Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Huyền Thoại

Chuyến Du Hành Đường Biển Của “Batory”

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Chuyến du hành đường biển của “Batory”

VÌ từ nay trở đi có những chuyến du lịch tư sản sang nước Nga Xô-viết, nên giới báo chí đại chúng của Pháp đã bắt đầu dựng lên vài huyền thoại về tìm hiểu thực tế cộng sản. Các ông Sennep và Macaigne, của tờ Ee Figaro, đi trên con tàu Batory, đã cố nêu trên tờ báo của họ một lý lẽ mới là không thể nhận định một xứ sở như nước Nga trong vài ngày. Những kết luận vội vã chết tiệt, ông Macaigne trịnh trọng tuyên bố như vậy, ông hết sức dè bỉu những bạn đồng hành và cái tật khái quát hoá của họ.

Thật khá thú vị thấy một tờ báo làm công việc chống Xô-viết suốt cả năm bằng những chuyện “nghe hơi nồi chõ” ngàn lần vô căn cứ hơn là một chuyến lưu lại thật sự ở Liên Xô dù là ngắn ngủi, lại trải qua cơn khủng hoảng bất khả tri và vênh vang ra vẻ đáp ứng những đòi hỏi của tính khách quan khoa học, ngay trong lúc các phái viên của ông ta rốt cuộc có thể tiếp cận những điều họ từng sẵn lòng nói đến khi còn ở xa và nói một cách sắc bén. Đó là vì do các nhu cầu về mục đích nên nhà báo chia các chức năng như Bác Jacques chia quần áo của mình. Bạn muốn nói với ai? với ông Macaigne nhà báo chuyên nghiệp, ông ta cung cấp tin tức và ông ta phán xét, tóm lại là ông ta biết, hay nói với ông Macaigne khách du lịch hồn nhiên, ông ta chỉ là do trung thực nên chẳng kết luận gì về những điều mình nhìn thấy? Vị khách du lịch ấy ở đây là một lý do tại ngoại tuyệt vời: nhờ có vị khách ấy, người ta có thể nhìn thấy mà chẳng hiểu, đi đó đi đây mà chẳng quan tâm đến các thực tế chính trị; khách du lịch thuộc vào loại cận-nhân-loại về bản chất là không có năng lực nhận xét và người ấy vượt quá thân phận của mình một cách lố bịch khi cứ muốn học đòi nhận xét thế này thế nọ. Và ông Macaigne ra mặt chế nhạo các bạn đồng hành, họ xem ra có tham vọng nực cười thu thập quanh cảnh tượng đường phố vài số liệu, vài sự việc chung chung, những điều sơ đẳng có thể giúp họ hiểu biết sâu sắc một xứ sở chưa ai biết đến: trọng tội chống du lịch, nghĩa là chống lại chính sách ngu dân, đó là điều không thể dung thứ ở báo Le Figaro.

Thế là người ta liền thay thế đề tài chung chung về Liên Xô, đối tượng phê phán thường xuyên, bằng đề tài thời vụ của phố xá, thực tế duy nhất mà khách du lịch được biết đến. Phố xá bỗng nhiên trở thành một lĩnh vực trung lập, nơi người ta có thể ghi chép mà chẳng có tham vọng kết luận. Nhưng ta đoán được đó là những ghi chép gì. Bởi lẽ sự dè dặt lương thiện ấy không hề ngăn cản ông khách du lịch Macaigne ghi nhận trong cuộc sống trước mắt vài sự cố chẳng hay ho, rất phù hợp để nhắc đến khuynh hướng tàn bạo của nước Nga Xô-viết: những đầu máy xe lửa Nga nghe cứ như bò rống không như tiếng còi tàu của chúng ta; các sân ga thì bằng gỗ; các khách sạn thì bẩn thỉu; có những dòng chữ Tàu trên các toa xe (chủ đề về hiểm hoạ da vàng); thêm nữa, sự kiện chứng tỏ một nền văn minh cổ lỗ thật sự, người ta chẳng thấy có những tiệm rượu ở Nga, mà chỉ toàn có nước lê ép.

Nhưng đặc biệt, huyền thoại phố xá cho phép khai triển chủ đề trọng đại của mọi huyễn hoặc chính trị tư sản: dân chúng không ưa chế độ. Mà nếu dân chúng Nga được cứu vớt, thì đó cũng như ánh phản chiếu của những quyền tự do ở Pháp. Một bà già oà lên khóc ư, một công nhân bến cảng (tờ Le Figaro hoà đồng với dân chúng) tặng hoa cho các vị khách đến từ Paris ư, điều đó xuất phát từ lòng hiếu khách thì ít, mà chủ yếu là biểu hiện của hoài vọng chính trị: giai cấp tư sản Pháp đi du lịch là biểu tượng của nền tự do Pháp, của niềm hạnh phúc Pháp.

Vậy là chỉ duy nhất một lần được vầng mặt trời của nền văn minh tư bản chủ nghĩa soi sáng nên dân chúng Nga mới có thể được người ta nhận thấy là hồ hởi, nhã nhặn, hào hiệp. Lúc đó chỉ còn thấy toàn những lợi thế khi khám phá cách xử sự chan chứa dễ thương của dân chúng: cách xử sự ấy bao giờ cũng là muốn nói lên cái thiếu sót của chế độ Xô-viết, sự trọn vẹn của hạnh phúc phương Tây: lòng biết ơn “không sao tả được” của cô hướng dẫn viên hãng du lịch Intourist đối với ông thầy thuốc (của miền Passy) đã tặng cô đôi tất ny lông, chính là nói lên nền kinh tế lạc hậu của chế độ cộng sản và sự thịnh vượng đáng thèm thuồng của nền dân chủ phương Tây. Bao giờ cũng thế (tôi vừa chỉ ra điều đó khi nói về sách Hướng dẫn Du lịch Xanh) người ta làm như có thể so sánh được với nhau sự xa hoa đặc quyền và mức sống của dân chúng; người ta xem như trang phục “sang trọng” không ai bắt chước được của Paris là của toàn nước Pháp, như thể tất cả các phụ nữ Pháp đều đến trang sức tại tiệm Dior hoặc Balanciaga; và người ta giới thiệu những phụ nữ Liên Xô trẻ tuổi ngây ngất trước thời trang Pháp như thể đấy là một bộ tộc nguyên thuỷ đứng ngẩn ra trước cái phuốc-sét hoặc cái máy hát. Một cách khái quát, chuyến du lịch sang Liên Xô chủ yếu dùng để lập ra bản tưởng lục tư sản của nền văn minh phương Tây: bộ áo dài Paris, những đầu máy xe lửa huýt còi chứ không rống lên, các tiệm rượu, thời của nước lê ép đã qua rồi, và đặc biệt nước Pháp lại có đặc ân cao nhất là Paris, nghĩa là một tổ hợp những tiệm may lớn cho nữ giới và tiệm rượu Les Folies-Bergères: dường như chính cái kho báu không thể với tới được kia làm cho dân Nga mơ tưởng qua những khách du lịch của con tàu Batory.

Trước những thứ ấy, chế độ có thể cứ trung thành với bức biếm hoạ của mình, bức biếm hoạ của một thể chế áp bức kìm giữ tất cả trong cái đơn điệu máy móc. Người bồi bàn ở toa tàu nằm đòi lại ông Macaigne chiếc thìa của cốc trà, ông Macaigne (vẫn trong động thái lớn của thuyết bất khả tri chính trị) kết luận là tồn tại một chế độ quan liêu giấy tờ khổng lồ, chỉ chăm chăm kiểm kê cho đủ từng chiếc thìa con. Lại thêm bằng chứng mới để khoe khoang tự hào về cái lộn xộn của dân tộc Pháp. Tình trạng bừa bãi của phong tục và những cách xử sự bên ngoài là minh chứng tuyệt vời cho trật tự: chủ nghĩa cá nhân là một huyền thoại tư sản cho phép tiêm liều vắc-xin tự do vô hại vào cái trật tự và chuyên chế giai cấp: con tàu Batory đem đến cho dân Nga sửng sốt cảnh tượng một thứ tự do quyến rũ, tự do được chuyện trò ba hoa trong lúc đi thăm các viện bảo tàng và được “làm trò nhả nhớt” dưới tàu điện ngầm.

Tất nhiên “chủ nghĩa cá nhân” chỉ là một sản phẩm xa xỉ để xuất khẩu, ở Pháp, và áp dụng vào một đối tượng có tầm quan trọng khác, ít ra là ở trên tờ Le Figaro, nó được gọi bằng một cái tên khác. Khi bốn trăm người được gọi tái nhập ngũ vào Không quân, một hôm chủ nhật đã từ chối đi sang Bắc Phi, tờ Le Figaro không còn nói đến tình trạng bừa bãi dễ thương và chủ nghĩa cá nhân đáng thèm muốn nữa: vì vấn đề ở đây không phải là viện bảo tàng hay xe điện ngầm, mà là những đồng tiền thuộc địa kếch xù, tình trạng “lộn xộn” bổng chốc không còn là sự kiện biểu hiện phẩm chất gôloa* vẻ vang nữa, mà là sản phẩm giả tạo của vài tay “kích động”; nó không còn tuyệt vời nữa, mà là thảm hại,tình trạng vô kỷ luật hoành tráng của người Pháp, vừa mới được tán dương bằng những cái nháy mắt vui đùa, huênh hoang, đã trở thành sự phản bội đáng hổ thẹn trên con đường sang Angiêri. Tờ Le Figaro biết rõ giai cấp tư sản của mình: tự do trong tủ kính, để trưng bày, còn Trật tự ở trong nước mình, để cơ cấu.

Chọn tập
Bình luận