Sách Hướng dẫn Du lịch Xanh
SÁCH Hướng dẫn Du lịch Xanh hầu như chỉ biết đến phong cảnh ở dạng mỹ lệ. Tất cả những gì mấp mô khúc khuỷu là mỹ lệ. Ta bắt gặp lại ở đây khuynh hướng tư sản tán dương núi non, huyền thoại núi non cũ (có từ thế kỷ XIX) mà Gide đã kết hợp đúng đắn với đạo đức Thụy Sĩ – Tin lành và nó luôn luôn vận hành như sự pha trộn hỗn tạp thuyết tự nhiên và thuyết thanh giáo (tái tạo sức khoẻ nhờ không khí tinh khiết, những ý nghĩ đạo đức trước các đỉnh cao, sự lên cao được xem như ý thức công dân v.v.). Trong số những phong cảnh mà sách Hướng dẫn Du lịch Xanh ca ngợi là mỹ lệ, ta hiếm thấy có đồng bằng (chỉ được vớt vát khi người ta có thể nói rằng nó màu mỡ), và chẳng bao giờ có cao nguyên. Chỉ có núi non, thung lũng, đèo cao vực sâu, thác nước cuồn cuộn là có thể gia nhập vào danh thắng du lịch, chắc hẳn vì chúng dường như có thể góp phần vào tâm trạng nỗ lực và cô đơn. Vậy hành trình của sách Hướng dẫn Du lịch Xanh lộ rõ là sự bố trí công việc một cách kinh tế, dễ dàng thay thế cho chuyến đi giáo hoá. Như đã nói ở trên, huyền thoại Hướng dẫn Du lịch Xanh có từ thế kỷ trước, vào giai đoạn lịch sử khi giai cấp tư sản thưởng thức loại sảng khoái mới toanh là mua sự nỗ lực, là lưu giữ hình ảnh và tính năng của nỗ lực ấy mà chẳng phải vất vả cực nhọc gì. Vậy nên rốt cuộc, rất lô-gích mà cũng rất ngớ ngẩn, phong cảnh bạc bẽo, thiếu tầm mắt bao la hoặc thiếu chất nhân loại, chỉ cứ lên mãi lên mãi, hết sức trái với hạnh phúc của chuyến du lịch, lại được xem là lý thú. Thậm chí, sách Hướng dẫn Du lịch còn có thể viết một cách lạnh lùng: “Con đường trở nên rất mỹ lệ (các đường hầm)”: chẳng ai nhìn thấy gì thì có hề chi, bởi lẽ đường hầm ở đây đã trở thành ký hiệu đầy đủ của núi non; đó là cổ phiếu tín dụng đủ mạnh để người ta chẳng băn khoăn gì nữa về khoản tiền mình bỏ ra.
Cảnh núi non trập trùng được tán dương đến mức huỷ hoại những loại cảnh quan khác thì chất nhân loại của xứ sở cũng biến mất để chỉ tập trung vào các công trình kiến trúc của nó. Với Hướng dẫn Du lịch Xanh, con người chỉ tồn tại như những “kiểu loại”, ở Tây Ban Nha chẳng hạn, xứ Basque chỉ là một anh thuỷ thủ phiêu bạt, xứ Levantin là một bác làm vườn vui tính, xứ Catalan là một nhà buôn khôn khéo và xứ Cantabre là một dân vùng sơn cước tình cảm. Người ta lại bắt gặp ở đây con vi-rút cái cơ bản nằm tận đáy sâu mọi huyền thoại tư sản về con người (vì thế mà ta gặp nó luôn). Chủng tộc Tây Ban Nha do đó rút lại chỉ là một vũ khúc cổ điển bao la, một loại kịch ứng tác rất tài tình mà phương pháp loại hình học chẳng đáng tin cậy dùng để che đậy cảnh tượng thật của các thân phận, các giai cấp và các nghề nghiệp. Về phương diện xã hội, đối với Hướng dẫn Du lịch Xanh, con người chỉ tồn tại trên các xe lửa, chen chúc “lẫn lộn” trong các toa hạng ba. số còn lại chỉ có tính chất dẫn nhập, hợp thành bối cảnh thơ mộng dễ thương nhằm lôi kéo vào cái cơ bản của xứ sở là bộ sưu tập các công trình xây dựng của xứ sở ấy.
Không kể các đèo cao vực sâu hoang vu, là nơi tâm hồn khai phóng, nước Tây Ban Nha của Hướng dẫn Du lịch Xanh chỉ biết đến một không gian, không gian ấy đan dệt, qua vài khoảng trống không biết gọi tên là gì, một chuỗi san sát những nhà thờ, những kho đồ thánh, những tranh thờ, những thánh giá, những hộp bánh thánh, những tháp chuông (toàn là bát giác), những nhóm hình chạm trổ (Gia đình và Lao động), những cửa lớn phong cách rô-man, những gian giữa nhà thờ và những tượng chúa Jesus trên cây thánh giá to bằng người thật. Người ta thấy tất cả những công trình kiến trúc ấy đều thuộc tôn giáo, bởi theo quan điểm tư sản, hầu như không thể nào hình dung nổi một Lịch sử Nghệ thuật mà lại không mang tính chất Thiên chúa giáo và Cơ đốc giáo. Đạo Thiên chúa là nguồn cung cấp du lịch đầu tiên, và người ta đi du lịch chỉ để tham quan các nhà thờ. Trong trường hợp Tây Ban Nha, tính chất đế quốc chủ nghĩa ấy thật hài hước, bởi lẽ ở đấy đạo cơ đốc thường được xem như một thế lực man di đã ngốc nghếch huỷ hoại những thành tựu trước đó của nền văn minh Hồi giáo: nhà thờ hồi giáo ở Cordoue với rừng cột trụ tuyệt vời luôn bị che khuất bởi các khối ban thờ lù lù, hoặc phong cảnh nào đấy bị biến dạng đi bởi bức tượng Đức Bà đồ sộ (của chế độ Franco*) nhô ra trông rất chướng, điều này chắc khiến cho dân tư sản Pháp hé thấy ít ra một lần trong đời là Thiên chúa giáo cũng có mặt trái lịch sử.
Nói chung, sách Hướng dẫn Du lịch Xanh chứng tỏ mọi miêu tả phân tích đều hão huyền, loại miêu tả ấy vừa không giải thích vừa không nêu được hiện tượng, nên trong thực tế nó chẳng giải đáp được bất cứ câu hỏi nào mà khách du lịch thời nay băn khoăn khi đi ngang qua một phong cảnh có thực, và tồn tại lâu dài. Việc lựa chọn các công trình kiến trúc vừa gạt bỏ thực tế mảnh đất và thực tế con người, chẳng cho biết gì về cái hiện có, tức là về cái có tính lịch sử, và do đó, bản thân công trình kiến trúc cũng trở thành khó hiểu, vì vậy ngớ ngẩn. Thế là cảnh tượng không ngừng từng bước tiêu tan, và sách Hướng dẫn Du lịch giống như mọi sự huyễn hoặc là nói một đường làm một nẻo, trở thành phương tiện để người ta chẳng thấy được gì. Thu hẹp phạm vi vào việc miêu tả thế giới công trình kiến trúc và không có người ở, sách Hướng dẫn Du lịch Xanh thể hiện huyền thoại mà một bộ phận của chính giai cấp tư sản cũng đã ngán ngẩm: không thể chối cãi được là du lịch đã trở nên (hoặc đã lại trở nên) cách tiếp cận con người chứ không còn là cách tiếp cận “văn hoá” nữa: những hình thái phong tục tập quán đời thường (có lẽ cũng như ở thế kỷ XVIII) lại là đối tượng chủ yếu của du lịch ngày nay, và địa lý nhân văn, đô thị, xã hội, kinh tế là khuôn khổ những gì ngày nay người ta thực sự muốn tìm hiểu, kể cả những điều phàm tục nhất. Bản thân sách Hướng dẫn Du lịch Xanh do đó chỉ còn là một huyền thoại tư sản đã phần nào lỗi thời, cái huyền thoại khẳng định Nghệ thuật (tôn giáo) là giá trị chủ yếu của văn hoá, nhưng lại chỉ xem những “tài sản” và “báu vật” văn hoá như việc yên tâm nhập kho các hàng hoá (lập ra các bảo tàng). Cách xử sự ấy nói lên một đòi hỏi kép: có được chứng cứ văn hoá càng “xa xôi” càng tốt, và giữ chịt chứng cứ ấy trong mạng lưới của hệ thống đo đếm được và có tính chất chiếm hữu, để bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hạch toán cái khó nói nên lời. Do vậy mà huyền thoại du lịch ấy trở nên hoàn toàn lỗi thời, ngay trong lòng giai cấp tư sản, và tôi cho rằng nếu người ta giao công việc xây dựng một cuốn hướng dẫn du lịch mới, chẳng hạn giao cho các nữ biên tập viên của tạp chí L’Express hoặc các biên tập viên của tạp chí Match, người ta sẽ thấy nổi lên những xứ sở khác hẳn, dù còn phải bàn cãi: tiếp theo nước Tây Ban Nha của Anquetil hoặc của Larousse sẽ là nước Tây Ban Nha của Siegfried, rồi đến nước Tây Ban Nha của Fourastié. Cứ xem như trong cuốn Hướng dẫn Michelin, số các phòng tắm và các dao dĩa khách sạn cạnh tranh với số các “đồ nghệ thuật quý hiếm” ra sao: những huyền thoại tư sản bản thân chúng cũng có các địa tầng khác nhau.
Quả thật là đối với nước Tây Ban Nha, việc miêu tả bưng bít và thụt lùi là phù hợp nhất với sách Hướng dẫn vốn tiềm tàng chủ nghĩa Franco. Ngoài những mẩu chuyện lịch sử đích thực (cũng hiếm và sơ sài thôi, vì ta biết rằng Lịch sử tư sản cũng chẳng tốt gì), các mẩu chuyện trong đó những người cộng hoà luôn luôn là những “kẻ cực đoan” đang cướp bóc các nhà thờ (nhưng chẳng hề nói đến Guernica*), trong khi những “người quốc gia” tốt bụng thì lúc nào cũng lo chuyện “giải phóng”, mà chỉ nhờ vào các “vận động chiến lược khôn khéo” và các cuộc “chống cự anh dũng”, tôi sẽ chỉ rõ sự nở rộ của huyền thoại viện lý do tuyệt vời, huyền thoại về sự phồn vinh của xứ sở: tất nhiên, đó là sự phồn vinh “theo số liệu thống kê” và “trên tổng thể” hoặc chính xác hơn “về thương mại”. Tất nhiên sách Hướng dẫn Du lịch không cho chúng ta biết sự phồn vinh đẹp đẽ ấy được phân phối như thế nào: chắc hẳn là theo thứ bậc tôn ti, bởi vì người ta muốn xác định rõ với chúng ta rằng “sự nỗ lực nghiêm túc và kiên trì của dân tộc ấy đã đi đến tận chỗ cải cách hệ thống chính trị, để có thể đạt được sự phục hưng bằng cách áp dụng trung thành những nguyên tắc trật tự và thứ bậc tôn ti vững chãi”.