Người nghèo và người Vô sản
TRÒ HÀI HƯỚC cuối cùng của Charlot là đã chuyển một nửa giải thưởng do Liên Xô trao tặng của mình vào các quỹ của tu sĩ Pierre. Suy cho cùng, điều đó có nghĩa là đem đánh đồng về bản chất giữa người vô sản và người nghèo. Charlot đã luôn luôn nhìn người vô sản qua những khía cạnh của người nghèo: do đó mà các cuộc biểu diễn của ông có sức mạnh nhân văn, mà cũng có cái mơ hồ về chính trị. Điều này thấy rất rõ trong bộ phim tuyệt diệu Thời hiện đại. Trong phim, Charlot không ngừng động chạm đến đề tài vô sản, nhưng chẳng bao giờ đề cập đến nó về phương diện chính trị; ông cho chúng ta thấy người vô sản còn mù mờ và bị huyễn hoặc, bị chi phối bởi những nhu cầu tức thì của họ và bị hoàn toàn tha hoá trong tay chủ (các ông chủ và các cảnh sát). Đối với Charlot, người vô sản vẫn là người đói ăn: các cuộc trình diễn cái đói luôn luôn có tính chất kỳ vĩ ở Charlot: những chiếc bánh mì kẹp nhân to đùng quá mức, những dòng sữa chảy như suối, những trái cây mới cắn vào đã hờ hững quẳng ngay đi; thật trớ trêu, cái máy ăn (thuộc tính chất ông chủ) chỉ cung ứng những thức ăn từng miếng từng miếng và rõ ràng là nhạt nhẽo. Bị cái đói giày vò, con người – Charlot luôn ở vị trí chưa có được nhận thức chính trị: bãi công đối với anh ta là một tai hoạ vì nó đe doạ một con người thực sự bị cái đói làm cho đui mù; con người ấy chỉ bắt gặp thân phận thợ thuyền vào lúc người nghèo và người vô sản đồng nhất với nhau dưới con mắt (và những ngọn roi) của cảnh sát. Về mặt lịch sử, Charlot gần như thể hiện lại người thợ của thời kỳ Trung hưng*, người thợ thủ công nổi loạn chống lại máy móc, bị cuộc bãi công làm cho bối rối, bị vấn đề cơm áo mê hoặc (theo nghĩa đen của từ ấy), nhưng chưa nhận thức được các nguyên nhân chính trị và nhu cầu phải có một chiến lược tập thể.
Nhưng chính vì Charlot biểu thị một loại người vô sản mộc mạc, còn đứng ngoài Cách mạng, nên sức thể hiện của ông thật vô biên. Chưa có tác phẩm xã hội chủ nghĩa nào đạt đến trình độ diễn tả thân phận nhục nhã của người lao động mãnh liệt và độ lượng như thế. Có lẽ chỉ riêng Brecht* đã hé nhìn thấy sự cần thiết đối với nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là luôn luôn nắm bắt con người vào hôm trước của Cách mạng, nghĩa là con người đơn độc, còn mù mờ, sắp bừng tỉnh với ánh sáng cách mạng do những nỗi bất hạnh “bản chất” quá đáng của mình. Bằng cách giới thiệu người thợ đã tham gia vào cuộc đấu tranh có ý thức, dưới ánh sáng của Sự nghiệp và của Đảng, các tác phẩm khác nói lên được thực tế chính trị cần thiết, nhưng không có sức mạnh thẩm mỹ.
Vả chăng Charlot, phù hợp với quan niệm của Brecht, phô bày cái đui mù của mình với công chúng, khiến công chúng đồng thời thấy người mù và cuộc trình diễn của anh ta; trông thấy ai đó không nhìn thấy gì, đó là cách tốt nhất để thấy rõ mồn một cái mà người đó không nhìn thấy: vì thế ở Guignol, chính là bọn trẻ con đã bảo cho Guignol biết cái mà anh ta vờ như không nhìn thấy. Chẳng hạn, Charlot trong ngục, được bọn lính canh chiều chuộng, sống cuộc sống lý tưởng của một tiểu tư sản Mỹ: ông ta ngồi khoanh chân, đọc báo dưới bức chân dung của Lincoln*, nhưng thái độ tự mãn ung dung của tư thế ngồi làm mất hết giá trị của cuộc sống ấy, khiến ta thấy không thể nào vào đó nương náu mà chẳng nhận ra sự tha hoá mới của cuộc sống nơi đây. Những lớp hào nhoáng thế là bị vô hiệu hoá, và người nghèo không ngừng bị cắt đứt khỏi những cám dỗ của mình. Tóm lại, với mục đích ấy mà con người – Charlot thắng được tất cả: chính vì con người đó thoát khỏi tất cả, gạt bỏ hết mọi thứ, và bao giờ cũng chỉ thể hiện con người trong con người mà thôi. Tình trạng vô chính phủ của con người đó, về mặt chính trị còn phải bàn cãi, nhưng trong nghệ thuật có lẽ được xem là hình thái hiệu quả nhất của cách mạng.