Diễn viên của ảnh viện Harcourt
Ở PHÁP, người ta không phải là diễn viên nếu chưa được các ảnh viện của Harcourt chụp hình. Diễn viên của Harcourt là chúa tể: anh ta chẳng bao giờ làm gì hết: anh ta bị bắt chợt lúc đứng im.
Một lối nói trệch, mượn của phép xã giao, lý giải tư thế ấy: diễn viên được giả định là “ở ngoài đời”. Tất nhiên đây là một đời sống lý tưởng, đời sống của các diễn viên nơi chỉ có hội hè và yêu đương, trong khi trên sân khấu, tất cả đều là công việc, thứ “quà tặng” hào phóng và khó chịu. Và sự thay đổi ấy cần phải gây bất ngờ đến cao độ; cần phải làm sao khiến chúng ta bối rối khi nhìn thấy treo dọc các thang gác của nhà hát, như quái vật đầu sư tử mình người ở lối vào các đền đài, hình ảnh thần tiên của một diễn viên đã lột bỏ bộ da của con quái vật náo động, tuy rất người, và lấy lại bản chất phi thời gian của mình, ở đây diễn viên được đền bù: do thiên chức mà đôi khi diễn viên buộc phải đóng vai già lão và mặt mày xấu xí, chẳng còn là chính bản thân mình, nay người ta để cho anh lấy lại bộ mặt lý tưởng, gột sạch các vết nhơ của nghề nghiệp (như ở cửa hàng thợ nhuộm). Chuyển từ “sân khấu” ra “ngoài đời”, diễn viên của Harcourt không hề từ bỏ “mơ mộng” để về với “thực tế”. Mà hoàn toàn ngược lại: trên sân khấu, to khoẻ, xương xẩu, nhục thể, làn da trát phấn dày cộp; ngoài đời, phẳng phiu, nhẵn nhụi, khuôn mặt đức độ, thanh thoát nhờ ánh sáng dìu dịu của ảnh viện Harcourt. Trên sân khấu, đôi khi già cả, chí ít cũng là đứng tuổi; ngoài đời, vĩnh viễn trẻ trung mãi mãi tuổi thanh xuân. Trên sân khấu, giọng nói cứ lạc đi vì phải lên gân như những bắp chân của vũ nữ; ngoài đời, lặng lẽ một cách lý tưởng, nghĩa là bí ẩn, đầy vẻ thâm trầm huyền bí, đặc điểm của những vẻ đẹp im hơi lặng tiếng như thiên hạ thường nghĩ. Cuối cùng, trên sân khấu bị buộc phải có những cử chỉ tầm thường hoặc anh hùng, dù sao đều có hiệu lực; ngoài đời, thu về chỉ còn là một khuôn mặt không chút động đậy.
Bộ mặt thuần khiết ấy lại còn hoàn toàn vô tích sự – nghĩa là xa xỉ – bởi góc nhìn sai lệch, như thể máy ảnh của Harcourt, do được phép đặc quyền chớp lấy cái vẻ đẹp phi trần gian kia, nên chắc là phải được đặt trong những khu vực mơ hồ nhất của khoảng thinh không, và như thể bộ mặt chập chờn giữa nền đất thô nháp của nhà hát và bầu trời rạng rỡ ở “ngoài đời” chỉ có thể được bắt gặp, chớp lấy bản chất phi thời gian của nó trong khoảnh khắc, rồi lại bị kính cẩn bỏ mặc trên hành trình đơn độc và huy hoàng: khi thì đắm đuối như tình mẫu tử nhìn xuống mặt đất cứ lùi xa, khi thì ngẩng lên, rạng ngời, khuôn mặt của diễn viên như vươn tới nơi chốn của mình trên trời trong một chuyến thăng thiên thong dong và nhẹ nhàng, trái ngược với đám nhân loại khán giả, họ thuộc về một loài động vật khác chỉ có khả năng chuyển động bằng đôi chân (chứ không phải bằng khuôn mặt), nên phải cuốc bộ về nhà. (Có lẽ một ngày nào đó cần phải tiến hành nghiên cứu các tranh tượng không chân về phương diện phân tâm học lịch sử. Bước đi bằng chân – xét về phương diện huyền thoại học – có lẽ là động tác tầm thường nhất, do đó có tính chất người nhất. Mọi mơ mộng, mọi hình ảnh lý tưởng, mọi tiến bộ xã hội, trước hết đều gạt bỏ đôi chân, dù đấy là cách vẽ chân dung hay sản xuất ra chiếc xe hơi).
Thu về chỉ còn là một khuôn mặt, đôi vai, mái tóc, các nữ diễn viên chứng tỏ tính chất phi thực tại rất cao đạo của phái nữ – nhờ thế mà ở ngoài đời họ rõ ràng là các thiên thần, sau khi đã từng là những tình nương, những bà mẹ, những gái giang hồ, những con sen con nhài trên sân khấu. Còn cánh đàn ông, trừ những vai tình lang coi như thuộc vào loại thần tiên, vì gương mặt họ, cũng như gương mặt phụ nữ, vẫn còn ở trạng thái phảng phất, cánh đàn ông tỏ rõ nam tính của mình bằng nét đặc trưng thành thị nào đó, như một cái tẩu hút thuốc, một con chó, cặp kính đeo mắt, một cái lò sưởi có chỗ tì tay, những vật dụng tầm thường, nhưng cần thiết để ra dáng đàn ông, chỉ cánh đàn ông mới được phép táo bạo như thế, và qua đó diễn viên ở “ngoài đời” như kiểu các thượng đế và vua chúa vui nhộn, chứng tỏ rằng anh ta chẳng ngại đôi khi cũng là một con người như thiên hạ, có những thú vui (cái tẩu hút thuốc), sự trìu mến (con chó), những khuyết tật (kính đeo mắt) và cả nhà cửa ở trần gian (cái lò sưởi).
Ảnh chụp của Harcourt tôn vinh tính vật chất của diễn viên và tiếp tục thật sự một “sân khấu” tất yếu là sáo mòn bằng cảnh “ngoài đời” bất động nên lại có tính chất lý tưởng. Thật trớ trêu, sân khấu ở đây là thực tại; còn ngoài đời lại là huyền thoại, mơ mộng, kỳ diệu. Diễn viên tuy đã trút bỏ cái lốt thâm căn cố đế của nghề nghiệp, vẫn cứ đeo đẳng với cốt lõi vai kịch của mình là nhân vật anh hùng, là mẫu người lý tưởng, chẳng giống với các chuẩn mực thể chất của thiên hạ. Khuôn mặt ở đây là một vật thể thơ mộng; với vẻ bình thản, với sắc thái thần tiên khiến nó mất đi tính chân thực đời thường, và mang dáng dấp mơ hồ, cực lạc và cuối cùng là bằng an của tính chân thực cao siêu. Do có chút ảo giác là đặc thù của một thời đại và một giai cấp xã hội vừa không đạt tới được lý tính thuần tuý vừa không vươn đến được huyền thoại mãnh liệt, vào những giờ nghỉ giải lao, khán giả chán ngán, bước ra, và tuyên bố rằng các khuôn mặt phi thực tại kia chính là những khuôn mặt ở ngoài đời và ai nấy tin một cách duy lý rằng phía sau diễn viên có một con người; nhưng khi lột xác diễn viên, ảnh viện Harcourt chớp đúng lúc, làm nổi lên một vị thượng đế, thế là tất cả, trong đám công chúng tư sản vừa chán chường vừa sống với dối trá kia, ai nấy đều mãn nguyện.
Do vậy, diễn viên trẻ cho rằng ảnh chụp ở Harcourt là nghi thức nhập môn, là văn bằng tay nghề cao, là chứng minh thư nghiệp vụ đích thực của mình. Anh ta có thật sự vào nghề không chừng nào chưa chạm tới Bóng điện Chí tôn của Harcourt? Khung hình chữ nhật nơi lần đầu tiên hiện ra cái đầu lý tưởng của anh, vẻ thông minh, mẫn cảm hoặc ranh mãnh của anh, tuỳ theo cái vai anh định giữ trọn đời, đó là chứng thư trang trọng toàn xã hội chấp nhận loại anh ra khỏi những quy luật thể chất riêng biệt của mình và bảo đảm cho anh, từ ngày làm lễ rửa tội đó, mang trọn đời một bộ mặt có tất cả những sức mạnh mà mọi người khác chẳng có, hay ít ra là có cái này lại thiếu cái kia: đó là vẻ rực rỡ bất di bất dịch, là sức quyến rũ không nhuốm chút độc ác, là năng lực trí tuệ không nhất thiết đi kèm theo tài nghệ hoặc nét đẹp của diễn viên.
Đấy là lý do vì sao các ảnh của Thérèse Le Prat hoặc của Agnès Varda, chẳng hạn, đều là tiền phong chủ nghĩa: các ảnh ấy luôn để cho diễn viên bộ mặt nhập vai, không thoát được ra ngoài chức năng xã hội của mình, đó là “thể hiện” chứ không phải dối trá. Đối với một huyền thoại bị tha hoá như huyền thoại các bộ mặt diễn viên, giải pháp này là hết sức cách mạng: không treo ở dọc các cầu thang những bức ảnh chụp cổ điển của Harcourt, chải chuốt, uể oải, đẹp như tiên hoặc hùng dũng (tuỳ theo giới tính), đó là hành động táo bạo mà rất ít rạp hát dám ra tay.