Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Lục Địa Bị Đánh Mất

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Lục địa bị đánh mất

BỘ PHIM Lục địa bị đánh mất* soi sáng rõ ràng huyền thoại hiện nay về xu hướng chuộng ngoại lai. Đó là bộ phim tài liệu lớn về “Phương Đông”, lấy cớ một cuộc thám hiểm dân tộc học mơ hồ nào đấy, tuy hiển nhiên là bịa đặt, do ba hoặc bốn người Italia râu xồm tiến hành ở Insulinde*. Phim rất hào hứng, tất cả đều nhẹ nhàng, vô hại. Các nhà thám hiểm của chúng ta là những con người trung hậu, lúc nghỉ ngơi thì mê mải với các trò giải trí trẻ con: đùa nghịch với một chú-gấu-bùa-hộ-mệnh nhỏ bé (bùa hộ mệnh rất cần thiết trong mọi cuộc thám hiểm: chẳng có bộ phim về địa cực nào mà không có chú hải cẩu được thuần dưỡng, chẳng có phóng sự nào về vùng nhiệt đới lại không có chú khỉ) hoặc hất ngược một cách hài hước đĩa mì sợi trên boong tàu. Như thế để nói rằng các nhà dân tộc học hiền lành ấy chẳng bận tâm mấy đến những vấn đề lịch sử hoặc xã hội. Việc thâm nhập vào Phương Đông đối với họ chẳng qua chỉ là một chuyến du lịch nho nhỏ bằng tàu trên biển xanh lam, trong ánh nắng chói chang. Và chính Phương Đông ấy ngày nay trở thành trung tâm chính trị thế giới, người ta thấy nó ở đây phẳng phiu, nhẵn nhụi và tô màu như một tấm bưu thiếp đã lỗi thời.

Biện pháp vô trách nhiệm thật rõ ràng: tô màu thế giới luôn luôn là một cách để phủ nhận nó (và có lẽ ở đây cần phải bắt đầu một vụ kiện màu sắc ở điện ảnh). Bị tước hết thực chất, bị đẩy vào màu sắc, bị thoát xác bởi chính vẻ hào nhoáng của những “hình ảnh”, Phương Đông đã sẵn sàng cho thao tác tránh né mà bộ phim chủ trương. Giữa chú-gấu-bùa-hộ-mệnh và những đĩa mì sợi ngộ nghĩnh, các nhà nhân chủng học của chúng ta ở trường quay sẽ chẳng mất công mất sức để nêu thành định đề một Phương Đông về hình thức thì có phong vị ngoại lai, nhưng thực tế lại giống hệt như Phương Tây, chí ít là Phương Tây duy linh. Dân Phương Đông có các tôn giáo đặc biệt ư? Điều đó chẳng quan trọng, những dị biệt có nghĩa lý gì khi các tôn giáo đều thống nhất sâu xa ở chủ nghĩa duy tâm. Mỗi nghi lễ, do đó, vừa được chuyên biệt hoá vừa được vĩnh viễn hoá, đồng thời được tôn lên hàng cảnh tượng lạ lẫm và biểu tượng cận-Cơ-đốc-giáo. Và có hề chi nếu như đạo Phật thực chất không phải cơ đốc giáo, bởi vì đạo Phật cũng có các ni cô cạo trọc đầu (chủ đề bi tráng lớn của mọi trường hợp đi tu), bởi vì nó cũng có các nhà sư quỳ gối và xưng tội với bề trên, và cuối cùng bởi vì, cũng như ở Séville*, các tín đồ đến phủ vàng lên tượng Thượng đế*. Đúng là tính đặc trưng của các tôn giáo bao giờ cũng thể hiện rõ rệt hơn cả ở các “hình thức”; nhưng ở đây tính đặc trưng ấy không hề để lộ rõ các hình thức, mà tôn chúng lên, gắn chúng phụ thuộc tất cả vào tính chất cơ đốc giáo cao hơn.

Người ta biết rõ sự hỗn hợp đã luôn luôn là một trong những kỹ thuật đồng hoá của Giáo hội. Trong thế kỷ XVII, ở chính Phương Đông mà bộ phim Lục địa bị đánh mất chỉ ra cho ta thấy các thiên hướng Cơ đốc giáo, những tu sĩ dòng Tên đi rất xa trong việc thế giới hoá các hình thức tôn giáo: đó là những nghi lễ thuộc đạo Cơ đốc vùng Malabar, nhưng rồi cuối cùng giáo hoàng kết án những nghi lễ ấy. Các nhà dân tộc học của chúng ta nói xa nói gần đến chính cái “tất cả đều tương tự” ấy: Phương Đông và Phương Tây, tất cả đều như nhau, chỉ có những khác biệt về sắc thái, cái cốt yếu giống hệt nhau, đó là con người vĩnh viễn hướng về Thượng đế, là tính chất vô nghĩa lý và ngẫu nhiên của các địa lý so với cái bản chất nhân loại kia mà chỉ một mình Kitô giáo nắm giữ chìa khoá. Ngay các truyền thuyết, cả kho văn học dân gian “nguyên thuỷ” mà dường như người ta cố chấp xem như lạ lùng, chỉ có sứ mệnh minh hoạ cái “Bản chất”: các lễ thức, các sự kiện văn hoá chẳng bao giờ được đặt trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, với quy chế kinh tế hoặc xã hội rõ ràng, mà chỉ là với những hình thái lớn không rõ nét về các vùng miền vũ trụ tương đồng (các mùa, giông bão, cái chết, v.v.). Nói về dân chài thì không hề chỉ ra phương thức đánh cá, mà chỉ là bản chất lãng mạn của dân chài ngập chìm trong màu sắc chiều tà vĩnh viễn, dân chài không được xem như người thợ với kỹ thuật và lợi ích phụ thuộc vào một xã hội xác định, mà như vấn đề thân phận muôn thuở thì đúng hơn, con người ở xa phải dấn thân vào những hiểm nguy của biển cả, người vợ ở nhà thở than, cầu nguyện. Cũng thế đối với những kẻ tị nạn người ta giới thiệu lúc đầu với chúng ta một đoàn dài kéo nhau xuống núi; rõ ràng không thể xác định được họ: đó là những bản thể tị nạn vĩnh viễn, bản chất của Phương Đông là sản sinh ra những con người ấy.

Tóm lại ở đây phong vị ngoại lai bộc lộ rõ tính chất sâu xa là phủ nhận mọi tình huống của Lịch sử. Bằng cách đưa vào thực tế Phương Đông vài ký hiệu bản xứ rõ rệt, chắc chắn người ta đã tiêm vắc-xin cho toàn bộ nội dung liên quan. Một chút “tình huống” hời hợt gọi là có, cung cấp lý do cần thiết và thế là miễn khỏi phải đề cập đến tình huống sâu xa. Đối diện với cái xa lạ, Thể chế chỉ biết có hai cách cư xử, cả hai đều què quặt: hoặc thừa nhận nó như con rối múa may, hoặc xem nó chỉ như ánh phản chiếu của Phương Tây. Dù thế nào thì điều căn bản vẫn là tước đi lịch sử của nó. Người ta thấy rằng những “hình ảnh đẹp” của bộ phim Lục địa bị đánh mất không thể là vô tội: không thể là vô tội khi đánh mất đi cái lục địa đã được tìm thấy lại ở Bandoeng*.

Chọn tập
Bình luận