hoá đột ngột và những huyền thoại lớn về lao động của phái Giáo hữu*: việc đề cao các đồ vật, các kim loại và các động tác hằng mơ ước, sự thăng hoa lao động bằng cách tránh né nó một cách huyền ảo, chứ không phải bằng cách tôn vinh nó, như trong truyền thống dân gian ở nông thôn, tất cả đều mang tính chất kỹ xảo của các thành thị. Thành thị bác bỏ ý niệm về một tự nhiên chưa định hình, nó biến không gian thành chuỗi liên tục những đồ vật chắc chắn, bóng bẩy, được sản xuất ra, và chính hành động của nghệ sĩ đem đến cho những đồ vật ấy quy chế tuyệt vời của tư duy hoàn toàn là của con người: lao động, nhất là khi được huyền thoại hoá, tạo ra chất liệu tốt lành, bởi vì dường như, thật kỳ lạ, nó nghĩ ra chất liệu ấy; các đồ vật ở đây được kim loại hoá, được quăng ra, được bắt lại, được điều khiển, sáng chói lên giữa những động tác và điệu bộ liên miên trao đi đổi lại, chúng mất đi tính phi lý bướng bỉnh thảm hại của chúng: là các dụng cụ và do con người tạo ra, trong chốc lát chúng thôi không còn gây buồn chán nữa.

Chọn tập
Bình luận