Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Sự Cần Thiết Và Các Hạn Chế Của Huyền Thoại Học

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Sự cần thiết và các hạn chế của huyền thoại học

ĐỂ KẾT THÚC, tôi cần phải nói vài lời về chính nhà huyền thoại học. Thuật ngữ này thật to tát, thật tự tin. Tuy nhiên, nếu như có nhà huyền thoại học, người ta có thể báo trước với họ vài điều khó khăn, nếu không phải là về phương pháp, thì ít ra là về ý thức. Tất nhiên, họ sẽ dễ dàng cảm thấy mình là chính đáng: dù có sai lầm gì nữa, họ vẫn tin chắc huyền thoại học đóng góp vào việc làm ra thế giới; trên cơ sở nhận định chắc chắn con người của xã hội tư sản thường xuyên bị ném vào một Bản chất tự nhiên giả dối, huyền thoại học mưu toan tìm ra dưới những cái vô can của cuộc sống giao tiếp cái vô can khờ khạo nhất, đó là sự tha hoá sâu sắc mà những cái vô can kia tìm cách cho thông qua. Vậy việc vạch trần mà nó tiến hành là một hành vi chính trị: xây dựng trên cơ sở cho rằng ngôn ngữ có trách nhiệm, huyền thoại học chính vì thế khẳng định sự tự do của ngôn ngữ. Chắc chắn rằng theo chiều hướng đó, huyền thoại học là sự bắt nhịp với thế giới, không phải như thế giới vốn có, mà như nó muốn tự tạo ra mình (về vấn đề này Brecht dùng từ ngữ mập mờ một cách hiệu quả: đó là Einverstandnis, đồng thời vừa là sự nhận thức hiện thực vừa là sự tiếp tay cho nó).

Sự bắt nhịp ấy của huyền thoại học biện minh cho nhà huyền thoại học, chứ không lấp đầy ông ta: quy trình sâu xa của nó vẫn là quy trình loại trừ. Được biện minh về mặt chính trị, nhà huyền thoại học dẫu sao vẫn xa rời chính trị. Ngôn từ của ông ta là một siêu ngôn ngữ, nó không tác động gì hết; cùng lắm nó chỉ vạch trần, và hơn nữa, cho ai? Nhiệm vụ của ông ta vẫn luôn luôn hàm hồ, lúng túng bởi căn nguyên đạo đức học. Ông ta chỉ có thể trải nghiệm hành động cách mạng theo uỷ quyền: do vậy nên chức năng của ông ta có tính chất vay mượn, một cái gì đây hơi cứng nhắc, và hơi chắp vá, lộn xộn và giản lược thái quá, đó là đặc điểm của mọi hành vi trí năng công khai vận vào chính trị (các văn học “thoát thân*” ngàn lần “sang trọng” hơn; chúng hợp với siêu ngôn ngữ).

Hơn nữa nhà huyền thoại học tự tách mình ra khỏi tất cả những người sử dụng huyền thoại, điều đó chẳng phải là không đáng kể. Đối với bộ phận công chúng đặc biệt nào đấy thì còn được*. Nhưng khi huyền thoại liên quan đến cả một tập thể, nếu người ta muốn giải thoát huyền thoại, thì phải xa lánh cả cộng đồng. Mọi huyền thoại hơi phổ biến một chút đều thực sự mơ hồ, bởi vì nó thể hiện nhân tính của chính những kẻ, chẳng có gì, đã vay mượn nó. Giải mã cuộc Đua vòng quanh nước Pháp, Rượu vang ngon của Pháp, là phải tách mình ra khỏi những kẻ thích thú theo dõi cuộc đua, những kẻ uống rượu vang cho ấm người. Nhà huyền thoại học buộc phải trải nghiệm cuộc sống hoà đồng về mặt lý thuyết: đối với ông, sống hoà đồng, trong trường hợp tốt nhất, đó là chân thật: tính hoà đồng lớn nhất của ông là ở tính đạo đức lớn nhất của ông. Mối liên hệ của ông với thế giới là thuộc phạm trù mỉa mai châm chọc.

Còn cần phải đi xa hơn nữa: theo một chiều hướng, nhà huyền thoại học bị loại khỏi lịch sử mà ông muốn nhân danh chính nó để hành động. Đối với ông, việc tiến hành phá huỷ ngôn ngữ tập thể là tuyệt đối, nó chất đầy ắp nhiệm vụ của ông: ông phải sống với công việc ấy chẳng hy vọng được đền đáp, chẳng dám nghĩ sẽ được trả công. Ông cấm không được hình dung thế giới tai nghe mắt thấy sẽ ra sao, một khi đối tượng phê phán trực tiếp của ông biến đi rồi; ảo tưởng đối với ông là một thứ xa xỉ không thể được; ông hết sức nghi ngờ những sự thật ngày mai chính là mặt trái của các điều dối trá hôm nay. Lịch sử chẳng bao giờ bảo đảm sự thắng lợi thuần tuý và đơn giản của cái đối lập chống lại cái đối lập với nó: lịch sử, trong khi tự tạo ra mình, phát lộ những lối ra không thể tưởng tượng, những sự tổng hợp không thể dự kiến. Nhà huyền thoại học cũng chẳng được ở trong hoàn cảnh của Moise: ông ta không nhìn thấy miền Đất hứa. Đối với ông, tính thực chứng của ngày mai hoàn toàn bị che khuất bởi tính phủ định của hôm nay; mọi giá trị công trình của ông đều được ghi nhận như những hành vi phá huỷ: những hành vi này lấp kín những hành vi kia, chẳng có gì vượt lên trên. Việc nắm bắt chủ quan cái lịch sử ở đó mầm mống mãnh liệt của tương lai chỉ là sự sụp đổ hoàn toàn của hiện tại, Saint Just* đã diễn tả bằng câu nói lạ lùng: “Thiết lập nền Cộng hoà là sự phá huỷ toàn bộ những gì đối lập với nó.” Tôi thiết nghĩ không nên hiểu câu đó theo nghĩa thô thiển là “cần phải dọn đi hết trước khi xây dựng lại.” Câu nói ở đây có nghĩa triệt để: đối với một người nào đó thì có một đêm đen chủ quan của lịch sử, ở đấy tương lai là sự phá huỷ triệt để quá khứ.

Một loại trừ cuối cùng đe doạ nhà huyền thoại học: ông ta luôn có nguy cơ làm bay biến cái hiện thực mà ông nghĩ là muốn che chở. Dù nói gì đi nữa, thì chiếc xe D.S. 19 là một đối tượng xác định về phương diện công nghệ: nó phóng với một tốc độ nào đấy, nó đương đầu với gió theo cách nào đấy v.v.. Và cái hiện thực ấy, nhà huyền thoại học không thể nói về nó được. Thợ máy, kỹ sư, cả người sử dụng nói đối tượng; còn nhà huyền thoại học buộc phải sử dụng siêu ngôn ngữ. Sự loại trừ này đã được định danh: đó là cái mà người ta gọi là chủ nghĩa ý thức hệ*. Chủ nghĩa Jdanov đã kịch liệt phê phán điều đó (tuy không chứng minh rằng vào thời điểm ấy nó có thể tránh được) ở Lukács* thời kỳ đầu, ở ngôn ngữ học của Marr, ở những công trình như các công trình của Bénichou, của Goldmann, đem đối lập với nó phần hiện thực không dính líu gì đến tư tưởng, như ngôn ngữ theo quan niệm của Staline. Đúng là chủ nghĩa ý thức hệ giải quyết cái mâu thuẫn của hiện thực bị tha hoá, bằng sự cắt bỏ, chứ không phải bằng sự tổng hợp (nhưng chủ nghĩa Jdanov cũng chẳng giải quyết mâu thuẫn ấy): rượu vang khách quan là ngon, và đồng thời cái ngon của rượu vang là một huyền thoại: đấy là điều khó khăn nan giải. Nhà huyền thoại học cố gắng giải quyết: ông ta sẽ quan tâm đến cái ngon của rượu vang, chứ không quan tâm đến chính rượu vang, hệt như nhà sử học sẽ quan tâm đến hệ tư tưởng của Pascal, chứ không quan tâm đến chính tác phẩm Các Tư duy của ông*.

Dường như đấy là một khó khăn có tính thời đại: ngày nay, ngay bây giờ đây, chỉ có thể có một sự lựa chọn, và sự lựa chọn chỉ liên quan đến hai phương pháp đều cực đoan như nhau: hoặc là đề cao một hiện thực hoàn toàn thấm vào lịch sử, và tư tưởng hoá; hoặc là, ngược lại, đề cao một hiện thực rốt cuộc không thâm nhập được, không quy giản được, và, trong trường hợp này, thi vị hoá. Tóm lại, tôi chưa thấy sự tổng hợp giữa hệ tư tưởng và thi ca (tôi hiểu thi ca theo cách tổng quát nhất, là sự tìm tòi cái nghĩa bất khả tha hoá của các sự vật).

Chắc hẳn chính là do tình trạng tha hoá hiện nay của chúng ta mà chúng ta không vượt qua được tình trạng nắm bắt hiện thực một cách bấp bênh: chúng ta không ngừng lênh đênh giữa đối tượng và sự giải hoặc nó, vì chúng ta bất lực không thể hiện được tổng thể của nó: bởi vì nếu chúng ta thâm nhập đối tượng, chúng ta giải phóng nó nhưng chúng ta phá huỷ nó; và nếu chúng ta để mặc nó, chúng ta tôn trọng nó, nhưng chúng ta khôi phục nó khi nó vẫn bị huyễn hoặc. Dường như trong một thời gian nữa chúng ta vẫn bắt buộc luôn luôn phải nói về hiện thực một cách cực đoan. Chắc hẳn đó là vì chủ nghĩa ý thức hệ và cái đối lập với nó là những cách xử sự còn huyền ảo, bị sự xâu xé của xã hội làm cho khiếp sợ, mù quáng và mê mụ đi. Thế nhưng đấy lại chính là điều chúng ta phải tìm kiếm: một sự dung hoà giữa hiện thực và con người, giữa miêu tả và giải thích, giữa đối tượng và tri thức.

Tháng Chín, 1956.

Chọn tập
Bình luận