Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Huyền Thoại

Mấy Câu Nói Của Ông Poujade

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Mấy câu nói của ông Poujade

TÍNH nội tại là thứ mà giai cấp tiểu tư sản tôn trọng nhất ở trên đời: giai cấp ấy ưa thích mọi hiện tượng diễn ra trọn vẹn trong khuôn khổ nội tại theo cơ chế có đi có lại đơn giản, nghĩa là mọi hiện tượng được đáp trả đúng theo nghĩa đen. Ngôn ngữ, với các hình thái của nó, kể cả cú pháp của nó, phải làm cho người ta tin vào đạo lý đập lại kia. Chẳng hạn, ông Poujade* bảo ông Edgar Faure*: “Ngài nhận trách nhiệm về sự đoạn tuyệt, ngài sẽ phải chịu các hậu quả”, và thế là cái vô cùng tận của thế giới bị gạt bỏ, tất cả thu về một thể chế ngắn ngủi, nhưng đầy ắp, không rò rỉ, thể chế thanh toán. Không kể nội dung của câu nói ấy, ngay sự cân bằng về cú pháp, sự khẳng định quy luật chẳng việc gì xảy ra mà không có hậu quả tương đương, và mọi hành vi của con người đều dứt khoát kéo theo hậu quả, tóm lại cả một phương trình toán học làm yên lòng anh tiểu tư sản, tạo cho anh ta một thế giới theo kích thước thương mại của mình.

Phép tu từ ăn miếng trả miếng ấy có các hình thái riêng biệt của nó, tất cả đều ở dạng đẳng thức. Không những mọi công kích đều phải được gạt bỏ bằng sự đe doạ, mà ngay cả mọi hành vi cũng phải được ngăn chặn. Niềm kiêu hãnh “không để bị lừa” chẳng qua chỉ là tập tục tôn trọng thể chế tính toán theo đó ngăn chặn tức là huỷ bỏ (“Lẽ ra họ cũng đã phải nói với ông rằng muốn chơi tôi cái cú của Marcellin Albert*, thì đừng có mà tin vào toan tính ấy”). Như vậy, rút gọn thế giới vào một đẳng thức thuần tuý, quy tắc tuân thủ những tương quan về lượng giữa các hành vi của con người, là các trạng thái hoan hỉ ăn miếng phải trả miếng, trong trường hợp quật lại hay trong trường hợp ngăn chặn, đều là khép kín thế giới trong bản thân nó và gây ra nỗi sung sướng; vì vậy người ta huênh hoang về lối kế toán tinh thần ấy cũng là lẽ bình thường: lề lối tiểu tư sản là né tránh những giá trị về chất, là đem ngay sự cân bằng của các đẳng thức (ăn miếng trả miếng, kết quả đánh đổi nguyên nhân, hàng hoá đánh đổi tiền bạc, tiền trao cháo múc v.v.) để chống lại sự tiến triển.

Ông Poujade hiểu rõ kẻ thù chủ yếu của hệ thống bằng đề ấy là phép biện chứng mà ông ít nhiều lẫn lộn với phép ngụy biện: người ta chỉ thắng được phép biện chứng bằng cách không ngừng quay trở về với tính toán, với việc so đo các cách cư xử của con người, với cái mà ông Poujade nhất trí với từ nguyên học gọi là Lý trí (“Phố Rivoli sẽ mạnh hơn Nghị viện được ư? biện chứng pháp sẽ có giá trị hơn Lý trí được ư?”). Phép biện chứng, thực vậy, có nguy cơ mở rộng cái thế giới mà người ta cố gắng khép kín trong những đẳng thức của nó; là một kỹ thuật để chuyển hoá, phép biện chứng mâu thuẫn với cơ cấu đo đếm tài sản, nó thoát ra ngoài những mốc giới tiểu tư sản, và thế là mới đầu nó bị lên án mạnh mẽ, rồi bị tuyên bố là thuần tuý ảo tưởng: lại thêm một lần nữa, bằng cách chê trách yếu tố lãng mạn trước kia (yếu tố thời đó có tính chất tư sản), ông Poujade phủ nhận hết tất cả những kỳ thuật của trí tuệ, ông đem đối lập với “lý trí” tiểu tư sản những nguy biện và những mơ mộng của các giáo sư đại học và các nhà trí thức, họ mất tín nhiệm đơn thuần chỉ do vị trí của họ ở bên ngoài cái thực tế có thể đo đếm. (“Nước Pháp bị khủng hoảng sản xuất thừa những người có bằng cấp, những kỹ sư, những nhà kinh tế, những triết gia và những kẻ mơ mộng khác, họ đã mất hết mọi tiếp xúc với thế giới thực tại.”)

Bây giờ thì chúng ta biết thực tại tiểu tư sản là gì: thậm chí đó chẳng phải là những gì mắt thấy tai nghe, mà là những gì đo đếm được vả chăng thực tại ấy, cái thực tại chật hẹp nhất mà không một xã hội nào trước đây có thể xác định, dẫu sao vẫn có triết lý của nó: đó là “lương tri”, cái lương tri nổi tiếng của “những con người nhỏ bé”, ông Poujade nói thế. Giai cấp tiểu tư sản, ít ra là giai cấp tiểu tư sản của ông Poujade (Hiệu thực phẩm, Cửa hàng thịt), có cái lương tri riêng, theo kiểu như mẩu ruột thừa vênh váo, như giác quan nhận thức đặc biệt: một giác quan kỳ cục, bởi lẽ muốn thấy rõ, trước hết phải không thấy gì hết, phải khước từ vượt qua các hiện tượng bề ngoài, phải xem các đề xuất của “thực tế” là tiền bạc xoè ra, và hống hách tuyên bố là con số không tất cả những gì có nguy cơ lấy giải thích thay thế cho đáp trả. Vai trò của nó là đặt thành đẳng thức đơn giản giữa cái mắt thấy tai nghe với cái tồn tại, và bảo đảm vững chắc một thế giới không kết nối, không chuyển tiếp và không tiến triển. Lương tri giống như con chó canh giữ cho những phương trình tiểu tư sản: nó bịt kín mọi ngả đường biện chứng, xác định một thế giới thuần nhất, nơi người ta ung dung như ở nhà mình, tránh khỏi các xáo trộn và các thoát ly của “mơ mộng” (các bạn hãy hiểu là của cách nhìn không đo đếm được đối với các sự vật). Xem cách đối nhân xử thế của con người là và chỉ được là ăn miếng trả miếng, nên lương tri chính là phản ứng chọn lọc của trí tuệ, thế giới lý tưởng theo nó rút lại chỉ là những cơ chế đáp trả trực tiếp.

Vì vậy, ngôn ngữ của ông Poujade một lần nữa chứng tỏ rằng mọi huyền thoại tiểu tư sản đều gắn với việc khước từ sự khác biệt, phủ nhận cái khác, thích thú tính đồng nhất và tán dương cái tương tự. Nói chung, việc rút gọn thế giới thành phương trình như thế chuẩn bị cho giai đoạn bành trướng chủ nghĩa, khi đó “tính đồng nhất” của các hiện tượng nhân loại nhanh chóng thành nền tảng cho một “bản chất tự nhiên” và tiếp đến là một “đại đồng”. Ông Poujade chưa đi đến chỗ xác định lương tri là triết lý đại đồng của nhân loại; dưới mắt ông đó mới là một đức tính giai cấp, tuy đức tính ấy, đúng thế, đã được xem như liệu pháp khôi phục sức mạnh đại đồng. Và chính đấy là điều tệ hại của chủ nghĩa Poujade: ngay lập tức nó đã có tham vọng trở thành một chân lý huyền thoại và xem văn hoá như một căn bệnh, đó là triệu chứng đặc trưng của các chủ nghĩa phát xít.

Chọn tập
Bình luận