Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Huyền Thoại

Đồ Chơi

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Đồ chơi

NGƯỜI LỚN ở Pháp nhìn Trẻ em như một bản thể khác của mình, chẳng có thí dụ nào về điều đó rõ hơn là đồ chơi của Pháp. Các đồ chơi hiện đang lưu hành về căn bản là một thế giới thu nhỏ của người lớn; tất cả đều là những sản phẩm thu nhỏ tái hiện các vật dụng của con người, dường như dưới mắt thiên hạ, trẻ em tóm lại chỉ là một con người bé nhỏ hơn, một con người tí hon nên phải cung cấp các vật dụng vừa với tầm vóc của nó.

Các dạng sáng tạo thì hiếm lắm: chỉ có vài kiểu đồ chơi xếp hình dựa trên sự khéo tay liên quan đến các việc lặt vặt trong nhà là đưa ra được những dạng năng động. Còn lại, đồ chơi Pháp luôn luôn biểu đạt một cái gì đấy, và cái đó thì luôn luôn được xã hội hoá hoàn toàn, được cấu tạo bởi các huyền thoại hoặc các kỹ thuật trong đời sống hiện đại của người lớn: Quân đội, Máy thu thanh, Bưu điện, Y khoa (bộ dụng cụ khám bệnh bé xíu, phòng phẫu thuật cho búp bê), trường học, tiệm uốn tóc nghệ thuật (mũ sấy làn sóng), Hàng không (các quân nhảy dù). Vận tải (Tàu hoả, Citroën, Vedette, Vespa, Trạm dịch vụ) Khoa học (Đồ chơi sao Hoả).

Những đồ chơi của Pháp báo trước y nguyên thế giới các chức năng của người lớn, điều đó rõ ràng là chỉ có thể chuẩn bị cho đứa trẻ chấp nhận tất cả những chức năng ấy, bằng cách bầy ra trước mắt nó, ngay từ lúc nó còn chưa nghĩ đến, bóng dáng của một tự nhiên xưa nay luôn tạo ra những lính tráng, những bưu tá, những xe vespa. Đồ chơi ở đây cung cấp danh mục tất cả những thứ chẳng lạ gì với người lớn: chiến tranh, tệ quan liêu, cái xấu xa, những cư dân sao Hoả v.v.. Vả chăng, đã mô phỏng, đấy là dấu hiệu của thoái hoá, mà lại còn bắt chước y nguyên: đồ chơi của Pháp giống như cái đầu thu nhỏ của Jivaro, kích thước chỉ bằng quả táo mà thấy rõ cả từng vết nhăn từng sợi tóc của người lớn. Chẳng hạn có những búp bê biết đi đái; những búp bê ấy có thực quản, người ta cho chúng bú bình sữa, chúng tè dầm; chẳng bao lâu, chắc hẳn sữa trong bụng chúng sẽ chuyển hoá thành nước. Qua đó người ta có thể luyện cho cô bé quen với diễn tiến nhân quả trong công việc nội trợ, “tạo điều kiện” cho cô bé vai trò làm mẹ sau này. Chỉ có điều, trước cái thế giới đồ vật y như thật và phức tạp ấy, đứa trẻ chỉ có thể tự tạo lập thành chủ sở hữu, thành người sử dụng, chứ chẳng bao giờ thành nhà sáng tạo; nó không sáng chế ra thế giới, nó sử dụng thế giới: người ta chuẩn bị cho nó những động tác không phiêu lưu, không ngạc nhiên, không hứng thú. Người ta biến nó thành một ông chủ nhỏ ru rú xó nhà thậm chí chẳng cần phải tìm ra những thứ chi phối quan hệ nhân quả khi đã trưởng thành; người ta cung cấp cho nó tất cả mọi thứ đã sẵn sàng: nó chỉ việc sử dụng, người ta chẳng bao giờ cho nó cái gì để cần phải bao quát. Bất cứ trò chơi xếp hình nào, miễn rằng đừng tinh tế quá, cũng đều giúp cho việc tập dượt vào đời khác hẳn: ở đấy đứa trẻ chẳng sáng tạo những đồ vật có ý nghĩa, nó chẳng mấy quan tâm các đồ vật ấy người lớn gọi là gì: thao tác của nó không phải là sử dụng mà là thiên tạo: nó sáng tạo ra những thứ biết đi, biết lăn, nó sáng tạo ra một cuộc sống, chứ không phải một tài sản; các đồ vật ở đấy tự mình xử sự, chúng không còn là một chất liệu trơ ỳ và phức tạp trong lòng bàn tay. Nhưng loại đó thì hiếm hơn: đồ chơi của Pháp thông thường là đồ chơi mô phỏng, nó muốn tạo những đứa trẻ sử dụng, chứ không phải những đứa trẻ sáng tạo.

Tính chất tư sản hoá của đồ chơi không chỉ nhận thấy ở các dạng thức, tất cả đều thiết dụng, mà còn ở chất liệu của nó nữa. Các đồ chơi hiện đang lưu hành đều bằng vật liệu bạc bẽo, sản phẩm của hoá học, chứ không phải của tự nhiên. Nhiều thứ ngày nay được làm bằng những chất liệu phức tạp; đồ nhựa xem ra vừa thô vừa vệ sinh, sờ vào chẳng còn thấy thích thú, êm dịu, thân thương. Một dấu hiệu khiến ta phải sững sờ, đó là sự biến mất dần của gỗ, chất liệu phải nói là lý tưởng vì nó chắc chắn và thắm thiết, khi tiếp xúc cảm thấy hơi ấm tự nhiên; gỗ dù ở hình dạng nào cũng loại bỏ được những góc cạnh quá sắc nhọn làm ta đau, loại bỏ được cái lạnh hoá học của kim khí; khi trẻ cầm chơi hoặc đập mạnh, đồ chơi ấy không rung lên mà cũng chẳng rít ken két, nó phát ra một âm thanh vừa đùng đục vừa rõ ràng; đó là chất liệu thân thuộc và nên thơ, nó khiến cho đứa trẻ như vẫn đang tiếp xúc với cây cối, với bàn ghế, với sàn nhà. Gỗ không gây thương tích mà cũng chẳng hỏng hóc; nó không vỡ, nó cũ mòn đi, nó có thể dùng được lâu, sống cùng đứa trẻ, cải biến dần dần những mối quan hệ giữa đồ vật với bàn tay; nếu nó chết, thì đó là bằng cách tóp lại, chứ không phình ra, như những đồ chơi cơ khí kia chúng chẳng còn khi một chiếc lò xo hỏng bật ra khỏi vị trí. Gỗ làm ra những đồ vật cốt yếu, những đồ vật của muôn đời. Thế nhưng hầu như chẳng còn nữa các đồ chơi bằng gỗ, các ca khúc mục đồng xứ Vosges*, là những thứ, đúng thế, chỉ có được trong một thời của nghề thủ công. Đồ chơi từ nay có tính chất hoá học, cả về chất và màu sắc: ngay cả vật liệu của nó cũng toàn đem lại cảm giác sử dụng, chứ không phải cảm giác thích thú. Ngoài ra, những đồ chơi ấy rất mau chóng chết đi, và khi đã chết rồi, chúng không còn lưu lại ở đứa trẻ bất cứ dấu vết gì cả.

Chọn tập
Bình luận