Lối phê bình Chẳng-Chẳng
Ở MỘT TRONG những số đầu tiên của tờ L’Express hàng ngày, người ta có thể đọc bài tuyên bố về nguyên tắc phê bình (không ghi tên tác giả), đó là một bài tuyệt vời về tu từ học cân đối. Đại ý là phê bình phải làm sao để “chẳng phải là trò chơi phòng khách, cũng chẳng phải là công vụ đô thị”; hãy hiểu theo nghĩa nó cần làm sao để chẳng phải là phản động, chẳng phải là cộng sản, chẳng phải là vô tư, chẳng phải là chính trị.
Vấn đề ở đây là một cơ chế loại trừ kép phần lớn xuất phát từ lòng cuồng nhiệt đo đếm mà chúng ta đã gặp nhiều lần, và tôi nghĩ là đã có thể xác định tổng quát như một nét đặc trưng tiểu tư sản. Người ta tính toán các phương pháp bằng một chiếc cân, người ta đặt chúng lên các đĩa cân, tuỳ thích, để bản thân mình có thể xuất hiện như vị trọng tài không thiên lệch được phú bẩm một tâm linh lý tưởng, do đó mà chính xác, như chiếc đòn cân đánh giá nặng nhẹ.
Những cái tật cần thiết cho thao tác tính toán ấy bắt nguồn từ tính đạo đức của các từ ngữ được dùng. Theo một biện pháp khủng bố cũ mèm (chẳng ai thoát khỏi chủ nghĩa khủng bố), người ta phán xét ngay lúc người ta bắt đầu kêu tên, và cái từ ngữ bị lèn cho tính chất tội lỗi từ trước, tất nhiên đè trĩu xuống một bên đĩa cân. Chẳng hạn, người ta sẽ đem đối lập văn hoá với các hệ tư tưởng. Văn hoá là một tài sản cao quý, phổ quát, ở ngoài các thành kiến xã hội; văn hoá không trĩu nặng xuống. Còn các hệ tư tưởng là những điều bày đặt của các đảng phái: vậy nào, đặt lên cân! Người ta để chúng, dưới con mắt nghiêm khắc, ngồi giáp lưng với văn hoá (chẳng nghĩ rằng văn hoá suy cho cùng vẫn cứ là một hệ tư tưởng). Tất cả diễn ra như thể một bên là những từ ngữ nặng, những từ ngữ có tật (hệ tư tưởng, giáo lý, chiến sĩ), làm lệch cán cân bêu riếu; còn bên kia là những từ ngữ nhẹ, thanh khiết, phi vật chất, cao quý trời cho, tuyệt vời đến mức thoát ra khỏi quy luật thấp kém của các con số (phiêu lưu, đam mê, cao thượng, đức hạnh, danh dự), những từ ngữ đứng bên trên lối tính toán buồn tẻ của các dối trá; loại thứ hai có trách nhiệm lên lớp đạo đức cho loại thứ nhất: một bên là những từ ngữ phạm tội, còn bên kia là những từ ngữ xét xử. Dĩ nhiên, bài học đạo lý hay ho Đẳng cấp Thư Ba ấy chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lưỡng phân mới, cũng quá đơn giản như sự lưỡng phân mà người ta muốn tố cáo nhân danh ngay tính chất phức tạp. Quả thật, thế giới của chúng ta có thể là thế này hay là thế khác, nhưng xin cứ yên trí rằng đó là sự chia tách không có Toà án: chẳng có miễn trừ cho các quan toà, họ cũng thực sự là khách trên tàu.
Vả chăng chỉ cần xem những huyền thoại nào khác lộ ra trong lối phê bình Chẳng-Chẳng ấy là đủ hiểu nó đứng về bên nào. Không nói dài thêm nữa đến huyền thoại về tính phi thời gian nó hoàn toàn vin vào một “nền văn hoá” vĩnh hằng (“một nghệ thuật của mọi thời đại”), tôi còn thấy trong học thuyết Chẳng-Chẳng của chúng ta hai dấu hiệu hiện hành của huyền thoại tư sản. Dấu hiệu thứ nhất là dựa vào một ý niệm nào đấy về tự do, được quan niệm như “khước từ nhận xét a priori*”. Thế nhưng một nhận xét văn chương lại luôn được quy định bởi giọng điệu mà nó tham gia, và ngay sự vắng bóng của hệ thống – nhất là khi được nâng lên trạng thái tuyên bố về nguyên tắc – cũng bắt nguồn từ một hệ thống hoàn toàn xác định, trong trường hợp này đó là dị bản hết sức tầm thường của hệ tư tưởng tư sản (hoặc của văn hoá, như tác giả không ghi tên của chúng ta có lẽ sẽ bảo thế). Thậm chí ta còn có thể nói rằng khi người ấy cam đoan tự do trước hết thì cũng là lúc sự phụ thuộc của anh ta là điều ít phải bàn cãi nhất. Người ta có thể yên tâm thách thức bất cứ ai định tiến hành một lối phê bình vô tư, chẳng liên quan đến mọi quyết định có tính chất hệ thống: chính các nhà phê bình Chẳng-Chẳng cũng gia nhập vào một hệ thống, không nhất thiết đó là hệ thống chỗ dựa của họ. Người ta không thể nhận định về Văn chương mà trước đó không có một ý niệm nào về Con người và Lịch sử, về cái Thiện, cái ác, về Xã hội, v.v.: chỉ riêng cái từ ngữ đơn giản Phiêu lưu được các nhà phê bình Chẳng-Chẳng của chúng ta đạo đức hoá một cách hí hửng, đối lập với những hệ thống xấu xa “chẳng làm ai ngạc nhiên”, cũng đã thành truyền thống, nếp cũ từ lâu, lâu lắm rồi! Mọi tự do cuối cùng bao giờ cũng quay về với sự gắn bó nào đấy đã quen biết, chẳng phải cái gì khác ngoài cái a priori* nào đấy. Vì vậy, tự do phê bình chẳng phải là khước từ phe đảng (không thể được!) mà là công bố hay không công bố nó ra.
Dấu hiệu tư sản thứ hai ở văn bản mà chúng ta đang nói đến là cứ thích xem “phong cách” của nhà văn như giá trị vĩnh cửu của Văn chương. Tuy nhiên, chẳng gì có thể thoát khỏi việc đặt thành vấn đề của Lịch sử, kể cả cách viết hay. Văn phong là một giá trị phê bình hoàn toàn cũ rồi, và đòi hỏi bênh vực cho “văn phong” vào đúng thời kỳ một số nhà văn quan trọng tấn công vào cái pháo đài cuối cùng của huyền thoại cổ điển thì chính là tỏ ra có phần nệ cổ: không, một lần nữa trở lại với “văn phong” không phải là phiêu lưu! Chín chắn hơn ở một trong những số tiếp theo, tờ L’Express đăng một bài phản kháng thích đáng của A. Robbe-Grillet* chống lại việc sùng bái Stendhal* (“Viết cứ như kiểu Stendhal”). Sự kết hợp giữa văn phong và tính nhân bản (Anatole France* chẳng hạn) có lẽ không đủ để xây dựng Văn chương nữa. Thậm chí còn phải e ngại rằng “văn phong” mà gắn với bao tác phẩm nhân bản một cách giả dối, rốt cuộc lại trở thành một đối tượng đáng ngờ a priori*: dù thế nào đi nữa thì đấy cũng là một giá trị có lẽ chỉ nên xem như thành tựu của nhà văn với điều kiện phải kiểm lại. Tất nhiên như thế không muốn nói là Văn chương có thể tồn tại bên ngoài một kỹ xảo nào đấy về hình thức. Nhưng các nhà phê bình Chẳng-Chẳng của chúng ta, luôn là môn đồ của một thế giới lưỡng phân mà họ chắc sẽ là sự siêu nghiệm tuyệt trần, dù họ nghĩ thế nào đi nữa thì đối lập với cách viết hay không nhất thiết là cách viết dở: ngày nay có lẽ đó là cách viết thế thôi. Văn chương đã trở thành một thực thể khó tính, nghiêm ngặt, có sinh có tử. Nó không bảo vệ những thứ trang sức của nó nữa, mà là bảo vệ tính mệnh của nó. Tôi thật sự e ngại rằng lối phê bình mới Chẳng-Chẳng lạc hậu một mùa rồi.