Nhà văn đi nghỉ hè
GIDE* vừa xuôi dòng Congo* vừa đọc Bossuet*. Tư thế ấy thâu tóm khá rõ lý tưởng của những nhà văn chúng ta “đang đi nghỉ hè” đăng ảnh trên tờ Le Figaro: gắn kết vào lúc rảnh rỗi tầm thường cái uy thế của một thiên hướng mà chẳng gì có thể ngăn chặn hoặc làm cho phai nhạt. Đấy là một phóng sự tốt, rất hiệu quả về phương diện xã hội học, và thông tin trung thực cho chúng ta biết giai cấp tư sản của chúng ta nghĩ gì về các nhà văn của họ.
Điều trước tiên có vẻ làm cho giai cấp tư sản ấy ngạc nhiên và thích thú là cái nhìn khoáng đạt nhận ra rằng chính các nhà văn là những người cũng đi nghỉ như ai. Các “kỳ nghỉ” là sự kiện xã hội mới có gần đây nên theo dõi quá trình phát triển huyền thoại học của nó kể ra cũng thú vị. Thoạt đầu là một sự kiện trong nhà trường, các kỳ nghỉ trở thành sự kiện của vô sản, chí ít là của giới cần lao kể từ khi có những ngày nghỉ việc được hưởng lương. Khẳng định sự kiện ấy từ nay có thể liên quan đến cả các nhà văn, ngay các chuyên gia trong lĩnh vực tâm hồn con người cũng phải theo quy chế chung của lao động hiện đại, đó là một cách thuyết phục độc giả tư sản của chúng ta rằng họ nhịp bước cùng với thời đại của họ: người ta thú vị nhận ra sự cần thiết của một số cái tầm thường, người ta thích nghi dần với những thực tế “hiện đại” qua các bài học của Siegfried và của Fourastié.
Tất nhiên, kiểu biến nhà văn thành vô sản này chỉ được ban phát một cách dè sẻn, để rồi sau đó bị huỷ bỏ nhiều hơn. Vừa được cấp cho một đặc tính xã hội (đi nghỉ là một đặc tính hết sức dễ chịu), văn nhân nhanh chóng quay trở về vùng trời ông ta chia sẻ với các bạn cùng thiên hướng nghề nghiệp với mình. Và người ta nêu lên cái “bản chất tự nhiên” để làm cho các nhà tiểu thuyết của chúng ta thành bất tử chẳng qua chỉ là thể hiện một mâu thuẫn cao siêu: mâu thuẫn giữa thân phận tầm thường, chao ôi, do một thời đại vật chất sản sinh ra, và quy chế tuyệt vời mà xã hội tư sản hào phóng nhượng cho dân trí thức (miễn rằng họ đừng làm hại gì cho nó cả).
Tính chất đặc biệt kỳ diệu của nhà văn là trong những kỳ nghỉ tuyệt vời họ chia sẻ như tình anh em với các thợ thuyền và các chủ hiệu tạp hoá, họ vẫn không ngừng, nếu chẳng phải là làm việc, thì ít ra là sáng tác. Ai không thật sự làm việc thì cũng là không thật sự nghỉ ngơi. Người này viết hồi ký, người kia sửa bản in thử, người khác chuẩn bị cho quyển sách sắp tới của mình. Và ai không làm gì cả thì thú nhận điều đó như một hành vi thật sự ngược đời, một kỳ công đi tiên phong, mà chỉ có đầu óc cứng cỏi mới dám tự cho phép mình nói ra. Qua sự huênh hoang vừa rồi, người ta biết rằng nhà văn luôn luôn viết, trong mọi tình huống, là chuyện hết sức thuộc “bản chất tự nhiên”. Trước hết, theo đó sáng tác văn chương là một loại xuất tiết không chủ tâm, vậy là điều thiêng liêng cấm kỵ, vì nó thoát ra ngoài những quyết định của con người; nói một cách sang trọng hơn, nhà văn bị thao túng bởi vị chúa tể bên trong bản thân mình, vị chúa tể ấy là một bạo chúa, muốn nói lúc nào thì nói, chẳng quan tâm đến gã đồng cốt của mình đang trong kỳ nghỉ. Nhà văn đang đi nghỉ, nhưng Nàng Thơ của họ vẫn thức và đẻ liên tục.
Cái lợi thứ hai của chứng lắm lời đó là ở chỗ do bị bắt buộc như vậy, nên một cách hết sức tự nhiên nó được xem như chính bản chất của nhà văn. Nhà văn chắc chắn thừa nhận mình có một cuộc sống của người đời, một biệt thự cổ, một gia đình, một cốc rượu mạnh, một bé gái v.v., nhưng trái ngược với những người lao động khác thay đổi bản chất và chỉ ra bãi biển khi đi nghỉ hè, nhà văn thì ở đâu cũng vẫn giữ bản chất là nhà văn; được đi nghỉ, ông ta trưng ra ký hiệu mình cũng là người như ai; nhưng vị chúa tể vẫn còn đó, người ta là nhà văn như Louis XIV là vua, dù là ngồi trên chiếc ghế khoét lỗ*. Vì thế, chức năng của văn nhân đối với các công việc của người đời hơi giống như cao lương mỹ vị đối với cơm bữa hàng ngày: một cốt lõi kỳ diệu, vĩnh cửu hạ cố xuống hình thái xã hội để thiên hạ thấy rõ hơn sự khác biệt lạ lùng. Tất cả điều đó đều dẫn đến ý niệm về một nhà văn siêu nhân, một con người khác biệt mà xã hội bày trong tủ kính để chơi giỡn tốt hơn với sự độc đáo giả tạo nó ban nhượng cho ông ta.
Vậy hình ảnh hiền lành “nhà văn đi nghỉ” chẳng qua chỉ là một trong số những huyễn hoặc xảo quyệt mà xã hội khôn khéo tiến hành để chế ngự tốt hơn các nhà văn của nó: cách tốt nhất để phô bày sự độc đáo của một “thiên hướng” là lật ngược lại – chứ không phủ nhận, hoàn toàn không phải thế – trưng ra tính chất tầm thường của hiện thân thiên hướng ấy: đó là mánh khoé cũ kỹ của mọi thánh nhân liệt truyện. Vì vậy ta thấy huyền thoại những “kỳ đi nghỉ văn chương” ấy kéo rất dài, qua cả mùa hè: các kỹ thuật báo chí hiện đại càng ngày càng gắng sức đưa ra cảnh tượng tầm thường về nhà văn. Nhưng người ta sẽ lầm nếu tưởng rằng đấy là một nỗ lực giải hoặc. Hoàn toàn ngược lại. Chỉ là độc giả như tôi, chắc tôi có thể cảm thấy xúc động và thậm chí khoan khoái được biết những chuyện riêng tư trong cuộc sống đời thường của hạng người được thiên tài lựa chọn: chắc tôi sẽ cảm thấy tình đồng loại thân thương như anh em, mà qua báo chí tôi biết nhà văn lớn này mặc những bộ pyjama màu lam, và tiểu thuyết gia trẻ tuổi kia thích “các gái đẹp, pho mát reblochon* và nước mật oải hương”. Tuy nhiên cái giá phải trả là nhà văn trở nên nổi tiếng hơn chút nữa, xa lìa hơn chút nữa trái đất này để đến sống tại vùng trời nơi các bộ pyjama và pho mát chẳng hề ngăn cản ông ta vẫn sử dụng ngôn từ cao quý của đấng hoá công.
Cung cấp cho nhà văn trước bàn dân thiên hạ cốt cách rất phàm tục, để lộ ra rằng ông ta thích uống rượu vang trắng và ăn bít tết tái, điều đó khiến tôi thấy các sản phẩm của ông ta kỳ diệu hơn, có bản chất thần tiên hơn. Những chi tiết cuộc sống đời thường của ông ta không hề làm cho bản chất cảm hứng của ông ấy trở nên gần gũi và tỏ tường với tôi hơn, mà qua những điều riêng tư đó, nhà văn chứng tỏ tất cả thân phận độc đáo huyền thoại của mình. Bởi vì tôi chỉ có thể quy là siêu nhân loại những con người có cuộc sống bao la đến mức có thể mặc pyjama màu lam ngay trong lúc đang tỏ ra là mang ý thức đại đồng, hoặc những con người thuyết lý về pho mát reblochon ngon tuyệt vời cũng bằng một giọng như khi thông báo Hiện tượng luận Cái Tôi của họ sắp ra mắt bạn đọc. Việc kết hợp hết sức ấn tượng giữa bao điều cao quý đến thế và bao điều tầm phào đến thế biểu đạt rằng người ta vẫn còn tin vào mâu thuẫn: tổng thể của mâu thuẫn là kỳ diệu, mỗi mặt của nó cũng kỳ diệu: nó đương nhiên sẽ chẳng còn lý thú gì nữa trong một thế giới mà lao động của nhà văn mất thiêng đến mức xem ra cũng là bản chất tự nhiên như chuyện ăn chuyện mặc.