Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Huyền Thoại

Racine Là Racine

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Racine là Racine

“Thị hiếu, đó là thị hiếu”

Bouvard và Pécuchet*

“Thị hiếu, đó là thị hiếu”

Bouvard và Pécuchet*

TÔI đã chỉ ra rằng giai cấp tiểu tư sản đặc biệt ưa thích những lập luận trùng ngôn (Một xu là một xu, v.v.). Đấy là kiểu lập luận thú vị, rất thường gặp trong lĩnh vực nghệ thuật: “Athalie là một vở kịch của Racine”, một nữ nghệ sĩ của nhà hát Comédie Française đã gợi lại như thế trước khi giới thiệu vở diễn mới của mình.

Trước hết phải ghi nhận là trong cách nói đó có một chút tuyên chiến (với “các nhà ngữ pháp, các nhà bàn cãi, các nhà chú giải, các nhà tu hành, các nhà văn và các nghệ sĩ”, những người đã bình luận Racine). Quả thật phép trùng ngôn bao giờ cũng mang tính gây gổ: nó biểu thị sự đoạn tuyệt bực bội giữa trí tuệ với đối tượng, mối đe doạ đầy cao ngạo về một trật tự ở đấy người ta chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Các nhà trùng ngôn của chúng ta chẳng khác gì những ông chủ đột ngột kéo giật dây xích chó: đừng nên để cho tư duy phạm vi quá rộng, thiên hạ đầy những lý do lý trấu đáng ngờ và phù phiếm, cần phải hãm lý sự của họ lại, thu ngắn dây xích vào khoảng cách một thực tại có thể đo đếm được. Người ta bắt đầu nghĩ về Racine ư? Nguy to: nhà trùng ngôn điên tiết cắt phăng tất cả những gì mọc lên chung quanh mình, chúng có thể bóp nghẹt mình.

Trong lời tuyên bố của nữ nghệ sĩ kia, người ta nhận ra ngôn ngữ của kẻ thù quen thuộc thường gặp ở đây, đó là thuyết chống chủ trí. Người ta nghe đã nhàm tai: nhiều trí tuệ quá có hại, triết lý là thứ biệt ngữ vô tích sự, cần phải dành chỗ cho tình cảm, trực giác, cái hồn nhiên, sự giản dị, nhiều tính trí tuệ quá thì nghệ thuật sẽ chết, trí tuệ không phải là một phẩm chất nghệ sĩ, các nhà sáng tạo lỗi lạc là những người dựa vào kinh nghiệm, tác phẩm nghệ thuật vượt ra khỏi hệ thống, tóm lại lý trí thuần tuý thì cằn cỗi. Người ta biết rằng cuộc chiến chống lại trí tuệ luôn luôn tiến hành nhân danh lương tri, và thực ra là áp dụng vào Racine kiểu “nhận thức” Poujade chủ nghĩa, mà người ta đã nói đến ở đây. Cũng như kinh tế tổng quát của nước Pháp chỉ là mơ mộng so với chế độ thuế khoá ở đất nước này, thực tế duy nhất được lương tri của ông Poujade phát hiện, cả lịch sử văn học và lịch sử tư duy, tóm lại toàn bộ lịch sử, chỉ là ảo ảnh trí thức so với một Racine hoàn toàn đơn giản, cũng “cụ thể” như chế độ thuế khoá.

Các nhà trùng ngôn của chúng ta cũng vin vào tính chất hồn nhiên như thuyết chống chủ trí. Chính là dựa trên thứ vũ khí là sự giản dị tuyệt trần mà người ta cho rằng thấy được chính xác Racine hơn; ta biết chủ đề bí truyền cổ xưa: trinh nữ, đứa trẻ, những kẻ mộc mạc và thuần khiết là những người sáng suốt hơn ai. Trong trường hợp Racine, viện dẫn đến “tính giản dị” đạt được hai mục đích: một mặt người ta chống lại những phù phiếm của lối chú giải mang tính trí thức, và mặt khác, điều này tuy nhiên ít tranh cãi, người ta đòi phải nghiên cứu cặn kẽ nghệ thuật Racine (sự trong sáng tuyệt vời của Racine), khiến tất cả những ai tiếp cận ông phải tuân theo một kỷ luật (điệu hát: nghệ thuật sinh ra từ khổ luyện…).

Cuối cùng, trong trùng ngôn của nữ diễn viên kia có điều mà người ta có thể gọi là huyền thoại phê bình tìm lại. Các nhà phê bình bản chất luận của chúng ta dốc thời giờ vào việc tìm lại “chân lý” của những thiên tài quá khứ; đối với họ. Văn học là một kho rộng lớn chứa các đồ vật thất lạc, người ta đến đó để đi câu. Người ta tìm lại được gì ở đấy, chẳng ai biết, lợi thế lớn của phương pháp trùng ngôn chính là chẳng phải nói ra. Vả chăng các nhà trùng ngôn của chúng ta chắc sẽ hết sức bối rối nếu phải tiến xa hơn: Racine thế thôi, độ không của Racine, còn có gì nữa đâu. Chỉ có những Racine-tính-từ: những Racine-Thơ-thuần-tuý, những Racine-Tôm-hùm (Montherlant*), những Racine-Kinh-thánh (Racine của Bà Véra Korène), những Racine-Đam-mê, những Racine-miêu-tả-con-người-vốn-là-như-thế. v.v.. Tóm lại, Racine luôn luôn là cái gì khác ngoài Racine, và điều đó khiến cho phép trùng ngôn về Racine trở nên hết sức hão huyền. Chí ít người ta hiểu rằng định nghĩa trống rỗng như vậy đem lại cho những kẻ vênh vang huơ nó lên một kiểu an tâm chào lui, thoả mãn là đã bênh vực chân lý về Racine song chẳng phải chuốc lấy bất cứ rủi ro nào mà mọi nghiên cứu ít nhiều thiết thực về chân lý dứt khoát phải gánh chịu: phép trùng ngôn miễn phải đưa ra những ý kiến, mà đồng thời còn huênh hoang xem sự phóng túng đó như một quy tắc đạo đức cứng rắn; do vậy mà nó được hoan nghênh: sự lười biếng được đôn lên hàng bắt buộc. Racine, đó là Racine: sự an toàn tuyệt vời của cái rỗng không.

Chọn tập
Bình luận