Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

2. Huyền Thoại, Ngày Nay

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Ngày nay, huyền thoại là gì? Tôi sẽ ngay lập tức đưa ra câu trả lời đầu tiên rất đơn giản, hoàn toàn phù hợp với từ nguyên: huyền thoại là một ngôn từ*.

Huyền thoại là một Ngôn từ

Ngày nay, huyền thoại là gì? Tôi sẽ ngay lập tức đưa ra câu trả lời đầu tiên rất đơn giản, hoàn toàn phù hợp với từ nguyên: huyền thoại là một ngôn từ*.

TẤT NHIÊN, đó không phải là bất cứ ngôn từ nào: ngôn ngữ cần phải có những điều kiện đặc thù để trở thành huyền thoại, ta sẽ thấy các điều kiện ấy ngay bây giờ đây. Nhưng cần phải nêu lên mạnh mẽ ngay từ đầu rằng huyền thoại là một hệ thống thông báo, đó là một thông điệp. Qua đó ta thấy rằng huyền thoại không thể là một đối tượng, một khái niệm hay một ý niệm; đó là một phương thức biểu đạt, đó là một hình thức. Rồi đây sẽ cần phải đặt cho hình thức ấy những giới hạn lịch sử, những điều kiện sử dụng, đưa xã hội vào lại trong nó: điều ấy không hề ngăn cản trước hết phải miêu tả nó như một hình thức.

Người ta thấy rằng cứ muốn phân biệt các đối tượng huyền thoại về thực thể sẽ hoàn toàn là ảo tưởng: bởi lẽ huyền thoại là ngôn từ, nên tất cả đều có thể là huyền thoại, nó liên quan đến diễn ngôn. Huyền thoại không xác định bởi đối tượng thông điệp của nó, mà bởi cách nó phát ra thông điệp ấy: có những giới hạn về hình thức đối với huyền thoại, chứ không có những giới hạn về thực thể. Vậy tất cả đều có thể là huyền thoại chăng? Phải, tôi tin như thế, bởi vũ trụ có tính chất khơi gợi vô cùng tận. Mỗi đối tượng của thế giới đều có thể chuyển từ tình trạng tồn tại khép kín, câm lặng, sang trạng thái bằng lời, để xã hội tha hồ chiếm dụng, bởi vì chẳng có luật lệ nào, dù là luật lệ tự nhiên hay không, lại cấm đoán nói về các sự vật. Một cái cây là một cái cây. Tất nhiên đúng thế. Nhưng một cái cây do Minou Drouet nói ra lại không còn hoàn toàn là một cái cây nữa*, đó là cái cây được trang trí, thích hợp với loại tiêu dùng nào đấy, cái cây khoác lên mình những thị hiếu văn chương, những phản kháng, những hình ảnh, tóm lại là được xã hội sử dụng, nó không còn là chất liệu thuần tuý nữa.

Dĩ nhiên, chẳng phải tất cả đều đồng thời được nói lên: một số đối tượng trở thành mồi của ngôn từ huyền thoại trong chốc lát, rồi chúng biến đi, số khác đến chiếm chỗ, đi vào huyền thoại. Có những đối tượng nào dứt khoát có tính khơi gợi, như Baudelaire từng nói thế về người Phụ nữ hay không? Chắc chắn là không: người ta có thể quan niệm những huyền thoại rất cổ xưa, nhưng không có các huyền thoại vĩnh hằng; bởi vì chính lịch sử nhân loại đã làm cho cái hiện thực chuyển sang trạng thái ngôn từ, chính lịch sử nhân loại và chỉ có nó mới quy định sự sống và cái chết của ngôn ngữ huyền thoại. Dù xa xưa hay không, huyền thoại cũng chỉ có thể có một nền tảng lịch sử, vì huyền thoại là một ngôn từ do lịch sử lựa chọn: nó không thể nảy sinh từ “bản chất” các sự vật.

Ngôn từ ấy là một thông điệp. Vậy nó không nhất thiết cứ phải từ miệng thốt ra; nó có thể được hình thành bằng các chữ viết hoặc các thể hiện: diễn ngôn viết ra, nhưng cũng có thể là ảnh chụp, điện ảnh, phóng sự, thể thao, các cuộc biểu diễn, quảng cáo, tất cả đều có thể làm nền cho ngôn từ huyền thoại. Huyền thoại không thể được xác định bằng đối tượng hay bằng chất liệu của nó, bởi vì bất cứ chất liệu nào cũng có thể được gán cho ý nghĩa biểu đạt một cách võ đoán: mũi tên người ta mang theo để biểu đạt sự thách thức cũng là một ngôn từ. Dĩ nhiên, trong lĩnh vực nhận thức, hình ảnh và chữ viết chẳng hạn, không đòi hỏi cùng một kiểu ý thức; và riêng về hình ảnh cũng có nhiều phương thức đọc: một sơ đồ khiến ta nghĩ đến sự biểu đạt nhiều hơn là một hình vẽ, một bản mô phỏng nhiều hơn là một bản gốc, một bức biếm hoạ nhiều hơn là một bức chân dung. Nhưng thật ra ở đây vấn đề không còn là phương thức thể hiện mang tính lý thuyết nữa: vấn đề là hình ảnh ấy được đưa ra để nói lên sự biểu đạt ấy: ngôn từ huyền thoại được tạo nên bởi chất liệu đã được gia công nhằm hướng tới một thông báo thích hợp: đó là vì tất cả các vật liệu của huyền thoại, dù dưới hình thức hình ảnh thể hiện hay biểu đồ, đều giả định có từ trước một ý thức biểu đạt, người ta có thể suy luận về chúng một cách độc lập với chất liệu của chúng. Chất liệu ấy chẳng phải là dửng dưng: hình ảnh chắc là rành mạch hơn chữ viết, nó áp đặt sự biểu đạt ngay tức khắc, không phân tán, không phân giải. Nhưng đấy không phải là sự khác biệt về cấu tạo. Hình ảnh trở thành chữ viết ngay khi nó có tính chất biểu đạt: như chữ viết, nó đòi hỏi một lexis*.

Vậy là ở đây từ nay trở đi, bất cứ đơn vị hoặc tổng hợp có tính chất biểu đạt nào, dù được thốt ra lời hay nhìn thấy bằng mắt, ta sẽ đều hiểu là ngôn ngữ, diễn ngôn, lời nói v.v.: một bức ảnh đối với chúng ta cũng là ngôn từ chẳng khác nào một bài báo; bản thân các đồ vật cũng sẽ có thể trở thành ngôn từ nếu chúng biểu đạt điều gì đấy. Cách quan niệm ngôn ngừ mở rộng như thế thực ra cũng được minh chứng bằng chính lịch sử các chữ viết: trước khi phát minh ra bảng chữ cái của chúng ta rất lâu, các đồ vật như kipou* của người Inca, hoặc các hình vẽ như trong lối chữ tượng hình cũng đã là những ngôn từ hợp thức. Như vậy không hề muốn nói rằng ta phải xử lý với ngôn từ huyền thoại như với ngôn ngữ: nói cho đúng ra, huyền thoại thuộc một khoa học tổng quát mở rộng sang ngôn ngữ học, và đó là ký hiệu học.

Chọn tập
Bình luận