Huyền thoại như ngôn ngữ bị đánh cắp
ĐẶC THÙ của huyền thoại là gì? Là biến đổi nghĩa thành hình thức. Nói khác đi, huyền thoại luôn luôn là sự đánh cắp ngôn ngữ (langage). Tôi đánh cắp anh da đen chào cờ, ngôi nhà gỗ màu trắng và nâu, các hoa quả hạ giá do mùa vụ, không phải để nêu thành những thí dụ hoặc những biểu tượng, mà là để qua chúng biến Đế quốc, biến sở thích của tôi đối với các sự vật ở xứ Basque, biến Chính phủ thành bản chất tự nhiên. Mọi ngôn ngữ đầu tiên dứt khoát là mồi của huyền thoại ư? Chẳng có nghĩa nào cưỡng lại được mối đe doạ bị hình thức cướp đoạt ư? Thực ra, không gì có thể tránh được huyền thoại, huyền thoại có thể triển khai sơ đồ thứ hai của nó từ bất cứ nghĩa nào, và như chúng ta đã thấy, từ chính sự thiếu vắng nghĩa nữa. Song các ngôn ngữ không cưỡng lại theo cùng một cách như nhau.
Ngôn ngữ cụ thể (langue), thứ ngôn ngữ (langage) thường xuyên bị huyền thoại đánh cắp hơn cả, chỉ cưỡng lại một cách yếu ớt. Ngôn ngữ (langue) ấy bản thân nó chứa đựng ít nhiều xu hướng huyền thoại, chứa đựng phác thảo một bộ ký hiệu dùng để thể hiện cái ý định dẫn đến sử dụng phác thảo ký hiệu kia; người ta có thể gọi đó là tính biểu hiện của ngôn ngữ: các thức mệnh lệnh* hoặc thức giả định*, chẳng hạn, là hình thức của cái được biểu đạt đặc thù, khác với nghĩa: cái được biểu đạt ở đây là ý muốn của tôi hoặc đề nghị của tôi. Chính vì thế một số nhà ngôn ngữ học đã xác định thức trần thuật*, chẳng hạn, như trạng thái hoặc độ không, đối diện với thức mệnh lệnh và thức giả định. Thế mà, trong huyền thoại được cấu tạo đầy đủ, nghĩa lại chẳng bao giờ ở độ không, và chính vì thế mà khái niệm có thể làm biến dạng nghĩa ấy, biến nghĩa ấy thành bản chất tự nhiên. Một lần nữa cần nhớ lại rằng thiếu vắng nghĩa chẳng phải là một độ không: vì vậy huyền thoại rất có thể nắm bắt lấy nó, để nó chẳng hạn biểu đạt cái phi lý, cái siêu thực, v.v.. Xét cho cùng, có lẽ chỉ độ không là có thể cưỡng lại được với huyền thoại.
Ngôn ngữ (langue) để huyền thoại vận dụng theo cách khác: rất hiếm khi nó áp đặt ngay từ đầu một nghĩa đầy đặn, không thể biến dạng. Điều này là do tính trừu tượng của khái niệm: khái niệm cây là mơ hồ, nó vận dụng được vào vô số trường hợp. Tất nhiên ngôn ngữ có cả một hệ để xác định (cái cây ấy, cái cây nó, v.v.). Nhưng chung quanh nghĩa chính, vẫn luôn luôn tồn tại một vùng tiềm tàng phảng phất những nghĩa khác có thể có: nghĩa hầu như bao giờ cũng có thể được lý giải. Ta có thể nói rằng ngôn ngữ (langue) đề xuất với huyền thoại một nghĩa thêu rua trổ thủng. Huyền thoại có thể dễ dàng len vào, phình ra trong đó: đấy là sự đánh cắp theo kiểu xâm chiếm thuộc địa (chẳng hạn: sự hạ giá bắt đầu. Nhưng sự hạ giá nào? Hạ giá do mùa vụ hay hạ giá do chính phủ? Sự biểu đạt ở đây ký sinh vào mạo từ, dẫu là mạo từ chỉ định).
Khi nghĩa đầy ắp quá khiến huyền thoại không thể xâm nhập được, huyền thoại liền vòng quanh nó, chiếm đoạt nó toàn bộ. Điều này xảy ra với ngôn ngữ toán học. Bản thân nó là ngôn ngữ không thể làm biến dạng, nó đã đề phòng mọi khả năng chống lại sự lý giải: không sự biểu đạt ký sinh nào có thể len lỏi vào nó được. Và chính vì thế mà huyền thoại sẽ chiếm lấy nó cả gói: nó sẽ lấy một công thức toán học nào đó (E = mc²), và sẽ biến cái nghĩa bất di bất dịch này thành cái biểu đạt thuần tuý của tính chất toán học. Như ta thấy, huyền thoại đánh cắp ở đây là đánh cắp sức bền, độ rỗng. Huyền thoại có thể với tới mọi thứ, lung lạc mọi thứ, kể cả chính hành động khước từ huyền thoại: đến nỗi ngôn-ngữ-đối-tượng lúc đầu cưỡng lại càng hăng, thì cuối cùng lại càng hăm hở đánh đĩ: cứ cưỡng lại hoàn toàn, thì ở đây lại buông xuôi hoàn toàn: một bên là Einstein, một bên là Paris-Match. Ta có thể nêu lên hình ảnh thời gian của xung đột ấy: ngôn ngừ toán học là ngôn ngữ đã kết thúc, và sự hoàn thiện của nó chính là bắt nguồn từ cái chết cam chịu ấy; huyền thoại trái lại là ngôn ngữ không muốn chết: huyền thoại moi từ những nghĩa nuôi dưỡng nó một kiếp sống thêm âm ỉ, thoái hoá, huyền thoại khích động ở chúng sự trì hoãn giả tạo, ở đấy nó cư trú thoải mái, nó biến chúng thành những xác chết biết nói.
Đây là một ngôn ngữ khác cố hết sức cưỡng lại huyền thoại: ngôn ngữ thơ ca của chúng ta. Thơ ca hiện đại* là một hệ thống ký hiệu thụt lùi. Trong khi huyền thoại hướng tới sự biểu đạt-cực đoan, hướng tới mở rộng hệ thống thứ nhất, thì trái lại thơ ca mưu toan tìm về với hạ tầng biểu đạt*, tìm về trạng thái tiền ký hiệu của ngôn ngữ; nói tóm lại nó cố gắng biến ký hiệu trở lại thành nghĩa: lý tưởng – có tính xu thế – của nó chắc là muốn đạt tới không phải nghĩa của các từ ngữ, mà là nghĩa của chính các sự vật*. Chính vì thế mà nó làm rối loạn ngôn ngữ, nó gia tăng tối đa có thể được tính trừu tượng của khái niệm cũng như tính tuỳ tiện của ký hiệu và giãn cách hết sức mối liên kết giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt: cơ cấu “trôi nổi” của khái niệm ở đây được khai thác đến mức tối đa: ngược lại với văn xuôi, ký hiệu thơ ca cố làm cho hiện diện toàn bộ tiềm năng của cái được biểu đạt, với hy vọng cuối cùng đạt tới một cái gì như tính chất siêu việt của sự vật, đạt tới cái nghĩa bản chất tự nhiên của nó (chứ không phải do con người trao cho). Do đó mà nảy sinh những tham vọng bản chất chủ nghĩa của thơ ca, niềm tin chắc chỉ có thơ ca mới nắm bắt được bản thân sự vật, chính là lúc thơ ca muốn mình thành một phản-ngôn-ngữ. Nói tóm lại, trong số tất cả những người sử dụng ngôn từ, các nhà thơ là những kẻ ít hình thức chủ nghĩa hơn cả, bởi vì chỉ có họ mới tin rằng nghĩa của các từ ngữ chỉ là một hình thức, đó là điều mà các nhà hiện thực chủ nghĩa như họ có lẽ không thể bằng lòng. Chính vì thế thơ ca hiện đại của chúng ta luôn luôn tỏ ra là sự sát hại ngôn ngữ, một cái gì đó tương tự như sự im lặng nhưng nhìn thấy được, cảm thấy được. Thơ ca chiếm vị trí nghịch đảo với huyền thoại: huyền thoại là hệ thống ký hiệu có tham vọng tự vượt lên thành hệ thống sự việc; thơ ca là hệ thống ký hiệu có tham vọng tự co rút lại thành hệ thống bản chất.
Nhưng cả ở đây, cũng như với ngôn ngữ toán học, chính sự cưỡng lại của thơ ca khiến nó trở thành cái mồi lý tưởng cho huyền thoại: sự lộn xộn bề ngoài của các ký hiệu, diện mạo thơ ca của trật tự bản chất, bị huyền thoại bắt lấy, bị biến thành cái biểu đạt trống rỗng, nó sẽ dùng để biểu đạt thơ ca. Điều này giải thích tính chất chưa chắc của thơ ca hiện đại: bằng cách khước từ kịch liệt huyền thoại, thơ ca lại trói tay trói chân nộp mình cho nó. Ngược lại, quy tắc của thơ ca cổ điển cấu thành một huyền thoại được ưng thuận, tính võ đoán công nhiên của nó tạo nên sự hoàn thiện nhất định, bởi vì tính cân đối hài hoà của một hệ thống ký hiệu là do các ký hiệu võ đoán của hệ thống ấy.
Ngoài ra, việc tự nguyện chấp nhận huyền thoại có thể xác định toàn bộ nền Văn học truyền thống của chúng ta: xét về mặt quy phạm, nền Văn học ấy là một hệ thống huyền thoại rõ nét; có một nghĩa, đó là nghĩa của diễn ngôn; có một cái biểu đạt, đó chính là diễn ngôn ấy với tư cách hình thức hoặc lối viết; có một cái được biểu đạt, đó là khái niệm văn chương; có một sự biểu đạt, đó là diễn ngôn văn chương. Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong Độ không của lối viết*, về đại thể cuốn đó chỉ là một huyền thoại học về ngôn ngữ văn chương. Trong sách ấy tôi đã định nghĩa viết lách như cái biểu đạt của huyền thoại văn chương, nghĩa là như một hình thức đã đầy ắp nghĩa và nó tiếp nhận từ khái niệm Văn chương một sự biểu đạt mới*. Tôi đã gợi ý là lịch sử, khi thay đổi ý thức nhà văn, đã gây nên khoảng một trăm năm trước đây tình trạng khủng hoảng tinh thần của ngôn ngữ văn chương: viết lách đã tự lộ ra là cái biểu đạt, Văn chương tự lộ ra là sự biểu đạt; vứt bỏ bản chất tự nhiên giả dối của ngôn ngữ văn chương truyền thống, nhà văn đã mãnh liệt tự mình bật đến đặc điểm phản-bản-chất tự nhiên của ngôn ngữ. Lật nhào lối viết đã là hành động cấp tiến của một số nhà văn mưu toan từ chối văn chương như hệ thống huyền thoại. Mỗi sự nổi loạn ấy là một cuộc sát hại Văn chương được quan niệm như sự biểu đạt: tất cả các cuộc nổi loạn đều chỉ xem diễn ngôn văn chương là hệ thống ký hiệu đơn giản, hoặc thậm chí, trong trường hợp thơ ca, là hệ thống tiền ký hiệu: đó là công việc vô cùng lớn lao đòi hỏi những hành vi cấp tiến: ta biết rằng một số hành vi đã đi đến chỗ đơn giản phá sập luôn diễn ngôn, sự im lặng, im lặng thật sự hay im lặng chuyển vị, tỏ ra như thứ vũ khí duy nhất có thể có để chống lại quyền lực lớn lao của huyền thoại là sự tái diễn của nó.
Vậy dường như trừ khử huyền thoại từ bên trong là cực kỳ khó khăn, bởi lẽ chính động thái người ta thực hiện để thoát ra khỏi huyền thoại lại đến lượt nó trở thành mồi của huyền thoại: huyền thoại luôn luôn có thể chung cục biểu đạt sự việc người ta cưỡng lại nó. Nói đúng ra, vũ khí tốt nhất chống lại huyền thoại có lẽ là huyền thoại hoá nó đi, là sản sinh ra một huyền thoại giả tạo: và cái huyền thoại tái tạo ấy sẽ là huyền thoại thật sự. Bởi lẽ huyền thoại đánh cắp ngôn ngữ, tại sao lại không đánh cắp huyền thoại? Để làm được điều này sẽ chỉ cần biến bản thân huyền thoại thành điểm xuất phát của một chuỗi ký hiệu thứ ba, xem sự biểu đạt của nó như vế thứ nhất của huyền thoại thứ hai. Văn chương cung cấp vài thí dụ lớn về những huyền thoại giả tạo ấy. Tôi sẽ nêu lên ở đây thí dụ về cuốn Bouvard và Pécuchet của Flaubert. Có thể gọi đấy là một huyền thoại thực nghiệm, huyền thoại ở cấp độ hai. Bouvard và anh bạn Pécuchet tiêu biểu cho một tầng lớp tư sản nào đó (song lại xung đột với các tầng lớp tư sản khác); diễn ngôn của họ đã là ngôn từ huyền thoại: ngôn ngữ họ nói đúng là có một nghĩa, nhưng nghĩa ấy lại là hình thức trống rỗng của một cái được biểu đạt thuộc khái niệm, cái được biểu đạt ấy ở đây là kiểu ăn nói cầu kỳ không biết chán: sự bắt gặp giữa nghĩa và khái niệm tạo thành, trong hệ thống huyền thoại ấy, một sự biểu đạt đó là lối khoa trương của Bouvard và Pécuchet. Chính đây là chỗ (tôi chẻ nhỏ ra do nhu cầu của phân tích) Flaubert can thiệp: ông sẽ xếp chồng lên hệ thống huyền thoại đầu tiên vốn đã là hệ thống ký hiệu thứ hai, một chuỗi thứ ba, trong đó mắt xích thứ nhất sẽ là sự biểu đạt, hoặc vế kết thúc, của huyền thoại đầu tiên: lối khoa trương của Bouvard và Pécuchet sẽ trở thành hình thức của hệ thống mới; khái niệm ở đây sẽ do chính Flaubert đề xuất, do ông nhìn vào cái huyền thoại mà Bouvard và Pécuchet đã xây dựng cho họ: đó sẽ là bản tính háo hức của họ, là tình trạng không thoả mãn của họ, là sự chuyển đổi liên miên thử nghiệm hết lĩnh vực này sang lĩnh vực khác của họ, tóm lại là cái mà tôi rất muốn gọi là tính-chất-Bouvard-và-Pécuchet (nhưng tôi cảm thấy sấm sét ở chân trời). Còn sự biểu đạt cuối cùng thì đó là tác phẩm, là Bouvard và Pécuchet đối với chúng ta. Sức mạnh của huyền thoại thứ hai là thiết lập huyền thoại đầu tiên thành thứ ngây ngô để nhìn vào. Flaubert đã thực sự làm công việc phục chế khảo cổ học một ngôn từ huyền thoại: đó là Viollet-le-Duc* của một ý thức hệ tư sản nào đó. Nhưng không ngây thơ bằng Viollet-le-Duc, ông đã bố trí vào công trình phục chế của ông những thứ trang trí bổ sung để người ta khỏi lầm tưởng đấy là nguyên bản: những thứ trang trí ấy (chính là hình thức của huyền thoại thứ hai) là thuộc lĩnh vực giả thiết: có sự tương đương về ký hiệu học giữa việc phục chế bằng thức giả định (mode subjonctif) những lời ăn tiếng nói của Bouvard và Pécuchet với chủ nghĩa háo hức của họ*.
Công lao của Flaubert (và của tất cả những huyền thoại giả tạo: có các huyền thoại giả tạo đáng chú ý trong tác phẩm của Sartre), là đã đem lại cho vấn đề chủ nghĩa hiện thực lối thoát ký hiệu học rõ ràng. Đó là công lao chắc hẳn chưa hoàn thiện, bởi vì hệ tư tưởng của Flaubert, theo ông người tư sản chỉ là sự xấu xa về mỹ học, chẳng có gì là hiện thực cả. Nhưng ít ra ông cũng đã tránh được cái tội to lớn trong văn chương là lẫn lộn cái hiện thực về mặt tư tưởng học và cái hiện thực về mặt ký hiệu học. Là hệ tư tưởng, chủ nghĩa hiện thực trong văn chương tuyệt đối không phụ thuộc vào ngôn ngữ mà nhà văn nói. Ngôn ngữ (langue) là một hình thức, nó không thể là hiện thực hay phi hiện thực. Nó chỉ có thể là có tính huyền thoại hay không, hoặc nữa có thể là chống-huyền-thoại, như trong Bouvard và Pécuchet. Vả chăng, rất tiếc là chẳng hề có sự đối lập nào giữa chủ nghĩa hiện thực và huyền thoại. Ta biết rằng văn chương “hiện thực” của chúng ta cũng thường có tính huyền thoại đấy thôi (cho dù có lẽ đấy chỉ là huyền thoại thô thiển của chủ nghĩa hiện thực), và văn chương “phi hiện thực” của chúng ta chí ít có giá trị ở chỗ chẳng có tính huyền thoại bao nhiêu đấy thôi. Rõ ràng khôn ngoan có lẽ là nên xác định chủ nghĩa hiện thực của nhà văn như vấn đề về căn bản thuộc hệ tư tưởng. Tất nhiên chẳng phải là hình thức không có trách nhiệm đối với hiện thực. Nhưng trách nhiệm ấy chỉ có thể đo lường được bằng các thuật ngữ ký hiệu học. Một hình thức chỉ có thể được phán xét (bởi vì có kiện cáo đấy) như sự biểu đạt, chứ không phải như sự diễn tả. Ngôn ngữ của nhà văn không phải lãnh trách nhiệm thể hiện thực tại, mà là biểu đạt nó. Điều này chắc sẽ buộc phê bình phải sử dụng hai phương pháp phân biệt rạch ròi: cần phải xem xét chủ nghĩa hiện thực của nhà văn hoặc như thực thể tư tưởng (chẳng hạn: những yếu tố mác-xít trong tác phẩm của Brecht), hoặc như giá trị ký hiệu (các đồ vật, diễn viên, âm nhạc, các màu sắc trong kịch của Brecht). Rõ ràng điều lý tưởng có lẽ là phối hợp hai lối phê bình ấy; cái sai lầm dai dẳng là đã lẫn lộn chúng: tư tưởng học có những phương pháp của nó, ký hiệu học có những phương pháp của mình.